NHÂN VẬT TRÀNG TRONG "VỢ NHẶT" - KIM LÂN
1- Kim Lân là một trong số những cây bút tiêu biểu, xuất sắc của văn học Việt Nam sau
Cách mạng tháng Tám. Ông chuyên viết về truyện ngắn và thường viết về nông thôn và
người nông dân. Ông có những trang viết rất đặc sắc, chân thật và xúc động về cuộc sống
và người dân quê. Bởi ông am hiểu một cách sâu sắc về cảnh ngộ và tâm lí của họ. Nhân
vật trong tác phẩm của ông thường là những người quê nghèo khổ, thiếu thốn nhưng vẫn
yêu đời, chất phác, mộc mạc mà giàu tình nghĩa và khát vọng. Nhân vật Tràng trong “Vợ
nhặt” là một trong những con người như thế.
2-Truyện ngắn “Vợ nhặt”viết về nạn đói năm 1945. Bối cảnh của truyện là không gian
năm đói ở một xóm ngụ cư. Bóng dáng của sự chết chóc đè nặng trong cuộc sống của
người dân nơi đây. Người chết như ngả rạ, người sống thì như những bóng ma, sự sống
của con người rất mong manh, họ đang kề cận cái chết. Không gian thì hoang dại với
những đàn quạ gào lên từng hồi thê thiết và vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây
của xác người. Trong hoàn cảnh thê thảm như thế nhưng nhà văn Kim Lân vẫn nhìn thấy
vẻ đẹp của con người lấp lánh trong từng sự việc của đời sống. Nhân vật Tràng xuất hiện
trong tác phẩm là một người nghèo khổ nhưng giàu tình người, giàu khát vọng hạnh
phúc, điều đó được thể hiện rất rõ qa câu chuyện nhặt được vợ giữa ngày đói của anh.
3.Hoàn cảnh nhân vật Tràng:
-Tràng là một người dân xóm ngụ cư, làm nghề kéo xe thuê, cuộc sống nghèo khổ, bấp
bênh.
-Ngoại hình: Tràng là một người thô kệch, xấu trai: cái đầu trọc nhẵn, cái lưng rộng to
như lưng gấu, hai con mắt gà gà, nhỏ tí lúc nào cũng đắm vào bóng chiều.
-Tính tình: có phần hơi vô tâm nhưng rất tốt bụng và vui vẻ. Mỗi chiều đi làm về, anh
hay chơi đùa với lũ trẻ con trong xóm khiến cho xóm chợ mỗi chiều lại xôn xao lên được
một tí.
4.Vẻ đẹp tình người và khát vọng hạnh phúc qua câu chuyện nhặt được vợ của Tràng:
a.Tình huống nhặt được vợ của Tràng: Tràng có vợ một cách dễ dàng ngay giữa những
ngày đói chỉ bằng cách nhặt được chỉ qua có hai lần gặp gỡ, bốn bát bánh đúc và một vài
câu nói đùa.. Một lần Tràng đẩy xe qua dốc, anh hò một câu vượt dốc cho đỡ nhọc chứ
không có ý trêu ghẹo cô nào cả, có một cô gái chạy lại đẩy xe cho Tràng rồi còn cười với
anh. Lần thứ hai anh gặp lại cô ấy ở cổng chợ tỉnh, anh không nhận ra cô là ai, nhưng sau
lời trách mắng của cô ấy thì anh đã nhớ ra câu chuyện, cô ấy gợi ý để được ăn và Tràng
đã mời cô ăn, Tràng nói đùa một câu cô ấy theo Tràng về thật. Thế là Tràng có vợ một
cách qá dễ dàng.
Đây là một tình huống độc đáo, đùa mà trở thành thật, thật mà như đùa. Tình huống đó đã
bộc lộ vẻ đẹp của tình người, khát vọng hạnh phúc ở Tràng.
b.Diễn biến tâm trạng của nhân vật Tràng.
*Khi nhặt vợ:
-Lúc đầu, khi người phụ nữ đồng ý theo anh về làm vợ sau một câu nói đùa của Tràng,
anh Tràng cũng “chợn”, lo lắng, băn khoăn: “Thóc gạo này đến cái thân mình chẳng biết
có nuôi nổi không lại còn đèo bòng”.
-Sau đó anh chậc lưỡi thách thức : “kệ!”. Tràng cũng không ngờ rằng câu nói đùa như
vậy mà cô ấy lại đồng ý ngay: “Làm đếch gì có vợ. Này, nói đùa chứ, có về vơi tớ thì ra
khuân hàng lên xe rồi cùng về”. Tràng liều lĩnh chấp nhận, thách thức hoàn cảnh và số
phận.
-Tràng rất tinh tế và chu đáo: dẫn người vợ nhặt vào chợ mua một cái thúng con đựng vài
thứ lặt vặt và ra hàng cơm ăn một bữa thật no nê rồi cùng về. Tràng đã bằng lòng cho
người đàn bà lạ theo mình về trong những ngày đói quay đói quắt, cơn bão đói đang
muốn cuốn phăng tất cả mọi thứ, sự sống trở nên rất mong manh. Người đàn bà ấy đói
khát quá, cô ấy cần có một chỗ dựa để sống, còn Tràng cần có một gia đình, Tràng khao
khát hạnh phúc, sẵn sàng thách thức.
*Trên đường về:
-Tràng vô cùng hạnh phúc: mặt anh phớn phở, mắt thì sáng lên lấp lánh, miệng cười tủm
tỉm. “Trong một lúc, Tràng như quên hết cảnh sống ê chề, tắm tối hằng ngày, quên cả đói
khát đang đe doạ trước mắt”. “Trong lòng hắn bây giờ chỉ còn tình nghĩa giữa hắn với
người đàn bà đi bên. Một cái gì mới mẻ, lạ lắm chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo
khổ ấy, nó ôm ấp, mơn man khắp da thịt tựa hồ như có một bàn tay vuốt nhẹ trên sống
lưng.”.
-Anh Tràng còn chủ động bỏ tiền ra mua hai hào dầu để thắp trong buổi tối đầu tiên có vợ
chứng tỏ anh là người rất trân trọng nâng niu người vợ nhặt của mình dù là vợ theo không
không
cưới xin lễ nghĩa gì cả, anh trân trọng, nâng niu hạnh phúc của chính anh.
-Anh Tràng thật sự lúng túng khi muốn nói một câu gì thật tình tứ nhưng tay nọ cứ xoa
vào vai kia không sao nói được.
-Trước con mắt tò mò, phán đoán của mọi người trong xóm ngụ cư, người vợ nhặt thì
ngượng nghịu, chân nọ díu cả vào chân kia, còn anh cứ vênh vênh lên tự đắc.
=>Tràng thật sự hãnh diện và hạnh phúc khi có vợ dù là vợ theo không, không cưới xin lễ
nghĩa gì cả.
*Về đến nhà:
-anh cố gắng để cho người vợ nhặt của mình được thoải mái, tự nhiên. Trong lòng anh
thật bối rối, đan xen rất nhiều trạng thái cảm xúc: vừa ngượng nghịu, vừa có điều gì đó
khiến anh lo sợ - một nỗi sợ vô hình khiến anh không xác định rõ, anh nôn nóng sốt ruột
đợi mẹ về để thông báo một sự kiện trọng đại của đời anh, rồi lại băn khoăn không biết vì
sao vợ anh lại bần thần đến thế, có sự ngạc nhiên vì niềm hạnh phúc lớn lao mà bất ngờ,
đến với anh nhanh quá đến mức anh không tin vò chính mình nữa, nhưng bao trùm là
niềm hạnh phúc đang xôn xao trong lòng anh. Nhà văn Kim Lân thật tinh tế, ông đã nhập
thân vào nhân vật Tràng mà thể hiện những trạng thái cảm xúc của một người may mắn
đón nhận hạnh phúc bất ngờ. Ông chú ý đến cả những cử chỉ của Tràng để bộc lộ những
trạng thái nội tâm: nhổ một bãi nước bọt, tủm tỉm cười, nhìn trộm người đàn bà đang ngồi
trong nhà...
Những trạng thái cảm xúc đa dạng đan xen cho thấy anh Tràng rất nghiêm túc, anh thực
sự ý thức về một cuộc sống mới của mình.
-Khi anh thấy bóng dáng mẹ đã về đến đầu ngõ anh đã thông báo cho vợ biết để vợ chuẩn
bị tâm lí, tinh thần : “U đã về đấy!”. Lời thông báo này đã làm anh Tràng vô tâm không
còn nữa àm ở đây, trong ngôi nhà này đã xuất hiện một anh Tràng rất tâm lí, rất tinh tế
và biết quan tâm đến người khác. Đúng là hạnh phúc đã làm cho người ta thay đổi theo
chiều hướng tích cực.
-Anh chủ động giới thiệu vợ với mẹ để tránh cho người vợ nhặt sự xấu hổ và ngượng
nghịu vì mặc cảm theo không. “Kìa nhà tôi nó chào u”, “Nhà tôi nó mới về làm bạn với
tôi đấy u a! Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau… Chẳng qua nó cũng là cái số
cả…”. Hai tiếng “nhà tôi” thật thân thương, nghe ấm áp và hạnh phúc lạ! Anh còn khéo
léo đề cập đến vấn đề duyên số để mẹ cảm thông mà chấp nhận vợ anh. Anh Tràng giới
thiệu và chỉ chờ đợi thái độ của mẹ, khi thấy mẹ đồng ý chấp nhận vợ, anh thở phào nhẹ
nhõm và bớt đi sự bối rối lo âu. Anh Tràng bây giờ thực sự là một người thật tinh tế và ý
tứ, khác hẳn với anh Tràng vô tâm thường ngày.
=>Tràng thật sự nghiêm túc và trân trọng người vợ của mình, trân trọng niềm hạnh phúc
bất ngờ lớn lao của chính bản thân mình.
*Sau một ngày có vợ:
-Tràng thấy mình khác hẳn: Trong lòng anh ngập tràn hạnh phúc, anh như người ở trong
giấc mơ bước ra. Anh vẫn còn ngạc nhiên về việc mình có vợ. tâm trạng của anh rất chân
thực vầ gần gũi. Người như anh, nghèo, xấu trai, dân ngụ cư mà lại có vợ một cách quá
dễ dàng thế, đặc biệt trong nạn đói thê thảm.
-Anh nhận ra sự thay đổi của mọi thứ xung quanh mình. Ngôi nhà anh vốn vẫn đứng
chênh vênh trong nạn đối, giữa một không gian hoang dại thiếu vắng sự sống thì nay đã
khác hẳn, mọi dấu hiệu của sự sống đã trở về. Những búi cỏ dại đã được giẫy sạch, đống
rác mùn tung bành ngay giữa lối đi đã được dọn, đám quần áo tả tơi như tổ đỉa đã đem
phơi dưới anh mặt trời, đặc biệt hai cái ang dưới gốc ổi đã đầy ăm ắp nước. Cảnh tượng
hai người đàn bà dọn dẹp nhà cửa thật đơn giản nhưng anh thấy xúc động vô cùng.
-Anh nhận ra sự thay đổi ở người mẹ, khuôn mặt bủng beo, u ám thường ngày của bà đã
không còn, bà trở nên rạng rỡ, tươi tỉnh và nhanh nhẹn khác thường. Tràng còn nhìn thấy
sự thay đổi lớn lao ở người đàn bà - vợ nhặt của anh. Hôm nay nhìn cô ấy đúng thật là
một người phụ nữ hiền thục, đảm đang, không còn vẻ gì chao chát, chỏng lỏn như những
lần Tràng gặp ngoài tỉnh. Điều đó làm cho anh hạnh phúc vô cùng. Hạnh phúc lứa đôi,
hạnh phúc gia đình đã đang ở trong tay anh.
-Anh thấy thấm thía cảm động. Bỗng nhiên anh thấy anh thương yêu, gắn bó với ngôi nhà
lạ lùng. Anh thật sự có một gia đình, một cuộc sống mới. Anh nhận thức ra điều đó một
cách sâu sắc, nghiêm túc. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng.
Anh thấy anh trưởng thành hơn lên, anh xác định rõ vai trò của anh trong ngôi nhà, anh
sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đó, anh cần có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này,
anh hạnh phúc tột đỉnh và cũng muốn góp phần tu sửa lại căn nhà cho mới mẻ, sáng sủa
hơn. Ngôi nhà bây giờ với anh là một tổ ấm giúp anh vượt qua mọi khó khăn, bão tố của
đời. Anh Tràng nhận ra cuộc sống mới của anh thật ý nghĩa.
=>Tràng đã thay đổi cả số phận và tính cách từ khi có vợ, từ sự uể oải, mệ mỏi vì hoàn
cảnh cái đói tràn đến khắp nơi đang cướp đi sinh mạng của rất nhiều người anh trở nên
yêu đời, vui vẻ, hạnh phúc và tin tưởng ở cuộc sống, tương lai.
*Nghe người vợ nói chuyện "cách mạng", chuyện Việt Minh phá kho thóc Nhật chia cho
người đói, anh tiếc rẻ vẩn vơ và bỗng thấy ân hận. Ngay trong lúc đó, anh hình dung thấy
đám người đói cùng lá cờ đỏ. Hình ảnh đoàn người đói cùng lá cờ đỏ sao vàng của Việt
Minh bay trong trí nghĩ của Tràng là một hiện thực trong tương lai, là ước mơ hướng đến
cách mạng của Tràng, của những người đang trong hoàn cảnh éo le như Tràng.
5.Đánh giá chung.
-Nhà văn Kim Lân đã miêu tả rất chân thực và sinh động tâm lí nhân vật Tràng xoay
quanh tình huống Tràng nhặt được vợ. Hình tượng nhân vật Tràng đóng vai trò to lớn
trong việc thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm: những người đói, không nghĩ đến cái
chết mà luôn nghĩ đến sự sống, nghĩ đến tương lai.
-Nhân vật Tràng và câu chuyện nhăt được vợ của anh cũng giúp nhà văn khẳng định vẻ
đẹp tâm hồn, phẩm chất của người lao động nghèo: họ luôn có tình người sâu đậm, luôn
sẵn lòng cưu mang, giúp đỡ nhau, họ yêu thương nhau và cùng hướng đến tương lai. Họ
là những con người giàu tình yêu và sức sống.
-Nhân vật Tràng cũng đã thể hiện ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo và tình yêu con
người của nhà văn Kim Lân.