Tải bản đầy đủ (.doc) (15 trang)

CHUYÊN ĐỀ: PHONG TRÀO CHỐNG BUÔN BÁN NÔ LỆ DA ĐEN VÀ XÓA BỎ CHẾ ĐỘ NÔ LỆ Ở ANH

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (164.77 KB, 15 trang )

CHUYÊN ĐỀ:
PHONG TRÀO CHỐNG BUÔN BÁN NÔ LỆ DA ĐEN VÀ XÓA BỎ
CHẾ ĐỘ NÔ LỆ Ở ANH
Anh là nước tiên phong trong cuộc đấu tranh chống buôn bán nô lệ và xóa bỏ
chế độ nô lệ trong lịch sử thế giới cận đại. Đó là một cuộc chiến lâu dài diễn ra
trong khoảng từ cuối thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX. Phong trào này không chỉ
nhằm bãi bỏ buôn bán nô lệ của Anh mà còn là các nước châu Âu khác và sau đó là
xóa bỏ chế độ nô lệ ở châu Mỹ. Những thắng lợi của cuộc đấu tranh đã góp phần
lớn trong cuộc đấu tranh vì quyền con người, đồng thời và còn tạo điều kiện cho sự
phát triển mạnh mẽ hơn của chủ nghĩa tư bản đang bước vào giai đoạn cách mạng
công nghiệp. Bài viết góp phần tìm hiểu về phong trào xóa bỏ buôn bán nô lệ và
chế độ nô lệ ở Anh, đồng thời lý giải nguyên nhân tại sao Anh lại là nước đi đầu
trong phong trào này và những tác động của nó.
1.Khái quát hoạt động buôn bán nô lệ da đen của Anh (thế kỷ XVI- XIX)
Anh không phải là nước đi đầu trong phong trào buôn bán nô lệ. Tuy nhiên,
với những điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, chính trị và kinh tế trong đó có buôn
bán nô lệ da đen, Anh nhanh chóng trở thành đế quốc thương mại Đại Tây Dương
trong thế kỷ XVIII. Với những hỗ trợ từ chính quyền Elizabeth I, Cromwell và sau
này là chính phủ Anh trong thế kỷ XVIII về chính sách phát triển, đường lối ngoại
giao, Anh đã dần gạt được những đối thủ mạnh như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà
Lan, Pháp để vươn lên vị trí dẫn đầu.
Từ cuối XV, đầu thế kỷ XVI, các vua và nữ hoàng Anh đã chú trọng đến
phát triển tiềm lực hải quân và thương mại hàng hải. Cuối thế kỷ XVI, người Anh
bắt đầu tham gia buôn bán nô lệ1. Từ đầu thế kỷ XVII, Anh từng bước hợp pháp
hóa việc buôn bán nô lệ da đen cũng như phát triển thương mại tới châu Phi. Sự
thành lập các công ty thương mại độc quyền nhằm buôn bán với châu Phi có sự ủng
hộ của chính phủ là một nỗ lực của các nước trong việc chiếm lấy độc quyền buôn
1

Người Anh đầu tiên buôn bán nô lệ là nhà hàng hải kiêm cướp biển John Hawkins. Ông đã tới vùng biển Sierra


Leone, mang 300 người da đen sang Hispaniola đổi lấy đường , da thú và gừng… sau đó quay trở lại Anh sau chuyên
đi 11 tháng kể từ tháng 10 năm 1562. [7; tr.106]

1


bán với châu Phi, trong đó có buôn bán nô lệ. Năm 1618 đến năm 1672, dưới sự ủy
quyền của vua James I, vua Charles I, bốn công ty buôn bán độc quyền với châu
Phi đã được thành lập [7; tr.107]. Trong số đó có công ty độc quyền mang tên
Hoàng gia Châu Phi (RAC) với sự đóng góp cổ phần của nhà vua, công tước xứ
York và nhiều người có địa vị cao khác đã không chỉ xây dựng được đội tàu thuyền
mà còn xây dựng được nhiều hải cảng ở Bờ Biển Vàng để độc quyền buôn bán nô
lệ với châu Phi. Trong những năm 1680 đến năm 1686, hàng năm RAC vận chuyển
trung bình 5000 nô lệ tới châu Mỹ [4; tr.32]. Năm 1698, dự luật thương mại với
phương châu Phi được thông qua, đánh dấu thời kỳ phát triển mạnh mẽ của buôn
bán nô lệ với sự tham gia của các công ty tư nhân và các nhà buôn tư nhân Anh
trong thế kỷ XVII.
Sang thế kỷ XVIII, việc buôn bán nô lệ da đen của Anh đặc biệt phát triển kể
từ sau sự kiện Hiệp ước Utrecht năm 1713. Hiệp ước này không chỉ mang lại cho
Anh hai vị trí quan trọng ở Địa Trung Hải là Gibraltar và Mimorca mà còn là
Newfoundland của Pháp. Theo đó Anh dần vượt qua Hà Lan khi mỗi năm chở
được 4.800 nô lệ sang các vùng đất thực dân của Tây Ban Nha tại châu Mỹ [9;
tr,172]. Trong hai thập kỷ là 1710 và 1720 gần 200.000 nô lệ châu Phi đã được
chuyển qua Đại Tây Dương bằng tàu Anh [7; tr.244]. Đến giữa thế kỷ XVIII, với
những ưu thế của mình, Anh đã khẳng định vị trí bá chủ trong việc buôn bán nô lệ,
nó trở thành động lực chính của nền thương mại Anh. Năm 1750, việc buôn bán nô
lệ càng thuận lợi khi Anh ra một đạo luật cho phép mở cửa hoàn toàn việc buôn
bán với châu Phi qua đó việc buôn bán với bất kỳ cảng nào ở châu Phi cũng là hợp
pháp và có sự bảo trợ của Hoàng gia Anh. Hai thập kỷ cuối thế kỷ XVIII chứng
kiến sự hưng thịnh nhất trong việc buôn bán nô lệ của Anh mà tiêu biểu và khởi sắc

nhất là Liverpool – một trong những hải cảng sầm uất của buôn bán nô lệ ở Anh
với tấp nập các chuyến tuần đi về.
Đến thế kỷ XIX, dù phong trào chống buôn bán nô lệ đã bùng nổ ở Anh song
việc buôn bán vẫn khá sầm uất ở Liverpool, London và Bristol. Trong những năm
1801 -1807, Anh vận chuyển 266.000 nô lệ tới châu Mỹ [7; tr.547]. Mãi đến năm

2


1807, khi Quốc hội Anh tuyên bố cấm các thương nhân Anh buôn bán nô lệ, việc
buôn bán nô lệ mới giảm sút, chấm dứt thời kỳ hưng thịnh.
Sự thịnh vượng trong việc buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương có được do
nhiều yếu tố kể cả khách quan và chủ quan. Thứ nhất, Anh là một quần đảo ở phía
Tây của lục địa Á – Âu, ở phía Đông Đại Tây Dương nên nước này có vị trí thuận
lợi trong việc buôn bán trên biển. Sau các cuộc phát kiến địa lý, với hệ quả là sự di
chuyển các tuyến đường thương mại ra các đại dương đặc biệt là từ Địa Trung Hải
sang Đại Tây Dương, ưu thế đó càng tăng lên. Hai là, những biến đổi về chính trị
cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI cũng tạo điều kiện cho sự phát triển của Anh. Sau
cuộc chiến tranh nổi tiếng “Hai hoa hồng” (1455-1485), nền chuyên chế Anh được
xác lập với sự thống trị của vương triều Tudo (1485-1603). Chính sách kinh tế của
vương triều Tudo đã kích thích sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa và sự bành
trướng của Anh ra toàn thế giới. Thế kỷ XVII, gắn với cuộc cách mạng tư sản
(1642-1689) nước Anh đã chứng kiến những sự thay đổi về chính trị có lợi cho sự
phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa khi chính quyền mới do Cromwell đứng đầu
đã thi hành các chính sách theo đường lối của chủ nghĩa trọng thương đặc biệt là
với châu Phi. Ba là, sự thắng lợi của thương mại biển và buôn bán nô lê da đen
cũng có sự tác động của các yếu tố khách quan là sự suy yếu của Tây Ban Nha, Hà
Lan, Pháp…do sự lạc hậu trong nền sản xuất kinh tế và tổn thất từ các cuộc chiến
tranh phong kiến. Một yếu tố khác nữa làm nên sự thành công của nước Anh là sự
phát triển của công nghiệp. Các ngành công nghiệp đã cung cấp một lượng hàng

hóa lớn cho các thương nhân để mua bán nô lệ da đen. Bên cạnh đó, Anh cũng xây
dựng được cho mình một hệ thống các thuộc địa ngày càng rộng lớn và cùng với nó
là làn sóng di cư lớn từ Anh sang châu Mỹ cũng là cơ sở cho việc mở rộng buôn
bán nô lệ của nước Anh.
2. Cuộc đấu tranh xóa bỏ buôn bán nô lệ và chế độ nô lệ ở Anh
Cuộc đấu tranh xóa bỏ buôn bán nô lệ và chế độ nô lệ ở Anh không phải là
một cuộc chiến dễ dàng đặc biệt khi Anh đang là nước đi đầu trong việc buôn bán
nô lệ xuyên Đại Tây Dương và lợi nhuận từ buôn bán nô lệ da đen là vô cùng to
lớn. Cụ thể như năm 1750, lợi nhuận hàng năm của Anh thu được từ buôn bán nô là
3


là 1.648.600 bảng; hay như Jame Wallace cho rằng các chuyến tàu buôn bán nô lệ
từ năm 1783 đến 1793 thu lợi nhuận trên 30%, thậm chí có thương nhân thu lợi
nhuận tới 100%, 200% [12; tr.37].
Tuy nhiên, khi buôn bán nô lệ đạt đến đỉnh điểm trong thập niên 80 của thế
kỷ XVIII, ngày càng nhiều người lo ngại về tác động tiêu cực của chế độ nô lệ.
Hơn nữa, đến cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, buôn bán nô lệ da đen đã hoàn
thành trách nhiệm của nó là góp phần cho quá trình tích lũy tư bản nguyên thủy của
chủ nghĩa tư bản và tất yếu nó phải bị xóa bỏ. Nhiều tổ chức và cá nhân đã lên
tiếng phản đối Anh tham gia buôn bán nô lệ dù còn lẻ tẻ và chưa có tác động lớn.
Buổi ban đầu, các tổ chức tôn giáo tham gia rất tích cực vào phong trào đấu tranh
này. Phái Quaker ở Anh là những người đầu tiên lên tiếng chống buôn bán nô lệ.
Năm 1758, Hội Quaker ở London trong cuộc họp thường niên đã chỉ trích chế độ
nô lệ và những hành động phân biệt, đối xử đối với nô lệ da đen vì họ cho rằng
“buôn bán nô lệ là trái với những quy tắc của Chúa và quyền con người” [7;
tr.458]. Họ còn cấm những người thuộc Hội những người bạn tham gia buôn bán
nô lệ [7; tr.458]. Năm 1783, họ thành lập một ủy ban tập trung vào việc vận động
xóa bỏ chế độ nô lệ bằng cách gửi đơn kiến nghị lên Quốc hội, kêu gọi các thành
viên từ các giáo phái khác ủng hộ việc làm của họ và bất cứ ai có nhu cầu xóa bỏ

buôn bán nô lệ và chế độ nô lệ thì đều được gia nhập Hội những người bạn.
Bên cạnh tôn giáo, một số cá nhân có tầm ảnh hưởng lớn cũng lên tiếng bảo
vệ nô lệ da đen. Như Grandville Sharp - một trong những người Anh đầu tiên tham
gia vào phong trào xóa bỏ buôn bán nô lệ - đã đòi được sự tự do của hai nô lệ da
đen là Jonathan Strong và Somerset trước tòa án. Các học giả lớn như John
Woolman, Anthony Bénezet, James Ramsey và Thomas Clarkson cũng nêu quan
điểm của mình thông qua những tác phẩm văn chương chống lại chế độ nô lệ.
Vào thập niên 80 của thế kỷ XVIII, những người châu Phi tự do ở Anh đã
hình thành các tổ chức chính trị của riêng mình trong số đó có Những người con
trai của châu Phi gồm những nhà văn nổi tiếng như Olaudah Equiano và Ottabah
Cugoano. Họ đi khắp các vùng để diễn thuyết. Họ nói chuyện tại các hội trường,
nhà thờ, thậm chí cả ngoài trời về tội ác của chế độ nô lệ và vận động xóa bỏ buôn
4


bán nô lệ. Họ đã phối hợp với những người da trắng tiến bộ khác để tham gia ý
kiến vận động chính trị và thành lập các tờ báo chống lại buôn bán nô lệ và chế độ
nô lệ. Với sự thành lập tổ chức riêng của những người Anh gốc Phi, họ đã đặt ra
những mục tiêu rõ ràng và tạo ra một mạng lưới liên kết cho phong trào đấu tranh
xóa bỏ buôn bán nô lệ và chế độ nô lệ. Để thực hiện được mục tiêu đó, Những
người con trai của châu Phi đã không ngừng gây ảnh hưởng tới các chủ nhà in, các
tòa soạn báo, các nhà văn, nghệ sĩ, luật sư và những chính trị gia uy tín cũng như
các diễn giả người da trắng, hỗ trợ các cuộc biểu tình đồng thời tích cực tuyên
truyền thông tin về sự tàn ác của buôn bán nô lệ và chế độ nô lệ tới quần chúng.
Một bước ngoặt lớn của phong trào đấu tranh xóa bỏ buôn bán nô lệ và chế
độ nô lệ ở Anh là vào năm 1787, Ủy ban xóa bỏ buôn bán nô lệ (Commettee of
Effecting the Abolition of the Slave Trade) đã được thành lập. Ủy ban này từ khi ra
đời đã trở thành động lực cho các phong trào xóa bỏ nô lệ ở Anh. Ủy ban này gồm
12 người, 9 người trong số đó là thành viên của giáo phái Quaker [11; tr.65]. Mục
đích của Ủy ban này là xóa bỏ hoàn toàn buôn bán nô lệ ở Anh và sau đó là chế độ

nô lệ. Các thành viên của Ủy ban xóa bỏ buôn bán nô lệ đã quyết định tập trung
vào một chiến dịch để thuyết phục Quốc hội cấm buôn bán nô lệ. Trong các bản
kiến nghị gửi đến Quốc hội, Ủy ban tập trung vào những bằng chứng cho thấy rằng
việc buôn bán nô lệ đã không còn thuận lợi như trước, bên cạnh đó, buôn bán nô lệ
còn ảnh hưởng tới mạng sống của nhiều thủy thủ, nếu xóa bỏ chế độ nô lệ sẽ
khuyến khích được thị trường giá rẻ cho nguyên liệu thô cần thiết cho nền công
nghiệp Anh, mở ra cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Anh…[7; tr.495]. Ngày 21
tháng 5 năm 1788, ngài William Dolben đã giới thiệu trước Hạ viện một dự luật
nhằm hạn chế số lượng nô lệ trên mỗi tài được mang để cải thiện điều kiện trên tàu.
Dự luật này đã được sự ủng hộ rất lớn từ các nghị sĩ đến từ Liverpool, Yarrmouth,
Bristol…và William Ewwer từng là thống đốc Ngân hàng Anh – một con người rất
có uy tín trên chính trường. [7; tr.509]. Ngoài ra, họ còn tổ chức các hoạt động
tuyên truyền như diễn thuyết, xuất bản sách nhằm nâng cao nhận thức của cộng
đồng về xóa bỏ buôn bán nô lệ. Hàng ngàn các cuốn sách nhỏ của Benezet,
Clarkson, Ramsay, các bài thơ của Hannah, Cowper về chế độ nô lệ và buôn bán nô
lệ đã được quần chúng hưởng ứng nhiệt liệt.
5


Chẳng bao lâu một mạng lưới các nhóm hành động địa phương của Ủy ban
đã phát triển trên khắp cả nước, chủ yếu do những người theo phái Quaker hoặc
những người theo phái Phúc âm của đạo Cơ đốc lãnh đạo, nhưng các thành viên thì
đến từ khắp các lực lượng chính trị và các tầng lớp xã hội. Các cơ sở của Ủy ban là
nơi gây quỹ hoạt động, thu hút sự tham gia của công chúng và là cơ quan truyền
thông hữu ích. Họ đã sử dụng những kênh truyền thông khác nhau, theo những
cách khác nhau, để tiếp cận các đối tượng khác nhau. Họ xây dựng nên phù hiệu
riêng cho phong trào là hình ảnh của một người đàn ông châu Phi, đang quỳ và bị
trói trong dây xích. Phù hiệu đó được in trong các ấn phẩm, thương hiệu và biểu
ngữ, các biểu tượng, con dấu, các cúc áo sơ mi, các hộp thuốc, bộ trà, ghim mũ, các
trâm cài đầu hoặc hoa cài áo và vòng đeo tay... Những công cụ này rất quan trọng

bởi chúng lôi cuốn mọi người tham gia. Thậm chí cả những người phụ nữ cũng
tham gia vào các buổi diễn thuyết, điều này là một sự cố gắng lớn lao vì trước đó
họ thường bị ngăn cản tuyên bố công khai quan điểm của mình. Bên cạnh những
bài văn cầu kỳ phức tạp để thuyết phục các chính trị gia và các thành viên tham gia
phong trào còn viết những ấn phẩm đơn giản, dễ hiểu để tuyên truyền cho dân Anh
như các áp phích dán nơi công cộng hướng dẫn bỏ phiếu chống buôn bán nô lệ. Các
họa sĩ truyện tranh và các nghệ sĩ như JMW Turner và William Blake đã cung cấp
hình ảnh về chế độ nô lệ, đặc biệt là hình ảnh về con tàu chở đầy nô lệ mà Thomas
Clarkson phát hiện tại Plymouth năm 1790 hay sơ đồ nô lệ của con tàu Brookes
(một tàu đến từ Liverpool) giúp người xem hiểu được sự vô nhân đạo của việc
buôn bán nô lệ và chế độ nô lệ [1; tr.68]. Đó là một sơ đồ và một phần của con tàu
dùng để chở nô lệ. Con tàu được thiết kế để mang 450 nô lệ theo quy định của đạo
luật Dolben nhưng trong sơ đồ lại cho thấy nó mang tới 609 nô lệ. Người in ảnh,
James Phillips đã sao chép và xuất bản các hình ảnh vào tháng 4 năm 1789. Những
hình ảnh này đã tạo nên một làn sóng phản ứng mạnh mẽ. Vì thế phong trào đấu
tranh chống lại buôn bán nô lệ và chế độ nô lệ ở Anh đã gây được sự chú ý lớn của
dân chúng, thu hút lực lượng tham gia đông đảo.
Chiến dịch vận động nghị trường lớn đầu tiên của những người tham gia
phong trào đấu tranh xóa bỏ buôn bán nô lệ và chế độ nô lệ ở Anh diễn ra trong
năm 1787 và năm 1788 với hơn 100 đơn kiến nghị và 60.000 chữ ký đã được trình
6


bày trước Quốc hội chỉ trong 3 tháng [6; tr.167]. Trong năm 1789, Wilberforce đọc
bài diễn văn đầu tiên của mình tại Quốc hội đưa ra 12 đề xuất cho xóa bỏ buôn bán
nô lệ. Trong nghị viện cả Charles James Fox và William Pitt đều đồng ý với mục
tiêu của Ủy ban. Tuy nhiên, các thế lực kinh tế mạnh nhất trong thời đại đó chống
lại họ. Họ đã sử dụng chiến thuật trì hoãn, yêu cầu một cuộc điều tra mới. Họ lợi
dụng các nhóm vận động hành lang thậm chí đưa ra các nhân chứng để nói chuyện
về lợi ích của họ trong cuộc tranh luận tại Nghị viện

Dự luật đầu tiên được đưa vào Quốc hội năm 1791 bị từ chối vì lực lượng
ủng hộ buôn bán nô lệ và chế độ nô lệ còn mạnh. Chỉ có 88 phiếu thuận trên tổng
số 163 phiếu chống. Từ những năm 1670, các chủ đồn điền ở Tây Ấn, sinh sống tại
Anh đã thành lập một Hiệp hội các thương gia London và các đại diện pháp luật
chịu trách nhiệm về thuộc địa. Năm 1733, cuộc vận động ủng hộ chế độ nô lệ phát
triển mạnh bao gồm nhiều Hiệp hội từ tất cả các thành phố thương mại lớn (như
Bristol, Liverpool, Glasgow và London). Họ nuôi dưỡng mối quan hệ với các thành
viên của hai viện và Quốc hội, cuối cùng một số trở thành nghị sĩ. Một khi các chủ
đồn điền trở thành một phần của chính phủ họ đã có cơ hội ảnh hưởng tới các chính
sách mà nó có tác động đến các thuộc địa. Sự gia tăng của ngành công nghiệp
đường cũng chứng kiến sự trỗi dậy của buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương và
với nó, cố gắng của các cá nhân để tạo nên một ảnh hưởng tương tự trên các chính
sách kinh tế của chính phủ, phù hợp với thương nhân của buôn bán nô lệ. Họ đã
viết tờ rơi và các bài văn học lập luận rằng buôn bán nô lệ là cần thiết và trên thực
tế mang lại lợi ích cho châu Phi. Họ vận động Quốc hội và trình ra các bằng chứng
để làm chứng. Họ có sức mạnh và sự giàu có để mua phiếu bầu và sử dụng sức ép
trên những người khác.
Sau khi Quốc hội bác bỏ Dự luật xóa bỏ buôn bán nô lệ năm 1791, những
người chống lại chế độ nô lệ đã kêu gọi tẩy chay loại hàng nhập khẩu lớn nhất của
Anh là đường do nô lệ sản xuất. Vì những người chống lại buôn bán nô lệ và chế
độ nô lệ hiểu rằng lợi ích từ đường mà họ thường xuyên sử dụng trong trà hay bánh
là nguyên nhân chính khiến chế độ nô lệ vẫn tồn tại và buôn bán nô lệ vẫn được
tiến hành. Nhờ công tác tuyên truyền, vận động đến năm 1792, khoảng 400.000
7


người Anh đã tẩy chay đường do nô lệ sản xuất. Một số người cố gắng không dùng
đường, số khác lại sử dụng đường từ Đông Ấn được sản xuất bởi lao động tự do.
Chính vì thế, mà chỉ trong vòng mấy tháng, việc bán đường sản xuất từ Tây Ấn
giảm hẳn [2; tr.435]. Cùng thời gian đó, Thomas Clarkson cũng đưa ra các nhân

chứng và bằng chứng lên Hạ viện về tội ác của buôn bán nô lệ và chế độ nô lệ. Các
bằng chứng ông tìm được bao gồm các ghi chép từ các bác sĩ của các tàu buôn nô
lệ, thương nhân và thủy thủ Anh. Ông mua xiềng và những đồ dùng để kẹp ngón
tay cái khi tra tấn để cung cấp bằng chứng về sự hành hạ nô lệ; ông cũng thu thập
các tài liệu về các sản phẩm thủ công tinh xảo, các món hàng của châu Phi có thể
thay thế cho việc buôn bán nô lệ (như bông, chàm, thuốc lá, dầu, sáp, gia vị, gỗ,
vàng và ngà voi…). Để thu thập được những chứng cứ này Clarkson đã đi 35.000
dặm và phỏng vấn hơn 20.000 người bao gồm cả các thủy thủ, thương gia và các
bác sĩ trên các con tàu [5; tr.290]. Bên cạnh đó là các tường trình, tự thuật của
chính các nô lệ da đen trước đây như Phyllis Wheatley hay Olaudah Equiano. Việc
thu thập các chứng cứ và những câu chuyện có thật trình bày trước Quốc hội và dân
chúng có ý nghĩa to lớn trong việc thuyết phục chính quyền bãi bỏ buôn bán nô lệ.
Sau đó một dự luật chấm dứt buôn bán nô lệ da đen được thông qua tại Hạ
viện vào năm 1792 với 193 phiếu thuận trên 125 phiếu chống. Dù vậy, lệnh cấm
buôn bán nô lệ chỉ được chấp nhận thi hành một cách “dần dần” hay nói cách khác
có thể trên thực tế dự luật sẽ “không bao giờ” được thực thi [11; tr.69] . Năm 1793,
Anh tiến hành cuộc chiến tranh với nước Pháp, việc bãi bỏ buôn bán nô lệ lại bị gác
lại dù các nhà hoạt động chống lại buôn bán nô lệ và chế độ nô lệ vẫn không ngừng
gửi các kiến nghị lên Quốc hội. Năm 1805, một dự luật nữa lại được đưa ra nhưng
không được thông qua.
Bước đột phá đầu tiên là vào năm 1806, khi James Stephen đưa ra một dự
luật cấm tham gia buôn bán nô lệ với Pháp. Dự luật này nhanh chóng nhận được sự
ủng hộ đa số từ Thượng viện và Hạ viện. Chính dự luật này đã mở đường cho Dự
luật xóa bỏ buôn bán nô lệ và sau đó Đạo luật xóa bỏ chế độ nô lệ (Act for the
abolition of the slave trade) vào năm 1807. Theo đó, đạo luật năm 1807 quy định
rằng không có bất cứ tàu nào của Anh, đi từ bất kỳ cảng nào của Anh sau ngày 1
8


tháng 5 năm 1807 được buôn bán nô lệ và không có bất kỳ một nô lệ nào được

nhập khẩu vào thuộc địa của Anh sau ngày 1 tháng 3 năm 1808 [1; tr.248-249].
Đạo luật được Hoàng gia Anh thông qua vào ngày 25 tháng 3. Sau khi Đạo luật bãi
bỏ nô lệ được ban hành, hàng nghìn nô lệ đã được mang đi bởi các con tàu châu Âu
và trả tự do ở Sierra Leone. Trong số 160.000 nô lệ được giải phóng từ năm 1810
đến năm 1864, Anh giải phóng được 149.800 người [8; tr.254]. Đây là một sự kiện
rất quan trọng đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đấu tranh nhằm xóa bỏ buôn bán nô
lệ da đen và chế độ nô lệ. Đây là sự kiện rất quan trọng đánh dấu bước ngoặt trong
cuộc đấu tranh nhằm bãi bỏ buôn bán nô lệ da đen và chế độ nô lệ.Từ đây, việc
buôn bán nô lệ với Anh, một quốc gia đi đầu về buôn bán nô lệ da đen trong thế kỷ
XVIII là bất hợp pháp. Sau khi đạo luật này được thông qua, chính phủ và nhân dân
Anh vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh tiến tới chấm dứt triệt để buôn bán nô lệ, xóa bỏ
hoàn toàn chế độ nô lệ trên toàn lãnh thổvương quốc Anh và các quốc gia khác. Phi
đội Tây Phi của Anh được thành lập để chắc chắn việc thực thi đạo luật năm 1807,
đầu tiên và quan trọng nhất là không có thương nhân nào của Anh từ bất cứ hải
cảng nào của Anh tiến hành buôn bán nô lệ dọc theo 3.000 dặm của bờ biển châu
Phi. Đạo luật năm 1807 cũng cho phép bắt cướp biển, và bất kỳ tàu nào mang hồ sơ
giả mà bị xác định là cướp biển, ít nhất là theo luật pháp Anh [7; tr.547].
Sau khi thông qua đạo luật, phong trào đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ vẫn tiếp
tục lan rộng. Ngày càng nhiều kiến nghị được gửi tới Quốc hội yêu cầu chấm dứt
hoàn toàn chế độ này. Chính phủ Anh cũng tích cực vận động các quốc gia khác
chấm dứt việc buôn bán nô lệ tại Hội nghị Viên (1814-1815). Năm 1814, hơn 800
kiến nghị đã được gửi tới chính phủ Anh đòi chấm dứt buôn bán nô lệ với 750.000
chữ ký [7; tr.284]. Cuối cùng vào tháng 1 năm 1815, chính phủ của Anh, Pháp, Tây
Ban Nha, Thụy Điển, Áo Phổ, Nga và Bồ Đào Nha đã cùng ký vào tuyên bố chung
bãi bỏ buôn bán nô lệ. Năm 1819, chính phủ vương quốc Anh đã lập ra Đội tàu
chiến nô lệ (Slave Squadron) để tịch thu các tàu chở nô lệ. Từ năm 1840 đến năm
1848, Hải quân Anh đã bắt và giải phóng được khoảng 3.800 nô lệ [7; tr.738].
Để tiếp tục cuộc đấu tranh nhằm bãi bỏ hoàn toàn chế độ nô lệ ngăn chặn
việc buôn bán nô lệ bất hợp pháp, Thomas Clarkson và Thomas Fowell Buxton đã
9



thành lập một Hội nhằm giảm nhẹ và dần xóa bỏ chế độ nô lệ vào năm 1823.
Tháng 5 năm 1823, hội đã đệ trình lên Hạ viện một kiến nghị với mục đích chỉ rõ
cho chính phủ thấy sự mâu thuẫn giữa các nguyên tắc của Hiến pháp Anh và đạo
đức Thiên chúa giáo với chế độ nô lệ và rằng chế độ này cần phải bị xóa bỏ ở các
thuộc địa của Anh. Thêm vào đó, là sự lớn mạnh của phong trào tẩy chay đường do
nô lệ sản xuất vào thập niên 20 của thế kỷ XIX, của phong trào phụ nữ và các cuộc
vận động tuyên truyền khác trong xã hội đã khiến Chính phủ Anh có cái nhìn tích
cực hơn. Kết quả là vào năm 1833, Đạo luật bãi bỏ chế độ nô lệ (Slavery Abolition
Act) trên toàn vương quốc Anh đã được thông qua. Để giải phóng nô lệ, Chính phủ
Anh bồi thường khoảng 20 triệu bảng cho các chủ đồn điền. Các nô lệ được giải
phóng vẫn phải làm cho chủ của họ thêm 6 năm nữa nhưng sau khoảng thời gian đó
họ trở thành thợ học việc hay lao động tự do có quyền tự quyết định công việc của
mình. Ngày 1 tháng 8 năm 1834, tất cả nước dưới quyền quản lý trực tiếp của
Chính phủ Anh cũng đã xóa bỏ hoàn toàn chế độ nô lệ. Nhờ vậy có tới 770.280 nô
lệ ở được giải phóng [13]. Đạo luật năm 1807 và năm 1833 là một sự thắng lợi
không chỉ của những người hoạt động trong phong trào đấu tranh xóa bỏ buôn bán
nô lệ và chế độ nô lệ tại Anh mà còn là thắng lợi của những nhà tư sản công nghiệp
đang đấu tranh cho tự do lao động và tự do thương mại. Những đạo luật này đã
định sẵn cho sự phát triển của mối quan hệ tự do – tiền công giữa ông chủ và nô lệ.
“Lúc đầu bằng việc cắt đứt nguồn cung cấp lao động nô lệ cưỡng bức và thứ hai,
trực tiếp hơn bằng việc làm cho lao động cưỡng bức tự nó là bất hợp pháp”[3;
tr.21].
3.Nguyên nhân và tác động của phong trào chống buôn bán nô lệ ở Anh
Trong lịch sử thế giới cận hiện đại, vương quốc Anh là nước thành công nhất
trong buôn bán nô lệ da đen và thiết lập hệ thống thuộc địa sử dụng sức lao động nô
lệ. Anh cũng là nước đầu tiên bước vào quá trình công nghiệp hóa và xóa bỏ sức
lao động của nô lệ. Vậy tại sao Anh lại làm như vậy khi lợi nhuận từ buôn bán nô lệ
không phải là nhỏ? Vì nó trái với đạo đức, trái với quyền con người hay vì lợi ích

nào khác?

10


Đầu tiên có thể thấy rằng tư tưởng về nhân quyền là động lực rất lớn dẫn đến
cuộc đấu tranh của những người muốn bãi bỏ buôn bán nô lệ và những nô lệ tự đấu
tranh giải phóng mình. Từ cuối thế kỷ XVIII, với những tuyên bố bất hủ của Tuyên
ngôn độc lập của Cách mạng Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của
cách mạng Pháp, người ta bắt đầu chú ý hơn đến quyền con người và giải phóng
con người. Cuộc đấu tranh của những người Quaker, những tuyên bố của lãnh đạo
phong trào đấu tranh xóa bỏ buôn bán nô lệ đã cho thấy sự thay đổi về nhận thức
của người dân châu Âu về quyền con người. David Hartley đã từng trình bày trước
Nghị viện rằng “buôn bán nô lệ là đi ngược lại với những luật lệ của Chúa về
quyền con người” [7; tr.478]. Hay tuyên bố chung của Anh, Pháp, Tây Ban Nha,
Thụy Điển, Áo, Phổ, Nga và Bồ Đào Nha tháng 1 năm 1815 rằng “nền thương mại
được gọi là buôn bán nô lệ da đen mâu thuẫn với những nguyên tắc về nhân quyền
và đạo đức chung”[7; tr.585]. Tuy nhiên, đó không phải là lý do chính.
Nguyên nhân quan trọng và sâu xa là sự thay đổi trong cơ cấu nền kinh tế.
Buôn bán nô lệ và các thuộc địa sử dụng nô lệ đặc biệt là các thuộc địa của Anh ở
Tây Ấn đã cung cấp nguồn hàng hóa có ý nghĩa lớn lao đối với các thị trường của
Anh cũng như góp phần lớn vào lượng tư bản đã tạo nên sự phát triển đáng kể của
kinh tế Anh. Nhưng đến cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, hệ thống kinh tế dựa
trên chế độ nô lệ của Anh suy sụp. Sự xói mòn của đất trồng trọt, sự cạnh tranh từ
các thuộc địa đường của Pháp ở Tây Ấn và sự ngắt quãng của việc bán các sản
phẩm, do sự tác động của cuộc chiến tranh giành độc lập của các thuộc địa ở Bắc
Mỹ tất cả đã dẫn đến sự sa sút trầm trọng vai trò của các thuộc địa vùng Carribe đối
với kinh tế Anh. Sau khi giành độc lập, nước Mỹ đã có thể buôn bán trực tiếp với
Pháp và Hà Lan mà không còn bị Anh ngăn cấm điều này làm cho thị trường tiêu
thụ của các đồn điền thuộc địa của Anh giảm sút. Cùng lúc đó, những phát minh

máy móc cuối thế kỷ XVIII và sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp khiến Anh
không nhất thiết dựa vào lao động của nô lệ. Sự giảm sút vai trò, lợi nhuận của các
đồn điền trồng mía đường sử dụng nô lệ da đen ở Tây Ấn cuối thế kỷ XVIII làm
cho chính phủ, các nhà tư bản Anh nhận ra rằng họ cần tìm cơ hội kinh doanh mới.
Quyết định bãi bỏ chế độ nô lệ cũng như xóa bỏ chế độ nô lệ còn gắn với những
thay đổi trong quan điểm kinh tế của các nhà kinh tế học cuối thế kỷ XVIII, đầu thế
11


kỷ XIX. Chủ nghĩa trọng thương không còn được đề cao như trước do sự phát triển
của máy móc làm cho sản xuất công nghiệp của Anh phát triển mạnh mẽ, hàng hóa
dồi dào, giá thành lại rẻ hơn trước. Do đó, các nhà kinh tế Anh và các nhà hoạch
định chính sách đều hướng tới mậu dịch tự do và giải phóng sức lao động. Sự thắng
thế của giai cấp tư sản công nghiệp so với giai cấp tư sản thương nghiệp càng tạo
điều kiện cho việc xóa bỏ nền kinh tế dựa trên sức lao động của lao động của nô lệ.
Ngoài ra, những biến cố chính trị, xã hội cũng góp phần vào việc chính phủ
Anh tiến hành bãi bỏ buôn bán nô lệ và giải phóng nô lệ da đen. Trước hết là sự
phát triển của phong trào xóa bỏ chế độ nô lệ từ những thập niên cuối thế kỷ XVIII,
từ các hoạt động của các thành viên Quaker đến những nhân vật có ảnh hưởng
trong Nghị viện như Charles James Fox hay William Pitt. Phong trào đã tạo nên
một làn sóng chống buôn bán nô lệ và sử dụng nô lệ da đen bằng hàng loạt cuộc
diễn thuyết trước công chúng, phong trào tẩy chay hàng hóa do nô lệ sản xuất…
Phong trào kéo dài đến thế kỷ XIX và tác động ngày càng mạnh mẽ lên Quốc hội.
Năm 1793, sau khi Anh tham gia vào liên minh chống Pháp thì đến năm 1806,
James Stephen viết một dự luật cấm tham gia buôn bán nô lệ với Pháp. Cũng trong
năm 1806, Thủ tướng mới của Anh William Granville lên nhậm chức cũng đồng
tình với quan điểm xóa bỏ buôn bán nô lệ nên Đạo luật xóa bỏ buôn bán nô lệ cũng
dễ dàng được thông qua. Với việc thi hành Đạo luật cải cách Nghị viện năm 1832,
hầu hết những người ủng hộ chế độ nô lệ đã bị đẩy ra khỏi Nghị viện một lần nữa
tạo điều kiện cho việc thông qua Đạo luật giải phóng nô lệ một cách nhanh chóng.

Một lý do quan trọng thúc đẩy Anh không chỉ bãi bỏ buôn bán nô lệ và giải
phóng nô lệ trên lãnh thổ mình mà còn rất tích cực trong việc vận động các nước
khác đó là họ đã phát hiện ra khả năng kinh tế của châu Phi sau khi xóa bỏ hoàn
toàn buôn bán nô lệ. Qua các cuộc thám hiểm, đi thăm dò, khảo sát người Anh
nhận thấy rằng châu Phi có nguồn tài nguyên lớn chưa được khai thác. Châu Phi có
rất nhiều dầu cọ, đặc biệt là vùng tiếp giáp đồng bằng sông Nigger và Bờ Biển
Vàng. Tác dụng quan trọng nhất của dầu cọ là sản xuất xà bông và nến, đây cũng là
nguyên liệu thiết yếu của dầu nhờn bôi trơn máy móc. Sự ra đời của đường sắt và
các máy móc công nghệp khiến nhu cầu dầu cọ ngày càng tăng cao. Cách mạng
12


công nghiệp phụ thuộc vào mặt hàng xuất khẩu này nhiều hơn cả nô lệ. Bên cạnh
đó còn có nhiều sản phẩm khác có thể đem lại lợi ích lơn như sáp ong, ngà voi…
Bằng việc ngăn chặn buôn bán nô lệ, họ có được nguồn lao động tại chỗ để khai
thác nguyên liệu vừa phục vụ cho ngành công nghiệp vừa tiêu thụ hàng hóa do nền
công nghiệp Anh sản xuất. Anh là nước đi đầu ở châu Âu trong việc biến châu Phi
thành nơi cung cấp nguyên liệu và thị trường tiêu thụ cho ngành công nghiệp đang
phát triển. Kết thúc buôn bán nô lệ đã mở ra một quá trình thám hiểm và xâm
chiếm đất đai châu Phi, bắt đầu quá trình bóc lột thuộc địa ở đây.
Thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX những thay đổi của tình hình quốc tế nói
chung và phong trào chống buôn bán nô lệ và xóa bỏ chế độ nô lệ ở Anh nói riêng
đã có tác động không nhỏ tới phong trào đấu tranh xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ. Mười
ba thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ sau khi giành được độc lập đã xây dựng một nhà nước
liên bang phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, giữa hai miền
Nam – Bắc lại có hai hướng kinh tế khác nhau. Trong khi miền Nam dựa trên kinh
tế đồn điền và bóc lột sức lao động của nô lệ thì ở miền Bắc lại phát triển kinh tế
công thương dựa trên sức lao động tự do. Sự tồn tại của chế độ nô lệ ở miền Nam
như là một lực cản trên con đường phát triển kinh tế của Mỹ. Do đó yêu cầu cấp
thiết của lịch sử là phải xóa bỏ chế độ nô lệ da đen trên đất Mỹ. Năm 1780,

Pennsylvania đã bãi bỏ chế độ nô lệ. Giữa những năm 1780 và 1800, những đạo
luật tương tự về giải phóng nô lệ đã được thông qua ở Massachusett, New
Hamsphire, New York, New Jersey và Rhode Island. Từ tác động của phong trào
chống buôn bán nô lệ và giải phóng nô lệ ở Anh, phong trào xóa bỏ chế độ nô lệ ở
Mỹ càng bùng nổ mạnh mẽ trong suốt thế kỷ XIX trên mọi lĩnh vực như kinh tế,
chính trị, văn hóa với nhiều hoạt động da dạng, phong phú. Đến giữa thế kỷ XIX,
mâu thuẫn về chế độ nô lệ trở thành nguyên nhân sâu xa của cuộc Nội chiến giữa
hai miền Nam – Bắc (1865). Một thành quả quan trọng của cuộc Nội chiến là sự ra
đời của Tuyên ngôn giải phóng nô lệ năm 1863. Dù còn nhiều hạn chế nhưng bản
Tuyên ngôn là động lực mạnh mẽ cho những người nô lệ đứng lên giành quyền
sống cho mình, là cơ sở cho những đấu tranh nhân quyền trong giai đoạn tiếp theo.

13


Như vậy, việc bãi bỏ buôn bán nô lệ và giải phóng nô lệ da đen là một việc
làm có ý nghĩa với lịch sử loài người, lịch sử chủ nghĩa tư bản và đặc biệt với Anh.
Đó là một bước tiến trong ý thức con người về nhân quyền. Nhưng đối với Anh,
sau này là các nước khác, trên hết đó là việc gạt bỏ những cản trở trên con đường
phát triển của chủ nghĩa tư bản. Sự suy sụp của chế độ nô lệ ở Tây Ấn, cuộc cách
mạng công nghiệp và những yêu cầu của nó, sự thắng thế của giai cấp tư sản công
nghiệp, những tài nguyên dồi dào ở châu Phi là những nguyên nhân chính dẫn đến
việc Anh thông qua Đạo luật bãi bỏ buôn bán nô lệ năm 1807 và Đạo luật giải
phóng nô lệ năm 1833.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Blake, William O. (1861), The history of slavery and slave trade, ancient
and modern, Published by H.Miller, US
2. Davis, David B. (1999), The Problem of Slavery in the Age of Revolution,
1770-1823, Oxford University Press
3. Eltis, David (1987), Economic growth and Ending of the Translatic Slave

Trade, Oxford University Press
4. Eric, William (1944), Capitalism and Slavery, The University of North
Carolina Press, USA
5. Gibbs, Jenna M. (2008), Performing the Temple of Liberty: Slavery,
Rights, and Revolution in Translatic Theatricality (1760s -1830s),
ProQuest
6. Hochschild, Adam.(2006), Bury the chains, Hougton Mifflin Company,
USA
7. Hug, Thomas (1997), The Slave Trade: the story of the Atlantic slave trade
1400-1870, Simon and Schuster, New York, USA
8. Lovejoy, Paul E. (2000), Transformation in slavery: a history of slavery in
Africa (Sencond Edition), Cambridge University Press
9. Lưu Tộ Xương, Quang Nhân Hồng, Hàn Thừa Văn, Ngãi Châu Xương
(2002), Lịch sử thế giới (thời cận đại, tập 2), Người dịch: Phong Đảo, TP
Hồ Chí Minh
10.Marx, Karl và Engels, Friedrich (1972), Bàn về sự phát sinh và phát triển
của chủ nghĩa tư bản, NXB Sự thật, Hà Nội
14


11.Mathieson, William (1920), England in transition 1789 -1832, Longmans,
Green and Company, London, UK; tr.65
12.Morgan, Kenneth (2000), Slavery - Atlantic trade and the Bristish
Economy, Cambridge University Press, United Kingdom
13.Oldfield, John (17/2/2001), British Anti-Slavery,
Nguồn: />14.Polianxki, F.Ia. (1978), Lịch sử kinh tế các nước (ngoài Liên Xô), tập II
(thời kỷ tư bản chủ nghĩa), Người dịch: Trương Hữu Quýnh, NXB Khoa
học xã hội, Hà Nội

15




×