Tải bản đầy đủ (.pdf) (20 trang)

ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT TRUYỆN NGẮN, TIỂU THUYẾT BÙI NGỌC TẤN

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (274.59 KB, 20 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Bùi Thị Kim Nga

ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT TRUYỆN NGẮN,
TIỂU THUYẾT BÙI NGỌC TẤN

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

Thành phố Hồ Chí Minh - 2013


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Bùi Thị Kim Nga

ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT TRUYỆN NGẮN,
TIỂU THUYẾT BÙI NGỌC TẤN

Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số:
60 22 01 21

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS. TS. NGUYỄN THÀNH THI

Thành phố Hồ Chí Minh – 2013




LỜI CẢM ƠN
Trong suốt quá trình học tập và hoàn thành luận văn này, tôi đã nhận được sự
hướng dẫn, giúp đỡ tận tình từ các thầy cô, bạn bè và đồng nghiệp. Với lòng kính
trọng và biết ơn sâu sắc tôi xin được bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới:
Ban Giám hiệu, Phòng Sau đại học, các thầy cô giảng dạy chuyên ngành đã
luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đỡ tôi trong suốt quá trình học tập và hoàn
thành luận văn.
Các thầy cô trong hội đồng bảo vệ đã cho tôi những ý kiến đóng góp quý báu
để hoàn chỉnh luận văn này.
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, đã không ngại điều kiện sức khỏe, bớt chút thời gian
quý báu, tận tình giúp đỡ, cho tôi những lời chia sẻ rất cởi mở, chân tình, những tư
liệu rất cần thiết trong quá trình làm bài.
Đặc biệt, tôi xin được gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến Phó Giáo Sư – Tiến Sĩ
Nguyễn Thành Thi – Người Thầy đáng kính, đã luôn hết lòng dạy bảo, giúp đỡ và
động viên tôi trong suốt quá trình học tập và hoàn thành luận văn này.
Bùi Thị Kim Nga

1


MỤC LỤC
LỜI CẢM ƠN .............................................................................................................. 1
MỤC LỤC .................................................................................................................... 2
MỞ ĐẦU....................................................................................................................... 4
1. Lý do chọn đề tài ............................................................................................................. 4
2. Mục đích của luận văn ................................................................................................... 5
3. Lịch sử vấn đề ................................................................................................................. 5
4. Đóng góp mới của luận văn............................................................................................ 7

5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ................................................................................. 7
6. Phương pháp nghiên cứu ............................................................................................... 8
7. Kết cấu của luận văn ...................................................................................................... 8

CHƯƠNG 1: TRUYỆN NGẮN, TIỂU THUYẾT BÙI NGỌC TẤN – TỪ QUAN
ĐIỂM SÁNG TÁC ĐẾN ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT ......................................... 10
1.1. Bùi Ngọc Tấn – từ cuộc đời đến cảm hứng nghệ thuật .......................................... 10
1.1.1. Đôi nét về cuộc đời ............................................................................................... 10
1.1.2. Tổng quan về văn nghiệp ...................................................................................... 11
1.1.3. Cảm hứng nghệ thuật ............................................................................................ 26
1.2. Truyện ngắn, tiểu thuyết Bùi Ngọc Tấn – nhìn từ hình thức nghệ thuật ............. 28
1.2.1. Quan niệm về hình thức nghệ thuật trong sáng tác văn học và sự chi phối của
quan điểm sáng tác đối với hình thức nghệ thuật ............................................................ 29
1.2.2. Nhìn chung về sự chi phối của quan điểm sáng tác tới hình thức nghệ thuật trong
truyện ngắn, tiểu thuyết Bùi Ngọc Tấn ........................................................................... 30

CHƯƠNG 2: ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT TRUYỆN NGẮN, TIỂU THUYẾT
BÙI NGỌC TẤN – NHÌN TỪ PHƯƠNG THỨC VÀ KĨ THUẬT TỰ SỰ ......... 38
2.1. Cốt truyện và tình huống truyện đặc sắc................................................................. 38
2.1.1. Dựng truyện “phi cốt truyện”, với nhiều đột biến bất ngờ.................................... 38
2.1.2. Tình huống tâm trạng, bộc lộ bi kịch .................................................................... 45
2.2. Kết cấu đơn giản mà hiện đại ................................................................................... 49
2.2.1. Kết cấu đơn tuyến chiếm ưu thế so với đa tuyến .................................................. 50
2.2.2. Kết cấu dòng ý thức đan xen kĩ thuật “lồng ghép” truyện .................................... 55
2.3. Khắc họa nhân vật – những số phận bi kịch ........................................................... 58
2.3.1. Khắc họa ngoại hình con người bé nhỏ, cô đơn .................................................... 58
2.3.2. Miêu tả hành vi kì dị, vô nghĩa lý, lời nói đậm chất hiện sinh .............................. 61
2.3.3. Bộc lộ tâm lý hoang mang, dằn vặt ....................................................................... 66
2



2.4. Trần thuật điềm tĩnh mà linh hoạt, mang đậm tính chủ thể ................................. 68
2.4.1. Chọn ngôi kể và dịch chuyển điểm nhìn ............................................................... 68
2.4.2. Xử lý tăng tốc và trì hoãn ...................................................................................... 74
2.4.3. Người kể chuyện mang hình bóng tác giả, tính tự thuật, tự truyện....................... 79

CHƯƠNG 3: ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT TRUYỆN NGẮN, TIỂU THUYẾT
BÙI NGỌC TẤN – NHÌN TỪ NGÔN TỪ, GIỌNG ĐIỆU ................................... 85
3.1. Ngôn ngữ nghệ thuật ................................................................................................. 85
3.1.1. Sự kết hợp tự nhiên, hiệu quả giữa diễn ngôn của người kể chuyện và diễn ngôn
nhân vật ........................................................................................................................... 86
3.1.2. Những thủ pháp “lạ hóa” ngôn từ đầy ý vị ........................................................... 89
3.1.3. Cách đặt tên tác phẩm nhiều dụng ý ..................................................................... 92
3.2. Giọng văn trầm buồn, giàu chất suy cảm ................................................................ 96
3.2.1. Giọng bình thản, lạnh lùng, ẩn giấu nhiều suy tư ................................................. 96
3.2.2. Giọng từng trải, chiêm nghiệm ........................................................................... 100
3.2.3. Giọng hài hước, hóm hỉnh ................................................................................... 102

KẾT LUẬN .............................................................................................................. 105
TÀI LIỆU THAM KHẢO ...................................................................................... 109
PHỤ LỤC ................................................................................................................. 114

3


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trải qua những thời kì thăng trầm của lịch sử, văn học có những bước chuyển mình
đáng kể. Lấy mốc từ năm 1975, sau mười năm chuyển tiếp, văn học bước vào thời kì đổi
mới sôi nổi, mạnh mẽ, từ năm 1986, văn học bước sang một chặng đường mới, một nền văn

học đương đại phong phú và đa dạng được hình thành. Sự xuất hiện của hàng loạt thế hệ nhà
văn mới, mỗi người mang một dáng vẻ, một giọng điệu góp phần to lớn vào công cuộc hiện
đại hóa văn học nước nhà. Đó là những Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài,
Nguyễn Ngọc Tư,…
Tuy nhiên, từ trước đến nay, việc nghiên cứu, phê bình chỉ chủ yếu đi sâu khai thác
những tác giả nổi bật trên, mà thiếu một cái nhìn toàn diện, bao quát vào những đóng góp
của nhiều nhà văn khác. Bởi bên cạnh những nhà văn tiêu biểu, có ảnh hưởng lớn trên văn
đàn, thì vẫn còn rất nhiều nhà văn có những đóng góp không nhỏ vào việc hiện đại hóa ngôn
ngữ văn học giai đoạn mới. Vì vậy, thiết nghĩ việc cần có những công trình nghiên cứu một
cách khoa học, nghiêm túc về những nhà văn này, để đem lại một cái nhìn toàn diện, sâu sắc
hơn về sự đóng góp của mỗi nhà văn là điều rất cần thiết.
Trong số những nhà văn ít được nhắc đến trên, có một tác giả với giọng văn rất lạ –
tôi muốn nhắc đến Bùi Ngọc Tấn. Cái tên Bùi Ngọc Tấn xuất hiện nổi bật trên văn đàn vào
năm 1991, với hồi ký Một thời để mất, sau đó là tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000. Là một
nhà văn có cuộc đời và văn nghiệp nhiều những thăng trầm, dường như phận người và phận
văn gắn liền với nhau. Có những sáng tác, khi ra đời, được đón nhận nồng nhiệt. Nhưng
cũng có những tác phẩm buộc phải lùi về quá khứ. Những sáng tác của Bùi Ngọc Tấn chưa
được quan tâm và tới tay độc giả một cách dễ dàng. Với một giọng văn thâm trầm, trải đời,
Bùi Ngọc Tấn đã có những đóng góp mới cho tiến trình văn học giai đoạn sau.
Tuy nhiên với một nhà văn có “phận người” và “phận văn” đầy đắng cay, những công
trình nghiên cứu nghiêm túc về những tác phẩm của ông còn rất hạn chế, dường như người
ta né tránh khi nói đến cái tên Bùi Ngọc Tấn. Những bài viết về ông chủ yếu là những bài
báo, những bài bình riêng lẻ của một số nhà văn, nhà phê bình, độc giả. Và những bài viết
này, thường chỉ khái quát về nội dung, chủ đề tư tưởng trong tác phẩm của ông, chưa đề cập
4


nhiều đến hình thức nghệ thuật, một yếu tố quan trọng tạo nên chỉnh thể tác phẩm. Thiết
nghĩ với một nhà văn có nhiều đóng góp như Bùi Ngọc Tấn, nên có những công trình
nghiên cứu nghiêm túc về văn nghiệp của nhà văn, để thấy rõ được những sáng tạo của ông

từ hình thức nghệ thuật tới nội dung chủ đề tác phẩm. Đó là lý do người viết chọn đề tài:
“Đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn, tiểu thuyết Bùi Ngọc Tấn”.

2. Mục đích của luận văn
Mục đích của luận văn là khảo sát một cách toàn diện và có hệ thống những đặc điểm
về nghệ thuật truyện ngắn, tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn. Từ những khám phá về hình thức
nghệ thuật, để có cái nhìn bao quát hơn về nội dung, chủ đề tư tưởng, thấy rõ những đóng
góp của ông trong văn học sau 1975.

3. Lịch sử vấn đề
Những công trình nghiên cứu về nhà văn Bùi Ngọc Tấn hiện rất hạn chế. Chủ yếu là
những bài báo riêng lẻ, những bài bình về từng tác phẩm của một số nhà văn, nhà phê bình.
Đa số các bài viết chủ yếu đi sâu vào nội dung, chủ đề tác phẩm, riêng về hình thức nghệ
thuật truyện ngắn, tiểu thuyết Bùi Ngọc Tấn hầu như chưa được đề cập đến.
Ý kiến đánh giá chung về sự nghiệp, phong cách văn chương Bùi Ngọc Tấn
Phạm Xuân Nguyên viết về văn chương của nhà văn: Ông khẳng định văn chương
của nhà văn là “văn chương của sự thật”. “Bùi Ngọc Tấn viết văn trầm tĩnh và đôn hậu.
Hình như đây là kết quả của sự kết hợp bản tính người và trải nghiệm đời nơi ông. Sau
những gì đã xảy đến với ông, nếu văn ông có giọng cay độc, chua chát, cũng là điều dễ
hiểu. Nhưng không! Ngay cả sự trầm tĩnh và đôn hậu ở đây cũng không hề là phải cố ý,
gồng mình, tỏ vẻ. Đó là văn chương của sự thật”.
Những ý kiến đánh giá về đóng góp nghệ thuật qua một số tác phẩm cụ thể
Thụy Khuê trong bài viết “Bùi Ngọc Tấn, Chuyện kể năm 2000” (Tháng 3 năm 2000)
đã có những phát hiện mới, khẳng định vai trò của tiểu thuyết Bùi Ngọc Tấn trong giai đoạn
sau đổi mới: “Bùi Ngọc Tấn đã dẫn tiểu thuyết Việt Nam bước vào một ngõ ngoặt, một giai
đoạn mới: Giai đoạn mà nhà văn lại có quyền được in những tác phẩm nói lên sự thật, biện
5


hộ cho tự do, sau mười năm bặt vắng. Trong gần mười năm qua, tiểu thuyết Việt Nam đã

trải qua thời kỳ xuyên sa mạc. Sau những Thời Xa Vắng, những Nỗi Buồn Chiến Tranh,
những Bến Không Chồng,… của thời kỳ đổi mới, văn học trong nước chuyển sang thời kỳ
hậu đổi mới, nhiều người nói đến sự tuyệt chủng của tiểu thuyết, nhưng dường như với bình
minh 2000, người đọc đang có quyền hy vọng. Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn xuất
hiện như sự trở mình của thần long ngủ quên trong lòng biển. Ðây không phải là một cuốn
tiểu thuyết bình thường mà là một tác phẩm có tầm vóc lớn” [22].
Vào tháng 1 – 2005, trên tạp chí “Xưa và Nay” số tết năm ất Dậu của hội Khoa Học
Lịch Sử Việt Nam, nhà văn Nguyên Ngọc đã có những nhận định về giọng điệu tiểu thuyết
Chuyện kể năm 2000: “Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn đi vào một “vùng cấm”:
Chuyện một người bị tù oan ức, chẳng vì cái gì cả, hoặc đúng hơn, vì những xung đột mờ
ám ở tận đâu đâu, chẳng dính dáng gì đến anh ta, một con người quá ư thật thà, trong
trắng, ngây thơ giữa một môi trường xã hội quá nhiều ám muội. Truyện được viết theo một
giọng văn “cổ điển”, không cố tình có những tìm tòi mới về phong cách, nhưng vẫn hấp dẫn
và đầy tính thuyết phục… Bùi Ngọc Tấn đã đi xa hơn được rất nhiều việc mô tả một tấn bi
kịch cá nhân, thậm chí một bi kịch của chế độ – điều mà một số cuốn sách viết về nhà tù
thường rất tập trung – để nói đến một tình thế phi lý của cuộc sống, và vô hình chung, cuốn
sách trở thành như một thiên anh hùng ca, khiêm nhường mà cảm động về con người, con
người có thể đi qua được tất cả những gì xấu xa đen tối nhất, đi qua tất cả bùn lầy, giữ
vững chất người của mình chống lại tất cả thế lực đen tối nhất muốn trừ tiệt chất người ở
con người” [34].
Châu Diên trong bài viết “Những con chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn” trên “Báo Lao
động cuối tuần” (tháng 12, 2009) đã nhìn Biển và chim bói cá dưới hai góc độ, như “một
phóng sự dài” và như “một tiểu thuyết”. Ông nhìn nhận tác phẩm được viết bởi một bàn tay
viết báo kì tài, với văn phong báo chí điêu luyện, trên cơ sở đó đi ngược lại vấn đề, ông
khẳng định đóng góp lớn của tác phẩm trên thể loại tiểu thuyết.
Nguyễn Tiến Văn, trong bài viết “Kể Chuyện Cho Năm 2000” (đăng trên “Văn hóa
nghệ thuật”), nhận xét về văn phong của Bùi Ngọc Tấn: “Cách hành văn như thế là đã có
đổi mới. Sự đổi mới này chủ yếu nằm ở cấu trúc câu văn không phải thuần lý, cũng không bị
ép vào trong một khuôn ngữ pháp để cho mỗi câu văn là một đơn vị hoàn chỉnh, phân tích
6



được theo một diễn tiến đường thẳng”. Nguyễn Tiến Văn cho rằng Bùi Ngọc Tấn đã trở lại
với truyền thống kể chuyện trong văn học truyền miệng.
Những công trình nghiên cứu về đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn, tiểu thuyết, Bùi
Ngọc Tấn
Công trình đầu tiên có tính chất nghiên cứu chuyên sâu về nghệ thuật trong sáng tác
của Bùi Ngọc Tấn là luận văn thạc sĩ với đề tài: “Nghệ thuật trần thuật trong văn xuôi Bùi
Ngọc Tấn” của Phan Thúy Hằng – Đại học Sư phạm Huế (2011). Luận văn chủ yếu đi sâu
khai thác về phương diện trần thuật nói riêng, nghiên cứu theo khuynh hướng tự sự học, có
những khám phá mới về phương diện trần thuật của Bùi Ngọc Tấn [16].
Nhìn chung, các bài viết, các công trình nêu trên đã có những đóng góp phần nào vào
việc phát hiện những sáng tạo trong lối viết của tác giả. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bài
nghiên cứu nào đi khai thác một cách tổng quát về đặc điểm nghệ thuật của truyện ngắn và
tiểu thuyết Bùi Ngọc Tấn, để thấy được điểm mới và sự đóng góp của ông. Trên cơ sở tiếp
thu những nghiên cứu bước đầu, người viết cố gắng đi sâu khai thác về đặc điểm nghệ thuật
của truyện ngắn, tiểu thuyết Bùi Ngọc Tấn.

4. Đóng góp mới của luận văn
Luận văn tập trung nghiên cứu đặc điểm hình thức nghệ thuật truyện ngắn, tiểu thuyết
Bùi Ngọc Tấn để đánh giá đầy đủ, có cơ sở hơn những đóng góp của ông trong việc vận
dụng thể loại cũng như các phương tiện văn học đồng thời qua đó hiểu hơn về cá tính sáng
tạo của nhà văn.
Qua đó người viết mong được góp một tiếng nói khẳng định giá trị ngòi bút Bùi Ngọc
Tấn, đem đến một hướng tiếp cận mới, toàn diện hơn về mặt nghệ thuật – một yếu tố quan
trọng trong việc nghiên cứu văn chương Bùi Ngọc Tấn.

5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: “Đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn, tiểu thuyết Bùi Ngọc
Tấn”.


7


Phạm vi nghiên cứu: Luận văn tập trung khảo sát các tác phẩm truyện ngắn, tiểu
thuyết đã được xuất bản.
- Các tập truyện ngắn: “Người chăn kiến”, “Người ở cực bên kia” (Nxb Văn Nghệ,
2006).
- Hai tiểu thuyết tiêu biểu: Chuyện kể năm 2000 (Nxb Thanh Niên, 2000) và Biển và
chim bói cá (Nxb Hội Nhà Văn, 2008).

6. Phương pháp nghiên cứu
Người viết có ý sử dụng phương pháp lịch sử, phương pháp hệ thống, phương pháp so
sánh, phương pháp loại hình.
Phương pháp lịch sử được vận dụng trong việc đặt tác phẩm trong bối cảnh thời đại,
và những chuyển biến thời cuộc ảnh hưởng trong tác phẩm. Trong việc liên hệ hoàn cảnh
lịch sử tác động đến con người và tư tưởng nhà văn.
Phương pháp hệ thống được sử dụng trong việc tổng hợp các hình ảnh, chi tiết về nội
dung và nghệ thuật từ các truyện ngắn và tiểu thuyết.
Phương pháp so sánh được dùng để làm rõ sự khác biệt giữa sáng tác của tác giả với
những sáng tác của các nhà văn cùng thời.
Phương pháp loại hình được dùng để làm rõ những đặc trưng về thể loại truyện ngắn,
tiểu thuyết.

7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, luận văn được triển khai
theo ba chương:
Chương 1: Truyện ngắn, tiểu thuyết Bùi Ngọc Tấn – từ quan điểm sáng tác đến
đặc điểm nghệ thuật
Tập trung tìm hiểu mối quan hệ giữa quan điểm sáng tác, nội dung tư tưởng và hình

thức nghệ thuật trong tác phẩm.
8


Chương 2: Đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn, tiểu thuyết Bùi Ngọc Tấn – nhìn
từ phương thức và kĩ thuật tự sự
Đi sâu vào khảo sát từng đặc điểm nghệ thuật, nhìn ở phương thức và kĩ thuật tự sự,
về cách xây dựng cốt truyện, tình huống, khắc họa nhân vật, kết cấu, trần thuật.
Chương 3: Đặc điểm truyện ngắn, tiểu thuyết Bùi Ngọc Tấn – nhìn từ ngôn từ,
giọng điệu
Tập trung làm rõ những đặc điểm về cách sử dụng ngôn từ, và những giọng điệu
chính trong tác phẩm của nhà văn.

9


CHƯƠNG 1: TRUYỆN NGẮN, TIỂU THUYẾT BÙI NGỌC TẤN –
TỪ QUAN ĐIỂM SÁNG TÁC ĐẾN ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT

1.1. Bùi Ngọc Tấn – từ cuộc đời đến cảm hứng nghệ thuật
1.1.1. Đôi nét về cuộc đời
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn sinh ngày 3 tháng 7 năm 1934 tại làng Câu Tử Ngoại, xã Hợp
Thành, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Ông sinh ra trong một gia đình địa chủ
nhỏ có bốn anh em trai, anh cả là Bùi Ngọc Châu, anh thứ hai là Bùi Đức Thành, anh thứ ba
là Bùi Ngọc Chương và ông – là con út. Hòa mình với những năm tháng mưa bom bão đạn
của dân tộc, cùng với bao người, gia đình ông đến với cách mạng với lòng khao khát độc lập
tự do. Bố ông làm chủ tịch xã khi cách mạng thành công và làm chủ tịch mặt trận Liên Việt
huyện Thủy Nguyên khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ.
Năm 1947 Thủy Nguyên bị quân Pháp chiếm đóng, ông theo bố mẹ tản cư lên Bắc
Giang, Thái Nguyên và tiếp tục học văn hóa. Ông học rất giỏi. Thi tiểu học, ông đỗ đầu liên

khu Việt Bắc. Suốt thời gian học trung học, ông đều đứng đầu lớp, và được học bổng toàn
phần. Năm 1954, ông vào đội Thanh niên xung phong tiếp quản Thủ Đô. Cuối năm 1954,
kết thúc đợt tiếp quản, ông từ chối đi học kỹ thuật ở nước ngoài, về làm phóng viên báo
Tiền Phong (Trung Ương Đoàn Thanh Niên Lao Động Việt Nam) và bắt đầu cuộc đời viết
văn chuyên nghiệp. Cuối năm 1959, ông chuyển về báo Hải Phòng. Trở về thành phố quê
hương, thâm nhập vào đời sống thực tế, mong viết được những tác phẩm để đời.
Đang trong những tháng ngày đầy nhiệt huyết, sức viết “khỏe” nhất thì vào tháng 11
năm 1968 ông bị cáo buộc tội “Tuyên truyền phản cách mạng” và bị đưa đi tập trung cải tạo
cho đến tháng 4 năm 1973. Năm năm ròng rã, khi rời khỏi chốn lao tù, tưởng chừng như
những ngày tháng đau khổ nhất đã khép lại. Nhưng cuộc đời thật trớ trêu, ông và gia đình
lại tiếp tục vật lộn với những chông gai tiếp theo. Quay về với con số không, với hai bàn tay
trắng, thật khó để ông có thể tìm được chỗ đứng như xưa. Hai năm trời thất nghiệp, ông đã
phải lăn lộn rất nhiều nghề như bốc vác, thợ sắt, đi buôn, kéo xe bò, và có lúc phải viết chui
(với một bút danh khác) để kiếm sống. Đến tháng 5 năm 1975, nhờ sự giúp đỡ của ông
Hoàng Hữu Nhân, tổng cục trưởng Tổng cục Thủy Sản, nguyên bí thư thành Uỷ Đảng Cộng
10


Sản Việt Nam thành phố Hải Phòng, ông được làm nhân viên văn phòng Quốc Doanh đánh
cá Hạ Long và nghỉ hưu từ tháng 5 năm 1995 cho tới nay.
Cuộc sống với đầy những vất vả, lo toan, sống và đi lên từ những cơ cực dường như
điều đó càng làm ông thấm thía nhiều hơn, hiểu sâu hơn về cuộc đời, chính những trải
nghiệm cho ông sự trưởng thành. Và những trăn trở ấy đã đi vào những trang văn Bùi Ngọc
Tấn một cách tự nhiên như chính cuộc đời ông vậy.
1.1.2. Tổng quan về văn nghiệp
Bùi Ngọc Tấn sáng tác trên nhiều thể loại, truyện ngắn, tiểu thuyết, hồi ký, phóng sự,

các tác phẩm đăng trên báo, trong những năm tháng ông làm phóng viên báo Tiền Phong –
Hải Phòng. Ông cho ra đời một số lượng tác phẩm tương đối lớn, nhưng những tác phẩm
được công khai và đến tay bạn đọc thì không nhiều. Nhưng đó là những tác phẩm thật sự có

giá trị. Ông là thành viên của Hội Nhà văn Việt Nam, thành viên của Hội Văn bút Canada,
Hội Văn bút Quốc tế.
Bùi Ngọc Tấn đến với văn chương không phải do một sự tình cờ, ngẫu nhiên, mà
xuất phát từ bản thân con người ông, tức niềm đam mê vốn đã tồn tại trong con người nghệ
sĩ ngay từ thưở bé thơ. Chính ông đã từng nhận mình là “một đứa trẻ hơi khác thường”.
Những lời ru của mẹ, những lời thơ của bố đã một phần nuôi ông trưởng thành. Ngay từ lúc
còn nhỏ ông đã nghĩ mỗi ngày trôi qua là một ngày mất đi, là một ngày không trở lại. Ông
rất say mê thiên nhiên: “Những buổi sáng hè, từ trong nhà bước ra khỏi cổng, cả một khu
đầm nước mênh mông bàng bạc, dìu dịu trước mặt tôi gió thổi gợn sóng đưa hơi mát đến
tôi, ép lá tre vào lũy tre nhà tôi, một lũy tre ken dầy với những dây lạc tiên đeo quả có
những cái áo mỏng như đăng ten. Tôi rất muốn nói lên cảm xúc của mình về những ngọn
gió ấy, về những tia sáng đầu tiên của mặt trời vút vào lũy tre mà tôi nhìn thấy. Đúng là
ngày ấy tôi đã nhìn thấy những tia sáng mặt trời đầu tiên vút vào lũy tre”. Những năm
tháng tuổi thơ đi qua luôn để lại trong nhà văn nhiều kí ức tốt đẹp, một vẻ đẹp riêng, “một
vẻ đẹp đến nao lòng” luôn ám ảnh ông.
Bước vào đời, tiếp xúc với những lời ca, những trang thơ, những tiểu thuyết của Tự
Lực Văn Đoàn, được đọc những bài thơ trong sổ tay của bố, Bùi Ngọc Tấn hiểu thêm về vẻ
đẹp của ngôn từ. Ông nói: “Bao giờ đọc những câu ca dao như: “Trèo lên cây bưởi hái hoa
11


/ Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân. Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc / Em lấy chồng rồi
anh tiếc lắm thay…, tôi cũng thấy xúc động”. Đó là tất cả các chất liệu có sẵn, tự nhiên đến
với ông, “một cậu bé sống ở nhà quê, gần như không có điều kiện tiếp xúc với các bộ môn
sang trọng khác như hội họa hay âm nhạc…”. Những lời giảng bay bổng của các Thầy Cô
dạy văn trên bục giảng thời phổ thông trung học như tiếp thêm hơi thở cho tình yêu văn học
vào đứa trẻ Bùi Ngọc Tấn ngày nào. Cùng với các bạn, có tình yêu văn học, cùng luận bàn,
cùng xem xét, bình phẩm văn chương, đã góp một phần không nhỏ vào niềm đam mê văn
chương của ông.
Ông đã tìm đến với văn chương mà không phải với một ngành nghệ thuật nào khác,

và chọn thể văn xuôi để phơi bày cảm xúc. Bởi dòng máu văn chương là một phần không
thể thiếu trong ông, và ông tâm niệm: “Với tôi chỉ có văn xuôi mới nói hết được những gì
tôi lưu luyến với cuộc đời này. Ngay cả thơ cũng là bất lực”.
Ngoài hai mươi ông đã có những tác phẩm hay, được nhận một số giải thưởng. Đang
ấp ủ những tác phẩm “dài hơi chuẩn bị trình làng” thì ông bị lâm vào lao lý. Năm năm, trở
về với cuộc đời, ông quên mất mình là một nhà văn, hay mọi người không ai còn nhớ đến
ông với tư cách là một người cầm bút. Hai mươi năm im lặng, hai mươi năm cố giấu niềm
đam mê, cố giấu con người nghệ sĩ luôn hằng hữu trong ông để vật lộn với cuộc sống đầy
vất vả. Và dường như không thể sống với con người thứ hai, không thể che giấu tình yêu
với văn chương. Hơn hết là từ sau những sóng gió trong cuộc đời, ông nghĩ mình cần phải
“lưu giữ” lại kí ức, suy ngẫm về những ngày tháng đã qua. Sống cạn một kiếp người để rồi
viết về nó. Nghề viết văn như có một ma lực. Ai đã trót bước chân vào thì không thể buông
ra. Ông cũng vậy, ông đã trót dính vào thứ ma lực đặc biệt. Không thể chạy trốn, không thể
che giấu con người thật, không thể trốn tránh hai chữ nghiệp văn đã thuộc về “số phận” của
ông. Và ông đã cầm bút trở lại. Không những thế ông còn viết nhiều hơn, hay hơn, và sâu
sắc hơn. Những người làm văn chương đích thực chỉ có thể là những ai biết vượt qua những
buồn bực mang tính cá nhân để có cái nhìn cao hơn, xa hơn, khái quát hơn,“biết quyện nỗi
đau của mình vào những trăn trở chung của đồng loại, của dân tộc với một thái độ lịch
lãm” [53,56].
Đất nước đang bước sang những ngày thay da đổi thịt, Đại hội Đảng năm 1986, Đại
hội của đổi mới, bước đầu đã có những thay đổi nếp suy nghĩ về nghệ thuật, cũng góp một
12


phần thôi thúc nhà văn cầm bút trở lại. Bùi Ngọc Tấn về với thế giới văn chương với một
vài truyện ngắn, hồi ký in lẻ tẻ trên các báo và tạp chí. Năm 1991, với tập hồi ký Một thời
để mất, tập sách đầu tiên ra đời sau 27 năm im lặng, đã chính thức đánh dấu sự trở lại của
nhà văn trên con đường nghệ thuật.
Với sức viết “rất khỏe”, như muốn dồn hết tâm lực để lưu lại “kí ức dân tộc”. Chỉ
trong vòng một thời gian ngắn ông cho ra đời liên tiếp những đứa con tinh thần mang nhiều

tâm huyết. Đó là tập truyện ngắn “Những người rách việc”, “Người chăn kiến”, “Một
ngày dài đằng đẵng”.
Tiếp sau đó là cuốn tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000, dài hơn năm trăm trang giấy,
được ông dồn nén những trải nghiệm từ chính cuộc đời mình trên những hư cấu nghệ thuật
đặc sắc. Một cuốn tiểu thuyết đầy tâm huyết, những trang văn viết bằng máu và nước mắt
được ông hoàn thành chỉ trong vòng một năm, từ 1990 đến năm 1991. Hăm hở trình làng
cuốn tiểu thuyết máu thịt của mình, ông mong đứa con tinh thần này sẽ là cuốn sách thành
công nhất trong đời viết, mong được đón nhận, được hoan nghênh, mong tìm được người
hiểu mình. Nhưng đó lại là “một cuốn tiểu thuyết có số mệnh”, ngay sau khi in ấn, chưa kịp
phát hành đã có lệnh tịch thu, tiêu hủy.
Tác phẩm tiếp theo là cuốn ký Chân dung văn học Rừng xưa xanh lá, viết về những
người bạn của một thời đã qua với những kí ức còn nguyên vẹn. Tác phẩm được giải B của
Hội Nhà văn (không có giải A).
Tiểu thuyết Biển và chim bói cá, đúc kết kinh nghiệm hai mươi năm làm nhân viên ở
Liên hiệp Quốc Doanh đánh cá Hạ Long. Một phần cuộc đời nhà văn, gắn với biển cả, với
những con người vật lộn trên sóng nước.
Những tác phẩm chính của Bùi Ngọc Tấn, bao gồm những truyện đã in và những bản
thảo chưa đến được tay người đọc.
“Mùa cưới, Ngày và đêm trên Vịnh Bái Tử Long, Đêm tháng 10, Người gác đèn
cửa Nam Triệu, Nhật ký xi măng, Nhằm thẳng quân thù mà bắn, Những người rách việc
(tập truyện 1996), Chuyện kể năm 2000 (1991)”. (Những bản thảo chưa xuất bản – thông
tin được cung cấp bởi tác giả).
13


“Một thời để mất (1991), Rừng xưa xanh lá (2004) – Ký chân dung, Người ở cực

bên kia (2006), Biển và chim bói cá (2009)”. (Những tác phẩm đã xuất bản).
Nhà văn đã đạt được một số giải thưởng lớn trong và ngoài nước: Giải Henri
Queffenlec, một giải thưởng lớn của Pháp (2012) cho tác phẩm Biển và chim bói cá.

Giải B văn xuôi (không có giải A): Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2004 cho tập
ký chân dung Rừng xưa xanh lá.
Sáng tác trên nhiều thể loại, nhưng truyện ngắn, và tiểu thuyết vẫn là hai thể loại tiêu
biểu nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông. Như trên đã trình bày, đề tài của luận văn là đi
sâu tìm hiểu về nghệ thuật truyện ngắn, tiểu thuyết của nhà văn, không khảo sát ở những thể
tài khác. Vì vậy, phần tiếp theo, người viết sẽ đi vào phân tích một số vấn đề về đặc trưng
thể loại, quá trình phát triển, vị trí truyện ngắn và tiểu thuyết trong sự nghiệp sáng tác của
Bùi Ngọc Tấn.
Đặc trưng thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết:
“Truyện ngắn là một thể tài tác phẩm tự sự cỡ nhỏ, thường được viết bằng văn xuôi,
đề cập hầu hết các phương diện của đời sống con người và xã hội. Nét nổi bật của truyện
ngắn là sự giới hạn về dung lượng; tác phẩm truyện ngắn thích hợp với việc tiếp nhận (độc
giả) đọc nó liền một mạch không nghỉ” [3, 345].
Truyện ngắn ra đời và phát triển trong tư duy hiện đại. Tác giả sao chụp, cắt ghép hiện
thực đời sống vào trang viết. Không giống như các thể tài khác, nhất là tiểu thuyết, xem xét
hiện thực dưới cái nhìn tổng quát, của một giai đoạn, một quá trình. Truyện ngắn với dung
lượng có hạn, chỉ vài nghìn chữ, trong vài trang giấy, truyện ngắn không đi về bề rộng mà
khai thác ở chiều sâu. Khám phá những lát cắt từ hiện thực, một khoảnh khắc của đời người.
Nếu tiểu thuyết là một cây cổ thụ lớn, sum suê, um tùm, thì truyện ngắn chỉ là một cành cây,
một lát cắt từ thân cây. Nhưng lát cắt đó phải là điểm đặc trưng cho toàn bộ cây. “Truyện
ngắn với những đặc điểm thể tài riêng biệt chỉ thực sự phát triển ở các nền văn học hiện
đại, gắn với sự xuất hiện và phát triển của báo chí. Với tư cách là một thể tài tự sự, truyện
ngắn hiện đại cũng như truyện vừa, truyện dài hiện đại ít nhiều mang những đặc trưng của
tư duy tiểu thuyết (sự tiếp cận các thực tại đương thành, vai trò của hư cấu tự do, của kinh
14


nghiệm sống trực tiếp của tác giả…). Tuy vậy, khác với truyện vừa và truyện dài – vốn là
những thể tài mà quy mô cho phép chiếm lĩnh đời sống trong toàn bộ sự toàn vẹn, đầy đặn
của nó, truyện ngắn thường nhằm khắc họa một hiện tượng, phát hiện một đặc tính trong

quan hệ con người hay trong đời sống tâm hồn con người. Truyện ngắn thường ít nhân vật,
ít sự kiện phức tạp chồng chéo. Nhân vật truyện ngắn ít khi trở thành một thế giới hoàn
chỉnh, một tính cách đầy đặn, thường khi là hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý
thức xã hội hoặc trạng thái tồn tại của con người” [3, 346].
Truyện ngắn có những đặc trưng riêng về dung lượng, cốt truyện, tình huống, kết
cấu, nhân vật. Truyện ngắn cũng giống với tiểu thuyết, đều là hình thức tự sự tái hiện cuộc
sống đương thời. Truyện ngắn có thể kể về cả một đoạn đời hay chỉ là một khoảng đời,
nhưng cái chính ở truyện ngắn không phải là ở hệ thống sự kiện mà ở cái nhìn tự sự đối với
cuộc đời. Điểm đặc trưng của truyện ngắn là cách nắm bắt cuộc sống. Tác giả truyện ngắn
thường hướng đến việc khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ
nhân sinh hay trong đời sống tâm hồn con người. Truyện ngắn thường ít nhân vật, ít sự kiện
phức tạp. Cái chính của truyện ngắn là gây được một ấn tượng sâu đậm về cuộc đời và tình
người.
Cùng với các thể tài khác, tiểu thuyết ra đời như một thiết yếu của đời sống nghệ
thuật, phản ánh kịp thời tư duy của văn học. Tiểu thuyết là tác phẩm tự sự, tập trung vào số
phận của một cá nhân cụ thể. Belinski gọi tiểu thuyết là “sử thi của đời tư”, nó miêu tả
những tình cảm, dục vọng, và những biến cố thuộc đời sống riêng tư và đời sống nội tâm
của con người. Còn Bakhtin – nhà khoa học nhân văn lỗi lạc nhất thể kỉ XX, ông tâm đắc
nhất tiểu thuyết trong tất cả các thể loại văn học. Ông coi tiểu thuyết là “sản phẩm tinh thần
tiêu biểu nhất cho thời đại mới của lịch sử loài người, là thành quả rực rỡ, có giá trị như
một bước nhảy vọt thực sự vĩ đại của hàng ngàn năm văn chương thế giới” [31, 8].
“Cái quyết định tiểu thuyết là kinh nghiệm, nhận thức và thực tiễn” (Bakhtin). Để
viết được một tác phẩm tiểu thuyết hay, nhà văn phải đi qua, phải trải nghiệm, phải tích lũy
cho mình những kinh nghiệm về hiện thực cuộc sống. Có những kinh nghiệm cho bản thân,
nhà văn phải nhận thức được hiện thực, nhận thức đó phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống,
xuất phát từ kinh nghiệm của bản thân. Nếu có một vốn sống phong phú từ thực tiễn, có

15



những kinh nghiệm dày dặn về cuộc sống, nhưng nhà văn không nhận thức được giá trị của
hiện thực, thì khó có thể tạo nên được một tác phẩm tiểu thuyết hay.
Tiểu thuyết là thể tài văn chương duy nhất luôn biến đổi theo đời sống xã hội, do đó
nó phản ánh sâu sắc hơn, cơ bản hơn, nhạy bén hơn, sự biến chuyển của bản thân hiện thực.
Tiểu thuyết chiếm vị trí quan trọng trong nền văn học hiện đại, được xem là “chiếc máy cái”
[5]. Từ những tác phẩm đầu tay của Tự lực văn đoàn, cùng với những nhà văn hiện thực giai
đoạn 1930-1945 tiểu thuyết dần khẳng định vị trí của mình. Từ những định hướng đầu tiên,
tiểu thuyết Việt Nam sau năm 1945, với những bước đi tiếp theo, dần có những điều chỉnh
phù hợp, trở thành một vũ khí đắc dụng.
Tiểu thuyết có những đặc trưng riêng về cốt truyện, nhân vật. Tiểu thuyết nhìn cuộc
sống dưới góc độ đời tư. Tiểu thuyết miêu tả cuộc sống như “một thực tại cùng thời đang
sinh thành tiểu thuyết hấp thụ vào bản thân nó mọi yếu tố ngổn ngang bề bộn của cuộc đời,
bao gồm cái cao cả lẫn tầm thường, nghiêm túc và buồn cười, bi và hài, cái lớn lẫn cái
nhỏ” [27, 391]. Tiểu thuyết là thể loại có khả năng tổng hợp nhiều nhất các khả năng nghệ
thuật của các loại văn học khác. Nó là một thể loại tự sự dân chủ, năng động và giàu khả
năng phản ánh đời sống từ nhiều mặt.
Quá trình phát triển truyện ngắn, tiểu thuyết Bùi Ngọc Tấn:
Quá trình sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết Bùi Ngọc Tấn được chia làm hai chặng
đường:
Từ 1954 đến năm 1968: Một chặng đường với những tác phẩm đầu tay, ông đã viết
một cách tự nhiên, chân thành, hào hứng, nhiệt tình và say mê nhất. Nhà văn đã dùng cái sôi
nổi của một thời tuổi trẻ để sáng tạo nghệ thuật. Cảm hứng chủ đạo của giai đoạn này là
những truyện ngắn, tiểu thuyết thiên về cảm hứng ngợi ca, ngợi ca cuộc sống, ngợi ca đất
nước, con người.
Từ 1990 cho đến nay: Sau một thời gian dài vắng bóng trên văn đàn, ông dồn hết
tâm lực, viết những trang sách cuối cùng của cuộc đời. Những trang bản thảo được ông ấp
ủ, hình thành trong gần hai phần ba cuộc đời. Những dòng chữ thai nghén từ chính cuộc đời,
từ những trải nghiệm qua năm tháng mà ông đã “nếm mật nằm gai”. Hàng loạt tác phẩm ra
16



đời nối tiếp, gần 3000 trang văn tuôn trào trong mạch cảm xúc dồn nén sau một khoảng thời
gian khá dài, hơn hai mươi năm, tưởng chừng như đã khép lại một đời văn. Khác với chặng
thứ nhất, thiên về cảm hứng ngợi ca sôi nổi, truyện ngắn, tiểu thuyết ở chặng thứ hai là sự
ghi lại, lưu giữ lại những trải nghiệm xương máu mà chính cuộc đời đã tôi luyện ông thành
“Người”. Giọng văn khác hẳn với giai đoạn trước, những câu chuyện rất thật, rất đời được
đi vào truyện ngắn, tiểu thuyết của ông.
Sau những thăng trầm của cuộc sống, giọng văn Bùi Ngọc Tấn có nhiều thay đổi.
Những sáng tác của ông trong chặng hai này là “tiếng nói được cất lên từ một thế giới nhân
vật khác”. Trái tim ông mách bảo “Ta chỉ có thể viết những gì ta quý, ta yêu, ta mang nợ
với nó, không thể giữ trong lòng, phải vợi bớt, phải chia sẻ với mọi người”. Ông đã cặm cụi
viết với tình cảm chủ đạo “tình yêu cuộc sống”. Ông “ao ước cuộc sống bớt đi những đau
khổ và mỗi ngày một tốt đẹp hơn lên”.
Ông đã khẳng định tình yêu tha thiết của mình dành cho cuộc sống. Dù ông đã trải
qua mọi cay đắng nhưng chưa bao giờ ông nhìn đời bằng đôi mắt đen tối, lại càng không
nhìn bằng đôi mắt hận thù. “Tôi yêu ánh bình minh mỗi buổi sớm ngập ngừng đến thăm cửa
sổ căn buồng còn nửa thức nửa ngủ của tôi. Tôi yêu từng tiếng guốc gõ trên đá lát vỉa hè,
tôi yêu tiếng chim hót đang dần dần trở lại đất nước tôi sau dằng dặc chiến tranh. Tôi yêu
những người cố nén những gì đang trào lên trong lòng để vượt qua muôn vàn khó khăn của
cuộc đời vốn vô cùng ngắn ngủi. Tôi yêu thời gian đã mất, yêu đến tuyệt vọng một khoảng
trời thơ ấu”.
Chặng thứ hai, mở đầu với những truyện ngắn như Người chăn kiến, Một ngày dài
đằng đẵng. Bùi Ngọc Tấn đã cho bạn đọc làm quen với kiểu nhân vật mới. Ông vén những
tấm màn, để người đọc bước những bước chân đầu tiên vào với một thế giới khác, khơi gợi
sự cảm nhận, triển khai một lối tư duy truyện ngắn riêng. Ông muốn cho người đọc làm
quen, “tập dợt” với một lối văn phong hoàn toàn mới, trước khi trình làng những cuốn tiểu
thuyết mà ông tâm đắc. Có lẽ đó là một dụng ý nghệ thuật của tác giả.
Và khi độc giả đã dần làm quen với một giọng điệu, một thế giới nhân vật mới, ông
bắt đầu cho ra mắt tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000 năm 1991 – một tác phẩm đầy tâm
huyết trong cả đời viết văn của ông. Tác phẩm được viết với một tốc độ nhanh đến chóng

17


mặt, chỉ vỏn vẹn trong vòng một năm, với hơn năm trăm trang giấy. Một tiểu thuyết được
viết công phu, dồn nén hết tất cả những thông điệp nghệ thuật mà ông muốn gửi gắm đến
cuộc đời, con người. Nhưng mọi việc không như mong muốn, tác phẩm chỉ vừa in ấn, chưa
kịp phát hành tới tay độc giả thì đã có lệnh cấm, phải đem đi tiêu hủy.
Hụt hẫng với đứa con tinh thần đầy tâm huyết, nhưng không vì thế mà ông nản lòng.
Kí ức và những trải nghiệm xương máu vẫn nung nấu, ấp ủ và luôn thôi thúc ông cầm bút.
Ông từng nói “nó như một khối u, nếu không được chạm đến sẽ gây ung thư mất…”.
Chuyện kể năm 2000 là cuốn tiểu thuyết viết về cuộc đời của anh tù không án Nguyễn Văn
Tuấn, thấp thoáng dáng dấp của nhà văn những năm bị bắt đi cải tạo. Ông viết về nhân vật
“hắn” mang số hiệu CR880 như muốn chia sẻ, muốn gửi gắm nỗi lòng, những đớn đau mà
nhân vật đã trải qua. Còn Biển và chim bói cá, một tiểu thuyết “ngồn ngộn” những chi tiết,
hàng nghìn sự kiện xoay quanh khoảng hai mươi nhân vật của một liên hiệp đánh cá đang
trong thời kì tan rã. Tác phẩm là những xâu chuỗi trong hai mươi năm làm nhân viên đánh
cá của tác giả ở Liên hiệp đánh cá Hạ Long. Khi được hỏi về “Bối cảnh và tâm trạng khi
viết Biển và chim bói cá”, nhà văn bùi ngùi: “Tôi đã làm một nhân viên ở một xí nghiệp
đánh cá quốc doanh hai mươi năm. Là một thành viên, một tế bào của cái cơ thể phập
phồng hơi thở có một đối tượng lao động là biển cả này, tôi vui niềm vui của những ngày
biển lặng gió êm, những chuyến biển tàu về đầy ắp cá; tôi lo lắng cho những người bạn của
tôi đang chịu gió mùa, tránh bão, tôi chia sẻ nỗi buồn với những thủy thủ khi những chuyến
biển bị gẫy… Và tôi hiểu những khó khăn của thời ấy về phụ tùng thay thế, về dầu đốt, về
thiếu am mô ni ác chạy máy lạnh, về mỗi khi Sở “điên nặng” cúp điện… Tôi cũng đã nhiều
lần đi biển. Reo hò khi đụt cá căng phồng ào ào trút nước xuống boong, lo lắng nhìn đụt lép
kẹp vừa lôi lên sàn dốc. Chọn tôm, nhặt cá, luộc tôm tít ăn khuya cùng các thuyền viên. Tôi
yêu họ, tôi yêu biển”. Ông luôn trăn trở rằng mình “mắc nợ biển” “mắc nợ” những con
người đã từng làm việc trên biển, từng đồng cam cộng khổ cùng ông.
Ông vốn là một nhân viên thi đua làm trên bờ, nhưng ông vẫn tận dụng mọi cơ hội đi
biển và chăm chỉ ghi chép. Khi viết Biển và chim bói cá, ông “cố diễn đạt được cuộc

chuyển mình trong tư tưởng, trong quan hệ giữa người với người, giữa người với biển, một
cuộc vật lộn gian khổ và đau đớn”.

18



×