Tải bản đầy đủ (.pdf) (177 trang)

Luận án tiến sĩ biểu tượng đá trong truyền thuyết dân gian việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.49 MB, 177 trang )

ĐẠI HỌC HUẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC

NGUYỄN THỊ QUỲNH HƯƠNG

BIỂU TƯỢNG ĐÁ
TRONG TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN VIỆT NAM

LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM

HUẾ - NĂM 2016


ĐẠI HỌC HUẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC

NGUYỄN THỊ QUỲNH HƯƠNG

BIỂU TƯỢNG ĐÁ
TRONG TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN VIỆT NAM

Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 62 22 01 21

LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM
Người hướng dẫn khoa học:
1. PGS. TS. Trần Thị An
2. TS. Hà Ngọc Hòa

HUẾ - NĂM 2016



LỜI CẢM ƠN

Để hoàn thành được luận án này, tôi đã nhận được sự giúp đỡ vô cùng quý báu
của nhiều tập thể và cá nhân.
Tôi xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến PGS.TS. Trần Thị An và TS. Hà Ngọc Hòa
đã tận tình hướng dẫn, đóng góp những ý kiến quý báu giúp tôi hoàn thành luận án
trong điều kiện tốt nhất có thể.
Xin trân trọng cảm ơn Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế
đã quan tâm, tạo điều kiện cho tôi trong suốt quá trình thực hiện luận án.
Xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến quý thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp,
những người đã luôn động viên, khuyến khích giúp đỡ tôi trong suốt thời gian thực
hiện luận án.

Tác giả

Nguyễn Thị Quỳnh Hương


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả
nêu trong luận án là trung thực, đảm bảo độ chuẩn xác cao. Các tài liệu tham
khảo, trích dẫn có xuất xứ rõ ràng. Tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về công
trình nghiên cứu của mình.
Huế, tháng 11 năm 2016
Tác giả

Nguyễn Thị Quỳnh Hương



MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .................................................................................................................. 1
1. Lý do chọn đề tài................................................................................................... 1
2. Mục tiêu nghiên cứu ............................................................................................. 2
3. Đối tượng, phạm vi và nhiệm vụ nghiên cứu ...............................................................2
4. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu ..................................................................3
5. Đóng góp khoa học của luận án ...................................................................................5
6. Bố cục luận án ................................................................................................................5
NỘI DUNG.........................................................................................................................7
Chương 1. LÝ THUYẾT BIỂU TƯỢNG VÀ TỔNG QUAN TÌNH HÌNH
NGHIÊN CỨU ........................................................................................................ 7
1.1. Lý thuyết biểu tượng và nghiên cứu văn học dân gian từ lý thuyết biểu tượng 7
1.1.1. Lý thuyết biểu tượng ....................................................................................... 7
1.1.2. Nghiên cứu văn học dân gian từ lý thuyết biểu tượng .................................. 12
1.2. Các công trình nghiên cứu đá ở Việt Nam ...................................................... 17
1.2.1. Công trình về tín ngưỡng thờ đá ................................................................... 17
1.2.2. Công trình nghiên cứu Đá với tư cách biểu tượng........................................ 19
1.2.3. Công trình nghiên cứu motif Đá trong truyện kể dân gian Việt Nam (thần
thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích) ........................................................................ 23
1.3. Đánh giá tình hình nghiên cứu và hướng triển khai đề tài............................... 24
1.3.1. Đánh giá tình hình nghiên cứu ...................................................................... 24
1.3.2. Hướng triển khai đề tài ................................................................................. 24
Chương 2. BIỂU TƯỢNG ĐÁ VÀ HỆ THỐNG NGHĨA CỦA BIỂU TƯỢNG
ĐÁ TRONG TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN VIỆT NAM .........................................26
2.1. Biểu tượng đá và các lớp nghĩa của biểu tượng đá trong văn hóa thế giới và
Việt Nam ..................................................................................................................... 26
2.1.1. Biểu tượng đá và các hướng tiếp cận biểu tượng đá ở Việt Nam.................... 26
2.1.2. Các lớp nghĩa của biểu tượng đá trong văn hóa thế giới và Việt Nam qua
các công trình nghiên cứu ........................................................................................... 32



2.2. Các lớp nghĩa tiêu biểu của biểu tượng đá trong truyền thuyết dân gian
Việt Nam ................................................................................................................. 38
2.2.1. Sự sống trong trạng thái tĩnh......................................................................... 38
2.2.2. Sự tái sinh trong ngưỡng vọng ...................................................................... 45
2.2.3. Sự hiện diện của thần linh ............................................................................. 55
2.2.4. Ý niệm chuyển vị .......................................................................................... 63
Chương 3. CẤU TRÚC TRẦN THUẬT CỦA DẠNG TRUYỆN KỂ SỬ
DỤNG BIỂU TƯỢNG ĐÁ TRONG TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN
VIỆT NAM ............................................................................................................ 70
3.1. Đá trong giấc mơ điềm báo của truyền thuyết dân gian Việt Nam ................. 70
3.1.1. Đá là phần thưởng cho việc tu thân tích đức ................................................ 71
3.1.2. Đá là hiện thân của nhân vật lịch sử trong giấc mơ điềm báo ...................... 76
3.2. Đá trong motif hiển linh của truyền thuyết dân gian Việt Nam .......................... 85
3.2.1. Đá và sự hiển linh của nhân thần .................................................................. 85
3.2.2. Đá và sự hiển linh của nhiên thần ................................................................. 92
3.2.3. Đá – thành tố cấu tạo nên không gian tâm linh ............................................ 96
Chương 4. BIỂU TƯỢNG ĐÁ TRONG TRUYỀN THUYẾT VÀ TÍN
NGƯỠNG DÂN GIAN: NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP THAI DƯƠNG
PHU NHÂN VÀ KỲ THẠCH PHU NHÂN ............................................................... 104
4.1. Văn bản và cấu trúc văn bản của truyền thuyết về Thai Dương phu nhân và
Kỳ Thạch phu nhân ............................................................................................... 105
4.1.1. Truyền thuyết về Thai Dương phu nhân và Kỳ Thạch phu nhân nhìn từ
văn bản .................................................................................................................. 106
4.1.2. Truyền thuyết về Thai Dương phu nhân và Kỳ Thạch phu nhân nhìn từ
cấu trúc văn bản .................................................................................................... 112
4.2. Biểu tượng đá trong truyền thuyết về Thai Dương phu nhân và Kỳ Thạch
phu nhân trong mối quan hệ với tín ngưỡng dân gian Chăm ............................... 117
4.2.1. Tín ngưỡng thờ đá ....................................................................................... 119

4.2.2. Tín ngưỡng thờ Mẫu ................................................................................... 125
4.3. Biểu tượng đá trong truyền thuyết về Thai Dương phu nhân và Kỳ Thạch
phu nhân trong mối quan hệ với tục thờ đá tại đền Thai Dương phu nhân và


miếu Kỳ Thạch phu nhân ...................................................................................... 130
4.3.1. Hình thức đá thờ ......................................................................................... 131
4.3.2. Hình thức thờ cúng ..................................................................................... 135
KẾT LUẬN ........................................................................................................... 140
DANH MỤC CÁC BÀI BÁO KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ .............................. 143
TÀI LIỆU THAM KHẢO .................................................................................... 144
PHỤ LỤC


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Đá là sự vật gắn kết với loài người từ thuở hồng hoang bởi con người trú thân
trong hang đá, mượn cạnh sắc của đá để làm công cụ săn bắt, nhờ cái cứng rắn của
đá mà tạo ra lửa sưởi ấm và nấu chín thức ăn,… Ngay cả khi con người trở về với
đất, đá là một trong những lựa chọn đầy tin cậy để gởi gắm thể xác hay làm vật
đồng hành trên con đường đến cõi khác. Con người tìm thấy sự an nhiên và sức
mạnh của mình từ đá nên như một điều hiển nhiên, con người tin và thờ phụng vị
thần đá. Có thể nói chính sự gắn bó mật thiết này đã phần nào lý giải vai trò của tục
thờ đá trong đời sống của con người.
Trong văn học dân gian Việt Nam, truyền thuyết là thể loại có sự liên kết chặt
chẽ với những biến thiên lịch sử của dân tộc, đồng thời thể hiện rõ nét nhất cảm
quan lịch sử của người nghệ sĩ dân gian. Bằng khả năng tích hợp nhiều lớp nghĩa
một cách hiệu quả trong chiều dài thời gian lịch sử, biểu tượng đá có mối liên hệ
chặt chẽ với nội dung và nghệ thuật trần thuật của thể loại truyền thuyết. Thông qua
việc lưu giữ biểu tượng đá, tục thờ cúng đá cùng các dạng thức của đá, truyền

thuyết Việt Nam đã lưu lại dấu ấn của sự giao thoa tín ngưỡng, văn hóa ở Việt Nam
và sức mạnh của nhân vật lịch sử, của cộng đồng dân tộc.
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, có hai truyền thuyết thể hiện những lớp
nghĩa đặc biệt của biểu tượng đá là Thai Dương phu nhân và Kì Thạch phu nhân.
Trong luận án này, sau khi phân tích các vấn đề lý thuyết, chúng tôi lựa chọn
nghiên cứu trường hợp hai truyền thuyết trên bởi các lý do sau: a) Với đặc trưng
của mình, hai truyền thuyết đã phản ánh những biến chuyển về lịch sử và văn
hóa, tín ngưỡng của vùng đất Thừa Thiên Huế, nơi có sự xếp chồng các lớp văn
hóa (Việt, Chăm); b) Đây là những truyền thuyết được ghi chép vào các thư tịch
khá sớm và vẫn đang “sống” tại địa phương với nhiều dị bản; c) Hai truyền
thuyết này có mối quan hệ chặt chẽ với tín ngưỡng dân gian thông qua sự hiện
diện của đền/ miếu và hình thức thờ cúng. Vì vậy, tính đa nghĩa và sợi dây liên
kết của biểu tượng đá từ truyền thuyết đến tín ngưỡng, văn hóa trong Thai
Dương phu nhân và Kì Thạch phu nhân là tương đối dễ nhận ra. Là người đang

1


giảng dạy văn học dân gian tại trường đại học ở Huế, việc nghiên cứu biểu tượng
đá qua hai trường hợp trên không chỉ thuận lợi trong quá trình điền dã cho chúng
tôi mà thông qua việc khảo sát và nghiên cứu trường hợp văn hóa dân gian tại
địa phương, chúng tôi còn có thể mở rộng hiểu biết về văn học dân gian, lịch sử
và văn hóa Thừa Thiên Huế.
Từ những lý do đó, chúng tôi chọn đề tài Biểu tượng đá trong truyền thuyết
dân gian Việt Nam để nghiên cứu trong luận án. Chúng tôi hi vọng luận án mang
lại những kiến giải mới về biểu tượng đá trong truyền thuyết dân gian Việt Nam và
đóng góp vào khuynh hướng nghiên cứu các lớp nghĩa của biểu tượng đá trong văn
học/ văn hóa dân gian của người Việt.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Đề tài Biểu tượng đá trong truyền thuyết dân gian Việt Nam đặt mục tiêu

giải mã những lớp nghĩa của biểu tượng đá trong các bản kể truyền thuyết và trong
trầm tích văn hóa của tín ngưỡng dân gian Việt Nam; từ đó, có thể hiểu sâu hơn về
các vấn đề bản sắc văn hóa, biến đổi văn hóa - xã hội qua các giai đoạn lịch sử.
Mục tiêu cụ thể:
- Từ hệ thống phân loại, phân tích các lớp nghĩa của đá để cho thấy sự biến
thiên của biểu tượng đá trong truyền thuyết.
- Đặt biểu tượng đá và nhân vật truyền thuyết trong trường so sánh nhằm đánh
giá vai trò của biểu tượng đá trong quá trình khám phá, nhận diện sức mạnh của
nhân vật lịch sử, của cộng đồng dân tộc.
- Thông qua hoạt động điền dã tại di tích và khảo sát văn bản hai trường
hợp Thai Dương phu nhân và Kì Thạch phu nhân, phân tích làm rõ lớp trầm tích
văn hóa, tín ngưỡng trong biểu tượng đá, xem xét những biến chuyển của tục thờ
đá trong đời sống tâm linh của người dân Việt, cũng như mối quan hệ giữa tín
ngưỡng của người Việt và tín ngưỡng của các dân tộc tiền trú trên mảnh đất
Thừa Thiên Huế.
3. Đối tượng, phạm vi và nhiệm vụ nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Biểu tượng đá
Phạm vi nghiên cứu: Truyền thuyết dân gian Việt Nam
Phạm vi tư liệu được sử dụng chủ yếu để tiến hành nghiên cứu là Tổng tập

2


văn học dân gian người Việt (tập 4 và tập 5: Truyền thuyết) do Kiều Thu Hoạch
chủ biên, xuất bản năm 2004. Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng thêm Tổng tập văn
học các dân tộc thiểu số Việt Nam (tập 16: truyện cổ tích thần kỳ, truyền thuyết)
do Nguyễn Thị Yên chủ biên (2009) để hỗ trợ phần tư liệu về truyền thuyết các
dân tộc thiểu số.
- Về truyền thuyết Thai Dương phu nhân và Kì Thạch phu nhân: Phạm vi
tư liệu được sử dụng chủ yếu để tiến hành nghiên cứu, ngoài các bộ tổng tập

trên, là Truyện kể dân gian Thừa Thiên Huế do Tôn Thất Bình chủ biên (1998),
Tổng tập văn học dân gian xứ Huế (tập 1) do Triều Nguyên sưu tầm, biên soạn
(2010), Đặc khảo văn học dân gian Thừa Thiên Huế do Lê Văn Chưởng sưu tầm,
biên soạn (2010),…
Nhiệm vụ nghiên cứu:
- Thống kê sự xuất hiện của đá trong truyền thuyết dân gian Việt Nam, từ đó
phân loại theo các lớp nghĩa. Nói một cách khác, trên cơ sở thống kê, luận án sẽ đi
sâu phân tích, tổng hợp để khẳng định những giá trị của biểu tượng đá nói riêng và
truyền thuyết dân gian Việt Nam nói chung.
- Phân tích cấu trúc trần thuật của truyện kể có sử dụng biểu tượng đá trong
truyền thuyết dân gian Việt Nam. Thao tác này góp phần làm rõ vai trò của biểu
tượng, đồng thời mở ra những lớp nghĩa lớn hơn của biểu tượng đá trong truyền
thuyết dân gian.
- Nghiên cứu hai trường hợp Thai Dương phu nhân và Kì Thạch phu nhân để
minh chứng cho mối quan hệ của biểu tượng đá trong truyền thuyết dân gian Việt
Nam với tín ngưỡng dân gian.
4. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu
4.1. Cách tiếp cận
Đá trong truyền thuyết dân gian Việt Nam là một biểu tượng mang tính tích
hợp nhiều lớp nghĩa văn hóa, tín ngưỡng nên trong luận án, chúng tôi đặt biểu
tượng đá trong mối liên hệ mật thiết với văn hóa, nhân học, dân tộc học,… Để thực
hiện đề tài luận án, chúng tôi sử dụng các cách tiếp cận sau đây:
- Cách tiếp cận văn học dân gian: Từ việc tập hợp truyền thuyết dân gian về đá
trong thư tịch và quá trình điền dã, chúng tôi tiến hành phân tích các truyền thuyết từ

3


hai góc độ: thứ nhất là hệ thống nghĩa và thứ hai là cấu trúc văn bản. Hai vấn đề này
là nội dung chính của luận án được thể hiện trong chương 2 và chương 3.

- Cách tiếp cận văn hóa học: Trên cơ sở khảo sát những dị bản đang được lưu
truyền của hai trường hợp Thai Dương phu nhân và Kì Thạch phu nhân, chúng tôi
soi chiếu biểu tượng đá trong truyền thuyết từ góc độ tín ngưỡng, cụ thể là tục thờ
đá và tín ngưỡng thờ mẫu. Trên cơ sở đó, luận án chỉ ra một cách rõ ràng nhất giá
trị biểu tượng văn hóa của đá trong truyền thuyết dân gian Việt Nam.
- Cách tiếp cận nhân học: Để thực hiện luận án, chúng tôi tiến hành điều
tra, khảo sát hiện tượng văn hóa dân gian trong đời sống thông qua di tích và
hình thức thờ cúng tại đền Thai Dương phu nhân, miếu Kì Thạch phu nhân. Với
cách tiếp cận này, luận án hy vọng làm rõ mối quan hệ giữa đá của truyền thuyết
và tín ngưỡng thờ đá ở hai trường hợp trên. Đồng thời, công tác điều tra, khảo
sát giúp chúng tôi xác định được vai trò và những biến chuyển của tục thờ đá ở
các di tích.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
- Phân tích tài liệu thứ cấp: Từ văn bản truyền thuyết dân gian đã được sưu
tầm, biên soạn và số liệu thống kê trong nghiên cứu của người đi trước, phương
pháp phân tích giúp chúng tôi xác định các hướng tiếp cận phù hợp với đề tài.
- Điền dã: Đối với hai trường hợp Thai Dương phu nhân và Kì Thạch phu
nhân, phương pháp điền dã hỗ trợ chúng tôi trong quá trình tìm hiểu thực trạng đá
thờ, kiến trúc đền/ miếu và đời sống tín ngưỡng của cộng đồng.
4.3. Các thao tác nghiên cứu
- Thống kê: Trên cơ sở khảo sát văn bản, người viết tiến hành thống kê, phân
loại hệ thống nghĩa của đá trong truyền thuyết dân gian Việt Nam nhằm phản ánh
sự đa dạng về nghĩa của biểu tượng đá.
- Phân tích: Thao tác này giúp người viết làm nổi bật những biểu hiện đặc thù
của đá trong truyền thuyết dân gian Việt Nam.
- So sánh loại hình: Bằng cách thu thập mọi loại văn bản có thể có, dựa vào
thao tác so sánh, người viết hệ thống hóa tư liệu và nhận diện được từng dạng thức
của câu chuyện, truy nguyên nguồn gốc, cốt lõi của truyện kể,… trên cơ sở liên hệ
với các lĩnh vực khác của con người (lịch sử, triết học, chính trị,…).


4


5. Đóng góp khoa học của luận án
Thứ nhất, trên cơ sở thống kê, chúng tôi tiến hành hệ thống hóa tư liệu về
nghiên cứu biểu tượng và biểu tượng đá trong truyền thuyết dân gian Việt Nam,
đem đến những đánh giá tổng quan về tình hình nghiên cứu.
Thứ hai, phân tích biểu tượng đá trong truyền thuyết dân gian Việt Nam từ các
góc độ: ý nghĩa biểu tượng, cấu trúc trần thuật, nhằm khẳng định sự phong phú về
lớp nghĩa của biểu tượng đá. Khảo sát khả năng kết hợp đá với các motif khác của
truyền thuyết dân gian (giấc mơ, hiển linh) để kiến giải vai trò của đá trong cấu trúc
truyện kể và nghệ thuật xây dựng nhân vật truyền thuyết.
Thứ ba, thông qua biểu tượng đá, chúng tôi chỉ ra mối liên hệ giữa truyền
thuyết dân gian (một thể loại văn học dân gian) với tín ngưỡng thờ đá (một bộ phận
của văn hóa). Luận án đã cho thấy sự tương tác giữa văn học và văn hóa dân gian.
Đây chính là hướng nghiên cứu mang lại nhiều kiến giải mới cho các thể loại văn
học dân gian.
Thứ tư, nghiên cứu trường hợp Thai Dương phu nhân và Kì Thạch phu nhân –
hai truyền thuyết tiêu biểu của Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có biểu
tượng đá (truyện kể, tín ngưỡng và hình thức thờ cúng) để góp phần minh giải mối
liên hệ truyền thuyết và tín ngưỡng thờ đá mà chúng tôi đề cập ở trên. Với hai
trường hợp này, biểu tượng đá trong truyền thuyết Thừa Thiên Huế đã hình thành
lớp nghĩa riêng và là minh chứng cho sự dung hòa tín ngưỡng trong quá trình sinh
tồn của người Việt.
Sự phân tích cấu trúc trần thuật và các lớp nghĩa của biểu tượng đá cũng như
mối quan hệ mật thiết của truyền thuyết - nghi thức thờ cúng - di tích - lễ hội thờ đá
ở Thừa Thiên Huế sẽ góp phần lí giải các vấn đề bản sắc văn hóa, biến đổi văn hóa xã hội qua các giai đoạn lịch sử.
6. Bố cục luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, phần nội dung
chính của luận án được triển khai trong 4 chương:

Chương 1: Lý thuyết biểu tượng và tổng quan tình hình nghiên cứu
Chương 2: Biểu tượng đá và hệ thống nghĩa của biểu tượng đá trong truyền
thuyết dân gian Việt Nam

5


Chương 3: Cấu trúc trần thuật của dạng truyện kể dân gian có sử dụng biểu
tượng đá trong truyền thuyết dân gian Việt Nam
Chương 4: Biểu tượng đá trong truyền thuyết dân gian và tín ngưỡng dân gian:
nghiên cứu trường hợp Thai Dương phu nhân và Kì Thạch phu nhân

6


PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1
LÝ THUYẾT BIỂU TƯỢNG
VÀ TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.1. Lý thuyết biểu tượng và nghiên cứu văn học dân gian từ lý thuyết biểu tượng
1.1.1. Lý thuyết biểu tượng
Biểu tượng là một thuật ngữ khá quen thuộc trong đời sống thường ngày và
đời sống học thuật. Tính đa nghĩa của biểu tượng đã tạo ra sức hút đối với các nhà
nghiên cứu, vì vậy, mỗi ngành khoa học lại gởi gắm một nội hàm riêng cho thuật
ngữ này. Theo Từ điển Tiếng Việt, biểu tượng là “hình ảnh tượng trưng”, là “hình
thức của nhận thức, cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong
đầu óc khi tác động của sự vật vào giác quan ta đã chấm dứt” [70, tr. 26]. Từ điển
Biểu tượng văn hóa thế giới lại cho rằng “những gì được gọi là biểu tượng khi nó
được một nhóm người đồng ý rằng nó có nhiều hơn một ý nghĩa là đại diện cho
chính bản thân nó” [21, tr. 25].

Tổng kết định nghĩa về thuật ngữ biểu tượng trong các từ điển trên thế giới,
Đinh Hồng Hải, tác giả có nhiều công trình nghiên cứu về biểu tượng trong những
năm gần đây, đã tóm lược: “Biểu tượng có tính đa nghĩa nhưng chúng ta có thể chia
làm hai nghĩa chính là biểu hình và biểu ý. Trên thế giới, thuật ngữ symbology được
nhiều từ điển giải thích với các ý nghĩa: 1- Việc nghiên cứu hoặc sử dụng các biểu
tượng và 2- Tập hợp các biểu tượng (1: the study or use of symbols. 2: symbols
collectively). Các từ điển nghệ thuật có thêm một ý nghĩa là: 3- Nghệ thuật sử dụng
các biểu tượng để nhắc đến một trào lưu nghệ thuật thịnh hành ở Châu Âu vào thế
kỷ XIX. Như vậy, thuật ngữ symbology trong tiếng Anh tương đương với nghiên
cứu biểu tượng (hoặc biểu tượng học) trong tiếng Việt” [34, tr.128]. Đinh Hồng Hải
khẳng định “Nghiên cứu biểu tượng là khoa học có chức năng giải mã các thành tố
văn hóa được sản sinh trong đời sống của con người” [34, tr.30].
Từ chính những định nghĩa trên, dễ dàng nhận ra bản chất của biểu tượng là
khó xác định và sống động, như cách R. de. Becker so sánh: “Có thể ví biểu tượng

7


với một khối tinh thể phục nguyên lại theo cách khác nhau, nguồn sáng tùy theo
từng mặt tinh thể tiếp nhận ánh sáng” [dẫn theo Đinh Hồng Hải, 34, tr.87]. Vậy nên,
giải mã biểu tượng không phải là một hành trình bằng phẳng và con đường thẳng
tắp. Việc xác định ý nghĩa/ giá trị của biểu tượng còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu
tố: nền văn hóa sản sinh, bối cảnh và thời điểm biểu tượng ra đời, cùng với mục
đích sử dụng ở từng thời điểm,… Điều đó cho thấy nghiên cứu biểu tượng phải là
ngành khoa học liên ngành với nhiều hướng tiếp cận khác nhau: triết học, văn học,
dân tộc học, mỹ học, phân tâm học, xã hội học… Trong đó, các lĩnh vực ngôn ngữ
học, nhân học và ký hiệu học được xem là nền tảng để nghiên cứu biểu tượng.
Trước tiên, với ký hiệu học, theo Claude Levi-Strauss, “Mọi nền văn hóa có
thể được xem như là một tổng thể các hệ thống biểu tượng mà ở hàng đầu là ngôn
ngữ, các quy tắc hôn nhân, các quan hệ kinh tế, nghệ thuật khoa học, tôn giáo. Tất

cả các hệ thống đó nhắm đến sự thể hiện một số mặt của thực tại thể xác và thực tại
xã hội, và hơn thế nữa, thể hiện các quan hệ mà hai loại hình thực tại đó và bản thân
các hệ thống biểu tượng có với nhau” [dẫn theo Đinh Hồng Hải, 34, tr.143]. Biểu
tượng tồn tại dạng ngôn ngữ đặc biệt, có khả năng xóa nhòa khoảng cách về không
gian và thời gian để con người có thể tri nhận những thông điệp cổ xưa qua các di
vật văn hóa. Mang trong mình nhiều tầng lớp nghĩa nhưng lại được biểu đạt dưới
hình thức súc tích của ngôn ngữ, biểu tượng có quan hệ chặt chẽ với ký hiệu. Dựa
trên mô hình cấu trúc nổi tiếng của F.D. Saussure, hai tác giả tiêu biểu của cấu trúc
luận là L. Hjelmslev và R. Barthes đã phát triển để làm rõ mối liên hệ này.
Cái biểu đạt (Signifier)
Ký hiệu (Sign) =

Cái được biểu đạt (Signified)

Mô hình của F.D. Saussure
“Ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu, mỗi ký hiệu ngôn ngữ có hai phần: cái biểu
đạt (le signifiant) và cái được biểu đạt (le signifié). Cái biểu đạt là một hình ảnh thính
giác, cái được biểu đạt là một khái niệm. Không có mối liên hệ tất yếu nào giữa ký
hiệu với vật được chỉ định, hay như người ta thường nói, liên hệ giữa chúng là võ
đoán” [34, tr. 79]. Trên cơ sở mở rộng nội hàm của thuật ngữ ký hiệu cho nhiều lĩnh
vực (cả trong và ngoài ngôn ngữ học), bao gồm dấu hiệu, tín hiệu, lời nói, cử chỉ,

8


hành động,… mang tính thông tin, L.Hjelmslev đã khái quát ba yếu tố cấu thành mỗi
ký hiệu (sự biểu đạt - quan hệ - nội dung) trong mô hình tam giác sau:

Mô hình ký hiệu học của L. Hjelmlev [66, tr.76]
Đóng góp quan trọng nhất của L. Hjelmlev là sự phân biệt “ký hiệu học biểu

thị” với “ký hiệu học hàm nghĩa”. Trong đó, ký hiệu thông thường là hệ thống ký
hiệu biểu thị, còn “ngôn ngữ hàm nghĩa là một ngôn ngữ mà bình diện biểu đạt
(hình thức) của nó cũng là một hệ thống ngôn ngữ thông thường (ký hiệu biểu thị)
và cả hai hệ thống đã lồng vào nhau tạo thành một hệ thống kép – hệ thống siêu ký
hiệu” [34, tr.94].
R. Barthes lại phát triển mô hình cấu trúc của ký hiệu ở mức cao hơn với sơ đồ
cú pháp ký hiệu học hàm nghĩa như sau:
CBĐ:

CĐBĐ:

Sự biểu thị (HT)

Sự biểu đạt (ND)

A

B

CBĐ:

CĐBĐ:

Sự hàm nghĩa (HT)

Sự hàm nghĩa (ND)

A: Ký hiệu học biểu thị (Semiotic denotative) - Ngôn ngữ thông thường
B: Ký hiệu học hàm nghĩa (Semiotic connotative) – Ngôn ngữ biểu tượng
Mô hình cấu trúc của ký hiệu của R. Barthes [68, tr.78]

Thông qua sơ đồ, R. Barthes đã cụ thể hóa tính “hệ thống kép” hay “hệ thống
trong hệ thống” đặc trưng của ngôn ngữ biểu tượng. Nghĩa là trong ngôn ngữ biểu
tượng, bình diện biểu đạt (hình thức) lại ẩn chứa một ký hiệu biểu thị - ngôn ngữ
thông thường. Đây cũng chính là mô hình mà R. Barthes sử dụng để giải mã cấu
trúc của thần thoại.

9


Trong bài viết “Biểu tượng như là “đơn vị cơ bản” của văn hóa”, Nguyễn Văn
Hậu chuyển đổi sơ đồ của R. Barthes thành sơ đồ giải thích ký hiệu hàm nghĩa
nhằm giải mã ngôn ngữ biểu tượng:
Hình thức sự biểu thị Nội dung sự biểu thị
A Sự vật, hiện tượng, nội dung, ý nghĩa, tên
cái dùng biểu thị
B

gọi v.v..

Hình thứcsự hàm nghĩa

Nội dung sự hàm nghĩa

(Ký hiệu biểu thị – hiển ngôn)

(Ký hiệu ẩn dụ – mật ngôn)

Siêu ký hiệu - ngôn ngữ biểu tượng (Symbol)
A: Ký hiệu học biểu thị (Semiotic denotative) - Ngôn ngữ thông thường
B: Ký hiệu học hàm nghĩa (Semiotic connotative) – Ngôn ngữ biểu tượng

Mô hình chuyển đổi của Nguyễn Văn Hậu [92]
Có thể nói ký hiệu học với phương pháp tiếp cận rõ ràng, cụ thể đã giúp cho
các nhà khoa học hạn chế được tính khó xác định của biểu tượng. Dù khẳng định
vai trò nền tảng cho khoa học nghiên cứu về biểu tượng của ký hiệu học, Đinh
Hồng Hải chỉ ra giới hạn của phương pháp này, đó là “nếu chỉ tiếp cận nghiên cứu
các biểu tượng dưới góc nhìn ký hiệu học thì chúng ta vẫn có thể gặp khó khăn khi
buộc phải giải thích một thành tố văn hóa trong môi trường sống của nó (nghĩa là
trong thời gian và không gian của riêng nó” [34, tr.75].
Bên cạnh ký hiệu học, hướng tiếp cận nhân học trong nghiên cứu biểu tượng
đã được Raymond Firth khái quát thế mạnh trong Biểu tượng: Chung và Riêng: “Nó
liên kết và giải thích về các sự kiện thông qua biểu tượng luận với các cấu trúc xã
hội và các sự kiện xã hội trong những điều kiện cụ thể… Theo đó, các nhà nhân học
được trang bị để giải thích ý nghĩa của các biểu tượng trong các nền văn hóa mà họ
đang nghiên cứu, và để sử dụng những lý giải như những phương tiện trung gian để
hiểu xa hơn về các tiến trình trong đời sống xã hội” [34, tr.82]. Đối tượng nghiên
cứu của nhân học biểu tượng là ẩn dụ, ngôn ngữ, hệ thống biểu tượng, nghi lễ, ma
thuật, đời sống, biểu tượng luận, vũ trụ luận, và thần thoại. Với những phương pháp
chuyên biệt như điền dã thực địa (fieldwork) hay quan sát tham dự (participant

10


observation), nhân học đem lại giải pháp để khám phá biểu tượng trong chính môi
trường “sống” của nó một cách tối ưu. Do đó, nhân học được xem là phương pháp
bổ khuyết cho giới hạn của ký hiệu học trong nghiên cứu biểu tượng.
Ngoài ra, nghiên cứu biểu tượng không thể không đề cập đến hướng tiếp cận
từ cấu trúc luận. Claude Levi-Strauss đã có những đóng góp lớn cho việc nghiên
cứu biểu tượng. “Ông cho rằng phân loại nhị nguyên (binary classification) là một
điểm đặc trưng phổ quát của nhận thức con người. Các nghiên cứu mở rộng của ông
đối với thần thoại, nghệ thuật và hệ thống thân tộc đã khám phá ra những hình mẫu

văn hóa khác nhau ở mức độ phức tạp và diện mạo bên ngoài, về bản chất, dựa vào
tính đối ngẫu: tự nhiên/ văn hóa, đàn ông/ đàn bà, tinh khiết/ không tinh khiết, v.v…
Hệ thống văn hóa, dưới góc nhìn này, với những nền tảng tinh vi của nó khai hóa
thế giới, xã hội hóa nó, đưa ra sự phân loại tùy theo biểu hiện của tự nhiên. Mối
quan tâm của các nhà cấu trúc luận trong các hệ thống văn hóa của ý nghĩa ở những
gì họ có thể bộc lộ ra và khi nào thì phân tích về tiến trình nhận thức phổ quát của
con người” [dẫn theo Đinh Hồng Hải, 34, tr.130]. Có thể thấy cấu trúc luận đã tạo
nền tảng để ký hiệu học và nhân học (nhân học cấu trúc và nhân học biểu tượng)
nghiên cứu biểu tượng với những hướng tiếp cận hiệu quả khác nhau. Trong công
trình nghiên cứu Nghiên cứu biểu tượng – Một số hướng tiếp cận lý thuyết (2014), ở
phần “Cấu trúc luận trong nghiên cứu biểu tượng: từ ký hiệu học đến nhân học biểu
tượng”, Đinh Hồng Hải đã đưa ra sơ đồ tóm tắt diễn trình của khoa học nghiên cứu
biểu tượng như sau:
CBĐ
Cái biểu đạt
CĐBĐ
Cái được

ND
KH

NNBT

BT

Nội

MĐSD




Ngôn

Biểu

dung

Mục đích

hiệu

ngữ biểu

tượng

HT

sử dụng

tượng

Hình

biểu đạt

thức

“Diễn trình của khoa học nghiên cứu biểu tượng” (Đinh Hồng Hải) [34, tr.145]
Ý nghĩa của biểu tượng chỉ có thể giải mã được một cách đầy đủ khi đặt nó
trong bối cảnh xuất hiện với những mục đích sử dụng cụ thể. Điều này cho thấy các


11


phương pháp tiếp cận nghiên cứu biểu tượng như triết học, xã hội học,… đều góp
phần hỗ trợ tích cực trong việc phân tích mỗi biểu tượng.
Như vậy, nghiên cứu biểu tượng là một trong những phương pháp không chỉ
nhằm tìm hiểu con người mà còn cắt nghĩa thế giới ở những tầng nghĩa sâu xa nhất.
Leslie A. White đã nhận xét rằng “Toàn bộ hành vi ứng xử của con người đều bắt
nguồn từ việc sử dụng các biểu tượng. Chính biểu tượng đã làm biến đổi tổ tiên
vượn người của chúng ta trở thành người và làm cho họ có đặc trưng nhân tính. Mọi
nền văn hoá được tạo ra và trường tồn mãi mãi chỉ từ việc sử dụng các biểu tượng.
Biểu tượng đã làm biến đổi một đứa trẻ của người khôn ngoan (Homo Sapiens) trở
thành con người thực sự. Còn người câm điếc lớn lên, nếu không được sử dụng các
biểu tượng thì họ cũng không trở thành người đúng nghĩa. Tất cả hành vi ứng xử
của con người tạo ra hoặc phụ thuộc vào việc sử dụng các biểu tượng. Hành vi của
con người là hành vi mang tính biểu tượng. Nói cách khác, hành vi mang tính biểu
tượng chính là hành vi của con người. Thế giới biểu tượng là thế giới của bản chất
người (nhân tính)” [dẫn theo Nguyễn Văn Hậu, 92].
Tóm lại, biểu tượng chỉ có thể được giải mã trên cơ sở liên ngành với nhiều
hướng tiếp cận. Hiện nay, ký hiệu học, nhân học và cấu trúc luận được xem là ba
hướng tiếp cận hiệu quả, tối ưu để bóc tách lớp nghĩa của biểu tượng. Tuy nhiên,
chúng tôi thiết nghĩ, sự lựa chọn hướng tiếp cận phải phù thuộc vào đặc trưng của
mỗi biểu tượng. Đồng thời, vai trò của các cách tiếp cận trong quá trình nghiên cứu
biểu tượng cũng sẽ đậm nhạt khác nhau.
1.1.2. Nghiên cứu văn học dân gian từ lý thuyết biểu tượng
Nghiên cứu biểu tượng trong văn học và văn học dân gian là xu hướng phê bình
văn học phổ biến trên thế giới. Ở Việt Nam, mặc dù hướng nghiên cứu biểu tượng
trong văn học dân gian xuất hiện từ khá sớm nhưng dường như chưa có nhiều công
trình lớn chuyên sâu, hầu hết là các bài viết xuất hiện đơn lẻ trên tạp chí và internet.

Trong công trình Thi pháp ca dao (1993, NXB Đại học Quốc gia), Nguyễn
Xuân Kính đã thống kê một số biểu tượng của ca dao Việt Nam: cây trúc, cây mai,
con bống, con cò,… Cụ thể ở chương VII, tác giả không chỉ phân tích, giải mã ý
nghĩa của biểu tượng mà còn chỉ ra sự giống/ khác nhau của các biểu tượng giữa
văn học dân gian và văn học viết. Điều này đã cho thấy sự phong phú, linh hoạt và

12


có tính kế thừa của biểu tượng trong văn học. Với Thi pháp ca dao, Nguyễn Xuân
Kính được đánh giá là một trong những người tiên phong trong nghiên cứu biểu
tượng của văn học dân gian Việt Nam. Tác giả tiếp cận biểu tượng từ văn học dân
gian, thông qua thi pháp học và các đặc trưng của thể loại ca dao.
Phải đến những năm cuối thế kỷ XX, lý thuyết về biểu tượng và các phương
pháp tiếp cận nghiên cứu biểu tượng mới thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà
nghiên cứu văn học dân gian. Năm 1999, bài viết “Những biểu tượng không gian
thiêng trong truyền thuyết dân gian người Việt” của Trần Thị An in trong Những
vấn đề lí luận và lịch sử văn học của Viện Văn học có thể được xem là một trong số
công trình đầu tiên soi chiếu biểu tượng văn học đặt từ nền tảng văn hóa. Chúng tôi
sẽ trình bày kỹ về công trình trong mục sau, bởi lẽ tác giả đề cập trực tiếp đến biểu
tượng đá trong truyền thuyết dân gian Việt Nam.
Trong bài nghiên cứu đăng năm 2006, Nguyễn Thị Bích Hà đã sử dụng lý
thuyết mã văn hóa để nghiên cứu văn học dân gian. Trong bài viết “Mã và mã văn
hóa” (2006) đăng trên tạp chí Văn hóa dân gian, theo tác giả, biểu tượng văn hóa là
một trong những biểu hiện của mã văn hóa [gồm: kí tín hiệu văn hóa (cultural
signs), biểu tượng văn hóa (cultural symbols, và mật mã văn hóa (secret codes of
cultural) – NTQH]. Tác giả giới thiệu ngắn gọn khái quát về biểu tượng văn hóa:
định nghĩa, mối quan hệ giữa biểu tượng và tín hiệu, đặc điểm, cách giải mã biểu
tượng trong trường liên tưởng và tính quan niệm của biểu tượng (xin xem mục 2.2
của bài viết). Tác giả lấy các biểu tượng nước, rắn, rồng,… để làm rõ phần lý

thuyết. Tác giả viết: “Biểu tượng được hình thành trong một quá trình lâu dài, có
tính ước lệ và bền vững, là cảm quan, nhận thức được lắng đọng, kết tinh, chắt lọc
trải qua bao biến cố thăng trầm vẫn không bị phai mờ mà ngược lại càng khắc sâu
hơn vào tâm khảm con người” [31, tr.23].
Năm 2014, Nguyễn Thị Bích Hà đã xuất bản cuốn Nghiên cứu văn học dân
gian từ mã văn hóa (2014, NXB Đại học Sư phạm). Đây là công trình đầu tiên
chuyên sâu nghiên cứu văn học dân gian theo khuynh hướng biểu tượng luận. Công
trình này đã xác lập một lý thuyết với hệ thống: phương pháp nghiên cứu văn học
dân gian qua các mã văn hoá dân gian; quan niệm về văn hoá, mã văn hoá; mối
quan hệ giữa văn hoá, văn hoá dân gian và văn học dân gian; các khái niệm: tín

13


ngưỡng, mã tín ngưỡng, phong tục tập quán, mã phong tục tập quán...; và các thao
tác nghiên cứu văn học dân gian dựa vào mã văn hoá dân gian. Công trình giới thiệu
năm bài viết nghiên cứu các trường hợp cụ thể: “Giải mã văn hóa tết người Việt”
(Nguyễn Thị Bích Hà), “Giải mã biểu tượng Lanh trong dân ca dân tộc H’Mông”
(Đặng Thị Oanh), “Giải mã truyền thuyết Hùng Vương chọn đất đóng đô trong
truyền thuyết chọn đất đóng đô của người Việt” (Ngô Thị Diễm Hằng), “Giải mã
các con số trong tục ngữ người Việt” (Nguyễn Thị Thuỳ Dương), “Giải mã biểu
tượng dòng sông trong bài ca tang lễ một số dân tộc vùng Bắc Bộ Việt
Nam” (Nguyễn Thị Minh). Tất cả là kết quả nghiên cứu thể nghiệm lý thuyết mã
văn hóa của học viên cao học, nghiên cứu sinh do Nguyễn Thị Bích Hà hướng dẫn.
Sau đó, năm 2011, luận án tiến sĩ của Đặng Thị Oanh đã được xuất bản thành sách
với nhan đề Biểu tượng Lanh trong dân ca dân tộc H’Mông (NXB Đại học Quốc
gia).
Từ 2007 đến 2014, Đinh Hồng Hải là tác giả đã có nhiều công trình nghiên
cứu và dịch thuật giới thiệu phương pháp tiếp cận nghiên cứu biểu tượng (cấu trúc
luận, ký hiệu học, nhân học): “Nghiên cứu biểu tượng và vấn đề tiếp cận nhân học

biểu tượng ở Việt Nam” (2007), “Nghiên cứu văn hóa từ góc nhìn nhân học biểu
tượng” (2010), “Cấu trúc luận trong nghiên cứu biểu tượng: từ ký hiệu học đến
nhân học biểu tượng” (2012), “Khoa học về các ký hiệu” (Terence Hawkes, 2012),
“Khám phá những biểu tượng trong văn học” (Raymond Firth, 2012),… Năm 2014,
Đinh Hồng Hải đã tập hợp tất cả các bài viết trên trong Nghiên cứu biểu tượng –
Một số hướng tiếp cận lý thuyết. Có thể xem đây là công trình đầu tiên giới thiệu
một cách hệ thống lý thuyết về biểu tượng ở Việt Nam. Trong đó, Đinh Hồng Hải
vẫn đề cao phương pháp cấu trúc luận và cho rằng việc nghiên cứu biểu tượng phải
là sự kết hợp đa ngành.
Năm 2015, cuốn Các vị thần của Đinh Hồng Hải (NXB Thế giới) là tập 2
trong hệ thống bộ sách Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống
Việt Nam (tập 1, Các bộ trang trí điển hình, NXB Tri thức, 2012) được xuất bản.
Trong công trình này, Đinh Hồng Hải đã lựa chọn tiếp cận 6 vị thần (gồm: Thần
Đất, Thần Bếp, Thần Tài, Thánh Gióng, Di Lặc, Ông Trời) trên cơ sở bối cảnh văn
hóa Việt Nam xưa, nay, đặt trong sự đối sánh với văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ

14


nhằm giúp người đọc có cái nhìn tổng thể và khách quan nhất. Với Các vị thần,
chúng tôi đặc biệt chú ý Thánh Gióng, bởi lẽ nhân vật có liên quan chặt chẽ với
truyện kể dân gian Việt Nam. Tác giả đã đi từ những vấn đề lý thuyết (khái niệm
huyền thoại và huyền thoại trong mối quan hệ với lịch sử) đến thực tiễn (huyền thoại
Thánh Gióng với lịch sử chống ngoại xâm ở Việt Nam và biểu tượng Thánh Gióng
trong lịch sử thành văn). Theo Đinh Hồng Hải, Thánh Gióng là một biểu tượng dân
tộc, mang bản sắc văn hóa của Đại Việt và “được “cung đình hóa” từ vị thần dân
gian: Thần Đất/ Thổ địa” [35, tr.181] và “trở thành một lễ hội quốc gia: Hội Phù
Đổng” [35, tr.182]. Qua quá trình giải mã, Đinh Hồng Hải thành công khi chỉ ra được
sự tích hợp đa văn hóa và bản sắc dân tộc trong biểu tượng Thánh Gióng.
Nguyễn Văn Hậu, trong bài viết “Đi tìm bản sắc văn hóa dân tộc qua thế giới

biểu tượng” (2009), đã liệt kê các định nghĩa về biểu tượng (từ điển Petit Larousse,
C.G. Jung, trong Dịch thuyết cương lĩnh của Chu Hy), những chức năng của biểu
tượng (khám phá, thay thế, liên kết xã hội và giáo dục) và vai trò của biểu tượng (hạt
nhân tâm lý cho sự sáng tạo, khuôn mẫu văn hóa cho mọi ứng xử của con người và
“khuôn mẫu gốc” chuẩn mực văn hóa của mỗi cộng đồng). Để minh chứng cho
phương thức nhận biết “bản sắc dân tộc” thông qua việc giải mã biểu tượng, tác giả
đã đi vào phân tích ý nghĩa của một số biểu tượng trong huyền thoại truyền thống của
Việt Nam: Con Hồng – cháu Lạc, tóc dài – răng đen,… Tác giả đưa ra nhận định:
“Bản sắc văn hóa dân tộc là sự biểu hiện về bản lĩnh sáng tạo của mỗi dân tộc. Nó
được kết tinh thành những biểu tượng văn hóa và thông qua các hệ thống biểu tượng,
ta có thể hiểu được tính cách của dân tộc đó” [92]. Bài viết tuy không giải mã ý nghĩa
các biểu tượng nhưng đã giới thiệu biểu tượng từ góc độ lý thuyết, khẳng định vai trò
của biểu tượng trong quá trình nhận chân bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc.
Hướng nghiên cứu văn học dân gian từ biểu tượng được quan tâm nhiều hơn
trong thời gian gần đây ở các luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ (luận văn Ý nghĩa
biểu trưng của hệ biểu tượng con số trong ca dao người Việt của Nguyễn Thị
Duyên bảo vệ năm 2006; luận văn Thế giới biểu tượng thần thoại trong Mo Mường
của Bùi Văn Thành bảo vệ năm 2012; luận án Sự phát triển ý nghĩa trong hệ biểu
tượng trang phục trong ngôn ngữ thơ ca Việt Nam của Nguyễn Thị Ngân Hoa bảo
vệ năm 2005,…), những bài viết trên tạp chí và internet (“Biểu tượng “nước” trong

15


thơ ca dân gian và thơ ca hiện đại các dân tộc ít người” của Nguyễn Thị Thanh Lưu
(2008); “Đôi nét về nhóm biểu tượng hoa trong ca dao” của Nguyễn Thị Ngọc Điệp
(2010),… Song, để tập trung vào công trình liên quan đến đề tài, chúng tôi chỉ xin
giới hạn trong các nghiên cứu truyền thuyết dân gian từ biểu tượng.
Nguyễn Thị Thanh Xuân với “Phê bình cổ mẫu và cổ mẫu Nước trong văn
chương Việt Nam” đã bắt đầu bằng cách lược sử đầy đủ và chi tiết về khuynh hướng

phê bình cổ mẫu, sau đó đi vào nghiên cứu chuyên biệt về cổ mẫu Nước trong văn
học Việt. Tiểu mục “Nước trong văn chương Việt Nam” đánh dấu những khám phá
và đóng góp mới mẻ của Nguyễn Thị Thanh Xuân. Tác giả thống kê sự xuất hiện của
Nước từ trong văn học dân gian đến văn học viết, từ đặc trưng thể loại (sử thi, truyền
thuyết, thơ, truyện) đến phong cách của một số tác giả tiêu biểu. Trên cái nhìn đối
sánh, tác giả đã cho thấy “Cảm thức và ý niệm về nước trong văn chương Việt có một
sự vận động rõ rệt” [96]. Điểm đặc biệt là văn học dân gian ghi dấu cổ mẫu Nước ở
tất cả các hình thái (lụt, mưa, biển, sông, đầm, giếng) với những lớp tầng ý nghĩa
khác nhau. Bài viết thể hiện một hướng đi mới của phê bình văn học và để lại nhiều
gợi mở thú vị, thiết thực về nghiên cứu biểu tượng trong văn chương Việt.
“Từ truyền thuyết rồng Thăng Long khám phá biểu tượng rồng trong truyền
thuyết dân gian Việt Nam” (2011) đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học của
Nguyễn Thị Thanh Lưu là công trình gần đây nhất đi sâu vào giải mã một biểu
tượng trong truyền thuyết. Trong dung lượng của một bài viết nhỏ, tác giả chưa đi
sâu để giải thích nguồn gốc cũng như sự tiếp biến biểu tượng rồng từ văn hóa Trung
Hoa hay Ấn Độ,… Đóng góp của tiểu luận là Nguyễn Thị Thanh Lưu đã chỉ ra con
đường, cách thức và cơ chế văn hóa của quá trình biến thân từ rắn đến rồng trong
truyền thuyết dân gian Việt Nam. Không chỉ gói gọn trong phạm vi các truyền
thuyết của đất Thăng Long, bài viết mở rộng trường so sánh cho biểu tượng đến
truyền thuyết của một số dân tộc thiểu số và truyền thuyết dân gian nói chung để
người đọc có thể hình dung về sự giao thoa, chuyển biến trong biểu tượng Rồng của
các tộc người ở Việt Nam. Để trả lời cho câu hỏi “Rồng có phải là tô tem và tín
ngưỡng của dân gian bản địa”, tác giả đã minh xác việc lựa chọn thể loại truyền
thuyết và biểu tượng văn hóa: “Truyền thuyết là thể loại có mối quan hệ hữu cơ với
lễ hội và tín ngưỡng dân gian. Một biểu tượng văn hóa chỉ thực sự xác lập được chỗ

16


đứng vững chãi và lâu đời trong lòng dân gian khi sống bằng nguồn sinh khí được

bồi tụ liên tục bằng các hoạt động tín ngưỡng với những hành động thờ phụng, cầu
cúng – những hành động mang tính chất trao đổi tinh thần, tâm linh giữa người và
thần, người và linh vật” [60, tr. 53]. Chúng tôi hoàn toàn đồng thuận với ý kiến trên
của tác giả, vì đây cũng chính là những lý do lựa chọn đề tài biểu tượng đá trong
truyền thuyết dân gian Việt Nam của chúng tôi.
Từ việc điểm lại kết quả nghiên cứu về biểu tượng, có thể nói, các đề tài
nghiên cứu văn học dân gian từ lý thuyết biểu tượng chưa có nhiều thành tựu; tuy
nhiên, công trình của một số tác giả đi trước đã cung cấp cho chúng tôi nhiều gợi ý
để thực hiện đề tài luận án của mình.
1.2. Các công trình nghiên cứu Đá trong văn hóa ở Việt Nam
1.2.1. Công trình về tín ngưỡng thờ đá
Đầu tiên phải kể đến người đã có công lao to lớn trong việc nghiên cứu tín
ngưỡng thờ đá ở Việt Nam: Leopold Cadiere. Trong Văn hóa tín ngưỡng và thực
hành tôn giáo người Việt (2010), ông đã phân loại đá thờ thành bốn nhóm lớn: đá
hiểm hóc, đá linh (bụt), đá hộ mệnh và thần đá. Bên cạnh những lý giải rất thuyết
phục về tín ngưỡng thờ đá của người Việt, Cadiere còn luận bàn về mối quan hệ
giữa tục thờ đá và truyện kể dân gian. Theo ông, “Có thể là người Việt đã thừa
hưởng từ những thế hệ đi trước về chuyện linh thiêng của viên đá này, tảng đá kia
rồi truyền tụng luôn cả việc thờ kính cũng như những huyền thoại liên quan. Nhiều
khi viên đá được thờ bái nhưng lại không có lai lịch huyền thoại thì họ lại tưởng
tượng ra một lai lịch huyền thoại để biện minh cho sự thờ bái của mình. Các tư liệu
đều cho ta thấy một điều trong tâm tư người Việt, việc thờ đá luôn luôn được lý giải
trước hết là do có phép mầu” [19, tr. 118]. Hay nói cách khác, Cadiere cho rằng
huyền thoại (truyện kể dân gian) về đá thiêng đều bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ đá.
Nhận định này đã phần nào trở thành “tôn chỉ” cho các nhà nghiên cứu hậu sinh khi
tìm hiểu về hình tượng đá trong văn học dân gian, cũng như tín ngưỡng thờ đá ở
Việt Nam. Công trình của Cadiere là bức tranh toàn cảnh cho chúng tôi những hiểu
biết ban đầu về tục thờ đá ở Việt Nam, mối quan hệ giữa truyện cổ dân gian về đá
thiêng và tín ngưỡng thờ đá.


17


Đối với đá trong văn học dân gian, Man Nương là truyện được các nhà nghiên
cứu tín ngưỡng, văn hóa đề cập đến nhiều nhất, bởi lẽ tích truyện về nguồn gốc Phật
pháp có mối quan hệ chặt chẽ với hiện tượng thờ cúng Thạch Quang Phật tại Thuận
Thành, Bắc Ninh. Sự hóa thân của nhân vật trong tích truyện thể hiện rất rõ kết cấu
cây – đá – Phật (sư Khâu Đà La đặt đứa bé vào thân cây Dung Thụ, thân cây hóa
thành đá và đá hóa thành Phật Thạch Quang). Đặc biệt, hình ảnh đá phát hào quang
rực rỡ khi bị toán thợ tạc tượng ném hòn đá xuống sông góp phần lý giải một số chi
tiết trong việc thờ cúng ở đây. Quan hệ giữa tín ngưỡng thờ đá và hình tượng đá
trong truyện cổ dân gian này được giới thiệu trong công trình Tìm hiểu văn hóa dân
gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á (Đinh Gia Khánh, 1993) và Tín
ngưỡng thành hoàng Việt Nam (Nguyễn Duy Hinh, 1996). Các nhà nghiên cứu đã
cho thấy vai trò của văn học dân gian nói chung, truyện cổ dân gian nói riêng trong
việc truy nguyên và hỗ trợ nghiên cứu tín ngưỡng, tôn giáo.
Ở bài viết “Thờ đá trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam” (2004) đăng trên tạp
chí Văn hóa dân gian, Nguyễn Việt Hùng phân tích một số truyện cổ dân gian về đá
thiêng để làm dẫn chứng minh họa cho những hình thức đá thờ, đồng thời cũng làm
rõ mối quan hệ giữa tín ngưỡng thờ đá với các tín ngưỡng, tôn giáo bản địa và ngoại
lai ở Việt Nam (tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ thành
hoàng, cầu tự, Phật giáo, các hình thức thờ đá khác và trong mối quan hệ Việt Chăm). Tiểu luận đã mở ra cái nhìn đa diện về lớp trầm tích tôn giáo, tín ngưỡng
trong biểu tượng đá của văn học dân gian. Bài nghiên cứu đã giúp chúng tôi hiểu kỹ
hơn về tục thờ đá và mở ra hướng nghiên cứu về biểu tượng đá của truyền thuyết
người Việt trong sự tương tác với các tín ngưỡng, tôn giáo khác.
Trong chuyên luận Sự tích vọng phu và tín ngưỡng thờ đá ở Việt Nam (2011,
NXB Văn hóa thông tin), Nguyễn Việt Hùng tập trung khảo sát, thống kê kiểu
truyện vọng phu, đặt trong sự đối sánh với tín ngưỡng thờ đá. Xuất phát từ việc hệ
thống sự tích vọng phu trong đời sống văn hóa dân gian, tác giả khái quát và phân
tích kết cấu truyện vọng phu. Nguyễn Việt Hùng nêu ra khái niệm “ra đi giả” cho sự

di chuyển trong không gian của nhân vật. Theo ông, một vài nhân vật ra đi chỉ bởi
sự ép buộc của tình huống và cốt truyện vẫn tiếp tục diễn biến ở điểm bắt đầu, gắn
với những hành động của nhân vật khác (người chồng ra đi biệt tăm, người vợ đau

18


×