Tải bản đầy đủ (.pdf) (20 trang)

Cái đẹp trong văn xuôi nghệ thuật của nguyễn tuân trước cách mạng tháng tám

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (229.66 KB, 20 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BÙI THANH THẢO

CÁI ĐẸP TRONG VĂN XUÔI NGHỆ THUẬT
CỦA NGUYỄN TUÂN
TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 5.04.33
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS. TRẦN HỮU TÁ

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - 2005


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài:
Nguyễn Tuân là một hiện tượng lớn và phức tạp của nền văn học Việt Nam. Từ khi xuất hiện
đến nay ông đã giữ một vị trí quan trọng trên văn đàn và trong lòng độc giả biết bao thế hệ.
Nguyễn Tuân để lại cho văn học hiện đại Việt Nam một khối lượng tác phẩm không nhỏ: 4683
trang sách in (theo công trình sưu tầm và biên soạn Nguyễn Tuân toàn tập của giáo sư Nguyễn Đăng
Mạnh), chưa kể còn những tác phẩm mà người biên soạn chưa tìm thấy hoặc tìm được nhưng không
đầy đủ. Con số 4683 ấy tuy lớn nhưng có thể nó sẽ trở nên vô nghĩa, sẽ không làm nên tên tuổi một
Nguyễn Tuân như ta từng biết, nếu không có chất Nguyễn Tuân riêng biệt trong từng tác phẩm, từng
trang sách, thậm chí nhiều khi trong từng con chữ. Chất Nguyễn Tuân ấy là tấm thẻ thông hành đặc biệt
đưa Nguyễn Tuân vào lòng độc giả hiện tại, giữ ông lại với cả đời sau.
Lâu nay, khi nhắc đến Nguyễn Tuân, hầu như chẳng mấy ai phủ nhận ông là một nhà văn tài
hoa, uyên bác, một người luôn luôn xê dịch trong niềm say mê của cả cuộc đời mình. Và cũng không ai


quên một Nguyễn Tuân tỉ mẩn đi tìm cái đẹp ở khắp mọi phương diện của đời sống, cả đời sống tự
nhiên lẫn đời sống con người, để rồi đưa cái đẹp ấy vào những trang văn của mình như một cách trả nợ
với chính cuộc đời về những gì đẹp đẽ mà mình đã nhận được. Đó là điều làm chúng tôi ấn tượng nhất
khi tìm hiểu văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Đó cũng là nguyên nhân thôi thúc chúng tôi đến
với đề tài này: Cái đẹp trong văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám.
Không phải đến bây giờ và cũng không phải đến chúng tôi vấn đề cái đẹp trong văn Nguyễn
Tuân mới được đặt ra, nhiều nhà nghiên cứu phê bình đã tìm hiểu về vấn đề này. Tuy nhiên, bằng niềm
say mê và lòng kính trọng văn tài Nguyễn Tuân, cộng với mong muốn có một chút tìm tòi đóng góp
cho việc tìm hiểu giá trị mĩ học trong sáng tác Nguyễn Tuân một cách có hệ thống, chúng tôi mạnh dạn
chọn đề tài này. Thêm vào đó, xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng bận rộn với quá nhiều
công việc, quá nhiều tham vọng, đôi khi không còn có chút thời gian cảm nhận những cái đẹp vẫn kiên
trì tồn tại quanh mình, và biết đâu đến một lúc nào đó, ở những góc độ nào đó, con người ta sẽ vì lợi
ích riêng mà ngoảnh mặt quay lưng với những giá trị đẹp của cuộc đời. Chúng tôi đến với đề tài này
cũng là một cách để hiểu hơn về Nguyễn Tuân, để góp phần đưa cái đẹp trong văn ông đến với mọi
người, để có một nốt lặng nghĩ suy về cái đẹp….
2. Lịch sử vấn đề:
Từ khi xuất hiện trên văn đàn đến nay, Nguyễn Tuân đã làm cho giới văn học nghệ thuật tốn
không biết bao nhiêu giấy mực. Lời khen cũng nhiều, tiếng chê cũng lắm. Có người đánh giá văn ông


từ chính văn bản tác phẩm, có người nhìn văn ông thông qua con người thực của ông, và có người kết
hợp cả hai hướng đó. Có người dành phần lớn cuộc đời mình nghiên cứu về Nguyễn Tuân với tất cả
tâm huyết và sự lao động cần cù, có người nghiên cứu một mảng nào đấy trong sự nghiệp Nguyễn
Tuân, cũng có người chỉ đánh dấu sự tri âm của mình với Nguyễn Tuân bằng một bài phê bình, về một
tác phẩm hoặc bằng một vài cảm nhận ban đầu… Tất cả tạo nên một bề dày cho việc nghiên cứu về nhà
văn tài năng này.
Ở đây, trong phạm vi đề tài này, chúng tôi không thể trình bày hết tất cả những gì mà giới phê
bình trước nay đã nói về Nguyễn Tuân, mà chỉ giới hạn lại ở phạm vi những gì giới phê bình nói về cái
đẹp trong văn Nguyễn Tuân giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám. Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho
chúng tôi trong việc nghiên cứu đề tài này.

Trong quyển Luận đề về Nguyễn Tuân [26], nhà nghiên cứu Trần Ngọc Hưởng có dành một
phần không nhỏ cho việc phân tích, nhận định về cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân, chủ yếu là cái đẹp
trong tập Vang bóng một thời. Theo ông, Nguyễn Tuân đã “vừa vẽ lại cái đẹp xưa vừa nói cái đẹp của
những nho sĩ cuối mùa tuy buông xuôi bất lực trước thời thế nhưng quyết giữ trọn thiên lương và sự
trong sạch của tâm hồn bằng cách thực hiện cái đạo sống của người tài tử với những thú chơi phong
lưu tao nhã” [26, 9]. Ở đây, nhà nghiên cứu chủ yếu phân tích một số hình tượng tiêu biểu như nhân
vật cô Tú – cậu Chiêu (Ngôi mả cũ), nhân vật trong Chiếc lư đồng mắt cua, đặc biệt là nhân vật Huấn
Cao trong Chữ người tử tù để tìm ra những cái đẹp trong con người cũng như cuộc đời của họ, từ đó
khẳng định lòng yêu cái đẹp của Nguyễn Tuân. Về mặt hình thức tác phẩm của Nguyễn Tuân, tác giả
nói trên không phân tích nhiều, chỉ chú ý đến cách đặt tên nhân vật trong Vang bóng một thời và cho
rằng đó là “những cái tên gợi một nền văn hoá xưa, thanh lịch, nay còn đó, phảng phất hương sen”.
Nhìn chung, ở công trình của mình, tác giả Trần Ngọc Hưởng có chú trọng đến cái đẹp trong văn
chương của Nguyễn Tuân nhưng đó chưa phải là một cái nhìn toàn diện, thấu đáo, mà chỉ dừng lại ở
mức độ phân tích, bình giá một số tác phẩm quen thuộc. Tác giả chưa đưa ra được một kết luận khái
quát về cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân, trong tính toàn diện và thống nhất của nó.
Trong công trình Thách thức của sáng tạo – Thách thức của văn hoá, nhà nghiên cứu Lê Ngọc
Trà có nhắc đến Nguyễn Tuân và sự say mê cái đẹp của ông. Trong bài Bí ẩn của sự say mê cái đẹp,
tác giả nhắc đến cái đẹp trong chuyện ăn uống của Nguyễn Tuân, cho rằng “Nguyễn Tuân coi ăn uống
không phải chỉ là chuyện thoả mãn nhu cầu đói khát thông thường mà còn là một hành động văn hoá,
một cử chỉ thẩm mĩ” [70, 183-184]. Ở đây, chủ yếu tác giả nhắc đến Nguyễn Tuân như một hiện tượng
minh chứng cho những vấn đề liên quan đến cái đẹp trong sáng tạo chứ không nhằm đi sâu phân tích
cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân nên không thể đòi hỏi ở tác giả một sự cụ thể và đầy đủ được. Dẫu sao


đây cũng là một công trình quan trọng đối với chúng tôi trong khi thực hiện đề tài vì nó cung cấp cho
chúng tôi những vấn đề lí luận một cách khái quát để từ đó có thể đối chiếu so sánh tìm ra cái đẹp trong
văn Nguyễn Tuân.
Công trình Nguyễn Tuân tác phẩm và dư luận cũng có nhiều bài viết về Nguyễn Tuân, ở đây
chúng tôi chỉ nêu những bài viết về Nguyễn Tuân trước cách mạng. Tác giả Phan Cự Đệ trong Đọc lại
“Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân chủ yếu phân tích một số thú chơi của các nhân vật trong tập

sách này để khẳng định “Nguyễn Tuân đi vào dĩ vãng với thái độ của một người đi tìm những cảm giác
lạ, đi tìm một cái đẹp thuần tuý của nghệ thuật” [57, 187]. Còn tác giả Văn Tâm trong Về truyện ngắn
“Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân cũng có khái quát về cái đẹp trong Vang bóng một thời:
“… trừ Khoa thi cuối cùng có tính chất dạo đầu cho loại truyện Yêu ngôn; ngoài ra mười
truyện còn lại có thể coi như mười nén tâm hương nguyện cầu cho cái đẹp cổ truyền Việt Nam, đó là:
uống đẹp (“Những chiếc ấm đất”, “Chén trà trong sương sớm”), nhắm đẹp (“Hương cuội”), chơi đẹp
(“Thả thơ”, “Đánh thơ”, “Đèn đêm thu”), ứng xử đẹp (“Ngôi mả cũ”), hoa tay đẹp (“Trên đỉnh non
Tản”), tài nghệ đẹp (“Những kẻ bất đắc chí”) và nhân cách đẹp (“Chữ người tử tù”)” [57, 197]
Nguyễn Đình Thi trong bài Người đi tìm cái đẹp, cái thật thì đề cập đến cái đẹp trong văn
Nguyễn Tuân nhưng tiếc là ở đây tác giả không đi vào phân tích hay miêu tả mà chủ yếu là lí giải
nguyên nhân khiến Nguyễn Tuân tìm đến cái đẹp (trong xã hội cũ Nguyễn Tuân không tìm cái đẹp
trong hiện tại mà phải quay về quá khứ là vì ông không tìm thấy cái đẹp song hành cùng cái thật, còn
khi đến với cách mạng thì Nguyễn Tuân thấy cái đẹp bây giờ là cái có thật trong cuộc đời).
Trong khi dựng chân dung văn học của các nhà văn (Cây bút, đời người), tác giả Vương Trí
Nhàn đã dành những tình cảm ưu ái cho Nguyễn Tuân. Khác với những tác giả khác, Vương Trí Nhàn
chú ý nhiều đến hình thức nghệ thuật trong tác phẩm của Nguyễn Tuân. Ông nhận định:
“… đây là một trong số ít nhà văn ở ta nhạy cảm về hình thức và có được cách hiểu toàn diện về
bản chất cái đẹp trong hình thức nghệ thuật…” [47, 227]
Mặc dù không có sự phân tích cụ thể nhưng những nhận định của tác giả về hình thức nghệ
thuật trong văn Nguyễn Tuân cũng là một trong những gợi ý quan trọng cho chúng tôi khi tìm hiểu về
cái đẹp trong văn xuôi nghệ thuật Nguyễn Tuân trước cách mạng tháng Tám.
Nguyễn Tuân – người đi tìm cái đẹp là công trình tập hợp nhiều bài viết của nhiều tác giả khác
nhau viết về Nguyễn Tuân. Mặc dù tên công trình này nêu ra rất rõ phạm vi quan tâm của nó nhưng
điều làm chúng tôi thật sự tiếc là nội dung công trình đã không đáp ứng được mong đợi của độc giả.
Những bài viết ở đây không chú ý nhiều đến văn Nguyễn Tuân mà chủ yếu là viết về người, về đời
Nguyễn Tuân, về những kỉ niệm giữa Nguyễn Tuân với các bạn văn nghệ sĩ trong và ngoài nước. Cho


nên, nói đúng ra ở công trình này người tập hợp và biên soạn chỉ mới khẳng định được một Nguyễn
Tuân đi tìm cái đẹp trong đời chứ chưa phải là một Nguyễn Tuân đi tìm cái đẹp trong văn, một Nguyễn

Tuân luôn khắc khoải vì nhu cầu chuyển tải cái đẹp trong đời nghệ sĩ của mình.
Cũng là một công trình tuyển chọn nhiều bài viết về Nguyễn Tuân, quyển Nguyễn Tuân – cây
bút tài hoa và độc đáo [44] chú trọng nhiều đến văn nghiệp của Nguyễn Tuân. Trong bài viết Nguyễn
Tuân và cái đẹp, tác giả Hà Văn Đức quan tâm đến việc phân tích và lí giải bản chất cũng như động cơ
khiến Nguyễn Tuân tìm đến với cái đẹp. Theo tác giả, “đối với Nguyễn Tuân thì cái đẹp chỉ nhằm thoả
mãn, đáp ứng những khoái cảm thẩm mĩ của cá nhân”. Và theo ý kiến riêng của chúng tôi, có lẽ tác giả
đã nhìn Nguyễn Tuân và những trang văn ông viết về cái đẹp theo một cách khác, cách mà chúng tôi
cho là chưa được công bằng lắm với Nguyễn Tuân. Đó là khi tác giả cho rằng tính chất tiêu cực của
Vang bóng một thời nằm ở chỗ Nguyễn Tuân đã đề lên thành mẫu mực lối sống của một lớp nhà nho
lỗi thời, những người còn lại của tầng lớp thống trị cũ, tuy đã thất thế đầu hàng thực dân nhưng vẫn cố
đóng vai quý tộc bằng nghệ thuật hành lạc hơn đời. Có lẽ tác giả đã quá khắt khe khi nhìn nhận vấn đề
này. Đúng là những nhà nho kia thuộc lớp người mà thời của họ đã trôi qua nhưng liệu có phải vì thế
mà họ không còn được phép gìn giữ những gì mà họ cho là tinh hoa trong lối sống tinh thần xưa kia?
Một chén trà sớm, một bữa rượu thạch lan hương, một buổi thả thơ, một chiếc đèn kéo quân cho con
cháu vui trung thu, liệu có phải là những thứ chứng tỏ cho hành động cố tình đóng vai quý tộc? Và nếu
thế thì ngày nay chúng ta tìm về với nghệ thuật thư pháp, với chiếc đèn kéo quân, chúng ta dạy cho
sinh viên biết thế nào là thả thơ, đánh thơ, là chúng ta đang đóng vai quý tộc, đang cố níu kéo thời đã
qua chăng? Trong bài viết này, tác giả có những chỗ nhìn nhận xác đáng về Nguyễn Tuân, chẳng hạn
nhìn nhận yếu tố dân tộc, lòng tự hào và giá trị thẩm mĩ dân tộc trong những trang viết của Nguyễn
Tuân. Còn những điều như chúng tôi vừa nói ở trên có lẽ một phần do ảnh hưởng tất yếu của thời đại
nên cái nhìn của nhà nghiên cứu đối với nhà văn còn có phần khe khắt.
Trong bài viết “Những chặng đường sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Tuân” – mở đầu quyển
Nhà văn trong nhà trường: Nguyễn Tuân, nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá cũng có những trang viết khái
quát về cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân, cả trước và sau Cách mạng tháng Tám. Với cái đẹp trong văn
Nguyễn Tuân trước Cách mạng, nhà nghiên cứu nhìn vấn đề ở cả hai mặt: khi Nguyễn Tuân đưa cái
đẹp thăng hoa bằng tài năng của mình và cả những lúc dường như ông quá đà khi tìm kiếm cái đẹp cả
trong những hành động như Ném bút chì. Nhà nghiên cứu đặc biệt chú trọng đến tinh thần dân tộc của
Nguyễn Tuân, yếu tố khiến ông không lạc vào chủ nghĩa duy mỹ thuần tuý, không hoàn toàn “nghệ
thuật vị nghệ thuật” [61, 13]. Đó cũng là yếu tố khiến Nguyễn Tuân có những trang viết rất hay về cái
đẹp của những giá trị truyền thống của văn hoá dân tộc. Bài viết nói trên đã giúp chúng tôi có được cái



nhìn khái quát về sự hiện diện của cái đẹp trong văn chương Nguyễn Tuân, đồng thời có một cái nhìn
hết sức khách quan về cả những thành công lẫn những lúc quá đà trên con đường đi tìm cái đẹp của
Nguyễn Tuân.
Trong số những nhà nghiên cứu về Nguyễn Tuân, chúng ta không thể không nhắc đến tác giả
Nguyễn Đăng Mạnh, người có những tìm tòi, suy ngẫm công phu và kĩ lưỡng. Nhiều công trình, nhiều
bài viết của ông về Nguyễn Tuân chứng tỏ ông không chỉ có khả năng cảm thụ mà còn là người có cái
nhìn khái quát và hệ thống về sự nghiệp của nhà văn lớn này. Ngoài những bài viết in trong các tập
sách, các công trình chung, theo chúng tôi hai công trình đáng giá nhất của tác giả Nguyễn Đăng Mạnh
khi viết về Nguyễn Tuân là bộ Nguyễn Tuân toàn tập (gồm Lời giới thiệu do Nguyễn Đăng Mạnh viết
và những tác phẩm của Nguyễn Tuân mà tác giả tập hợp được) và quyển Những bài giảng về tác gia
văn học trong tiến trình văn học hiện đại Việt Nam, tập I. Công trình thứ hai mà chúng tôi vừa nêu là
tập hợp những bài viết của tác giả về Nguyễn Tuân, từ bài khái quát nhất tới bài viết về một tác phẩm
cụ thể. Trong hai công trình này, tác giả đã có những nhận xét và lí giải thấu đáo về Nguyễn Tuân –
một hiện tượng văn học phức tạp trên văn đàn. Chính vì có cái nhìn khái quát nhưng cũng rất cụ thể
cho nên trong những công trình của mình tác giả Nguyễn Đăng Mạnh đã không bỏ qua một vấn đề nổi
bật trong văn Nguyễn Tuân: vấn đề cái đẹp. Ông phân tích hai mặt trong quan điểm nghệ thuật của
Nguyễn Tuân: một mặt là biểu hiện duy mỹ, trọng hình thức của một nhà văn ưa đặt nghệ thuật lên trên
mọi thứ khác trên đời và một mặt là biểu hiện trọng nhân cách, trọng thiên lương của con người cũng
trong văn Nguyễn Tuân. Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cua,… là những tác phẩm được tác giả
sử dụng nhiều trong quá trình lí giải của mình. Rõ ràng ở đây ông đã làm được điều mà nhiều nhà
nghiên cứu khác chưa làm được khi viết về Nguyễn Tuân: tránh cái nhìn một chiều, phiến diện, giữ
được thái độ khách quan của người làm khoa học và đặc biệt là cho người đọc thấy được hai mặt của
một vấn đề luôn tồn tại song hành trong văn Nguyễn Tuân: yêu cái đẹp hình thức, cái đẹp thanh sắc
trong đời nhưng cũng không quên cái đẹp tâm hồn, cái thiên lương lành vững trong mỗi con người. Và
trong công trình thứ hai mà chúng tôi nêu ở trên, tác giả Nguyễn Đăng Mạnh đã có sự so sánh giữa cái
đẹp trong văn Nguyễn Tuân trước và sau cách mạng tháng Tám, sự so sánh này làm cho người đọc
nhận thức được rõ hơn biểu hiện cũng như động cơ khiến cho Nguyễn Tuân có sự thay đổi trong việc
thể hiện đề tài yêu thích của mình. Tóm lại, những bài viết của tác giả Nguyễn Đăng Mạnh đã cho

chúng tôi những cơ sở quan trọng trong việc nghiên cứu đề tài này. Tuy nhiên tác giả đã không có một
bài viết riêng về cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân, tất cả những điều chúng tôi trình bày ở trên là sự thu
nhặt trong khi đọc những bài viết chung về Nguyễn Tuân.


Nhìn chung, những công trình kể trên đều có đề cập đến cái đẹp trong đời và trong văn Nguyễn
Tuân dưới nhiều góc độ, nhiều quan niệm khác nhau, tuỳ quan điểm của tác giả, tuỳ mục đích của công
trình và tuỳ vào ảnh hưởng của thời đại. Tất cả những điều đó sẽ là cơ sở cần thiết để chúng tôi tiếp cận
và tìm hiểu kĩ hơn về cái đẹp trong văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám.
3. Phạm vi nghiên cứu:
Về phạm vi tư liệu nghiên cứu, ở đề tài này chúng tôi chỉ giới hạn ở những tác phẩm văn xuôi
nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám. Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Tuân đồ
sộ về khối lượng và phong phú về thể loại, trong đó bên cạnh những sáng tác văn học ông còn có
không ít những bài nghiên cứu sắc sảo. Mặt khác, cũng như sự nghiệp của những nhà văn cùng thời trải
qua hai đoạn đời trước và sau Cách mạng tháng Tám, sáng tác của Nguyễn Tuân cũng chia thành hai
giai đoạn như thế. Tất nhiên về phong cách nói chung thì bao giờ Nguyễn Tuân cũng vẫn là chính
mình, vẫn giữ một phong cách riêng biệt không thay đổi nhiều và cũng không lẫn được với ai. Tuy
nhiên, xét về giá trị tư tưởng, về cách thể hiện nội dung tư tưởng qua tác phẩm, đặc biệt là xét về cái
đẹp trong văn Nguyễn Tuân, thì có sự khác nhau không nhỏ giữa hai giai đoạn sáng tác này.
Cái đẹp tồn tại trong suốt đời văn Nguyễn Tuân, trong cả những sáng tác trước và sau cách
mạng. Có thể giữa hai giai đoạn này những biểu hiện của cái đẹp không giống nhau trong những trang
văn Nguyễn Tuân nhưng xét đến cùng đó cũng chỉ là hai giai đoạn của một quá trình, khác nhau nhưng
không mâu thuẫn nhau là mấy. Cũng bởi vì cả đời văn, đời người của mình, Nguyễn Tuân luôn là kẻ
cần mẫn đi tìm cái đẹp cho mình và cho đời. Tuy nhiên do phạm vi của một đề tài cao học, chúng tôi
chỉ giới hạn phạm vi tìm hiểu của mình ở những sáng tác văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước
Cách mạng tháng Tám.
Về phạm vi nghiên cứu, cái đẹp trong văn chương là một đề tài lớn hàm chứa trong nó nhiều vấn
đề và những vấn đề này được thể hiện không giống nhau ở những nhà văn khác nhau. Do đó, đến với
đề tài về cái đẹp trong văn xuôi nghệ thuật Nguyễn Tuân, chúng tôi không có tham vọng trình bày tất
cả các vấn đề có liên quan mà chỉ giới hạn lại ở hai mặt cụ thể: cái đẹp thể hiện trong nội dung tác

phẩm Nguyễn Tuân và cái đẹp của sự hài hoà giữa nội dung và hình thức.
Mặt khác, để làm rõ hơn cái đẹp cũng như sự đặc sắc riêng biệt của cái đẹp trong tác phẩm
Nguyễn Tuân trước cách mạng, chúng tôi sẽ có sự so sánh đối chiếu giữa tác phẩm của Nguyễn Tuân
với tác phẩm của một số nhà văn có cách chọn đề tài gần với Nguyễn Tuân như Lê Văn Trương, Nhất
Linh, Thạch Lam, Tô Hoài, Vũ Bằng,…
4. Phương pháp nghiên cứu:
Thực hiện đề tài này, chúng tôi sử dụng kết hợp một số phương pháp sau:


- Phương pháp hệ thống: để xác lập tính nhất quán của việc thể hiện cái đẹp trong tác phẩm của
Nguyễn Tuân. Những mặt thể hiện của cái đẹp ở đây không chỉ hiện diện trong một hay một vài tác
phẩm cá biệt của Nguyễn Tuân mà nó tồn tại hầu như xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của ông, đặc biệt
là giai đoạn trước cách mạng.
- Phương pháp phân tích – so sánh: người viết áp dụng phương pháp này để làm rõ những mặt
thể hiện của cái đẹp trong văn xuôi nghệ thuật Nguyễn Tuân. Song song với việc phân tích, chúng tôi
cố gắng trong khả năng có thể so sánh với những sáng tác của chính Nguyễn Tuân sau cách mạng để
thấy sự kế thừa phát huy và so với tác phẩm của một số nhà văn cùng thời hoặc cùng viết về mảng đề
tài như Nguyễn Tuân để thấy được nét riêng của ông trong việc thể hiện cái đẹp vào văn xuôi nghệ
thuật.
- Phương pháp thống kê phân loại: luận văn sử dụng phương pháp này để xử lí tư liệu rút ra từ
sáng tác của Nguyễn Tuân, nhằm tìm ra những chứng cứ cụ thể xác đáng cho việc chứng tỏ sự hiện
diện của cái đẹp về nhiều mặt trong sáng tác của Nguyễn Tuân trước cách mạng, giúp cho việc trình
bày vấn đề đảm bảo tính khoa học và tăng tính thuyết phục.
5. Đóng góp của luận văn:
Thực hiện đề tài này, người viết không có tham vọng khám phá tất cả mọi khía cạnh xung quanh
cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân, chỉ hi vọng bằng niềm say mê và kính trọng văn tài Nguyễn Tuân,
chúng tôi có thể đóng góp chút ít cho việc nghiên cứu về sự nghiệp của ông:
- Trước hết, chúng tôi muốn tiếp xúc với Nguyễn Tuân trên văn bản tác phẩm và những gì mà sự
nghiệp văn chương một đời ông để lại. Trong lịch sử phê bình văn học nước ta, dù ít hay nhiều, dù vô
tình hay cố ý, vẫn không tránh khỏi hiện tượng nhìn nhà văn và tác phẩm không phải từ góc độ của

người thưởng thức và phê bình nghệ thuật mà đôi khi dưới góc độ người làm chính trị, đặt tác phẩm
văn học vào quỹ đạo chính trị xã hội và để cho cả nhà văn lẫn tác phẩm xoay tròn trong đó, không có
cách nào thoát ra được. Hẳn nhiên tầm tư tưởng của nhà văn và tư tưởng trong tác phẩm là vấn đề đáng
quan tâm nhưng trước hết, tác phẩm văn học vẫn là một chỉnh thể nghệ thuật, nó đòi hỏi và xứng đáng
được xem xét như một chỉnh thể độc lập tách khỏi những vấn đề phi văn học khác. Và chỉ bằng cách
đó, ta mới có thể tìm được giá trị nghệ thuật thực sự của tác phẩm.
- Khi tìm hiểu cái đẹp trong văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân, chúng tôi chú tâm vào xem
xét ở hai bình diện: cái đẹp được Nguyễn Tuân miêu tả trong tác phẩm và cái đẹp của bản thân tác
phẩm, cái đẹp của sự hài hoà giữa nội dung và hình thức nghệ thuật. Thực ra tất cả những điều này
không phải là mới mẻ hoàn toàn. Như chúng tôi đã trình bày trong phần Lịch sử vấn đề, nhiều nhà
nghiên cứu cũng đã đề cập đến cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân nhưng do yêu cầu và mục đích khác


nhau của mỗi công trình, mỗi bài viết, cho nên các tác giả chưa giải quyết cặn kẽ vấn đề này. Thực hiện
đề tài này, chúng tôi khảo sát toàn bộ văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng
Tám để có thể tìm hiểu về cái đẹp trong văn ông một cách hệ thống hơn, mong muốn góp thêm một
cách nhìn, cách nghĩ về văn chương và cái đẹp trong văn chương của Nguyễn Tuân.
6. Kết cấu luận văn:
Ngoài phần dẫn nhập, kết luận và thư mục tham khảo, luận văn bao gồm ba chương tập trung
vào các vấn đề sau:
Chương 1: Một số vấn đề chung
Chương 2: Cái đẹp nhìn từ góc độ nội dung
Chương 3: Cái đẹp của sự hài hoà giữa hình thức và nội dung


CHƯƠNG 1

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Vài nét về tác giả và tác phẩm:
1.1.1. Vài nét về tác giả:

Nguyễn Tuân sinh ngày 10 tháng 07 năm 1910, quê ở làng Mọc (xã Nhân Mục), nay thuộc quận
Thanh Xuân, Hà Nội.
Nguyễn Tuân sinh trưởng trong một gia đình nhà nho. Thân sinh ông là cụ Nguyễn An Lan (còn
được gọi là ông tú Hải Văn) – một nhà nho tài hoa nhưng sinh phải thời nho học suy vi, đậu khoa thi
Hán học cuối cùng nhưng vẫn là nhà nho bất đắc chí như bao lớp nhà nho thời bấy giờ. Có lẽ khí tiết,
tài hoa và cả nỗi niềm của cụ ảnh hưởng không nhỏ đến cá tính và văn nghiệp của Nguyễn Tuân sau
này.
Cuộc đời Nguyễn Tuân trải qua nhiều thăng trầm ngay từ khi còn rất trẻ. Ở tuổi 19, Nguyễn bị
đuổi học do tham gia bãi khoá phản đối thái độ coi khinh người Việt của một vài giáo viên Pháp. Và
không lâu sau đó, Nguyễn Tuân bị bắt tại Băng Cốc khi cùng bạn bè trốn ra nước ngoài. Sau thời gian
bị bắt giam và bị quản thúc ở Thanh Hoá, Nguyễn Tuân làm thư kí ở nhà máy đèn và bắt đầu sáng tác
văn học.
Trong chiến tranh thế giới lần thứ II, Nguyễn Tuân lại bị bắt đưa đi tập trung ở Vụ Bản – Nho
Quan (1941). Hai lần nếm cơm tù và cay đắng nhận ra sự bất lực của bản thân, Nguyễn Tuân càng cảm
thấy cô đơn, bế tắc cả trong cuộc sống thường ngày và trong đời sống văn học.
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám bùng nổ đã sưởi ấm tâm hồn lạnh lẽo, cô đơn của cả một lớp
trí thức tiểu tư sản đương thời, trong đó có Nguyễn Tuân. Ông hăng hái đi theo cách mạng, hăng hái
“lột xác” (chữ dùng của Nguyễn Tuân) để trở thành con người mới – một con người tự do với ngòi bút
tự do. Sự hăng hái, chân thành và thuỷ chung với cách mạng đã đưa ông hoà nhập với mọi người, với
đời sống và với cuộc kháng chiến của cả dân tộc. Năm 1948, trong Đại hội Văn nghệ toàn quốc,
Nguyễn Tuân được bầu làm Tổng thư kí đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam.
Suốt chín năm kháng chiến chống Pháp và hơn hai mươi năm chống Mĩ, Nguyễn Tuân vẫn sống
và viết bằng nhiệt huyết của những ngày đầu đến với cách mạng. Làng văn Việt Nam vẫn còn lưu giữ
những câu chuyện kể xúc động về sự nhiệt thành và dũng cảm của ông: dám xông vào nơi nóng bỏng
nhất, để ghi chép, để viết, để mang lại cho đời những trang văn đẹp và độc đáo.


Ngày 28 tháng 07 năm 1987, Nguyễn Tuân qua đời tại Hà Nội ở tuổi “thất thập cổ lai hy”. Cuộc
đời một nghệ sĩ ưa xê dịch và xê dịch rất nhiều đã được mở ra và khép lại ngay trên mảnh đất rồng
thiêng của Tổ quốc, giữa lòng Hà Nội thương yêu.

Năm 1996, Nguyễn Tuân được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh – phần thưởng xứng đáng
cho gần năm mươi năm lao động nghệ thuật nghiêm túc với những cống hiến quý giá cho nền văn học
dân tộc.
Nguyễn Tuân đến với văn học không sớm như một vài hiện tượng đặc biệt của văn học Việt
Nam, nhưng ông được đánh giá là người có đời văn trọn vẹn hiếm có. Trải qua bước thử nghiệm không
thành công ban đầu với thơ và truyện ngắn hiện thực, Nguyễn Tuân sớm nhận ra ưu thế của mình ở thể
loại tuỳ bút và ông đã định hình phong cách cũng như khẳng định tài năng ở mảng này. Với 4683 trang
in (trong công trình Nguyễn Tuân toàn tập – Sđd) ở cả lĩnh vực sáng tác (với truyện ngắn, tiểu thuyết,
tuỳ bút và phóng sự) lẫn lĩnh vực phê bình, dựng chân dung văn học, Nguyễn Tuân thực sự trở thành
một trong những tác gia lớn của nền văn học nước nhà. Nhắc đến Nguyễn Tuân, người ta nghĩ ngay
đến một con người rất ngông, rất thẳng và cũng rất chân tình, công bằng với mình và với người xung
quanh. Nhắc đến Nguyễn Tuân, người ta nhớ đến một phong cách độc đáo với những trang văn giàu
sức thuyết phục, với những bài phê bình sắc sảo vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
Nhận xét về Nguyễn Tuân, nhà văn Nguyên Ngọc đã bộc bạch hết sức chân thành:
“Sau khi ông mất, ta bỗng nhận ra rằng con người ấy đi qua cuộc đời đã để lại trên mặt đất này
một vết hằn sâu biết chừng nào. Ấy hẳn là do bởi sức nặng nhân cách và tài năng của ông, cả hai đều
lớn, nhiều khi lớn đến vướng víu, kềnh càng và không phải ai cũng có thể lấy làm dễ chịu.” [51, 532]
Có lẽ không chỉ Nguyên Ngọc mà cả chúng ta, những ai yêu văn và quý con người Nguyễn
Tuân đều phải công nhận như thế. Nguyễn Tuân thẳng tính, ngông và kiêu bạc lắm. Dĩ nhiên không
tránh khỏi có lúc quá đà nhưng đó cũng là do sự thẳng thắn và nhiệt tình của ông. Nói những điều đó là
dấu hiệu của một cá tính mạnh mẽ, chắc cũng không phải là chủ quan. Và có lẽ cá tính đặc biệt ấy của
Nguyễn Tuân là một yếu tố quan trọng – cùng với tài năng và sự lao động nghiêm túc – tạo nên một
nhà văn Nguyễn Tuân với phong cách nghệ thuật độc đáo.
1.1.2. Văn xuôi nghệ thuật trong sự nghiệp của Nguyễn Tuân:
Văn xuôi nghệ thuật là một bộ phận thiết yếu làm nên diện mạo của một nền văn học. Nhắc đến
văn xuôi nghệ thuật, người ta không thể quên những thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết, tuỳ bút,…
Nếu căn cứ theo sơ đồ của Jakobson thì có thể chia văn xuôi nghệ thuật ra làm hai loại hình chính: loại
hình gắn với chức năng thể hiện và loại hình gắn với chức năng biểu cảm. Ở loại hình thứ nhất, ta có
truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết. Ở loại hình thứ hai, tuỳ bút là tiêu biểu nhất - loại này gần như



không có cốt truyện, nếu có thì cũng chỉ là cốt truyện tâm lí. Trong các loại hình văn xuôi nghệ thuật
nói trên, truyện ngắn – truyện vừa và tiểu thuyết là những thể loại để nhà văn thể hiện vốn sống, quan
niệm sống của mình, thái độ của mình trước cuộc sống. Nó đòi hỏi ở nhà văn một vốn sống phong phú,
một cái nhìn tinh tế và nhạy cảm trước mọi biến đổi của đời sống xã hội. Còn thể loại tuỳ bút lại khác.
Vì là tuỳ bút – tuỳ theo hứng bút mà viết – nên không đòi hỏi cụ thể nhà văn phải thể hiện ý tưởng của
mình theo một khuôn mẫu, một diễn biến, một kết cấu nhất định nào. Tuỳ bút lại thuộc vào loại hình
gắn với chức năng biểu cảm cho nên mục đích chính của người viết tuỳ bút không phải là phản ánh
cuộc sống mà là bày tỏ cảm xúc của mình trước cuộc sống.
Có thể nói Nguyễn Tuân là một người đa tài trong lĩnh vực văn chương. Sự nghiệp mà ông để
lại thật đồ sộ và phong phú. Trong số 4683 trang in trong Nguyễn Tuân toàn tập, có cả thơ (một vài bài
thơ từ thuở ban đầu, khi Nguyễn Tuân mới bắt đầu sáng tác văn chương), truyện ngắn, tiểu thuyết, tuỳ
bút, phóng sự, bình ,… thì văn xuôi nghệ thuật chiếm một khối lượng rất lớn trong toàn bộ sự nghiệp
của Nguyễn Tuân (khoảng 83,9 %). Trong đó, người đọc đặc biệt nhớ đến Nguyễn Tuân như là một
nhà tuỳ bút xuất sắc và hiếm hoi của nền văn học Việt Nam. Nhiều bạn văn cùng thời cũng có chung
nhận xét là dường như Nguyễn Tuân sinh ra là để dành cho tuỳ bút, và chung quy cả đời văn của mình,
Nguyễn Tuân cũng công nhận là ông chỉ chơi một lối độc tấu. Có lẽ đó cũng là lí do vì sao Nguyễn
Tuân thành công rực rỡ với tuỳ bút nhưng lại không được nhắc nhiều với truyện ngắn và tiểu thuyết
(trừ Vang bóng một thời). Đọc truyện ngắn và tiểu thuyết của Nguyễn Tuân, người đọc dễ có cảm giác
hình như đó không hẳn là truyện ngắn, không hẳn là tiểu thuyết mà trong nó có sự pha lẫn rất đậm của
chất tuỳ bút cố hữu ở Nguyễn Tuân. Nói theo một cách nào đó, chất tuỳ bút dường như đã thấm sâu
trong máu nhà văn tài năng này và cho dù ông sáng tác thể loại văn chương nào thì nó cũng vẫn ít
nhiều chi phối ngòi bút của ông. Và cũng vì Nguyễn Tuân thiên về văn xuôi ở ngôi thứ nhất nên ngay
cả trong tiểu thuyết của ông, người đọc vẫn cảm thấy không có một hình bóng nhân vật nào khác ngoài
chính bản thân ông – cho dù trong tác phẩm đó ông mang tên là Bạch hay là gì đi nữa, người đọc vẫn
nhận ra cái tôi sừng sững không lẫn với ai của ông.
Trong khi bàn về văn xuôi, có người nhắc đến cái gọi là văn xuôi ở ngôi thứ nhất. Loại văn xuôi
này không phải không có hiện thực nhưng tất cả được nhìn qua lăng kính của người kể chuyện, tất cả
thấm đẫm tình cảm chủ quan – hoài niệm – kí ức,… của nhân vật hoặc của người kể chuyện. Ở nước ta,
người viết văn xuôi ở ngôi thứ nhất không nhiều. Về truyện ngắn, có thể nhắc đến Thanh Tịnh, Hồ

Dzếnh. Về tuỳ bút, không thể không kể đến Nguyễn Tuân, và sau này là Hoàng Phủ Ngọc Tường. Như
vậy, Nguyễn Tuân là một trong số ít người thành công với văn xuôi ở ngôi thứ nhất, chủ yếu bằng tuỳ
bút của mình.


Nhìn chung, trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân, văn xuôi nghệ thuật chiếm một vị trí
quan trọng cả về số lượng lẫn chất lượng và chủ yếu là văn xuôi ở ngôi thứ nhất. Nhận xét khái quát
ban đầu này sẽ giúp cho người viết rất nhiều trong quá trình tìm hiểu cái đẹp trong văn xuôi nghệ thuật
của Nguyễn Tuân.
1.1.3. Một số đặc điểm văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân:
1.1.3.1. Các thể loại chính trong văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân là tuỳ bút, truyện ngắn
và tiểu thuyết – trong đó tuỳ bút và truyện ngắn thành công hơn tiểu thuyết.
Có ai đó đã nói rằng mỗi con người trên trái đất này là một quyển sách nếu ta biết cách đọc nó.
Điều đó có nghĩa là mỗi người chứa trong mình biết bao điều bí mật, bao điều kì lạ mà rất nhiều khi
ngay cả bản thân cá thể đó cũng không thể nào lí giải, không thể nào tự khám phá trọn vẹn những gì
tiềm ẩn trong mình. Và cuộc đời của mỗi con người suy cho cùng cũng là cuộc hành trình đi tìm chính
bản thân mình, phát hiện chính bản thân mình trong lẽ vận động vô cùng của trời đất. May mắn cho
những ai đi hết cuộc đời và tìm được chính mình. Điều đó không phải ai cũng làm được và nếu làm
được thì cũng không phải dễ dàng. Phải trải qua nhiều thăng trầm, nhiều thất bại, thậm chí lầm lạc
trong đời, người ta mới đạt được mục đích đó.
Con đường đến với nghệ thuật của các nhà văn cũng vất vả như thế. Có người đi hết đời người –
đời văn mới cay đắng nhận ra rằng mình sinh ra không phải để dành cho thể loại mà bấy lâu nay mình
vẫn hằng theo đuổi. Có người may mắn hơn, nhận ra chính mình sớm hơn để theo đến trọn đời thể loại
mà sau này họ có thể tự hào coi (và được mọi người thừa nhận) là thể loại sở trường của mình. Nguyễn
Tuân là một trong số những người như thế. Có không ít người rất lâu sau khi tiếp xúc và yêu văn
Nguyễn Tuân mới biết rằng tuỳ bút – thể loại được nhắc gắn liền với tên tuổi Nguyễn Tuân – không
phải là lựa chọn ban đầu của ông. Và chắc cũng có rất nhiều người mãi đến khi đọc bộ sách Nguyễn
Tuân toàn tập mới biết rằng trước khi đến với văn xuôi, Nguyễn Tuân từng ôm mộng trở thành một
nhà thơ (có sáng tác hẳn hoi!). Đó là trải nghiệm của cả một đời người. Từ thơ đến văn xuôi hiện thực
và sau cùng là tuỳ bút là cả một quá trình tự khám phá chính mình của Nguyễn Tuân. Thử nghiệm, thất

bại, chấp nhận thất bại để khởi đầu lại, bắt đầu một thử nghiệm mới, đó là quá trình của một người
nghiêm túc với công việc, có trách nhiệm với chính mình. Có nhiều người cho Nguyễn Tuân là người
cố chấp, tự kiêu, tự cao. Nhưng tôi nghĩ chưa hẳn điều đó đúng. Nếu Nguyễn Tuân là người như thế thì
chưa chắc gì ông chấp nhận hai lần thất bại để thành công ở lần lựa chọn thứ ba. Nếu ông cố chấp một
cách cực đoan thì ông sẽ theo đuổi đến cùng mong ước thành một nhà thơ cho dù thiên hạ có chê bai
đến mấy! Và nếu thế thì chúng ta không có được một Nguyễn Tuân như ta từng biết và một Nguyễn
Tuân với nhiều điều chúng ta vẫn còn chưa biết!


Văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước cách mạng gồm nhiều thể loại và chúng ta có thể
xem ông là một người viết văn xuôi thành công. Điều đó không có nghĩa là ông thành công với tất cả
các thể loại. Mặc dù mỗi tác phẩm đều in đậm dấu ấn riêng biệt của Nguyễn Tuân, đều mang đậm
phong cách sáng tạo nghệ thuật không lẫn với ai, nhưng thực tế Nguyễn Tuân thành công với tuỳ bút
và truyện ngắn hơn cả. Nhiều người có chung nhận xét là văn xuôi nghệ thuật Nguyễn Tuân dù ở thể
loại nào cũng đều có chất tuỳ bút. Điều này không phải không có cơ sở. Tuy nhiên, ở truyện ngắn, có lẽ
do dung lượng không nhiều, nhà văn phải đảm bảo một số tình tiết chính làm nên câu chuyện của mình,
cho nên chất tuỳ bút nếu có cũng không đến nỗi làm mất đi hoàn toàn chất truyện ngắn. Vì thế, người
đọc có thể vẫn trân trọng Thiếu quê hương, Ngọn đèn dầu lạc, Tàn đèn dầu lạc,... nhưng cái làm nên sự
khâm phục, ngưỡng mộ và thích thú cho họ vẫn là Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cua,....Điều
này cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến việc tìm kiếm cái đẹp trong tác phẩm Nguyễn Tuân. Nếu xét về
cái đẹp ở cấp độ thứ nhất (theo sự phân định ở trên) thì có lẽ Nguyễn Tuân sẽ không đạt được cái đẹp
này ở thể loại tiểu thuyết chăng? Bởi lẽ tác phẩm đã không thành công thì sự hài hoà giữa nội dung và
hình thức tác phẩm làm sao có được để đạt đến cái đẹp theo cấp độ thứ nhất như đã nói ở trên? Điều
này sẽ xin tiếp tục phân tích trong phần sau. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn dừng lại ở việc khẳng định
những thể loại văn xuôi nghệ thuật trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân và những thể loại làm
nên tên tuổi của ông trong lòng độc giả lâu nay.
1.1.3.2. Đề tài Nguyễn Tuân thể hiện thường xuyên trong tác phẩm của ông trước cách mạng là
quá khứ và xê dịch.
Nhiều người cho rằng xê dịch hầu như đã trở thành một “căn bệnh” của Nguyễn Tuân – nhưng
chúng tôi cho rằng căn bệnh này hoàn toàn lành mạnh, không di hại gì cho cả tinh thần lẫn thể xác

Nguyễn Tuân, mà có khi còn ngược lại. Không phải không có người cho rằng trước cách mạng Nguyễn
Tuân cứ xê dịch lang thang không mục đích, sống vô trách nhiệm với đời. Chuyện có trách nhiệm hay
không xin hãy khoan bàn đến. Còn chuyện lang thang xê dịch thì đâu cứ gì trước cách mạng, cả đời
người và cả đời văn của mình có bao giờ Nguyễn Tuân thôi không xê dịch hay không muốn xê dịch
đâu? Vấn đề là ở chỗ: trước cách mạng, Nguyễn Tuân xê dịch và cho ra đời những Thiếu quê hương,
Một chuyến đi, Tuỳ bút I, Tuỳ bút II,… còn sau cách mạng, xê dịch lại mang về cho ông Sông Đà, Tuỳ
bút kháng chiến và hoà bình, Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi,… Rõ ràng là hai bên khác nhau về tư tưởng và
phần ưu thế nghiêng về những tác phẩm sau cách mạng. Nói như thế không có nghĩa là những gì
Nguyễn Tuân viết trước cách mạng đều không đáng giá tí nào về mặt tư tưởng, đều chỉ đơn thuần là sự
biểu diễn chữ nghĩa. Chúng tôi sẽ đi sâu hơn vấn đề này trong phần sau. Ở đây chúng tôi chỉ muốn nói
đến đề tài trong các sáng tác của Nguyễn Tuân trước cách mạng. Hầu như trong mỗi tác phẩm của ông


đều phảng phất hình ảnh của người lữ thứ, nếu không phải là nhân vật chính thì cũng in hơi hướng đâu
đó trong mỗi trang văn. Viết nhiều về xê dịch, có lẽ trước hết bởi bản thân Nguyễn Tuân là một người
thích xê dịch. Cả đời mình ông luôn mong muốn được đi nhiều nơi, thăm thú nhiều phong cảnh, gặp gỡ
nhiều con người để làm giàu vốn sống, vốn ngôn ngữ (vốn không hề nghèo nàn) của mình. Sau cách
mạng, những chuyến đi ấy được xem là thực tế để sáng tác, được lấy làm gương cho văn nghệ sĩ, và
thực tế chúng đã mang về cho Nguyễn Tuân nhiều tác phẩm giá trị, chẳng hạn như Sông Đà. Còn trước
cách mạng, những chuyến đi không cho người ta thấy rõ được chí lớn của người ra đi, không thấy được
ý nghĩa cách mạng tích cực nào trong đó cho nên Nguyễn Tuân và cả những tác phẩm xê dịch thời kì
này không nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Thế nhưng chúng ta có lẽ nên nhìn nhận tác phẩm khi đặt
chúng trong chính bối cảnh mà chúng được khai sinh. Những năm trước cách mạng, trong giới văn
nghệ sĩ đâu phải chỉ một mình Nguyễn Tuân chưa hiểu cách mạng, chưa thực sự có tâm huyết cống
hiến cho cách mạng. Mà cả trong xã hội cũng thế. Vậy thì đâu thể trách Nguyễn Tuân là người vô trách
nhiệm. Nếu Nguyễn Tuân vẫn cứ thấy Thiếu quê hương ngay trong những ngày cả Hà Nội sục sôi
trong không khí đánh Mĩ thì quả thật ông mới là người đáng trách. Còn trước 1945, cách mạng hình
như chưa phải là một đáp số mà hãy còn là ẩn số đối với nhiều văn nghệ sĩ. Nam Cao cũng phải đến
1945 mới thực sự mang một đôi mắt khác khi nhìn về cách mạng. Vũ Trọng Phụng trước 1945 dẫu có
cảm tình với cách mạng cũng chỉ có thể xây dựng được hình ảnh ông già Hải Vân – một người cách

mạng theo cách nghĩ của tác giả – nhưng hẳn nhiên bạn đọc không ai có thể hài lòng với ông già cách
mạng này nếu không dùng hoàn cảnh lịch sử mà biện minh, mà thông cảm cho nhà văn họ Vũ. Nói như
thế để thấy rằng việc Nguyễn Tuân chưa đến với cách mạng ở giai đoạn này không phải là chuyện của
cá nhân ông mà là chuyện của cả một thế hệ, một lớp nhà văn trước cách mạng như ông. Không chịu
được thực tế xã hội lúc bấy giờ, không thể ngồi yên trong hoàn cảnh đó nhưng cũng chưa đủ mọi điều
kiện cần có để làm cách mạng, Nguyễn Tuân xê dịch đời mình và cả văn mình trên khắp mọi miền đất
nước và cả nước ngoài, những mong cảnh đẹp và những điều mới lạ dọc đường xê dịch có thể làm nỗi
lòng lắng dịu, quên đi những băn khoăn ray rứt trước vận mệnh đất nước. Không phải chỉ trong những
tác phẩm viết hẳn về xê dịch như Thiếu quê hương hay Một chuyến đi mà ngay cả trong những tác
phẩm viết về quá khứ ta cũng thấy thấp thoáng hình ảnh một người khách giang hồ (như cụ Hồ Viễn
trong Ngôi mả cũ, như vợ chồng Phó Sứ – Mộng Liên trong Đánh thơ,…). Từ đề tài này, Nguyễn Tuân
đã tạo ra được nhiều hình ảnh đẹp của cả con người lẫn phong cảnh thiên nhiên trong văn chương của
mình và cũng chính vì chọn được đề tài phù hợp với thể tuỳ bút nên xê dịch đã góp phần tạo nên thành
công của Nguyễn Tuân trong thể loại này, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đẹp theo đúng nghĩa của
từ này.


Một đề tài quen thuộc khác trong văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân là đề tài về quá khứ. Đó
là quá khứ vàng son của những người phong lưu tài tử, quá khứ của những thú chơi tao nhã mà phần
nhiều trong số chúng ngày nay đã mất đi hoặc nếu còn thì cũng đã lạc mất cả hương vị (chữ dùng của
Nguyễn Tuân). Hẳn nhiên với mảng đề tài này không ai có thể quên Vang bóng một thời, mười một
truyện ngắn đặc sắc viết về một thời đã qua, về những con người của một thời đã qua và về những thú
chơi cũng của một thời đã qua. Có lẽ vì thiên về hướng đó nên nhân vật chính trong đa số truyện ngắn
của tập truyện này đều là những cụ già, những vị quan về hưu an hưởng tuổi già bên thú điền viên, bên
thú chơi lan, bên tách trà với viên kẹo thạch lan hương ngày Tết, bên những người bạn thơ, bên chiếc
lồng đèn kéo quân cho con cháu vui trung thu,… Rõ ràng tất cả những điều đó ít nhiều đều đượm
hương quá khứ, đều như một nhắc gợi khẽ khàng cho tất cả những ai ít nhiều có nặng lòng với một thời
vàng son của văn hoá dân tộc. Và không phải chỉ có Vang bóng một thời mới nhắc đến thời quá khứ
nay chỉ còn vang bóng, mà trong tác phẩm của Nguyễn Tuân rải rác đây đó vẫn luôn xuất hiện nhiều
hình ảnh gợi nhắc lại quá khứ, đây đó trên con đường xê dịch thỉnh thoảng nhân vật Nguyễn lại bắt gặp

một chút hồn văn hoá cổ xưa, chẳng hạn một người con hát tên Cúc mượn một câu Đường thi khắc lên
dấu triện tên mình,… Có lẽ, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, khi mà xã hội vàng thau lẫn lộn, khi mà bản
thân người nghệ sĩ chưa tìm đến được với ánh sáng cách mạng, thì với người nghệ sĩ từng thấm nhuần
cách giáo dục truyền thống như Nguyễn Tuân, quá khứ vàng son của những thú chơi, những con người
thanh bạch như là một cứu cánh để tâm hồn ông khỏi rơi vào những truỵ lạc ở đời. Mà không phải chỉ
cứu một mình tâm hồn Nguyễn Tuân. Chính giáo sư Hoàng Như Mai, người sống cùng thời và chỉ nhỏ
hơn Nguyễn Tuân vài tuổi, từng công nhận rằng chính những tác phẩm viết về quá khứ của Nguyễn
Tuân đã giữ tâm hồn những người trẻ như ông khi ấy khỏi rơi vào tội lỗi, giữ cho truyền thống dân tộc
không trở thành xa lạ với lớp trẻ khi mà làn sóng văn hoá phương Tây đang tràn ngập vô tội vạ và một
phần không nhỏ trong số đó đang đầu độc những tâm hồn người Việt, nhằm làm cho họ quên đi nguồn
cội của mình:
“Vang bóng một thời” đã đưa bọn lãng tử chúng tôi trở về với dân tộc. Đến với cuốn sách,
chúng tôi được mở trí khôn đón nhận bao nhiêu tinh hoa kiến thức văn hoá tinh tế (...). Nguyễn Tuân
dạy cho ta nghệ thuật sống để tận hưởng ý vị tinh tuý sâu sắc của cuộc sống - cuộc sống không phải
tìm tận đâu xa lạ, chính là cuộc sống của Việt Nam ta. [65, 145]
1.1.3.3. Yếu tố nổi bật xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân trước cách mạng là cái
đẹp với nhiều dạng thức và phương thức biểu hiện khác nhau. Đây là một đặc điểm khá quan trọng làm
nên phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân, làm nên một “Nguyễn Tuân – người đi tìm cái đẹp”


trong lòng độc giả trong và ngoài nước. Đây cũng là khía cạnh mà công trình của chúng tôi chọn làm
đề tài chính, do đó chúng tôi sẽ làm rõ ý này ở chương 2.
1.1.3.4. Trong văn xuôi nghệ thuật Nguyễn Tuân, hình thức nghệ thuật của tác phẩm đặc biệt
được quan tâm, trở thành nét độc đáo riêng trong phong cách Nguyễn Tuân. Ông không chỉ coi hình
thức là phương tiện chuyển tải nội dung mà còn coi đó là đối tượng của quá trình sáng tạo cái đẹp. Nói
cách khác, đối với Nguyễn Tuân, cái đẹp không phải chỉ nằm trong nội dung tư tưởng mà tác phẩm
phản ánh, cái đẹp còn nằm trong bản thân tác phẩm, trong hình hài tác phẩm. Điều này cũng nằm trong
phạm vi nghiên cứu chính của chúng tôi nên chúng tôi sẽ trình bày kĩ hơn ở chương 3.
Như vậy, qua một số khảo sát ở trên, chúng ta thấy rằng văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân
trước cách mạng mang những đặc điểm rõ ràng, cụ thể và đồng thời cũng là riêng biệt cho phong cách

của ông. Trong những đặc điểm chung đó, cái đẹp trong nội dung và trong hình thức tác phẩm là một
trong những điểm quan trọng làm nên nét đặc biệt độc đáo cho văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân
trước cách mạng.
1.2. Giới thuyết về cái đẹp:
1.2.1. Khái niệm “cái đẹp”:
Cái đẹp là một trong những phạm trù cơ bản của mĩ học và cũng là một trong những nhân tố
quan trọng hình thành nên thế giới. Có ai đó đã nói rằng, cùng với thế giới, cái đẹp đã hình thành – bất
chấp chuyện có ai quan tâm và tôn vinh nó hay không. Điều đó có nghĩa là, ngay từ thuở ban đầu, trong
hình thức sơ khai nhất của nó, cái đẹp là những thực thể tồn tại vượt ra ngoài phạm vi kiểm soát và ý
muốn của con người. Cái đẹp trong thiên nhiên đã tồn tại như thế cho đến khi con người xuất hiện. Và
cũng từ đây, cái đẹp trong vũ trụ đã trở nên phong phú hơn, con người đã biết áp dụng thước đo phù
hợp với từng đối tượng để tạo ra cái đẹp làm phong phú thêm cho đời sống của mình.
Các nhà mĩ học cho rằng cái đẹp là phạm trù mĩ học xuất hiện sớm nhất và bao giờ nó cũng
được coi là chuẩn quan trọng nhất, phổ biến nhất, là điểm tựa trọng tâm để con người đánh giá đời sống
về mặt thẩm mĩ. Đời sống thẩm mĩ tuy rất phong phú đa dạng nhưng chủ yếu xoay quanh cái đẹp. Cái
đẹp có mặt ở khắp nơi: trong tự nhiên, trong xã hội và trong nghệ thuật. Mặt khác, cái đẹp là cái thường
xuyên có mặt trong ý thức con người. Và có một điều quan trọng khác là các phạm trù thẩm mĩ khác
như cái xấu, cái cao cả, cái thấp hèn, cái bi, cái hài tuy bản chất có khác cái đẹp nhưng có sự gắn bó
mật thiết với cái đẹp, để hiểu bản chất của các phạm trù này ta không thể không dùng cái đẹp như là
điểm tựa, không thể không đặt chúng trong mối quan hệ với cái đẹp. Chẳng hạn, cái xấu là cái đối lập
với cái đẹp; cái bi là sự thất bại hay cái chết của cái đẹp...


Cái đẹp quan trọng đối với từng con người và đối với cả xã hội loài người, thế nhưng, cái đẹp là
gì? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng thực chất muốn đưa ra một câu trả lời chính xác thì không
phải dễ. Về việc tìm kiếm khái niệm của cái đẹp, chúng tôi liên tưởng đến câu trả lời của Saint
Augustin về thời gian. Khi có người hỏi ông thời gian là gì, Saint Augustin đã trả lời rằng nếu người đó
không hỏi ông thời gian là gì thì ông cơ hồ như hiểu rõ thời gian là gì, thế nhưng khi đối diện với câu
hỏi đó thì ông lại đâm ra hoang mang. Có lẽ hỏi cái đẹp là gì cũng tương tự như hỏi thời gian là gì vậy!
Cái đẹp không phải là cái siêu hình mà cái đẹp bao giờ cũng cảm đến giác quan con người, giác

quan ấy có thể là một trong ngũ quan hoặc là tác động đến “nội quan” trong tâm giới tức là trí tưởng
tượng của con người. Cái đẹp có khả năng cuốn hút con người, lôi cuốn người thưởng thức nó một
cách mãnh liệt mà không phụ thuộc vào sự chi phối của lí trí mạnh mẽ như các khái niệm khác. Con
người ta hễ thấy cái đẹp ở đâu thì tự nhiên muốn nghiêng mình về đó, không nhất thiết phải biết là cái
đẹp đó có mang lại lợi ích gì cho bản thân mình hay không. Nói một cách khác, cái đẹp tồn tại trên thế
giới là do nhu cầu tự thân của nó, nó cứ đẹp mà không nhất thiết phải gắn với một mục đích nào thì khi
con người cảm nhận vẻ đẹp ấy cũng thế, hoàn toàn vô tư. Nhưng nói như thế hoá ra cái đẹp là cái vô
ích hay sao? Nó sinh ra không vì mục đích gì, con người ngắm nhìn chiêm ngưỡng thưởng thức nó
cũng không nhằm mục đích gì, thế thì nó tồn tại làm gì? Thực ra, ngay trong bản thân cái đẹp đã bao
gồm một sự ích lợi cao thượng – đó là nó có khả năng làm thoả mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người,
mang đến cho con người một sự hài lòng mãn ý, một khoái lạc thanh cao. Và cũng từ việc cảm nhận cái
đẹp ấy, con người sẽ cảm thấy như phẩm cách của mình cao hơn lên, giá trị của mình tăng hơn lên –
không phải cao hơn để hãnh tiến, để so đo hay để người khác phải thán phục mà cao hơn lên để thấy
mình NGƯỜI hơn.
Có lẽ chính vì cái đẹp vừa gần gũi vừa bí ẩn như thế mà trong lịch sử mĩ học đã có rất nhiều
quan niệm khác nhau về cái đẹp.
Mĩ học duy tâm khách quan – mà đại diện tiêu biểu của nó phải kể đến Platông và Hêghen –
không tìm thấy cơ sở của cái đẹp trong các sự vật hiện tượng của thế giới hiện thực, họ lí giải nguồn
gốc của nó từ trong thế giới ý niệm. Vì lí do đó mà cái đẹp theo họ là một phạm trù vĩnh cửu, bất biến.
Hêghen thì lí giải bản chất cái đẹp như là biểu hiện cảm tính của ý niệm tuyệt đối ở trong nghệ thuật.
Vì vậy trong khi đề cao cái đẹp trong nghệ thuật ông đồng thời hạ thấp cái đẹp trong tự nhiên:
“…Ngay từ bây giờ đã có thể cho rằng cái đẹp nghệ thuật cao hơn cái đẹp tự nhiên. Vì cái đẹp
nghệ thuật là cái đẹp nảy sinh và hai lần nảy sinh từ tinh thần. Tinh thần và những sáng tạo của nó
càng cao hơn tự nhiên bao nhiêu thì cái đẹp nghệ thuật càng cao hơn cái đẹp tự nhiên bấy nhiêu.”
Và:


“Chúng tôi loại trừ cái đẹp trong tự nhiên ngay từ đầu, ra khỏi phạm vi bộ môn khoa học của
chúng tôi”. [72, 72]
Trong khi đó mĩ học duy tâm chủ quan – mà đại diện là Hume, Lalo, Kant – lại tuyệt đối hoá cái

đẹp theo quan niệm chủ quan, tìm nguồn gốc cái đẹp trong ý thức của chủ thể, trong cảm xúc chủ quan
của cá nhân. Điều này lí giải vì sao Hume cho rằng “Cái đẹp không phải là phẩm chất tồn tại trong
bản thân sự vật, nó tồn tại chủ yếu trong tâm linh người quan sát nó”. Và tương tự như vậy, Kant cũng
có một câu nói trở thành quen thuộc với nhiều người:
“Cái đẹp không ở trên đôi má hồng của cô thiếu nữ mà ở trong con mắt của kẻ si tình” [72, 73]
Nếu làm một phép so sánh giữa quan niệm của hai phái này, chúng ta sẽ thấy rằng trường phái
duy tâm chủ quan đã cởi bỏ chiếc áo thần bí mà các nhà duy tâm khách quan khoác lên cái đẹp, đề cao
vai trò chủ thể trong khi tìm đến với cái đẹp. Tuy nhiên điều đáng tiếc là đến lượt mình, trường phái
duy tâm chủ quan cũng lại quá đà trong khi khẳng định quan điểm của mình, điều đó thể hiện ở chỗ họ
tìm mọi cách quy cái đẹp vào ý thức chủ quan của chủ thể, xem đó là nguồn gốc duy nhất của cái đẹp.
Nhược điểm này đã được mĩ học duy vật trước Mác khắc phục khi họ chú ý vào phương diện khách
quan của cái đẹp. Họ cho rằng cái đẹp là thuộc tính tự nhiên vốn có của sự vật, sự vật tự nó đã đẹp rồi,
con người chẳng qua cũng chỉ là kẻ thưởng ngoạn vẻ đẹp ấy một cách bị động mà thôi. Vấn đề này
hiện nay cũng đang được đặt lại dưới góc độ khoa học thực nghiệm. Chẳng hạn gần đây trên một tờ báo
vốn tên gọi chẳng có gì liên quan đến văn học – tờ An ninh thế giới cuối tháng – lại có một bài viết gợi
lại nhiều vấn đề liên quan đến sự lý giải nguồn gốc của cái đẹp. Tác giả của bài viết này dựa trên những
thí nghiệm của một số nhà nghiên cứu động thực vật. Những người này cuối cùng đưa ra kết luận là
con người chúng ta đã … sai lầm rất nhiều khi lí giải cái đẹp xung quanh ta. Chẳng hạn lâu nay chúng
ta vẫn yên tâm rằng bông hoa kia sặc sỡ là do nó muốn tạo sự chú ý đối với các loài ong bướm hoặc
các loài sinh vật khác có thể mang lại lợi ích nào đó cho nó (vì cách nghĩ này mà cũng nhiều người tin
rằng những loài cây có hoa càng đẹp thì một bộ phận nào đó trên cây đó sẽ càng … độc, bởi có độc nên
nó mới dùng hoa đẹp để … dụ kẻ thù hoặc con mồi của nó). Và chúng ta vẫn yên chí rằng nhiều loài
chim, thú có bộ lông rất đẹp và cũng rất hay “chải chuốt” bộ lông đẹp ấy là để quyến rũ bạn tình… Thế
mà các nhà khoa học đã mang lại cho chúng ta điều gì qua các nghiên cứu của họ? Rằng các loài động
thực vật có hình dáng đẹp đẽ không phải nhằm bất kì một mục đích nào như ta gán cho chúng mà đơn
giản chỉ là vì để … đẹp mà thôi, một cái đẹp hoàn toàn không vụ lợi! Và điều này cũng có nghĩa là cái
đẹp tồn tại bên ngoài ý muốn chủ quan của con người, âm thầm tồn tại cùng với vũ trụ mà không hề
quan tâm tới chuyện con người đánh giá thế nào về nó.



Ở thế kỉ XIX, Secnưshepski (Tsernưshevski) cho rằng cái đẹp là cuộc sống và “Một thực thể
đẹp là thực thể trong đó ta nhìn thấy cuộc sống đúng như quan niệm của chúng ta, một đối tượng đẹp
là một đối tượng trong đó cuộc sống được thể hiện hay là nó nhắc ta nghĩ tới cuộc sống” [72, 74].
Như vậy so với các quan điểm duy tâm và duy vật thô sơ trước đó, quan niệm của Secnưshepski
về cái đẹp đã tiến một bước dài bởi ông đã rút ra nhiều kết luận quan trọng về bản chất của cái đẹp.
Ông khẳng định cái đẹp là một thuộc tính của bản thân hiện thực, chính hiện thực gợi lên trong ta cảm
xúc về cái đẹp, cái có giá trị thẩm mĩ; bởi vậy cái đẹp là sự thống nhất giữa hai mặt khách quan và chủ
quan.
Mĩ học Mác – Lênin đã lí giải về bản chất của cái đẹp trên một chất lượng mới. Mĩ học mácxít
quan niệm rằng “bản chất của cái đẹp là sự thống nhất biện chứng giữa hai nhân tố khách quan và chủ
quan” [72, 76]. Chúng ta thấy rằng mĩ học Mác – Lênin đã khắc phục được những nhược điểm của các
nhà duy tâm và duy vật thô sơ trước đó khi quan niệm về cái đẹp. Cái đẹp tồn tại khách quan bên ngoài
sự chi phối của con người nhưng cũng không phải hoàn toàn như vậy khi con người đã dần dần biết
sáng tạo cái đẹp theo ý muốn chủ quan của mình. Và cũng không thể phủ nhận yếu tố chủ quan của
mỗi cá nhân trong khi nhận xét đánh giá về cái đẹp của vạn vật quanh mình. Ông bà ta đã chẳng đúc
kết “chín người mười ý” đó sao? Như vậy rõ ràng bản chất của cái đẹp không phải chỉ là yếu tố khách
quan, lại càng không phải chỉ phụ thuộc vào chủ quan của người cảm nhận mà nó là sự thống nhất biện
chứng của cả hai yếu tố này. Có nhìn nhận như thế chúng ta mới có thể có cái nhìn đúng đắn về cái đẹp
và từ đó mới có thể lí giải một cách hợp lí những bí ẩn về cái đẹp mà con người vốn dĩ luôn khao khát
tìm hiểu.
Cũng trên cơ sở quan niệm mácxít về cái đẹp, Từ điển thuật ngữ văn học cho rằng:
“Có thể xem các hiện tượng là đẹp khi với tính toàn vẹn cụ thể cảm tính của chúng thể hiện
những giá trị nhân bản, xã hội, do khẳng định giá trị của con người trong thế giới, chứng tỏ sự mở
rộng giới hạn tự do của xã hội và con người, thúc đẩy sự phát triển hài hoà của nhân cách, làm nảy
sinh và bộc lộ ngày càng đầy đủ những sức mạnh và năng lực của con người.” [14, 34]
Nhìn chung, một quan niệm rạch ròi về cái đẹp là rất khó, nếu như không muốn nói là không thể
nói lời phán quyết cuối cùng về cái đẹp. Một quan niệm tương đối về cái đẹp, thể hiện được cách tiếp
cận về bản chất của nó (dù không đầy đủ) và hướng đến giá trị nhân văn là đã có thể chấp nhận được.
Trên cơ sở đó, chúng tôi cho rằng quan niệm về cái đẹp theo quan điểm mácxít là hợp lý hơn cả. Cái
đẹp phải bao hàm cả cái khách quan và chủ quan, phải bao gồm mối quan hệ biện chứng giữa chúng

cũng như hướng đến lợi ích của con người. Quan niệm này sẽ được chúng tôi sử dụng như một cơ sở lý
luận để tiếp cận cái đẹp trong văn xuôi nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước cách mạng.



×