KẾ HOẠCH ĐIỀU HÀNH CUỘC HỌP
CHỦ ĐỀ: THẠNH PHÚ HỌP THÍCH ỨNG VỚI XÂM NHẬP MẶN
THƯ KÍ: Kính thưa Bí thư Đảng, Chủ tịch UBND, cán bộ các ban ngành
đoàn thể huyện Thạnh Phú, trước tình hình hạn hán kéo dài, xâm ngập mặn
làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thạnh Phú.
Ngày 29/3/2016 tại phòng họp 202/B1 trường Đại học Cần Thơ, Đồng chí
Châu Thị Bích Thuyền – Bí thư đảng huyện Thạnh Phú tổ chức cuộc họp
“Thạnh Phú thích ứng với xâm nhập mặn”
BÍ THƯ ĐẢNG: Kính thưa quí vị đại biểu, kính thưa quí khách mời.
Chúng ta đang đứng trước một thách thức khốc liệt và gay gắt nhất trong lịch
sử 100 năm qua. Hạn hán và nước mặn đã xâm nhập khắp nơi và nhất là các
tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)
ĐBSCL lại có vai trò vô cùng quan trọng đối với an ninh lương thực quốc gia.
Dân số và kinh tế cùng ven biển ĐBSCL lại chiếm một vị trí trọng yếu cho quá
trình phát triển của cả đồng bằng này. Do vậy, bất kỳ một tác động bất lợi nào
làm mất ổn định cho vùng này, mà điển hình hơn cả là xâm nhập mặn ngày
càng sâu, sẽ phải được xem xét và kiểm soát.
Và thực tế tại Bến Tre là một trong những địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp
của xâm nhập mặn, chưa bao giờ nước nhiễm mặn 1g/l bao phủ hầu khắp
tỉnh này, 162/164 xã không có nước ngọt để sinh hoạt. Như thế, gần như toàn
bộ “đảo dừa” chìm trong nước mặn. Đây là một trong những tỉnh bị thiệt hại
nặng nề do hạn mặn gây ra, không chỉ thiếu nước cho vụ mùa, ngay cả nước
sinh hoạt của người dân cũng bị ảnh hưởng trầm trọng. Nhân dân tỉnh Bến
Tre đang phải gồng mình chống chịu những ảnh hưởng chưa từng có trên
diện rộng.
Trước tình hình chung diễn ra gay gắt như vậy, chúng ta cần phải nắm rõ tình
hình huyện mình để có những giải pháp đồng bộ để ứng phó với hạn mặn,
nhằm hạn chế tối đa thiệt hại. Vì vậy, việc huyện Thạnh Phú chúng ta họp
thích ứng với xâm nhập mặn là cần thiết, cấp bách ngay lúc này. Mời các
Đồng chí chúng ta vào cuộc họp.
THƯ KÍ: Tiếp theo, đại diện Hội nông dân xin mời bà Trần Thị Tuyết Trinh
trình bày ý kiến về tình trạng xâm ngập mặn hiện nay trong huyện.
HỘI NÔNG DÂN: Kính thưa đ/c Châu Thị Bích Thuyền. Kính thưa đ/c
Nguyễn Thị Khánh Hòa và cán bộ các ban ngành, tôi xin đại diện cho hội
nông dân của huyện đến đây để nêu lên những khó khăn do xâm nhập mặn
tấn công:
Thời gian qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mưa ít, nắng nóng kéo dài
đã dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn lấn sâu vào các kênh nội đồng, gây thiệt
hại cho cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện Thạnh Phú. Ở tiểu vùng I, độ
mặn là 50/00 gây thiệt hại trực tiếp 4.500 ha đất sản xuất hoa màu, dừa và lúa.
Vùng nước lợ thuộc Tiểu vùng II có độ mặn 6-7 0/00 đã gây thiệt hại khoảng
5.000 ha sản xuất lúa, trong đó có 1.000 ha lúa bị thiệt hại 30- 50%.
Riêng vùng nước mặn thuộc tiểu vùng III, độ mặn lên đến 10 0/00 là vùng
chuyên canh tôm và rừng ngập mặn. Tuy nhiện, hạn mặn cũng đã gây ảnh
hưởng đến cây màu trên đất giồng cát và một số diện tích trồng lúa mùa
khoảng 600 ha. Ngoài ra, 3 vùng sinh thái này, nhiều hộ dân còn thiếu nước
ngọt và nước sạch sinh hoạt, nhất là vào mùa khô đã gây ảnh hưởng đến đời
sống.
Người dân phải chuyển sang dùng nước mưa dự trữ. Nhiều hộ đã thuê thợ
khoan giếng, nhưng cũng bị nhiễm phèn, phải qua nhiều khâu xử lý mới sử
dụng được, người dân phải mua có nơi đến 100.000 đồng/m3, một con số
quá cao so với thu nhập của người nông dân chúng tôi.
Thực sự mà nói từ lúc tôi sinh ra và biết làm ruộng làm rẫy đến bây giờ chưa
năm nào nước mặn xâm nhập sớm và lấn sâu vào đất liền gay gắt như năm
nay. Người dân chúng tôi đã ảnh hưởng rất nhiều từ xâm nhập mặn. Kính
mong các đồng chí, cán bộ chuyên môn có thể đưa ra các giải pháp cũng
như các chính sách để người dân chúng tôi thích ứng được với hiện tượng
xâm nhập mặn như hiện tại và cải thiện được đời sống của mình. Tôi xin hết.
THƯ KÍ: Xin cám ơn bà Trần Thị Tuyết Trinh đã trình bày. Mời đồng chí
chủ tịch có đôi lời phát biểu.
CHỦ TỊCH UBND: Sau phần trình bày của đại diện Hội nông dân, ta thấy,
thu nhập của bà con nông dân ở đây chủ yếu dựa vào con tôm và cây lúa, vụ
lúa bị thất rồi nên mọi hy vọng đều đặt vào con tôm nuôi ở vụ này. Vì vậy, kiến
nghị ngành Nông nghiệp (trưởng phòng NN và PTNT) cần tập trung làm tốt
công tác vận hành thủy lợi, thông báo lịch điều tiết nước mặn cho nông dân
chủ động ứng phó, nhằm tránh bị rủi ro này.
THƯ KÍ: Để có những giải pháp thiết thực về vấn đề này, xin kính mời
Đồng chí Phạm Thị Thúy Huỳnh - Trưởng phòng NN & PTNT trình bày ý kiến.
TRƯỞNG PHÒNG NN & PTNT: Kính thưa Đồng chí Châu Thị Bích
Thuyền. Kính thưa Đồng chí Nguyễn Thị Khánh Hòa và cán bộ các ban
ngành, đứng về góc độ chuyên ngành, sau đây tôi xin đưa ra một số ý kiến
cũng như đề ra những giải pháp để có thể giải quyết tình trạng ngập mặn
hiện nay ở địa bàn huyện ta.
Như chúng ta đã biết, xâm ngập mặn trong mùa mưa là không đáng kể đối
với đời sống sinh hoạt của người dân huyện Thạnh Phú, nhưng trái lại trong
mùa khô, vấn đề xâm ngập mặn lại diễn ra hết sức gay gắt và làm ảnh hưởng
không nhỏ đến sinh kế và sinh hoạt của người dân như Bà Trần Thị Tuyết
Trinh đã nói trên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này theo tôi được biết là do
ảnh hưởng của BĐKH và nước biển dâng và việc chặt phá rừng bừa bãi, nuôi
tôm tự phát đang diễn ra ở địa bàn huyện. Do đó theo tôi thì biện pháp hiệu
quả để đối phó với xâm ngập mặn ở huyện ta là bố trí lại lịch thời vụ và sử
dụng những giống có khả năng chống mặn tốt, xây dựng vùng dự án luân
canh tôm lúa (nuôi tôm sú vào mùa khô và kết hợp với xen canh tôm càng
xanh lúa vào mùa mưa).
Mặc dù huyện Thạnh Phú đã xây dựng được hệ thống thủy lợi nhằm ngăn
mặn cho khu vực chuyên trồng lúa nhưng hệ thống cống vẫn chưa hoàn thiện
làm ảnh hưởng đến diện tích lúa khá lớn trong những năm gần đây do đó cần
nâng cấp hệ thống cống và thành lập lịch đóng, mở cống một cách hợp lí nhất
để điều tiết lượng nước mặn dẫn vào nội đồng.
Vấn đề nước sạch cho người dân cũng là một vấn đề nan giải đối với huyện
Thạnh Phú, do đó chúng ta cần khuyến khích kèm với việc hỗ trợ một phần
kinh phí cho người dân xây lu, ống, đào ao để chứa nước ngọt, tránh tình
trạng khan hiếm nước ngọt vào mùa khô. Ngoài ra việc cần thiết nhất là đầu
tư khẩn cấp các điểm cấp nước sinh hoạt tập trung để phục vụ cho các hộ
dân thiếu nước vì theo tôi biện pháp xây bể chứa chỉ là tạm thời chừ không
giải quyết được triệt để vấn đề
Đây là phần giải pháp của tôi mong nhận được ý kiến góp ý của các lãnh đạo,
các ban ngành, đoàn thể để có thể hoàn thiện hơn.
HỘI NÔNG DÂN: Tôi cám ơn Cán bộ ban ngành đã đưa ra các giải pháp
giúp cho người dân chúng tôi, nhưng tôi có một vài thắc mắc nếu chuyển đổi
từ trồng lúa, hoa màu sang mô hình luân canh tôm lúa (nuôi tôm sú vào mùa
khô và kết hợp với xen canh tôm càng xanh lúa vào mùa mưa) một cách đột
ngột thì chúng tôi có làm tốt được không khi chưa biết rõ về kỹ thuật và chưa
chủ động được nguồn vốn. Mong các cán bộ ban ngành, các cấp chính quyền
có thể quan tâm, xem xét giúp đỡ chúng tôi.
TRƯỞNG PHÒNG NN - PTNT: Về vấn đề kỹ thuật của mô hình luân canh
tôm lúa (nuôi tôm sú vào mùa khô và kết hợp với xen canh tôm càng xanh lúa
vào mùa mưa) thì Phòng NN – PTNT của chúng tôi sẽ cử các kỹ thuật viên,
cán bộ khuyến nông kết hợp với chính quyền địa phương sẽ mở các lớp tập
huấn kỹ thuật, tổ chức các điểm trình diễn mô hình này cho nông dân tham
quan, học hỏi kinh nghiệm. Nhưng mà vấn đề lớn ở đây là nguồn kinh phí
thực hiện cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền.
THƯ KÍ: Xin cám ơn Bà Trần Thị Tuyết Trinh và trưởng phòng Nông
nghiệp
Về vấn đề này tôi xin mời ý kiến của Đ/c Bí thư!
BÍ THƯ HUYỆN: Vừa rồi Tôi đã nghe và phần nào hiểu về nỗi lo của
người dân và các giải pháp từ trưởng phòng NN đề ra. Tôi sẽ xem xét, họp
nội bộ và lập bảng kế hoạch kiến nghị lên cấp trên hỗ trợ nguồn kinh phí để
thực hiện. Trước mắt nhờ đồng chí Chủ tịch khoanh những vùng bị thiệt hại
nghiêm trọng, trên cơ sở đó thiết lập bảng kế hoạch và dự trù nguồn kinh phí.
CHỦ TỊCH UBND: Trước những diễn biến bất thường và thiệt hại nghiêm
trọng bởi xâm nhập mặm, mới đây, UBND huyện Thạnh Phú đã công bố tình
trạng thiên tai xâm nhập mặn trên địa bàn, huy động mọi nguồn lực để thích
ứng và phòng chống nhằm hạn chế thiệt tối đa hại gây ra. Theo kết quả báo
cáo về tình hình xâm nhập mặn vừa qua, huyện Thạnh Phú hiện nay có nhiều
xã bị thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra, trong đó có 03 xã Quới Điền, An
Thạnh và Thạnh Hải là nghiêm trọng nhất, cần sớm có chính sách hỗ trợ cho
nông dân bị thiệt hại để giúp bà con tiếp tục sản xuất.
HỘI NÔNG DÂN: Tôi xin cám ơn sự quan tâm của các cấp chính quyền,
nhưng mà hiện tại người dân chúng tôi đang sử dụng nước với giá rất đắt đỏ,
nhiều hộ gia đình không có điều kiện mua với mức giá cao như vây, mong các
cấp lãnh đạo sẽ có những giải pháp kịp thời giải quyết vấn đề cấp bách này.
THƯ KÍ: Về vấn đề này xin mời ý kiến của Đồng chí Bí thư Đảng.
BÍ THƯ ĐẢNG: UBND huyện sẽ xin và trích quỹ để làm đường ống kéo
nước sạch và khoan giếng bổ sung nguồn nước sinh hoạt cho người dân nơi
đây; liên kết với các trạm cấp nước và doanh nghiệp cung cấp nước để có giá
tốt nhất cho người dân.
HỘI NÔNG DÂN: Tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm cũng như hỗ
trợ của các cấp chính quyền, mong rằng qua đó có thể giải quyết cho bà con
đỡ khổ hơn.
THƯ KÍ: Sau khi nghe đồng chí Bí thư, đồng chí Chủ tịch, trưởng Phòng NN và
PTNT huyện báo cáo kết quả sản xuất nông nghiệp, tình hình thiệt hại trong sản xuất
do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn và ý kiến phát biểu của đoàn thể. Kết
luận cuộc họp - Chủ tịch UBND huyện có ý kiến phát biểu chỉ đạo, xin mời đồng chí.
CHỦ TỊCH UBND:
- UBND các xã, thị trấn phối hợp với các Đoàn thể điều chỉnh lịch thời vụ đông
xuân 2015 - 2016 sớm hơn từ 20 - 30 ngày so với lịch thời vụ hằng năm để tránh mặn.
Đồng thời, khuyến cáo sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chịu mặn, theo hướng dẫn
của Cục Trồng trọt. Đối với diện tích lúa xuân hè và màu xuống ruộng đã gieo xạ thì
UBND xã, thị trấn phải phối hợp Phòng Nông nghiệp & PTNT thường xuyên thăm
đồng, kiểm tra, quản lý tốt nguồn nước để có hướng xử lý kịp thời.
- Các Đoàn thể chính trị xã hội huyện tích cực tham gia tuyên truyền cho người dân
hiểu rõ về ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn,…
- Trạm Quản lý thủy nông phải tăng cường công tác quản lý độ mặn trên địa bàn
huyện. Khẩn trương làm công tác thủy lợi mùa khô. Tổ chức các biện pháp lấy nước
và trữ nước: đắp đập ngăn mặn, nạo vét hệ thống kênh mương, tổ chức bơm chuyền,
lắp đặt các điểm cấp nước công cộng tại các khu vực thiếu nước ngọt, sẵn sàng bơm
lấy nước ngọt, trữ vào hệ thống kênh mương, đồng ruộng,...
- Về cấp nước sinh hoạt, sử dụng phương tiện lưu động cung cấp thiết bị phục vụ cấp
và trữ nước cho các hộ gia đình không có nước ngọt phục vụ sinh hoạt hằng ngày.
- Giao Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện nghiêm túc xem xét, đánh giá cơ cấu
mùa vụ của huyện xem có phù hợp điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương
hiện nay không? Nếu không đề xuất điểu chỉnh Quy hoạch sản xuất cho phù hợp.
- Triển khai thực hiện các dự án công trình thủy lợi năm 2016 đúng tiến độ thời gian,
đảm bảo chất lượng, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp và giao thông đường thủy.
- Về lâu dài, phòng NN & PTNT kết hợp với các ngành liên quan tiến hành rà soát
điều chỉnh quy hoạch sản xuất, quy hoạch thủy lợi, quy hoạch đê sông, chống sạt lở
cửa biển, bờ biển. Đồng thời nghiên cứu đưa ra các giải pháp chống sụt lỡ đất cho địa
bàn thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã và đang ảnh hưởng nghiêm
trọng như hiện nay.
THƯ KÍ: Xin cám ơn đồng chí Chủ tịch.
BÍ THƯ ĐẢNG: Nếu như các đồng chí không có ý kiến gì, thì cuộc họp của
chúng ta sẽ kết thúc tại đây.