Bài sau: Tự hát »
Ảo mộng vườn địa đàng sấm sét - Nguyễn Đình Chính
[Gửi ngày September 29, 2007 trong Category: Kịch bản]
*
Nhân vật
Họa sĩ
Cô gái
Người lạ
Người bạn
Con cháu họ hàng
Ðám người ngoại quốc
Pho tượng
Ảo mộng 1
Một cái chõng tre.
Họa sĩ và tượng đất đắp dở chưa có mắt mũi, chỉ có mồm rộng hoác.
Họa sĩ Mày là ai?
Tượng đất Ðoán xem.
Họa sĩ Bệ tượng khối đẹp.
Tượng đất Rất vững chắc.
Họa sĩ Hai bắp chân to tướng.
Tượng đất Khỏe lắm.
Họa sĩ Bụng thon ngon mắt.
Tượng đất Phải rồi.
Họa sĩ Tiếc thay ngực lép, tay khoèo.
Tượng đất Thế thôi à?
Họa sĩ Ô hô! Mắt mũi đâu rồi, chỉ có cái lỗ mồm cá ngão.
Tượng đất Ðã kịp nặn đâu mà hô hoán lên.
Họa sĩ Pho tượng quặt quẹo xấu xí.
Tượng đất Không nhận ra ai à?
Họa sĩ Hừm! Mày là ai.
Tượng đất Là ai! Là ông đấy.
Họa sĩ Bố láo.
Tượng đất Bao nhiêu năm nay ông mê đắm tô tượng đúc chuông hình
hài ông. Bây giờ thì… He he! Tôi đây. Tôi đã hiện ra trước
mặt ông. Tôi
là ông. Ông là tôi. Tôi là ông. He he!
Họa sĩ Nhảm nhí. May cho mày là không có tấm gương tổ bố ở
đây. Mày chẳng hề giống ta. He he!
Tượng đất Ấy vậy mà ông lại giống tôi như đúc.
Họa sĩ Mày điên rồi.
Tượng đất Ông hãy trùm mảnh vải lên đầu và đứng sát cạnh tôi.
Họa sĩ trùm mảnh vải lên đầu đứng cạnh pho tượng.
Cả hai giống hệt nhau.
Chớp lóe lên.
Trời sập tối đen.
Ảo mộng 2
Trời hửng sáng.
Vẫn pho tượng và họa sĩ trùm mảnh vải kín đầu đứng bên nhau im lặng.
Tiếng rao: Nồi thủng, quạt gẫy, báo cũ, sắt vụn, chổi cùn, rế rách mua nào…
Cô gái đồng nát quang gánh đi ra.
Cô gái Hai pho tượng khỉ gió. Không đáng một xu.
Họa sĩ (Bỏ khăn trùm đầu ra) Ta mà không đáng một xu.
Cô gái Ối trời ơi! Ma.
Họa sĩ Ta là người.
Cô gái Ông già dở hơi làm em hết hồn. Ông đang chơi trò gì quái
gở.
Họa sĩ Trò ú tim bịt mắt đi tìm.
Cô gái Ông có gì để bán.
Họa sĩ Có pho tượng đất thó này.
Cô gái Em chẳng mua. Chào ông. Em đi đây.
Họa sĩ Khoan khoan. Ðứng lại.
Cô gái Ông muốn gì.
Họa sĩ Ta muốn thuê em.
Cô gái Dọn dẹp khu vườn.
Họa sĩ Ta muốn thuê em làm người mẫu để nặn tiếp pho tượng.
Cô gái Ðã thuê thì phải trả tiền.
Họa sĩ Ðương nhiên. Ta có nhiều tiền. (Ðưa tiền cho cô gái) Ðã
đủ chưa?
Cô gái Ông già thật là hào phóng.
Thế là xong bắt đầu làm việc.
Cô gái trèo lên chõng đứng nhái theo pho tượng.
Họa sĩ Thõng tay. Nghẹo cổ. Cong mông.
Họa sĩ hùng hục làm việc.
Cô gái ngọ nguậy.
Họa sĩ (Thét to) Nghiêng người. Cong mông. Cong mông lên.
Cong nữa.
Cô gái Thì đây, cong mông. Làm người mẫu. Sướng quá. Sướng
hơn lang thang đồng nát.
Họa sĩ Nói ít thôi. Cố gắng cong mông nữa lên. Gần được rồi. Mà
này, sao mông em cong tếu như mông con bọ ngựa.
Cô gái Vì cái nghề của em luôn phải cúi đầu chổng mông, đào bới
những đống rác hôi thối của thiên hạ.
Họa sĩ Ôi cái nghề đồng nát mạt hạng. Tội nghiệp.
Họa sĩ vẫn hùng hục làm.
Bất chợt mông cô gái lóe sáng.
Họa sĩ Bố khỉ. Ánh sáng. Từ đâu rọi tới?
Cô gái Ông nói gì.
Họa sĩ Ta nói mông em lóe sáng. Ánh sáng từ đâu rọi tới. Trời
đang âm u. Không có nắng.
Cô gái Ông nhìn thấy mông em lóe sáng?
Họa sĩ Lạ quá.
Cô gái Có gì lạ đâu. Thỉnh thoảng mông em lại loe lóe phát sáng
như vậy đấy.
Họa sĩ Tại sao?
Cô gái Em cũng không biết. Vốn dĩ nó như thế từ lâu rồi.
Họa sĩ Ái chà. Em là hồ ly tinh.
Cô gái Hồ ly tinh hiện ra trêu người. Ông có sợ không?
Họa sĩ Ta chẳng sợ.
Cô gái Ông có ghét không?
Họa sĩ Ta yêu em.
Cô gái Ông thật dễ thương. Ông đâu có xấu xa như người đời đồn
thổi.
Họa sĩ Miệng lưỡi người đời ta chẳng quan tâm. Thôi nào. Ðứng
im. Ðừng có cục cựa. Cong mông lên. Cong nữa.
Cô gái Em mỏi lắm. (Nhảy khỏi chõng) Nghỉ chút. Ông có quả
dưa ngon. Em bổ cùng ăn.
Cô gái bổ dưa. Hai người ăn.
Rồi cô nằm vật ra chõng, nhắm mắt ngủ.
Thỉnh thoảng mông cô gái lại lóe sáng.
Họa sĩ tò mò đi vòng quanh chõng, ngắm nghía.
Họa sĩ Cuộc đời có nhiều chuyện lạ lùng không thể hiểu được. Tại
sao thế nhỉ. Ánh sáng. Và bộ mông tuyệt đẹp của người
thiếu nữ. Sự hoàn thiện tuyệt vời tạo hóa. (Vỗ trán) Cố nhớ
xem nào. Hình như. Hình như có một lời hát vu vơ của cơn
gió đồng…
Cô gái (Chồm dậy) Ông lảm nhảm gì vậy.
Họa sĩ Ta nói điều ta đang nghĩ.
Cô gái Ông sống một mình nơi đây.
Họa sĩ Ta chẳng cùng ai.
Cô gái Trong khu vườn hoang vắng, bẩn thỉu, hôi hám này.
Họa sĩ Vườn hoang ư. He he.
Cô gái Tại sao ông cười.
Họa sĩ Vườn hoang à. He he. Vườn địa đàng của đời ta đó.
Cô gái Ối trời ơi. Ðây là vườn địa đàng. (Chạy lung tung vừa múa
vừa hát) Ðây là vườn địa đàng… Vườn địa đàng là đây.
Họa sĩ Khéo dẫm nát mảnh vườn đời ta.
Cô gái (Vẫn múa hát) Này có một cái nồi thủng lăn lóc. Nào thì
sắt vụn. Báo cũ. Ở kia chiếc búa long cán. Rẻ rách chất
đống. Lưỡi cuốc mẻ. Và cả lưỡi cưa. Bốn lưỡi cưa và ba
lưỡi liềm rỉ queo lẫn trong cỏ dại tiêu điều. Vườn địa đàng
ơi là vườn địa đàng ơi. Bán cho em mấy thứ đồng nát trong
vườn địa đàng của đời ông. Em mua.
Họa sĩ Ta không bán.
Cô gái Em cứ mua. He he.
Họa sĩ Bỏ tất cả xuống. Vật nào để lại đúng chỗ đó.
Cô gái Anh già dở người.
Họa sĩ Ta thuê người mẫu chứ không thuê đồng nát dọn vườn. Ăn
dưa rồi. Trèo lên chõng. Câm mồm. Cong mông lên.
Cô gái ngúng nguẩy trèo lên chõng.
Họa sĩ hùng hục làm việc.
Bất chợt, mông cô gái lại lóe sáng.
Họa sĩ Quái quỉ.
Cô gái Chói mắt rồi.
Họa sĩ (Ði quanh chõng ngắm nghía) Ta sắp nhớ ra rồi. Lời hát vu
vơ của cơn gió đồng. Thế nào rồi nhỉ. Gió hát rằng…
(Bỗng nhẩy cẫng lên) Những nụ hôn đen. Những cặp bánh
nứt. Ánh sáng chói chang. Ðời em lầm lụi. He he. Ta nhớ
ra rồi. (Nhẩy múa) Ta nhớ ra rồi.
Người lạ lò dò đi vào.
Người lạ Ta ghé thăm mảnh vườn xưa hoang vắng.
Họa sĩ Ai mời ông vào đây.
Người lạ Im nào. (Bấm độn) Có hai ngôi mộ cổ. A! Không phải. Có
một ngôi mộ cổ và một ngôi mộ mới ở trong khu vườn này.
Họa sĩ Mắt ông nhìn thấu lòng đất.
Người lạ Tôi nhìn bằng tâm, không nhìn bằng mắt.
Họa sĩ Ông thấy…
Người lạ Họa lớn xảy ra.
Họa sĩ Ở đâu?
Người lạ Việc lớn hỏng rồi. Thế mới đau. Càng chữa càng hỏng. Thế
mới càng đau. Ðại họa xảy ra. Thế mới lại càng đau. Sấm
sét chết người. Ðại hồng thủy. Ði cả nải. Tan nát hết.
Họa sĩ Ông là ai?
Người lạ Tôi là thầy mo Vàng Xí Tẹt.
Họa sĩ Thày mo ư? Ta ngờ lắm.
Người lạ Còn nước còn tát ông ơi!
Họa sĩ Nước đâu mà tát.
Người lạ Tôi giúp ông sửa một mâm lễ giải hạn.
Họa sĩ Ta làm nghệ thuật. Ta không mê tín dị đoan. Ta chẳng có
nhu cầu cúng lễ.
Người lạ Các văn nghệ sĩ thường hay coi nhẹ chuyện quỉ thần. Họa
cũng từ đó sinh ra.
Họa sĩ Tôi đang làm việc. Ta không muốn nhìn thấy mặt ai cả.
Người lạ Tôi đến. Tôi đi. Tôi chẳng muốn làm vướng kẹt ai. Xin
chào ông.
Họa sĩ Không dám.
Người lạ Hãy sửa một mâm lễ để giải hạn. Ðại hồng thủy. Nghe lời
tôi đi. Thật tâm tôi muốn giúp ông.
Họa sĩ Cái anh này lằng nhằng quá.
Người lạ Tôi đi đây.
Họa sĩ Cám ơn.
Người lạ Tôi còn quay lại.
Người lạ ra.
Họa sĩ Không biết ở đâu lòi ra gã dở người này.
Cô gái Em chịu.
Họa sĩ Ta tưởng em đồng nát lang thang suốt ngày. Em như con
ma xó. Có cái gì qua được mắt em.
Cô gái Ông nào có phải người từ nơi khác mới đến.
Họa sĩ Mấy chục năm nay ta chỉ loanh quanh trong khu vườn này.
Ta chẳng biết ai vào ai.
Cô gái Buồn cười thay.
Họa sĩ Thôi nào. Tiếp tục làm việc.
Cô gái Em lại phải trèo lên chõng. Cong mông?
Họa sĩ Cứ thế. Tốt lắm. Cong mông lên.
Họa sĩ hì hục làm việc.
Bỗng nhiên dừng lại, vỗ trán.
Họa sĩ Ban nãy ta đang hát câu gì nhỉ. Ta đang hát câu gì thì gã dở
người xộc vào.
Cô gái Ông đang nhảy múa và hát lời của gió.
Họa sĩ Ðúng rồi. Ta hát. Ta múa. Những nụ hôn đen. Những cặp
bánh nứt. Ánh sáng chói chang…
Họa sĩ nhảy múa.
Ánh sáng lại lóe lên từ mông cô gái.
Họa sĩ (Ðứng sững lại) Xuống đây.
Cô gái Em xuống. Ðừng quát to thế.
Họa sĩ Hãy kể ta nghe gia cảnh nhà em.
Cô gái Bố em gánh phân chạy ngang qua đường cao tốc bị xe ô tô
đâm chết. Mẹ em hậu sản liệt giường bốn năm, thối thịt
thối da lòi cả xương chậu. Em phải nuôi 9 đứa em nên phải
bỏ học đi đồng nát nhưng vẫn không sống nổi cho nên.
Họa sĩ Cho nên ngày đi đồng nát. Tối đi bán hoa.
Cô gái Làm sao ông biết.
Họa sĩ Ánh sáng từ mông em mách bảo ta.
Cô gái Cái ánh sáng chết tiệt.
Họa sĩ Ðừng nguyền rủa ánh sáng.
Cô gái Em đi bán hoa thì đã làm sao.
Họa sĩ Chẳng làm sao cả.
Cô gái Ông có khinh em.
Họa sĩ Ta thấy em rất tuyệt.
Cô gái Không xạo.
Họa sĩ Mọi việc ta ngang nhiên làm dưới ánh mặt trời có hay hớm
gì hơn mọi việc em lén lút âm thầm làm trong bóng đêm.
Cô gái Ông đáng yêu hơn tất cả những gã đàn ông tốt mã bảnh
chọe ở trên đời.
Họa sĩ Hãy nhận ta làm bố.
Cô gái Ðể một ngày lố nhố, bố hóa thành anh.
Họa sĩ Có gì vướng kẹt đâu.
Cô gái nằm lên chõng, hát to. Ðời tôi cô đơn không biết
yêu ai. Ðời tôi cô đơn biết yêu ai cùng.
Họa sĩ Một thằng nghệ sĩ. Một cô gái hoang. Vườn thiêng địa
đàng. Ðời không vướng kẹt.
(Ôm cô gái)
Cô gái Bố làm gì đấy.
Họa sĩ Ta làm chuyện người đời vẫn làm với em.
Cô gái Còn mấy hơi sức.
Họa sĩ Ta vẫn còn gân. Ta rất nhiều tiền.
Cô gái Em đồng ý. Vui vẻ ngay trên chõng nhé.
Họa sĩ Có mà rồ. Nhỡ ai trông thấy.
Cô gái Anh già xấu hổ. Xấu hổ với ma à. Buông em ra để em cõng
ông vào nhà.
Cô gái cõng họa sĩ. Vừa đi vừa hát
Vườn địa đàng vắng vẻ. Kín cổng cao tường. Có người nghệ sĩ. Vui buồn với ả hồ ly tinh.
Mưa ào ào ập xuống. Chớp nhoáng nhoàng.
Ảo mộng 4
Ðám con cháu, dâu, rể, họ hàng lũ lĩ ba lô, túi xách đi vào.
- Tới nơi rồi.
- Ðích thị khu vườn hoang này đây.
- Mặt bố phừng phừng thế kia. Tăng xông. Khổ thân ông.
- Eo ôi có con cóc chết.
- Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà.
- Có nhầm địa chỉ không nhỉ.
- Hoang toàng như khu vườn ma.
- Vắng vẻ quá. Tôi cứ ngờ ngợ.
- Người ở đây thì cũng hóa thành người rừng.
- Bố láo. Vườn địa đàng của ông nội chúng mày đấy.
- Bố cả ơi! Có đúng đây là vườn của ông không.
- Mẹ nó lú lẫn rồi à.
- He he. Tác phẩm nghệ thuật vĩ đại của ông đây rồi.
- Ông nặn tượng ai đấy nhỉ.
- Tượng đài một chú đười ươi.
- Con cháu mất dạy.
- Ông nội đi đâu rồi.
- Chắc lại mò ra ngoài thị xã uống rượu.
- Rượu thì phải đi liền với… gái.
- Khủng khiếp.
- Nghe nói ở thị xã có mấy ổ động nổi tiếng.
- Ông cụ đổ đốn. Càng già càng đổ đốn.
- Bà không được nói như thế.
- Chuyện vặt ấy mà.
- Chú hai chạy sang mấy nhà quanh đây hỏi xem cụ đi đâu.
- Con cháu mời cụ về.
- Thôi. Tôi can. Lôi cụ về là cụ lại chửi toáng lên điếc tai.
- Thưa bác cả, bây giờ phải làm gì.
- Huyết áp của tôi lại có vấn đề. Nhức đầu.
- Ta tranh thủ hội ý lần nữa.
- Ý cô chú thế nào.
- Dạ, cứ bán phăng luôn.
- Có cần vội thế không.
- Ôi dào. Mảnh vườn hoang giữ làm gì. Bán phăng. Trích ra
một khoản gửi tiết kiệm cho cụ dưỡng già. Còn thì bác cả
cầm chịch chia đều cho mỗi gia đình. Chia đều.
- Ý của bác cả.
- Cụ còn sống thì cụ không cho bán đâu.
- Vì thế con cháu phải ốp lại gây áp lực.
- Áp lực cái con khỉ.
- Chú Tư toàn nói ngang.
- Sổ đỏ tên cụ chính chủ. Sổ đỏ cụ lại giữ. Cụ không cho bán
thì đố làm gì được.
- Hình như cụ còn định bắt con cháu đóng góp vào xây một
cái từ đường thật bề thế ở chính giữa khu vườn.
- Ối giời ơi! Ông nội chúng mày điên rồi.
- Vẽ chuyện. Nghỉ ngơi một lúc rồi nhà nào nhà nấy cứ đóng
cọc căng dây nhận lấy phần vườn của mình. Xong phắt.
- Ông chửi cho mục mả.
- Kệ ông. Chửi chán thì phải thôi.
- Võ Chí phèo à.
- Hay đấy. Lọt sàng xuống nia. Chuyện đã rồi.
- He he. Chẳng nhẽ ông lại đâm đơn đi kiện cả họ con cháu.
- He he he he!
Trời bỗng tối xầm. Sấm chớp. Một cơn mưa rào đổ xuống
Ðám người tranh nhau chạy vào nhà.
Ảo mộng 5
Vẫn trong cơn mưa rào.
Hai bóng người của thời gian đã mất.
Ông già Anh là ai mà lai vãng tới đất vườn của ta.
Chàng trai Kính cụ ạ.
Ông già Không dám.
Chàng trai Tôi là người chết trẻ. Chuyện đời dài lắm. Tình cờ một
nắm xương thịt tôi lại vùi lẫn đất vườn của cụ. Hôm nay có
trận mưa rào.
Tôi lên tắm mưa mát mẻ.
Ông già Anh là người của thời gian đã mất.
Chàng trai Cũng đã mấy chục năm dĩ vãng xa rồi, thưa cụ.
Ông già Hê hê! Ta cũng là người của thời gian đã mất đây. Ta là
ông cố nội đám người đang nhốn nháo trú mưa trong ngôi
nhà kia. Phần mộ của ta táng ở góc khu vườn dưới gốc cây
Ða trăm tuổi.
Chàng trai Cụ lên tắm mưa mát mẻ.
Ông già Có nóng nực đâu mà đòi tắm. Ta buồn nên ta lên đây.
Chàng trai Nỗi buồn đưa dắt chân ai.
Ông già Ta muốn nguyền rủa cay độc.
Chàng trai Cụ ơi! Lời nguyền rủa cay độc không không xóa nổi nỗi
buồn.
Ông già Ta giận lũ hậu thế cháu con.
Chàng trai Họ đã làm gì nên tội.
Ông già Khu vườn ngày xưa ta để lại, quanh năm cây cỏ tốt tươi.
Vậy mà bây giờ tiêu điều, xác xơ, hoang vắng. Ta buồn
lắm. Ta giận lắm.
Chàng trai Con cháu cụ bận nhiều việc nên trễ nải.
Ông già Việc gì! Thằng cháu họa sĩ hậu duệ đích tôn của ta cả đời
nó chỉ mải mê tô tượng đúc chuông cái hình hài gớm ghiếc
của nó. Còn lũ con cháu kia thì chỉ rình rập, nhăm nhăm xả
thịt khu vườn như xả thịt một con thú. Ta hận. Trời ơi! Ta
hận.
Chàng trai Xin cụ bớt giận.
Ông già Ta muốn anh giúp ta vật cho lũ hậu thế láo khoét này trợn
mắt, lè lưỡi ra.
Chàng trai Tôi là người ngoại tộc. Không dám ạ.
Ông già Xương thịt anh đã hòa trộn đất vườn. Chúng nó băm khu
vườn cũng là băm chém xương thịt anh. Không động lòng
sao?
Chàng trai Xin cụ làm điều thiện. Xin cụ tha thứ.
Ông già Tha thứ nuôi dưỡng ngu dốt đắc ý làm điều xằng bậy. Ðôi
khi làm điều ác chính lại là làm điều thiện đấy.
Chớp xanh lè! Trời vẫn mưa như trút.
Họa sĩ say mềm lảo đảo đi vào.
Họa sĩ He he! Trời mưa sấm sét đùng đùng. Có chàng nghệ sĩ lùng
nhùng trong gấu váy ai.
Ông già Ôi trời ơi! Thảm hại chưa kìa. Nhục nhã quá trời ơi! Chắt
ơi là chắt ơi!
Họa sĩ Tiếng mưa rào rào vui tai. Tiếng ai gọi ta.
Ông già Ông cố nội của mày đây.
Họa sĩ Thum thủm mùi cóc chết.
Ông già Quì xuống.
Họa sĩ Sấm nổ đì đùng. Ông trời cười khóc.
Ông già Mày điếc à chắt ơi!
Họa sĩ Ta nghe rõ tiếng than của gió.
Ông già Lũ hậu sinh bất hiếu.
Họa sĩ Ta kéo lê cuộc đời ta trong thế gian này.
Ông già Ðứng lại.
Họa sĩ Tiếng gào thét của giun dế đòi cản bước chân ta.
Họa sĩ lảo đảo vào.
Ông già Nó điếc. Hay nó vờ điếc. Nó nghe thấy hay vờ không nghe
thấy tiếng của cha ông rì rầm vọng về từ trong lòng đất.
Cô gái tung tẩy đi ra.
Cô gái Ðã lâu lắm rồi mới có trận mưa dữ dội thế này. Thật là
hoành tráng.
Ông già Lại thêm con nặc nô ở đâu mò tới đây.
Cô gái Từ bé tôi vẫn thích cứ trần truồng chạy chơi trò đuổi bắt
rồng rắn lên mây với bọn con trai trong cơn mưa rào
Cô gái hát to:
“Rồng rắn lên mây
Có cây lúc lắc
Có nhà hiển linh
Thày thuốc có nhà hay không…”
Múa hát. Chạy chơi trò rồng rắn một mình với lũ bạn vô hình.
Ông già Xem chừng lũ hậu sinh ăn phải bả độc phát rồ cả rồi.
Chàng trai Cô gái đáng yêu quá.
Ông già Anh phải lòng con bé.
Chàng trai Tôi thèm muốn.
Ông già Cuộc đời lạ lùng. Ðã là ma rồi mà vẫn còn mê gái.
Chàng trai Thưa vâng.
Ông già Hồn người chết gió ù ù thổi.
Chàng trai Xin cụ đại xá cho. Tôi muốn. Tôi thèm.
Ông già Dễ chừng trước khi xuống âm phủ, anh chưa kịp lấy vợ.
Chàng trai Chưa ạ.
Ông già Tội nghiệp. Tuổi thọ của anh.
Chàng trai Tròn hai mươi tuổi.
Ông già Thương thay.
Chàng trai Ðã mấy chục năm rồi, hồn tôi lang thang mơ màng thèm
muốn những lạc thú kiếp người mà tôi không được hưởng.
Ông già Ta thọ đúng trăm tuổi. Một trăm năm sống kiếp người đời
ta đầy ắp, ứa phè lạc thú trên đời. Ấy vậy mà, giờ đây, khi
đã hóa thành hồn ma ông cố nội, lòng ta vẫn không phút
giây nào ngớt rạo rực, khát thèm. Ta thương lắm người
chết trẻ như anh.
Chàng trai Cụ có cách nào bày vẽ cho tôi. Ðã thương thì thương cho
trót.
Ông già Chẳng có cách nào. Ta và anh bây giờ chỉ là những bóng
người của thời gian đã mất.
Chàng trai Thời gian là dòng sông lơ đãng.
Ông già Dòng sông không thể chảy ngược về nguồn. Bí mật cuộc
đời. Than ôi! Ta còn làm gì được đây. Chỉ còn biết ôm mối
hận sầu chín suối.
Sét nổ. Trời đất tối xầm.
Hai bóng người tan biến trong mưa.
Ảo mộng 6
Nắng đẹp.
Tiếng trống ngũ liên báo động dồn dập đổ từ xa.
Khu vườn địa đàng nhốn nháo.
Ðám con cháu họ hàng họa sĩ đang hối hả, lăng xăng căng dây, đóng cọc phân chia lô
đất.
Họa sĩ vào.
Họa sĩ Ta đã chết đâu mà con cháu nháo nhào xả thịt khu vườn
của ta.
Ðám người tíu tít
- Kính chào ông trẻ yêu quí.
- Lũ chúng con đang chơi trò bịt mắt bắt dê đấy ạ.
- Ông định bỏ mặc khu vườn này hoang phế đến bao giờ.
- Vườn địa đàng ơi là vườn địa đàng ơi. Toàn là cứt mèo, cứt
chó, cứt chim.
- Cỏ móc sắc như dao cứa nứt gót chân cháu rồi.
- Cụ cố nội biết ông để khu vườn tan hoang thế này, cụ vật
ông lè lưỡi ra.
- Ngẫm cho cùng mảnh vườn này đâu của riêng ông.
- Ông chỉ có quyền sử dụng chứ không có quyền sở hữu.
- Ông tham quá.
- Hỗn nào.
Họa sĩ Con cháu ơi! Lặng im nghe ta giãi bày, tâm sự.
- Học sinh im.
- Lặng.
Họa sĩ Hay nhỉ. Các con quả là lũ học trò ngoan.
- Bao năm nay, chúng con chỉ biết răm rắp vâng lời. Có đứa
nào dám ho he đâu ạ.
Họa sĩ Này các con. Ngôi nhà ngói ba gian xiêu vẹo kia là của ông
bà ta để lại. Cây muỗng trăm tuổi góc vườn do chính tay cụ
cố nội ta trồng. Ba tảng đá rêu xanh gần lối ngõ là ông cố
kỵ ta khuân về từ châu Hoan châu Rí.
- Chúng con biết cả rồi.
Họa sĩ Khu vườn này đã bao đời nay đơm hoa, kết trái nuôi sống
dòng họ nhà ta.
- Chúng con biết cả rồi.
Họa sĩ Con cháu ơi! Mấy chục năm qua đất trời tác oai, tác quái lũ
lụt, hạn hán liên miên. Ấy là chưa kể đã ba lần bọn buôn
sừng trâu ở xóm thượng cứ sấn sổ đòi ông phải sang tên
trước bạ khu vườn này cho họ. Ông mà không cứng thì
hôm nay con cháu đã chẳng còn chỗ đứng cả ở đây thế này.
- Chúng con biết cả rồi.
- Ông ơi ! Bây giờ ông già rồi. Ông nên nhường lại cho cháu
con trông nom mảnh vườn này.
- Ông còn nuối tiếc gì nữa.
- Lọt sàng xuống nia mà.
- Ông phải tin con tin cháu ông ơi.
Họa sĩ Ta biết. Ta tin. Nhưng con cháu hãy kiên nhẫn chờ ta đắp
xong pho tượng đời ta.
- Ối trời ơi.
- Eo ôi. Ðây là hình hài của ông ư. Mất điện luôn.
Họa sĩ Ta sẽ ký vào sổ đỏ nhường lại khu vườn vào đúng ngày
pho tượng hoàn thành.
- Bao giờ thì tới cái ngày cắt băng khánh thành đó.
Họa sĩ 5 năm. 10 năm. Có thể lâu hơn chút nữa.
- Ối trời cao đất dày ơi.
Họa sĩ Ðừng hối thúc ta. Ðừng dồn ép ta. Ðừng làm ta cuống.
- Ông nội ơi! Tại sao cứ phải đợi đến ngày ông đắp xong
pho tượng.
Họa sĩ Ta muốn để lại dấu ấn muôn đời của ta trong khu vườn
này.
- Như là ông bà ông xây nhà. Như là cụ cố nội ông trồng
cây. Như là cụ cố kỵ ông lát đá.
- Con cháu chẳng phản đối. Nhưng mà ông ơi! Ông bắt con
cháu đợi hơi lâu.
- Nghĩ mà… ớn.
- Ớn cũng đành phải chờ. Chẳng nhẽ lại hè nhau vật ông nội
ra để cướp lấy sổ đỏ.
- Tôi sợ nhất cái cảnh anh em họ hàng cấu xé, dẫm đạp lên
nhau chỉ vì mấy lô đất chó ỉa trong vườn.
Ðám người ồn ã vào.
Họa sĩ Ấy này con cháu ơi! Ðừng vội đi. Ta còn một việc cuối
cùng nhờ cậy con cháu đây.
Ðám người ồn ã ra.
- Có việc gì thế ạ.
- Ông nói đi.
- Con cháu vẫn thương ông, kính ông, đâu dám từ nan.
Họa sĩ Ta muốn đắp một hòn giả sơn thật cao ở ngay giữa khu
vườn.
- Ông cụ lại định bày trò quái quỉ gì nữa đây.
- Theo phong thủy thì đấy là vị trí đẹp nhất trong khu vườn.
- Hòn giả sơn cao bao nhiêu mét, kính ông.
Họa sĩ Cao ngang ngọn cây muỗng cụ cố nội ta trồng.
- Choáng chưa.
Họa sĩ Hòn giả sơn phải thật chắc chắn muôn đời không lún,
không sụt.
- Ối trời cao đất dày ơi.
Họa sĩ Ta sẽ đặt pho tượng đời ta lên chóp đỉnh hòn giả sơn.
- Mất điện hoàn toàn.
- Nhường bác cả. Em xin vái cả nón.
- Chú hai đùn đẩy sang tôi đấy à.
- Con gái em đã sang Hàn Quốc lấy chồng theo hợp đồng.
Vợ em xuất huyết não. Nhà em neo người.
- Cả họ nhà ta chỉ có độc bác cả công thành danh toại làm tới
chức vụ trưởng cho nên…
- Bác đứng ra đảm nhận việc này là hợp lẽ nhất.
- Thím Ba nói hay nhỉ. Nhà tôi bận lãnh đạo cơ quan tối mắt
tối mũi, còn thì giờ đâu mà đi đắp hòn giả sơn cho ông cụ.
- Vợ chồng chú Năm đâu?
- Ấy chết. Con vợ nhà em chỉ thạo bán chè đỗ đen chứ
không biết cuốc đất ạ.
- Trao việc này cho lũ cháu nội ngoại.
- Nâu. Cháu đang bận chơi Gêm.
- Tuần sau cháu phải thi Ai-eo rồi.
- Vợ chồng con đã mua vé đi du lịch Malaixia rồi đấy mẹ
nhé.
- Chú út gánh hộ cả họ việc này đi.
- Ấy chết.
- Anh chị sẽ đứng ra thu tiền mọi nhà đưa tận tay chú.
- Không phải chuyện tiền nong. Mấy tháng nay em đang
méo mặt về cái công ty TNHH chế tác đồ gỗ giả cổ. Nợ
đầm đìa. Em đang lo phá sản, rũ tù còn bụng dạ tâm trí đâu
mà hòn giả sơn với hòn giả cổ giúp ông cụ. Anh chị tha
cho em.
Ðám người ồn ã vào, bỏ lại Họa sĩ chưng hửng.
Ảo mộng 7
Bạn già và đám người nước ngoài.
Bạn già Hây. Ông nghệ sĩ hồn nhiên của tôi. (Ôm nhau. Ôm nhau.)
Họa sĩ Bạn mới về Việt Nam.
Bạn già Vừa xuống sân bay. Tới ngay đây.
Họa sĩ Có công chuyện làm ăn.
Bạn già Tôi đưa khách đến mua khu vườn.
Họa sĩ Tôi đâu có bán.
Bạn già Không bán! Tại sao lại rao bán tíu tít trên In-tơ-nét. Xem
đi. Ðúng chưa.
Họa sĩ Chết tôi rồi. Lũ con cháu mất dạy.
Bạn già Vậy là Nâu.
Họa sĩ Yes.
Bạn già Thế là tôi mất toi khoản tiền môi giới.
Họa sĩ Tiền bạc là cái chi chi, bạn hỡi.
Bạn già Và cũng đi tong uy tín với đám khách hàng. Này một lần
chót nhé. Không bán ư.
Họa sĩ Ðất ông bà tổ tiên để lại. Không thể bán. Hãy hiểu cho tôi.
Ðạo lý phương Ðông bất di bất dịch.
Bạn già Tôi hiểu. Không thành vấn đề. Tôi có cách thu xếp vụ này.
Nói tiếng Mỹ với đám khách hàng.
Một người Mỹ nói tiếng Mỹ với họa sĩ.
Bạn già Jôn Ôoen. Người Mỹ gốc Bồ. Dù sao thì Ôoen vẫn muốn
có một thương lượng với ông.
Họa sĩ Tôi nghe vì phép lịch sự xã giao.
Người Mỹ nói tiếng Mỹ liến thoắng.
Rồi đưa cho Họa sĩ một tấm danh thiếp.
Bạn già Ôoen rất tôn trọng phong tục, đạo lý phương Ðông. Nhưng
nếu có ngày nào đó ông thay đổi ý định về khu vườn thì
xin ông hãy liên lạc với Ôoen theo địa chỉ trong tấm danh
thiếp. Ðảm bảo giá kịch trần.
Họa sĩ Người Mỹ đã bắt đầu học được chữ Nhẫn.
Bạn già Và bây giờ gã Mỹ đề nghị chuyển chủ đề thương lượng
sang pho tượng.
Họa sĩ Ông ta muốn gì.
Bạn già Gã đánh giá rất cao vẻ đẹp man rợ của pho tượng. Gã
muốn mua.
Họa sĩ Mua.
Bạn già Vâng.
Họa sĩ Thằng Mỹ này điên rồi.
Bạn già Tôi không hiểu.
Họa sĩ Tôi có thể bán khu vườn. Nhưng pho tượng thì không bao
giờ. Không bao giờ bán. Ðây là một nguyên tắc còn cao
hơn cả đạo lý.
Bạn già Tại sao?
Họa sĩ Nếu bị dồn ép vào chân tường. Tôi sẽ đập nát pho tượng
chứ bán thì không. Nâu. Nông.
Bạn già Kinh dị.
Họa sĩ Hãy dịch sát từng chữ chuyển cho Ôoen. Trên đời này có
những thứ không thể mua được bằng tiền.
Bạn già dịch. Ôoen gật đầu rồi nói thong thả.
Họa sĩ Cám ơn. Thằng Mỹ hiểu rồi chứ. Tốt lắm. Nó nói gì vậy?
Bạn già Xin lỗi bạn của tôi. Ôoen. Thằng Mỹ. Nó bảo: Có những
thứ không thể mua được bằng tiền thì chỉ có thể mua được
bằng thật nhiều tiền.
Sét nổ vang trời. Mưa trút xuống.
Trời đất tối xầm.
Ảo mộng 8
Cô gái và người lạ đội mâm lễ trên đầu đi ra.
Cô gái Ông sợ mấy con ma ở khu vườn này đến thế kia à.
Người lạ Mâm lễ này không dành cho ma.
Cô gái Cho cây cỏ trong vườn.
Người lạ Không phải.
Cô gái Cho ông họa sĩ già đáng yêu.
Người lạ Ðoán lại đi.
Cô gái Tôi chịu thua.
Người lạ Thôi đi, cô đồng nát giả hiệu. Xin chào nữ ký giả số một
của tờ Tin Nhanh Buổi Sáng.
Cô gái Ðúng là không có cái gì qua được mắt cú vọ của mấy ông
làm nghề khảo cổ.
Người lạ Chúng ta đều ngửi thấy mùi của nhau khi cùng mò đến khu
vườn địa đàng này.
Cô gái Bạn đồng hành muốn tìm kiếm, đào bới một ngôi mộ cổ
trong khu vườn.
Người lạ Tôi chỉ muốn tìm kiếm sự thật trong những lời đồn đại
hoang đường về pho tượng đất của ông họa sĩ già.
Cô gái Vì vậy mà ông phải đóng trò thầy mo Vàng Xí Tẹt?
Người lạ Cũng giống cô vào vai đồng nát bán hoa. Mục đích chúng
ta giống nhau.
Cô gái Tổng biên tập chỉ thị cho tôi phải viết một bài ca ngợi vẻ
đẹp muôn đời của pho tượng trong vườn địa đàng.
Người lạ Cô thất vọng.
Cô gái Không hẳn. Mặc dù, sòng phẳng nhé. Pho tượng là một tác
phẩm nghệ thuật nham nhở.
Người lạ Cô sẽ viết bài rủa xả pho tượng.
Cô gái Không.
Người lạ Tại sao.
Cô gái Vì tôi vô cùng yêu mến người đã sáng tạo ra pho tượng.
Người lạ Cô đã lên giường với ông họa sĩ già ?
Cô gái Ðấy không phải là hành vi giao cấu đàn ông đàn bà. Ðấy là
một biểu tượng của tình yêu và lòng ngưỡng mộ dành cho
nghệ thuật.
Người lạ Kinh hoàng. Một môn đệ trung thành của ngụy biện luận.
Cô gái Ông hãy kể về công việc của mình.
Người lạ Một cuộc phỏng vấn trực tiếp.
Cô gái Ông đánh giá thế nào về pho tượng.
Người lạ Giá trị nghệ thuật là con số không tròn trĩnh, to tướng hôm
nay và muôn đời.
Cô gái Hiển nhiên rồi.
Người lạ Nhưng xét về mặt cổ vật thì. Thế nào nhỉ.
Cô gái Tôi đang ghi âm câu nói của ông.
Người lạ Một ngàn năm sau. Năm 3006, pho tượng sẽ có một giá trị
vô giá. Tôi nhấn mạnh. Vô giá về giá trị cổ vật.
Cô gái Ngành khảo cổ học thật là minh bạch. Minh bạch đến tàn
nhẫn.
Người lạ Khoa học biện chứng khác hẳn ngụy biện luận.
Cô gái Ông bắt đầu chửi vỗ mặt tôi.
Người lạ Chúng ta chẳng còn thời gian đâu để chửi nhau.
Cô gái Tôi cũng đã nghe tiếng trống ngũ liên báo động.
Người lạ Ðại họa rồi.
Tiếng trống ngũ liên dồn dập.
Cô gái Mưa lũ sắp tràn về.
Người lạ Ðại hồng thủy.
Cô gái Thật đáng sợ.
Người lạ Chỉ chớp mắt nữa khu vườn này sẽ ngập chìm trong biển
nước. Tôi khẩn thiết đề nghị cô hợp tác.
Cô gái Ông muốn gì?
Người lạ Cứu lấy pho tượng.
Cô gái Hãy để pho tượng được nhấn chìm trong bùn đất ngàn
năm. Cứu nó ư. Một việc làm vô ích.
Người lạ Tôi muốn ngay từ bây giờ đã được quyền cất giữ nó thật
nguyên vẹn, hoàn hảo trong bảo tàng lịch sử của nhân lọai.
Cô gái Ðể làm gì. Ý nghĩa.
Người lạ Ðể ngay từ buổi sớm mai, chúng ta, và lớp lớp các thế hệ
sau được thường xuyên đến chiêm nghiệm nó. Bởi vì ngoài
ý nghĩa một cổ vật, pho tượng còn là một bài học kinh điển
có giá trị vô song về kinh nghiệm tiến triển của nghệ thuật.
Cô gái Ðúng là một gã thầy mo nhẫn tâm, xảo quyệt.
Người lạ Ô kìa. Lũ đang tràn về. Cô giúp tôi khênh pho tượng lên
tấm phản gỗ.
Sét nổ kinh hoàng. Lũ tràn về.
Cô gái và người lạ lật đật khênh pho tượng lên chõng.
Họa sĩ già đi ra.
Họa sĩ Dừng tay. Ðó là công việc của riêng ta.
Họa sĩ gạt phăng cô gái và người lạ.
Rồi ôm pho tượng nhảy phốc lên chõng.
Họa sĩ Ta không cần giúp đỡ. Các người hãy chạy đi.
Người lạ Tất nhiên rồi.
Cô gái Máy ghi âm của tôi vẫn bật. Xin cho một lời tạm biệt.
Họa sĩ Ta yêu ta. Ta tô chuông đúc tượng đời ta. Như thế tức là ta
tồn tại.
Cô gái (Gào to) Chúng tôi cần một lời chia tay ấm áp. Chúng tôi
yêu ông mặc dù chúng tôi dị ứng pho tượng kinh dị của
ông.
Họa sĩ Chê pho tượng kinh dị ư. Nghệ thuật đích thực không thèm
đếm xỉa đến vẻ đẹp tầm thường. Mấy chục năm qua lao
động sáng tạo của ta đã tạo nên pho tượng này. Các người
biết không, chính lao động sáng tạo đó là giá trị vô song
của pho tượng. Ai dám bảo sự sáng tạo đó chỉ là một ảo
mộng hoang đường. Rồi đây lịch sử sẽ trả lời. Bai.
Hạ màn.
Ba miền - Nam Dao
Tựa
Kịch bản này, bước đầu tác giả dự định là một hài kịch mua vui chọc cười. Không ngờ, khi
đưa cho một số người đọc, có những phản ứng chẳng tiên liệu được. Thứ nhất, có kẻ lại
khóc. Tác giả coi như mình thất bại và chỉ xin, thì thôi, cười trước khóc sau vậy (tốt hơn
cả, là khóc khi màn đã hạ, và cười một khi rời sân khấu ra đối mặt với cuộc đời có thực
vốn đã cam go). Thứ nhì, có kẻ bảo, kịch bản này mang tính ẩn dụ, nặng phê phán xã hội
và như thế có phần chính trị. Trung Nam Bắc ba miền vốn là vấn đề, và có thể còn mãi là
vấn đề dân tộc. Tác giả lại thêm một lần coi như mình thất bại. Xin thưa, không đâu, kịch
bản này nhắm tính hài. Người đọc bảo chính trị tự nó có tính hài. Tác giả hỏi ngược, thế thì
làm sao lại có người khóc ?
Không, một trăm lần không, Ba Miền chẳng đôi co ẩn dụ chi hết. Viết tặng Mẹ, Chị và Em
sinh cùng giờ với tai ương trên mọi ngả đường, Ba Miền riêng gửi Miêng, người nhắn đòi
một vai cho phụ nữ xứ Quảng trong bộ môn kịch bản xưa nay cứ đòi hỏi phát âm kiểu Bắc
cho chuẩn.
Kịch Ba Miền có ba nhân vật nữ, ba mảng đời. Họ tình cờ gặp nhau trong ba màn, từ lúc
Trời Chiều, đến Nửa Ðêm, để rồi chia tay khi Về Sáng. Họ đều ở cái tuổi ta gọi họ là thiếu
phụ. Bởi họ là những nhân vật có thật, nên để tránh ngộ nhận như kiểu các nhà văn thêm
thắt làm duyên, tác giả không dám đặt tên cho nhân vật, chỉ gọi họ là thiếu phụ B, T và N,
B là chữ Bắc viết tắt, T là Trung và N là Nam, sinh quán của ba nhân vật.
Cảnh cho vở kịch : bến xe đò. Phần này, đơn giản tối đa. Không cần xe cộ gì, mà chỉ dựng
một mái tôn che mưa nắng, cho thêm 1 hay 2 cái ghế đẩu thì thế là sang lắm rồi.
Ánh sáng : cần 1 đèn rọi ( khi tạo chú ý đến 1 nhân vật đặc biệt).
Âm thanh : chủ yếu là tiếng xe, tiếng chửi lộn, tiếng chân chạy. Thỉnh thoảng có tiếng nhạc
nhẹ, buồn bã, mơ hồ.
Tóm lại, tác giả giản lược đến độ hy vọng vở kịch này sẽ được dựng trên sân khấu. Chỉ
nhắc vị đạo diễn tương lai kia rằng hài là để cười, và nhiều khi giễu dở cũng là một cách
hài. Nhưng chớ thành hề, thế thôi.
Màn 1 - Trời Chiều
Bến xe (Ðà Nẵng chẳn hạn). Trời chiều, không gian đang chuyển sang màu huyết dụ.
Tiếng mô tơ xe rần rần, tiếng người, tiếng chửi, tiếng nhốn nháo. Ba thiếu phụ ngơ ngác
đứng dưới mái tôn, nói với nhau nhưng bị tiếng động át đi, nghe tiếng còn tiếng mất.
Thiếu phụ B : …là một …Núi có…dời, nhưng…không đời nào thay đổi được !
Thiếu phụ T : Nói chi…(ghé tai vào gần Thiếu phụ B ) tui chưa nghe đặng…hè…
Thiếu phụ N : Chỉ biểu (miệng gào lớn trong tiếng động, tay giơ lên)…xe đò trễ là chuyện
không thay đổi được ! Mấy chị coi dùm hành lý, để em đi hỏi coi…( tất tả bước ra)
Thiếu phụ B nhìn theo, tay bỏ chiếc va li xuống, mắt ngóng. Thiếu phụ T, miệng lầu bầu,
mặt lạnh lùng, ngước nhìn trời. Tiếng động nhỏ dần, nhạc nổi lên ( saxo chơi bài Biển Nhớ
của Trịnh Công Sơn chẳng hạn), rất nhẹ, tạo cảm giác chia tay…Lát sau,
Thiếu phụ B : (lẩm bẩm) Súi quẩy thật! Ðúng là ra ngõ gặp gái..(nhìn đồng hồ, chép
miệng) Chờ cả tiếng đồng hồ rồi chứ ít à ! (quay về phía Thiếu phụ T , hỏi) Chị cũng vào
Thành Phố ?
Thiếu phụ T (gật)
Thiếu phụ B : Chuyến xe sau vào độ mấy giờ hả chị ?
Thiếu phụ T : Chuyến ni là chuyến chót !
Thiếu phụ B : (thở dài, ngồi xệp xuống, bật miệng rên nho nhỏ) Giời ơi là giời …
Thiếu phụ T : (nhìn Thiếu phụ B , bực bội) Càng kêu trời càng cực! Kêu là lỡ luôn đó…
Thiếu phụ B : Chẳng kêu giời thì kêu ai hở chị ! Mà sao lại lỡ luôn cơ chứ ?
Thiếu phụ T : (lạnh lùng, giọng sắt lại) Ông Trời ổng zậy. Lúc cần, ổng ngó lơ…Kinh
nghiệm dân gian đấy (cười nhạt, quay sang hỏi) Chị đi mô sao lỡ xe chỗ ni hè ? (Ngắm
Thiếu phụ B, tiếp) …Người Hà Nội hỉ ?
Thiếu phụ B : Dạ không, em quê Vĩnh Phú…Trên đường vào Thành Phố, em ghé thăm
người nhà ở Ðà Nẵng…Còn chị ? Chắc chị người ở đây ?
Thiếu phụ T : (cộc lốc) …không ! Tui đi xe ôm từ Cửa Ðại vô . Vĩnh Phú ở đâu hỉ ?
Thiếu phụ B : Dạ, cách Hà Nội khoảng trên dưới trăm cây…(Tiếng xe lại rần rần) Mà chị
ơi, ngó lơ là làm sao, chị ?
Thiếu phụ T : (lại cười nhạt)…là nhìn sang chỗ khác, là không làm chi hết. (giọng cáu
bẳn). Có ai kêu trời mà được chi mô !
Thiếu phụ B : (thở dài)…nhưng mà em phải đi !
Thiếu phụ T : ( nhìn Thiếu phụ B , tò mò) Lỡ xe là lỡ hẹn, không trả tiền thì lỡ hàng lỡ họ
hỉ ?
Thiếu phụ B : …Không ! Em có buôn bán gì đâu ! Còn chị ?
Thiếu phụ T đáp, nhưng tiếng xe lại rần rần át đi. Lát sau, Thiếu phụ B lên tiếng.
Thiếu phụ B : Chị buôn gì hở chị ?
Thiếu phụ T : ( giọng khó chịu) Tò mò hỉ !
Thiếu phụ B : ( lí nhí) Ấy chết, em tọc mạch thật, xin lỗi chị…
Thiếu phụ T : (lầm bầm) Có chi mô mà lỗi với lầm! Tui í à (nói như nói một mình), tui đi
mua một giấc mơ không có giá…(cười nhạt, quay sang Thiếu phụ B, giọng bớt căng) Vậy
không đi buôn thì vô Thành Phố làm chi cà ?
Thiếu phụ B : ( lí nhí, quay mặt)…có chút việc, chị ạ ! (vai rung lên, mũi sụt sịt, khóc)
Thiếu phụ T : (ngồi xuống cạnh Thiếu phụ B , im lặng. Lát sau, nhẹ nhàng) Chuyện buồn
hỉ ? ( nhìn Thiếu phụ B, an ủi) …Chuyện gì rồi cũng qua, khóc chi cho mệt ! (lẩm bẩm)
Tui khóc từ khi tám tuổi, khóc liền ba mươi năm thì hết nước mắt…
Thình lình Thiếu phụ N xuất hiện, bươn bả đi vào, lớn tiếng.
Thiếu phụ N : Hỏi mấy chả, hổng ai hay vì sao xe không tới. Mấy chả kêu, chút xíu, đợi
chút xíu đi. Cha lơ xe xởn lởn, cái mặt dễ ghét, hỏi đi Sè Gòong hỉ ? Ngồi uống miếng
nước nghen…(nhái giọng Quảng)…Ði mô vậy cà ? Chèng đất, đi mô ? Hỏi xe zô Thành
Phố mà còn hỏi ( lại nhái, kéo dài ra) đi mô…
Thiếu phụ T : (lầu bầu)…chửi cha không bằng nhái tiếng đó. Coi chừng ! Bến xe là chỗ
mấy chự giang hồ. Tháng trước nghe đâu có đứa gái mười ba tuổi bị hiếp tới chết, xác
quẳng xuống sông Hàn đó…Khi xác lềnh bềnh nổi lên, công an kêu tìm thấy trong túi nạn
nhân một cái vé xe đò, có đăng báo đàng hoàng …
Thiếu phụ N : Chu choa ơi! Nghe phát ớn lạnh. ( Nhìn về phía Thiếu phụ B , lưng quay ra
sân khấu, tay ôm đầu) Mà ủa, sao zậy chị ? (Bước lại, tay lay vai) Nè, chị nè…
Thiếu phụ B : (ngửng lên, ngập ngừng) Bụi bến xe vào mắt, cay cay là…
Thiếu phụ T : (khoác tay) Khóc thì khóc chớ có sao mà chối hè ! Ai khóc được cứ khóc.
Khóc cho sạch bụi! (hạ giọng) Không khóc đặng thì bụi đầy tròng, cực mà phải chịu…Cực
nhưng được tiếng kiên cường (cười nhạt rồi đứng dậy).
Thiếu phụ N : (ngồi sụp xuống cạnh Thiếu phụ B, cao giọng) Em đó hai chị, gặp chuyện là
em vừa khóc vừa chưởi, mà nè, chưởi đả hơn khóc nghe…Bà già em biểu, chưởi được
khóc được là tốt nhứt đó. Bà biểu, chưởi xong khóc xong là xong, hổng có để trong bụng,
nhẹ mình !
Thiếu phụ B : (ngượng ngập) Bụi đấy chứ, em có khóc đâu mà khóc! (Sụt sịt, thở dài rồi
lẩm bẩm) …còn chửi thì chửi ai bây giờ, hả giời ….
Thiếu phụ T : Lại giời…Trời chứ không phải giời !
Thiếu phụ N : Thì cũng zậy, (nhái giọng Trung) cũng rứa…(nhái giọng Bắc) Nhà em
người Hà Nội đấy nhé…Ảnh biểu, tiếng vùng nào cũng không chuẩn. Ông Trời thì thành
ông Giời, ông Trăng hóa ra ông Giăng. Ði vô, thành đi zô. Ði ra, lại nói đi za…(cười, vui
vẻ) Hồi mới gặp, ảnh biểu (nhái giọng Bắc) tôi chẳng phải là loài giăng cuội đâu! Em kêu,
nói cái chi zậy. Ảnh giải thích, em cũng không hiểu luôn…
Thiếu phụ B : …thì chú cuội nói dối bị đầy lên mặt Giăng đấy !
Thiếu phụ T :…mặt Trăng. Chú cuội ngồi gốc cây đa..
Thiếu phụ B : (chêm) …để trâu ăn lúa gọi cha ời ời !
Thiếu phụ N : Hay heng. Miệt em, kêu là đồ xạo. Em …thiệt dở ! Ảnh biểu (nhái giọng
Bắc) , em phải bổ túc văn hóa nhé ! (Cười) Em mà bổ túc văn hóa thì cha con nó không có
cái mà ăn !
Thiếu phụ T : (xách mé) Vậy thì đi mô kiếm ăn rồi mới tới đây ?
Thiếu phụ N : (hồn nhiên, hát ) Ði mô rồi cũng nhỡ về Hà Tịnh… Nhỡ chớ không phải nhớ
nghen….Em mới bên Viên-Chan zìa !
Thiếu phụ B : Việt Kiều hả ?
Thiếu phụ N : (trề môi) Xí…đâu được zậy. Tụi em bắt mánh với mấy bà người Lèo gốc
Việt mình làm ăn đó chị. Em giao hàng xong, về trước, để mấy người bạn ở lại mua hàng
Thái chở lậu qua. Trúng thì một vốn bốn lời, chia cho công an biên phòng, còn ba…( Bất
chợt thở dài sườn sượt) Con nhỏ nhà em đau, ông xã đánh điện gọi, em nóng lòng quá phải
zìa liền…(Ngưng một lát) Thiệt khổ, bữa em đi, nó nóng có chút xíu hà…
Thiếu phụ T : (chặc lưỡi) Có thày có thuốc, lo chi…
Thiếu phụ B : Số mạng cả, lo cũng chẳng được !
Thiếu phụ N : ( đứng phắt lên) Thì em cũng biết, nhưng (nhái giọng Bắc) nhà em đoảng
lắm cơ ! Ðã đoảng, lại sĩ! (Thở ra) Lúc phải lo, không lo. Lúc chẳng đáng lo, lại lo. Mà
đụng tới là giảng giải, phân tích bắt nhức óc, lúc nào cũng (nhái giọng Bắc) hợp tình hợp
lý. Hứ ! tình lý cái khỉ mốc, nói thì giỏi mà đụng tới việc thì, ôi thôi…
Thiếu phụ T : (ngắt) Sĩ là chi rứa ?
Thiếu phụ B : Là sĩ diện !
Thiếu phụ T : Sĩ diện là chi cà ?
Thiếu phụ N : ( cười ngặt nghẽo) …là khi lẽ phải cúi mặt xuống thì lại ngảnh mặt lên. Rồi
khi phải ngảnh mặt lên thì…( cười đến gập người lại, nói không thành tiếng)
Thiếu phụ T : …thì sao chừ ?
Thiếu phụ N : …thì ngảnh cao tới độ không ai thấymặt. Bắt cười dễ sợ…(lại cười ngặt
nghẽo)
Thiếu phụ B : ( giọng có chiều tức tưởi) Chị nói thế, người Bắc chúng em chẳng phải ai
cũng thế…
Tiếng xe lại thình lình rần rần, rồi tiếng chửi lộn, xô xát và tiếng chân chạy thình thịch,
tiếng còi công an huýt lên. Ba người đàn bà nhìn nhau. Tiếng động giảm dần…
Thiếu phụ B : Sợ nhỉ…Em chẳng thấy an ninh tí nào !
Thiếu phụ T : …Bến xe có nhân viên an ninh, lo chi rứa…
Thiếu phụ N : Xí, ông xã em ổng biểu, khi phải lo an ninh tức là không có an ninh. Zậy mà
không phải zậy là cái nghịch lý của nhân loại…
Thiếu phụ T : Nói năng chi mô rị mọ ! Khó tới cha tui cũng không hiểu ! Chắc ổng là thành
phần trí thức hỉ ?
Thiếu phụ N : (lắc) Ảnh biểu ảnh thuộc giai cấp công nông trăm phần trăm. Thứ xịn…
Thiếu phụ B : (cười, ngắt) Ai ở miền Bắc cũng nói vậy, chị ạ !
Thiếu phụ T : Nhưng tui không miền Bắc! Sao? (nhìn Thiếu phụ N ) Cái gì…của nhân loại
cà?
Thiếu phụ N : (trề môi)…thì cái nghịch lý đó !
Thiếu phụ T : ( nhìn quanh, thì thào) Thôi, chớ nói chuyện chính trị…
Thiếu phụ B : Hôn nhân giữa anh chị là đúng chính sách lắm rồi! ( Cười, hóm hỉnh đọc lái,
giọng làm vui ) Bắc Nam ta vốn đồng bào. Xuân này xum họp Xuân nào vui hơn .
Thiếu phụ N : (lại trề môi) Chính sách cái con …khỉ khô! Hai chị ơi, (hạ giọng, nói như hát
cải lương), cũng là nhân là duyên mà ra! Buổi đầu, em bị ảnh zụ đó hai chị ! Sau, thì em zụ
lại ! (nhái giọng Bắc) Gậy ông lại đập lưng ông, hợp tình hợp lý là zậy !
Tiếng xe lại rần rần. Hai thiếu phụ B và T cười, nói nhưng không nghe được. Aùnh sáng
hiu hắt, trời tối dần. Thiếu phụ N ghé tai vào mặt Thiếu phụ T …
Thiếu phụ N : …thì rồi chút em sẽ kể hai chị nghe ! Chết cha, tối tới nơi !. Xe cộ điệu này
coi bộ không khá! (đứng lên, bước ra, ngoái lại nói ) Em ra hỏi coi sao ! Chị coi chừng
dùm đồ nghen !
Thiếu phụ B kéo túi để cạnh mình, vẻ nhớn nhác. Thiếu phụ T đứng dậy, ngóng nhìn rồi
bước theo Thiếu phụ N. Còn một mình, Thiếu phụ B dáng lúc một thiểu não, lại ngồi xệp
xuống. Ðèn rọi. Nhạc nhẹ dìu dặt lắng dần, mơ hồ….
Thiếu phụ B (độc thoại) :
Bao giờ mới có xe đây ? Giời lại tối rồi ! ( Nhìn đồng hồ, chép miệng ) Từ bao nhiêu năm
nay, giời lúc nào cũng là giời chiều vàng vọt. Như cỏ úa…( cười gượng) … như thân tôi.
Lạc loài, tàn phai. Giấc mơ bình minh mỗi ngày một xa, tiếng gà đầu ô không ai được
nghe, đến độ chẳng ai còn nhớ! Kể cả Mẹ ! Mẹ như rơm rạ, nằm bao nhiêu năm nay, mắt
vẫn mở, nhưng vô hồn. Con gọi, mẹ, mẹ ơi. Mẹ mở mắt nhìn lên kèo, lên cột. Con lay,
nhìn kèo nhìn cột làm gì hở mẹ. Con gọi, mẹ hãy nhìn con mẹ đây này ! Vô phương. Mẹ
bất động, mắt trừng trừng giữa cái khoảng không lạnh lẽo vô tri. Mẹ ơi, cái chết hẳn cũng
bất động như thế, khác chăng là không phải cậy răng đổ cháo. Không phải thay tã lót cứt
đái. Phải không ? Con gào lên. Mẹ vẫn bất động, chỉ có hai giọt nước mắt, như hai giọt
máu, ứa ra, lăn theo vết nhăn chảy xuống thái dương. Giời hỡi, sống không cho, chết chẳng
được ! Hết thời bao cấp, cháo chẳng có, nói gì đến cơm. Giời thế, trách chi người ? ( Nức
lên, nhìn xuống như đang nói với mẹ ) Mẹ, mẹ dậy đi mẹ! ( chợt đổi giọng, mơ màng) Mẹ
còn nhớ chứ ? Ngày con sơ tán lên Hòa Bình, mẹ lẽo đẽo theo suối một ngày đuờng, vừa đi
vừa khóc. Mẹ dặn, coi chừng cái bọn Thần Sấm, Con Ma, nghe tiếng máy bay là phải chúi
đầu vào bụi tre, tay bịt tai, mắt nhắm lại, con nhé! Các thày các cô trong trường nửa cười
nửa mếu, khuyên, bà ơi, thôi bà về đi, nhà trường sẽ lo cho các cháu. Mẹ nài «…con bé
cháu nhà tôi đẻ ra sài đẹn, lớn lên lại ngu ngơ…». Giời ơi, thế mà đến nay chỉ một chớp
mắt, giờ thì mẹ chẳng nói lấy một câu. Mẹ, mẹ dậy nhé. Nhìn con mẹ đây này! Mẹ bảo, sau
chiến tranh, con gái mẹ vẫn không trầy trụa, thế có may không ! Vâng, phần xác thì không
trầy trụa. Nhưng còn phần hồn con, trong sâu kín, làm sao mẹ nhìn thấy được ? Cái phần
hồn ấy mẹ ơi …
Thiếu phụ B tay ôm mặt, đầu gục xuống giữa hai gối, vai rung lên. Giữa tiếng thút thít, câu
Cái phần hồn ấy mẹ ơi …văng vẳng, lập đi lập lại. Ðèn từ từ sáng lên. Có tiếng nói, tiếng
chân…
Thiếu phụ T : ( bước vào, giọng bực bội) Ðã dặn là đừng mắc mớ đối đáp với bọn côn
đồ…
Thiếu phụ N : ( chua ngoa) Hỏng chưởi, tức thấy mồ nội. Chị biểu, cái thằng tay chống
nạnh làm tàng, nó theo em, nó hỏi « đi » thì nhiêu ? Chèng ơi, táng được một bạt tai là em
táng liền…Em chưởi, nó giả lả, tay chỉ chị, miệng kêu « con nhỏ có cái mặt đẹp như Thái
hậu Dương vân Nga kia, thì trăm ngàn cũng OK »…Hứ ! tổ cha cái bọn đầu đường xó chợ
…