Tải bản đầy đủ (.docx) (48 trang)

Chiến lược lịch sự của hành động từ chối trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (256.62 KB, 48 trang )

A.

MỞ ĐẦU

1.1. Từ xa xưa đến nay, nghiên cứu ngôn ngữ văn chương truyền
thống mới chỉ đi dựa trên ngữ pháp và ngữ nghĩa, tức là đi sâu vào bình
diện kết học, nghĩa học của câu chữ trong văn bản văn học mà bỏ qua mặt
dụng học. Đây là hướng đi của ngôn ngữ học cổ điển (ngôn ngữ học tiền
ngữ dụng). Hạn chế của các phương pháp nghiên cứu truyền thống này là
mới chỉ thấy được mô hình mã mà chưa thấy được mô hình suy ý, tách rời
ngôn ngữ nhân vật khỏi ngữ cảnh rộng và hẹp nên không thấy được nhiều
hơn những nghĩa nằm trên câu chữ trực tiếp. Điều này cũng có nghĩa là
chúng ta đã bỏ qua một mảng lớn nội dung tác phẩm, bao gồm các hành
động ngôn ngữ (trực tiếp/gián tiếp), nghĩa hàm ẩn, hợp phần ngữ cảnh…
là những nhân tố quan trọng kiến tạo nên cuộc giao tiếp hoàn chỉnh giữa
các nhân vật trong tác phẩm và giữa nhà văn với bạn đọc. Nói một cách
đơn giản, trong ngôn ngữ của nhân vật văn học và nhà văn khi tạo nên tác
phẩm văn học còn rất nhiều điều nằm ngoài câu chữ mà ngôn ngữ học
truyền thống đã bỏ qua hoặc chưa phát hiện ra. Những nội dung ngoài câu
chữ này đóng vai trò không nhỏ giúp người đọc hiểu sâu hơn nội dung tác
phẩm cũng như những điều nhà văn gửi gắm.
1.2. Nghiên cứu ngôn ngữ văn học ngày nay áp dụng những thành
tựu của ngữ dụng học để phát hiện thêm nhiều góc khuất đằng sau câu
chữ. Chúng ta coi tác phẩm văn học là một diễn ngôn, tức là sản phẩm giao
tiếp giữa nhà văn và bạn đọc. Trong đó bao gồm nhiều hành động ngôn
ngữ giữa các nhân vật, thông qua nhiều cuộc thoại, đoạn thoại khác nhau.
Bởi vậy, cần thiết phải dùng lí thuyết hội thoại trong ngữ dụng học nghiên
cứu các cuộc thoại, đoạn thoại đó để thấy được vị thế, tính cách, dấu ấn
thời đại, xã hội cũng như nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn và tư
tưởng anh ta gửi gắm vào chúng. Một trong những lí thuyết quan trọng



cần sử dụng khi nghiên cứu ngôn ngữ nhân vật văn học là “chiến lược lịch
sự trong hành động ngôn ngữ”.
1.3. Nguyễn Công Hoan là nhà văn hiện thực phê phán nổi tiếng
trước 1945. Các tác phẩm truyện ngắn của ông đóng vai trò quan trọng
trong tiến trình văn học Việt Nam, từ nghệ thuật xây dựng nhân vật, cốt
truyện, chủ nghĩa hiện thực đến cách sử dụng ngôn từ, câu chữ, giúp làm
giàu tiếng Việt thưở đầu thế kỉ. Về ngôn ngữ nhân vật trong truyện ngắn
Nguyễn Công Hoan, ngôn ngữ học truyền thống đã nghiên cứu khá kĩ trên
các bình diện ngữ pháp, ngữ nghĩa, nhưng lại bỏ ngỏ mặt dụng học. Bởi
vậy, chúng tôi bước đầu tìm hiểu về “Chiến lược lịch sự của hành động từ
chối trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan” để thấy được cách giao tiếp,
ứng xử và cách sử dụng ngôn ngữ, cách đối nhân xử thế giữa các giai cấp,
tầng lớp xã hội, giữa người với người, cũng như bộ mặt xã hội phong kiến
nửa thuộc địa Việt Nam hồi đầu thế kỉ được phản ánh chân thực qua
truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan. Do điều kiện nghiên cứu có hạn nên
chúng tôi chỉ chọn ba truyện ngắn tiêu biểu là Đồng hào có ma, Mất cái ví,
Người ngựa và ngựa người.


B.

NỘI DUNG

Chương 1. Cơ sở lí thuyết
1.1.Hành động ngôn ngữ
Hành động ngôn ngữ là hành động thực hiện khi tạo ra một phát
ngôn (diễn ngôn) trong một cuộc giao tiếp. Hành động ngôn ngữ đòi hỏi
phải có điều kiện, thao tác, cách thức tổ chức thao tác và quan trọng
nhất là phải có đích như mọi hành động khác của con người có ý thức.

Trong một cuộc giao tiếp, phát ngôn thường được tạo ra do ba loại
hành động khác nhau.
- Hành động tạo lời: Là hành động vận động các cơ quan phát âm,
vận dụng các từ và kết hợp các từ theo các quan hệ cú pháp thích hợp
thành câu, rồi tổ chức các câu thành diễn ngôn. Sản phẩm của hành
động tạo lời là đối tượng nghiên cứu của cú pháp tiền ngữ dụng.
- Hành động mượn lời: Là hành động nhằm gây ra những biến đổi
trong nhận thức, tâm lí, trong hành động vật lí, có thể quan sát được,
gây ra một tác động nào đấy với ngữ cảnh.
- Hành động ở lời: Là hành động mà đích của nó nằm ngay trong
việc tạo nên phát ngôn được nói ra (viết ra). Chính cái đích này phân
biệt các hành động ở lời với nhau.
Có vô số hành động ở lời khác nhau như xin, cho, thông báo, hỏi
han, hứa hẹn, trách mắng, sai bảo, nhờ vả… và từ chối cũng là một hành
động ở lời thường được sử dụng khi tạo ra phát ngôn.
1.2. Phép lịch sự
1.2.1.Khái niệm
Lịch sự là nguyên tắc cần thiết để một cuộc hội thoại diễn ra suôn
sẻ, gắn liền với các hành động ngôn ngữ. Theo định nghĩa của
C.K.Orecchioni: “Khái niệm lịch sự bao gồm tất cả các phương diện của
diễn ngôn bị chi phối bởi các quy tắc có chức năng giữ gìn tính chất hài
hòa của quan hệ liên cá nhân” [8, 95].
Trong đó, quan hệ liên cá nhân gồm hai lĩnh vực. Thứ nhất là lĩnh
vực của quan hệ dọc và quan hệ ngang. Thứ hai là lĩnh vực của quan hệ


liên cá nhân hình thành ngay trong cuộc hội thoại. Ứng với hai lĩnh vực
trên là lịch sự quy ước và lịch sự chiến lược.
1.2.2. Các phương diện của lịch sự
1.2.2.1. Lịch sự quy ước

Đặc tính của lịch sự quy ước là “có những phương tiện ít nhiều quy
ước, bắt buộc khiến cho bất kì ai rơi vào một vị trí ở trục quan hệ dọc
hay trục quan hệ ngang nào đó cũng phải sử dụng” [8, 96].
Lịch sự quy ước chia làm 2 nhóm theo quan hệ dọc và quan hệ
ngang:
Quan hệ dọc là quan hệ vị thế, tương ứng với nó là lịch sự vị thế. Các
phương tiện ngôn ngữ của phép lịch sự này là cách xưng hô, cách tổ
chức lượt lời, sự ngắt lời hay xen lời… và việc ưu tiên sử dụng một số
hành động ở lời.
Quan hệ ngang là quan hệ thân cận, thân – sơ cũng được chia thành
những cấp bậc khác nhau. Các phương tiện ngôn ngữ của phép lịch sự
này cũng là các từ xưng hô như mình - ấy, cậu – tớ, mày – tao… anh –
em, bố - con…, các tên riêng để tự xưng và hô thứ hai.
Hai trục quan hệ này có sự tác động lẫn nhau. Quan hệ thân – sơ có
thể biến đổi trong quá trình hội thoại, do đó phép lịch sự vị thế cũng có
thể thay đổi theo sự biến đổi của quan hệ thân – sơ. Tuy nhiên, ở xã hội
Việt Nam, lịch sự vị thế là lịch sự chi phối mạnh.
1.2.2.2. Lịch sự chiến lược
Lịch sự chiến lược là lịch sự liên quan tới việc sử dụng các hành
đông ở lời và với những đề tài được đưa vào hội thoại. Lịch sự chiến
lược như vậy có thể hiểu là lịch sự bao trùm tất cả các phương diện của
việc sử dụng các hành động ở lời và việc đề cập đến các đề tài sao cho có
thể giữ gìn được tính chất hài hòa của quan hệ liên cá nhân trong hội
thoại.
1.2.3. Thể diện
1.2.3.1. Khái niệm
Muốn thực hiện chiến lược lịch sự thì cần phải tôn trọng thể diện
của đối ngôn.



Theo J.Thomas: “thể diện nên hiểu là cảm giác về giá trị cá nhân của
mỗi người, nó là hình ảnh về ta, về chính mình. Cái hình ảnh này có thể
bị tổn hại, được giữ gìn hay được đề cao trong tương tác” [8, 98].
Thể diện của một con người được chia thành thể diện âm tính và
thể diện dương tính.
Thể diện âm tính là “nhu cầu được tự do hành động, không bị can
thiệp của mọi người. Với thể diện âm tính, con người có nhu cầu được
độ lập” [8, 98].
Thể diện dương tính là “tổng thể những hình ảnh tự đánh giá cao
về mình mà mỗi cá nhân trong xã hội tự xây dựng nên và cố gắng áp đặt
cho người xung quanh, buộc họ phải chấp nhận, tôn trọng” [8, 98].
Brown và Levinson xây dựng lí thuyết về lịch sự chiến lược trên cơ
sở khái niệm thể diện. Chiến lược ở đây có nghĩa là chiến lược giữ gìn
thể diện của mình và của người sao cho nó không bị tổn hại trong giao
tiếp bởi các hành động ở lời.
1.2.3.2. Hành động ở lời đe dọa và tôn vinh thể diện
Các hành động ở lời khi thực hiện đều tác động đến thể diện của
người giao tiếp. Xét theo tác động đối với thể diện, các hành động ở lời
chia thành hai nhóm là hành động đe dọa thể diện và hành động tôn
vinh thể diện.
Hành động đe dọa thể diện gồm 4 loại:
- Hành động đe dọa thể diện âm tính của người thực hiện: tặng,
hứa, cho…
- Hành động đe dọa thể diện dương tính của người thực hiện: thú
nhận, xin xỏ, xin lỗi, tự trách…
- Hành động đe dọa thể diện âm tính của người nhận: sai khiến,
ngăn cấm, khuyên bảo…
- Hành động đe dọa thể diện dương tính của người nhận: phê phán,
từ chối, chửi mắng, trách móc, chế giễu…
Như vậy, lịch sự chiến lược là phép lịch sự gồm những cách thức tác

động vào hiệu quả đe dọa hoặc tôn vinh thể diện bằng các hành động ở


lời để duy trì sự hài hòa trong quan hệ liên cá nhân giữa những người
hội thoại.
Ứng với hai loại thể diện trên là phép lịch sự âm tính và lịch sự
dương tính.
1.2.3.3. Lịch sự âm tính
Phép lịch sự âm tính hướng vào thể diện âm tính của người tiếp
nhận. Nó có tính lảng tránh, có nghĩa là tránh không dùng hành động đe
dọa thể diện, hoặc có tính bù đắp, nghĩa là bù đắp lại những tổn hại về
thể diện khi không thể tránh mà bắt buộc phải thực hiện một hành động
đe dọa thể diện nào đấy.
Để tránh một hành vi đe dọa thể diện, chúng ta có thể thay thế nó
bằng một hành động trực tiếp khác, có nghĩa là gián tiếp hóa hành động
đe dọa thể diện đó.
Đề bù đắp, chúng ta có thể dùng các biện pháp nói giảm, dùng các
phương tiện dẫn nhập.
Trong các biện pháp dịu hóa hành động đe dọa thể diện còn có các
biểu thức xin lỗi, thanh minh, giảm thiểu, vuốt ve người nhận…
1.2.3.4. Lịch sự dương tính
Đây là phép lịch sự nhằm vào thể diện dương tính của người nhận.
Nó thực hiện những hành vi tôn vinh thể diện người nhận, tỏ ra quan
tâm đến người nhận. Đó là cách nói quá, cách dùng từ xưng hô thân
tình, hoặc từ xưng hô của những người cùng nhóm xã hội.
Lịch sự dương tính chẳng những tôn vinh thể diện dương tính của
người nhận mà còn tôn vinh thể diện dương tính của chính người nói,
bởi vì tôn trọng người cũng là buộc người phải tôn trọng mình.
1.2.3.5. Các biểu thức rào đón
Trong hội thoại, có khi ta phải tỏ cho người nghe biết mức độ mà

lời nói của mình bị ràng buộc vào các phương châm cộng tác, vào phép
lịch sự đến đâu, độ tin cậy của các hành động ở lời mà mình thực hiện
như thế nào. Các biểu thức thực hiện chức năng này gọi là biểu thức rào
đón.


Rào đón và nhấn mạnh là những biểu thức không thêm một cái gì
vào giá trị đúng sai của nội dung phát ngôn, chúng chỉ có chức năng
vạch ra phạm vi và hướng dẫn cách hiểu, cách lí giải phát ngôn theo quy
tắc hội thoại; theo các điều kiện sử dụng của các hành động ở lời tạo ra
phát ngôn đó. Qua các biểu thức rào đón, người giao tiếp tỏ ra cộng tác
với nhau trong việc tuân thủ các quy tắc hội thoại, các điều kiện sử dụng
hành động ở lời.
Các biểu thức rào đón thường là những quán ngữ, liên quan đến
phương châm cộng tác hội thoại của Grace như:
- Các biểu thức rào đón liên quan đến phương châm về lượng: như
chúng ta đã nói, như chúng ta đã biết, tóm lại là, tất cả những gì tôi
muốn nói là…
- Các biểu thức rào đón liên quan đến phương châm về chất: nghe
đâu, nghe đồn, hình như là, có thể là, có lẽ là, có lẽ nào, tôi nghĩ rằng, tôi
cho rằng…
- Các biểu thức rào đón liên quan đến phương châm quan yếu: à
này, tiện đâ, có lẽ đã đến lúc phải nói…
- Các biểu thức rào đón liên quan đến phương châm cách thức: nói
hơi lộn xộn, nói khí dài dòng, nói tóm lại, nói gọn lại, cụ thể là…
Lại có những biểu thức rào đón liên quan đến điều kiện sử dụng hay
đến hiệu quả của hành động ở lời. Đó là các biểu thức như:
- Biểu thức rào đón liên quan đến điều kiện sử dụng hành động ở
lời: chân thành, thực tình, tôi bảo thật, không phải nịnh chứ…
- Biểu thức rào đón giảm thiểu tác động xấu của hành động ở lời:

phủi phui, nói trộm vía…
Bên cạnh phần rất lớn các biểu thức rào đón đã cố định, ít nhiều có
tính chất quy ước, nghi thức thì có rất nhiều kiểu biểu thức rào đón mà
người giao tiếp sáng tạo ra trong ngữ huống giao tiếp cụ thể.
1.3. Nguyên tắc cộng tác hội thoại của Grice
Nguyên tắc cộng tác hội thoại do Grice đề xuất có vai trò quan trọng
để thiết lập các chiến lược lịch sự trong giao tiếp.


Nguyên tắc này được phát biểu một cách tổng quát như sau: “Hãy
làm cho phần đóng góp của anh (vào cuộc hội thoại) đúng như nó được
đòi hỏi ở giai đoạn nào đó (của cuộc hội thoại) mà nó xuất hiện phù hợp
đích hay phương hướng của cuộc hội thoại mà anh chấp nhận tham gia
vào” [8, 91].
Nguyên tắc này được tóm lược thành 4 phương châm nhỏ:
-Phương châm về lượng:
+ Hãy làm cho phần đóng góp của anh có lượng tin đúng như đòi
hỏi đích của cuộc hội thoại.
+ Đừng làm cho lượng tin của anh lớn hơn yêu cầu mà nó được đòi
hỏi.

-Phương châm về chất: Hãy làm cho phần đóng góp của anh là

đúng, đặc biệt là:
+ Đừng nói điều gì anh tin là không đúng.
+ Đừng nói điều gì anh không đủ bằng chứng.
- Phương châm quan hệ: Hãy làm cho phần đóng góp của anh quan
yếu, tức là dính líu đến câu chuyện đang diễn ra.
- Phương châm cách thức: Hãy nói cho rõ ràng, đặc biệt là:
+ Tránh lối nói tối nghĩa.

+ Tránh lối nói mập mờ, mơ hồ về nghĩa.
+ Hãy nói rõ ràng.
+ Hãy nói có trật tự.


Chương 2. Chiến lược lịch sự của hành động từ chối trong một số
truyện ngắn Nguyễn Công Hoan
Hành động từ chối ở đây nhấn mạnh là hành động ngôn ngữ, được
tạo thành bởi các biểu thức ngữ vi. Như đã nói ở phần trên, hành động
từ chối là hành động đe dọa thể diện dương tính (đôi khi cả thể diện âm
tính) của đối ngôn nên cần thiết phải có chiến lược lịch sự để xoa dịu.
Chúng tôi sẽ tiến hành tìm hiểu chiến lược lịch sự của hành động từ chối
trong ba truyện ngắn Nguyễn Công Hoan là Đồng hào có ma, Mất cái ví,
Người ngựa và ngựa người.
2.1. Đồng hào có ma
Trước hết cần xác định ngữ cảnh rộng, hẹp và các đối ngôn trong
cuộc giao tiếp này.
Ngữ cảnh rộng vào đầu thế kỉ XX, Việt Nam đang là nước thuộc địa
nửa phong kiến với sự cách biệt giai cấp lớn và nạn quan liêu, quan
tham hoành hành. Người dân phải luồn cúi trước sự hống hách của bè
lũ thống trị.
Ngữ cảnh hẹp của cuộc giao tiếp diễn ra khi con mẹ Nuôi (cách gọi
của tác giả) bị mất trộm, đem đơn đến trình quan và phải qua cửa lính
lệ đầu tiên. Cậu lính lệ từ chối đơn của con mẹ Nuôi và ngăn không cho
vào gặp quan để đòi tiền.
Về cách xưng hô, mặc dù cậu lính lệ có vị thế xã hội cao hơn con mẹ
Nuôi, nhưng quan hệ thân – sơ xa lạ và đang ở trong thoại trường giao
tiếp nghi thức trước cửa công đường nên phải dùng cặp đại từ xưng hô
mang tính trung hòa là “tôi – chị” chứ không phải “mày – tao”. Cặp từ
xưng hô này nhằm tôn vinh thể diện dương tính của con mẹ Nuôi.

Sau khi đọc xong lá đơn của con mẹ Nuôi, cậu lính lệ từ chối: “Đơn
này không được” [9, 148]. Nhưng để giữ phép lịch sự, cậu thêm vào
hành động sai khiến trước hành động từ chối để xoa dịu con mẹ Nuôi:
“Vào kia, nhờ bác nho Quý bác ấy làm cho” [9, 148]. Đây là biện pháp
lảng tránh để dịu hóa các hành động đe dọa thể diện.


Sau khi từ chối lần một, con mẹ Nuôi vẫn nài nỉ cho vào gặp quan
luôn, cậu lính lệ phải tiếp tục thực hiện hành động từ chối tiếp theo. Đầu
tiên, cậu lính lệ thực hiện hành động thông báo: “Tôi bảo mà chị không
nghe thì tôi mặc kệ” [9, 148].
Nhưng nhận thấy phát ngôn này hơi nặng nề, có thể đe dọa thể diện
dương tính của con mẹ Nuôi, cậu lính lệ phải thêm vào sau đó một phát
ngôn thực hiện hành động trực tiếp là hỏi nhưng gián tiếp là thanh
minh: “Tôi thấy nhà chị ăn mặc thế này, lại bị lúc vận hạn đen đủi, tôi lại
chẳng động lòng hay sao?” [9, 148]. Ý của phát ngôn này là cậu lính lệ
muốn bày tỏ rằng mình cũng thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn của
con mẹ Nuôi chứ không phải muốn chèn ép gì, nhưng vẫn buộc phải theo
luật lệ. Biểu thức thanh minh có tác dụng dịu hóa hành động vi phạm
thể diện dương tính của người nói đối với người nhận. Ngay trong phát
phôn này, cậu lính lệ cũng thực hiện biện pháp nói giảm nói tránh. Thay
vì nói “tôi thấy nhà chị ăn mặc rách rưới, bẩn thỉu”, cậu lính lệ sử dụng
biểu thức chiếu vật chỉ xuất nói tránh thành “tôi thấy nhà chị ăn mặc
thế này”. Người đọc nếu không bám vào ngữ cảnh sẽ không thể hiểu “ăn
mặc thế này” là thế nào. Nhưng nếu bám vào ngữ cảnh của toàn tác
phẩm thì sẽ hình dung ra bộ dạng của con mẹ Nuôi lúc đó ra sao dựa
vào cách thức chiếu vật, chỉ xuất của cậu lính lệ.
Sau khi đã thanh minh hết lời, cậu lính lệ mới khẳng định: “Nhưng
cái lệ ở đây nó thế” [9, 148]. Thực chất của việc khẳng định này hành
động mượn cớ, tự hạ mình xuống để lảng tránh trách nhiệm. Tức là cậu

lính lệ không muốn từ chối mà do lệ ở cửa quan là như thế, cậu chỉ là
hạng tay chân, buộc phải làm theo. Hành động lảng tránh này cũng
nhằm xoa dịu thể diện của con mẹ Nuôi.
2.2. Mất cái ví
Trước hết, cần xác định ngữ cảnh rộng, hẹp và các đối ngôn trong
cuộc giao tiếp này.


Ngữ cảnh rộng vào đầu thế kỉ XX, tầng lớp quan lại ngày càng tham
ô, chạy theo tiền bạc. Những kẻ quan lại này đa phần chạy theo đồng
tiền nên nhuốm mùi tiền bạc trong cách đối nhân xử thế, với người hầu
kẻ hạ, kể cả với người trong nhà.
Ngữ cảnh hẹp diễn ra trong nhà ông Tham, một kẻ tư sản giàu có.
Ông Tham có một ông cậu ruột ở quê lên chơi. Vì muốn đuổi khéo cậu về
mà ông Tham đã nhẫn tâm bày ra trò mất ví tiền để ông cậu tự ái.
Trong truyện này có thể chia làm hai nhóm đối ngôn thực hiện hành
động từ chối. Nhóm thứ nhất là nhóm người giúp việc trong nhà, từ chối
nhận tội đã lấy chiếc ví của ông Tham. Nhóm thứ hai chính là vợ chồng
ông Tham, từ chối việc cố ý đổ thừa chuyện mất ví cho ông cậu để đuổi
khéo ông về quê.
2.2.1.Nhóm người giúp việc
Vị thế xã hội giữa ông Tham và đám giúp việc là chủ - tớ, nên theo
phép lịch sự quy ước, họ phải xưng hô lễ phép, kính trọng với ông Tham,
để tôn thể diện dương tính của ông ta lên. Cặp xưng hô được đám giúp
việc sử dụng là “con – ông”. Đây là những từ xưng hô thân tình, thường
được sử dụng để tăng tính thân tình, tình cảm giữa các đối ngôn vốn có
ít quan hệ thân – sơ với nhau. Cách xưng hô này chỉ tồn tại trong ngữ
cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỉ, khi nhân quyền chưa có, phân biệt giai
cấp khắc nghiệt và người hầu kẻ hạ bị chủ đối xử hà khắc, nên phải cung
phụng. Xã hội ngày nay ít thấy cách xưng hô này xuất hiện giữa chủ và

tớ.

Khi bị ông Tham đổ thừa việc lấy cắp chiếc ví, hành động đầu tiên

đám giúp việc làm là từ chối thừa nhận để tránh đe dọa vào thể diện
dương tính của chính mình.
Đám giúp việc biết rõ mình không lấy cắp chiếc ví, nhưng cũng
không dám hỏi lại ông Tham xem đã để ở đâu vì như thế là đe dọa thể
diện âm tính của ông. Thay vào đó, họ bày tỏ nỗi tức giận để gián tiếp
thực hiện hành động đồng tình với việc truy tìm thủ phạm của ông


Tham: “Vâng, nếu việc này không ra, thì chúng con tức lắm!” [9, 63].
Trong phát ngôn này, thán từ “vâng” được dùng như một biện pháp lịch
sự nhằm tôn thể diện dương tính của người nhận theo phép lịch sự quy
ước. Vì người nhận ở đây là ông Tham có vị thế xã hội cao hơn người
nói là đám giúp việc nên cần được tôn lên.
Thằng xe (cách gọi của tác giả) muốn đổ riệt cho con vú, nhưng lại
không thể nói trực tiếp vì sẽ đe dọa đến thể diện dương tính của con vú,
bèn thực hiện hàng loạt các hành động ngôn ngữ gián tiếp khác.
Đầu tiên, thằng xe thực hiện hành động thanh minh với ông Tham:
“Thật chúng con ngủ từ sáng đến giờ chưa đứa nào bước chân ra khỏi
cửa” [9, 63]. Trong phát ngôn này, tính từ “thật” được đặt ở đầu với vai
trò như một biểu thức rào đón liên quan đến phương châm về chất
trong nguyên tắc cộng tác hội thoại của Grice để khẳng định điều người
nói là đúng và anh ta tin rằng nó đúng.
Đến phát ngôn tiếp theo: “Một mất mười ngờ, chúng con lấy làm
bực lắm” [9, 63], ở đầu câu vẫn là một biểu thức rào đón liên quan đến
điều kiện sử dụng hành động ở lời. Toàn câu là một lập luận, trong đó
biểu thức rào đón “một mất mười ngờ” cũng đồng thời là một lẽ thường

để người nói dựa vào đó đi đến kết luận “chúng con lấy làm bực lắm”.
Cách rào đón sử dụng lẽ thường để lập luận như vậy nhằm tránh đe dọa
tới thể diện dương tính của người nhận và chính mình.
Từ phát ngôn trên, thằng xe lại lấy nó làm luận cứ để dẫn đến kết
luận là hành động đề nghị: “Xin ông bà cho phép chúng con được khám
lẫn nhau” [9, 64]. Vì đề nghị là hành động đe dọa thể diện âm tính của
người nhận nên thằng xe đã phải thêm tính từ “xin” vào đầu phát ngôn
như một biểu thức giảm xóc để xoa dịu ông bà Tham. Không những thế,
từ “được” trong câu cũng có chức năng xoa dịu và tôn vinh thể diện của
người nhận lên., tức là ngầm muốn tôn quyền lực của ông bà Tham,
phải được ông bà cho phép thì đám giúp việc mới dám khám xét lẫn
nhau.


Phát ngôn cuối: “Chắc của vẫn còn ở trong nhà thì vẫn còn tìm thấy
được” [9, 64] là hành động mang tính xoa dịu thể diện âm tính của
người nhận, ý muốn nói chiếc ví của ông Tham chưa hẳn đã bị mất và
vẫn có cơ may tìm lại được. Toàn bộ phát ngôn này là một lẽ thường mà
người nói dựa vào đó để xoa dịu người nghe. Từ “chắc” được đặt ở đầu
câu đóng vai trò là một biểu thức rào đón liên quan đến phương châm
về chất trong nguyên tắc cộng tác hội thoại của Grice. Thằng xe không
hoàn toàn tin tưởng vào điều nó nói nên phải thêm biểu thức rào đón
này để giảm thiểu tác động phát ngôn của mình tới đối phương.
Ở lượt lời tiếp theo, ông Tham thực hiện chiến lược lịch sự để tôn
vinh thể diện dương tính của con vú, qua đó ngầm từ chối việc khám xét.
Trong chiến lược này gồm hai hành động khẳng định và trình bày. Một
mặt, ông Tham đưa ra kết luận là “Tao thì tao không ngờ cho con vú em
đâu” [9, 64] để khẳng định. Mặt khác, ông đưa ra các luận cứ: “Nếu nó
có tính tắt mắt, thì tao mất nhiều lần rồi. Mọi khi tao ngủ, để bừa bãi cả
tiền nong ra bàn, nhưng sáng dậy, vẫn còn nguyên, một trinh cũng

không suy suyển” [9, 64]. Trong phát ngôn này, ông Tham kết luận trước
rồi mới đưa ra các luận cứ sau để nhấn mạnh vào khẳng định của mình.
Trước hành động từ chối của ông Tham, thằng xe vẫn tiếp tục
thanh minh: “Bẩm lạy ông bà, hai an hem con ngủ dưới nhà mà trên nhà
trên thì khóa cửa. Sáng ngày, chúng con mới dậy. Cửa trên này chưa
mở, con đã thấy ông bà kêu mất tiền. Lúc ấy, ông mới gọi chúng con lên.
Xin ông bà xét cho chúng con chỗ ấy. Hay ông đi chơi tối qua, mà đánh
rơi đâu chăng?” [9, 65]. Trong hành động này, nó dùng “bẩm lạy ông bà”
ở đầu phát ngôn như một biểu thức rào đón liên quan đến điều kiện sử
dụng hành động ở lời, biến hành động thanh minh thành hành động tấu
lạy, nhằm tôn vinh thể diện dương tính của ông bà Tham lên, coi họ như
những viên quan tòa đang xét xử. Từ “lạy” cũng cho thấy sự tôn vinh vị
thế xã hội của ông bà Tham và tự hạ thấp mình của thằng xe. Trong câu


“Xin ông bà xét cho chúng con chỗ ấy”, từ “xin” được dùng để biến hành
động đề nghị thành cầu khiến, xin xỏ, cũng để tôn quyền lực của ông bà
Tham lên.
Trong các phát ngôn tiếp theo, để thực hiện hành động từ chối nhận
tội, thằng xe vẫn luôn dùng biểu thức rào đón “lạy ông bà” ở đầu để tôn
vinh thể hiện dương tính của ông bà Tham thông qua phép lịch sự quy
ước theo quan hệ vị thế xã hội, từ đó mà xoa dịu đối ngôn để tránh bị
trách móc, xử phạt.
“Lạy ông bà, chúng con có biết cái ví tiền của ông bà mặt ngang mũi
dọc thế nào, thì chúng con cứ chết một đời cha, ba đời con!” [9, 65].
Trong phát ngôn này, thằng xe còn sử dụng hành động thề độc để tăng
hiệu lực từ chối mà tránh đe dọa tới thể diện của ông Tham “chết một
đời cha, bà đời con”.
“Lạy ông bà xét lại, chỉ có người trên nhà, chứ thực chúng con
không biết đấy là đâu” [9, 66].

“Lạy ông bà, chúng con đâu dám nghĩ thế!” [9, 66]. Trong phát ngôn
này, từ “dám” được sử dụng để tự hạ thấp mình xuống, qua đó nâng thể
diện của đối ngôn lên thông qua quan hệ vị thế xã hội, ngầm nói rằng bà
Tham đức cao vọng trọng, đến nghĩ cũng không dám nghĩ rằng bà là
người lấy chiếc ví.
2.2.2. Nhóm ông bà Tham
Nhóm hành động từ chối này nằm trong các lượt lời của ông bà
Tham khi giao tiếp với ông cậu ruột. Trong đó, ông bà Tham muốn từ
chối thừa nhận việc mình cố ý đổ thừa cho ông cậu lấy cắp ví.
Ở quan hệ vị thế xã hội, ông bà Tham có vị thế cao hơn ông cậu,
nhưng ở quan hệ thân – sơ lại thấp hơn, chỉ thuộc hàng con cháu, còn
ông cậu thuộc hàng bề trên, ngang với cha mẹ: “Cậu cũng như cha như
mẹ” [9, 69]. Bởi thế, trong khi giao tiếp, nếu đám giúp việc phải xưng
“ông – con” với ông bà Tham thì bản thân ông bà phải xưng lại “ông –
cháu” với ông cậu để đảm bảo đúng phép lịch sự quy ước. Sở dĩ không
phải “cậu – cháu” mà là “ông – cháu” là muốn mượn việc nhấn mạnh


vào tuổi tác của ông cậu để thực hiện lịch sự quy ước, lấy quan hệ xã hội
áp vào quan hệ gia đình, từ đó tôn vinh thể diện dương tính của ông cậu
lên. Ở ngoài xã hội, ông Tham được mọi người gọi là “ông” thì ở nhà, vị
thế xã hội đó lại thuộc về ông cậu.
Ngay khi ông cậu nhảy ra hỏi về việc mất cắp chiếc ví, ông Tham đã
thực hiện các hành động từ chối nhắc đến việc đó. Trong câu đáp
“Không ạ!” đầu tiên thì trợ từ “ạ” được dùng để bày tỏ sự lễ phép, tôn
trọng trong phép lịch sự quy ước theo chuẩn mực quan hệ bề trên, bề
dưới, đồng thời cũng nhằm tôn vinh thể diện dương tính của ông cậu để
xoa dịu cơn giận của ông.
Trợ từ “ạ” liên tục được sử dụng trong các phát ngôn từ chối tiếp
theo để bày tỏ lòng kính trọng, lễ phép nhằm xoa dịu ông cậu. Cứ mỗi

khi ông cậu hỏi về chuyện mất cắp, ông bà Tham lại chối đi theo những
cách rất lịch sự, nhã nhặn. Trên thực tế, khi giao tiếp với người lớn tuổi
hoặc bề trên của mình thì dùng từ “ạ” sẽ khiến phát ngôn trở nên dễ
chịu và tác động tích cực tới người nghe hơn, kể cả trong tình huống từ
chối một điều gì đó.
“Không ạ. Cháu mất đồng xu, nhưng đã tìm thấy rồi ạ” [9, 67].
“Thế thì ông chiêm bao đấy ạ” [9, 67].
“Không ạ. Đó là cháu mắng chúng nó từ nay thấy tiền nong, không
cứ là của ai, cũng không được tơ hào” [9, 67].
“Những đứa kia đấy ạ” [9, 67].
Khi ông cậu tỏ ý hoài nghi về việc ông Tham đá xéo mình, ông Tham
vẫn chối: “Lạy ông, chúng cháu có dám nói gì đâu!” [9, 67].
Có thể thấy, cách dùng từ và thiết lập phát ngôn của ông Tham lúc
này giống hệt với đám người giúp việc lúc trước. Ở đầu phát ngôn, ông
Tham cũng dùng “lạy ông” như một biểu thức rào đón liên quan đến
điều kiện sử dụng hành động ở lời, biến hành động thanh minh thành
hành động tấu lạy, nhằm tôn vinh thể diện dương tính của ông cậu lên,
coi ông như đấng bề trên của mình. Từ “lạy” cũng cho thấy ông Tham
đang tự hạ thấp mình để tôn vị thế xã hội của ông cậu lên. Trong phát


ngôn này, từ “dám” cũng được sử dụng để tự hạ thấp mình xuống, qua
đó nâng thể diện của đối ngôn lên thông qua quan hệ thân – sơ, ngầm
nói rằng ông cậu là bậc cha chú thì cỡ như ông Tham không bao giờ
dám nói những điều trái tai.
Trong những phát ngôn tiếp theo, ông Tham liên tục sử dụng từ
“lạy ông” ở đầu câu để tôn ông cậu lên nhằm xoa dịu, vuốt ve ông. Ông
cậu càng làm dữ thì ông Tham lại càng tìm mọi cách nâng ông ta lên:
“Cháu lạy ông, vợ chồng cháu có thất thố điều gì, xin ông bỏ quá đi, ông
đừng để bụng” [9, 67]. Phát ngôn này thực chất là hành động đề nghị,

nhưng từ “xin” được thêm vào một cách khéo léo chuyển nó thành hành
động van nài, xin xỏ, qua đó ông Tham tự hạ thấp mình xuống để nâng
ông cậu lên, rằng ông cậu là người có quyền cao nhất ở đây, chỉ được
xin mà không ai được đề nghị hay ra lệnh.
Ngay sau phát ngôn đó, ông Tham thực hiện hành động mời mọc là
một hành động trực tiếp khác để lảng tránh hành vi đe dọa thể diện ông
cậu: “Thôi, không nói đến chuyện đấy nữa. Hôm nay phiên chợ Đồng
Xuân, mời ông lên chơi chợ” [9, 67]. Hành động mời mọc này vừa làm
xao nhãng tâm trí ông cậu vào chuyện mất ví, lại vừa tôn vinh thể diện
của ông ta lên vì được mời đi chơi.
Ngoài “dạ”, “lạy ông” thì “thưa ông” cũng là một động từ được ông
Tham sử dụng như một biểu thức rào đón liên quan đến điều kiện sử
dụng các hành động ở lời nhằm xoa dịu đối ngôn là ông cậu: “Kìa, tiền
nong gì, thưa ông?”. Giống như “lạy ông”, “thưa ông” giúp tăng tính kính
trọng, lễ phép trong phát ngôn để biến cuộc giao tiếp trở nên lịch sự, mô
thức hơn, có trên có dưới hơn, từ đó mà đối ngôn được xoa dịu, cảm
thấy dễ chịu hơn.
Trong khi trình bày câu chuyện mất ví, ông Tham khéo léo thêm từ
“bẩm ông” vào đầu phát ngôn với cùng mục đích để tôn thể diện dương
tính của ông chú lên qua sự lễ phép, kính trọng của mình: “Bẩm ông,
nguyên thế này: Cháu có bốn mươi đồng bạc để vào trong cái ví. Mọi khi


bao giờ trước khi đi ngủ, cháu cũng bỏ ví vào tủ có khóa. Vì hôm qua đi
xem hát với ông về khuya, nên cháu không muốn vào buồn lấy thìa khóa
tủ, cháu cứ để ví trong túi. Nhưng sau, thấy nằm cứ cộm lên, cháu mới
lấy ví ra, kiểm lại số tiền, rồi để gối đầu giường. Lúc ấy ông cũng biết” [9,
68].

“Bẩm, có thế thôi” [9, 68].

Khi ông cậu nói: “Anh nghĩ thế là vô lí lắm. Tôi hiểu rồi, chính anh

nghi cho tôi!” [9, 68], ông Tham đã vội vàng từ chối: “Chết! Lạy ông, con
cháu nào dám thế? Sao ông nghĩ vẩn vơ làm vậy?” [9, 68].
Trong phát ngôn trên, ông Tham đã khéo léo sử dụng thán từ “Chết”
ở đầu để thực hiện hành động kêu than. Qua hành động này, ông Tham
muốn bày tỏ sự bất ngờ, kinh ngạc của mình khi nghe ông cậu nói như
vậy, rằng ông không bao giờ dám nghĩ thế. Thán từ được sử dụng để
tăng tính nghiêm trọng của câu và nhấn mạnh vào hành động bất ngờ,
qua đó tránh đe dọa tới thể diện dương tính của người nói là ông Tham.
Để tiếp tục từ chối, ông Tham còn sử dụng lẽ thường làm điểm tựa cho
phát ngôn của mình là “con cháu nào dám thế”. Ở phát ngôn cuối, ông
Tham dùng một câu nghi vấn để giảm thiểu tác động tới thể diện của
ông cậu, mặc dù hành động gián tiếp của câu đó là ngầm đổ cho ông cậu
đã tự nhận việc lấy cắp chiếc ví.
Thán từ “chết” vẫn tiếp tục được sử dụng trong phát ngôn sau đó để
thực hiện hành động từ chối một cách lịch sự: “Chết! sao ông lại làm
thế?” [9, 69]. Rõ ràng, hành động của phát ngôn này là muốn đổ thừa
cho ông cậu đã tự thừa nhận việc lấy cắp ví, nhưng cách kết hợp giữa
thán từ và câu nghi vấn đã giảm đi toàn bộ sắc thái đe dọa thể diện của
ông cậu.
Ngoài thán từ “chết”, thán từ “khổ lắm” cũng được ông Tham sử
dụng ở đầu các phát ngôn thực hiện hành động từ chối, để nhấn mạnh
sự bất ngờ, hoang mang của mình khi ông cậu nghĩ như vậy, qua đó
tránh đe dọa vào thể diện của ông cậu. Ý đồ của ông Tham khi sử dụng


các thán từ này là để gián tiếp đổ việc thừa nhận đã lấy cắp ví cho ông
cậu, rằng ông cậu đã tự đe dọa thể diện của bản thân khi cứ tự nhận vơ
việc lấy cắp ví vào mình, còn ông Tham không biết gì hết. Không những

vậy, ông Tham còn qua đó gián tiếp buộc ông cậu vào hành động đe dọa
thể diện dương tính của mình khi cứ một mực đổ tội cho mình đã đổ
thừa việc lấy cắp ví cho ông ta. Đây là chiến lược giao tiếp tinh vi được
thiết lập để ông Tham thực hiện ý đồ của mình. Rõ ràng ông Tham đang
muốn đổ cho ông cậu mà lại lật ngược được tình thế, buộc ông cậu vào
hành động đổ thừa cho mình.
“Khổ quá! Cháu không biết nói thế nào bây giờ được. Tự ông đổ cho
ông đấy!” [9, 69]. Trong phát ngôn này, ông Tham đã thực hiện hành
động đe dọa thể diện dương tính của ông cậu ở câu cuối khi khẳng định
ông ta đang tự đổ cho chính mình. Nhưng để giảm thiểu tác động của
hành động đe dọa này, ông Tham đã sử dụng thán từ “khổ quá” và hành
động thanh minh “cháu không biết nói thế nào bây giờ được” để bày tỏ
rằng mình cũng đang bối rối trước hành động của ông cậu.
“Khổ lắm! Vợ chồng cháu có điều gì không phải, thì ông là người
trên, ông cứ mắng chửi, sao ông lại để tâm làm vậy?” [9, 70]. Trong phát
ngôn cuối cùng với ông cậu này, ông Tham lại tiếp tục thực hiện một
hành động gián tiếp có tính đe dọa thể diện của ông cậu là buộc ông ta
vào việc đã để bụng khi cố ý nghi ngờ cho vợ chồng ông. Nhưng để giảm
thiếu tác động đe dọa của hành động đó, ông Tham đã chuyển từ câu
khẳng định sang câu nghi vấn. Câu nghi vấn là dạng câu mở, giúp người
nói gợi nhắc hàm ẩn đến một việc khác mà không phải thực hiện các
hành động trực tiếp. Như vậy, dù người nghe có nhận ra được ý nghĩa
hàm ẩn trong câu nói đó cũng không thể bắt bẻ. Hơn nữa, ông Tham còn
mượn lẽ thường “ông là người trên, ông cứ mắng chửi” để tự hạ thấp
thể diện của mình, qua đó tôn vinh thể diện dương tính của ông cậu lên,
cho ông ta quyền mắng chửi vì có vị thế cao hơn. Bằng những hành


động này, ông Tham đã khiến ông cậu khó mà bắt bẻ được gì. Nếu có
làm tới cũng là do bản thân ông ta muốn thế chứ ông Tham trong suốt

cuộc giao tiếp vẫn lịch sự nhún nhường từ chối, không hề có một hành
động thất lễ hay đe dọa thể diện của ông cậu. Đây là một chiến lược giao
tiếp khôn ngoan, tinh vi với rất nhiều sự rào đón, cẩn trọng.
2.3. Người ngựa và ngựa người
Trước hết, cần xác định ngữ cảnh rộng, hẹp và các đối ngôn trong
cuộc giao tiếp ở truyện này.
Ngữ cảnh rộng vào đầu thế kỉ XX ở Việt Nam, khi vẫn còn tầng lớp
culi, là những người kéo xe xích lô khắp phố thường. Họ là tầng lớp bần
cùng trong xã hội, có vị thế xã hội thấp kém.
Ngữ cảnh hẹp của cuộc giao tiếp diễn ra khi một cô gái điếm đi xe
của một anh xe nhưng lại không có tiền trả và tìm cách từ chối trả tiền
khi bị đòi tiền.
Về cách xưng hô, dù nhìn bề ngoài thì cô gái điếm có vị thế xã hội
cao hơn anh xe do ăn mặc sang trọng và lịch sự hơn, nhưng vẫn xưng hô
lịch sự là “tôi – anh” với anh ta để không đe dọa thể diện dương tính của
anh ta. Sở dĩ phải xưng hô như vậy vì cô biết trong người không có tiền
và có thể phải đi quỵt của anh xe. Ở trường hợp khác có thể xưng là
“mày – tao”. Còn anh xe ban đầu vì vị thế xã hội thấp hơn và đang phải
phục vụ khách nên phải xưng là “cháu – bà” để tôn vinh thể diện dương
tính của cô gái điếm lên theo phép lịch sự uy ước. Đến tận lúc đòi tiền,
anh vẫn xưng hô như vậy.
“Bây giờ có lẽ mười hai giờ, xin bà cho cháu tiền” [9, 30].
“Thôi khuya rồi, cháu phải về nhà” [9, 30].
Chỉ đến khi cô gái điếm lộ ra là không có tiền trả tiền xe, anh xe mới
thay đổi cách xưng hô thành “tôi – cô”. Như vậy, có thể thấy, cách xưng
hô theo phép lịch sự quy ước có thể thay đổi theo diễn biến cuộc giao
tiếp dưới sự tác động của ngữ cảnh chứ không hoàn toàn bị chi phối bởi
vị thế xã hội.



Ở phát ngôn đầu tiên, cô gái điếm sử dụng thán từ “Chết!” và một
câu nghi vấn “anh hỏi tiền tôi bây giờ à?” để bày tỏ sự bối rối của mình,
ngầm nói ý rằng cô không chủ định quỵt tiền xe của anh. Ý nghĩa hàm ẩn
của phát ngôn này giúp cô gái điếm tránh đe dọa tới thể diện âm tính
của anh xe. Tiếp đó, cô còn thực hiện một hành động sai khiến: “Anh chịu
khó kéo tôi thêm một giờ nữa đi” để khiến anh xe tin rằng cô ta có ý
muốn trả tiền nhưng chỉ là hiện tại chưa có tiền. Để tránh đe dọa vào
thể diện dương tính của anh xe, cô đã dùng đến biểu thức giảm thiểu
“anh chịu khó” để vuốt ve anh ta khi phải nghe lời sai khiến.
Để tiếp tục từ chối anh xe, cô gái điếm thực hiện hành động thanh
minh, trình bày hoàn cảnh éo le của mình khiến anh xe động lòng mà
không cảm thấy bị đe dọa thể diện âm tính: “Này, chả nói giấu gì anh, tôi
cũng đi kiếm khách từ tối đến giờ. Tôi định nếu có khách thì hỏi vay tiền
trước để trả anh. Nhưng chẳng may gặp phải cái tối xúi quẩy thế này,
thì tôi biết làm sao bây giờ?” [9, 30].
Trong phát ngôn trên, thán từ “này” được dùng đầu câu như một
phương tiện kéo gần khoảng cách quan hệ, giúp cuộc giao tiếp diễn ra
thân mật, gần gũi hơn. Ngay sau từ “này” là biểu thức rào đón liên quan
đến phương châm về chất trong nguyên tắc cộng tác hội thoại của Grice
“chả nói giấu gì anh” để khiến hiệu lực ở lời được nhấn mạnh hơn, giúp
cô gái điếm chứng tỏ rằng cô đang muốn cộng tác hội thoại với anh xe
một cách thực tâm, chân tình. Từ “cũng” trong câu “tôi cũng đi kiếm
khách từ tối đến giờ” ý hàm ẩn là muốn neo công việc của mình với công
việc của anh xe theo kiểu “tôi cũng như anh, anh cũng như tôi”, lợi dụng
sự tương đồng về tính chất giữa hai công việc là đều phải đi kiếm khách
để gợi cho anh xe đồng cảm, thấu hiểu với hoàn cảnh của mình. Câu nói
“tôi định nếu có khách thì hỏi vay tiền trả trước cho anh” là phát ngôn
mang tính xoa dịu thể diện âm tính của anh xe, đồng thời cũng ngầm thể
hiện sự thành thật của cô gái điếm, rằng nếu có khách thì cô sẵn sàng



vay tiền trả cho anh xe chứ không định quỵt. Câu nói “thì tôi biết phải
làm sao?” là câu nghi vấn nhưng lại thực hiện hành động than vãn, để
kêu gọi sự đồng cảm ở anh xe.
Liên tiếp những hành động than vãn thông qua hàng loạt câu hỏi vô
định như trên được đưa ra để khéo léo từ chối trả tiền:
“Bây giờ thì tôi biết làm thế nào?” [9, 30].
“Lên cẩm thì tôi đành lên với anh, chứ tôi biết làm thế nào?” [9, 30].
Ở phát ngôn này, cô gái điếm còn chấp nhận vô điều kiện lời đe dọa của
anh xe, dù biết nó phạm vào cả thể diện âm tính lẫn thể diện dương tính
của mình. Cách vi phạm thể diện chính mình như một biện pháp tôn thể
diện của đối ngôn lên trong ngữ huống này, rằng anh xe có quyền làm
mọi thứ anh muốn, chứng minh rằng cô hoàn toàn muốn cộng tác hội
thoại.
Nhưng ngay sau đó, cô lại tự nâng thể diện dương tính của mình lên
ở phát ngôn: “Nhà tôi ở ngay đầu ngõ Hàng Bún, khi nào anh đi qua, thì
tôi trả tiền anh chứ gì!” [9, 30]. Phát ngôn này ngầm thực hiện hành
động khẳng định rằng cô gái điếm cũng có thân phận, nơi ở rõ ràng, có
thể tin cậy được, chứ không phải hạng người chuyên đi quỵt xe. Đây
cũng là cách để tránh đe dọa tới thể diện âm tính của anh xe.
Sau một hồi trình bày, thanh minh không được, cô gái điếm đành
nói thằng, chấp nhận hành động này sẽ đe dọa, hạ thấp thể diện dương
tính của mình: “Tôi không có tiền đâu” [9, 30]. Nhưng như thế sẽ đe dọa
thể diện âm tính của anh xe nên cô phải thưc hiện một hành động đề
nghị ngay sau đó để chứng minh lời mình nói là đúng: “chả tin anh
khám mà xem!” [9, 30].
Ngay sau khi thẳng thừng, cô gái điếm lại thực hiện các hành động
cho, tặng, chấp nhận vi phạm thể diện âm tính của mình để tôn thể diện
âm tính của anh xe lên: “Đây, hay là phu la, áo, đồng hồ đây, anh muốn
lấy gì thì lấy” [9, 30].

Thấy anh xe vẫn cáu, cô gái điếm tiếp tục dùng các biểu thức rào
đón “Thôi này”, “Tôi bảo” kèm theo ngữ điệu để xoa dịu, vuốt ve cho anh


nguôi giận, tôn thể diện dương tính của anh lên: “Thôi này, đừng cáu
làm gì. Tôi bảo, cảnh tôi cũng như cảnh anh, cũng là đi kiếm khách cả.
Nhỡ phải một tối này, thì đành chịu vậy, chứ biết làm thế nào?” [9, 30].
Đến đây, cô gái điếm đã không còn úp mở mà trực tiếp buộc anh xe vào
hoàn cảnh của mình để gợi lòng cảm thông của anh. Cô vẫn sử dụng câu
nghi vấn để tăng hiệu lực cho việc nhấn mạnh vào hoàn cảnh éo le của
mình.
Ở phát ngôn tiếp theo, cô gái điếm dùng hành động cầu khiến và
trình bày để tạo thêm niềm tin cho anh xe rằng cô sẽ không đe dọa tới
thể diện âm tính của anh, vẫn trả tiền đầy đủ: “Nào ai biết cơ sự nó ra
thế này. Thôi, này, tôi nói thế này thì anh nghe. Nếu bây giờ anh bỏ tôi ở
đây, thì tôi không có tiền trả anh, sự ấy đã đành rồi, nhưng mà anh thiệt.
Vậy anh cố kéo tôi nữa, may tôi có khách thì tôi có tiền, mà anh cũng
không phải phàn nàn nữa” [9, 31]. Biểu thức rào đòn “thôi, này” vẫn
được sử dụng để xoa dịu, vuốt ve, nhưng có thêm ngắt nhịp (trên văn
bản là dấu phẩy, ở lời nói là ngữ điệu) để nhấn mạnh vào từ “thôi”, ý
muốn xoa dịu anh xe hãy nguôi cơn giận. Cô gái điếm còn sử dụng lập
luận “nếu anh bỏ tôi ở đây, thì tôi không có tiền trả anh, sự ấy đã đành
rồi, nhưng mà anh thiệt” để đổ lỗi cho hoàn cảnh khó khăn và khéo léo
đẩy trách nhiệm sang anh xe mà không khiến anh xe mích lòng. Câu chốt
“nhưng mà anh thiệt” còn ngầm giãi bày sự quan tâm, lo lắng của cô tới
anh xe, qua đó nâng thể diện của anh lên.
Từ “thôi” vẫn được cô gái điếm sử dụng như một từ cảm thán để
vừa xoa dịu anh xe, vừa năn nỉ anh ta nghe theo lời sai khiến của mình
mà không đe dọa tới thể diện âm tính của anh ta trong những phát
ngôn tiếp theo:

“Thôi anh bằng lòng vậy!” [9, 32].
“Này, anh đỗ xuống tôi bảo. Tôi nói thực với anh nhé. Bây giờ đã về
sáng rồi, chắc anh kéo tôi mãi cũng đến thế thôi. Tôi thì thực không có
tiền trả anh. Tôi gán cho anh khăn, áo, đồng hồ mà anh không lấy, thì tôi


chả biết nghĩ thế nào cho phải cả. Thôi thì anh kéo tôi ra chỗ kín, vắng,
anh muốn bắt tôi gì, tôi xin chịu!” [9, 32]. Toàn bộ phát ngôn này thực
hiện hành động thanh minh của cô gái điếm và đền bù thể diện âm tính
cho anh xe. Trong câu đầu tiên, từ “này” được đặt ở đầu như một biểu
thức rào đón để nối gần quan hệ hơn, giúp cuộc giao tiếp gần gũi, thân
mật hơn, qua đó giảm nhẹ khả năng đe dọa thể diện âm tính của anh xe
khi thực hiện hành động sai khiến “anh đỗ xuống tôi bảo”. Tiếp theo là
một biểu thức rào đón liên quan đến phương châm về chất trong nguyên
tắc cộng tác hội thoại của Grice “tôi nói thực với anh nhé” để cho thấy cô
gái điếm hoàn toàn tôn trọng cuộc giao tiếp và đối ngôn của mình. Sau
đó, cô gái điếm bắt đầu thực hiện hành động thanh minh qua các luận
cứ, rằng cô không có tiền và đã muốn trả anh xe bằng những thứ có trên
người. Qua đó cô khéo léo đổ trách nhiệm cho anh xe là do anh không
chịu lấy đồ chứ không phải cô muốn quỵt công của anh, mà không đe
dọa tới thể diện dương tính của anh. Từ “xin” trong câu cuối cùng được
sử dụng để nhấn mạnh vào sự thành tâm của cô gái điếm.
Ở phát ngôn “Anh này thực thà quá, nghĩa là chỉ có anh và tôi thôi,
thì người tôi đây, anh muốn làm gì, tôi cũng bằng lòng” [9, 32], cô gái
điếm đã sử dụng biện pháp nói giảm để tránh đe dọa tới thể diện dương
tính của anh xe. Trong câu “anh này thực thà quá” vốn là hành động
gián tiếp mang tính chê bai, nhưng cô nói giảm thành “thực thà” để biến
nó thành hành động khen ngợi (vì “thực thà” là tính từ chỉ phẩm chất
tốt của con người) chứ không dùng “ngu dại quá”, “ngây ngô quá”, “ngố
quá”…

Khi anh xe từ chối việc mời gọi của cô gái điếm, cô khẳng định
“không sợ, tôi mới khám bệnh hôm qua” [9, 32] để tạo niềm tin ở anh xe,
qua đó cho thấy ý muốn cộng tác tích cực của mình.
Biết rằng phát ngôn “thế thì anh cứ kéo tôi về nhà tôi” [9, 32] là một
hành động đề nghị có khả năng đe dọa thể diện âm tính của anh xe, cô


gái điếm liền thêm vào ngay sau đó một hành động mời gọi có tính cho
tặng để tôn thể diện âm tính của anh đi, chấp nhận hành động đó đe dọa
tới thể diện âm tính của mình: “xem có đồ đạc gì đáng giá, anh cứ việc
lấy” [9, 32].
Đến trước cửa một nhà săm, cô gái điếm tính kế bỏ trốn để không
phải trả tiền, nhưng nếu cứ thế bỏ trốn sẽ vi phạm tới thể diện của anh
xe nên cô dùng biện pháp nói ngon nói ngọt mà bịa ra một chuyện khác:
“Anh hãy ghé vào đây một tí cho tôi hỏi vay tiền người này xem có được
không” [9, 33]. Danh từ “một tí” được chêm xen vào giữa câu, ngay sau
hành động đề nghị cũng có tính chất gợi sự thân mật, năn nỉ để tránh đe
dọa tới thể diện âm tính của anh xe. Có thể thấy, cô gái điếm sử dụng rất
nhiều các từ ngữ thân mật dùng trong giao tiếp thường ngày để níu gần
khoảng cách giao tiếp giữa mình với anh xe.


C.

KẾT LUẬN

Sau khi khảo sát chiến lược lịch sự của hành động từ chối giữa các
nhân vật trong ba truyện ngắn Nguyễn Công Hoan là Đồng hào có ma,
Mất cái ví, Người ngựa và ngựa người, chúng tôi đã có điều kiện thực
hành các lí thuyết quan trọng của ngữ dụng học về phép lịch sự trong

các hành động ngôn ngữ vào tác phẩm văn học. Đây là cơ hội lớn để
chúng tôi có được hướng đi mới trong công tác nghiên cứu và giảng
dạy, nói cách khác là sử dụng các lí thuyết mới của ngôn ngữ học hiện
đại để khám phá tác phẩm, thoát khỏi những lối mòn của ngôn ngữ học
truyền thống.
Trong tiểu luận, chúng tôi đã tìm hiểu chiến lược lịch sự thông qua
các lượt lời, từ ngữ được nhân vật sử dụng như đại từ xưng hô, thán từ,
tình thái từ, biểu thức ngữ vi, biểu thức rào đón, hành động nói giảm,
nói tránh, đưa đẩy, mượn lời… Rất nhiều phương thức, chiến lược lịch
sự được tác giả sử dụng để xây dựng tính cách, hành động đa dạng, sinh
động, phong phú cho nhân vật của mình. Từ đó, tác giả khắc họa một
cách chân thực bức tranh xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX.
Qua đây, chúng tôi cũng hiểu thêm về cách giao tiếp, xưng hô, dùng
từ của các tầng lớp người, các giai cấp trong xã hội Việt Nam đầu thế kỉ
XX, cũng như cách họ ứng xử, đối đãi với nhau.


×