Tải bản đầy đủ (.docx) (9 trang)

Chau a TBD trien vong quan he trong nhung nam sap toi

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (109.13 KB, 9 trang )

QUAN HỆ QUỐC TẾ Ở CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG – TRIỂN VỌNG VÀ
THÁCH THỨC TRONG NHỮNG NĂM SẮP TỚI
ĐOÀN KHẮC NAM

Châu Á - Thái Bình Dương (CATBD) bao gồm hai thành tố hợp lại là châu Á và
Thái Bình Dương. Với diện tích 44 triệu km2, châu Á là châu lục lớn nhất trong số
năm châu của thế giới. Với diện tích 181tr. km2, Thái Bình Dương cũng là đại
dương lớn nhất trong số “bốn biển” của thế giới. CATBD là khu vực tập hợp các
nền kinh tế năng động, luôn đạt được sự tăng trưởng kinh tế cao trong 10-15
năm gần đây, những nền kinh tế này có sự phụ thuộc chặt chẽ với nhau, chiếm
55% trong tổng GDP toàn cầu, 44% thương mại quốc tế (năm 2014) CATBD đang
trở thành đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của kinh tế thế giới. Cùng với vị trí địa
chiến lược quan trọng là nơi án ngữ của những tuyến đường giao thông, hàng
hải quan trọng bậc nhất thế giới, CATBD đang trở thành một trong những trung
tâm kinh tế, tài chính, thương mại hàng đầu thế giới.
Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, CATBD cũng là một trong những khu
vực có vị trí địa chiến lược quan trọng, là khu vực nhạy cảm trước các tình huống
biến động. Nơi đây cũng tập trung nhiều những cường quốc lớn hàng đầu thế
giới, cùng các quốc gia đang vươn mình phát triển mạnh mẽ - giữa những quốc
gia này tồn tại những mối quan hệ, lợi ích đan xen, chồng chéo, mâu thuẫn và cả
cạnh tranh nhau.
Các vấn đề đang nổi lên hiện nay ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Chiến lược “xoay trục” và “can dự” ở Châu Á của Hoa Kì. Chiến lược xoay trục trở
lại CATBD của Mỹ, với sáu đường hướng hoạt động là: tăng cường các mối quan
hệ đồng minh để duy trì đồng thuận về chính trị, đảm bảo khả năng phòng thủ;
tăng cường các mối quan hệ với các quốc gia lớn mới nổi; can dự thể chế; mở


rộng thương mại và đầu tư, xóa bỏ rào cản thương mại, tăng cường minh bạch;
thúc đẩy chủ quyền, nhân quyền; tăng cường hiện diện quân sự, trong đó hệ


thống các hiệp định đồng minh song phương đóng vai trò xương sống cho quan
hệ an ninh ở khu vực này, ngày càng được chính quyền Hoa Kì cũng như quốc tế
quan tâm.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trung Quốc, sau những cuộc cải cách kinh tế và hội
nhập vào mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu, đã đạt được sự tăng trưởng
kinh tế vô cùng nhanh chóng trong ba thập kỷ qua. Vai trò lớn mạnh trong
thương mại quốc tế đã dần dần khiến cho Trung Quốc có tầm ảnh hưởng đáng kể
về kinh tế, chính trị, văn hóa,… đối với các nước khu vực và thế giới. Sự tăng
trưởng kinh tế nhanh chóng, tiến trình hiện đại hóa quân sự, và sự gia tăng chủ
nghĩa dân tộc của Trung Quốc được xem như một mối đe dọa tiềm tàng đối với
các quốc gia khác trong khu vực. Những mối quan ngại này càng sâu sắc hơn bởi
những nỗ lực mang tính “bất chấp” của Trung Quốc trong việc theo đuổi những
yêu sách lãnh thổ về vấn đề biển đảo với các nước láng giềng. Trung Quốc đang
đẩy các quốc gia trong khu vực CATBD vào thế “lưỡng nan” về mặt an ninh và
sách lược.
Thay đổi cân bằng quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc- sự kiềm chế và đối trọng.
Sự nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc, chủ nghĩa bành trướng gia tăng; cùng
với việc CATBD có vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế thế giới khiến
Mỹ trở lại khu vực này. Cuộc cạnh tranh Trung – Mỹ là cuộc cạnh tranh không
khoan nhượng, tiêu biểu: về kinh tế, đó là cuộc cạnh tranh giữa TPP và RCEP; về
mặt quân sự: cả hai bên đều tăng cường đầu tư cho quân sự và sự hiện diện của
mình tại khu vực. Sự nổi dậy của Trung Quốc – sự trở lại của Mỹ đang đặt CATBD
vào những “thế trận” mới, vào tình thế “lưỡng nan” về an ninh, chính trị và đối
ngoại.


Vấn đề xoay quanh ASEAN. Trụ cột của ASEAN là ý chí luận chứ không phải là
pháp quyền luận. Phương thức ASEAN, một mặt chứng tỏ được sự ưu việt, là
“chất keo” gắn kết các quốc gia trong khu vực, nhưng mặt khác, đang bị thách
thức và phê phán; ASEAN lần đầu tiên không đạt được sự đồng thuận; vấn đề

tranh chấp chủ quyền đang ngày càng leo thang, v.v.. là những vấn đề xoay quanh
ASEAN đang gây quan ngại. Đồng thời tình thế tại khu vực khi mà những lợi ích
và mâu thuẫn đan xen nhau, cùng với sự cạnh tranh Trung – Mỹ đang đe doạn
đến một tương lai ASEAN thống nhất, đoàn kết.
Các vấn đề chính trị - an ninh, kinh tế nổi cộm. Về chính trị - an ninh: Tranh chấp
lãnh thổ luôn là một vấn đề nổi cộm và gây quan ngại trong quan hệ giữa các chủ
thể quốc tế trong tất cả các thời kỳ. Tại khu vực CATBD hiện tại có khá nhiều
cuộc tranh chấp diễn ra của các quốc gia, nổi bật nhất là tranh chấp chủ quyền
giữa Trung Quốc và nhiều bên khác trên các đảo/ quần đảo. Điều này đã có
những tác động không nhỏ đến cục diện chính trị ở khu vực này. Ngoài ra, khu
vực còn tồn tại nhiều vấn đề bất ổn như vấn đề eo biển Đài Loan, vấn đề Triều
Tiên, nạn khủng bố, cướp biển, buôn bán ma túy, di dân bất hợp pháp và các vấn
đề tranh chấp chủ quyền khác đe dọa đến sự ổn định của khu vực này.
Về kinh tế: cạnh tranh và hợp tác trên lĩnh vực kinh tế đang song song tồn tại,
bên cạnh nhiều thành tựu trong hợp tác, dưới tác động của toàn cầu hóa, sự
cạnh tranh cũng dần trở nên gay gắt hơn.

Dự đoán triển vọng của quan hệ quốc tế ở khu vực Châu Á – Thái Bình
Dương
Mỹ sẽ tiếp tục duy trì chiến lược xoay trục, lôi kéo thêm các đồng minh. Thúc đẩy
hình thành các quy tắc chung trong quan hệ quốc tế tại khu vực. Mỹ chắc chắn sẽ
vẫn tiếp tục thực hiện chính sách “xoay trục” và “can dự” ở khu vực CATBD. Theo
đó, cũng sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược 6 đường, hướng hoạt động chính trong
chiến lược “xoay trục và can dự” bởi Mỹ không còn đủ sức mạnh để đi tới những


cuộc phiêu lưu mới với vấn đề lớn về thâm hụt ngân sách và giảm tăng trưởng
kinh tế. Đồng thời, để giải quyết vấn đề kinh tế, Mỹ sẽ theo đuổi đến cùng Hiệp
định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để vực dậy và phát triển kinh tế,
hướng mạnh tới “tự do hóa thương mại”- mục tiêu thương mại hàng đầu của Mỹ.

Hiện tại và tương lai, Mỹ sẽ không ngừng đề ra các chính sách và hành động để
tái cân bằng cả về kinh tế và quân sự với Trung Quốc trong hoàn cảnh chưa thể
chắc chắn về cách hành xử của nước này ở khu vực CATBD.
Về quan điểm thúc đẩy dân chủ và nhân quyền, Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan
trọng trong việc thúc đẩy dân chủ, nhân quyền cũng như góp phần hình thành
các quy tắc chung trong quan hệ quốc tế tại khu vực. Điển hình là Mỹ đã, đang và
sẽ tiếp tục tham gia vào các vòng đàm phán và nỗ lực cùng các nước Đông Nam Á
“buộc” Trung Quốc thực hiện Bộ quy tắc ứng xử chung COC.

Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò ngày to lớn trong quan hệ quốc tế ở Châu Á –
Thái Bình Dương trên nhiều lĩnh vực. Với tiềm lực kinh tế, quân sự ngày càng lớn
mạnh, Trung Quốc sẽ ngày càng tỏ rõ vai trò của mình trên nhiều mặt.
Vai trò về mặt kinh tế, Trung Quốc vẫn sẽ giữ vai trò quan trọng trong nhiều cơ
chế hợp tác, đóng góp cho sự hợp tác kinh tế ngày càng sâu rộng trong khu vực,
đáng kể đến là tiến trình hình thành ASEAN+6 và tiến đến RCEP; chính RCEP
đang và sẽ mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng cho chính Trung Quốc cũng như các
quốc gia khác, với sự cạnh tranh khốc liệt của TPP, RCEP sẽ khó đạt được mục
tiêu đề ra ban đầu; ngoài ra, cơ chế hợp tác ASEAN+3, các hợp tác song phương
với các quốc gia khác như Ấn Độ, Nhật Bản…cũng sẽ đạt nhiều thành công.
Vai trò về an ninh, giải quyết các vấn đề trong khu vực: tuy bản thân Trung Quốc
gây ra khó khăn cho quan hệ tại khu vực vì các yêu sách chủ quyền trên các vùng
lãnh thổ chồng lấn, song cũng không thể phủ nhận nỗ lực giải quyết của Trung
Quốc, đáng kể đến hơn cả là vai trò trung gian trong xoa dịu quan hệ Mỹ - Triều,


xây dựng cơ chế hợp tác với ASEAN cũng như những cố gắng trong giải quyết các
vấn đề nội tại.
Tương lai quan hệ Trung – Mỹ , cạnh tranh Trung – Mỹ tại ASEAN xảy ra quyết
liệt. Vấn đề Biển Đông tiếp tục là vấn đề gây đau đầu. Theo Mỹ, Trung Quốc hay
trung lập sẽ là bài toán khó cho các nước nhỏ trong tương lai. Vai trò - quan

điểm của Nga và Nhật Bản. Thứ nhất, câu hỏi đặt ra là, lý do gì khiến ASEAN trở
thành trung tâm của cạnh tranh Mỹ - Trung? Chính sự lớn mạnh và thành công
không ngừng đã tạo nên sức hấp dẫn của tổ chức từng bị coi là hợp tác “lỏng lẻo”
này . Từ một tổ chức nhỏ bé được thành lập năm 1967, ASEAN đã đi từ một tổ
chức không được nhiều quan tâm đến việc trở thành “trục ASEAN” được cả cộng
đồng quốc tế quan tâm. Cùng với đó là vị trí địa chiến lược quan trọng của
ASEAN trên bản đồ chính trị quốc tế, thực tại ASEAN là khu vực tiếp giáp các vị
trí trung chuyển về hàng hóa và thương mại quốc tế; hơn nữa ASEAN cũng là con
đường để Trung Quốc vươn ảnh hưởng của mình xa hơn – ngược lại Mỹ thì
không hề mong muốn việc này, vì vậy Mỹ chọn chính ASEAN là nơi để cạnh tranh
và kiềm chế chiến lược. Rất khó để có thể khẳng định ai sẽ thắng thế trong cuộc
cạnh tranh này, Mỹ hay Trung Quốc. Song, cơ chế hợp tác ASEAN nhất định sẽ
phát triển trong tương lai, ASEAN sẽ là cơ sở đảm bảo cho tiếng nói, quyền lợi
cũng như vị thế của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Thứ hai, về vấn đề Biển Đông, đây là vấn đề nổi cộm lên từ năm 2009 khi
Trung Quốc trình lên Liên Hợp Quốc yêu sách đường 9 đoạn, đây là vấn đề không
dễ gì để gải quyết vì nó liên quan đến lợi ích của nhiều quốc gia. Trong khi Hoa Kỳ
không thẳng thắn lên tiếng ủng hộ ai, thì Trung Quốc lại tìm mọi cách để giải
quyết song phương, kêu gọi các quốc gia không quốc tế hóa vấn đề tranh chấp
lãnh thổ, biển đảo. Một bộ quy tắc ứng xử khó có thể hoàn thành trong thời gian
ngắn nếu không muốn nói là không khả thi. Đồng thời, trong tương lai, Trung
Quốc sẽ tiếp tục duy trì đối sách “bẻ gẫy từng chiếc đũa riêng lẻ” với các nước có
tranh chấp , bởi lẽ đây là con đường đảm bảo sự thắng thế an toàn nhất của quốc
gia này.


Thứ ba, cuộc cạnh tranh Trung – Mỹ vô hình chung đã cuốn các nước nhỏ
vào vòng xoáy này. Hợp tác với Mỹ, Trung Quốc hay trung lập sẽ là bài toán khó,
trong tương lai, sự tồn tại đối trọng giữa RCEP và TPP là điều chắc chắn, Mỹ Trung sẽ tiếp tục giữ vai trò điều phối vì lợi ích kinh tế đang là yếu tố đóng vai trò
chủ đạo. Ở khu vực này, Mỹ đã có một hệ thống các đồng minh rất mạnh của

mình như trục Mỹ - Nhật bản – Hàn Quốc – Philippines. Điều đặt ra trong tương
lai là Trung Quốc sẽ tạo một liên minh như vậy hay không hay là “phát triển
trong hòa bình”. Tuy nhiên, trong lịch sử đã có lúc Trung – Mỹ liên minh công khai
và cả liên minh ngầm. Vì vậy, khi xét đến triển vọng quan hệ hợp tác Mỹ - Trung,
cũng không thể loại trừ khả năng Mỹ - Trung lại tiến tới một dạng liên minh
tương tự trong tương lai.
Thứ tư, những tác động của việc điều chỉnh chiến lược của Nga trong cân
bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng nhất định tới quan hệ
quốc tế ở khu vực CATBD.
Thứ năm, về phía Nhật Bản, nước này vẫn sẽ ủng hộ quan điểm của các nước
ASEAN. Nhật Bản luôn coi Biển Đông như là cầu nối giữa thế giới với CATBD, và
đảm bảo ổn định ở khu vực này là đảm bảo lợi ích cho cộng đồng quốc tế. Nhật
Bản cũng mong muốn nỗ lực hợp tác an ninh hàng hải với ASEAN để đối phó với
những thách thức mới.
ASEAN ngày càng lớn mạnh, đóng vai trò ngày càng to lớn trong quan hệ quốc tế
tại khu vực. Về định hướng tương lai của ASEAN: là khu vực có nhiều tiềm năng
về kinh tế, sự đa dạng và phong phú về văn hóa và bản sắc các dân tộc, ASEAN sẽ
tiếp tục phát triển vững mạnh, phát huy vai trò ở cả khu vực và trong các vấn đề
toàn cầu trong những thập kỷ tiếp theo. Về quan hệ ASEAN - Trung Quốc, quan hệ
đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc sẽ tiếp tục được thúc đẩy ; kế hoạch hành
động ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2011-2015 sẽ được hoàn thành.


Tuy nhiên, ASEAN chắc chắn sẽ khó đạt được những mục tiêu về mặt kinh tế,
thống nhất và hướng đến một cộng đồng “hoàn thiện” như mục tiêu đã đặt ra.
Chính sự đa dạng về mặt bản sắc văn hóa, chênh lệch về kinh tế, hay lợi ích quốc
gia và những ảnh hưởng từ cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung đang đưa
ASEAN vào tình thế khó mà “đồng nhất”. Sự thống nhất, hợp nhất đang là con
đường hiệu quả nhất để bảo đảm cho sự ổn định, hòa bình và bảo đảm được lợi
ích cho các quốc gia ASEAN trước thế trận CATBD.

Cạnh tranh kinh tế sẽ là mặt trận cơ bản nhất. Nhưng xu hướng hợp tác,ổn định,
phát triển vẫn là xu thế chủ yếu. Và sự tăng trưởng kinh tế vẫn khá vững vàng.
Tuy nhiên, chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế vẫn tiếp tục gây ra những khó
khăn cho việc hội nhập của các nước trong khu vực.
Thứ nhất, dưới tác động của toàn cầu hóa và khu vực hóa, sự mở rộng và
tăng cường hợp tác kinh tế sẽ là yếu tố chủ đạo chi phối nền kinh tế khu vực
CATBD cũng như toàn thế giới, đặc biệt là khi Châu Á đang ngày càng vươn lên
trở thành khu vực kinh tế năng động nhất thế giới với nhiều nền kinh tế mới nổi.
Bên cạnh việc hợp tác cùng phát triển thì các nước trong khu vực cũng không thể
tránh khỏi sự cạnh tranh kinh tế ngày càng gay gắt, vấn đề thâm hụt thương mại,
tỷ giá hối đoái, chất lượng sản phẩm, vấn đề thuế quan……Chính vì vậy, cạnh
tranh kinh tế sẽ là mặt trận cơ bản nhất. Tuy nhiên, vì CATBD là khu vực kinh tế
năng động có sẵn trong mình nhiều tiềm năng hiếm có, nên sự tăng trưởng kinh
tế ở khu vực vẫn sẽ khá vững vàng.
Thứ hai, sự hồi phục của nền kinh tế sau khủng hoảng sẽ tạo ra những cơ hội
và thách thức mới cho các nền kinh tế, đặc biệt là những nền kinh tế đang phát
triển mạnh như Trung Quốc , Ấn Độ, nhóm nước Đông Nam Á. Bên cạnh đó, chênh
lệch về trình độ phát triển kinh tế sẽ tiếp tục gây ra những khó khăn cho việc hội
nhập kinh tế của các quốc gia.


Sự đụng độ giữa kinh tế và an ninh, những vấn đề về an ninh và an ninh phi
truyền thống. Có thể nói, thách thức lớn nhất của khu vực CATBD là sự đụng độ
giữa kinh tế và an ninh. Sự căng thẳng ngày càng gia tăng do các tranh chấp
lãnh thổ trên biển Đông và biển Hoa Đông sẽ khiến sự chia rẽ an ninh trở nên rõ
rệt hơn và cản trở những nỗ lực hợp tác giữa các quốc gia.
Ngoài ra, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống có mức độ nguy hiểm cao hơn,
có sức ảnh hưởng lớn hơn, rộng hơn và tốc độ lây lan cũng nhanh hơn. Trong bối
cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc, sự thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia tăng
lên khiến các vấn đề an ninh khó kiểm soát hơn. Sự phối hợp, nỗ lực chung của

các quốc gia, không chỉ là các cường quốc sẽ ngày một mạnh mẽ hơn để giải
quyết và đối phó với những thách thức trên.
Trong khu vực, sẽ tiếp tục tồn tại nhiều vấn đề bất ổn như vấn đề eo biển Đài
Loan, vấn đề Triều Tiên, tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và các bên khác những vấn đề không thể giải quyết trong “một sớm một chiều”, nạn khủng bố
cướp biển, buôn bán ma túy, di dân bất hợp pháp và các vấn đề tranh chấp chủ
quyền khác cũng sẽ đe dọa đến sự ổn định của khu vực này.
Tóm lại, xu hướng hợp tác cùng phát triển là xu hướng nổi bật trong quan hệ
quốc tế ở khu vực này trong những năm tới. Có thể nói, cạnh tranh và xung đột
lớn sẽ khó xảy ra nhưng sự căng thẳng, đụng độ, xung đột vũ trang là điều hoàn
toàn có thể. Là khu vực có vị trí địa lý quan trọng, nền kinh tế năng động và phát
triển nhanh nhất thế giới, nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cả chính trị - an
ninh và kinh tế, những diễn biến trong quan hệ quốc tế ở khu vực CATBD sẽ tiếp
tục thu hút mạnh mẽ sự quan tâm và chú ý của các quốc gia, các nhà nghiên cứu
và học giả trên toàn thế giới.

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Quang Minh. “Quan hệ quốc tế ở khu vực châu Á Thái Bình Dương”,
NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014, Hà Nội.


2. Lê Linh Lan, “Vai trò của các nước vừa và nhỏ trong quan hệ quốc tế ở khu
vực châu Á – Thái Bình Dương”.
/>3. Triển vọng và thách thức của châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2015.
/>4. Sự thay đổi địa chính trị châu Á – Thái Bình Dương và lựa chọn chiến lược
của Trung Quốc
/>5. Chuyển động quốc phòng châu Á – Thái Bình Dương
/>6. Ying – dong Yuan, “China – ASEAN relations: perspectives, prospects and
implications for US interests”, 2006.
/>7. Satu Lymaye, “ Prospects Multilateral Cooperation in the Asia Pacific: To

overcome the gap of Security Outlooks”.
/>


×