VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
==========
KIM YU RI
SO SÁNH VẺ ĐẸP NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM QUA
THÚY KIỀU (“TRUYỆN KIỀU” CỦA NGUYỄN DU) VÀ
VẺ ĐẸP NGƯỜI PHỤ NỮ TRIỀU TIÊN QUA
SUNG CHUN HYANG (“TRUYỆN XUÂN HƯƠNG”)
Chuyên ngành: Việt Nam học
Mã số: 60 22 01 13
LUẬN VĂN THẠC SĨ VIỆT NAM HỌC
Người hướng dẫn khoa học: TS. LÊ VĂN TẤN
HÀ NỘI, 2016
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Những
trích dẫn đều được chú nguồn đầy đủ, đúng quy cách. Nếu vi phạm tôi xin
hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Hà Nội, ngày 23 tháng 5 năm 2016
Học viên
Kim Yu Ri
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1
Chương 1: VẺ ĐẸP NGƯỜI PHỤ NỮ - MỘT PHƯƠNG DIỆN TẠO
NÊN VẺ ĐẸP ĐẤT NƯỚC, CON NGƯỜI DÂN TỘC ............................... 9
1.1. Một số vấn đề lí luận ................................................................................. 9
1.2. Vẻ đẹp đất nước, con người dân tộc qua hình tượng người phụ nữ trong
tác phẩm văn học ............................................................................................ 13
Chương 2: VẺ ĐẸP NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM QUA HÌNH TƯỢNG
THÚY KIỀU TRONG TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU ................... 28
2.1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm ................................................................... 28
2.2. Vẻ đẹp của nhân vật Thúy Kiều .............................................................. 35
Chương 3: VẺ ĐẸP NGƯỜI PHỤ NỮ TRIỀU TIÊN QUA HÌNH
TƯỢNG
NHÂN VẬT XUÂN HƯƠNG TRONG TRUYỆN XUÂN
HƯƠNG .......................................................................................................... 51
3.1. Giới thiệu tác phẩm ................................................................................. 51
3.2. Vẻ đẹp hình tượng nhân vật Xuân Hương ............................................... 54
3.3. So sánh nhân vật Thúy Kiều với nhân vật Xuân Hương ........................ 66
KẾT LUẬN ................................................................................................... 71
TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................... 74
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
1.1. Trong tiến trình phát triển của nhân loại, văn hóa có vai trò to lớn tác
động đến mọi mặt của đời sống xã hội và con người. Văn hóa góp phần định
hình bản sắc từng khu vực, tạo nên nét đặc trưng cho mỗi dân tộc khác nhau trên
thế giới. Văn hóa còn là một phương tiện giao tiếp thuận lợi, hữu hiệu giữa các
dân tộc. Muốn hiểu được một dân tộc, một cộng đồng người thì con đường thuận
lợi nhất chính là tìm hiểu văn hóa của họ. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu đã
làm thay đổi nhiều quan điểm về giá trị truyền thống. Nghiên cứu văn hóa chính
là sự trân trọng và bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân
tộc. Con người Việt Nam thân thiện, anh hùng. Thiên nhiên Việt Nam cũng hết
sức đáng yêu. Việt Nam với ngàn năm lịch sử đã sáng tạo nên những giá trị tinh
thần quý báu. Cùng với sự phát triển của lịch sử, đất nước Việt Nam cũng có một
tài sản văn học nghệ thuật phong phú. Ẩn chứa trong mỗi tác phẩm văn học rất
nhiều giá trị văn hóa đặc trưng, về lối hành xử, đời sống tình cảm và suy nghĩ
của con người Việt Nam.
Trong tiến trình phát triển của văn hóa, người phụ nữ với vai trò che chở
và sáng tạo đã trở thành vẻ đẹp văn hóa đặc trưng theo cái nhìn cũa mỗi dân tộc
trên thế giới. Tìm hiểu vẻ đẹp của người phụ nữ trong sáng tác văn học cũng là
cách để người viết luận văn này được hiểu thêm về vẻ đẹp của người phụ nữ và
cả văn hóa Việt Nam.
1.2. Truyện Kiều của Nguyễn Du được xem là một tác phẩm lớn của
văn học Việt Nam. Đây là tác phẩm được dịch và giới thiệu ra nhiều thứ tiếng
của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Hàn Quốc, Truyện Kiều của Nguyễn Du
cũng được dịch và giới thệu. Trong những năm gần đây, do sự phát triển kinh
tế, chính phủ của hai quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc đã có nhiều giao lưu,
hợp tác thân thiết. Hai dân tộc cũng có nhiều chương trình giao lưu văn hóa.
1
Trước đó, tổ tiên của hai dân tộc cũng có nhiều giao lưu. Đó là cuộc tao ngộ
giữa các nhà nho Việt Nam và Triều Tiên trong những chuyến công cán đi sứ
trên đất Trung Hoa thời trung đại. Điều đó khẳng định bề dày trong mối bang
giao giữa hai nước.
Nghiên cứu so sánh vẻ đẹp của người phụ nữ trong Truyện Kiều với
người phụ nữ trong Truyện Xuân Hương – một tác phẩm cũng nổi tiếng trong
văn học trung đại Hàn Quốc sẽ giúp tôi hiểu thêm về văn hóa của Việt Nam.
Hơn thế, trên nguyên tắc so sánh hai tác phẩm sẽ giúp tôi hiểu được những
tương đồng và khác biệt trong văn hóa Việt Nam và Triều Tiên xưa và Hàn
Quốc ngày nay.
2.
Tình hình nghiên cứu đề tài
Dựa vào hệ thống tài liệu tham khảo và phương pháp giải quyết đề tài,
chúng tôi tạm chia thành hai hướng nghiên cứu chính sau đây:
2.1.
Những ý kiến bàn đến vẻ đẹp của người phụ nữ trong truyện Nôm
Việt Nam thời trung đại
Trong phạm vi quan sát của chúng tôi, thể loại truyện Nôm Việt Nam
thời trung đại đã trở thành một đối tượng nghiên cứu khá thú vị. Bằng chứng
đó là sự thu hút cảm hứng nghiên cứu của rất nhiều học giả. Bản thân nó vẫn
còn hàm chứa nhiều vấn đề bí ẩn cần tiếp tục nghiên cứu. Ở đây chúng tôi chỉ
chú ý đến những ý kiến bàn đến hình tượng người phụ nữ trong truyện thơ
Nôm Việt Nam. Điều đó cho phép chúng tôi hình dung được những yếu tố tạo
nên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam truyền thống cũng như cái nhìn của
nhà văn đương thời. Khi bàn đến người phụ nữ trong truyện thơ Nôm, các nhà
nghiên cứu đã đưa ra một số nhận xét sau:
Trong bài viết “Truyện Nôm khuyết danh – một hiện tượng đặc biệt của
văn học Việt Nam” đăng trên Tạp chí Văn học (7/1960), tác giả Bùi Văn
Nguyên cũng đề cập đến những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt nam
trong truyện Nôm. Ông viết: “Trong việc xây dựng và giữ gìn hạnh phúc lứa
2
đôi người phụ nữ rất được đề cao. Họ đóng vai trò chủ động đấu tranh cho
chính nghĩa, cho tình yêu, cho tình thủy chung, giải quyết khó khăn giúp
người yêu thoát nạn. Người ta còn thấy nhiều khi bản lĩnh của người phụ nữ
còn vững vàng hơ cả phía đàn ông” [31; tr. 11].
Chuyên luận Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm của tác giả Đặng
Thanh Lê cũng gây ấn tượng mạnh mẽ trong giới nghiên cứu Truyện Kiều ở
Việt Nam thế kỉ XX. Trong cuốn sách này, bà Lê đã nhận xét về người phụ
nữ trong truyện Nôm như sau: “Cùng với hình tượng người nông dân trong
văn học dân gian, hình tượng người phụ nữ trong truyện Nôm là một biểu
hiện của yếu tố dân chủ, của tinh thần nhân đạo chủ nghĩa trong lịch sử tư
tưởng, lịch sử văn hóa, lịch sử văn học dân tộc” [14; tr. 85].
Trong chuyên luận Truyện Nôm – nguồn gốc và bản chất thể loại, tác
giả Kiều Thu Hoạch cho rằng: “cùng với chủ đề đấu tranh giành hạnh phúc
lứa đôi, đấu tranh bảo vệ tình yêu chung thủy, truyện Nôm cũng còn bao hàm
những chủ đề có ý nghĩa tư tưởng và xã hội khác... Đó là tôn vinh và ca ngợi
những phẩm chất truyền thống của người phụ nữ Việt Nam như chịu thương,
chịu khó, bất khuất kiên cường, trung hậu đảm đang...” [11; tr. 249]. Không
dừng lại ở đó, tác giả tiếp tục đưa ra nhận xét về bản chất thẩm mĩ của truyện
Nôm: “Trong bối cảnh trào lưu nhân văn, truyện Nôm sinh ra để nói về người
phụ nữ, truyện Nôm như là thể loại tốt nhất, đầy đủ nhất về đề tài người phụ
nữ, trong mọi quan hệ xã hội rộng lớn. Bởi thế, chủ đề về người phụ nữ đấu
tranh cho tình yêu tự do, cho hạnh phúc lứa đôi và cho tình yêu chung thủy
cũng là chủ đề có tính phổ biến nhất trong hệ thống truyện Nôm”. Tác giả đã
nêu ra cảm hứng chủ đạo của truyện Nôm là đề cập đến người phụ nữ và ngợi
ca những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam đương thời.
3
2.2.
Những ý kiến bàn đến vẻ đẹp của Thúy Kiều ở Việt Nam và Xuân
Hương ở Hàn Quốc
2.2.1. Những ý kiến bàn về vẻ đẹp của Thúy Kiều
Với vị trí đỉnh cao trong văn học Việt Nam, Truyện Kiều của Nguyễn
Du và đặc biệt là hình tượng nhân vật Thúy Kiều đã được khá nhiều nhà
nghiên cứu đề cập đến.
Chúng tôi chú ý đến nhận định của tác giả Đặng Thanh Lê khi bà cho
rằng: “Thúy Kiều mang đầy đủ trong con người những nét tính cách xác thực,
phong phú, đa dạng nhất so với bất cứ nhân vật nào trong các tác phẩm cổ điển.
Và cũng do đó, về nhiều phương diện, Thúy Kiều đại diện cho tâm hồn, trái tim
Việt nam. Ở nàng, ta thấy phảng phất những đường nét nào đó của người phụ
nữ rạo rực yêu đương trong ca dao... của người thiếu phụ Túy Tiêu rơi vào tay
Trụ quốc công trong Truyền kỳ mạn lục, của Phương Hoa thông tuệ trong
Truyện Phương Hoa và cả cô Tấm mò cua bắt ốc trừng trị mẹ con Cám... Thúy
kiều là nhân vật thể hiện lí tưởng đạo đức, thẩm mỹ của Nguyễn Du, của một
thời kỳ văn học và của một truyền thống văn học dân tộc” [14; tr. 108].
Nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên khi viết lời nói đầu cho bộ sách
Nguyễn Du toàn tập đã nhận xét: “Người ta nói Nguyễn Du trân trọng người
phụ nữ. Đó là nét nổi trội của chủ nghĩa nhân đạo mới, từ Đông sang Tây, từ
phục hưng đến thế kỉ XIX. Nguyễn Du cảm thương vô hạn trước những số
phận người phụ nữ. Chưa có ai viết hay về Tiểu Thanh, Dương Quý Phi,
người ca kỹ La Thành... như Nguyễn Du. Chưa có ai nói mình là người cùng
hội cùng thuyền với nỗi oan của Tiểu Thanh... như Nguyễn. Những mạch
nguồn nhân đạo ấy đã tích tụ lại và đã thành Kiều, đại dương mênh mông của
chủ nghĩa nhân đạo. Nàng Kiều dù trong nhơ đục vẫn trong trắng, vẫn vươn
lên trong kiếp người của mình, đứng cao hơn nó và có lúc Nguyễn Du đã đi
tới đầu mút của chủ nghĩa nhân đạo: đục trong thân cũng là thân. Cái quý nhất
4
của con người chính là bản thân con người vậy: con người là thực thể cao
nhất, con người là thượng đế của bản thân con người” [35; tr. 6].
Các tác giả cuốn Nguyễn Du – về tác gia và tác phẩm cũng có đoạn
viết: “Truyện Kiều không chỉ ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ, ca ngợi tài
năng của con người trong xã hội cũ mà còn đề cao khát vọng yêu thương,
được hưởng hạnh phúc thông qua nhân vật Thúy Kiều – một người tài sắc vẹn
toàn mà cuộc đời cứ xô đẩy, nhấn chìm nàng xuống đáy xã hội” [10; 4]. Ở
đây, các tác giả không những nhấn mạnh vẻ đẹp của Kiều mà còn chỉ ra sự
tiến bộ trong khám phá bản chất đời sống của Nguyễn Du. Họ Nguyễn đã
hướng đến và đi vào khắc họa sự ngời sáng của người phụ nữ trong hoàn cảnh
bi kịch. Đó cũng là vẻ đẹp của con người Việt Nam. Trong hoàn cảnh khó
khăn nhưng con người Việt Nam cũng không ngừng vươn lên khẳng định sức
mạnh của mình.
Trong giáo trình Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII – hết thế kỷ
XIX, Nguyễn Lộc viết: “Thúy Kiều không còn là một con người bình thường
mà phải là một nhân cách, một thước đo, một nguyên lý cuộc sống để mọi giá
trị thực hay giả của đời sống đối chiếu với nó hay soi mình vào đó sẽ bộc lộ
tất cả những bản chất tuyệt vời, cao đẹp hay bỉ ổi, xấu xa không thể ngụy
trang che dấu được” [16; tr. 326]. Với Nguyễn Lộc, Kiều vừa là chuẩn mực
của cái đẹp mà người phụ nữ Việt Nam truyền thống vốn có nhưng đồng thời
nàng Kiều còn mang một nhiệm vụ nghệ thuật mà Nguyễn Du trao cho nàng
mang đi suốt hành trình vượt thời gian. Kiều là tấm gương soi tỏ nhân cách
sống, là đại sứ của cảm hứng nhân đạo và lòng yêu thương con người đến với
chúng ta giữa thế kỉ XXI này.
5
2.2.2. Những ý kiến bàn về vẻ đẹp của Xuân Hương trong Truyện Xuân
Hương
Chúng tôi chú ý đến một số ý kiến của các nhà nghiên cứu sử dụng
phương pháp so sánh để tiến hành nghiên cứu Truyện Kiều và Truyện Xuân
Hương và một số bàn luận về Truyện Xuân Hương ở Việt Nam. Những ý kiến
này mang đến cho người viết một số gợi mở trong quá trình thực hiện hướng
nghiên cứu của mình hoặc có cái nhìn khách quan về tác phẩm quen thuộc
trên quê hương Thúy Kiều – một người bạn của Xuân Hương.
Nhà nghiên cứu văn học người Nga Valentin Lý đã tiến hành so sánh
hai tác phẩm Truyện kiều và Truyện Xuân Hương (ông phiên âm là Truyện
Chunhan). Trong bài viết này ông nhận xét như sau: “Truyện Kiều và Truyện
Chunhan, niềm tự hào của văn học Việt Nam và Triều Tiên, đã hào hứng ca
ngượi tình yêu, dũng cảm đi ngược lại những điều cấm đoán của văn học
trung đại, chúng thể hiện một cách độc đáo ước mơ về hạnh phúc con người,
khát vọng tự do mãnh liệt, ý muốn phá tung những xiềng xích trói buộc con
người trong xã hội phong kiến” [36; tr. 41].
Nhân dịp tác phẩm Truyện Xuân Hương được dịch và giới thiệu ở Việt
Nam do ông Bae Yang Soo dịch, nhà nghiên cứu Đặng Thanh Lê viết lời giới
thiệu, trong đó có đoạn viết: “Một tình yêu say đắm, táo bạo nhưng vẫn kết hợp
với lý tưởng đạo dức lành mạnh, đẹp đẽ của nhân dân: tình yêu của Xuân
Hương mang màu sắc vị tha đầy nữ tính và thể hiện một bản lĩnh thủy chung
bất chấp cường quyền và bạo lực” [2; tr. 4]
Một người Hàn Quốc yêu văn học Việt Nam là nhà nghiên cứu Bae
Yang Soo cũng đã công bố nhiều công trình về Truyện Xuân Hương của mình
ở Việt Nam dưới hình thức những bài báo và đặc biệt là luận án Tiến sĩ với đề
tài So sánh Truyện Kiều và Truyện Xuân Hương bảo vệ năm 2001 tại trường
Đại học Sư phạm Hà Nội. Bản luận án đã nêu bật những nét tương đồng và
khác biệt giữa hai tác phẩm.
6
Việc giới thiệu và nghiên cứu Truyện Xuân Hương ở Việt Nam đã được
tiến hành vào khoảng thập niên cuối của thế kỉ XX, tuy nhiên số công trình
nghiên cứu về hai tác phẩm còn thưa vắng. Việc nghiên cứu mở rộng vẫn hứa
hẹn nhiều triển vọng cho hoạt động giao lưu khoa học giữa các học giả của
hai quốc gia. Trân trọng những nghiên cứu trước đó, chúng tôi lựa chọn đề tài
Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua nhân vật Thúy Kiều (Truyện Kiều của
Nguyễn Du) và vẻ đẹp người phụ nữ Triều Tiên qua nhân vật Sungchuhyang
(Truyện Xuân Hương) (từ đây chúng tôi gọi nhân vật Sungchuhyang là Xuân
Hương theo cách phiên âm của Bae Yang Soo).
3.
Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu: Luận văn chỉ ra những phương diện tạo nên
vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam được in dấu trên cứ liệu văn học. Trên cơ
sở đó so sánh với vẻ đẹp của người phụ nữ Triều Tiên trong tác phẩm văn học
để thấy được nét độc đáo về văn hóa của mỗi dân tộc.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu:
- Luận văn trình bày quan điểm nhìn nhận, nghiên cứu văn hóa thông
qua vẻ đẹp của hình tượng người phụ nữ trong tác phẩm văn học.
- Chỉ ra vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong Truyện Kiều của
Nguyễn Du và so sánh với vẻ đẹp của hình tượng Xuân Hương.
4.
Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu của luận văn là tác
phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du và một tiểu thuyết diễm tình khuyết danh
của văn học trung đại Triều Tiên - Truyện Xuân Hương.
4.2. Phạm vi nghiên cứu: Khảo sát hai văn bản: Truyện Kiều của
Nguyễn Du do ông Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú thích, ông Hà Huy
Giáp giới thiệu, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp ấn hành năm
1976; Truyện Xuân Hương do Bae Yang Soo dịch, bà Đặng Thanh Lê giới
7
thiệu, Nxb. Khoa học xã hội ấn hành năm 1996 tại Hà Nội. Lí do chúng tôi
chọn bản dịch để quý vị tiện theo dõi hơn bản nguyên tác tiếng Hàn Quốc.
5.
Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài, luận văn vận dụng kết hợp một số phương pháp
nghiên cứu chính sau đây: (1) Phương pháp nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn
hóa; (2) Phương pháp loại hình học văn học; (3) Phương pháp so sánh - đối
chiếu; (4) Phương pháp thống kê - phân loại.
6.
Ý nghĩa lí luận và ý nghĩa thực tiễn của đề tài
6.1. Ý nghĩa lí luận: Luận văn là công trình tiếp tục đi sâu nghiên cứu
văn hóa Việt Nam theo hướng tiếp cận, phân tích trên cứ liệu văn bản văn
học. Từ kết quả nghiên cứu sẽ khẳng định vai trò bảo lưu các giá trị truyền
thống của tác phẩm văn học.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn: Nội dung của luận văn sẽ là tài liệu tham khảo
hữu ích cho những ai là người Hàn Quốc quan tâm đến văn hóa và văn học
Việt Nam. Điều này sẽ được thực hiện khi chúng tôi dịch luận văn này sang
tiếng Hàn Quốc. Đây cũng là tài liệu tham khảo cho những học viên người
nước ngoài theo học chuyên nghành Việt Nam học và yêu thích văn hóa, văn
học Việt Nam.
7.
Cơ cấu của luận văn
Chương 1: Vẻ đẹp người phụ nữ - một phương diện tạo nên vẻ đẹp đất
nước, con người dân tộc;
Chương 2: Vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam qua hình tượng Thúy Kiều
trong Truyện Kiều của Nguyễn Du;
Chương 3: Vẻ đẹp người phụ nữ Hàn Quốc qua hình tượng nhân vật
Xuân Hương trong Truyện Xuân Hương.
8
Chương 1
VẺ ĐẸP NGƯỜI PHỤ NỮ - MỘT PHƯƠNG DIỆN TẠO NÊN VẺ ĐẸP
ĐẤT NƯỚC, CON NGƯỜI DÂN TỘC
1.1. Một số vấn đề lí luận
1.1.1. Quan điểm tiếp cận
Tiếp cận văn bản văn học từ văn hóa là hướng nghiên cứu được ứng
dụng chủ yếu vào khoảng hai thập kỉ trở lại đây ở Việt Nam. Các nhà nghiên
cứu đã chỉ ra khả năng tích hợp và in đậm dấu ấn văn hóa của tác phẩm văn
học, coi tác phẩm văn học là một chất liệu để tiến hành khảo sát những biểu
hiện của văn hóa. Tất nhiên các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo và lược bỏ cái
nhìn chủ quan thuộc của cá nhân nhà văn trước khi phân tích tác phẩm văn
học. Lúc đó tác phẩm văn học chỉ còn là những thành tố mang tính đặc trưng
cho tính cách dân tộc. Trong phần này, chúng tôi chủ yếu tổng thuật lại một
số ý kiến và quan điểm mang tính lí thuyết theo hướng tiếp cận văn học từ
văn hóa của một số học giả ở Việt Nam.
Tác giả Trần Lê Bảo đã trình bày quan điểm của mình về hướng nghiên
cứu văn hóa trong tác phẩm văn học trong bài viết “Giải mã văn hóa trong tác
phẩm văn học”. Theo ông, “Đối với tác phẩm văn học, nội hàm văn hóa một
mặt bao hàm trong những nhân tố của nội dung, mặt khác thể hiện một loại
tiềm ẩn vô thức văn hóa trong hình thức ngôn ngữ văn bản. Vì vậy phân tích
văn hóa như một hình thức ngôn ngữ văn bản không chỉ làm cho việc khảo sát
văn hóa trong tác phẩm văn học có được một tiền đề khoa học của một loại
phê bình văn học mà quan trọng hơn, nó còn xem kết cấu ngôn ngữ của nhân
loại là toàn bộ cơ sở vô thức của văn hóa nhân loại. Hình thức ngôn ngữ trở
thành nơi chuyển tải trình hiện và ngưng tụ những lớp văn hóa ẩn tàng trong
nội dung văn bản. Bản thân tầng diện này cũng đã bao hàm những thông tin
văn hóa quan trọng, khiến cho nó trở thành một trong nhiều lớp văn hóa tất
9
yếu cần được giải thích trong tác phẩm văn học”. Ông Bảo cũng viện dẫn ý
kiến của nhà nhân loại học Mỹ Kelefod. Gelkan cho rằng: “(văn hóa) do lịch
sử truyền di, thể hiện ở những mô thức ý nghĩa trong những phù hiệu tượng
trưng, mọi người mượn hệ thống này để giao lưu, duy trì những tri thức có
quan hệ trong cuộc sống và có thái độ giao đãi thích hợp trong cuộc sống”.
Không dừng lại ở đó, ông Trần Lê Bảo cũng lưu ý đến vấn đề phương pháp
luận trong quá trình giải mã văn hóa trong tác phẩm nghệ thuật ngôn từ. Theo
ông: “Trong quá trình thao tác phân tích cụ thể, các nhà phê bình dựa vào
những mô hình biểu đạt ngôn ngữ đặc thù trong tác phẩm văn học như: hệ
thống từ ngữ, hình thức cú pháp, kết cấu chương mục, hệ thống hình tượng và
các quan hệ đan chéo khác nhau của văn bản, để phân tích lý giải những nhân
tố tâm lý và nhân tố thẩm mỹ được hình thức ngôn ngữ chuyển tải; tiếp đến là
đi sâu khai thác những nội hàm văn hóa đã ngưng tụ trong đó. Ở góc độ này
có thể mở ra những kiến thức vô cùng phong phú về tư tưởng triết học, tôn
giáo, đạo đức, phong tục tập quán… của một cộng đồng nhất định” [5]. Qua
bai viết này, ông Trần Lê Bảo đã trình bày những suy tư về vai trò của văn
hóa trong việc tham gia vào quá trình tạo nghĩa của tác phẩm văn học và tác
phẩm văn học cũng trở thành mảnh đất bảo lưu những giá trị văn hóa của một
thời kỳ, một cộng đồng dân tộc.
Trong cuốn sách Tiếp cận Truyện Kiều từ góc nhìn văn hóa, giáo sư Lê
Nguyên Cẩn cũng có sự gặp gỡ với ông Bảo. Tuy nhiên, giáo sư Cẩn đã trình
bày một cách cụ thể hơn khi cho rằng: “Bản thân văn hóa còn là phương thức,
hình thức hành động, văn hóa là hình thức sản xuất mang tính công nghệ của
hoạt động con người. Từ góc độ này, tác phẩm văn học miêu tả và mang trong
nó các biểu hiện văn hóa qua hành vi ứng xử: ứng xử với môi trường, ứng xử
với xã hội... ứng xử giữa người và người, tức là ứng xử giữa các mối quan hệ
xã hội” [6; tr. 18 – 19]. Giáo sư Lê Nguyên Cẩn còn khẳng định: “Tác phẩm
văn chương lấy con người làm đối tượng trung tâm của sự phản ánh cũng
10
chính là tập trung khắc họa tính chất văn hóa của con người. Văn hóa của con
người, phụ thuộc vào sụ phát triển của con người, văn hóa thể hiện năng lực
sáng tạo vô bờ bến của con người trong quá trình vươn lên làm chủ cuộc sống
và vươn lên để hoàn thiện nó, tạo ra sự hoàn thiện và phát triển nhân cách con
người, tạo ra vẻ đẹp của con người qua mỗi thời đại” [6; tr. 20].
Trong cuốn Văn học Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, ông Trần Nho
Thìn đã trình bày quạn niệm của mình về văn hóa trong một hệ thống mở
“Nhân học văn hóa”, “nhân chủng học văn hóa”. Theo ông, văn hóa Việt còn
là sản phẩm của giao lưu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, Ấn Độ... Vì thế,
khái niệm văn hóa tương đối rộng. Văn hóa là phạm trù giá trị làm cho con
người thoát ra khỏi tình trạng mong muội. Văn hóa gồm văn minh, kinh tế,
sức khỏe, ăn uống, tâm linh, văn học... chứ không phải riêng lễ hội hay tập
tục, tín ngưỡng tôn giáo...
Bất kỳ một giá trị văn học nào cũng đều thoát thai từ một môi trường
văn hóa, từ một đời sống tinh thần nhất định. Tác phẩm văn học là con đẻ của
người nghệ sĩ, là sản phẩm của một thời đại. Nhà văn tồn tại trong không khí
thời đại cùng với môi trường, đời sống văn hóa, vốn sống để từ đó hình thành
nên tư tưởng thẩm mĩ được người nghệ sĩ thể hiện trong tác phẩm văn
chương. Yếu tố văn hóa ảnh hưởng lớn đến sự thành công của tác phẩm. Đó
là chất liệu quan trọng để nhà văn tư duy về đời sống, suy tư về đời sống.
Cách tiếp cận văn hóa học trong nghiên cứu văn chương sẽ giúp bạn đọc
khám phá được chân lý nghệ thuật và am hiểu vốn văn hóa của một giai đoạn,
một dân tộc. Giáo sư Trần Nho Thìn đã chỉ ra một số bước tiếp cận theo
phương pháp văn hóa học đối với văn học trung đại Việt Nam như sau:
- Đối với văn học trung đại cần phu nguyên tái hiện không gian văn hóa
cũng như những nhân tố thời đại tác động.
- Tìm ra mối liên hệ giữa tác phẩm với văn hóa thời đại.
11
- Xác định cơ sở văn hóa xã hội đã định hình thành nên tác phẩm (chủ
đề, hình thức nghệ thuật, cách cảm nhận và một số yếu tố cấu trúc tác phẩm
khác).
Như vậy, văn hoá chi phối sự phát triển của văn học, thì ngược lại, văn
học cũng tác động đến văn hóa, hoặc trên toàn thể cấu trúc, hoặc thông qua
những bộ phận hợp thành khác của nó. Giữa văn học và văn hoá có mối quan hệ
hữu cơ mật thiết. Việc tìm hiểu văn học dưới góc độ văn hoá là một hướng đi
cần thiết và có triển vọng. Cùng với những cách tiếp cận văn học bằng xã hội
học, mỹ học, sử học… cách tiếp cận văn chương bằng văn hoá học giúp chúng ta
lý giải trọn vẹn hơn tác phẩm nghệ thuật với hệ thống mã văn hoá được ký thác.
Cách tiếp cận văn hoá như vậy là đặt văn học trong không gian văn hoá để thâm
nhập một cách tinh vi vào thế giới sáng tạo nghệ thuật của nhà văn.
1.1.2. Cách thức tiếp cận
Bằng mô hình phản ánh luận, lý luận văn học mácxít cho rằng tác phẩm
văn học có khả năng phản ánh và tái hiện đời sống. Điều đó đồng nghĩa với
việc tác phẩm nghệ thuật ngôn từ có thể lưu giữ những chứng tích về đời
sống, những truyền thống được coi là đặc trưng nhất cho một giai đoạn lịch sử
của một cộng đồng nhất định. Trong khi đó, con người được xem là chủ thể
của văn hóa. Con người bằng quá trình lao động, giao tiếp và những ứng xử
trong tổng hòa các mối quan hệ với tự nhiên, với xã hội đã tạo nên văn hóa.
Văn hóa chính là đời sống của con người. Con người là trung tâm của sáng
tác văn học đồng thời cũng làm nhiệm vụ quan trọng là tự thân trở thành một
phương tiện để thể hiện toàn bộ những biểu hiện được coi là giá trị văn hóa
của một dân tộc. Nhân vật văn học vì thế trở thành chứng tích văn hóa cho
một thời đại thuộc về nó.
Nhân vật trong văn học mặc dù được xây dựng dựa trên cái nhìn chủ
quan của nhà văn nhưng không hoàn toàn là một hình ảnh tư biện. Nhà văn
không thể đứng ngoài những truyền thống, tín ngưỡng, những quy luật hành
12
xử, những ấn tượng hay ký ức thuộc về cộng đồng mà anh ta đã và đang tồn
tại. Cái thuộc về cá tính sáng tạo của người viết là cách anh ta bố trí tác phẩm,
quy mô, số lượng nhân vật hay cảm xúc thẩm mỹ của bản thân trước vấn đề
chuẩn bị nói ra. Cái thuộc về khách quan hay chất liệu để nhà văn cụ thể hóa
ý đồ nghệ thuật của mình lại thuộc về đặc trưng văn hóa dân tộc, mang màu
sắc dân tộc. Đây là nguyên nhân khiến tác phẩm văn học không thể hòa lẫn
với các tác phẩm cùng thể loại của các nên văn hóa khác được.
Dựa trên nguyên tắc sáng tạo văn học và mối quan hệ giữa chủ thể văn
hóa với các thành tố văn hóa đó, chúng tôi tiến hành khảo sát những biểu hiện
văn hóa Việt Nam qua nhân vật Thúy Kiều. Chúng tôi không tiến hành phân
tích hình tượng Thúy Kiều theo những lí thuyết phê bình văn học hay phương
pháp luận nghiên cứu văn học mà các nhà nghiên cứu văn học hay dùng. Bởi
đó là nhiệm vụ của người làm nghiên cứu văn học.
Với mục đích tìm hiểu về văn hóa, đặc biệt là văn hóa truyền thống
Việt Nam, chúng tôi xem hình tượng Thúy Kiều trong Truyện Kiều của
Nguyễn Du và Xuân Hương trong Truyện Xuân Hương là những ký hiệu,
những biểu tượng văn hóa. Mọi biểu hiện xoay quanh nhân vật đều được xem
là những mã văn hóa. Quá trình giải mã mà chúng tôi tiến hành là quá trình
tìm hiểu toàn bộ những truyền thống văn hóa liên quan đến đời sống của một
người phụ nữ cũng như cách nhìn của bản thân nhà văn khi đặt nhân vật của
mình vào môi trường văn hóa ấy.
1.2. Vẻ đẹp đất nước, con người dân tộc qua hình tượng người phụ
nữ trong tác phẩm văn học
1.2.1.Trong văn học Việt Nam thời trung đại
Là chủ thể của Văn hóa, con người Việt Nam được đặc biệt chú ý. Đã
có rất nhiều nhận xét, theo tình cảm hoặc lý trí, từ các quan điểm truyền
thống, hiện đại, từ các góc độ nhận thức dân tộc, thế giới... về con người Việt
Nam từ xưa tới nay. Từ góc độ là chủ thể văn hóa, con người Việt Nam một
13
mặt là con người cá nhân, mặt khác mang trong mình tính dân tộc truyền
thống. Bản sắc văn hóa Việt Nam là tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt
Nam được vun đắp qua lịch sử hình thành và xây dựng quốc gia. Chúng tôi
xem những định vị về giá trị văn hóa Việt Nam là những cơ sở quan trọng để
tìm hiểu vẻ đẹp của dân tộc Việt Nam qua hình ảnh người phụ nữ trong các
tác phẩm văn học. Tất nhiên, những biểu hiện hạn chế trong tính cách của
người phụ nữ Việt Nam không phải là không có. Tuy nhiên, vấn đề này chúng
tôi sẽ trở lại bàn luận trong một dịp khác.
Ða số những nhà nghiên cứu Việt học đều nhận ra được một đặc
tính tất yếu của nền văn hóa Việt, đó là ảnh hưởng tối quan trọng của
người phụ nữ trong xã hội Việt. Nhiều giả thuyết đã được đề ra. Giả
thuyết thường thấy hơn cả, đó là xã hội Việt cổ đại vốn là xã hội mẫu hệ,
chỉ từ khi bị văn hóa Nho giáo thống trị mới đổi thành phụ hệ. Tuy bị ảnh
hưởng của văn hóa Trung Hoa, nhưng căn bản xã hội Việt vẫn lấy nông
nghiệp là chủ đạo nên tầm quan trọng của người phụ nữ vẫn không phai
nhạt bao nhiêu mà tín ngưỡng thờ nữ thần là một minh chứng.
Văn học của các nhà nho Việt Nam thời trung đại là sản phẩm của
tư duy trọng nam. Điều này biểu hiện rất rõ trong đội ngũ sáng tác văn
chương. Người phụ nữ không được xâm nhập vào không gian trường học,
không được học hành và giữ các cương vị xã hội. Chính vì vậy thời trung
đại ở Việt Nam có rất ít người phụ nữ viết văn hay làm thơ. Ngược lại, vẻ
đẹp của người phụ nữ lại ngời sáng trong văn chương nhà nho, nhất là sự
hưởng ứng của trào lưu nhân văn chủ nghĩa trong văn học Việt Nam ở giai
đoạn sau của thời kỳ trung đại. Xu hướng khắc họa vẻ đẹp của người phụ nữ
trong văn chương nói riêng và trong những bức phù điêu đình làng, trên chiếu
chèo... nói chung đã tạo nên tiếng nói đa thanh trong cái nhìn về người phụ nữ
trong xã hội phong kiến Việt Nam. Đối với các nhân vật phụ nữ trong giai
đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX, thái độ các tác giả đều tập
14
trung khắc họa, ca ngợi sự đảm đang, chịu khó, chung thủy với tình yêu hay sự
đảm đang, lòng hiếu thảo, nhan sắc... Nghĩa là họ ca ngợi những đặc tính mà đạo
đức phong kiến trên một xuất phát điểm nào đó cũng có thể chấp nhận được.
Dưới ngòi bút của người nghệ sĩ, người phụ nữ Việt hiện lên đầy đủ cả
vẻ đẹp hình thể lẫn vẻ đẹp tâm hồn.
Trong truyền thống văn hóa người Việt, vẻ đẹp hình thể của người phụ
nữ là đề tài khong thể thiếu được. Nó luôn được ca ngợi trên chuẩn mực của
cư dân gốc nông nghiệp. Đó là sự phì nhiêu, màu mỡ phồn thực. Người phụ
nữ vì thế luôn ở trong trạng thái xinh tươi mơn mởn đầy sức sống. Họ là
những cô gái: “Chị cũng xinh mà em cũng xinh/ Đôi lứa như in tờ giấy trắng/
Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh”.
Vẻ đẹp của họ còn khiến các bậc quân tử trong chốn nho trường phải
ngẩn ngơ. Đó là Bạch Viên (Bạch Viên Tôn Các) sang trọng mơn mởn xuân
xanh: Mấy đoạn sở vân xuôi tóc phượng/ Nửa vòng thu nguyệt vạnh mày
nga”. Hay là Quỳnh Thư: “Mày ngang bán nguyệt miệng chào trăm hoa/ Nửa
chiều cung quế hằng nga” (Sơ kính tân trang). Hay nàng cung nữ trong Cung
oán ngâm khúc với tài sắc không ai bì kịp: “Trộm nhớ thủa gây hình tạo hóa,/
Vẻ phù dung một đóa khoe tươi” và một sắc đẹp tuyệt vời: “Chìm đáy nước cá
lờ đờ lặn/ Lửng da trời, nhạn ngẩn ngơ bay/ Hương trời đắm nguyệt say hoa,/
Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình”.
Người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương xuất hiện không còn cái khép
nép trong mô thức “công, dung, ngôn, hạnh”... Nữ sĩ công khai ca ngợi và
khẳng định vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ. Cách miêu tả của Xuân Hương
thuộc đẳng cấp độc đáo nhất của thời đại. Bà chú ý đến những bộ phận
thân thể thường được giấu kín của con người. Những bộ phận đó văn học thời
đại thường né tránh. Riêng Hồ Xuân Hương lại nhìn thấy đó chính là một
trong những biểu hiện của vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ. Cách miêu tả
của bà cụ thể, không chung chung, mờ nhạt: Lược trúc chải dài trên mái tóc/
15
Yếm đào trễ xuống dưới nương long/ Đôi gò Bồng đảo sương còn ngậm/ Một
lạch Đào nguyên suối chửa thông (Thiếu nữ ngủ ngày) hoặc “Thân em vừa
trắng lại vừa tròn” (Bánh trôi nước). Đây là sự trinh trắng ngây thơ, là sự
hồn nhiên trọn vẹn. Cách miêu tả của nhà thơ không có một chút bỡn cợt, trái
lại thể hiện một thái độ hết sức nâng niu, trân trọng. Trong thời buổi suy tàn
của xã hội phong kiến, con người bị chà đạp, bị giày xéo. Nhiều giá trị bị đảo
lộn, bị nghi ngờ. Nhà thơ giữ cho mình nguyên vẹn cặp mắt trong veo để nhìn
người, nhìn đời, để thấy hết mọi giá trị đẹp của con người. Cũng vì thế mà
thơ Xuân Hương có giá trị nhân đạo sâu sắc và bà xứng đáng là nhà thơ của
nữ quyền thời trung đại Việt Nam.
Điểm qua một vài nhân vật như vậy cho thấy, các nhân vật nữ trong
văn học trung đại Việt Nam thường mang một vẻ đẹp ước lệ tượng trưng. Họ
không được vẽ lên bằng những nét vẽ cụ thể, trực tiếp mà được tác giả miêu
tả trong mối tương quan với thiên nhiên. Dung mạo của họ được thể hiện
bằng những sắc màu rực rỡ của đất trời, hoa lá. Bút pháp này làm cho hình
tượng người phụ nữ hiện lên thanh khiết và đắm say lòng người.
Dù trong hoàn cảnh nào, người phụ nữ cũng ý thức được phẩm hạnh,
tài năng của mình và muốn khẳng định quyền sống của mình trong môi
trường văn hóa nam quyền.
Trong văn học trung đại Việt Nam đã có không ít tác giả tập trung xây
dựng vẻ đẹp tài hoa trí tuệ và sự đa tình của người phụ nữ. Trong Thiên Nam
ngữ lục, tác giả đã ca ngợi tài năng đánh giặc ngoại xâm của chị em bà Trưng.
Hai bà đã đánh tan tướng giặc là Tô Định để giành độc lập về cho đất nước:
“Ầm ầm tả đột hữu xông/ Chém Tô trong trận như rồng cuốn mây”. Đó là
hình ảnh người phụ nữ có bản lĩnh, có tài lãnh đạo đã trở thành người nữ anh
hùng huyền thoại làm gương sáng cho phụ nữ Việt nam tự hào. Nàng cung nữ
trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều cũng có tài nghệ vô song:
16
“Câu cẩm tú đàn anh họ Lý/ Nét đan thanh bậc chị chàng Vương/ Cờ tiên
rượu thánh ai đang,/ Lưu Linh, Đế Thích là hàng tri âm”.
Trong truyện Nôm bình dân Việt Nam, các cô gái đều có lý trí khá lớn
cho thấy sự chi phối đậm nét của tư tưởng nho giáo áp đặt (điều này hoàn
toàn khác biệt với người phụ nữ Triều Tiên xưa mà chúng tôi sẽ trình bày ở
chương sau). Nàng Ngọc Hoa trong Phạm tải – Ngọc Hoa cũng như nàng
công chúa trong Lý Công đã dũng cảm đấu tranh với những thế lực đen tối
chống phá tình yêu của họ. Nàng Phương Hoa trong truyện Phương Hoa lại
giả trai để đi thi với mong muốn gặp vua tố cáo tội ác của Tào trung úy và
minh oan cho chồng chưa cưới của nàng.
Ngoài ra, thơ Nôm dân tục của Hồ Xuân Hương cũng khắc họa tính
cách tài hoa của người phụ nữ. Họ cũng mạnh mẽ, bản lĩnh không kém gì nam
giới khi thách thức chế độ đương thời: “Ví đây đổi phận làm trai được/ Thì sự
anh hùng há bấy nhiêu” (Đề đền Sầm Nghi Đống). Thậm chí người phụ nữ
còn mạnh dạn khẳng định tài năng của mình bằng cách chê bai tài năng làm
thơ của đám sĩ nhân quân tử: “Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ/ Lại đây chị dạy
cho làm thơ” (Mắng học trò dốt). Tài làm thơ vốn được xem là một biểu hiện
của nền giáo dục nho giáo vốn chỉ dành cho nam giới. Với sự tự tin ở đại từ
nhân xưng “chị”, người phụ nữ thể hiện sự am tường về âm luật thi ca hơn cả
người đàn ông. Họ đáng bậc chị trong khả năng làm thơ so với nam giới.
Người phụ nữ trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương luôn sống trong tâm thế thách
thức với xã hội nam quyền. Họ không chấp nhận diễn ngôn truyền thống vốn
coi người phụ nữ kém cỏi và động viên họ phải “an bài”, vui vẻ thỏa hiệp với
số phận.
Bên canh việc đề cao, ngợi ca, các tác giả văn chương Việt Nam thời
trung đại còn khám phá vẻ đẹp của người phụ nữ trong những hoàn cảnh bi
kịch để từ đó tố cáo hiện thực. Trong đen tối của hoàn cảnh, phẩm chất tốt
đẹp của người phụ nữ không hề bị nhấn chìm mà vẫn ngời sáng.
17
Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ bị áp bức nặng nề nhất. Họ
không chỉ bị chèn ép về mặt đẳng cấp mà còn bị áp bức về mặt giới tính.
Không chỉ sống trong nghèo khổ về kinh tế mới bất hạnh mà những người
phụ nữ sống trong nhung lụa cũng có những nỗi niềm của riêng mình.
Với sự bủa vây của văn hóa nam quyền, người phụ nữ thời phong kiến
dường như bị cô lập trong xã hội. Người phụ nữ phần lớn rơi vào tình trạng
“mất tiếng nói”. Họ bị nhốt vào những định đề “cha mẹ đặt đâu con ngồi
đấy”, “phu xướng phụ tùy”, “phu tử tòng tử”... Mặc cảm về giới đã nhốt họ
vào những không gian chật hẹp mang tính riêng tư như căn phòng, trong gia
đình. Cả đời người phụ nữ dường như không đi xa khỏi mái đình bến nước.
Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ là một tập truyện có sự góp mặt của
nhiều số phận người phụ nữ có số phận đau khổ. Vũ nương trong Chuyện
người con gái Nam Xương có một ước mơ bình dị là lấy chồng, sinh con cái.
Một ước mơ được xem là giản dị và phù hợp với bối cảnh xã hội lúc đó.
Nhưng ước mơ ấy không bao giờ trở thành hiện thực bởi tính cả ghen của
người chồng nóng nảy. Nhị Khanh (Người nghĩa phụ ở Khoái Châu) cũng hết
lòng thương chồng thương con nhưng chị lại bị chính người chồng của mình
là Trọng Quỳ mang ra làm món hàng để đánh bạc. Phần lớn người phụ nữ
trong sáng tác của Nguyễn Dữ đều lâm vào tình cảnh bi kịch mặc dù họ có
dung mạo đẹp và tính nết nhu mì.
Giai đoạn thế kỉ XVII –XIX, chế độ phong kiến ở Việt Nam dần đi vào
suy vong. Số phận của người phụ nữ cũng trở nên bi thảm hơn. Trong Chinh
phụ ngâm khúc là hình ảnh người chinh phụ đau khổ, phải sống héo hon chờ
đợi tin tức của người chồng đang tham gia vào cuộc chiến tranh giữa các tập
đoàn phong kiến: “Hoa dãi nguyệt, nguyệt in một tấm/ Nguyệt lồng hoa, hoa
thắm từng bông/ Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng/ Trước hoa dưới nguyệt
trong lòng xiết đau!”. Ngược lại, người phụ nữ trong Cung oán ngâm khúc
của Nguyễn Gia Thiều lại mang trong mình nỗi buồn khi sống trong nhung
18
lụa nhưng vẫn không được yêu hết mình. Người phụ nữ đang độ thanh xuân
bị bỏ rơi trong cung vua. Một hình ảnh đại diện cho bi kịch của chế độ đa thê
thời trung đại.
Có thể nói, người phụ nữ ở một mức độ nào đó vẫn giữ vai trò quan
trọng trong xã hội. Nhưng xã hội phong kiến bằng những quy chế nặng nề về
đạo đức, lễ giáo, tập tục... đã đẩy người phụ nữ đến những bi kịch, khổ đau.
Nhất là sự khổ đau về tâm hồn nhiều khi còn đáng sợ hơn ấp nhiều lần.
Văn hóa nho giáo cho rằng, người quân tử muốn thành công, làm nên
nghiệp lớn thì phải tiết dục, không được quá đam mê và phụ thuộc vào người
phụ nữ. Với người phụ nữ thì phải giữ trọn tam tòng tứ đức. Những luật lệ,
quy định hà khắc, chế độ phong kiến đã bộc lộ sự ích kỉ trong việc thống trị
và sở hữu người phụ nữ. Điều đó xuất phát từ lòng tham của nam giới với vô
thức có từ thời nguyên thủy là sở thích chiếm đoạt. Trong bối cảnh khốc liệt
đó, người phụ nữ cũng không hoàn toàn khuất phục.
Đại diện cho hành động này phải kể đến một số nhân vật nữ trong
Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Những tên tuổi như Đào Hàn Than
(Nghiệp oan của Đào Thị), Nhị Khanh (Cây gạo), Túy Tiêu (Chuyện nàng
Túy Tiêu)... Mỗi người được tác giả khắc họa theo một số phận, một hoàn
cảnh khác nhau nhưng ở họ vẫn gặp nhau ở thái độ khát khao yêu đương và
muốn được yêu hết mình. Họ bắt chấp quy luật sinh tử, cách biệt âm - dương
để được yêu. Họ bỏ qua lễ giáo để tự do đi lại, thỏa mãn nhu cầu xác thịt vốn
bị lễ giáo coi là tầm thường, dung tục. Đây là sự thức tỉnh của ý thức cá nhân
con người. Hình tượng Liễu Hạnh (Nữ thần ở Vân Cát) cũng mang đầy đủ vẻ
đẹp của sự phản kháng lễ giáo, ca ngợi tự do trong đời sống của người đàn bà.
Một mình Liễu Hạnh đã chiến đấu chống lại quan quân triều đình, với Đạo sĩ
Trường Đạo Nội, tự do dong chơi, khi lên Thiên đình, khi hiển linh xướng
họa thơ văn với các văn nhân thi sĩ, cợt khách đi đường... Sự xuất hiện của
19
Liễu Hạnh đã làm sống lại một truyền thống trọng Mẫu, kính Mẫu từ thời
nguyên thủy ở Việt Nam.
Việc người phụ nữ chửa hoang trong xã hội phong kiến sẽ trở thành rất
nghiêm trọng trong cộng đồng. Cô ta có thể bị cực hình cạo đầu bôi vôi, bị
buộc lên chiếc bè chuối rồi thả trôi sông như một kẻ bỏ đi. Nhưng với Hồ
Xuân Hương, “nỗi oan Thị Màu” lại được bà hết sức tha thiết bênh vực:
“Quản bao miệng thế lời chênh lệch/ Không có nhưng mà có mới ngoan...”.
Nữ sĩ mạnh mẽ đấu tranh cho một xã hội văn minh, công bằng hơn cho giới
mình. Trong khi xã hội phong kiến thừa nhận chế độ đa thê thì họ Hồ lại lớn
tiếng phản đối chế độ đó vì đã vi phạm vào quyền sống, đẩy họ đến tình cảnh
“Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”, “Năm thì mười họa hay chăng chớ...”.
Người phụ nữ đã mạnh dạn đòi quyền sống, đòi quyền giải phóng bản năng,
nhu cầu về mặt trần thế của con người.
Có thể thấy, người phụ nữ trong văn học trung đại Việt Nam mang
trong mình đầy đủ những phẩm chất truyền thống của người phụ nữ Việt. Vẻ
đẹp của họ không chỉ toát ra từ hình thể mà còn là tài năng, là sự kiên cường,
phản kháng trước những bất công, những cản trở về tồn tại của con người
trong xã hội. Dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào thì những phẩm chất đạo
đức của người phụ nữ Viêt Nam vẫn ngời sáng những vầng hào quang của trái
tim đôn hậu, cao thượng, vị tha. Văn học trung đại Việt Nam cũng đã phản
ánh đầy đủ những vẻ đẹp của họ - những con người thủy chung, son sắc, đầy
nghĩa tình.
1.2.2.Trong một số tác phẩm văn học Triều Tiên thời trung đại
Trong phần này chúng tôi đi vào giới thiệu một số hiện tượng văn học viết
về người phụ nữ nổi bật trên tiến trình văn học sử Triều Tiên thời phong kiến.
Sớm nhất có thể thấy sự xuất hiện của người phụ nữ trong các bài ca
Hyangga với những vẻ đẹp hồn nhiên, chân thực gần với đời sống và mong
ước của người Triều Tiên thời đó. Những bài ca Hyangga được phổ biến vào
20
khoảng thế kỉ thứ VIII – IX chủ yếu là những bài ca khuyết danh.
Hyangga coi trọng vẻ đẹp của lời ăn tiếng nói tự nhiên trong đời sống thường
nhật, coi trọng sự giản dị, chia sẻ hiểu biết và đồng cảm. Bên cạnh những bài
ca mang cảm hứng tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo và Saman giáo (kiểu như các
bản kể hạnh về Đức Phật và các bản văn chầu thờ Mẫu ở Việt Nam) nhiều bài
Hyangga còn mang cảm hứng về vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Triều
Tiên. Đặc biệt trong một số bài ca có xuất hiện hình ảnh những người phụ nữ
rất phóng túng. Họ luôn sống chân thật với tình cảm của mình, sẵn sàng bỏ qua
những khuôn phép về đẳng cấp xã hội. Chẳng hạn trong bài Hyangga khuyết
danh Heonhwa ka (Hiến hoa ca, lưu truyền khoảng những năm 705 – 737) là
cảm hứng về một cái đẹp như vậy.
Hiến hoa ca kể về Suro, phu nhân của Thái thú Sunjeong (Thuần Trinh
công) theo chồng đến nơi nhậm chức ở Kangnung (Giang Lăng), giữa đường
nghỉ chân, nàng ngước nhìn mãi một nhành đỗ quyên nơi vách đá cao bên bờ
biển. Một ông lão mục đồng đi ngang qua đã dừng lại, thả đàn bò chân núi, trèo
lên hái hoa, trao tặng nàng cùng với bài ca: “Núi đá cheo leo, đỗ quyên đỏ
thắm/ Thấy nàng ước muốn, ta vội dừng bò/ Nếu nàng không ngại ngùng, giữ
kẽ/ Đây hoa ta hái, tặng nàng”
Một phu nhân quen sống nơi cung điện kinh kỳ bỗng bắt gặp niềm rung
động mới mẻ, tinh khiết trước loài hoa đơn sơ giữa núi rừng hoang dã. Một
ông lão mục đồng ngỡ thô kệch, tầm thường nhưng chỉ nhìn ánh mắt người
đẹp mà biết lòng say mê. Sự đồng cảm trong tình yêu đóa hoa đẹp hay tình
yêu dành cho chính mỹ nhân đẹp từ nhan sắc đến tâm hồn, hay là cả hai tình
yêu ấy, đã khiến ông lão gác lại công việc thực dụng đang làm; quên tuổi tác
để bồng bột, mạo hiểm như một chàng trai sôi nổi, thanh tân; quên cả cách
biệt về địa vị xã hội giữa bậc quyền quý với phận thấp hèn. Cuối cùng, lời của
ông lão mục đồng là một câu điều kiện: ý nghĩa “hiến hoa” không thể tự hoàn
kết trong hành vi trao tặng mà chỉ trở nên trọn vẹn khi được sự đáp ứng tâm
21
hồn của phu nhân Suro cũng vượt lên những định kiến thông thường, bất chấp
những lý lẽ, đón nhận món quà - Cái Đẹp.
Sau thể loại Hyangga, người phụ nữ còn là nhân vật trung tâm trong thể
loại Khuê phòng ca từ của những người phụ nữ viết về chính bản thân mình.
Có thể kể đến một số tác phẩm như Hận biệt khúc, Oán hận khúc, Tích biệt
ca, Xuân du ca (tất cả những tác phẩm này đều khuyết danh) nói về số phận
bất hạnh của người phụ nữ thời phong kiến. Hình tượng trung tâm là người
phụ nữ bất hạnh rất giống với hình tượng người phụ nữ trong thể ngâm khúc
ở Việt Nam như Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều, Chinh phụ ngâm
khúc của Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm...
Hwang Jin Y (1520 -1560?) là huyền thoại kì bí của triều đại Joseon.
Lịch sử viết về Hwang Jin Yi rất ngắn, chỉ đôi ba câu, nhưng là những lời
tụng ca về sự thành danh rực rỡ của nàng. Những gì nàng để lại trong thơ ca
của mình lại mang rất nhiều vẻ đẹp, nhưng suy tư về cuộc sống của người phụ
nữ Triều Tiên thời phong kiến. Thơ sijo trước Hwang Jin Yi, đề tài thường bị
hạn chế trong các mẫu sẵn có hay sự ràng buộc của niêm luật sijo truyền thống.
Hwang Jin Yi đưa tất cả những gì chân thật nhất của cuộc sống vào thơ:: “ Đêm
qua gió thổi rụng cánh đào/ Sớm mai người đem chổi quét hoa đào trước hiên/
Hoa nói trong thinh lặng: Sao người còn quét mãi không thôi?”. Một cơn gió
hay một cánh hoa mỏng manh... đều có tâm hồn của riêng nó.
Không chỉ làm mới những đề tài cũ, Hwang còn bổ sung vào sijo một đề
tài rất đặc biệt - đề tài tình yêu trần tục. Lần đầu tiên trong văn học Triều Tiên,
giữa thời buổi Tống Nho còn nặng nề khắc nghiệt, một người phụ nữ không
ngần ngại bày tỏ tình yêu riêng tư của mình trong thơ. Chân thật từ những cảm
xúc yêu đương trong sáng như nhớ nhung, mong đợi, đến các khao khát mãnh
liệt và đời thường nhất chốn khuê phòng:
Tôi đã làm gì thế này hay không hiểu điều mình ước muốn
Sao không giữ chàng ở lại, sao để chàng rời xa
22