Tải bản đầy đủ (.docx) (5 trang)

GẮN LIỀN CHỨC NĂNG VĂN HỌC KHI GIẢNG DẠY TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (118.98 KB, 5 trang )

“GẮN LIỀN CHỨC NĂNG VĂN HỌC KHI GIẢNG DẠY
TÁC PHẨM VĂN HỌC”
Thạc sỹ: Võ Thị Thanh Tâm
Trường THCS số 2 Hưng Trạch
Lý luận văn học là một phân môn quan trọng trong chương trình Ngữ văn.
Đây được coi là môn cơ sở của ngành, cung cấp những tiền đề, kiến thức cơ bản để
thâm nhập, thấu hiểu một tác phẩm văn học. Trong thực tế việc dạy và học Lý luận
văn học ở các Trường Đại học, Cao đẳng chuyên ngành được quan tâm, chú trọng
và ngày càng nâng cao về chất lượng chuyên môn. Ở các trường Trung học phổ
thông lý luận văn học đã được đưa vào giảng dạy và bước đầu cung cấp cho học
sinh những nền tảng cơ bản. Thế nhưng trong chương trình Ngữ văn THCS chưa
dành thời gian cho giảng dạy lí luận, học sinh chưa nắm bắt được những kiến thức
cơ sở của ngành để làm nền tảng khi tiếp nhận tác phẩm, đặc biệt là vấn đề “chức
năng văn học” – nó gắn chặt với việc giải mã ý nghĩa của tác phẩm và áp dụng vào
thực tế cuộc sống. Chính vì vậy “gắn liền chức năng văn học khi giảng dạy tác
phẩm văn học” là một vấn đề cần được quan tâm và thực hiện nghiêm túc để cung
cấp cho học sinh các tri thức lí luận, làm cơ sở lý giải các vấn đề của tác phẩm một
cách toàn diện.
Theo từ điển thuật ngữ văn học: “chức năng của văn học là vai trò, tác
dụng của văn học đối với đời sống xã hội, giá trị xã hội của văn học đối với đời
sống tinh thần của con người…chức năng văn học được nhấn mạnh là chức năng
nhận thức, chức năng giáo dục, chức năng thẩm mĩ, chức năng giao tiếp, bởi vì
văn học là tiếng lòng của con người hướng tới các giá trị chân, thiện, mĩ” [2,
tr.98].
1.Hiện nay song song với phương pháp dạy học truyền thống, phương pháp
dạy học tích cực – phát huy tính chủ động sáng tạo của học sinh được áp dụng,
phát huy hiệu quả. Khi giảng dạy tác phẩm văn học, người giáo viên nên có nghệ
thuật lồng việc dạy chức năng nhận thức của văn học qua sự phát huy tính tích cực
của học sinh. Chức năng nhận thức là tác phẩm cung cấp cho người đọc những
hiểu biết phong phú về lịch sử, địa lý, về văn hoá, xã hội, phong tục tập quán…và
quan trọng hơn là giúp họ khám phá những vấn đề xã hội, những bí ẩn trong đời


sống tình cảm và tâm hồn của con người. Người giáo viên nên khéo léo hướng dẫn
học sinh nhận ra các tri thức trên nhiều lĩnh vực mà văn bản cung cấp kết hợp đồng
thời với việc giảng dạy tích hợp dọc với các lĩnh vực khác tạo nên sự toàn diện
trong lĩnh hội tác phẩm văn học.


Khi dạy văn bản “Chiếc lá cuối cùng” của OHenry - Ngữ văn 8, chức năng
nhận thức thể hiện ở chỗ văn bản đã mang đến cho người đọc những cái nhìn mới
về con người và đất nước Mỹ. Đó là đất nước có những căn hộ cho thuê ẩm thấp
bên các khu phố sầm uất. Không chỉ ở tác phẩm này mới nhắc đến điều này mà
trong rất nhiều tác phẩm khác của OHenry sự tương phản giữa tầng lớp những
người nghèo khổ với sự hiện đại của nước Mỹ được thể hiện rõ. Nước Mỹ, đằng
sau cái Mỹ lệ hào hoa còn có những con người, cảnh tượng đối lập đến đáng
thương với nó. Nhận thức được chức năng nhận thức của văn học cũng có nghĩa là
học sinh đã hiểu giá trị hiện thực của văn bản ấy.
Trong văn bản “Ông Đồ”, Vũ Đình Liên đã phản ánh lại một nét đẹp văn
hoá truyền thống của dân tộc ta - viết câu đối chữ ngày tết. Điều khiến chúng ta
ngậm ngùi đó là khi biết được nét đẹp ấy đang dần dần mất đi. Theo thời gian, hình
ảnh “Ông đồ” đã vắng bóng.
Bước sang giai đoạn những năm chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ,
chúng ta nhận thức được sự khốc liệt của chiến tranh, sự khó khăn của hiện thực
cuộc sống thời chiến qua các tác phẩm văn học. “Đồng chí” của Chính Hữu, “Bài
thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật, “Những ngôi sao xa xôi”
của Lê Minh Khuê đã vẻ lại bức tranh chân thực về một giai đoạn đầy gian khổ
khó khăn ấy. Đó là hiện thực của những cơn sốt rét rừng, của cái đói, cái rét, cái
thiếu thốn tình cảm gia đình. Nhưng đó cũng là hiện thực của tinh thần lạc quan
cách mạng và tình cảm yêu thương đoàn kết sẻ chia đã là sức mạnh để nhân dân ta
vượt qua những kẻ thù lớn của lịch sử.
Chức năng nhận thức của văn học xét đến cùng là giá trị hiện thực của văn
học. Đi sâu hơn nữa người giáo viên nên khéo léo lồng ghép tri thức lý luận vào

văn học. Bởi vì bản chất của văn học là phản ánh hiện thực khách quan thông qua
lăng kính chủ quan của nhà văn. Một tác phẩm có giá trị là một tác phẩm đứng trên
hiện thực và phản ánh hiện thực, không xa rời cuộc sống. Đây chính là cái cốt lõi
làm tiền đề để học sinh tìm hiểu giá trị hiện thực trong mỗi tác phẩm.
2. Sự phản ánh văn học bao giờ cũng có một khuynh hướng, gắn liền với
một chỗ đứng, một cách nhìn, một thái độ với hiện thực mô ta. Do đó, văn học có
tác dụng giáo dục, cải tạo quan điểm, tư tưởng, đạo đức rất lớn. “Nhưng văn học
giáo dục con người không phải như một nhà thuyết giáo mà như là người bạn
đồng hành, đối thoại tâm tình với bạn đọc, một tấm gương để người đọc tự soi
mình, nên đã chuyển quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục, tự thuyết
phục một cách tự giác” [2, tr.98]. Tiếp nhận văn học nghệ thuật gắn liền với nhu


cầu muốn vươn đến cái đẹp, cái lí tưởng và cái hoàn mỹ. Cho nên khi giảng dạy
các tác phẩm văn học người giáo viên phải hướng dẫn học sinh tự tìm ra cái đẹp
của tác phẩm để học sinh tự soi chiếu mình vào nó, làm sao để chuyển được quá
trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục của học sinh. Đây cũng chính là tư tưởng
mà tác giả muốn gửi gắm tới bạn đọc bên cạnh một bức tranh hiện thực.
Tiếp nhận “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, “Chiếu dời đô” của Lý
Công Uẩn, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi cần phải làm rõ vẻ đẹp của lòng
yêu nước. Tình cảm ấy như Hồ Chủ Tịch đã nói đó là thứ vũ khí mạnh mẽ để nhấn
chìm bè lũ cướp nước và bán nước. Từ sức mạnh của tình cảm ấy học sinh tự soi
chiếu mình và có khát vọng vươn tới cái đẹp, có ý thức trách nhiệm với đất nước.
Đến với những tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn
Dữ, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, thông qua hình tượng của các nhân vật chính
giáo viên hưỡng dẫn học sinh tìm hiểu, cảm nhận được cái đẹp trong nhân vật để
học sinh tự soi chiếu mình vào đó. Bổn phận làm con, tấm lòng hiếu thảo được đặt
lên hàng đầu. Vũ Nương trong “Chuyện người con gái Nam Xương” và Thuý
Kiều trong “Truyện Kiều” đã làm tròn điều đó. Trước sự hy sinh của Thuý Kiều
khi từ bỏ khát vọng chính đáng của con người đó là khát vọng tình yêu, khát vọng

hạnh phúc, khát vọng được sống cho bản thân mình để bán mình làm tròn chữ
“hiếu” với cha mẹ đã làm cho người đọc cảm động và tự soi chiếu vào bản thân
mình.
Khi dạy “Trong lòng mẹ” của Nguyên Hồng, “Chị Dậu” của Ngô Tất Tố,
“Lão Hạc” của Nam Cao, giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh tự cảm nhận được
vẻ đẹp trong tâm hồn nhân vật chính. Đó là tình yêu thương, niềm tin dành cho mẹ;
yêu thương gia đình, nghị lực sống mạnh mẽ; tình yêu thương con tha thiết và luôn
giữ vững nhân cách cao đẹp trong mọi hoàn cảnh.
Mỗi tác phẩm là một lý tưởng đẹp, một bài học quý báu, một khát khao để
chúng ta vươn tới tự hoàn thiện mình. Đó cũng chính là cái mong muốn mà người
sáng tác khi cầm bút luôn trăn trở, băn khoăn làm sao để chuyển tải tới người đọc.
Chức năng thẩm mĩ, giáo dục cũng chính là giá trị nhân đạo của tác phẩm
mà cả người dạy và người học cần vươn tới. Điều quan trọng là làm thế nào để
giáo viên giúp học sinh đồng cảm với những giá trị tư tưởng nhân văn cần đạt tới
trong mỗi tác phẩm là nhiệm vụ giảng dạy của giáo viên dạy Ngữ văn như LepTôn-xTôi đã nói : “Vấn đề không phải biết là quả đất tròn mà là làm thế nào để
biết được quả đất tròn?”. Chân lí là quý báu! Nhưng cách tìm ra chân lí còn quý
hơn nhiều. Giáo viên cần định hướng, phát huy tính tích cực của học sinh để học


sinh tự cảm nhận được tính thẩm mỹ trong bài học và tự soi chiếu tìm được bài học
cho mình để vươn tới vái lý tưởng, hoàn thiện. Gắn liền chức năng văn học khi dạy
tác phẩm văn học là tiền đề, cơ sở để học sinh tự tiếp nhận trong mỗi tác phẩm, là
con đường để người học cắt nghĩa, lý giải ý nghĩa của tác phẩm, tư tưởng của nhà
văn và tự soi chiếu với chính mình.
3. “Văn học cũng là một phương tiện để giao tiếp. Nhà văn đặt bút sáng tác
là để đáp ứng đòi hỏi bên trong bản thân mình về giãi bày, chia sẻ, trao đổi, đối
thoại với người khác...văn học là chiếc cầu nối người đọc với người đọc, một
phương tiện liên kết xã hội” [2, tr.99]. Chúng ta đang sống trong thời hiện đại, thời
của công nghệ. Cuộc sống ngày càng đáp ứng đủ nhu cầu của con người nhưng
cũng là lúc đẩy con người vào sự cô đơn ghê gớm. Mỗi con người là mộc ốc đảo

giữa biển khơi. Họ hoài nghi về sự tồn tại của chính mình. Hoặc là cuộn mình
trong vỏ bọc của chính mình, hoặc là tìm sự chia sẻ, đồng cảm. Văn học giúp con
người giao tiếp, tìm được sự đồng điệu trong tâm hồn qua các nhân vật. Tiếp nhận
mỗi tác phẩm, học sinh biết đến một con người mới, một hoàn cảnh mới, tìm được
sự gắn kết trong tâm hồn. Người đọc xúc động khi cảm thấy cùng cảnh ngộ với em
bé bán diêm trong “Cô bé bán diêm” của An-đec-xen, xúc động về tình cảm bà
cháu khi đọc “Bếp lửa” của Bằng Việt, vơi đi nỗi buồn hơn khi thấy sự thiếu thốn
tình cảm của Bé Hồng trong “Trong lòng mẹ” của Nguyên Hồng...
Mỗi tác phẩm là một cuộc giao tiếp. Người đọc sẽ thấy mình không còn lẻ
loi, giảm bớt đi sự cô đơn vốn là bản thể và luôn in sâu trong mỗi con người.
4. Gắn liền chức năng của văn học khi dạy tác phẩm văn học cũng có nghĩa
là giáo dục kỹ năng sống một cách toàn diện, hướng học sinh tới cái hoàn thiện.
Thiết nghĩ đây là một vấn đề rất quan trọng, là đích đến của việc giảng dạy môn
ngữ văn. Thế nhưng trên thực tế chứng ta chưa chú trọng việc này. Theo tôi cái
quan trọng là không chỉ giúp học sinh cảm nhận, chia sẻ đồng cảm phát hiện được
cái hay cái đẹp trong tác phẩm mà quan trọng nhất là từ những cái đẹp đó phải làm
sao để nó là của học sinh. Từ đó học sinh có cách sống, kỹ năng sống đúng với
những cái đẹp mà học sinh đã biết.
Người giáo viên dạy ngữ văn cần xác định rõ điều đó, cần khéo léo lồng
ghép các tri thức lý luận nói chung cũng như chức năng văn học nói riêng khi dạy
tác phẩm làm tiền đề, cơ sở để học sinh hiểu được bản chất của văn học, tiếp nhận
được cái hay, vươn tới cái đẹp, cái lý tưởng và hoàn thiện. Từ đó có những kỹ năng
sống đẹp như những gì đã học.


TÀI LIỆU THAM KHAO
1. Trần Đình Chung (2004), Mấy vấn đề về phương pháp giảng dạy Ngữ văn
Trung học Cơ sở, NXB Giáo dục
2. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử (2009), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục
3. Nhiều tác giả (2000), Thiết kế giảng dạy văn chương ở nhà trường THPT- NXB

Giáo dục Hà Nội
4. Trần Đình Sử (1998), Những công trình Lý luận và phê bình văn học,NXB văn
học
5. Bộ GD-ĐT (2004), Bộ sách giáo khoa và giáo viên ngữ văn THCS, NXB Giáo
dục
6. Nguyễn Đình Sử, Phương Lựu, Xuân Nam (2000), Lý luận văn học tập 2- NXB
Giáo dục.



×