Tải bản đầy đủ (.doc) (10 trang)

TIỂU LUẬN ĐẢNG CỘNG sản TRUNG QUỐC với một số vấn đề về HOÀN THIỆN THỂ CHẾ KINH tế THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG xã hội CHỦ NGHĨA

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (122.88 KB, 10 trang )

ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC
VỚI MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ HOÀN THIỆN THỂ CHẾ
KINH TẾ THỊ TRƯỜNG XHCN
Nguyễn Huy Quý*

Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ra "Quyết định về một số vấn đề
hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa" (thông qua tại Hội nghị
Trung ương 3 khoá XVI, ngày 14-10-2003).
Quyết định đó của Đảng Cộng sản Trung Quốc thể hiện một số vấn đề mới
về lý luận và đường lối xây dựng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, chúng ta có
thể nghiên cứu để tham khảo.
I. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA "QUYẾT ĐỊNH CỦA TRUNG ƯƠNG
ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ HOÀN THIỆN
KINH TẾ THỊ TRƯỜNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA"
1. Tình hình và nhiệm vụ cải cách thể chế kinh tế ở Trung Quốc
Từ sau khi Đại hội XIV Đảng Cộng sản Trung Quốc (1992) xác định mục
tiêu cải cách thể chế kinh tế là xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa,
cải cách thể chế kinh tế ở Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về
lý luận cũng như về thực tiễn, thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đã
bước đầu hình thành. Trên cơ sở đó, Đại hội XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc
(tháng 11-2002) đã xác định "hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ
nghĩa" là "nhiệm vụ chủ yếu về xây dựng và cải cách kinh tế trong 20 năm đầu
của thế kỷ này"(1)

1


Nền kinh tế Trung Quốc đã được cải cách và phát triển nhanh chóng, nhưng
hiện còn tồn tại một số vấn đề: "Kết cấu kinh tế không hợp lý, quan hệ phân phối
chưa được giải quyết thoả đáng, thu nhập của nông dân tăng chậm, mâu thuẫn về
việc làm nổi cộm, sức ép về tài nguyên môi trường tăng, sức cạnh tranh nói


chung của nền kinh tế không mạnh" (2).
Nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng đó được xác định là do thể chế
kinh tế chưa hoàn thiện, sự phát triển của sức sản xuất vẫn gặp phải những trở
ngại mang tính chất thể chế. Nhằm thích ứng với trào lưu toàn cầu hoá kinh tế
thế giới, đáp ứng yêu cầu của công cuộc "xây dựng toàn diện xã hội khá giả",
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định tăng tốc cải cách, giải phóng và phát
triển sức sản xuất hơn nữa, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế và tiến
bộ xã hội.
Mục tiêu của "hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa" là
"Căn cứ vào yêu cầu của việc thống nhất quy hoạch phát triển thành phố và nông
thôn, thống nhất quy hoạch phát triển các khu vực, thống nhất quy hoạch phát
triển kinh tế và xã hội, thống nhất quy hoạch phát triển hài hoà giữa con người
và thiên nhiên, thống nhất quy hoạch phát triển trong nước và mở cửa đối ngoại,
phát huy ở mức độ cao hơn nữa vai trò cơ sở của thị trường trong phân bổ nguồn
lực, tăng cường sức sống và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, kiện toàn quản lý
vĩ mô, hoàn thiện chức năng quản lý xã hội và phục vụ công cộng của chính
quyền, tạo sự bảo đảm chắc chắn về thể chế cho công cuộc xây dựng toàn diện
xã hội khá giả"(3).
Nhiệm vụ chủ yếu của hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ
nghĩa là: "Hoàn thiện chế độ kinh tế cơ bản lấy chế độ công hữu làm chủ thể,
kinh tế nhiều chế độ sở hữu cùng phát triển; xây dựng một thể chế có lợi cho

2


việc làm thay đổi từng bước kết cấu kinh tế nhị nguyên thành phố và nông thôn;
hình thành cơ chế thúc đẩy sự phát triển hài hoà của kinh tế khu vực; hoàn thiện
hệ thống quản lý vĩ mô, thể chế quản lý hành chính và pháp chế kinh tế; kiện
toàn chế độ giải quyết vịêc làm, phân phối thu nhập và bảo hiểm xã hội; xây
dựng cơ chế thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững"(4).

2. Những giải pháp lớn nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã
hội chủ nghĩa
1. "Củng cố và phát triển hơn nữa kinh tế công hữu; khuyến khích, giúp đỡ
và hướng dẫn kinh tế phi công hữu phát triển":
Kiên trì chế độ công hữu giữ vị trí chủ thể, phát huy vai trò chủ đạo của
kinh tế nhà nước. Ra sức phát triển kinh tế sở hữu hỗn hợp, làm cho chế độ cổ
phần trở thành hình thức thực hiện chủ yếu của chế độ công hữu.
Ra sức phát triển và tích cực hướng dẫn kinh tế phi công hữu. Kinh tế phi
công hữu gồm kinh tế cá thể, kinh tế tư doanh, kinh tế vốn ngoại v.v.. là lực
lượng quan trọng thúc đẩy sức sản xuất xã hội phát triển.
Xây dựng chế độ sản quyền hiện đại, bảo vệ tài sản công hữu, bảo hộ tài
sản tư hữu.
2. Hoàn thiện thể chế quản lý tài sản nhà nước:
Xây dựng và kiện toàn thể chế quản lý và giám sát tài sản nhà nước. Phân
biệt rõ chức năng quản lý công cộng và chức năng người xuất vốn nhà nước của
Chính phủ (chính quyền). Hoàn thiện luật công ty theo yêu cầu của chế độ doanh
nghiệp hiện đại. Đẩy mạnh cải cách các ngành nghề độc quyền theo hướng đưa
vào cơ chế cạnh tranh.

3


3. Đưa cải cách nông thôn vào chiều sâu, hoàn thiện thể chế kinh tế nông
thôn:
Hoàn thiện chế độ ruộng đất ở nông thôn trên cơ sở chế độ khoán kinh
doanh đến hộ gia đình. Kiện toàn hệ thống dịch vụ xã hội hoá nông nghiệp, thị
trường sản phẩm nông nghiệp và giúp đỡ, bảo hộ nông nghiệp. Đi sâu cải cách
thuế và phí ở nông thôn. Cải thiện tình hình lao động dôi thừa, giải quyết việc
làm ở nông thôn.
4. Hoàn thiện hệ thống thị trường, đưa trật tự thị trường vào nền nếp:

Đẩy nhanh việc xây dựng thị trường thống nhất trong cả nước. Ra sức phát
triển thị trường vốn và các yếu tố khác. Xây dựng hệ thống tín dụng xã hội.
5. Tiếp tục cải thiện quản lý vĩ mô (5), đẩy mạnh việc chuyển đổi chức năng
của chính phủ. Hoàn thiện hệ thống quản lý vĩ mô của Nhà nước. Chuyển đổi
chức năng quản lý kinh tế của chính quyền. Đi sâu cải cách thể chế đầu tư.
6. Hoàn thiện thể chế thuế, đi sâu cải cách tài chính. Phân từng đợt cải
cách chế độ thuế. Đẩy mạnh cải cách thể chế quản lý tài chính. Đi sâu cải cách
các doanh nghiệp ngân hàng tiền tệ. Kiện toàn cơ chế điều tiết và khống chế
ngân hàng, tiền tệ. Hoàn thiện thể chế quản lý, giám sát tài chính.
7. Đi sâu cải cách thể chế kinh tế đối ngoại, nâng cao toàn diện trình độ
mở cửa. Hoàn thiện chế độ mở cửa đối ngoại. Đẩy mạnh quá trình nhất thể hoá
mậu dịch trong và ngoài nước. Phát huy tốt hơn vai trò của vốn ngoại. Tăng
cường năng lực tham gia hợp tác và cạnh tranh quốc tế.
8. Đẩy mạnh cải cách thể chế việc làm và phân phối, hoàn thiện hệ thống
bảo hiểm xã hội:

4


Đi sâu cải cách thể chế lao động và việc làm theo phương châm người lao
động tự chọn nghề, thị trường điều tiết việc làm, Chính phủ thúc đẩy giải quyết
việc làm. Đẩy mạnh cải cách chế độ phân phối thu nhập. Hoàn thiện chế độ phân
phối lấy phân phối theo lao động làm chủ thể, nhiều phương thức phân phối cùng
thực hiện. Nhanh chóng xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội phù hợp với trình độ
phát triển kinh tế.
9. Đi sâu cải cách các thể chế khoa học - kỹ thuật, giáo dục, văn hoá, y tế,
nâng cao năng lực sáng tạo của đất nước và mặt bằng tố chất của quốc dân.
10. Đi sâu cải cách thể chế quản lý hành chính, hoàn thiện chế độ luật
pháp kinh tế.
11. Tăng cường và cải tiến sự lãnh đạo của Đảng, phấn đấu để hoàn thiện

thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.
II. MẤY VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ ĐƯỜNG LỐI HOÀN THIỆN THỂ
CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
1. "Chế độ cổ phần trở thành hình thức thực hiện chủ yếu của chế độ
công hữu"
Lý luận về chế độ sở hữu trong kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung
Quốc đã có một quá trình phát triển. Ngay từ Đại hội XIV (1992), Đảng Cộng
sản Trung Quốc đã xác định vai trò chủ thể của "chế độ công hữu, bao gồm chế
độ sở hữu toàn dân và chế độ sở hữu tập thể"(6). Ngoài ra, kinh tế cá thể, kinh tế
tư doanh, kinh tế vốn ngoại, đóng vai trò "bổ sung" trong nền kinh tế thị trường
xã hội chủ nghĩa. Hội nghị Trung ương 3 khoá XIV (tháng11-1993) đưa ra chủ
trương xây dựng "chế độ doanh nghiệp hiện đại" và cho rằng: "Cùng với sự lưu
động và cải tổ sản quyền, các đơn vị kinh tế sở hữu tài sản hỗn hợp ngày càng

5


nhiều sẽ dẫn tới sự hình thành kết cấu sở hữu tài sản hỗn hợp..." "...theo yêu cầu
của chế độ doanh nghiệp hiện đại, các tổng công ty hiện có cần từng bước
chuyển thành công ty cổ phần..."(7) Đại hội XV Đảng Cộng sản Trung Quốc
(1997) đưa ra lý luận mang tính chất đột phá về chế độ sở hữu của kinh tế thị
trường xã hội chủ nghĩa và chủ trương "hình thức thực hiện chế độ công hữu có
thể và cần phải đa dạng hoá... chế độ cổ phần là một hình thức tổ chức vốn của
doanh nghiệp hiện đại... chủ nghĩa tư bản có thể sử dụng, chủ nghĩa xã hội cũng
có thể sử dụng (8).
Thực tiễn nền kinh tế Trung Quốc trong nhiều năm qua cho thấy, không chỉ
các doanh nghiệp tập thể (tự thân đã mang tính chất doanh nghiệp cổ phần) mà
tuyệt đại bộ phận doanh nghiệp Nhà nước phải được cổ phần hoá mới có thể tăng
sức sống và sức cạnh tranh. Sau 5 năm thực hiện cổ phần hoá (1997- 2002) tài
sản của doanh nghiệp Nhà nước tăng từ 12.500 tỉ NDT lên 15.460 tỉ NDT. Năm

2002 các doanh nghiệp Nhà nước và các công ty do Nhà nước khống chế cổ
phần đã thu được lợi nhuận 263,6 tỉ NDT gấp 3,3 lần so với năm 1997. Nhờ cổ
phần hoá mà một số doanh nghiệp Nhà nước đã trở thành những công ty mạnh,
đứng trong số những công ty mạnh nhất thế giới.
Do vậy, Đại hội XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 11-2002) đã chủ
trương: "ngoài một số rất ít doanh nghiệp phải được kinh doanh bằng một trăm
phần trăm vốn Nhà nước, cần tích cực đẩy mạnh thực hiện chế độ cổ phần, phát
triển kinh tế sở hữu hỗn hợp"(9).
Hội nghị Trung ương 3 khoá XVI lần đầu tiên đưa ra chủ trương làm cho
chế độ cổ phần trở thành "hình thức thực hiện chủ yếu" của chế độ công hữu. Đó
là một chủ trương mới, mang tính đột phá về lý luận, nhưng cũng là sự kế tục lý

6


luận và đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc về kinh tế thị trường xã hội
chủ nghĩa.
2. "Ra sức phát triển và tích cực hướng dẫn kinh tế phi công hữu"
Như trên đã đề cập, ngay từ khi chuyển sang kinh tế thị trường xã hội chủ
nghĩa, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đặt kinh tế phi công hữu (cá thể, tư doanh,
vốn ngoại) ở vị trí "bổ sung". Đến Đại hội XV Đảng Cộng sản Trung Quốc
(1997), kinh tế phi công hữu được nâng lên ở vị trí "là bộ phận cấu thành quan
trọng của nền kinh tế thị trường. Cần tiếp tục khuyến khích, hướng dẫn kinh tế
phi công hữu... phát triển một cách lành mạnh"(10). Hiến pháp nước Cộng hoà
nhân dân Trung Hoa (sửa đổi năm 1999) cũng đã quy định Nhà nước bảo hộ
quyền và lợi ích hợp pháp của kinh tế tư doanh.
Trong hơn 25 năm cải cách và phát triển, kinh tế Trung Quốc tăng bình
quân hằng năm 9%, trong thời gian đó, kinh tế cá thể và tư doanh tăng bình quân
hằng năm 20%, năm 1979 mới chỉ đóng góp 1%, đến năm 2001 đã đóng góp
20% vào GDP của Trung Quốc. Năm 2002, số lao động làm việc trong các

doanh nghiệp cá thể và tư doanh ở Trung Quốc là 81,5 triệu người. Theo con số
điều tra tình hình việc làm của người lao động ở 66 thành phố chủ yếu trên toàn
quốc, có 65,2% số lao động mất việc làm trong doanh nghiệp Nhà nước, đã tìm
được việc làm trong các doanh nghiệp cá thể và tư doanh.
Năm 2001, ở Trung Quốc có hơn 10 vạn doanh nghiệp dân doanh về khoa
học - công nghệ, với gần 6,5 triệu công nhân viên chức. Báo chí Trung Quốc
đánh giá đây là một "điểm sáng" của nền kinh tế quốc dân. Trong năm 2002, các
doanh nghiệp vốn ngoại (11) tạo ra 25,7% giá trị gia tăng của công nghiệp,
52,2% tổng giá trị xuất khẩu, 20,44% tổng ngạch thuế của Trung Quốc. Hiện có

7


khoảng 23,5 triệu lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp vốn ngoại ở
Trung Quốc.
Kinh tế phi công hữu có một vai trò rất quan trọng đối với tốc độ tăng
trưởng kinh tế, đối với vấn đề tạo việc làm cho người lao động v.v.. Do vậy Đại
hội XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 11-2002) đã chủ trương "kiên trì lấy
chế độ công hữu làm chủ thể, thúc đẩy kinh tế phi công hữu phát triển, thống
nhất trong tiến trình xây dựng hiện đại hoá xã hội chủ nghĩa, không được để hai
loại hình kinh tế đó đối lập nhau"(12). Có thể nói quyết định của Trung ương
Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Hội nghị trung ương 3 khoá XVI "ra sức phát
triển và tích cực hướng dẫn kinh tế phi công hữu" là một bước kế tiếp và phát
triển lý luận và đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc về kinh tế thị trường
xã hội chủ nghĩa.
3. Vấn đề "Xây dựng và kiện toàn chế độ sản quyền hiện đại"
Quyền sở hữu tài sản, gọi tắt là sản quyền, là vấn đề quan trọng hàng đầu
trong quan hệ kinh tế. Ngay từ khi chuyển sang cải cách, Trung Quốc đã đề cập
vấn đề sản quyền, trước hết trong khu vực kinh tế Nhà nước. Trước cải cách, "sở
hữu toàn dân" là một khái niệm chung chung, không rành mạch, quyền sử dụng

thu lợi cũng như trách nhiệm bảo quản không rõ ràng, dẫn đến tình trạng tài sản
"toàn dân" bị lạm dụng, lãng phí, thất thoát nghiêm trọng. Trong quá trình cải
cách hơn 25 năm qua, Trung Quốc đã nhiều lần đề cập vấn đề sản quyền. Hội
nghị Trung ương 3 khoá XIV Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định phương
hướng cải cách doanh nghiệp Nhà nước là "xây dựng chế độ doanh nghiệp hiện
đại" với quan hệ sản quyền minh bạch, doanh nghiệp có quyền pháp nhân về tài
sản.

8


Vấn đề bảo hộ quyền sở hữu tài sản đối với khu vực kinh tế phi công hữu
trước đây chưa được khẳng định bằng luật pháp một cách rõ ràng, hạn chế tính
chủ động, tích cực, sáng tạo của các doanh nghiệp tư doanh. Trước cải cách, kinh
tế tư doanh ở Trung Quốc hầu như bị triệt tiêu qua quốc hữu hoá, tập thể hoá.
Sau cải cách, Nhà nước Trung Quốc khuyến khích phát triển kinh tế phi công
hữu, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều trở ngại về mặt thể chế, trước hết là về quyền
sở hữu tài sản, hạn chế các doanh nghiệp tư nhân yên tâm phát triển kinh doanh.
Nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng
sản Trung Quốc đã quyết định "xây dựng, kiện toàn chế độ sản quyền hiện đại".
"Quyết định" nói rõ "sản quyền là cốt lõi và nội dung chủ yếu của chế độ sở hữu
đối với các loại tài sản..." Xây dựng chế độ sản quyền hiện đại quy thuộc rõ ràng,
quyền hạn và trách nhiệm minh bạch, được bảo hộ nghiêm ngặt, lưu chuyển
thuận tiện, là có lợi cho việc bảo vệ quyền công hữu tài sản, củng cố vị trí chủ
thể của kinh tế công hữu; có lợi cho việc bảo hộ quyền tư hữu tài sản, thúc đẩy
kinh tế phi công hữu phát triển; có lợi cho việc lưu động và sắp xếp lại các loại
vốn thúc đẩy kinh tế sở hữu hỗn hợp phát triển; có lợi cho việc tăng cường động
lực của doanh nghiệp và công chúng trong việc lập nghiệp và sáng tạo, hình
thành cơ sở tín dụng và trật tự thị trường lành mạnh"(13).
Tóm lại, qua 10 năm cải cách và phát triển theo hướng kinh tế thị trường

(1992- 2002), thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đã bước đầu hình thành
ở Trung Quốc, nhưng vẫn tồn tại những vấn đề về thể chế cản trở sự phát triển
kinh tế- xã hội. Hội nghị Trung ương 3 khoá XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc đã
mở đầu giai đoạn "hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa" trong
bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế thế giới, nhằm mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội
khá giả, tiến tới hoàn thành công cuộc hiện đại hoá đất nước.

9


**
*

* PGS, Viện Khoa học xã hội Việt Nam
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVI Đảng Cộng sản Trung
Quốc, Nxb Chính trị quốc gia,Hà Nội, 2003, tr39.
(2) Quyết định của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về một số vấn đề
hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN, Nxb Nhân dân (Trung Quốc), tr 2
(3) "Quyết định của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc...". Sđd, tr 2-3
(4) "Quyết định của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc...". Sđd, tr 2-3
(5) Quản lý vĩ mô, nguyên văn là "hồng quan điều khống", có thể dịch là "điều
tiết và khống chế vĩ mô".
(6) Tuyển tập Văn kiện Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nxb Trường
Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, 1994, tr 574
(7) Tuyển tập văn kiện Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc : Sđd, tr 646.
(8) Tuyển tập văn kiện quan trọng từ sau Đại hội XV. Quyển thượng. Nxb Nhân
dân Bắc Kinh, 2000, tr 22
(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVI Đảng Cộng sản Trung
Quốc. Sđd. tr 48
(10) Tuyển tập các văn kiện quan trọng từ sau Đại hội XV. Quyển Thượng. Sđd.

Tr 22
(11) Vốn ngoại: gồm vốn nước ngoài và các vốn Đài Loan, Hồng Công, Ma Cao
(12) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XVI Đảng Cộng sản Trung
Quốc: Sđd, tr 46
(13) "Quyết định của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc...": Sđd, tr 5

10



×