1
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
---------------------------------
NGUYỄN THỊ PHƯỢNG
LỊCH SỬ ĐỒN ĐIỀN CAO SU Ở MIỀN ĐÔNG NAM BỘ
THỜI KỲ PHÁP THUỘC GIAI ĐỌAN (1898-1939)
Chuyên ngành : Lịch sử Việt Nam
Mã số
: 60 22 54
LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. LÊ HUỲNH HOA
Thành phố Hồ Chí Minh – 2007
Lời cảm ơn
Tôi xin chân thành cảm ơn Ban Giám Hiệu trường Đại học sư phạm thành phố
Hồ Chí Minh, phòng Khoa học Công nghệ - Sau Đại học, quý thầy cô khoa sử đã
giúp đỡ tôi trong suốt quá trình học tập và hoàn thành luận văn.
Tôi xin đặc biệt tỏ lòng kính trọng, biết ơn TS. Lê Huỳnh Hoa, cô đã tận tình
chỉ bảo và hướng dẫn cho tôi trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu và thực hiện
luận văn.
Tôi cũng xin cảm ơn Ban Giám Hiệu trường THPT Phước Vĩnh và các đồng
nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi giúp tôi hoàn thành việc học tập và nghiên cứu.
Tôi xin tỏ lòng biết ơn đối với gia đình, bạn bè đã giúp đỡ và động viên tôi
trong suốt quá trình học tập và hoàn thành luận văn này.
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Hầu hết các nhà nghiên cứu về chế độ thuộc địa trên thế giới nói chung và Việt
Nam nói riêng đều thừa nhận rằng, chế độ thống trị thuộc địa của chủ nghĩa thực dân
phương Tây là một chế độ áp bức bóc lột tàn bạo đáng bị lên án. Nhưng khách quan,
nó cũng thúc đẩy nền kinh tế thuộc địa chuyển sang hình thái kinh tế mới với sự hiện
diện của nhân tố mới - nhân tố kinh tế tư bản chủ nghĩa.
Trong nền kinh tế thuộc địa Việt Nam thời Pháp thuộc, Miền Đông Nam Kỳ là
một trong những địa phương phản ánh tập trung những yếu tố kinh tế mới. Đặc biệt
nhất là hoạt động của “đồn điền cao su” – ngành đại diện cho hoạt động nông nghiệp
thực dân hiện đại.
Từ nhiều thế kỷ trước, khi Nam Kỳ còn đặt dưới sự kiểm soát của Chân Lạp,
Miền Đông Nam Kỳ là một vùng hoang vu nhiều rừng rậm. Dưới thời các chúa
Nguyễn, cư dân người Việt, người Hoa… vào khai phá, biến nơi đây thành vùng
trồng trọt lớn của vùng đất Nam Bộ.
Từ khi thực dân Pháp xâm lược và tiến hành khai thác thuộc địa ở nước ta,
Miền Đông Nam Kỳ đã có những biến đổi sâu sắc về kinh tế. Xuất phát từ mục tiêu
lợi nhuận, tư bản Pháp đặc biệt quan tâm tới nông nghiệp, tận dụng tối đa điều kiện
thiên nhiên thuận lợi về đất đai để đầu tư trồng trọt, trong đó cây cao su – một loại
nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp, có giá trị kinh tế cao và là sản phẩm
đang được thị trường thế giới bấy giờ ưa chuộng – đứng ở vị trí số một, trở thành cây
trồng chính trên đồng đất Miền Đông Nam Kỳ.
Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, Miền Đông Nam Kỳ đã nhanh
chóng trở thành nơi có diện tích đồn điền cao su lớn nhất cả nước. Cây cao su từ đó
sớm khẳng định vị trí và vai trò trong nền kinh tế Miền Đông Nam Kỳ nói riêng và cả
nước nói chung, trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước,
đem lại nguồn lợi rất lớn cho tư bản thực dân Pháp.
Với sự xuất hiện của vùng nguyên liệu cây cao su công nghiệp, Nam Kỳ đã
hình thành được hai vùng sản xuất nguyên liệu chính phục vụ cho xuất khẩu của thực
dân Pháp, đó là lúa gạo ở Miền Tây và cao su ở Miền Đông. Trong đó Miền Đông
Nam Kỳ với thế mạnh đặc trưng của mình đã tác động khá lớn đến tổng thể kinh tế
Nam Kỳ.
Để hiểu rõ vị trí và vai trò của cây cao su trong nền kinh tế Miền Đông Nam
Kỳ nói riêng và Việt Nam nói chung thời Pháp thuộc, tôi đã chọn đề tài « Lịch sử
đồn điền cao su ở Miền Đông Nam Kỳ thời Pháp thuộc giai đoạn (1898-1939) »
làm đề tài tốt nghiệp luận văn thạc sỹ của mình. Mong rằng những hiểu biết lịch sử
sau khi nghiên cứu có thể làm cơ sở khoa học và thực tiễn để hiểu, để xác định hướng
đi kinh tế của Miền Đông Nam Kỳ trong hiện tại và tương lai.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Để thực hiện đề tài, tôi đã tìm đọc và nhận thấy có nhiều công trình nghiên cứu
đề cập đến những nội dung có liên quan đến đề tài. Các nội dung này phần lớn được
thể hiện hòa lẫn trong các công trình nghiên cứu về nhiều mặt của Nam Kỳ và Miền
Đông Nam Kỳ. Có thể giới thiệu sơ bộ sau đây.
Trước tiên phải kể đến các tác phẩm của người Pháp. Họ rất quan tâm nghiên
cứu về vấn đề trồng trọt ở Miền Đông Nam Kỳ, đã bỏ không ít thời gian vào việc
nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của Miền Đông Nam Kỳ:
- Terres rouges et terres noires basaltiques d’Indochine, nhà xuất bản Hà Nội,
năm 1931 và Economic agricole del l Indochine, nhà xuất bản Hà Nội, năm 1932
của Yves Henry.
- Le problem économique Indochinois của P. Bernard, xuất bản năm 1934.
- Note sur la main d’auvre caoutchouc des plantations de la Cochinchine et du
Cambodge của G. Wormeser, nhà xuất bản Sài Gòn, năm 1938.
Ngoài ra còn có một số bài viết đề cập đến đồn điền cao su ở những góc độ và
mức độ khác nhau được đăng trên các tạp chí: Économique Indochinoi, Extrême
Asie, Asie francaise, Presse Indochinoise, Chấn hưng kinh tế...Nhìn chung các công
trình nghiên cứu trên đã cung cấp cho người đọc nhiều tư liệu quý có giá trị tham
khảo cao, rất có ít đối với người nghiên cứu.
Sau cách mạng tháng tám, nhất là từ sau năm 1954, nhiều tác giả người Việt đã
quan tâm khảo cứu về kinh tế, xã hội Việt Nam, trong đó có những công trình đề cập
tới nhiều khía cạnh khác nhau của Miền Đông Nam Kỳ nhưng ít nhiều có liên quan
đến vấn đề cao su:
- Kinh tế Miền Nam của Phạm Thành Vinh, nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội,
1957. Tác giả đã dành phần 2 của chương một để nêu đặc điểm kinh tế ở miền đồi núi
thuộc Miền Nam – vấn đề khai thác các vùng đất đỏ và việc trồng cây công nghiệp.
- Những thủ đoạn bóc lột của tư bản Pháp ở Việt Nam của Nguyễn Khắc Đạm,
nhà xuất bản Văn- sử- địa, Hà Nội, 1957. Ngoài nội dung quá trình bỏ vốn và chính
sách cướp đoạt ruộng đất của tư bản Pháp ở Việt Nam, trong chương 3 tác giả đã
giành 10 trang để trình bày sơ lược về phương thức kinh doanh đồn điền cao su của
tư bản Pháp, đồng thời còn đưa ra những số liệu cao su xuất cảng.
- Trong cuốn Tìm hiểu giai cấp tư sản Việt Nam thời Pháp thuộc của Nguyễn
Công Bình, nhà xuất bản Văn- sử- địa, Hà Nội, 1959. Tác giả cũng đề cập sơ lược
đến điền chủ cao su người Việt.
- Tư bản Pháp và vấn đề cao su ở Miền Nam Việt Nam của Nguyễn Phong, nhà
xuất bản Khoa Học, năm 1963. Đây là một chuyên khảo về vấn đề cao su. Tác phẩm
của Nguyễn Phong đã giúp những người không tiếp cận được với các sách tiếng Pháp
có những hiểu biết nhất định về lịch sử đồn điền cao su. Bên cạnh đó, những ý kiến
nhận xét của ông cũng đáng để người đọc tham khảo. Tuy nhiên, đây chưa phải là
một công trình nghiên cứu đầy đủ về đồn điền cao su. Tác giả chưa trình bày vấn đề
một cách có hệ thống, ông chủ yếu trình bày sơ lược việc kinh doanh cao su của tư
bản Pháp về: chính sách cướp đất đai của thực dân Pháp, tình cảnh lao động và đời
sống của công nhân cao su, phong trào đấu tranh của công nhân cao su. Các vấn đề
về sự ra đời và phát triển của các công ty và đồn điền cao su, quy mô của đồn điền, sự
phân bố các đồn điền cao su cũng như sở hữu của các điền chủ chưa được tác giả làm
rõ.
- Tình hình kinh tế Đông Dương(1900-1939) và kế hoạch tái thiết, trang bị
canh tân Đông Dương, nguyên tác của ủy ban kế hoạch Pháp do Lê Khoa dịch và
bình, xuất bản năm 1969.
- Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ của Nguyễn Thế Anh, nhà xuất bản Lửa
Thiêng, năm 1970 và Việt Nam Pháp thuộc sử của Phan Khoang, phủ quốc vụ khanh
đặc trách văn hóa xuất bản, năm 1971. Trong chương 2 trình bày về sinh hoạt kinh tế
của Việt Nam, hai tác giả cũng đã nêu sơ lược về diện tích, sản lượng cao su.
- Vấn đề cao su Việt Nam của Đỗ Văn Minh, luận văn cao học Quốc gia hành
chính Sài Gòn, năm 1971. Đây cũng là một chuyên khảo về cao su, tuy nhiên tác
phẩm của ông chủ yếu nghiên cứu ở giai đoạn từ 1945 trở về sau.
- Nền kinh tế Việt Nam dưới thời Pháp thuộc (1920-1930) của Trịnh Như Kim,
luận văn cao học sử, Đại họcVạn Hạnh, năm 1972.
- Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ của Huỳnh Lứa (chủ biên), nhà xuất bản
Tp. Hồ Chí Minh, năm 1987. Trong chương 4 khi trình bày về công cuộc khai phá
dưới thời Pháp thuộc, các tác giả đã dành 7 trang để nêu sơ lược về: diện tích trồng
cao su, sự phân bố, năng suất và tác động của đồn điền cao su đối với kinh tế, xã hội
Miền Đông Nam Kỳ.
- Sự hiện diện tài chính và kinh tế của Pháp ở Đông Dương
(1859-
1939) của Jean- Pierre Aumiphine (bản dịch), xuất bản ở Hà Nội, năm 1994. Tác giả
cũng trình bày một cách khái quát về hoạt động đồn điền cao su.
- Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Miền Nam Việt Nam
(1954-
1975) của Võ Văn Sen, nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1996. Trong
chương 1, tác giả đã giành một vài trang để sơ lược về hoạt động kinh doanh của tư
bản Pháp trong nông nghiệp ở Nam Kỳ trong đó có cây cao su.
- Cây cao su đặc sản của vùng Đông Nam Bộ của Lê Huỳnh Hoa đăng trên tạp
chí xưa và nay, số 45b, 11/1997. Bài viết của tác giả Lê Huỳnh Hoa đã trình bày
những nội dung chủ yếu nhất của đồn điền cao su (sự du nhập cây cao su vào Việt
Nam, chính sách cướp đất và tuyển mộ lao động, việc khai thác mủ và xuất khẩu cao
su). Song, do vấn đề chỉ được đề cập trong một số trang ít ỏi, tác giả chưa thể làm
sáng tỏ tất cả mọi mặt
- Góp thêm tư liệu Sài Gòn- Gia Định từ 1859-1945 của Nguyễn Phan Quang,
nhà xuất bản Trẻ Tp. Hồ Chí Minh, năm 1998. Tác giả cũng nêu sơ lược về diện tích
cao su và sản lượng cao su xuất khẩu.
- Cơ cấu kinh tế - xã hội Việt Nam thời thuộc địa( 1858-1945) của Nguyễn văn
Khánh, nhà xuất bản Đại học quốc gia, Hà Nội, năm 1999. Tác giả cũng đề cập đến
hoạt động của đồn điền cao su ở Nam Kỳ về: diện tích cao su, số lượng đồn điền, sản
lượng cao su xuất khẩu.
- Một trăm năm cao su Việt Nam của Đặng văn Vinh, nhà xuất bản Nông
nghiệp, Tp. HCM, năm 2000. Tác phẩm của ông đã trình bày khá rõ về sự ra đời và
phát triển của đồn điền cao su ở nước ta, sự cải tiến kỹ thuật trồng trọt cũng như
phong trào đấu tranh của công nhân cao su. Tuy vậy, một số vấn đề như: chính sách
và biện pháp cướp đoạt đất đai của thực dân Pháp, hiệu quả kinh tế của đồn điền cao
su, tác động của đồn điền cao su đối với kinh tế - xã hội Miền Đông Nam Kỳ …
chưa được tác giả làm rõ, cần được tìm hiểu thêm.
- Cảng Sài Gòn và những biến đổi kinh tế Nam Kỳ thời Pháp thuộc(1860-1939)
của Lê Huỳnh Hoa, luận án tiến sĩ khoa học Lịch sử, Đại học sư phạm Tp.HCM, năm
2002. Tác giả cũng đã trình bày về hoạt động đồn điền cao su.
Đặc biệt còn có một số công trình chuyên nghiên cứu về giai cấp công nhân
Việt Nam và bộ phận công nhân cao su như là:
- Địa ngục cao su của Nguyễn Hải Trừng, nhà xuất bản Sự Thật, năm 1955.
- Giai cấp công nhân Việt Nam của Trần văn Giàu , nhà xuất bản Sự thật, Hà
Nội, 1961.
- Phú Riềng đỏ của Trần Tử Bình, nhà xuất bản Lao Động, Hà Nội, 1971.
- Một số vấn đề về lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam của Nguyễn Công
Bình, nhà xuất bản Lao động, năm 1974.
- Giai cấp công nhân Việt Nam trước khi thành lập Đảng của Ngô văn HòaDương Kinh Quốc, nhà xuất bản Khoa học xã hội, năm 1978.
- Giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ 1936-1939 của Cao văn Biền, nhà xuất
bản KHXH, 1979.
- Phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân cao su Miền Đông Nam Bộ
của Thành Nam, nhà xuất bản Lao động, năm 1982.
- Lịch sử phong trào công nhân cao su Việt Nam (1906-1990) của Huỳnh Lứa
(chủ biên), Nhà xuất bản Trẻ, năm 1993.
- Phú Riềng đỏ trong phong trào công nhân Miền Đông Nam Kỳ của Hà Minh
Hồng, nghiên cứu lịch sử số 5, năm 1999.
Những tác phẩm trên giúp chúng tôi nhận biết chân xác hơn về : sự ra đời và
phát triển cũng như tình cảnh lao động và đời sống của giai cấp công nhân Việt Nam,
đặc biệt là bộ phận công nhân làm việc tại các đồn điền cao su. Đồng thời, thấy rõ
bản chất bóc lột của tư bản thực dân Pháp.
Bên cạnh đó, một số tác giả có những công trình nghiên cứu liên quan đến vấn
đề cao su ở một số địa phương của Miền Đông Nam Kỳ. Nhìn chung các tài liệu này
cũng giúp người nghiên cứu bổ sung thêm một ít tư liệu về đồn điền cao su ở các địa
phương.
- Lịch sử các đồn điền cao su thuộc miền đất đỏ Bình Long của Lê Linh, Tuần
san Phòng thương mãi Sài Gòn, số 186-187, 1961.
- Thực tế khai thác cao su của người Pháp tại Bình Long, của Ngô Viết Đức,
luận văn cao học Quốc gia hành chính Sài Gòn, năm 1972.
- Những chặng đường đấu tranh cách mạng của công nhân cao su Đồng Nai
của Nguyễn Viết Trân, Công ty cao su Đồng Nai xuất bản, năm 1985.
- Lịch sử đấu tranh cách mạng Sông Bé (1920-1945) của Lưu Huỳnh Thống,
trong “Địa chí Sông Bé”, nhà xuất bản Tổng hợp Sông Bé, 1991.
- Sự hình thành và phát triển của đội ngũ công nhân cao su Đồng Nai qua các
thời kì lịch sử (1906-1991) của Trần Toản, luận án tiến sĩ khoa học
lịch sử, Viện khoa học xã hội tại Tp.HCM, năm 1991.
- Tìm hiểu phong trào đấu tranh của công nhân cao su Sông Bé (1933-1975),
luận văn cao học sử, Viện khoa học xã hội tại Tp.HCM, 1991.
- Phong trào đấu tranh của công nhân Thủ Dầu Một trong kháng chiến chống
thực dân Pháp của Nguyễn Thị Mộng Tuyền, nhà xuất bản Lao Động, năm 2002.
- Những biến đổi kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Phước thời Pháp thuộc
giai đoạn 1897-1939 của Bùi Thị Huệ, luận văn cao học sử, Đại học sư phạm
Tp.HCM, năm 2002.
Nhìn chung, các tác phẩm trên đã đề cập ở nhiều mức độ khác nhau về đồn
điền cao su ở Miền Đông Nam Kỳ thời Pháp thuộc. Có tài liệu khảo cứu khá chi tiết,
có tài liệu chỉ nói đến một cách sơ lược như là một sự kiện bên cạnh nhiều sự kiện
khác. Song, tất cả đều có ích đối với người nghiên cứu. Tuy nhiên, chưa có công trình
nào nghiên cứu tập trung và hệ thống về hoạt động của đồn điền cao su ở Miền Đông
Nam Kỳ. Vì vậy, nghiên cứu “Lịch sử đồn điền cao su ở Miền Đông Nam Kỳ thời
Pháp thuộc giai đoạn (1898-1939)” sẽ là một đóng góp thiết thực để hiểu rõ hơn về
hoạt động kinh tế mang tính đặc thù đã từng làm nên thế mạnh kinh tế của Miền
Đông Nam Kỳ thời Pháp thuộc.
3. Mục đích nghiên cứu
Xuất phát từ nhận thức nêu trên, đề tài muốn đặt ra và giải quyết các yêu cầu
khoa học cụ thể sau đây :
- Bước đầu tập hợp, thống kê, hệ thống hóa tư liệu, dựng lên bức tranh sinh
động về hoạt động trồng trọt chính của Miền Đông Nam Kỳ thời Pháp thuộc, cụ thể
là cây cao su.
- Từ thực tế hoạt động của đồn điền cao su ở Miền Đông Nam Kỳ thời Pháp
thuộc, tiến hành xem xét, đánh giá những ảnh hưởng tích cực và hạn chế của đồn điền
cao su đối với kinh tế, xã hội của Miền Đông Nam Kỳ.
- Trên cơ sở nhận thức về sự khai thác triệt để và những hậu quả mà thực dân
Pháp để lại cho thuộc địa. Bước đầu rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc xây
dựng và phát triển kinh tế Miền Đông Nam Kỳ trong hiện tại và tương lai.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đề tài tìm hiểu về hoạt động cụ thể của đồn điền cao su ở Miền Đông Nam Kỳ
giai đoạn (1898-1939). Vì vậy, hoạt động của đồn điền cao su (1898-1939)– ngành
sản xuất mang tính đặt thù của kinh tế Miền Đông Nam Kỳ thời Pháp thuộc – là đối
tượng nghiên cứu chủ yếu. Tuy nhiên được giới hạn trong phạm vi nghiên cứu như
sau:
- Không gian nghiên cứu của đề tài là khu vực Miền Đông Nam Kỳ gồm các
tỉnh : Thủ Dầu Một, Biên Hoà, Bà Rịa, Tây Ninh, Gia Định, Chợ Lớn. Ngày nay
thuộc địa phận hành chính các tỉnh : Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà RịaVũng Tàu, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh.
- Thời gian nghiên cứu của đề tài được giới hạn bởi hai mốc :
Mốc mở đầu là năm 1898 : Đây là năm bắt đầu trồng và lập đồn điền cao
su ở Miền Đông Nam Kỳ.
Mốc kết thúc là năm 1939 : Trên thực tế đây là năm kết thúc công cuộc
khai thác thuộc địa lần II. Từ năm 1940-1945, phát xít Nhật đã nhảy vào
Đông Dương. Về danh nghĩa thực dân Pháp vẫn duy trì chủ quyền của
mình, nhưng trên thực tế, các hoạt động của thực dân Pháp đã hoàn toàn
bị phát xít Nhật chi phối, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài, phương pháp lịch sử và phương pháp logic được xác định
là những phương pháp cơ bản để tiến hành nghiên cứu.
Hỗ trợ cho phương pháp lịch sử và phương pháp logic là phương pháp thống
kê nhằm hệ thống các số liệu, dữ kiện làm cơ sở để kết hợp đồng thời với phương
pháp tổng hợp rút ra những kết quả tổng hợp, đáp ứng yêu cầu của một đề tài lịch sử
kinh tế.
Ngoài ra phương pháp so sánh cũng được vận dụng để giúp làm sáng tỏ những
hoạt động và biến đổi của kinh tế, xã hội Miền Đông Nam Kỳ so với các thời kỳ
trước và sau đó.
6. Đóng góp của Luận văn
- Luận văn đã tiếp cận, lựa chọn, thu thập và tổng hợp một số tài liệu từ nhiều
nguồn khác nhau đặc biệt là nguồn tư liệu hiện đang lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ
quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh có liên quan đến kinh tế, xã hội nói chung và đồn điền
cao su nói riêng ở Miền Đông Nam Kỳ thời Pháp thuộc. Việc nghiên cứu đầy đủ và
có hệ thống sự phát triển của đồn điền cao su ở Miền Đông Nam Kỳ sẽ giúp phục
dựng lại hoạt động của các đồn điền cao su ở đây - một hoạt động mang tính đặt thù
của kinh tế Miền Đông Nam Kỳ thời Pháp thuộc.
-Trên cơ sở khôi phục lại hoạt động kinh tế tiêu biểu đó, luận văn góp phần
giúp đọc giả hiểu rõ vị trí và vai trò của cây cao su đối với kinh tế Miền Đông Nam
Kỳ thời Pháp thuộc.
-Qua nghiên cứu luận văn còn làm sáng rõ :
1. Nhận thức về thế mạnh, tiềm năng của vùng kinh tế Miền Đông Nam Kỳ
trong quá khứ, làm cơ sở định hướng cho hoạt động kinh tế của Miền Đông
Nam Kỳ hiện nay trên bước đường công nghiệp hóa- hiện đại hoá đất nước.
2. Nhận thức về chủ nghĩa thực dân.
7. Bố cục luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, luận văn được chia
thành 4 chương:
Chương 1 : Vùng đất Miền Đông Nam Kỳ trước và trong thời Pháp thuộc.
Chương 2 : Sự hình thành và phát triển đồn điền cao su ở Miền Đông Nam Kỳ
thời Pháp thuộc (1898-1939).
Chương 3 : Khai thác đồn điền cao su và hiệu quả kinh tế của đồn điền cao su
ở Miền Đông Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1898-1939).
Chương 4 : Tác động của đồn điền cao su đối với kinh tế - xã hội của Miền
Đông Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1898-1939).
Chương 1 : VÙNG ĐẤT MIỀN ĐÔNG NAM KỲ TRƯỚC VÀ
TRONG THỜI PHÁP THUỘC
1.1. Miền Đông Nam Kỳ trước thời Pháp thuộc
1.1.1. Điều kiện tự nhiên
Miền Đông Nam Kỳ là vùng đất mới trong lịch sử phát triển của đất nước Việt
Nam. Trong giai đoạn Pháp thuộc, Miền Đông Nam Kỳ bao gồm các tỉnh: Gia Định,
Chợ Lớn, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa, Tây Ninh. Ngày nay thuộc địa phận các
tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố
Hồ Chí Minh.
Về mặt vị trí địa lí: Phía Tây và Tây Nam, nằm kề đồng bằng châu thổ sông
Cửu Long. Phía Đông và Đông Nam giáp biển. Phía Bắc và Đông Bắc giáp vùng Tây
Nguyên.
Theo tác giả Huỳnh Lứa trong tác phẩm “Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ”,
Miền Đông Nam Kỳ có diện tích 27.920 km2, là vùng đồng bằng phù sa cổ, tồn tại
dưới dạng bán bình nguyên, có địa hình đồi gò lượn sóng, độ cao trung bình từ vài
chục mét đến khoảng 200m trên mực nước biển, độ dốc dưới 150 chiếm 80% diện
tích, gồm những cao nguyên thấp và những ngọn đồi lượn sóng, rải rác xuất hiện một
vài ngọn núi trẻ như núi Chứa Chan (858m), núi Bà Rá (736m), núi Bà Đen
(986m)… Miền Đông Nam Kỳ là một vùng đất cao tiếp liền dưới chân phía nam các
cao nguyên Bảo Lộc - Di Linh kéo dài từ Tây Ninh đến Bà Rịa. Rìa phía nam đổ
thoai thoải xuống đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vùng của các núi lửa đã tắt và
của các bậc thềm sông, khoảng 1/3 diện tích có địa hình hiểm trở, còn lại đất đỏ và
đất xám là chủ yếu, rất thích hợp cho cây công nghiệp.[27, tr.17-18]
Đất đỏ ở Miền Đông Nam Kỳ trải rộng ở phía bắc chạy dài thành một dải theo
hướng bắc-đông-bắc; nam-đông-nam phủ trên nền đá hoa cương cổ. Trước hết người
ta tìm thấy đất đỏ ở gần Kompong-cham (tả ngạn sông Mê Kông), nó đi qua Lộc
Ninh, Xa Trạch và từ An Bình xuống phía nam về Bà Rịa. Đó là loại đất sét ít chất đá
vôi, có nhiều mùn và có một hàm lượng hữu cơ khá lớn. Đất không lẫn cuội và sỏi, ở
độ sâu 15-40 mét đất vẫn giữ được đồng chất. Đặc điểm của loại đất này là không bị
cứng nên dễ hút nước mưa, không để cho nước chảy thành dòng và giữ được độ ẩm
rất tốt thích hợp với việc trồng cây công nghiệp. Các nhà khoa học Pháp đã phát hiện
riêng ở Miền Đông Nam Kỳ, diện tích đất đỏ tối thiểu là 200.000 ha tạo thành một
dải rộng từ 2 đến 20 cây số, dài 200 cây số. [35, tr.12]
Vùng đất xám được phân bố từ phía tây đến phía đông Nam Kỳ qua các tỉnh
Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Gia Định, Biên Hòa, Bà Rịa. Đây là loại đất chiếm diện tích
lớn nhất ở Miền Đông Nam Kỳ. Đất xám là loại đất sét có pha nhiều cát nên ít giữ
nước, ít đá vôi, ít mùn, lượng hữu cơ có nhưng chua và ít đạm. Nếu trồng trọt, phải sử
dụng phân bón thích hợp. Loại đất này thích hợp cho những loại cây lâu năm, ngoài
ra còn trồng được các loại hoa màu.
Dãy đất phù sa mới nằm tiếp giáp vùng đồng bằng châu thổ do các con sông:
sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Bé bồi tụ nên chỉ tạo ra những đồng bằng nhỏ
hẹp, ngập nước thích hợp cho việc canh tác lúa.
Do sự phân bố tự nhiên về mặt đất đai như trên, nguồn tài nguyên chính yếu
của Miền Đông Nam Kỳ là lâm sản. Ở đây, có khoảng 60 loại gỗ tốt, đặc biệt là các
loại gỗ dầu, trắc, cẩm lai, gõ, mun… Rừng tre, rừng tràm, rừng đước, sú, vẹt cũng là
những nguồn tài nguyên đáng kể. Dưới thời Pháp thuộc, các vùng đất đỏ và các thềm
phù sa cổ đã được khai thác thành những đồn điền lớn trồng các loại cây công nghiệp
như cao su, cà phê.
Nếu như ở Miền Tây Nam Kỳ có hệ thống sông Cửu Long thì ở Miền Đông
Nam Kỳ có hệ thống sông Đồng Nai. Hệ Đồng Nai bao gồm sông Đồng Nai, sông Sài
Gòn và sông Vàm Cỏ. Sông Đồng Nai là con sông quan trọng thứ nhì ở Nam Kỳ dài
580 km, do hai nhánh sông Đa Dung và Đa Nhim từ cao nguyên Lâm Viên chảy
xuống hợp thành nên có nhiều thác lớn. Sau khi tiếp nhận sông La Ngà từ bên trái,
sông Bé từ bên phải, sông bắt đầu chảy vào đồng bằng qua đợt thác cuối cùng là thác
Trị An. Sông chảy uốn khúc rồi gặp sông Sài Gòn từ Hớn Quản qua Tây Ninh, Thủ
Dầu Một, Gia Định về mạn Nhà Bè. Từ đây sông thông ra biển bằng nhiều nhánh:
sông Đồng Tranh, sông Ngã Bảy, sông Lòng Tàu, sông Soài Rạp (sông Nhà Bè).
Sông Đồng Nai chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Nhờ thủy triều mà dòng sông
sâu, thuyền lớn có thể ngược hai sông Vàm Cỏ đến biên giới Việt- Campuchia, ngược
sông Đồng Nai đến Biên Hòa, ngược sông Sài Gòn đến hết tỉnh Thủ Dầu Một.
Các con sông thuộc hệ Đồng Nai đã tạo thành một mạng lưới giao thông đường
thủy thuận lợi cho cư dân các tỉnh Miền Đông, đồng thời nó còn thông với các tỉnh
Miền Tây và Campuchia qua hai sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây.
Miền Đông Nam Kỳ có đặc điểm khí hậu nhiệt đới cận xích đạo với nền nhiệt
độ cao và hầu như không thay đổi đáng kể trong năm, nhiệt độ tối đa 34o-35o và tối
thiểu là 18o. Đặc biệt có sự phân hóa sâu sắc theo mùa, phù hợp với hoạt động của
gió mùa. Ở đây có hai mùa rõ rệt: mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 dương
lịch trùng hợp với gió mùa tây nam, mùa khô kéo dài từ tháng 11đến tháng 4 là
khoảng thời gian có gió mùa đông bắc. Lượng mưa tương đối dồi dào, lượng mưa
trung bình hàng năm khoảng 1.500-2.000mm. Nhìn chung, đây là vùng có khí hậu
tương đối điều hòa, ít có thiên tai, không gặp thời tiết quá lạnh, ảnh hưởng của bão
hạn chế. Khí hậu của vùng rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nhất là cây công
nhiệp lâu năm như cao su.
1.1.2. Khái quát lịch sử khai phá vùng đất Miền Đông Nam Kỳ.
1.1.2.1. Sự hiện diện đầu tiên của con người trên vùng đất Miền Đông
Nam Kỳ.
Những khám phá của khảo cổ học cho biết một cách chắc chắn con người đã
có mặt trên vùng đất Miền Đông Nam Kỳ cổ từ khá lâu đời, cách đây khoảng 4.000
năm đến 2.500 năm. Những di cốt đầu tiên được tìm thấy ở nhiều nơi trong vùng. Số
lượng các di tích cư trú, các khu mộ cổ của lớp cư dân đầu tiên có đến hàng trăm địa
điểm. Đặc biệt là khu đất đỏ bazan và vùng hạ lưu sông Đồng Nai – Sài Gòn, vùng
ven sông Vàm Cỏ Đông có mật độ cư trú các di tích khá dày. Từ các di tích Vườn
Dũ, Cù Lao Rùa, Dốc Chùa đến những di tích được chôn trong hầm đá cự thạch
(Xuân Lộc), trong các ngôi mộ chum gốm ở di tích Phú Hòa (cách nay khoảng 30002500 năm) trên vùng đất đỏ bazan, các ngôi mộ chum ở Cần Giờ (cách ngày nay
khoảng 3.000-2.000 năm)… Các di cốt ấy đã ghi nhận một cách có căn cứ về lớp cư
dân đầu tiên khai phá vùng đất Miền Đông Nam Kỳ nói riêng và Nam Kỳ nói chung.
Vùng phù sa cổ - Miền Đông Nam Kỳ - là nơi lớp cư dân đầu tiên cư trú đông
nhất lúc bấy giờ không phải là đồng bằng châu thổ sông Cửu Long – vùng phù sa
mới. Cho đến nay, khảo cổ học chưa tìm thấy những di tích cư trú đích thực của lớp
người đầu tiên ấy ở vùng châu thổ sông Cửu Long.
Cư trú ở vùng cao của Nam Kỳ, những cư dân đầu tiên này đã lấy nghề trồng
trọt làm nghề sản xuất chính trong đó chủ yếu là trồng lúa rẫy. Đây có thể coi là một
trong những đặc điểm của quá trình phát triển kinh tế buổi đầu của cư dân Miền
Đông Nam Kỳ.
Trên cơ sở trình độ kỹ thuật kim khí phát triển, vào những thế kỷ đầu công
nguyên, lớp người đầu tiên này bắt đầu tiến xuống chinh phục đồng bằng sông Cửu
Long, xây dựng nên vùng đô thị Óc Eo – Ba Thê, một hải cảng khá nổi tiếng của
vương quốc Phù Nam. Tuy nhiên thế kỷ VI, Phù Nam bị Chân Lạp thôn tính. Do đó
từ thế kỷ VI-XVI, người Khơme là cư dân chủ yếu ở Miền Tây và một phần của
Miền Đông Nam Kỳ lan tới lưu vực sông Bến Nghé. Họ sống rải rác trên các giồng
đất cao. Trên lưu vực sông Đồng Nai còn có một số dân tộc ít người (Stiêng, Châu
Mạ, Châu Ro, Mơ nông, Tàmun…) sinh sống trên vùng đồi núi. Lớp cư dân thứ hai
này tiếp tục khai phá vùng đất này. Nhưng do dân số ít, kỹ thuật sản xuất thấp kém
cho nên ngoại trừ một vài vùng đất cao ở bìa rừng và một số gò đồi thì đại bộ phận
đất đai còn lại đều là rừng rậm chưa hề được khai phá.
Vì vậy cho đến cuối thế kỷ XIII, vùng đất này về cơ bản vẫn là một vùng
hoang vu, chưa được khai phá bao nhiêu mặc dù thế kỷ XIII là đỉnh cao của thời đại
Ăngkor. Điều này được thể hiện khá rõ qua sự mô tả quang cảnh vùng duyên hải và
đồng bằng Nam Kỳ của Châu Đạt Quan, một sứ thần của triều đình nhà Nguyên được
cử sang kinh đô Ăngkor(1296) để giao thiệp với vua Chân Lạp: “ Bắt đầu vào Châu
Bồ (vùng biển Vũng Tàu ngày nay), gần hết cả vùng đều là bụi rậm của rừng thấp,
những cửa rộng của con sông lớn chảy dài hàng trăm dặm, bóng mát um tùm của
những gốc cổ thụ và cây mây dài tạo thành nhiều chỗ trú xum xuê, khắp nơi vang
tiếng chim hót và tiếng thú kêu. Vào nửa đường trong sông, thấy những cánh đồng
hoang không có một gốc cây. Xa nữa, tằm mắt chỉ toàn thấy cỏ cây đầy rẩy. Hàng
trăm hàng nghìn trâu rừng tụ hợp từng bầy. Tiếp đó nhiều con đường dốc đầy tre
chạy dài hàng trăm dặm”.[27, tr.37].
1.1.2.2. Sự xuất hiện của lưu dân người Việt với qúa trình khai phá vùng
đất Miền Đông Nam Kỳ trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp.
Như đã nêu ở trên, vùng đất Miền Đông Nam Kỳ mặc dù từ lâu đã là nơi sinh
sống của những lớp cư dân thuộc nhiều thành phần chủng tộc và dân tộc khác nhau.
Nhưng cho đến thế kỷ XVI, về cơ bản đây vẫn là vùng đất hoang vu chưa được mở
mang khai phá gì nhiều.
Từ đầu thế kỷ XVII, Miền Đông Nam Kỳ cũng như toàn bộ vùng đất Nam Kỳ
trở nên rầm rộ và sôi động, do có sự xuất hiện của cư dân mới, chủ yếu là người Việt
từ miền Thuận Quảng di cư vào. Nguyên nhân của hiện tượng xã hội này chính là do
những cuộc chiến tranh tương tàn của hai tập đoàn phong kiến Trịnh – Nguyễn. Dân
chúng không sống nổi trong tình cảnh binh đao, nô dịch, thiên tai, đói nghèo. Họ
quyết định rời bỏ làng mạc, xiêu tán vào phương Nam, hội nhập cùng với cư dân bản
địa khai hoang, lập ấp, mưu cầu cuộc sống an bình, no ấm.
Theo chân người Việt, vào những thập kỷ cuối thế kỷ XVII, một số người Hoa
“phản Thanh phục Minh” cũng được chúa Nguyễn cho lánh nạn vào đây sinh sống.
Đến giữa thể kỷ XVIII, lại có thêm người Chăm gia nhập vào lớp cư dân mới. Họ
cùng cộng cư với người dân bản địa và cư dân người Việt sinh sống lâu dài.
Số lưu dân người Việt khi vào tới đất Đồng Nai – Gia Định thì địa điểm dừng
chân đầu tiên của họ, theo sử cũ “Gia Định thành thông chí” là vùng Mô Xoài-Bà
Rịa. Vì đây là vùng đất địa đầu nằm trên trục giao thông đường bộ từ Bình Thuận vào
Nam, lại tiếp giáp biển.
Từ Mô Xoài – Bà Rịa, di dân người Việt tiến dần về phía nam vào vùng Đồng
Nai – Biên Hòa, nơi có trục đường giao thông thủy bộ gặp nhau, định cư và khai
khẩn. Tuy nhiên, phần lớn đất đai ở đây là rừng rậm và những đồi cỏ tranh nên việc
khai phá gặp nhiều khó khăn, lưu dân người Việt chỉ tập trung khai phá vùng dọc
sông, vùng đất cao ráo, vùng phụ cận dinh Trấn Biên như: Bàn Lân, Bến Gỗ, Bến Cá,
cù lao Rùa, Tân Triều, Cù lao Tân Chánh, rạch Lá Buông...[27, tr.49]. Đến cuối
những năm 70 của thế kỷ XVII, vùng này nhận thêm lưu dân người Hoa. Họ là những
người Trung Hoa không thần phục triều đình Mãn Thanh chạy sang nước ta xin lưu
trú được chúa Nguyễn chấp nhận và đưa vào đây.
Ngoài ra cũng có một bộ phận lưu dân vào cửa Cần Giờ ngược sông Bình Phước
(sông Lòng Tàu) lên vùng Sài Gòn – Bến Nghé và vùng ngày nay là huyện Thuận
An, Bến Cát của Bình Dương. Theo các nguồn sử liệu phương Tây, thì từ đầu thế kỷ
XVII, người Việt đã đến định cư và khai phá vùng này. Họ cùng với cư dân địa
phương- người Khơ me, khai phá các vùng đất cao như khu vực kéo dài từ Chợ Quán
đến gò Cây Mai, Chùa Gò, khu vực từ Tân Định, Bà Chiểu, Gò Vấp…kéo dài đến
Hóc Môn và dọc theo trục lộ đi về phía Tây Ninh.[27, tr.49-50]
Ở phía Bắc của Bến Nghé, ngược lên tiếp giáp với Chân Lạp, mức độ khai phá
còn ít, chỉ có vùng Bến Tầm Long đã được lưu dân người Việt và cư dân người Khơ
me hợp tác khai khẩn. Theo “Gia Định Thành thông chí”, vùng bến Tầm Long, nơi có
con đường qua lại giữa Việt Nam –Chân Lạp “có nhiều người Cao Miên… và người
Kinh ở lẫn lộn với nhau, rừng rú rậm rịt, nay đã khai khẩn đều thành ra những cách
đồng trồng dâu, trồng mía.
[27, tr.65]
Về phía Nam của Bến Nghé, vùng khẩn hoang cũng được mở rộng theo sông
rạch, những vùng đất cao tiện lợi như vùng dọc sông Cát.
Trong nửa đầu thế kỷ XVIII, Bến Nghé bị chiến tranh tàn phá nên tốc độ khẩn
hoang có chậm lại. Từ giữa thế kỷ XVIII, vùng Bến Nghé khôi phục và phát triển trở
lại với các khu định cư của người Việt, người Hoa. Đồn dinh, doanh trại tiếp tục được
mở rộng và xây dựng thêm. Công cuộc khai hoang được đẩy mạnh, các vùng khai
khẩn của nông dân, của binh lính được mở rộng trên qui mô lớn.
Như vậy đến những năm cuối thế kỷ XVII, cùng với người Hoa, người Chăm,
người Khơ me, lưu dân người Việt đã định cư và khai phá cả một vùng đất rộng lớn ở
Miền Đông Nam Kỳ từ địa đầu Mô Xoài – Bà Rịa cho đến Sài Gòn – Bến Nghé. Dân
số đã hơn 40.000 hộ (khoảng 200.000 người). Đó chính là cơ sở xã hội để năm 1698,
chúa Nguyễn Phúc Chu phái Nguyễn Hữu Cảnh vào thiết lập chính quyền ở vùng này
“lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long,
dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn,
thiết lập xã, thôn, phường, ấp, chia ranh giới, khai khẩn ruộng đất, đánh thuế đinh
điền và lập hộ tịch đinh điền” [27, tr.46].
Huyện Tân Bình lúc đó bao gồm các quận 1,3,4,5,6,8,10,11,Tân Bình, Phú
Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, Hóc Môn, Cần Giờ, Củ Chi, toàn tỉnh Tây Ninh và một
phần tỉnh Long An ngày nay. Huyện Phước Long bao gồm một vùng rộng lớn từ
Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, một phần tỉnh Bình Thuận,
Thủ Đức, Thủ Thiêm, Nhà Bè, Giồng Ông Tố
[49, tr.16]. Như vậy phủ Gia
Định khi ấy đã bao trùm lên khắp vùng Miền Đông Nam Kỳ.
Tuy nhiên, những người đi khẩn hoang trong buổi đầu phần lớn là dân nghèo
phiêu bạt, phương tiện thiếu thốn, trình độ kỹ thuật hạn chế, nên những điểm định cư
và khai phá mới chỉ rải rác đây đó. Đất hoang, rừng rậm vẫn còn nhiều.
Sang thế kỷ XVIII, các địa điểm định cư và khai phá ở khu vực Bến Nghé,
chung quanh Sài Gòn tiếp tục được mở rộng. Nhiều thôn ấp được phát triển thành xã
như xã An Lộc (1716), xã An Phước (1746), xã Phú Thọ (1747), xã Tân Sơn Nhất
(1749), xã An Lợi Đông (1751). [27, tr.51]
Ngoài những cuộc khai phá do dân chúng tự động tiến hành, từ cuối thế kỷ
XVII các chúa Nguyễn còn sử dụng binh lính khai phá đất đai canh tác ở khu vực trú
quân và mộ dân lập đồn điền khẩn hoang. Việc làm này của chính quyền họ Nguyễn
đã góp phần thúc đẩy quá trình khai phá đất đai ở Miền Đông Nam Kỳ trong thế kỷ
XVIII.
Như vậy, trong hai thế kỷ khai phá vùng đất mới, lưu dân người Việt, người Hoa
cùng cư dân tại chỗ người Khơme đã từng bước khai phá được một vùng đất rộng lớn
ở Miền Đông Nam Kỳ. Cho đến cuối thế kỷ XVIII, những người đi khai phá đã tạo ra
được những diện tích canh tác đáng kể, đặt cơ sở vững chắc cho việc mở rộng công
cuộc khai phá sau này. Theo con số thống kê của Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp
lục”, thì vào những năm 70 của thế kỷ XVIII, huyện Tân Bình có ruộng thực trưng
hơn 1.451 mẫu, huyện Phước Long có ruộng thực trưng hơn 787 mẫu, đó là chưa kể
các khoản ruộng núi, đất dâu, đất mía, đất vườn trầu, ruộng các họ, ruộng quan đồn
điền. Huyện Phước Long còn có trường Gian Thảo có ruộng đất ngoài 6.000 sở. [27,
tr.72]
Những số liệu thống kê nói trên của Lê Quý Đôn tuy chưa đầy đủ và rõ ràng
lắm nhưng cũng cung cấp một hình ảnh khá đậm nét về tình hình khai phá đất đai ở
Miền Đông Nam Kỳ trong các thế kỷ XVII, XVIII.
Phần lớn diện tích khai khẩn được đưa vào sản xuất nông nghiệp trồng lúa.
Người dân lưu tán cùng với cư dân địa phương đã đưa ngành nông nghiệp trồng lúa
vùng này phát triển lên một bước mạnh cả về qui mô lẫn năng suất, sản lượng. Địa
bàn trồng lúa ngày càng mở rộng, không chỉ giới hạn ở những giòng đất cao mà còn
tỏa ra các vùng đất trũng, đất ven sông.
Ở vùng Bắc và Đông Bắc Bến Nghé bao gồm Hóc Môn, Gò Vấp, Phú Thọ,
Hạnh Thông, Giồng Ông Tố, dọc sông Vàm Cỏ Đông, Trảng Bàng, Khê Lăng, nền
nông nghiệp trồng lúa chiếm vị trí hàng đầu.[27, tr.73-74]
Nhờ đất đai màu mỡ thích hợp với việc trồng lúa, lại nhờ biết áp dụng các biện
pháp kỹ thuật cày cấy và sử dụng giống lúa thích hợp với từng loại ruộng, đồng thời
chọn đúng thời vụ kết hợp với làm thuỷ lợi nhỏ, người nông dân Miền Đông Nam Kỳ
đã sớm đưa năng suất lên khá cao. Vào cuối thế kỷ XVIII cấy một hộc thóc giống gặt
được 100 hộc [27, tr.79]. Với năng suất khá cao như thế, lại được thực hiện trên một
diện tích canh tác rộng lớn. Miền Đông Nam Kỳ trong nửa cuối thế kỷ XVIII đã sớm
trở thành một vựa lúa lớn, nguồn cung cấp thóc gạo quan trọng cho các phủ phía
ngoài của xứ Đàng trong nhất là xứ Thuận Hoá.
Piere Poivre trong đoạn nhật kí 27-10-1749 của mình cũng nhận xét rằng: “Hiện
nay Đồng Nai là một vựa lúa lớn của cả xứ Đàng trong. Vùng này đã cung cấp cho
toàn xứ một khối lượng lớn về thóc” [27, tr.80].
Những nhận xét như thế cho thấy hoạt động nông nghiệp trồng lúa ở vùng đất
phù sa cổ Miền Đông Nam Kỳ đã phát triển nhanh trong nửa đầu thế kỷ XVIII.
Nhìn chung, công cuộc khai phá vùng đất Miền Đông Nam Kỳ trong thế kỷ
XVIII có nhiều khởi sắc, tuy nhiên tình trạng đất hoang rừng rậm ở đây vẫn còn khá
nhiều. Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quí Đôn đã ghi lại rằng: “ ở phủ Gia Định, đất
Đồng Nai, từ các cửa biển Cần Giờ, Lôi Lạp, Cửa Đại, Cửa Tiểu trở vào, toàn là rừng
rậm hàng ngàn dặm” [27, tr.37].
Năm 1802, sau khi thắng Tây Sơn và lên ngôi hoàng đế, trên cơ sở những
thành quả đạt được từ thời các chúa Nguyễn, vua Gia Long tiếp tục đẩy mạnh công
cuộc khẩn hoang ở cả Miền Đông lẫn Miền Tây của Nam Kỳ.
Bằng những biện pháp cụ thể, nhà nước Nguyễn đã chú trọng khuyến khích
dân chúng đi khai hoang với nhiều thủ tục dễ dãi như: người đi khai hoang tự do lựa
chọn nơi khai phá; miễn thuế cho người đi khai phá đất hoang trong vòng 3 năm hoặc
lâu hơn; cấp không hoặc cho mượn nông cụ, thóc giống, trâu bò; quy định đất đai
khai phá được thuộc sở hữu của người khai phá. Thúc đẩy dân chúng khẩn hoang là
công việc thường xuyên của quan lại địa phương và là tiêu chuẩn để nhà vua thực
hiện thưởng phạt. Năm 1836 và 1839, vua Minh Mạng đã ban hành lệ thưởng phạt
đối với việc đôn đốc khai hoang ở Nam Kỳ.[27, tr.98]
Bên cạnh đó, triều đình nhà Nguyễn còn đứng ra tổ chức dân chúng, binh
lính…tiến hành khai hoang qua hình thức đồn điền và khai hoang lập ấp.
Với những biện pháp tích cực nêu trên, công cuộc khai hoang ở Nam Kỳ nói
chung và Miền Đông Nam Kỳ nói riêng đã được đẩy mạnh. Diện tích đất nông
nghiệp tăng lên đáng kể so với 2 thế kỷ trước. Theo kết quả đo đạt vào năm 1836
được ghi trong Quốc triều chính biên toát yếu thì tổng diện tích đất đai khai phá được
của toàn Nam Kỳ tính đến năm này là “ nguyên trưng điền thổ 20.197 sở 13 giây, 8
đám và linh tinh 3.464 mẫu, nay đo đạc thành điền thổ khoảng hơn 630.075 mẫu, lại
nguyên trước là ngạch ruộng hơn 65 sở, nay khám thành ao nuôi cá cả thảy 1.017
miếng”.
Ở Miền Đông Nam Kỳ, dưới triều Tự Đức, sách Đại Nam nhất thống chí cho
biết diện tích khai phá của tỉnh Biên Hòa là 14.932 mẫu; Gia Định là 175.063 mẫu.
Theo số liệu do thực dân Pháp thu lượm được và công bố trên Niên giám Nam kỳ
năm 1868 về diện tích khai phá vào năm 1868 ở các khu vực thuộc Miền Đông Nam
Kỳ như sau:
- Sài gòn:
7.277
ha
- Chợ Lớn:
10.008
-
- Tây Ninh
103
-
- Trảng bàng
809
-
- Biên Hòa
1.964
-
- Bà Rịa
1.624
-
- Thủ Dầu Một
1.058
-
- Long Thành
1.709
-
- Thủ Đức
4.087
-
Nguồn: [27, tr.132-133]
Nhìn chung, cho đến nửa đầu thế kỷ XIX, hoạt động khẩn hoang diễn ra mạnh
mẽ ở vùng ven sông Phước Long ( Đồng Nai), sông Tân Bình ( sông Sài Gòn). Ở
đây, dưới sự tổ chức của chính quyền, cư dân người Việt cùng với người Hoa, người
Khơ me… vừa mở rộng các vùng đất đã được khai phá trước đây, vừa tiến sâu vào
những vùng đất còn hoang vu. Nhờ đó đã nối liền được các trung tâm định cư hình
thành trong các thế kỷ trước thành một vùng ruộng vườn chạy dài từ Bà Rịa, Biên
Hòa đến Gia Định. Tuy nhiên ở phía bắc của Miền Đông Nam Kỳ, mức độ khai phá
vẫn còn chậm. Vì vậy trong thời kỳ Pháp thuộc, thực dân tư bản Pháp đã đẩy mạnh
khẩn hoang nơi này lập ra những đồn điền rộng lớn.
1.2. Miền Đông Nam Kỳ thời Pháp thuộc
Tháng 2/1859, sau khi gặp thất bại trong cuộc tấn công vào Đà Nẵng (8/1858),
thực dân Pháp đưa quân vào đánh chiếm Sài Gòn, cửa ngõ của Nam Kỳ. Sau đó, từng
phần đất của Nam Kỳ lần lượt rơi vào tay thực dân Pháp. Năm 1862, thực dân Pháp
chiếm ba tỉnh Miền Đông. Vào cuối năm 1867, toàn bộ lục tỉnh Nam Kỳ nằm gọn
trong tay Pháp. Nam Kỳ đã bị cắt khỏi phần đất của Việt Nam trở thành thuộc địa của
Pháp.
Từ đây, công cuộc khai phá Nam Kỳ nói chung và Miền Đông Nam Kỳ nói
riêng bước sang một giai đoạn mới trong một hoàn cảnh mới.
1.2.1. Công cuộc khai phá đất đai ở Miền Đông Nam Kỳ của thực dân
Pháp.
1.2.1.1. Mục đích của chính sách khai thác đất đai của thực dân Pháp.
Trong lịch sử thuộc địa của thực dân Pháp, dù là ở đâu việc chiếm và khai thác
đất luôn là mục tiêu hàng đầu. Tiếp nối giai đoạn chinh phục bằng quân sự là giai
đoạn khai thác đất đai, bởi đó là cơ sở của toàn bộ chính sách khai thác thuộc địa.
Năm 1894, trong Thông tư gởi toàn quyền các thuộc địa, Bộ trưởng Bộ thuộc địa
Deleasse bày tỏ: “khai thác những vùng lãnh thổ rộng lớn mà chúng ta đã chiếm được
thiết lập ở đó các đồn điền, phát triển sức sản xuất của thuộc địa và bằng chính con
đường đó phát triển mối quan hệ về thương mại với chính quốc” [43, tr.11].
Tại Việt Nam, thực dân Pháp đã không chậm trể chiếm lấy những vùng đất đai
có thể khai thác. Chúng đã đề ra và thực hiện nhiều chính sách khác nhau để khai
thác và cướp đoạt nguồn tài nguyên đất đai giàu tiềm năng của đất nước ta. Nam Kỳ
là nơi thực dân Pháp tiến hành cướp đoạt ruộng đất sớm nhất, vừa mới đặt chân vào
Nam Kỳ, tư bản Pháp đã đặt vấn đề “mở mang kinh tế” bằng cách, thu tóm những
vùng đất đai tốt nhất. Thực dân Pháp nhận thức rất rõ tầm quan trọng của vấn đề sở
hữu đất đai vì chế độ tư hữu ruộng đất là một trong những phương tiện sản xuất đảm
bảo đủ nguồn hàng phục vụ xuất khẩu. Nam Kỳ là thuộc địa khai thác – chủ yếu là
khai thác nông nghiệp (lúa, cao su), nếu không nắm chắc trong tay đất đai thì tư bản
Pháp sẽ không thu được những món lãi khổng lồ. Vì vậy, vấn đề sở hữu và phân phối
ruộng đất đối với chính quyền thực dân là điều rất quan trọng. Trong điều kiện như
vậy, sự cố gắng để làm chủ một diện tích ruộng đất lớn chính là “nhiệm vụ chính trị”
là “trọng tâm hoạt động” của thực dân Pháp trong thời kì khai thác thuộc địa.
Năm 1897, triều đình Huế kí điều ước nhượng cho thực dân quyền khai khẩn
đất hoang. Ngày 1/5/1900, thực dân Pháp ra nghị định phủ nhận quyền sở hữu ruộng
đất trong luật pháp phong kiến để dễ cướp đoạt ruộng đất của nông dân.
Chính sách chiếm đất của chính quyền thực dân ngày càng được xúc tiến mạnh
mẽ. Đó là một chế độ được hợp pháp hóa bằng việc ban hành những văn bản pháp lý
về quy chế nhượng đất nhằm khẳng định quyền quản lý đối với những đất đai đó và
tạo thuận lợi cho việc bao chiếm đất đai.
Thuật ngữ “nhượng” tuy được giải thích khác nhau, nhưng luôn có cùng một
nội dung giống nhau. Nó chỉ ra việc nhà nước nhượng cho các nhà thực dân đất công,
và đổi lại các nhà thực dân này phải chịu một số nghĩa vụ được quy định theo quy chế
của nhà nước [43, tr.28].
Theo Pierre Delhoumeau: “hợp đồng về nhượng địa ở thuộc địa không phân
tích theo luật dân sự cũng như luật hành chính. Đó là một hợp đồng tương đối kém
xác định- một hợp đồng có đi có lại trong đó chính quyền nhượng, giao một số quyền
cho điền chủ để đổi lấy một số nghĩa vụ của họ” [43, tr.29].
Còn Emile Couzinet thì cho rằng: “nhượng địa là một sự giao nhượng bởi một
tư cách pháp nhân công cộng dưới danh nghĩa cho không hay phải trả tiền với điều
kiện là phải khai thác các quyền của những vật phụ thuộc khối tài sản tư và có thể
dẫn đến sở hữu vĩnh viễn” [43, tr.29].
1.2.1.2. Tính pháp lý của việc nhượng đất công nông nghiệp.
Trong buổi đầu, chưa có một quy chế chung cho Đông Dương về việc nhượng
đất. Ở mỗi kỳ, chính quyền địa phương đề ra những nghị quyết riêng. Ở Nam Kỳ, ban
đầu phương thức chuyển nhượng đất thông dụng nhất là mua bán bằng tiền. Về sau,
nhiều luật lệ về trưng khẩn ruộng đất ra đời.
Nghị định ngày 30/3/1865 quy định thống đốc Nam Kỳ có quyền đem cho và
bán đấu giá “đất công”. Giá bán đất công được quy định là 10 francs (fr)/1 ha. Về
sau, Nghị định năm 1874 xác nhận hệ thống sang nhượng đất đai không phải trả tiền.
Muốn khẩn thì làm đơn, ghi diện tích, ranh giới, rồi đóng thuế. Năm 1882, một nghị
định thứ hai đã phân biệt thành hai loại đất chính để sang nhượng:
1. Các đất làng bỏ hoang, thuộc diện nhượng không thu tiền cho những
người có đơn xin.
2. Các đất đai có thể chuyển nhượng bằng đấu giá công khai.
Về diện tích nhượng, nghị định ngày 9/11/1886 của chính quyền thuộc địa quy
định: mỗi người Pháp khi xin đất làm nghề nông, chỉ có thể xin một lần không quá 10
ha. Nhưng nghị định này đã bị các nhà thực dân phản đối. Do đó, không bao lâu, các
nghị định ngày 6/10/1889 và ngày 15/10/1890 đã bổ sung cho nghị định trên nhằm
mở rộng quyền chiếm đất cho những tên thực dân, quy định những tên thực dân được
quyền xin và chính quyền địa phương được quyền cấp mỗi lần 500 ha [15, tr.58].
Nghị định ngày 15/10/1890 bắt buộc trong vòng 5 năm, đất nhượng phải khai
khẩn xong và chính quyền thực dân có quyền lấy lại bất cứ lúc nào những thửa đất
cần thiết cho các công trình công cộng. [33, tr.190].
Từ năm 1913, Toàn quyền thủ tiêu các nghị quyết địa phương và ra nghị định
27/12/1913 chung cho toàn Đông Dương. Từ đây trở đi, quy chế về đất đai mới thực
sự có những điểm đồng nhất, hạn chế tình trạng quá lạm trong việc nhượng đất, điều
hòa sự phát triển của Đại, Trung và Tiểu điền chủ cũng là để xoa dịu mâu thuẫn xã
hội qua việc nhượng đất.
Nghị định 27/12/1913 đưa ra nguyên tắc: nhượng phải trả tiền là phổ biến với
tất cả những đất nhượng có diện tích trên 300 ha. Nhượng dưới hình thức cho không
chỉ là ngoại lệ với những đất nhượng dưới 300 ha. Người được nhượng đất phải tiến
hành khai thác theo thời hạn quy định trong điều lệ đấu thầu đối với trường hợp cấp
phát có trả tiền, và trong 5 năm đối với trường hợp cấp phát không trả tiền. Về đối
tượng xin nhượng đất đã mở rộng hơn, gồm các “công dân, thần dân và dân bảo hộ
Pháp”. Như vậy với nghị định này, người bản xứ được hưởng chế độ nhượng đất như
công dân Pháp. Nhưng trên thực tế, chỉ có những người đã vào làng Tây hay nắm giữ
những trọng trách trong bộ máy thuộc địa, làm tay sai cho người Pháp mới được cấp
nhượng đất, còn phần lớn người Việt đều không đủ thế và lực để cạnh tranh với công
dân Pháp trong việc xin nhượng đất. Riêng đối với người nước ngoài, nghị định này
đã loại bỏ hoàn toàn họ ra khỏi việc xin đất làm đồn điền ở Đông Dương. Về thẩm
quyền cấp đất, Thống đốc có quyền hạn tới 1.000 ha, từ trên 1.000 ha do Toàn quyền
cấp nhượng.
Tuy nhiên do chiến tranh, nghị định ngày 27/12/1913 chưa phát huy được mấy
hiệu lực. Vả lại, giá đất mà chính quyền bán cho các điền chủ nhiều khi còn rẻ hơn
giá ấn định 1 fr/1 ha đối với các đồn điền cho không. Vì thế, nghị định này vẫn tạo ra
nhiều cơ hội cho sự phát triển của các đại đồn điền.
Trên thực tế, trong các năm 1924-1925 đã có những đồn điền mà diện tích lên
đến 50.000 ha được cấp nhượng. Theo báo cáo của Hội đồng chính phủ Đông Dương
20/9/1926 thì năm 1925 có 100.000 ha đất hoang được khai thác và hơn 500.000 ha
được xin làm đồn điền trồng cây công nghiệp.
[44, tr.51]
Để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của công cuộc khai thác thuộc địa
và chống lại hiện tượng đầu cơ đất, bảo vệ lợi ích của nhà nước và quyền lợi của
những người xin đất có ý thức, nghị định ngày 19/9/1926 ra đời, trong đó giữ lại một
số quy định của nghị định ngày 27/12/1913, như quy định về đối tượng được nhượng
đất là tất cả các “công dân, thần dân và dân bảo hộ Pháp” và nguyên tắc nhượng đất
phải trả tiền. Mặt khác, để tránh tình trạng đầu cơ, tích trữ đất trong giới điền chủ,
nghị định 19/9/1926 hạn chế diện tích tối đa được nhượng tạm thời cho mỗi điền chủ
là 15.000 ha và mức tối đa cho một đồn điền liền khoảnh là 6.000 ha và quy định
rằng chỉ những người có khả năng tài chính để mua đất và khai thác đất mới được cấp
nhượng đất. Đối với trung và tiểu điền chủ, nghị định này giữ quy định đối với đồn
điền cho không tới 300 ha, đồn điền bán theo giá thỏa thuận tới 1.000 ha và được trả
dần từ 5 đến 10 năm.
Nghị định 19/9/1926 được ban hành, nhưng tình hình không mấy được cải
thiện. Theo nghị sĩ Nam Kỳ là Outray, trong cuộc trao đổi tại phòng dân biểu Nam
Kỳ 18/3/1927, thì: “người ta đặc biệt tìm kiếm những biện pháp tốt nhất để ngăn chặn
tình trạng đầu cơ trên những vụ áp phe ở thuộc địa là tình trạng có quy mô đáng kể,
đe dọa sự dè sẻn của người Pháp”.
Sắc lệnh 4/11/1928 ra đời, nó hoàn thành gần như về cơ bản chế độ nhượng đất
ở Đông Dương, quản lý việc nhượng đất công nông nghiệp ở đây cho mãi đến sau
này.
Trên thực tế Sắc lệnh 4/11/1928 phát triển nghị định 19/9/1926. Sắc lệnh quy
định chỉ có người Pháp và người thuộc địa Pháp mới được xin khẩn đất. Sắc lệnh này
buộc các điền chủ lệ thuộc vào sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền và phải chịu
nhiều thể thức, nghĩa vụ, đặc biệt là những quy định về khả năng tài chính của người
xin. Mặt khác nó còn quy định một cách chi tiết hơn so với các văn bản khác về thẩm
quyền của các cấp chính quyền trong việc quản lý đất công. Sắc lệnh 4/11/1928 đảm
bảo cho chính phủ chính quốc một thứ quyền hạn ngày một tập trung hơn trong việc
quản lý và chuyển nhượng đất công. Từ đây, chính quyền thuộc địa chỉ được cấp
những nhượng địa từ 4.000 ha trở xuống. Những nhượng địa trên 4.000 ha sẽ thuộc
quyền cấp nhượng của tổng thống Pháp thông qua một sắc lệnh.
Có thể nói, với sắc lệnh 4/11/1928 giai đoạn tự do – tự do cấp nhượng đất –
đến đây đã kết thúc. Từ đây, chính phủ Pháp đã can thiệp vào công việc này bên cạnh
chính quyền thuộc địa.
Sự giảm sút về quyền hành của những người cầm đầu cấp Liên bang và cấp xứ
đối với đất công song song với quá trình tập trung quyền quản lý việc khai thác thuộc
địa về nông nghiệp vào tay chính phủ chính quốc là một đặc trưng của chế độ nhượng
đất, khẩn hoang ở Đông Dương từ năm 1928 trở đi. [44, tr.60]
Như vậy, với sắc lệnh 4/11/1928, việc thành lập các sở hữu lớn trở nên chính
thức. Nó loại bỏ mọi hạn chế về diện tích các đất đai công cộng có thể được cấp, loại
bỏ cùng một lúc cho các tư bản nước ngoài có khả năng chiếm hữu. Như vậy, “việc
khai thác nhỏ” bị mờ nhạt dần trước sở hữu lớn được khai thác chủ yếu bởi các vốn
của các công ty vô danh.
Sắc lệnh 4/11/1928 được áp dụng vào Đông Dương bằng nghị định 28/3/1929
của Toàn quyền Pasquyer. Tuy nhiên, trước sự phản kháng mạnh mẽ của nhân dân ta,
một số văn bản được bổ sung cho những quy định trên như: Nghị định 26/3/1929 của
Toàn quyền quy định rằng có một vùng xa xôi, trong nội địa mà tư bản pháp không
nên và không được xin làm đồn điền, cũng không được làm đồn điền ở vùng nào mà
nhân dân đã khai khẩn và trồng tỉa rồi và không được đi vào những nơi nào mà Pháp
chưa lập được chính quyền của nó; Nghị định ngày 25/6/1930 quy định những vùng
được và không được khai khẩn đồn điền. Trong đó, phần lớn các tỉnh Tây Ninh, Biên
Hòa, Thủ Dầu Một đều được mở ra cho bọn thực dân tự do chiếm đất lập đồn điền.
[15, tr.143]
Nhìn chung, với các nghị định trên trong hai thời kỳ khai thác thuộc địa, thực
dân Pháp không chỉ xác lập về mặt pháp lý quyền hạn về đất đai của mình mà còn gạt
người ngoại quốc ra khỏi việc xin đất lập đồn điền, tránh cho thực dân Pháp một sự
cạnh tranh với tư bản ngoại quốc ở Nam Kỳ nói riêng và Đông Dương nói chung.
Càng về sau, những quy định về đất đai càng cụ thể, chặt chẽ hơn. Chính
quyền thuộc địa đã cố gắng đưa ra một quy chế nhượng đất công nông nghiệp với
mục đích khuyến khích việc cấp nhượng đất và khai thác thuộc địa trên lĩnh vực nông
nghiệp ở Nam Kỳ. Nhưng nhìn chung các nghị định này đều có đặc điểm là bổ sung
cho nhau, đồng thời các nghị định sau bao giờ cũng nhằm vào mục đích mở rộng
quyền chiếm đoạt đất đai cho bọn tư bản thực dân.
1.2.2. Những biện pháp khác thúc đẩy việc lập và phát triển đồn điền.
Bên cạnh việc sử dụng pháp luật để tư bản Pháp mở rộng việc cướp đoạt ruộng
đất của nhân dân ta lập đồn điền, chính quyền thuộc địa còn thi hành nhiều biện pháp
khác nhằm thúc đẩy việc lập và phát triển đồn điền như: Chính sách thuế khóa ưu đãi,
chính sách khen thưởng khá hậu hĩnh đối với các điền chủ, việc lập ra một số cơ sở kĩ
thuật và đầu tư xây dựng hệ thống giao thông vận tải sẽ được trình bày dưới đây.
1.2.2.1. Chính sách thuế khóa và khen thưởng.
Chính sách thuế.
Để khuyến khích việc lập đồn điền, chính quyền thuộc địa có chính sách thuế
khóa rất ưu đãi đối với các điền chủ trồng cao su. Ngày 4/6/1910, Toàn quyền Đông
Dương ra nghị định miễn thuế 6 năm cho đất trồng các loại cây công nghiệp. Trong
sáu năm đầu, đất được cấp nhượng không phải nộp thuế. Đến năm thứ bảy chỉ đóng
thuế trên 1/10 diện tích được cấp với mức thuế 6.48 francs (fr)/1ha. Từ năm thứ 10
trở đi thì người chủ đồn điền cao su hàng năm phải nộp cho nhà nước mức thuế là 3,7
Fr/1ha [50, tr.53].
Ông Octave Dupuy đã làm một bảng so sánh giữa Nam Kỳ và các nước trồng
cao su khác trên một diện tích 2.000 ha, bảng so sánh này có tính thuyết phục cao:
Ở Malaysia, trong 6 năm đầu, mỗi ha đất trên số 2.000 ha được cấp phải đóng:
7,50 x 2000 x 6 = 90.000 fr
Từ năm thứ 7 trở đi, mỗi ha nộp 30 fr tiền thuế: 30 x 2.000 = 60.000 fr
Ở Nam Kỳ, trong 6 năm đầu, 2.000 ha đất được cấp không phải nộp thuế, đến
năm thứ 7 chỉ đóng thuế trên 1/10 diện tích được cấp với mức thuế 6,48 fr/1ha.
Với diện tích đất ngang nhau là 2.000ha đến năm thứ 10 sau khi được cấp đất,
thì người chủ đồn điền cao su ở Malaysia đã phải nộp cho nhà nước đến 270.000 Fr
tiền thuế đất, còn ở Nam Kỳ thì số thuế đất chỉ lên đến 19.440 fr, tức chỉ bằng 7% số
thuế của người đồng nghiệp ở Malaysia.
Từ năm thứ 10 trở đi, thì người chủ đồn điền Malaysia hàng năm phải nộp cho
nhà nước số thuế đất 60.000 fr còn ở Nam Kỳ thì chỉ nộp có 7.384 fr tức bằng 12%
thuế của chủ đồn điền Malaysia trên diện tích 2.000 ha.
Vào thời điểm này ông Octave Dupuy ước tính giá thành cao su ở Nam Kỳ có
thể vào khoảng 1,25 fr/1kg trong khi ở Malaysia trong các đồn điền tốt nhất có thể
lên đến 1,86 fr/1kg. [50, tr.53]