Tải bản đầy đủ (.pdf) (110 trang)

Nhân vật và cốt truyện trong truyện ngắn sương nguyệt minh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (877 KB, 110 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2

NGUYỄN THỊ HUYỀN TRANG

NHÂN VẬT VÀ CỐT TRUYỆN
TRONG TRUYỆN NGẮN SƯƠNG NGUYỆT MINH

Chuyên ngành : Lí luận văn học
Mã số

: 60 22 01 20

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS TÔN THẢO MIÊN

HÀ NỘI, 2015


Lời cảm ơn
Luận văn được hoàn thành tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 dưới sự hướng dẫn của cô
giáo PGS.TS Tôn Thảo Miên. Sự giúp đỡ và hướng dẫn tận tình, nghiêm túc của cô trong
suốt quá trình thực hiện luận văn này đã giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều trong cách tiếp
cận một vấn đề mới. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn, lòng kính trọng sâu sắc nhất đối với cô.
Tôi xin trân trọng cảm ơn ban giám hiệu trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, phòng Sau đại
học, các thầy cô trong nhà trường đã giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong suốt quá
trình học tập.
Tôi xin chân thành cảm ơn gia đình, người thân, bạn bè đã giúp đỡ, dộng viên và tạo điều
kiện thuận lợi để tôi hoàn thành khóa học Thạc sĩ cũng như hoàn thành luận văn này.
Hà Nội, ngày 10 tháng 07 năm 2015
Tác giả


Nguyễn Thị Huyền Trang


Lời cam đoan
Luận văn được hoàn thành tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 dưới sự hướng dẫn của
PGS.TS Tôn Thảo Miên.
Tôi xin cam đoan luận văn là công trình nghiên cứu của riêng tôi.
Trong quá trình nghiên cứu và hoàn thành luận văn tôi đã kế thừa những thành quả khoa
học của các nhà khoa học và đồng nghiệp với sự trân trọng và biết ơn.
Tôi xin cam đoan rằng các thông tin trích dẫn trong luận văn đã được chỉ rõ nguồn
gốc.
Hà Nội, ngày 10 tháng 07 năm 2015
Tác giả
Nguyễn Thị Huyền Trang


MỤC LỤC

Trang

MỞ ĐẦU……………………………………………………………………..1
1. Lí do chọn đề tài……………………………………………………..……1
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề……………………………………………..…3
3. Mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu…………………..………...9
4. Phương pháp nghiên cứu…………………………………………………9
5. Đóng góp của luận văn…………………………………………………..10
6. Cấu trúc của luận văn…………………………………………………...10
NỘI DUNG………………………………………………………………….11
CHƯƠNG 1. TRUYỆN NGẮN THỜI KỲ ĐỔI MỚI VÀ SỰ XUẤT
HIỆN CỦA SƯƠNG NGUYỆT MINH…………………………………...11

1.1. Truyện ngắn thời kì đổi mới………………………………………….11
1.1.1.Khái niệm truyện ngắn………………………………………………..11
1.1.2.Khái quát truyện ngắn đương đại…………………………………………13
1.1.2.1. Bối cảnh lịch sử……………………………………………………………13
1.1.2.2. Nhu cầu tất yếu đổi mới văn học………………………………………...14
1.1.2.3.Truyện ngắn Việt Nam thời kì đổi mới…………………………………..16
1.2. Sự xuất hiện của Sương Nguyệt Minh………………………………..21
1.2.1. Đôi nét về tiểu sử nhà văn…………………………………………...21
1.2.2. Quá trình tìm đến truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh…………22
CHƯƠNG 2. NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN
SƯƠNG NGUYỆT MINH………………………………………………….....30
2.1. Khái niệm nhân vật văn học…………………………………………..30
2.2. Nhân vật văn học thời kì đổi mới……………………………………..32
2.3. Các kiểu nhân vật trong truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh……35
2.3.1. Nhân vật bi kịch……………………………………………………………..35
2.3.1.1. Bi kịch do chiến tranh…………………………………………………….37


2.3.1.2. Bi kịch giữa đời thường…………………………………………………..45
2.3.2. Nhân vật cô đơn……………………………………………………………..51
2.3.3. Nhân vật dị biệt……………………………………………………………...59
2.3.4. Nhân vật huyền thoại, giả lịch sử………………………………………...63
2.4. Nghệ thuật xây dựng nhân vật………………………………………..70
2.4.1. Khắc họa nhân vật thông qua không gian nghệ thuật………………..70
2.4.2. Khắc họa nhân vật thông qua các chi tiết nghệ thuật………………...78
CHƯƠNG 3. CỐT TRUYỆN TRONG TRUYỆN NGẮN
SƯƠNG NGUYỆT MINH…………………………….......................…….82
3.1. Khái niệm cốt truyện……………………………………………..……82
3.2. Các kiểu cốt truyện trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh…….…84
3.2.1. Cốt truyện truyền thống…………………………………………………....84

3.2.2. Cốt truyện tâm lí…………………………………………………………….87
3.2.3. Truyện lồng trong truyện…………………………………………………..89
3.3. Nghệ thuật xây dựng cốt truyện ………………………………….......91
3.3.1. Tình huống truyện………………………………………………………….91
3.3.1.1. Tình huống nghiêng về hành động………………………………………93
3.3.1.2. Tình huống nghiêng về tâm trạng……………………………………….95
3.3.2. Xây dựng cốt truyện thông qua chi tiết nghệ thuật……………………96
KẾT LUẬN………………………………………………………………..100
TÀI LIỆU THAM KHẢO………………………………………………..103


1

MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1. Văn học Việt Nam trong ba mươi năm, từ 1945 đến 1975 đã làm tròn
sứ mệnh cao cả của một nền văn học phục vụ cách mạng, cổ vũ chiến đấu, vì
Tổ quốc, vì dân tộc, vì nhân dân. Về đặc điểm loại hình, đó là nền văn học
theo khuynh hướng sử thi, được thể hiện trong sự thống nhất trên quan điểm
sử thi của cảm hứng đề tài và chủ đề, thế giới nhân vật, cho đến kết cấu, giọng
điệu. Nền văn học sử thi của ba mươi năm ấy là một giai đoạn có tính đặc thù,
có những đóng góp riêng cho tiến trình văn học dân tộc.
Bước sang thời kì đổi mới, văn học có bước chuyển mình lớn lao làm
nên một diện mạo mới cho nền văn học nước nhà. Bằng những tìm tòi, thể
nghiệm trên cả sáng tác và hoạt động lý luận, phê bình, văn học đã hình thành
từng bước một tư duy nghệ thuật mới, trên cơ sở đổi mới toàn diện các quan
niệm về văn chương, về hiện thực và con người, về chính nhà văn và về công
chúng văn học.
Trên cái nền chung của sự đổi mới ấy, mỗi nhà văn lại có những nét riêng
biệt độc đáo để tạo nên sự phong phú, đa dạng của văn chương mà chúng ta

không thể không nhắc đến những nhà văn tên tuổi như: Nguyễn Huy Thiệp, Hồ
Anh Thái, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Dương Hướng…, và Sương Nguyệt Minh
được biết đến như một gương mặt mới với nhiều hoạt động tích cực trên văn đàn
góp phần sôi nổi và phong phú thêm diện mạo văn học giai đoạn này.
2. Sương Nguyệt Minh là người có nhiều đam mê và cống hiến cho sự
nghiệp văn chương. Mặc dù, có nhiều gánh nặng về “cơm áo gạo tiền” khiến
cho chàng văn sĩ trẻ phải từng lăn lộn với nhiều nghề. Nhưng dường như sau
những thất bại trong kinh doanh đã giúp anh có thêm kinh nghiệm, vốn sống
và đặc biệt là phát hiện ra sở trường và cái duyên của mình là chỉ gắn với
nghiệp văn chương: “Doanh nhân mới khó, chứ làm văn khó gì”.


2

Cho đến nay, với sự đam mê và lao động nghệ thuật nghiêm túc, nhà
văn đã cho ra đời 6 tập truyện ngắn, rất nhiều bài báo, bút ký, tùy bút, tản văn
và mới đây nhất là tiểu thuyết Miền Hoang…, định hình một phong cách
riêng vừa ổn định lại không ngừng đổi mới. Nhà văn Phong Điệp nhận xét: “
Chính sự nghiêm túc với văn chương cộng với tài năng thiên phú mà Sương
Nguyệt Minh đã đi những bước chắc chắn, tạo tiếng nói riêng trong làng văn
vốn rất đông đúc, không thiếu những cây đa, cây đề” (Báo Văn nghệ trẻ). Với
những sáng tác của mình, anh liên tục đạt giải thưởng cao: giải thưởng cuộc
thi truyện ngắn Tạp chí văn nghệ Quân đội năm 1996 với truyện ngắn Bản
kháng án bằng văn; giải A cuộc thi viết truyện ngắn trên báo Văn Nghệ Công
An với tác phẩm Lửa cháy trong rừng hoang; giải Ba cuộc thi Bút kí Đài
tiếng nói Việt Nam (2003) với phóng sự Đêm Pà Cò; giải Ba truyện ngắn của
Báo Văn nghệ (2004) với tác phẩm Mười ba bến nước; Giải Nhì truyện ngắn
của Nhà xuất bản Giáo dục (2004) với tác phẩm Những bước đi vào đời. Hai
lần giải thưởng sáng tác văn học của Bộ Quốc Phòng về đề tài chiến tranh và
người lính với tập Bút kí Trong cơn đại hồng thủy và truyện ngắn Mười ba

bến nước. Và đến năm 2010, Sương Nguyệt Minh được nhận Giải thưởng của
Hội nhà văn Việt Nam với tập truyện ngắn Dị hương.
Bằng ngòi bút đầy tâm huyết, một trái tim chan chứa yêu thương cùng
với những trải nghiệm cuộc đời. Sương Nguyệt Minh đã làm nên những trang
văn làm rung động tâm hồn độc giả. Truyện của ông vừa có cái trầm tĩnh đôn
hậu của một người lính cầm bút vừa có cái sắc sảo của một nhà văn tinh nhạy
khi sống trong xã hội kinh tế thị trường. Có được như vậy, nhờ vốn sống
phong phú của một người lính từng đi nhiều, đọc nhiều, trăn trở nhiều với tấm
lòng nhân hậu luôn hướng về cuộc đời với cái nhìn trìu mến. Sương Nguyệt
Minh luôn suy nghĩ và trăn trở về nghề, anh quan niệm: “Xét đến cùng văn
chương là thân phận con người”. Những sáng tác của anh luôn đề cập đến


3

vấn đề con người ở nhiều mảng sáng - tối, những góc khuất trong đời sống
riêng tư. Đọc văn anh, người đọc như bước vào một thế giới nghệ thuật đa
chiều, giản dị nhưng không ngừng đổi mới “vẫn là Sương Nguyệt Minh đang
hừng hực nhu cầu đổi mới” (Nhà Phê bình lý luận Nguyễn Thị Minh Thái).
3. Vì tất cả những lí do trên, cùng với niềm yêu thích đặc biệt đối với
những trang văn của Sương Nguyệt Minh, chúng tôi đã chọn đề tài: Nhân vật
và cốt truyện trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh với mong muốn đem đến
cho người đọc cái nhìn đầy đủ và hệ thống hơn về những truyện ngắn của anh.
2. Lịch sử vấn đề
Sương Nguyệt Minh xuất hiện trên văn đàn ở những năm 90 của thế kỉ
XX. Dù không ồn ào, nhưng cho đến nay anh đã gặt hái được những thành
công nhất định. Tác phẩm của anh có một vị trí đặc biệt trong lòng bạn đọc,
không chỉ đông đảo bạn đọc trong nước đón nhận mà còn được dịch ra nhiều
thứ tiếng và in trên báo như Sunday Viet Nam News với các truyện: Mười ba
bến nước, Đêm làng Trọng Nhân, Chuyến đi săn cuối cùng, Người ở bến sông

Châu, Đêm thánh vô cùng… Được dịch và in trong tập truyện ngắn In Pursuit
Of Smile của Nhà xuất bản Thế giới – Việt Nam với hai truyện ngắn Người ở
bến sông Châu, Mười ba bến nước. Ngoài ra, truyện ngắn Mười ba bến nước
dịch ra tiếng Anh và in trong tập truyện ngắn Family of fallen leaves do The
university of Georgia press Athens and London xuất bản. Không chỉ có vậy,
những truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh còn được bạn đọc biết đến ở lĩnh
vực sân khấu, điện ảnh với một số truyện ngắn Dòng sông trinh nữ được
chuyển thế thành Dòng sông trinh nữ do Đài truyền hình Hà Nội thực hiện,
Người ở bến sông Châu chuyển thể thành phim truyền hình Bên dòng Hoàng
Long do Đài truyền hình Việt Nam thực hiện và đầu năm 2015 Điện ảnh
Quân đội đã chuyển thể thành phim truyện nhựa; đặc biệt truyện ngắn Mười
ba bến nước được chuyển thể thành phim (trùng với tên truyện ngắn) được


4

giải thưởng Bông sen vàng tại Liên hoan phim toàn quốc lần thứ 16… Với
thành công này Sương Nguyệt Minh đã xúc động nói: “Tôi thực sự cảm ơn
Điện ảnh Quân đội thêm một lần nữa chắp cánh cho truyện ngắn Mười ba
bến nước bay xa” (Báo Tiền Phong cuối tuần). Có được như vậy là kết quả
của sự tìm tòi, khám phá, trải nghiệm, luôn nỗ lực tìm cho mình một hướng đi
mới. Và với Dị hương đã minh chứng được: “Người viết sau không hẳn là cứ
phải hay hơn người viết trước, nhưng nhất thiết phải đổi mới, phải khác.
Sương Nguyệt Minh đã làm được điều này, đã bứt phá được cái mới, đặc biệt
thể hiện rõ nhất trong truyện ngắn Dị hương. Tác giả đã đặt ra một cái nhìn
mới về lịch sử, một cách để soi chiếu các vấn đề từ lịch sử đến văn học”
(Phạm Xuân Nguyên). Và còn rất nhiều các bài nghiên cứu, phê bình đánh giá
về truyện ngắn của nhà văn Sương Nguyệt Minh.
Ngay từ khi ra đời truyện ngắn đầu tay Nỗi đau dòng họ được in trên
báo Văn nghệ Quân đội đã gây ấn tượng mạnh trong dư luận. Nhà văn Hồ

Phương đánh giá: “có mùi có vị, rõ ra tư chất nhà văn” và “Truyện đầu tay,
nhưng cảm thấy đã rõ hình hài cốt cách một người viết chuyên nghiệp”.
Sang đến các tập truyện ngắn tiếp theo Người ở bến sông Châu, Chợ
tình, Đi qua đồng chiều, Mười ba bến nước, bút danh Sương Nguyệt Minh
càng thu hút độc giả và đồng nghiệp. Khi đọc Mười ba bến nước, nhà văn
Văn Chinh đã nhận xét cách viết của Sương Nguyệt Minh: “một yếu tố đảm
bảo cho sự thành công của Sương Nguyệt Minh là tích tụ các chi tiết và tình
huống khác lạ”. Có thể thấy rằng, đọc truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh,
ta dễ nhận thấy yếu tố cốt truyện, tình huống và sự đậm đặc của các chi tiết là
thế mạnh của anh. Đánh giá về tác giả và tập truyện ngắn này, nhà văn Khuất
Quang Thụy viết: “cuộc hành trình ấy dù là không có bến bờ nhưng “thuyền
đi để lại dấu dằm”, người lữ hành để lại dấu chân trên chặng đường đầy gió
bụi”. Khuất Quang Thụy còn phát hiện ra “những cái không thông thường”


5

trong cách viết của Sương Nguyệt Minh, ngay ở những “bến nước” đầu tiên
trên con đường sáng tác văn học nghệ thuật, từ việc phá vỡ bút pháp truyền
thống của thể loại đến việc phá vỡ mô típ, chủ đề và tạo ra sự đa thanh trong
tác phẩm. Đó là sự miệt mài trong sáng tác của anh. (Cuộc hành trình không
bến bờ - trên Báo Văn nghệ số 41 – 2005).
Thanh Lan trong bài Những bến nước cuộc đời con gái cũng đưa ra nhận
định cho tập truyện Mười ba bến nước: “là các nhân vật chính trong truyện
ngắn của Sương Nguyệt Minh đều là phụ nữ, những số phận sinh ra để làm
hương, làm hoa, làm ra cái đẹp và là cội nguồn sinh sôi của cuộc sống lại phải
hứng chịu trăm ngàn cay đắng, cơ cực, điều tiếng người đời”. Nhờ sự am hiểu
và cảm thông sâu sắc với người phụ nữ, Sương Nguyệt Minh đã soi tỏ những
nét đẹp của họ ở bề sâu tâm hồn với tấm lòng vị tha, nhân hậu “những chi tiết
của anh như con gái tắm sông mang nắm lá bưởi để kỳ cọ và làm thơm tóc, con

gái về nhà chồng mang theo cái nậm đựng nước để rửa chân cho mẹ chồng…,
là những chi tiết có tính biệt loại”. Đấy không phải là phát hiện mới mẻ nhưng
là gốc rễ, là cái tạo nên văn chương và nhà văn chân chính.
Sinh ra và lớn lên ở miền quê bán sơn địa – mảnh đất đã ươm mầm cho
tài năng của Sương Nguyệt Minh nảy nở và phát triển. Trong các sáng tác của
anh, hầu hết đều nói về làng quê với những góc nhìn vừa hiện thực, vừa lãng
mạn đan cài vào nhau. Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại nhận xét: “Nếu như có thể
“nếm” được, thì các truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh đều có vị ngọt và
cay. Đó là vị ngọt của phong cảnh làng quê của trăng nước, tình người, vị
cay xót của những, hay nói đúng ra là của mọi số phận con người”. Còn nhà
phê bình văn học Nguyễn Hoàng Đức gọi anh là “nhà văn của cảnh sắc đồng
quê lung linh”, Hoàng Long Giang thì nói “đã có một nhà văn Sương Nguyệt
Minh của văn chương làng quê”.


6

Nếu như ở các tác phẩm trước đây của mình như Đêm làng Trọng
Nhân, Người ở bến sông Châu, Mười ba bến nước… Sương Nguyệt Minh
mang đến cho người đọc một khuôn mặt văn chương theo lối truyền thống,
nhuần nhụy từ giọng văn cho đến tên của các nhân vật trong tác phẩm. Thì
với 9 truyện ngắn tập Dị hương lại được đánh giá là “bước ngoặt lớn” thoát
khỏi cách viết với đề tài quen thuộc của nhà văn quân đội này, giúp anh gặt
hái được nhiều thành công.
Ngay từ khi ra đời, truyện ngắn Dị hương đã gây được sự quan tâm của
dư luận với nhiều khen, chê ở mức độ khác nhau. Theo nhà phê bình Phạm
Xuân Nguyên thì Sương Nguyệt Minh “có những đổi mới về tư duy, dám
bước vào phong cách mới”. Nhà phê bình Đoàn Ánh Dương nhận định về
nghệ thuật của Dị hương: “cách đặt nhan đề của tác giả như một kiểu xếp
chồng ẩn dụ và nếu phân tích, ta sẽ thấy được yếu tố trung gian trong cấu

trúc tam phần của huyền thoại”. Nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức nhận xét
rằng: “Sương Nguyệt Minh viết về đàn bà rất hay và khẳng định đây là cây
bút có mặt trong hàng ngũ đi tốp đầu hiện nay của văn chương quân đội”.
Sau khi đọc truyện ngắn Dị hương, Hoàng Long Giang cho rằng; “Ông Đại tá
– nhà văn Sương Nguyệt Minh lại kể những câu chuyện mới về thân phận con
người trải qua đầy hỉ, nộ, ái, ố, rất đời thường”. Nhà phê bình Văn Giá rất
tâm đắc tặng cho người bạn của mình ba chữ: “Hoạt – Phiêu – Thõa. Hoạt là
sự linh hoạt trong trần thuật, trong lời văn. Phiêu là sự chuyển đổi trong bút
pháp, từ chỗ trước kia Sương Nguyệt Minh chú trọng tâm linh, đến tập này,
tác giả đã đi vào bút pháp siêu thực, huyền ảo, và Thõa là chất liệu sex được
viết một cách cao tay. Hoạt- Phiêu- Thõa là nói đến chất “trẻ” của Dị hương
và chính tác giả của nó”. Chỉ với ba từ ấy đã phản ánh đầy đủ điểm mạnh
trong truyện ngắn của nhà văn Quân đội này.


7

Phát hiện ra giá trị của những trang viết về tình dục giàu chất nghệ thuật,
Thùy Dương trong bài Sex với Dị hương viết: “Ông không đi theo lối mòn của
bất kì ai trong ý tưởng sáng tác cũng như nghệ thuật chuyển hóa “thế giới sex”
mang tính thẩm mĩ vào văn học”. Điều đáng quý là tác giả Sương Nguyệt Minh
đã không sử dụng sex như một món ăn câu khách mà “Sương Nguyệt Minh sử
dụng như một phương tiện nghệ thuật để đưa ý tác giả, tác phẩm đến với người
đọc. Đó là thứ tình dục sống trong thanh tao, đầy gợi cảm”.
Cùng tìm hiểu về truyện ngắn Sương Nguyệt Minh, bên cạnh những bài
báo, bài phê bình kể trên còn có các công trình nghiên cứu chuyên sâu về
Sương Nguyệt Minh. Đó là luận văn Thạc sĩ của Trần Thị Phương Loan,
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, nghiên cứu: Thế giới
nghệ thuật trong truyện ngắn của Sương Nguyêt Minh, tập trung vào các
phương diện: Cảm hứng nghệ thuật, Thế giới nhân vật, và một số phương

diện nghệ thuật đặc sắc. Luận văn đã chỉ ra, trong những tác phẩm viết về đề
tài chiến tranh, Sương Nguyệt Minh đã viết bằng cảm hứng lãng mạn, ngợi ca
đan xen với cảm hứng bi kịch, cảm hứng phê phán và trào lộng, cảm hứng
khám phá con người bản năng… Tìm hiểu thế giới nhân vật trong truyện ngắn
Sương Nguyệt Minh, luận văn đã đưa ra hai hệ thống nhân vật là nhân vật
truyền thống và nhân vật đổi mới. Tác giả còn làm rõ một số phương diện
nghệ thuật đặc sắc đã làm nên thành công trong truyện ngắn Sương Nguyệt
Minh như: cốt truyện, tình huống truyện, không gian và thời gian nghệ thuật,
giọng điệu trần thuật….
Ngoài ra, luận văn của Giang Thị Hà Đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn
Sương Nguyệt Minh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội,
đã nghiên cứu các truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh về tình huống, kết
cấu, nghệ thuật xây dựng nhân vật, yếu tố kì ảo, ngôn ngữ và giọng điệu…, để
đem đến cho người đọc về cái nhìn đầy đủ hơn về nghệ thuật viết truyện ngắn


8

đương đại mà Sương Nguyệt Minh là một trường hợp tiêu biểu. Đây là những
nguồn tư liệu hữu ích để chúng tôi tiếp tục đi sâu nghiên cứu vấn đề.
Cho đến nay, qua các bài báo, tài liệu nghiên cứu – phê bình văn học và các
cuộc trao đổi, tranh luận được đăng tải trên sách báo, tạp chí, trên mạng internet,
chúng tôi nhận thấy truyện ngắn Sương Nguyệt Minh đã được nhìn nhận, đánh giá
trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Từ các ý kiến và nhận xét mang
tính gợi mở của các nhà nghiên cứu, nhà phê bình sẽ giúp chúng tôi đi sâu vào tìm
hiểu Nhân vật và cốt truyện trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh.
3. Mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Chọn đề tài Nhân vật và cốt truyện trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh
những người thực hiện luận văn muốn đạt những mục đích sau:

- Giúp người đọc hiểu hơn về những đóng góp của nhà văn Sương Nguyệt
Minh đối với thể loại truyện ngắn. Từ đó, thấy được vị trí và vai trò của anh
trong nền văn học Việt Nam đương đại.
- Tìm hiểu một cách hệ thống và bài bản những nét đặc sắc của truyện
ngắn Sương Nguyệt Minh ở phương diện nhân vật và cốt truyện. Từ đó, cho thấy
sự độc đáo về phong cách riêng của Sương Nguyệt Minh trong nghệ thuật xây
dựng nhân vật và cốt truyện để tạo dấu ấn riêng trong lòng độc giả.
3.2. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài Nhân vật và cốt truyện trong truyện ngắn
Sương Nguyệt Minh là nhân vật và cốt truyện. Trong nhân vật, chúng tôi đi tập
trung ở hai khía cạnh là các kiểu nhân vật và nghệ thuật xây dựng nhân vật, cốt
truyện có kiểu cốt truyện và nghệ thuật xây dựng cốt truyện.
3.3. Phạm vi nghiên cứu
Để thực hiện đề tài, chúng tôi tiến hành khảo sát các tập truyện ngắn của
Sương Nguyệt Minh:
- Đêm làng Trọng Nhân (1998)


9

- Người ở bến sông Châu (2002)
- Đi qua đồng chiều (2005)
- Mười ba bến nước (2005)
- Chợ tình (2007)
- Dị hương (2010)
4. Phương pháp nghiên cứu
Khi đi vào nghiên cứu nhân vật và cốt truyện trong truyện ngắn, chúng tôi
sử dụng kết hợp các phương pháp cơ bản sau:
4.1. Phương pháp hệ thống
Đề tài Nhân vật và cốt truyện trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh

hướng tới việc khai thác một số phương diện nhân vật và cốt truyện trong
truyện ngắn Sương Nguyệt Minh. Do đó, hệ thống được coi là phương pháp
quan trọng để người viết xâu chuỗi toàn bộ truyện ngắn để thấy rõ được
những cách tân cả về nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn Sương Nguyệt
Minh trên các phương diện nhân vật – nghệ thuật xây dựng nhân vật, cốt
truyện – nghệ thuật xây dựng cốt truyện. Đặt những sáng tác của tác giả trong
hệ thống chung của văn học Việt Nam để thấy vị trí và đóng góp riêng của tác
giả trong tiến trình đổi mới văn học nước nhà.
4.2. Phương pháp phân tích và tổng hợp
Chúng tôi xem phương pháp này là phương tiện để nhìn nhận, phân
tích, tìm hiểu các vấn đề để thấy được một cách cụ thể, sâu sắc và toàn diện
những đặc điểm chung về nội dung và nghệ thuật trong toàn bộ hệ thống
truyện ngắn của nhà văn này.
4.3. Phương pháp thống kê, phân loại
Bên cạnh những phương pháp mang tính chất phổ quát để thể hiện đề
tài này, chúng tôi còn sử dụng phương pháp thống kê, phân loại vào việc tìm


10

hiểu, phân loại các kiểu nhân vật, các mô hình cốt truyện trong truyện ngắn
của Sương Nguyệt Minh.
4.4. Phương pháp đối chiếu, so sánh
Phương pháp này nhằm làm nổi bật những đặc điểm riêng biệt cũng
như những đóng góp của Sương Nguyệt Minh trong tương quan với những
cây bút truyện ngắn cùng thời.
4.5. Phương pháp lịch sử
Phương pháp này đặt những sáng tác của Sương Nguyệt Minh vào bối
cảnh lịch sử cụ thể để nghiên cứu. Chúng tôi nhìn nhận và đánh giá được
những giá trị truyện ngắn của anh trong tương quan với thành tựu của văn học

đương thời. Để thấy sự kế thừa và sáng tạo những nét độc đáo trong truyện
ngắn Sương Nguyệt Minh được nhìn nhận, xem xét ở thời điểm nó ra đời.
Ngoài ra chúng tôi còn tiếp cận thi pháp học để nghiên cứu nghệ thuật
truyện ngắn Sương Nguyệt Minh.
5. Đóng góp của luận văn
Với đề tài Nhân vật và cốt truyện trong truyện ngắn Sương Nguyệt
Minh, luận văn đi vào tìm hiểu các phương diện nhân vật và cốt truyện… Qua
đó, góp phần xác định phong cách truyện ngắn của nhà văn Sương Nguyệt
Minh. Đồng thời khẳng định giá trị và những thành công trong truyện ngắn
Sương Nguyệt Minh. Với những thành công đó, nhà văn đã có những đóng
góp không nhỏ cho văn xuôi Việt Nam thời kỳ đổi mới.
6. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, luận văn được triển
khai thành 3 chương:
Chương 1: Truyện ngắn thời kỳ đổi mới và sự xuất hiện của Sương
Nguyệt Minh.
Chương 2: Nhân vật trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh.
Chương 3: Cốt truyện trong truyện ngắn Sương Nguyệt Minh.


11

NỘI DUNG
CHƯƠNG 1
TRUYỆN NGẮN THỜI KỲ ĐỔI MỚI VÀ SỰ XUẤT HIỆN CỦA
SƯƠNG NGUYỆT MINH
1.1. Truyện ngắn thời kì đổi mới
1.1.1. Khái niệm truyện ngắn
Mặc dù thuật ngữ “truyện ngắn” ra đời hơi muộn (khoảng cuối thế kỷ
XIX) nhưng nó đã xuất hiện và tồn tại từ khi con người biết sáng tác văn

chương. Trải qua bao thăng trầm trong tiến trình phát triển văn học và của
lịch sử thể loại, ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, con người không
có thời gian đọc, suy ngẫm cùng nhà văn thì truyện ngắn ngày càng phát triển
chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong mỗi nền văn học dân tộc.
Nhận diện thể loại truyện ngắn là một nỗ lực liên tục của cả người sáng
tác và giới nghiên cứu lý luận. Từ W.Gớt ở thế kỷ XVII cho đến Sê Khốp, từ
Lỗ Tấn đến Môpátxăng, từ Antônốp thế kỷ XIX - XX đến Nguyễn Công
Hoan, Nguyễn Minh Châu…, họ đưa ra những cách khu biệt khác nhau. Các
định nghĩa thường xoáy vào các bình diện chính: dung lượng, cốt truyện, nhân
vật, chi tiết, ngôn ngữ…, để khái quát thành đặc trưng.
Ở Việt Nam, quan niệm về truyện ngắn vô cùng phong phú và đa dạng.
Theo Từ điển thuật ngữ văn học của nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử,
Nguyễn Khắc Phi, truyện ngắn được định nghĩa: “Là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ.
Nội dung của thể loại truyện ngắn bao trùm hầu hết các phương diện của đời
sống: đời tư, thế sự hay sử thi, nhưng cái độc đáo của nó là ngắn”.
Khác với tiểu thuyết là thể loại chiếm lĩnh đời sống trong toàn bộ sự
đầy đặn và toàn vẹn của nó, truyện ngắn thường hướng tới việc khắc họa một
hình tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống
tâm hồn của con người.


12

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia định nghĩa: “Truyện ngắn là một thể
loại văn học. Nó thường là các câu truyện kể bằng văn xuôi và có xu hướng
ngắn gọn, súc tích và hàm nghĩa hơn các câu truyện dài như tiểu thuyết”.
Theo Chu văn Sơn thì truyện ngắn dựa vào hai tiêu chí chính là dung
lượng và thi pháp.
Về dung lượng: Truyện ngắn được xem là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ, chủ
yếu được viết bằng văn xuôi. Nghĩa là ngắn, thậm chí cực ngắn (truyện mini),

nhân vật không nhiều, tình tiết và chi tiết đời sống cũng không nhiều.
Về thi pháp: Ngoài những yếu tố như cốt truyện, lối trần thuật, ngôn
ngữ…, thì tình huống được xem là hạt nhân thể loại của truyện ngắn.
Còn trong giáo trình Lý luận văn học do Phương Lựu chủ biên thì:
“Truyện ngắn là hình thức ngắn của tự sự. Khuôn khổ ngắn nhiều khi làm
cho truyện ngắn có vẻ gần gũi với các hình thức truyện kể dân gian như
truyện cổ, giai thoại, truyện cười, hoặc gần với những bài ký ngắn. Nhưng
thực ra không phải. Nó gần với tiểu thuyết hơn cả bởi là hình thức tự sự tái
hiện cuộc sống đương thời [15, tr.150].
Truyện ngắn nói chung không phải vì “truyện” của nó “ngắn”, mà vì
cách nắm bắt cuộc sống của thể loại. Tác giả truyện ngắn thường hướng tới
khắc họa một hiện tượng, phát hiện bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời
sống tâm hồn con người.
K.Pauxtopki định nghĩa: “Thực chất truyện ngắn là gì? Truyện ngắn là
một truyện ngắn viết gọn, trong đó cái không bình thường hiện ra như một cái
bình thường và cái bình thường hiện ra như một cái không bình thường”.
Truyện ngắn là thể loại gần gũi với đời sống hàng ngày, súc tích, dễ
đọc, lại thường gắn liền với hoạt động báo chí, do đó có tư duy, ảnh hưởng
kịp thời trong đời sống. Hơn nữa sau nhiều năm chiếm lĩnh văn đàn, thơ kịch,
tiểu thuyết dường như đang vắt kiệt khả năng hồi sinh và đổi mới thể loại.


13

Trong khi đó truyện ngắn còn là mảnh đất tương đối trống, điều này tạo điều
kiện hết sức thuật lợi để các cây bút trẻ khẳng định tài năng. Ở Việt Nam,
truyện ngắn cũng vì thế mà nở rộ và đạt được nhưng thành tựu nổi bật.
1.1.2. Khái quát truyện ngắn đương đại
1.1.2.1. Bối cảnh lịch sử
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng,

Tổ quốc thống nhất cả đất nước bước vào thời kì xây dựng và đi lên chủ nghĩa
xã hội. Thời cơ và thuận lợi để đưa đất nước phát triển lớn mạnh đã đến,
nhưng thách thức và những khó khăn thì rất nhiều. Hậu quả nặng nề của hai
cuộc chiến tranh ác liệt và lâu dài vào bậc nhất trong lịch sử phát triển dân
tộc, cho đến nay, sau ba mươi năm vẫn chưa thể khắc phục hết. Đó không chỉ
là sự tàn phá, hủy diệt từ cơ sở hạ tầng của nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu đến
môi trường, thiên nhiên ở khắp mọi vùng miền. Đó còn là những hậu quả về
mặt tinh thần không thể nào đo đếm được. Cùng với những khó khăn, thách
thức chồng chất của thời hậu chiến mà bất kì đất nước nào trải qua chiến tranh
đều phải gánh chịu, chúng ta còn bị rơi vào tình thế khó khăn gấp bội bởi
chính sách cấm vận, cô lập Việt Nam của các thế lực đế quốc thù địch, sự tan
rã của Liên Xô cũ…, chiến tranh biên giới nổ ra. Tất cả những tình hình đó đã
đẩy đất nước đến cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội ngày càng nặng nề ở nửa
đầu những năm 80 và hết sức trầm trọng ở giữa thế kỉ đó.
Nhưng sức sống mạnh mẽ và bền bỉ của một dân tộc đã có lịch sử hàng
nghìn năm dựng nước và giữ nước, lại một lần nữa được thể hiện để đưa đất
nước thoát khỏi thế hiểm nghèo. Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 đã trở
thành cương lĩnh và con đường đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng để
bước vào thời kì mới. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế ngày một cao và
dần có sự ổn định, nền kinh tế thị trường dần được hình thành. Đổi mới cũng
có nghĩa là mở cửa, tăng cường giao lưu và hội nhập quốc tế trên mọi bình


14

diện kinh tế, chính trị, văn hóa. Gần hai mươi năm từ khi bắt đầu công cuộc
đổi mới, đã diễn ra rất nhiều sự thay đổi theo hướng tích cực, làm biến đổi sâu
sắc, toàn diện hình ảnh của đất nước.
Từ chiến tranh sang hòa bình, từ nền kinh tế tập trung bao cấp chuyển
sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, từ mối quan hệ về

kinh tế chính trị hầu như chỉ khép kín trong hệ thống các nước xã hội chủ
nghĩa đến việc mở cửa, hội nhập với tất cả các nước bạn trên thế giới đã mang
lại nhiều thay đổi về mặt xã hội. Nếu như trong chiến tranh sức mạnh của tinh
thần yêu nước và ý thức cộng đồng được phát huy cao độ. Cuộc sống cá nhân
và riêng tư bị thu hẹp nhường chỗ cho đời sống tập thể của cả dân tộc. Đó là
thời kì theo cách nói của Chế Lan Viên “Những năm đất nước có chung tâm
hồn, có chung khuôn mặt, nụ cười tiễn đưa con, nghìn bà mẹ như nhau”. Thì
khi trở về với con người đời thường: con người phồn tạp, muôn vẻ, lẫn lộn tốt
xấu, trắng đen, bi hài…, các giá trị về xã hội, đạo đức, nhân cách…, của một
thời bị lung lay, rạn nứt và đổ vỡ từng ngày. Không chỉ có vậy, đời sống văn
hóa – tư tưởng cũng có diện mạo và diễn biến khá phức tạp. Nó không hoàn toàn
trùng khít với những giá trị truyền thống đã được tạo lập và tồn tại bao đời.
Công cuộc đổi mới đất nước cũng đồng nghĩa với việc mở cửa hội nhập với
thế giới, tạo điều kiện giao lưu văn hóa, văn học với khu vực và thế giới. Và văn
xuôi thời kì này cũng nằm trong sự vận động và phát triển của thời đại.
1.1.2.2. Nhu cầu tất yếu đổi mới văn học
Những năm cuối thập kỉ 70 và nửa đầu thập kỉ 80, vẫn là nền văn học
mang khuynh hướng sử thi nhưng sự chuyển biến của đời sống xã hội văn
hóa, tư tưởng đã dẫn đến sự thay đổi nhu cầu và quan điểm thẩm mĩ, đòi hỏi
văn học phải đổi mới. Vào cuối những năm 70 đã hình thành rõ rệt nhu cầu
nhìn lại giai đoạn văn học trước đó, chỉ ra những giới hạn của nó và để hình
thành những hướng đi mới. Nhu cầu đổi mới văn học đã dần trở thành đòi hỏi


15

chung của cả giới sáng tác, lý luận lẫn công chúng. Bằng những tìm tòi, thể
nghiệm trên sáng tác và hoạt động lý luận và phê bình, văn học đã hình thành
từng bước một tư duy nghệ thuật mới, trên cơ sở đổi mới toàn diện các quan
niệm về văn chương, về hiện thực và con người, về chính nhà văn và về công

chúng văn học. Những nhà văn đi tiên phong trong công cuộc đổi mới văn
học giai đoạn này là Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Nguyễn
Mạnh Tuấn…, họ là những nhà văn từng sáng tác từ trước những năm 1975.
Đóng góp của họ cho công cuộc đổi mới văn học ở Việt Nam chủ yếu là lĩnh
vực văn xuôi với các truyện: Bến quê của Nguyễn Minh Châu, Mùa là rụng
trong vườn của Ma Văn Kháng, Cù lao tràm của Nguyễn Mạnh Tuấn và Thời
xa vắng của Lê Lựu.
Sang những năm 80, 90 của thế kỷ XX, đây là giai đoạn sôi nổi nhất
của đời sống văn nghệ Việt Nam thời kỳ đổi mới. Đổi mới văn học suy cho
đến cùng là đổi mới quan niệm: quan niệm về con người, về đời sống và quan
niệm bản thân văn học nghệ thuật. Cho nên vào nửa sau những năm 80, hoạt
động lý luận phê bình văn học gần như vượt lên phía trước, giữ vị trí của nhân
tố mở đường. Nguyễn Minh Châu trong bài phát biểu của mình: Hãy đọc lời
ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa. Bài báo vừa là tuyên ngôn lý
thuyết, vừa thể hiện tinh thần đổi mới văn học hết sức triệt để của giới sáng
tác. Thành tựu nổi bật của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới được kết tinh ở
truyện ngắn và tiểu thuyết. Tiếp theo lớp nhà văn Nguyễn Minh Châu, Ma
Văn Kháng…; là Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Dương Thu
Hương, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường, Tạ
Duy Anh, Lê Minh Khuê… Sáng tác của họ đã tạo nên diện mạo vừa độc đáo
vừa đa dạng của văn học thời kỳ đổi mới.
Đường lối mở của hội nhập quốc tế của Đảng đã tạo cơ hội giao lưu
văn hóa, văn học nước ta với các nước trên thế giới đặc biệt là với phương


16

Tây. Nhờ thế mà nhiều trào lưu, khuynh hướng và lý luận nghệ thuật hiện đại
của thế giới đã được giới thiệu ở Việt Nam, tác động đến sự tìm tòi, sáng tạo
của nhà văn và làm biến đổi thị hiếu tiếp nhận của công chúng.

Công cuộc đổi mới văn học vừa là hệ quả lại vừa là động lực thúc đẩy
công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.
1.1.2.3. Truyện ngắn Việt Nam thời kỳ đổi mới
Sau năm 1975, đặc biệt từ năm 1986, trước yêu cầu bức thiết về sự đổi
mới một cách toàn diện và sâu sắc của đời sống thì văn học - một trong những
hình thái ý thức xã hội tất yếu cũng làm mới mình để đáp ứng yêu cầu này. Lẽ
dĩ nhiên, dẫu ở thời đại nào, văn học không bao giờ xa rời tiêu chí tối thượng
chân - thiện - mĩ của nó. Tuy nhiên, nhu cầu người đọc hiện nay đòi hỏi ở văn
học một sự “trở mình” để làm tốt hơn cái thiên chức và sứ mệnh của nó. Hơn
30 năm đã trôi qua, quá trình đổi mới văn học đã gặt hái được nhiều thành tựu
nổi bật mà truyện ngắn là một trong những thể loại đi đầu. Nó được thể hiện ở
nét đổi mới sau:
- Đổi mới trong quan niệm về hiện thực
Hiện thực được phản ánh trong giai đoạn 1945-1975 gắn bó chặt chẽ
với cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, âm vang hào khí thời đại. Đó là
một hiện thực vận động xuôi chiều và nhìn chung rất lạc quan.
Sau năm 1975, cuộc sống thời bình trở lại con người lại phải đối diện
với bao vấn đề của thực tiễn đời sống. Vì vậy, các nhà văn không chỉ dừng lại
ở phản ánh mà còn nghiền ngẫm hiện thực. Trước đây, hoàn cảnh chiến tranh
không cho phép họ khám phá tận cùng sự phức tạp, bề bộn, ngổn ngang của
đời sống. Giờ đây, do yêu cầu của thời đại, do nhu cầu tự thân của hoạt động
sáng tác, hiện thực đời sống đi vào văn chương vẹn nguyên sự đa chiều của
nó, được soi sáng, cày xới cả những phần khuất lấp, mờ tối. Thoát khỏi sự trói
buộc của chủ nghĩa đề tài, nhà văn đã phát huy được vai trò sáng tạo của chủ


17

thể, đặt trọng tâm sự tìm tòi ở tư duy, cách nhìn nhận và cách biểu đạt.
- Đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người

Lịch sử văn học là lịch sử của những quan niệm khác nhau về con người.
Văn học chiến tranh đã tạo dựng thành công kiểu con người sử thi, biểu tượng
của cộng đồng. Cuộc kháng chiến đã đem lại cho con người vẻ đẹp lí tưởng. Nói
như A.Niculin, nhân vật được “tắm rửa sạch sẽ và bao bọc trong bầu không khí
vô trùng” (Nhân vật của Nguyễn Minh Châu). Nhân vật luôn trùng khít với địa
vị xã hội của mình và luôn ở trong trạng thái đơn trị, nhất phiến.
Văn học sau năm 1975 hướng đến khám phá và tạo dựng con người thế
sự - đời tư, con người cá nhân với những phức tạp và bí ẩn của nó. Nhà văn
cắt nghĩa sự tồn tại của con người không phải ở vị thế đạo đức, nhà tuyên
huấn mà là nhà triết học, nhà tư tưởng. Con người được nhìn ngắm từ nhiều
tọa độ nên nhiều chiều đa nhân cách, vừa có “rồng phượng lẫn rắn rết, thiên
thần và ác quỷ”.
Văn học sau năm 1975 mở ra cái nhìn trên nhiều bình diện, con người
như một thực thể tự nhiên, con người trong tính cá thể đơn nhất… Bởi vậy, nó
mở rộng và quan tâm đến cái bản năng tự nhiên, những khao khát bản năng,
ham muốn cháy bỏng…, vốn kiêng kị, thấp hèn bị lên án trong quan niệm của
nền văn học thì đến lúc này nó trở thành đối tượng, vấn đề và trở thành thước
đo nhân cách.
Nếu như văn học cách mạng thường xây dựng mẫu người làm chủ hoàn
cảnh, có khả năng khắc phục mọi trở ngại trên con đường thực hiện lý tưởng,
ước mơ… Thì đến văn học sau năm 1975, các nhà văn đã có nhận thức mới
mẻ. Họ thấy được giới hạn trong khả năng của con người, về sự chi phối
nghiệt ngã của hoàn cảnh. Con người có sức mạnh tinh thần và bản năng vượt
qua những trở ngại. Nhưng có rất nhiều trường hợp có cố gắng nỗ lực vươn
lên nhưng con người đều chịu thua hoàn cảnh. Đây không phải là sự hạ thấp


18

hay coi thường mà là hiểu đúng về con người, về những giới hạn và khả

năng mà con người có thể có. Nó được biểu hiện một cách tự nhiên vì
con người vốn là bình thường không phải là thế lực siêu nhiên. Bởi vậy
trong văn học sau năm 1975, xuất hiện kiểu nhân vật ít hoặc chưa xuất
hiện trong văn xuôi giai đoạn trước đó như: con người cô đơn, con
người bi kịch, lạc thời…
- Đổi mới trên phương diện nghệ thuật
Trên cơ sở đổi mới quan niệm về nhà văn, quan niệm về hiện thực
con người, văn xuôi Việt Nam nói chung và truyện ngắn sau 1975 nói
riêng đã có những đổi mới đáng kể trên quan niệm nghệ thuật. Ở khía
cạnh này, chúng tôi đề cập đến một số những đổi mới đáng chú ý trên
phương diện nghệ thuật trần thuật và ngôn ngữ.
+ Về nghệ thuật trần thuật
Dấu hiệu khởi sắc theo hướng hiện đại hóa nền văn học Việt Nam
nói chung mà trước hết là ở thể loại truyện ngắn cũng thể hiện rõ rệt ở
phương diện trần thuật. Sự đa dạng, phong phú, biến hóa của trần thuật
đã đem lại cho truyện ngắn sau 1975 những biến chuyển mới, sinh động
và thực sự hấp dẫn.
Nhìn chung, văn xuôi 1945 – 1975 chủ yếu sử dụng phương thức
trần thuật khách quan được soi chiếu từ điểm nhìn của tác giả. Nhà văn
đứng cao hơn nhân vật và trở thành người phán truyền chân lí.
Sự đổi mới sâu sắc nhất của văn học sau năm 1975 ở phương diện
trần thuật chính là đa dạng hóa điểm nhìn trần thuật. Hiệu quả của việc
trần thuật từ nhiều điểm nhìn đã tạo nên hệ thống các giá trị khác nhau
về con người và hiện tượng. Thực ra, việc di chuyển điểm nhìn từ tác
giả đến người kể chuyện và nhân vật đã có trong văn xuôi Nam Cao và
Nguyên Hồng song hiệu quả là nhằm tái hiện thế giới nội tâm. Với văn


19


học thời đổi mới, mục đích sâu xa là nhằm soi chiếu hiện thực từ nhiều
chiều, nhiều góc độ.
Nếu như giọng điệu trần thuật từ giai đoạn 1945 – 1975 xuất phát từ yêu
cầu chiến tranh, văn học là phương tiện cổ vũ, tuyên truyền cách mạng, thì giọng
điệu chủ đạo của văn học thời kì này nhất quán ở sắc thái ngợi ca, trang nghiêm
và đầy lạc quan. Trong khi đó, văn học sau 1975 đã chuyển từ đơn giọng sang đa
giọng. Nhu cầu khẳng định cá tính, nhận thức và khám phá tận cùng các đối
tượng nghệ thuật đã làm nảy sinh các giọng điệu: hoài nghi, chất vấn, chiêm
nghiệm, triết lí, giễu nhại…, chính chất liệu ngôn ngữ đời thường thô nhám, giàu
màu sắc khẩu ngữ ùa vào trang văn làm nên giọng điệu này.
+ Về ngôn ngữ
Với tư cách là công cụ của tư duy, là “cái vỏ của tư duy”, sự biến đổi
ngôn ngữ văn học liên quan chặt chẽ đến sự biến đổi của tư duy văn học. Và
ngôn ngữ văn học giai đoạn sau 1975 có những bước thay đổi đáng kể. Trong
văn xuôi, bước đổi thay của ngôn ngữ lúc đầu gắn với nhu cầu “được nói
thật”. Sự cổ vũ của Đảng “nhìn thẳng và nói thật” cho phép nhiều tác phẩm
chống tiêu cực ra đời. Ngôn ngữ văn xuôi bắt đầu bớt đi vẻ trang trọng, ít du
dương, ít rào đón như giai đoạn trước mà gần gũi với đời thường, chân thật
trong giọng điệu, thô nhám trong từ ngữ.
Xã hội đổi thay, văn học cũng thay đổi và một trong những biểu
hiện là ngôn ngữ. Nhu cầu gia tăng tính tốc độ và thông tin đặt ra như một
đòi hỏi chính đáng và tất yếu ở thời đại “bùng nổ thông tin”, thời đại của
công nghệ kỹ thuật cao, liên quan đến nhịp sống hiện đại, nhất là nhịp
điệu của cơ chế thị trường. Tính tốc độ thể hiện ở cách vào truyện nhanh,
diễn đạt ngắn gọn nén thông tin. Ở phương diên ngôn ngữ, có thể nhận
thấy việc sử dụng các “điển cố” hiện đại như các thuật ngữ khoa học
chuyên ngành thậm chỉ cả tiếng nước ngoài vào trong diễn đạt, chẳng hạn:


20


“chuỗi xoắn kép, đột biến, đồ thị hyperbol, the end of something”. Những
cụm từ này thay thế cho rất nhiều lời diễn giải. Nhiều khi, một thứ ngôn từ
ước lệ, “hàm súc” và nhiều ngụ ý bắt nguồn từ sinh hoạt giao tiếp hiện đại,
nếu được sử dụng đắc địa, nó vừa như một hình thức phổ biến của khẩu
ngữ Việt Nam, mang đậm dấu ấn lịch sử, tâm lý, vừa chuyển tải được
thông tin lớn. Lượng thông tin đạt đến mức tối đa nằm ở một thứ ngôn ngữ
đa nghĩa, nhiều ngụ ý. Ngôn ngữ này là kết quả tất yếu của tính phức điệu,
đa thanh trong tiểu thuyết. Mặt khác, ngôn ngữ đa nghĩa cũng là sản phẩm
của hứng thú triết luận càng ngày càng nổi bật trong văn xuôi.
Cùng với hình thức đã có nhiều thay đổi, ngôn ngữ của truyện ngắn
ngày nay linh hoạt, sinh động và giàu chất đời thường. Ba mươi năm qua,
nhìn lại ngôn ngữ của truyện ngắn nói riêng, văn xuôi nói chung đã hiện
diện qua “các cuộc thí nghiệm”. Đã là thí nghiệm không tránh khỏi phiêu
lưu. Tuy nhiên, “cùng với thời gian và độ chín của tài năng, ngôn ngữ
của truyện ngắn đã và đang đạt đến độ ngưng kết mới”.
Có thể nói rằng, quá trình đổi mới của văn học sau 1975 diễn ra
khá toàn diện và sâu sắc. Trong đó, truyện ngắn, một thể loại mạnh của
văn xuôi Việt Nam nói riêng và của văn học Việt Nam nói chung biến
đổi rõ nét và đạt được nhiều thành tựu nhất định. Những tên tuổi sáng
giá thời kì này là: Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy
Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Bình Phương, Phan Thị Vàng Anh, Tạ
Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Thu Huệ, Đỗ Bích Thúy, Sương
Nguyệt Minh, Phạm Duy Nghĩa… Những trang viết của họ đã góp phần
không nhỏ vào việc thúc đẩy sự đổi mới và phát triển của truyện ngắn
Việt Nam đương đại.


×