ĐỀ 1
Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:
Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi;
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.
Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ;
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.
Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng,
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.
(Chiều xuân– Anh Thơ, Ngữ văn 11, tập 2, NXB Giáo dục 2008, tr.51-52)
Câu 1. Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào?
Câu 2 : Xác định phương thức biểu đạt của văn bản.
Câu 3 :Các từ êm êm, im lìm, tơi bời, vu vơ, rập rờn, thong thả, chốc chốc thuộc loại từ gì?
(0.25 điểm).
Câu 4. Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong câu thơ Đò biếng lười nằm mặc nước sông
trôi? Tác dụng của biện pháp tu từ đó? (0.5 điểm)
Câu 5. Tìm những câu thơ có sử dụng từ chỉ màu sắc. (0.25 điểm)
Câu 6. Viết một đoạn văn (7 – 10 dòng) thể hiện cảm nhận của anh/chị về bức tranh quê buổi
chiều xuân được tác giả phác họạ trong bài thơ. (0.5 điểm)
ĐÁP ÁN
Câu 1 :Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.
Câu 2 : Miêu tả.
Câu 3 :Từ láy
Câu 4 :- Biện pháp tu từ nhân hoá
– Tác dụng: Bức tranh quê được cảm nhận sinh động và có linh hồn.
Câu 5 :
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời (màu tím), Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ (màu
xanh), Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ (màu đen),Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng (màu
xanh), Làm giật mình một cô nàng yếm thắm (màu đỏ)
Câu 6:
Đoạn văn cần đảm bảo được các ý:
+ Khái quát được vẻ đẹp yên bình của bức tranh quê buổi chiều xuân
+ Bức tranh là những nét phác hoạ về thiên nhiên
+ Một bức tranh dùng tĩnh để tả động cho thấy vẻ đẹp giản dị, thanh bình
+ Tình cảm gắn bó của con người trước cảnh vật.
ĐỀ 2
Đọc bài thơ sau và trả lời câu hỏi
Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.
Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại.
Mảnh tình san sẻ tí con con!
(Tự tình-Hồ Xuân Hương)
Câu 1: Em hiểu gì về nhan đề bài thơ?
Câu 2: Tác dụng của từ láy “văng vẳng” và từ “dồn” trong việc thể hiện tâm trạng nhà thơ?
Câu 3: Nghĩa của từ “trơ” trong câu thơ “Trơ cái hồng nhan với nước non” là gì?
Câu 4: Tác dụng của biện pháp đảo ngữ và các động từ được sử dụng trong hai câu
Xiên ngang, mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn
Câu 5: văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào ?sử dụng phương thức biểu đạt nào
là chủ yếu?
Câu 6: Hãy liên kể tên một số tác phẩm khác cùng viết về thân phận người phụ nữ mà em đã
học?
ĐÁP ÁN
Câu 1: Nhan đề bài thơ “Tự tình II”: tự bộc lộ tâm tình. Ở đây nhà thơ tự đối diện với chính
mình để tự vấn, xót thương (0,5 điểm)
Câu 2: Gợi bước đi vội vã, dồn dập, gấp gáp của thời gian, gợi không gian quạnh hiu, vắng lặng
(0,5 điểm) và tâm trạng rối bời, lo âu, buồn bã, cô đơn của con người khi ý thức được sự trôi
chảy của thời gian, của đời người (0,5 điểm).
Câu 3: Từ “trơ”:
Nghĩa trong câu thơ: trơ trọi, cô đơn, có gì như vô duyên, vô phận, rất bẽ bàng và đáng
thương (0,5 điểm).
– Sự bền gan, thách thức, sự kiên cường, bản lĩnh của con người (0,5 điểm).
Câu 4: – Miêu tả hình ảnh thiên nhiên như muốn vùng lên, phá ngang, phẫn uất với đất trời (0,25
điểm)
– Đó là hình ảnh thiên nhiên qua cảm nhận của người mang sẵn niềm phẫn uất và sự bộc lộ cá
tính, bản lĩnh không cam chịu như muốn thách thức số phận của Hồ Xuân Hương (0,25 điểm).
Câu 5: phong cách ngôn ngữ nghệ thuật 0,25đ/ phương thức biểu cảm 0,25đ
Câu 6: Một số tác phẩm viết về thân phận người phụ nữ: Bánh trôi nước (Hồ Xuân
Hương), Chinh phụ ngâm khúc (Đặng Trần Côn), Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều) (0,5
điểm)
ĐỀ 3
Nêu các phương thức biểu đạt chính, phong cách ngôn ngữ,các kiểu câu ( xét về mục đích nói )
trong đoạn văn, ý nghĩa của đoạn văn sau:
1.”Hai đứa trẻ”-Thạch Lam
Từ” Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ” đến “muỗi đã bắt đầu vo ve” (trang 122)
2.”Chữ người tử tù”-Nguyễn Tuân
“Đêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn…run run bưng chậu mực”(trang 148)
3.”Chí Phèo” – Nam Cao
“Khi Chí Phèo mở mắt thì trời đã sáng lâu …Chao ôi là buồn!”(trang 182)
4.Vội vàng-Xuân Diệu
Câu 5 -> câu 13 ( trong bài này cô cho em biết thêm nghĩa tình thái và nghĩa sự việc nữa nhe cô)
Giải đáp:
1. Hai đứa trẻ
“Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều.
Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre
làng trước mắt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời.
Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng
theo gió nhẹ đưa vào. Trong cửa hàng hơi tối, muỗi đã bắt đầu vo ve.”
– Phương thức biểu đạt : Miêu tả
-Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
-Theo mục đích nói :Sử dụng kiểu câu trần thuật
-Ý nghĩa: Miêu tả cảnh phố huyện lúc chiều tà, đó là 1 buổi chiều thanh bình, êm ả …làm nền
cho tâm trạng nhân vật Liên.
Tác giả chọn thời khắc hoàng hôn – ngày tàn. Cảnh mỗi lúc một tối hơn. Ánh sáng lụi tàn dần.
Bóng tối bắt đầu lan tỏa khắp nơi: trên cái chòi, đám mây và lũy tre làng và bao trùm lên cảnh
vật, gợi lên từ âm thanh của “tiếng trống thu không (…) vang ra từng tiếng để gọi buổi chiều”,
gợi lên từ màu sắc: “Phương Tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than
sắp
tàn”.
Đó là cảnh vật phố huyện nghèo nàn, xơ xác tiêu điều: tiếng muỗi vo ve, tiếng ếch nhái kêu ran,
cảnh chợ tàn, trên nền đất chỉ còn rác rưởi, một miền đất như đang lụi tàn trong quên lãng.
2.”Chữ người tử tù”-Nguyễn Tuân
“Đêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng tiếng mõ trên vọng canh, một cảnh tượng xưa
nay chưa từng có, đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất
bừa bãi phân chuột, phân gián.
Trong một không khí khói toả như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi
lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ. Khói bốc toả
cay mắt, làm họ dụi mắt lia lịa.
Một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng
trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại khúm núm cất những đồng tiền
kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gày gò, thì run run bưng chậu
mực.”
– Phương thức biểu đạt :Tự sự
-Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
-Theo mục đích nói :Sử dụng kiểu câu trần thuật
-Ý nghĩa: đoạn văn miêu tả cảnh Huấn cao cho chữ viên quản ngục để làm nổi bật chủ đề tác
phẩm
Vẻ đẹp của Huấn Cao hiện lên trong đêm viết chữ cho viên quản ngục: Một người hiên ngang,
đĩnh đạc, ung dung dậm tô nét chữ. Đây là sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối,là sự
chiến thắng của cái đẹp, cái cao thượng, đối với sự phàm tục nhơ bẩn, cũng là sự chiến thắng của
tinh thần bất khuất trước thái độ cam chịu nô lệ
3. Chí Phèo
“Khi Chí Phèo mở mắt thì trời đã sáng lâu. Mặt trời đã cao, và nắng bên ngoài chắc là rực rỡ.
Cứ nghe chim ríu rít bên ngoài đủ biết. Nhưng trong cái lều ẩm thấp vẫn chỉ hơi tờ mờ. Ở đây
người ta thấy chiếu lúc xế trưa và gặp đêm thì bên ngoài vẫn sáng. Chưa bao giờ Chí Phèo nhận
thấy thế bởi chưa bao giờ hết say.
Nhưng bây giờ thì hắn tỉnh. Hắn bâng khuâng như tỉnh dậy, hắn thấy miệng hắn đắng, lòng mơ
hồ buồn. Người thì bủn rủn, chân tay không buồn nhấc, hay là đói rượu, hắn hơi rùng mình.
Ruột gan lại nôn nao lên một tý. Hắn sợ rượu cũng như người ốm thường sợ cơm. Tiếng chim
hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo
đuổi cá. Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy… Chao
ôi là buồn!”
– Phương thức biểu đạt :tự sự, miêu tả, biểu cảm
-Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
-Các kiểu câu ( xét về mục đích nói ): câu trần thuật
Câu cảm thán:Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá!Chao ôi là buồn!
Ý nghĩa: Đoạn văn miêu tả rất tinh tế những cảm nhận sâu sắc của Chí Phèo khi tỉnh rượu , lần
đầu tiên hắn cảm nhận được những âm thanh bình dị trong cuộc sống. Tâm trạng : bâng
khuâng,lòng mơ hồ buồn, sợ rượu,…->>đó là biểu hiện của sự thức tỉnh trong tâm hồn Chí Phèo.
4.Vội vàng-Xuân Diệu
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi sáng sớm, thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.”
– Phương thức biểu đạt: biểu cảm
-Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
-Các kiểu câu ( xét về mục đích nói ): câu trần thuật, câu cảm thán
-Ý nghĩa đoạn thơ:
+Cuộc sống trần gian hiện lên qua đó thật sống động, tươi tốt, đáng yêu, tràn ngập âm thanh,
màu sắc , đó là một thiên đường trên mặt đất
+Bộc lộ tình yêu thiên nhiên, yêu đời, tâm trạng vội vàng cuống quýt của Xuân Diệu khi sống
giữa cuộc đời này
-Nghĩa sự việc và nghĩa tình thái:( cô làm mẫu cho em 1 câu nhé, các câu khác làm tương tự)
Của ong bướm này đây tuần tháng mật:
Những từ ngữ biểu hiện nghĩa sự việc :Của ong bướm này đây tuần tháng mật
->>câu biểu hiện quan hệ
Nghĩa tình thái:bề ngoài thì khách quan, trung hòa về cảm xúc nhưng trong lòng tác giả đang rất
hồ hởi, vui tươi đón nhận cuộc sống, sự cảm nhận cuộc sống lúc nào cùng ngọt ngào như tuần
trăng mật…
ĐỀ 4
Đọc đoạn trích sau “Chí Phèo” – Nam Cao và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới
“Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Có hề gì? Trời có của riêng
nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn
chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “chắc nó trừ mình ra!”.
Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải
chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế có phí
rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn cho hắn
khổ đến nông nỗi này? A ha! Phải đấy, hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra
thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo. Nhưng mà biết đứa chết mẹ nào đã đẻ ra Chí Phèo? Có trời
mà biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết…”
(Trích “Chí Phèo” – Nam Cao).
1.Đoạn văn trên sử dụng phương thức biểu đạt nào là chính?
2.Văn bản trên nói về điều gì?
3.Tác giả đã sử dụng những kiểu câu nào?
4.Trong văn bản trên, Chí Phèo đã chửi những ai? Tiếng chửi của Chí có ý nghĩa gì?
5. Nêu 2 thành phần nghĩa trong câu sau:…hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ
ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo
6. Từ văn bản trên, em hãy chứng minh từ tiếng việt không biến đổi hình thái
7.Đặt tiêu đề cho văn bản trên.
8)Cách sắp xếp tiếng chửi của nhân vật Chí Phèo: Bắt đầu hắn chửi trời…Rồi hắn chửi đời…
chửi ngay tất cả làng Vũ Đại…chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo …
được sử dụng biện pháp tu từ cú pháp như thế nào? Nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ
đó?
9) Đoạn trích sử dụng nhiều câu văn ngắn. Nêu ý nghĩa nghệ thuật của việc sử dụng nhiều câu
ngắn đó.
Gợi ý:
1. Phương thức tự sự
2. Văn bản trên nói về tiếng chửi của Chí Phèo, một thằng say rượu
3. Tác giả đã sử dụng rất nhiều kiểu câu khác nhau: Câu trần thuật (câu kể, câu miêu tả), câu hỏi
(câu nghi vấn), câu cảm thán.
4.Chí Phèo chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn,
chửi đứa chết mẹ nào đã đẻ ra thân hắn. Tiếng chửi của Chí Phèo đã tạo ra một màn ra mắt độc
đáo cho nhân vật, gợi sự chú ý đặc biệt của người đọc về nhân vật. Tiếng chửi ấy vừa gợi ra một
con người tha hóa đến độ lại vừa hé lộ bi kịch lớn nhất trong cuộc đời nhân vật này. Chí dường
như đã bị đẩy ra khỏi xã hội loài người. Không ai thèm quan tâm, không ai thèm ra điều. Chí
khao khát được giao hòa với đồng loại, dù là bằng cách tồi tệ nhất là mong được ai đó chửi vào
mặt mình, nhưng cũng không được.
5. Nghĩa sự việc: nói về hành động của Chí :hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ
ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo
Nghĩa tình thái: thể hiện thái độ của Nam Cao khi miêu tả nhân vật: bề ngoài thì dửng dưng lạnh
lùng nhưng trong sâu thẳm là sự cảm thông thương xót
6. Từ hắn được lặp lại nhiều lần, giữ nhiều chức vụ khác nhau nhưng không thay đổi về âm đọc
và chữ viết.
7.Học sinh đặt tiêu đề ngắn gọn, khái quát nội dung và chủ đề đoạn trích.
8.Cách sắp xếp tiếng chửi của nhân vật Chí Phèo: Bắt đầu hắn chửi trời…Rồi hắn chửi đời…
chửi ngay tất cả làng Vũ Đại…chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo …
được sử dụng biện pháp tu từ cú pháp: điệp cú pháp, liệt kê (hắn chửi trời…hắn chửi đời…chửi
ngay …chửi đứa …)và chêm xen.(0,5 điểm)
Hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ đó: Phép điệp cú pháp và liệt kê nhằm nhấn mạnh đối
tượng của tiếng chửi được sắp xếp từ xa đến gần, từ cao đến thấp, có thứ tự, có lớp lang. Nghệ
thuật chêm xen ở cuối câu chửi đẻ ra cái thằng Chí Phèo nhằm nhấn mạnh bi kịch bị từ chối của
Chí Phèo. Đồng thời, tác giả gián tiếp tố cáo chính xã hội thực dân nửa phong kiến đã đẻ ra Chí
Phèo (0,5 điểm)
9. Đoạn trích sử dụng nhiều câu văn ngắn tạo nhịp điệu nhanh, dồn dập và tạo nên kịch tính cho
truyện. “Tức mình”, rồi “tức thật! Thế này thì tức thật. Tức chết đi mất”, “mẹ kiếp”, “nghiến
răng mà chửi”. Những câu văn ngắn đã cho ta cảm nhận được trực tiếp nỗi đau của Chí. Hiện lên
trong đoạn văn là hình ảnh Chí Phèo đang vật vã, đang quằn quại trong nỗi đau khổ, trong bi
kịch bị cự tuyệt quyền làm người của mình. Dùng tiếng chửi, dù là có cố gắng giao tiếp với loài
người nhưng cuộc đời Chí vẫn là con số không, không bè bạn, không ai coi hắn như một con
người; duy chỉ có trong hắn một cái mang hình hài rõ rệt: đó là khối cô đơn ngày càng kết tụ sâu
sắc, gay gắt, xót xa. (0,5 điểm)
ĐỀ 5
Đọc đoạn trích trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới.
“Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, lừa lọc, tính cách dịu dàng và lòng biết
giá người, biết trọng người ngay của viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen
vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ.”
(Trích “Chữ người tử tù” – Nguyễn Tuân)
- Những câu văn trên miêu tả suy nghĩ của nhân vật nào?
- Nhân vật đó nói về điều gì?
- Văn bản trên đã sử dụng thành công biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của phép tu từ đó?
- Tìm các từ láy trong văn bản và đặt câu với mỗi từ láy đó
- Em hãy viết 1 đoạn văn ( 20 dòng )để chứng minh cho suy nghĩ của nhân vật :tính cách dịu
dàng và lòng biết giá người của viên quản ngục
Gợi ý
- Những câu văn trên miêu tả suy nghĩ của nhân vật Huấn Cao
- Huấn Cao đánh giá về vẻ đẹp phẩm chất, tính cách và tâm hồn của nhân vật quản ngục
- Văn bản đã sử dụng thành công thủ pháp tu từ so sánh: tính cách dịu dàng, lòng biết giá người,
biết trọng người ngay của viên quản ngục được ví như một âm thanh trong trẻo chen vào giữa
một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ. Hình ảnh so sánh này có ý nghĩa gợi dậy ở người
đọc sự hình dung khái quát nhất về hoàn cảnh và phẩm chất của nhân vật quản ngục. Đây là hình
ảnh súc tích, tạo ra sự đối lập sắc nét giữa trong và đục, thuần khiết và ô trọc, cao quý và thấp
hèn, giữa cá thể nhỏ bé, mong manh với thế giới hỗn tạp, xô bồ. Nó là một hình ảnh so sánh hoa
mĩ, đắt giá, gây ấn tượng mạnh, thể hiện sự khái quát nghệ thuật sắc sảo, tinh tế, có ý nghĩa làm
nổi bật vẻ đẹp tâm hồn nhân vật.
- Các từ láy được sử dụng : dịu dàng ,trong trẻo
- Đặt câu: học sinh có thể đặt theo nhiều cách nhưng phải đúng về ngữ pháp và phù hợp với
nghĩa của từ
- Viết đoạn văn:
Yêu cầu về nội dung:
– Chứng minh viên quản ngục là người có tính cách dịu dàng trong đối xử với Huấn Cao ( dẫn
chứng, phân tích)
-Viên quản ngục có lòng biết giá người ( dẫn chứng, phân tích)
Yêu cầu về hình thức: viết thành 1 đoạn văn hoàn chỉnh theo dung lượng đề bài yêu cầu + – 3
dòng.
ĐỀ 6
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi
“Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều.
Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre
làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời”.
(“Hai đứa trẻ” – Thạch Lam, SGK Ngữ văn 11, tập 1, NXB GD 2013)
1. Đoạn văn trên được viết theo phương thức biểu đạt nào là chính?
2. Nội dung chủ yếu của đoạn văn là gì?
3. Biện pháp nghệ thuật chủ yếu của đoạn văn trên là gì? Nêu tác dụng của nó?
Đáp án:
Những phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn văn là: tự sự, miêu tả
Nội dung chính của đoạn văn là: tả khung cảnh thiên nhiên phố huyện lúc chiều tàn
– Thủ pháp nghệ thuật: so sánh “phương tây đỏ rực như lửa cháy”; “những đám mây ánh
hồng như hòn than sắp tàn”
– Tác dụng: so sánh nhằm làm nổi bật nét đặc trưng riêng biệt của khung cảnh thiên nhiên: cảnh
rực rỡ, sinh động, …
ĐỀ 7
Câu hỏi đọc hiểu về bài thơ “Tương tư” của Nguyễn Bính ( SGK Ngữ văn 11-Bài đọc thêm)
Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi :
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người.
Gió mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng
( Tương tư, Nguyễn Bính )
1.Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn thơ. Đoạn thơ thể hiện tâm
tư,tình cảm gì của nhân vật trữ tình ?
2.Phân tích hiệu quả sử dụng biện pháp tu từ trong hai câu thơ đầu của đoạn thơ.
3.Những yếu tố nào trong đoạn thơ thể hiện chất dân gian trong thơ Nguyễn Bính ?
Đáp án
– Biểu cảm ; Tâm trạng tương tư- nhớ nhung
– Biện pháp tu từ : hoán dụ: Dùng địa dang để chỉ người sống trên địa danh đó :
Thôn Đoài- Thôn Đông
– Tác dụng :
+ Cách biểu đạt tình cảm kín đáo, ý nhị .
+ Tạo ra 2 nỗi nhớ song hành, chuyển hóa: người nhớ người, thôn nhớ thôn ; biểu đạt được qui
luật tâm lí: khi tương tư thì cả không gian sinh tồn xung quanh chủ thể cũng nhuốm nỗi tương tư.
– Chất dân gian thể hiện :
+ Nội dung : Tâm trạng tương tư- đề tài quen thuộc xuất hiện nhiều trong ca dao, dân ca.
+ Hình thức : Thể thơ lục bát; địa danh , nghệ thuật hoán dụ, thành ngữ, cách nói vòng, giọng
điệu tâm tình ngọt ngào thường thấy trong ca dao …
ĐỀ 8
“Nhà nước ba năm mở một khoa,
Trường Nam thi lẫn với trường Hà.
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm ọe quan trường miệng thét la.
Lọng cắm rợp trời quan sứ đến,
Váy lê quét đất mụ đầm ra.
Nhân tài đất Bắc nào ai đó,
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.”
(Vịnh khoa thi Hương-Trần Tế Xương)
a. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản ?
- Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.
b. Xác định các phương thức biểu đạt ? Phương thức nào là chủ yếu ?
- Phương thức tự sự, miêu tả, biểu cảm. Biểu cảm là chủ yếu.
c. Xác định các biện pháp nghệ thuật ?
- Đảo ngữ, hoán dụ, từ láy, đối.
d. Thái độ của tác giả được thể hiện như thế nào ?
- Tủi nhục, uất hận, đau đớn trước cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ.
ĐỀ 9
“Ba hôm sau, ông cụ già chết thật.
Cả gia đình ấy đã nhao lên mỗi người một cách, đi gọi từ ông lang băm Tây cho đến ông lang băm
Đông, già và trẻ, để thực hành đúng cái lí thuyết “nhiều thầy thối ma”. Ông cụ già chết, danh dự
của Xuân lại càng to thêm, vì cái lẽ rất chính đáng là luôn ba hôm nó đã trốn một chỗ nào không ai
biết, đến nỗi cụ bà cho người đi tìm đâu cũng không thấy. Thiếu ông đốc tờ Xuân là thiếu tất cả,
những ông thầy thuốc chính hiệu đã thất bại hoàn toàn. Về phần ông đốc tờ Trực Ngôn, thấy bạn
đồng nghiệp Xuân của ông không chữa, cho đó là một bệnh nặng, nên cũng không dám nhận. Đó là
một bài học cho những kẻ nào dám bảo một người như Xuân là con nhà hạ lưu, ma cà bông, vô học,
vô lại, nhặt ban quần, vân vân…”
(Hạnh phúc của một tang gia – Vũ Trọng Phụng)
a, Xác định câu văn chủ đạo của đoạn văn ?
- Là câu văn đầu tiên.
b, Xác định những biện pháp nghệ thuật ?
- Liệt kê, so sánh, thành ngữ.
c, Chỉ ra phương thức biểu đạt ? Phương thức nào là chủ yếu ?
- Tự sự, miêu tả, biểu cảm. Phương thức tự sự là chủ yếu.
d, Chỉ ra những phép liên kết trong đoạn văn ?
- Phép nối, phép lặp từ vựng, phép thế.