Tải bản đầy đủ (.doc) (7 trang)

Một số vấn đề về lập dự toán cho các công trình xây dựng trên biển và hải đảo

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (828.35 KB, 7 trang )

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ LẬP DỰ TOÁN CHO CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN BIỂN
VÀ HẢI ĐẢO
ThS Nguyễn Lâm Tới*
*Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt – Học viện Kỹ thuật quân sự
SĐT: 0976360035; Email:

TÓM TẮT
Xây dựng các công trình trên biển, hải đảo là hoạt động có ý nghĩa lớn về quốc phòng, an ninh và kinh tế
đối với đất nước ta hiện nay. Bài báo phân tích một số đặc thù riêng của hoạt động xây dựng công trình trên biển và
hải đảo có ảnh hưởng lớn đến quá trình lập dự toán xây dựng. Đồng thời trình bày cách tính toán và xác định một số
chi phí đặc thù trong lập dự toán cho các công trình này.
Từ khóa: Định mức, đơn giá, vận chuyển hai đầu, vận tải biển, chi phí nước.

ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong giai đoạn hiện nay, bảo đảm vững chắc chủ quyền biển đảo đang là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng
của đất nước. Song song với việc mua sắm trang thiết bị, vũ khí nâng cao năng lực chiến đấu của quân đội cũng như
việc động viên và bảo vệ an toàn cho ngư dân bám biển thì việc đầu tư xây dựng các công trình chiến đấu, cơ sở hạ
tầng, dịch vụ … trên biển và hải đảo đã và đang được Đảng, nhà nước và quân đội ta tiến hành. Đặc biệt là các công
trình trên quần đảo Trường Sa và các đảo gần bờ.
Đầu tư xây dựng các công trình trên biển và hải đảo có rất nhiều đặc thù và khác biệt so với các công trình
trên đất liền. Về cơ bản, đây là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp đối với cả cơ quan chủ đầu tư, cơ quan tư vấn và
nhà thầu thi công. Trong đó, việc lập dự toán chi phí xây dựng cho những công trình này cũng là một vấn đề cần
được nghiên cứu kĩ.

Hình 1. Một hình ảnh phối cảnh về công trình xây dựng trên biển và hải đảo

1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý KHI LẬP DỰ TOÁN CHO CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
TRÊN BIỂN VÀ HẢI ĐẢO
1.1. Chi phí vận chuyển và trung chuyển vật liệu



Đây là nội dung phức tạp đòi hỏi tính chi tiết, cụ thể, tỉ mỉ cũng như nắm chắc quy trình vận chuyển và
trung chuyển vật liệu từ trong bờ ra biển, đảo và đến chân công trình của người làm dự toán. Việc tính đúng, tính đủ
chi phí vận chuyển và trung chuyển có ý nghĩa hết sức quan trọng vì nó chiếm một tỉ trọng lớn trong giá vật liệu đến
chân công trình và trực tiếp ảnh hưởng đến giá trị dự toán xây dựng công trình. Kinh nghiệm thực tế của tác giả cho
thấy, một công trình xây dựng trên đảo cách bờ khoảng 285 hải lý thì để vật liệu đến chân công trình, chi phí vận
chuyển và trung chuyển vật liệu có thể dao động từ 90 – 95% giá trị vật tư đối với vật liệu nặng (Bảng 1).
Bảng 1. Giá vật tư đến chân công trình tại đảo xa bờ
(Nguồn: Bảng tính chi phí vận chuyển vật tư công trình TS.01 [9])
STT

TÊN VẬT TƯ CHÍNH

ĐƠN VỊ

GIÁ VẬT
TƯ TẠI BỜ
(ĐỒNG)

VẬN TẢI
BIỂN
(ĐỒNG)

VẬN
CHUYỂN
HAI ĐẦU
(ĐỒNG)

GIÁ VẬT TƯ TẠI
CHÂN CÔNG
TRÌNH

(ĐỒNG)

TỈ LỆ CHUNG
CHUYỂN VẬT
TƯ (%)

1
2
3
4
5

Cát vàng
m3
118.869
2.143.279
79.411
2.341.558
94,92
Cát đen
m3
118.869
2.143.279
65.719
2.327.867
94,89
Đá dăm 2x4
m3
181.818
2.217.185

82.149
2.481.152
92,67
Đá dăm 1x2
m3
200.000
2.364.997
87.626
2.652.623
92,46
Đá hộc
m3
140.236
2.174.547
80.570
2.395.352
94,15
Như vậy, để xác định đúng, đủ chi phí vật liệu đến chân công trình người lập dự toán trước hết cần nắm
chắc quy trình các bước vận chuyển và trung chuyển vật liệu. Dưới đây, tác giả đưa ra sơ đồ các bước trong quy trình
tính toán chi phí vận chuyển và trung chuyển vật liệu cho các công trình trên biển và hải đảo nói chung. Tùy thuộc
vào cở sở hạ tầng trên đảo cũng như phương tiện vận chuyển cũng như địa hình bờ đảo mà một số chi phí trong quy
trình có thể không có.

Hình 2. Quy trình chung xác định chi phí vận chuyển và trung chuyển vật liệu
Trong sơ đồ Hình 2, ta thấy trong trường hợp tổng quát để cung cấp vật liệu đến chân công trình chúng ta có
9 loại chi phí vận chuyển và trung chuyển khác nhau trong đó phát sinh hai loại chi phí tương đối lạ so với chi phí
vận chuyển thông thường. Đó là chi phí mạ kẽm cho các loại vật liệu kim loại (MK) và chi phí đóng bao cho các loại
vật liệu rời rạc tại cảng trong bờ (ĐB). Đối với các loại vật liệu sắt, thép, kim loại trong quá trình vận chuyển biển và
tập kết tại đảo chịu sự tác động của môi trường biển (không khí, hơi nước) có hàm lượng muối cao gây sét gỉ và ăn
mòn rất nhanh. Thế nên, trong thiết kế và lập dự toán cho các công trình thi công trên đảo chúng ta cần chỉ thị mạ

kẽm chống rỉ cho các loại vật liệu này và lập dự toán cho nội dung công việc mạ kẽm vật liệu. Thực tế, có thể có các
giải pháp khác không cần mạ kẽm như sử dụng các thiết bị xói, rửa rỉ sắt trước khi bố trí cốt thép tại công trình. Tuy
nhiên, thực tế không phải đơn vị thi công nào cũng có các loại thiết bị chuyên dùng xói, rửa cũng như chi phí vận
chuyển thiết bị ra đảo gây tốn kém. Do đó, hiện nay khi thi công các công trình tại các đảo xa bờ, mạ kẽm vật liệu
vẫn là một giải pháp tối ưu và được sử dụng rộng rãi.


Về chi phí đóng bao vật liệu, thực tế vẫn có thể vận chuyển và bốc xúc các loại vật liệu này lên xuống tàu
biển cũng như cầu cảng mà không cần đóng bao. Tuy nhiên, thực tế tác giả khi tham gia tư vấn nhiều công trình cho
thấy việc đóng bao vật liệu rời rạc có vai trò quan trọng trong việc rút ngắn thời gian bốc xếp, vận chuyển và chờ đợi
tàu. Hơn nữa, khi vận chuyển biển trong điều kiện gặp mưa, bão và sóng giật các loại vật liệu như xi măng, cát…
không bị ảnh hưởng và xâm thực của nước.
Thông thường, để vận chuyển vật liệu ra đảo xa bờ thường sử dụng các tàu vận tải biển từ 450 Tấn đến
1000 Tấn hoặc lớn hơn. Do đó, không phải đảo nào cũng có đủ mớn nước để có thể cập tàu vào bờ đảo. Khi đó
chúng ta cần đưa vật liệu xuống xuồng và chuyển tải vào bờ. Quá trình này làm phát sinh các chi phí BX2; VC2 và
BX3. Do đó, tùy thuộc vào biện pháp thi công, địa hình bờ đảo cũng như phương tiện cập tàu mà dự toán cần xác
định chính xác và đầy đủ các chi phí chuyển tải này.
Khi tính toán chi phí vận chuyển và trung chuyển vật liệu ta cũng cần tính đến hao hụt vật liệu trong quá
trình vận chuyển và trung chuyển từ đất liền ra biển, đảo. Tỉ lệ hao hụt vật tư do vận chuyển và trung chuyển được
quy định trong Phần II - Định mức vật tư trong xây dựng [3]. Căn cứ vào tỉ lệ quy định và các khâu vận chuyển,
trung chuyển vật tư chúng ta lập dự toán bổ sung vật tư do hao hụt trong vận chuyển vật liệu.
Ngoài ra, mức hao phí nhân công trong [1] cũng chưa tính đến hao phí lao động di chuyển từ đất liền ra đảo.
Do đó, khi lập dự toán cần xác định được số lượng nhân công tham gia thi công công trình và tính toán chi phí vận
chuyển nhân công từ đất liền ra đảo. Chi phí này thường được đưa vào mục Chi phí khác trong bảng tổng hợp dự
toán. Tương tự, chúng ta cũng cần lập dự toán chi phí vận chuyển máy móc và thiết bị thi công từ đất liền ra công
trình ngoài đảo.
Một vấn đề cần lưu ý nữa là chúng ta cũng cần phải tính toán đến khả năng vận chuyển trong mùa biển êm
và mùa biển động. Chi phí vận chuyển biển theo hai mùa này là khác nhau và do đó, căn cứ vào thời gian thi công
công trình để có tính toán hợp lí, đầy đủ trong lập dự toán.


1.2. Chi phí biện pháp thi công trên biển
Khác với thi công trong bờ và trên đất liền, thi công các công trình trên biển rất phức tạp và tốn kém. Đòi
hỏi nhiều thiết bị chuyên dụng, đặc chủng cũng như một lực lượng thi công chuyên trách. Do đó, khi tiến hành thiết
kế bản vẽ thi công nhà thầu tư vấn cần thiết kế biện pháp thi công và lập dự toán chi phí biện pháp thi công cho công
trình. Việc lựa chọn biện pháp thi công hợp lí có vai trò quan trọng trong giảm tổng dự toán đầu tư xây dựng công
trình.
Đối với các công trình thi công trên biển như: Đê chắn sóng, bến cập tàu, tường kè chắn sóng… chi phí biện
pháp thi công chủ yếu là các chi phí về máy móc, thiết bị chuyên dụng thi công trên biển như: Xà lan, tàu công tác,
các phương tiện nổi, máy xúc, máy cẩu và các thiết bị đặt trên phương tiện nổi… Tất cả các phương tiện này nhà
thầu có thể có hoặc phải thuê từ trong đất liền để phục vụ thi công. Về cơ bản, đây đều phải là các phương tiện có
công suất và tải trọng lớn. Do đó, chi phí duy trì, bảo dưỡng, vận hành trong suốt thời gian thi công là không nhỏ.
Dưới đây là một ví dụ về quy trình biện pháp thi công đê chắn sóng dạng kết cấu thùng chìm cho âu tàu tại đảo Đá
Tây thuộc quần đảo Trường Sa [9].
 Biện pháp thi công đê chắn sóng tổng thể:
 Phần thi công trong bờ
- Thi công các khối thùng chìm trên các xà lan 200T tại Vịnh Cam Ranh sau đó vận chuyển ra ngoài đảo
bằng đầu kéo công suất tương đương 2000CV.
- Thi công các khối bê tông Tetrapode, mui rùa tại bãi đúc cấu kiện trên bờ, sau đó vận chuyển ra cảng, cẩu
xuống tàu 450T hoặc 1000T vận chuyển ra đảo.
- Các loại vật liệu được vận chuyển từ mỏ đá, tập kết tại Cảng Cam Ranh sau đó vận chuyển ra đảo bằng tàu
biển 450T hoặc 1000T.
- Các loại máy móc phương tiện thi công được tập kết tại Cảng Cam Ranh rồi vận chuyển bằng xà lan, tàu
biển ra đảo theo tiến độ thi công.
 Phần thi công ngoài biển
- Nạo vét đủ chiều sâu và đổ đá lõi tạo phẳng theo cao độ đáy của thùng chìm.
- Tiến hành đánh chìm xà lan chở thùng chìm bằng cách bơm nước từ các máy bơm đặt trên các sà lan công
tác, sà lan được neo ở các góc và chìm dần theo lượng nước bơm vào. Khi thùng chìm thoát ly khỏi sà lan tiến hành


lai dắt thùng chìm bằng các đầu kéo vào vị trí lắp đặt, căn chỉnh sau đó mở các tấm thép bịt nóc thùng chìm, bơm

nước đánh chìm thùng chìm tại vị trí thiết kế dưới sự hỗ trợ của các cẩu đặt trên sà lan công tác, căn chỉnh trong quá
trình chìm thùng. Khi thùng chìm đã được hạ đúng vị trí và cao độ thiết kế, tiến hành đổ vụn san hô vào thùng và
đầm chặt.
- Tiến hành thi công tiếp các lớp đá lõi đê. Lớp đá lõi đê được san gạt, tạo mái dốc trước khi tiến hành thi
công lớp lọc bằng máy đặt trên pontoon và cuối cùng là xếp lớp Tetrapod đá phủ mặt. Lớp phủ mặt đê được xếp
thành 2 lớp bằng máy cấn cẩu đặt trên ponton, kết hợp nhân công để chỉnh vị trí theo yêu cầu kỹ thuật.
- Thi công bê tông mặt đê và bê tông tường chắn sóng.
- Lắp đặt đèn báo hiệu đầu đê và thực hiện công tác hoàn thiện.
Trong quá trình thi công ngoài biển đặc biệt chú ý đến vấn đề khép kín về mặt kết cấu đối với từng phân
đoạn thi công, không để xuất hiện các nguy cơ kết cấu đê bị sóng, gió phá hoại vì chưa hoàn chỉnh, chưa có phần bao
che.
Thiết kế biện pháp thi công là một nội dung khá phức tạp, lập dự toán chi phí biện pháp thi công do đó trở
nên hết sức quan trọng với các công trình thi công trên biển. Đòi hỏi người kĩ sư phải có kinh nghiệm và cái nhìn
tổng thể về vấn đề này.

1.3. Chi phí bến tạm phục vụ thi công trên đảo
Tại một số đảo của chúng ta đã có các cầu cảng cập tàu, xuồng thì việc cập tàu và bốc xếp vật liệu lên đảo
có thể tiến hành dễ dàng. Tuy nhiên, với các công trình thi công ở các đảo có địa hình bờ đảo phức tạp, chưa có cầu
cảng, thậm chí chưa có người ở thì việc cập tàu vận tải và bốc xếp vận chuyển vật liệu lên đảo là một vấn đề khó
khăn. Khi đó, chúng ta cần thiết kế hạng mục Bến tạm để phục vụ cho công tác cập tàu và bốc xếp vật liệu lên bờ. Ở
đây, chúng ta cần phân biệt khái niệm Bến tạm và khái niệm Nhà tạm để ở và điều hành thi công trong dự toán. Bến
tạm ở đây được hiểu là một hạng mục không thuộc công trình thi công nhưng phải có trong tổng thể dự án để phục
vụ cho thi công các hạng mục công trình của dự án. Thực tế, nhiều đơn vị tư vấn thiết kế khi khảo sát không chú ý
đến chi tiết này và bỏ qua hạng mục Bến tạm dẫn đến khi thi công nhà thầu phải đề nghị bổ sung hồ sơ phát sinh gây
chậm tiến độ thi công công trình.
Bến tạm thông thường được làm một cách đơn giản bằng cách thả các rọ thép xếp đá hộc kết hợp với xếp
chồng các bao cát tạo phẳng (Hình 3).

K1


K1

K1

K1
K1

K1

K1

K1
K1

K1

K1

K1
K1

K1

K1

K1

Hình 3. Một dạng bến tạm đơn giản phục vụ cập tàu và bốc xếp vật liệu
Khi lập dự toán, người lập cần lưu ý và tính đến nội dung công việc này, nếu thiếu thiết kế cần đề nghị bổ
sung cho phù hợp và đầy đủ.


1.4. Chi phí nước ngọt phục vụ sinh hoạt và thi công
Đây cũng là một trong những chi phí dễ bị bỏ qua nhất trong khi lập dự toán cho các công trình thi công
trên biển và hải đảo. Đặc thù khi thi công các công trình biển đảo là có những nơi có rất ít thậm chí hoàn toàn không
có nước ngọt. Do đó, để đảm bảo nước ngọt phục vụ cho nhu cầu ăn uống, sinh hoạt của công nhân cũng như phục


vụ thi công chúng ta cần phải có giải pháp cung cấp nước ngọt và lập dự toán cho nội dung này. Với những công
trình lớn, thời gian thi công kéo dài chi phí nước ngọt là rất lớn.
Giải pháp cấp nước ngọt chủ yếu hiện nay vẫn là vận chuyển từ trong bờ ra biển, đảo kết hợp với nguồn
nước dự trữ từ nước mưa trên đảo nếu có. Hiện tại, trong định mức và các văn bản hiện hành chưa quy định cụ thể
cách tính và xác định chi phí nước ngọt cho công nhân tham gia thi công các công trình ngoài biển và hải đảo. Trên
thực tế tham gia lập dự toán cho một số công trình biển, đảo tác giả kiến nghị chi phí nước xác định như sau:
Gn = Nnc*Nđm*Gđg
(1)
Trong đó:
Gn – Là tổng chi phí nước sinh hoạt cần thiết cho thi công công trình;
Nnc – Là tổng số ngày công cần thiết để hoàn thành công trình;
Nđm - Là định mức sử dụng nước trong một ngày của công nhân;
Gđg – Là đơn giá nước đến chân công trình.
Các đại lượng trong công thức (1) được xác định như sau:
Nnc là tổng số ngày công được xác định theo tổng hợp nhân công trong dự toán chi phí xây dựng.
Nđm là định mức sử dụng nước trong ngày của một người bình thường, có thể vận dụng theo điều 6 Thông tư
08/2011/TTLT – BNV-BTC ngày 31 tháng 8 năm 2011 của liên Bộ Nội vụ và Tài chính [8]. Theo Thông tư này thì
định mức sử dụng nước cho một người bình thường là 6m3/01 tháng.
Gđg được xác định theo chi phí mua, vận chuyển và trung chuyển vật liệu thông thường đến chân công trình
đã đề cập trong phần 1.1.
Cách xác định chi phí nước trên đã được nhiều cơ quan chủ đầu tư cũng như các cơ quan thẩm tra, thẩm
định chấp nhận và hiện nay vẫn được áp dụng rộng rãi trong lập dự toán cho các công trình trên biển và hải đảo.
Đối với nước phục vụ thi công, cơ quan tư vấn cũng cần phân tích vật tư và xác định khối lượng nước cần

thiết cho các công tác xây dựng. Căn cứ vào khối lượng đó để tính toán chi phí nước phục vụ thi công.

1.5. Dự toán tại bờ hay dự toán tại đảo
Một vấn đề khá thú vị khi lập dự toán cho các công trình trên biển và hải đảo đó là ta không nhất thiết phải
lập toàn bộ dự toán xây dựng công trình trên biển, hải đảo mà hoàn toàn có thể thực hiện một phần dự toán trong bờ.
Hay nói cách khác ta có thể thi công một phần công trình trong bờ sau đó ta mới vận chuyển ra biển, đảo và thực
hiện thi công các bước tiếp theo. Một số công trình đặc thù trên biển và hải đảo như: Cột mốc chủ quyền, đê chắn
sóng, bến cập tàu, tường kè, cầu cảng … có thể sử dụng các kết cấu đặc biệt như: kết cấu thùng chìm, các khối bê
tông trọng lực; bê tông dị hình, chân khay và răng tiêu sóng… Các kết cấu này hòan toàn có thể đúc sẵn trong bờ sau
đó vận chuyển ra và thi công, lắp ghép tại đảo hoặc vận chuyển vật liệu, phương tiện ra và thi công toàn bộ tại đảo.
Chi phí vận chuyển và trung chuyển cấu kiện ra biển, đảo được xác định theo quy trình đã trình bày trong mục 1.1.

Hình 4. Các khối Tetrapode có thể được thi công trong bờ hay ngoài đảo


Việc thi công trong bờ hay ngoài đảo phụ thuộc và biện pháp thi công được tư vấn thiết kế đề xuất trong
thuyết minh biện pháp thi công. Tuy nhiên, để có thể đề xuất được biện pháp hợp lí, tiết kiệm chi phí cho chủ đầu tư
thì cán bộ dự toán cũng nên có tính toán sơ bộ giữa các phương án để xác định phương án phù hợp và tiết kiệm. Ở
đây, ngoài yếu tố về giá trị dự toán tại bờ và tại đảo ta còn thấy việc thi công trong bờ cũng có nhiều ưu điểm như:
chủ động về vật liệu, nhân công, nước thi công… Hơn nữa, các cấu kiện thành phẩm có thể dễ dàng sắp xếp, vận
chuyển và không chịu xâm thực của nước mưa, sóng biển… trong quá trình vận chuyển và hoàn toàn có thể tận dụng
các khoang trống ở các cấu kiện như thùng chìm để chứa các vật liệu rời rạc. Do đó, tùy thuộc vào cự li, phương tiện
vận chuyển và trang thiết bị thi công, biện pháp thi công ta cần tính toán sơ bộ và lựa chọn phương án dự toán trong
bờ hay dự toán ngoài đảo sao cho phù hợp nhất.

1.6. Một số hệ số điều chỉnh và chi phí khác
Bên cạnh một số hệ số điều chỉnh dự toán thông thường do các yếu tố về thay đổi mức lương, giá nhiên vật
liệu đầu vào, điều kiện thi công khó khăn… thì các công trình xây dựng trên biển và hải đảo có những đặc thù riêng
và được điều chỉnh dự toán ở một số chi phí với nhiều hệ số khác nhau. Dưới đây, tác giả trình bày một số hệ số
quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới giá trị dự toán mà người lập cần lưu ý.

 Hệ số điều chỉnh nhân công
Hệ số này có ý nghĩa lớn trong việc đánh giá đúng mức độ khó khăn, vất vả của công tác thi công trên biển
và hải đảo. Thông tư 05/2016/TT-BXD Hướng dẫn xác định đơn giá nhân công trong quản lí chi phí đầu tư xây dựng
[6] quy định đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa và hải đảo, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc
điều chỉnh giá nhân công xây dựng với hệ số không quá 1,2 mức giá nhân công trung bình. Do đó, khi lập dự toán
chi phí nhân công cần nhân với hệ số điều chỉnh nhân công căn cứ theo quy định của Tỉnh, Thành phố.
 Hệ số điều chỉnh chi phí quản lí dự án và các chi phí tư vấn đầu tư xây dựng
Mục 2.4 phần 2 trong Định mức chi phí quản lí dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình ban hành theo
Quyết định số 957/QĐ – BXD ngày 29/9/2009 của Bộ trưởng Bộ xây dựng [5] quy định rõ: Đối với các công trình
xây dựng tại biên giới, hải đảo thì chi phí quản lí dự án được tính theo định mức và điều chỉnh nhân với hệ số 1,35.
Hoàn toàn tương tự với chi phí quản lí dự án, một số chi phí về tư vấn đầu tư xây dựng cũng được điều
chỉnh cho công trình xây dựng trên biển và hải đảo như trong bảng sau:
Bảng 2. Hệ số điều chỉnh chi phí tư vấn đầu tư xây dựng
STT

Tên chi phí tư vấn đầu tư xây dựng

Hệ số điều chỉnh

1
2

Chi phí tư vấn thiết kế
1,15
Chi phí giám sát thi công xây dựng và giám sát lắp đặt thiết bị
1,2
Ngoài ra, để hoàn chỉnh dự toán cho các công trình trên biển và hải đảo, tùy thuộc vào vị trí của đảo so với
đất liền, quy mô công trình, khả năng cung cấp vật liệu tại đảo mà chúng ta cần bổ sung nhiều chi phí đặc thù khác.
 Chi phí thuê tàu nghiệm thu
Đối với các công trình ở xa và quy mô nhỏ thì chi phí quản lí dự án không đủ để thực hiện công tác nghiệm

thu. Do đó, thông thường người ta lập dự toán chi phí này và đưa vào tổng mức chung của dự án.
 Chi phí phát sinh do điều kiện thời tiết không thể thi công: biển động, gió bão…
Khác với thi công trong đất liền, ở biển và hải đảo trong điều kiện biển động, thời tiết xấu không thể thi
công được thì lao động phải chờ đợi kéo dài. Do đó, hao phí về nhân công chờ đợi cũng cũng cần được xem xét và
lập dự toán bổ sung khi phát sinh tình huống.

2. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Bài báo đã phân tích được một số đặc thù của hoạt động xây dựng công trình trên biển và hải đảo. Từ đó
trình bày một số vấn đề cần lưu ý khi lập dự toán xây dựng cho các công trình này. Trên cơ sở phân tích các đặc thù
công việc và nhiệm vụ dự toán xây dựng tác giả đưa ra quy trình và phương pháp xác định một số chi phí cần thiết
để tính đúng, tính đủ các chi phí xây dựng công trình. Trong phạm vi bài báo, tác giả chỉ tập trung đi sâu phân tích
một số vấn đề về chi phí vận chuyển, trung chuyển, chi phí bến tạm phục vụ thi công, chi phí nước sinh hoạt, một số
hệ số điều chỉnh quan trọng… Trên thực tế, lập dự toán cho các công trình trên biển và hải đảo còn rất nhiều những
vấn đề đặc thù như: các vấn đề về lương nhân công, phụ cấp đặc thù, chi phí thuê tàu, lưu tàu, chi phí vận chuyển
máy móc, con người ra đảo… Các vấn đề này tác giả sẽ tập trung nghiên cứu ở các công trình tiếp theo.


Để có đủ căn cứ và cơ sở pháp lí xác định dự toán cho các công trình xây dựng trên biển và hải đảo Bộ xây
dựng cũng như các cơ quan nhà nước liên quan cần rà soát, xây dựng định mức đầy đủ cho các nội dung công việc
xây dựng. Song song với đó là ban hành các thông tư, nghị định hướng dẫn cụ thể về các chế độ tiền lương, phụ cấp
đặc thù cũng như các chính sách khác cho người lao động trên biển và hải đảo. Sớm ban hành các văn bản quy định
rõ ràng về phương pháp xác định một số chi phí đặc thù của dự toán xây dựng như đã trình bày trong phần 1.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Bộ xây dựng - Định mức dự toán xây dựng công trình – Phần xây dựng. NXB xây dựng, 2007;
[2] Bộ xây dựng - Định mức dự toán xây dựng công trình – Phần xây dựng (bổ sung). NXB xây dựng, 2011;
[3] Bộ xây dựng - Định mức vật tư xây dựng công trình. NXB xây dựng, 2007;
[4] Nghị định 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính Phủ về quản lí chi phí đầu tư xây dựng công trình;
[5] Quyết định số 957/QĐ-BXD ngày 29 tháng 9 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ xây dựng về việc công bố định mức
chi phi quản lí dự án và tư vấn đầu tư xây dựng;

[6] Thông tư 05/2016/TT-BXD ngày 10 tháng 3 năm 2016 hướng dẫn xác định đơn giá nhân công trong quản lí chi
phí đầu tư xây dựng;
[7] Thông tư 06/2016/TT-BXD ngày 10 tháng 3 năm 2016 hướng dẫn xác định và quản lí chi phí đầu tư xây dựng;
[8] Thông tư 08/2011/TTLT – BNV - BTC ngày 31 tháng 8 năm 2011 của liên Bộ Nội vụ và Tài chính;
[9] Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công dự án TS.01 tại Đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa (phần Tổng dự toán xây
dựng công trình).



×