Tải bản đầy đủ (.pdf) (78 trang)

Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo nghêu meretrix lyrata (sowerby, 1851) tại cam ranh, khánh hòa

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.75 MB, 78 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHA TRANG

TRẦN QUỐC TOẢN

NGHIÊN CỨU KỸ THUẬT SẢN XUẤT GIỐNG NHÂN TẠO
NGHÊU Meretrix lyrata (Sowerby, 1851) TẠI CAM RANH,
KHÁNH HÒA

LUẬN VĂN THẠC SĨ

KHÁNH HÒA - 2016


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHA TRANG

TRẦN QUỐC TOẢN

NGHIÊN CỨU KỸ THUẬT SẢN XUẤT GIỐNG NHÂN TẠO
NGHÊU Meretrix lyrata (Sowerby, 1851) TẠI CAM RANH,
KHÁNH HÒA

LUẬN VĂN THẠC SĨ
Ngành:

Nuôi trồng thủy sản

Mã số:

60620301



Quyết định giao đề tài:

Số 310/QĐ-ĐHNT: 26/3/2015

Quyết định thành lập HĐ:
Ngày bảo vệ:

27/5/2016

Người hướng dẫn khoa học:
TS. NGÔ ANH TUẤN
Chủ tịch Hội đồng:
PGS. TS Nguyễn Đình Mão
Khoa Sau đại học:

KHÁNH HÒA - 2016


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan mọi kết quả của đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống
nhân tạo Nghêu (Meretrix lyrata Sowerby, 1851) tại Cam Ranh, Khánh Hòa” là
công trình nghiên cứu của cá nhân tôi và chưa từng được công bố trong bất cứ công
trình khoa học nào khác cho tới thời điểm này.

Khánh Hòa, ngày 19 tháng 02 năm 2016
Tác giả luận văn

Trần Quốc Toản


i


LỜI CẢM ƠN

Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến quý thầy, cô Viện Nuôi trồng Thủy sản,
Trường Đại học Nha Trang đã giảng dạy và giúp đỡ trong suốt thời gian tôi học tập và
nghiên cứu tại Trường.
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến thầy TS. Ngô Anh Tuấn, ThS. Vũ Trọng Đại
đã tận tình giúp đỡ, hướng dẫn, động viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho em
trong suốt quá trình học tập và thực hiện luận văn tốt nghiệp.
Tôi xin chân thành cảm ơn tới Ban lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên Trung tâm
Thực nghiệm nuôi hải sản, Viện Nuôi trồng Thủy sản, Trường Đại học Nha Trang tại xã
Cam Thịnh Đông, Tp Cam Ranh, Khánh Hòa đã tạo điều kiện cho tôi thực hiện luận văn
tốt nghiệp.
Xin chân thành cảm ơn gia đình, bạn bè đã động viện, giúp đỡ tôi trong quá
trình học tập và hoàn thành luận văn.

Khánh Hòa, ngày 19 tháng 02 năm 2016
Tác giả luận văn

Trần Quốc Toản

ii


MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN .........................................................................................................i
LỜI CẢM ƠN .............................................................................................................ii

MỤC LỤC................................................................................................................. iii
DANH MỤC BẢNG ...................................................................................................v
DANH MỤC HÌNH....................................................................................................vi
TRÍCH YẾU LUẬN VĂN........................................................................................viii
MỞ ĐẦU.....................................................................................................................1
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÀI LIỆU ......................................................................4
1.1 Một số đặc điểm sinh học của nghêu (Meretrix lyrata).......................................4
1.1.1 Vị trí phân loại............................................................................................4
1.1.2 Đặc điểm cấu tạo của nghêu Meretrix lyrata ...............................................4
1.1.2.1 Cấu tạo ngoài .......................................................................................4
1.1.2.2 Cấu tạo trong........................................................................................5
1.1.3 Đặc điểm phân bố của nghêu ......................................................................7
1.1.3.1 Phân bố địa theo địa lý .........................................................................7
1.1.3.2 Phân bố theo sinh thái ..........................................................................7
1.1.4 Đặc điểm dinh dưỡng..................................................................................8
1.1.5 Đặc điểm sinh trưởng..................................................................................9
1.1.6 Đặc điểm sinh sản .......................................................................................9
1.1.7. Sự phát triển của phôi và ấu trùng ............................................................10
1.2. Tình hình nghiên cứu nghêu trên thế giới và Việt Nam ...................................12
1.2.1. Những nghiên cứu về nghêu trên thế giới.................................................12
1.2.1.1. Tình hình nuôi nghêu ........................................................................12
1.2.1.2. Nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố môi trường ........................12
1.2.1.3 Khả năng tích tụ chất ô nhiễm và độc tố trong nghêu .........................15
1.2.1.4 Nghiên cứu về dịch bệnh....................................................................15
1.2.2 Những nghiên cứu về nghêu ở Việt Nam ..................................................16
1.2.2.1 Nghiên cứu về nguồn lợi, phân bố......................................................16
1.2.2.2 Nghiên cứu về dinh dưỡng, sinh trưởng .............................................16
1.2.2.3 Nghiên cứu về đặc điểm sinh học và sản xuất giống...........................17
iii



1.2.2.4 Nghiên cứu về nuôi nghêu thương phẩm ............................................18
1.3 Một số nghiên cứu sử dụng vi tảo trong sản xuất giống và nuôi động vật thân
mềm hai mảnh vỏ ..................................................................................................20
1.3.1 Gía trị dưỡng của vi tảo trong nuôi trồng thủy sản ....................................20
1.3.2 Tình hình sử dụng vi tảo làm thức ăn cho động vật thân mềm ...................21
CHƯƠNG 2: VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ...............................25
2.1 Đối tượng và thời gian nghiêm cứu ..................................................................25
2.2 Địa điểm nghiêm cứu .......................................................................................25
2.3 Nội dung và sơ đồ khối nội dung nghiêm cứu ..................................................25
2.4 Phương pháp bố trí thí nghiệm .........................................................................27
2.4.1 Tuyển chọn nghêu bố mẹ ..........................................................................27
2.4.2 Kỹ thuật nuôi vỗ thành thục nghêu bố mẹ .................................................27
2.4.3 Kỹ thuật kích thích sinh sản ......................................................................28
2.4.4 Kỹ thuật nuôi sinh khối tảo .......................................................................29
2.4.5 Kỹ thuật ương nuôi ấu trùng nghêu ...........................................................30
2.4.5.1 Ảnh hưởng của thức ăn đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng ....30
2.4.5.2 Ảnh hưởng của mật độ ương đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng ... 30
2.5 Phương pháp thu thập và xử lý số liệu .............................................................31
2.5.1 Phương pháp thu thập và phân tích mẫu....................................................31
2.5.2 Phương pháp xử lý số liệu.........................................................................32
CHƯƠNG 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU...................................................................34
3.1 Kỹ thuật tuyển chọn nghêu bố mẹ ....................................................................34
3.2 Kỹ thuật nuôi vỗ thành thục nghêu bố mẹ ........................................................35
3.3 Kỹ thuật kích thích nghêu sinh sản...................................................................37
3.4 Kỹ thuật ương nuôi ấu trùng ............................................................................39
3.4.1 Kỹ thuật nuôi tảo làm thức ăn cho ấu trùng ...............................................39
3.4.2 Ảnh hưởng của mật độ đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng nghêu..40
3.4.3. Ảnh hưởng của thức ăn đến sinh trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng nghêu 42
CHƯƠNG 4: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ..............................................................45

4.1. Kết luận ..........................................................................................................45
4.2. Kiến nghị ........................................................................................................45
TÀI LIỆU THAM KHẢO..........................................................................................46
iv


DANH MỤC BẢNG

Bảng 3. 1: Điều kiện môi trường bể nuôi thành thục ..................................................35
Bảng 3. 2: Kết quả nuôi thành thục nghêu bố mẹ .......................................................36
Bảng 3. 3: Kết quả kích thích sinh sản nghêu bố mẹ .................................................38
Bảng 3. 4: Sinh trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng nghêu ở các mật độ khác nhau ......40
Bảng 3. 5: Sinh trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng sử dụng các loại thức ăn khác nhau.....43

v


DANH MỤC HÌNH

Hình 1. 1: Cấu tạo mặt ngoài và mặt trong của vỏ nghêu .............................................5
Hình 1. 2: Cấu tạo bên trong của nghêu M. lyrata ........................................................6
Hình 1. 3: Vùng nuôi nghêu ở Bến Tre, Cần Giờ (Tp HCM) và Đất Mũi (Cà Mau) .....8
Hình 1. 4: Các giai đoạn phát triển của nghêu Meretrix lyrata ...................................11
Hình 2. 1: Sơ đồ khối nội dung nghiên cứu ................................................................26
Hình 2. 2: Kiểm tra mức độ thành thục sinh dục của nghêu ......................................27
Hình 2. 3: Nuôi thành thục nghêu bố mẹ trong bể composite....................................28
Hình 3. 1: Nghêu bố mẹ sau khi được tuyển chọn ......................................................34
Hình 3. 2: Nghêu phản ứng sau khi kích thich sinh sản ..............................................38
Hình 3. 3: Nuôi sinh khối tảo làm thức ăn cho ấu trùng..............................................39
Hình 3. 4: Tỷ lệ sống của âu trùng nghêu khi ương ở các mật độ khác nhau ..............41

Hình 3. 5: Tỷ lệ sống của ấu trùng nghêu ở các nghiệm thức thức ăn khác nhau ........44

vi


DANH MỤC KÝ HIỆU, CHỮ VIẾT TẮT

Ký hiệu
AT
Veliger

Chữ viết đầy đủ
Ấu trùng
Ấu trùng giai đoạn trôi nổi

Spat

Ấu trùng giai đoạn sống đáy

DO

Ôxy hòa tan trong nước

NT

Nghiệm thức

NTTS

Nuôi trồng thủy sản


TLS

Tỷ lệ sống

TLN

Tỷ lệ nở

TLTT

Tỷ lệ thành thục

S‰

Độ mặn

T0 C

Nhiệt độ

TB

Trung bình

ĐBSCL

Đồng bằng sông Cửu Long

ĐVTM


Động vật thân mền

vii


TRÍCH YẾU LUẬN VĂN
Nghêu trắng hay nghêu Bến Tre (Meretrix lyrata) là loài động vật thuộc ngành
thân mền có giá trị dinh dưỡng cao và giá trị kinh tế lớn, chúng phân bố chủ yếu ở các
bãi triều và rừng ngập mặn ven biển của nước ta. Hiện nay, sản lượng nghêu cung cấp
cho thị trường hoàn toàn là khai thác từ tự nhiên, do đó, nguồn lợi nghêu đang cạn kiệt
nghiêm trọng. Mặc dù ở nước ta, đã có một số công trình nghiên cứu về đặc điểm sinh
học, sinh sản và thử nghiệm sản xuất thành công nghêu giống, nhưng các nghiên cứu
này mới chỉ được thực hiện ở quy mô nhỏ, tỷ lệ sống của ấu trùng thấp và không ổn
định. Do đó, việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo
nghêu (Meretrix lyrata Sowerby, 1851) tại Cam Ranh, Khánh Hòa” nhằm bổ sung
cơ sở khoa học cho việc xây dựng thành công quy trình sản xuất giống nhân tạo nghêu,
giúp chủ động cung cấp nguồn giống ổn định và có chất lượng cho người nuôi, từ đó
phát triển nghề nuôi thương phẩm nghêu tại Khánh Hòa là hết sức cần thiết và cấp
bách. Đề tài được thực hiện nhằm mục tiêu nghiên cứu xây dựng qui trình sản xuất
giống nhân tạo nghêu tại Khánh Hòa từ kỹ thuật tuyển chọn, nuôi vỗ thành thục và
kích thích sinh sản nghêu bố mẹ, tới các kỹ thuật ương nuôi ấu trùng.
Nghêu bố mẹ thành thục sinh dục được kích thích sinh sản bằng các phương
pháp sốc nhiêt, ôxy già (H2O2) và ammoniac (NH4OH). Ở giai đoạn ương nuôi ấu
trùng, 4 nghiệm thức thí nghiệm ảnh hưởng của thức ăn và 4 nghiệm thức thí nghiệm
mật độ ương đã được bố trí để đánh giá ảnh hưởng của chúng lên sinh trưởng và tỷ lệ
sống của ấu trùng nghêu qua các giai đoạn ương nuôi.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nghêu bố mẹ được nuôi thành thục trong bể
composite sử dụng thức ăn tảo tươi cho tỷ lệ sống là 85,8 ± 8,3% và tỷ lệ thành thục là
81,2 ± 8,1%. Cả 3 phương pháp kích thích sinh sản đều có hiệu quả đối với nghêu,

trong đó phương pháp kích thích bằng ammoniac cho tỷ lệ thụ tinh của trứng và tỷ lệ
nở của ấu trùng (tương ứng là 77,5 ± 3,1% và 67,8 ± 2,5%) là thấp hơn có ý nghĩa
thống kê so với hai phương pháp còn lại. Không có sự sai khác có ý nghĩa thống kê về
tỷ lệ thị tinh và tỷ lệ nở của ấu trùng giữa phương pháp kích thích sinh sản bằng sốc
nhiệt và dùng ôxy già.
Tỷ lệ dị hình của ấu trùng trung bình là 4,7 ± 0,7% và không có sự sai khác có ý
nghĩa thống kê giữa các nghiệm thức thí nghiệm, tuy nhiên tỷ lệ ấu trùng dị hình trong
viii


nghiệm thức kích thích bằng sốc nhiệt vẫn có xu thế thấp hơn so với hai nghiệm thức
còn lại.
Trong quá trình ương nuôi ấu trùng và nghêu giống, thức ăn tốt nhất là hỗn hợp
gồm ba loài tảo: Chlorella sp., N. oculata và I. galbana với tỷ lệ 1:1:2 cho tốc sinh
trưởng và tỷ lệ sống tốt nhất trong cả giai đoạn ấu trùng trôi nổi (tốc độ sinh trưởng:
37,8 ± 5,6 µm/ngày và tỷ lệ sống: 49,7 ± 3,3 %) và giai đoạn ấu trùng sống đáy (lần
lượt là 53,3 ± 4,3 µm/ngày và 11,0 ± 1,0%).
Mật độ ương tốt nhất cho ấu trùng sinh trưởng và phát triển và đảm bảo hiệu quả
kinh tế là 10 con/mL: tốc độ tăng trưởng là: 33,6 ± 2,5 µm/ngày ở giai đoạn veliger và
38,5 ± 5,1 µm/ngày ở giai đoạn spat; Tỷ lệ sống ở giai đoạn veliger là 51,3 ± 6,8% và
ở giai đoạn spat là 8,3 ± 0,9%.

ix


MỞ ĐẦU
Động vật thân mềm (Mollusca) giữ vai trò khá quan trọng trong sản lượng khai
thác thủy sản hàng năm trên thế giới. Theo thống kê của FAO năm 2012, động vật thân
mềm chiếm khoảng 27% về sản lượng và 19% về giá trị tổng sản lượng thủy sản thế
giới FAO (2012).

Với diện tích 3.200 km bờ biển và khoảng 1,7 triệu ha bãi triều có khả năng sử
dụng nuôi động vật thân mềm, Việt Nam là quốc gia có điều kiện thuận lợi để phát
triển nghề nuôi thương phẩm động vật thân mềm, góp phần giải quyết công ăn việc
làm cải thiện đời sống cho cộng đồng dân cư ven biển. Bên cạnh ý nghĩa về mặt Kinh
tế – Xã hội, nuôi động vật thân mềm còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cân bằng
hệ sinh thái, cải thiện chất lượng nước của các thủy vực ven biển, tiến tới phát triển
nuôi trồng thuỷ sản theo hướng bền vững. Nghề nuôi động vật thân mềm ở Việt Nam
mới chỉ phát triển trong vài thập niên gần đây với các đối tượng nuôi chính là hàu cửa
sông, nghêu dầu, trai ngọc, sò huyết. Nghêu M. lyrata là đối tượng có thịt thơm ngon,
giàu dinh dưỡng, giá trị kinh tế cao và là đối tượng được nuôi sớm nhất ở vùng ven
biển huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre từ những năm 70 của thế kỷ trước. Năm 1982, khi
nghêu trở thành đối tượng xuất khẩu, giá trị kinh tế cao nên chúng mới được nuôi đại
trà ở qui mô lớn với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong cả nước. Hình thức tổ
chức nuôi nghêu chủ yếu là hợp tác xã và tập đoàn sản xuất trên cơ sở tự nguyện của
các hộ nuôi ở các tỉnh như Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Cà Mau… với diện tích
nuôi lên đến hơn 20.000 ha (Nguyễn Đình Hùng, 2003).
Theo Quyết định số 1628/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
ban hành ngày 20/07/2011 về việc “Phê duyệt Quy hoạch phát triển nuôi nhuyễn thể
hàng hóa tập trung đến năm 2020”; trong đó có quy hoạch vùng nuôi Nghêu, Sò đến
năm 2015 và năm 2020 cho các tỉnh ĐBSCL như: Cà Mau, Bạc Liêu, Tiền Giang, Sóc
Trăng, Kiên Giang, Bến Tre và Trà Vinh, với tổng diện tích đến năm 2015 là 16.410
ha và năm 2020 phát triển lên 21.110 ha. Theo đó, đến năm 2015, diện tích nuôi
Nghêu đạt 16.410 ha, sản lượng 163.700 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 130,96 triệu
USD. Đến năm 2020, diện tích nuôi Nghêu 21.110 ha, sản lượng 215.500 tấn, kim
ngạch xuất khẩu đạt 206,86 triệu USD.

1


Theo đó, để đạt các mục tiêu trên các chương trình - dự án được ưu tiên đầu tư

như: vùng nuôi nghêu tập trung ở các huyện Châu Thành, Cầu Ngang và Duyên Hải
(Trà Vinh); huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông (Tiền Giang); Ba Tri, Bình Đại (Bến
Tre); Vĩnh Châu, Cù Lao Dung (Sóc Trăng); Hòa Bình, Đông Hải (Bạc Liêu); Ngọc
Hiển, Phú Tân, Trần Văn Thời (Cà Mau); U Minh, Kiên Lương, An Minh (Kiên
Giang)…; Đồng thời đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống động vật thân
mềm tập trung ở tỉnh Bến Tre và khu sản xuất nhuyễn thể tập trung Kiên Lương, tỉnh
Kiên Giang…
Trong những năm qua nghề khai thác và nuôi nghêu thương phẩm ở các tỉnh như
Tiền Giang, Bến Tre và Cà Mau đã khẳng định được vị trí và tầm quan trọng trong
phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo và cải thiện đáng kể đời sống cho
người dân vùng ven biển. Hiện nay, quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo nghêu
Bến Tre đã được nghiên cứu thành công ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và đáp
ứng được một phần nhu cầu con giống cho người nuôi (Nguyễn Đình Hùng và ctv,
2004; Chu Chí Thiết và Kumar, 2008). Tuy nhiên, trong những năm gần đây việc suy
giảm mạnh nguồn lợi con giống ngoài tự nhiên do người dân khai thác quá mức đã làm
tăng nhu cầu và áp lực lên con giống sản xuất nhân tạo. Do đó, nguồn giống sản xuất
nhân tạo là không đáp ứng đủ cung cấp cho nhu cầu của người nuôi.
Khu vực miền Trung nước ta với diện tích bãi bồi ven biển lớn, nghêu Bến Tre
được xem là đối tượng nuôi tiềm năng mang lại công ăn việc làm và thu nhập cho
người dân. Tuy nhiên, tại đây chưa có bất cứ công trình nghiên cứu nào về sản xuất
giống nhân tạo đối tượng này, do đó việc cung cấp giống vẫn còn gặp nhiều khó khăn
và không đáp ứng đủ nhu cầu cho người nuôi. Xuất phát từ thực tiễn trên tôi được
Viện Nuôi trồng Thủy sản - Trường Đại học Nha Trang giao thực hiện luận văn:
“Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo Nghêu (Meretrix lyrata
Sowerby, 1851) tại Cam Ranh, Khánh Hòa”
Ý nghĩa luận văn:
- Luận văn nghiên cứu xác định, bổ sung các dẫn liệu khoa học về kỹ thuật sản
xuất giống nhân tạo nghêu từ khâu tuyển chọn, nuôi vỗ, kích thích sinh sản và ương
nuôi ấu trùng nghêu.
2



- Luận văn thu được các dẫn liệu khoa học về kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo
nghêu tại Cam Ranh, Khánh Hòa, phục vụ công tác nghiên cứu và hoàn thiện kỹ thuật
sản xuất giống nhân tạo phù hợp với điều kiện tự nhiên của khu vực Nam Trung bộ.
- Nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo nghêu, cung cấp giống cho nuôi thương
phẩm, nhằm thực hiện chủ trương đa dạng hóa các đối tượng nuôi và góp phần phát
triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững.

3


CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1.1 Một số đặc điểm sinh học của nghêu (Meretrix lyrata)
1.1.1 Vị trí phân loại
Theo Habe, Sadao (1996) và Nguyễn Chính (1996), hệ thống phân loại của nghêu
như sau:
Ngành thân mềm: Mollusca
Lớp hai mảnh vỏ: Bivalvia
Bộ mang thật: Eulamellibranchia
Phân bộ: Heterodonta
Liên họ nghêu: Veneracea
Họ nghêu: Veneridae
Giống nghêu: Meretrix
Loài nghêu: Meretrix lyrata (Sowerby, 1851)
Tên tiếng anh: Lyrate Asiatic Hard Clam.
Tên địa phương: Nghêu Bến Tre, nghêu trắng.
1.1.2 Đặc điểm cấu tạo của nghêu Meretrix lyrata
1.1.2.1 Cấu tạo ngoài
Các công trình nghiên cứu của Tadashige Habe và Sadao Kossuge (1996);

Nguyễn Chính (1996) mô tả hình thái cấu tạo của nghêu như sau: Nghêu có hai vỏ
dầy, chắc, có dạng gần tròn, dính chặt nhau bằng một bản lề và gốc vỏ có các răng
khớp rất khít. Mặt trong của vỏ nhẵn trơn, màu trắng ngà. Mặt ngoài vỏ có những
đường vân gờ lồi gần như song song với nhau uốn cong theo miệng vỏ và cùng có tâm
là đỉnh vỏ, vỏ có thể có từ 25 - 60 vân, vỏ càng lớn số vân càng nhiều. Các vân ở gần
đỉnh vỏ nhỏ và khó đếm. Phía sau vỏ có một vệt đen xám lớn từ bản lề khớp vỏ đến
gốc sau miệng vỏ. Vỏ có màu trắng xám hoặc nâu, không có hoa, cá thể có vỏ màu
trắng xám chiếm số lượng nhiều 90%), vỏ màu nâu ít hơn (10%).

4


Hình 1. 1: Cấu tạo mặt ngoài và mặt trong của vỏ nghêu
Trương Quốc Phú (1999) đã mô tả chi tiết hình thái cấu tạo ngoài của Nghêu M.
lyratavới các đặc điểm chính sau đây: cơ thể Nghêu được bao bọc bởi 2 mảnh vỏ bằng
nhau có dạng hình tam giác (gần tròn), cạnh trước ngắn hơn (chỉ bằng 2/3 chiều dài
cạnh sau). Hai vỏ gắn vào nhau bằng 1 bản lề, ở mặt lưng có dây chằng cấu tạo bằng
chất sừng đàn hồi để khép mở vỏ. Bên ngoài vỏ có màu trắng ngà, trên mặt vỏ có
nhiều vòng sinh trưởng đồng tâm, các đường sinh trưởng này chạy song song và thưa
dần về phía mặt bụng, ở gần cạnh trước gồ lên rất rõ, cạnh sau tương đối nhẵn bóng.
Phía trước đỉnh vỏ là một mặt nguyệt nhỏ có hình viên đạn, màu trắng, xung quanh
mép mặt nguyệt có một viền màu nâu nhạt. Mặt thuẫn có màu nâu đen, to hơn mặt
nguyệt, nằm ở sau đỉnh vỏ kéo dài hết cạnh sau của vỏ. Mặt bụng mép vỏ cong tròn.
Bên trong vỏ, dưới đỉnh vỏ và bản lề có mặt khớp và răng khớp. Mặt trong vỏ có màu
trắng, có các vết in của cơ khớp vỏ trước và sau, vết in của cơ màng áo và vết in của
cơ điều khiển ống hút thoát nước. Vết cơ khớp vỏ trước hơi nhỏ hơn vết cơ khớp vỏ
sau và có hình bán nguyệt, vết cơ khớp vỏ sau hình tròn.
1.1.2.2 Cấu tạo trong
Theo Trương Quốc Phú (1999), hình thái cấu tạo trong của nghêu gồm các bộ
phận sau:

- Màng áo: gồm hai mảnh nằm sát vỏ dính nhau ở phần lưng. Màng áo mỏng ở
phần giữa vỏ, xung quanh mép màng áo dày và có các cơ bám vào mặt trong của vỏ,
các sợi cơ sếp song song với nhau và hướng thẳng với mép vỏ. Hai lá áo ở phần sau
phía dưới cơ khép vỏ sau dính lại với nhau tạo thành ống hút và thoát nước (Siphon),
ống hút và thoát nước có cơ bám vào vỏ hình bán nguyệt. Giữa hai lá áo có xoang
trống là xoang màng áo bên trong có chứa mang.
5


- Chân: gồm hai mảnh nằm sát vỏ dính nhau ở phần lưng. Màng áo mỏng ở phần
giữa vỏ, xung quanh mép màng áo dày và có các cơ bám vào mặt trong của vỏ, các sợi
cơ sếp song song với nhau và hướng thẳng với mép vỏ. Hai lá áo ở phần sau phía dưới
cơ khép vỏ sau dính lại với nhau tạo thành ống hút và thoát nước (Siphon), ống hút và
thoát nước có cơ bám vào vỏ hình bán nguyệt. Giữa hai lá áo có xoang trống là xoang
màng áo bên trong có chứa mang.

Hình 1. 2: Cấu tạo bên trong của nghêu M. lyrata
- Hệ hô hấp: gồm hai đôi lá mang nằm bên trong xoang màng áo. Mỗi bên gồm
hai tấm, mỗi tấm gồm nhiều sợi tơ kết hợp lại với nhau bằng một màng mỏng có nhiều
nếp gấp tạo nên những rãnh chạy song song với các tơ mang. Mang của nghêu thuộc
dạng mang thật, có phần ngọn của lá mang ngoài dính vào màng áo và phần ngọn của
lá mang trong dính vào nội tạng. Các nếp gấp phần đầu (gần miệng) nhỏ và mỏng hơn
ở phần sau.
- Hệ tiêu hóa: bắt đầu từ miệng và các xúc biện. Xúc biện gồm hai đôi tương ứng
với hai lá mang, các lá xúc biện nằm xung quanh miệng và đầu các lá mang. Miệng rất
đơn giản chỉ là một lỗ mở của ống tiêu hoá, vị trí của miệng nằm giữa hai cơ kéo chân
trước, phía trên của cơ khép vỏ trước. Tiếp theo miệng là thực quản ngắn. Dạ dày hình
túi, vách mỏng và có nhiều nếp gấp nằm trong khối gan tuỵ màu nâu đen. Đoạn ruột
tiếp theo dạ dày tương đối to hơn đoạn ruột sau, ruột cuộn lại phía dưới dạ dày sau đó


6


chạy ngang qua gốc chân và vòng trên mặt lưng, xuyên qua tâm thất cuối cùng đổ ra
hậu môn nằm ở mặt lưng của cơ khép vỏ.
- Hệ tuần hoàn: gồm có tim ở mặt lưng, phía dưới đỉnh vỏ. Tim gồm một tâm
thất và hai tâm nhĩ được bao bọc bởi màng xoang bao tim. Màng xoang bao tim mỏng
trong suốt, có thể nhìn thấy bên trong. Máu của nghêu không màu.
- Hệ bài tiết: gồm một đôi thận có màu vàng nhạt nằm đối xứng nhau ở hai bên
khối nội tạng phía dưới xoang bao tim.
1.1.3 Đặc điểm phân bố của nghêu
1.1.3.1 Phân bố địa theo địa lý
Theo Habe và Sadao (1966), vùng phân bố của nghêu M.lyrata là vùng biển ấm
Tây Thái Bình Dương từ biển Đài Loan đến Việt Nam. Ở Việt Nam, nghêu M.lyrata
phân bố chủ yếu ở vùng ven biển phía Nam, gồm Gò Công Đông (Tiền Giang), Bình
Đại, Ba Tri, Thạnh Phú (Bến Tre), Cầu Ngang, Duyên Hải (Trà Vinh),Vĩnh Châu (Sóc
Trăng), Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), Ngọc Hiển (Cà Mau) (Nguyễn Hữu Phụng, 1996).
Những năm gần đây, vùng phân bố đã phát triển rộng ra miền Bắc như: Giao Thủy,
Nghĩa Hưng,…(Nam Định) và 5 năm gần đây đã phát triển ở Bắc Trung Bộ như Nghệ
An, Thanh Hóa (Nguyễn Xuân Dục, 2001).
Theo Nguyễn Chính (1996) thì vùng phân bố của nghêu là ở vùng biển ấm Tây
Thái Bình Dương từ biển Đài Loan đến Việt Nam, trong đó vùng có sản lượng cao
nhất là ven biển thuộc tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre. Nguyễn Chính (2001) cho biết
ở Việt Nam hiện nay có khoảng 6 loài thuộc họ Veneridae trong đó có hai loài thuộc
giống Meretrix, 1 loài thuộc giống Cyclina, 2 loài thuộc giống Anomalocardia và 1
loài thuộc giống Ktelisia.
1.1.3.2 Phân bố theo sinh thái
Nghêuphân bố ở các bãi biển có nền đáy cát hay cát bùn, trong đó cát chiếm tỷ lệ
từ 60- 90% với kích cỡ hạt từ 0,006- 0,25 mm. Theo Nguyễn Tác An và Nguyễn Văn
Lục (1994) cho rằng nghêu phân bố ở vùng thời gian phơi bãi từ 2 – 8 giờ/ngày. Độ

sâu cực đại tìm thấy nghêu lúc nước ròng là 2,5m. Nghêu phân bố ở vùng có nền đáy
cát mịn đến cát trung có pha lẫn hàm lượng bùn lỏng và xác hữu cơ (10 - 18%), vào
mùa mưa bùn lỏng bao phủ nền đáy bãi nghêu (1,5 – 2,5 cm). Nghêu là loài rộng nhiệt,
7


nhiệt độ sinh trưởng tốt 26 – 30oC. Độ mặn đặc trưng cho bãi nghêu dao động từ 7 –
28‰; pH nước 6,5 – 8,5, các yếu tố môi trường đặc trưng của bãi nghêu biến đổi theo
mùa rõ rệt, chúng phụ thuộc vào lượng mưa lũ tràn qua vùng rừng ngập mặn đổ ra các
bãi nghêu.

Hình 1. 3: Vùng nuôi nghêu ở Bến Tre, Cần Giờ (Tp HCM) và Đất Mũi (Cà Mau)
1.1.4 Đặc điểm dinh dưỡng
Nghêu là loài ăn lọc, bắt mồi theo hình thức thụ động. Khi thủy triều lên nghêu
thò vòi lên mặt nền đáy để lọc thức ăn. Nghêu lọc các mảnh vụn hữu cơ, các loài thực
vật phù du có kích cỡ <10µm (Tammes và Oral, 1956). Nhờ hoạt động của tiêm mao
trên mang và dịch nhầy là sản phẩm tiết của các tế bào tuyến trên mô bì của mang,
thức ăn được cuốn thành viên rồi chuyển về miệng. Sau khi qua phần thực quản, thức
ăn được chuyển vào dạ dày, tại đây chúng được tiêu hoá.
Thức ăn của nghêu biến đổi theo mùa, mùa xuân hè khí hậu ấm áp, cường độ
chiếu sáng mạnh, thích hợp cho các loài tảo phát triển nên nghêu có nhiều thức ăn và
lớn nhanh hơn. Giai đoạn ấu trùng thức ăn của nhóm Bivalvia là vi khuẩn (Bacteria),
tảo Silic (Diatoms), mùn bã hữu cơ (Detritus), nguyên sinh động vật (Flagellata) có
kích thước nhỏ khoảng 10µm hoặc nhỏ hơn. Giai đoạn trưởng thành ăn các loại mùn
bã hữu cơ, tảo phù du (Quayle và Newkik, 1989).

8


Thành phần thức ăn chính của mùn bã hữu cơ chiếm 78,82-90,38% số lượng thức

ăn, phần còn lại là tảo (chiếm 9,62-21,18%). Nghêu bắt mồi chọn lọc theo kích cỡ hạt
thức ăn, những loài tảo có kích thước lớn, dạng sợi như Chaetoceros, Skeletonema,
Bacteriastrum... nghêu khó bắt được, kích cỡ hạt thức ăn tối đa được tìm thấy trong
ruột nghêu là 150µm. Thành phần, số lượng thức ăn trong dạ dày nghêu có sự biến
động theo mùa, mùa mưa tháng 9-10 mùn bã hữu cơ tăng, tảo giảm và ngược lại.
1.1.5 Đặc điểm sinh trưởng
Sự sinh trưởng của nghêu phụ thuộc vào tác động tổng hợp của các yếu tố môi
trường, thức ăn, mật độ nuôi… Theo nghiên cứu của Gilbert (1973) cho thấy nhiệt độ
ảnh hưởng đến hoạt động sinh lý và chi phối sinh trưởng đến nhóm Bivalvia, kích
thước tối đa và sinh trưởng giảm, tuổi thọ tăng khi đi từ vĩ độ thấp đến vĩ độ cao. Nhiệt
độ càng thấp thì mùa sinh trưởng càng ngắn, vùng nhiệt độ càng thấp thì chúng càng
tiêu tốn nhiều năng lượng cho quá trình hô hấp hơn là năng lượng cho sinh trưởng và
ngược lại. Điều này được minh chứng bởi Angell (1986), trong điều kiện đầy đủ thức
ăn thì tốc độ sinh trưởng nhanh khi nhiệt độ tăng.
Một nghiên cứu khác của McDonald và Thomson (1988) cho thấy quần thể sống
ở vùng nước sâu có kích cỡ nhỏ hơn vùng nước nông trong cùng thời gian sinh trưởng.
Sức lớn của nghêu liên quan chặt chẽ với môi trường sống, nghêu sống ở vùng triều
thấp sinh trưởng nhanh hơn vùng triều cao, ở vùng cửa sông có nhiều thức ăn, hàm
lượng ôxy dồi dào nên quá trình trao đổi chất mạnh, lượng bắt mồi tăng, nghêu sinh
trưởng nhanh. Hàng năm nghêu lớn nhanh từ tháng 4 đến tháng 9, hai năm đầu lớn
nhanh, nhìn chung nghêu không sống quá 4 tuổi. Một khía cạnh khác, nghêu là loài có
tốc độ sinh trưởng về khối lượng nhanh hơn sinh trưởng về chiều dài.
1.1.6 Đặc điểm sinh sản
Nghêu là loài phân tính đực cái, dựa vào hình dạng bên ngoài rất khó xác định
giới tính. Khi tuyến sinh dục thành thục, con cái có màu vàng, con đực có màu trắng
sữa bao phủ khắp nội tạng (Nguyễn Việt Nam và Lê Thanh Lựu, 2001).
Sự thành thục sinh dục của nghêu tuỳ thuộc vào độ tuổi, kích thước và địa lý
phân bố. Sản lượng trứng, tinh trùng và sự hình thành giao tử liên quan đến kích thước
của nghêu, nhiệt độ nước, số lượng và chất lượng thức ăn, đặc biệt quan trọng trong
thời kỳ ban đầu của quá trình này. Mùa vụ sinh sản của nghêu diễn ra vào thời gian

9


cuối mùa xuân tới hết mùa hè (từ tháng 4 đến tháng 9). Sức sinh sản tuyệt đối trung
bình của nghêu đạt từ 2.747.000 – 4.031.000 trứng/cá thể. Trong mùa sinh sản, nghêu
thành thục chứa đầy trứng và tinh trùng trong các ống dẫn, khi gặp kích thích từ môi
trường bên ngoài như nhiệt độ, dòng chảy, mưa giò nhờ sự co giãn của cơ khép vỏ, vỏ
mở ra và khép lại rất nhanh, mạnh tạo thành áp lực ép đẩy tinh trùng hoặc trứng thoát
ra ngoài. Tinh trùng có màu trắng đục, trứng có màu vàng nhạt (Nguyễn Đình Hùng và
CTV, 2003).
Theo Quayle và Newkirk (1989), việc thay đổi một vài yếu tố môi trường như
nhiệt độ nước, độ mặn sẽ kích thích sự chín sinh dục của các loài động vật than mền
nói chung, trong đó có nghêu. Vào mùa xuân, khi nhiệt độ nước bắt đầu ấm dần lên,
nó kích thích sự phát triển của buồng trứng.
1.1.7. Sự phát triển của phôi và ấu trùng
Theo Micheal và ctv., (2004), trứng trải qua thời kỳ phân chia giảm phân sau khi
thụ tinh hình thành hợp tử. Cực động vật xuất hiện, tế bào bắt đầu phân chia trong
vòng 30 phút sau khi thụ tinh. Trứng và tinh trùng được phóng ra từ nghêu bố mẹ vào
trong nước. Thông thường, trong một quần thể, nghêu đực phóng tinh trước, nó đóng
vai trò giống hormon kích thích sự rụng trứng của nghêu cái. Thời gian thụ tinh tiến
hành trong nước, ngoài cơ thể động vật. Phôi xuất hiện sau 30 phút sau khi thụ tinh,
phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường xung quanh. Phân chia tế bào được tiến hành trong
thời gian 24 giờ trước khi chuyển sang giai đoạn ấu trùng chữ “D” - đỉnh vỏ thẳng. Ấu
trùng nghêu trải qua giai đoạn phù du (giai đoạn bơi tự do) khoảng 8 đến 10 ngày, phụ
thuộc vào nguồn thức ăn và nhiệt độ nước, trở thành ấu trùng xuống đáy. Sự phát triển
của ấu trùng được mô tả ở hình trên.

10



Hình 1. 4: Các giai đoạn phát triển của nghêu Meretrix lyrata
* Đặc điểm các giai đoạn phát triển của ấu trùng nghêu:
Theo nghiên cứu của Nguyễn Đình Hùng và CTV (2002) quá trình phát triển của
ấu trùng nghêu Bến Tre được chia làm các giai đoạn sau đây:
- Ấu trùng Morula: Xuất hiện 5-7 giờ sau khi thụ tinh, ấu trùng có dạng hình tròn
hoặc hơi bầu dục, tiêm mao bao phủ kín. Ấu trùng hoạt động tăng dần từ chậm đến
nhanh và vận động xoay tròn xoắn ốc, thường vận động ngược kim đồng hồ. Kích
thước ấu trùng 87 ± 2,03m x 82,7 ± 1,48m.
- Ấu trùng Veliger (ấu trùng chữ D): ấu trùng có dạng hình chữ D, có 2 nắp vỏ và
vành tiêm mao nằm giữa 2 nắp vỏ, ấu trùng vận động nhanh nhờ sự vận động của vành
tiêm mao quanh miệng. Kích thước ấu trùng 97,08 ± 2,06m x 87,7 ± 3,13m.
- Ấu trùng Umbo: Giai đoạn ấu trùng tiền Umbo (sau thụ tinh 2 ngày) xuất hiện
mầm cơ khép vỏ, trên kính hiển vi có thể thấy được cơ quan tiêu hoá, kích thước ấu
trùng 115,88 ± 3,13m x 96,28 ± 2,67m. Giai đoạn giữa Umbo (sau 4 ngày): ấu trùng
xuất hiện đỉnh vỏ với kích thước ấu trùng đạt 124,73 ± 2,06m x 104,73 ± 1,85m.
Giai đoạn cuối Umbo (8-9 ngày): Chân bò hình thành ở ngày thứ 9 đây là dấu hiệu kết
thúc giai đoạn bơi chuyển sang giai đoạn sống đáy của ấu trùng, kích thước đạt 158,83
± 4,64m x 129,4 ± 2,03m.

11


- Ấu trùng Spat: Sau khi thụ tinh 9-12 ngày vành tiêm mao của ấu trùng thoái hoá
dần, hoạt động bơi giảm, ấu trùng chuyển sang sống bò dưới đáy với đặc trưng hình
thành chân, mang, màng áo, cơ khép vỏ. Ấu trùng chuyển hoàn toàn từ đời sống bơi
lội sang sống vùi. Kích thước ấu trùng tăng nhanh, đầu giai đoạn spat 203,13 ±
4,62m x 150 ± 3m (ngày 11); giữa giai đoạn spat 412,07 ± 6,23m x 354,43 ±
3,93m (ngày 15); cuối giai đoạn Spat 760 ± 29,3m x 7,09 ± 27,47m.
- Juvenile (nghêu giống): Nghêu giống có hình dạng tương tự nghêu trưởng
thành, kích thước đạt 1 mm sau 30 ngày, giống nhỏ có kích thước 1,8 - 2 mm sau 60

ngày, giống lớn 4 mm đạt sau 100 ngày.
1.2. Tình hình nghiên cứu nghêu trên thế giới và Việt Nam
1.2.1. Những nghiên cứu về nghêu trên thế giới
1.2.1.1. Tình hình nuôi nghêu
Hiện nay, công trình nghiên cứu về nghêu M. lyrata mới chỉ có nghiên cứu về đặc
điểm hình thái, phân loại của Habe và Sadao (1996); nghiên cứu về dinh dưỡng của
Tammes và Oral (1950). Các thông tin liên quan tới lĩnh vực nuôi thương phẩm rất ít, các
nghiên cứu thường tập trung về những đối tượng thuộc giống nghêu Meretrix khác.
1.2.1.2. Nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố môi trường
Nghêu là động vật thân mềm hai mảnh vỏ, cũng như động vật thủy sinh khác chúng
là những loài biến nhiệt, máu lạnh. Trong các yếu tố sinh thái thì nhiệt độ và độ mặn là
những yếu tố sinh thái quan trọng quyết định đến sự phân bố, sinh trưởng, sống sót của
động vật thân mềm hai mảnh vỏ (Shirley Beker và ctv, 2002; Taylor và ctv, 2004).
Yu J.H và ctv (2009) cho rằng nhiệt độ, độ mặn ảnh hưởng đến hoạt động sinh lý,
phân bố và chi phối quá trình sinh trưởng của sinh vật nên có nhiều nghiên cứu tập
trung tìm hiểu mối quan hệ giữa các yếu tố này tới sinh trưởng của thân mềm hai mảnh
vỏ. Nghêu sẽ ngừng sinh trưởng ở nhiệt độ dưới 80C và trên 310C, đóng vỏ ở nhiệt độ
dưới 30C và tỷ lệ trao đổi nước giảm mạnh nếu nhiệt độ trên 320C.
Zhuang (2006) cho rằng, độ mặn là một trong những nhân tố quan trọng ảnh
hưởng tới chế độ dinh dưỡng của hầu hết các động vật hai mảnh vỏ ở biển. Kết quả

12


nghiên cứu cho thấy, khả năng dinh dưỡng tốt nhất của nghêu đối với tất cả các kích
cỡ là ở khoảng độ mặn 27- 30‰.
Các nghiên cứu của Zhuang và Liu Xue (2006) về ảnh hưởng của khối lượng
thân mềm và nhiệt độ nước đến tỷ lệ trao đổi chất và quỹ năng lượng trên loài M.
meretrix ở Trung Quốc, cho thấy ở các khối lượng thân mềm khác nhau thì mức nhiệt
độ 280C là tối ưu cho việc trao đổi chất và đạt mức 41,5 – 51,2% năng lượng tiêu hóa,

31 - 42,3% bài tiết qua phân, khoảng 12,1 -15,5% năng lượng cho sinh trưởng và sản
phẩm urine chiếm 21, - 5,6%.
Nghiên cứu của Whetstone và ctv. (2005) tại Rhode Island và New Jersey và một
số vùng biển phía đông nước Mỹ trên loài Mercenaria mercenaria lại cho rằng nhiệt
độ thích hợp cho nuôi thương phẩm loài này là 790F (260C) và nước biển có độ mặn
trên 25‰, chúng không thể sống ở nơi có độ mặn thấp kéo dài. Trong khi đó nhiệt độ
thích hợp để nuôi vỗ bố mẹ và cho đẻ là 190C, dao động trong khoảng (18 -240C),
nhiệt độ ấm hơn từ 28 - 300C thì trứng không thụ tinh.
Kết quả nghiên cứu trên đối tượng nghêu dầu (M. meretrix) ở vùng
Korampallam, Tuticorin, Ấn Độ của Narasimham và ctv (1988) cho biết nghêu dầu
phân bố ở vùng đáy cát, độ sâu < 1m, nhiệt độ thích hợp 25 - 310C , độ mặn từ 5,3 –
42,5‰, nghêu dầu không thể thành thục sinh dục và sinh sản khi độ mặn <10‰.
Nghiên cứu chu kỳ thành thục của loài Meretrix lusoria tại vịnh Tokyo và vùng
Ariake Nhật Bản các tác giả Nakamura và Nakano (2010) cho rằng tuyến sinh dục của
nghêu ở cả hai vùng bắt đầu phát triển vào đầu mùa xuân và chín vào mùa hè, có một
số cá thể chín vào cuối mùa hè và đầu mùa thu, khi nhiệt độ nước biến động trong
khoảng từ 120C trong giai đoạn mùa đông và 300C và mùa hè, với độ mặn khác biệt
đáng kể giữa hai vùng kích thước thành thục ở nghêu khi chiều dài vỏ từ 17 -20mm.
Lin Junzhuo và Xu zhenzu tại Đại học Hạ môn Trung quốc vào năm 1997 đã
nghiên cứu ảnh hưởng của nhiệt độ, độ mặn đến sự phát triển của ấu trùng nghêu dầu
cho biết rằng khoảng thích hợp độ mặn cho ấu trùng phát triển là từ 20,5 -28‰ và
nhiệt độ từ 20 - 320C. Ngoài ngưỡng nhiệt độ và độ mặn này đều ảnh hưởng đến khả
năng sống sót, sinh trưởng của ấu trùng nghêu dầu.

13


Các tác giả Liu zhigang và ctv (2011) khi theo dõi nghêu Bến Tre tại bãi Beiyue
tại Quảng Đông, Trung Quốc thấy rằng nghêu giống sinh trưởng nhanh hơn vào mùa
hè và khi nhiệt độ là 24,1- 31,30C, nghêu dừng sinh trưởng vào mùa đông khi nhiệt độ

nước xuống thấp 15,1- 18,10C và bắt đầu sinh trưởng vào mùa xuân khi nhiệt độ nước
đạt 22,5 - 26,80C.
Theo Li zhimin và Liu zhigang (2010) cho rằng nghêu Bến Tre ở kích cỡ giống
(4 - 4,5 mm) có thể sống sót trong khoảng nhiệt độ 12,2 - 35,60C, khoảng nhiệt độ
thích hợp nhất cho sự sống sót là 24 - 300C và nghêu Bến tre có thể sinh trưởng ở điều
kiện nhiệt độ 23,5 - 330C và sinh trưởng thích hợp nhất trong khoảng nhiệt độ 27 300C. Mặt khác nhóm tác giả cũng cho rằng nghêu Bến Tre có thể sống sót trong
khoảng độ mặn 4,3 - 40,5‰, thích hợp để sống sót là khoảng độ mặn 11 - 31‰, sinh
trưởng tốt nhất trong khoảng 19 -22 ‰. Như vậy, tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống của
nghêu phụ thuộc lớn vào nhiệt độ, độ mặn. Nhiệt độ và độ mặn ở các mùa vụ khác
nhau, các vùng khác nhau dẫn đến tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống của nghêu ở mỗi
mùa vụ và mỗi vùng là khác nhau.
Điều kiện môi trường như tốc độ dòng chảy, lượng sinh vật phù du, chất lượng
môi trường… ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng của nghêu. Nơi có tốc độ dòng chảy
chậm, kín sóng gió, giàu sinh vật phù du, nghêu phát triển nhanh; Ngược lại, những
nơi có điều kiện sống bất lợi, môi trường sống không ổn định, nhiều địch hại… là
nguyên nhân làm hạn chế sinh trưởng của nghêu.
Beal (2006) đã tổng hợp các nghiên cứu, thí nghiệm về nuôi nghêu ở vùng triều
(1986-2003) ở phía đông vịnh Maine để đánh giá sự ảnh hưởng của yếu tố hữu sinh và
vô sinh đến sinh trưởng của nghêu như: di chuyển nghêu giống từ những nơi nghêu
phát triển chậm đến những nơi thấp, được dự báo là nghêu phát triển nhanh hơn; ảnh
hưởng của độ cao thủy triều tới sinh trưởng của nghêu; ảnh hưởng của không gian
khác nhau lên sự phát triển của nghêu nuôi, ảnh hưởng của động vật phù du và động
vật ăn thịt đến nghêu tự nhiên và nghêu nuôi… nhằm xây dựng giải pháp nuôi nghêu
đạt hiệu quả.

14


×