Tải bản đầy đủ (.pdf) (143 trang)

Đạo tin lành ở hà nội

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.16 MB, 143 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

-------------------------------------------------

NGUYỄN THÚY DUYÊN

ĐẠO TIN LÀNH Ở HÀ NỘI

LUẬN VĂN THẠC SỸ NHÂN HỌC

Hà Nội – 2016


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-------------------------------------------------

NGUYỄN THÚY DUYÊN

ĐẠO TIN LÀNH Ở HÀ NỘI

LUẬN VĂN THẠC SỸ NHÂN HỌC
Chuyên ngành: Nhân học
Mã số: 60 31 03 02

Ngƣời hƣớng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Văn Chính

Hà Nội – 2016



LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan Luận văn Thạc sỹ Nhân học đề tài “Đạo Tin Lành ở
Hà Nội” là công trình nghiên cứu của riêng cá nhân tôi, dưới sự hướng dẫn
của PGS.TS Nguyễn Văn Chính.
Các tài liệu, số liệu sử dụng trong luận văn này là trung thực, đảm bảo
tính khách quan khoa học và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Họ tên của những
đối tượng được phỏng vấn và được trích dẫn trong luận văn này đã được thay
đổi để đảm bảo nguyên tắc, đạo đức nghiên cứu.
Hà Nội, ngày 22 tháng 6 năm 2016
Tác giả luận văn

Nguyễn Thúy Duyên


LỜI CẢM ƠN
Luận văn “Đạo Tin Lành ở Hà Nội” là thành quả của tôi sau 2 năm
học Thạc sỹ tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc
gia Hà Nội.
Để hoàn thành được luận văn này, trước tiên tôi xin gửi lời cảm ơn
chân thành nhất tới PGS.TS Nguyễn Văn Chính, người Thầy đã hướng dẫn tôi
nghiên cứu đề tài này. Trong quá trình thực hiện đề tài, tôi đã gặp rất nhiều
khó khăn, nhưng Thầy luôn động viên, khích lệ và theo sát tôi để tôi có thể
hoàn thành luận văn này. Thầy cũng nghiêm khắc đóng góp những khiếm
khuyết và thiếu sót về mặt thông tin cho tôi trong quá trình nghiên cứu. Tôi
xin gửi đến Thầy lời cảm ơn sâu sắc và trân trọng nhất.
Tôi cũng xin cảm ơn GS.TS Lương Văn Hy, PGS.TS Nguyễn Văn Sửu
và các Thầy cô khoa Nhân học đã tham gia đóng góp, giúp tôi định hướng đề
cương nghiên cứu và cho tôi những lời nhận xét quý báu.
Tôi xin gửi lời cảm ơn đến toàn thể các Thầy cô khoa Nhân học, trường
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn vì đã dạy dỗ, truyền đạt cho tôi những

kiến thức bổ ích cũng như kinh nghiệm nghiên cứu, để tôi có thể thu được
những kết quả tốt.
Đồng thời, tôi cũng xin được gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến Mục
sư Bùi Quốc Phong, Mục sư Nguyễn Trọng Việt, Mục sư Nguyễn Quang
Hòa, Mục sư Vũ Hồng Thái... và các giáo dân tại các Hội thánh: Tin Lành Hà
Nội, Tin Lành Yêu thương, Lời Sự Sống, Liên hữu Bắp-tít, Anh Quốc Giáo
đã tạo điều kiện, giúp tôi có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu về đạo Tin Lành ở Hà
Nội hiện nay.
Cuối cùng, tôi xin chân thành cảm ơn gia đình, bạn bè đã luôn ủng hộ,
động viên tôi trong suốt thời gian vừa qua để tôi có thể hoàn thành luận văn
này.
Mặc dù đã cố gắng và dành nhiều tâm huyết để hoàn thành luận văn
“Đạo Tin Lành ở Hà Nội”, song vì kiến thức và thời gian có hạn nên luận văn


này sẽ không tránh khỏi những thiếu sót. Tôi rất mong nhận được những góp
ý chân thành và thiết thực của Quý Thầy cô và các bạn để hoàn thiện hơn nữa
đề tài này trong tương lai.
Trân trọng cảm ơn!
Nguyễn Thúy Duyên


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1
1. Cơ sở lý luận và thực tiễn của đề tài ...................................................... 1
2. Lịch sử nghiên cứu .................................................................................. 3
3. Câu hỏi nghiên cứu ................................................................................. 9
4. Giả thuyết nghiên cứu ........................................................................... 11
5. Lý thuyết nghiên cứu............................................................................. 14
6. Phƣơng pháp nghiên cứu ...................................................................... 21

7. Cấu trúc của luận văn ........................................................................... 26
CHƢƠNG 1: VỀ CÁC HỘI THÁNH TIN LÀNH Ở HÀ NỘI ................. 27
1.1. Đạo Tin Lành ở Việt Nam và Hà Nội ................................................ 27
1.1.1. Đạo Tin Lành ở Việt Nam ............................................................. 27
1.1.2. Đạo Tin Lành ở Hà Nội ................................................................. 31
1.2. Các Hội thánh Tin Lành ở Hà Nội ................................................... 35
1.3. Các Hội thánh đƣợc chọn nghiên cứu .............................................. 39
1.3.1. Hội thánh Tin Lành Hà Nội ........................................................... 40
1.3.2. Hội thánh Lời Sự Sống ................................................................... 41
1.3.3. Hội thánh Tin Lành Bắp- tít .......................................................... 43
1.3.4. Hội thánh Tin Lành Yêu Thƣơng.................................................. 44
1.3.5. Hội thánh Tin Lành Anh Quốc Giáo (England) .......................... 45
Tiểu kết chƣơng 1: .................................................................................... 47
Chƣơng 2: QUÁ TRÌNH TRUYỀN BÁ ĐẠO TIN LÀNH Ở HÀ NỘI ... 50
2.1. Những con đƣờng truyền đạo ............................................................ 50
2.1.1. Mạng lƣới của ngƣời di cƣ lao động, học tập ở nƣớc ngoài ...... 53
2.1.2. Mạng lƣới của ngƣời cải đạo trong nƣớc .................................... 61
2.2. Động cơ cải đạo ................................................................................... 65


2.2.1. Động cơ về tinh thần ...................................................................... 67
2.2.2. Động cơ về vật chất ........................................................................ 74
Tiểu kết chương 2: ..................................................................................... 78
Chƣơng 3: TÁC ĐỘNG CỦA SỰ THAY ĐỔI TÔN GIÁO ..................... 81
3.1. Những thay đổi trong đời sống ......................................................... 81
3.1.1. Sự thay đổi về mặt tâm linh ........................................................... 82
3.1.2. Sự thay đổi về vật chất .................................................................... 84
3.2. Những xung đột trong quá trình cải đạo .......................................... 87
3.2.1. Sự phản đối của ngƣời thân ........................................................... 88
3.2.2. Sự đối chọi với truyền thống .......................................................... 96

3.3. Quan điểm của ngƣời ngoại đạo về việc cải đạo theo Tin Lành .. 102
3.3.1. Quan điểm của ngƣời dân nơi cƣ trú .......................................... 102
3.3.2. Quan điểm của chính quyền địa phƣơng .................................... 104
3.3.3. Quan điểm của những ngƣời làm chính sách ............................. 106
Tiểu kết chương 3: ................................................................................... 112
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ ............................................................. 114
TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................... 121


DANH MỤC BẢNG
Bảng 2.1: Biết đến Đạo Tin Lành thông qua nguồn nào? .............................. 53
Bảng 3.1: Cuộc sống thay đổi như thế nào từ khi cải đạo Tin Lành .............. 82
Bảng 3.2: Bị ai phản đối khi cải sang đạo Tin Lành ...................................... 90
Bảng 3.3: Phản ứng khi bị phản đối ............................................................... 93
Bảng 3.4: Mối tương quan giữa người giữ vị trí trong gia đình và phản ứng
khi bị phản đối ................................................................................................. 95
Bảng 3.5: Mối tương quan giữa việc tổ chức và tham gia đám giỗ ............... 99
DANH MỤC SƠ ĐỒ
Sơ đồ 2.1: Mạng lưới theo đạo Tin Lành của gia đình anh Nguyễn Anh Đức 58
DANH MỤC BIỂU ĐỒ
Biểu đồ 2.1: Trình độ học vấn của người cải đạo .......................................... 72


MỞ ĐẦU
1. Cơ sở lý luận và thực tiễn của đề tài
Tôn giáo từ lâu đã trở thành mối quan tâm của hầu hết các quốc gia trên
thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay.
Bên cạnh những tôn giáo nội sinh, các tín ngưỡng, phong tục thờ cúng tổ tiên
cùng một số tôn giáo du nhập khá sớm vào Việt Nam như Phật giáo, Đạo
giáo, Lão giáo, Công giáo… đang từng bước khẳng định vị thế và chi phối

đời sống tâm linh của người Việt, còn có những tôn giáo du nhập muộn hơn
nhưng lại “ưu việt” hơn, dễ dàng thích ứng với văn hóa Việt Nam, trở thành
trào lưu cải đạo. Có thể thấy, hiếm có quốc gia nào lại có nhiều tôn giáo cùng
tồn tại, phát triển và dường như Việt Nam trong quá trình hội nhập đã trở
thành “mảnh đất màu mỡ” cho các tôn giáo mới du nhập vào.
Trong số những tôn giáo được truyền bá vào Việt Nam khá muộn,
khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX thì đạo Tin Lành đã để lại nhiều dấu
ấn bởi sự phát triển một cách nhanh chóng, thu hút sự quan tâm đông đảo của
các tầng lớp trong xã hội Việt Nam.
Đạo Tin Lành chính thức truyền giáo và xây dựng cơ sở đầu tiên tại Đà
Nẵng vào năm 1911 do các giáo sỹ Hội Truyền giáo CMA hay còn gọi là Hội
Phước âm liên hiệp (The Christian and Missonary of Alliaance of AmericanCMA). Với cách thức tổ chức Giáo hội đơn giản, gọn nhẹ, chịu ảnh hưởng
khá đậm nét tư tưởng dân chủ tư sản và khuynh hướng tự do cá nhân, đạo Tin
Lành đã trở thành một tôn giáo có màu sắc mới mẻ, hấp dẫn với các tầng lớp
trí thức, công chức và người dân lao động nói chung. Đặc biệt, với lối sống
đạo năng động, nhấn mạnh đến yếu tố cá nhân và chiều sâu lý tính, đạo Tin
Lành có thể tồn tại và phát triển trong mọi hoàn cảnh chính trị - xã hội, kể cả
khi bị o ép, cấm cách, đã lan tỏa đến cả những vùng sâu, vùng xa, len lỏi đến

1


những tộc người thiểu số vốn mang đậm yếu tố văn hóa bản địa và thiết chế
xã hội vô cùng chặt chẽ (Nguyễn Xuân Hùng, 2010:156).
Trải qua quá trình hình thành và phát triển một cách nhanh chóng, theo
thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, năm 1954 đạo Tin Lành ở Việt Nam
đã có khoảng 60.000 tín đồ, hơn 100 mục sư, truyền đạo. Năm 1975 số tín đồ
đã tăng lên khoảng 200.000 người, hơn 500 chức sắc, trên 20 tổ chức, hệ phái.
Sau năm 1975, hoạt động của đạo Tin Lành lắng xuống, nhưng phục hồi từ
những năm 80 trở lại đây và phát triển nhanh trong vùng đồng bào dân tộc

thiểu số ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên với khoảng trên 1 triệu người theo
đạo vào năm 2005. Ngoài ra, đạo Tin Lành còn lan tỏa đến vùng cao các tỉnh
duyên hải miền Trung và miền Nam Trường Sơn hay vùng Nam Bộ (Nguyễn
Thanh Xuân, 2008: 299-301).
Cho đến nay, đã có một số công trình nghiên cứu về đạo Tin Lành ở
Việt Nam nhưng tập trung chủ yếu ở khu vực vùng núi phía Bắc và Tây
Nguyên, là những khu vực tương đối nhạy cảm, còn nghiên cứu về đạo Tin
Lành ở các đô thị lớn vẫn chưa được quan tâm và gần như chưa có gì. Tuy
nhiên trên thực tế, đạo Tin Lành lại đang phát triển vô cùng mạnh mẽ ở các
khu công nghiệp, khu đô thị lớn như ở Hà Nội, thu hút nhiều tầng lớp, từ tầng
lớp trí thức như các giáo sư, tiến sỹ, những doanh nhân thành đạt, ca sỹ, nhạc
sỹ… cho đến các tầng lớp lao động như công nhân. Đạo Tin Lành chia thành
nhiều nhóm khác nhau và có khoảng 30 hệ phái. Tại Hà Nội, có khoảng 20
Hội thánh Tin Lành theo các hệ phái khác nhau, với các đặc điểm khác biệt về
cơ cấu tổ chức song đều chung một giáo lý, trong đó có những Hội thánh có
quy mô hoạt động lớn, số lượng tín đồ đông như Hội thánh Tin Lành Hà Nội,
Hội thánh Lời Sự Sống, Hội thánh Bắp-tít…
Nhận thấy việc nghiên cứu quá trình du nhập và cải sang đạo Tin Lành
ở đô thị, đặc biệt là ở Hà Nội hiện nay là rất quan trọng, không chỉ giúp chúng
2


ta có một cái đúng về sự phát triển của đạo Tin Lành mà thông qua đó còn
giúp các nhà hoạch định chính sách có thể hiểu và đưa ra những chính sách
phù hợp. Xuất phát từ lý do đó, trong phạm vi của một luận văn tốt nghiệp
cao học với thời gian thực địa tương đối ngắn, tôi quyết định sẽ nghiên cứu 5
trong tổng số 20 Hội thánh Tin Lành tại Hà Nội (lý do tôi chọn 5 Hội thánh để
nghiên cứu được sẽ giải thích kỹ trong phần phương pháp nghiên cứu), đó là:
Hội thánh Tin Lành Hà Nội, Hội thánh Liên Hữu Bắp-tít, Hội thánh Lời Sự
Sống, Hội thánh Yêu Thương, Hội thánh Anh Quốc Giáo.

Thông qua nghiên cứu này, tôi hy vọng sẽ làm rõ được lý do mà người
dân sống tại Thủ đô lại lựa chọn cải sang đạo Tin Lành cũng như con đường
truyền bá và lan tỏa đạo Tin Lành ở Hà Nội, những tác động mà đạo Tin Lành
mang lại đến cuộc sống của người cải đạo.
2. Lịch sử nghiên cứu
Cho đến nay, có khá nhiều công trình nghiên cứu về đạo Tin Lành nói
chung, trong đó nổi lên ba xu hướng nghiên cứu chính: thứ nhất là nghiên cứu
sự hình thành, phát triển và quá trình truyền bá đạo Tin Lành vào Việt Nam;
thứ hai là nghiên cứu về quá trình cải đạo Tin Lành ở các tộc người thiểu số;
và hướng nghiên cứu thứ ba là tìm hiểu đạo Tin Lành trong mối tương quan
với văn hóa, tín ngưỡng Việt Nam.
Nằm trong xu hướng nghiên cứu thứ nhất có thể kể đến tác phẩm “Một
số tôn giáo ở Việt Nam” của tác giả Nguyễn Thanh Xuân (2008). Trong tác
phẩm này, tác giả đã đề cập đến lịch sử của một số tôn giáo lớn và quá trình
truyền bá các tôn giáo đó vào Việt Nam, trong đó có đạo Tin Lành. Tác giả
Nguyễn Thanh Xuân đã tái hiện sự ra đời của đạo Tin Lành ở Châu Âu, các
giai đoạn phát triển, các trường phái Tin Lành cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ
XX. Tác giả cũng đề cập đến quá trình truyền bá đạo Tin Lành ở Châu Âu ,
Bắc Mỹ, quá trình đạo Tin Lành du nhập vào Việt Nam, cũng như giáo lý, tổ
3


chức giáo hội trong đạo Đạo Tin Lành. Điểm mạnh trong tác phẩm này là đã
tái hiện một cách chân thực và tổng quát nhất về quá trình hình thành và phát
triển đạo Tin Lành trên thế giới, cũng như ở Việt Nam. Tuy nhiên, tác phẩm
này chỉ dừng lại ở mức khái quát hóa dựa trên các dấu mốc lịch sử phát triển
đạo Tin Lành mà chưa đi sâu nghiên cứu, phân tích về đời sống của tín đồ
theo đạo.
Cũng nằm trong xu hướng này nhưng phân tích một cách kỹ lưỡng, sinh động
hơn về lịch sử truyền bá đạo Tin Lành ở Việt Nam là tác phẩm “Đạo Tin

Lành ở Việt Nam một cái nhìn tổng quát” của tác giả Đỗ Quang Hưng.
Nghiên cứu này đề cập đến những vấn đề lịch sử của hệ phái “Tin Lành chính
thống”, đông đảo nhất về số lượng tín hữu, cũng là cộng đồng Tin Lành hiện
diện lâu đời nhất ở Việt Nam (100 năm tuổi) là Hội thánh Tin Lành Việt Nam
(tức CMA). Cũng giống như tác phẩm của Nguyễn Thanh Xuân, công trình
nghiên cứu của tác giả Đỗ Quang Hưng đã cho người đọc thấy được bức tranh
và các dấu mốc quan trọng của quá trình truyền bá đạo Tin Lành ở Việt Nam,
thông qua việc phục dựng các giai đoạn phát triển của Hội thánh Tin Lành
Việt Nam. Tác giả cũng đi sâu vào phân tích nguyên nhân lụi bại hay thành
công của từng giai đoạn và tư tưởng thần học của đạo Tin Lành. Bên cạnh đó,
tác giả Đỗ Quang Hưng còn đề cập đến đạo Tin Lành trong mối tương quan
với đời sống và các hoạt động truyền giáo. Tuy nhiên, cũng giống như nghiên
cứu của Nguyễn Thanh Xuân, tác giả Đỗ Quang Hưng chỉ đề cập chủ yếu đến
khía cạnh hình thành và phát triển mang tính lịch sử của đạo Tin Lành ở Việt
Nam mà chưa đi sâu nghiên cứu những tác động do đạo Tin Lành mang lại.
Đối với xu hướng nghiên cứu về quá trình cải đạo Tin Lành ở các tộc
người thiểu số, có thể điểm qua một số công trình nghiên cứu như “Cải đạo,
thích ứng và biến đổi văn hóa, Trường hợp người Hmông Tin Lành, tỉnh Lào
Cai” của PGS.TS Nguyễn Văn Chính (2014). Nghiên cứu này đề cập đến quá
4


trình chuyển đổi niềm tin tôn giáo và nghi lễ truyền thống của một bộ phận
người Hmông Tin Lành, Lào Cai và những ảnh hưởng do thay đổi tôn giáo
lên lối sống và bản sắc tộc người của họ. Theo đó, tác giả cho rằng, việc
nghiên cứu sự chuyển đổi của con người từ những nền tảng văn hóa khác
nhau sang đạo Tin Lành đã mang lại sức mạnh và sự sáng tạo cho con người
và nhà truyền giáo. Điểm mạnh của công trình nghiên cứu này đã cho người
đọc thấy được quan niệm của người Hmong cải đạo và chưa cải đạo theo Tin
Lành. Có người tin rằng Tin Lành đã cứu rỗi dân tộc Hmong, đưa họ đến

tương lai tươi sáng, và cải đạo là con đường của sự sáng tạo và hình thành
một nền văn hóa mới của người Mông thích ứng với trào lưu văn hóa có tính
toàn cầu. Ngược lại, có nhiều ý kiến cho rằng đạo Tin Lành đe dọa bản sắc
văn hóa dân tộc, làm phai nhạt và tàn lụi văn hóa truyền thống của người
Hmong, giết chết tính đa dạng của các nền văn hóa.
Bên cạnh đó, cũng nằm trong xu hướng nghiên cứu thứ hai là công
trình “Một số vấn đề về Tin Lành ở Tây Nguyên” của tác giả Đỗ Quang Hưng
(2011: 3-12). Theo đó, tác giả đã đi sâu phân tích về thực tại đạo Tin Lành ở
khu vực Tây Nguyên hiện nay, trong đó nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa đạo
Tin Lành và việc phát triển bền vững kinh tế - xã hội của khu vực này. Bên
cạnh đó, nhà nghiên cứu Đỗ Quang Hưng cũng chỉ ra được tác động qua lại
giữa đạo Tin Lành và văn hóa bản địa, sự thích nghi văn hóa và hội nhập văn
hóa Tin Lành với văn hóa dân tộc.
Nằm trong xu hướng nghiên cứu thứ ba, nghiên cứu về đạo Tin Lành
trong mối tương quan với văn hóa, tín ngưỡng, có thể thấy một số nghiên cứu
tiêu biểu của Nguyễn Xuân Hùng (2011) và Lưu Thị Thúy (2010).
Trong tác phẩm “Đạo Tin Lành trong mối tương quan với văn hóa dân tộc và
tín ngưỡng Việt Nam” của Nguyễn Xuân Hùng (2011:156), tác giả đã khái
quát những đặc điểm của cộng đồng Tin Lành và lý giải sự tương quan giữa
5


đạo Tin Lành với các đặc điểm xã hội, văn hóa, tôn giáo ở Việt Nam. Theo
đó, tác giả cho rằng, đạo Tin Lành với những đặc trưng truyền đạo theo cá
nhân, giảng đạo trực tiếp, thuyết giải, tranh luận, hạ uy tín các thần… đã làm
nảy sinh sự xung đột sâu sắc và trực diện trong đời sống người Việt. Đạo Tin
Lành tuyên chiến với tập tục gia đình, truyền thống văn hóa, tín ngưỡng tôn
giáo bản địa tại Việt Nam. Đây cũng là vật cản đáng kể trong quá trình truyền
giáo Tin Lành vào Việt Nam.
Đây có thể là một quan điểm đúng nhưng chưa đầy đủ, bởi lẽ tác giả

mới chỉ ra được những xung đột đó là gì, mà chưa đi sâu tìm hiểu những
người cải đạo Tin Lành sẽ làm gì để giải quyết những xung đột đó. Hay nói
cách khác, khi phải từ bỏ các tín ngưỡng truyền thống như thờ cúng ông bà tổ
tiên, tổ chức giỗ chạp… cũng đồng nghĩa với việc các tín đồ Tin Lành sẽ phải
đối mặt với vô vàn áp lực đến từ gia đình, người thân. Những áp lực này là
không hề nhỏ, có thể buộc họ phải đưa ra sự lựa chọn: gia đình hay tôn giáo?
Vậy, họ sẽ đưa ra cách ứng xử như thế nào? Trong đề tài nghiên cứu của mình
tôi đi tìm câu trả lời cho vấn đề đó.
Tuy nhiên, có thể đồng tình với tác giả Nguyễn Xuân Hùng rằng phần
lớn những người tin theo đạo Tin Lành có đức tính siêng năng, có đạo đức, có
lối sống giản dị, chân thực, ít mắc vào các tệ nạn rượu chè, cờ bạc, hút xách,
phấn đấu cho cuộc sống của mình và xã hội tốt đẹp, bình an, nhanh nhạy.
Điều này có thể được lý giải bởi những người theo đạo Tin Lành luôn coi
Kinh Thánh là lời răn dạy của Đức Chúa Trời và làm theo những điều Kinh
Thánh viết, trong đó dạy tín đồ Tin Lành luôn sống siêng năng, chăm chỉ,
hiếu thuận, biết yêu thương tất cả mọi người…
Cũng nằm trong xu hướng nghiên cứu đạo Tin Lành ở Việt Nam, song
Lưu Thị Thúy (2010) tiếp cận ở một khía cạnh khác là một chi phái của đạo
Tin Lành – giáo phái Ngũ Tuần tại Hà Nội. Trong nghiên cứu của mình, tác
6


giả đã đi sâu vào phân tích đặc điểm của giáo phái Ngũ Tuần, nhấn mạnh đến
tính căn bản của giáo phái này là “Nói tiếng lạ”, tức là cầu nguyện bằng tiếng
lạ. Đây được coi là ngôn ngữ khi cầu nguyện của những người theo giáo phái
này mà chỉ có người trong giáo phái mới hiểu được, là sự hiệp thông giữa
những người theo đạo vào Đức Chúa trời (Lưu Thị Thúy, 2010:47). Tác giả
cũng chỉ ra sự đóng góp của giáo phái Ngũ Tuần trong việc duy trì đạo đức xã
hội, hoàn thiện nhân cách cá nhân, hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ.
“… Nếu xét theo giáo phái Ngũ Tuần thì tất cả những giá trị về đạo

đức cũng đều được biểu hiện khá rõ, đề cập đến tình yếu: Yêu thương
bản thân mình, yêu tha nhân và yêu thiên nhiên, trong đó yêu tha
nhân là trọng tâm của quan niệm đạo đức…” (Lưu Thị Thúy, 2010:
110).

Để minh chứng cho điều này, tác giả đã viện dẫn mối quan hệ giữa những tín
đồ trong Hội Thánh luôn được thắt chặt bởi tình yêu thương giúp đỡ lẫn nhau
trong một cộng đoàn lớn, họ sẵn sàng chia sẻ ủng hộ cho nhau cả vật chất và
tình thần mà không có chút tính toán thiệt hơn trong cuộc sống. Trên cơ sở
tương trợ lẫn nhau đã tạo lên một mạng lưới những tín đồ theo Chúa và sự
liên kết không chỉ dừng lại ở những người trong cùng giáo phái mà lan rộng
sự liên kết của các giáo phái trong hoạt động chung của cộng đồng dân Chúa.
Với việc tìm ra đặc điểm này của giáo phái Ngũ Tuần tại Hà Nội, công trình
nghiên cứu của tác giả đã giúp tôi rất nhiều trong việc định hướng, tạo ra tiền
đề để nghiên cứu sâu rộng hơn về các đặc điểm của đạo Tin Lành ở Hà Nội.
Nó làm rõ hơn một trong những giả thuyết nghiên cứu được đặt ra trong luận
văn của tôi là: Có hay không sự tác động qua lại giữa đạo Tin Lành với đời
sống vật chất, tinh thần của người Hà Nội?
Công trình nghiên cứu của tác giả cũng đề cập đến sự thích nghi của
giáo phái Ngũ Tuần trong mối tương quan với đặc điểm văn hóa truyền thống.

7


Theo đó, tác giả đưa ra nhận định đồng nhất với quan điểm mà tôi đã trình
bày và khác biệt với nhận định có sự xung đột sâu sắc giữa đạo Tin Lành và
văn hóa truyền thống của tác giả Nguyễn Xuân Hùng (2011).
Một trong những vấn đề lớn được đặt ra trong các nghiên cứu là: Tại
sao người ta lại cải sang đạo Tin Lành? Được đề cập đến trong công trình của
tác giả Lưu Thị Thúy cũng giúp ích rất nhiều cho nghiên cứu của tôi. Theo

đó, tác giả cho rằng giáo phái Ngũ Tuần có một sức hấp dẫn kỳ lạ đối với
người dân và bác bỏ quan điểm cho rằng “Ngũ Tuần là tà giáo”. Lý do của
việc cải đạo được đưa ra trong công trình nghiên cứu này là để “lấp đầy
khoảng trống tâm linh”, sục sạo đi tìm chính mình, tìm kiếm sự bảo vệ, che
chở trước những “bức bối trần thế”.
“… Tập hợp xung quanh nhân vật tôn giáo là những nhóm người như
là tín đồ của thứ đạo ấy. Họ đủ mọi tầng lớp trong xã hội nhưng tập
trung ở tầng lớp thị dân, công nhân, cán bộ viên chức và nông dân…,
những người thu nhập trung bình và thấp. Điều đáng nói ở đây là khi
phỏng vấn 30 người có một kết luận chung: Tuy nhiều thành phần
tham gia nhưng những người vào hội thánh đều là những con người
gặp nhiều khó khăn về vật chất, tinh thần cũng như sức khỏe…” (Lưu
Thị Thúy 2010:64)

Đối tượng tham gia cải đạo như tác giả đề cập đến là những người thu nhập
trung bình và thấp, song, tôi không đồng tình với quan điểm này. Tôi cho rằng
ngoài những đối tượng đó thì còn có cả những doanh nhân thành đạt, những
người có địa vị, có tiền trong xã hội cũng tham gia cải đạo Tin Lành. Sự khác
biệt trong quan điểm giữa tôi và tác giả sẽ được trả lời cụ thể trong đề tài
nghiên cứu này của tôi.
Ngoài những điểm mạnh trong công trình của tác giả Lưu Thị Thúy mà
tôi đã phân tích và trình bày ở trên thì nghiên cứu của tác giả còn bộc lộ nhiều
điểm thiếu sót. Tác giả chỉ viện dẫn một cách mơ hồ về quan hệ tương trợ,
8


giúp đỡ lẫn nhau giữa những tín đồ trong Hội Thánh mà chưa nêu ra cụ thể là
giúp đỡ như thế nào? Thông qua những hoạt động gì? Họ suy nghĩ ra sao?
Trong công trình nghiên cứu của tác giả cũng chưa làm rõ được việc: Giáo
phái Ngũ Tuần ở Hà Nội có những đặc điểm gì? Đặc điểm đó có tầm quan

trọng ra sao? - mà mới chỉ nhấn mạnh đến một yếu tố duy nhất là sự tương trợ
lẫn nhau, trong khi tôi cho rằng còn có nhiều đặc điểm khác.
Tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính kết hợp phỏng vấn
sâu 30 trường hợp, nhưng lại chưa tìm ra được những điểm chung và điểm
khác biệt trong quan điểm của những người này. Họ suy nghĩ như thế nào về
đạo của mình? Họ hành động ra sao? Ứng xử với các thành viên khác thế
nào?...chưa được đề cập đến. Đa phần, tác giả chỉ viện dẫn một số lời tự sự
của một vài đối tượng để minh họa cho quan điểm của mình. Bởi thế, công
trình nghiên cứu mang đậm lập trường và đánh giá chủ quan của nhà nghiên
cứu mà chưa đứng dưới góc độ, cách nhìn của đối tượng được nghiên cứu.
Mặt khác, dù nghiên cứu về giáo phái Ngũ Tuần tại Hà Nội, nhưng nghiên
cứu của tác giả lại không tập trung đi sâu vào hoạt động giáo phái này tại Hà
Nội mà có đến gần một nửa là phân tích giáo phái Ngũ Tuần ở các nước khác.
Trong nghiên cứu của mình, tôi sẽ cố gắng khắc phục những điểm thiếu sót
trên của tác giả.
3. Câu hỏi nghiên cứu
Thông qua việc nghiên cứu 8 Hội thánh Tin Lành ở Hà Nội, trong luận văn
của mình tôi sẽ tập trung tìm kiếm giải đáp cho một số vấn đề liên quan 3 câu
hỏi chính như sau:
Câu hỏi 1: Động cơ nào khiến cho nhiều người từ bỏ thờ cúng tổ tiên
và Tam giáo (Phật – Đạo - Lão) để cải sang đạo Tin Lành? Hay nói cách
khác là tại sao nhiều người dân sống tại Hà Nội lựa chọn đi theo đạo Tin
Lành mà không phải là một tôn giáo khác?
9


Câu hỏi 2: Đạo Tin Lành được truyền bá tại Hà Nội như thế nào?
Bằng con đường nào? Cách thức ra sao?
Câu hỏi 3: Từ khi tin theo Đạo Tin Lành, cuộc sống của những
người cải đạo đã thay đổi ra sao? Có nghĩa là tìm hiểu sự thay đổi về đời

sống vật chất, đời sống tinh thần của những người cải đạo. Cách nhìn nhận,
đánh giá của những người xung quanh về họ.
Ba câu hỏi nghiên cứu chính được đặt ra đối với nghiên cứu này và để trả
lời được ba câu hỏi đó đòi hỏi phải có một thời gian nghiên cứu đủ lâu,
nghiêm túc, thông tin chính xác và phong phú. Trong phạm vi nghiên cứu
luận văn tốt nghiệp này, tôi không hy vọng sẽ trả lời một cách chi tiết những
câu hỏi trên, song tôi mong rằng sẽ cung cấp một cách cơ bản những thông tin
lên quan đến vấn đề mà tôi nghiên cứu.
Với thời gian nghiên cứu ngắn và kiến thức còn hạn chế, đề tài này chỉ tập
trung nghiên cứu tại địa bàn Hà Nội, với đối tượng nghiên cứu là những
người dân đã cải sang đạo Tin Lành, đặt trọng tâm trong vòng 10 năm trở lại
đây, đang sinh hoạt tại 5 Hội thánh trên. Lý do nghiên cứu trọng tâm những
người cải đạo trong vòng 10 năm trở lại đây vì 10 năm là khoảng thời gian
không quá dài, cũng không quá ngắn. Nếu nghiên cứu 20, 30 năm trước đó là
quá dài, đối tượng phỏng vấn sẽ không nhớ một cách chi tiết quá trình họ tin
theo đạo Tin Lành. Còn nếu đặt trọng tâm nghiên cứu người cải đạo 3 năm
hay 5 năm gần đây sẽ không thể đánh giá được tổng thể được cả quá trình đạo
Tin Lành truyền bá ở Hà Nội. Tuy nhiên, trong đề tài này vẫn nghiên cứu cả
những người cải đạo từ 20, 30 năm trước, song trọng tâm nhất vẫn là những
người cải đạo trong vòng 10 năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, qua quá trình trao đổi với mục sư Bùi Quốc Phong (Mục sư
của Hội thánh Tin Lành Hà Nội), ông cho biết có đến 4/5 số tín đồ tại Hà Nội
là cải sang đạo Tin Lành trong vòng 10 năm trở lại đây. Mặt khác, đặc điểm
10


nổi bật của đạo Tin Lành ở Hà Nội là rất ít tín đồ theo “đạo dòng” (những
người xuất thân trong các gia đình có nhiều đời theo đạo Tin Lành), mà đa số
người theo “đạo dòng” đã di cư vào miền Nam.
4. Giả thuyết nghiên cứu

Giả thuyết 1: Động cơ tinh thần và vật chất là nguyên nhân chính khiến cho
nhiều người dân tại Hà Nội quyết định tin theo đạo Tin Lành.
Về tinh thần: sự khủng hoảng niềm tin và khoảng trống tâm linh đã dẫn
tới việc người dân đang sống tại Hà Nội tìm đến một tôn giáo mới, mà ở đây
là Đạo Tin Lành.
Dường như, với những người này, Đạo Tin Lành vô cùng ưu việt, giúp “khai
sáng” cuộc đời họ, giúp họ có can đảm để từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, từ bỏ thờ
cúng ông bà tổ tiên, từ bỏ Tam giáo và làm cho cuộc sống của họ có mục
đích, có ý nghĩa hơn. Sự “khai sáng” này không chỉ đến với những người lao
động chân tay – những người không có học thức cao mà lý thuyết Mac-xit đã
từng cho rằng họ là những người “bần cùng”, vì quá khốn khó nên mới bấu
víu vào tôn giáo; mà đó còn là tầng lớp trí thức như giáo sư, tiến sỹ, sinh viên,
doanh nhân thành đạt…
Cùng với đó, Việt Nam tuy là mảnh đất màu mỡ cho các tôn giáo phát
triển, nhưng lại không có tôn giáo chủ lưu hay quốc giáo. Chính điều này đã
dẫn đến “khoảng trống tâm linh” và người ta phải đi tìm một tôn giáo mới để
lấp đầy khoảng trống này. Bên cạnh đó, sau năm 1990, Chủ nghĩa Cộng sản
sụp đổ trên toàn thế giới đã dẫn đến xu hướng “khủng hoảng niềm tin chủ
nghĩa xã hội”, nên ngay cả những người từng là “cộng sản” cũng đi theo đạo
Tin Lành.
Về vật chất: khi trở thành tín đồ Tin Lành, họ được sinh hoạt trong các hội
nhóm phù hợp và nhận được sự giúp đỡ từ những người cùng đạo. Đó là sự
giúp đỡ về tiền bạc, đồ dùng, phương tiện, vật chất liên quan đến giáo dục…
11


Họ còn được tham dự các khóa học miễn phí, dạy kỹ năng sống, kỹ năng giáo
dục con cái, các lớp học về hôn nhân, gia đình, các khóa học về thần học…
Ngoài ra, một số tín đồ còn cho biết, họ tin theo Đạo Tin Lành vì Chúa giúp
họ làm ra được nhiều vật chất hơn, thậm chí Chúa ban tặng cho họ tiền bạc.

Mỗi khi gặp khó khăn về vật chất, chỉ cần họ cầu nguyện Chúa là Chúa sẽ ban
cho họ điều mà họ cần.
Giả thuyết nghiên cứu 2: Đạo Tin Lành được truyền bá rộng rãi ở Hà Nội
là nhờ mạng lưới của những người di cư học tập, làm việc ở nước ngoài.
Theo kết quả điều tra của Lưu Thị Thúy (2010) phần lớn những người cải
sang đạo Tin Lành đều là những người di cư lao động. Họ di cư từ Việt Nam
sang Đông Âu để làm việc và khi họ trở về mang theo một tôn giáo mới. Với
một tổ chức xuyên quốc gia tạo ra mạng lưới lớn có tính chất toàn cầu như
đạo Tin Lành đã dễ dàng được những người sống xa quê hương tiếp nhận.
Dường như tinh thần phiêu lưu của người di cư và sự nhạy bén với cái mới
trong văn hóa đã tạo điều kiện cho đạo Tin Lành thâm nhập vào Việt Nam
không quá khó khăn. Bởi người di cư phần lớn ở thế yếu nên họ tiếp nhận tôn
giáo mới dễ hơn các cộng đồng khác. Điều này có thể thấy ở những cộng
đồng người Việt sống ổn định trong các làng xã có truyền thống thì đạo Tin
Lành không vào được. Nhưng từ một người di cư lao động mang tôn giáo mới
về thì lại lan tỏa ra các gia đình, dòng họ và những người khác, tạo ra một
cộng đồng giống như "vết dầu loang".
Hiện nay, đạo Tin Lành phát triển như là một xu thế, không chỉ ở Việt
Nam mà còn ở Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc... Trong đó, có 3 lực lượng
chính tham gia vào truyền đạo Tin Lành vào Việt Nam:
 Thứ nhất là do những người đi xuất khẩu lao động ở Đông Âu (Đông
Đức cũ, Ba Lan, nước Nga) mang về. Lý thuyết của một nhà nghiên
cứu người Đức cho rằng người lao động ở nước ngoài ở trong một vị
12


thế yếu, không được bảo vệ, lo sợ bị bắt hoặc phần lớn làm nghề bất
hợp pháp..., họ lại là người di cư chứ không phải người bản địa cho nên
dễ tìm đến tôn giáo như một niềm tin để cứu cánh cho cuộc sống của
họ.

 Thứ hai là sự hình thành và phát triển của trào lưu "làn sóng Hàn"
(Hallyu) trên thế giới. Hiện nay, "làn sóng văn hóa Hàn" (bao gồm ẩm
thực, ngôn ngữ, phim ảnh, âm nhạc, giao lưu văn hóa Việt - Hàn...),
"làn sóng kinh tế Hàn" (như thông qua các đầu tư kinh tế, hợp tác kinh
tế song phương, quan hệ ngoại giao...) đang là một xu thế tràn ngập tại
Việt Nam. Bên cạnh những làn sóng đó, còn có một luồng khác cũng
không kém phần mạnh mẽ là tôn giáo, cụ thể là đạo Tin Lành. Ngoài
ra, với 50.000 cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc, 68.000 lao động
và gần 5.000 sinh viên, nghiên cứu sinh (Trang Hiền Hòa, 2013), cùng
với những người Hàn Quốc sang Việt Nam học tập, làm việc, giao
lưu... tức là quá trình di cư của người Hàn Quốc và người Việt Nam đã
đóng góp vào sự lan truyền tôn giáo Tin Lành ở Việt Nam.
 Thứ ba, quá trình thâm nhập của đạo Tin Lành có nguồn gốc từ Mỹ và
Tây Âu. Mặc dù không thực hiện truyền đạo trực tiếp nhưng hiện này
có đến 250.000 người Hmông ở Mỹ, trong đó 90% là theo đạo Tin
Lành. Điều đó cho thấy Việt Nam có mối liên hệ rất lớn với Mỹ thông
qua mạng lưới thân tộc, giao lưu văn hóa... Ngoài ra, trong cộng đồng
người Việt đang sinh sống ở Mỹ và Tây Âu cũng theo đạo Tin Lành, từ
đó tạo thành mạng lưới xuyên quốc gia.
Giả thuyết 3: Đạo Tin Lành đã có tác động tích cực đến cuộc sống của
người cải đạo.
Về vật chất: Đối với những người không có công ăn việc làm, nghiện
ma túy, hành nghề mại dâm… sau khi cải đạo họ đã được giúp đỡ để thay đổi
13


bản thân, được mọi người trong Hội thánh giới thiệu việc làm và trở thành
người có công việc và thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, những người theo Đạo
Tin Lành còn được giúp đỡ khi ốm đau, bệnh tật, khi gặp khó khăn. Đó là sự
hỗ trợ bởi mạng lưới những người theo đạo Tin Lành. Thông qua các hội

nhóm, đoàn thể, những người cùng đạo không chỉ giới thiệu việc làm cho
nhau mà còn hợp tác với nhau để kinh doanh, buôn bán, giúp đỡ con em đi
học… hoặc tổ chức các buổi diễn giải, diễn thuyết để chia sẻ kiến thức, kinh
nghiệm với nhau.
Về tinh thần: Đạo Tin Lành đã tác động đến niềm tin tôn giáo của
những người cải đạo, làm thay đổi những suy nghĩ liên quan đến việc thờ
cúng tổ tiên, tin vào ma quỷ, oan hồn, tin vào thế giới sau cái chết…
Đạo Tin Lành cũng giúp cho các tín đồ được giải cứu khỏi tội lỗi, giúp họ tìm
được sự bình an trong cuộc sống, ban cho họ niềm tin và chỗ dựa vững chắc,
khiến họ tìm được mục đích sống cho mình.
Trên cơ sở đưa ra những giả thuyết nghiên cứu trên, tôi tin tưởng rằng sẽ
làm rõ được những câu hỏi nghiên cứu mà tôi đề cập đến.
5. Lý thuyết nghiên cứu
Câu hỏi “Đạo Tin Lành là gì” tưởng như đơn giản nhưng vẫn đang là
một vấn đề gây nhiều tranh cãi từ trước đến nay. Vào thế kỷ XVI, cuộc đại
phân liệt lần thứ hai diễn ra trong Công giáo, hình thành một tôn giáo mới đó
là đạo Tin Lành. Tuy nhiên, Giáo hội Công giáo và phong kiến châu Âu lại
gọi là đạo chống đối - Protestantism, khi sang Trung Quốc, Protestantism dịch
qua Hán gọi là "đạo Thệ phản". Cuộc đại phân liệt lần thứ hai thực chất là
cuộc cải cách tôn giáo, cho nên trong nhiều trường hợp người ta còn gọi đạo
Tin Lành là "đạo Cải cách" (Reformism). Đạo Tin Lành truyền vào Việt Nam
đầu thế kỷ XX, ở miền Bắc được gọi theo cách của người Trung Quốc là
"đạo Thệ phản", ở miền Trung gọi là "đạo Giatô", ở miền Nam gọi là "đạo
14


Huê Kỳ". Đầu những năm 20, 30 của thế kỷ XX giáo sĩ Cadman người
Canada thuộc Hội Truyền giáo Cơ đốc - CMA, cùng với văn sĩ Phan Khôi
dịch Kinh thánh ra tiếng Việt Nam, hai ông không dịch Phúc âm
(Evangelical) là "Tin mừng" như đạo Công giáo, mà dịch là "Tin Lành". Cách

gọi Phúc âm là Tin Lành của những người theo đạo Cải cách (Thệ phản) dần
dần thành thói quen và nhất là nó phân biệt được với đạo Công giáo nên
người ta gọi luôn đạo Cải cách là đạo Tin Lành cho đến ngày nay (Ban Tôn
giáo Chính phủ, không năm xuất bản)
Còn nếu xét về mặt thuật ngữ, theo Larry Eskridge (1995), thuật từ Tin
Lành có nguồn gốc Hy văn là ευαγγελιον (evangelion), nghĩa Hán Việt là
"Phúc âm" hay "tin tức tốt lành" (Mai Thanh Hải, 2002:628) .
Theo ngôn ngữ hiện đại, Tin Lành là gọi chung các giáo thuyết và các giáo
hội thoát thai từ cuộc Cải cách Tôn giáo, có các nhánh chính là các đạo theo
chủ thuyết Luther chủ yếu ở Đức, Bắc Âu; các đạo theo chủ thuyết Calvin ở
Pháp, Thụy Sĩ, Hà Lan, Mỹ; và Anh giáo, chủ yếu ở nước Anh (ibid.).
Đại đa số các nhà tôn giáo học hiện nay đồng thuận một định nghĩa như sau:
Tin Lành (Protestantism) là một trong ba thế lực chính của các đạo thờ Chúa
Giê-xu, ra đời từ phong trào cải cách tôn giáo, tách ra từ giáo hội Công giáo ở
châu Âu thế kỷ XVI. Tin Lành là tên gọi chung gồm nhiều giáo hội, nhiều
giáo phái độc lập khác nhau, như: các cộng đồng trước Cải cách (như
Waldennes, Alberginses), các giáo hội ra đời trong Cải cách (Luther giáo,
Calvin giáo, Anh giáo…), các giáo phái ra đời nối tiếp và có biến đổi ít nhiều
tư tưởng của Luther, Calvin như Baptism, Methodism, Adventism… (Mai
Thanh Hải, 2002:629).
Tại Việt Nam, cũng có nhiều quan điểm, định nghĩa khác nhau về đạo
Tin Lành. Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, đạo Tin Lành là "anh em" cùng một
gốc với đạo Công giáo, đạo Chính thống và Anh giáo. Còn theo các mục sư
15


thì đạo Tin Lành có nghĩa là đạo mang lại tin tức tốt lành, tin vui cho những
người tiếp nhận Chúa Giê-xu 1.
Trong khi đó, những đối tượng nghiên cứu trong đề tài này lại định nghĩa đạo
Tin Lành theo một cách khác. Có người cho rằng, Tin Lành là tên gọi của một

tôn giáo, nhưng nó không đơn thuần chỉ là một đạo của loài người như bao
nhiêu đạo khác, không phải chỉ là một tôn giáo với những lễ nghi và luật lệ
khác thường, và cũng không tìm kiếm những mục đích (lợi lộc) theo kiểu thế
gian thường nghĩ, nhưng Tin Lành thật đặc biệt khác hẳn.
Hoặc, Tin Lành là ở đó có những người tin Chúa Giê-xu, họ nhận được nhiều
ơn phước từ Chúa Giê-xu ban cho. Cũng có người cho rằng, Tin Lành là sứ
mạng mà Chúa Giê-xu muốn con người phải thực hiện, đó là "nói về chương
trình Cứu Chuộc của Đức Chúa Trời qua chúa Cứu thế Giê-xu", để thế giới
một lần nữa có cơ hội ăn năn tội quay về với Thượng Đế là Đức Chúa Trời.
Có thể thấy, có rất nhiều khái niệm khác nhau về đạo Tin Lành. Vậy
khái niệm “Hội thánh Tin Lành” thì sao? Từ "Hội thánh" có nguồn gốc từ
tiếng Hy Lạp, “Ekklesia” có nghĩa là "một hội đồng" hoặc "được gọi ra khỏi".
Nghĩa gốc của "Hội thánh" không phải là toà nhà như nhiều người hay nghĩ
đến mà là người dân (Robert Young, 1984).
Theo Kinh thánh, Hội thánh là hội của những người đã tiếp nhận Chúa Cứu
Thế Giê-xu làm chủ của đời sống, trở thành dân của Đức Chúa Trời 2, mục
đích là để thờ phượng và hầu việc Đức Chúa Trời (I Côrinhtô 1:2; II Côrinhtô
6:17-18; I Timôthê 3:15; Mathiơ 16:18).
Theo Tín lý dành cho tín đồ Tin Lành, có 2 loại Hội thánh:
1

Quan điểm của mục sư Nguyễn Trọng Việt (trích Nhật ký điền dã, phỏng vấn ngày 24/4/2016) và Mục sư
Bùi Quốc Phong (trích Nhật ký điền dã, phỏng vấn ngày 17/3/2016)
2

Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo và điều khiển muôn loài vạn vật theo bản tính tốt lành của Ngài. Triết học
gọi Ngài là Thượng Đế, văn học gọi là Đấng Tạo Hóa, người Do Thái gọi là Giê-hô-va, còn người Việt Nam
gọi là Ông Trời.
(Êsai 45:18; Giăng 1: 1-3; Nêhêmi 9: 6; Khải huyền 1: 8)


16


+ Hội thánh phổ thông: gồm các tất cả các con cái Chúa ở khắp nơi trên
thế giới nhóm lại thờ phượng Chúa, bao gồm mọi thời đại (I Phierơ 2:9)
+ Hội thánh địa phương: gồm những tín hữu trong một địa phương
nhóm họp lại để thờ phượng Đức Chúa Trời (Rôma 16:3-5; Phi lêmôn 1:2;
Côlôse 4:15).
Cho đến nay có rất nhiều công trình nghiên cứu về đạo Tin Lành và
mỗi nghiên cứu đều theo một hướng tiếp cận khác nhau. Trong đó, nổi lên
hướng nghiên cứu về quá trình truyền bá đạo Tin Lành vào Việt Nam là lý
thuyết cải đạo thông qua các phương tiện truyền thông. Theo đó, nhiều nhà
khoa học Việt Nam trước đây và hiện nay, khi tiến hành nghiên cứu về quá
trình truyền bá đạo Tin Lành phần lớn đều áp dụng lý thuyết này để làm rõ
con đường truyền đạo . Có thể lấy ví dụ như công trình nghiên cứu "Đạo Tin
Lành ở người H’mông Tây Bắc nước ta" của tác giả Nguyễn Khắc Đức
(2015) đã nhấn mạnh đến vai trò của việc truyền đạo thông qua con đường
phát thanh. Theo đó, tác giả này cho rằng, các tổ chức, hệ phái Tin Lành trên
thế giới và ở Việt Nam đã tăng cường truyền đạo vào vùng người Hmông Tây
Bắc, thông qua đài phát thanh, băng, đĩa. Trong đó, chương trình của đài
FEBC có nhiều nội dung đề cập đến lịch sử và văn hóa của người Hmông,
chia sẻ những mối quan tâm thường nhật của họ... Vì vậy, người Hmông thích
nghe đài này và dần dần chấp nhận theo đạo Tin Lành, mặc dù họ không hề
thấy hình ảnh của Chúa Giê-xu hay một quyển Kinh thánh. Kết quả một cuộc
khảo sát tại một xã của tỉnh Lào Cai năm 2008 cho thấy, 60% tín đồ người
Hmông biết đến Chúa trời qua đài phát thanh (Nguyễn Khắc Đức, 2015:16).
Hay nghiên cứu của Phạm Văn Lực (2013) cũng cho biết, rất nhiều người
Hmông cải đạo thông qua hệ thống tuyên truyền từ bên ngoài bằng tiếng
Mông của đài Manila (Philippin), đài VOA (Phạm Văn Lực, 2013:3). Nghiên
cứu của tác giả Trần Hữu Sơn (1996) chỉ ra rằng, trong những năm 1993 –

17


Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×