Tải bản đầy đủ (.doc) (24 trang)

Thu hoạch thực tế tại Phú Quốc chương trình cao cấp chính trị

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (15.43 MB, 24 trang )

1

HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH KHU VỰC IV
LỚP CAO CẤP CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH TẬP TRUNG
KHÓA XXIII (CÔNG AN TP. CẦN THƠ)

BÁO CÁO
THU HOẠCH THỰC TẾ

HỌC VIÊN: NGUYỄN TẤN THƯƠNG
LỚP CAO CẤP CT - HC TẬP TRUNG KHÓA XXIII

Thành phố Cần Thơ, năm 2013


2

LỜI NÓI ĐẦU

Thực hiện kế hoạch đào tạo Lớp cao cấp chính trị - hành chính tập trung
Khóa XXIII, ngày 23 đến ngày 26 tháng 4 năm 2013 Học viện chính trị - hành
chính khu vực IV đã tổ chức cho 55 học viên lớp học thực tế tại Huyện đảo Phú
Quốc – tỉnh Kiên Giang.
Cùng đi với Lớp có Thầy Ts Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện
(Trưởng Đoàn), Thầy Ts Nguyễn Thành Hưng, phó Giám đốc Học viện, Thầy Ts
Trương Quang Khải, Trưởng Khoa, giáo viên chủ nhiệm lớp…
Hành trình của Đoàn bắt đầu lúc 3 giờ sáng ngày 23/4/2013 xuất phát tại
Công an thành phố Cần Thơ, di chuyển bằng ô tô đến Rạch Gía – Kiên Giang,
sau đó đi bằng tàu Cao tốc đến đảo Phú Quốc. Đoàn trở về Cần Thơ lúc 22 giờ
ngày 26 tháng 4 năm 2013.
Trong 3 ngày thực tế tại Phú Quốc, Kiên Giang, Đoàn thực tế đã đi thăm


và nghe Bộ Tư Lệnh Vùng 5 Hải Quân thông báo tình hình biển đảo, tham quan
Nhà tù Phú Quốc, nghe Huyện ủy Phú Quốc thông báo tình hình kinh tế, văn hóa
– xã hội, an ninh – quốc phòng…, tham quan làng chài Hàm Ninh, đánh bắt cá,
mực tại Bắc đảo, thăm cơ sở sản xuất rượu sim, nước mắm Khải Hoàn, khu Hồ
Tiêu…
Qua chuyến đi thực tế bản thân được trải nghiệm nhiều vấn đề thú vị.
Trong phạm vi báo cáo thu hoạch thực tế này, tôi xin trình bày những vấn đề
trọng tâm của chuyến đi thực tế gồm 3 phần như sau:
I. TỔNG QUAN VỀ HUYỆN ĐẢO PHÚ QUỐC
II. KHÁI QUÁT VỀ BỘ TƯ LỆNH VÙNG 5 HẢI QUÂN
III. KINH NGHIỆM RÚT RA QUA CHUYẾN THỰC TẾ VÀ NHỮNG
ĐỀ XUẤT - KIẾN NGHỊ


3

I. TỔNG QUAN VỀ HUYỆN ĐẢO PHÚ QUỐC
Phú Quốc, còn được mệnh danh là Đảo Ngọc, là hòn đảo lớn nhất
của Việt Nam, cũng là đảo lớn nhất trong quần thể 27 đảo tại đây, trong đó đảo
Phú Quốc là đảo lớn nhất, diện tích 567km2; chu vi bờ biển 150km; nằm
trong vịnh Thái Lan, tiếp giáp với vùng biển các nước Thái Lan, Malaysia và
Camphuchia. Đảo Phú Quốc cùng với các đảo khác tạo thành huyện đảo Phú
Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Toàn bộ huyện đảo có tổng diện tích
589,23 km² (theo thống kê số liệu đất năm 2005), xấp xỉ diện tích đảo quốc
Singapore thập niên 1960 khi chưa san lấp lấn biển. Thị trấn Dương Đông, tọa
lạc ở phía tây bắc, là thủ phủ của huyện đảo. Phú Quốc nằm cách thành phố
Rạch Giá 120 km và cách thị xã Hà Tiên 45 km. Năm 2006, Khu dự trữ sinh
quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang bao gồm cả huyện này được UNESCO
công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Do có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch và có vị trí quan trọng về quốc

phòng – an ninh, nên Thủ Tướng Chính Phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể phát
triển Đảo Phú Quốc đến năm 2020 tại Quyết định số 178/2004/QĐ- TTg ngày
05/10/2004; phê duyệt Quy hoạch chung đến năm 2020 và phê duyệt điều chỉnh
Quy hoạch chung đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng Phú Quốc trở thành khu
kinh tế - hành chính đặc biệt; trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao
cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực; là đầu mối quan
trọng về giao thông vận tải nội vùng và hàng không quốc tế; là trung tâm nghiên
cứu khoa học công nghệ chuyên ngành; trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học rừng
và biển của quốc gia và khu vực; có vị trí đặc biệt về an ninh và quốc phòng. Đến
năm 2020, dân số khoảng 340.000 – 380.000 người; thu hút 2 – 3 triệu lượt khách
du lịch (khách quốc tế 35 – 40%); đến năm 2030, dân số 500.000 – 550.000
người, thu hút 5 -7 triệu lượt khách (khách quốc tế 45 – 50%).


4

Đoàn chụp hình lưu niệm với Huyện ủy Phú Quốc
1. Về kinh tế, văn hóa – xã hội
Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của Trung ương, Chính Phủ,
sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh, Đảng bộ và nhân
dân trong huyện đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, đoàn kết quyết tâm, từng bước
đưa huyện nhà vượt qua khó khăn và có bước phát triển mới đáng mừng. Kinh tế
Phú Quốc trong những năm qua tăng trưởng ở mức cao và ổn định, bình quân
hàng năm tăng 22%, gấp 4,9 lần so với năm 2004. GDP bình quân đầu người
năm 2012 (theo giá hiện hành) đạt 50 triệu đồng/người/năm, gấp 5,7 lần so với
năm 2004. Lượt khách du lịch tăng bình quân hàng năm khoảng 13% (năm 2012
khách du lịch ước đạt 362.281 lượt người, bằng 2,7 lần năm 2004). Thu ngân
sách bình quân hàng năm hơn 36% (năm 2012 đạt hơn 681,1 tỷ đồng, tăng gấp
15,5 lần so với năm 2004). Các lĩnh vực thương mại - dịch vụ, xây dựng, vận tải
(cả đường biển, đường không và đường bộ) phát triển nhanh. Đời sống nhân dân

được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo từ 14% năm 2004 giảm còn 1,86% năm 2012.
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chăm lo gia đình chính sách và người
có công, hộ nghèo có nhiều tiến bộ.
Ở lĩnh vực đầu tư, Phú Quốc hiện có 1.295 doanh nghiệp, vốn đăng ký
24.804 tỷ đồng, số doanh nghiệp tăng gấp 5,02 lần và vốn đăng ký tăng 66,5 lần
so với năm 2004 (trong đó có 480 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, vốn
đăng ký 915 tỷ đồng). Đã thu hút 219 dự án đầu tư với diện tích 10.470 ha (trong


5

đó 72 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, diện tích 4073 ha, vốn đầu tư
73.482 tỷ đồng và 147 dự án được chấp thuận đầu tư với diện tích 6.397 ha); đã
có 09 dự án đi vào hoạt động.
Trong lĩnh vực du lịch, Phú Quốc có 100 cơ sở lưu trú với 1975 phòng,
3366 giường. Nhiều công trình trọng điểm từng bước được hoàn thành như: Cảng
hàng không quốc tế Phú Quốc, tiếp nhận được máy bay B767, B747-400 và các
hạng mục đạt công suất 2,5 -3 triệu lượt khách /năm, công suất hàng hóa 14.300
tấn; cảnh biển quốc tế tổng hợp An Thới, Cảng nội địa Dương Đông, Bãi Thơm;
đang đầu tư tiếp tục hoàn chỉnh các trục giao thông chính Bắc – Nam; đường
quanh đảo và các trục đường ngang với đô thị Dương Đông, Bãi Thơm, Cửa
Cạn… các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và y tế được tập trung đầu tư và đạt được
những kết quả quan trọng góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của
nhân dân.
2. Về quốc phòng – an ninh
Quốc phòng – an ninh được tăng cường giữ vững. Trên địa bàn hiện có các
lực lượng: Bộ tư lệnh vùng 5 Hải Quân, vùng Cảnh sát biển 4, Ra Đa, Biên
phòng, Công an và quân sự huyện. Các lực lượng phối hợp khá chặt chẽ, đảm bảo
thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và an ninh nội địa. Đặc biệt là công tác
đối ngoại đạt nhiều kết quả tiến bộ, duy trì tốt mối quan hệ trao đổi, hợp tác

thường xuyên với các lực lượng giáp biên, không để xảy ra vụ việc căng thẳng,
bất ngờ.
3. Về hệ thống chính trị
Phú Quốc có 10 đơn vị hành chính, gồm 08 xã và 2 thị trấn (Dương Đông
và An Thới), trong đó có 2 xã đảo là Hòn Thơm và Thổ Châu); 51 ấp, khu phố;
453 tổ nhân dân tự quản. Toàn huyện có 38 chi bộ, đảng bộ cơ sở trực thuộc với
2253 đảng viên, tăng gấp 1,7 lần so với năm 2005 và chiếm 2% dân số.
Bộ máy chính quyền được củng cố kiện toàn (thực hiện cơ chế thí điểm
không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp huyện), công tác quản lý, điều hành có
nhiều tiến bộ. Cấp huyện có 13 phòng, ban (Văn phòng UBND huyện, Phòng Nội
Vụ, phòng Tài chính, phòng Kinh tế, phòng Quản lý đô thị, phòng Tư pháp,
phòng Giáo dục và đào tạo, Văn hóa thông tin, Lao động thương binh và xã hội,
Tài nguyên môi trường, phòng Dân Tộc và Thanh tra Nhà nước) với 95 biên chế
quản lý nhà nước (bằng quy định của Nghị định 14 và Nghị định 12 của Chính
phủ cho cấp huyện), 38 biên chế sự nghiệp văn hóa xã hội, 1.067 giáo viên và
299 y bác sĩ. Đội ngũ cán bộ công chức từng bước được nâng lên về trình độ
năng lực thực tiễn giải quyết công việc nhanh chóng và có hiệu quả hơn. Đội ngũ
cán bộ chủ chốt đều đạt chuẩn, hiện có 70,2% cán bộ Trưởng, Phó Phòng cấp
huyện có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, 64,2% cán bộ chủ chốt xã, thị
trấn có trình độ đạt chuẩn.


6

4. Văn hóa - tôn giáo – dân cư
Ở đảo Phú Quốc, vào ngày rằm tháng 7 âm lịch người dân thường đi chùa
tại thị trấn Dương Đông. Vào ngày này sinh hoạt tôn giáo diễn ra khá nhộn nhịp.
Cũng như những nơi khác ở Việt Nam, Phật giáo là tôn giáo có nhiều tín
đồ và có ảnh hưởng nhất ở Phú Quốc với những ngôi chùa có hàng trăm năm tuổi
như chùa Sùng Hưng, Sùng Đức, Sư Muôn (còn gọi là chùa Hùng Long)...

Phú Quốc được xem là nơi phát tích của đạo Cao Đài. Ngày nay trên đảo
có hai Thánh thất Cao Đài ở thị trấn Dương Đông. Một là Thánh thất Dương
Đông thuộc Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh, hai là Thánh thất Cao Đài
Hội Thánh thuộc phái Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi.
Phú Quốc này trước đây có một số nhà nguyện, nhà thờ: Khoảng năm
1930, một số giáo dân miền bắc vào đảo này làm đồn điền cao su ở gần Bãi
Khem. Hai linh mục người Malaysia là Albelza và Merdrignac đã cho xây một
nhà nguyện tạm bằng lá để làm nơi cầu nguyện, lễ lạc. Việc trồng cao su thất bại
nên một số lớn dân chúng vào đất liền chỉ còn lại ít dân nhà nguyện dần dần bị bỏ
hoang. Năm 1955, một linh mục cho xây nhà thờ ở thị trấn Dương Đông. Sau
năm 1975, nhà thờ này lại bỏ trống, hiện nay được nhà nước quản lý.
Sau năm 1954, có khoảng 1.000 giáo dân quê quán ở Nghệ An ra đảo sinh
sống, dưới sự dẫn dắt của linh mục Giuse Trần Đình Lữ. Nhà thờ An Thới được
thành lập vào năm 1957 để phục vụ nhu cầu đời sống tôn giáo của các giáo dân.
Những năm sau đó, nhiều linh mục và thầy giảng đã được Giám mục Giáo phận
Long Xuyên sai đến để phục vụ. Hiện tại, chính xứ là Linh mục Gioan Trần Văn
Trông, với sự giúp đỡ của 2 phó xứ là Linh mục Hải Đăng và Vinh Sơn Nguyễn
Văn Cảnh. Số giáo dân hiện tại khoảng 2.000 người.
Trước năm 1975 dân số trên đảo chỉ hơn 5000 người. Sau năm 1975, dân
số trên đảo tăng lên nhanh chóng do hiện tượng di dân. Đến năm 2003, theo
thống kê của tỉnh Kiên Giang dân cư sinh sống trên đảo đã lên đến trên 79.800
người, (hiện nay khoảng 100.000 người) với mật độ trung bình là 135 người/km²,
thấp hơn mật độ trung bình của cả nước 253 người/km².
Các khu dân cư chính: Thị trấn Dương Đông; Thị trấn An Thới; Làng chài
Hàm Ninh; Làng chài Cửa Cạn; Xã đảo Hòn Thơm
5. Khí hậu - Thủy văn – giao thông
Thời tiết mát mẻ mang tính nhiệt đới gió mùa. Khí hậu chia hai mùa rõ rệt.
Mùa khô: Đảo Phú Quốc chịu ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc Nhiệt độ cao nhất
35 độ C vào tháng 4 và tháng 5. Mùa mưa: Đảo Phú Quốc là cửa ngõ đón gió
mùa Tây - Tây Nam, độ ẩm cao từ 85 đến 90%.



7

Giao thông: Rạch Giá có các chuyến tàu thủy kết nối với Phú Quốc. Sân
bay quốc tế Phú Quốc có các tuyến bay với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,
Cần Thơ và Rạch Giá.
6. Một số đặc sản và danh lam thắng cảnh Phú Quốc
Tại huyện đảo Phú Quốc chúng tôi có dịp tham quan nhiều danh lam thắng
cảnh, khu di tích lịch sử như làng chài Hàm Ninh, Bờ Bãi Dài Bắc Đảo, Vùng 5
Hải Quân, Nhà tù Phú Quốc, Giếng Gia Long và thưởng thức những đặc sản của
quê hương biển đảo này như: Nước mắm Phú Quốc; Còi biên mai; Tiêu Phú
Quốc; Cá khô Thiều; Rượu Sim; Nấm Tràm; Rượu Mỏ quạ; Rượu Hải mã; Hải
Sản; Ngọc trai biển; Cá bớp; Điều Phú Quốc; Cá Trích…

Tham gia lưới cá tại Bờ Bài dài Phú Quốc
6.1. Nước mắm
Nước mắm Phú Quốc là tên gọi chung cho các loại nước mắm được sản
xuất tại Phú Quốc, một đảo lớn ở phía tây nam của Việt Nam, thuộc tỉnh Kiên
Giang. Nó là một trong các loại nước mắm không những nổi tiếng ở Việt Nam
mà còn được biết ở nhiều nước trên khắp thế giới.
Từ năm 2001, Cục Sở hữu Công nghiệp đã công nhận tên gọi xuất xứ nước
mắm Phú Quốc và đến năm 2005, Bộ Thuỷ sản đã ban hành Quy định tạm thời
về sản xuất nước mắm mang tên gọi xuất xứ Phú Quốc, trong đó bắt buộc sau 3
năm, chỉ có nước mắm đóng chai tại Phú Quốc theo TCN230:2006 mới được
chứng nhận xuất xứ từ Phú Quốc.
Vùng biển xung quanh đảo Phú Quốc có nhiều rong biển và phù du làm
thức ăn cho các loài cá cơm, cho nên có nguồn lợi cá cơm rất lớn. Việc sử dụng
nguồn lợi này để làm nước mắm ở Phú Quốc đã có lịch sử trên 200 năm. Cuối thế



8

kỷ 19, người dân trên đảo Phú Quốc đã bán nước mắm sang Campuchia, Thái
Lan. Tuy nhiên, nước mắm Phú Quốc chỉ nổi tiếng từ những năm 1950, đạt cực
thịnh vào những năm 1965-1975. Trong thời kỳ bao cấp ở giai đoạn 1975-1986,
ngành sản xuất này mất dần thị phần, nhiều nhà thùng đóng cửa, chuyển nghề.
Tuy nhiên, kể từ khi nền kinh tế dần chuyển sang cơ chế thị trường, nghề làm
nước mắm ở Phú Quốc dần dần hồi phục. Đến nay, nước mắm Phú Quốc đã đạt 8
triệu lít/năm.

Nhà thùng nước mắm Phú Quốc
Trước năm 1945, ở Phú Quốc đã có gần 100 nhà thùng làm nước mắm, chủ
yếu tập trung ở Dương Ðông và Cửa Cạn. Trong thời gian chiến tranh, các nhà
thùng ở Cửa Cạn bị tàn phá, nên các nhà thùng dần chuyển qua Dương Ðông
và An Thới như hiện nay.
Nước mắm Phú Quốc được ngâm ủ trong những thùng gỗ lớn bằng gỗ bời
lời có tại rừng Phú Quốc, hoặc thay thế bằng vên vên hoặc chai do bời lời khó
tìm. Kích thước thùng từ 1,5-3m đường kính, cao từ 2-4m, ủ được từ 7-13 tấn cá.
Mỗi thùng được niềng bằng 8 sợi đai, mỗi sợi bện bằng 120 sợi song mây lấy từ
núi Ông Tám và Bắc Đảo. Mỗi thùng có thể dùng tới 60 năm nếu được sử dụng
thường xuyên.
Bất cứ loại cá nào cũng có thể sử dụng để làm nước mắm, nhưng người sản
xuất nước mắm Phú Quốc chỉ sử dụng cá cơm làm nguyên liệu. Cá cơm có
khoảng chục loại, nhưng chỉ có Sọc Tiêu, Cơm Ðỏ và Cơm Than là cho chất
lượng nước mắm cao nhất.


9


Ðiểm khác biệt của nước mắm Phú Quốc là cá cơm được trộn tươi trên tàu.
Mùa đánh bắt chủ yếu trong năm là từ tháng 7 đến tháng 12. Khi lưới cá vừa
được kéo cặp mạn, cá sẽ được vớt bằng vợt, loại bỏ tạp chất và súc rửa bằng
nước biển, sau đó trộn đảo ngay với muối với tỷ lệ 3 cá 1 muối rồi đưa xuống
hầm tàu. Cách trộn cá tươi như vậy giữ cho thịt cá không bị phân huỷ, nước mắm
có hàm lượng đạm cao nhất, không có mùi hôi.
Cá cơm Phú Quốc thường được ướp với muối Bà Rịa - Vũng Tàu, có hàm
lượng tạp chất thấp. Muối cũng được lưu kho không ít hơn 3 tháng để các muối
tạp gốc Can-xi và Ma-giê - vốn tạo ra vị chát trong nước mắm - lắng xuống dưới.
Khi sử dụng để muối cá, phần muối lắng ở dưới sẽ bị bỏ đi.
Cá cơm đã được ướp muối gọi là chượp. Khi tàu cá cập bến, chượp được
đưa vào thùng gỗ để ủ theo phương pháp gài nén (đăt vỉ và xếp đá trên mặt đã rải
một lớp muối). Quy trình ủ chượp tiêu chuẩn ở Phú Quốc là 12 tháng, cá biệt tới
15 tháng. Sau thời gian này, nước mắm mới được rút: ban đầu là nước mắm cốt
có độ đạm trên 30, tiếp đến là nước mắm long có độ đạm trên 20. Sau khi đã kéo
rút kiệt đạm trong chượp, các loại nước mắm mới được đấu trộn lại để có độ đạm
theo tiêu chuẩn.
Bằng phương pháp kéo rút nước nhất - phơi - đổ lại vào thùng mắm cái,
một số nhà sản xuất ở Phú Quốc đã cho ra nước mắm có độ đạm tổng tới 42o,
cao nhất bằng cách chế biến tự nhiên.
Sự khác biệt chính yếu của nước mắm Phú Quốc là màu cánh gián đặc
trưng, hoàn toàn tự nhiên chứ không bằng cách pha màu như những nơi khác.
Màu cánh gián này có được nhờ cách ướp tươi còn máu trong thân cá và thời
gian ủ trong thùng gỗ tới 12 tháng.
6.2. Hồ tiêu
Hồ tiêu Phú Quốc có vị thơm và cay nồng, và đặc biệt là đậm vị hơn nhiều
loại hồ tiêu đến từ những vùng miền khác, trong đó phải kể đến tiêu đỏ (tiêu
chín). Tiêu được người dân Phú Quốc thu hoạch từng đợt chín và chủ yếu là bằng
thủ công, chọn lựa những quả chín phơi riêng gọi là tiêu chín (tiêu đỏ), những
quả còn xanh sau khi phơi khô được gọi là tiêu cội (tiêu đen). Do nhu cầu của thị

trường, người dân đã dùng tiêu đen tẩy bỏ vỏ chỉ còn lại phần lõi hạt gọi là tiêu
sọ. Trong các loại tiêu thì tiêu chín là ngon nhất và đắt tiền nhất.
Một đặc tính canh tác nữa là hàng năm người trồng tiêu thường lấy những
vùng đất mới xung quanh vườn bón xung quanh gốc cây (còn gọi là "đất xây
thầu"). Cây nọc (choái) chủ yếu là lấy từ lõi của các loại cây quí như ổi rừng,
kiềng kiềng, trai, chay, săn đá,... Phân bón chủ yếu là phân bò, phân cá, xác mắm
(phần xác cá cơm bị loại bỏ sau khi hoàn tất quy trình sản xuất nước mắm).


10

Hom giống chủ yếu trồng từ hom thân nên giá thành rất cao. Trung bình để
trồng xong một ha từ 300 - 400 triệu/ha nên ít có nông dân đủ tiền trồng một lần
đủ diện tích lớn mà phải trồng từ từ nhiều năm, nên một vườn tiêu ở Phú Quốc
thường là có nhiều tuổi khác nhau.

Tham quan khu trồng Hồ tiêu

Cây Hồ tiêu được trồng ở Phú Quốc hàng trăm năm. Với diện tích trung
bình là 471ha tập trung ở 3 xã Cửa Dương, Cửa Cạn và Dương Tơ. Thời điểm
diện tích lớn nhất là vào những năm 1995-2000 là hơn 1000 ha. Đây là thời điểm
giá tiêu cao nhất (100 - 120.000 đồng/kg tương đương 30 – 40 kg gạo) người
trồng tiêu có lời từ 200 - 300 triệu/ha (thời điểm năm 1995 - 2000).
Giống trồng chủ yếu là 2 giống Hà Tiên và Phú Quốc (HT lá lớn và HT lá
nhỏ). Hai nhóm giống này có thới gian thu hoạch gần tương đương nhau từ tháng
11 âm lịch kéo dài hết tháng 2 âm lịch. Giống Hà Tiên có năng suất cao hơn
nhóm Phú Quốc nhưng tuổi thọ và kháng sâu bệnh kém hơn.
Năng suất tiêu ở Phú Quốc trung bình là 2000 – 3000 kg/ha, mật độ trồng
từ 2500 - 3000 nọc/ha.
6.3. Rượu sim



11

Rượu sim là một loại rượu đặc sản của Phú Quốc, Việt Nam. Mặc dù cây
sim có ở nhiều nơi, nhưng sim ở Phú Quốc có những đặc điểm riêng. Ví dụ, sim
ở Phú Quốc chín rộ vào dịp tháng Giêng âm lịch, còn sim ở miền Bắc Việt
Nam thì chín vào dịp tháng Bảy.
Cây sim có 2 loại, đó là hồng sim và tiểu sim, đều có lá mặt dưới màu
trắng có lông, trái khi chín có màu tím đen. Trái sim dùng làm rượu ở Phú Quốc
chủ yếu là hồng sim.
Trái sim nguyên liệu đưa về rửa sạch, chọn quả chín mọng xay nhuyễn và
ủ lên men với đường cát theo một tỷ lệ nhất định (còn được giữ bí mật để cho ra
được sản phẩm tốt) trong môi trường hiếm khí từ 40 đến 45 ngày. Sau khi sản
phẩm lên men hoàn chỉnh ta sẽ được một loại rượu màu hồng, uống có vị cay
chua ngọt như rượu vang nho với nồng độ khoảng 11,5%.
Xin lưu ý những loại rượu sau không được coi là rượu sim: gồm sim tươi
ngâm trực tiếp với rượu, cây sim (thân, rễ lá) ngâm rượu vì rượu sim truyền
thống là loại rượu lên men tự nhiên từ trái sim. Một số sản phẩm rượu Sim đã sản
xuất được ở Phú Quốc bao gồm: rượu Sim 39%vol, rượu Sim 30%vol, rượu vang
Sim 12%vol...
Ở Phú Quốc có một số gia đình sản xuất rượu sim cung cấp cho thị trường
khách du lịch ở đảo và được đăng ký nhãn hiệu chất lượng tại Sở Y tế tỉnh Kiên
Giang như Sim Sơn, Bảy Gáo, Thành Long.
6.4. Di tích lịch sử – nhà tù Phú Quốc
Vốn là một trại giam do thực dân Pháp xây dựng để giam cầm những
người Việt, năm 1967, chính quyền Sài Gòn xây dựng lại Nhà lao Cây Dừa hay
còn gọi là Trại giam tù binh chiến tranh Phú Quốc, hay Trại giam tù binh cộng
sản Phú Quốc trên diện tích khoảng 400ha. Đây là nơi giam giữ “cán binh cộng
sản” lớn nhất miền Nam với hơn 32.000 tù binh từng bị giam giữ. Có lúc lên tới

40.000 nếu tính cả tù chính trị nhiều thời kỳ.
Nhà tù Phú Quốc có tất cả 12 khu được đánh số từ 1 đến 12, do 3 tiểu
đoàn quân cảnh (7, 8, 12) canh giữ. Riêng khu 13, 14 được xây dựng thêm vào
cuối năm 1972. Mỗi khu trại giam có thể chứa khoảng 3.000 tù nhân. Mỗi khu
trại giam được chia làm nhiều phân khu, mỗi phân khu chứa được 950 tù binh,
riêng phân khu B2 dành riêng để giam giữ các sĩ quan.


12

Tham quan nhà tù Phú Quốc
Bao quanh mỗi khu nhà lao là trùng trùng hàng rào kẽm gai 10 – 15 lớp
kẽm cứng với hệ thống điện chiếu sáng dày đặc. Bên cạnh bộ máy cai ngục, lúc
cao nhất tới bốn tiểu đoàn lính gác trang bị đầy đủ vũ khí và phương tiện cơ
động, canh giữ, tuần tiễu ngày đêm. Ngoài biển thường xuyên có một hải đoàn
hải quân tuần tiễu vòng ngoài…
Lực lượng canh giữ tù binh đông đến mức 2 người tù có 1 người lính trông
giữ. Bộ máy đàn áp lên đến 4.000 người gồm cả hải, lục, không quân. Với bộ
máy này, địch tin rằng không những đàn áp mà đánh bại bất cứ một lực lượng
ngoại nhập nào tính liều mạng giải phóng tù binh nhà lao Cây Dừa.
Nhà tù Phú Quốc là một bằng chứng sống động ghi dấu tội ác vô cùng dã
man của chế độ thực dân, đế quốc xâm lược, đồng thời nói lên tinh thần bất khuất
đấu tranh kiên cường của các chiến sĩ cách mạng. Tù binh chiến tranh tại nhà tù
Phú Quốc đã phải chịu những hình phạt, tra tấn rất dã man như đóng đinh vào
tay, chân, đầu; đốt dây kẽm cháy đỏ đâm vào da thịt, đục răng, trùm bao bố chế
nước sôi hoặc đổ lửa than, ném vào chảo nước sôi, thiêu sống, chôn sống… Song
với ý chí kiên cường, dũng cảm mưu trí, anh em đã đối phó với chúng bằng nhiều
hình thức đấu tranh từ thấp đến cao, phân hoá hàng ngũ địch, diệt ác ôn, tổ chức
vượt ngục…
6.5. Giếng Gia Long

Dân giang truyền rằng, trong cơn quẫn bách, không có nước ngọt cho
quân, Nguyễn Ánh đã dậm chân chỉ mũi kiếm thần vào lòng đất, làm bắn ra một


13

dòng nước ngọt mà đến nay vẫn còn tuôn chảy, dấu giầy xưa vẫn còn khắc sâu
trên đá và nơi ấy được người dân gọi là Giếng Ngự, Giếng Tiên hay Giếng Gia
Long.
II. KHÁI QUÁT VỀ BỘ TƯ LỆNH VÙNG 5 HẢI QUÂN
1. Về biên chế tổ chức Quân chủng Hải quân đã có bước phát triển
mới
Năm 2009, 2010, Bộ Quốc phòng Quyết định thành lập thêm một Vùng
Hải quân (Vùng 2, tương đương với cấp Sư đoàn); thành lập Đoàn 681; Đoàn 189
tàu ngầm hiện đại đầu tiên của Hải quân Việt Nam; có 15 đơn vị cấp tiểu đoàn và
các khung tàu mới được thành lập. Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã Quyết
định nâng cấp các Vùng Hải quân Vùng thành Bộ Tư lệnh Vùng.
Hiện nay Quân chủng có 5 Bộ Tư lệnh Vùng 1, 2, 3, 4, 5.
Vùng 1 đóng quân ở Hải Phòng, Quảng Ninh.
Vùng 2 đóng quân ở Đồng Nai.
Vùng 3 đóng quân ở Đà nẵng.
Vùng 4 đóng quân ở Khánh Hòa
Vùng 5 đóng quân ở Kiên Giang.
2. Lực lượng QCHQ, gồm:
(1). Lực lượng chiến đấu: tàu ngầm loại nhỏ, tàu chiến đấu mặt nước, pháo
tên bờ, HQ đánh bộ, đặc công HQ và lực lượng phòng thủ bảo vệ căn cứ và hải
đảo.
(2). Lực lượng bảo đảm chiến đấu có các ngành: Thông tin, ra đa, tác chiến
điện tử, công binh, bảo đảm hàng hải, hoá học và các nhà máy, xưởng, trạm đóng
và sửa chữa các phương tiện VKTB kỹ thuật HQ.

(3). Hệ thống các cơ quan, học viện nhà trường và trung tâm đào tạo huấn
luyện (HVHQ, Trường TCKT tàu).
(4). Lực lượng tàu phục vụ và làm kinh tế quốc phòng: Các công ty Tân
cảng; 128; 129, xí nghiệp kinh tế, QP.
- Những năm gần đây, Quân chủng Hải quân đã được Đảng, Nhà nước và
Quân đội quan tâm, đầu tư mua sắm các loại vũ khí trang bị kỹ thuật mới, hiện
đại và tự đóng một số tàu quân sự nhằm xây dựng lực lượng HQ phải có đủ 5


14

binh chủng: (1) Tàu mặt nước; (2) tàu ngầm; (3) Tên lửa – pháo bờ biển; (4)
Không quân HQ; (5) Lực lượng đặc công HQ, HQ đánh bộ. Nhằm phát huy tối
đa sức mạnh của mỗi loại phương tiện, trang bị vũ khí hiện nay trong lực lượng
chiến đẩu của HQ.
(1) Về lực lượng tàu ngầm: Có 01 lữ đoàn tàu ngầm, nhằm tăng khả năng
tiến công tàu mặt nước và tàu ngầm đối phương và sự có mặt của tàu ngầm trong
HQ có tính răn đe đối phương nếu có âm mưu xâm chiếm, xâm lấn biển đảo của
ta. Ngoài ra tàu ngầm còn có thể rải thả thuỷ lôi bí mật, thả đặc công nước.... hiện
ta đang trang bị tàu ngầm Ki-lô 636 hiện đại (dự kiến năm 2013 đến 2016, 6
chiếc tàu ngầm hiện đại sẽ về nước; mang phiên hiệu HQ 182-186; tên dân sự
là Tàu Hà Nội, TP HCM, HP, KH, ĐN, BR-VT).
(2) Tiến tới các vùng Hải quân (BTL Vùng 1, 2, 3, 4 và 5), mỗi vùng có
hai lữ đoàn tàu chiến. Nhằm tăng khả năng tiến công tàu mặt nước, tàu ngầm, tấn
công tên lửa bờ và ven bờ và thực hiện các nhiệm vụ khác như tuần tiễu, trinh
sát, thả và rà phá thuỷ lôi...hiện có và đang đầu tư Tàu hộ vệ tên lửa “Gepard
3.9”, hai tàu này được đặt tên “HQ 011; Đinh Tiên Hoàng” và “HQ 012; Lý Thái
Tổ”; Tàu tên lửa 1241, 1241.8.
(3) Đầu tư mới các Đoàn Tên lửa bờ tầm xa nhằm tăng khả năng răn đe,
đánh bại hành động dùng vũ lực đánh chiếm biển đảo của ta do đối phương tiến

hành có tầm bắn 300km (681, 682; 685).
(4) Hoàn thiện và nâng cấp trung đoàn không quân Hải quân. Không quân
– HQ có thể tham gia đánh bại hành động dùng vũ lực xâm chiếm biển, đảo của
ta, tuần tiễu, trinh sát, thả quân đổ bộ đường không, tìm kiếm – cứu nạn... hiện
nay đang đầu tư:
Máy bay ĐHC-6 là loại máy bay thuỷ phi cơ cánh bằng, vừa hạ cánh được
ở trên bộ và ở trên biển.
Máy bay EC-225 là loại máy bay trực thăng hiện đại nhất thế giới hiện
nay, có thể bay biển trong điều kiện thời tiết xấu
Máy bay không người lái; máy bay K28…
(5) Đầu tư trang bị vũ khí tinh nhuệ cho lực lượng hải quân đánh bộ, đặc
công nước (147, 101, 126); đơn vị phòng thủ đảo (952, 146…). Để Đặc công
nước và HQ đánh bộ có khả năng bí mật tiếp cận tiêu diệt các mục tiêu của đối
phương khi chúng sử dụng vũ lực, khôi phục lại các đảo bị xâm chiếm của ta.


15

* Một số kết quả hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo của QCHQ thời
gian qua
Nhận thức đúng chức năng, nhiệm vụ, tính chất phức tạp trên các vùng
biển, đảo nước ta, đặc biệt là trên các vùng biển, đảo trọng điểm. Quân chủng Hải
quân đã tích cực, chủ động triển khai toàn diện, đồng bộ các hoạt động trên nhiều
lĩnh vực, nhất là các hoạt động trên thực địa, góp phần tạo nên sức mạnh tổng
hợp trong quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ
quốc.
Một số kết quả nổi bật là:
1. Là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa. Duy trì
sự ổn định trên các vùng biển, giữ được chủ quyền không để xảy ra xung đột.
- Tổ chức lực lượng thực hiện các nhiệm vụ SSCĐ (24/24).

- Nắm chắc các động thái mới - tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước,
QUTW và BQP các biện pháp xử lý các tình huống, đúng đối sách, trên từng khu
vực biển.
- Tích cực chủ động phối hợp với các lực lượng trên biển hoàn thành tốt
nhiệm vụ bảo vệ các dự án khảo sát, thăm dò, khai thác dầu khí; các công trình
kinh tế; bước đầu xoá được các điểm đen, khu vực đánh cá truyền thống của nước
ngoài.
- Với tinh thần chỉ đạo 8K
+ Kiên quyết (đấu tranh bảo vệ chủ quyền).
+ Kiên trì (lâu dài gian khổ).
+ Kiên định (giữ vững lập trường về chủ quyền)
+ Không khiêu khích (tạo cớ cho chúng đánh chiếm xung đột).
+ Không mắc khiêu khích.
+ Khôn khéo (dĩ bất biến, ứng vạn biến).
+ Không để xảy ra xung đột (giữ vững an ninh chủ quyền).
+ Kiềm chế.
- 4 Tránh
+ Tránh xung đột quân sự


16

+ Tránh đối đầu về kinh tế
+ Tránh cô lập về ngoại giao
+ Tránh lệ thuộc về chính trị
- 3 Không
+ Không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào
+ Không cho NN đặt căn cứ quân sự tại VN
+ Không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực đối với nước khác
(nhưng SS tự vệ chống lại mọi hành động xâm phạm chủ quyền và lợi ích quốc

gia trên biển của Việt Nam).
Chiến sỹ Hải quân luôn thể hiện bản lĩnh ý chí kiên cường vượt qua mọi
khó khăn gian khổ, sóng to gió lớn, sự khiêu khích đe doạ của NN. Sẵn sàng
chiến đấu hy sinh bảo vệ vững chắc chủ quyền và môi trường hoà bình trên biển.
2. Tuần tra, tuần tiễu, duy trì pháp luật trên biển, chống buôn lậu, ma tuý,
chống cướp biển; Tổ chức huấn luyện các phương án tác chiến bảo vệ biển, đảo.
Các lực lượng Hải quân đã phối hợp các lực lượng Công an, Biên phòng,
Cảnh sát biển và lực lượng bảo vệ ngư trường, duy trì thực thi pháp luật trên
biển.
Phối hợp với các quân khu, các tỉnh thành, huy động lực lượng tàu thuyền
của nhân dân tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền.
Chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện chiến đấu, huấn
luyện theo phương án sát trang bị vũ khí hiện có, huấn luyện thực chất, lấy chiến
trường làm thao trường, lấy mục tiêu quản lý bảo vệ vững chắc chủ quyền biển,
đảo làm mục tiêu huấn luyện; diễn tập huy động lực lượng dân sự tham gia thực
hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Xây dựng lực lượng chiến đấu của Quân chủng cân đối, đồng bộ, hiện đại
đủ sức làm nòng cốt quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc
3. Tổ chức tuần tra chung, thiết lập đường dây nóng với HQ một số nước
trong khu vực. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại quân sự:
- Tuần tra chung, thiết lập đường dây nóng là một sáng kiến của HQ ta, nét
mới, một hình thức mới hoạt động của HQ các nước có vùng biển liền kề, có
vùng biển đang diễn ra tranh chấp phức tạp.


17

- Tổ chức thành công các biên đội tàu chiến đấu của HQNDVN đi thăm,
giao lưu với Hải quân các nước, Trung Quốc, SINGAPO và CPC.
- Tổ chức các đợt tuần tra chung với Hải quân các nước trong khu vực: HQ

Thái Lan 25 chuyến; Campuchia 30 chuyến; Trung Quốc 13 chuyến.
4. Phối hợp hiệp đồng với các lực lượng thực thi Hiệp định phân định lãnh
hải, vùng ĐQKT, TLĐ và Hiệp định hợp tác về nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ. Đồng
thời làm tốt nhiệm vụ bảo vệ các hoạt động thăm dò dầu khí trên các vùng biển
Việt Nam.
Các lực lượng Hải quân đã phối hợp các lực lượng Công an, Biên phòng,
Cảnh sát biển và lực lượng bảo vệ ngư trường, duy trì thực thi Hiệp định phân
định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc trên
Vịnh Bắc Bộ, tạo môi trường hoà bình, ổn định để ngư dân ta yên tâm làm ăn trên
biển.
5. Là lực lượng nòng cốt thực hiện tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Quân chủng thường xuyên tổ chức duy trì lực lượng tìm kiếm, cứu hộ, cứu
nạn trên biển: (1) Tàu trực trên các khu vực biển; (2) Tổ chức 11 đài canh 24/24
ở ven bờ, trên các đảo; (3). Tổ chức 13 điểm bắn pháo tín hiệu báo bão, áp thấp;
(4).Tổ chức trạm cứu nạn ở Trường Sa.
* Trạm cứu nạn Trường Sa có diện tích xây dựng hơn 100 m2, gồm 3
phòng ở, có đủ bàn, ghế, giường chiếu và dụng cụ sinh hoạt; 1 buồng vệ sinh, 1
bể nước ngầm; có bộ phận quân y cấp cứu, điều trị bệnh nhân và 1 xuồng cứu
nạn; đây sẽ là những điều kiện tốt để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn ở vùng
biển xa, mà Hải quân là lực lượng nòng cốt, chủ yếu.
6. Vận chuyển xây dựng các công trình quân sự và dân sinh trên Quần đảo
Trường Sa và một số đảo ven bờ.
a) Vận chuyển xây dựng đảo, các công trình quân sự trên các đảo, hầm
hào công sự.
- Vận chuyển xây dựng đảo, các công trình quân sự trên các đảo: Cầu cảng
Trường Sa; Xây dựng sân bay; âu tầu Song Tử Tây; Mở rộng kè Sơn Ca, Nam
Yết, An Bang và Sinh Tồn.
- Không ngừng cải tạo nâng cấp các đảo Sinh tồn Đông, Trường Sa Đông,
Phan Vinh và Thuyền Chài.



18

- Nâng cấp các thế hệ nhà từ nhà cao chân chuyển sang nhà kiên cố (Len
Đao, Tiên Nữ, Đá Lát...).
- Đèn biển (An Bang, Tiên Nữ, Đá Lát, Đá Tây, Song Tử Tây).
- Các trạm khí tượng (Trường Sa, Song Tử Tây).
- Hệ thống phao luồng (Đá Lớn, Đá Lát, Đá Đông, Tốc Tan).
- Phủ sóng di động đã được 21/21 đảo.
* Ngoài ra còn vận chuyển và xây dựng các nhà dàn tại vùng DK1.
b) Thực hiện dân sự hoá, hành chính hóa quần đảo Trường Sa.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa X) về: "Chiến
lược biển Việt Nam đến năm 2020". Quân chủng Hải quân đã chủ động đề xuất
và tiến hành phối hợp với các cơ quan ban ngành đưa dân ra quần đảo Trường Sa
(các nước trong khu vực thực hiện từ nhiều năm nay).
Hiện nay có 21 hộ dân với 74 nhân khẩu và 12 cán bộ xã ra sinh sống và
công tác.
Các công trình dân sinh: Nhà khách tại đảo Trường Sa; nhà tưởng niệm
Bác Hồ tại đảo Trường Sa; Đài liệt sĩ Trường Sa; Chùa tại đảo Song Tử Tây; hệ
thống dịch vụ âu tàu Sông Tử Tây; đèn chiếu sáng.
7. Đánh bắt xa bờ, kết hợp kinh tế quốc phòng, nuôi trồng thủy sản, cùng
các lực lượng đấu tranh bảo vệ chủ quyền.
- Tổ chức lực lượng đánh bắt xa bờ, kết hợp trinh sát nắm tình hình trên
biển (Công ty 128, 129) đồng thời làm lực lượng nòng cốt, chỗ dựa, giúp đỡ nhân
dân, cùng nhân dân khẳng định chủ quyền.
- Tiến hành thử nghiệm nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản (nuôi cá chim
trắng, cá chẽm, cá song, tu hài ở đảo Đá Tây, Trường Sa Đông).
- Âu tàu Song Tử Tây đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả cho ngư dân
làm ăn trên biển xa góp phần mở rộng không gian kinh tế và cho đấu tranh bảo vệ
chủ quyền biển, đảo.

8. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển đảo Tổ quốc.
Từ năm 2006 đến nay, QCHQ đã trực tiếp làm việc và ký kết Chương trình
phối hợp TTBĐ với 39 tỉnh, thành phố và 13 cơ quan ban, ngành Trung ương, cơ


19

quan thông tấn báo chí và giao cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc Quân chủng
phối hợp với các tỉnh, thành triển khai thực hiện.
Mở rộng phạm vi triển khai Đặt đá chủ quyền và trồng cây bàng quả vuông
Trường Sa đến các tỉnh, thành phố (đến tháng 11/2011 đã thực hiện 26 tỉnh,
thành phố) tạo sức lan toả tuyên truyền về biển, đảo về Trường Sa rất lớn.
9. Đón đưa các đoàn đại biểu của Đảng, Nhà nước, BQP, các ban ngành,
cơ quan TW, các tỉnh thành trong cả nước, các cơ quan thông tấn báo chí, doanh
nghiệp .
Hàng năm đều tổ chức các Đoàn đại biểu đi thăm và kiểm tra quần đảo
Trường Sa và các nhà giàn DK1. Năm 2012, tổ chức 18 Đoàn trên 2000 đại biểu
đi thăm, kiểm tra huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.
10. Tích cực tham gia bồi dưỡng kiến thức quốc phòng về biển đảo cho
lực lượng dân quân tự vệ biển cho học sinh, sinh viên các trường Đại học, trung
học, cho ngư dân trên biển.
Tình hình biển, đảo thời gian qua và dự báo trong thời gian tới tiếp tục có
những diễn biến phức tạp, khó lường. Các nước lớn không ngần ngại tuyên bố âm
mưu và tiến hành các hành động trên thực địa để khẳng định chủ quyền của họ ở
biển Đông. Với thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, với thế chiến lược của
các khu vực phòng thủ tỉnh, thành; với thế trận lòng dân vững chắc, chúng ta kiên
quyết bảo vệ trọn vẹn chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc
trong mọi tình huống.



20

Đoàn chụp hình lưu niệm với Bộ Tư Lệnh Vùng 5 Hải Quân

3. Về dự báo
- Đối với việc Mỹ điều chỉnh chiến lược can dự vào Biển Đông rất có thể
sẽ lợi dụng vấn đề phức tạp trên Biển Đông, nhất là khi lợi ích của một số đồng
minh bị xâm hại để trực tiếp can dự vào an ninh ở khu vực này.
- Trung Quốc kiên trì và triển khai yêu sách “đường lưỡi bò” trên thực địa
trong khi ta và các nước có lợi ích trực tiếp kiên quyết bảo vệ chủ quyền sẽ gây
mâu thuẫn chủ quyền rất khó dung hòa.
- Tình hình tranh chấp biển Đông chuyển sang giai đoạn mới, phức tạp
hơn. Trung Quốc chủ động gây căng thẳng ở vùng duyên hải và tiến tới biến
đường lưỡi bò thành hiện thực, ép Việt Nam, Phi-lip-pin phải hợp tác cùng khai
thác, biến các vùng biển không tranh chấp thành tranh chấp.
- Trong thời gian tới chưa có thể xảy ra một cuộc xung đột quân sự lớn,
hay một cuộc chiến tranh quy mô nhỏ, nhưng không loại trừ sự hung hăng, hiếu
chiến của phía Trung Quốc làm cho tình hình biển Đông càng thêm phức tạp.
Một số tình huống có thể xảy ra.
1. Về mặt ngoại giao, Trung Quốc có thể tiếp tục có những tuyên bố vi
phạm chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa, Hoàng Sa về Biển Đông. Thậm chí có
thể phản kháng cao hơn và gay gắt hơn trong các cấp độ ngoại giao.


21

2. Trung Quốc có thể đưa các giàn khoan hạ đặt trong phạm vi đường lưỡi
bò mà Trung Quốc đã công bố và sử dụng các lực lượng bảo vệ mạnh để thực
hiện cái gọi là “chủ quyền” thực tế.
3. Trung Quốc tăng cường hoạt động của các lực lượng tuần tra, kiểm soát

ở Biển Đông; phong tỏa, ngăn chặn tàu cá, tàu tiếp tế của ta ra các đảo, nhà giàn
DK, thậm chí có thể va đâm, bắt giữ tàu thuyền, uy hiếp các lực lượng của ta.
4. Đưa 1 số tàu cá với khối lượng lớn đến các vùng biển Hoàng Sa, Trường
Sa để đánh bắt cá, từng bước xác định chủ quyền trên thực địa.
5. Tấn công 1 số giàn khoan, điểm đóng quân mà ta đang chốt giữ và đánh
chiếm các bãi cạn, các đảo chìm, đặt bia chủ quyền.
Chúng ta thấy rằng: Vấn đề biển Đông đã thể hiện đầy đủ sự chi phối mang
tính quyết định đến sự phát triển ổn định lành mạnh của quan hệ Việt – Trung.
Việc tranh chấp trên biển Đông giữa các nước lớn (Mỹ, Trung Quốc) với
các nước ASEAN là vấn đề khó khăn, phức tạp và lâu dài. Bởi Mỹ cho rằng: Mỹ
“có lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải, tuân thủ luật pháp quốc tế, và thương
mại hợp pháp không bị cản trở ở Biển Đông” và Trung Quốc đã không giấu giếm
quan điểm cho rằng: biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của họ.
- Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ
quyền không thể tranh cãi với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
- Chúng ta phải hết sức cảnh giác với những âm mưu, thủ đoạn của các
nước lớn; biết đâu, họ lại “chơi trò” mua bán, thoả hiệp về lợi ích ngay trên lưng
các nước nhỏ (điều đó đã có tiền lệ thông qua sự kiện Trung Quốc bật đèn xanh
cho Mỹ đánh Hà Nội, Hải Phòng bằng B52 năm 1972 và Mỹ làm ngơ để Trung
Quốc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974)...
- Bảo vệ Tổ quốc phải dựa vào chính nội lực và sức mạnh tổng hợp của
quốc gia. Đồng thời xử lý tranh chấp bằng con đường ngoại giao, không tạo cơ
hội để Trung Quốc có những hành động làm phức tạp thêm tình hình.
- Nâng cao sức mạnh của các lực lượng dân sự bảo vệ chủ quyền biển đảo;
động viên ngư dân khôn khéo, kiên trì bám trụ; kiên quyết đấu tranh không lùi
bước bằng các biện pháp thích hợp. Thường xuyên minh bạch quan điểm, hành vi
phù hợp với luật pháp quốc tế tạo tiếng nói ủng hộ từ cộng đồng quốc tế.


22


Biển đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc,
nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc rất nặng nề. Nhiệm vụ
ấy là của toàn dân tộc, của mỗi người con đất Việt, là sức mạnh tổng hợp của các
lực lượng, là trách nhiệm của chúng ta, các thế hệ ngày nay và mai sau phải tiếp
tục gìn giữ, xây dựng và phát triển.
III. KINH NGHIỆM RÚT RA QUA CHUYẾN THỰC TẾ VÀ
NHỮNG ĐỀ XUẤT - KIẾN NGHỊ
1. Kinh nghiệm
Một là, phải xây dựng kế hoạch, lịch trình đi nghiên cứu thực tế rõ ràng.
Kế hoạch phải được thông qua tập thể, thống nhất trước khi đi, dự kiến các tình
huống đột xuất có thể xảy ra. Liên hệ trước các đơn vị có liên quan để thuận tiện
hơn trong quá trình thực tế.
Hai là, phải xác định mục tiêu cao nhất của đợt nghiên cứu thực tế, trên cơ
sở đó mỗi cá nhân và tập thể tập trung cao độ để hoàn thành tốt mục tiêu đề ra.
Ba là, phải đoàn kết, thống nhất, hỗ trợ giúp đỡ nhau, vì tập thể, tăng
cường sinh hoạt tập thể trong suốt hành trình nghiên cứu thực tế.
Bốn là, cần phải chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ, cụ thể, toàn diện những vấn đề
liên quan đến quá trình thực tế về tinh thần cũng như vật chất. Có như vậy kết
quả thực tế mới đạt như mong muốn.
Năm là, cần phân phối thời gian và sức khỏe hợp lý để tham gia đầy đủ, có
hiệu quả các hoạt động thực tế.
2. Một số đề xuất kiến nghị
2.1. Đối với huyện đảo Phú Quốc
Một là, cần xác định rõ hơn ngành kinh tế mũi nhọn và tập trung mọi
nguồn lực để phát triển. Theo tôi nên tập trung vào du lịch, dịch vụ gắn du lịch
sinh thái, làng nghề với du lịch truyền thống. Giữ vững thương hiệu nước mắm
Phú Quốc.
Hai là, cần quan tâm hơn đến vấn đề về môi trường, vệ sinh an toàn thực
phẩm vì nơi đây thu hút khá nhiều khách du lịch đến ăn ở. Nếu vấn đề này quan

tâm tốt hơn sẽ thu hút khách nhiều hơn.
Ba là, đề xuất với các cấp có thẩm quyền cơ chế đặc thù với Phú Quốc. Cụ
thể theo tôi nên nâng cấp Phú Quốc thành đặc khu hành chính – kinh tế tương
đương cấp tỉnh.
2.2. Đối với Học viện chính trị - hành chính khu vực IV
Thứ nhất, nên có nhiều chuyến đi thực tế về nơi có truyền thống lịch sử
cách mạng hơn nữa, thời gian dài hơn.


23

Thứ hai, nên tổ chức vào giữa học kỳ để học viên sớm có điều kiện đút rút
kinh nghiệm trong quá trình học tập nghiên cứu.
Ba là, nên tổ chức chặt chẽ hơn, chuẩn bị kỹ hơn, kế hoạch khoa học hơn
để đạt kết quả tốt hơn.


24

KẾT LUẬN

Mặc dù thời gian thực tế chỉ 4 ngày nhưng bản thân được trải nghiệm rất
nhiều vấn đề thú vị. Qua đó càng thấy yêu thiêng nhiên, yêu biển đảo, yêu tổ
quốc bao la, mênh mông hùng vĩ thanh bình, trong lành của quê hương đất nước
mình hơn. Càng yêu quê hương càng thấy khâm phục các bậc ông cha đi trước đã
khai hoang, xây dưng huyện đảo ngày càng giàu đẹp. Khâm phục hơn những
chiến sĩ cách mạng kiên trung dù bị tù đài, bị tra tấn dã man đến tột cùng của sự
đau đớn về thể xác tại nhà tù Phú Quốc vần giữ vững khí tiết kiên trung, trung
thành với Đảng, tổ quốc và nhân dân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất
đất nước.

Cũng qua chuyến đi này bản thân được củng cố, nhận thức tốt hơn về chủ
quyền biển đảo, quan điểm của Đảng về bảo vệ biển đảo, hiểu biết rõ hơn, chắc
chắc hơn về lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo thiêng liêng
của tổ quốc. Tinh thần cảnh giác cách mạng được nâng lên rõ rệt, sẵn sàng tham
gia bảo vệ biển đảo trong mọi tình huống.
Bản thân cũng đã cùng tập thể lớp có những giờ phút sinh hoạt tập thể hết
sức sinh động, lý thú, bổ ích qua đó càng nâng cao tinh thần đoàn kết, tình đồng
chí, đồng đội nâng lên tầm cao mới, cùng quan tâm chia sẻ, vượt qua những khó
khăn, trở ngại nhất thời để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra.
Xin chân chân thành cảm ơn Ban giám đốc Học viện chính trị - hành chính
khu vực IV, Huyện ủy Phú Quốc, Bộ Tư Lệnh Vùng 5 Hải quân và những đơn vị,
cá nhân có liên quan đã giúp chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cho
chúng tôi những giờ phút tuyệt diệu, ấn tượng khó phai. Thời gian rồi sẽ trôi qua
nhưng tôi tin chắc rằng những hình ảnh, ký ức về chuyến thực tế tại huyện đảo
Phú Quốc sẽ tồn tại vĩnh hằng trong mỗi người./.



×