Tải bản đầy đủ (.pdf) (27 trang)

Nganh cong nghiep bia VN khuynh huong va vien canh phat trien den 2020

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (455.6 KB, 27 trang )

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ DẦU MỘT

NGUYỄN THÙY LINH
1583401020029

TIỂU LUẬN CUỐI KỲ

NGÀNH CÔNG NGHIỆP BIA VIỆT NAM
- KHUYNH HƯỚNG VÀ VIỄN CẢNH PHÁT TRIỂN
ĐẾN NĂM 2020

Môn: Quản trị chiến lược
Chuyên ngành: Quản trị kinh doanh
Mã ngành: 60340102

TS. VŨ MINH HIẾU

BÌNH DƯƠNG, THÁNG 02 NĂM 2016


MỤC LỤC
MỤC LỤC............................................................................................................... i
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT ...................................................................... iii
MỞ ĐẦU ................................................................................................................ 1
1. Lý do chọn đề tài ................................................................................................. 1
2. Giới hạn của đề tài .............................................................................................. 1
3. Mục tiêu của đề tài .............................................................................................. 2
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu........................................................................ 2
5. Phương pháp nghiên cứu ..................................................................................... 2
6. Bố cục của đề tài ................................................................................................. 2


CHƯƠNG 1: NGÀNH CÔNG NGHIỆP BIA VIỆT NAM ................................. 3
1.1. TỔNG QUAN NGÀNH CÔNG NGHIỆP BIA VIỆT NAM ......................... 3
1.1.1. Tiềm năng phát triển ................................................................................. 3
1.1.2. Chính sách của Nhà nước ......................................................................... 3
1.1.3. Các nhà cung cấp ...................................................................................... 4
1.1.4. Sản phẩm và phân khúc tiêu thụ................................................................ 5
1.1.5. Công nghệ sản xuất................................................................................... 6
1.1.6. Nguyên vật liệu ........................................................................................ 6
1.2. SỰ CẦN THIẾT PHẢI PHÁT TRIỂN NGÀNH
CÔNG NGHIỆP BIA VIỆT NAM ......................................................... 7
1.2.1. Vai trò của ngành bia ................................................................................ 7
1.2.1.1. Tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân .... 7
1.2.1.2. Đóng góp của ngành công nghiệp bia cho kinh tế, xã hội ............. 7
1.2.2. Nhu cầu tiêu dùng bia tại Việt Nam và trên thế giới đến năm 2020 ........... 8
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG VÀ KHUYNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA
NGÀNH CÔNG NGHIỆP BIA VIỆT NAM.......................................... 9

i


2.1. THỰC TRẠNG NGÀNH CÔNG NGHIỆP BIA VIỆT NAM ....................... 9
2.1.1. Tình hình kinh doanh và sự tăng trưởng của ngành ................................... 9
2.1.2. Quy mô phát triển ................................................................................... 10
2.1.2.1. Về số luợng doanh nghiệp .......................................................... 10
2.1.2.2. Về quy mô doanh nghiệp ........................................................... 10
2.1.2.3. Về thị phần tiêu thụ .................................................................... 10
2.2. KHUYNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ............................................................. 12
2.2.1. Khả năng phát triển................................................................................. 12
2.2.2. Dự báo ngành ......................................................................................... 14
2.2.2.1. Khả năng tăng trưởng cao .......................................................... 14

2.2.2.2. Thị trường tiêu thụ được mở rộng .............................................. 14
2.2.2.3. Sự ra đời của nhiều sản phẩm mới .............................................. 15
2.3. CƠ HỘI PHÁT TRIỂN ................................................................................ 16
2.4. NHỮNG THÁCH THỨC VÀ TRỞ NGẠI .................................................. 16
CHƯƠNG 3: CÁC GIẢI PHÁP VÀ KHUYẾN NGHỊ NHẰM PHÁT TRIỂN
BỀN VỮNG NGÀNH CÔNG NGHIỆP BIA VIỆT NAM .................. 18
3.1. GIẢI PHÁP ................................................................................................... 18
3.1.1. Nhóm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ........................................ 18
3.1.1.1. Nâng cao chất lượng sản phẩm ................................................... 18
3.1.1.2. Mở rộng thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu ................. 18
3.1.2. Giải pháp cải thiện quy hoạch phát triển ngành ....................................... 19
3.2. KHUYẾN NGHỊ VỚI CHÍNH PHỦ ............................................................ 20
3.2.1. Về công tác quản lý ................................................................................ 20
3.2.2. Hỗ trợ về thị trường ................................................................................ 20
3.2.3. Hỗ trợ về phát triển vùng nguyên liệu ..................................................... 20
KẾT LUẬN .......................................................................................................... 21
TÀI LIỆU THAM KHẢO

ii


DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
STT

THUẬT NGỮ TIẾNG VIỆT

TỪ VIẾT TẮT

1


Công ty Liên doanh Nhà máy Bia
Việt Nam

VBL

2

Doanh nghiệp

DN

3

Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược
xuyên Thái Bình Dương

TPP

4

Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát
Việt Nam

VBA

5

Mua bán và sáp nhập

M&A


6

Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước Giải khát
Hà Nội

Habeco

7

Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước Giải khát
Sài Gòn

Sabeco

8

Vệ sinh an toàn thực phẩm

VSATTP

iii


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Ngành Bia – Rượu – Nước giải khát ở Việt Nam đã trải qua một quá trình
hình thành và phát triển khá lâu. Đây là ngành sản xuất đồ uống quan trọng, gắn
liền với nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Sản xuất bia được người Pháp đưa vào nước ta từ cuối thế kỷ XIX. Từ

những năm 1970 do chính sách đổi mới, mở cửa của Đảng và Nhà nước, đời
sống của các tầng lớp dân cư có những bước cải thiện quan trọng, lượng khách
du lịch, các nhà đầu tư nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam tăng nhanh, thúc đẩy
sự phát triển của các ngành kinh tế. Theo đó, ngành bia Việt Nam đã có những
bước phát triển quan trọng, thông qua việc đầu tư khôi phục sản xuất của các nhà
máy bia sẵn có, mở rộng đầu tư liên doanh với nước ngoài và xây dựng thêm các
nhà máy bia từ Trung ương đến địa phương trên phạm vi cả nước.
Trong xu hướng phát triển hiện nay, các doanh nghiệp (DN) sản xuất bia
nói riêng và ngành bia nói chung phải đối mặt với môi trường kinh doanh ngày
càng phức tạp, biến động liên tục và có nhiều khả năng xuất hiện những biến cố
bất ngờ, gồm cả cơ hội lẫn nguy cơ. Đứng trước sự cạnh tranh của những thương
hiệu bia từ nước ngoài, ngành bia Việt Nam cần có những chiến lược hợp lý để
đảm bảo sự phát triển bền vững cũng như tăng vị thế cạnh tranh trên “sân nhà”.
Vì những lý do trên, tôi quyết định chọn đề tài: “Ngành công nghiệp bia Việt
Nam – Khuynh hướng và viễn cảnh phát triển đến năm 2020” để phân tích
thực trạng hiện nay cũng như xây dựng những giải pháp cụ thể để ngành công
nghiệp bia Việt Nam theo kịp khuynh hướng phát triển của ngành bia thế giới,
mặt khác, có những ưu thế cạnh tranh riêng để đáp ứng nhu cầu của thị trường
bia trong nước, từng bước thâm nhập thị trường quốc tế.
2. Giới hạn của đề tài
Phân tích thực trạng và khuynh hướng phát triển của toàn ngành bia Việt
Nam, không nêu thực trạng cụ thể của các DN sản xuất bia hiện nay.

1


3. Mục tiêu của đề tài
Phân tích thực trạng hiện nay, từ đó đề xuất một số giải pháp để đưa
ngành công nghiệp bia Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, phù hợp với
khuynh hướng của của thị trường trong nước nói riêng và ngành bia thế giới nói

chung.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
a) Đối tượng nghiên cứu
Ngành công nghiệp bia Việt Nam.
b) Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi về nội dung: thực trạng hiện nay và khuynh hướng phát triển đến
năm 2020.
Phạm vi về không gian: ngành bia nói chung và các DN sản xuất bia trong
lãnh thổ Việt Nam.
Phạm vi về thời gian: thực trạng giai đoạn 2011-2014 và khuynh hướng
phát triển từ 2015-2020.
5. Phương pháp nghiên cứu
Sử dụng nguồn thông tin thứ cấp và các báo cáo tổng hợp của ngành để
phân tích thực trạng cũng như nhìn ra khuynh hướng phát triển mang tính chiến
lược trong tương lai để đưa ra giải pháp và khuyến nghị cần thiết.
6. Bố cục của đề tài
Ngoài phần Mở đầu, đề tài được xây dựng thành 3 chương với nội dung
như sau:
Chương 1: Ngành công nghiệp bia Việt Nam
Chương 2: Thực trạng và khuynh hướng phát triển của ngành công nghiệp
bia Việt Nam
Chương 3: Các giải pháp và khuyến nghị nhằm phát triển bền vững ngành
công nghiệp bia Việt Nam.
2


CHƯƠNG 1

NGÀNH CÔNG NGHIỆP BIA VIỆT NAM
1.1. TỔNG QUAN NGÀNH CÔNG NGHIỆP BIA VIỆT NAM

1.1.1. Tiềm năng phát triển
Tốc độ tăng trưởng GDP ổn định trong 5 năm gần đây, trung bình
5.44%/năm đã cải thiện thu nhập của người dân, khiến nhu cầu đối với các loại
đồ uống đóng hộp, nước giải khát ngày một tăng lên tạo tiền đề cho sự phát triển
của ngành Bia – Rượu – Nước giải khát nói chung và ngành bia nói riêng.
Ngoài ra, dân số nước ta thuộc loại dân số trẻ với 51.9% dưới độ tuổi 30,
tạo ra một thị trường lớn chịu ảnh hưởng của xu hướng “Tây hóa” lối sống cùng
có xu hướng tiêu thụ nhiều các sản phẩm bia.
Trong năm 2014, Việt Nam tiêu thụ khoảng 32 lít bia/người, tương đối
thấp so với các nước châu Âu với mức trung bình 70 lít và châu Á như Nhật và
Hàn Quốc 43 lít bia/người mỗi năm. Mức độ thâm nhập thị trường bia còn thấp
nên còn nhiều khoảng trống cho sự tăng trưởng và cơ hội để giới thiệu những sản
phẩm mới. Cùng với mức sống ngày càng cao và xu hướng “Tây hóa” lối sống
do dân số trẻ, các sản phẩm mới, tinh tế hơn còn ít xuất hiện như bia không cồn,
bia đen, còn nhiều khả năng sẽ tìm được chỗ đứng trên thị trường tạo nên một
kênh thu lợi nhuận cho các DN đang hoạt động.
1.1.2. Chính sách của Nhà nước
Ngành Bia – Rượu – Nước giải khát được Bộ Công Thương đặt mục tiêu
xây dựng thành một ngành kinh tế mạnh, phấn đấu hạ giá thành, nâng cao khả
năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, tăng nguồn
thu ngân sách, hội nhập vững chắc kinh tế khu vực và thế giới. Trong ngành, lĩnh
vực sản xuất bia đã khẳng định được thế mạnh của mình. Bia được tiêu thụ mạnh
nhất trong dòng sản phẩm đồ uống có cồn, chiếm khoảng 90% tổng doanh thu và
97.8% về khối lượng.

3


Nhà nước hiện đang khuyến khích tập trung đầu tư vào các nhà máy hiện
đại có công suất lớn.

Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, thuế suất thuế
nhập khẩu bia cũng đã giảm. Tuy nhiên, mức thuế suất 50% như hiện nay là khá
cao và các nhà sản xuất bia nước ngoài thường liên doanh với các nhà sản xuất
trong nước để tránh loại thuế này.
Sự gia tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt của Bộ Tài chính đối với mặt
hàng bia (áp dụng từ 01/7/2015 là 50%, từ 01/01/2016 tăng thêm 5%/năm theo lộ
trình mỗi năm đến năm 2018) sẽ khiến cầu về bia giảm sút một lượng tương đối
do giá thành tăng. Tuy nhiên, theo đánh giá, bia rượu là mặt hàng có cầu ít co
giãn so với giá nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt không ảnh hưởng quá nhiều
đến lượng tiêu thụ của mặt hàng này.
1.1.3. Các nhà cung cấp
Việt Nam hiện có 129 cơ sở sản xuất bia trên toàn quốc, tập trung chủ yếu
ở 2 thành phố lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Nhiều nhà máy bia có
công suất lớn với thiết bị hiện đại, tự động hóa cao, sản phẩm có chất lượng tốt,
đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) như: Bia Sài Gòn – Củ Chi, Bia
Hà Nội – Mê Linh, Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam – TP.Hồ Chí Minh,
Công ty TNHH Nhà máy Bia Châu Á – Thái Bình Dương – Hà Nội, cùng với
một số nhà máy công suất trên 50 triệu lít/năm được xây dựng ở Phú Thọ, Hà
Tĩnh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Ninh Thuận, Kiên Giang, Hải Phòng, Thái Bình…
Sản xuất bia Việt Nam tăng trưởng trung bình 9.5%/năm từ 2010-2014 và
theo Bộ Công Nghiệp, kỳ vọng đạt 4 - 4.25 tỷ lít vào năm 2020. Năm 2014, sản
lượng bia đạt 3.14 tỷ lít; mỗi người Việt Nam tiêu thụ khoảng 32 lít bia; tuy
nhiên, mức độ này được kỳ vọng sẽ tăng lên 41 lít vào năm 2020.
Những tỉnh, thành phố tập trung nhiều năng lực sản xuất bia nhất là:
Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 34.69% tổng năng lực sản xuất bia toàn quốc, Hà

4


Nội: 12.46%, Huế: 6.8%... (theo Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam

- VBA).
Việc tham gia ký Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình
Dương (TPP) sẽ tạo cho ngành bia ở Việt Nam có nhiều cơ hội mới như: gia tăng
xuất khẩu do các nước TPP xóa bỏ thuế quan theo cam kết, được áp dụng cơ chế
tự chứng nhận xuất xứ, cơ hội thu hút vốn đầu tư từ phía các DN Hoa Kỳ và các
nước TPP khác vào Việt Nam, DN Việt Nam có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị
toàn cầu.
Tuy nhiên, TPP cũng mang đến nhiều thách thức khi ngành bia phải đón
nhận sự cạnh tranh từ các DN nước ngoài. Việc giảm thuế nhập khẩu xuống 0%
khi TPP có hiệu lực sẽ đưa ngành vào cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các DN nội
địa và các DN nước ngoài trên thị trường bia.
1.1.4. Sản phẩm và phân khúc tiêu thụ
Các sản phẩm bia được phân chia theo 3 phân khúc thị trường chính gồm:
bia hơi (chưa tiệt trùng); bia tiệt trùng đóng lon hoặc chai; bia thượng hạng gồm
những thương hiệu quốc tế hoặc thương hiệu nội địa cao cấp.
Phân khúc bia hơi chiếm khoảng 43% khối lượng và 30% giá trị tiêu thụ.
Việc bia hơi có được vị thế này chủ yếu do tập trung vào tầng lớp bình dân với
mức giá phải chăng, khoảng 10,000đ/lít. Loại bia này thường được sản xuất bởi
các cơ sở nhỏ tại địa phương, tuy nhiên Tổng Công ty Bia Rượu Nước Giải Khát
Hà Nội (Habeco) đã chiếm được vị trí dẫn đầu phân khúc này tại Hà Nội và các
tỉnh phía Bắc.
Phân khúc bia tiệt trùng đóng lon hoặc chai chiếm vị trí số 1 trên thị
trường với mức tiêu thụ 45% về khối lượng và 50% về giá trị. Các sản phẩm này
tập trung vào tầng lớp trung bình khá, hiện đang dần mở rộng theo sự tăng trưởng
kinh tế, có giá trung bình khoảng 20,000đ/lít. Dẫn đầu phân khúc là Tổng Công
ty Bia Rượu Nước Giải Khát Sài Gòn (Sabeco), Habeco và Nhà máy bia Huế.

5



Phân khúc nhỏ nhất là bia thượng hạng với mức giá tương đối cao, khoảng
trên dưới 30,000đ/lít, chiếm 12% về khối lượng và 20% về giá trị tiêu thụ. Dòng
sản phẩm này tập trung vào tầng lớp khá và thượng lưu. Dẫn đầu phân khúc là
các sản phẩm Tiger, Heineken được Công ty Liên doanh Nhà máy bia Việt Nam
(VBL) phân phối, Carlsberg của Nhà máy bia Đông Nam Á, ngoài ra còn có
thương hiệu Việt là Saigon Premium và Saigon Special của Sabeco.
Tập trung vào tầng lớp trung bình khá, hiện bia nội vẫn là sản phẩm được
tiêu thụ mạnh nhất. Phân khúc này hiện diện những thương hiệu lớn như Sabeco
với sản phẩm Sài Gòn Xanh, Habeco với sản phẩm cùng tên và Nhà máy bia Huế
với sản phẩm Huda, Festival…
1.1.5. Công nghệ sản xuất
Theo Bộ Công Thương, hiện chỉ có những nhà máy bia công suất trên 100
triệu lít mỗi năm sở hữu máy móc hiện đại được nhập khẩu từ các nước phát
triển. Các DN lớn nội địa chuẩn bị hội nhập như Sabeco, Habeco đã liên tục đầu
tư trang thiết bị hiện đại, không thua kém so với các DN liên doanh và đảm bảo
được VSATTP. Các cơ sở sản xuất bia địa phương vì vậy gặp nhiều khó khăn do
trang thiết bị lạc hậu và chưa đảm bảo được VSATTP.
1.1.6. Nguyên vật liệu
Nguyên vật liệu cho ngành còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, chiếm 6070% lượng nguyên liệu phục vụ sản xuất, trong đó nguyên liệu chính là malt.
Theo VBA, mỗi năm chúng ta nhập trung bình 120,000 - 130,000 tấn malt, tương
đương với hơn 50 triệu USD.
Malt nhập khẩu có thể được thay thế bằng malt chế biến từ đại mạch trồng
trong nước, tuy nhiên, việc trồng đại mạch chỉ mới được đưa vào thử nghiệm và
giải pháp này chưa thể hiện tính khả thi.

6


1.2. SỰ CẦN THIẾT PHẢI PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP BIA
VIỆT NAM

1.2.1. Vai trò của ngành bia
1.2.1.1. Tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân
Các sản phẩm của ngành bia Việt Nam ngày càng phong phú, đa dạng...
cơ bản đáp ứng được những nhu cầu tất yếu của người dân, giảm một lượng nhập
khẩu đáng kể.
Nhiều thương hiệu bia có vị trí vững chắc trên thị trường như: Habeco,
Sabeco, Huda, Đại Việt… đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và
từng bước xuất khẩu, đưa thương hiệu ngành bia Việt Nam vươn ra thị trường thế
giới.
1.2.1.2. Đóng góp của ngành công nghiệp bia cho kinh tế, xã hội
Ngành bia có vai trò rất lớn trong việc đóng góp cho ngân sách thông qua
các khoản thuế trực tiếp từ sản xuất bia và các khoản khác qua những hoạt động
liên quan như dịch vụ, bán lẻ… Với mức đóng thuế năm 2014 trên 25,781 tỷ
đồng, chiếm gần 2.5% số thu ngân sách Nhà nước ở lĩnh vực sản xuất kinh doanh
(không kể thu từ dầu thô, hải quan và viện trợ không hoàn lại).
Giá trị gia tăng (VA) của ngành sản xuất bia cũng thuộc nhóm ngành có tỷ
lệ gia tăng lớn. Ngành chỉ chiếm 3 - 4% lao động nhưng tạo ra tới 7% giá trị gia
tăng trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và chiếm khoảng 6% tổng giá
trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.
Giải quyết việc làm cho người lao động cũng là một đóng góp đáng kể của
ngành với xã hội. Ngoài lực lượng lao động kỹ thuật trong các nhà máy, trên các
dây chuyền sản xuất, còn hàng trăm nghìn lao động giản đơn hoạt động ở các
khâu dịch vụ, cung ứng, nguyên vật liệu, phân phối sản phẩm và gián tiếp tại các
cơ sở dịch vụ bán buôn, bán lẻ, nhà hàng cũng như các hoạt động cung ứng, hỗ
trợ khác…

7


Về mặt xã hội, các DN ngành đồ uống nói chung và ngành bia nói riêng đã

quan tâm đặc biệt và làm tốt công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo tại các
địa phương. Mỗi năm các DN đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho công tác này,
điển hình là Sabeco, Habeco, Tân Hiệp Phát (nay là Number 1)… Theo số liệu
chưa đầy đủ từ Công Đoàn ngành Công Thương, tổng số tiền ngành Bia – Rượu
– Nước giải khát đóng góp cho các hoạt động cộng đồng từ 2010-2014 lên tới
200 tỷ đồng.
Không thể phủ nhận ngành công nghiệp bia có hiệu quả kinh tế khá cao so
với những ngành công nghiệp khác. Sự phát triển của ngành bia đã tác động tích
cực, góp phần thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển như: nông nghiệp, giao
thông vận tải, cơ khí, hóa sinh, sản xuất bao bì… Vì vậy, Nhà nước cần có những
chính sách phù hợp để thúc đẩy ngành bia phát triển bền vững không chỉ tại thị
trường trong nước mà còn vươn xa ra thị trường thế giới.
1.2.2. Nhu cầu tiêu dùng bia tại Việt Nam trên thế giới đến năm 2020
Căn cứ vào các dự báo về dân số và kinh tế, sản lượng sản xuất trong thời
gian qua cũng như những chính sách mới của Nhà nước có liên quan đến ngành
công nghiệp bia Việt Nam ta có thể thấy nhu cầu tiêu thụ bia ở Việt Nam đến
năm 2020 là vẫn đang tăng.
Theo các tổ chức nghiên cứu về xu thế tiêu thụ bia, rượu trên thế giới, sức
tiêu thụ của các nước đang phát triển đang và sẽ tiếp tục tăng trưởng liên tục
trong thời gian tới. Trong đó, các nước đang phát triển ở khu vực Châu Á có tốc
độ tăng trưởng mạnh nhất.
Như vậy, nhu cầu về bia ở cả trong và ngoài nước được dự báo là đang
tăng lên trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. VBA cũng đặc mục tiêu đến năm
2020, ngành Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam trở thành ngành công nghiệp
hiện đại phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả, chú trọng đảm bảo VSATTP,
bảo vệ môi trường sinh thái, có thương hiệu trên thị trường, sản xuất ra nhiều sản
phẩm chất lượng cao, đa dạng hóa về chủng loại, đáp ứng nhu cầu thị trường

8



trong nước và tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo nhiều việc làm cho xã hội; nâng cao
khả năng cạnh tranh, hội nhập vững chắc khu vực và quốc tế. VBA đề ra chiến
lược ngành bia đến năm 2020 đạt sản lượng từ 4 - 4.25 tỷ lít/năm.

9


CHƯƠNG 2

THỰC TRẠNG VÀ KHUYNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA
NGÀNH CÔNG NGHIỆP BIA VIỆT NAM
2.1. THỰC TRẠNG NGÀNH CÔNG NGHIỆP BIA VIỆT NAM
2.1.1. Tình hình kinh doanh và sự tăng trưởng của ngành
 Tốc độ tăng trưởng doanh thu ổn định qua các năm
Sự bùng nổ dân số của một quốc gia dân số trẻ, cùng với sự tăng lên của
thu nhập bình quân đầu người (đạt mốc 1,900 USD/người/năm vào năm 2013
theo Tổng cục Thống Kê) đã tạo đòn bẩy cho sự phát triển của ngành bia Việt
Nam. Tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình giai đoạn 2010 - 2014 đạt
16.29%/năm. Sự tăng trưởng nóng này ngược chiều so với các ngành kinh tế
khác trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa qua.
Tổ chức nghiên cứu BMI dự báo ngành nước giải khát có cồn ở Việt Nam
đang trong giai đoạn tăng trưởng cao. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm tới, ngành
tăng trưởng ở tốc độ chậm dần lại, đạt trung bình 9.95%/năm tính theo doanh thu
và 5.09% tính theo doanh số.
 Tỷ suất lợi nhuận sau thuế đang giảm dần. Tốc độ tăng trưởng lợi
nhuận có phần bấp bênh.
Tuy đạt được tốc độ tăng trưởng doanh thu đều qua các năm, nhưng tốc độ
tăng trưởng lợi nhuận của ngành lại chứng kiến sự lên xuống trái chiều qua giai
đoạn 5 năm 2010 - 2014. Ngành có lợi nhuận tăng trưởng dương vào năm 2010,

2012 (+20%) trong khi các năm còn lại trong giai đoạn này có lợi nhuận tăng
trưởng âm. Năm 2014, ngành bia đạt tốc độ tăng trưởng 12.73%, cao hơn so với
năm 2013 (10.63%). Tốc độ này được dự báo sẽ giảm dần và đạt trung bình
9.95% trong giai đoạn 5 năm tới, tính theo doanh thu VNĐ.
Về khả năng sinh lời của ngành, tỷ suất lợi nhuận ròng đang có xu hướng
giảm dần bởi cung tăng do có sự gia nhập của nhiều DN mới và sản phẩm ngoại

10


nhập, tạo áp lực tăng chi phí về marketing và phân phối nhằm quảng bá sản
phẩm. Tuy nhiên, khi thống kê, so sánh với các ngành khác trong cùng kỳ thì tỷ
lệ sinh lời của ngành bia cao hơn hẳn so với các ngành công nghiệp, dầu khí và
công nghệ.
2.1.2. Quy mô phát triển
2.1.2.1. Về số lượng doanh nghiệp
Theo báo cáo của VBA, đến nay cả nước có khoảng 129 cơ sở sản xuất bia
trải dài trên hầu hết các tỉnh thành. Số lượng cơ sở sản xuất so với năm 2010 có
giảm (năm 2010 có 141 cơ sở) nhưng số DN có công suất lớn tăng lên. Nguyên
nhân của hiện tượng này là do một số DN nhỏ đã sáp nhập vào các DN lớn, một
số khác do hoạt động không hiệu quả dẫn đến giải thể.
2.1.2.2. Về quy mô doanh nghiệp
Trong năm 2014, tổng năng lực sản xuất bia của 129 cơ sở sản xuất bia ở
các tỉnh thành trên toàn quốc là 3.14 tỷ lít/năm, riêng Sabeco, VBL và Habeco đã
chiếm hơn 50% năng lực sản xuất bia của toàn ngành.
Số DN sản xuất bia có công suất lớn cũng tăng lên, nhiều DN có công suất
từ 50 - 100 triệu lít/năm; một số cơ sở có công suất lớn từ 200 - 400 triệu lít/năm
như Nhà máy bia Củ Chi (thuộc Sabeco), Nhà máy bia Mê Linh (thuộc Habeco),
Nhà máy bia Việt Nam… ở Thành phố Hồ Chí Minh.
2.1.2.3. Về thị phần tiêu thụ

Thị trường hiện tại chứng kiến sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất nội địa
(Sabeco, Habeco) với truyền thống lâu đời đã đi sâu vào tiềm thức của người tiêu
dùng và các hãng bia danh tiếng nước ngoài vốn có lợi thế thương hiệu toàn cầu,
tiềm lực mạnh và chiến lược khoa học. Một cách tổng quát, thị trường Việt Nam
hiện có tính trung lập khá cao khi 4 nhà sản xuất hàng đầu (Sabeco, Habeco,
VBL, Huda) đã chiếu gần 89% thị phần cả nước. Điều này tương đồng với những
thị trường bia phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ hay Ấn Độ, là những quốc
gia mà top 4 luôn chiếm trên 85% thị phần. Tuy nhiên, dự báo tính phân mảnh tại
11


thị trường Việt Nam sẽ ngày càng tăng lên, thị phần sẽ ngày càng được chia nhỏ
nhiều hơn thông qua việc đẩy mạnh đầu tư và phát triển của những thương hiệu
bia quốc tế khác bên cạnh những nhãn hiệu quen thuộc như Heineken và Tiger.
- Sabeco là DN sản xuất bia lớn nhất Việt Nam (thị phần sản lượng đạt
hơn 34%) và xếp thứ 20 trên toàn thế giới. Tổng công suất của tất cả 24 dự án
nhà máy lên đến gần 2 tỷ lít, sản lượng tiêu thụ cao.
- Habeco dẫn đầu tại thị trường miền Bắc với sản lượng tiêu thụ năm 2014
khoảng 800 triệu lít trên tổng công suất thiết kế 1,000 triệu lít, thị phần khoảng
19%. Với đối tác chiến lược là Carlsberg (30%) tạo cơ hội cho Habeco mở rộng
danh mục sản phẩm sang những phân khúc cao cấp hơn và mở rộng thị trường về
phía Nam là khu vực có nhiều tiềm năng hơn.
- VBL là DN liên doanh giữa hãng bia nổi tiếng Heineken (~60%) và
Satra. Thị phần hiện tại vào khoảng 30% và năng lực sản xuất đạt đến 1.4 tỷ lít
trong năm 2015. Những nhãn hiệu Heineken và Tiger không bị hạn chế bởi tính
chất vùng miền nên có thị trưởng trải khắp của nước, trong khi nhãn hiệu phổ
thông Larue được tận dụng để khai thác phân khúc phổ thông tại khu vực miền
Trung.
- Ngoài ra, những hãng bia lớn trên thế giới cũng đang gia tăng sự hiện
diện của mình tại thị trường Việt Nam đặc biệt là khu vực Đông Nam Bộ. AB

InBev, công ty sở hữu thương hiệu Budweiser, hiện đã triển khai dự án nhà máy
tại Bình Dương với công suất thiết kế 100 triệu lít/năm. Sapporo, nhãn hiệu bia
của Nhật Bản cũng dự kiến nâng công suất nhà máy Long An từ mức 40 lên 100
triệu lít/năm. Việc đầu tư và sản xuất trực tiếp tại Việt Nam giúp các DN nước
ngoài tránh được khoản thuế nhập khẩu.
2.2. KHUYNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
2.2.1. Khả năng phát triển
Ngành đồ uống có cồn nói chung và ngành bia Việt Nam nói riêng vẫn
đang trong thời kỳ phát triển nóng, điều này được thể hiện ở các tiêu chí như:

12


tăng trưởng nhanh so với trung bình các ngành kinh tế trong nước và ngành nước
giải khát thế giới, số lượng sản phẩm tăng, nhiều sản phẩm mới lạ, nhu cầu đầu
tư vào công nghệ và phát triển sản phẩm lớn.
Mức độ đầu tư mở rộng tăng trưởng cũng diễn ra rất nhanh chóng. Điển
hình là Sabeco, trong 3 năm trở lại đây dẫn đầu về tốc độ mở rộng sản xuất với
hơn 24 dự án mới, trong đó có 20 dự án đi vào hoạt động với tổng công suất lên
tới 1.8 tỷ lít bia. Cuối năm 2013, Sabeco đưa nhà máy Ninh Thuận với công suất
50 triệu lít/năm và sẽ nâng lên 100 triệu lít/năm vào những năm tiếp theo. Cùng
thời gian đó, DN này cũng cho khởi công dự án nhà máy Cần Thơ với vốn xấp xỉ
450 tỷ đồng. Đầu năm 2014, DN khởi công dự án Kiên Giang với vốn khoảng
600 tỷ đồng, công suất 50 triệu lít/năm. Trong giai đoạn hiện nay, Sabeco vẫn
tiếp tục đầu tư thêm 3 dự án mới ở các tỉnh thành phố trên cả nước.
Đối thủ cạnh tranh Habeco cũng không kém phần khi liên tiếp đầu tư vào
các tỉnh thành phía Bắc và miền Trung với các nhà máy Thái Bình, Phú Thọ, Hải
Phòng, Quảng Ninh… với công suất trung bình đạt 50-100 triệu lít/năm.
Bên cạnh đó, các DN nước ngoài cũng không ngừng hoạt động đầu tư. Ví
dụ, VBL đã nâng công suất của bia Heineken từ 150 triệu lít/năm lên 420 triệu

lít/năm. Tương tự, nhà máy bia công suất 190 triệu lít/năm do Tập đoàn BTG
Holding Slovakia đầu tư với số vốn 86 triệu Euro tại Hòa Bình đã cho ra đời mẻ
bia đầu tiên vào năm 2015. Công ty AB InBev của Mỹ cũng đẩy nhanh tiến độ
xây dựng nhà máy công suất 100 triệu lít/năm để đưa vào vận hành năm 2014
cho thương hiệu bia Budweiser, Công ty TNHH Sapporo VN, liên doanh với
Vinataba đã nâng công suất thiết kế từ 40 lên 100 triệu lít/năm vào đầu năm
2014.
Việc mở rộng sản xuất cho thấy ngành đồ uống có cồn nói chung và ngành
bia Việt Nam nói riêng vẫn đang thu hút được nhiều sự quan tâm đầu tư từ trong
nước và nước ngoài.

13


2.2.2. Dự báo ngành
2.2.2.1. Khả năng tăng trưởng cao
Ngành nước giải khát có cồn Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng
trong giai đoạn 5 năm tới. Theo VBA, mức tiêu dùng bia rượu của người Việt
Nam đang rất cao, đặc biệt là bia khi lượng tiêu thụ đứng đầu Đông Nam Á và
đứng thứ 3 Châu Á, chỉ thấp hơn so với một số nước Châu Âu. Tuy nhiên, con số
này vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại, việc tiêu thụ bia rượu vẫn có xu hướng tăng
lên hàng năm.
Năm 2014, ngành bia đạt tốc độ tăng trưởng 5.59% so với 3.78% năm
2013. Sự tăng trưởng cao một phần là do năm 2014 có nhiều lễ hội, đặc biệt là lễ
hội bóng đá thế giới đã kích thích sự tiêu dùng bia rượu.
BMI đã dự báo lượng tiêu thụ đồ uống có cồn sẽ tăng lên 3.3 tỷ lít vào
năm 2018, doanh thu sẽ tăng với tốc độ trung bình là 11.2%/năm, đạt 290 nghìn
tỷ vào năm 2018.
2.2.2.2. Thị trường tiêu thụ được mở rộng
Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) vẫn là một trong những phương

thức để mở rộng thị trường. Quá trình chia lại thị trường vẫn tiếp diễn.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lớn đã khiến nhiều DN nước
ngoài nhảy vào thị trường Việt Nam thông qua M&A. Sự đầu tư và chiến lược
dài hạn của các tập đoàn đa quốc gia, với sự hậu thuẫn về thương hiệu lâu đời, tài
chính dồi dào, các tập đoàn nước ngoài này đã và đang khiến nhiều DN Việt
Nam phải rời khỏi thị trường.
Trường hợp của Công ty Bia Huda Huế với Carlsberg là ví dụ điển hình
cho việc thâu tóm thị trường bằng con đường liên doanh với DN Việt Nam. Từ
chiến giữ 50% cổ phần vào năm 1994, Carlsberg đã hoàn toàn trở thành công ty
100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam năm 2011. Vào năm 2013, Masan
cũng đã chi 12 triệu USD để mua lại Công ty Cổ phần Bia và Nước Giải Khát

14


Phú Yên (Pybeco) với công suất sản xuất 50 triệu lít bia/năm và cho ra đời dòng
sản phẩm Sư Tử Trắng.
Bên cạnh đó, những DN lớn trong ngành cũng muốn mở rộng quy mô và
thị trường bằng việc mua lại những DN nhỏ, những DN có lợi thế tại thị trường
địa phương. Euromonitor cũng đánh giá ngành đồ uống có cồn ở Việt Nam có sự
phát triển của những DN lớn là nhờ sự co dần và ra đi của các DN nhỏ.
Nếu như những DN nhỏ tập trung vào những mặt hàng cho đối tượng
người tiêu dùng có thu nhập thấp tại những vùng thị trường nhỏ, thì các DN lớn
lại phát triển các loại sản phẩm trung cấp và cao cấp. Tuy nhiên, do có sự cải
thiện về đời sống và thu nhập, người tiêu dùng đang có xu hướng tìm đến những
mặt hàng cao cấp hơn. Vì vậy, các DN nhỏ mất dần thị phần. Giải pháp cần có
cho cả hai bên là DN lớn mua lại DN nhỏ - những DN đã xây dựng được chuỗi
cung ứng tại các địa phương.
Euromonitor đưa ra dự báo xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục diễn ra trong
những năm tới. Sẽ có ngày càng nhiều DN nhỏ bị thâu tóm bởi các DN lớn trong

nước và các DN nước ngoài. Thị phần bia sẽ bị chia nhỏ bởi nhiều DN.
2.2.2.3. Sự ra đời của nhiều sản phẩm mới
Sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bia Việt Nam hiện nay đã tạo động
lực cho các DN trong ngành thường xuyên đầu tư phát triển sản phẩm mới để đa
dạng hóa thị trường. Sự chiếm lĩnh thị trường cao cấp của sản phẩm Heineken đã
tác động đến cả Sabeco và Habeco. Những năm gần đây, hai DN này bắt đầu tập
trung nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới phân khúc cao cấp với sự ra đời
của Saigon Gold, Saigon Premium (Sabeco) và Trúc Bạch (Habeco)…
Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Bình Tây cũng đã chính thức tung ra thị
trường dòng bia không cồn Sagota, lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam.
Đại diện Công ty TNHH Sapporo Việt Nam cũng cho biết công ty đang
nghiên cứu sản xuất 2 loại là bia không cồn và bia không gút (ít đạm) để cung
cấp cho thị trường; đây là loại sản phẩm nhiều hãng bia trên thế giới đang làm.

15


Chưa từng có kinh nghiệm sản xuất bia, nhưng Công ty Yến Sào Sài Gòn
Anpha đã không ngần ngại tham gia vào lĩnh vực này khi cho ra đời sản phẩm lạ
mang tên Bia Tổ Yến.
Bên cạnh đó, sản phẩm từ những DN mới gia nhập ngành cũng khiến thị
trường bia trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Ví dụ như Sư Tử Trắng từ Nhà máy
Bia Phú Yên của Masan. Hoặc các dòng bia ngoại Budweiser của Mỹ đã chính
thức được sản xuất ngay tại Việt Nam thay vì nhập khẩu như trước kia.
2.3. CƠ HỘI PHÁT TRIỂN
Tại Việt Nam, BMI đánh giá bia là lĩnh vực mang lại nhiều cơ hội đầu tư
mạnh mẽ nhất trong số các nước Đông Nam Á. Có 2 nhân tố được đem ra phân
tich để giải thích vấn đề này. Thứ nhất, theo thống kê của BMI, tăng trưởng tiêu
dùng khối tư nhân tại Việt Nam đạt mức 6.5% trong năm 2015 và 6.4% trong
năm 2016, điều này cộng với cơ cấu dân số trẻ sẽ làm tăng sản lượng tiêu thụ bia.

Thứ hai, nguyên nhân đến từ văn hóa du lịch, Việt Nam có “văn hóa bia” phát
triển và ngành du lịch đang phát triển, điều này góp phần khiến thu nhập bình
quân đầu người của Việt Nam so với các nước trong khu vực là thấp, song mức
tiêu thụ bia trên thu nhập lại rất cao.
Theo dự đoán, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng đạt mức trên 6%, thuộc
loại nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. BMI kỳ vọng Việt Nam tiếp tục là
một trong những địa điểm hấp dẫn nhất Châu Á cho ngành sản xuất đồ uống,
trong đó bia sẽ vẫn là lĩnh vực đặc biệt hấp dẫn trong nửa thập kỷ tới.
2.4. NHỮNG THÁCH THỨC VÀ TRỞ NGẠI
- Quá trình toàn cầu hóa với sự hợp nhất của các DN sản xuất bia đã gây
ra nhiều áp lực lên lãi suất, chi phí và nhân sự cho ngành bia.
- Các mức thuế cho bia đang ngày càng cao lên.
- Sự thay đổi của nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.

16


- Năng lực cạnh tranh của các DN trong ngành công nghiệp bia Việt Nam
còn thấp.
- Quy hoạch phát triển ngành còn nhiều bất cập.
- Các chính sách, luật lệ ngăn cản sự phát triển của ngành.
- Sự gia nhập ngành của các tập đoàn lớn, các DN nước ngoài phần nào
ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của các DN sản xuất bia nội địa.

17


CHƯƠNG 3

CÁC GIẢI PHÁP VÀ KHUYẾN NGHỊ NHẰM PHÁT TRIỂN

BỀN VỮNG NGÀNH CÔNG NGHIỆP BIA VIỆT NAM
3.1. GIẢI PHÁP
3.1.1. Nhóm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh
3.1.1.1. Nâng cao chất lượng sản phẩm
Khoa học công nghệ là động lực thúc đẩy ngành bia phát triển. Các DN
bia Việt Nam cần tiếp tục cải tiến máy móc, thiết bị, nâng cao trình độ công
nghệ, đẩy mạnh việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Chú
trọng đầu tư nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Mặt khác, thực hiện chuyển giao
công nghệ từ các nước phát triển và của các DN hàng đầu thế giới để theo kịp xu
hướng phát triển.
Xây dựng kế hoạch và phát triển nguồn nhân lực trong ngành, đảm bảo
tiến độ tiếp thu, vận hành công nghệ, thiết bị mới, thích nghi với điều kiện cạnh
tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Nguyên liệu là yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và chi phí sản
xuất. Xây dựng kế hoạch phát triển nguyên liệu cho ngành không những tạo điều
kiện để nâng cao chất lược thành phẩm mà còn giúp các DN nâng cao hiệu quả
hoạt động. Cần quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu cho ngành công nghiệp bia
bằng cách bắt tay với các nhà khoa học và các địa phương có điều kiện khí hậu
thích hợp nghiên cứu trồng đại mạch trong nước.
Xây dựng khuôn khổ pháp lý đầy đủ trong quản lý chất lượng sản phẩm.
3.1.1.2. Mở rộng thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu
Các DN trong ngành cần xây dựng chiến lược kinh doanh, nghiên cứu thị
trường để nắm bắt được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Song song đó,
còn cần xây dựng và phát triển tốt hệ thống đại lý phân phối sản phẩm, phát huy
vai trò của các chi nhánh nhằm tăng tính chủ động trong kinh doanh.
18


Sử dụng tốt các công cụ marketing để quảng bá hình ảnh.
Chủ động mở rộng thị trường, tích cực tìm hiểu, tìm cơ hội xuất khẩu bia

vào các thị trường mới, còn tiềm năng phát triển. Bên cạnh đó, tích cực tận dụng
vai trò của thương nhân Việt Nam ở nước ngoài để đẩy mạnh việc đưa các sản
phẩm bia thâm nhập thị trường, nhất là những khu vực có cộng đồng người Việt
sinh sống.
VBA cần tổ chức tốt mạng lưới thông tin dự báo tình hình thị trường, giá
cả, cung - cầu hàng hóa để cung cấp cho các hội viên và DN.
Các DN trong ngành bia Việt Nam cần xây dựng chiến lược, kế hoạch phát
triển thương hiệu cho các sản phẩm của mình, chú trọng VSATTP, nâng cao chất
lượng, không ngừng cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng sản
xuất… để giữ vững cũng như phát triển thị phần.
3.1.2. Giải pháp cải thiện quy hoạch phát triển ngành
Nâng cao vai trò của VBA, tăng cường phối hợp hoạt động giữa Hiệp hội
với cơ quan quản lý ngành để có các giải pháp đồng bộ và hiệu quả.
Các DN trong ngành cần có các biện pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt
động cũng như cơ cấu lại tổ chức, áp dụng các công nghệ mới để nâng cao năng
suất lao động… tạo điều kiện tăng quy mô vốn của DN.
Tiếp tục thu hút vốn đầu tư vào ngành bằng cách đa dạng hóa hình thức đầu
tư và phương thức huy động vốn, khuyến khích huy động vốn từ các thành phần
kinh tế trong và ngoài nước thông qua việc phát hành cổ phiếu, liên doanh, liên
kết…
Cung cấp thông tin về các dự án và có chính sách đãi ngộ hợp lý để huy
động vốn trong nước và vốn đầu tư nước ngoài.

19


3.2. KHUYẾN NGHỊ VỚI CHÍNH PHỦ
3.2.1. Về công tác quản lý
Nhà nước cần bổ sung và điều chỉnh các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn
VSATTP phù hợp với điều kiện trong nước và thông lệ quốc tế; tăng cường các

hoạt động chứng nhận, đảm bảo và công nhận lẫn nhau về chất lượng.
Cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành liên quan để xây dựng
những biện pháp, những rào cản thương mại hợp lý, phù hợp với các quy định
của Tổ chức Thương mại Thế Giới và các Hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký
kết nhằm bảo vệ DN sản xuất bia trong nước.
Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho thị trường bia. Tăng cường
công tác thanh kiểm tra, hoàn thiện hệ thống hải quan để chống hàng lậu, hàng
kém chất lượng lưu thông trên thị trường.
Các cơ quan hữu quan cần tăng cường giám sát bảo hộ thương hiệu, nhãn
mác, kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm… đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả.
Trong chính sách thuế cần có lộ trình điều chỉnh hợp lý. Trước khi ban
hành các chính sách có tác động lớn đến ngành, cần tham khảo ý kiến DN, công
khai, minh bạch các chính sách.
3.2.2. Hỗ trợ về thị trường
Cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành để tổ chức các hội chợ
triển lãm trong nước để các DN sản xuất bia có cơ hội tham gia giới thiệu, quảng
bá sản phẩm; hỗ trợ các DN tham gia hội chợ, giới thiệu quảng bá sản phẩm ở
nước ngoài theo chương trình xúc tiến thương mại quốc tế.
3.2.3. Hỗ trợ về phát triển vùng nguyên liệu
Việc nghiên cứu và phát triển vùng nguyên liệu cho ngành công nghiệp
bia thường đòi hỏi vốn lớn và có độ rủi ro cao. Do đó, Nhà nước cần có những hỗ
trợ về vốn, các trung tâm nghiên cứu, đất đai… trong việc nghiên cứu, thử
nghiệm phát triển vùng nguyên liệu.

20


KẾT LUẬN
Ngành Bia – Rượu – Nước giải khát nói chung và ngành Bia nói riêng ở
Việt Nam đã trải qua quá trình phát triển lâu dài, đã và đang trở thành một ngành

kinh tế quan trọng, có nhiều đóng góp đáng kể cho kinh tế và xã hội.
Ngành bia Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh và là điểm
sáng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chính trong môi trường cạnh tranh
khốc liệt đó, các doanh nghiệp sản xuất bia cần có những chiến lược hợp lý để
xây dựng và phát triển hương hiệu, giữ vững uy tín và củng cố niềm tin của
người tiêu dùng đối với các sản phẩm nhằm duy trì và phát triển thị trường trong
nước, từng bước đưa sản phẩm vượt biên giới để xâm nhập thị trường nước
ngoài.
Đề tài cũng đã đưa ra những giải pháp và khuyến nghị để ngành công
nghiệp bia Việt Nam phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu ngay càng cao của xã
hội để cạnh tranh hiệu quả trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế./.

21


×