Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Đề kiểm tra học kì 1 môn ngữ văn lớp 12 năm học 2014 2015 trường THPT châu thành 1, đồng tháp có đáp án

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (185.4 KB, 5 trang )

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TỈNH ĐỒNG THÁP

KIỂM TRA HỌC KÌ I
Năm học: 2014-2015
Môn thi: NGỮ VĂN - Lớp 12
ĐỀ CHÍNH THỨC
Ngày thi: 08/12/2014
(Đề gồm có 01 trang)
Thời gian: 120 phút (không kể thời gian phát đề)
I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm)
Câu I. (2,0 điểm) Đọc văn bản dưới đây và thực hiện các yêu cầu:
Tất cả trẻ em trên thế giới đều trong trắng, dễ bị tổn thương và còn phụ thuộc. Đồng
thời chúng hiểu biết, ham hoạt động và đầy ước vọng. Tuổi chúng phải được sống trong vui
tươi, thanh bình, được chơi, được học và phát triển. Tương lai của chúng phải được hình
thành trong sự hoà hợp và tương trợ. Chúng phải được trưởng thành khi được mở rộng tầm
nhìn, thu nhận thêm những kinh nghiệm mới.
(Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em)

1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản?
2. Nêu nội dung chính của văn bản?
3. Những biện pháp tu từ nào được sử dụng chủ yếu trong văn bản?
4. Nêu hiệu quả sử dụng của các biện pháp tu từ đó?
Câu II. (3,0 điểm)
Cuối tháng 11/2013, em Bùi Duy Nhất (học sinh lớp 6, trường THCS Đoàn Lập, Tiên
Lãng, Hải Phòng) trên đường đi học về nhặt được chiếc ví màu đen có 30 triệu đồng. Hy
vọng người đánh rơi quay lại tìm, cậu học trò đứng chờ gần 2 tiếng ở chỗ ví rơi để trả lại,
nhưng không thấy ai. Về nhà, Nhất kể cho bố mẹ nghe chuyện nhặt được ví. Lần theo địa chỉ
trên giấy tờ, bố mẹ đưa cậu bé tìm tới nhà anh Trần Ngọc Tín, người cùng huyện Tiên Lãng,
để trả lại ví tiền. Nhất là con út trong gia đình 4 anh chị em, bố mẹ làm nông và còn nhiều
khó khăn. Ở trường, Nhất học khá và rất ngoan ngoãn. Được trả lại ví tiền, anh Tín tặng


Nhất 1 triệu đồng mua đồ dùng học tập, cậu bé nhất quyết không nhận. Hành động của cậu
học trò khiến nhiều người phải suy nghĩ. (Hoàng Phương - VNEXPRESS).
Anh/chị hãy bày tỏ cảm xúc của mình về câu chuyện trên trong một bài văn nghị luận
ngắn (khoảng 400 từ).
II. PHẦN RIÊNG - Tự chọn (5,0 điểm)
Thí sinh chỉ chọn một trong hai câu (câu III.a hoặc câu III.b)
Câu III.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)
Anh/chị hãy phân tích đoạn thơ sau trong bài “Sóng” của Xuân Quỳnh. Qua đó, nêu cảm
nhận của mình về tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam trong tình yêu.
“Con sóng dưới lòng sâu
Dẫu xuôi về phương bắc
Ở ngoài kia đại dương
Con sóng trên mặt nước
Dẫu ngược về phương nam
Trăm ngàn con sóng đó
Ôi con sóng nhớ bờ
Nơi nào em cũng nghĩ
Con nào chẳng tới bờ
Ngày đên không ngủ được Hướng về anh – một phương
Dù muôn vời cách trở”.
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
(Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục, 2008, trang 155, 156)

Câu III.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)
Phân tích hình tượng nhân vật ông lái đò trong đoạn trích Người lái đò sông Đà của
Nguyễn Tuân. Từ đó, anh/chị hãy nêu quan niệm của nhà văn về người anh hùng.
(Theo Ngữ văn 12, Nâng cao, tập một, NXB Giáo dục, 2008).



SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TỈNH ĐỒNG THÁP
HƯỚNG DẪN
CHẤM CHÍNH THỨC
(gồm có 04 trang)

KIỂM TRA HỌC KÌ I
Năm học: 2014-2015
Môn thi: NGỮ VĂN - Lớp 12
Ngày thi: 08/12/2014

HƯỚNG DẪN CHẤM
A. HƯỚNG DẪN CHUNG
1. Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của Hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài
làm của thí sinh, tránh cách đếm ý cho điểm. Do đặc trưng của môn Ngữ văn nên giám khảo
cần linh hoạt trong quá trình chấm, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo nhưng
không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
2. Việc chi tiết hoá điểm số của các câu (nếu có) trong Hướng dẫn chấm thì phải đảm
bảo không sai lệch với tổng điểm của mỗi câu và được thống nhất trong tổ chấm thi.
3. Sau khi cộng điểm toàn bài, làm tròn đến 0,50 (lẻ 0,25 làm tròn thành 0,50; lẻ 0,75
làm tròn thành 1,00 điểm).
B. HƯỚNG DẪN CHẤM CỤ THỂ
I. Phần chung cho tất cả thí sinh (5,0 điểm)
Câu I. Đọc hiểu (2,0 điểm)
- Yêu cầu về kĩ năng
+ Thí sinh có kĩ năng đọc hiểu văn bản;
+ Diễn đạt rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Yêu cầu về kiến thức
1. Thí sinh xác định đúng một trong ba phương án sau: phong cách ngôn ngữ chính
luận; phong cách ngôn ngữ báo chí; phong cách ngôn ngữ chính luận kết hợp phong cách

ngôn ngữ báo chí (0,5 điểm)
2. Nội dung văn bản đề cập đến quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em (0,5 điểm)
3. Biện pháp tu từ chủ yếu: Liệt kê, lặp cấu trúc cú pháp (0,5 điểm)
4. Hiệu quả: Nhấn mạnh, khẳng định các quyền của trẻ em cần được bảo vệ và chăm
sóc. (0,5 điểm)
Câu II. Làm văn Nghị luận xã hội (3,0 điểm)
- Yêu cầu về kỹ năng
+ Thí sinh biết cách làm bài văn nghị luận xã hội;
+ Vận dụng tốt các thao tác lập luận;
+ Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp;
+ Khuyến khích những bài viết sáng tạo.
- Yêu cầu về kiến thức
Trên cơ sở nắm được nội dung câu chuyện, thí sinh phân tích, chứng minh, bình luận,
bày tỏ cảm xúc của mình về một vấn đề xã hội theo những cách khác nhau nhưng phải hợp
lý, có sức thuyết phục. Sau đây là một số gợi ý:
* Nêu được vấn đề nghị luận: Em Bùi Duy Nhất nhặt được ví tiền trả lại người đánh rơi.
* Phân tích, chứng minh:
+ Hành động của Bùi Duy Nhất là một hiện tượng đẹp, đáng quý vẫn xảy ra trong
cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Đó là tấm gương tốt, xứng đáng cho mọi người noi
theo, học tập, nhất là thanh niên, học sinh.


+ Người viết bộc lộ thái độ cảm phục, trân trọng trước tấm lòng cao đẹp của em Nhất
trong câu chuyện.
* Bàn luận
+ Đánh giá: Hành động của em Bùi Duy Nhất biểu hiện vẻ đẹp trong phẩm chất đạo
đức cao đẹp của con người. Đây cũng là một vẻ đẹp đạo đức truyền thống của dân tộc ta từ
ngàn đời nay.
+ Phản biện, phê phán: Tuy nhiên trong cuộc sống hiện nay, vẫn còn những con
người có hành động sai trái, thiếu trung thực, lối sống ích kỉ, vụ lợi, không nghĩ đến người

khác.
*Rút ra bài học về nhận thức và hành động: Cần đề cao việc nuôi dưỡng tính thiện cho
con người. Không tham lam, ích kỉ, sống thật thà trung thực, có tinh thần tương thân tương
ái, sống có trách nhiệm với cộng đồng.
II. Phần riêng - Tự chọn (5,0 điểm)
Câu III.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)
-Yêu cầu về kĩ năng
Thí sinh biết cách làm bài văn nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ; vận dụng tốt các
thao tác lập luận; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; khuyến khích những bài viết
sáng tạo.
- Yêu cầu về kiến thức
Trên cơ sở hiểu biết về nhà thơ Xuân Quỳnh và bài thơ Sóng, thí sinh có thể phân tích
đoạn thơ và nêu cảm nhận của mình về tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam trong tình yêu
theo những cách khác nhau nhưng phải hợp lý, có sức thuyết phục. Sau đây là một số gợi ý:
* Nêu vấn đề cần nghị luận: Giới thiệu đoạn thơ và vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ
Việt Nam trong tình yêu.
*Nội dung
+ Qua hình tượng con sóng nhớ bờ, Xuân Quỳnh giãi bày gián tiếp và trực tiếp tình
yêu luôn trăn trở, nhớ nhung. Một nỗi nhớ thiết tha, thao thức, dâng trào, mãnh liệt, thường
trực bao trùm lên cả không gian và thời gian, không thể nào nguôi. Nó cuồn cuộn, dạt dào
như những đợt sóng biển triền miên vô hồi vô hạn “Con sóng dưới lòng sâu …Cả trong mơ
còn thức”.
+ Từ nỗi nhớ cồn cào, da diết trong tình yêu, Xuân Quỳnh khẳng định tấm lòng sắt
son, chung thuỷ của mình đối với người yêu “Dẫu xuôi về phương bắc…Hướng về anh –
một phương”.
+ Từ sự khẳng định ấy, nhà thơ đã nâng lên thành một chân lí hiển nhiên: con sóng
nào cũng tới bờ dù phải trải qua bao nhiêu cách trở. Đó chính là niềm tin mãnh liệt của nhà
thơ vào một tình yêu chân chính, đích thực “Ở ngoài kia đại dương… Dù muôn vời cách
trở”.
+ Cảm nhận về tâm hồn người phụ nữ: Tâm hồn người phụ nữ Việt Nam trong tình

yêu thật táo bạo, mạnh mẽ nhưng vẫn giữ được nét truyền thống tốt đẹp – đó là sự thuỷ
chung, yêu thương gắn bó và một niềm tin mãnh liệt.
*Nghệ thuật (thí sinh có thể phân tích nghệ thuật đan xen với nội dung)
+ Thể thơ năm chữ truyền thống; cách ngắt nhịp, gieo vần độc đáo, giàu sức liên
tưởng.
+ Xây dựng thành công hình tượng ẩn dụ - sóng; điệp từ ngữ, điệp cấu trúc, tương
phản; giọng thơ tha thiết…


*Đánh giá: Đoạn thơ thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu hiện lên
qua hình tượng sóng, đó là tình yêu tha thiết, nồng nàn, đầy khát vọng, nhớ nhung, sắt son
chung thuỷ và niềm tin mãnh liệt bền chặt.
Câu III.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)
- Yêu cầu về kĩ năng
Thí sinh biết cách làm bài văn nghị luận về một tác phẩm, đoạn trích văn xuôi; vận
dụng tốt các thao tác lập luận; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; khuyến khích
những bài viết sáng tạo.
- Yêu cầu về kiến thức
Trên cơ sở hiểu biết về nhà văn Nguyễn Tuân và đoạn trích Người lái đò sông Đà, thí
sinh có thể phân tích nhân vật ông lái đò và nêu quan niệm của nhà văn về người anh hùng
theo những cách khác nhau nhưng phải hợp lý, có sức thuyết phục. Sau đây là một số gợi ý:
*Nêu được vấn đề nghị luận: Giới thiệu hình tượng ông lái đò và quan niệm của
Nguyễn Tuân về người anh hùng.
*Nội dung: Hình tượng người lái đò – một người lao động mới mang vẻ đẹp khác
thường:
+ Ông là người trí dũng tuyệt vời, sẵn sàng đối mặt với thác dữ, chinh phục mọi cửa
tử, cửa sinh, vượt qua cuộc thuỷ chiến ác liệt với đá nổi, đá chìm, những trùng vi thạch trận
và những phòng tuyến đầy nguy hiểm. Người lái đò vượt qua chúng bằng những động tác
táo bạo, chuẩn xác. Ông hiện lên như một vị chỉ huy dày dạn kinh nghiệm, tài trí.
+ Ông lái đò là người tài hoa nghệ sĩ. Ông đối đầu với ghềnh thác cuồng bạo bằng sự

tự tin, ung dung nghệ sĩ. Do nắm chắc “binh pháp” của thần sông, quy luật phục kích của lũ
đá, ông rất bình tĩnh vượt thác một cách tài tình, khôn ngoan và nhìn thử thách bằng cái nhìn
giản dị mà lãng mạn. Sau khi đọ trí, thi tài với con sông thuỷ quái, ông lại ung dung đốt lửa
nướng cơm lam, say sưa nói về những loài cá mà không hề bận tâm đến chuyện vượt thác.
+ Nêu quan niệm về người anh hùng: Qua hình tượng ông lái đò cho thấy, Nguyễn
Tuân đã tìm được nhân vật mới: những con người đáng trân trọng ngợi ca, không thuộc tầng
lớp đài các “vang bóng một thời” mà là những người lao động bình thường – chất “vàng
mười của Tây Bắc”. Qua đây, nhà văn muốn phát biểu quan niệm: người anh hùng không chỉ
có trong chiến đấu mà còn có trong cuộc sống lao động thường ngày.
*Nghệ thuật (thí sinh có thể phân tích nghệ thuật đan xen với nội dung)
+ Khắc hoạ thành công hình tượng nhân vật; những ví von, so sánh, liên tưởng độc
đáo, bất ngờ và rất thú vị.
+ Ngôn ngữ đa dạng, sống động, giàu hình ảnh và có sức gợi cảm cao.
+ Câu văn có nhịp điệu, lúc thì hối hả, khi thì chậm rãi.
*Đánh giá: Qua nhân vật ông lái đò, nhà văn giới thiệu, khẳng định, ngợi ca con người
lao động ở miền Tây Bắc của Tổ quốc, thể hiện tình yêu mến, gắn bó thiết tha của Nguyễn
Tuân đối với đất nước và con người Việt Nam; quan niệm về người anh hùng trong lao động.
C. CÁCH CHO ĐIỂM
Câu II. Nghị luận xã hội (3,0 điểm)
- Điểm 3,0: Thí sinh phân tích, chứng minh, bình luận qua hành động của em Bùi Duy
Nhất trong câu chuyện một cách thuyết phục, bày tỏ được cảm xúc sâu sắc của bản thân về
vấn đề cậu học trò nhặt được ví tiền trả lại người đánh rơi. Bố cục bài viết rõ ràng, lập luận
chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc và sáng tạo; có thể còn vài sai sót về chính tả, dùng từ.
- Điểm 2,5: Thí sinh cơ bản phân tích, chứng minh, bình luận được hành động của cậu
học trò, nêu được suy nghĩ của bản thân qua việc Nhất nhặt được ví tiền trả lại người đánh


rơi. Bố cục bài viết rõ ràng, lập luận tương đối chặt chẽ; còn mắc một số lỗi về chính tả,
dùng từ, ngữ pháp.
- Điểm 1,5 - 2,0: Chưa làm rõ được ý nghĩa qua hành động của em Nhất nhặt được ví

tiền trả lại người đánh rơi; phần bày tỏ cảm xúc của bản thân còn sơ sài; mắc nhiều lỗi về
chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Điểm 1: Chưa hiểu đề; sai lạc kiến thức; mắc rất nhiều lỗi về diễn đạt.
- Điểm 0: Thí sinh không làm bài hoặc hoàn toàn lạc đề.
Câu III.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)
- Điểm 4,5 - 5,0: Thí sinh phân tích đoạn thơ và nêu cảm nhận của mình về tâm hồn của
người phụ nữ Việt Nam trong tình yêu một cách thuyết phục. Bố cục bài viết rõ ràng, lập
luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc và sáng tạo; có thể còn vài sai sót về chính tả,
dùng từ.
- Điểm 3,0 – 4,0: Thí sinh cơ bản phân tích được đoạn thơ và nêu cảm nhận của mình về
tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam trong tình yêu. Bố cục bài viết rõ ràng, lập luận tương
đối chặt chẽ; còn mắc một số lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Điểm 1,5 – 2,5: Chưa làm rõ nội dung ý nghĩa, nghệ thuật của đoạn thơ và cảm nhận
của mình về tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam trong tình yêu; bài viết còn sơ sài; mắc
nhiều lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Điểm 1: Chưa hiểu đề; sai lạc kiến thức; mắc rất nhiều lỗi về diễn đạt.
- Điểm 0: Thí sinh không làm bài hoặc hoàn toàn lạc đề.
(Lưu ý: Điểm tối đa của phần cảm nhận về tâm hồn người phụ nữ là 1,0 điểm).
Câu III.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)
- Điểm 4,5 - 5,0:Thí sinh phân tích nhân vật ông lái đò và nêu được quan niệm của nhà
văn về người anh hùng một cách thuyết phục. Bố cục bài viết rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn
đạt lưu loát, có cảm xúc và sáng tạo; có thể còn vài sai sót về chính tả, dùng từ.
- Điểm 3,0 – 4,0: Thí sinh cơ bản phân tích nhân vật ông lái đò và nêu được quan niệm
của nhà văn về người anh hùng. Bố cục bài viết rõ ràng, lập luận tương đối chặt chẽ; còn
mắc một số lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Điểm 1,5 – 2,5: Chưa làm rõ đặc điểm nhân vật ông lái đò và quan niệm của nhà văn;
bài viết còn sơ sài; mắc nhiều lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Điểm 1: Chưa hiểu đề; sai lạc kiến thức; mắc rất nhiều lỗi về diễn đạt.
- Điểm 0: Thí sinh không làm bài hoặc hoàn toàn lạc đề.
(Lưu ý: Điểm tối đa của phần nêu quan niệm người anh hùng là 1,0 điểm).

HẾT



×