Tải bản đầy đủ (.pdf) (210 trang)

Đối chiếu động từ trải nghiệm trong tiếng Anh và tiếng Việt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.59 MB, 210 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

LẠI THỊ PHƯƠNG THẢO

ĐỐI CHIẾU ĐỘNG TỪ TRẢI NGHIỆM
TRONG TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT

Chuyên ngành: Ngôn ngữ học so sánh, đối chiếu
Mã số: 62.22.02.41

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS. LÂM QUANG ĐÔNG

HÀ NỘI - 2016


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ..................................................................................................................... 1
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU......................................... 6
1.1. Tình hình nghiên cứu động từ trải nghiệm trong tiếng Anh .................................. 6
1.2. Tình hình nghiên cứu động từ trải nghiệm trong tiếng Việt ................................ 16
1.3. Tiểu kết.................................................................................................................................21
Chương 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN .................................................................................. 22
2.1. Ngữ pháp chức năng với bình diện ngữ nghĩa và ngữ pháp của câu ................... 22
2.2. Mối quan hệ giữa bình diện ngữ nghĩa và ngữ pháp trong câu .......................... 42
2.3. Tiểu kết ............................................................................................................... 43
Chương 3: ĐỘNG TỪ TRẢI NGHIỆM TIẾNG ANH VÀ TIẾNG


VIỆTTRONG CẤU TRÚC NGHĨA BIỂU HIỆN CỦA CÂU .............................. 45
3.1. Quan niệm về sự tình trải nghiệm ....................................................................... 45
3.2. Quan niệm và phân loại động từ trải nghiệm ...................................................... 47
3.3. Đặc điểm ngữ nghĩa của sự tình trải nghiệm ....................................................... 50
3.4. Cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu với động từ trải nghiệm trong tiếng Anh và
tiếng Việt .................................................................................................................... 55
3.5. Tiểu kết ................................................................................................................ 89
Chương 4: ĐỘNG TỪ TRẢI NGHIỆM TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT
TRONG CẤU TRÚC CÚ PHÁP CỦA CÂU ......................................................... 92
4.1. Khả năng hiện thực hóa của sự tình trải nghiệm tiếng Anh và tiếng Việt trong
câu .............................................................................................................................. 92
4.2. Sự hiện thực hóa của các thành phần nghĩa của sự tình trải nghiệm trong câu ... 95
4.3. Khả năng hiện diện của các thành phần cú pháp trong câu ............................... 103
4.4. Cấu trúc cú pháp của câu với động từ trải nghiệm trong tiếng Anh và tiếng
Việt ........................................................................................................................... 107
4.5. Tiểu kết ............................................................................................................. 135
KẾT LUẬN .............................................................................................................. 138
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN .................. 142
TÀI LIỆU THAM KHẢO ..................................................................................... 143
NGUỒN TƯ LIỆU TRÍCH DẪN .......................................................................... 149
PHỤ LỤC ................................................................................................................. 154

iii


QUY ƯỚC TRÌNH BÀY TRONG LUẬN ÁN

[số, tr. số]:

Nguồn tài liệu tham khảo: Số tài liệu trích dẫn, chữ viết tắt tr.

và số trang. Các số được viết cách nhau bằng dấu phẩy. Ví
dụ: [3, tr.101]

[số, số]:

Nguồn tài liệu tham khảo: Hai số tài liệu trích dẫn cùng một
tác giả. Ví dụ: [56, 57].

[số, tr. số-số]:

Nguồn tài liệu tham khảo: Số liệu trích dẫn, chữ viết tắt (tr. =
trang) và số trang tham khảo từ trang… đến trang….. Ví dụ:
[5, tr.201-203]

[số]:

Nguồn tài liệu tham khảo: Số tài liệu trích dẫn. Nội dung
tham khảo được tóm lược lại dựa trên các nội dung của tài
liệu. Ví dụ: [14]

[số:số]:

Nguồn tư liệu trích dẫn ví dụ minh họa: số tài liệu trích dẫn,
số trang. Các số được viết cách nhau bằng dấu hai chấm (:).
Ví dụ: [33:23].

[]:

Nguồn tư liệu trực tiếp.


CTCP:

Cấu trúc cú pháp

CTNBH:

Cấu trúc nghĩa biểu hiện

et al:

và nhóm cộng sự. Ví dụ Quirk et al (Quirk và nhóm cộng sự

ĐT:

Động từ

NT:

Nghiệm thể

QT:

Quá trình

ĐTTG:

Động từ tri giác

ĐTTN:


Động từ tri nhận

ĐTTC:

Động từ tình cảm

ĐTMM:

Động từ mong muốn

iv


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trải nghiệm là một hiện tượng cơ bản trong cuộc sống của con người. Dik
[41, tr.115] cho rằng tính trải nghiệm chỉ có thể có được thông qua hoạt động của
các giác quan và trí óc con người (hoặc các động vật sống). Tính trải nghiệm trong
các phát ngôn cho thấy trạng thái của chủ thể hành động tri nhận, cảm giác, mong
muốn, tưởng tượng, hay cái gì đó mà họ đã trải qua. Theo Verhoeven [92, tr.1], trải
nghiệm là “một khái niệm cơ bản cần được thể hiện ở mọi ngôn ngữ bằng cách này
hay cách khác. Lĩnh vực trải nghiệm ở đây được hiểu là bao gồm các loại trải
nghiệm cụ thể mà liên quan chủ yếu đến việc xử lý các tác nhân kích thích
(stimuli) bên trong và bên ngoài bởi hệ thần kinh con người. Điều này liên quan
đến khả năng tri nhận giác quan, cảm nhận và cảm giác cơ thể, quá trình tinh
thần, cũng như phản ứng tình cảm”. Cụ thể hơn nữa trải nghiệm bao gồm “cảm
giác cơ thể (bodily sensation), tình cảm (emotion), tri nhận (cognition), mong
muốn (volition) và tri giác (perception)”.
Ngôn ngữ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc biểu thị những lĩnh vực
trải nghiệm đó của con người. Trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức, C.Mác và F.

Enghen đã chỉ ra rằng: “Ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư tưởng”. V.I.Lênin
khẳng định ngôn ngữ là phương tiện quan trọng nhất trong sự giao thiệp giữa
người với người. Ngôn ngữ là phương tiện hình thành và lưu giữ ý tưởng như là sự
phản ánh hiện thực và trao đổi chúng trong quá trình giao tiếp của con người.
Ngôn ngữ mang bản chất xã hội; nó không tách biệt với con người với tư cách là
người sáng tạo ra và người sử dụng nó; nó hình thành và phát triển cùng với sự
phát triển xã hội.
Trong giao tiếp khi muốn diễn đạt ý tưởng hay thông báo một sự tình nào đó,
chúng ta cần tuân theo những quy tắc ngữ pháp và sự đúng đắn và phù hợp khi lựa
chọn từ vựng để có thể truyền tải được thông điệp một cách đầy chính xác, đầy đủ
và phù hợp với ngữ cảnh. Trong số lớp từ loại được sử dụng để diễn đạt sự tình trải
nghiệm, theo khảo sát của chúng tôi, động từ trải nghiệm được coi là một trong
những lớp từ loại quan trọng nhất. Động từ trải nghiệm cho chúng ta diễn đạt được
những điều chúng ta tri nhận giác quan, những biểu hiện về mặt tình cảm, những
điều chúng ta nhận thức và những mong muốn chúng ta thể hiện. Động từ trải
nghiệm chính là tâm điểm đối với việc mô tả một sự tình trải nghiệm bởi vì chúng
ta tạo dựng câu chuyện về một sự kiện xung quanh một sự tình.
Vì lý do trên, chúng tôi quyết định chọn đề tài Đối chiếu động từ trải nghiệm
trong tiếng Anh và tiếng Việt trong sự hành chức của câu trên bình diện ngữ nghĩa
và ngữ pháp để tìm ra nét tương đồng và dị biệt. Chúng tôi hi vọng kết quả nghiên
cứu sẽ có những đóng góp mới vào lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ học so sánh đối
1


chiếu, cùng với những góc nhìn mới mẻ, sâu sắc hơn và toàn diện hơn về động từ
trải nghiệm trong tiếng Anh và tiếng Việt. Ngoài ra, kết quả của nghiên cứu còn
góp phần nâng cao hiệu quả của việc giảng dạy tiếng Anh và cải thiện năng lực sử
dụng tiếng Anh của người Việt Nam.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu

Đề tài nghiên cứu nhằm:
(1) Xác định cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu với động từ trải nghiệm trong
tiếng Anh và đối chiếu với tiếng Việt để tìm ra điểm tương đồng và dị biệt; và
(2) Thiết lập được cấu trúc cú pháp của câu với động từ trải nghiệm trong tiếng
Anh và đối chiếu với tiếng Việt để tìm ra điểm tương đồng và dị biệt.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục đích trên, luận án sẽ tập trung giải quyết những nhiệm vụ sau:
(1) Xác lập cơ sở lí luận liên quan đến ngữ pháp chức năng ở bình diện ngữ nghĩa
và ngữ pháp, quan niệm về nghĩa biểu hiện, phân loại sự tình với các tham số
nghĩa và vai nghĩa, cấu trúc nghĩa của một sự tình;
(2) Xác lập cơ sở lí luận liên quan đến bình diện ngữ pháp như khái niệm thành
phần câu, các kiểu cấu tạo ngữ pháp của câu; mối quan hệ giữa hai bình diện ngữ
nghĩa và ngữ pháp trong câu. Hai nhiệm vụ trên cung cấp cơ sở lí luận để thực hiện
đề tài;
(3) Xác định lĩnh vực trải nghiệm, cấu trúc nghĩa của sự tình trải nghiệm, các thành
phần tham gia vào sự tình trải nghiệm và đặc điểm ngữ nghĩa của chúng; tiêu chí
nhận diện và phân loại các động từ trải nghiệm trong tiếng Anh và tiếng Việt; cấu
trúc nghĩa biểu hiện của câu với mỗi tiểu lớp động từ trải nghiệm trong tiếng Anh,
đối chiếu với tiếng Việt; và
(4) Phân tích sự hiện thực hóa các thành tố nghĩa trong cấu trúc nghĩa biểu hiện
của sự tình trải nghiệm trong câu, cấu trúc cú pháp của câu với mỗi tiểu lớp động
từ trải nghiệm trong tiếng Anh, và đối chiếu với tiếng Việt.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là động từ trải nghiệm trong tiếng Anh và tiếng
Việt. Động từ này được phân loại và nghiên cứu ở bốn tiểu lớp như sau: động từ tri
giác –perception verbs (see – nhìn thấy, hear – nghe thấy, v.v), động từ tri nhận–
cognition verbs (know – biết , understand – hiểu, v.v), động từ tình cảm – emotion
verbs (like – thích, fear – sợ hãi, v.v.), và động từ mong muốn – volition verbs
(như want–muốn, wish – mong ước, desire – khao khát, hope – hi vọng, decide –

2


quyết định, v.v.). Luận án lấy ngữ liệu tiếng Anh làm gốc, sau đó đối chiếu với
tiếng Việt.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Động từ trải nghiệm trong tiếng Anh và tiếng Việt được chia thành nhiều tiểu loại;
mỗi tiểu loại lại có một số lượng lớn động từ. Do vậy, luận án này không tiến hành
nghiên cứu nét nghĩa của từng lớp động từ hay nhóm động từ, mà nghiên cứu mỗi
tiểu lớp động từ trải nghiệm trong cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu trên bình diện
ngữ nghĩa theo hướng ngữ pháp chức năng. Sau đó luận án nghiên cứu mỗi tiểu
lớp động từ trải nghiệm trong cấu trúc cú pháp của câu. Cụ thể hơn, sau khi nhận
diện và phân loại động từ trải nghiệm trong tiếng Anh và tiếng Việt (64 động từ tri
giác tiếng Anh với khoảng 64 động từ tương đương trong tiếng Việt, 98 động từ tri
nhận tiếng Anhvới khoảng 98 động từ tương đương trong tiếng Việt, 98 động từ
tình cảm tiếng Anh với khoảng 98 động từ tương đương trong tiếng Việt, và 41
động từ mong muốn tiếng Anh với khoảng 41 động từ mong muốn tiếng Việt),
chúng tôi tiến hành nghiên cứu cấu trúc ngữ nghĩa của câu với lõi sự tình là động
từ trải nghiệm – yếu tố quy định các tham thể tham gia vào cấu trúc nghĩa. Từ mô
hình cấu trúc ngữ nghĩa đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu sự ánh xạ của chúng
lên cấu trúc cú pháp của câu.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
Xuất phát từ tính chất, đối tượng và mục đích nghiên cứu của luận án, các phương
pháp chủ yếu được dùng trong luận án này là: phương pháp so sánh-đối chiếu và
phương pháp phân tích-miêu tả. Ngoài ra, chúng tôi còn dùng một số thủ pháp
như: thống kê, mô hình hóa, đối lập và loại suy, và nội quan.
Phương pháp phân tích-miêu tả dùng để phân tích, miêu tả những đặc trưng ngữ
nghĩa và cú pháp cơ sở của câu với động từ trải nghiệm trong tiếng Anh và tiếng
Việt.
Phương pháp so sánh - đối chiếu giúp cho quá trình liên hệ những nội dung tìm

được trong lớp các động từ trải nghiệm trong trong tiếng Anh với những đơn vị
ngôn ngữ tương đương trong tiếng Việt trong sự hành chức của câu với những
tham thể xoay quanh động từ, từ đó cho phép tìm ra những đặc điểm tương đồng
và dị biệt trong những đặc trưng ngữ nghĩa và cú pháp của chúng. Cụ thể, trong
luận án này chúng tôi sử dụng phương pháp so sánh - đối chiếu với cơ sở đối chiếu
là động từ trải nghiệm trong tiếng Anh, sau đó liên hệ sang tiếng Việt.
Thủ pháp thống kê giúp tiến hành khảo sát, thu thập các dữ liệu từ các nguồn khác
nhau, nhằm rút ra những kết quả định lượng và định tính, tích cực hỗ trợ cho quá
trình nghiên cứu các đặc trưng ngữ nghĩa của các động từ trải nghiệm trong tiếng
Anh và liên hệ với tiếng Việt. Từ đó, danh sách các động từ trải nghiệm thuộc các
tiểu lớp khác nhau được xây dựng.
3


Thủ pháp mô hình hóa giúp chúng tôi thiết lập những mô hình cấu trúc ngữ nghĩa
và cú pháp của câu với mỗi lớp động từ trải nghiệm trong tiếng Anh, sau đó đối
chiếu với tiếng Việt.
Thủ pháp đối lập và loại suy cho phép chúng tôi phân biệt rạch ròi giữa “có” và
“không” trong một số các thành tố ngôn ngữ nhằm giúp loại bỏ những đơn vị ngôn
ngữ không thuộc diện được ưu tiên nghiên cứu.
Thủ pháp nội quan giúp chúng tôi đưa ra những phán đoán, suy luận về những đặc
trưng ngữ nghĩa và cú pháp của câu với những nhóm động từ đang xét.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
Thứ nhất, luận án có thể được coi là công trình đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu
các động từ trải nghiệm trong tiếng Anh, đối chiếu với tiếng Việt theo cách tiếp
cận của ngữ pháp chức năng.
Thứ hai, luận án thiết lập được khung lí luận trong việc đối chiếu động từ trải
nghiệm trong tiếng Anh và tiếng Việt, đó là: (i) đưa ra được về khái niệm trải
nghiệm, các lĩnh vực trải nghiệm; (ii) phân loại sự tình, sự tình trải nghiệm theo
hướng ngữ pháp chức năng; (iii) tìm hiểu cấu trúc của một sự tình trải nghiệm,

nhận diện và phân loại các lớp động từ trải nghiệm là lõi sự tình trải nghiệm, miêu
tả đặc điểm của các vai nghĩa tham gia vào sự tình trải nghiệm; (iv) thiết lập, mô tả
các cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu với mỗi lớp động từ trải nghiệm trong tiếng
Anh, đối chiếu với tiếng Việt; và (v) trên cơ sở các mô hình cấu trúc ngữ nghĩa đó,
luận án tìm ra sự ánh xạ của các thành tố tham gia vào cấu trúc nghĩa do động từ là
lõi sự tình quy định lên cấu trúc cú pháp của câu với mỗi lớp động từ trải nghiệm
trong tiếng Anh, đối chiếu với tiếng Việt để tìm ra nét tương đồng và dị biệt.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
Về mặt lý luận, kết quả nghiên cứu của đề tài đã chứng minh hai bình diện ngữ
nghĩa và ngữ pháp trong câu với động từ trải nghiệm tiếng Anh và tiếng Việt một
mặt phân giới với nhau nhưng mặt khác lại có mối quan hệ khăng khít, tương tác
với nhau. Bằng việc nghiên cứu động từ trong sự hành chức của câu trên hai bình
diện này, luận án đã góp thêm một tiếng nói khẳng định hướng tiếp cận và nghiên
cứu ngôn ngữ theo quan điểm của ngữ pháp chức năng là một hướng tiếp cận và
nghiên cứu mới, hứa hẹn những kết quả khả quan. Kết quả nghiên cứu này bước
đầu đã đem đến cho người đọc một cái nhìn tổng quan có hệ thống hơn về vấn đề
động từ trải nghiệm trong tiếng Anh và tiếng Việt trong sự hành chức của câu theo
hướng tiếp cận của ngữ pháp chức năng.
Về mặt thực tiễn, các kết quả của luận án sẽ là một nguồn tư liệu tham khảo có ích
trong lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ nói chung và nghiên cứu về động từ nói riêng,
trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh cho người Việt và giảng dạy tiếng Việt cho
người nói tiếng Anh, trong lĩnh vực dịch thuật và biên soạn từ điển.
4


7. Cơ cấu của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Nguồn tư liệu trích dẫn và Phụ
lục, luận án gồm bốn (4) chương được kết cấu như sau:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu trình bày về tình hình nghiên cứu
động từ trải nghiệm trong tiếng Anh và tiếng Việt.

Chương 2: Cơ sở lí luận trình bày những cơ sở lý cơ bản liên quan đến ngữ pháp
chức năng với bình diện ngữ nghĩa và ngữ pháp của câu và mối quan hệ
giữa hai bình diện đó trong câu.
Chương 3: Động từ trải nghiệm tiếng Anh và tiếng Việt trong cấu trúc nghĩa biểu
hiện của câu được nghiên cứu trên bình diện ngữ nghĩa theo hướng ngữ
pháp chức năng. Chương này bàn luận các quan niệm về trải nghiệm
lĩnh vực trải nghiệm, cấu trúc nghĩa của sự tình trải nghiệm, đặc điểm
của mỗi thành tố nghĩa, nhận diện và phân loại động từ trải nghiệm
trong tiếng Anh và tiếng Việt. Trên cơ sở đó luận án sẽ phân tích và mô
tả cấu trúc ngữ nghĩa của câu với mỗi tiểu lớp động từ trải nghiệm trong
tiếng Anh, sau đó đối chiếu với tiếng Việt để tìm ra nét tương đồng và
dị biệt giữa các cấu trúc ngữ nghĩa đó.
Chương 4: Động từ trải nghiệm tiếng Anh và tiếng Việt trongcấu trúc cú pháp của
câu được nghiên cứu trên bình diện ngữ pháp trong mối liên hệ với bình
diện ngữ nghĩa. Chương này bàn luận sự hiện thực hóa các thành tố
nghĩa của sự tình trải nghiệm trong câu và khả năng hiện diện đầy đủ và
không đầy đủ của các thành phần nghĩa trong câu. Sau đó luận án đi sâu
vào phân tích cấu trúc cú pháp của câu với mỗi tiểu lớp động từ trải
nghiệm trong tiếng Anh, sau đó đối chiếu với tiếng Việt để tìm ra được
nét tương đồng và dị biệt giữa các cấu trúc đó.
Phần Kết luận của luận án sẽ tổng hợp lại kết quả nghiên cứu dựa vào mục đích,
nhiệm vụ nghiên cứu. Phần này cũng nêu ra những điểm còn hạn chế, chưa được
giải quyết hết trong luận án và gợi mở hướng nghiên cứu mới.
Phần cuối cùng của luận án là danh mục các tài liệu tham khảo, nguồn tư liệu trích
dẫn và phụ lục về danh sách động từ trải nghiệm trong tiếng Anh và tiếng Việt
được nghiên cứu trong luận án.

5



Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

1.1. Tình hình nghiên cứu động từ trải nghiệm trong tiếng Anh
Động từ được tìm thấy ở hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới (Allerton [32, tr.1];
Lyons [68, tr.429]) và trong lịch sử nghiên cứu nhiều nhà ngữ pháp học đã quan
tâm đến những thuộc tính ngữ nghĩa và cấu trúc của chúng. Theo Aarts & Meyer
[31, tr.1], trong khoảng năm thứ 100 trước Công nguyên, nhà ngữ pháp học
Dionysius Thrax đã nhấn mạnh tầm quan trọng của động từ (the verb) như là “một
phạm trù từ loại không thay đổi về cách mà có sự thay đổi về thì, giống, và số, chỉ
một hoạt động hay một quá trình được thực hiện hay đã trải qua.” Các tác giả còn
nhận xét thêm: Định nghĩa này đã cho thấy rằng những nhà ngữ pháp thời kỳ đầu
đã quan tâm đến cả mặt hình thức lẫn mặt ngữ nghĩa của các lớp từ loại. Những
nhà ngữ pháp sau này như Appolonius Dyscolus vào thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên
quan tâm nhiều hơn đến thuộc tính phân bố của lớp từ loại [31, tr.1]. Như vậy, có
thể nói rằng việc nghiên cứu về động từ đã được quan tâm từ rất sớm.
Động từ trải nghiệm đã ít nhiều được đề cập trong nhiều công trình nghiên cứu về
ngữ pháp tiếng Anh, hoặc các công trình nghiên cứu sâu về động từ trong tiếng
Anh và được phân tích về một hay nhiều phương diện nhất định. Theo khảo sát của
chúng tôi, khi mô tả và phân tích về động từ nói chung hay động từ trải nghiệm nói
riêng, các tác giả nghiên cứu động từ theo hướng là một phạm trù từ loại và nghiên
cứu động từ theo hướng là phạm trù chức năng.
1.1.1. Động từ trải nghiệm được nghiên cứu theo hướng là một phạm trù từ
loại
Tiêu biểu cho hướng nghiên cứu động từ trải nghiệm là một phạm trù từ loại là
Alsagoff [33], Biber et al [35], Dixon [43], Evans & Wilkins [49], Leech [64],
Leech & Svartvik [65, 66], Nelson [75], Quirk et al [79, 80], Sweetser [84], Viberg
[93], v.v. Theo hướng nghiên cứu này, động từ được nghiên cứu trong sự phân biệt
với danh từ, tính từ, trạng từ, v.v. Động từ trải nghiệm trong các công trình nghiên
cứu được thể hiện ở một số tiểu lớp với những đặc điểm cơ bản như sau.

(a) Động từ tri giác tĩnh, động từ tri nhận tĩnh, động từ chỉ trạng thái cơ thể
Tiêu biểu là quan niệm của Leech [64, tr.23-26] và Quirk et al [79, 80]. Động từ tri
giác tĩnh (verbs of inert perception)1 là những động từ như feel (cảm thấy), hear
(nghe thấy), see (nhìn thấy), smell (ngửi thấy), taste (nếm thấy), sound (nghe có
vẻ), look (trông có vẻ); động từ tri nhận tĩnh (verbs of inert cognition) là những
Leech & Svartvik [65] bàn luận đến động từ tri giác nói chung. Nhóm động từ còn lại ông sử dụng thuật
ngữ khác.
1

6


động từ think (nghĩ), feel (thấy), believe (tin), forget (quên), hope (hi vọng), know
(biết), suppose (cho rằng), understand (hiểu); và động từ chỉ cảm giác cơ thể
(verbs of bodily sensation) là những động từ ache (đau), feel (cảm nhận), hurt
(đau), itch (ngứa), tingle (u lên). Hầu hết các nhóm động từ này có nghĩa tĩnh và
chỉ sử dụng với thể đơn. Tác giả cũng bàn luận đến một số trường hợp ngoại lệ:
cùng một động từ tri giác nhưng nó có ít nhất hai nghĩa (tĩnh và động).
Động từ tri giác tĩnh
(1) I (can) smell the perfume.
Tôi (có thể) ngửi thấy mùi nước hoa.
(2) I (can) see a bus in the distance.
Tôi (có thể) nhìn thấy một chiếc xe
buýt ở đằng xa.
(3) I (can) hear what he is saying.
Tôi (có thể) nghe thấy anh ấy nói gì.

Động từ tri giác động
I’m smelling the perfume.
Tôi đang ngửi nước hoa.

I’m looking at a bus in the distance.
Tôi đang nhìn chiếc xe buýt ở đằng xa.

I’m listening to what he is saying.
Tôi đang nghe anh ấy nói.
[28:26]2
Tuy nhiên, Quirk et al [79, tr.47] cụ thể hơn Leech khi chỉ rõ nhóm nào có tính
[+động] (dynamic) và nhóm nàocó tính [+tĩnh] (stative). Nhóm động từ cảm giác
cơ thể (verbs of bodily sensations): ache, feel, hurt, itch là nhóm động; Nhóm tĩnh
(stative) gồm động từ tri giác và tri nhận tĩnh (verbs of inert perception and
cognition) như: abhor (ghê tởm, ghét cay ghét đắng), adore (say mê), astonish
(làm ngạc nhiên), believe (tin tưởng), desire (ước muốn), detest (ghét), dislike
(không thích), doubt (nghi ngờ), feel (cảm thấy), forgive (tha thứ), guess (đoán),
hate (ghét), hear (nghe thấy), imagine (tưởng tượng), impress (làm/gây ấn tượng),
intend (dự định), know (biết), like (thích), love (yêu), mean (ý định), mind (ngại),
perceive (hiểu được), please (làm hài lòng), prefer (thích), presuppose (giả định),
realize (nhận ra), recall (gợi lại, nhắc lại), recognize (nhận thức), regard (coi là),
remember (nhớ), satisfy (làm thỏa mãn), see (nhìn thấy), smell (ngửi), suppose (giả
sử), taste (nếm có vị), think (nghĩ), understand (hiểu), want (muốn), wish (ước),
v.v. Ví dụ:
(4) (a) I think you are right. [nhóm B – động từ tri nhận tĩnh]
Tôi nghĩ anh đúng.
(b) I am thinking of you all the time. [nhóm A – động từ tri nhận động]
Lúc nào tôi cũng nghĩ đến anh.
[34:47]
Năm 1985, trong công trình nghiên cứu A Comprehensive Grammar of the English
Language, Quirk cùng với cộng sự của mình [80] đã chia nhóm động từ chỉ trạng
Trên thực tế mỗi một động từ có thể có nhiều nghĩa khác nhau. Ở đây chúng tôi chỉ dịch nghĩa cơ bản nhất
của từng động từ tiếng Anh sang tiếng Việt để tiện trình bày. Những câu ví dụ được dịch sang tiếng Việt với
động từ có ý nghĩa tương đương.

2

7


thái tĩnh thành: (i) động từ chỉ trạng thái trí tuệ (intellectual states)3, như know (biết),
believe (tin), think (nghĩ), wonder (tự hỏi, phân vân), suppose (giả sử, cho rằng),
imagine (tưởng tượng), realize (nhận ra), understand (hiểu); (ii) động từ chỉ trạng
thái tình cảm hay thái độ (states of emotion or attitude) như intend (dự định), wish
(ước), want (muốn), like (thích), dislike (ghét), disagree (không đồng ý), pity (tiếc);
(iii) động từ chỉ trạng thái tri giác (states of perception) như see (nhìn thấy), hear
(nghe thấy), feel (cảm thấy), smell (ngửi thấy), taste (nếm thấy); và (iv) động từ chỉ
trạng thái cảm giác cơ thể (states of bodily sensation) như hurt (đau), ache (đau),
tickle (cảm thấy ngưa ngứa/buồn buồn), itch (ngứa), feel cold (cảm thấy lạnh).
(b) Động từ tình cảm, động từ chỉ trạng thái tinh thần/cảm nghĩ
Leech & Svartvik [65] dựa vào nghĩa và cách thức tạo nghĩa đã bàn luận đến
những biểu thức biểu thị một số phạm trù tình cảm như sở thích (liking and
disliking), hi vọng (hope), ngạc nhiên (surprising), lo lắng (worrying), và một số
biểu thức diễn đạt mong muốn (volition). Đến năm 2002, hai tác giả [66] đã bổ
sung thêm một số nhóm động từ trải nghiệm như động từ tri giác (verbs of
perceiving) như see (nhìn thấy), hear (nghe thấy), feel (cảm thấy), smell (ngửi
thấy), taste (nếm thấy); những động từ như believe (tin), adore (say mê), desire
(ước muốn), detest (ghét), dislike (không thích), doubt (nghi ngờ), forget (quên),
hope (hi vọng), know (biết), like (thích), love (yêu), mean (có ý định), prefer
(thích), remember (nhớ), suppose (giả sử, cho rằng), understand (hiểu), want
(muốn), seem/appear (dường như), v.v. được các tác giả xếp chung vào nhóm
động từ đề cập đến trạng thái tinh thần hay cảm nghĩ (verbs referring to a state of
mind or feeling). Những nhóm động từ với nghĩa trên không thể sử dụng với thể
tiếp diễn, nhưng vẫn có những trường hợp sử dụng với thể tiếp diễn nếu chúng là
động từ động. Ví dụ:

(5)

(6)
(7)
(8)

She was feeling in her little pocket for a
handkerchief.
Cô ấy đang lục tìm chiếc khăn tay trong túi.
She felt tired after a long journey
Cô ấy cảm thấy mệt sau chuyến đi dài.
We are tasting the soup.
Chúng tôi đang nếm món xúp.
It really tastes delicious.
Nó thực sự có vị ngon.

(Động từ động)

(Động từ trạng thái)
(Động từ động)
(Động từ trạng thái)
[27]

Biber et al [35, tr.103-140], dựa trên phạm trù ngữ nghĩa của động từ có ý nghĩa từ
vựng, đã phân chia loại động từ này thành bảy nhóm và một trong số những nhóm
Ở công trình A University Grammar of English (1973), nhóm động từ này gọi là động từ tri nhận tĩnh
(verbs of inert cognition)
3

8



này là động từ tinh thần (mental verbs). Nhóm tác giả chia nhỏ nhóm động từ tinh
thần thành: động từ chỉ trạng thái hoặc quá trình tinh thần như think (nghĩ), know
(biết); động từ chỉ tình cảm, thái độ hay ước muốn như love (yêu), want (muốn);
động từ tri giác như see (nhìn thấy), taste (nếm thấy); và động từ chỉ hoạt động tiếp
nhận lời nói như read (đọc), hear (nghe thấy). Tác giả chỉ ra đặc điểm của động từ
tinh thần - đó là động từ tinh thần có nghĩa động và động từ tinh thần biểu thị trạng
thái tĩnh. Asagoff [33, tr.108] gộp động từ tinh thần (mental verbs/thinking verbs)
với nhóm động từ tình cảm (emotion verbs) như need (cần), know (biết), imagine
(tưởng tượng), believe (tin), suspect (nghi ngờ), think (nghĩ).
(c) Động từ trải nghiệm là động từ hoạt động tri giác và động từ nối
Viberg [93]4 đã nghiên cứu 53 ngôn ngữ thuộc 14 nhóm ngôn ngữ khác nhau, sau
đó ông đã phân chia các động từ tri giác vốn được sử dụng để chỉ những hoạt động
của năm giác quan trên cơ thể con người thành ba nhóm động từ tri giác, đó là:
động từ chỉ hoạt động (activity); động từ chỉ sự trải nghiệm (experience); động từ
nối (copulative). Năm 1990, Sweetser [84] đã nghiên cứu về động từ tri giác và kết
luận rằng: các động từ tri giác chỉ hoạt động của thị giác (“sight” verbs) được mở
rộng nghĩa hướng đến ý nghĩa về tri thức (knowledge) hoặc quan điểm nội tâm
(mental vision). Trong khi đó, các động từ chỉ hoạt động của thính giác (“hearing”
verbs) được liên hệ với nghĩa tiếp thụ bên trong (internal receptivity) hoặc sự tuân
thủ (obedience). Ngoài ra, động từ chỉ hoạt động của vị giác (“taste” verbs) thường
được gắn kết với những gì thuộc về bên trong bản thân nó, và được dùng để biểu
đạt những sự thích thú hay chán ghét có tính cá nhân của mỗi người (personal likes
or dislikes).
Evans & Wilkins [49] kiểm nghiệm lại giả thuyết của Sweetser [84] trong các ngôn
ngữ Australia và đưa ra kết quả: các từ chỉ hoạt động của thính giác (hearing) hay
của tai (ear) thường được mở rộng ra đến phạm vi của nhận thức, như các động từ:
think (nghĩ), know (biết), remember (nhớ), understand (hiểu), obey (nghe lời). Tuy
nhiên, các từ chỉ hoạt động của thị giác (seeing) hay của mắt (eye) thì có thể mở

rộng ra phạm vi tương tác xã hội, chẳng hạn như: sự ngưỡng mộ và sự hấp dẫn về
giới, sự thù địch và quan hệ tương tác xã hội có tính tiêu cực, sự giám sát và sự giám
thị, sự gặp mặt và thăm viếng. Evan & Wilkins thừa nhận mối quan hệ ngữ nghĩa từ
vựng (lexical semantic association) giữa sự tri giác nhận được từ cơ quan thính giác
và sự tri nhận thuộc trí óc và rằng tất cả các ngôn ngữ trên thế giới đều có mối quan
hệ qua lại giữa sự tri giác bằng thính giác và tri nhận thuộc trí óc, và chúng là nguồn
gốc của việc xuất hiện các từ đa nghĩa, từ đồng âm hoặc sự chuyển nghĩa.
(d) Một số nghiên cứu khác

4

Dẫn theo tổng kết của Hoàng Thị Hòa (2013)

9


Dixon [43] chia động từ thành hai loại chính: động từ chính (primary) và động từ
phụ (secondary). Dựa trên tiêu chí nhận diện về nghĩa khái quát, chúng tôi nhận
thấy rằng nhóm động từ trải nghiệm (thuộc về động từ chính) tác giả đề cập là
nhóm annoying (bực mình) như please (làm hài lòng), satisfy (làm thỏa mãn),
amuse (làm vui vẻ), anger (làm tức giận); nhóm attention (chú ý) như see (nhìn),
hear (nghe thấy), discover (khám phá), watch (xem); nhóm thinking (suy nghĩ) như
think (nghĩ), imagine (tưởng tượng), assume (giả định), know (biết), learn (học);
nhóm liking (thích) như like (thích), love (yêu), hate (ghét), envy (ghen tị). Tác giả
cũng bàn tới nghĩa từ vựng của các động từ khác nhau thuộc mỗi nhóm và một số
thuộc tính ngữ pháp đặc trưng của mỗi nhóm động từ như: có hay không có cụm
danh từ theo sau động từ làm tân ngữ, cụm danh từ đi sau động từ mang vai nghĩa
gì (hoạt động-activity hay ấn tượng-impression), tân ngữ theo sau động từ là mệnh
đề - that và - what, khả năng kết hợp với mệnh đề tình thái–to và mệnh đề phán xét
sau động từ, khả năng kết hợp động từ dạng –ing sau động từ chính.

Tóm lại, động từ trải nghiệm được nghiên cứu với một số tiểu lớp cơ bản như động
từ tri giác tĩnh, động từ tri giác chỉ hoạt động, động từ trải nghiệm, động từ nối,
động từ tri nhận tĩnh, động từ chỉ trạng thái cơ thể, động từ tình cảm, động từ chỉ
trạng thái tinh thần/cảm nghĩ, hay một số nhóm động từ cụ thể như annoying (bực
mình), attention (chú ý), thinking (suy nghĩ).
1.1.2. Động từ trải nghiệm được nghiên cứu theo hướng là một phạm trù chức
năng
Theo hướng nghiên cứu động từ là phạm trù chức năng, động từ trải nghiệm là lõi
vị ngữ biểu thị cho mỗi sự tình, xoay quanh các động từ là các tham thể tham gia
vào sự tình đó. Tiêu biểu cho xu hướng này là Chafe [5, 37]; Dik [41, 42];
Downing & Locke [44]; Gisborne [52]; Halliday [6, 54]; Ryle, Kenny, Downty
(dẫn theo Rothstein [82]), Thompson [86], v.v.
(a) Động từ trải nghiệm trong sự tình trạng thái và quá trình
Vendler, Kenny và Downty (dẫn theo Rothstein [82]) đã phân chia các sự tình
thành những kiểu loại khác nhau, theo đó là những động từ tương ứng với mỗi sự
tình. Ryle (1949) tập trung phân chia động từ thành hai loại chính là động từ chỉ
kết quả (achievements) và động từ chỉ hoàn thành (accomplishments). Vendler
(1957) đã phân bốn kiểu sự tình là trạng thái (states), hoạt động (activities), kết quả
(achievements)5 và hoàn thành (accomplishments). Khác với quan điểm phân chia
của Ryle, Kenny (1963) phân loại và đưa ra điểm khác biệt giữa kiểu sự tình trạng
thái (states), hành động (activities) và thực hiện (performances) (là những sự tình
có điểm kết thúc tự nhiên). Kế thừa kết quả nghiên cứu của Vendler, Downty
Lâm Quang Đông (2008) dịch là “kết quả”; Nguyễn Văn Hiệp (2012) dịch là “sự biến”. Trong luận án này
chúng tôi thống nhất sử dụng thuật ngữ “kết quả”.
5

10


(1979) đã thảo luận và phát triển phân loại các sự tình theo thành bốn nhóm trong

sự tương tác với các từ bổ nghĩa (modifier) và thì (tense) là: động từ chỉ trạng thái,
hoạt động, kết quả và hoàn thành. Theo đó, Downty định nghĩa sự tình trạng thái là
tình huống không động (non-dynamic situations), chẳng hạn như be happy,
believe; sự tình hoạt động là sự tình có kết thúc mở (open-ended), như động từ run;
kết quả là những sự tình xảy ra gần đồng thời (near-instantaneous) (kết thúc ngay
sau khi bắt đầu), như là động từ notice; và sự tình hoàn thành là sự tình có điểm kết
thúc tự nhiên (natural end-point), chẳng hạn như read the book. Giống như các nhà
ngôn ngữ học theo trường phái ngữ pháp chức năng, Rothstein [82, tr.12] đã dựa
vào hai thuộc tính về thể (aspectual properties) quan trọng để phân chia bốn lớp
động từ trên, đó là: liệu chúng có tính hữu kết hay không [±telic] và có tính giai
đoạn [±stages] hay không (tức là khả năng sử dụng với thể tiếp diễn hay không).
Chafe [5, 37] bàn luận nhóm động từ trải nghiệm khi ông bàn đến “bức tranh cấu
trúc ngữ nghĩa, trong đó hình thể tiêu biểu là tổ hợp có động từ làm trung tâm với
một hoặc nhiều hơn một danh từ mà mỗi danh từ đó nằm trong một quan hệ ngữ
nghĩa nhất định với động từ” [5, tr.145]. Xin xem xét những câu sau đây:
(9) (a) Tom wanted a drink.
Tôm (đã) muốn uống nước.
(b)

Tom knew the answer.
Tôm (đã) biết câu trả lời.

(c)

Tom liked the asparagus.
Tôm (đã) thích măng.

[19:144]

Trong các câu trên, Chafe [5, tr.145] nhận xét: “Tôm không phải là người phát ra

hành động, không phải là người sẽ làm một cái gì đó. Đúng hơn thì Tôm là người
có tâm trạng nhất định nào đó: là người muốn được uống, là người biết câu trả lời,
người thích món măng. Tôi gọi những động từ trong những câu như thế là (…) trải
nghiệm. (…)”. Theo Chafe, những động từ trải nghiệm có ở biểu hiện cái trạng
thái mà về nó người ta không đặt câu hỏi: What happened? (Cái gì đã xảy ra?),
không có đặc trưng thể tiến triển (dạng tiếp diễn). Nhưng nó thường chỉ trạng thái,
lúc đó mỗi động từ có kèm theo một danh từ - thụ nhân (drink, answer, asparagus)
để phụ thêm cho người trải nghiệm là Tom. Những danh từ này cụ thể hóa đối
tượng mà chúng ta mong muốn, hiểu biết hoặc yêu thích. Ngoài ra, ông còn cho
rằng động từ trải nghiệm không chỉ ở hạn chế chỉ trạng thái mà còn có thể chỉ quá
trình khi xem xét những câu sau:
(10)
(a) Tom saw a snake.
Tôm nhìn thấy một con rắn.
(b) Tom heard an owl.
Tôm nghe thấy tiếng con cú.

11


(c) Tom felt the needle.
Tôm sờ thấy cái kim.
(d) Tom learned the answer.
Tôm biết câu trả lời.
(e) Tom remembered the answer.
Tôm nhớ câu trả lời.

[19:145]

Ông khẳng định chỉ có những động từ không chỉ hành động mới thực chất là

những động từ trải nghiệm. Như vậy, động từ trải nghiệm có thể được biểu thị
bằng cách sau:
V

 trải nghiệm (experiential)
 hành động

Từ đó, động từ trải nghiệm có thể quy vào các quy tắc sau đây:
+ [trạng thái] [trải nghiệm] [ hoàn cảnh tính] want, know, like, …
+ [quá trình] [trải nghiệm] [ hoàn cảnh tính] see, hear, feel,…
Như vậy, theo tiêu chí nhận diện của Chafe, động từ trải nghiệm không phải là
động từhoạt động, mà là động từ chỉ trạng thái và quá trình và đòi hỏi có sự kèm
theo của danh từ quan hệ với nó với tư cách là người trải nghiệm. Việc bàn luận
đến động từ trải nghiệm của Chafe chỉ dừng lại ở đây. Tuy nhiên, tiêu chí mà
Chafe đưa ra ở trên là một căn cứ hết sức quan trọng giúp chúng tôi xem xét phạm
vi nghiên cứu về động từ trải nghiệm của các tác giả khác.
Dik (1978) (dẫn theo Hoàng Văn Vân [30]) “là người đề xuất một mô hình các
kiểu quá trình phù hợp nhất cả về phương diện lí luận lẫn thực tiễn mà ông gọi là
“loại hình các sự tình”. Theo Dik, các sự tình có thể được phân loại dựa ttrên hai
thông số cơ bản: động và kiểm soát. Khi hai thông số này tương tác với nhau,
chúng xác định bốn kiểu sự tình được trình bày như sau:

Bị kiểm soát
Không bị kiểm soát

Sự tình
+Tĩnh
Tình huống
Vị trí
Trạng thái


+ Động
Sự kiện
Hành động
Quá trình

Bảng 1: Loại hình các sự tình (Dik, 1978) (dẫn theo Hoàng Văn Vân [30])
(b) Động từ trải nghiệm trong sự tình tinh thần hay sự tình trải nghiệm/nghiệm
thể
Động từ trải nghiệm trong sự tình tinh thần hoặc là sự tình trải nghiệm/ nghiệm thể
được các tác giả Downing & Locke [44], Halliday [6, 54], Lock [67] và Thompson
[86] tập trung nghiên cứu.
12


Halliday [6, 54] phân chia các sự tình (tác giả gọi là “quá trình”) như sau: các sự
tình vật chất (material), phản ánh thế giới vật lí; các sự tình tinh thần (mental),
phản ánh thế giới ý thức; các sự tình quan hệ (relational), phản ánh các mối quan
hệ trừu tượng. Bên cạnh đó là các sự tình chuyển tiếp: các sự tình hành vi, chuyển
tiếp giữa các sự thể vật chất và các sự thể tinh thần; các sự tình ngôn từ (tức sử dụng
ngôn từ, bao gồm nói năng và cảm nghĩ), chuyển tiếp giữa các sự tình tinh thần và
các sự tình quan hệ; các sự tình tồn tại (gồm sự tồn tại, sự xuất hiện, sự tiêu biến),
chuyển tiếp giữa các sự tình vật chất và các sự tình quan hệ. Ở đây, tác giả đã nhóm
các cú chỉ cảm giác (feeling), suy nghĩ (thinking) và tri giác (perceiving) dưới một
nhan đề chung gọi là cú tinh thần. Phạm trù “cú tinh thần”, theo tác giả, có những
đặc trưng khu biệt về mặt ngữ pháp với các cú vật chất theo năm tiêu chí sau:
(i) Trong một cú thuộc sự tình tinh thần, thường có một tham thể là người, đó là
tham thể có thể cảm được – cảm giác, tri nhận, tri giác. Đặc điểm của tham thể này
là nó được “ban cho ý thức”. Về mặt ngữ pháp, tham thể này là tham thể được gọi
theo các đại từ he (anh ấy) hoặc she (chị ấy), chứ không phải là it (nó).

(ii) Đối với thành phần chính yếu khác trong cú tinh thần, đó là thành phần được
cảm, được tri nhận, hay được tri giác, thì tập hợp các sự vật đảm nhiệm vai diễn
này không chỉ bị hạn chế vào bất kỳ phạm trù ngữ nghĩa hay phạm trù ngữ pháp
nào. Nó có thể không phải chỉ là một “sự vật’ (thing) mà còn cả một “thực tế”
(fact) nữa.
(iii) Thì hiện tại được đánh dấu trong cú tinh thần là thì hiện tại đơn. Ví dụ:
(11)

Khả chấp:
(a)She likes the gift.
Cô ta thích món quà.
(b) Do you know the city?
Bạn có biết thành phố này không?
(c) I see the stars.
Tôi nhìn thấy những ngôi sao ấy.

Bất khả chấp:
She is liking the gift.
Cô ta đang thích món quà.
Are you knowing the city?
Bạn đang biết thành phố này có phải
không?
I am seeing the stars.
Tôi đang nhìn thấy những ngôi sao ấy.
[3: 218]

(iv) Các sự tình tinh thần được thể hiện trong ngôn ngữ như là sự tình hai chiều;
nghĩa là có thể nói: Mary liked the gift (Mary thích món quà) hoặc The gift pleased
Mary (Món quà làm cho Mary hài lòng).
(v) Cú vật chất là cú “hành động”, có thể được dò và thay thế bởi động từ “do”

(làm); còn cú tinh thần thì không. Ví dụ:
(12) What did John do? – He ran away. What John did was run away.
John (đã) làm gì? – Nó bỏ chạy. Việc mà John làm là bỏ chạy.

13


Không thể nói là What John did was know the answer (Cái mà John làm là biết câu
trả lời). Tác giả cũng dùng hai thuật ngữ Cảm thể (Sensor) và Hiện tượng
(Phenomenon) để gọi tên hai tham thể trong sự tình tinh thần. Cảm thể là vật có ý
thức có thể cảm, nghĩ, hay thấy. Hiện tượng là tham thể được “cảm” – được cảm,
được nghĩ, hay được thấy. Ba đặc điểm của phạm trù sự tình tinh thần - cảm, nghĩ
và thấy hình thành nên ba tiểu loại sự tình tinh thần chính là: (1) tri giác
(perception) (ví dụ: see, hear), (2) tình cảm (affection) (ví dụ: like, fear) và (3) tri
nhận (cognition) (ví dụ: think, know, understand).
Downing & Locke [44, tr.112-131]đồng quan điểm với Halliday khi đề cập đến ba
kiểu sự tình (ST)/quá trình chính: (a) Sự tình vật chất, hay sự tình “hành động”
(material processes, or processes of “doing”) như kick, run, paint, construct, write,
repair, send, give; (b) Sự tình tinh thần, hay sự tình “trải nghiệm” hay “nghiệm
thể” (mental processes, or processes of “experiencing” or “sensing”) như see, hear,
know, feel, believe, think, like, hate, regret, forget; (c) Sự tình quan hệ, hay sự tình
“being” (là) hoặc “becoming” (trở thành) trong đó một tham thể được mô tả, hoặc
được nhận diện, hoặc được định vị theo hoàn cảnh; ví dụ: be, seem, stand, lie,
become, turn, get. Từ việc phân loại, nhóm tác giả đã miêu tả chi tiết các vai tham
thể (participant roles) tham gia vào các sự tình và đưa ra những ví dụ minh họa,
trong đó nhóm tác giả đã nêu ra những đặc điểm của sự tình tinh thần như sau: (i)
Sự tình tinh thần là các sự tình tri giác – perception, sự tình tri nhận và sự tình tình
cảm; (ii) Luôn luôn có một tham thể có ý thức, đó là Nghiệm thể (Experiencer) 6 –
người tri nhận, biết, thích, v.v. Thông thường có một tham thể thứ hai, đó là Hiện
tượng (Phenonmenon) – cái được tri nhận, được biết, được thích, v.v. (iii) Động từ

chỉ sự tình tinh thần điển hình là động từ tĩnh (stative). Đối với một số tiểu loại của
sự tình tinh thần, trong tiếng Anh có cả động từ tĩnh (như see) và động từ động
(như watch). Sự tình tinh thần động như watch dùng với thì-thể tiếp diễn, trong khi
đó sự tình tinh thần tĩnh nhìn chung là không dùng với thể-thì tiếp diễn.
(13)
(a)
(b)
(c)
(d)

Nghiệm thể
Who
Phil
We
Children

ĐT: tinh thần
saw
knows
believe
like

Hiện tượng
what happened?
the answer.
that he is right.
going to the circus.
[23: 126]

Thompson [86, tr.79-102] đã bàn đến ba kiểu sự tình chính là sự tình vật chất, sự

tình tinh thần, sự tình quan hệ và ba kiểu sự tình khác là sự tình phát ngôn, sự tình
hành vi và sự tình tồn tại. Tương ứng với mỗi sự tình là những động từ trung tâm
đóng vai trò là vị ngữ và quây quần xung quanh nó là các vai nghĩa. Tác giả chỉ
bàn luận đến đặc điểm chung nhất của các sự tình và đưa ra những ví dụ về động
6

Halliday và Thompson gọi là Cảm thể (Sensor)

14


từ điển hình biểu thị cho mỗi sự tình. Trong đó, tác giả nhắc tới những động từ đề
dùng để miêu sự tình tinh thần là những động từ tình cảm hay phản ứng (affectionor
reaction) như like (thích), admire (ngưỡng mộ), fancy (thích), notice (nhận thấy),
puzzle (làm bối rối), worry (làm lo lắng), attract (thu hút, hấp dẫn), impress (gây ấn
tượng), horrify (làm sợ hãi),v.v.; động từ tri nhận (cognition) như decide (quyết
định), know (biết), understand (hiểu), imagine (tưởng tượng), choose (lựa chọn),
discover (phát hiện), v.v. và động từ tri giác (perception) như see (nhìn thấy), hear
(nghe thấy), feel (cảm thấy), v.v. Những vai nghĩa xoay xung quanh động từ là vai
nghĩa Cảm thể (sensor) và vai nghĩa Hiện tượng (phenomenon) . Ví dụ:
(14)

She
Cô ấy
Cảm thể

could hear
có thể nghe thấy
ĐT: tinh thần


his voice.
giọng nói của anh ấy
Hiện tượng
[36:82]

Vai nghĩa Cảm thể và vai nghĩa Hiện tượng có thể đóng vai trò là chủ ngữ hoặc tân
ngữ như trong ví dụ sau đây:
(15)
Chủ ngữ: Cảm thể
(a) She liked what he did.
Cô ấy thích việc anh ấy đã làm.
(c) I admire his willingness to
experiment.
Tôi ngưỡng mộ việc anh ấy sẵn
sàng làm thí nghiệm.

Chủ ngữ: Hiện tượng
(b)What he did pleased her.
Việc anh ấy làm làm hài lòng cô ấy.
(d) His willingness to experiment
impresses me.
Việc anh ấy sẵn sàng làm thí nghiệm
làm tôi ấn tượng.
[36:84]

Tóm lại, theo hướng nghiên cứu động từ là một phạm trù chức năng, động từ trải
nghiệm được xem xét trong sự tình trạng thái, sự tình tinh thần hoặc là sự tình trải
nghiệm. Trên bình diện ngữ nghĩa, hầu hết các nhà nghiên cứu cho rằng cấu trúc
nghĩa biểu hiện của một sự tình trải nghiệm bao gồm: lõi sự tình và các vai nghĩa.
Lõi của sự tình trải nghiệm được biểu thị bằng động từ trải nghiệm với các tiểu

lớp: động từ tri giác, động từ tri nhận, động từ tình cảm, động từ mong muốn. Các
vai nghĩa do lõi sự tình quy định là Cảm thể/Nghiệm thể và Hiện tượng. Tuy nhiên,
theo như khảo sát trên, Halliday, Thompson và Lock sử dụng thuật ngữ “Cảm thể”
(Sensor) thay vì “Nghiệm thể” (Experiencer) mà Downing & Locke sử dụng.
Chúng tôi thấy rằng cho dù là Nghiệm thể hay Cảm thể thì vai nghĩa này vẫn có
chung các đặc điểm, chỉ khác ở tên gọi. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu trên vẫn
chưa chỉ ra được đặc điểm ngữ nghĩa và ngữ phápcủa các vai nghĩa một cách chi
tiết. Ngoài ra, những nhóm động từ trải nghiệm được bàn luận ở trên là chỉ một
trong những phần nội dung nghiên cứu trong công trình ngữ pháp chức năng nói
chung. Do vậy, rất cần thiết có một công trình nghiên cứu độc lập về các lớp động
từ trải nghiệm.
15


1.2. Tình hình nghiên cứu động từ trải nghiệm trong tiếng Việt
Trong Việt ngữ học, không ít công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến vấn đề
động từ trong tiếng Việt và đề cập đến động từ trải nghiệm như Diệp Quang Ban
[2], Nguyễn Hữu Đạt & Nguyễn Thanh Hương [7], Cao Xuân Hạo [10, 11, 12],
Hoàng Thị Hòa [15], Hoàng Thị Tuyết Minh [17], Nguyễn Vân Phổ [19, 20],
Nguyễn Thị Quy [21, 22], Nguyễn Kim Thản [23], Lê Kính Thắng [24], Nguyễn
Thị Tuyết (chủ biên) [28], UBKHXHVN [29], v.v. Tuy nhiên, theo khảo sát, mỗi
một nhà nghiên cứu lại đề cập đến lớp động từ trải nghiệm theo sự phân chia động
từ dựa trên các tiêu chí khác nhau, với các tên gọi khác nhau như: động từ tình
cảm, động từ tri giác, động từ trạng thái tinh thần, động từ cảm nghĩ nói năng,
động từ cảm nghĩ, động từ ý chí, động từ chỉ hoạt động của các giác quan, động từ
trải nghiệm trong sự tình tinh thần/trải nghiệm.
(a) Động từ tình cảm, động từ tri giác và trạng thái tinh thần, động từ cảm nghĩnói năng
Tiêu biểu cho quan niệm này là Nguyễn Kim Thản [23]. Theo sự chi phối của các
hư từ phục vụ động từ, Nguyễn Kim Thản [23, tr.127-128] chia động từ làm 6
nhóm, trong đó nhóm 5 là nhóm động từ tình cảm (như ái ngại, âu yếm, bái phục,

bao dung, biết, cảm phục, chiều, ghét, gớm, giận, hiểu, kính trọng, nâng đỡn, tin,
yêu, v.v.) và nhóm 6 là nhóm động từ tri giác - động từ biểu thị tri giác và trạng
thái tinh thần (như am hiểu, am tường, áy náy, ăn năn, băn khoăn, bứt rứt, v.v. )
và động từ biểu thị dục vọng, cảm giác (như chuộng, ham, hám, kinh, hoảng, lo, lo
sợ, lo ngại, luyến tiếc, mong, mơ ước, tham, thèm, v.v). Theo tính chất chi phối
của động từ, ông đã đưa ra một danh sách các nhóm động từ được chia, trong đó
ông đề cập đến nhóm động từ chỉ hoạt động của bộ phận cơ thể và nhóm động từ
cảm nghĩ-nói năng (bảo, bịa, cãi, cảm thấy, e, hiểu, khen, khoe, lo, mong, ngại,
nghĩ, nhận định, nghe, v.v.).
(b) Động từ cảm nghĩ, động từ ý chí
Tiêu biểu là nhóm tác giả của công trình Ngữ pháp tiếng Việt [29, tr.88-95] và
Nguyễn Chí Hòa [16]. Dựa trên khả năng kết hợp với các phụ tố và ngữ nghĩa từ
vựng, các tác giả đã bàn luận đến động từ cảm nghĩ (chỉ những hoạt động như nghĩ
ngợi, nhận biết, thụ cảm, …) như nghe, biết, tin, yêu, nhớ, nghi ngờ,v.v. và động từ
ý chí (hay động từ chỉ trạng thái ý chí) như muốn, quyết, dám, toan, định, v.v. Về
khả năng kết hợp với phụ tố, nhóm tác giả cho rằng chúng ta cần phải dùng động
từ cảm nghĩ làm chính tố và sau nó kết hợp với các phụ tố chỉ sự vật thì động từ
này mới đủ nghĩa (ví dụ 16a, 16b, 16c, 16d; ngoài ra có thể kết hợp với phụ tố chỉ
mức độ (thường là trước chính tố) như ở ví dụ 16e, 16f. Ví dụ:
(16)
(a) nghe
nhạc
(d) nghi ngờ các tin đồn
c-chính p-phụ
c
p

16



(e) rất yêu nước
p c p
(f) rất biết lẽ phải
p c
p

(b) tin người
c
p
(c) nhớ quê hương
c
p

[26:89]
Nhóm tác giả cho rằng đặc điểm ngữ pháp trên giúp chúng ta phân biệt động từ
cảm nghĩ với động từ nội động và ngoại động (không thể nói rất soạn nhạc, nhưng
có thể nói rất yêu nhạc, rất biết nhạc).
(c) Động từ chỉ hoạt động của các giác quan
Tiêu biểu cho quan niệm này là Nguyễn Thị Tuyết (chủ biên) [28]. Nhóm tác giả
giới thiệu về ba nhóm động từ được phân chia theo tính chất chi phối của các giác
quan, đó là động từ chỉ hoạt động nói năng (verbs of speaking), động từ thông báo
(verbs of reporting), động từ chỉ hoạt động của các giác quan (verbs of senses).
Trong đó, các động từ chỉ hoạt động của các giác quan - một trong những lớp
động từ trải nghiệm được chia thành 3 loại, đó là: (i) các động từ chỉ hành động
có chủ tâm (intentional activity), (ii) các động từ chỉ hành động không có chủ tâm
(unintentional activity) và (iii) các động từ chỉ cảm giác hiện hữu (current
sensation).
(d) Động từ trải nghiệm trong sự tình trạng thái và sự tình tinh thần
Tiêu biểu cho sự phân loại theo hướng này là Cao Xuân Hạo [10] và Hoàng Văn
Vân [88]. Cao Xuân Hạo [10, tr.438-439] đề cập đến kiểu động từ trạng thái trong

câu chỉ trạng thái mà theo chúng tôi đó cũng chính là động từ trải nghiệm. Ông
nhận xét về vị từ trạng thái như sau: “Một loại sự tình chuyển thái đặc biệt là
những tri giác và sự nảy sinh của các cảm giác và tình cảm: trông thấy, nghe thấy,
nhận ra, nhận thấy, bắt đầu có cảm giác đau, ngứa, nóng, lạnh, v.v. hoặc hết cảm
giác đó, bắt đầu yêu, ghét, trọng, khinh, v.v”. Tiếp đó, ông khẳng định: “nhìn thấy
đối với nhìn, nghe thấy đối với nghe, xét cấu trúc cũng giống như học thuộc đối
với học hay ăn no đối với ăn. Những sự tình này đều đưa đến một trạng thái mới
của chủ thể”. Khi bàn về câu chỉ trạng thái, ngoài những vị từ chỉ trạng thái là
những vị từ đơn trị (rắn, mềm, đặc, khỏe, yếu, đa cảm, nhạy cảm, …), còn có
“những vị song trị như thích, yêu, thương, ghét, thù, giận, sợ, kính, nể, trọng, phục,
v.v. (tình cảm). Những câu chỉ những trạng thái tâm lí, những tình cảm trên đây có
hai diễn tố, trong đó diễn tố thứ nhất là kẻ mang hay thể nghiệm tình cảm được vị
từ biểu thị gọi là nghiệm thể (experiencer) và diễn tố thứ hai là đối tượng gây nên
tình cảm đó.” (Cao Xuân Hạo [10, tr.441]).

17


Hoàng Văn Vân [30, tr. 211-243], dựa vào mô hình của Halliday, đã đề xuất mô
hình hệ thống các kiểu quá trình (QT)7 trong tiếng Việt, công nhận ba sự lựa chọn
hệ thống ban đầu: quá trình hành động, quá trình phóng chiếu, quá trình tồn tại và
sáu sự lựa chọn cho hệ thống thứ hai: vật chất, hành vi, tinh thần, phát ngôn, quan
hệ, và hiện hữu. Theo tác giả, “trong giao tiếp trực diện hàng ngày chúng ta không
chỉ dựa vào việc giải nghĩa hay thể hiện những cái diễn ra ở thế giới bên ngoài.”
Điều này có nghĩa là trong khi trao đổi thông tin, ngoài việc sử dụng quá trình
hành động, những người sử dụng ngôn ngữ còn lựa chọn các kiểu sự tình khác để
giải thích cho những gì mà họ cảm thấy – nghĩ, tri nhận, cảm giác, mong đợi, và
cái mà một người nào đó nói với một người nào khác. Những sự kiện diễn ra trong
thế giới nội tâm hay “các quá trình thuộc ý thức con người” (tr.210). Quá trình
phóng chiếu được thể hiện ở hai tiểu loại: quá trình tinh thần và quá trình phát

ngôn. Tác giả đã đưa những ví dụ sau:
(17) (a) Tuyết yêu tôi.
(b) Tôi thấy vẻ buồn trên khuôn mặt bà.
(c) Tầm hai giờ chiều tôi tìm thấy nhà Năm Minh.
(d) Người già muốn sự thoải mái.
(e) Bu thương thằng Hòa lắm.
[9:211]
Những cú trên không thể hiện thế giới cụ thể và hữu hình của những hành động và
sự kiện. Ngược lại, chúng giải thích thế giới của “ý thức con người” (Halliday [6,
54]; Shore, 1992), Matthiessen, 1995; Butt, Fahey, Spink & Yallop, 1995) 8. Các
quá trình này liên quan đến những hoạt động tinh thần như yêu, thấy, tìm thấy,
muốn, thương chứ không phải là những hành động vật chất như đấm, đá, thụi, cho.
Lĩnh vực kinh nghiệm của quá trình này là “cảm giác” chứ không phải là “hành
động”. Trong lí thuyết chức năng hệ thống, các quá trình thuộc loại này là các quá
trình tinh thần. Do đó, ở bình diện ngữ nghĩa, quá trình tinh thần có thể được định
nghĩa như là các quá trình giải thích điển hình thế giới cảm giác nội tâm hay
“những cảm giác thuộc nhiều kiểu khác nhau” (Matthiessen [70, tr. 256]). Tác giả
đưa ra bốn sự lựa chọn chính trong toàn bộ hệ thống các kiểu quá trình tinh thần:
(i) Quá trình tinh thần tri giác, ở bình diện ngữ nghĩa, là những quá trình chỉ cảm
giác của con người như nhìn thấy/trông thấy, nghe thấy, ngửi thấy, đánh hơi thấy,
sờ thấy, nếm thấy; cũng có thểbao gồm các quá trình không cụ thể hóa một hình
thức tri giác hay cảm quan nào như cảm thấy, nhận thấy, quan sát thấy. Ví dụ:
(18)

Em
Cảm thể



nghe thấy


tên chị ấy.

QT: tinh thần: tri giác

Hiện tượng

[9:235-236]

Hoàng Văn Vân sử dụng thuật ngữ “quá trình”. Thuật ngữ “quá trình” được hiểu theo nghĩa rộng là sự
tình; hiểu theo nghĩa hẹp chính là lõi của sự tình (lõi vị ngữ). Để tôn trọng tác giả, chúng tôi giữ nguyên
thuật ngữ “quá trình” khi trích dẫn.
8
Dẫn theo Hoàng Văn Vân [30, tr. 211]
7

18


Trên bình diện ngữ pháp-từ vựng, có hai đặc điểm để nhận diện quá trình tinh thần
tri giác: (i) có thể chấp nhận một Đại hiện tượng như ở ví dụ 13a; (ii) không thể
phóng ra một “ý tưởng” hoặc dưới hình thức trích nguyên hoặc dưới hình thức
thông báo lại; ví dụ 19b và 19c không được chấp nhận.
(19)

(a) Tôi
Cảm thể

nhìn thấy


chiếc xe ca đang chạy ngoài đường

QT: tri giác

Đại hiện tượng

(b) Tôi nhìn thấy chiếc xe ca “đang chạy ngoài đường”.
(c) Tôi nhìn thấy rằng chiếc xe ca đang chạy ngoài đường.
[9:236]
(ii) Quá trình tinh thần tri nhận, ở bình diện ngữ nghĩa, là những quá trình thể hiện
“các hoạt động tinh thần” như nghĩ,hiểu, biết, tin/tin tưởng, nhớ, quên, mơ. Ví dụ:
(20)

Anh
Cảm thể

nhớ
QT: tri nhận

tôi.
Hiện tượng

[9:237]
Trên bình diện ngữ pháp-từ vựng, có hai đặc điểm để nhận diện quá trình tinh thần
tri nhận: (i) nó có thể phóng ra một “ý tưởng” hoặc dưới hình thức trích nguyên
hoặc dưới hình thức thông báo lại (ví dụ 21, 22); (ii) một số quá trình thuộc tiểu
loại này có thể thay cho ý nghĩa tình thái chỉ xác suất; ví dụ: tôi nghĩ = có lẽ, có
khả năng.
(21) (a) Một người lính
Cảm thể


(b) Một người lính
Cảm thể

nghĩ:

“Ngày mai

mình

sẽ trở về”.

QT: tri nhận

Chu cảnh

Hành thể

QT: vật chất

nghĩ

rằng

ngày mai

anh ta

sẽ trở về.


Chu cảnh

Hành thể QT: vật chất

QT: tri nhận

[9:237]
(iii) Quá trình tinh thần mong muốn, ở bình diện ngữ nghĩa, có thể được định nghĩa
là những quá trình diễn đạt các kiểu mong muốn hay nguyện vọng khác nhau như
ao ước, mong muốn, định, hi vọng, quyết, quyết định. Ví dụ:
(22)

(a)
(b)

Người già
Họ
Cảm thể

mong muốn
đang mong
ĐT: mong muốn

sự thoải mái.
cô ấy.
Hiện tượng
[9:239]

Trên bình diện ngữ pháp-từ vựng, quá trình này có hai đặc điểm phân biệt: (i) một
số quá trình mong muốn có thể phóng ra một hiện tượng là ý tưởng, điển hình

trong hình thức thông báo lại (như ví dụ 23). (ii) Một số quá trình như muốn, mong
muốn có thể thay cho các ý nghĩa tình thái chỉ bổn phận và khả năng; ví dụ: nó
muốn = nó phải/nó nên trong ví dụ 24, 25.
19


(23)

Mẹ
Cảm thể

hi vọng
QT:mong muốn

con
Hành thể

sẽ học
giỏi.
QT: vật chất Chu cảnh

(24)


Cảm thể
Chủ ngữ

muốn
QT: mong muốn
Vị ngữ


gặp
QT: vật chất
Vị ngữ

giáo sư.
Đích thể
Bổ ngữ

(25)


Hành thể

phải
QT: vật chất

gặp

Chủ ngữ

(tình thái: bổn phận) Vị ngữ

giáo sư.
Đích thể
Bổ ngữ
[9:240-241]

(iv) Quá trình tinh thần tình cảm, ở bình diện ngữ nghĩa, có thể được định nghĩa là
những quá trình diễn đạt “những phản ứng tinh thần” đối với một hiện tượng nào

đó như yêu, quý/mến, thích, ghét, cảm ghét, ghê tởm, dọa, sợ, khiếp. Ví dụ:
(26)

(a) Tuyết

yêu

tôi.

(b)

Tôi

quý

vợ chồng Đê-vit.

Cảm thể

QT: tinh thần: tình cảm

Hiện tượng
[9:241]

Trên bình diện ngữ ngữ pháp-từ vựng, quá trình tình cảm trong tiếng Việt có thể
được nhận diện thông qua hai đặc điểm chính: (i) một quá trình tình cảm chỉ có thể
phóng ra một cú nội tại thông qua hình thức bao, chứ không phải cú ngoại tại
thông qua hình thức tổ hợp hay phức hợp hóa. Trong tiếng Việt, tổ hợp cú tình cảm
sau đây không thể chấp nhận: Tôi quý rằng vợ chồng Đê-vit tốt hay là: Tuyết yêu:
“Hắn đánh cô ấy”. (ii) Trong tiếng Việt dường như có sự phân loại mức độ các

động từ hiện thực hóa các quá trình tình cảm, ví dụ như: thích – yêu, quý/ mến –
mê, sợ/hãi – khiếp, ghét – căm ghét/ghê tởm.
Ngoài ra, dựa trên lý thuyết điển dạng vào việc phân loại động từ tri giác – một trong
những nhóm thuộc lớp động từ trải nghiệm, Hoàng Thị Hòa [15] đã có bảng phân
chia động từ tri giác tiếng Việt như sau: (i) Động từ tri giác trải nghiệm: thị giác
((nhìn) thấy), thính giác ((nghe) thấy), vị giác (thấy), khứu giác (thấy), xúc giác (thấy);
(ii) Động từ tri giác tri nhận: thị giác ((nhìn) có vẻ), thính giác ((nghe) có vẻ), vị giác
((nếm) có vẻ/vị), khứu giác (ngửi có vẻ/mùi), xúc giác (sờ có vẻ). Công trình này của
Hoàng Thị Hòa nghiên cứu sâu về lớp động từ tri giác trong tiếng Anh, sau đó liên hệ
với tiếng Việt. Tuy vậy, đây vẫn chỉ là một công trình nghiên cứu về một trong bốn tiểu
lớp động từ là lõi của sự tình trải nghiệm. Ngoài ra, tác giả cũng mới chỉ nghiên cứu
chúng trên bình diện ngữ nghĩa theo quan điểm chức năng hệ thống, hiện tượng chuyển
20


nghĩa của một số động từ. Động từ tri giác vẫn chưa được nghiên cứu trên bình diện
ngữ pháp hay ngữ dụng học.
Cho tới nay, động từ trải nghiệm tiếng Việt được nghiên cứu một cách rõ nét nhất
ở công trình của Hoàng Văn Vân [30, 88]. Tuy nhiên, các tiểu lớp động từ trải
nghiệm (hay còn gọi là động từ tinh thần) trong tiếng Việt của Hoàng Văn Vân chỉ
là một trong các nội dung nghiên cứu trong công trình “Ngữ pháp kinh nghiệm của
Cú tiếng Việt: Mô tả theo quan điểm chức năng hệ thống”. Việc nghiên cứu sâu
hơn về mô hình ngữ nghĩa, các vai nghĩa, hay là sự ánh xạ mô hình cấu trúc nghĩa
lên cấu trúc cú pháp còn bị bỏ ngỏ trong công trình này.
1.3. Tiểu kết
Tóm lại, có thể thấy rằng lớp động từ trải nghiệm được nghiên cứu, nhận diện và
phân loại ở mỗi nhà nghiên cứu với những quan điểm khác nhau.
Được xem xét với tư cách là một phạm trù từ loại, trong tiếng Anh, động từ trải
nghiệm được nghiên cứu ở các tiểu lớp như động từ tri giác tĩnh, động từ tri giác
chỉ hoạt động, động từ trải nghiệm, động từ nối, động từ tri nhận tĩnh, động từ chỉ

trạng thái cơ thể, động từ tình cảm, động từ chỉ trạng thái tinh thần/cảm nghĩ, hay
một số nhóm động từ cụ thể như annoying (bực mình), attention (chú ý), thinking
(suy nghĩ). Những động từ được nghiên cứu chủ yếu ở các khía cạnh khả năng kết
hợp với các từ loại khác, thời thể (đơn và tiếp diễn). Trong tiếng Việt, động từ trải
nghiệm được phân loại thành các tiểu loại khác nhau với những tên gọi khác nhau
như động từ tình cảm, động từ tri giác, động từ trạng thái tinh thần, động từ cảm
nghĩ nói năng, động từ cảm nghĩ, động từ ý chí, động từ chỉ hoạt động của các giác
quan. Các tiêu chí phân loại cũng đa dạng, như: phân loại theo sự chi phối của các
hư từ phục vụ động từ, dựa trên khả năng kết hợp với các phụ tố và ngữ nghĩa từ
vựng, phân chia theo tính chất chi phối của các giác quan.
Với quan điểm động từ được nghiên cứu theo hướng là một phạm trù chức năng,
động từ trải nghiệm được xem xét trong sự hành chức của câu. Cụ thể là động từ
trải nghiệm là lõi vị ngữ biểu thị cho mỗi sự tình, xoay quanh các động từ là các
tham thể tham gia vào sự tình đó. Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu động từ trải
nghiệm trong sự tình trạng thái sự tình quá trình, sự tình tinh thần hoặc là sự tình
trải nghiệm.
Tuy nhiên, các lớp động từ trải nghiệm chưa được đi sâu phân tích như một công
trình nghiên cứu độc lập mà chỉ được đề cập một phần trong các công trình nghiên
cứu về ngữ pháp hay lớp động từ khác. Do vậy, rất cần phải có một công trình
nghiên cứu độc lập về động từ trải nghiệm trong tiếng Anh và tiếng Việt, đặc biệt
là nghiên cứu so sánh đối chiếu chúng trong sự hành chức của câu trên bình diện
ngữ nghĩa và ngữ pháp theo hướng tiếp cận ngữ pháp chức năng để tìm ra nét
tương đồng và dị biệt.
21


Chương 2
CƠ SỞ LÝ LUẬN

2.1. Ngữ pháp chức năng với bình diện ngữ nghĩa và ngữ pháp của câu

Có nhiều quan điểm khác nhau về vai trò của nghĩa trong việc phân tích cú pháp.
Theo Nguyễn Văn Hiệp [14], ngôn ngữ học miêu tả Mĩ được coi là trường phái
không thừa nhận vai trò của nghĩa, trong đó Bloomfield cho rằng nghĩa không thể
được nghiên cứu một cách khoa học. Theo ông, nghiên cứu ngôn ngữ “phải luôn
bắt đầu từ dạng thức ngữ âm chứ không phải từ nghĩa”. Một số nhà ngôn ngữ học
hàng đầu ở Mĩ còn cho rằng có thể loại bỏ hẳn ngữ nghĩa ra khỏi lĩnh vực ngôn
ngữ. Những khuynh hướng không thừa nhận hoặc coi nhẹ vai trò của nghĩa trong
phân tích và miêu tả cú pháp có thể được gọi chung là cách tiếp cận hình thức
(Formal Approach) (tr.13). Đại diện cho cách tiếp cận này là Chomsky với Ngữ
pháp tạo sinh (Generative Grammar - GG) (1957, 1965). Chomsky đã phê phán mô
hình cấu trúc ngữ đoạn trong nghiên cứu cú pháp, vốn dựa trên cách phân tích của
ngữ pháp thành tố trực tiếp, bởi vì mô hình này không giải thích được câu lưỡng
nghĩa như: Flying planes can be dangerous. Câu này có thể hiểu là: (i) Máy bay
đang bay có thể gặp nguy hiểm; (ii) Lái máy bay có thể [là một việc] nguy hiểm
(tr.14). Theo Chomsky, cú pháp có tính tự trị (độc lập với nghĩa) và ngữ pháp của
ông phải đảm bảo cho việc tạo ra và thừa nhận những câu sai về ngữ nghĩa nhưng
đúng ngữ pháp tiếng Anh như câu sau: *Colorless green ideas sleep furiously
(Những tư tưởng màu xanh không màu ngủ một cách cuồng nộ). Về sau này, ông
điều chỉnh và phát triển Lý thuyết Chi phối và Ràng buộc (Governing and Binding
Theory) (1983) và hướng tiếp cận Tối thiểu luận (Minimalist Approach) (1993)
nhưng vẫn bảo lưu quan điểm cú pháp có tính tự trị và vẫn vấp phải nhiều chỉ trích
mạnh mẽ.
Hướng tiếp cận chức năng ra đời đã khắc phục những nhược điểm mà hướng tiếp
cận hình thức gặp phải. Theo cách tiếp cận này, ngôn ngữ được xem là một công
cụ tương tác xã hội, là một phương tiện giao tiếp. Những nhà ngôn ngữ theo hướng
tiếp cận này đã cố gắng giải thích mọi biểu hiện của ngôn ngữ như là phương tiện
để biểu đạt nghĩa, để thực hiện chức năng nào đó trong giao tiếp (Nguyễn Văn
Hiệp [14, tr.19]). Ngôn ngữ học phải xử lý hai loại hệ thống quy tắc, và cả hai về
bản chất, đều mang tính xã hội, đó là: (i) các quy tắc chi phối hoạt động tương tác
bằng lời với tư cách là một hình thức hoạt động hợp tác – quy tắc dụng học và (ii)

các quy tắc chi phối những biểu thức ngôn ngữ học có cấu trúc được sử dụng với
tư cách là công cụ trong hoạt động này – quy tắc nghĩa học, cú pháp và ngữ âm
học. Theo hướng này, dụng học được ưu tiên hơn so với nghĩa học và kết học, và
đến lượt mình, nghĩa học cũng được ưu tiên hơn so với kết học (tr.19).
22


×