Tải bản đầy đủ (.docx) (64 trang)

những đặc điểm thi pháp trong truyện ngắn Di Li

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (335.87 KB, 64 trang )

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Mọi sự vật luôn vận động và phát triển không ngừng. Hoà chung quy luật
đó, văn học cũng có những bước đi, hướng phát triển mới. Bước vào thế kỉ XXI,
toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ, giao lưu văn hoá nói chung văn học nói riêng
theo đó mà phát triển. Chúng ta được tiếp cận nhiều nền văn hoá mới. Cái mới,
cái hay của nhân loại không ngừng mở ra trước mắt ta những cơ hội và thách
thức trong việc sàng lọc tiếp nhận. Các nhà văn trẻ chính là đội ngũ tiên phong
thổi luồng sinh khí mới trong văn học nước nhà.
Sáng tác luôn song hành với phê bình nghiên cứu văn học. Văn học đổi
mới thì nghiên cứu, phê bình cũng phải đổi mới và theo sát bước đi của văn học.
Cho nên việc nghiên cứu các tác giả trẻ của nền văn học Việt Nam hiện nay là
công việc hữu ích và thiết thực. Có thể các sáng tác ấy còn non về mặt tay nghề,
hạn chế về tầm nhìn, sự trải nghiệm nhưng đó là sự sáng tạo, cống hiến đáng
trân trọng. Việc đánh giá tác phẩm của các tác giả trẻ dễ rơi vào vội vàng nhưng
nó đảm bảo tính thời sự. Phê bình nghiên cứu mảng đề tài này sẽ cho ta thấy một
cái nhìn chân thực về văn học Việt Nam hiện nay từ đó định hướng phát triển
chiều rộng cũng như chiều sâu. Các thế hệ nhà văn trẻ kế cận như: Trần Đăng
Khoa, Võ Thị Hảo, Nguyễn Quang Thiều, Hồ Anh Thái, Phan Thị Vàng Anh,
tiếp sau đó là Nguyễn Ngọc Thuần, Y Ban, Nguyễn Ngọc Tư, Di Li…ngày càng
trưởng thành hơn trong cách viết, góp phần xây dựng một nền văn học Việt Nam
hiện đại đậm đà bản sắc dân tộc.
Di Li là một trong những nhà văn trẻ đầy tiềm năng của văn học hiện đại
Việt Nam. Di Li bước vào nghiệp văn chương hơi muộn, mãi đến năm 2007 nữ
nhà văn mới trình làng với độc giả tập truyện ngắn đầu tiên Tầng thứ nhất.
Nhưng sau khi dạo bước chân đầu tiên trên văn đàn đến nay Di Li luôn ra tác
phẩm đều đặn chứng tỏ sức viết dồi dào. Cho đến nay, Di Li đã có một “gia tài”
đáng kể (18 đầu sách), phong phú về thể loại (truyện ngắn, tiểu thuyết, bút kí, kí
1



sự chân dung,tản văn, truyện dịch…). Một số lượng tác phẩm khá lớn so với tuổi
đời cũng như nghiệp văn non trẻ của Di Li. Gần ấy tác phẩm đã giúp cho Di Li
phần nào định hình được cách viết của riêng mình. Tuy chưa đến mức xuất sắc
tạo cho mình một chỗ đứng vững chắc trên văn đàn như: Nguyễn Tuân, Nam
Cao, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng… nhưng bước đầu cách viết rất riêng của Di
Li đã ghi dấu ấn trong lòng độc giả. Dẫu biết con đường sáng tác phía trước của
cây bút này còn rất dài, và không có gì là “nhất thành bất biến” (nhất là trong
lĩnh vực sáng tác), nhưng chúng tôi cũng mạnh dạn căn cứ vào những tập truyện
ngắn đã xuất bản trong thời gian qua của Di Li để nghiên cứu, xem như bước
đầu khảo sát kết quả một chặng đường sáng tác của cây bút trẻ này.
Số lượng tác phẩm tương đối lớn, phạm vi khá rộng nên để nghiên cứu về
tác phẩm của Di Li cần có sự khoanh vùng. Chính vì vậy chúng tôi đã chọn
mảng truyện ngắn của Di Li để khai thác. Lựa chọn này căn cứ bởi hai nguyên
nhân. Thứ nhất, thể loại truyện ngắn hiện nay là thể loại thu hút sự quan tâm của
độc giả nhiều nhất, tuy dung lượng nhỏ nhưng ẩn sâu trong sự bé nhỏ ấy là cả
một thế giới rộng lớn. Thứ hai, số lượng các truyện ngắn của Di Li tương đối
nhiều (7 tập) nên có thể khái quát, định hình phương pháp sáng tác.
Chính vì những điều trên đã thôi thúc chúng tôi thực hiện đề tài: Những
đặc điểm thi pháp truyện ngắn Di Li. Hy vọng với việc làm này sẽ góp phần
nhận diện những đặc điểm ban đầu về thi pháp của một trong những cây trẻ đầy
triển vọng của văn học hiện đại Việt Nam, từ đó định hướng tiếp cận tác phẩm
của các nhà văn trẻ hiện nay.
2. Lịch sử vấn đề
Di Li là một nhà văn trẻ có khối lượng tác phẩm xuất bản khá lớn chỉ
trong một thời gian ngắn. Đồng thời chị đã được trao tặng nhiều giải thường văn
học có uy tín, được giới phê bình ghi nhận, cũng như nhận được sự yêu mến và
kì vọng từ độc giả. Di Li đã đạt được những thành công nhất định trên con
đường sáng tác của mình. Thế nhưng, hiện tại công việc nghiên về tác giả này
hầu như chưa có gì đáng kể, chưa tưng xứng với những đóng góp của Di Li cho


2


văn học. Chưa có một luận văn chính thức nào (cấp Đại học hay Sau Đại học)
nghiên cứu đặc điểm thi pháp truyện ngắn Di Li. Chính vì vậy, chúng tôi lựa
chọn tiếp nhận phần “Lịch sử vấn đề” này dưới con mắt của lý thuyết tiếp nhận,
tức là thu thập và phân loại những ý kiến đánh giá của công chúng khi tiếp cận
truyện ngắn Di Li.
Di Li cho ra đời truyện ngắn đầu tay Hoa mộc trắng vào năm 2000, tiếp
sau đó là những sáng tác đăng rải rác trên các báo. Những truyện ngắn ấy được
tập hợp trong tập truyện ngắn Tầng thứ nhất xuất bản năm 2007. Cùng năm đó,
tập truyện ngắn Điệu Valse địa ngục ra đời. Chọn thể loại văn trinh thám – kinh
dị, Di Li đã tự chọn cho mình một hướng đi khác lạ với số đông và bước đầu có
những thành công nhất định. Tuy nhiên truyện ngắn Di Li vẫn còn hạn chế.
Đăng Thoan nhận định “Di Li viết chừng rất nhẹ nhàng, nhiều khi duy trì một
cách kể quá dài làm mất đi tính căng thẳng cần có của những truyện ngắn muốn
đi vào đời sống đô thị hiện đại hay có xu hướng trinh thám – kinh dị. Hai tập
truyện ngắn cùng ra trong năm 2007 này chắc chắn chỉ là một bước đệm, vì
chất văn xuôi dàn trải, dễ gây cảm giác nhạt nhẽo của tác giả cùng với lựa chọn
thể loại cần đến sức chứa của tiểu thuyết, và Di Li mới chỉ là kẻ manh nha một
quan niệm chứ chưa xác quyết một hướng đi trong văn chương.”
Theo thời gian, sự trải nghiệm cũng như bản lĩnh cầm bút của Di Li càng
vững chắc hơn. Phong Điệp là một trong những người đầu tiên có cái nhìn khá
tường tận về Di Li. Trên báo Văn nghệ Trẻ số Tết Quý Tỵ, Phong Điệp đã có
nhận xét tương đối tổng quát về truyện ngắn Di Li: “Bằng việc chọn thể loại
trinh thám – kinh dị có thể nói Di Li đã khoanh cho mình một vùng đất riêng và
mặc sức vùng vẫy. Đơn giản vì thể loại mà cô chọn – thời điểm này đang là
“của lạ”. […] Di Li tỏ ra biết tiết chế tình huống tiết truyện và dẫn dắt câu
chuyện một cách hợp lý, vừa kích thích được trí tò mò của bạn đọc vừa đặt ra
được những vấn đề đáng suy nghĩ trong cuộc sống hiện nay: lòng tham, sự phản

trắc, nỗi đớn hèn… Đặc biệt Di Li không hề lạm dụng các chi tiết kinh dị, hoặc

3


đẩy yếu tố kinh dị lên sự ưu tiên hàng đầu. “Kinh dị” – được cô sử dụng như
một phương tiện cần và đủ đề chuyển tải các ý đồ, thông điệp của câu truyện tới
độc giả. Bởi vậy truyện của Di Li với mác trinh thám kinh dị - nó không hề bị
đẩy sang thái cực giải trí thông thường, nhằm thoả mãn tính hiếu kì của người
đọc. Mà ngược lại – người đọc sẽ buộc phải tự vấn lại chính mình.”
Tập truyện ngắn Tháp Babel trên đỉnh ánh trăng ra đời đã khẳng định sức
viết cũng như tài năng của Di Li. Gia Văn, trên báo Văn nghệ quân đội số 716
(11/2010) đã có lời khen tặng: “Di Li đã tránh được lối viết giản đơn, hoặc sướt
mướt, sến, hoặc đào sâu tính dục bản năng một cách trần trụi, tự nhiên chủ
nghĩa của một số cây bút trẻ hiện nay. Văn của chị toát lên một sự thông minh,
sang trọng, không ồn ào mà thâm hậu với sức tưởng tượng phong phú, bay
bổng.”
Có rất nhiều bài báo viết về Di Li, về hướng đi đầy sáng tạo của cây bút
này nhưng có cái nhìn thấu đáo nhất, đầy đủ hơn cả là bài viết Khi Di Li xuất
hiện của Bùi Việt Thắng đăng trên Văn nghệ trẻ số 34 (22/8/2010). Tác giả đã
chỉ ra sự ảnh hưởng của của những nhà văn nổi tiếng chuyên viết truyện kinh dị,
truyện trinh thám – phiêu lưu, truyện kì ảo kiểu E. Pô, Hôpman, Jác Lơndơn,
Ayme… đến Di Li, “ảnh hưởng nhưng không rơi vào bắt chước vụng về”. Bùi
Việt Thắng cũng nhận ra truyện ngắn là thể loại hợp với sở trường, sở đoản của
Di Li. Đặc biệt, Bùi Việt Thắng đã phát hiện được giọng văn của Di Li – giọng
ướm thử “Tôi nghĩ Di Li có giọng ướm thử trong khi kể chuyện. Tác giả dường
như không phủ định hay khẳng định điều gì, tất cả là để ngỏ, người đọc tha hồ
suy luận và phỏng đoán”
Một trong những sự kiện đánh dấu bước ngoặc trong việc quan tâm, tìm
hiểu, nghiên cứu nhà văn Di Li phải kể đến buổi tọa đàm về tác phẩm của Di Li

do Ban Công tác Nhà văn trẻ tổ chức sáng 26/6/2009 tại Hội nhà văn. Buổi toạ
đàm đã ghi nhận nhiều ý kiến giá trị của nhà văn, nhà phê bình uy tín. Nhà phê

4


bình Văn Giá nhận xét: “Biểu hiện của cái cười trong tác phẩm có mặt chủ yếu
ở ba điểm: thứ nhất tình huống truyện toát lên cái buồn cười, đáng cười; thứ
hai, ở chi tiết và thứ ba ở lời văn”. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến chia sẻ: “Di Li viết
rất lạnh, câu chữ không có chút rưng rưng nào cả. Nhưng bản thân câu chuyện
rất hấp dẫn”. Nhà văn Trần Thanh Hà thì đánh giá: “Truyện trinh thám đòi hỏi
bản lĩnh và sự tính toán chi li. Di Li là người giỏi chơi ma trận và chơi thắng.
Chị đặc biệt mạnh về tưởng tượng – điều rất cần thiết đối với một nhà văn". Nhà
văn Trần Thị Trường nhận xét: "Di Li kể nhiều quá, kể nhiều hơn tả. Điều này
khiến độc giả đôi lúc cảm thấy mệt mỏi, đôi lúc không được thư giãn". Còn nhà
phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét: "Truyện của Di Li kết thúc rất dở, kết
quả rõ ràng, làm hỏng cả công sức của người viết", "Văn có văn kể, văn tả, văn
nghĩ. Chưa nói đến tầm văn nghĩ, Di Li cần tả nhiều hơn để tạo sự cân bằng và
tiến đến việc đầu tư chiều sâu cho tác phẩm". Có thể nói buổi toạ đàm đã tập
hợp những ý kiến, đánh giá đáng tin cậy, có tính quy mô nhất từ trước đến này
về nhà văn Di Li.
Nhìn nhận đánh giá sự đóng góp của Di Li trong việc xây dựng hướng
phát triển văn học dung hoà giữa “giải trí” và “hàn lâm”, tác giả Hiền Nguyễn đã
có bài Văn học trinh thám kinh dị: hướng đi mới của văn học trẻ Việt Nam trên
báo Tổ quốc. Hiền Nguyễn đã tán dương Di Li khi tạo nên “sự pha trộn nhuần
nhuyễn của trinh thám và kinh dị thành trinh thám kinh dị.”, “sử dụng yếu tố
mang tính chất ma mị, kinh dị để làm phương tiện truyền tải mục đích, hay nói
cách khác là tư tưởng của tác phẩm.” Bài viết chỉ ra cái thực và cái ảo trong tác
phẩm Di Li hoà quyện vào nhau làm cho mạch truyện biến đổi liên hoàn, đầy
sức lối cuốn. “Nhiều ẩn dụ nghệ thuật có tính chất văn học được Di Li sử dụng

chứng tỏ ý thức về nghệ thuật luôn song hành với các yếu tố kinh dị, như nhà
văn Nguyễn Văn Thọ nhận xét: “giải trí mà không giải trí”. Nhận định này có

5


thể coi là lời ghi nhận cho những đóng góp của Di Li, cải thiện cái nhìn về mảng
văn học trinh thám, kinh dị luôn bị cho là “rẻ tiền”, “ba xu”.
Song song những ý kiến, phê bình của trong nước Di Li đã nhận được
những nhận xét, phản hồi tích cực của các nhà văn nước ngoài. Nhà văn Walter
Mason (Australia) – tác giả của best seller Destination Saigon nói rằng: “Những
câu chuyện của Di Li đã phản ánh hình ảnh một Việt Nam chưa từng được biết
đến trong hình dung của người phương Tây. Thế giới hư cấu của cô cân bằng
giữa vẻ tinh tế, gợi cảm, quyến rũ của sự hiện đại và cả những bóng ma, những
nỗi ám ảnh luôn gợi lên trong người đọc một đời sống đương đại đầy khắc
nghiệt. Tôi đã bị mê hoặc bởi những câu chuyện về tình yêu, cuộc sống và cho
rằng bất cứ người nào muốn tìm hiểu về một Việt Nam ở thế kỷ 21 đều nên đọc
Di Li.” Còn Charles Waugh, nhà văn Mỹ và đồng thời là giáo sư văn học của
trường ĐH Utah bình luận: “Di Li đã bắt mạch được xã hội Việt Nam. Với một
nhận thức sắc bén về những truyền thống xưa cũ, các câu chuyện của cô đã
phản ánh một cách tỉ mỉ những gì đang diễn ra ở một thế giới hiện tại bằng
phong cách viết điềm tĩnh, lạnh lùng, châm biếm và không kém phần hồi hộp.”
Điểm qua một số bài viết, nhận định ở trên ta có thể thấy tình hình nghiên
cứu Di Li ở nước ta hiện nay còn ít ỏi và chưa có hệ thống. Đa phần các bài viết
đều được đăng tải trên các báo, chưa có công trình nghiên cứu nào được in thành
sách. Chiếm đa số trong những tài liệu chúng tôi thu thập được là những bài
phỏng vấn Di Li về quan niệm văn chương, cách viết, lối sống…Chúng tôi nhận
thấy có rất ít những bài phê bình truyện ngắn của Di Li trên phương diện khái
quát mà đa số tập trung vào một vài truyện ngắn cụ thể, hoặc một tập truyện
ngắn, tác phẩm mới xuất bản. Thu hút nhiều bài viết nhất là tiểu thuyết Trại hoa

đỏ, tuy nhiên thể loại tiểu thuyết không phải là hướng nghiên cứu của khoá luận
này. Mặc dù có thể tham khảo những ý kiến đó để bổ trợ cho việc xác định đặc
điểm thi pháp Di Li nhưng vẫn có độ vênh giữa truyện ngắn và tiểu thuyết. Mặt

6


khác những ý kiến ấy thường nghiêng về hướng cảm nhận là chính chưa mang
tính khoa học. Vì vậy những ý kiến đánh giá xác đáng của các nhà văn và nhà
phê bình như: Phạm Xuân Nguyên, Bùi Việt Thắng, Trần Thị Trường, Phong
Điệp…là căn cứ giúp chúng tôi tỉnh táo và vững vàng hơn trong việc nghiên cứu
truyện ngắn Di Li.
Những nhận định, bài viết trên là định hướng, cơ sở để nghiên cứu, tiếp
cận truyện ngắn Di Li. Tuy nhiên phần lớn các ý kiến rải rác chưa có tính hệ
thống, đa số đều tập trung vào mảng truyện ngắn trinh thám – kinh dị của Di Li,
chưa khai thác sâu mảng truyện ngắn hài hước – thể loại Di Li tâm đắc sau
truyện trinh thám, kinh dị. Khoá luận này sẽ đi sâu vào nghiên cứu khảo sát tất
cả truyện ngắn của Di Li, tập trung là hai mảng lớn: trinh thám – kinh dị và hài
hước, tìm hiểu một số đặc điểm thi pháp truyện ngắn của Di Li, nhằm nêu lên
đặc sắc của nhà văn trẻ này một cách cụ thể, chi tiết.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Di Li là một cây bút trẻ về tuổi đời lẫn tuổi nghề nên phong cách, thi pháp
chưa thực sự định hình rõ ràng. Tuy nhiên bước đầu các sáng tác của Di Li dần
định hình được cách viết và có chỗ đứng nhất định trong lòng công chúng yêu
văn học. Khoá luận này tập trung khai thác Những đặc điểm thi pháp truyện
ngắn Di Li như một sự yêu mến, tin tưởng cây bút trẻ đầy tiềm năng này.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Đối tượng khảo sát là các tập truyện ngắn đã xuất bản của Di Li: Tầng thứ
nhất (NXB Hội nhà văn - 2007), Điệu Valse địa ngục (NXB Hội nhà văn 2007), 7 ngày trên sa mạc (NXB Văn học - 2009), Tháp Babel trên đỉnh thác

Ánh trăng (NXB Văn học - 2010), Đôi khi tình yêu vẫn hay đi lạc đường (NXB
Phụ nữ - 2010), Chiếc gương đồng (NXB Phụ nữ - 2010), San hô đỏ (NXB Văn
học - 2012).

7


Tổng cộng các truyện ngắn của Di Li đã được công bố trong các tập
truyện ngắn là 54. Khoá luận này tập trung nghiên cứu ở phạm vi 54 truyện ngắn
đó.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này, chúng tôi sử dụng một số phương pháp nghiên
cứu chính sau:
1. Phương pháp thống kê:
Chúng tôi khảo sát các hiện tượng lặp lại ở một số các yếu tố thuộc về
nội dung và hình thức của tác phẩm. Sau đó, chúng tôi dựa vào tần số xuất hiện
của các yếu tố đó để hệ thống hoá, khái quát hoá lên thành những đặc điểm riêng
của nhà văn.
2. Phương pháp phân tích và tổng hợp
Vận dụng phương pháp này, đầu tiên chúng tôi tiến hành khảo sát từng
tác phẩm, tập trung chú ý các yếu tố chính để nêu bật nội dung tư tưởng, hình
thức nghệ thuật của truyện ngắn Di Li. Từ đó chúng tôi rút ra những nhận xét
chung, khái quát, tiêu biểu cho đặc điểm thi pháp truyện ngắn Di Li.
3. Phương pháp so sánh
Để thấy được đặc điểm thi pháp của Di Li cũng như sự đóng góp của
Di Li cho nền văn học Việt Nam đương đại, trong quá trình nghiên cứu người
viết có tiến hành so sánh đối chiếu Di Li với một số cây bút truyện ngắn khác
như: Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Minh Châu, Sơn Nam, Y Ban, Hoàng Diệu…
ở từng vấn đề có liên quan để thấy nét tương đồng dị biệt, từ đó thấy rõ hơn đặc
điểm thi pháp truyện ngắn của Di Li.


8


5. Đóng góp của khoá luận
Khoá luận này tập trung tìm hiểu Những đặc điểm thi pháp trong truyện
ngắn Di Li, nhằm mục đích bước đầu chỉ ra những đóng góp của Di Li đối với
nền văn học Việt Nam hiện đại, đồng thời giúp người đọc có cái nhìn khách
quan hơn về văn học Việt Nam hiện đại.
Hơn nữa, từ trước đến nay việc khảo sát và nghiên cứu truyện ngắn Di Li
hầu như chưa có nếu có chỉ là những bài báo nhỏ lẻ, rời rạc. Do đó chúng tôi đã
cố gắng đưa ra những ý kiến, nhận định có giá trị bên cạnh những ý kiến đã có
trước đây về vấn đề này.
6. Cấu trúc của khoá luận
Ngoài phần Mở đầu và phần Kết luận, khoá luận còn có phần Nội dung
gồm có ba chương:
Chương 1: Cảm hứng chủ đạo và kiểu nhân vật trong truyện ngắn Di Li
Chương 2: Hài hước và trinh thám – kinh dị trong truyện ngắn Di Li
Chương 3: Tính Best seller trong truyện ngắn Di Li

9


Chương 1
CẢM HỨNG CHỦ ĐẠO VÀ KIỂU NHÂN VẬT
TRONG TRUYỆN NGẮN DI LI
1.1. Cảm hứng chủ đạo
Phương diện chủ quan của nội dung tư tưởng tác phẩm là lý giải chủ đề,
cảm hứng tư tưởng, tình điệu thẩm mĩ. Tư tưởng của tác phẩm bao gồm khuynh
hướng triết học, chính trị, đạo đức, khuynh hướng nhận thức, khuynh hướng tình

cảm, thẩm mĩ thể hiện trong tác phẩm. Tư tưởng của tác phẩm có quan hệ chặt
chẽ với quan niệm về thế giới, với quan niệm về nhân sinh, với tình cảm và thái
độ của nhà văn. Tư tưởng của nhà văn sẽ chi phối sự đánh giá các hiện tượng
đời sống trong tác phẩm. Xuất phát từ đặc điểm này, nghiên cứu văn học đã hình
thành khái niệm cảm hứng chủ đạo với tư cách là nhân tố tư tưởng trong sáng
tạo nghệ thuật.
Cảm hứng thường được hiểu là trạng thái tâm lý đặc biệt khi sự chú ý
được tập trung cao độ, kết hợp với cảm xúc mãnh liệt, tạo điều kiện để óc tưởng
tượng, sáng tạo hoạt động có hiệu quả. Cảm hứng là hứng thú sáng tạo nói
chung và sáng tạo văn học nói riêng. Cảm hứng chủ đạo là “trạng thái tình cảm
mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm nghệ thuật, gắn liền với một tư tưởng
xác định, một sự đánh giá nhất định, gây tác động đến cảm xúc của những
người tiếp nhận tác phẩm. […] Cảm hứng chủ đạo thống nhất với đề tài và tư
tưởng tác phẩm. Cảm hứng chủ đạo đem lại cho tác phẩm một không khí xúc
cảm tinh thần nhất định, thống nhất tất cả cấp độ và yếu tố của nội dung tác
phẩm. Đây là cái mức căng thẳng cảm xúc mà nhờ đó nghệ sĩ khẳng định các
nguyên tắc thế giới quan của mình trong tác phẩm.[9;44 – 45]
Việc nghiên cứu tìm hiểu cảm hứng chủ đạo của mỗi nhà văn chính là
chìa khoá để chúng ta mở cánh cửa tác phẩm, giải mã những thông điệp của tác

10


giả, từ đó hiểu có cái nhìn toàn diện về tác phẩm. Bêlinxki cũng từng đặc ra yêu
cầu phải nghiên cứu cảm hứng chủ đạo của nhà văn trong tác phẩm để tìm hiểu
đặc điểm sáng tác của nhà văn ấy: “Công việc đầu tiên, nhiệm vụ đầu tiên của
người phê bình là giải đoán cảm hứng chủ đạo của tác phẩm”[10;209].
Tác phẩm nghệ thuật là đứa con tinh thần của người nghệ sĩ. Thành quả đó
xuất phát từ một nguồn cảm xúc nhất định trong người nghệ sĩ: những trăn trở,
dằn vặt, những rung động mãnh liệt của tác giả trước cuộc sống. Những trạng

thái cảm xúc đó gọi là cảm hứng, là nhân tố quyết định sự thành bại của tác
phẩm. Nếu như Nam Cao trăn trở với miếng ăn, sự tha hoá của con người, cuộc
sống của người nông dân, tri thức Việt Nam trước 1945, thì Nguyễn Công Hoan,
Vũ Trọng Phụng lại xoáy sâu vào những thay đổi tâm lí, những lố lăng xã hội
trước thời cuộc “Âu hoá”. Di Li một cây bút trẻ cũng bước đầu dấn thân vào
nghiệp cầm bút với những trăn trở, băn khoăn trong cuộc sống con người nơi đô
thị. Có lẽ đối với Di Li, cuộc sống phức tạp nơi đô thị, đời sống tình cảm của
những con người thị dân trong hành trình tìm kiếm tiền bạc, danh vọng, tình
yêu, hạnh phúc…là nguồn cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của nhà văn nữ này.
Nhà văn Walter Mason từng nhận xét: “Tôi đã bị mê hoặc bởi những câu
chuyện về tình yêu, cuộc sống và cho rằng bất cứ người nào muốn tìm hiểu về
một Việt Nam ở thế kỷ 21 đều nên đọc Di Li.”
Bối cảnh cuộc sống đô thị xuất hiện nhiều nhất trong truyện ngắn Di Li.
Đô thị nơi tập trung đủ mọi hạng người với những mục đích, lối sống khác nhau.
Trong cái phức tạp đó Di Li chọn cho mình những phương diện cụ thể từ đó
khai thác làm cảm hứng cho tác phẩm của mình. Khảo sát hơn năm mươi truyện
ngắn của Di Li chúng tôi nhận thấy Di Li tập trung vào ba mảng chính của cuộc
sống: tình yêu, tình cảm gia đình, những vấn đề xã hội (tội phạm, khoảng cách
giàu nghèo, đạo đức nhà báo, …).

11


1.1.1. Tình yêu
Tình yêu là đề tài muôn thuở trong thi, ca, nhạc, hoạ… Rất nhiều nhà văn
tìm cảm hứng sáng tác trong tình yêu, liệu Di Li có thể cho ta thấy cái gì mới
trong vấn đề tưởng như đã cũ này.
Trước hết có thể thấy cảm hứng tình yêu của Di Li không phải là tình yêu
chung chung mà là tình yêu đô thị. Có người sẽ nói tình yêu ở đâu chẳng giống
nhau, đều là cảm xúc giữa đàn ông và đàn bà, những cảm xúc mãnh liệt nhất,

hạnh phúc nhất hay đau khổ nhất. Tình cảm quả thật có cùng một khuôn mẫu
chính nhưng từ khuôn mẫu gốc đó sẽ biến thiên muôn vàn bản sao khác ứng với
từng con người, tính cách. Và môi trường sống cũng là một nhân tố góp phần
tạo nên nét khác biệt. Đô thị đòi hỏi nhịp sống nhanh thậm chí là vội vàng. Đô
thị cung cấp cho con người nền văn minh tiên tiến nhất, những giá trị sống vật
chất cao nhất nhưng cũng chính vì thế đô thị cuốn con người vào guồng máy
công nghiệp. Thời gian trở thành thứ xa xỉ của mỗi con người. Con người đô thị
có nhiều việc phải hoàn thành trong khi quỹ thời gian hai mươi bốn giờ một
ngày không đổi và việc gì không cần thiết sẽ được cắt giảm không thương tiếc.
Con người không thể sống nếu không hô hấp, không ăn nhưng vẫn có thể sống
dù không có “nửa còn lại”. Chính vì thế tình yêu đô thị tuy nồng nàn, mãnh liệt,
sẵn sàng đến với nhau nhưng luôn do dự trong điểm đến cuối cùng: hôn nhân.
Tình yêu như là thế có thể được coi là một tình yêu điển hình cho kiểu
tình yêu đô thị. Đăng, Lê hai con người trẻ yêu, họ quen nhau trong cuộc họp dự
án giữa hai công ty. “Cả hai có nhiều điểm chung: độc lập, mạnh mẽ, sáng tạo,
có thu nhập tốt, thích ăn món khoai lang tẩm bột rán, thích dòng nhạc Soul
ballads, ghét chó mèo và mong muốn được sống độc thân suốt đời”. Họ có yêu
nhau không? Câu hỏi thật khó trả lời. Họ không muốn thay đổi cuộc sống của
nhau, muốn tận hưởng không gian riêng của mỗi người. Đây cũng là bệnh
thường gặp của giới trẻ hiện nay. Họ tự bào chữa cho bản thân rằng cuộc sống

12


hôn nhân khiến họ cảm thấy bị ràng buộc mất tự do “khẳng định cuộc sống hôn
nhân quả là cực hình”.
Không phải tình yêu công sở như Đăng và Lê, tình yêu giữa Mars và
Thuỳ Nguyên trong San hô đỏ là một mối tình sét đánh. Mars là nhà nghiên cứu
về san hô, Thuỳ Nguyên là cô gái công sở bình thường. Họ gặp nhau giữa thành
Grasse, thủ đô nước hoa của thế giới khi Thuỳ Nguyên tới dự một cuộc triển

lãm hương liệu với vai trò là giám đốc quan hệ công chúng cho một hãng nước
hoa. Ngay lần đầu gặp gỡ Thuỳ Nguyên đã cảm nhận một điều rất thân thuộc ở
Mars – giọng nói của người đàn ông trong giấc mơ của Thuỳ Nguyên, giống như
Mars chính là người đàn ông định mệnh của cuộc đời cô. Và như một sự tất yếu,
khi Mars sang Việt Nam, Thuỳ Nguyên đã đến với Mars bằng tình yêu nồng
nhiệt nhất. Thế nhưng cả hai đều biết rằng chỉ tình yêu nồng nhiệt ấy thôi chưa
đủ vì cuộc sống họ còn biết bao thứ phải quan tâm. Con người trong đô thị ý
thức được gì họ muốn và họ cần, khi điều muốn và cần không đi đôi với nhau,
họ sẽ chọn điều cần và dẹp cái muốn sang một bên cho dù có đau đớn thì vẫn
phải lựa chọn.
Có lẽ vì vậy mà con người đô thị sợ hôn nhân, họ muốn tự do để làm mọi
điều mình thích “tự do sáng tạo, tự do yêu đương, tự do đi lại”. Tự do được
sống cuộc đời của mình luôn là ước mong của những người trẻ nơi thành thị.
Nhưng chính cái tự do của cuộc sống độc thân ấy lại khiến họ cảm thấy cô đơn
hơn bao giờ hết khi rời công việc hoặc đến thời khắc của sự sum họp đoàn tụ:
giao thừa. Hai nhân vật trong truyện ngắn Giao thừa trắng là một ví dụ. Họ trốn
tránh giao thừa bằng cách đến một nơi xa lạ để chối bỏ sự cô đơn mà trong lòng
họ biết rất rõ. “Tôi” là một nữ hoạ sĩ xinh đẹp, đã từng trải qua cuộc hôn nhân và
một cuộc tình sau đó. Nhưng cả hai người đàn ông đi qua cuộc đời cô đều không
hiểu nổi trái tim cô. Chồng cô không hiểu tự do cô cần là gì. Người đến sau – Q.
cũng không thể xoa dịu trái tim khao khát yêu thương của cô. Tình yêu luôn có

13


vật chất song hành của Q. khiến “tôi” ngập trong mớ kim cương lấp lánh như
trong lòng luôn trống rỗng, hoang hoải buồn chán khi sự điên cuồng thân xác
không lấp được khoảng lạnh băng trong tim. Hải là một hoạ sĩ trẻ, đồng nghiệp
của “tôi”, khao khát vươn đến đỉnh cao nghệ thuật. Hải “thích có một đứa con
thiên tài” vì đứa bé ấy “sẽ làm nên nền hội hoạ của đất nước này” nhưng lại

không thích kết hôn “người ta không có vợ nhưng vẫn có thể có con”. Một sống
tự do mải mê theo đuổi những thứ mình thích, còn tình yêu có chăng cũng chỉ là
một gam màu tươi sáng nhưng không dễ phối hợp với những gam màu có sẵn
nên nó mãi là thứ có thể vứt bỏ.
Tất nhiên là đến một lúc nào đó những thanh niên đô thị này sẽ cảm thấy
trống vắng cần một hơi ấm trong đêm. Nhưng những trường hợp đến được với
nhau như Đăng và Lê trong Tình yêu như là thế không nhiều. Hầu hết trong các
truyện ngắn của Di Li các nhân vật luôn tự tìm lối đi cho riêng mình, bỏ mặc
tình yêu lại sau lưng. “Chúng tôi là những kẻ tự do, và những kẻ tự do không
bao giờ đi theo những cung đường cố định, với những lịch trình cố định” (San
hô đỏ).
Nhưng nếu khi họ vứt bỏ cái tự do, cái chủ nghĩa độc thân thì tình yêu
liệu có đâm hoa kết trái. Lúc này tình yêu của những con người nơi đô thị lại
phải đối mặt với những cám dỗ vật chất. Cuộc sống không chỉ có tình yêu, con
người vẫn cần phải ăn, mặc, ở… cùng hàng tá thiết yếu khác cần đến tiền. Tình
yêu phải chiến đấu với tiền bạc, danh vọng. Cuộc chiến này đòi hỏi sự kiên trì
và vững lòng của cả hai phía, nếu chỉ một trong hai buông xuôi sẽ là dấu chấm
hết. Cô gái trong Món quà giáng sinh đã chạy theo vật chất, phản bội lại tình
cảm của chàng trai, người hết lòng yêu cô, sẵn sàng dốc hết tiền tiết kiệm ít ỏi
thậm chí vay mượn bạn bè để mua nhẫn cầu hôn. Trong Cơn mưa qua nhanh,
mối tình tuyệt đẹp giữa Huệ và Bình từng khiến cho bao người ngưỡng mộ suýt
chút nữa cũng chao đảo.

14


Tình yêu không chỉ bị đe doạn bởi vấn đề sinh kế mà nó còn bị đe doạ bởi
sự thay đổi tình cảm của cá nhân (Tin nhắn, Kim cương đen,Chiếc ấm nước đặt
trên bếp ga). Khi vợ hoặc chồng không còn tình cảm cho nhau họ dễ dàng tìm
một hơi ấm khác. Điều này không hẳn chỉ cuộc sống thành thị mới xảy ra nhưng

cuộc sống thành thị khiến điều này diễn ra nhiều và phổ biến hơn.
Qua những chuyện về tình yêu Di Li thể hiện cảm hứng khách quan trong
sáng tác. Di Li không thi vị hoá cũng không trần trụi hoá tình yêu mà Di Li chỉ
nêu cái nhìn khách quan, trung lập về tình yêu, phân tích tình yêu dưới nhiều
góc độ, đặt bản thân vào cả hai phía: nam và nữ để xem xét vấn đề. Di Li viết về
chuyện tình nhưng ta vẫn thấy lí trí đến lạ lùng, như thể người viết đơn thuần
đứng ngoài quan sát. Tình yêu kiểu Di Li không chìm đắm, ngập tràn, rung
động, mà là những phán xét đúng – sai, phải – trái, nguyên nhân – hậu quả,
được – mất, có – không. Yêu mà tỉnh táo lạ lùng, kiểu thuần túy lí trí điều khiển,
khó thấy mùi vị cảm tính bản năng trong đó. Tuy nhiên có lẽ cũng nhờ cái giọng
điệu lạnh lạnh ấy mà ta càng cảm thấy một dư vị của tình yêu nơi đô thị.
1.1.2. Tình cảm gia đình
Cảm hứng tình cảm gia đình xuất hiện không nhiều trong truyện ngắn Di
Li, nhưng mỗi khi khai thác vấn đề này Di Li luôn tạo ra những câu chuyện cảm
động sâu sắc.Tình cảm gia đình là những tình cảm thiêng liêng trong mỗi trái
tim con người nên khi động chạm vấn đề này dễ tạo đồng cảm nơi người đọc.
Đọc truyện Di Li ta thấy hình ảnh những ông bố, bà mẹ nơi đô thị vừa
chăm sóc con cái vừa phải cán đán công việc xã hội. Ta có thể nhận thấy các
ông bố bà mẹ này dù bận rộn cách mấy cũng lo lắng cho con, cho con những
điều tuyệt vời nhất dù cho gia đình không đầy đủ thành viên. Trong truyện ngắn
của Di Li các ông bố, bà mẹ đều đơn thân hoặc li dị. Họ phải đối mặt với cả hai
trách nhiệm làm bố, làm mẹ. Phải chăng đây cũng chính là mô típ gia đình của
thành thị - nơi tình yêu dễ tan vỡ như đã phân tích ở trên.

15


Người mẹ trong Lời đề nghị đêm Giáng sinh dù rất bận rộn với công việc
cuối năm vẫn không quên tìm mọi cách kiếm một ông già Noel cho đứa con gái
bé bỏng của mình. Ta nhớ mãi hình ảnh người mẹ trẻ đứng bơ vơ trên đường

phố vắng ngắt đêm giáng sinh để tìm cho người đóng giả ông già Noel. Ta càng
không thể quên hình ảnh người bố quá cố của cô lúc còn sống, vì thương con gái
phải nuôi con một mình đã thay thế vai người chồng đóng ông già Noel cho đứa
cháu gái.
Vì con, những ông bố, bà mẹ hiện đại sẵn sàng từ bỏ hạnh phúc mới để
bên con, chăm sóc con (San hô đỏ). Dù đó là người đàn ông trong mộng, người
đàn ông định mệnh mà mỗi đêm người mẹ hằng mơ. Nhưng tình mẫu tử đã níu
giữ cô ở lại. Người đàn ông của Thuỳ Nguyên cay đắng thừa nhận: “Có một
người đàn ông duy nhất trên đời anh không cạnh tranh được và đầu hàng hoàn
toàn, đấy là Xu Xi”. Xu Xi đứa con trai bé bỏng của cô, tình yêu lớn nhất cuộc
đời của cô, cô đã từ bỏ tình yêu để ở bên Xu Xi làm nghĩa vụ thiêng liêng của
đời mình – làm mẹ.
Người mẹ nuôi con một mình đã khó, người bố còn khó hơn. Từng căm
thù đứa con như gánh nặng, như ngôi sao quả tạ giáng xuống đời mình người bố
trong Quà tặng trước lúc giao thừa là một ví dụ. Một cựu diễn viên điện ảnh
lừng danh nhưng sự nghiệp nhanh chóng tiêu tan khi vướng vào vòng lao lý,
cộng thêm đứa con trai do người tình bỏ lại khiến tất cả sự ghiệp huy hoàng của
anh chấm dứt. Mất ánh hào quang anh ta trở thành một tay cờ bạc tệ hại, cộc
cằn, thô lỗ. Đã có lúc anh đánh đập nó thậm tệ thậm chí là ý định vứt bỏ đứa bé.
Nhưng lúc đứa bé ấy không có ở nhà anh như phát điên đi tìm con khắp nơi
trong vô vọng, để rồi vỡ oà khi nhìn thấy bóng dáng con.
Tình cảm anh em trong truyện ngắn Di Li chưa được Di Li khai thác
nhiều. Tính đến thời điểm hiện tại chỉ mới có truyện ngắn Cùng cha khác mẹ đề
cập vấn đề này. Truyện khắc hoạ tình cảm anh em giữa Hùng và Quỳnh. Dù cho
tình cảm đó không được êm đẹp do nửa dòng máu khác nhau, sự ích kỉ của
Quỳnh muốn được tình cảm ba mẹ nhiều hơn, lời đổ lỗi của Quỳnh cho rằng
16


việc ba mẹ mất có liên quan đến cung mạng “Triệt phụ mẫu” của Hùng, đã

khiến hai anh em xa nhau. Nhưng tình anh em không dễ gì chia cắt, dù chỉ cùng
nhau nửa dòng máu. Như sự sắp đặt ý trời, Quỳnh và Hùng gặp lại nhau sau bao
ngày xa cách. Khoảng cách địa vị của một đương kim hoa hậu và người bán
rong nghèo khó không thể ngăn nổi việc đoàn tụ của hai anh em. Dù trước đó
Quỳnh từng lo sợ thân phận Hùng sẽ làm cô bẽ mặt với công chúng, ảnh hưởng
đến mối quan hệ giữa cô và người yêu nhưng cô nhận ra tình thân là điều quý
hơn tất thảy. Đứa cháu gái cùng tên và ông anh cùng cha khác mẹ đã cho cô tình
cảm gia đình mà bấy lâu nay cô hằng mong ước kể từ khi bố mẹ qua đời. Câu
chuyện như cổ tích giữa đời thường này là niềm tin, sự trân trọng của Di Li cho
tình cảm gia đình.
Viết về tình cảm gia đình, Di Li đã thể hiện sự trân trọng tình cảm thiêng
liêng đẹp đẽ ấy. Di Li cho ta thấy sự trân quý của mỗi thành viên gia đình dành
cho nhau. Đồng thời Di Li cũng chỉ ra những mâu thuẫn nảy sinh trong gia đình
hiện đại, sự đấu tranh giữa ước muốn bản thân và tránh nhiệm với gia đình,
người thân. Sự chiến thắng của trách niệm, của con người lí trí trong cuộc chiến
nội tâm của nhân vật cũng phần nào thể hiện tấm lòng hướng về tình cảm gia
đình của nhà văn trẻ.
1.1.3. Những vấn đề xã hội
Song song vấn đề tình yêu, tình cảm gia đình, Di Li còn khai thác cảm
hứng từ các vấn đề trong xã hội (sự tha hoá trong lối sống của thanh niên đô thị,
khoảng cách giàu nghèo, quan niệm về nghề nghiệp…).
Xã hội đô thị luôn chứa trong mình những mâu thuẫn khó giải quyết, một
trong số đó là sự phân cách giàu nghèo. Khi thuở hàn vi con người gắn bó tình
cảm với nhau, nhưng vật chất thay đổi tình cảm cũng đổi thay. Ở truyện ngắn
Cái ghẻ, Di Li đã khái quát vấn đề này khá rõ. Cu ghẻ lúc còn bé gắn bó với chị
Thuý thậm chí có lúc hùng hồn tuyên bố sẽ lấy chị Thuý làm vợ mặc cho mẹ
đánh mắng. Lời hứa hẹn khi đi du học về sẽ đền đáp ân tình chị Thuý đã chìm

17



vào quên lãng. Giây phút chững lại của Cu ghẻ khi gặp chị Thuý trong thân phận
gái bán hoa và hành động phủ nhận mối quan hệ với chị Thuý đã thấy cái sự
ngăn cách thân phận con người trong xã hội. Người ta chỉ muốn duy trì mối
quan hệ đem lại lợi ích thiết thực còn kí ức ngày xưa chỉ là hồi ức không muốn
nhắc đến. Dù cho sau đó hai tuần, Cu ghẻ nhiệt tình đề nghị đưa gã trưởng
phòng về nhà sau phi vụ làm ăn để có cơ hội gặp lại chị Thuý ngày xưa nhưng
đã quá muộn. Chị Thuý đã chết cách đó ba ngày, sự hối hận bây giờ trở nên quá
muộn màng.
Sự phân cách giàu nghèo còn được Di Li đẩy cao thêm một bậc trong
Nghĩa địa của những người sống. Người mẹ bất hạnh muốn hoàn thành tâm
nguyện của con mình lúc còn sống: được chôn ở Địa Lan. Nhưng giá đất quá
cao và cái quy định chỉ dành đất cho người có địa vị nên người mẹ dù cố gắng
đến đâu cũng không thể thực hiện được. Nghịch lí xảy ra, trong khi những người
đang sống vung tiền mua một hoặc nhiều lô đất ở nghĩa trang xây cất nó thành
ngôi mộ nguy nga hay coi như tích trữ tài sản thì người mẹ trẻ không thể nào
mua nổi một mảnh đất để chôn cất con mình. Nghĩa trang không dành cho người
chết lại dành cho người sống chỉ đơn giản vì họ có nhiều tiền.
Sự tha hóa về lối sống, đạo đức xã hội dẫn đến những phát triển không
bình thường, lệch lạc và hư hỏng, đổ vỡ trong giới trẻ được phản ánh trong:
Người cùng chung cư, Sự thật, Quà tặng cuối cùng, Những người trẻ trong
thành phố, Điệu Valse địa ngục. Ở những truyện ngắn này, Di Li có thế mạnh về
tâm lý lứa tuổi, sống cùng thời, kết hợp với sự tỉnh táo trong bút pháp, khiến
người đọc càng đọc càng bị cuốn hút. Di Li viết về sự tha hóa lối sống của lớp
trẻ, của những người dấn thân vào vòng quay thuốc lắc, vũ trường, ăn chơi sa
đọa... Những chuyện về giới trẻ đang tha hóa đặt ra những mối quan tâm, trách
nhiệm của xã hội, của các bậc cha, mẹ hiện nay. Nếu như Vi, con vị giáo sư
ngôn ngữ có uy tín trong “Những người trẻ trong thành phố”, Mỏ Neo trong

18



“Người cùng chung cư” và những người trẻ tuổi khác được gia đình quan tâm,
quản lý chuyện học hành, làm việc của con cái thì mọi chuyện đã khác. Kể cả
những người con gái trẻ muốn đổi giới tính trong Sự thật, hay những nghệ sĩ
trong Quà tặng cuối cùng, nếu được quan tâm, chú ý của gia đình, cơ quan, tổ
chức xã hội, chắc không để xảy ra những chuyện đau lòng và khó xử dường ấy.
Nhưng không phải lớp trẻ là hư hỏng, là ham hưởng thụ, vẫn còn có những
người trẻ như Miên Người cùng chung cư, Minh Quà tặng cuối cùng hay Mỹ
Lan Những người trẻ tuổi trong thành phố đã sống đúng mình, những người này
qua ngòi bút của Di Li khá đứng đắn, song lại hơi cứng nhắc trong lối sống.
Quan tâm đến mọi vấn đề trong cuộc sống hiện đại, Di Li không quên để
mắt đến nghề nghiệp của mình. Vừa là giảng viên đại học, nhà báo, nhà văn Di
Li chứng tỏ cho mọi người sự năng động. Sự năng động ấy giúp Di Li có vốn
sống phong phú, nhìn vấn đề dưới nhiều cách khác nhau. Chân dung về nhà văn,
nhà báo, nhà giáo được Di Li vẽ bằng những nét phác hoạ cơ bản thể hiện sự
nhìn nhận về nghề của người trong cuộc (Tặng sách, Tất cả nhờ anh bạn tôi,
Tầng thứ nhất).
Mỗi cuốn sách được xuất bản là một quá trình làm việc nghiêm túc, vật
lộn với từng con chữ. Cuốn sách được xuất bản là niềm vui đối với tác giả.
Nhưng đôi lúc niềm vui ấy không thể trọn vẹn thậm chí là gây nỗi sợ hãi với nhà
văn. Tặng sách đã tái hiện một sự thực đằng sau những cuốn sách. Lệ tặng sách
của tác giả có từ lâu nhưng nó lại trở thành vấn nạn khi những người tạm gọi là
thân quen với tác giả cứ muốn được tác giả tặng sách. Dù thực tế họ không rờ
đến một trang. Đáng lẽ nhà văn được tôn vinh bởi tác phẩm được công chúng
trân trọng, tìm đọc thì nhà văn lại được trao giải bởi vì số lượng sách mình tự
mua – một sự ngược đời kì lạ. Ẩn sau tiếng cười đó là một chút chua xót khi văn
hoá đọc cũng ngày càng mất đi vị thế của riêng mình.

19



Nhà văn thông qua ngòi bút của mình phản ánh cuộc sống. Cái nhìn của
nhà văn sẽ ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của người đọc. Điều này cho thấy sức
mạnh của văn chương trong sự ảnh hưởng chi phối tình cảm con người. Thông
qua nhân vật, bối cảnh truyện người đọc cùng khóc cùng cười với nhân vật, tìm
trong đó những bài học hữu ích cho cuộc sống của chính bản thân mình. Nhân
vật “tôi” (Tất cả nhờ anh bạn tôi) nhờ câu chuyện của anh bạn nhà văn mà lấy
được vợ. Tiếng cười ẩn sau là băn khoăn, trăn trở làm thế nào để văn học phát
huy sức mạnh của mình, khơi gợi những tình cảm nơi độc giả giống như Hoài
Thanh từng trăn trở: “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta chưa có, luyện
những tình cảm ta sẵn có”.
Bên cạnh vai trò một nhà văn, Di Li còn là một nhà báo. Chính vì vậy
những trăn trở về nghề cũng được Di Li chuyển tải qua Tầng thứ nhất. Nhân vật
nhà báo bị bệnh lạ trong Tầng thứ nhất vì viết sai sự thật, bị đày xuống địa ngục
vừa phản ảnh một hiện trạng của đời sống qua cái nhìn tưởng tượng, vừa thể
hiện thái độ lên án của Di Li với những hành vi lợi dụng quyền lực báo chí để
trục lợi.
Ta nhận ra cảm hứng triết luận được bộc lộ khá rõ khi Di Li viết về vấn
đề xã hội. Đó là những ưu tư, trăn trở trước đời sống thực tại, chuyện đời,
chuyện nghề. Cảm hứng triết luận ấy có khi được hiển hiện rõ ràng (Nghĩa địa
của những người sống, Cái ghẻ, Bữa tiệc cuối năm) có khi lại ẩn sâu trong tác
phẩm buộc người đọc cần có vốn sống, trải nghiệm để nhận ra (Tất cả là nhờ
anh bạn tôi, Tầng thứ nhất, Tặng sách). Chính điều này tạo nên chiều sâu cho
truyện ngắn Di Li, những truyện thoạt nhìn cứ ngỡ hời hợt nhưng càng đọc càng
thấy sâu sắc.
Di Li đã có một cái nhìn khá toàn cảnh về đời sống đô thị hiện đại. Vốn
kiến thức đời sống này xuất phát từ tấm lòng tận tâm của một người cầm bút
chân chính, sự nghiêm túc đối với nghề của Di Li.


20


1.2. Kiểu nhân vật
Nhà văn hào Đức W.Goethe từng nói: “Con người là điều thú vị nhất đối
với con người, và con người chỉ hứng thú với con người”. Con người là nội dung
quan trọng nhất của văn học. “Nhân vật văn học là khái niệm dùng để chỉ hình
tượng các cá thể con người trong tác phẩm văn học – cái đã được nhà văn nhận
thức, tái tạo, thể hiện bằng các phương tiện riêng của nghệ thuật ngôn từ.”
[19;73]
Trong các tác phẩm, nhân vật đóng một vai trò quan trọng, nó biểu hiện lý
tưởng thẩm mỹ và quan niệm về con người của nhà văn là công cụ khái quát
hiện thực hoá quan niệm nghệ thuật về con người dưới một hình thức biểu hiện
tương ứng.
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Di Li ta có thể thấy đầy đủ các
thành phần trong xã hội. Từ nhân viên văn phòng, nhà văn, hoạ sĩ, doanh nhân,
công nhân, tạp vụ, sinh viên, học sinh, đến tội phạm giết người… Cả thế giới
thành thị thu nhỏ với đầy đủ kiếp người đã được Di Li đưa lên trang viết một
cách chân thực, lôi cuốn. Đó là lớp thanh niên làm việc văn phòng nơi công sở
chịu áp lực tăng doanh thu cho công ty: Thuỳ Nguyên (San hô đỏ), Biên (Đồ
mọt sách); thế hệ thanh niên, sinh viên thích cảm giác mới lạ cảm giác mạnh
thậm chí là các chất kích thích gây nghiện: Gia Lương , Lam Vi (Người cùng
chung cư), Quyên, Giang, Vi, Lam, Mỹ Lan, Dũng, Hùng (Những người trẻ
trong thành phố); những người nghệ sĩ hết lòng vì nghệ thuật: Tay siêu đãng,
Vĩnh, Bố già, Bắc Fuji (Ảo mộng) nhưng bị cuộc sống cơm áo gạo tiền chi phối:
Phú Hoàng (Hoa mộc trắng), Huệ, Bình (Cơn mưa qua nhanh), Minh (Quà tặng
cuối cùng); những cô gái bán hoa xấu số: Huyền (Bộ tóc giả), Thuý (Cái ghẻ)
thậm chí là những tên tội phạm tội phạm giết người: Hùng (Điệu Valse địa
ngục), gã đàn ông (Bức tranh và ngôi nhà cổ), Andy Phúc (Giếng)… Hầu như
các kiểu người đời thường đều xuất hiện trong truyện ngắn Di Li, phong phú, đa

dạng chứng tỏ sự chịu khó quan sát, tích luỹ kiến thức đời sống của tác giả.

21


Đôi lúc để thay đổi khẩu vị, tạo cảm giác mới mẻ, Di Li tạm rời phạm vi
đô thị tấp nập, cuộc sống hiện đại văn minh để trở về quá khứ, thời đất nước còn
chiến tranh, với hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ, người chiến sĩ cách mạng: Binh nhì
Chút (Bướm trắng về trú mưa); Toàn Nghi, Giang Khanh, ba của Giang Khanh
(Cuốn trôi trong gió). Tuy nhiên sự thể nghiệm này chưa thu được hiệu quả
đáng kể do sự hạn chế về vốn sống, trải nghiệm. Di Li là lớp nhà văn trẻ, cô sinh
sau 1975 chính vì vậy khó có thể hình dung được bối cảnh chiến tranh trong thời
đó nhưng dù sao ta cần trân trọng tấm lòng cuả tác giả trẻ này.
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Di Li tương đối phong phú, đa dạng
nhưng ta có thể chia ra ba kiểu chính: Con người lí trí, con người cô đơn, con
người tội phạm.
1.2.1. Con người lí trí
Các nhân vật xuất hiện trong truyện ngắn Di Li phấn lớn đều là kiểu
người lí trí. Họ dùng lí trí để điều khiển cảm xúc, điều khiển con tim, chế ngự
những khát khao bên trong.
Nhân vật của Di Li dù có yêu mãnh liệt đến đâu thì lí trí vẫn luôn sáng
suốt, vẫn suy nghĩ làm thế nào là tốt nhất. Tình yêu trong truyện ngắn của Di Li
là cuộc chiến giữa con tim và lí trí. Dù cuộc chiến có khó khăn thế nào thì lí trí
cuối cùng cũng chiến thắng. Ở San hô đỏ mặc dù yêu Mars rất nhiều nhưng
Thuỳ Nguyên vẫn để Mars ra đi vì cô biết thế giới họ đang sống khá biệt nhau.
Họ không thể từ bỏ thế giới của riêng mình nên không còn cách nào khác họ
phải lìa xa nhau. “Cuộc sống của Mars là những nẻo đường bất tận xù xì dấu
vết của san hô. Anh yêu tôi nhưng cũng yêu những đáy biển đầy các sinh vật kì
quái mà tôi không chút gì hiểu nổi. Tôi không thể giữ anh lại trong cái thành
phố ngột ngạt khói xe và mùi mỡ rán này. Ở đây anh sẽ cô đơn và bất hạnh.

Cũng như tôi sẽ cô quạnh và lạc lõng khi đi theo anh, cho dù cả hai chúng tôi
có nhau” (San hô đỏ).

22


Thế hệ trẻ thích khám phá cái mới, thích cảm giác phấn khích đến điên
dại của các chất kích thích tổng hợp, tò mò cuộc sống hối hả, cuồng quay trong
tiếng nhạc xập xình nhưng họ ý thức tác hại của hành động bốc đồng để rồi lùi
xa nguy cơ tự bảo vệ mình. Miên, một cô gái trẻ du học ở nước ngoài trở về làm
việc trong nước, cô sống bình dị, giản đơn đến mức được coi là tẻ nhạt. Cô cũng
từng muốn phá bỏ vỏ bọc an toàn để thay đổi nhưng lí trí không cho phép cô
làm điều đó. “Cái khu vườn lấp lánh kì dị có cả hoa hồng và rắn độc ấy, Miên
biết lắm. Cô muốn thám hiểm nhưng ngần ngại, vì ai biết được điều gì trong
mấy hộp quà bọc giấy trang kim ấy” (Người cùng chung cư). Dù cho lỡ sa vào
cuộc sống với những viên ma tuý tổng hợp thì nhân vật của Di Li vẫn giữ cho
mình lí trí, lí trí để tiếp tục hay vứt bỏ “Và khi bình minh cựa mình từ phía
thượng nguồn con sông, người trẻ tuổi biết mình phải tự quyết định nhanh
chóng trước khi bình minh thức giấc hẳn, bước tới hay là sẽ lùi lại?” (Những
người trẻ tuổi trong thành phố)
1.2.2. Con người cô đơn
Con người càng lí trí càng cô đơn. Vì khi mãi mê bắt buộc phải theo lí trí,
con người không cho con tim lên tiếng, nhốt những khát khao tận sâu trong lòng.
Miên không hề có bạn thân thiết ngoài Mỏ Neo. Dù Miên rất đẹp nhưng chẳng
có chàng trai nào tiếp cận hoặc hẹn hò quá hai buổi tối chỉ đơn giản vì Miên quá
lí trí đến mức “nhạt nhẽo”. Sự tỉnh táo, lí trí vô hình chung đã giam Miên trong
vùng không khí vô trùng, an toàn nhưng lại quá lạnh lẽo, đơn điệu.
Không dừng lại bởi nguyên do lí trí, nhân vật trong truyện ngắn Di Li cô
đơn khi thiếu thốn tình cảm gia đình, tình cảm đôi lứa… Cô gái Xiong My đáng
yêu trong Tháp Bable trên đỉnh ánh trăng không ý thức được mình cô đơn. Khái

niệm cô đơn là một thứ xa xỉ hoàn toàn xa lạ với Xiong My , ngay cả khi cô đang
xem cái sự đơn độc của nhân vật trong phim. Chỉ đến khi chàng trai chiếu phim
bất ngờ rời khỏi bản làng heo hút, của Xiong My thì cô mới “thấy nhói bên ngực

23


trái”. Chàng trai đi, máy chiếu phim cũng đi để lại nỗi buồn thiếu vắng cho cái
bản Mây xa xôi mòn mỏi buồn và cả nỗi trống trải trong lòng Xiong My. Trong
lòng cô gái Xiong My đã chứa đựng sẵn nỗi cô đơn thường trực mà cô không hề
biết. Chỉ đến khi có tác động dữ dội từ bên ngoài xới tung cái không gian miền
núi cô độc, mòn mỏi, và ùa vào tâm hồn cô gái mới lớn thì nỗi cô đơn tiềm ẩn
mới được dịp trào ra và hiện rõ hình hài. Nỗi cô đơn của Xiong My, nỗi cô đơn
không biết đợi chờ điều gì ở phía trước ta thấy thấp thoáng một hình ảnh bé Liên
trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam ngày trước.
Truyện ngắn Lời đề nghị đêm giáng sinh, cô đơn như hiện ra hình dáng cụ
thể trong lòng gia đình thiếu vắng bóng dáng người bố. Quyên đã bối rối, lo lắng
vì không tìm được ông già Noel cho đứa con gái bé bỏng của mình. Hành động
nhờ vả bất kì người đàn ông con trai nào cũng níu kéo họ làm ông già tuyết,
chính là nỗi khát khao một hơi ấm, một trụ cột đàn ông trong nhà. Nhân vật để
cho ta niềm thương cảm nhiều nhất chính là bé Chi, bé gái sáu tuổi, ở cái tuổi
hồn nhiên vô tư nhưng bé Chi dường như chín chắn già trước tuổi bởi hoàn cảnh
gia đình không bình thường như bao đứa bé khác. Bé Chi luôn nơm nớp sợ mẹ
không đến trường đón, sợ mẹ không về nhà, sợ ông già Noel bỏ quên mình. Hai
mẹ con thiếu vắng tình cảm, bơ vơ, cô độc theo cách riêng của mình.
Nỗi cô đơn ở Chiếc ấm nước đặt trên bếp ga lại khiến người đọc nhận ra
một điều cô đơn không chỉ xảy ra khi ta một mình mà nó xuất hiện cả khi hai
người đối diện. Họ cùng nhau chung sống dưới một mái nhà nhưng không hiểu
nhau, không còn tình cảm cho nhau có chăng chỉ là thứ tình cảm trách nhiệm
nặng nề. Câu chuyện khiến nhiều bạn đọc giật mình nghĩ tới cái tổ ấm mà mình

đang sống – hình như nó đã từng như vậy: Cuộc sống hôn nhân không ấm nóng,
cũng chẳng phải lạnh lẽo. Một cặp vợ chồng kiểu mẫu đúng mực nhìn bề ngoài
tưởng khó có thể rời nhau nhưng thực ra gắn kết lỏng lẻo, như thể gá vào nhau.
Một trạng thái làm việc, làm tình, giao tiếp tẻ nhạt, nhàm chán trong một không
gian gia đình luôn gợn nỗi bơ vơ, cô đơn.

24


1.2.3. Con người tội phạm
Truyện ngắn kinh di – trinh thám là một trong những mảng Di Li tập
trung bút lực của mình nhất. Chính vì vậy kiểu con người tội phạm xuất hiện rất
nhiều trong truyện ngắn Di Li.
Những tội phạm trong truyện ngắn Di Li sau khi thực hiện hành vi tội ác
của mình luôn bị ám ảnh, mặc cảm. Những ám ảnh xuất phát từ mặc cảm tội lỗi
tạo ra những ảo giác khiến đối tượng rơi vào hoảng loạn thậm chí là cái chết.
Hùng phạm tội giết người nhưng nhờ tài nghệ của luật sư Thạch, Hùng đã tuyên
án trả tự do để rồi nửa năm sau đó ảo giác hành hạ Hùng: bóng dáng của bà P. cứ
xuất hiện bên cạnh Hùng đòi nhảy điệu Waltz trên nền bản nhạc Appassionata.
Các chết của Hùng đầy ám ảnh trong tư thế kì lạ như đang ôm một thứ gì đó, còn
đĩa nhạc bên cạnh cứ tua đi tua lại bản nhạc định mệnh (Điệu Valse địa ngục).
Nhân vật bà Trình trong Chiếc vòng bạc lại bắt đầu tội ác của mình xuất
phát từ sự ghen tuông mù quáng. Cảm giác phải chia sẻ chồng với A Sủng khiến
bà ăn không ngon ngủ không yên dù cho chính bà vì thói hám tiền đã tạo nên mối
quan hệ tay ba rối rắm. Nỗi ghen tuông lớn dần đưa bà đến việc vạch kế hoạch
giết người. Kế hoạch thành công, bà Trình sung sướng vì hả được cơn ghen,
chiếm được tiền, chiếm được chiếc vòng bạc tinh xảo. Nhưng cảm giác đó không
tồn tại lâu, sau đó những ảo giác bắt đầu xuất hiện hành hạ bà Trình. Bóng ma cô
Sủng làm đảo lộn cuộc sống của bà “cái bóng áo xẻ màu da đồng của cô Sủng
lượn ra lượn vào trong nhà. Nhiều lúc trong nhà một đống người, ngẩng lên bà

cũng chợt thấy đôi mắt một mí của cô Sủng đang nhìn bà chăm chắm. Có hôm
đang đêm chợt tỉnh giấc bà đã lại thấy cái đầu đội mũ tua đỏ lơ lửng trên trần
nhà”, thậm chí trong giây phút vợ chồng mặn nồng bà vẫn thấy “lù lù cái mặt
tròn trắng toát bên cạnh giường” của A Sủng. Để rồi sau bao tháng năm bị ám
ảnh bởi ảo giác, bởi bóng ma, bà Trình cũng không thể tránh khỏi cái chết.
Người lái xe taxi trong Khách lạ và người lái taxi bị ám ảnh sau tội ác đã
gây ra, đồng loã trong vụ án hiếp dâm tập thể rồi đổ hết tội lỗi lên đầu anh kĩ sư

25


×