Tải bản đầy đủ (.doc) (20 trang)

Tóm tắt luận văn thạc sĩ: Nghiên cứu về Truyền thống và cách tân trong thơ Hữu Thỉnh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (191.59 KB, 20 trang )

PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do, mục đích chọn đề tài:
1. Đổi mới, cách tân là quy luật, là nhu cầu tất yếu của sáng tạo nghệ thuật, trong đó có thơ.
Thơ Việt Nam từ sau 1975 đặc biệt từ sau 1986 đến nay đã có sự đổi mới cơ bản theo nhiều xu
hướng khác nhau: Có xu hướng trở về với nền thơ truyền thống; có xu hướng đi tìm cái mới trên cơ
sở tiếp thu những lý thuyết mới; có xu hướng tìm tòi, cách tân đổi mới trên cơ sở truyền thống thơ
dân tộc kết hợp một cách khoa học sáng tạo truyền thống và hiện đại. Hữu Thỉnh là một cây bút tiêu
biểu của xu hướng này.
2. Là nhà thơ trưởng thành trong giai đoạn thơ chống Mỹ, Hữu Thỉnh sớm khẳng định được
vị trí và phong cách sáng tạo độc đáo. Sau 1975 Hữu Thỉnh tiếp tục sáng tâc và ngày càng khẳng
định được vị thế riêng qua nhiều giải thưởng cao quý, đặc biệt tạo được sự mến mộ thường trực của
nhiều thế hệ độc giả. Có thể nói, truyền thống và cách tân thực sự là hai giá trị thẩm thấu, hội tụ
trong thơ Hữu Thỉnh tạo nên cảm quan nghệ thuật và giá trị riêng của thơ ông.
3. Hữu Thỉnh sáng tác không nhiều nhưng thơ ông luôn tạo được sự quan tâm đặc biệt của
công chúng và giới nghiên cứu, phê bình. Số lượng bài viết về thơ Hữu Thỉnh khá nhiều trong đó
cũng có một số ý kiến quan tâm đến tính dân tộc và tính hiện đại, truyền thống và cách tân trong thơ
ông. Tuy nhiên đó mới chỉ là những ý kiến lẻ tẻ, đan xen trong các bài viết về từng tập thơ, từng tập
trường ca và thơ chung của ông. Thực tế, cho đến nay chưa có công trình nào đi sâu, nghiên cứu
riêng về tính truyền thống và hiện đại trong thơ Hữu Thỉnh. Bởi vậy chúng tôi chọn đi sâu nghiên
cứu về Truyền thống và cách tân trong thơ Hữu Thỉnh với hy vọng góp phần nhận diện đánh giá
những nét đặc sắc của thơ Hữu Thỉnh và những đóng góp đáng trân trọng của ông đối với sự phát
triển của nền thơ Việt Nam hiện đại. Từ đó, đúc rút được những bài học kinh nghiệm thẩm mỹ quý
báu cho việc tìm tòi, đổi mới thơ.

2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu:
Hữu Thỉnh là cây bút luôn thu hút được sự mến mộ, quan tâm của các nhà nghiên cứu
phê bình và đông đảo công chúng. Đến nay số bài viết, công trình nghiên cứu về thơ Hữu
Thỉnh khá nhiều. Trong giới hạn của luận văn, chúng tôi tập trung khảo sát những công trình,
bài viết về thơ Hữu Thỉnh trên hai phương diện chính: Đánh giá chung về thơ Hữu Thỉnh và
tính truyền thống, hiện đại trong thơ Hữu Thỉnh.
2.1. Đánh giá chung về thơ Hữu Thỉnh


Về trường ca: Rất nhiều bài viết của các nhà thơ Xuân Diệu, Tế Hanh, Phạm Tiến
Duật, Thanh Thảo, Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Lê Thị Mây, Đỗ Trung Lai...và các

1


nhà nghiên cứu phê bình: Thiếu Mai, Trường Lưu, Đào Thái Tôn, Mai Hương...đều thống
nhất đánh giá cao thành công cả về nội dung và nghệ thuật của trường ca Hữu Thỉnh, đồng
thời khẳng định những nét đặc sắc riêng trong phong cách sáng tạo của Hữu Thỉnh ở thể
trường ca.
Về các tập thơ: Cùng với những bài viết chung về thơ Hữu Thỉnh của Hoài Anh,
Nguyễn Đăng Điệp, Lý Hoài Thu, Lưu Khánh Thơ... là nhiều bài viết của Tô Hoài, Vũ Nho,
Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Trúc Thông, Đỗ Ngọc Yên, Thiên Sơn, Trần Mạnh Hảo...
về các tập thơ Thư mùa đông, Thơ Hữu Thỉnh, Thương lượng với thời gian, Thơ với tuổi thơ...
Nhìn chung, các bài viết đều khẳng định những thành công và đóng góp của Hữu Thỉnh ở cả
hai chặng thơ viết về chiến tranh và đời sống hậu chiến. Một số bài đi sâu vào nghệ thuật thơ
Hữu Thỉnh khẳng định những nét đặc sắc trong phong cách thơ Hữu Thỉnh và đóng góp của
Hữu Thỉnh ở mỗi chặng sáng tác.
2.2. Nghiên cứu về truyền thống và cách tân trong thơ Hữu Thỉnh
Nhìn chung, vấn đề truyền thống và cách tân trong thơ Hữu Thỉnh mới chỉ được kết hợp
đề cập trong một số bài viết chung về thơ Hữu Thỉnh của Lý Hoài Thu, Vũ Nho, Nguyễn
Trọng Tạo... Cho đến nay chưa có công trình nào nghiên cứu trực tiếp, toàn diện, hệ thống về
vấn đề này. Chính vì vậy chúng tôi chọn đi sâu nghiên cứu về truyền thống và cách tân trong
thơ Hữu Thỉnh.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:
Trên cơ sở khảo sát yếu tố truyền thống và cách tân trong thơ Hữu Thỉnh, luận văn
khẳng định hướng tìm tòi, đổi mới thơ của Hữu Thỉnh cùng những đóng góp có ý nghĩa của
Hữu Thỉnh đối với thơ Việt Nam hiện đại, vì vậy toàn bộ sáng tác thơ và trường ca của Hữu
Thỉnh là đối tượng khảo sát của luận văn, cụ thể các tập thơ và trường ca:
- Âm vang chiến hào, tập thơ, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1975, (in chung với

Lâm Huy Nhuận).
- Sức bền của đất, trường ca, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1998.
- Thơ Hữu Thỉnh, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1998 bao gồm:
+ Tiếng hát trong rừng, tập thơ
+ Đường tới thành phố, trường ca
+ Thư mùa đông, tập thơ
+ Trường ca Biển, trường ca
- Thơ với tuổi hoa, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 2000.
- Thương lượng với thời gian, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2006.
Bên cạnh đó, để có cơ sở so sánh làm nổi bật những nét đặc sắc riêng trong thơ Hữu Thỉnh,
chúng tôi mở rộng khảo sát một số tập thơ và trường ca của các tác giả cùng thời với ông.

2


4. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp phân tích, tổng hợp.
- Phương pháp hệ thống.
- Phương pháp so sánh.
5. Đóng góp mới của luận văn:

Luận văn đặt và khảo sát thơ Hữu Thỉnh trong tiến trình thơ Việt Nam hiện đại để từ
đó phát hiện, lý giải những thành công của nhà thơ trong việc kế thừa và phát huy những giá
trị truyền thống, những đóng góp tích cực nhằm hiện đại hóa thơ, bước đầu khẳng định giá trị
đặc sắc của Hữu Thỉnh trong nỗ lực đổi mới thơ.
- Luận văn góp phần đánh giá một phương diện quan trọng trong văn nghiệp của Hữu
Thỉnh, từ đó khẳng định được vai trò, đóng góp đáng trân trọng của nhà thơ trong công cuộc
sáng tạo và xây dựng nền thơ dân tộc.
6. Cấu trúc của luận văn:
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận văn được

triển khai trong 3 chương:
Chương 1: Về khái niệm truyền thống – cách tân và Hành trình sáng tạo thơ
của Hữu Thỉnh
Chương 2: Tính truyền thống trong thơ Hữu Thỉnh
Chương 3: Hữu Thỉnh và những nỗ lực cách tân thơ
PHẦN NỘI DUNG
Chương 1: Về khái niệm truyền thống – cách tân và Hành trình sáng tạo thơ của Hữu Thỉnh
1.1. Về khái niệm truyền thống – cách tân trong văn học
1.1.1. Về khái niệm truyền thống văn học
1.1.1.1. Truyền thống:
Theo Từ điển tiếng Việt (do Hoàng Phê chủ biên) và Sổ tay từ Hán Việt (do Nxb Giáo dục
ấn hành 1990), “truyền thống” được xác định là: Các nhân tố xã hội đặc biệt truyền từ đời này
sang đời khác ví như: Truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa...
1.1.1.2. Truyền thống văn học:
Theo Từ điển thuật ngữ văn học “Truyền thống văn học” là “những thành tựu chung, đặc
sắc tương đối bền vững, ổn định trên cả hai phương diện nội dung và hình thức của văn học được
lưu chuyển, kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác trong quá trình văn học. Có những truyền thống
văn học của một dân tộc hoặc một vùng, một khu vực gồm nhiều dân tộc có quan hệ mật thiết với
nhau, có truyền thống văn học của cả nhân loại” [63, 299].

Truyền thống văn học là những giá trị văn học tinh túy của mỗi dân tộc được chắt
lọc, kết tinh, gìn giữ trong tiến trình văn học dân tộc. Mỗi thời đại, mỗi thế hệ người cầm
bút do vậy vừa được tiếp nhận, kế thừa những truyền thống văn học quý báu, đồng thời vừa

3


lại cũng sáng tạo những giá trị “truyền thống” mới góp phần làm giàu có, phong phú truyền
thống văn học.
1.1.2. Về khái niệm cách tân trong văn học:

1.1.2.1. Cách tân:
Theo Đại từ điển tiếng Việt, cách tân được định nghĩa là “quá trình vận động loại bỏ cái cũ,
sáng tạo cái mới như các hành vi hoặc quá trình sáng tạo trong khoa học kỹ thuật, quá trình sáng
tạo các sự vật. Cách tân là cải cách và càng làm mới thêm tất cả các sự vật, hiện tượng”. Trong cả
hai cuốn Từ điển văn học và Sổ tay từ Hán Việt, “Cách tân” đều có nghĩa là Đổi mới.
1.1.2.2. Cách tân trong văn học:
Trong văn học nói đến cách tân là nói đến sự đổi mói tìm kiễm cái mới, sáng tạo ra cái mới.
“Cách tân là lẽ sống” của sáng tạo văn học nghệ thuật. Những sự cách tân đích thực, “những cách
tân chân chính sẽ trở lại thành những truyền thống mới bồi đắp thêm cho kho tàng kinh nghiệm đã
vượt qua sự thử thách của thời gian của những thế hệ đi trước” [63, 230]
Nhìn như vậy có thể thấy, “kế thừa truyền thống và cách tân nghệ thuật là những phương
diện không bao giờ tách rời của quá trình văn học” [64, 230]
1.2. Khái lược thơ Hữu Thỉnh:
1.2.1. Quan niệm của Hữu Thỉnh về thơ:
Đến với thơ, Hữu Thỉnh thực sự suy tư, trăn trở trong việc xác định một quan niệm sâu sắc
và nghiêm túc về thơ, về người “làm ra thơ”:
1.2.1.1. “Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình”
- Một trong những nét đặc sắc của thơ chống Mỹ là sự hiện diện đông đảo của nhà thơ –
chiến sĩ; trực tiếp đánh giặc và làm thơ. “Văn chương đối với học như một phương tiện nhập cuộc”
(Vũ Quần Phương). Từ trong “luồng xiết” của cuộc chiến tranh, như một nhu cầu tự tại – người lính
“làm thơ ghi lấy cuộc đời mình”.
- Chính vì thế, thơ Hữu Thỉnh là thơ của “người trong trận”, là “bài ca người lính”, trở thành
cội nguồn sức mạnh của người lính chiến đấu và chiến thắng.
- Trong quan niệm của Hữu Thỉnh, thơ không thể là “dây bìm trang trí”, không thể thờ ơ, xa
lạ với cuộc sống và con người.
1.2.1.2. “Tôi rất tin: Thơ là kinh nghiệm sống”
Với Hữu Thỉnh, thơ phải được viết bằng chính sự từng trải, và “bằng những trải nghiệm của
mình ở chiến trường”. Hữu Thỉnh khẳng định “con người ta không từng trải với cuộc đời khó mà
viết hay. Thơ sẽ rất nhạt nếu đời người cầm bút không trải qua những thăng trầm, thách thức, cam
go... Kinh nghiệm cá nhân của người cầm bút là đặc biệt quan trọng. Phải có những kinh nghiệm từ


4


chính số phận mình, sống đến đáy các sự kiện của đời mình mới mong có cái riêng, viết cái gì
riêng. Nhà thơ không thể tựa vào ai khác ngoài chính mình, cũng như không thể tựa vào kinh
nghiệm của đám đông mà viết”.
Sống và trưởng thành từ chính cuộc kháng chiến chống Mỹ với những cam go, khốc liệt.
Nhà thơ đã trải nghiệm sâu sắc và sống hết mình với hiện thực đó. Chính nhờ vậy hiện thực đời
sống chiến trường đã trở thành “một bộ phận của cái tôi” (Khrapchenkô), một phần cuộc đời và thơ
của Hữu Thỉnh. Đó là cơ sở cho sự ra đời và thành công các sáng tác thơ của Hữu Thỉnh; tạo nên
nét đặc sắc, sức hấp dẫn và ám ảnh riêng của thơ ông.
Với Hữu Thỉnh, thơ chính là những suy nghĩ, tâm trạng, tình cảm, những trải nghiệm, chiêm
nghiệm của chính nhà thơ mà chỉ trực tiếp sống, ngụp lặn trong đời sống mới có thể có được. Muốn
có thơ hay do vậy phải “nhập cuộc” và “dấn thân”.
1.2.1.3. Cá tính sáng tạo của nhà văn:
- Trong quan niệm của Hữu Thỉnh nhà thơ phải có “giọng” riêng, có cá tính sáng tạo riêng.
“Muốn tươi mát xin hãy là dòng suối/ Hát về rừng đừng bắt chước tiếng chim”.
- Khổ công, tâm huyết trăn trở, tìm tòi, thể nghiệm, Hữu Thỉnh dần tìm được một “lối đi
riêng” vừa tìm về khai thác vốn văn hóa dân gian truyền thống vừa dồn tâm lực tìm kiếm, sáng tạo
cái mới”. Tìm về với văn hóa dân gian truyền thống theo Hữu Thỉnh là “tìm đến mẫu số chung lớn
nhất của con người. Tình yêu nhớ thương, khát vọng, đau buồn” [96]. Nhờ vậy hồn điệu dân gian đã
thăng hoa, chuyển hóa thành những phức điệu thẩm mỹ đặc sắc , tạo nét riêng cho thơ Hữu Thỉnh.
Quan niệm thơ của Hữu Thỉnh được hình thành và bồi đắp chính trong hành trình sống, tìm
tòi và sáng tạo của nhà thơ mà cốt lõi của nó là phải sống, phải dấn thân, phải tìm tòi và sáng tạo,
tìm cho mình một giọng riêng không lẫn. Vừa trở về với truyền thống vừa dồn sức sáng tạo cái mới
– sự kết hợp dân gian – hiện đại thực sự đã mang lại hiệu quả thẩm mĩ, tạo nên nét riêng đặc sắc,
hấp dẫn cho thơ Hữu Thỉnh.
1.2.2. Hành trình sáng tạo thơ của Hữu Thỉnh
1.2.2.1. Thơ viết về chiến tranh

Mảng thơ của Hữu Thỉnh về chiến tranh bật lên từ hiện thực đời sống chiến trường với
những đói, những rét, những đổ máu, hy sinh nhưng cũng nhiều thương cảm, thấm đẫm tình đời.
Bởi vậy nó mang đậm dấu ấn của hiện thực cuộc sống chân thực và cụ thể. Tiêu biểu bộc lộ trong
hai trường ca Sức bền của đất và Đường tới thành phố.
Sức bền của đất là những tâm tình, suy tư đằm sâu và thấm thía của những người lính về cội
nguồn sức mạnh của mình và đồng đội được truyền dẫn từ lòng mẹ, từ đất đai quê hương, từ các thế
hệ đi trước và truyền thống dân tộc.
Trường ca Đường tới thành phố là tác phẩm quan trọng nhất của đời thơ Hữu Thỉnh và cũng
là tác phẩm giá trị của nền thơ Việt Nam hiện đại. Tác phẩm viết về giai đoạn cuối của cuộc chiến
tranh chống Mỹ, được coi là bản “tổng phổ” của biết bao số phận, cảnh ngộ, cùng những hy sinh

5


chịu đựng và suy tư trăn trở của cả một dân tộc trên chặng đường “dằng dặc đau đớn mất mát” để đi
tới chiến thắng. Tác phẩm đi sâu vào những phần chìm khuất của hiện thực đời sống, kết hợp nhuần
nhị giữa chất triết lý, chính luận với chất trữ tình nồng hậu đằm thắm, không dễ lẫn, không dễ nhạt
nhòa.
1.2.2.2. Thơ viết về đời sống hậu chiến
Thơ viết về đời sống hậu chiến của Hữu Thỉnh gồm hai tập Thư mùa đông, Thương lượng
với thời gian và Trường ca Biển. Ghi lại những số phận với những cung bậc cảm xúc đậm chất thân
phận, phần ẩn lấp trong tâm hồn con người sau chiến tranh.
Trường ca Biển là số phận cá nhân của những người lính đảo thời bình, luôn gồng mình
vượt qua mọi gian lao, hiểm nguy để giữ vững chủ quyền đất đai của Tổ quốc. Đó là hành trình gian
lao của người lính để đi tới và “neo” được ở nơi “mịt mù biển mịt mù trời”.
Thư mùa đông là hành trình đi “tìm người”, tìm kiếm những giá trị nhân bản. Tập thơ đậm
dấu ấn cá nhân với sự cô đơn, lạc lõng trong tâm hồn và những trăn trở luôn thường trực về nhân
tình, thế thái.
Thương lượng với thời gian tiếp tục là những trăn trở, suy tư đằm sâu của Hữu Thỉnh về cõi
nhân sinh, về nhân tình thế thái; là những tâm sự, trăn trở, thao thức về cuộc đời, vê tình yêu, về đạo

lí đối nhân xử thế.
Tuy nhiên, nếu Thư mùa đông phần lớn là câu Hỏi và những lời Tự thú có phần đau đớn
chua chát thì đến Thương lượng với thời gian bên cạnh câu Hỏi, Hữu Thỉnh đã gắng tìm câu trả lời,
theo lẽ sống học được từ tư tưởng nhân văn truyền thống “Hãy yêu lấy con người/ Dù trăm cay
nghìn đắng”
Chương 2: Tính truyền thống trong thơ Hữu Thỉnh
2.1.1.1. Cảm hứng về quê hương
Đây là nguồn cảm hứng dạt dào trong thơ Việt và Hữu Thỉnh đã kế thừa sáng tạo nguồn cảm
hứng này. Sinh ra ở quê, sống gắn bó với quê, nên “hồn thơ Hữu Thỉnh đã thấm đẫm chất dân gian
vừa bay bổng lãng mạn vừa mặn mòi gian khó của quê hương”. Vì thế, quê hương hiển hiện trong
thơ Hữu Thỉnh cũng thấm đượm sắc vẻ riêng.
Ông đã đưa vào thơ những hình ảnh mang đậm hồn quê với những cỏ hội hè, cau ấp bẹ,
những đám mây mùa hạ, những trởi bỏ ngỏ, những chiều bỏ không, những cây rơm gầy, rơm rạ
nằm mơ... cảm hứng về quê hương xuyên suốt trong cả hành trình thơ Hữu Thỉnh.
Tình cảm quê hương trong thơ Hữu Thỉnh không phải là tình cảm chung chung, trừu tượng
mà được lắng lọc qua tình cảm, tâm trạng của người lính xa quê đi chiến đấu và bởi thế là tình cảm
thường trực đau đáu, thấp thỏm nhiều khi đến xa sót.

6


Quê hương trong thơ Hữu Thỉnh chính là phần hồn, phần kí ức - nơi nhà thơ gửi gắm những
hồi ức, những kỉ niệm, những dấu ấn không thể phai nhòa.
Quê hương với Hữu Thỉnh luôn là cái nôi đưa, là “nhà ga”, là điểm dừng chân tiếp sức cho
mỗi người con. Với Hữu Thỉnh quê hương chính là nơi cội nguồn tìm về sau những nhọc nhằn, bon
chen, ồn ã của cuộc sống.
2.1.1.2. Cảm hứng về đất nước
Cũng như quê hương, đất nước luôn là nguồn cảm hứng không vơi cạn trong truyền thống
thơ ca dân tộc. Hữu Thỉnh đã kế thừa và góp vào nguồn mạch thơ đất nước những bài thơ, câu thơ
đặc sắc.

Với Hữu Thỉnh, đất nước trường tồn trong những giá trị chìm khuất, sâu thẳm nhất, đó là
những giá trị không nhìn thấy được, không hiện hữu, không trực tiếp bộc lộ, nhưng lại hiển hiện
trong từng hình ảnh giản dị, cụ thể. Đất nước tiềm ẩn những giá trị không thể đánh giá, đó là âm
vang, là dư vị, là hồn cốt của những gì đau xót nhất, thiêng liêng nhất, vang dội nhất, là mạch ngầm
thẩm thấu trong từng con chữ.
Đất nước gắn với gia đình người thân, là nơi gửi gắm tình mẫu tử, tình bạn, tình đồng chí,
đồng đội, tình yêu...
2.1.2. Cốt cách của con người Việt Nam
2.1.2.1. Trọng tình nghĩa, nhân nghĩa
Từ xa xưa, tư tưởng trọng tình nghĩa, nhân nghĩa đã là một trong những truyền thống quý
báu của dân tộc. Hữu Thỉnh đã kế thừa và góp phần làm sâu đậm tư tưởng nhân văn đó qua những
câu thơ chan chứa cảm xúc, sâu nặng ân tình. Con người tình nghĩa trong thơ Hữu Thỉnh luôn mang
một tấm lòng thơm thảo với quê hương, hiếu nghĩa với cha mẹ và nhân nghĩa với bạn bè, đồng bào
đồng chí.
Hữu Thỉnh viết về mẹ, bạn bè, đồng chí, đồng đội với những rung cảm xúc động nhất , với
tấm lòng trắc ẩn. Nhà thơ rung động một cách mãnh liệt và phản ánh sâu đậm những khía cạnh thể
hiện phẩm chất, tình nghĩa cao đẹp của con người Việt Nam, góp phần khắc đậm phẩm chất truyền
thống cao đẹp... trọng tình nghĩa của con người Việt Nam.
2.1.2.2. Sống đồng cảm, hy sinh, nhường nhịn, xẻ chia:
Phẩm chất này bộc lộ rõ hơn cả ở hai hình tượng: người lính và người mẹ trong thơ Hữu
Thỉnh. Ông viết về họ như một trong những nét đẹp đáng khâm phục, tự hào của những người lính
bộ đội cụ Hồ, những người mẹ tần tảo, anh hùng. Nhà thơ ghi lại một cách chân thực và dung dị về
sự chia sẻ, nhường nhịn, nâng niu, che chở, bảo vệ và đỡ đần của con người trong chiến tranh vượt

7


qua mọi thử thách khắc nghiệt của cuộc chiến, thậm chí cả những người không quen biết, không
chung cội nguồn lí tưởng.
2.1.2.3. Sống lạc quan, tin tưởng, bền bỉ, dẻo dai:

Một tinh thần chủ đạo xuyên suốt trong thơ Hữu Thỉnh là khẳng định sức sống lạc quan, yêu
đời trong thời loạn lạc, sức chống chọi bền bỉ, dẻo dai trước mọi vấp ngã, khó khăn, thử thách. Dù
trong hoàn cảnh nào, tinh thần đó vẫn sáng ngời.
Trong thơ Hữu Thỉnh phẩm chất này bộc lộ sâu đậm nhất ở hình tượng người lính. Dù trong
hoàn cảnh bình yên, hay nguy hiểm thậm chí phải hy sinh tính mạng của mình, người lính vẫn gan
dạ, đanh thép, keo cứng trước mọi nỗi đau, thù hận để cống hiến hết mình cho dân tộc, đất nước với
ý chí quyết tâm kiên định làm nên lòng tự hào của dân tộc.
2.1.2.4. Sống cởi mở giãi bày, tâm tình:
- Giãi bày, tâm tình là một trong những nét tính cách đặc trưng của con người Việt Nam
được phản ánh sâu đậm trong văn học truyền thống đặc biệt trong ca dao. Hữu Thỉnh đã tiếp nhận
sáng tạo, hiệu quả phẩm chất sống đó, nhờ vậy thơ Hữu Thỉnh thực sự là “những tâm tình ở đằng
sau tâm tình” (Nguyễn Duy): tâm tình của người lính với người đồng chí, đồng đội; của người con
giữa chiến trận với người mẹ nơi hậu phương; của người lính cảm thương, chia xẻ với những mất
mát, hy sinh thầm lặng của những người mẹ, người chị...
- Hữu Thỉnh cũng tự tâm tình giãi bày chân thành về mình khi tự họa, khi tự thú, khi vui, khi
buồn; chuyện riêng tư, chuyện nhân tình thế thái; chuyện đời, chuyện nghề... nhà thơ đều chân
thành giãi bày, tin cậy gửi trao. Khơi nối được nguồn mạch tâm tình giãi bày vốn là một ưu thế nổi
trội của thơ truyền thống, thơ Hữu Thỉnh nhờ thế dễ cảm và dễ tìm được sự đồng cảm của người
đọc.
2.2. Tiếp nhận sáng tạo những trầm tích lịch sử văn hóa dân tộc
2.2.1. Trầm tích lịch sử , văn hóa dân tộc – một mạch nguồn đặc sắc trong thơ Hữu Thỉnh
- Hữu Thỉnh rất có ý thức trong việc khai thác tiếp nhận những trầm tích lịch sử, văn hóa.
Những địa danh, những sự kiện, những nhân vật lịch sử xuất hện khá nhiều. Có những câu thơ
dường như được “ghép” từ những địa danh lịch sử nhưng vẫn không khô khan, ngược lại tạo được
chiều sâu tư tưởng.
- Hàng loạt địa danh, danh nhân văn hóa, những truyền thuyết đi vào thơ Hữu Thỉnh tạo một
không khí cổ sơ, hư ảo.
Những câu hát giặm, câu đồng giao, hát ví, hát xoan, hát ghẹo, ca dao, tục ngữ, hàng loạt
những hình ảnh về người mẹ, cây đa, giếng nước, sân đình…được Hữu Thỉnh khéo léo đưa vào thơ


8


một cách hài hòa và tao nhã. Điều đặc biệt là Hữu Thỉnh rất tài tình trong việc khai thác vận dụng:
chỉ với một nét của những giá trị truyền thống đó, đã có thể mường tượng, hiểu được giá trị của
những trầm tích lịch sử, văn hóa đó.
Chính sự kế thừa, tiếp nhận và khai thác sáng tạo những trầm tích lịch sử văn hóa truyền
thống tạo nên những điểm nhấn, sự hấp dẫn đặc biệt cho thơ Hữu Thỉnh, đồng thời tạo khoảng rộng
cho sự liên tưởng đầy sáng tạo của người đọc. Đây cũng là một trong những phương diện tạo nên
phong cách sáng tạo độc đáo cho thơ Hữu Thỉnh.
2.2.2. Tiếp nhận sáng tạo từ nghệ thuật thơ truyền thống
2.2.2.1. Hình ảnh thơ giản dị, gần gũi, gợi cảm:
Hữu Thỉnh là một trong những nhà thơ thấm nhuần giá trị truyền thống dân gian một cách
sâu sắc và toàn diện. Bởi vậy thơ ông luôn mang lại cảm nhận giản dị, gần gũi, gợi cảm nhưng hàm
ẩn chiều sâu ngữ nghĩa.
Trong thơ Hữu Thỉnh tràn ngập những hình ảnh của cuộc sống đời thường giản dị, gần gũi
nhưng đầy gợi cảm, lôi cuốn. Trong thơ viết về chiến tranh là những hình ảnh bom đạn, đường
rừng, con suối, hầm đất, giấc ngủ chập chờn trên đường ra trận, nắm cơm ăn vội, cháy than, những
đống lửa hắt hiu, giường chiếu chăn tạm bợ, máu lửa, chết chóc, hy sinh… tất cả đều tái hiện hiện
thực một cách chân thực, sinh động theo guồng quay của chiến trận dưới một nhãn quan tinh tế và
đầy ý nhị.
2.2.2. Giọng điệu thơ truyền thống
2.2.2.1. Giọng tâm tình, giãi bày
Nói về giọng thơ Hữu Thỉnh, điều đầu tiên độc giả cảm nhận ở trong những vần thơ ông là
lối dẫn dắt mang âm hưởng thơ trữ tình sâu lắng và giãi bày.Giọng thơ trữ tình, nhẹ nhàng, man
mác. Chất giọng này giữ vai trò chủ đạo trong thơ Hữu Thỉnh giai đoạn sáng tác trong chiến tranh.
Chất giọng trữ tình ngọt ngào, đó là những dòng thơ viết về người lính, người mẹ, về cuộc chiến
tranh…
2.2.2.2. Giọng chiêm nghiệm, triết lý:
Đây là một giọng điệu đặc sắc của thơ ca truyền thống. Nếu trước và trong chiến tranh,

giọng điệu tâm tình, giãi bày cảm xúc là giọng điệu chủ đạo làm nên phần hồn cho thơ Hữu Thỉnh,
thì sau chiến tranh đã có thay đổi, thơ Hữu Thỉnh nghiêng về trải nghiệm và đúc kết triết lý.
Giọng chiêm nghiệm thể hiện trên rất nhiều phương diện. Tiêu biểu nhất là về người mẹ, về
cá nhân, về thiên nhiên đất trời về sự đổi thay của thời cuộc, của nhân tình thế thái. Tính triết lý còn
bộc lộ qua nghệ thuật ẩn dụ được thể hiện hiệu quả trong các tập thơ.

9


Với giọng điệu chiêm nghiệm, triết lý, Hữu Thỉnh bộc lộ sự khắc khoải của một hồn thơ
chân thực với cuộc sống, với đời và con người.
2.2.2.3. Giọng suy tư, trăn trở
Suy tư, trăn trở, cũng là chất giọng đặc sắc trong thơ Hữu Thỉnh. Hữu Thỉnh trăn trở về cuộc
sống đầy thử thách, về những thân phận con người trong xã hội và tình yêu.
Biết tiếp nhận một cách tinh tế, sáng tạo hồn điệu dân gian truyền thống từ tư tưởng nhân
văn sâu sắc, những nguồn cảm hứng, đã thành “cổ điển” cùng nghệ thuật thể hiện đặc sắc, Hữu
Thỉnh đã dày công tái tạo và chuyển hóa để tạo nên phong vị riêng, sức hấp dẫn và ám ảnh riêng
của thơ ông.
Chương 3: Hữu Thỉnh và những nỗ lực cách tân thơ
3.1. Kiểu tư duy thơ hiện đại, đậm cá tính sáng tạo
3.1.1. Sáng tạo trường liên tưởng độc đáo:
Liên tưởng là một năng lực thiết yếu trong tư duy sáng tạo nghệ thuật, Hữu Thỉnh đã sử
dụng hiệu quả phương thức nghệ thuật này nhờ thế mở rộng được khả năng biểu hiện, tạo chiều sâu,
sức gợi cho thơ và tạo được những khoảng rộng cho sự liên tưởng, đồng sáng tạo của người tiếp
nhận, thưởng thức.
- Liên tưởng trong thơ Hữu Thỉnh được sử dụng khá đa dạng và mới mẻ: cùng với những
liên tưởng đơn từ A đến B, Hữu Thỉnh còn sử dụng kiểu liên tưởng kép, liên tưởng “chuỗi” từ A
qua rất nhiều liên tưởng ngầm mới đến được B (ví dụ liên tưởng kép độc đáo qua lời đối thoại giữa
người lính và Biển trong Trường ca Biển: Phải qua rất nhiều liên tưởng ngầm về sự liên tưởng của
giọt nước mới tới được mối liên hệ khăng khít bền chặt giữa biển đảo với đất liền). Cũng như vậy

cả trường ca Sức bền của đất với rất nhiều liên tưởng mới đến được tầng nghĩa sức bền của đất –
sức bền bỉ của dân tộc. Những liên tưởng thể hiện một kiểu tư duy thơ hiện đại của Hữu Thỉnh
“mang lại các phát hiện rất bất ngờ, khiến cho những câu thơ tài hoa của anh phát sáng ở nhiều
chiều kính” (Nguyễn Việt Chiến).
3.1.2. Khả năng chuyển đổi cảm giác
Chuyển đổi cảm giác là sự tương giao giữa các giác quan: “Mùi hương, màu sắc, âm
thanh”. Hữu Thỉnh đã vận dụng thành công thủ pháp này trong việc gia tăng sức gợi – tả trong thơ.
Vận dụng sự tương giao của các giác quan, Hữu Thỉnh đã đem đến một cái nhìn mới, tạo dựng được
một kiểu tư duy mới, hiện đại để biểu hiện những cung bậc đa dạng của cảm xúc. Cảm nhận bằng
vị giác đã tạo nên những hình tượng thơ mới mẻ, những câu thơ trở nên tinh tế, diễn tả tài tình các

10


xao động trong tâm tình của con người. Những suy nghĩ vốn trừu tượng, nhưng qua cảm nhận của
nhà thơ lại được hình khối hóa. Đặc biệt thủ pháp nhân cách hóa sự vật được vận dụng phổ biến
trong thơ Hữu Thỉnh. Nhân cách hóa kết hợp với sự giao thoa của các giác quan, đem đến một cái
nhìn mới; một cách tạo hình mới cho thơ Hữu Thỉnh.
Có thể thấy, nghệ thuật chuyển đổi cảm giác đem đến cho thơ Hữu Thỉnh một sự tinh tế và
điểm nhấn lạ thường trong việc tạo hình ảnh thơ, đặc biệt là bộc lộ chiều sâu tâm hồn một cách tế
nhị mà thấm nhuần tư tưởng nhân văn đồng thời mang đến cho thơ Hữu Thỉnh dáng dấp tạo hình và
một kiểu tư duy thơ hiện đại, mới mẻ.
3.1.3. Bút pháp tạo hình hiện đại:
Nói đến nghệ thuật tạo hình là nói đến các yếu tố nhận thức của thị giác: hình khối, đường
nét, hình dạng, màu sắc, chất liệu, không gian và sắc độ. Để đưa được những nét tinh tế của nghệ
thuật này vào thơ không phải dễ. Với những nỗ lực tìm tòi sáng tạo, Hữu Thỉnh đã có được những
thành công trong bút pháp tạo hình.
Thơ Hữu Thỉnh giàu hình ảnh và phương thức tạo dựng hình ảnh cũng rất đa dạng. Hình ảnh
có khi được tạo bằng cảm giác, khi bằng ảo giác có khi được kết hợp tinh tế giữa cái vô hình và cái
hữu hình, giữa cảm giác và ảo giác, nhờ thế đã sáng tạo được những hình ảnh mới lạ và bất ngờ, độc

đáo.
Bên cạnh đó, để tạo nên những hình khối xô lệch, chao đảo, Hữu Thỉnh đã phá vỡ cấu trúc
cân đối, hài hòa qua chuyển đổi cảm giác hoặc những áp lực của cảm xúc mang đến những nét vẻ
mới lạ cho hình ảnh thơ. Hữu Thỉnh sự kết hợp giữa cái tĩnh và cái động, giữa cái không khí bảng
lảng cổ sơ với không khí hiện đại.
Những tìm tòi để tạo dựng được dáng vẻ hiện đại trong bút pháp khắc họa hình ảnh ghi nhận
tâm huyết, sự trăn trở của nhà thơ trong hành trình đổi mới thơ hiện nay.
3.2. Những nỗ lực cách tân về thể thơ
3.2.1. Sáng tạo của Hữu Thỉnh ở những thể thơ mới:
3.2.1.1. Thể trường ca
Trường ca chiếm một tỉ lệ khá lớn trong toàn bộ sự nghiệp thơ Hữu Thỉnh. Thống kê theo số
lượng câu trong toàn bộ thơ Hữu Thỉnh thì thể Trường ca chiếm tỉ lệ 55%. Trường ca Hữu Thỉnh
không chỉ bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp của giá trị truyền thống mà còn mang trong mình hơi thở
của thời đại, có sự đan xen giữa con người và thời cuộc.
Tạo được nhiều tiếng vang trong lòng độc giả là Trường ca Biển và trường ca Đường tới
thành phố. Đây là hai tập trường ca điển hình cho hai chặng đường, thể hiện một cách chân thực

11


sâu sắc và cảm động về thời gian trước, trong và sau kháng chiến chống Mỹ của dân tộc. Có thể
thấy trường ca Hữu Thỉnh thể hiện rất rõ nội dung và chủ đề trên hai phương diện: Trường ca tự sự
và trường ca trữ tình.
Thứ nhất, nói về mảng tự sự, trường ca Đường tới thành phố là một nhật kí toàn vẹn, tái
hiện đầy đủ và chân thực trong việc chọn lựa và khai thác chủ đề về người lính và hiện thực cách
mạng, với những tình huống gay cấn; cách thể hiện sự hòa quyện giữa cá nhân và cộng đồng.
Thứ hai là yếu tố trữ tình sâu sắc, phản ánh con người trong cái nhìn đa diện, đó là một điểm
mới mang tính thời đại được bộc lộ trong những tác phẩm dài hơi với sự đa diện trong nhìn nhận,
đánh giá và trải nghiệm. Trong trường ca Hữu Thỉnh, cái tôi đóng vai trò như một chủ thể quan
trọng, có vị trí đặc biệt trong cả nhận thức cảm tính và lý tính đối với sứ mệnh của mình trong dòng

lịch sử. Cái tôi cá nhân được đề cao nhưng cái mà họ hướng đến là dân tộc và thời đại chứ không
phải để thể hiện những tình cảm cá nhân. Đây chính là điểm đặc biệt, chất hiện đại của yếu tố trữ
tình trong trường ca Hữu Thỉnh.
Chất trữ tình trong trường ca Hữu Thỉnh còn bộc lộ ở sự phân mảnh vấn đề, sự việc, sự kiện,
câu chuyện, dòng cảm xúc. Đó là sự xen kẽ, đan cài nhiều sự việc với nhau.
Tựu trung lại, dưới góc độ nào trường ca Hữu Thỉnh cũng đều phản ánh hai vấn đề mang
tính thời cuộc rõ nét.
3.2.1.2. Thơ tự do – thơ văn xuôi
Trong các tập thơ của Hữu Thỉnh, thơ tự do chiếm tỉ lệ cao. Ở tập Tiếng hát trong rừng có
13/22 bài. Trong tập Thư mùa đông có 22/36 bài. Trong tập Thương lượng với thời gian là 17/49
bài. Thơ tự do linh hoạt trong từng từ, câu thơ, ý thơ cho đến bài thơ. Sự co dãn linh hoạt của câu
thơ được nhà thơ tận dụng một cách triệt để, trong việc bộc lộ ý đồ, cảm xúc. Sự biến hóa trong thể
loại không chỉ giúp cho nhà thơ thỏa sức thể hiện, bộc bạch, mà sự khoáng đạt về ngôn ngữ, nhịp
điệu còn làm cho câu thơ trở nên linh loạt, tránh cảm giác sáo mòn, cứng nhắc, đơn điệu. Diễn đạt
phóng khoáng, thể hiện phóng khoáng, nhưng bộc lộ sâu sắc và tô đậm sự cảm nhận của người đọc
chính là hiệu quả của thể thơ này.
Thơ văn xuôi được sử dụng đan xen trong các sáng tác của Hữu Thỉnh, chỉ có 1 bài thơ viết
hoàn chỉnh dưới thể loại này là Văn xuôi một người lính. Với của thể thơ này nhà thơ có thể bộc lộ
những tâm sự chất chứa được viết lên dưới hình thức thơ một cách trọn vẹn.
3.2.2. Sáng tạo trên những thể thơ truyền thống
3.2.2.1. Thể lục bát

12


Khảo sát về thơ Lục Bát trong thơ Hữu Thỉnh ta thấy: Trong tập Tiếng hát trong rừng có
2/22 bài, tập Thư mùa đông là 3/36 bài. Tập Thương lượng với thời gian là 5/49 bài, Hữu Thỉnh
dùng Lục bát như một chiếc cầu nối duyên.
Nét đặc trưng của thơ Lục bát Hữu Thỉnh chính là ở sự giản dị, dung nạp nguyên liệu từ
chính môi trường sống một cách tự nhiên, giản dị. Thơ Hữu Thỉnh cũng hài hòa, mượt mà và sâu

lắng, đầy sức gợi, vừa chập chờn, man mác, tạo nên nét duyên ngầm đầy ý nhị.
Hữu Thỉnh đã sử dụng lục bát truyền thống để diễn đạt những nội dung mới: Tâm sự của cái
tôi trữ tình – nỗi ưu tư, tình cảm với quê hương đất nước, với cuộc khảng chiến, đặc biệt là với mẹ một hình tượng luôn thường trực và mờ tỏ trên mỗi bước đường hành quân ra trận.
Trong thơ Lục bát truyền thống, cách ngắt nhịp luôn là nhịp chẵn, vần lưng và vần chân. Ở
thơ Hữu Thỉnh có sự sáng tạo, linh hoạt trong nghệ thuật hiệp vần, cách ngắt nhịp của mỗi cặp lục
bát mang âm hưởng hiện đại, linh hoạt, tạo được giá trị biểu cảm sâu sắc và góp phần nhấn mạnh ý
chủ đạo của toàn bài thơ (Trông ra bờ ruộng).
Sự cách tân thể thơ còn xuyên thấm vào trong từng vế câu của mỗi một cặp lục bát. Thơ Lục
bát của Hữu Thỉnh không hẳn mới mẻ, cũng không phải tiêu biểu, nhưng đã góp phần không nhỏ
vào dòng chảy Lục bát chung của dân tộc. Thơ Lục Bát Hữu Thỉnh đã thể hiện một nhãn quan mới
trên con đường kế thừa và đổi mới thơ Việt Nam.
3.2.2.2. Thể thơ đường luật
Khảo sát các tập thơ của Hữu Thỉnh, thể thơ Đường luật trong tập Thư mùa đông có 2/36
bài, tập Thương lượng với thời gian có 4/49 bài. Trong thơ Hữu Thỉnh, số lượng thơ Đường luật
không nhiều, Hữu Thỉnh sử dụng lối thơ 7 chữ chủ yếu để bộc lộ những chiêm nghiệm, suy nghĩ
mang tính triết lý có tầng sâu.
Ngôn ngữ thơ đường luật Hữu Thỉnh đậm hơi thở cuộc sống, đó không phải là những chân
lý đúc kết cao xa, uyên bác mà đơn giản chỉ là những trải nghiệm của cuộc sống muôn màu được
khắc họa một cách giản dị. Đây chính là điểm mới đưa thơ Đường gần với độc giả.
3.2.2.3. Thể thơ 5 chữ, 6 chữ
Hữu Thỉnh đã vận dụng ưu thế của thể thơ năm chữ: tính dân gian, ngắn, dễ thể hiện cảm
xúc một cách chân thật và giàu nhạc tính, uyển chuyển theo vần điệu để bộc lộ tâm tư, tình cảm một
cách giản dị mà sâu sắc, Trong tập Tiếng hát trong rừng có 7/22 bài. Tập Thư mùa đông có 7/36
bài. Tập Thương lượng với thời gian có 12/49 bài. Ngoài ra thể 5, 6 chữ được nhà thơ xen kẽ rất
nhiều trong các bài thơ tự do.

13


Ngôn ngữ trau chuốt, nhạc tính, trẻ trung và gần gũi là những gì thơ năm chữ, sáu chữ của

Hữu Thỉnh bộc lộ. Nếu thơ năm chữ của nhà thơ có nhịp thơ 2/3 hoặc 3/2 nghiêng về những mạch
thơ có đôi phần là những vần thơ chiêm nghiệm, thường là nói về những khía cạnh chìm khuất có
chút đượm buồn của chiến tranh, tình cảm, giọng thơ cũng có sự chiêm nghiệm, đúc kết, trầm lắng
thì thơ sáu chữ là một sự bổ sung hài hòa và hợp lý, nhịp thơ chẵn nhẹ nhàng uyển chuyển, giọng
thơ đa phần thể hiện sự lạc quan, hai thể thơ này đã tạo nên một sự tổng hòa, một bảng màu hoàn
chỉnh.
Thơ 6 chữ có số lượng không nhiều trong thơ Hữu Thỉnh, chủ yếu được xen kẽ trong các bài
thơ để làm mới cho thơ. Tuy nhiên những điểm nhấn ấy cũng phần nào thể hiện cái mới đầy tính kế
thừa và phát triển của thơ Hữu Thỉnh.
3.2.2.4. Sự đan xen sáng tạo các thể thơ
Bên cạnh các thể thơ chính, ở thơ Hữu Thỉnh còn có sự đan xen tổng hợp các thể thơ trong
một bài thơ. Trong bài Gửi từ đảo nhỏ, có sự đan xen của hai thể thơ: Thể tám chữ và Đường luật;
trong Tự thuật của người lính (Trường ca Biển) nhà thơ đã liên tiếp xen kẽ nhiều thể thơ trong toàn
bài thơ với mật độ dày đặc.
Trước sự thay đổi linh hoạt và điêu luyện của thể thơ, giọng thơ, mạch thơ, tâm trạng của
nhân vật trữ tình dường như cũng thay đổi, mỗi sự đổi thay là một sự cải biến đầy mới lạ mà vẫn hài
hòa và phù hợp với mạch nguồn của cảm xúc, tâm trạng, tạo được hiệu quả nghệ thuật.
3.3. Nỗ lực hiện đại hóa ngôn ngữ thơ
3.3.1. Mở rộng trường ngôn ngữ của thơ
3.3.1.1. Gia tăng vốn từ vựng
Thơ Hữu Thỉnh dành một số lượng lớn viết về chiến tranh, bởi vậy ngôn ngữ chiến tranh
được Hữu Thỉnh sử dụng một cách triệt để và phong phú. Vốn từ vựng sử dụng cho mảng sáng tác
này cũng phong phú và mở rộng hơn về trường ngữ nghĩa và sức gợi, nội dung biểu đạt.
Sự gia tăng về vốn từ vựng bộc lộ rõ nhất khi chiến tranh qua đi, ngôn ngữ thế sự, đời tư
chuyển sang sự trăn trở, suy tư, trước những thăng trầm của cuộc sống. Nổi bật chính là sự suy tư
trong mối quan hệ về tình người, đúng hơn là giữa người với người, về đạo đức xã hội qua bài thơ
(Hỏi, Bất hạnh). Hữu Thỉnh tạo được sự kết hợp đầy mới lạ, mở ra sự cân xứng mới cho ngôn ngữ
Việt.
Có thể thấy sự đan xen giữa ngôn ngữ của chiến trường và thế sự, đời tư đã đem lại nhiều
cái mới, đặc biệt, nhiều cảm nhận mới mẻ, độc đáo và chắt lọc, làm nên nét riêng của thơ Hữu

Thỉnh.

14


3.3.1.2. Mở rộng trường ngữ nghĩa
Với kết cấu thơ theo mạch liên tưởng tác giả đã tạo nên một trường nghĩa mới vô cùng vô
tận, biên độ nghĩa không chỉ mở rộng theo biên độ của từ ngữ, hàm ý mà còn thể hiện ở cả chiều
rộng và chiều sâu về thời gian và không gian.
Một thủ pháp góp phần quan trọng trong việc mở rộng tầng ngữ nghĩa của thơ là trùng điệp.
Với việc mở rộng trường ngôn ngữ và tạo ra một trường ngữ nghĩa đa chiều cho ngôn ngữ thơ Với
việc mở rộng trường ngôn ngữ và tạo ra một trường ngữ nghĩa đa chiều cho ngôn ngữ thơ, Hữu
Thỉnh đã tạo được sự mới lạ, độc đáo và đầy táo bạo trong ngôn ngữ thơ.
3.3.2. Những biện pháp tu từ đặc sắc
3.3.2.1. So sánh
Một trong những điều khiến Hữu Thỉnh vừa nhẹ nhàng, thanh thoát bình dị lại sinh động và
hấp dẫn là nhờ ở nghệ thuật ví von, so sánh được ông vận dụng tài tình và hiệu quả. So sánh trong
thơ Hữu Thỉnh bộc lộ ở các cấp độ:
Ở phương diện – cấp độ thứ nhất, sự xuất hiện đầy đủ bốn yếu tố trong một phép so sánh.
Ở cấp độ thứ hai, Hữu Thỉnh đã cách điệu ngôn ngữ thơ, cách kết hợp và thể hiện hình ảnh
thơ một cách độc đáo với việc ẩn đi phương diện so sánh được trong câu.
Ở cấp độ thứ ba, trong phép so sánh Hữu Thỉnh ẩn đi từ so sánh, nhiều khi còn ẩn đi cả
phương diện so sánh.
Ở cấp độ thứ tư, một số trường hợp được thay thế bởi những từ thành, biến thành, hóa: Cả
thành phố biến thành trẻ nhỏ, Chiếc xe tăng thành một quả bom hơi, Những hạt thóc đã biến thành
thuốc quý/ Thóc hóa con đê ngăn cái chết dần mòn… Sự hoán đổi này thường đem lại một âm
hưởng thơ hào hùng, hừng hực khí thế.
3.3.2.2. Trùng điệp
Trùng điệp được coi là biện pháp nghệ thuật hữu hiệu trong việc tạo âm hưởng thơ, tạo âm
vang giữa các chữ, các câu, các khổ cho bài thơ.

Hữu Thỉnh sử dụng phép lặp từ vựng dưới rất nhiều hình thức, song chủ yếu là kiểu lặp
cách quãng, lặp đầu và lặp từ; lặp vòng tròn, lặp đầu – cuối và lặp ngữ chiếm tỉ lệ thấp hơn. Hữu
Thỉnh sử dụng nhiều phép lặp đủ.
Ở cấp độ thứ nhất, điệp nguyên khổ thơ, với cấu trúc đặc biệt, bài thơ Hỏi mang một giá trị
nhân sinh sâu sắc, mỗi khổ thơ cấu trúc theo lối hỏi đáp, đặc biệt câu hỏi ở khổ cuối lặp lại đến 3
lần nhưng đều khuyết lời đáp.

15


Ở cấp độ thứ hai, Bên cạnh hiện tượng điệp toàn vẹn, còn bắt gặp những hiện tượng tương
tự trong cả khổ thơ, dòng thơ.
Ở cấp độ thứ ba, tập trung điệp câu thơ liền nhau hoặc cách quãng trong từng bài thơ gợi lên
dư âm vọng lại, rải rác, man mác tạo cảm giác gợi sâu cho độc giả như một sự nuối tiếc, vấn vương,
buồn lưu luyến.
Ở cấp độ thứ tư, xuất hiện hiện tượng lặp cấu trúc câu, có thể là nửa câu thơ, có thể là mô típ
dẫn dắt của câu thơ, khổ thơ trong bài tạo điểm nhấn cho toàn bài. Đây là hiện tượng phổ biến và
rộng khắp trong thơ Hữu Thỉnh, có thể thấy, xuyên suốt hầu hết các tập thơ đều sử dụng biện pháp
này như một sự nhấn mạnh, nhấn mạnh ý thơ toàn bài nói chung, nhấn mạnh chủ đề toàn tập thơ,
bài thơ đồng thời nhấn mạnh một ý thơ độc đáo trong từng tác phẩm.
Ở cấp độ nhỏ nhất là điệp từ trong câu thơ, trong khổ thơ nhằm gây sự chú ý cho yếu tố
được nói đến trước đó, nhấn mạnh vấn đề đề cập trong câu thơ, bài thơ như một sự lưu tâm. Cấp độ
này và cấp độ bốn mang tính phổ quát và rộng khắp các tập thơ Hữu Thỉnh.
Trùng điệp là biện pháp nghệ thuật hết sức quan trọng trong thơ Hữu Thỉnh, góp phần tạo
nên tính nhạc và nhịp điệu hài hòa cho câu thơ, tạo nên giá trị miêu tả, tạo sức gợi cho toàn tác
phẩm, đồng thời qua đó nhấn mạnh thêm chủ đề, nội dung, ý đồ, tư tưởng của nhà thơ trong bài thơ,
hoặc cấu tứ câu thơ, giúp người đọc cảm nhận chính xác và đi sâu vào ý đồ nghệ thuật thể hiện của
tác giả.
3.3.2.3. Ẩn dụ, hoán dụ
Nhờ sử dụng những thủ pháp nghệ thuật này câu thơ Hữu Thỉnh không trở nên khô khan,

cục mịch, triết lý mà vẫn nhẹ nhàng bay bổng, cô đúc mà vẫn khoa học, trữ tình. Dùng ẩn dụ thơ gợi
được chiều sâu của bức tranh hiện thực cũng như chiều sâu nội tâm con người được hàm ẩn đi.
Ở cấp độ từ, tính hàm ẩn được sử dụng một cách dày đặc nhưng ý thơ, chủ đề thơ lại không
bị cứng nhắc, cục bộ.
Ở cấp độ câu, Hữu Thỉnh vẫn dùng chính những đối tượng cụ thể, thực thể gắn bó với đời
sống để hàm ẩn biểu thị đối tượng trừu tượng nhằm làm cụ thể hóa cái trừu tượng được nói đến,
đem lại một hình ảnh thơ vừa mới lạ, độc đáo lại vừa gần gũi giản dị thân thuộc.
Theo đó, khả năng mã hóa đơn vị ngôn ngữ của ẩn dụ là vô cùng to lớn, cho phép nhà thơ có
thể từ một yếu tố ẩn dụ trong câu thơ mà vươn tới bao quát cả khổ thơ, bài thơ, thậm chí cả giai
đoạn thơ. “Tập thơ Thư mùa đông Hữu Thỉnh đã sử dụng biện pháp ẩn dụ để tạo hinh tượng cho
toàn chương, toàn bài”.

16


Trong thơ Hữu Thỉnh chủ yếu dùng phương thức lấy cái cụ thể của sự vật hiện tượng để nói
cái trừu tượng. Hoán dụ biểu hiện trên nhiều cấp độ: Lấy vật chứa đựng để gọi vật bị chứa đựng; lấy
một bộ phận để gọi toàn thể; lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng; lấy dấu hiệu của sự vật để gọi sự
vật.
Thơ Hữu Thỉnh thường đa tầng bậc, lấy cái tôi để chỉ cái ta, lấy cái ta để nói lên sức mạnh
cộng đồng, cụ thể mà lại trừu tượng. Đây chính là điều làm nên sự bền bỉ, dẻo dai khiến thơ Hữu
Thỉnh đi sâu vào lòng người đọc mọi thời.
3.3.2.4. Đối thoại – đối đáp
Trong Trường ca Biển và Đường tới thành phố, Hữu Thỉnh vận dụng khá nhuần nhuyễn và
triệt để hiệu quả nghệ thuật cũng như đặc trưng của thủ pháp này.
Trong Trường ca Biển Hữu Thỉnh sử dụng lối đối đáp – đối thoại như một con đường dẫn
dắt nhà thơ đến với trái tim độc giả dưới nhiều hình thức và cấp độ:
Đối thoại trên phương diện tương phản ngôn từ nghệ thuật, là một hình thức đối thoại của
sự vật, giữa các yếu tố có mối quan hệ nhất định với nhau về âm thanh, về ngữ nghĩa, theo kiểu “Ao
cạn vớt bèo cấy muống/ Đìa thanh vớt cỏ ương sen”, sự tương đồng hay có sợi dây liên quan nào đó

về âm và nghĩa đã tạo nên một sự kết hợp hài hòa. Đây có thể coi là nguyên tắc cơ bản quan trọng
trong việc xây dựng ý thơ, câu thơ, khổ thơ, bài thơ trong thơ Hữu Thỉnh.
Ở cấp độ thứ hai đã có sự mở rộng trong phạm vi thể hiện, đối tượng giao tiếp ở đây chính là
với đồng đội, đồng chí, giữa những con người với con người có cùng chí hướng, có cùng con
đường, nghị lực, quyết tâm, ở họ có sự đồng cảm, có những điểm chung , đối thoại là sự sẻ chia,
nhường nhịn, là sự thống hiểu. Tiêu biểu trong trường ca Đường tới thành phố và Trường ca biển.
Hình thức đối thoại trên nhiều phương diện, cấp độ đem đến một cái nhìn sâu rộng về những
giá trị sống. Đó là cách tinh tế để bộc lộ thế giới nội tâm qua lăng kính ưu tư mang nặng tâm trạng
nhân tình thế thái.
3.4. Nghệ thuật xây dựng biểu tượng
3.4.1. Biểu tượng con đường
Biểu tượng con đường trong thơ Hữu Thỉnh được bộc lộ rõ trên hai khía cạnh: con đường
trong thời chiến và con đường trong thời bình.
Con đường trong thời chiến chính là “con đường cụ thể” mang trong mình những biểu tượng
khái quát, nó trải dài trên tất cả các tập thơ, hầu như bài thơ nào cũng ghi dấu con đường của tác

17


giả. Con đường trong chiến tranh gắn liền với người lính nơi trận mạc chứng kiến bao lớp người,
bao khó khăn gian khổ cho sự nghiệp chung của dân tộc
Hòa bình trở lại, con đường lại tiếp tục sứ mệnh của nó trong việc định hướng những bước
đi. Con đường trong thời bình chính là con đường của kỷ niệm, con đường của những khát khao hy
vọng, mục tiêu của người lính, cách mạng, con đường của “thử thách bạc màu/ Bàn chân lính đánh
vần trên đất đai Tổ quốc”.
Nếu trong thời chiến, con đường nối đoàn quân ra trận, con đường nối liền ranh giới tiền
tuyến hậu phương, con đường nối liên một dải bờ cõi đất nước... thì ở thời bình, “con đường” nối
liền từ đất liền với các đảo xa, nơi ngọn nguồn của Tổ quốc, con đường đã nối lại những ký ức tuổi
thơ, đã đưa con người về với những giá trị vĩnh hằng, bất tử của cuộc chiến hào hùng, oanh liệt.
Nếu con đường trước đây là “đường ra trận mùa này đẹp lắm” thì nay con đường trở thành đường

đời, trở về với những trầm tích lịch sử.
3.4.2. Biểu tượng biển
Hình tượng biển xuất hiện khá nhiều và với tần xuất dày đặc trong thơ Hữu Thỉnh. Đặc biệt,
Hữu Thỉnh đã dành trọn cả một trường ca dài để nói về biển – nguồn cảm hứng vô tận.
Mọi sự sống của biển đều mang những nét vẽ hình hài của Tổ quốc, là những địa phần làm
nên cái tổng thể của một đất nước vẹn toàn, hài hòa được Hữu Thỉnh thể hiện một cách chân thực
trong Đối thoại Biển.
Hữu Thỉnh nói về biển là nói về đất nước một cách thi vị hóa, thiên nhiên hóa, nếu biển
đóng vai trò như một chủ thể tương giao thì “cát”, “đảo”, “cánh chim” chính là bệ đỡ làm cho sự
thể hiện càng trở nên phong phú.
Viết về biển trong thơ Hữu Thỉnh là những khúc nhạc hào hùng nhất, khí phách nhất, mà
cũng thắt ngặt và bi tráng nhất.
3.4.3. Biểu tượng đất
Biểu tượng đất trong thơ Hữu Thỉnh mang nhiều giá trị biểu đạt sâu sắc.
Trước tiên, đất chính là địa danh của quê hương của Tổ quốc, đất chính là cái nôi nuôi
dưỡng mỗi con người, là nơi chôn rau cắt rốn, ghi lại những kỉ niệm.Với Hữu Thỉnh, đất chính là
một biểu tượng thu nhỏ của quê hương đất nước đã gắn bó máu thịt với con người từ thuở sơ khai,
là nơi chôn rau cắt rốn. Đồng thời là nơi lưu giữ những mảnh hồn quê luôn vương đọng, là tất cả
những gì sâu lắng, ngọt ngào nhất.

18


Đất còn là nơi lưu giữ những kỉ niệm, nuôi dưỡng những dấu ấn không thể phai mờ, làm nên
những đặc trưng , sắc vị riêng, những hương vị riêng không lẫn; là nơi cho con người nghỉ chân, thư
giãn để “thêm sức bước đi xa”.
Đất không những là biểu tượng vật chất gắn bó với sự sống của con người mà còn tượng
trưng cho sự vĩnh hằng, trường tồn, bất biến, những hệ trị không thể nào xoay chuyển là sức bền của
dân tộc.
PHẦN KẾT LUẬN

1. Hữu Thỉnh đã khẳng định được bản lĩnh, phong cách và tiếng nói nghệ thuật riêng của mình. Góp
phần vào công cuộc hiện đại hóa thơ dân tộc vừa khẳng định một hướng tìm tòi, cách tân thơ giàu
hiệu quả - cách đổi mới trên cơ sở kế thừa sáng tạo những tinh hoa của truyền thống thơ dân tộc.
2. Phong cách sáng tạo của Hữu Thỉnh được hình thành từ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan
nhưng trước hết từ chính quan niệm đầy tâm huyết và nghiêm túc của nhà thơ về thơ, về những
người “làm ra thơ”. Bên cạnh đó, Hữu Thỉnh tìm về với những giá trị văn hóa truyền thống của quê
hương đã ăn sâu trong ký ức, đã thấm hòa trong ông từ nhỏ. Kinh nghiệm sống chiến trường cùng
với vốn văn hóa truyền thống đã thăng hoa, chuyển hóa nhuần nhị , khẳng định bản lĩnh, tài năng và
sức sống của thơ Hữu Thỉnh.
3. Trở về với truyền thống, Hữu Thỉnh không xô bồ mà cẩn trọng chắt lọc, gạn khơi phần hồn cốt,
tinh túy của truyền thống, từ tư tưởng nhân văn cao đẹp đến những nguồn thi liệu, cảm hứng vốn đã
ăn sâu trong tình cảm, tiềm thức của con người Việt Nam. Nhờ thế hồn điệu dân gian đã được “biến
tấu” và “chuyển hóa” thành những phức điệu nghệ thuật mới mẻ mà hấp dẫn trong thơ Hữu Thỉnh.
4. Hữu Thỉnh tìm về tiếp nhận văn học dân gian truyền thống để học hỏi, tái tạo nó, từ đó làm mới,
làm phong phú cho thơ. Bởi thế, đến với thơ Hữu Thỉnh, người đọc vừa được cảm nhận những dư vị
truyền thống đậm đà, đằm thắm, vừa được hấp dẫn bởi những cách tân mới mẻ đầy sáng tạo và tinh
tế của nhà thơ.
Về tư duy nghệ thuật, Hữu Thỉnh cố gắng sáng tạo trường liên tưởng độc đáo với nhiều cấp
độ liên tưởng tạo chiều sâu cho thơ và mở rộng khả năng đồng sáng tạo cho người tiếp nhận; chú
trọng đến cảm giác và chuyển đổi cảm giác; sử dụng bút pháp tạo hình hiện đại bằng nhiều phương
thức: cảm giác, ảo giác và kết hợp cảm giác, ảo giác; tạo dựng những kiểu cấu trúc hình khối mới,
đa dạng... Hữu Thỉnh có những tìm tòi đổi mới tâm huyết và hiệu quả vào sự phát triển thể loại thơ
truyền thống: Thơ Lục bát, thơ năm chữ, sáu chữ, tám chữ, thơ Đường luật.. Hữu Thỉnh cũng rất
dụng công góp phần hoàn thiện những thể thơ mới: trường ca, thơ văn xuôi... kết hợp đan xen một
cách hiệu quả giữa các thể thơ trong trường ca. Hữu Thỉnh đã xây dựng thành công nhiều biểu

19


tượng thơ ấn tượng và ám ảnh, đặc biệt là biểu tượng: con đường, biển và đất. Đây cũng là ba chủ

đề tư tưởng lớn trong ba trường ca đặc sắc của Hữu Thỉnh: Đường tới thành phố, Trường ca Biển và
Sức bền của đất.
Hữu Thỉnh là người kỹ lưỡng với chữ, đặc biệt trong việc nỗ lực hiện đại hóa ngôn ngữ thơ
thông qua việc mở rộng trường ngôn ngữ, gia tăng vốn từ vựng, mở rộng trường ngữ nghĩa và vận
dụng triệt để, sáng tạo những biện pháp tu từ đặc sắc.
5. Với bốn thập niên cầm bút, nhất quán trong cả quan niệm và sáng tạo thơ, Hữu Thỉnh đã khẳng
định được những thành công và đóng góp rất đáng trân trọng với nền thơ dân tộc, đặc biệt với công
cuộc đổi mới, cách tân thơ đương đại. Có thể nói, truyền thống và cách tân thực sự là hai giá trị
thẩm thấu, hội tụ nhuần nhị, tạo nên cảm quan nghệ thuật, phong cách sáng tạo và những thành
công, đóng góp đó của thơ Hữu Thỉnh.

20



×