Tải bản đầy đủ (.docx) (4 trang)

TÌNH CẢNH LẺ LOI CỦA NGƯỜI CHINH PHỤ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (52.72 KB, 4 trang )

Trong cuộc đời, có lẽ mọi người phụ nữ trên thế gian đều mong muốn có được một
niềm hạnh phúc trọn vẹn. Việc này đối với những người sống trong thời bình như chúng ta thì chẳng có
gì là khó nhưng với những người sống ở thời chiến tranh loạn lạc thì quả là một chuyện xa vời. Bởi lẽ khi
ấy, tất cả trai tráng dù muốn hay không đều phải từ giã người thân mà lên đường ra trận. Chính vì điều
này, Đặng Trần Côn đã viết tác phẩm “Chinh phụ ngâm” (về sau được Đoàn Thị Điểm hoặc Phan Huy Ích
dịch) như để bày tỏ sự cảm thông, thương xót của ông trước nỗi khổ đau, mất mát của con người, nhất
là những người vợ lính trong chiến tranh. Và nỗi cô đơn, buồn khổ của người chinh phụ đã được tác giả
khắc hoạ rõ nét qua đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ”.
Mở đầu đoạn trích, tác giả viết:
“Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.
Ngoài rèm thước chẳng mách tin,
Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?”
Câu song thất đầu dường như đã in sâu vào tâm trí người đọc hình ảnh người chinh phụ gieo từng bước
nặng nề, chậm rãi bên hiên vắng. Chắc hẳn tại nơi này, trước kia người chinh phụ đã có những giây phút
rất hạnh phúc bên chồng và lúc ấy hiên không hề vắng mà luôn rộn rã tiếng cười nói của đôi vợ chồng.
Tuy nhiên, quay về với hiện tại, giờ đây người chinh phụ lại đang phải cô đơn, lẻ bóng lê bước lần ra đầu
ngõ. Mỗi lần đi là mỗi lần hi vọng nhìn thấy chinh phu trở về song tất cả đều vụt tan trong nỗi thất vọng.
Thế là người chinh phụ lại ngậm ngùi vào trong nhà. Ngồi bên cửa sổ, nàng hết cuốn rèm lên rồi lại
buông rèm xuống với một nỗi niềm khát khao, mong muốn bóng dáng chồng mình sẽ xuất hiện sau bức
rèm ấy dù tận sâu trong đáy lòng người chinh phụ vẫn biết sẽ không bao giờ có chuyện đó vì “Ngoài rèm
thước chẳng mách tin”. Hành động dạo hiên vắng và cuốn rèm lên, buông rèm xuống được người chinh
phụ thực hiện nhiều lần, có lẽ đến khi nào chinh phu trở về thì mới thôi. Nói đến đây, tôi chợt nhớ đến
sự tích “Hòn vọng phu”. Người vợ vì quá mong nhớ chồng mà ngày ngày đều lên núi nhìn về con đường,
nơi người chồng ra đi biệt tăm, biệt tích. Rồi vì quá mỏi mòn, vô vọng, thiếu phụ ấy đã hoá đá. Có thể
thấy, hình tượng của người chinh phụ và thiếu phụ khá giống nhau. Cả hai đều mang một tâm trạng nhớ
nhung tha thiết, đau buồn, sầu muộn khôn nguôi. Và hơn hết, họ là đại diện của người phụ nữ Việt Nam
với tấm lòng thuỷ chung son sắt, trọn nghĩa với chồng. Qua bốn câu thơ này, chắc hẳn người đọc cũng đã
phần nào thấy được tài năng của tác giả qua việc miêu tả nội tâm nhân vật. Không một chữ buồn, chữ
sầu mà chỉ bằng việc miêu tả những hành động lặp đi lặp lại nhiều lần, nhưng chúng ta cũng đã ít nhiều
thấu hiểu được nỗi sầu của người chinh phụ - nỗi sầu biệt ly.


Thế nhưng, nếu nỗi sầu của người chinh phụ chỉ dừng lại ở đó thì có lẽ Đặng Trần Côn cũng
không thương xót cho số phận của nàng đến vậy. Đằng này, nỗi sầu ấy cứ kéo dàu từ ngày sang đêm,
chẳng thể nguôi ngoai. Khi vệt nắng phía cuối chân trời nhường chỗ cho những vì sao lấp lánh toả ra thứ
ánh sáng mờ nhạt , dường như đó là thời điểm mà người chinh phụ cảm thấy cô đơn, buồn sầu nhất.
“Đèn có biết dường bằng chẳng biết,


Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.
Buồn rầu chẳng nói nên lời,
Hoa đèn kia với bóng người khá thương”.
Màn đêm đã buông xuống, phủ kín không gian bên ngoài. Trong căn phòng trống vắng, người chinh phụ
thắp lên một ngọn đèn le loét. Trước không gian tĩnh lặng đó, nàng thầm buồn sầu cho số phận của mình
cũng như buồn vì thương nhớ chồng bởi lúc ấy, chẳng ai có thể sẻ chia với nàng những phiền muộn
trong lòng. Ngọn đèn kia chỉ là một vật vô tri vô giác, không thể tâm sự, trò chuyện cùng người chinh phụ
vì vậy mà nỗi buồn của nàng chẳng thể nguôi ngoai. Nỗi buồn ấy đã khiến cho nàng biếng nói, biếng
cười, mặt biếng tô. Qua đây, ta thấy không gian, ngoại cảnh cũng có ảnh hưởng rất lớn đến nội tâm của
nhân vật. Cũng từ đó, lại một lần nữa ta phải công nhận cái tài của tác giả trong việc miêu tả nội tâm
nhân vật một cách gián tiếp.
Nỗi buồn của người chinh phụ vẫn chưa dừng lại ở đó. Trời càng về khuya, nỗi buồn ấy càng
trào dâng:
“Gà eo óc gáy sương năm trống”
Đêm đêm, người chinh phụ thao thức bên ngọn đèn chờ đợi chinh phu. Đêm năm canh dài, nàng thức
đủ năm canh. Thêm vào đó, cảnh vật xung quanh cũng khoác lên mình một vẻ ủ rủ, thiếu sức sống:
“Hoè phất phơ rủ bóng bốn bên”
Những cành lá xác xơ, trơ trọi của cây hoè đã bao kín tứ phía, tạo nên một sự choáng ngộp, làm cho
người ta có cảm giác ngột ngạt. Thế nhưng khung cảnh như chỉ một phần là do bản chất của nó, phần
còn lại là do tâm trạng của con người. Đúng như Nguyễn Du đã viết: “Người buồn cảnh có vui đâu bao
giờ”. Lòng người chinh phụ đang nặng trĩu nỗi buồn nên qua cái nhìn của nàng, cảnh vật cũng mang một
nỗi sầu ly biệt. Còn trong bài thơ “Cảnh ngày hè”, cũng vẫn là cây hoè song qua tâm trạng thoải mái,
thảnh thơi thì Nguyễn Trãi lại thấy “Hoè lục đùn đùn tán rợp giương”. Đó là một cây hoè xanh tươi tốt,

giương tán lên che rợp cả không gian, tạo nên sự mát mẻ, dễ chịu. Từ đó, có thể nói giữa cảnh vật và
thuật này để không phải miêu tả tâm trạng của người chinh phụ mà vẫn đảm bảo cho người đọc, người
nghe hiểu được tâm trạng ấy, làm cho bài thơ trở nên có hồn, lôi cuốn người đọc hơn. Tuy nhiên, không
chỉ giữa tâm trạng với không gian có sự tương tác mà dường như cả tâm trạng và thời gian cũng có sự
liên kết với nhau:
“Khắc giờ đằng đẳng như niên,
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.”
Hết ngày rồi lại đến đêm, từ lúc chiều tà cho đến buổi sáng ban mai, người chinh phụ cứ chờ đợi chinh
phu trong sự mòn mỏi. Khi người ta mong đợi điều gì thì dương như lúc ấy thời gian đang tỉ lệ thuận với
sự mong đợi đó. Biện pháp nghệ thuật so sánh, phóng đại trong hai câu thơ trên đã chứng minh được
điều này. Người chinh phụ quá mong mỏi chồng trở về nên mỗi khắc, mỗi giờ đối với nàng như bị kéo


giãn ra, dài chẳng khác gì một năm trong khi nỗi buồn thì cứ ám ảnh, không dứt bỏ được. Hơn nữa, cặp
từ láy “đằng đẳng”, “dằng dặc” càng khắc sâu thêm nỗi sầu của người chinh phụ, khiến người đọc dễ
đồng cảm với nàng.
Khi tâm trạng đang buồn sầu như thế thì người chinh phụ đành tìm đến những kỉ niệm giữa
nàng và chinh phu, mong sao có thể vơi đi nỗi nhớ chồng:
“Hương gượng đốt hồn đà mê mải,
Gương gượng soi lệ lại châu chan.
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,
Dây uyên kinh đứt phím loan ngại chùng.”
Lúc chinh phu còn ở nhà, chàng thường đốt trầm hương trong phòng. Giờ đây, lúc chàng vắng nhà thì
người chinh phụ đang làm việc ấy để xua tan đi sự lạnh lẽo của căn phòng và tìm lại hơi ấm ngày xưa.
Đốt hương xong, nàng lại đến soi gương. Từ trong mảnh thuỷ tinh tráng bạc ấy, gương mặt nàng hiện ra
với đôi mắt đẫm lệ. Chắc hẳn nàng đã nhận ra tuổi xuân của mình đang dần trôi qua từng ngày, từng giờ,
trong khi hạnh phúc, tình duyên lại không trọn vẹn. Giọt nước mắt của người ở nhà cũng giống như giọt
máu của người nơi trận tuyến, đều làm cho người ta đau đớn tột cùng. Rồi nàng lại đến đánh đàn. Loại
đàn mà nàng gảy là đàn sắt và đàn cầm. Đây là hai loại đàn dùng để gảy hoà âm với nhau nên chúng
thường được dùng để ví cảnh vợ chồng hoà thuận. Người chinh phụ gảy đàn để xua tan đi sự vắng lặng

của căn phòng và nỗi cô đơn trong lòng nàng. Tuy nhiên, chỉ một mình nàng thì làm sao gảy cùng lúc hai
loại đàn được. Thế nên nàng cũng chỉ có thể độc tấu một khúc nhạc nào đó. Vì vậy mà khúc nhạc ấy cũng
đã ít nhiều mất đi cái hay, cái hồn của nó cũng giống như người chinh phụ khi thiếu vắng người chinh
phu thì nàng cứ như chỉ còn lại phần xác, còn phần hồn đã chết từ bao giờ. Trong lúc gảy đàn, nàng lại sợ
dây đàn đứt. Đó có thể là điềm báo điều không may của tình cảm vợ chồng. Nàng không thôi lo nghĩ cho
an nguy của người chinh phu ngoài chiến trường nên cũng chẳng dám gảy đàn mạnh. Xung quanh nàng,
những vật vô tri vô giác như “Sắt cầm”, “Dây uyên”, “Phím loan” còn có đôi có cặp vậy mà trớ trêu thay,
giờ đây nàng lại ở trong tình cảnh đơn côi, lẻ loi một mình. Nàng biết thế nên càng sầu thêm. Trong bốn
câu thơ này, có đến ba câu có từ “gượng”. Việc điệp từ “gượng” có tác dụng nhấn mạnh sự miễn cưỡng
của người chinh phụ khi đốt hương, soi gương, gảy đàn. Nàng chẳng vui vẻ gì khi làm những việc ấy.
Sau khi đã khắc hoạ nỗi buồn, sự lẻ loi của người chinh phụ qua nhiều phương diện, thì ở tám
câu cuối, Đặng Trần Côn đã lột tả được hết nỗi lòng của người chinh phụ như một lời khẳng định những
mất mát mà nàng phải gánh chịu trong cuộc chiến tranh phi nghĩa:
“Lòng này gửi gió đông có tiện,
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.
Non Yên dù chẳng tới miền,
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.


Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.
Cảnh buồn người thiết tha lòng,
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun.”
Những cụm từ để gợi tả cảnh thiên nhiên rộng lớn, bao la được tác giả vận dụng linh hoạt như: “ gió
đông”, “non Yên”, “đường lên bằng trời” đã gợi nên khoảng cách xa xôi giữa chinh phu và chinh phụ. Thế
nhưng, vượt qua cả khoảng cách ấy, nỗi nhớ mong chồng đã được chinh phụ gửi gắm gió đông chuyển
đến non Yên. Từ láy “thăm thẳm” được lặp lại nguyên vẹn ở hai câu thơ liền kề cho thấy nỗi nhớ của
người chinh phụ bằng đường lên trời – một nỗi nhớ da diết, không thể đo đếm được. Câu thơ kết đoạn
lại là một câu miêu tả cảnh thiên nhiên mà chẳng phải miêu tả tâm trạng con người song thông qua câu
thơ ấy, ta mới cảm nhận sâu sắc hơn nỗi buồn của người chinh phụ và càng làm sáng tỏ ý đồ của tác giả

trong cả đoạn trích: “Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun”: một khung cảnh quá đỗi u buồn qua
cái nhìn cũng nặng trĩu nỗi buồn của người chinh phụ.
Đặng Trần Côn đã rất thành công với đoạn trích này trong việc miêu tả nội tâm nhân vật. Miêu
tả cảnh thiên niên, hành động,… từ đó làm nổi bật tâm trạng người chinh phu là bút pháp nghệ thuật
chính được tác giả sử dụng trong đoạn trích. Cùng với đó là các phép tu từ điệp ngữ, so sánh, phóng đại.
Các từ láy gợi hình, gợi cảm cũng được vận dụng khá linh hoạt. Lựa chọn thể thơ song thất lục bát cũng
rất phù hợp để miêu tả tâm trạng nhân vật một cách sắc xảo nhất.
Những cung bậc và sắc thái khác nhau của nỗi cô đơn, buồn khổ ở người chinh phụ khao
khát được sống trong tình yêu và hạnh phúc lứa đôi là những gì mà đoạn trích đã truyền tải tới người
đọc. Vậy mới thấy giá trị của hoà bình đối với mỗi con người là lớn như thế nào. Vì thế, gìn giữ hoà bình
là trách nhiệm của mọi người, của toàn xã hội. Hãy làm mọi việc để cánh chim bồ câu trắng được tự do
bay khắp bầu trời, để thế giới ngày càng văn minh, tiến bộ và không một ai phải đau khổ vì những cuộc
chiến tranh nữa.



×