Tải bản đầy đủ (.pdf) (22 trang)

Cam nang chuan bi cho con den truong mam non

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (4.04 MB, 22 trang )

CẨM NANG
CHUẨN BỊ CHO CON ĐẾN TRƯỜNG MẦM NON
Các bạn thân mến,
Chuẩn bị tìm trường học đầu đời cho con là việc mà hầu hết các bậc cha mẹ đều phải thực hiện.
Từ khi có con các phụ huynh thường suy nghĩ và lo lắng mãi“Làm sao để cho con mình được học ở
một nơi thật tốt?” khi sắp gửi con đến trường mầm non hoặc nhà trẻ. Nhiều người cảm thấy đặc biệt khó
khăn trong giai đoạn chọn trường mầm non cho con bởi vì lứa tuổi này cần môi trường tốt để phát triển, có
sự chăm sóc, yêu thương dạy dỗ chu đáo!
Vào thời điểm đó nhiều gia đình cảm thấy rối như tơ trong mớ bòng bong, hỗn loạn đó với nhiều
những băn khoăn trăn trở hàng trăm câu hỏi lo lắng: Tìm trường mầm non tốt cho con bằng cách nào? Gửi
con ở đâu yên tâm? Ở trường cô giáo chăm sóc con có tốt không? Con đến trường có ăn ngon, ngủ ngon
không?… hoặc bối rối không biết đến độ tuổi nào thì thích hợp đưa con đến trường?... Trên các phương tiện
truyền thông, website, diễn đàn… đã có nhiều bài viết chia sẻ, tư vấn, hướng dẫn, trao đổi về chủ đề tìm
trường mầm non cho con. Hầu hết những tư liệu đó nằm rải rác và không phải ai cũng có cơ hội đọc tham
khảo qua tất cả. Vì vậy, chúng tôi biên soạn quyển cẩm nang nhỏ này dựa trên hàng trăm bài viết chia sẻ
thực tế của các phụ huynh mong rằng sẽ bổ sung tổng quát những điều cần quan sát, xem xét khi các bạn
chọn trường mầm non tốt cho con.
Khái niệm “trường mầm non tốt” ở đây hàm nghĩa là chọn ngôi trường phù hợp điều kiện, mong
muốn của gia đình bạn cho trẻ, bất kể đó là nhóm trẻ, trường công lập, trường tư thục hay trường quốc tế.
Miễn sao nơi đó giúp trẻ cảm nhận mỗi ngày đến trường là một niềm vui.

Cẩm nang chuẩn bị cho con đến trường mầm non

Trang 1


Ebook gồm 4 phần:

Phần 1: Chọn trường cho con……………………………….trang 3
1. 1. Diện tích và không gian sân trường
1.2. Phòng học


1.3. Đồ chơi trong lớp và ngoài trời
1.4. Chế độ dinh dưỡng – nhà bếp
1.5. Chăm sóc y tế
1.6. Chương trình học
1.7. Chương trình ngoại khóa
1.8. BGH-GV-NV trường
1.9. Học phí
1.10. Khoảng cách đưa đón
1.11. Hồ sơ nhập học
1.12. Dịch vụ bổ sung

Phần 2: Làm quen trường trước khi vào học……………..trang 13
Phần 3: Con tiến bộ sau khi đến trường……………………trang 16
Phần 4: Vì sao tôi không chọn trường đó………………….trang 21

Cẩm nang chuẩn bị cho con đến trường mầm non

Trang 2


PHẦN 1: CHỌN TRƯỜNG CHO CON
Bắt đầu tìm trường mầm non cho con như thế nào đây khi chưa có thông tin gì? Dưới đây là một số
bước bạn cần làm khi chưa biết sẽ gửi con ở đâu:
- Đầu tiên, các bạn cần phải xác định sẽ gửi con ở trường công lập hay trường tư thục. Mỗi loại hình trường
có những ưu điểm riêng, vì vậy nên phân tích kỹ hoàn cảnh gia đình, và sức khỏe, tính cách của con để
quyết định.
- Khoanh vùng ở địa bàn mình đang sống có các trường mầm non hợp pháp nào bằng cách hỏi thăm người
thân, đồng nghiệp, hàng xóm hoặc lên mạng Internet tra cứu. (thí dụ trên website Sở GD-ĐT TPHCM có
danh sách trường mầm non từng quận huyện
/>m%E1%BA%A7m%20non )

- Tham khảo ý kiến mọi người xung quanh về chất lượng dạy và chăm sóc của các trường. Ngoài ra có thể
đọc bình luận của các cha mẹ về các trường trên các diễn đàn mạng hoặc truy cập website của trường để
xem thông tin hoạt động của trường, thông tin về giáo viên, thực đơn, học phí… Sau đó gia đình lọc lại danh
sách những trường nằm trong khả năng của gia đình và bắt đầu “hành trình thăm trường” để chọn nơi như ý
mình mong muốn.
- Theo kinh nghiệm của anh Lê Hoàng Việt Lâm (cha bé Lê Hà Nam Phương, NT 25-36th) để có thể tìm
được ngôi trường tốt nhất cho con thì không có cách nào bằng việc đi “thực tế”

Bước 1: xác
định chọn
trường công
hay trường tư

Bước 2: tìm
hiểu các
trường MN hợp
pháp gần nhà

Bước 3: tham
khảo ý kiến
người quen,
Internet

Bước 4: lập
danh sách các
trường sẽ ghé
thăm

Hình ảnh vài trường mầm non công lập, tư thục ở Việt Nam (nguồn ảnh: Internet)
Cẩm nang chuẩn bị cho con đến trường mầm non


Trang 3


Khi đã có danh sách những trường cần đến tham quan, các bạn liệt kê các tiêu chí một ngôi trường tốt
để đến quan sát, đánh giá. Sau đây là một số gợi ý:
+ Cơ sở vật chất trang bị đa dạng, an toàn
+ Giáo viên giỏi chuyên môn, yêu thương trẻ
+ Phòng học thoáng đãng, ngăn nắp, đầy đủ đồ dùng
+ Bữa ăn đảm bảo chất lượng
+ Chăm sóc y tế chu đáo
+ Thuận tiện đưa đón
+ Học phí hợp lý
Cơ sở vật chất của trường bao gồm diện tích sân trường, các phòng học, trang bị đồ dùng đồ chơi, phòng
y tế, bếp ăn, mỗi trường tùy quy mô lớn nhỏ sẽ có sự đầu tư phù hợp. Khi đến thăm trường, các bạn chú ý
xem xét tổng quát từ trong ra ngoài để chọn « ngôi nhà thứ hai » cho con :
1.1. Diện tích và không gian sân trường : Rộng rãi, sạch sẽ, an toàn
- Khuôn viên trường cần rộng rãi, an toàn, môi trường yên tĩnh, vệ sinh sạch sẽ trong lớp và cả hành lang
- Không gian thoáng đãng, mát mẻ có sân chơi trong nhà và ngoài trời vì lứa tuổi mầm non rất cần thời gian
vận động, tha hồ chạy nhảy vui chơi ngoài trời
- Sân trường có đầy đủ những trò chơi vận động cho các bé lứa tuổi mầm non và được trang bị những tấm
lót bảo vệ để bảo đảm an toàn cho các bé nô đùa, chạy nhảy. Ngoài sân, trong lớp, hành lang … thường
xuyên được quét dọn và vệ sinh sạch sẽ.
- Bên trong khuôn viên trường, lớp học cần có vườn hoa nho nhỏ đủ màu sắc, và một số cây cỏ để trẻ tìm
hiểu và khám phá thiên nhiên
- Lưu ý xem trường có những khu vực nào nguy hiểm cho con mình không? có hồ nước sâu không?

Hoạt động vui chơi sôi nổi của trẻ ở trường mầm non
Cẩm nang chuẩn bị cho con đến trường mầm non


Trang 4


1.2. Phòng học : thoáng đãng, tiện nghi và ngăn nắp
Dưới đây là một số trang bị cơ bản ở các trường mầm non các bạn cần quan sát khi vào thăm lớp học
của trẻ ở trường
- Diện tích phòng học cần đủ lớn để cho các bé sinh hoạt học tập (diện tích tùy theo số lượng trẻ trong lớp).
Phòng học có thoáng rộng, nhiều ô cửa sổ lấy đầy đủ ánh sáng cho trẻ, không gian phòng mát mẻ.
- Trong lớp học thường trang bị bàn ghế, tủ đựng cặp cho trẻ, bình nước lọc, ly uống nước, bàn chải đánh
răng, đồ dùng cá nhân, nhà vệ sinh. Theo quy định, trên tủ đựng cặp, ghế, ly, gối ngủ, khăn lau mặt, đồ dùng
cá nhân của trẻ có dán tên hoặc biểu tượng để trẻ phân biệt vật dụng của mình. Tất cả cần được sắp xếp ngăn
nắp, gọn gàng trên các kệ.
- Dụng cụ học tập, đồ chơi cho trẻ có đa dạng và phong phú không? Trên tường có trang trí các góc học tập
đẹp mắt, sinh động không?
- Khu vực để khăn có nắng và thoáng, ly uống nước, chén, dĩa… để trong tủ kính gọn gàng và sạch sẽ
- Các ổ Điện trong lớp học có là mối nguy hiểm cho con không?
- Nhà vệ sinh có trơn trượt không? Trong nhà vệ sinh cần có bồn rửa tay và bồn cầu, tất cả thơm tho và trắng
sạch. Sàn nhà vệ sinh được lót bằng tấm thảm nhựa không bị đọng nước và không trơn trượt.
- Ngoài ra, một số trường trang bị máy lạnh trong lớp học, sàn nhà lát gỗ, mỗi bé ngủ một giường riêng
2.3. Đồ chơi trong lớp và ngoài trời : An toàn, đa dạng, sạch sẽ
Trong lớp học và sân trường được trang bị nhiều đồ chơi cho trẻ học tập, vui chơi mỗi ngày.
- Đồ chơi ngoài trời an toàn, sạch sẽ không có cạnh góc nhọn gây nguy hiểm, không có dằm gỗ, không có
góc kẹt khiến trẻ có thể mắc chân vào gây ngã, dưới các loại đồ chơi được lót thảm xốp mềm, ko trơn. Ví dụ
như cầu tuột có kích thước rất vừa vặn với các bé, các con thú nhún được đặt trên thảm cỏ chứ không phải là
trên sân bê tông để bảo đảm an toàn cho trẻ.
- Đồ chơi trong lớp đa dạng phong phú nhiều màu sắc phù hợp theo từng độ tuổi và an toàn cho các bé như
xếp hình, lắp ghép, đồ chơi phát triển trí tuệ, sách truyện tranh… được đặt trên những chiếc kệ thấp vừa tầm
với của trẻ. Có nhiều đồ chơi do các cô tự tay làm rất sáng tạo, thu hút các bé phát triển khả năng quan sát,
tìm hiểu.


Hệ thống nhà bếp một chiều
2.4. Chế độ dinh dưỡng - Nhà bếp :
Chế độ dinh dưỡng ở trường là một trong những yếu tố quan trọng giúp trẻ mạnh khỏe, tăng sức đề kháng,
phát triển chiều cao, cân nặng.
- Ở trường, các bé thường được ăn sáng, giữa giờ, trưa, xế, uống sữa. Thực đơn phong phú, đủ chất, cân đối
thay đổi hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng phù hợp từng độ tuổi, đảm bảo năng lượng cho trẻ hoạt động ban
ngày. Thực đơn của trẻ thường đăng trên bảng thông báo (hoặc website) để phụ huynh tham khảo
- Thực phẩm của trường đảm bảo nguồn gốc thực phẩm vệ sinh an toàn. (thí dụ thực phẩm do các siêu thị
Cẩm nang chuẩn bị cho con đến trường mầm non

Trang 5


Coopmart, Big C, công ty Vissan hoặc các cửa hàng có giấy phép ATVSTP cung cấp)
- Các món ăn chế biến mùi thơm hấp dẫn, ngon hợp khẩu vị của trẻ. Buổi sáng khi đưa trẻ đến trường bạn có
thể cảm nhận điều này.
- Trường trang bị bếp một chiều sạch sẽ, đầy đủ dụng cụ chế biến món ăn
- Bếp đặt ở vị trí cách xa lớp học đủ để đảm bảo an toàn không ám khói bụi vào lớp học
1.5. Chăm sóc Y tế :
- Có đầy đủ trang thiết bị sơ cấp cứu, tủ thuốc và đồ dùng cấp cứu trong trường hợp cần thiết
- Mỗi năm khám sức khỏe tổng quát, sổ giun định kỳ; 2 lần trong năm cho trẻ uống Vitamin A.
- Công tác phòng chống dịch bệnh của trường qua các bản tin tuyên truyền, lịch vệ sinh lớp học, sân trường,
quan sát theo dõi sức khỏe của trẻ hằng ngày.

Mỗi năm học, các trường tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trẻ 2 lần
1.6. Chương trình học:
Nội dung chương trình giáo dục trẻ ở trường mầm non rất quan trọng vì sẽ giúp trẻ hình thành kiến thức
cơ bản về thế giới quan và những kỹ năng đầu đời cho cuộc sống. Các bạn nên quan sát hoạt động của trẻ ở
trường, kế hoạch hoạt động của trường.
- Theo quy định chung , hầu hết các trường dạy trẻ chương trình giáo dục mầm non mới của Bộ GD-ĐT:

Nội dung chương trình giáo dục Lấy trẻ là trung tâm, giúp trẻ em phát triển cơ thể cân đối, khỏe mạnh,
nhanh nhẹn, cung cấp kỹ năng sống phù hợp lứa tuổi, giúp trẻ biết kính trọng, yêu mến, lễ phép với ông bà,
cha mẹ, thầy cô giáo, yêu quý anh chị em bạn bè, thật thà mạnh dạn, tự tin và hồn nhiên, yêu thích cái đẹp,
ham hiểu biết, thích đi học.
Tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thích đa
dạng đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ theo phương châm chơi mà học, học bằng chơi. Kết hợp hài hòa
giữa giáo dục trẻ trong nhóm bạn với giáo dục cá nhân, chú ý đặc điểm riêng của từng trẻ để có phương
pháp giáo dục phù hợp
- Trên các bản tin của lớp, của trường (hoặc trên website) thường đăng chương trình học chi tiết, bạn nên
xem tham khảo qua và quan sát giờ học của trẻ trong lớp, ngoài sân. Khi trao đổi với BGH hoặc GV, bạn có
thể hỏi chi tiết về chương trình giáo dục trẻ của trường.

Cẩm nang chuẩn bị cho con đến trường mầm non

Trang 6


Giờ học của trẻ trong lớp
1.7. Chương trình ngoại khóa
- Ở trường thường tổ chức những chương trình định kỳ như lễ khai giảng, lễ tổng kết năm học, lễ ra trường
cho học sinh lớp Lá, tiệc mừng sinh nhật…
- Ngoài ra một số trường tổ chức thêm những chương trình như Vui hội trăng rằm, ngày nhà giáo Việt Nam,
ngày quốc tế phụ nữ, Lễ hội hóa trang Halloween, Mừng Giáng sinh...
- Các hoạt động ngoại khóa như tham quan dã ngoại khu du lịch Suối Tiên, Thảo Cầm Viên, Đầm Sen,...
mua sắm tại siêu thị, nhà sách... giúp trẻ tiếp cận với thế giới xung quanh và rèn luyện cách ứng xử nơi công
cộng.
1.8. Ban Giám Hiệu, Giáo Viên, Nhân viên của trường
Công tác quản lý ở trường quyết định phần lớn chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Vì vậy, qua những
trao đổi với ban giám hiệu, giáo viên bạn sẽ nhận xét phần nào hoạt động của trường. Thái độ tiếp đón
nhiệt tình, ân cần với phụ huynh của đội ngũ sư phạm (từ bảo vệ, lao công, giáo viên đến ban giám hiệu,

chủ trường) và sự quan tâm, chu đáo, tinh thần yêu nghề, mến trẻ, thân thiện của đội ngũ sư phạm sẽ giúp
con bạn vui vẻ, thoải mái ở ngôi nhà thứ hai
- BGH tư vấn, giải đáp thật kỹ, thật chi tiết những câu hỏi của tôi xoay quanh về nỗi quan tâm cho bé: “Liệu
con có khóc nhiều không? Con có ăn và ngủ được không?”......với thái độ nhiệt tình, cô dường như hiểu rất
rõ tâm trạng của một người mẹ và đã tận tường tháo gỡ những khúc mắt của tôi. Cô dẫn tôi vào phòng học
quan sát giờ sinh hoạt của bé
- Cô phó hiệu trưởng động viên cứ mang cháu đến làm quen trước khi quyết định gửi trẻ. Điều tôi an tâm
nhất là thái độ của các cô rất ân cần chu đáo, quan tâm chăm sóc cháu, động viên bố mẹ suốt hai tuần đầu
- Cô giáo đón con tôi bằng ánh mắt hiền lành, lời nói dịu dàng, trấn an con bằng những cử chỉ gần gũi thân
thiện. Con càng ngày càng yêu quý các cô giáo của mình, khen cô này hiền, cô kia hát hay và cô thì kể
chuyện rất hay. Cô nhiệt tình, yêu thương trẻ, đảm bảo là không có chuyện đánh đập, hiếp đáp hoặc làm con
phải khiếp đảm tinh thần
- Bác bảo vệ tươi cười, lịch sự với phụ huynh và trẻ. Những lần đưa con đến trường, tôi thấy chú bảo vệ thi
thoảng nhặt từng chiếc lá vàng rơi dưới đất cho vào thùng rác…Cảm giác của tôi, trường chỉnh chu ngay cả
những thứ nhỏ nhặt nhất, chứ chẳng phải là những cái gì cao xa

Cẩm nang chuẩn bị cho con đến trường mầm non

Trang 7


1.9. HỌC PHÍ
Học phí đi đôi chất lượng cơ sở vật chất và giáo dục trẻ. Sự lựa chọn này tùy theo khả năng của gia đình
sau khi xem xét các yếu tố trên.
Mỗi trường có các mức phí và cách thu phí khác nhau, vì vậy các bạn nên hỏi kỹ các khoản khi đến
trường tham quan.
1.10. Khoảng cách đưa đón
Về quãng đường từ nhà đến trường, tùy tình hình thực tế gia đình xem xét sao thuận tiện gia đình và tốt
nhất cho trẻ.
Chọn trường gần nhà: hầu hết các gia đình chọn trường gần nhà hoặc gần chỗ làm để thuận tiện đưa rước

trẻ, nhất là vào những ngày mưa đưa đón con dễ dàng hơn kẻo con dầm mưa thì tội lắm.
Chọn trường xa nhà với lựa chọn này gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, chúng tôi cũng không khuyến
khích các bạn gửi trẻ ở nơi cách xa nhà. Dưới đây là chia sẻ của một số phụ huynh lý do vì sao quyết định:
+ Gần nhà thì có rất nhiều trường mầm non nhưng để tìm trường tốt thì có thể không gần nhà. Đây là cũng là
vấn đề PH rất băn khoăn, vì ngại đi xa nên PH hay gởi con ở trường nào đó gần nhà cho tiện đưa rước, dẫu
biết đây không phải là sự lựa chọn tốt nhất cho con. Vậy PH hãy cố gắng mỗi sáng thay vì đi 5 phút tới
trường thì chúng ta hãy thức sớm hơn 10 hoặc 15 phút hoặc nhiều hơn để đầu tư quỹ thời gian cho, để con
đến ngôi trường mà PH hoàn toàn yên tâm để được chăm sóc và giáo dục tốt nhất.
+ Tôi phải đưa con đi học xa hơn thật không đơn giản. Tuy nhiên, mọi thứ là tôi và gia đình phải thay đổi để
ưu tiên cho con, chứ không phải thay đổi môi trường của con để phù hợp với sinh hoạt của gia đình.
+ Mỗi ngày đưa rước con là lúc cùng con trò chuyện, khám phá mọi thứ trên đường đi học.
*** một số trường có dịch vụ xe đưa rước trẻ, gia đình có thể đăng ký để trẻ đến trường an toàn hơn.

Giờ hoạt động vui chơi ngoài trời
Cẩm nang chuẩn bị cho con đến trường mầm non

Trang 8


1.11. Tuyển sinh và hồ sơ nhập học
- Trường công lập thường tuyển sinh vào khoảng tháng 7 trong thời gian ngắn. Nếu muốn gửi con bạn nên
theo dõi thông báo lịch tuyển sinh của trường
- Những loại hình trường khác đa số nhận trẻ thường xuyên (quanh năm) tùy theo kế hoạch tiếp nhận trẻ
của trường, bạn nên liên hệ trực tiếp hỏi rõ chi tiết. (tốt nhất là gọi điện thoại trước khi đến trường)
- Trường tư thục thường không yêu cầu trẻ có hộ khẩu thường trú tại khu vực, chỉ cần trẻ có KT3, KT4
- Thông thường, bộ hồ sơ nhập học của trẻ gồm có:
1/ 1 Đơn xin nhập học (theo mẫu)
2/ 1 Phiếu điều tra tâm lý đối với lớp nhà trẻ (theo mẫu)
3/ 1 Bản sao khai sanh
4/ 1 Bản sao hộ khẩu và sổ tạm trú nếu có

5/ 1 Phiếu khám sức khỏe (khám tại y tế phường hoặc bệnh viện)
6/ 1 Bản sao photo sổ tiêm chủng

1.12. Những dịch vụ bổ sung
Ngoài những điều cơ bản kể trên, mỗi trường bổ sung thêm trang thiết bị, dịch vụ khác để hỗ trợ công tác
chăm sóc giáo dục trẻ như:
- Giữ trẻ ngoài giờ: những lúc phụ huynh rước bé trễ, cô giáo sẽ giữ bé cho đến khi có ba mẹ bé tới đón.
- Hệ thống máy điều hòa
- Dịch vụ xe đưa rước trẻ
- Hệ thống máy phát điện…
- Hệ thống phun sương giúp không khí trường luôn mát mẻ.
- Gối, nệm, chăn, giường cho trẻ ngủ trường sẽ chuẩn bị sẵn và giặt giũ, vệ sinh hàng tuần, hàng tháng, phụ
huynh không phải đem về nhà.
- Vào những ngày mưa, trường chuẩn bị sẵn giá treo áo mưa, thảm chống trượt, khăn chùi chân để khắp
đường đi để nơi các bé đi không trơn trượt, dễ té ngã

Lễ khai giảng năm học – Hội thi giáo dục vệ sinh răng miệng cháu lớp Lá

Cẩm nang chuẩn bị cho con đến trường mầm non

Trang 9


Lễ hội ẩm thực mừng Xuân -Tiệc chúc mừng sinh nhật

Tiết ngoại khóa mua sắm ở siêu thị, nhà sách

Tham quan Thảo Cầm Viên, xem múa rối nước

Các bé trang trí bánh tặng mẹ ngày 8/3 – Hội thi Karaoke dành cho các bé nhà trẻ, mẫu giáo

Cẩm nang chuẩn bị cho con đến trường mầm non

Trang 10


Gia đình bé Ngô Tấn Quốc đã dành nhiều thời gian, công sức tìm trường mầm non cho con rất công phu,
vì vậy chúng tôi chọn trích đoạn bài viết của gia đình chốt lại hành trình “chấm điểm”trường.
Cũng như bao gia đình khác, chúng tôi khá là bận bịu với công việc, gia đình 2 bên nội ngoại lại ở
rất xa nên việc tìm cho được 1 trường mầm non tốt nhất để giao phó thiên thần nhỏ của mình là rất quan
trọng vì chúng tôi biết rằng Trường mầm non chính là ngôi trường quan trọng nhất, không chỉ ôm ấp và
chăm sóc những đôi chân bé nhỏ mà còn tạo nên nền tảng vững chắc và định hướng tốt đẹp cho tương lai trẻ
sau này.
Chúng tôi bắt tay vào nghiên cứu chương trình giáo dục mầm non, các quy định của Bộ GDĐT và
tiêu chí đánh giá trường mầm non theo tiêu chuẩn quốc gia, rồi lập ra 1 bảng đánh giá riêng cho mình gồm
50 tiêu chí. Không khó khăn mấy chúng tôi có được danh sách 35 trường mầm non trong khu vực. Với tiêu
chí “trăm nghe không bằng một thấy” tôi lập tức lên kế hoạch cho hành trình khảo sát thực tế. Sau hơn 2
tháng vi hành tôi thu thập được 1 số thông tin đáng kể và lấy đó làm cơ sở để đưa ra quyết định chọn trường
cho thiên thần nhỏ của mình.

Kết quả xếp loại và những bảng khảo sát, đánh giá chi tiết 35 trường mầm non
trong quận Thủ Đức của gia đình bé Ngô Tấn Quốc

Bé Ngô Tấn Quốc trong tiết học vẽ ở trường
Cẩm nang chuẩn bị cho con đến trường mầm non

Trang 11


Kết quả đánh giá trường MNTT Hạnh Phúc của gia đình bé Tấn Quốc vào ngày 17/5/2014
Cha mẹ bé đã ghi chú rất chi tiết khi quan sát những hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ của trường

Những tiêu chí trong bảng khảo sát này cũng tương tự yêu cầu cần có của trường mầm non đạt chuẩn
quốc gia của Bộ GD-ĐT Việt Nam

Cẩm nang chuẩn bị cho con đến trường mầm non

Trang 12


PHẦN 2: LÀM QUEN TRƯỜNG TRƯỚC KHI VÀO HỌC
Nỗi lo âu lớn nhất của các bậc cha mẹ là sợ con khó thích nghi với trường, con sẽ khóc nhiều khi rời
khỏi vòng tay gia đình đến một nơi xa lạ. Vì vậy, gia đình cần chuẩn bị thật kỹ bước này cho trẻ:
* Giờ sinh hoạt: tập cho trẻ thói quen ngủ 1 giấc, ăn uống, chơi đùa theo lịch hoạt động ở trường
* Chế độ ăn uống: tập cho trẻ ăn đúng độ tuổi (cháo, cơm nát hoặc cơm thường)
* Chế độ ngủ: tập ngủ giường và bỏ dần ngủ võng, ngủ nôi
* Tâm lý: dẫn trẻ đến chơi ở trường làm quen bạn, quen cô; thường xuyên trò chuyện với trẻ về sự thú vị
của trường học, những điều mới mẻ, hấp dẫn ở trường.
Sau khi quan sát, chấm điểm và quyết định chọn trường mầm non cho con. Các bạn kết hợp cùng
nhà trường chuẩn bị cho trẻ sức khỏe và tâm lý trước khi bé nhập học. Dưới đây là bảng tóm tắt những
bước chuẩn bị của gia đình và nhà trường cho trẻ không bị “sốc” tâm lý khi đến trường

Bước 1

•Phụ huynh và GV-BGH trao đổi tình hình trẻ: đang ở tháng tuổi nào, một số đặc điểm
tâm lý, thói quen vệ sinh, thói quen ăn uống, giấc ngủ… cùng thống nhất cách cho trẻ
làm quen với lớp mới
•Phụ huynh mỗi chiều (lúc 16g) đưa trẻ đến trường làm quen sân chơi, làm quen lớp
học, cô giáo, bạn bè. Thông thường trong khoảng 1 tuần trẻ có thể đi học được. Một
số trẻ nhút nhát có thể cần thời gian dài hơn (2 tuần)

Bước 2


•Khi trẻ đã dần quen với ngôi nhà mới, PH đăng ký hồ sơ nhập học cho trẻ.
•Thời gian đầu đi học, trẻ chỉ đi học một buổi sáng, đến trưa gia đình đón về, BGH và
GV theo dõi sức khỏe, tâm lý của trẻ trao đổi với phụ huynh. (thời gian này ngắn hay
dài tùy tình hình của từng trẻ)

Bước 3

•Khi thấy tâm lý trẻ đã ổn định, say sưa chơi cùng cô, cùng bạn ở lớp, BGH và GV sẽ
báo phụ huynh bắt đầu cho trẻ đi học cả ngày, chiều đón về.
•Lưu ý đừng nên nóng vội cho trẻ ở lại trường sớm dễ gây ra ức chế tâm lý, cháu sẽ
bị khủng hoảng và sợ đến trường

Trẻ cùng phụ huynh đến trường mỗi chiều để làm quen cô giáo, bạn bè, lớp học.
PH và giáo viên trao đổi tình hình tâm lý, sức khỏe, thói quen của trẻ ở nhà và sau khi đến trường.

Cẩm nang chuẩn bị cho con đến trường mầm non

Trang 13


Ở trường, mỗi nhóm lớp đều có 1 lịch giờ sinh hoạt của trẻ. Các bạn nên hỏi GV-BGH lịch hoạt
động này để về nhà tập cho trẻ ăn, ngủ, chơi theo thời gian biểu ở trường. Khi bắt đầu vào học, đồng hồ
sinh học của trẻ sẽ sớm thích nghi hơn bớt bị sốc.
THAM KHẢO HOẠT ĐỘNG TRONG NGÀY CỦA NHÓM NHÀ TRẺ Ở TRƯỜNG
THỜI GIAN
6g30-7g00
7g00-7g15
7g15-8g00
8g00-8g10

8g10-8g30
8g30-8g40
8g40-9g00
9g00-9g40
9g40-10g00
10g00-11g00
11g00-14g00
14g00-14g45
14g45-15g15
15g15-16g00
16g00-17g30

PHÚT
30
15
45
10
20
10
20
40
20
60
180
45
30
45
90

HOẠT ĐỘNG

Đón trẻ - Hoạt động tự chọn – Trò chuyện
Điểm danh – Thể dục sáng
Ăn sáng
Chuẩn bị hoạt động giờ học (theo nhóm)
Hoạt động giờ học
Chuẩn bị ra sân
Hoạt động ngoài trời
Ăn giữa giờ - Vui chơi trong lớp
Vệ sinh – Chuẩn bị ăn trưa
Ăn trưa – Chuẩn bị ngủ trưa
Ngủ trưa
Ăn xế
Vệ sinh chiều – Tắm trẻ
Ăn bữa phụ - Hoạt động chiều
Chuẩn bị ra về - Trả trẻ

Nếu trẻ có thói quen ngủ võng ở nhà, phụ huynh cần tập cho trẻ trước khi đến trường.
Trẻ ngủ võng thường xuyên ở nhà, khi đến trường sẽ khó ngủ vì không quen dẫn đến trẻ ngủ trễ, ngủ không
đủ giấc làm ảnh hưởng sức khỏe của trẻ. PH ở nhà nên tập cho trẻ bỏ ngủ võng từ từ:
- Lúc đầu, sau khi trẻ ngủ say trên võng, gia đình ẵm bé xuống giường ngủ tiếp. Tập khoảng 1-2 tuần.
- Tiếp theo, ngưng thói quen đưa võng mà dỗ cho trẻ ngủ trên võng bằng cách trò chuyện, hát ru. Khi trẻ ngủ
say ẵm xuống giường
- Gia đình giảm số lần cho trẻ ngủ võng từ từ và chuyển sang ngủ giường hẳn. Khi trẻ đã quen, đến trường
trẻ sẽ có giấc ngủ trưa tốt như các bạn.

Gia đình nên tập cho trẻ bỏ thói quen ngủ võng trước khi vào học
(Hình mang tính minh họa)

Cẩm nang chuẩn bị cho con đến trường mầm non


Trang 14


Sau đây là những lời chia sẻ của các phụ huynh cách chuẩn bị tâm lý cho trẻ những ngày làm quen ngôi
trường đầu đời của trẻ
 Các bố mẹ nào chuẩn bị cho con đi học cũng sẽ rất quan tâm tới vấn đề này: bé có khóc không? Bé
có ăn uống được không?... Khóc, khóc thật nhiều và thậm chí còn đòi nhảy xuống xe khi tôi đưa bé
đi học, xót lắm chứ. Nhưng đó là chuyện đương nhiên thôi vì thiết nghĩ bản thân mình khi bị đưa vào
một môi trường xa lạ không có người thân như vậy có khóc không? (chị Hồ Thị Quỳnh Sa, mẹ bé
Trần Phương Quỳnh, NT 25-36th)
 Trước khi đi học, mỗi chiều mẹ đã cho con đến trường chơi để quen dần với môi trường công cộng,
có đông người lạ …mong con quen trường quen bạn. (mẹ bé Thủy Tiên, Mầm 2)
 Cho bé làm quen với trường, với cô, với bạn tìm hiểu lớp học vào các buổi chiều để các bé dần thích
nghi với môi trường mới. Sau đó học một buổi rồi học cả ngày nên con tôi không còn bỡ ngỡ nữa.
(chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, mẹ bé Lê Thùy Dương, NT 18-24th)
 Cho trẻ vào chơi với các bạn cùng tuổi trước khi học chính thức, làm quen với các cô giáo tương lai,
làm quen lớp học, sân trường, hầu như tất cả mọi thứ từ bác bảo vệ ngoài cổng cho đến từng gốc cây,
khóm hoa ở trường… Dĩ nhiên thời gian đó cần phải có phụ huynh ở kề bên bé. Thời gian làm quen
này chuẩn bị càng kỹ càng tốt, có thể 1 tuần, 1 tháng thậm chí 2-3 tháng, các mẹ cần phải kiên trì làm
cho bé cảm thấy đây chính là ngôi nhà thân quen của mình. Thời gian đầu trẻ đến lớp cần phải theo
dõi sát tình hình sức khỏe, thường xuyên trao đổi với cô giáo về hoạt động của bé ở nhà và ở trường
để có sự phối hợp nhịp nhàng giữa gia đình và nhà trường. Chẳng hạn: khi nào bé sốt hoặc mắc
những bệnh dễ lây lan thì cho bé ở nhà, các bệnh ho, sổ mũi đơn thuần thì ra vẫn kiên trì cho bé đi
học..v..v.. (chị Võ Thị Hạnh Phúc, mẹ bé Võ Ngọc Hoàng Lâm, NT 25-36th)
 Trẻ nhỏ đi học đầu tiên chắc chắn sẽ khóc không chịu đi nên chúng ta cần phải kiên trì không vì trẻ
khóc mà bỏ cuộc. Hãy cố gắng vỗ về, an ủi mỗi khi đón bé vào cuối ngày, buổi tối khi ở cùng bé hãy
nói chuyện học ở lớp, kể chuyện, hát cho bé nghe và không quên động viên khen ngợi bé. (chị Phạm
Thị Thủy, mẹ bé Nguyễn Văn Bảo Long, NT 25-36th)
 Tôi luôn kể cho con ở trường có cô có bạn vui như thế nào. Trước khi ngủ tôi lại dặn con mai thức
dậy sẽ đi học rất vui, sẽ có cô và bạn chờ ở trường để đến chơi. (chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thanh

Tâm, mẹ bé Phạm Kim Ngân, NT 18-24th)

Tóm tắt những điều gia đình cần chuẩn bị cho trẻ trước khi vào
học trường mầm non
- Tập ngủ một giấc trong ngày
- Tập đi vệ sinh theo giờ giấc
- Tập ăn đúng chế độ lứa tuổi
- Làm quen môi trường trường học
(lời khuyên của cô Lê Thị Trí,
Hơn 20 năm kinh nghiệm Hiệu trưởng trường mầm non trọng
điểm Quận Thủ Đức)

Cẩm nang chuẩn bị cho con đến trường mầm non

Trang 15


PHẦN 3: CON TIẾN BỘ SAU KHI ĐẾN TRƯỜNG
Nhiều phụ huynh cảm thấy lưỡng lự giữa việc cho trẻ đi học hay nhờ ông bà, người giúp việc giữ trẻ
ở nhà đến khi trẻ lớn hẳn mới yên tâm gửi trẻ đến trường mầm non. Ở nhà trẻ sẽ được chăm sóc kỹ hơn, tha
hồ ăn uống, chơi đùa, ngủ nghỉ tự do, được nâng niu chìu chuộng hết mực. Ở trường, tất cả trẻ phải sinh
hoạt theo thời gian biểu của lớp và được cô giáo dạy nhiều điều như:
* Về ăn uống: ăn ngoan, bớt rặn ói, ăn uống nhiều món đa dạng thịt, cá, tôm, rau quả,…
* Về lễ giáo: chào hỏi người lớn, nói cám ơn, xin lỗi đúng lúc, thân thiện với bạn bè
* Về nề nếp: sinh hoạt ăn, ngủ, chơi, học đúng giờ
* Vận động: chạy, nhảy lò cò, nhảy bật, tung bóng lên cao, ném xa,..
* Kỹ năng: tự phục vụ bản thân: biết mang giày, tự cất cặp (balo), rửa tay, đánh răng,…
* Kiến thức: phân biệt cách màu sắc, hình khối, các loài vật, rau củ quả, số đếm. Học nhiều bài hát,
bài thơ, chuyện kể, tô màu, xé dán, vẽ hình, gấp giấy. Biết chơi đóng vai y tá, bác sĩ, người bán hàng, thợ
xây dựng, …

Sau thời gian “rèn luyện” nề nếp tại trường, các bé sẽ có nhiều tiến bộ hơn hẳn ở nhà khiến ông bà,
cha mẹ bất ngờ! Qua những câu chuyện nhỏ trẻ kể sau khi đi học về, các bạn tiếp tục quan sát đánh giá chất
lượng của trường toàn diện hơn. Dưới đây là một số “thành tích” của trẻ qua lời kể của phụ huynh:
- Bé Nguyễn Dạ Thảo, NT 25-36th: nghe lời hơn, biết cách trả lời, thưa gửi
Kết quả tôi nhận được chính là sự thay đổi của con, về nhà biết nghe lời hơn, khả năng nhớ, nhận
thức, đối đáp của con tốt hơn, xin đi chơi đều có thưa gửi…
- Bé Võ Hoàng Bảo Long: không rặn ói, ăn đa dạng hơn
Khi ở nhà, món ăn nào không thích là phản xạ đầu tiên của bé là rặn ói. Sau một thời gian đi học, dần
dần bé đã theo sự uốn nắn của cô để dễ dàng ăn nhiều món ăn đa dạng hơn, và không rặn ói mỗi khi không
thích ăn nữa.
- Bé Tú Minh, NT 18-24th: sinh hoạt đúng giờ, nói được nhiều
Con trai 24 tháng rồi nhưng lại chưa biết nói. Có lẽ là do từ nhỏ con nghe cả thứ tiếng Việt và tiếng
Hoa và xem ti vi nhiều nên con bị rối loạn ngôn ngữ, chậm nói. Nhờ sự chăm sóc và dạy dỗ tận tình của các
cô con đã vui vẻ mỗi buổi sáng đến lớp, con đã ăn được cơm nát, tự cầm ly uống nước, uống sữa, đi ngủ, đi
vệ sinh đúng giờ và đặc biệt là con đã nói được rất nhiều.
- Bé Lý Quốc Chấn: ăn ngoan, không còn nhõng nhẽo, mè nheo
Tôi lại lo lắng vì bé rất khó: rất nhõng nhẽo, chậm nói, vấn đề ăn uống và ngủ của bé càng khó khăn
(phải nói là khủng khiếp). Tôi đã gần như bị stress khi giữ bé tại nhà. Nhưng kết quả thật là bất ngờ, cháu đi
học rất ngoan, hòa nhập tốt với môi trường mới, về nhà cháu cũng ngoan hơn trước, dễ chịu và vui vẻ hơn.
Ở nhà cháu chỉ ăn cháo, thậm chí là cháo xay khi đã 18 tháng, nhưng ăn rất ít và rất khó ăn. Nhưng vào
trường bé lại có thể ăn cơm hết suất ăn của mình. Sau gần 10 tháng học tại trường thì bé tăng cân đều (dù
không nhiều) nhưng mẹ rất an tâm vì bé cũng ít bệnh hơn trước. Bây giờ thì bé đã ăn được 1 chén cơm tại
nhà, đã biết nói rất nhiều, mỗi ngày đều rất vui vẻ, không còn nhõng nhẽo, mè nheo như trước.

Bé tự múc cơm ăn ở trường
Cẩm nang chuẩn bị cho con đến trường mầm non

Trang 16



- Bé Lưu Quốc Bảo, NT 18-24th: chững chạc, mạnh dạn hơn, thích đi học
Bé đã chững chạc hơn rất nhiều, mạnh dạn hơn với bạn bè, biết lễ phép chào hỏi mọi người (mặc dù chưa
nói được nhiều từ.. Nhưng với những hành động chào hỏi của bé cũng khiến không ít người vừa vui lại vừa
cười đau cả bụng đấy nhé ^^). Giờ đây bé rất hào hứng khi nhắc đến từ “đi học” và đặc biệt mỗi lần mẹ đến
đón về bé không thèm về nhé, hết chạy ra sân chơi, rồi lại chạy vào lớp chơi với cô và một số bạn còn đang
chờ ba mẹ đón về.
- Bé Hồ Quốc Thịnh Mầm 3: lễ phép, nề nếp, tự lập
Nếu như trước đây con trai ở nhà toàn ngủ cùng bà và phải nằm võng, khi ăn phải xem tivi thì mới chịu thì
khi đến trường trong một thời gian ngắn con đã được dạy dỗ và rèn luyện nề nếp sinh hoạt. Con ngày càng
khôn lớn, biết vui chơi, hòa đồng, nhường nhịn lẫn nhau. Con ngày càng lễ phép, tự cầm muỗng xúc ăn, biết
mang giày cũng như những sinh họat cá nhân cũng tự lập. Và đến với trường con được vui chơi nhiều hơn,
học hỏi nhiều hơn.
- Bé Lê Hà Nam Phương, NT 25-36th: thuộc bài hát, bài thơ, tự ăn cơm
Vui nhất là cứ mỗi khi đón con, con tự hào khoe với ba rằng hôm nay con đã thuộc bài hát này, câu thơ kia,
đã biết tự đút cơm hay thậm chí là “Ba ơi, con không tè ra quần nữa”. Rồi nào là “Hôm nay cô Ly cột tóc
cho con”, “cô Lan dạy con tô hình”, “cô Liệu tập hát Chú ếch con của chị Xuân Mai”, hay “cô Thuý cho con
uống thuốc”… Cứ thế, trong vô vàn câu chuyện mà con kể đều có sự hiện hữu của các cô, các bạn ở mái
trường thân thương
- Bé Trần Nguyễn Hương Thảo, Mầm: hoạt bát hơn, biết đọc thơ
Sau gần 1 năm đến trường, con gái tôi giờ rất hoạt bát và thông minh, bé về nhà biết đọc thơ cho ba mẹ nghe,
biết hát những bài hát cô giáo dạy và còn biết làm hoa tặng mẹ nhân ngày 8/3.
- Bé Bồ Anh Khôi, lớp Chồi: ngoan, tăng cân đều, tự phục vụ bản thân
Từ khi đi học nhà trẻ đến giờ con học lớp Chồi, bé rất ngoan, tăng cần đều, biết tự phục vụ bản thân mà
không cần ba mẹ giúp đỡ, biết đánh răng, rửa tay trước khi ăn… Nhìn con mỗi buổi đi học vui vẻ, bé vâng
lời cô, mỗi khi học về bé ôm cô thể hiện tình cảm tôi rất vui vì con tôi ngày một phát triển về trí tuệ lẫn thể
chất

Các bé tự rửa tay sau khi chơi ngoài trời
- Bé Bùi Minh Trí Tuệ, Chồi: nề nếp, lễ phép, biết tự tắm, ăn uống
Bé học qua một thời gian ở trường, tôi thấy bé thay đổi rất tốt về nề nếp, cũng như hành vi của bé được thay

đổi theo hướng tốt, tích cực hơn, như tự ăn uống, tự tắm, tự múc cơm, nói chuyện lễ phép và dạn hơn khi
tiếp xúc với mọi người chung quanh….. Còn những sự bốc đồng của bé như : đôi khi lười , nghịch không
chịu ăn, cãi lại ba mẹ, muốn làm những chuyện mà bé thích, không chào hỏi người lạ… đã giảm rất nhiều.
Cẩm nang chuẩn bị cho con đến trường mầm non

Trang 17


- Bé Lê Phạm Linh Đan, mầm: tự tin, chăm ngoan, ăn uống tốt hơn
Những ngày tháng chập chững, ngỡ ngàng, đầy nhút nhát của con cũng qua đi, con tôi tự tin, dạn dĩ và thích
đi học hơn, con chăm ngoan và ăn uống tốt hơn. Buổi sáng tụt từ trên xe xuống đất là tung tăng xách cặp vào
lớp, buổi chiều hớn hở ôm cổ mẹ, líu lo với những câu chuyện không bao giờ ngừng về lớp của con. Tôi
thích nhất thời gian vào những buổi chiều đến trường đón con, nhìn con quần áo sạch sẽ, thân thể khỏe mạnh,
tóc cột gọn gàng, hai mắt sáng ngời, nụ cười vui vẻ bé chạy ra khoanh tay chào mẹ, khoanh tay tạm biệt cô.
Rồi vừa mang giầy, lấy cặp vừa tíu tít khoe với mẹ hôm nay con đã làm những gì. Nhìn con gái vui vẻ, khỏe
mạnh, thông minh, tự lập tôi cảm thấy thật may vì mình đã chọn cho con gái của mình một ngôi trường phù
hợp.

Giờ chơi trong lớp và hoạt động ngoài trời của trẻ ở trường MNTT Hạnh Phúc
- Bé Bảo Thiên, Chồi: sức khỏe tốt, ăn khỏe, thích đi học
Năm nay con đã học lớp chồi. Sức khỏe con tốt, ăn khỏe, không còn bệnh như thời gian vừa đi học.
Da thịt con rắn chắc. Con thông minh, thích hoạt động và rất thích đi học.
- Bé Minh Nhi, NT 24-36th: lễ phép, biết tự phục vụ bản thân
Sau khi vào học lớp nhà trẻ, bé Minh Nhi của tôi đã biết lễ phép đi thưa về chào, biết tự sắp xếp áo
quần, tự rửa tay chân, đánh răng rửa mặt, thậm chí biết tâm trạng buồn vui của ba mẹ, …
- Bé Minh Ngọc, NT 18-24th: biết cất cặp, tự cầm muỗng ăn
Con của mẹ đi học được 4 tháng. Con đã quen với lớp thì mỗi sáng, con đến trường con được các cô
đón và hướng dẫn con cắm cờ, cất cặp và giày vào tủ, sau đó tập thể dục, tập con cầm muỗng khi ăn cơm và
để con tự múc (ở nhà mẹ không cho con làm vì nghĩ con không thể làm được)
- Bé Văn Hải, NT 18-24th: tự xúc cơm ăn, biết nhiều về thế giới xung quanh

Con đã biết tự xúc cơm ăn nè, con biết tự đi tiểu đúng chỗ nè, rồi con biết gọi mẹ khi đi vệ sinh nữa…thỉnh
thoảng con còn nghêu ngao hát theo các bài hát, tập các động tác thể dục cho mọi người xem nữa cơ. Con đã
biết đến lá xanh, biết đến bông hoa, biết cỏ cây trong vườn, biết con chim, biết con cá trong nước….
- Bé Thủy Tiên, Mầm: tự lập và ngoan hơn
Bây giờ, con gái học lớp mầm đã lớn hơn và ngoan hơn. Ở trường con luôn được các cô yêu thương,
chăm sóc từng li từng tí, từng bữa cơm từng giấc ngủ…Các cô đã tập cho con tính tự lập, con có thể tự làm
những việc mà mẹ ở nhà toàn làm thay con vì thương con, sợ con sẽ không thể làm được
- Bé Châu Anh, NT 25-36th: thích đi học, thích làm cô giáo “dạy” cả nhà
Sau vài ba ngày đầu còn khóc lu loa “con hổng đi học đâu”, đến giờ thì cứ đến tầm 6 giờ sáng là con
gái tự động thức dậy và hào hứng làm vệ sinh cá nhân, soạn quần áo, mặc đồng phục và cuối cùng là “hò”
rằng ba ơi mau mau dắt xe chở con đến trường kẻo không kịp thể dục “phỏe” với các bạn. Bé bày lại một
cách tường tận rất nhiều trò học trong lớp cho cả nhà chơi cùng (khi này cháu đóng vai cô giáo); pha thuốc
cho búp bê, hay nấu canh rau củ, canh chua, món thịt với kho (thịt kho) hay “cháo với trứng cút của cô Mỹ”
cho cả nhà ăn trưa; hay bắt các bạn ông bà nội, ba mẹ nằm im ngủ trưa….Mình đã từng giả vờ không làm
theo đúng những hiệu lệnh của cháu, và rồi, thật bất ngờ và hạnh phúc khi cháu lại vào vai “cô giáo” mà la
rằng: “hư nè,…có nghe lời cô hông, bạn Ba K. phải làm như vậy nha”, “thôi ngoan đi, ăn ngoan, rồi chiều
về với ba mẹ”, “bạn Ba K. giỏi quá, xíu cô cho 2 bông hồng lun”…..Những gì cháu thể hiện, dù không tuyệt
đối chính xác (về câu chữ và giải pháp), song cơ bản đã tái hiện gần như tất cả sự nuôi dậy của các cô. Nếu
không yêu trường, yêu bạn bè, yêu cô thì có lẽ, chẳng bao giờ một đứa trẻ “nhà trẻ” lại nhớ trường, nhớ mọi
hoạt động tại nhà trường đến như vậy.

Cẩm nang chuẩn bị cho con đến trường mầm non

Trang 18


- Bé Hoàng Tấn, Chồi: hòa đồng, thích hát
Từ một đứa bé không có nề nếp, trật tự, không có tính tập thể, bé Hoàng Tấn đã thay đổi rất nhiều.
Bé biết hòa đồng với các bạn, không còn sợ đám đông. Bé đã có thể hát nhiều bài hát, điều mà cách nay một
năm khi bé mới vào trường, bé không hề biết hát, dù ở nhà gia đình có dạy. Về mặt ngôn ngữ của bé cũng

phát triển đáng kể bé đã nói được nhiều hơn. Giờ đây mỗi sáng thức dậy, bé đã biết nhắc ba “Chở con đi học
đi ba”, “anh Hai đi học” (lời của bé nói với em)

Các bé biết mang giày, rửa tay, lau mặt, đánh răng ...

Trẻ học cách xếp quần áo – Trẻ học trong phòng Kidsmart

Đồ chơi của trẻ thường xuyên được rửa sạch phơi khô – Trẻ ngủ trưa ngon giấc
Cẩm nang chuẩn bị cho con đến trường mầm non

Trang 19


Sau đây là bài viết ngắn gọn, súc tích của anh Nguyễn Thanh Phong, cha bé Nguyễn Minh Khang,
lớp Chồi 3, tiêu chuẩn chọn trường mầm non của gia đình anh
Với từ khóa “trường mầm non tốt” tra cứu trên Google, ta dễ dàng nhận được hơn 11,600,000 kết quả chỉ trong
vòng hơn 1 giây. Điều đó chứng tỏ, vấn đề tìm kiếm, chọn trường mầm non cho con đã và đang được xã hội rất
quan tâm, nhất là trong giai đoạn giáo dục còn khá nhiều bất cập như hiện nay. Có rất nhiều tiêu chí để chọn
trường cho con, tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình. Riêng tôi, có 5 tiêu chí theo thứ tự ưu tiên như sau:
1) Thuận tiện đưa đón:
Đối với Gia đình 2 thế hệ như tôi, thì tiêu chí này được ưu tiên đầu. Chọn trường sao cho thuận tiện để tôi và mẹ
của bé đưa đón. Đầu tiên, tôi tìm hiểu, liệt kê tất cả các trường mầm non đang có trên địa bàn gần nhà và cơ quan
của chúng tôi, cụ thể là Quận 9 và Quận Thủ Đức, thông qua nhiều kênh thông tin: bạn bè, internet, báo
đài,…Sau đó, chọn những trường thuận tiện cho việc đưa đón.
2) Thời gian học:
Thời gian nhận trẻ, thời gian đón trẻ, số ngày học trên tuần, là những điểm là tôi quan tâm nhất. Chúng tôi là
công nhân viên và làm 6 ngày/tuần, thời gian làm việc từ 7h30 đến 16h30. Vì vậy, chúng tôi không thể chọn
trường Nhà nước, khi mà thời gian đón trẻ về từ 16h~16h30 và nghỉ thứ 7. Trường Tư thục là lựa chọn hợp lý
nhất cho gia đình tôi trong giai đoạn này.
3) Cơ sở vật chất:

Tiêu chí này không có cách gì hơn là bằng phương pháp trực quan. Vì vậy, tôi đã chủ động liên hệ với những
trường mà tôi đã lập danh sách, xin được tham quan trực tiếp. Tôi xem xét những điểm sau:
- Sân chơi ngoài trời: mức độ sạch sẽ, an toàn, sự sáng tạo…
- Bên trong lớp học: mức độ sạch sẽ, an toàn, sự sáng tạo…
- Bếp ăn: cách bố trí, nguyên liệu, nhà cung cấp thực phẩm, thực đơn tuần,...
4)Chương trình dạy, phương pháp dạy:
Chương trình học, phương pháp dạy là yếu tố rất quan trọng, bởi vì đây là khối mầm non. Tính cách của trẻ sẽ
ảnh hưởng rất nhiều từ chương trình học và phương pháp dạy. Hầu hết các trường mầm non đều có Website, và
chương trình học cũng được giới thiệu khá chi tiết trên đó. Tuy nhiên, tôi nghĩ tất cả cần được kiểm chứng. Tôi
chọn cùng lúc 2 cách sau:
- Tham khảo các diễn đàn trên Internet: Rất dễ dàng để có những thông tin trên các diễn đàn mạng.
- Tham khảo ý kiến từ những phụ huynh, người quen đã và đang có con, em tham gia học tại trường mình muốn
chọn.
Xin được nói thêm là tôi chọn Trường thông qua tham khảo ý kiến người quen là chính, những người mà hiện tại
con của họ vẫn còn đang tham gia học ở đây. Và tôi thấy, hầu hết các nhận xét, ý kiến của người quen chúng tôi
về trường là đúng.
5) Học phí:
Về tiêu chí này, tôi nghĩ tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình. Điều tôi muốn nói ở đây là phải tìm
hiểu các khoản thu chi một cách kỹ càng. Tôi đã gặp một số trường hợp thông báo học phí thì rât thấp, tuy nhiên
khi vào tham gia học thì sau đó phát sinh rất nhiều khoản khác mà theo tôi lẽ ra phải thông báo từ lúc ban đầu.
Trên đây là những chia sẻ của tôi về việc chọn trường mầm non tốt cho con. Rất hy vọng, thông qua cuộc thi viết
này, Phụ Huynh sẽ có được nhiều thông tin chia sẻ cùng nhau trong việc tìm hiểu, chọn trường cho con. Và thêm
vào đó là nhà trường cũng sẽ có được thông tin từ phụ Huynh, cùng nhau tạo môi trường học tập tốt hơn cho con
em chúng ta.

Cẩm nang chuẩn bị cho con đến trường mầm non

Trang 20



PHẦN 4: VÌ SAO TÔI KHÔNG CHỌN TRƯỜNG ĐÓ?
Cầm trên tay 1 danh sách dài những trường sẽ ghé thăm, vậy vì sao phụ huynh chọn trường này mà
không chọn trường kia? Sau đây là vài lý do theo quan điểm cá nhân phụ huynh nhận xét:
Chị Kim Khánh : Mỗi ngày Hải Long đi học, con đều khóc, đều không muốn đến trường. Mình làm
cha mẹ cũng cảm thấy xót xa, con cứ ôm lấy mẹ và nói bằng giọng nói ngọng nghịu “mẹ ơi con không đến
trường, con không đi đường đó đâu, con sợ…..” Một tuần rồi gần một tháng trôi qua, cứ tưởng con chưa
quen, thế nhưng, mọi thứ vẫn như vậy, con vẫn khóc, vẫn không muốn đến trường…Và rồi, mẹ theo con vào
trường, đứng nhìn con qua hàng rào cổng trường, và mẹ được biết và thấy con muốn đi vệ sinh, con cũng
không được đi, phải đến giờ con mới được đi, con “tè bậy” ra ngoài (vì không được đi, khi chưa đến giờ),
con lại bị la mắng, bị phạt. Mẹ đã hiểu rồi, lý do tại sao con như thế, mẹ đứng mẹ khóc vì thương con…
Chị Lê Ngọc Phương Tâm: Sau một thời gian đắn đo, tôi đã quyết định cho bé học vì nhiều lý do
như: kinh tế cho phép, sĩ số học sinh thấp (16 bé/lớp, 3 cô/lớp), có thể quan sát bằng camera tại nhà, thực
đơn phong phú, có người quen học tại trường và học chung lớp với bé, chương trình học hấp dẫn, đồ chơi
đẹp và phong phú, phòng học sạch sẽ, rộng rãi, trang bị máy lạnh....Trong rất nhiều lý do, tôi quan trọng
nhất là lớp ít học sinh, vì lúc ấy bé con quá nhỏ, với sĩ số như vậy cô sẽ chăm sóc bé được chu đáo hơn.
Nhưng sau một thời gian theo học, tôi nhận thấy diện tích trường quá nhỏ, sân chơi ngoài trời quá bé và ít đồ
chơi, lại rất nhiều muỗi, không khí không được thông thoáng, điều này thật sự không tốt đối với sức khỏe
các bé. Thật ra ngoài việc học trong lớp tôi cũng rất chú trọng đến vấn đề vận động thể chất cho bé. Sau đó
thì nhà trường đột ngột tăng học phí lên 50% với lý do không hợp lý. Tôi quyết định đổi trường cho con.
Ngôi trường đầu tiên, tôi như chùng bước lại khi nghe tiếng khóc thét lên của mấy bé nhỏ. Tôi quay
về với một lý do thật đơn giản khi quyết định từ bỏ ngôi trường ấy là: "cổng trường kín quá" những người
khác cười tôi, nhưng thật sự đứng trước 1 cánh cổng to và kín mít như thế tôi không an tâm.
Ngôi trường thứ 2 là một ngôi trường có bề dày lịch sử. Tôi đến và quan sát lớp học từ xa, các phân
bố thời lượng chương trình học cũng có đó, nhưng hầu như là xem ti vi. Và tôi vô tình được chứng kiến
cảnh một bé chừng 18 tháng đứng ở 1 góc lớp và khóc mãi. Tôi có hỏi và nhận được câu trả lời của cô ở
trường: "không ai đánh gì nó đâu cô ơi, mới vào học được 3 ngày nên chưa quen khóc vậy đó. Tí nữa mệt ,
tự khắc im và chơi thôi, ngày nào cũng vậy mà". Khi tôi về cũng chẳng thấy ai bế cháu lên để dỗ dành cho
cháu nín cả.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm: Tôi đến trường cũng không xa nhà lắm. Lớp học rộng rãi vừa đủ
phòng có nhiều cửa sổ thoáng mát dù sàn nhà trải simili mà thôi. Khoảng hiên trước mỗi phòng học gộp lại

thành sân trường với các song sắt chi chít ở cổng làm tôi liên tưởng đến một nơi không vui lắm. Một bé
không mặt quần cầm bô chạy quanh chỗ các bé khác đang nằm uống sữa trong khi cô giáo cố gắng kêu la bé
về chỗ. Một bé nhìn tôi và đang khóc (chắc do nhớ mẹ), nước mắt nước mũi ròng ròng mà có lẽ do bận cho
bé khác ăn cô chưa kịp chùi. Lại hơi chạnh lòng nghĩ đến cô bé đó mà là con mình, tôi và chồng ra về để bữa
sau thăm trường khác.
Hôm sau tôi đến một trường khác xa hơn một tí. Cô giáo phụ trách ở văn phòng hơi khó chịu thắc
mắc sao tôi đến trễ làm tôi hơi hụt hẫng tí (vì trên website trường có thông tin có thể tham quan đến 5h30
mỗi ngày). Phòng học ở đây dù không có nhiều cửa sổ nhưng sạch sẽ và ngăn nắp làm tôi khá hài lòng, hơn
nữa dù học phí không quá đắt nhưng trường có trang bị camera, như vậy tôi có thể nghía con mình mỗi khi
nhớ rồi . Cô cho tôi xem camera từ văn phòng, khá rõ và có thể nhìn bao quát hết lớp. Cô giáo chủ nhiệm
lớp nhà trẻ vẫn còn ở lại, cô niềm nở dẫn tôi vào xem lớp, hướng dẫn khi đi học cần gì và còn chia sẻ rằng
các bé ở đây rất ngoan, dù thứ 7 cha mẹ nghỉ làm vẫn đưa bé đến trường vì ở nhà không thể cho ăn tốt như ở
trường được. Thấy cửa lớp nhà trẻ mở ra, tôi hí hửng nghiêng đầu nhìn vào thì có 1 cô đứng ngay cửa và
không thấy biểu hiện gì là sẽ rời đi cả. Camera chỉ thấy có 1 bé đang được thay áo và 1 bé đang được cho ăn
thôi mà. Tôi thấy khó hiểu với hành động của cô chặn cửa lắm. Thôi, ra về vậy.
Tôi lại tìm đến một trường mới. Quả thật rất chuyên nghiệp. Một cô đảm nhận hẳn nhiệm vụ đón tiếp
phụ huynh đến tìm hiểu. Cô đưa cho tôi tờ bướm nhưng thông tin về trường kèm theo đó là học phí và thực
đơn. Cô giải thích cặn kẽ chương trình học theo “quốc tế” là thế nào, các bé sẽ được chăm sóc ra sao và
Cẩm nang chuẩn bị cho con đến trường mầm non

Trang 21


không quên trấn an tôi rằng giáo viên ở đây được hưởng chế độ rất tốt nên không bị stress mà lỡ có hành vi
xấu nào với trẻ cả. Đúng là gần đây các vụ giáo viên bạo hành với trẻ khiến nhiều gia đình có con đi học rất
lo lắng thì những gì cô nói thật có ích. Chương trình học với những phương pháp mới nhất để bé phát triển
hết những khả năng của mình. Thế nhưng khi tôi hỏi bé tập thể dục và hoạt động ngoài trời ở đâu thì được
chỉ lên sân thượng. Ôi, nghĩ thôi tôi cũng hơi ớn ớn rồi.
----*----*---Các bạn thân mến,
Phiên bản đầu tiên của quyển ebook nhỏ “Cẩm nang chuẩn bị cho con đến trường mầm non” tạm

dừng ở đây. Chúng tôi hy vọng những thông tin trong ebook sẽ giúp các bạn có thông tin tổng quát khi đến
tham quan tìm hiểu trường mầm non cho con cháu. Những nỗi “đau đầu”, “lo lắng” trong giai đoạn khó
khăn này sẽ giảm bớt phần nào.
Tất cả dữ liệu trong ebook tổng hợp, trích dẫn từ hơn 100 bài viết của phụ huynh trường MNTT
Hạnh Phúc gửi từ 11/2012 đến 3/2014. Các bạn có thể xem đầy đủ toàn bộ những bài chia sẻ kinh nghiệm
đó trên trang website www.mamnonhanhphuc.edu.vn/goc-chia-se/tam-su
Chúng tôi mong nhận được góp ý hoặc chia sẻ của quý phụ huynh góp phần giúp quyển cẩm nang
phát triển nội dung phong phú, chất lượng hơn. Thư gửi về email
Chúc các bạn sớm tìm được chọn được trường học đầu đời cho con vừa ý.

Nội dung ebook bản quyền thuộc trường MNTT Hạnh Phúc quận Thủ Đức
Mọi trích dẫn vui lòng ghi rõ nguồn: www.mamnonhanhphuc.edu.vn

Cẩm nang chuẩn bị cho con đến trường mầm non

Trang 22



×