Tải bản đầy đủ (.doc) (8 trang)

tản mạn về ca huế sông hương

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (313.56 KB, 8 trang )

/>
CA HUẾ
MỘT LOẠI HÌNH ÂM NHẠC CỔ TRUYỀN
Ở CỐ ĐÔ HUẾ CẦN ĐƯỢC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY
1. Dân tộc Việt Nam do hoàn cảnh địa lý và các điều kiện khách quan khác đã có một nền văn hóa đa dạng,
trong đó bộ môn Ca Huế đã tiếp thu, kế thừa và ảnh hưởng nhiều sắc thái, tinh hoa của nhiều vùng đất khác
nhau. Điệu Bắc vui tươi như 10 bản liên hoàn (10 bản Tàu), cổ bản, lưu thủy, hành vân ... Điệu Nam ai oán,
trữ tình như nam ai, nam bình ... đã nói lên sự tổng hợp mà ca nhạc Huế tiếp truyền được trong quá trình hình
thành của nó. Chính những yếu tố dị biệt, tương phản Bắc Nam, buồn vui đã dung hòa trong âm nhạc Huế mà
Ca Huế có một sắc thái riêng biệt, một tính chất đặc thù rất đáng trân trọng, gìn giữ.
Tại miền núi Ngự sông Hương, trong khoảng 200 năm trở lại đây, chẳng những tầng lớp quí tộc mà đến
những người bình thường, dân dã ... cũng đã hết lòng nghiên cứu bộ môn Ca Huế, tập luyện đàn ca đến mức
tuyệt kỹ, điêu luyện. Một số đông văn nhân thi sĩ đã sáng tác lời Ca Huế, trong đó có các nhà thơ không phải
sinh trưởng ở đất thần kinh như Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Á Nam Trần Tuấn Khải ...
Bài viết Nguồn mỹ cảm của dân tộc Việt Nam gặp gỡ Chiêm Thành của Bửu Cầm đăng trong tập Nguồn
Mỹ Cảm của Hội Người Yêu Mỹ Thuật Huế, các tập sách viết về ca nhạc Huế của Ưng Ân, Bán buồn mùa
vui của Ưng Bình Thúc Giạ (1954), Câu hò mái đẩy của Thảo Am Nguyễn Khoa Vy (1957), Cố đô Huế của
Vu Hương, Thanh Tùng, Kiều KHê (1971), Ca Huế và ca kịch Huế của Văn Lang (1993) và các bài viết khác
của Hoàng Yến đăng trên tạp chí Nam Phong; những cuốn sách dạy đàn của Nguyễn Hữu Ba đã cho thấy bộ
môn Ca Huế đã đi vào đời sống Huế rất thiết thân và trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong sinh hoạt
thường ngày về văn hóa.
2.1. Từ trước đến nay, mọi người đều công nhận Ca Huế là loại hình âm nhạc truyền thống được phát triển
rất lâu đời. Nhưng để xác định Ca Huế được phát sinh từ thời gian nào thì hiện nay chưa có ai biết một cách
đầy đủ. Sỡ dĩ có tình trạng này vì nguồn tư liệu về ca nhạc Huế trong giai đoạn đầu hình thành quá thiếu
thốn, mất mát. Một phần do hoàn cảnh chiến tranh liên miên qua nhiều năm tháng, nhiều tài liệu, sách sử,
văn bản, thư mục ... đã bị thiêu hủy hoặc bị các thế lực xâm lăng cướp phá. Hệ thống tài liệu về âm nhạc chắc
chắn lại càng ít ỏi, hiếm hoi.
Chúng ta có thể tham khảo một số ý kiến sau đây để có thể hiểu khái quát về sự hình thành Ca Huế :
Tác giả Ưng Bình Thúc Giạ (1877-1961), đã viết : "Gọi là Ca Huế, vì thanh âm người Huế hợp với điệu
ca này, mà xứ Huế như người Quảng Trị với Quảng Bình cũng ca được, còn từ Linh Giang dĩ Bắc, Hải Vân
quan dĩ Nam đều có người ca, mà ca giỏi thế nào cũng có nơi trạy bẹ, ấy là câu chuyện ai cũng biết rồi.


Điệu ca khởi điểm từ thời nào, thời khởi điểm từ thời Hiếu Minh (chúa Nguyễn, về hệ bảy, thế kỷ 17).
Đức Hiếu Minh, hiệu Thiên Túng đạo nhơn, là ông chúa thượng văn, năng đề vịnh. Con ngài là ông Tứ
(tức Đán), cháu là ông Dực, đều có tiếng giỏi từ chương. Chúa Nguyễn trấn Thuận Hóa, Thuận Hóa tức là
Huế ngày nay. Lạ chi gặp đời ông Chúa thượng văn, thời triều đình thế nào cũng có ban nhạc phủ, thời tao
nhân, mặc khách ở tri hạ tất phải hưởng ứng mà thành ra ca khúc, ca chương.
Thuận Hóa vốn xưa là đất Chiêm Thành, châu Ô, châu Lý, có điệu ca rất ai oán, trong sử đã nói ca Huế
có khúc ca Nam, thời nam bình, nam ai quả là theo điệu Chiêm Thành mà làm ra, không nghi ngờ gì nữa.
Còn ca khách lại duồng theo điệu Trung Quốc, là lẽ tự nhiên, huống chi ca khách có 10 bản gọi là bản Tàu,
thì đủ biết.
Ca Huế bản nào, vẻ nhịp nào, đã sẵn có khuôn khổ (xàng, xê, xự), hễ ưa đến điệu nghệ, mà có tình tứ thì
làm được, miễn sao văn cho thuận, câu cho xuôi, ý nghĩa cho rõ ràng, mạch lạc, cho thông suốt; ấy là bản
ca để ca, mà dễ lưu truyền vào nhạc phủ ..."(1)

Ưng Bình Thúc Giạ Thị


Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê cũng bàn về thời điểm hình thành ca Huế: "Không có sử liệu nào nói Ca
Huế có từ bao giờ, chỉ biết rằng Ca Huế không phải là loại nhạc dân gian, vì nó chỉ được giới quyền quí
hoặc trong cung đình sử dụng. Vậy có thể nói rằng đây là loại quan nhạc chứ không phải dân nhạc"(2).

Giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê
2.2. Ca Huế là loại hình đàn hát ở thính phòng mang phong cách tự sự, ngâm ngợi, tri âm, tri kỷ với số
lượng năm bảy người đàn ca với nhau, các làn điệu, bài bản đạt trình độ hoàn chính cả nhạc lẫn lời, nội dung
giàu chất thơ, trữ tình. Một số bài bản lớn của Ca Huế ở hai hệ thống là :
+ Hệ thống những bài bản Bắc (còn gọi là điệu khách) mang âm hưởng tươi vui, thanh thoát, nhịp điệu
nhanh. Với đặc điểm ấy, giới nghệ sĩ ca Huế còn gọi là các bài bản Xuân. Tiêu biểu có các làn điệu :
- Cổ bản (bài xưa) gồm 64 nhịp.
- Lộng điệp (bướm vờn trước gió) : gồm 16 nhịp, được đưa vào điệu Cổ bản để sáng tác, với tính chất hưng
phấn, rộn ràng.
- Phú lục : có nét nhạc sang trọng với 206 nhịp (phú lục chậm), 27 nhịp (phú lục nhanh).

- Mười bản Tàu (Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ quảng, Liên hoàn, Bình bán, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong,
Long hổ, Tẩu mã). Trong hệ thống điệu Bắc, mười bản Tàu còn gọi là 10 bản Ngự chỉ trình diễn khi lễ lạt,
tuy nhiên nhiều nghệ sĩ Ca Huế đã lấy mỗi đoạn trong mười bản Tàu để sáng tác thành những trên bài khác
nhau, làm phong phú thêm các làn điệu Ca Huế.

+ Hệ thống những làn điệu Nam (còn gọi là điệu Ai) :
Điệu Nam (ai) mang âm hưởng buồn, chất nhạc dàn trải, sâu lắng, trữ tình, gồm có :
- Nam ai : Điệu ca chia làm 5 lớp, tính chất buồn, ai oán.
- Nam bình : Tiết tấu, âm điệu đều đều, buồn man mác, nhẹ nhàng.
- Quả phụ : Điệu ca thể hiện nổi sầu đời, cô đơn của người quả phụ.
- Tương tư : Gợi lên sự nhớ thương da diết của hồn người trong cuộc tình yêu.
- Nam xuân : Mùa xuân ở phương Nam, giai điệu lửng lơ, thương cảm một cách thuần khiết.
+ Ngoài hai hệ thống Bắc, Nam trên, một số làn điệu mang yếu tố lưỡng tính; vừa có nét nhạc vui, vừa có
nét nhạc buồn. Tiêu biểu có các điệu :
- Long ngâm : Chất nhạc trang trọng, thương cảm.
- Tứ đại cảnh : Chất nhạc sang trọng, đượm buồn, những tâm sự vừa thở than, vừa thầm trách.
- Các bài bản “Hơi dựng” : Hơi dựng có nghĩa là dựng lời ca lên khác với hơi ca bình thường. Chất nhạc vì
thế có nét riêng, làm phong phú của Ca Huế. Tiêu biểu có làn điệu Cổ bản dựng, Nam bình dựng.
+ Nhạc không lời :
Bên cạnh những bài ca, làn điệu được biểu diễn trong hệ thống âm nhạc thính phòng có tính chất tri âm,
tri kỷ, âm nhạc Huế còn có một hệ thống nhạc không lời thuộc dòng nhạc cung đình có thể kể tên :
- Trong lễ tế giao có 9 khúc ca, tên đều có chữ Thành (nghĩa là hoàn thành).
- Trong các miếu thờ những vị vua triều Nguyễn, các vị khai quốc công thần có 9 khúc ca, tên đều có chữ
Hòa (hài hòa).
- Lễ tế thần nông, thổ địa có 7 khúc ca, tên đều có chữ Phong (phong phú, thịnh vượng).
- Trong miếu thờ các vị hoàng đế có 6 khúc ca, tên đều có chữ Huy (đẹp đẽ).
- Trong những miếu thờ các bậc anh hùng có 6 khúc ca, tên đều có chữ Hòa (thái hòa).


- Trong miếu thờ Khổng Tử có 6 khúc ca, tên đều có chữ Văn (văn chương).

- Trong những buổi triều có 5 khúc ca, tên đều có chữ Bình (hòa bình).
- Trong những cuộc yến tiệc có 5 khúc ca, tên đều có chữ Thành (hoàn thành).
- Trong cung có 5 khúc ca, tên đều có chữ Khánh (khánh chúc).

Đội nữ nhạc cung đình Huế.

Hiện nay loại hình nhạc không lời chỉ còn lại tản mạn trong các nghệ sĩ, nghệ nhân nhạc công lớn tuổi,
không có hệ thống đầy đủ như trước đây. Nguyên nhân sự thất truyền này là do điều kiện chiến tranh, các
hình thức nghi lễ triều đình theo dòng thời cuộc đã ngày một mất mát, lụi tàn. Lực lượng nghiên cứu, sưu tầm
chuyên sâu loại hình âm nhạc này cũng mỏng dần theo năm tháng. Giới biểu diễn thế hệ đi trước cũng không
còn nhiều, cơ hội phục hồi không lớn và không tập hợp được đầy đủ các tư liệu.

2.3. Những đặc điểm của ca nhạc Huế :
Ca nhạc cổ truyền Huế có những đặc điểm, sắc thái riêng. Vừa hài hòa giữa điệu Bắc, điệu Nam, vưöa có
tính khoa học trong cấu trúc các bài bản và các thể loại âm nhạc. Theo nhận xét của nghệ sĩ Văn Lang, âm
nhạc Huế có mấy đặc điểm như : tính liên tục, tính chuyển tiếp, tính biến âm, tính biến điệu, tính tự tình, tính
cô đọng súc tích từ nội dung hình thức :
- Tính liên tục : Có thể đàn ( tỳ bà, nguyệt cầm, nhị, tỳ bà, độc huyền cầm, đàn tranh...) và hát nhiều lần
một bài ca mà người thưởng ngoạn không có cảm giác bị gián đoạn. Điều ấy có thể thấy qua các bài long
ngâm, phú lục.
- Tính chuyển tiếp : Chuyển giai điệu này sang giai điệu khác một cách nhuần nhuyễn, hài hòa. Tiêu biểu
là 10 bài liên hoàn.
- Tính biến âm, biến điệu : Một bài ca khi đã được đổi điệu, đổi hơi thì âm điệu bài ca hoặc đoạn ca ấy
nghe khác đi. Ví dụ bài cổ bản có thể đổi nhiều hơi khác nhau ( hơi xuân, hơi dựng, hơi Quảng ...). Do có sự
đổi hình thức âm điệu thì tình cảm thể hiện cũng có sự biến đổi làm phong phú nội dung bài ca.


- Tính tự tình : Ca nhạc thính phòng Huế tính tự tình được thể hiện đậm nét tạo một nguồn đồng cảm giữa
người nghe và người biểu diễn.
- Tính cô đọng, súc tích : Tính cô đọng được thể hiện trong từng câu nhạc, tiết tấu, câu ca ... tính súc tích

được thể hiện trong câu từ chủ đề của nội dung bài ca.
Với đặc điểm trên, ca sĩ và nhạc công có thể bộc lộ hết khả năng tài hoa đến mức tuyệt kỹ.
3. Trong những năm chiến tranh, bộ môn Ca Huế không được phát triển sâu rộng trên đất Huế mà chỉ hạn
chế trong một số sinh hoạt có tính chất gia đình, nhóm bạn lẻ tẻ. Các giọng ca, nhạc công thiếu các điều kiện
để phát huy tài nghệ của mình. Sau ngày đất nước được thống nhất, quê hương sống trọn vẹn những ngày
bình yên thực sự, cung bậc tri âm một thời vàng son đã hồi sinh trong lòng Huế. Ca Huế đã tìm lại chính
mình giữa một trung tâm được thế giới công nhận là di sản văn hóa của loài người.
Đội ngũ ca sĩ, nhạc sĩ, nhạc công đã được phát triển trên nhiều mặt. Vừa đông về số lượng, vừa được nâng
cao về chất. Lớp nghệ sĩ lão thành hòa âm cùng thế hệ trẻ. Người mộ điệu Ca Huế ngày càng tăng theo thời
gian là người xứ Huế, là bạn tri âm trong nước, là khách du lịch từ mọi miền trên trái đất ... Tất cả đã và đang
tìm đến nhau cũng âm điệu Huế sâu lắng, trữ tình. Loại hình Ca Huế đã hòa nhịp trong đời sống văn hóa du
lịch; đã làm phong phú thêm bản sắc Huế vốn đa dạng; mộng và thơ ...
Mái chèo trăng, con thuyền mộng, ngàn sao khuya lấp lánh; nét mờ ảo sương sa cùng những vẻ đẹp thiên
nhiên đang hội tụ cùng dòng sông Hương êm đềm là sự cộng hưởng thật tuyệt vời nâng tầm bay cho ca Huế.
Ngày nay Ca Huế không còn đóng khung trong những thính phòng của Huế; trong những khoang thuyền
nhỏ trên sông Hương thơ mộng trữ tình mà đã đến với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ , Hồng Kông, Đài
Loan, Pháp, Bỉ ...

Nội dung những bài Ca Huế ngoài sự ngợi ca cảnh sắc thiên nhiên phong hoa tuyết nguyệt, tự sự về nhân
tình thế thái, buồn vui của kiếp người, ngày nay còn có những nội dung ngợi ca ngày mới nói lên những khát
vọng, ước mơ về một tình yêu lớn tràn trề hạnh phúc. Về một ngày mai chan chứa tình người, tình quê hương
dân tộc. Ca Huế đang theo nhịp đời mới mà trưởng thành, giàu âm hưởng, giàu cung bậc để hòa âm vào vận
hội chung muôn khúc xuân thì.
4. Từ những giá trị đích thực của loại hình âm nhạc cổ truyền Huế, các cơ quan hữu quan, những người có
tâm huyết, các nhạc hữu, nghệ sĩ, diễn viên ... của bộ môn ca Huế cần quan tâm đến những biện pháp có tính
khả thi trong việc bảo tồn và phát huy; góp phần nâng cao nghệ thuật diễn xướng, nghệ thuật sáng tạo nội
dung lời ca Huế.

4.1. Một trong những công
việc đầu tiên của công tác bảo

tồn là cần có chương trình giáo
dục trong học đường thông qua
nói chuyện có minh họa, thông
qua các buổi biểu diễn nghệ
thuật. Muốn cho các thế hệ mới
có niềm đam mê nghệ thuật âm
nhạc truyền thống thì trước hết
phải giúp cho họ hiểu biết
những điều căn bản , những
đường nét chính thống của âm
nhạc Huế.

Ca Huế trên sông Hương


Ngày nay ngoài việc giảng dạy tại các trường Đại Học nghệ thuật Huế, trường Văn hóa nghệ thuật Thừa
Thiên Huế, các cơ quan hữu quan cần quan tâm giúp đỡ tạo điều kiện cho các nghệ nhân tham gia giảng dạy
theo lối truyền khẩu ở tại tư gia, chính đội ngũ này trong những năm qua đã có công không nhỏ trong việc
đào tạo một số các em ham mê âm nhạc truyền thống Huế.

Nghệ sĩ Minh Mẫn
NSUT. Trần Kích
NS. Nguyễn Hữu Ba
4.2. Công tác sưu tầm, chỉnh lý nội dung các lời ca xưa của nhiều tác giả lớp trước, của các tác giả khuyết
danh cũng là một trong những trọng tâm nhằm bảo tồn và phát huy vốn cổ; Đồng thời cần có kế hoạch vận
động giới văn nhân thi sĩ soạn lời ca mới phù hợp với cuộc sống đương đại; góp phần làm phong phú nội
dung của ca Huế.
4.3. Khán giả cũng là một khâu quan trọng trong việc bảo tồn vốn cổ dân tộc. Việc tổ chức nhiều chương
trình biểu diễn ca Huế nhiều nơi ở phố phường, làng xã, ở các trường học ... phải được xem như một công tác
“đào tạo khán giả”. Thực tế trong Festival Huế 2002 vừa qua, các sân khấu cộng đồng giới thiệu bộ môn ca

nhạc truyền thống Huế đã thu hút tương đối đông đảo người xem thuộc nhiều độ tuổi khác nhau. Từ thực tiễn
đó cho thấy nếu ca Huế có nhiều sự tiếp cận công chúng thì số lượng công chúng sẽ đến với Ca Huế ngày
một tăng.
4.4. Về lâu về dài Huế cần có một bảo tàng âm nhạc. Hiện nay tư liệu về ca Huế, các nhạc cụ của các danh
cầm nhiều thế hệ đang nằm tản mác trong dân, có nguy cơ bị lãng quên, hư hỏng. Sự hình thành một bảo tàng
âm nhạc sẽ góp phần gìn giữ các tài sản, tư liệu quí của các nghệ sĩ, nghệ nhân và thông qua bảo tàng âm
nhạc sẽ giúp cho các thế hệ sau hiểu, yêu âm nhạc và có ý thức giữ gìn những giá trị nghệ thuật do tiền nhân
để lại.
4.5. Ngày nay, ca nhạc truyền thống Huế đã thực sự gắn liền với cuộc sống hằng ngày; đã trở thành một
món ăn tinh thần không thể thiếu trong lĩnh vực du lịch. Các cơ quan hữu quan cần chú ý nâng cao chất
lượng, nội dung các chương trình biểu diễn phục vụ du khách trong và ngoài nước. Công tác quản lý cần
được quan tâm nhằm gạn đục khơi trong, giúp bộ môn ca nhạc truyền thống Huế có được chỗ đứng trang
trọng, dài lâu trong lòng người tri âm, tri kỷ.
________________
Chú thích :
(1) Ưng Bình Thúc Giạ : Bán buồn mua vui, Khánh Quỳnh, XB 1942.
(2) Trần Văn Khê : Bách Khoa số 102, 102, 1961.
Tài liệu tham khảo :
- Thơ ca Ưng Bình Thúc Giạ – NXB Thuận Hóa, 1992.
- Cố đô Huế – Vu Hương, Thanh Tùng, Kiều Khê, 1971.
- Ca Huế và Ca Kịch Huế – Văn Lang, NXB Thuận Hóa.
- Cố đô Huế (thơ ca) – Thanh Tùng Nguyễn Gia Tuân, NXB Thuận Hóa, 1996.


/>
Những gì tôi đã học được về lịch sử và nghệ
thuật đàn ca Huế
Đăng ngày 20/06/2013 lúc 7:58 am

Là một người cầm bút xứ Huế, hơn ba mươi năm qua, tôi đã sưu tập tư liệu,

nghiên cứu về Ca Huế và cũng đã tham gia nhiều hội thảo, hội nghị, tọa đàm
về ca nhạc truyền thống Huế, trong đó có ca Huế. Trong bài viết nay, tôi xin
phát biểu những gì đã thấm vào tâm trí sau mấy chục năm tiếp cận với lịch
sử và nghệ thuật đàn ca Huế và những ước mơ mà chưa với tới được.
Như chúng ta đã biết, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng xuất thân nơi lá ngọc cành vàng
của đầu triều Lê Trung Hưng. Khi Chúa vào Thuận Hóa, các quan văn võ và dân
chúng đi theo Chúa mang cái văn hóa nước Đại Việt – trong đó có âm nhạc – vào
nơi quê cũ của người Chăm. Dưới thời các chúa Nguyễn, đã có cuộc giao lưu âm
nhạc rộng rãi của dân Đại Việt và dân Chăm-pa ở Thuận Hóa. Do đó âm nhạc ở
Thuận Hóa không thể thoát khỏi ảnh hưởng của âm nhạc Chăm. Theo quy luật
phát triển của âm nhạc chắc chắn nó phải diễn ra như thế dù hôm nay chúng ta
chưa tìm được tư liệu khoa học để chứng minh; Do đó ta không ngạc nhiên khi
nghe ca Huế thấy có các điệu Bắc (của Đại Việt), và các điệu Nam (ảnh hưởng
của Chăm-pa). Các nền ca nhạc truyền thống của các địa phương phía Bắc bên
kia đèo Ngang không có điệu Nam.

Bốn nghệ sĩ ca Huế ở TP HCM (1983) Vĩnh Bảo, Văn Thanh, Hồng Lê và Bửu
Lộc. Ảnh: TL của NĐX
Ngoài sự giao thoa với ca nhạc Chăm-pa như đã đề cập, ca nhạc Huế được các
chúa Nguyễn sử dụng, chọn lựa, nâng cao, đưa vào cung đình, xem như một nét
văn hóa độc đáo của xứ Đàng Trong (của chúa Nguyễn). Sự nâng cao âm nhạc
cung đình buổi đầu triều Nguyễn có sự đóng góp của người nước ngoài: Thời các
chúa Nguyễn có Thích Đại Sáng (chùa Thiền Lâm), có các Thiền sư Nguyên
Thiều (chùa Quốc Ân), Tử Thông (chùa Từ Đam), Giác Phong (chùa Bảo Quốc),
Bích Phong (chùa Kim Tiên).v.v. Đến triều Minh Mạng, triều Nguyễn còn mời cả
Cang Cung Hầu người Trung Quốc qua Huế dạy cho các nghệ sĩ Cung đình múa


hát nữa. Bởi thế những bài bản đã được cung đình hóa đều có tên chữ rất nghiêm
chỉnh như tên các bài trong Nhã nhạc và các bài trong Ca Huế. Và chúng ta cũng

không lạ gì trong ca nhạc Huế có các làn điệu Tụng, Táng rất đặc biệt. Vì có sự
tham gia của các Thiền sư nên trong các hơi trong ca Huế vẫn còn giữ “hơi Thiền”
là thế.
Ca nhạc Huế được cung đình quý trọng, được nâng cao đến mức hoàn chỉnh. Ca
nhạc Huế phát triển trong xã hội Huế – thủ phủ của xứ Đàng Trong, có tính giai
cấp rõ rệt. Vua chúa, quan lại + ông hoàng bà chúa và dân gian. Ca nhạc trong
cung đình (Nhã nhạc) hoạt động giới hạn trong cung đình, dân nhạc trong môi
trường sông nước, ruộng đồng, làng xóm. Và đặc biệt ca Huế là một sản phẩm
giải trí được giới quan lại, ông hoàng bà chúa ưa thích nhất. Hai môi trường đặc
biệt không nơi nào có được để cho ca Huế trổ tài và vươn lên là sông Hương và
các ngôi nhà vườn của các quan lại, các ông hoàng bà chúa. Các ông hoàng bà
chúa, quan lại không những đã nuôi dưỡng các ca nhi, nhạc công mà còn tham
gia thiết kế đàn, soạn lời mới, đánh đàn, tạo thêm những luyến láy nhấn nhá làm
cho đàn ca Huế bộc lộ những nét tài hoa khác thường. Ngày nay, ta còn nghe nói
đến các ông Hoàng Nam Sách, con vua Minh Mạng; ông Hầu Biều, ông Cả Soạn;
ông Hoàng Yến (Phó bảng); bà chúa Nhất; ông Tam Xuyên Tôn Thất Mỹ; ông
Nguyễn Khoa Tân; ông Ưng Bình Thức Giạ Thị.v.v.
Ca nhạc Huế có sức hút vào và tỏa ra Ca Huế hút vào một số điệu lý, điệu hò của
dân ca. Ngược lại được các ông thầy Huế đem vào dạy trực tiếp cho người Nam
Bộ. Ca Huế được sống với người Nam bộ, được ca với giọng Nam bộ, ca Huế
dần dần trở thành ca nhạc tài tử của Nam bộ, đúng như ý kiến của Giáo sư Trần
Văn Khê “nhạc tài tử trong Nam là con đẻ của lối ca Huế miền Trung”
Ca nhạc Huế là ca nhạc của một địa phương nhưng có giá trị quốc gia, mang bản
sắc Việt độc đáo. Các nhạc sĩ của thời đại mới được thấm nhuần cái gốc dân tộc
đã vận dụng âm giai, điệu thức của đàn ca Huế sáng tác nên những bài ca mới,
vừa đậm đà bản sắc dân tộc (Huế) vừa hiện đại. Ví dụ như các bản Đêm tàn Bến
ngự (Dương Thiệu Tước), Nước Non ngàn dặm ra đi, Về miền Trung (Phạm
Duy), Tiếng sông Hương (Phạm Đình Chương).v.v. Đây là một kinh nghiệm để
phát triển một nền âm nhạc Việt Nam hiện đại mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.
Chúng ta biết ca nhạc truyền thống ngày xưa đều truyền miệng chứ không có bài

bản. Chính vì chuyện truyền miệng mà ca nhạc truyền thống gắn liền với ngữ âm
ngữ điệu của giọng nói của người địa phương. Bởi thế mới sinh ra một thực tế là
bài Lý con sáo hiện nay có đến ba bốn bài: Lý con sáo Bắc, Lý Con sáo Huế, Lý
con sáo Quảng, Lý con sáo Nam bộ.v.v. Ca Huế (ca nhạc Huế) thuộc thang âm
ngũ cung, nhưng vì giọng Huế không chuẩn như giọng Hà Nội nên ngũ cung trong
ca Huế theo Phạm Duy, là “ngũ cung lơ lớ”. Do đó ai muốn ca Huế đúng phải giả
giọng Huế, nếu không thì ca Huế không chuẩn. Học ca Huế khó một phần vì chất
giọng Huế ấy.
Tám đề xuất cho ca Huế
Trong đời sống, người ta hay nhầm ca nhạc truyền thống Huế với ca Huế. Vì thế
các hoạt động phục vụ ca Huế cho khách du lịch cần phải nói rõ ca Huế chỉ là một
loại hình trong ca nhạc truyền thống Huế, có ít nhất 3 loại:
a) Nhã nhạc (âm nhạc trong cung đình, chuyên nghiệp, âm nhạc bác học);
b) Ca Huế (âm nhạc bác học, chuyên nghiệp, lời và nhạc, âm nhạc được ghi theo
lối cổ hò, xừ, xang, xê, cống…); phân biệt với ca Huế phát triển (do người thời nay
làm lời mới, ghi theo ký âm Tây phương đồ, rê, mi, fa, sol, la, si…);
c) Dân ca (dân gian, không chuyên nghiệp, các điệu hò, các điệu lý, truyền
miệng).


Các ca sĩ ca Huế trên sông Hương thường nhập các điệu hò, điệu lý vào ca Huế
làm giảm giá trị của ca Huế. Trong thời gian vừa qua, lại còn có nhiều chương
trình ghép cả những bản tân nhạc phát triển từ ca nhạc truyền thống Huế vào
chương trình ca Huế. Những tùy tiện dễ dãi ấy đã làm cho người thưởng ngoạn
sành điệu rất mất cảm tình với ca Huế trên sông Hương.
Ca Huế thuộc loại ca nhạc thính phòng. Ngày xưa ca Huế ca trong phòng khách
các phủ, các dinh thự hay trong các khoang thuyền trên sông Hương. Muốn biểu
diễn một chương trình ca Huế chuẩn các nhạc công và ca nhi phải ăn mặc chít
khăn đúng theo truyền thống. Không nên chít khăn vành của bà Hoàng hậu Nam
Phương như các ca sĩ ca Huế hiện nay. Ngày xưa, ca nhi ca Huế mà đội khăn

vành là xúc phạm Hoàng hậu bị trừng trị ngay. Thành phố nên có một nhà hát cho
ca Huế. Một chương trình ca nhạc truyền thống Huế hiện nay có thể có 4 loại ca
nhạc nêu trên, nhưng phải giải thích rõ và phải có trang phục và không gian sân
khấu thích hợp cho từng loại.
Theo đuổi lý tưởng xây dựng Huế thành phố nhân văn để Việt Nam có một cố đô
văn vật, trong di sản nhân văn Huế có di sản ca nhạc truyền thống Huế nói chung
và ca Huế nói riêng. Đối với ca Huế, tôi đã ước mơ thực hiện mấy việc sau:
1. Biên soạn một thư mục chú giải về ca nhạc truyền thống Huế (trong đó ca Huế
giữ phần quan trọng);
2. Biên soạn cuốn Lịch sử đàn ca nhạc truyền thống Huế;
3. Biên soạn Từ điển đàn ca nhạc truyền thống Huế ghi chép tóm tắt lịch sử ca
nhạc truyền thống Huế, ca Huế, viết tiểu sử + hình ảnh ca nhân, nhạc công, nhạc
khí, tên các bài bản ca Huế qua các thời kỳ;
4. Nâng tầm ngày truyền thống của ca Huế hiện nay lên thành ngày lễ hội ca Huế
của Thành phố Huế. Qua lễ hội, thành phố tạ ơn những bậc tiền bối đã sản sanh
ra nghệ thuật đàn, ca Huế; vinh danh các tài năng đàn ca Huế (cũ và mới), vận
động tài trợ, khuyến khích các nghiên cứu sinh làm các luận văn tốt nghiệp Đại
học, các luận án Thạc sĩ, Tiến sĩ về lịch sử và nghệ thuật đàn ca Huế;
5. Đề nghị ngành giáo dục đưa chương trình dạy đàn ca Huế vào các trường tiểu
học và trung học cơ sở. Nhạc viện Huế ngoài việc đào tạo ca sĩ, nhạc công đàn ca
Huế còn có chương trình đào tạo thầy cô giáo dạy đàn ca Huế trong các trường
Tiểu học và các trường Trung học cơ sở. Phấn đấu một học sinh Huế ít nhất ca
được một bài ca Huế, một điệu hò, một điệu lý, hoặc một bài ru em. Hằng năm
Thành phố mở các cuộc thi sáng tác, đàn ca Huế để phát hiện nhân tài đàn, ca
Huế.
6. Thành lập Bảo tàng cũng là nhà thờ ca Huế ở một địa điểm xứng đáng với vị trí
của ca Huế trong lòng trung tâm văn hóa Huế.
7. Lập hồ sơ Ca Huế đệ trình cơ quan UNESCO xin công nhận đàn ca Huế là di
sản phi vật chất của nhân loại.
8. Ước mơ cuối cùng: Để vận động, xúc tiến những công việc trên cần lập Hội ca

Huế Việt Nam (hội viên là những người yêu thích ca Huế, các nhà nghiên cứu đàn
ca Huế, các mạnh thường quân, các nghệ nhân đàn, ca Huế).
Năm nay tôi đã quá tuổi xưa nay hiếm (77 tuổi) nên những ước mơ trên chỉ là ước
mơ. Tôi xin gởi lại những ước mơ đó cho giới yêu ca Huế trẻ và các cơ quan có
chức năng xây dựng Trung tâm văn hóa Huế, xây dựng Huế thành phố Festival
quốc gia và quốc tế trong tương lai.
Theo Báo Thừa Thiên Huế



×