Tải bản đầy đủ (.docx) (6 trang)

những người khốn khổ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (127.76 KB, 6 trang )

ĐỀ BÀI : Hãy phân tích nghệ thuật tả cảnh và miêu tả tâm lý nhân vật của Nguyễn Du qua
những trích đoạn Truyện Kiều trong sách giáo khoa
BÀI LÀM HỌC SINH
Gớt đã từng nói một câu trở thành định luật cho mọi tác phẩm thiên tài :” Shakespeare nói mãi không
cùng”. Từ đó lan ra : “Đônki Hôtê nói mãi không cùng”, “Puskin nói mãi không cùng”, “Lỗ Tấn nói
mãi không cùng”. Đến lượt mình chúng ta cũng có quyền nói rằng: “ Truyện Kiều nói mãi không
cùng”( Trần Đình Sử). Chẳng phải vì ánh sáng chói lọi rực rỡ của lòng tự hào dân tộc mà chúng ta nói
như vậy. Chính Truyện Kiều tự mang trong mình nó vầng hào quang đặc biệt và tỏa sáng lạ thường.
Đó không chỉ là ánh sáng bi thiết của một con người mang trái tim cao cả, mà còn là ánh sáng của
những nghệ thuật văn chương điêu luyện phi thường. Truyện Kiều,không chỉ là tiếng kêu mới đứt ruột,
mà còn là một tòa lâu đài về mặt nghệ thuật. Nhắc tới nghệ thuât, không thể không nhắc tới nghệ thuật
tả cảnh và miêu tả tâm lý nhân vật mà Nguyễn Du đã thể hiện vô cùng xuất sắc xuyên suốt tác phẩm.
Người ta hay nhắc tới Nguyễn Du như một đại thi hào, một con người tài hoa sinh không gặp thời, một
con người cuộc đời đầy những bi kịch. Người ta lại nói về Truyện Kiều như một tiếng kêu đứt ruột,
một kiệt tác, cũng có người lại không tiếc lời chê bai cho đó là dâm thư, nhưng có một điều vĩnh viễn
không ai có thể phủ nhận nổi đó là giá trị nghệ thuật của nó đã đạt đến trình độ thượng thừa.Mộng Liên
Đường chủ nhân nói rằng “Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo,tả cảnh đã hệt, đàm tìm đã thiết.”
Ở đây xin chỉ nói gọn trong “tả cảnh” và “đàm tình”. Dù là “tả cảnh” hay “ đàm tình”, Nguyễn Du đều
vượt qua những tiêu chuẩn thông thường và chạm đến những thành tựu, đỉnh cao mới.
Nghệ thuật tả cảnh của Nguyễn Du có thể nói đã đạt đến mức điêu luyện. Nói về tả cảnh, nếu coi tổng
thể Truyện Kiều là một bức vải nhung thêu, thì những bức tranh tả cảnh như những viên kim cương
đính lên đó. Vương Xán bước lên lầu, cảm thán “Chân mĩ a” rồi viết bài ‘Đăng Lâu phú’. Hồ Chí
Minh nhận xét : “ Cổ thi thiên ái thiên nhiên mĩ” ( Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp ). Nguyễn Trãi tự
nhận “ Non nước cùng ta đã có duyên”. Từ xưa đến nay, “Mĩ” là một phần tất yếu của nghệ thuật, tuy
nhiên cái “mĩ” của Nguyễn Du khác với những quan niệm thẩm mỹ đương thời. Không phải chỉ lầu
cao, thanh trúc, hoàng cúc mới là chân mỹ, chân mỹ nằm trong những sự vật nhỏ bé đến không thể nhỏ
bé hơn, bình thường đến không thể bình thường hơn. Người xưa không hay nhắc đến cỏ, người ta cho
rằng cỏ là loài mạt hạng, thấp kém không đáng để tâm. Người ta vẫn hay mạt sát nhau rằng “loài cỏ
rác”,châm biếm rằng “hoa dễ điêu tàn cỏ dễ sinh” ( Hoa dị điêu linh thảo dị sinh), vậy mà thứ cỏ ấy vào
thơ Nguyễn Du trở nên đẹp một cách lạ lùng, chúng ta hãy cùng điểm qua hình ảnh màu cỏ trong “
Cảnh ngày xuân”


Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Câu thơ này thực chất đã lấy ý từ hai câu thơ cổ Trung Hoa : “ Phương thảo liên thiên bích – Lê chi sổ
diểm hoa” ( Cỏ thơm liền với trời xanh – Trên cành lê có một vài bông hoa). Nhưng mọi sự so sánh ở
đây đều sẽ trở nên quá khập khiễng. Trong hai câu cổ thi chỉ tả được cái tĩnh của cảnh mà không tả
được cái động .Nguyễn Du chỉ đảo ngược hai chữ ‘điểm trắng’ thành ‘trắng điểm’ mà đã làm cho
những bông hoa lê như đang rung rinh trong gió, hoa lê lả tả bay theo gió, hoa rụng trên nền cỏ xanh,


hoa đậu trên mái tóc của các thiếu nữ du xuân, hồn hoa lãng đãng khắp bầu trời xuân. Chỉ một vài nét
chấm phá, cả một bức tranh xuân đã hiện ra, có nền cỏ xanh nối liền với màu thiên thanh, điểm xuyết
thêm màu trắng của hoa lê, quả là “thi trung hữu họa”!
Không chỉ đơn thuần tả cảnh một cách trực tiếp, tài tình hơn, còn là tả cảnh ngụ tình. “ Người buồn
cảnh có vui đâu bao giờ” – Dòng thơ ấy sao xưa nay người ta cứ nhắc mãi mà không biết chán? Chẳng
những hay mà còn đúng, xưa nay phong cảnh phải luôn đi liền với tâm cảnh, cảnh mà không có tình chỉ
là cảnh vật vô thần, tình ẩn trong cảnh, cảnh ẩn trong ngôn, đó mới chính là cảnh giới cao nhất của
nghệ thuật tả cảnh. Không nghi ngờ, Nguyễn Du đã hết sức thành công vận dụng nghệ thuật đó trong 8
câu cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích:
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi
Điệp từ “buồn trông” như làm trùng điệp thêm nỗi nhớ nhung cô đơn vô hạn của nàng Kiều. Không
gian ở đây là không gian lưu lạc, nơi mà mọi mối dây liên hệ của con người với thế giới xung quanh
đều bị cắt đứt, giựt tung, con người không còn một nơi nào để bấu víu, nương tựa, chỉ có thể trôi dạt, lơ
lửng, mất phương hướng đi về vô định. Những hình ảnh rất chân thực như cánh buồm, dòng nước chảy,

cánh hoa rơi, chân mây mặt cỏ, sóng biển… không thể làm giảm đi sự tịch mịch của không gian, một
không gian thù địch với sự sống. Trong không gian đó không có dấu hiệu của sự sống ngoài những
cánh buồm, nhưng cũng chỉ là những cánh buồm quá đỗi xa xăm chỉ như một dấu chấm nhỏ cuối chân
trời, thậm chí chúng có thể chỉ tồn tại trong tưởng tượng, đại diện cho những ước vọng mong manh vô
vọng mà thôi. Chúng không thay đổi được sự thật rằng Kiều chỉ như những cánh hoa lạc loài trôi theo
dòng nước, hi vọng của Kiều sẽ ngày một khô héo úa tàn như nội cỏ trước mặt. Cánh hoa tàn bị vùi dập
dưới dòng nước xiết, sao không tan nát đi cho rồi một đời hoa mà còn trơ trơ ra đó biết ngày sau ra
sao? ‘Nhân tự bi thê thảo tự thanh’ – ‘ Nhân tự bi thê thủy tự lưu’( Người cứ buồn thương cỏ cứ xanh,
người tự buồn thương nước cứ trôi) Nhân sinh vốn đầy những cuộc biệt ly, ai người dám nói rằng chia
ly không khổ? Trước mắt bày cảnh non nước hữu tình, ai người biết rằng Kiều ngắm hoa mà mắt đẫm
lệ?Kiều đã khổ lắm rồi, cớ sao thiên nhiên còn để cho sóng biển gầm gào như đe dọa? Mở đầu là biển,
khép lại cũng là biển, trước mặt là mịt mù vô vọng, sau lung là bế tắc không lối thoát. Chẳng phải cảnh
thiên nhiên không đẹp, ngược lại còn có phần diễm lệ hữu tình, nhưng trái ngang thay đó là cái diễm lệ
vừa buồn thảm vừa ghê sợ. Nguyễn Du với ngọn bút hết mực tài hoa đã vẽ nên một bức tranh phong
phú sinh động cả ngoại cảnh và tâm cảnh, bằng việc sử dụng các bút pháp độc thoại nội tâm, những từ
láy giàu sức gợi tả, những hình ảnh ám ảnh số phận, vẽ nên một không gian cô liêu, tịch mịch để những
nỗi chua xót, đau buồn, những dự cảm không may về tương lai càng chân thực, gây nhiều rung cảm
hơn bao giờ hết.


Đã có thời người ta tưởng muốn làm thơ hay phải là người hay khóc và thi nhân cầm bút là một lần
phải nâng khắn lau mắt lệ( Hoài Thanh). Chẳng hay Nguyễn Du có hay không đã từng nghe tiếng tì bà
đêm trăng khuya mà áo xanh dầm dề giọt lệ, hát khúc ngọc thụ bên sông mà mái tóc thêm hoa? Chỉ biết
Nguyễn Du đã từng khóc cho một Tiểu Thanh tài hoa mà bạc mệnh, chiêu hồn cho thập loại chúng
sinh. Nắm rõ được những quy luật tâm lí của con người, rồi diễn tả cái tình ấy càng đau càng thắm
trong những trang Kiều, “Trao duyên” là một ví dụ điển hình, được cho là một trong những đoạn bi
thiết nhất trong Truyện Kiều
“Trao duyên”, - không chỉ đơn thuần là một đoạn trích những lời Kiều đề nghị Vân chắp mối tơ duyên
đầy lí lẽ và giàu sức thuyết phục, mà còn là đoạn độc thoại nội tâm của một thiếu nữ đang đối mặt với
những chấn động khủng khiếp dữ dội về mặt tâm lý. Bằng ngọn bút tài hoa bậc thầy của mình, Nguyễn

Du đã miêu tả chân thực trong biến đổi nội tâm Thúy Kiều đến từng chi tiết nhỏ nhất. Chúng ta nhận
ra, sau “Trao duyên”, điều đọng lại cuối cùng không phải một câu chuyện, một sự việc, mà là tấm bi
kịch, nỗi đoạn trường, tiếng nấc nghẹn ngào, những giọt nước mắt chưa khô của một tâm hồn quá nhạy
cảm và đầy ý thức: “ lúc ấy đã hay mình bạc mệnh- Đương thời chỉ biết khóc chia ly”
Nếu những đoạn đầu đưa ra lí lẽ, lời nhờ cậy một cách trật tự và rành rọt, tình cảm bị lí trí chi phối, thì
đến lúc trao đi kỉ vật, tình cảm dường như đã dần mất kiểm soát, lời nói của Kiều có đôi chỗ không
được tường minh, trở nên khó hiểu:
“Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ, vật này của chung
Dù em nên vợ nên chồng
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên”
“Duyên này thì giữ, vật này của chung”. “ Của chung”? – Của mối tình Kim Kiều đã dứt nhưng vẫn
còn ám ảnh nguyên sơ những ấn tượng buổi đầu hạnh ngộ? Của Kim Trọng- Thúy Vân với mối duyên
được chắp liền? Có lẽ, của chung chính là của cả ba người : Kim Vân Kiều. Dù đã không còn hiện diện
trong mối tơ duyên này nhưng Kiều vẫn mong hai người sẽ không quên đi sự từng-tồn-tại của mình
trong mối tình bị tan vỡ.Có lẽ Kiều đã hơi ích kỉ khi đòi hỏi được khắc ghi mãi mãi trong mối tình của
Vân và Kim Trọng, nhưng cũng có lẽ nàng chỉ muốn níu kéo một cái gì, một cái gì đáng lẽ phải thuộc
về mình nhưng lại mất đi mãi mãi, chỉ mong sao những kỉ vật vô giá đó sẽ làm chiếc cầu bắc giữa âm
dương để hồn mình còn cơ hội trở về dương thế, dẫu chỉ là một cuộc trở về mà không có gặp gỡ.
Cầu xin một người chia sẻ tình yêu với mình dù đã không còn tồn tại, xin một người để cho mình vĩnh
viễn làm người thứ ba trong mối nhân duyên, đó là điều khó nói nhất, khó hơn cả trao duyên. Tài tình
thay Nguyễn Du đã để cho Kiều đưa ra những yêu cầu tưởng chừng rất vô lý đó một cách khiến người
nghe chỉ có thể im lặng không thể chối từ . “Ắt lòng em chẳng quên”vì đã “xót người mệnh bạc”! Niềm
luyến tiếc, nỗi đau đớn và sự tan vỡ của mối tình đầu được lồng vào một cách khéo léo và tế nhị, khiến
cho chúng ta không thể trách Kiều sao quá ích kỉ, một sự ích kỉ đến tội nghiệp, nhất là sau khi nàng đã
hi sinh nhiều đến như thế.
Điều khó nói nhất đã nói xong, lí trí không còn khả năng điều khiển tình cảm, lí trí buông xuôi để cho
tình cảm mãnh liệt tự do tung vỡ, Kiều không kiểm soát nỗi lời nói, những lời nói gở liện tục được thốt
ra.



Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu, đền nghì trúc mai
Dạ đài cách mặt khuất lời
Rưới xin giọt nước cho người thác oan
Kiều còn sống mà sao đã có “nát thân”,“ người thác oan”, “hồn”,” cách mặt khuât lời”? Phải chăng
chính Kiều cũng đã có những dự cảm không may về kết cục của mình phía trước. Ly biệt không hẹn
ngày hội ngộ, có chăng ngày trùng phùng, đôi uyên ương cũng chỉ gặp nhau dưới chốn cửu tuyền? Liệu
ai có thể nói được rằng giữa sinh ly và tử biệt, cái nào tàn bạo hơn? Hay tàn bạo hơn cả chính là chia ly
mà không biết được sinh tử? Kiều có linh cảm mình sẽ trở thành một oan hồn cô đơn không nơi nương
tựa, muốn trở về mà đường về đã tuyệt! Cho dù chàng Kim có tuôn châu xuống trái tim uất kết thì đã
sao, cho dù tất cả đều không quên đi sự tồn tại của Kiều thì đã sao, đó cũng chỉ là chuyện âm thầm tịch
mịch sau cái chết. Tội nghiệp thay cho nàng vì chính nàng cũng biết mình tội nghiệp. Muốn trở về mà
âm dương cách trở, mọi tiếng kêu đều bị nuốt vào hư không , hóa thành sự câm lặng tàn khốc. Nỗi đau
đến đấy tưởng như không thể đau thêm được nữa, nhưng đó là cái đau của mai sau, cái đau của tưởng
tượng, khi quay về thực tế đổ vỡ ngổn ngang, đau đớn quá thống thiết đến không thể diễn tả mà Kiều
đã phải òa lên khóc! Càng nói càng bi thiết, càng nghĩ càng thống khổ, từng đợt sóng cảm xúc dồn dập
đẩy Kiều đến giới hạn chịu dựng cuối cùng, chúng ta có thể tưởng như nàng đang thét lên được :
Bây giờ trâm gãy gương tan
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân
Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có chừng ấy thôi
Phận đâu phận bạc như vôi
đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng
Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”
Không còn gì có thể vớt vát lại được nữa! Trâm đã gaỹ, gương đã tan, tơ duyên thì ngắn ngủi và tất cả
đã là “nước chảy hoa trôi lỡ làng”. Rôt cuộc thì tình yêu sâu đậm nhất trên đời, rồi cũng không chống
chọi nổi với thời gian. Thì ra trong đời người, vốn mỗi một thứ đều là một thứ ảo diệt, duy độc chỉ có li
biệt mới là vĩnh viễn. Sống trên đời đã là một chuyện điên rồ, sao còn muốn níu kéo, luyến tiếc? Chi

bằng đừng hận hương tiêu ngọc giảm, nên nhớ kĩ vết hết tình lưu. Duyên trăm năm đứt đoạn, tình một
thuở còn vương, chính chút tình còn lưu lại ấy làm cho người ta còn phải đau khi còn sống, cảm thấy
đau đến tê liệt trong từng cái hít thở. Những động từ mạnh “gãy”, “tan”, thành ngữ chỉ sự tan vỡ của
tình yêu được vận dụng vô cùng thích hợp xoáy sâu vào nỗi đau của Kiều, nỗi đau tê dại chất chứa mọi
đau thương đã từng có trong đời. Thán từ ‘ôi’, ‘hỡi’, ‘thôi thôi’ không ngừng tuôn ra cho thấy tâm
trạng của Kiều dường như đã trở nên hoảng loạn vì đau khổ. Đến đây, dường như tất cả những gì thiên
tính nhất trong Kiều đã được thức tỉnh, Kiều là một con người đã được thức tỉnh, Được thức tỉnh cho
dù chỉ để khổ đau. Dù cho không có một dòng nào miêu tả cử chỉ nhưng chúng ta tưởng như có thể
thấy được nàng Kiều đang lạy không ngừng người vắng mặt (Trăm nghìn gửi lạy tình quân), đang lắc
đầu quầy quậy (Tơ duyên ngắn ngủi có chừng ấy thôi), bàn tay đập xuống sàn theo nhịp điệu đuối


dần(Phận đâu phận bạc như vôi) và sự đổ sụp hoàn toàn của tinh thần và thể chất(Kim lang! Ôi hỡi
Kim lang -Thôi thôi thiếp đã phụ chang từ đây”) Bao nhiêu xúc cảm dồn lại trong những lời cuối, Kiều
nhắn gửi với kim Trọng, cũng giống như lời vĩnh biệt cuối cùng, trong lời nói của Kiều dường như
thấm đẫm huyết lệ, huyết lệ của một ái tình chớm nở đã chết. Tản Đà khi bình Kiều có nói qua : “
trong cả quyển Kiều, văn tả tình không mấy đoạn dài hơn như đây. Đoạn này thật lâm li, mà như thế
mới hết tình sự”. Nguyễn Du không chỉ nắm bắt được những quy luật tâm lý của con người mà còn bộc
lộ một cách hết sức tinh tế, uyển chuyển, tái hiện được những biến động vô hình của nội tâm, mức dộ
sâu sắc mãnh liệt của tình yêu và nỗi đau. Từng nếm trải cảm nhận về số phận luân lạc của bao kẻ tài
hoa bạc mệnh, trâm gãy bình tan, hoa trôi hoa rụng. Thiếu cảm giác ấy, thế giới tâm hồn, không gian
nhân vật không thể gây được đồng cảm sâu sắc trong lòng người đọc đến như vậy. Xin kết lại bằng một
câu bình của Hoài Thanh : “Ai đã so sánh Las Mpcedades del Cid của Guithem da Castro với le Cid
của Corneile hay Kim vân Kiều truyện của Thanh tâm Tài Nhân với Đoạn trường tân thanh của
Nguyễn Du đều nhận thấy rằng trong le Cid và trong Đoạn trường tân thanh nhiều tình mà ít chuyện”.
Giá trị của “ Đoạn trường tân thanh” đã được thời gian khẳng định. Nguyễn Du, bằng nghệ thuật tả
cảnh và miêu tả tâm lí nói riêng và nghệ thuật tự sự, nghệ thuật cổ điển trong thi ca nói chung đã đưa
Tiếng Việt lên một tầm cao chưa từng có, trở thành một chuẩn mực kinh điển, tạo thành đời sống lịch
sử kéo dài 200 năm và chắc chắn còn dài lâu hơn nữa, đã chứng tỏ tầm vóc vĩ đại của nó có thể sánh
ngang bất kì tác phẩm vĩ đại nào của tri thức nhân loại.

Đời người xưa nay không cùng, nhân tình bạc bẽo nối tiếp nhau, kim cổ trôi nhanh nthư bụi theo gió
bay đi, chớp mắt là ngàn năm đã trôi qua, ngàn năm vạn năm không giữ được biến cố trong một cái
chớp mắt, ngàn năm chỉ còn là tro tàn, là ký ức, là xương trắng lẫn lộn trong cỏ dại. Tuy nhiên, trong
đống tro tàn mà đám lửa điên cuồng của thời gian đã bỏ lại, “có những điều đốt mãi chẳng thành tro”. –
Đó chính là huyết lệ.” Văn chương bất hủ cổ kim đều viết bằng huyết lệ”(Trương Trào) Tiếc thay bao
huyết lệ mà Nguyễn Du đã mất đi trong thời đại của ông chỉ là lãng phí,tiếc thay Nguyễn Du không
phải cúc để gặp Đào Tiềm, không phải cỏ thơm để gặp Linh Quân, bao nghệ thuật tài năng tâm huyết
của một con người đã bị hầu hết một thời đại coi khinh ruồng bỏ. Trong một xã hội bất công đen tối
không lối thoát đó, tài hoa chỉ là một mối hận hết sức thê thảm. Nhưng cái đẹp bao giờ cũng đẹp, dù
trong thời khác yếu đuối nhất, cái đẹp cũng chỉ có thể đẹp hơn mà thôi, không ai có thể phủ nhận tài
năng nghệ thuật phi phàm của Nguyễn Du, chỉ một giọt mực thôi cũng có thể vẽ nên một bức tranh bất
hủ, một nỗi hờn kim cổ, một nỗi đoạn trường còn mãi đến muôn đời. Chỉ hận đã sinh không gặp thời,
thiên hạ ai thương người bạc mệnh, chỉ có thể dưới mồ tự hối kiếp phù sinh!
“ Đã không biết sống là vui thế
Yên ổn làm sao lúc dưới mồ
Bất tri tam bách thôi đừng nhắc
Đau lòng trang giấy trắng khăn xô”
( Đọc thơ chữ Hán Nguyễn Du – Vũ Quần Phương)
PHAN KIỀU CÁT NHƯ




Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×