Tải bản đầy đủ (.pdf) (99 trang)

Biểu tượng thiên nhiên trong thơ lưu quang vũ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (817.01 KB, 99 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2

NGUYỄN THỊ XUYÊN

BIỂU TƯỢNG THIÊN NHIÊN
TRONG THƠ LƯU QUANG VŨ
Chuyên ngành: Lý luận văn học
Mã số: 60 22 01 20

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Hà Công Tài

HÀ NỘI, 2015


LỜI CẢM ƠN
Em xin bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc đối với PGS. TS
Hà Công Tài - người thầy đã tận tâm hướng dẫn em hoàn thành luận văn này.
Em xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo trong khoa Ngữ văn, đặc
biệt là các thầy cô Phòng sau Đại học – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã
quan tâm giúp đỡ em trong quá trình học tập và thực hiện đề tài.
Xin gửi tới người thân – gia đình, bè bạn – những người đã luôn động
viên giúp đỡ tôi trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu lời cảm ơn sâu sắc.
Do kiều kiện thời gian có hạn luận văn không tránh khỏi những khiếm
khuyết nhất định. Kính mong các thầy giáo, cô giáo và bạn đọc lượng thứ và
góp ý.
Hà Nội, ngày….. tháng …. năm……
Người thực hiện


Nguyễn Thị Xuyên


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan rằng số liệu và kết quả nghiên cứu trong luận văn này
là trung thực và không trùng lặp với các đề tài khác. Tôi cũng xin cam đoan
rằng mọi sự giúp đỡ cho việc thực hiện luận văn này đã được cảm ơn và các
thông tin trích dẫn trong luận văn đã được ghi rõ nguồn gốc.
Tác giả luận văn

Nguyễn Thị Xuyên


MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU ............................................................................................... 1
1. Lý do chọn đề tài ....................................................................................... 1
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ........................................................................ 2
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ............................................................. 5
4. Mục đích nghiên cứu ................................................................................. 6
5. Phương pháp nghiên cứu........................................................................... 6
6. Đóng góp của luận văn .............................................................................. 7
7. Cấu trúc của luận văn ................................................................................ 7
CHƯƠNG 1. BIỂU TƯỢNG THƠ CA VÀ HÀNH TRÌNH SÁNG TÁC
THƠ LƯU QUANG VŨ ................................................................................... 8
1.1. Biểu tượng .............................................................................................. 8
1.1.1. Quan niệm về biểu tượng và biểu tượng nhìn từ các góc độ khác
nhau ........................................................................................................... 8
1.1.1.1. Quan niệm về biểu tượng. ........................................................ 8
1.1.1.2. Biểu tượng nhìn từ các góc độ khác nhau. ............................ 10
1.1.2. Biểu tượng thơ ca .......................................................................... 14

1.1.2.1. Khái lược về biểu tượng thơ ca .............................................. 14
1.1.2.2. Đặc điểm của biểu tượng thơ ca ............................................ 14
1.2. Hành trình sáng tác thơ Lưu Quang Vũ. .............................................. 15
1.2.1. Giai đoạn 1: 1963 – 1970 ............................................................. 16
1.2.2. Gai đoạn 2: 1971 – 1973 .............................................................. 20
1.2.3. Gai đoạn 3: 1974 – 1988 .............................................................. 23
CHƯƠNG 2. BIỂU TƯỢNG THIÊN NHIÊN GẮN VỚI BẦU TRỜI
TRONG THƠ LƯU QUANG VŨ .................................................................. 26
2.1. Biểu tượng mưa .................................................................................... 26
2.2. Biểu tượng gió ...................................................................................... 32


2.3. Biểu tượng mây .................................................................................... 38
2.4. Biểu tượng bầu trời, chân trời, mặt trời. .............................................. 40
2.5. Biểu tượng trăng sao ............................................................................ 43
2.6. Biểu tượng nắng ................................................................................... 46
2.7. Biểu tượng ban mai (bình minh, buổi sáng), mùa xuân ....................... 49
2.8. Biểu tượng trưa hè, mùa hạ .................................................................. 51
2.9. Biểu tượng chiều (hoàng hôn), mùa thu............................................... 53
2.10. Biểu tượng đêm, mùa đông ................................................................ 54
CHƯƠNG 3. BIỂU TƯỢNG THIÊN NHIÊN GẮN VỚI CẢNH VẬT
MẶT ĐẤT TRONG THƠ LƯU QUANG VŨ ............................................... 57
3.1. Biểu tượng sông, suối, biển .................................................................. 57
3.2. Biểu tượng đất, bùn, bùn đất ................................................................ 61
3.3. Biểu tượng đồi núi, rừng ...................................................................... 64
3.4. Biểu tượng làn sương ........................................................................... 67
3.5. Biểu tượng lửa ...................................................................................... 69
3.6 Biểu tượng hoa, quả .............................................................................. 74
3.7. Biểu tượng cây, cỏ ............................................................................... 79
3.8. Biểu tượng loài vật ............................................................................... 84

KẾT LUẬN ..................................................................................................... 88
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................... 92


1

PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Văn học giai đoạn kháng chiến chống Mỹ xuất hiện nhiều cây bút để
lại những ấn tượng khó phai mờ trên văn đàn như: Thanh Thảo, Hữu Thỉnh,
Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật... và không thể không kể đến Lưu
Quang Vũ - một con người tài hoa, thể hiện rõ trong sáng tác của ông.
Lưu Quang Vũ thành công ở nhiều lĩnh vực: thơ, truyện ngắn, kịch, hội
họa, phê bình văn học... Ông khởi đầu là thơ và kết thúc với ánh hào quang
rực rỡ của kịch. Trong vòng tám năm từ năm 1980 đến ngày ông đột ngột ra
đi, Lưu Quang Vũ đã viết khoảng hơn năm mươi vở kịch đều là những tác
phẩm có giá trị, được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Hàng chục vở trong
số đó đã nhận được huy chương vàng các Hội diễn sân khấu toàn quốc. Lưu
Quang Vũ được coi là “Moliere ở Việt Nam”. Kịch Lưu Quang Vũ là những
trăn trở về lẽ sống, lẽ làm người. Kịch đã mang lại cho ông ánh hào quang
rực rỡ bởi những đóng góp to lớn. Nhưng có lẽ thơ vẫn là nơi nương náu của
tâm hồn, là nơi ông gửi gắm nhiều tâm huyết của đời mình. Nhà thơ Vũ Quần
Phương đã từng đánh giá: Có cảm giác anh viết kịch để sống với mọi người
và làm thơ để sống với riêng mình, đọc hết các bản thảo anh để lại, tôi thấy
thơ mới là nơi anh kí thác nhiều nhất và tôi tin nhiều bài thơ của anh sẽ thắng
được thời gian.
Thơ Lưu Quang Vũ đầy suy tư, trăn trở, và cả những khát khao đến
cháy lòng mong cho nhân dân, đất nước được yên ấm, hạnh phúc. Có lúc thơ
ông như một bó đuốc rực lửa muốn thiêu rụi, muốn đốt cháy tất cả đêm đen,
giả dối, đau thương, đổ vỡ... để vươn tới cuộc sống tốt đẹp: Thơ là bó đuốc

đốt thiêu là bàn tay thắp lửa.
Có lúc thơ ông lại giống như một cánh rừng nguyên sinh rậm rịt đầy bí ẩn,
cần được khai phá. Có lúc lại giống những mỏ quặng ẩn mình dưới lòng đất.


2

1.2. Chọn đề tài “Biểu tượng thiên nhiên trong thơ Lưu Quang Vũ”,
chính là qua những tầng vỉa ngôn từ giàu hình tượng để thấy được những khát
khao, trăn trở và cả những hoài nghi đầy nhân bản của một thi nhân luôn nặng
lòng với đời, với nhân dân, đất nước. Đồng thời chúng tôi muốn làm sáng rõ
hơn một tài năng, một bản lĩnh nghệ thuật cá tính mang tên Lưu Quang Vũ.
Bởi thiên nhiên trong thơ Lưu Quang Vũ chiếm một vị trí quan trọng. Việc đi
tìm, giải mã các tín hiệu nghệ thuật và đặc biệt là những biểu tượng thiên
nhiên là một con đường, một cách thức để tìm hiểu sự nghiệp thơ ca phong
phú, đa dạng và hết sức độc đáo của nhà thơ
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
2.1. Thời gian qua, đặc biệt là sau sự ra đi đột ngột của Lưu Quang Vũ,
và Xuân Quỳnh, có rất nhiều công trình nghiên cứu, những bài viết rất sâu sắc
về Lưu Quang Vũ. Mỗi bài viết, mỗi công trình tìm hiểu những khía cạnh,
những biểu hiện khác nhau trong sự nghiệp của Lưu Quang Vũ. Nhưng có
một điểm chung thống nhất đều khẳng định Lưu Quang Vũ là một đỉnh cao
nghệ thuật “không thể thay thế”.
Về cuộc đời Lưu Quang Vũ có nhiều bài viết đáng chú ý như: Lưu
Quang Vũ một tài năng một đời người (Ngô Thảo, Vũ Hà), Lưu Quang Vũ
cuộc đời năm tháng (Vũ Thị Khánh), Tình yêu đau xót và hi vọng (Lưu
Khánh Thơ)…Đó là những tư liệu quý giá để chúng ta có cái nhìn khá toàn
diện về cuộc đời cũng như con người Lưu Quang Vũ.
Về sự nghiệp sáng tác và những đóng góp của ông, có rất nhiều công
trình nghiên cứu, những bài viết có giá trị.

Lưu Quang Vũ thơ và đời do PGS. TS Lưu Khánh Thơ biên soạn được
coi là cuốn sách tổng hợp khá đầy đủ về thơ Lưu Quang Vũ, gồm những bài
viết của người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu mến
Lưu Quang Vũ.


3

Lưu Quang Vũ tài năng và lao động nghệ thuật, Lưu Khánh Thơ chủ
biên, xuất bản năm 2001 nhân dịp Lưu Quang Vũ được nhà nước tặng Giải
thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Lưu Quang Vũ về tác gia và tác phẩm Lý Hoài Thu, Lưu Khánh Thơ
tuyển chọn và giới thiệu (Nxb giáo dục 2007) là cuốn sách tập hợp những bài
viết của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình, những người bạn thơ cùng thế hệ với
ông và cả những độc giả mến mộ tài năng lao động nghệ thuật của ông. Trong
đó Hoài Thanh, một tài năng thẩm thơ tinh tế đã sớm nhận ra Lưu Quang Vũ
là một cây bút trẻ nhiều triển vọng, một tiếng nói nhỏ nhẹ mà sâu (35.12).
Hoài Thanh cũng nhận ra ở Lưu Quang Vũ truyện cũng như thơ đều có gì
buồn buồn, lặng lặng và cái buồn của anh là một cái buồn trung hậu (35.12).
Lý Hoài Thu trong bài: Sức sáng tạo của một tài năng đã nhận thấy Thơ
tình của ông có đủ vị mặn, ngọt, chua, cay của một thân phận tình yêu nhiều
nếm trải (42, tr.41). Đối với kịch, tác giả này khẳng định sự hưng thịnh của sân
khấu Việt Nam từ năm 1985 trở đi có phần đóng góp rất quan trọng từ tài năng
và bút lực dồi dào củaLưu Quang Vũ (42, tr.42). Và Kịch của ông là tiếng nói
dõng dạc cất lên đòi đổi mới, đòi quyền sống và quyền hạnh phúc, đòi trừng trị
cái ác, cái phi nhân đang hủy hoại đời sống con người (42, tr.43). Và cũng như
thơ và kịch, truyện ngắn của ông có nhiều day dứt, trăn trở về nghề, về đời,
về lẽ sống, tình người (42, tr.54).
Lê Đình Kỵ trong Hương cây - Bếp lửa - Đất nước và đời ta cũng nhận
thấy: Thơ Lưu Quang Vũ có một điệu tâm hồn riêng và không thiếu tâm tình,

một tâm tình sâu sắc, tự nhiên không dứt ra được, nó như có tự bao giờ và
được đem san sẻ cho các bài thơ (14).
Đọc thơ Lưu Quang Vũ, Vũ Quần Phương lại nhận thấy: Đọc thơ anh
có cảm giác anh viết kịch để sống với mọi người và làm thơ để sống với riêng
mình, Tôi thấy trước sau cốt cách thi sĩ vẫn là nét trội nhất trong tâm hồn anh


4

(28,4). Vũ Quần Phương còn nhận thấy Lưu Quang Vũ có giọng thơ đắm
đuối: Đắm đuối là bản sắc cảm xúc của Lưu Quang Vũ. Nó tạo nên sức lôi
cuốn ma quái ở thơ anh và cũng tạo nên lắm vất vả cho đời anh (28,4).
Lưu Khánh Thơ trong Tình yêu - đau xót và hi vọng cũng khẳng định:
Những năm tháng ngắn ngủi của đời mình, anh đã sống, đã yêu, đã làm việc
hối hả như một bó đuốc rừng rực cháy (42, tr.90). Theo Lưu Khánh Thơ “Lưu
Quang Vũ là một người đàn ông may mắn. Trong cuộc đời long đong, vất vả
của anh, hầu như ở giai đoạn nào anh cũng gặp một tình yêu lớn. Cho dù cái
tình cảm đó đem lại có thể là một vết thương, một nỗi đau suốt đời (42, tr.90).
Việt Nga khi bàn Vài nét về thơ tình Lưu Quang Vũ nhận thấy mọi sắc
màu dáng vẻ của tình yêu có cả trong thơ tình Lưu Quang Vũ từ hạnh phúc
đến đau khổ, từ ngọt ngào đến đắng cay, từ tin yêu đến hoài nghi thất vọng.
Nhưng nổi bật nhất là những dằn vặt ngổn ngang, những ngập ngừng, e ngại
của tình yêu (20).
Anh Ngọc nhận thấy ở Lưu Quang Vũ: Ấn tượng đầu tiên mà thơ Vũ
gây cho ta là một dòng cảm xúc dạt dào, tuôn trào dường như không bờ bến,
bất chấp mọi khuôn khổ của thơ ca thường tình. Hình như Vũ đã vượt qua
những phép tắc kỹ thuật, chẳng mấy quan tâm đến những cấu tứ, bố cục,
những ý tại ngôn ngoại vv... và vv và để mặc cho trái tim mình tự do ca hát
(42, tr.148).
Lê Minh Khuê trong Lưu Quang Vũ - Nhà thơ nhận xét thơ Lưu Quang

Vũ: như ánh chớp của thần linh ban phát đã hình thành từ tâm trạng bộn bề
của Vũ (42, tr.158). Lê Minh Khuê cũng khẳng định: Anh đã cháy lên như
một ngọn lửa nồng nhiệt, và trong độ cháy bùng ấy, anh đã cống hiến cho
người đọc, người xem tâm hồn cao quý của anh: thơ và kịch (42, tr.160).


5

2.2. Bên cạnh các bài viết, về những vấn đề khái quát trong sự nghiệp
sáng tác của Lưu Quang Vũ, có những nghiên cứu về biểu tượng và biểu
tượng thiên nhiên trong thơ Lưu Quang Vũ.
Trước tiên phải kể đến Phạm Xuân Nguyên với Tâm hồn trở gió. Ông
khẳng định: Đời anh là gió, thơ anh là mây. Gió thổi mát và mây che mát.
Mây cho gió dừng chân và gió cho mây bay bổng. Gió và mây hợp lại có thể
là mưa, mưa tưới nhuần mặt đất. Gió lòng anh đang thổi tới lòng ta (23).
Trong Một mảng đời, một mảng thơ thường bị lãng quên, Vương Trí
Nhàn nhận thấy: Trong các thi sĩ đương thời, Vũ là người nhạy cảm với mưa,
thân thuộc với mưa hơn ai hết. Ở anh, mưa cho thấy sự trôi qua của thời gian
mà con người bất lực, không sao níu kéo nổi. Mưa làm cho hiện thực trở nên
vô nghĩa và tương lai trở nên lờ mờ không xác định. Sở dĩ Vũ nói nhiều về
mưa vì cảm giác bao trùm trong anh lúc này là ngán ngẩm, thất vọng, không
tin vào điều gì, không biết hướng đời mình vào việc gì (42, tr.115).
Phan Trọng Thưởng tinh tế khi nhận ra biểu tượng bầy ong trong tập
Hương cây khác với Bầy ong trong đêm sâu: “Từ Hương cây đến Bầy ong
trong đêm sâu với Lưu Quang Vũ là cả một cơn biến loạn tâm hồn” (44).
Ngoài ra một số biểu tượng thiên nhiên khác cũng xuất hiện trong
những bài viết của các nhà nghiên cứu và một số luận văn như: Biểu tượng
trong thơ Lưu Quang Vũ của Trần Thị Hường cũng đề cập đến một số biểu
tượng trong đó có một số biểu tượng thiên nhiên.
Những bài viết trên đây thực sự là những gợi mở hết sức quý báu cho

đề tài của chúng tôi. Tuy nhiên chưa có một công trình nghiên cứu toàn diện
về biểu tượng thiên nhiên trong thơ Lưu Quang Vũ.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Biểu tượng thiên nhiên trong thơ Lưu Quang Vũ.


6

3.2. Phạm vi nghiên cứu
Tuyển thơ Lưu Quang Vũ Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi (Nxb
Hội nhà văn - 2010) và các tập thơ Lưu Quang Vũ.
Thơ của một số nhà thơ cùng thời với Lưu Quang Vũ như Bằng Việt,
Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Duật… để so sánh và làm rõ các luận điểm.
4. Mục đích nghiên cứu
Qua việc tìm hiểu biểu tượng thiên nhiên trong thơ Lưu Quang Vũ góp
phần làm sáng tỏ phong cách thơ Lưu Quang Vũ, thấy được diện mạo tâm
hồn cũng như tài năng của ông và những đóng góp to lớn của ông trong nền
văn học Việt Nam.
5. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn vận dụng phối hợp nhiều phương pháp nghiên cứu trong đó
chủ yếu sử dụng các phương pháp sau:
- Phương pháp nghiên cứu tác phẩm văn học: Luận văn nhìn các yếu tố
của tác phẩm trong sự thống nhất biện chứng của chỉnh thể nghệ thuật. Trong
đó tập trung nghiên cứu yếu tố hình thức mang tính nội dung, đặc biệt chú ý
vai trò và ý nghĩa của biểu tượng thơ ca trong các kết cấu thơ ca của Lưu
Quang Vũ.
- Phương pháp nghiên cứu hệ thống: Nhìn các yếu tố của tác phẩm
không phải là sự tồn tại rời rạc, ngẫu nhiên, mà trong một hệ thống, có sự
thống nhất thể hiện nội dung trên nhiều cấp độ, nhiều bình diện.Từ đó có thể

nhìn ra đặc trưng sáng tạo hệ thống biểu tượng trong thơ Lưu Quang Vũ.
- Phương pháp so sánh: Phương pháp so sánh thường dùng trong
nghiên cứu văn học để so sánh cá thể các hiện tượng cùng loại (như biểu
tượng) hoặc các hiện tượng đối lập (như biểu tượng và hình ảnh không phải
biểu tượng) để thấy được bản chất của hiện tượng. Từ đó giúp chúng ta thấy
vị trí và đánh giá được ý nghĩa của các hiện tượng đó trong hệ thống.


7

6. Đóng góp của luận văn
- Luận văn nghiên cứu biểu tượng thiên nhiên trong thơ Lưu Quang Vũ
để từ đó làm cơ sở cho việc tìm hiểu, khám phá thơ Lưu Quang Vũ trên bình
diện tổng thể, đặc biệt là đặc trưng sáng tạo của nhà thơ.
- Lần đầu tiên biểu tượng thiên nhiên trong thơ Lưu Quang Vũ được
tiếp cận một cách toàn diện. Từ đó góp phần khẳng định phong cách, vai trò,
vị trí của Lưu Quang Vũ trong nền văn học Việt Nam hiện đại.
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, luận văn gồm có
ba chương:
Chương 1: Biểu tượng thơ ca và hành trình sáng tác thơ Lưu Quang Vũ
Chương 2: Biểu tượng thiên nhiên gắn với bầu trời trong thơ Lưu
Quang Vũ
Chương 3: Biểu tượng thiên nhiên gắn với cảnh vật mặt đất trong thơ
Lưu Quang Vũ


8

CHƯƠNG 1

BIỂU TƯỢNG THƠ CA VÀ HÀNH TRÌNH SÁNG TÁC
THƠ LƯU QUANG VŨ
1.1. Biểu tượng
1.1.1. Quan niệm về biểu tượng và biểu tượng nhìn từ các góc độ khác nhau
1.1.1.1. Quan niệm về biểu tượng
Biểu tượng có một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội. Jean
Chevalier khẳng định: Nói là chúng ta sống trong một thế giới biểu tượng thì vẫn
còn chưa đủ, phải nói một thế giới biểu tượng sống trong chúng ta (4, tr.XIV).
Jean Chevalier cũng viết: Dẫu ta có nhận biết ra hay không, đêm ngày,
trong hành ngôn, trong các cử chỉ, hay trong các giấc mơ của mình, mỗi
chúng ta đều sử dụng các biểu tượng. Chúng ta khoác lên các ước muốn một
diện mạo, chúng xúi giục một toan tính nào đó, chúng nhào nặn một lối ứng
xử, chúng khơi mào cho thành công hay thất bại (4, tr.XIII).
Vì biểu tượng có vai trò quan trọng như vậy nên việc tìm hiểu cách
thức hình thành, lối xếp đặt, cách giải thích các biểu tượng nhiều ngành khoa
học quan tâm như: Khoa lịch sử các nên văn minh và các tôn giáo, khoa ngôn
ngữ học, khoa văn hóa nhân chủng học, khoa phê bình nghệ thuật, khoa tâm
lý học, khoa y học...
Vậy biểu tượng là gì? Biểu tượng trong tiếng Pháp là Symbole, tiếng
Anh là Symbol. Nói một cách hình ảnh như Jean Chevalier: Nó giống như
mũi tên bay mà không bay, đứng im mà biến ảo, hiển nhiên mà lại không năm
bắt được... Biểu tượng bộc lộ rồi lủi trốn, càng tự phơi bày sáng rõ nó càng
tự giấu mình đi (4, tr.XIV). Nói như Georges Gurvitch: Các biểu tượng tiết lộ
mà che giấu và che giấu mà tiết lộ (4, tr.XIV). Vì thế thật khó để đưa ra một
định nghĩa hoàn chỉnh về biểu tượng. Tự bản chất của nó, nó phá vỡ các
khuôn khổ định sẵn và tập hợp các thái cực lại trong một ý niệm.


9


Henry Corbin cho rằng: Biểu tượng báo hiệu một bình diện ý thức khác
với cái hiển nhiên lý tính; nó là mật mã của một bí ẩn, là cách duy nhất để nói
ra được cái không thể nắm bắt bằng cách nào khác; nó không bao giờ có thể
được cắt nghĩa một lần là xong, mà cứ phải giải mã lại mãi, cũng giống như
một bản nhạc không bao giờ chơi một lần là xong mà đòi hỏi một lối biểu
diễn luôn luôn mới (4, tr.XVIII).
Biểu tượng cơ bản khác với dấu hiệu ở chỗ, dấu hiệu là một quy ước
tùy tiện trong đó cái biểu đạt và cái được biểu đạt (Khách thể hay chủ thể) vẫn
xa lạ với nhau trong khi biểu tượng giả định có sự đồng chất giữa cái biểu đạt
và cái được biểu đạt theo nghĩa một lực năng động tổ chức.
Dựa trên công trình của Jung, của Piaget, của Bachelard, Gilbert
Dururrand cho rằng: Căn cứ của lực năng động tổ chức đó... là nhân tố tạo
nên tính đồng chất trong sự biểu hiện, nằm ngay trong cấu trúc của trí tưởng
tượng. Trí tưởng tượng không hề là khả năng tạo ra các hình ảnh mà là sức
mạnh năng động làm biến dạng các sao chép thực dụng do tri giác cung cấp
và lực năng động có tính cải tạo cảm giác, đó là nền tảng của toàn bộ đời
sống tâm thần. Có thể nói biểu tượng... rộng lớn hơn cái ý nghĩa được gán
cho nó một cách nhân tạo, nó có một sức vang cốt yếu và tự sinh (4, tr.XIX).
Trên cở sở tổng hợp nhiều ý kiến có thể có một cái nhìn khái lược về
biểu tượng như sau:
Biểu tượng là môt loại tín hiệu mà mối quan hệ giữa cái biểu đạt và cái
được biểu đạt mang tính tất yếu có lý do. Mặt hình thức cảm tính, cái biểu đạt
tồn tại trong hiện thực khách quan hoặc trong trí tưởng tượng của con người.
Mặt ý nghĩa hay còn gọi cái được biểu đạt luôn luôn rộng hơn dồi dào hơn
(Chữ dùng của Tz. Todorov) rất nhiều cái biểu đạt.
Biểu tượng nói một cách khái quát, trước hết là hình ảnh của thế giới
khách quan, bên ngoài con người (màu sắc, vật thể, hiện tượng...) với phương


10


pháp biểu trưng hóa của hoạt động ý thức, con người đã phản ánh sự vật
khách quan vào trí óc của mình, cấp cho nó một ý nghĩa, một thông tin. Từ đó
tạo nên một thế giới bên trong – thế giới ý niệm. Đó là thế giới vô hình, vô
hạn, vô khả tri. Nó vừa phản ánh thực tại, vừa từ thực tại mà tưởng tượng, suy
luận, đem lại cho con người một khả năng vô tận, khả năng trí tuệ, khả năng
tâm linh để con người có thể tư duy, thông báo với nhau. Như vậy bằng cách
mô phỏng tự nhiên, con người đã sáng tạo một thế giới biểu tượng đa dạng,
phong phú và vô cùng sống động.
Biểu tượng không chỉ tồn tại trong một nghành khoa học riêng mà còn
là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học như triết học, phân tâm
học, mỹ học, thần học, ngôn ngữ học, văn học... Dựa trên phạm vi và mục
đích nghiên cứu, luận văn này chỉ tập trung tìm hiểu biểu tượng thiên nhiên
trong thơ Lưu Quang Vũ.
1.1.1.2. Biểu tượng nhìn từ các góc độ khác nhau
Từ góc độ triết học, biểu tượng là: hình ảnh cảm tính, cụ thể về những
hiện tượng của thế giới bên ngoài. Biểu tượng cùng với cảm giác và tri giác
tạo nên nhận thức cảm tính, hay theo thuật ngữ của Paplop, tạo nên thệ thống
tín hiệu thứ nhất của hiện thực. Biểu tượng khác tri giác ở hai điểm: tri giác
phản ánh một sự vật riêng lẻ tác động vào giác quan của chúng ta trong những
trường hợp cụ thể nhất định; biểu tượng là sự phản ánh khái quát và trừu
tượng hơn.
Trên cơ sở cảm giác, tri giác, trong đầu óc con người xuất hiện một
hình thức cao hơn, đó là biểu tượng, bởi bộ não con người có khả năng tái
sinh trong ý thức hình ảnh của đối tượng đã được tri giác phản ánh trước đây.
Biểu tượng là hình ảnh được tái hiện, được hình dung lại với những thuộc tính
nổi bật của sự vật. Những biểu tượng này nhìn chung còn ở cấp độ thấp, giản
đơn, do trực quan hình ảnh đem lại. Còn một loại biểu tượng cao hơn hẳn đó



11

là biểu tượng được xây dựng do trí tưởng tượng của con người. Biểu tượng
trực quan cảm tính và biểu tượng của tưởng tượng mới chỉ là biểu tượng của
nhận thức, chưa thể trở thành biểu tượng nghệ thuật.
Từ góc độ văn hóa, biểu tượng văn hóa là những khái niệm nằm trong
lĩnh vực văn hóa, rộng hơn là môi trường văn hóa. Văn hóa là phức thể các
giá trị vật chất tinh thần do con người tác động đến tự nhiên, xã hội và bản
thân trong quá trình lịch sử dài lâu mà tạo nên. Nó tích tụ và thể hiện diện
mạo, bản sắc của cộng đồng.
Do khái niệm và nội hàm văn hóa rất rộng nên không ai có thể nói rằng
mình đã tìm hiểu đến tận cùng của một nền văn hóa. Vì vậy việc nghiên cứu
biểu tượng văn hóa cũng là một cách chạm đến các yếu tố văn hóa cụ thể để
tìm hiểu tổng thể.
Biểu tượng trong tiếng Hán, bao gồm hai thành tố: Biểu là dấu hiệu, là
sự bộc lộ, phô bày. Tượng là hình. Ban đầu biểu tượng được dùng theo nghĩa
thực dụng là một vật (đá, ngọc, sành hay gỗ...) được chia làm hai trong một
giao ước như tín vật, khi gặp nhau chắp lại để làm tin. Về sau, biểu tượng là
phương tiện phản ánh tư duy, hành vi khát vọng kể cả điều cấm kỵ, ám ảnh,
sợ hãi. Biểu tượng thể hiện những góc khuất của tiềm thức và vô thức.
Biểu tượng văn hóa là một loại tín hiệu riêng có chiều sâu và phong
phú hơn tín hiệu văn hóa. Biểu tượng được hình thành trong quá trình lâu dài
có tính ước lệ và bền vững, là cảm quan nhận thức được lắng đọng, kết tinh,
chắt lọc trải qua bao biến cố thăng trầm vẫn không bị phai mờ mà ngược lại
càng khắc sâu hơn vào tâm khảm con người. Biểu tượng văn hóa được hiểu
như là những hình ảnh tượng trưng được cả cộng đồng dân tộc chấp nhận và
sử dụng rộng rãi trong một thời gian dài. Chính vì thế, biểu tượng góp phần
làm nên bộ mặt của một nền văn hóa.



12

Hàng loạt biểu tượng văn hóa đã hòa nhập cùng tín ngưỡng, thể hiện ở
phong tục, náu mình trong thần tích, ký thác ở tâm linh, ẩn tàng trong văn hóa
dân gian, trong nghệ thuật truyền thống, lý giải được nó sẽ mở ra những giá
trị khoa học và nhân văn vô cùng to lớn. Đó là một thế giới có sức hấp dẫn
đặc biệt do nó quy tụ nhiều tính chất dường như đối lập nhau, vừa hiện diện,
vừa tiềm ẩn, vừa bộc lộ, vừa che giấu, vừa rõ ràng, vừa mông lung.
Từ góc độ văn học. Các tác giả “Từ điển thuật ngữ văn học” đã có
những kiến giải về biểu tượng.
Biểu tượng được xây dựng trên hai cấp độ: Nghĩa rộng và nghĩa hẹp.
Theo nghĩa rộng, biểu tượng là đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng
của văn học nghệ thuật. Theo nghĩa hẹp, biểu tượng là một phương thức
chuyển nghĩa của lời nói hoặc một loại hình nghệ thuật đặc biệt có khả năng
truyền cảm lớn, vừa khái quát được bản chất của một hiện tượng nào đó vừa
thể hiện một quan niệm, một tư tưởng hay triết lý về con người và cuộc đời.
Biểu tượng văn học có những đặc điểm, ý nghĩa khác với những khái
niệm có nội hàm gần gũi như ẩn dụ và hình tượng.
Thứ nhất, cần phân biệt giữa biểu tượng và ẩn dụ. (Tất nhiên sự phân
biệt chỉ mang tính tương đối). Trong văn học, nói đến biểu tượng người ta chú
ý đến hai dấu hiệu nhận biết: biểu tượng là hình ảnh cảm tính về hiện thực
khách quan; biểu tượng không chỉ mang nghĩa biểu vật mà còn nói đến hiện
tượng chuyển nghĩa (nghĩa bóng và nghĩa biểu cảm).
Như vậy, nếu theo hai dấu hiệu nhận biết trên thì biểu tượng rất giống
với ẩn dụ. Do vậy muốn phân biệt giữa ẩn dụ và biểu tượng cần phải xác định
rõ đối tượng. Theo nhà nghiên cứu văn học Nga V.I Eremina: Ẩn dụ thơ ca
được sinh ra nhất thời và mất đi khá nhanh. Biểu tượng được hình thành trong
quá trình dài và sau đó sống hàng trăm năm. Ẩn dụ là yếu tố biến đổi, còn
biểu tượng thì không đổi, bền vững. Ẩn dụ là phạm trù thẩm mỹ và phần lớn



13

tự do tách khỏi phong cách ước lệ. Biểu tượng thì ngược lại, được giới hạn
nghiêm túc bởi hệ thống thi ca xác định.
Như vậy V.I Eremina đã phân biệt ranh giới giữa ẩn dụ và biểu tượng ở
tính biến đổi và bền vững, tự do và ước lệ.
Nhìn chung, biểu tượng là khái niệm bao quát, bao trùm cả ẩn dụ. Biểu
tượng là việc sử dụng ẩn dụ ở mật độ cao có tính quy ước. Việc phân biệt
giữa ẩn dụ và biểu tượng giúp người tiếp nhận văn học tránh cách hiểu đánh
đồng hai thuật ngữ trên bởi trong văn học, cụ thể là trong thơ Lưu Quang Vũ
có những hình ảnh ẩn dụ không phải là biểu tượng hoặc ngược lại có những
biểu tượng thâu tóm cả ẩn dụ trong nó.
Thứ hai, cần phân biệt giữa biểu tượng và hình tượng. Văn học là loại
hình nghệ thuật phản ánh đời sống bằng các hình tượng nghệ thuật. Biểu
tượng và hình tượng đều có giá trị trong việc phản ánh hiện thực đời sống và
cùng có phương tiện biểu đạt là ngôn ngữ. Tuy nhiên hai khái niệm này có
những điểm khác nhau.
Sự tồn tại của hình tượng nghệ thuật không bao giờ vượt quá giới hạn
của hình thức biểu đạt cụ thể, nó luôn có phương tiện biểu hiện trọn vẹn nghĩa
của hình tượng. Còn sự tồn tại của biểu tượng thì lại vượt quá giới hạn của
một sự biểu đạt, biểu nghĩa. Nói cách khác không có một phương tiện nào có
thể biểu đạt được trọn vẹn ý nghĩa của biểu tượng.
Hình tượng bao giờ cũng tách riêng hoặc có xu hướng tách riêng ra
khỏi hệ thống nào đó để phù hợp với yêu cầu: tự do, hoàn thiện, độc đáo và
khác biệt. Trong khi đó, biểu tượng bao giờ cũng nằm trong một hệ thống
nhất định, không thể tách ra đứng độc lập trong nhận thức của con người.
Đặc biệt, sự khác nhau cơ bản giữa biểu tượng và hình tượng là: biểu
tượng có phạm vi lớn hơn, phong phú hơn hình tượng rất nhiều. Nếu hình
tượng gợi cho ta hình dung về đối tượng một cách cụ thể, chân xác như nó



14

đang tồn tại khách quan thì biểu tượng giúp ta khám phá ra điều ước muốn,
nỗi sợ hãi, niềm tham vọng... là những cái khiến cho cuộc đời đượm một ý
nghĩa bí ẩn (Jean Chevalier) chính đặc tính này khiến cho một hình tượng văn
học có khi diễn tả được nhiều biểu tượng.
Trên đây là những so sánh để chúng ta phân biệt giữa biểu tượng và ẩn
dụ, giữa biểu tượng và hình tượng. Giữa chúng có những khác biệt cơ bản,
song những thuật ngữ trên có mối liên hệ mật thiết với nhau, không thể tách
rời. Vì vậy khi nhắc đến biểu tượng người ta thường nhắc đến ẩn dụ, hình
tượng và hình ảnh.
1.1.2. Biểu tượng thơ ca
1.1.2.1. Khái lược về biểu tượng thơ ca
Biểu tượng thơ ca là loại biểu tượng đa nghĩa và được xây dựng bằng
ngôn từ nghệ thuật. Tác phẩm văn học nào cũng biểu hiện tư tưởng, tình cảm,
nhận thức của nhà văn về đời sống xã hội và con người. Nhưng thơ ca (loại
trữ tình) có cách thể hiện riêng không hoàn toàn giống cách thể hiện trong tự
sự hay kịch. Nếu tác phẩm tự sự, nhà văn thường phản ánh đời sống qua
những mâu thuẫn xung đột, thì trong thơ ca các thi nhân gửi gắm tình cảm,
cảm xúc qua những hình ảnh mang tính biểu tượng. Vì vậy biểu tượng trong
thơ ca xuất hiện rất nhiều. Việc giải mã các biểu tượng trong thơ ca là một
thách đố đầy khó khăn nhưng hết sức thú vị, giúp ta vén một bức màn nhung
bí ẩn trong thế giới tâm hồn nhà thơ.
1.1.2.2. Đặc điểm của biểu tượng thơ ca
Ngôn ngữ thơ mang tính cô đọng, hàm súc, đa nghĩa. Để đáp ứng nhu
cầu này, việc sử dụng các biểu tượng là điều tất yếu. Thông qua biểu tượng
người đọc khám phá ra những tầng ý nghĩa khác nhau qua đó thấy được tư
tưởng, tình cảm, cảm xúc của các nhà thơ.



15

Bên cạnh đó thơ cũng yêu cầu ngôn ngữ giàu hình ảnh. Hệ thống hình
ảnh trong thơ ngoài ý nghĩa tạo hình còn có ý nghĩa biểu hiện. Nhà thơ dùng
hình ảnh để miêu tả bức tranh đời sống và bức tranh thiên nhiên, đồng thời
cũng biểu hiện tâm trạng suy nghĩ của mình trước bức tranh hiện thực ấy. Qua
hệ thống hình ảnh quen thuộc, nhà thơ bộc lộ cách cảm, cách nghĩ của mình,
hay nói cách khác là bộc lộ kiểu tư duy nghệ thuật độc đáo của mình. Tuy
nhiên cũng cần phải nói thêm rằng biểu tượng hình thành trên cơ sở hình ảnh
nhưng không phải hình ảnh nào trong thơ cũng được coi là biểu tượng. Chẳng
hạn khi nói đến các hình ảnh thiên nhiên như: chim, hoa, cây trái, mưa, bão...
trước tiên là hình ảnh thế giới khách quan tồn tại bên ngoài con người, xung
quanh con người. Nhưng ngoài ý nghĩa đó nó còn gửi gắm tư tưởng, tình cảm,
cảm xúc của người nghệ sĩ.
Nói tóm lại việc giải mã các biểu tượng thơ ca là một con đường giúp
người đọc đi vào thế giới tâm hồn hết sức phong phú và độc đáo của người
nghệ sĩ.
1.2. Hành trình sáng tác thơ Lưu Quang Vũ
Lưu Quang Vũ sinh ngày 17/4/1948 mất ngày 29/8/1988. Ông sinh tại xã
Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ). Cha là nhà thơ nhà
viết kịch Lưu Quang Thuận quê ở Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam. Mẹ
là Vũ Thị Khánh nữ sinh trường trung học Đồng Khánh, người Hà Nội gốc.
Lưu Quang Vũ nổi danh khá sớm, là cây bút được ái mộ ngay từ những
sáng tác đầu tay. Hoài Thanh đã sớm phát hiện ra đây là một cây bút trẻ nhiều
triển vọng (35). Trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, Lưu
Quang Vũ luôn cháy hết mình với nó. Nhắc tới Lưu Quang Vũ người ta
thường nghĩ ngay đến Lưu Quang Vũ với tư cách là một kịch gia xuất sắc bậc
nhất Việt Nam. Tuy nhiên ánh hào quang rực rỡ của một kịch gia không làm

lu mờ, che lấp đi tư cách của một nhà thơ giàu cảm xúc. Bằng sự nhạy cảm,


16

tinh tế, hơn hết là sự hiểu nghề đồng thời là một tri kỷ trong sáng tạo nghệ
thuật. Vũ Quần Phương đã nhận thấy: Đọc hết các bản thảo anh để lại, tôi
thấy thơ mới là nơi anh ký thác nhiều nhất và tôi tin nhiều bài thơ của anh sẽ
thắng được thời gian, Đọc thơ anh có cảm giác anh viết kịch để sống với mọi
người, và làm thơ để sống mới riêng mình (28).
Đúng vậy! Thơ Lưu Quang Vũ thể hiện một cái tôi đầy nhân bản.
Những trang thơ ông luôn ngồn ngộn những suy tư, trăn trở, dằn vặt và cả
những khát khao đến cháy lòng mong cho nhân dân, đất nước được yên ấm,
hạnh phúc.
Cũng như hầu hết các nhà thơ khác, hành trình sáng tạo thơ của Lưu
Quang Vũ chia thành các giai đoạn khác nhau thể hiện những nhận thức, đổi
thay và sự trưởng thành trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Với hơn 20 năm
cầm bút, thời gian không dài nhưng Lưu Quang Vũ đã kịp để lại cho chúng ta
sự nghiệp văn học đáng nể. Ông viết cả ba lĩnh vực thơ, truyện và kịch nhưng
thành công hơn cả là thơ và kịch.
Do mục đích và phạm vi nghiên cứu của đề tài này, chúng tôi chỉ đề
cập đến hành trình sáng tác thơ Lưu Quang Vũ.
Đời thơ Lưu Quang Vũ được chia thành ba giai đoạn.
1.2.1. Giai đoạn 1: 1963 – 1970
Đây là chặng đường đầu tiên trong hành trình sáng tác thơ Lưu Quang
Vũ. Đặc trưng của giai đoạn này là một cái tôi nhiều mơ mộng, cảm xúc tươi
trong, giàu tin yêu. Lưu Quang Vũ có cái tươi tắn chung của những người làm
thơ hồi ấy. Cũng một cách nhìn đời hồn hậu, lạc quan quay về phía nào cũng
thấy sự hài hòa ưu ái (Vũ Quần Phương) (28). Tình cảm của nhà thơ lúc này
chủ yếu hướng về quê hương đất nước, về mẹ, về em... như một điểm tựa

vững chãi của lòng tin, sự chở che. Đó là hình ảnh thôn Chu Hưng tuy nghèo
khổ, thiếu thốn nhưng ấm áp, nghĩa tình:


17

Ơi Chu Hưng đêm nằm nghe suối đổ
Nghe gió ngàn và tiếng hoẵng giữa rừng sâu
Ơi Chu Hưng sắn vùi trong bếp đỏ
Ấm những ngày gian khổ khó quên nhau.
(Thôn Chu Hưng)
Có lúc tâm hồn nhà thơ lại được thanh lọc, được tắm mát trong hình
ảnh quê hương yêu dấu như một nỗi ám ảnh khôn nguôi, vừa gần gũi, bình dị,
vừa thiêng liêng, cao vời khi qua Phố huyện:
Ta bước đi thương nhớ những năm nào
Ơi cái phố tuổi thơ, phố nghèo kháng chiến
Hương đất hương cây bồi hồi bao kỷ niệm.
Quê hương, nơi đó còn có sự hiện diện của người mẹ thân yêu. Tình
cảm biết ơn, yêu kính đối với mẹ được thể hiện qua các bài thơ giai đoạn này
như: “Áo”, “Thôn Chu Hưng”, “Phố huyện”, “Gửi mẹ”, “Phủ Lý tháng
hai”... Hình ảnh người mẹ hiện lên trong sáng tác của Lưu Quang Vũ thật đẹp:
đảm đang, tháo vát, thương khó, tảo tần và hơn hết là giầu đức hi sinh:
Mẹ vui vẻ gánh lấy phần khó nhọc
Việc cơ quan, việc Đảng, việc nhà
Đánh Pháp năm xưa, đánh Mỹ bây giờ
Quen vất vả, mẹ quản gì sương nắng.
Nhà thơ dành cho mẹ tình cảm thiêng liêng, chân thành của người con
hiếu thảo. Ông tự nhận trong cuộc đời nhọc nhằn lam lũ của mẹ có một phần
trách nhiệm của mình, vì thế khi xa mẹ Lưu Quang Vũ luôn canh cánh một
nỗi lo âu cho sức khỏe của mẹ, và thương mẹ đến đắng lòng trước những hi

sinh, gian khổ mà mẹ phải trải qua. Càng thương yêu mẹ bao nhiêu, càng căm
thù giặc bấy nhiêu. Tình cảm ấy được gửi gắm qua những câu thơ thật xúc
động:


18

Đêm nay con nằm rừng xa gió lạnh
Mẹ nghỉ chưa hay đã thức rồi
Suốt một đời chưa có lúc nghỉ ngơi
Nghĩ thương mẹ, giận quân thù quá đỗi.
(Gửi mẹ)
Bên cạnh hình ảnh quê hương, đất nước, hình ảnh người mẹ, không thể
không nói tới hình bóng của người con gái thường xuất hiện trong thơ Lưu
Quang Vũ. Tình yêu là điều huyền diệu nhất trong những huyền diệu, là nỗi
khát khao muôn đời của con người. Tuổi nào cũng cần tình yêu, nhưng có lẽ
tình yêu của tuổi trẻ rực rỡ nhất, tươi mới nhất và nồng nhiệt nhất. Tình yêu
đầu đời có cái say mê của tuổi trẻ, có cái vụng dại của buổi ban đầu và có sự
trong trẻo, hồn nhiên của tuổi mới lớn... tất cả những xúc cảm ấy được Lưu
Quang Vũ ghi lại trong thơ vô cùng ấn tượng:
Phút đưa nhau ta chỉ nắm tay mình
Điều chưa nói thì bàn tay đã nói
Mình đi rồi hơi ấm còn ở lại
Còn bồi hồi trong những ngón tay ta.
(Hơi ấm bàn tay)
Có thể nói, trước sau, dấu ấn sâu đậm nhất về một thi sĩ tài hoa, đa cảm
ở Lưu Quang Vũ vẫn là những bài thơ tình. Theo Lưu Khánh Thơ: Lưu
Quang Vũ là một người đàn ông may mắn. Trong cuộc đời long đong vất vả
của anh, hầu như giai đoạn nào anh cũng gặp một tình yêu lớn. Cho dù cái
mà tình cảm đó đem lại có thể là một vết thương, một nỗi đau suốt đời. Lưu

Quang Vũ quan niệm rằng sự sống đầy đủ của cuộc đời con người là ở chỗ
tìm thấy tình yêu mặc dù tình yêu ấy có thể không ở lại cùng ta suốt cuộc đời
(42,tr.90).


19

Những cảm xúc từ mối tình đầu đã mang đến cho thơ ông hương vị tình
yêu ngọt ngào, say đắm, quyến rũ, đó là khu vườn tình ái đầy hương sắc.
Vườn em là một cõi đi về đầy mộng mơ, nơi căng tràn nhựa sống, nơi chứa
bao điều bí ẩn, diệu kỳ:
Vườn em là nơi đọng gió trời xa
Hoa tím chim kêu bàng thưa lá nắng
Con nhện đi về giăng tơ trắng
Trái tròn căng mập nhựa sinh sôi
(Vườn Trong Phố)
Vũ Quần Phương nhận xét đắm đuối là bản sắc cảm xúc của Lưu
Quang Vũ. Nó tạo nên sức lôi cuốn ma quái ở thơ anh và cũng tạo nên lắm
vất vả cho đời anh (42,tr.79).
Chất đắm đuối được thể hiện qua tất cả những trang thơ của thi sĩ họ
Lưu, nhưng trong thơ tình có lẽ chất đắm đuối ấy được thể hiện đậm đặc nhất.
Nếu ai đã một lần đọc Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa sẽ không thể quên được chất
đắm đuối đến mê hoặc ấy:
Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa
Xóa nhòa hết những điều em hứa
Mây đen tới trời chẳng còn xanh nữa
Nắng không trong như nắng buổi ban đầu.
(Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa)
Có thể nói, giai đoạn đầu sáng tác, đề tài tình yêu chiếm một vị trí rất
quan trọng trong thơ Lưu Quang Vũ, trở thành nỗi ám ảnh thiết tha, đau đáu,

khắc khoải. Có lúc em là dòng suối trong trẻo, thuần khiết Em nông nổi như
một dòng suối chảy/ Tin bình minh nhưng chỉ gặp sương chiều. Có lúc em lại
như một trái xoài căng mọng, ngọt ngào, quyến rũ. Lúc khác em lại là một
khu vườn rực rỡ sắc màu, tràn đầy sức sống để anh thành chú ong say sưa


20

kiếm mật lạc vào cõi thiên thai không muốn tìm lối ra. Có lúc em như trái cây
mùa hạ mát lành, ngọt ngào, lúc lại rực rỡ như bảy sắc cầu vồng... tất cả
những hình ảnh ấy còn neo đậu mãi trong lòng người đọc mọi thế hệ.
1.2.2. Gai đoạn 2: 1971 – 1973
Đây là giai đoạn sáng tác khá đặc biệt trong đời thơ Lưu Quang Vũ, với
tình cảnh long đong, lận đận và có lúc ông bế tắc. Hạnh phúc gia đình tan vỡ,
rời quân ngũ, quá nhọc nhằn trong kế mưu sinh, cuộc sống hàng ngày lâm vào
thiếu thốn. Thêm vào đó, chiến tranh ngày càng ác liệt... Cùng một lúc, tâm
hồn đa cảm của ông phải gánh chịu nỗi đau, sự mất mát từ hai phía: riêng,
chung. Vì thế dễ hiểu tại sao giai đoạn này không còn cảm xúc hồn hậu, tươi
trong mà thay vào đó là những dằn vặt, chiêm nghiệm, những suy tư, trăn trở.
Và có lúc nhà thơ rơi vào tâm trạng cô đơn, bế tắc cùng cực:
Tôi là đứa con cô đơn ngay khi ngồi cạnh mẹ
Thằng bé lẻ loi giữa lớp học ồn ào
Bàn chân hồ nghi giữa đường phố xôn xao.
(Mấy đoạn thơ…)
Thậm chí có lúc ông rơi vào tâm trạng trống rỗng, vô nghĩa:
Có những lúc tâm hồn tôi rách nát
Như một chiếc lá khô như một chồng gạch vụn
Một tấm gương chẳng biết soi gì
Một đáy giếng cạn không một hốc mắt đen sì
Trời chật chội như chiếc lồng trống rỗng.

(Có những lúc)
Nhưng cũng chính những nếm trải ấm lạnh của thế thái nhân tình (Lý
Hoài Thu) đã giúp Lưu Quang Vũ nhận thức lại. Lúc này thơ ông trở nên trầm
lắng hơn, da diết hơn và cũng đau đáu, khắc khoải hơn. Vũ Quần Phương đã


×