Hội thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi Cấp tiểu học
Câu 1 : Trình bày hiểu biết về chủ trương , đường lối , định hướng đổi mới giáo dục – Nội
dung chỉ đạo của ngành, địa phương liên quan đến công tác chủ nhiệm lớp.
1. Đổi mới về nội dung:
Chúng ta đang xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” nên nội dung công tác
chủ nhiệm cần được đổi mới một cách mạnh mẽ, đi vào chiều sâu. Mục đích là phát huy chủ
thể học sinh; lấy học sinh làm trung tâm dưới sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm (GVCN).
Đổi mới về nội dung là một trong những vấn đề bức thiết nhắm đưa ra những định hướng,
những khâu việc làm cụ thể cho công tác chủ nhiệm. Trên cơ sở đó, GVCN có thể vận dụng
sáng tạo, năng động vào điều kiện, hoàn cảnh, thời điểm của lớp mình.
Đổi mới về nội dung đòi hỏi người GVCN cần có một tinh thần trách nhiệm cao đối với công
việc. Bên cạnh đó là ý chí, nghị lực và có một năng lực sư phạm vững vàng; hiểu thấu tâm
sinh lý lứa tuổi sâu sắc.
Mặt khác, GVCN cần có lòng thương yêu thật sự đối với học sinh và có niềm tin vào các em;
mạnh dạn giao những công việc cho các em và có sự định hướng, kiểm tra. Việc phối hợp
giữa chủ nhiệm và các đoàn thể trong trường (Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên,
Công đoàn…) là hết sức cần thiết trong công tác giáo dục học sinh.
Việc đổi mới nội dung có các phần cơ bản như sau:
1.1. Xây dựng lớp tự quản:
Thực chất đây là quá trình từng bước chuyển hoá tâm huyết, nhiệt tình của GVCN thành ý
thức tự quản, tự giác đầy trách nhiệm và hứng thú của học sinh. Từ đó, chuyển hoá lớp học
của những cá nhân học sinh thành một tập thể học sinh biết tự quản dưới sự định hướng, dẫn
dắt của GVCN lớp.
Mục đích xây dựng lớp tự quản là hình thành, rèn luyện con người biết làm chủ bản thân;
luôn chủ động, nhanh nhạy trong mọi mặt hoạt động. Đây là cơ hội tốt nhất, môi trường tốt
nhất để học sinh tập dượt, rèn luyện tính tự giác, sự năng động, sự sáng tạo khi đang còn ngồi
trên ghế nhà trường.
Lấy học sinh làm trung tâm trong công tác chủ nhiệm. Trên cơ sở đó, từng bước biến quá trình
giáo dục thành tự giáo dục. Học sinh có điều kiện tốt nhất để thể hiện mình; tự ý thức, tự quản
bản thân mình; tự quản tổ mình, lớp mình. Trong môi trường tự quản ấy, nhân cách học sinh mới
được xác lập, được thử thách qua công việc hàng ngày, hàng tuần.
Tâm lý lứa tuổi cho thấy: Lứa tuổi học sinh trung học là lứa tuổi luôn ham tìm tòi, ham hiểu
biết, ham hoạt động và muốn khám phá, khẳng định bản thân (thể hiện trong học tập, văn
nghệ, thể thao, sinh hoạt tập thể…).
Vì vậy, xây dựng lớp tự quản vừa thoả mãn được nét tâm lý phong phú của học sinh mà còn
tạo điều kiện, cơ hội để nó được nuôi dưỡng, thử thách, rèn luyện và phát triển theo chiều
hướng tích cực, tự giác.
Xây dựng lớp tự quản không những các em tự quản lý các hoạt động của lớp mình mà còn góp
phần quản lý các hoạt động chung của nhà trường. Các hình thức hoạt động phong phú, đa
dạng của các lớp sẽ tạo nên môi trường tốt cho việc phát triển nhân cách các em. Đó là tinh
thần tập thể, lòng yêu thương, thông cảm lẫn nhau; cộng đồng cùng làm việc nhóm, sức mạnh
của tinh thần đoàn kết, cùng chăm lo công việc chung…
1.2. Tổ chức sinh hoạt, thảo luận chuyên đề:
Thay vì cách làm xưa nay là GVCN “thuyết giảng” về bài học đạo đức một chiều; phê bình
những sai phạm cũng như biểu dương những thành tích một chiều thì nay chúng ta đưa ra
những “Chuyên đề” phù hợp cho học sinh thảo luận trong giờ chủ nhiệm.
Nội dung các chuyên đề phải thật gần gũi, thiết thực, phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi.
Có thể theo chủ điểm hàng tháng hoặc những vấn đề đang được xã hội quan tâm như môi
trường sống, an toàn giao thông; tình bạn, tình yêu trong lứa tuổi học trò;
Hoặc chọn nghề cho tương lai như thế nào; xài tiền như thế nào khi chúng ta còn sống phụ
thuộc vào cha mẹ; lợi ích của việc đọc sách và lòng đam mê tìm hiểu kiến thức; bạo lực gia
đình và trách nhiệm của chúng ta; tự học như thế nào để có kết quả tốt; kinh nghiệm học giỏi
bộ môn; khắc sâu kiến thức và phương pháp học tập …
Khi đưa ra những chuyên đề này, những tình huống có vấn đề để phát huy trí lực học sinh;
khơi gợi những bức xúc, những suy nghĩ đa chiều để các em bộc lộ. Từ đó, GVCN có sự định
hướng đúng đắn; mở ra hướng suy nghĩ tích cực cho các em.
Cần có thời gian, đầu tư chuẩn bị cho chuyên đề qua việc gần gũi, thân thiện để nắm tâm tư,
tình cảm của học sinh cũng như những bức xúc, những vấn đề nhạy cảm mà các em không có
dịp bày tỏ hoặc không biết tâm sự cùng ai.
Các chuyên đề nên thông báo từ thứ hai đầu tuần để học sinh có thời gian chuẩn bị, nghiền
ngẫm vấn đề và tổ chức thảo luận chuyên đề vào tiết chủ nhiệm cuối tuần. Tránh tình trạng
thiếu sự chuẩn bị hoặc chưa chuẩn bị chu đáo; vội đưa ra những vấn đề quá tầm nghĩ, tầm tư
duy của học sinh sẽ gây khó khăn cho việc thảo luận. Cũng không nên tìm, đưa ra những vấn
đề to tát của “người lớn” buộc các em phải “gồng mình” để trả lời khiên cưỡng, không thực tế,
sáo rỗng…
1.3. Tổ chức tham quan, dã ngoại:
Nếu có điều kiện, tổ chức cho HS tham quan di tích lịch sử, văn hoá hoặc thắng cảnh thiên
nhiên. Từ đó khơi dậy, giáo dục truyền thống cách mạng; tự hào về quê hương, đất nước…
Phải xác định địa điểm, phương tiện, tổ chức cho công việc tham quan, dã ngoại. Việc này cần
có sự phối hợp, tìm hiểu các địa phương để có sự chuẩn bị chu đáo. Khâu chuẩn bị cho chuyến
đi cực kỳ quan trọng và nếu chuẩn bị tốt đã thành công năm mươi phần trăm. Bởi vì phải
chuẩn bị phương tiện, nơi đến, người hướng dẫn; việc ăn uống, nghỉ ngơi trên đường đi, nghỉ
ngơi nơi đến; phân công, phối hợp giáo viên phụ trách các nhóm lớp… tất cả đều phải có sự
thống nhất, tuân theo quy định chặt chẽ để buổi tham quan, dã ngoại thành công.
Bên cạnh đó, có sự phân công cụ thể học sinh về việc ghi chép, chụp hình, quay phim ghi lại
những hình ảnh, tư liệu ở di tích, thắng cảnh đó. Đây không phải là chuyến đi chơi mà là
chuyến đi học thực tế nên cần quán triệt ý nghĩa của chuyến dã ngoại, tham quan này cho học
sinh. Có thể phân công các nhóm, chia ra nhiều chủ đề để các nhóm tự giác thực hiện. Sau đó,
giáo viên chủ nhiệm kiểm tra, nhắc nhở, định hướng cho các em hoàn thành phần việc của
mình. Lập kế hoạch báo cáo kết quả thu thập được từ chuyến đi trong giờ chủ nhiệm hoặc
phối hợp với bộ môn để bài học thêm sinh động và khắc sâu kiến thức.
2. Đổi mới về phương pháp:
Đổi mới phương pháp là cách làm mới, cách làm có khoa học hơn, mang lại hiệu quả hơn. Đổi
mới phương pháp vừa là yêu cầu để phù hợp với đổi mới nội dung, vừa là động lực thúc đẩy
nội dung không ngừng hoàn thiện.
Nếu chỉ đổi mới nội dung mà không đổi mới phương pháp thì sa vào tình trạng không đồng
bộ; gặp rất nhiều khó khăn khi giải quyết vấn đề. Ngược lại, nếu chỉ đổi mới phương pháp mà
không đổi mới nội dung thì sa vào tình trạng “bình mới rượu cũ”, vô tình tạo sức ỳ cho sự
phát triển nội dung.
Xin đề xuất một số đổi mới về phương pháp như sau:
2.1. Thực hiện chuyên trách công tác GVCN
Để không còn là công việc kiêm nhiệm như hiện nay (vừa giảng dạy, vừa làm chủ nhiệm),
chúng ta cần một giáo viên chỉ làm chủ nhiệm . Có như vậy, GVCN toàn tâm toàn ý, mới có
thời gian đầu tư cho công việc và thực hiện công việc có hiệu quả. Từ đó, đặt công tác chủ
nhiệm vào một vị thế quan trọng; không còn là công việc “kiêm nhiệm” của giáo viên. Như
vậy, GVCN sẽ nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhà trường trong việc quản lý lớp.
2.2. Tập huấn công tác tự quản cho đội ngũ Ban cán sự lớp:
Mạnh dạn giao quyền tự chủ lớp học; tạo mọi điều kiện cho Ban cán sự điều hành các mặt
hoạt động của lớp với sự tư vấn của GVCN.
Mục đích của việc tập huấn công tác tự quản này là trang bị cho đội ngũ Ban cán sự lớp những
kiến thức cơ bản về quản lý lớp học. Đó là việc tự quản trong giờ học, tự quản trong những
hoạt động khác (ngoài giờ lên lớp).
Từ đó, Ban cán sự lớp quản lý lớp có phương pháp, bài bản và chủ động xử lý mọi tình huống
xảy ra (nếu có).
2.3. Những bài học về kỹ năng sống, về đạo lý, đạo đức trong các giờ sinh hoạt lớp
Được thực hiện bằng việc thảo luận, trao đổi dưới dạng chuyên đề. Các chuyên đề được báo
trước cho học sinh để các em có thời gian tìm hiểu, suy nghĩ…
2.4. Chọn GV CN
Chọn những GV có tay nghề vững vàng, có uy tín với học sinh, với phụ huynh; có tinh thần
trách nhiệm làm công tác chủ nhiệm. Giao quyền hạn cho GVCN để họ chủ động trong công
việc được giao.
3. Đổi mới về kỹ năng:
3.1. Trang bị kiến thức quản lý nhà nước cho đội ngũ GVCN:
GVCN vừa là nhà sư phạm, vừa là nhà quản lý, nhà tổ chức mọi hoạt động của học sinh trong
lớp. Tập huấn thường xuyên công tác quản lý học sinh cho GVCN. Trang bị những kiến thức
cần thiết, cơ bản cho GVCN (như kỹ năng tổ chức lớp; kỹ năng điều khiển thảo luận chuyên
đề; kỹ năng tổ chức các trò chơi, các hoạt động ngoài giờ lên lớp; kỹ năng giải quyết các tình
huống sư phạm…).
3.2. Không ngừng trau dồi, củng cố, phát huy các kỹ năng của công tác chủ nhiệm.
Mặt khác, GVCN cần tích luỹ vốn sống thực tế, vốn kinh nghiệm để tạo lập các kỹ năng cho
bản thân.
Tóm lại, trong nhà trường phổ thông, công tác chủ nhiệm có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng
trong việc định hướng, hình thành nhân cách cho học sinh. Vì sao chúng ta khẳng định như
vậy? Bởi lứa tuổi học trò là lứa tuổi có nhiều biến đổi về tâm, sinh lý; biến đổi về cách nhìn,
cách nghĩ và biến đổi về nhận thức vấn đề. Vì vậy, công tác chủ nhiệm là một vấn đề lớn,
không thể gói gọn trong một chuyên đề mà cần có sự góp sức, vào cuộc của các bậc nhà giáo,
các nhà khoa học của các ngành liên quan cùng nghiên cứu, trao đổi và đưa ra những biện
pháp thực hiện có hiệu quả nhất.
Ngành giáo dục đang đứng trước những thử thách và cơ hội tốt để vươn lên không ngừng.
Công tác chủ nhiệm càng được quan tâm đổi mới từ cấp lãnh đạo đến cấp cơ sở. Phong trào
xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã và đang đi vào thực tế nhà trường.
Đây cũng là điều kiện tốt cho công tác chủ nhiệm phát huy vai trò của mỗi thành viên; tạo
thành một sức mạnh tập thể, cùng chung sức chung lòng, chung trí tuệ để hoàn thành xuất sắc
nhiệm vụ năm học.
Công tác chủ nhiệm trong tình hình mới càng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, lòng say mê,
lòng yêu nghề, yêu trẻ của mỗi giáo viên làm công tác này. Mỗi người phải tự mình thắp sáng
lên ngọn lửa yêu nghề, yêu thương con người để vững vàng trước mọi tình huống sư phạm
cũng như các tình huống cuộc sống.
Giáo dục học sinh của GVCN là tổng hoà các kỹ năng, là cả một nghệ thuật giáo dục; đòi hỏi
GVCN không ngừng tự hoàn thiện mình, tự nâng cao mình trước yêu cầu nâng cao chất lượng
giáo dục.
2) Khi kể chuyện về công tác chủ nhiệm, giáo viên kể lại một việc làm để lại ấn tượng sâu
sắc nhất của bản thân trong hoạt động chủ nhiệm và trả lời các câu hỏi của Ban Giám
Khảo quan tâm.
1. Chuyện kể của cô giáo Nguyễn Thị Huyền Minh:
Năm học 2009- 2010, tôi được BGH phân công chủ nhiệm lớp 6A2. Theo nhận định
ban đầu của tôi thì đó là một tập thể lớp có mặt bằng nhận thức và ý thức rèn luyện đạo
đức khá đồng đều. Chỉ có một số ít em học sinh bướng bỉnh, lì lợm nhưng tôi tự tin
rằng đó cũng không phải là vấn đề trở ngại lớn. Tôi quan tâm tới một em nữ khá ngộ
nghĩnh: khuôn mặt tròn tròn, nước da đen nhẻm. Chắc bởi nước da đen giống nhân vật
Bao Thanh Thiên trong phim Trung Quốc nên các bạn trong lớp gọi cô bé là Bao
Chửng. Cô bé đó thường vui buồn bất chợt, hay lảng tránh không tham gia các hoạt
động của lớp… Vài lần chú ý quan sát, tôi nhận thấy cô bé có đôi mắt thật tinh anh
nhưng lại đượm những nét buồn khó tả. …
Năm ấy, từ đầu năm học, trường tôi phát động phong trào thi đua “ Xây dựng lớp
học thân thiện”. Tôi tổ chức cho các em HS đến trang trí lớp học. Cô trò đang tíu tít trò
chuyện và cắt dán trang trí thì tôi nghe thoáng có âm thanh gì đó là lạ, nghe không rõ.
Ngẩng lên nhìn, tôi thây cô Chửng nhỏ đang đứng bên một người đàn ông nhỏ bé, tật
nguyền cả chân lẫn tay. Người đàn ông ú ớ nói gì đó không rõ, chỉ thấy cô bé giận dữ
hét lên: “ Con muốn mẹ. Bố tìm mẹ về cho con!” Rồi nó ôm mặt vừa chạy, vừa khóc
tức tưởi. Chứng kiến cảnh tượng ấy, tôi lờ mờ hiểu chuyện. Nhìn người đàn ông buồn
rầu, khó nhọc lê từng bước chân ra phía cổng trường tôi bỗng cảm thấy ái ngại. Trời
lạnh tê tái khi trời chớm đông…
Buổi học hôm sau, cô Chửng nhỏ của tôi không đến lớp. Tôi vội vàng tìm đến
nhà em. Con bé đang dỗ em, bố nó đi chăn trâu chưa về. Đến nhà cô bé, tôi mới thấu
hiểu nỗi buồn khổ của em. Nhà em nghèo lắm. Bố lại tật nguyền. Không chịu được
cảnh khổ nghèo, mẹ nó bỏ nhà đi từ lúc nó học lớp 3, em nó bấy giờ mới 2 tuổi. Ba bố
con em cứ dắt díu qua ngày. Dần dà, nó cũng biết đi chăn trâu thuê, kiếm củi bán. Bố
nó thì cứ hụp lặn cực nhọc với 3 sào ruộng bà cho. Em nó thì ốm quặt quẹo mãi giờ
cũng đã được 4 tuổi... Hai hôm trước, mẹ nó đột nhiên trở về. Niềm sung sướng, hạnh
phúc như vỡ òa trong ngôi nhà khốn khó... Vậy mà chỉ được có một hôm thôi, mẹ nó lại
đột nhiên biến mất không một lời nhắn nhủ. Con bé hụt hẫng, khổ sở. Em lắc đầu
không nói khi nghe tôi bảo tiếp tục đến lớp... Những ngày sau đó là những ngày tôi ray
dứt không yên. Tự sâu thẳm trái tim mình, tôi thầm cảm phục ý trí và nghị lực phi
thường của cha con cô bé. Tôi quyết tâm sẽ tiếp thêm cho họ ý trí và nghị lực để vươn
lên. Hằng ngày, ngoài thời gian trên lớp, tôi cùng nhóm trò nhỏ đến nhà em để đỡ đần
việc trồng rau, trồng sắn, giúp chăm sóc bé Chửng em phát sốt vì khóc đòi mẹ... kèm
theo là những lời động viên chia sẻ. Dần dần em cũng nguôi ngoai và đồng ý trở lại lớp
học. Lũ trò nhỏ lớp tôi vui sướng reo hò vì có bạn Bao Chửng chơi cùng; những món
quà nhỏ của Công đoàn và tập thể cán bộ giáo viên trong nhà trường kèm theo những
lời động viên quý báu đã giúp em cảm thấy ấm áp hơn trong những ngày đông tháng
giá,.... Thấm thoắt cũng đã được hơn 2 năm, tôi cũng yên tâm bởi ngày ngày vẫn thấy
cô Chủng nhỏ của tôi đến lớp đều đặn, học tập tiến bộ rõ rệt. Năm học 2013- 2014, tôi
động viên em tự tin dự thi Học sinh giỏi cấp trường. Cầm giấy khen và phần thưởng
giải khuyến khích trong tay, con bé chạy đến bên tôi thầm thì “ Em cảm ơn cô! Cô là
người mẹ thứ hai của em!”. Tôi giơ ngón tay cái làm điệu bộ tỏ ý khích lệ người chiến
thắng. Rồi vội vàng quay đi, giấu những giọt nước mắt sung sướng, hạnh phúc đang
chảy dài. Tôi thầm chúc cho cô Bao Chửng nhỏ của tôi sẽ luôn vững vàng tiếp bước, dù
trước mắt em chắc chắn sẽ có bao khó nhọc đang chờ...
2. Chuyện kể của cô giáo Phạm Thị Hồng Gấm:
Năm học 1997- 1998 tôi dạy học tại trường THCS Yên lập, huyện Chiêm Hóa, tỉnh
Tuyên Quang và được phân công làm chủ nhiệm lớp 6B với 17 HS. Vào đầu học kỳ 2,
tôi phát hiện thấy trong lớp có 1 em HS trong lớp có tên là Cẩu Văn Sủi thường đến lớp
với vẻ mặt em rất buồn, tôi gạn hỏi mãi em mới ngập ngừng: “Cô ơi chắc em không
được đi học nữa đâu, bố mẹ bắt phải ở nhà lấy vợ, vì anh trai chết, em phải lấy chị
dâu… ”. Nghe nói vậy, tôi bàng hoàng sửng sốt : Một HS mới học lớp 6 đã phải lấy vợ
ư? Mà vợ lại chính là chị dâu của mình! Là 1 giáo viên trẻ kinh nghiệm còn ít ỏi, nên
tôi rất lo lắng, bao ý nghĩ cứ nhảy múa trong đầu tôi. Tôi nhận thấy trách nhiệm của
mình trong việc giúp đỡ cậu học trò nhỏ của tôi được tiếp tục đến trường. Nhưng phải
làm thế nào? ??
Tôi quyết định đến tận nhà Sủi. Qua câu chuyện của bố Sủi, tôi mới rõ sự việc: Anh trai
của Sủi đã cưới vợ cách đây 2 năm và có con, nhưng cậu anh đó không may bệnh nặng
đã chết từ năm ngoái. Theo lệ, Sủi phải lấy chị dâu để thay cho người anh đã chết...
Mọi công việc về cuộc hôn nhân của Sủi với chị dâu dường như đã được quyết định.
Nhận thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề, tôi liền báo cáo với BGH nhà trường để
xin ý kiến về cách giải quyết tình huống. Liên tục những ngày sau đó, tôi và một đồng
nghiệp – là đồng chí hiệu phó nhà trường cùng một số em học sinh trong lớp cùng đến
nhà Sủi giúp đỡ gia đình em trồng sắn, trồng khoai, diệt muỗi… vừa làm, chúng tôi vừa
trò chuyện để thuyết phục bố mẹ Sủi. Chúng tôi giải thích cho họ hiểu: quyết định của
gia đình bắt Sủi phải theo cổ tục cũ là sai lầm, như thế là vi phạm Pháp luật… Chúng
tôi cho bố mẹ Sủi xem kết quả học tập ngày càng tiến bộ của Sủi, chỉ cho họ thấy Sủi là
một cậu bé còn rất ngây thơ và đáng yêu, không đủ sức để gánh vác gia đình…Khi
nghe chúng tôi nói về cảnh tượng đau khổ của Sủi nếu phải lấy chị dâu, ông bố Sủi
ngậm ngùi, nước mắt lưng tròng: “ Thôi, tao không ép thằng Sủi lấy vợ nữa. Sủi cố mà
đi học để đuổi cái dốt, cái nghèo…”
Ngày hôm sau, Sủi đến lớp học với khuôn mặt thật tươi tắn. Cậu bé vui đùa hồn nhiên
cùng các bạn trong lớp. Nó đã được trở lại trong vòng tay yêu thương của cả lớp với vẻ
đẹp thật trong sáng và đáng yêu. Tôi tôi xúc động dưng dưng và bỗng thấy thật hạnh
phúc khi nhận ra rằng mình và đồng nghiệp vừa làm được những điều thật có ý nghĩa.
Không chỉ với cậu trò nhỏ của tôi mà cả với tư tưởng, nhận thức của một số đồng bào
dân tộc; góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp trồng người…
Sau sự việc này, bản thân tôi cũng có thêm những kinh nghiệm quý báu và tự tin hơn
trong công tác chủ nhiệm. Tôi cũng nhận thức được điều vô cùng quý giá: Có tình yêu
thương và trách nhiệm với học trò, chúng ta sẽ vượt qua được những khó khăn vất vả
và đạt được những thành công không nhỏ trong công tác chủ nhiệm lớp.
Qua nhiều năm giảng dạy và làm công tác chủ nhiệm lớp, tôi nhận thức được vai trò
quan trọng của giáo viên trong sự hình thành nhân cách và trí tuệ của các em học sinh...
*****
Những câu chuyện của hai cô giáo không chỉ gây xúc động mà còn đặt ra cho chúng ta
nhiều điều suy nghĩ về cách xử lí các tình huống sư phạm sao khéo léo, linh hoạt, hiệu
quả.
Chúng tôi rất đồng tình với những lời tâm đắc của hai cô giáo: “ Công việc của người
giáo viên chủ nhiệm quả thực không dễ, đòi hỏi mỗi thầy cô phải linh hoạt, sáng tạo
trong từng trường hợp, từng thời điểm... Có lúc ta là cô, là mẹ mẫu mực; có lúc lại
giống như một vị thẩm phán công minh; song có lúc lại như một người bạn thân tình...
Nhưng dù bạn có là ai trong số những vai trò ấy thì tình yêu thương, sự chia sẻ, cảm
thông và tinh thần trách nhiệm sẽ mãi là chìa khóa vạn năng có thể giúp bạn mở cánh
cửa những tâm hồn thơ dại. Đó cũng chính bí quyết thành công trong công tác của
người giáo viên chủ nhiệm”
Câu chuyện thứ nhất: "Vinh vé số"
"Câu chuyện xảy ra đã khá lâu rồi nhưng với tôi nó như mới ngày hôm qua vậy.
Năm đó, năm 2007, tôi được chuyển về trường THCS Lý Thường Kiệt để công tác.
Chao ôi! Đó thực sự là một niềm vui khôn xiết với tôi và gia đình. Tôi được dạy gần
nhà và đặc biệt, tôi được trở lại ngôi trường, nơi ghi dấu cả tuổi thơ êm đẹp thuở cấp
THCS của mình. Và nơi đó, tôi đã gặp em - cô bé với biệt danh “Vinh bán vé số”.
Tôi được phân công dạy môn Hóa học ở hai lớp 8 và chủ nhiệm lớp 8/2. Mỗi ngày đến
trường đối với tôi là một ngày vui bởi lẽ tôi như được tiếp thêm sức mạnh từ các thầy
cô giáo cũ mà giờ họ lại cùng tôi đứng trên bục giảng, tôi hạnh phúc khi được chăm lo
cho cái ngôi nhà nhỏ với nhiều học sinh chăm ngoan nhưng còn nhiều hiếu động và tôi
cũng thấy lo cho một đứa con đầy cá tính là em.
Qua tìm hiểu gia cảnh, qua những tiết dạy, và sinh hoạt lớp, tôi dần biết rõ hơn hoàn
cảnh của từng em và nhất là Vinh, một cô bé với vóc dáng mảnh khảnh, làn da ngăm
đen, mặt thì lúc nào cũng như ai đó mất sổ gạo, học hành thì chểnh mảng, hễ cứ đến sát
giờ học mới thấy xuất hiện và học xong là biến mất như một cái bóng, nhưng hễ ai
đụng đến thì em như một con nhím xù lông. Vì thế mà các bạn trong lớp hoặc tránh xa,
hoặc lại chọc ghẹo em là “Vinh đen”, Vinh vé số”.
Tôi cũng không biết do sự chân thành cùng những nghiệp vụ sư phạm mà tôi gom góp
được bấy lâu nay hay đơn giản giữa tôi và em có cái “duyên” từ trước mà sau mấy lần
tiếp xúc, tôi đã “chạm” được trái tim của cô bé ấy. Đó là những lần, tôi và em lại cùng
nhau ngồi trên chiếc ghế đá ở góc sân trường mà trút bầu tâm sự như hai kẻ tri ân. Em
tâm sự về hoàn cảnh gia đình một cách cởi mở, tôi lắng nghe em bằng cả trái tim mình.
Thật thương cho cô bé còn nhỏ tuổi mà đã phải gánh lên vai nhiều nổi đau tinh thần và
cả chuyện cơm áo gạo tiền. Tôi dần hiểu vì sao, em có những biệt danh trên, vì sao em
vụt đến rồi vụt đi và vì sao em lại dùng những câu từ “chợ búa” để đáp trả các bạn nếu
họ làm em tổn thương. Tất cả chỉ vì em cần tiền để học thêm và trang trải cho những
sinh hoạt khác. Như một người bạn, người chị gái, tôi đã gần gũi, quan tâm, vỗ về,
khuyên nhủ và giúp em nhiều điều trong học tập cũng như cuộc sống. Tôi nói chuyện
với các học sinh trong lớp về hoàn cảnh gia đình của Vinh khi không có mặt em (tất
nhiên với những điều tôi cho là nên ) để các bạn cùng đồng cảm và chia sẻ. Tôi dành
thời gian nhiều hơn để nói chuyện với em chuyện nhân tình thế thái, chuện đời, chuyện
học, chuyện đối nhân xử thế, chuyện con gái, con trai…Em vừa cười vừa khóc, thật dễ
thương biết mấy. Tôi đã không ôm em vào lòng, những cùng với những cái xoa đầu,
ánh mắt trìu mến nhìn nhau, tôi cảm nhận giữa em và tôi gần nhau vô cùng. Tôi chỉ
mong sao cho Vinh có được một ngôi nhà nhỏ thật ấm áp dẫu chỉ là những hạnh phúc
nhỏ nhoi bên bạn bè, thầy cô mỗi khi đến trường. Trong học tập, tôi kèm môn hóa đang
dạy, còn các môn khác, tôi phân công rõ ràng cho các bạn trong lớp. Ngoài ra, tôi
thường xuyên tạo cơ hội để Vinh có một sân chơi thật sự hòa đồng với các bạn trong
8/2. Và để giúp em giảm nhẹ ghánh nặng tiền học phí, học thêm, tôi đã hỗ trợ em một
phần… Như hiểu được tấm long của cô chủ nhiệm cùng các bạn trong lớp, cô bé bán vé
số ấy đã “lột xác” từng ngày. Em trở nên vui hơn, lối cư xử cũng nhẹ nhàng và ăn nói
lịch sự hơn; mỗi lần có điểm cao, em lại chạy tới phòng bộ môn để tìm và khoe với tôi.
Và cuối năm đó, một suất học bổng học sinh nghèo vượt khó của trường với chiếc xe
đạp mới tinh là ước mơ, là phần thưởng xứng đáng cho cho bao ngày học tập và rèn
luyện vất vả của Vinh. Tôi và cả lớp nhìn Vinh trong niềm hạnh phúc.
Năm sau, không chủ nhiệm, không gần em nhiều hơn như trước, nhưng may là được
nhận dạy lại môn Hóa lớp đó nên tôi có nhiều cơ hội để tiếp tục gặp gỡ và giúp đỡ
Vinh.
Cuối năm đó, em thi đậu vào lớp 10 Trường THPT Trần Phú. Từ đó, thi thoảng em lại
đến thăm tôi và cô trò lại cùng nhau chuyện trò.
Bẵng đi một thời gian không gặp em. Rồi đến một ngày. Hôm đó, tôi trở về nhà với vẻ
mệt mỏi, sau khi xong hết mọi công việc, tôi đi ngủ sớm. Đang nằm thì bổng có tiếng
chuông cửa vang lên, tôi xuống mở cửa và thật ngỡ ngàng trước hình ảnh một cô bé ăn
mặc giản dị nhưng toát lên vẻ tươi tắn, tự tin. Tôi đang vô cùng bất ngờ, thì em đã lên
tiếng trước:
-
Em chào cô ạ! Cô có khỏe không? Em là Vinh vé số đây cô ạ.
Vừa nói, nó vừa dúi váo tay tôi một món quà được bọc bằng giấy hồng cẩn thận, rồi
tiếp:
-
Đây là món quà trích từ tháng lương đầu tiên của em, cô nhận cho em vui nhé!
Tôi đứng sững người trong niềm hạnh phúc vỡ òa. Nào tôi đâu nghĩ rằng, mình lại có
công như thế? Hay đơn giản cứ cho đi là sẽ mong ngày nhận lại bởi cái nghề của tôi
vốn dĩ như thế rồi, …"