Tải bản đầy đủ (.docx) (36 trang)

Tóm tắt và phân tích bàn về tự do

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (282.42 KB, 36 trang )

TÓM TẮT & PHÂN TÍCH

BÀN VỀ TỰ DO
John Stuart Mill

KHAI MINH
Hiện đại hóa nền văn hóa Việt

1


MỤC LỤC

LỜI NÓI ĐẦU
BỐI CẢNH
TỔNG QUAN
CÁC CHỦ ĐỀ CHÍNH
Chương 1 Giới thiệu
Chương 2 Về tự do tư tưởng và thảo luận (phần 1)
Chương 2 Bàn về tự do tư tưởng và thảo luận (phần 2)
Chương 3 Con người cá nhân như một thành tố của an sinh
Chương 4 Giới hạn của quyền uy xã hội đối với cá nhân
Chương 5 Các ứng dụng

2


LỜI NÓI ĐẦU

Thưa các bạn,
Hiện nay, sách kinh điển đang được dịch ra tiếng việt, mang lại cơ hội cho


mọi người tiếp cận với các giá trị tri thức tinh hoa của nhân loại. Tuy nhiên, xuất
phát từ kinh nghiệm học tập cũng như tổ chức các buổi thảo luận, chúng tôi thấy
rằng để hiểu được các tác phẩm kinh điển là một điều rất khó khăn. Do đó, bên cạnh
những tác phẩm kinh điển thì những tài liệu tóm tắt, hướng dẫn đọc cũng rất cần
thiết giúp cho độc giả có thể hiểu tốt hơn các tác phẩm này. Từ nhận thức trên chúng
tôi, nhóm KHAI MINH, tiến hành phát triển những tài liệu hướng dẫn này, hi vọng
những tài liệu do chúng tôi phát triển sẽ có ích cho mọi người, nhất là các bạn độc
giả trẻ.
Do trình độ có hạn nên chất lượng sản phẩm chưa thực sự tốt, song chúng tôi
rất mong nhận được sự ủng hộ của các bạn. Mọi thắc mắc, hoặc góp ý xin liên hệ
theo địa chỉ sau: Các bạn cũng có thể đọc thêm các
tài

liệu

của

nhóm

theo

địa

chỉ

sau:

khaiminhvn.org,

/>

Trân trọng,
KHAI MINH

3




BỐI CẢNH

John Stuart Mill (1806-1873) là nhà triết học, nhà kinh tế học người Anh. Ông
viết một trong những bài tiểu luận nổi tiếng nhất của mình, tác phẩm Bàn về tự do,
vào năm 1859. Mill được giáo dục bởi cha mình, James Mill, vốn là một người theo
trường phái Công lợi. Tuổi thơ của ông khá khắc nghiệt, và ông bị suy nhược thần
kinh lúc hai mươi tuổi khi ông bắt đầu đặt nghi vấn đối với một số niềm tin của
mình. Sau đó Mill đã đấu tranh với ý thức của mình bằng việc cho rằng Thuyết công
lợi quá vô cảm và nó không thể hiểu được những sự hài lòng "cao hơn". Bàn về tự
do có thể được coi như là một nỗ lực để mở rộng ý nghĩa của nguyên tắc công lợi và
cho thấy rằng Thuyết công lợi có thể cung cấp một sự bảo vệ mạnh mẽ đối với các
quyền. Bài tiểu luận cũng phản ánh niềm tin nồng nhiệt của Mill vào cá tính, rằng cá
tính là một thứ cần được bảo vệ và nuôi dưỡng. Vì vậy, tiểu luận thể hiện sự ghê
tởm của ông đối với việc xã hội làm im lặng những người không tuân phục. Bàn về
tự do chỉ là một trong số các tác phẩm xã hội và chính trị của Mill, các tác phẩm
khác của ông bao gồm Chính thể đại diện, Về sự lệ thuộc của phụ nữ, và Các
nguyên tắc của kinh tế chính trị học.
Bàn về tự do nên được hiểu như là một sản phẩm và một phản ứng đối với thời
kỳ Victoria của nước Anh. Giai đoạn này được đặc trưng bởi một tập hợp các giá trị
xã hội (thường được gọi là các giá trị Victoria) vốn nhấn mạnh vào sự chăm chỉ, tiết
kiệm và "sự tôn trọng".


4


TỔNG QUAN

Nhiệm vụ của Mill khi viết Bàn về tự do có lẽ được hiểu tốt hơn bằng cách nhìn
vào cách ông kể về tác phẩm này trong tự truyện. Mill viết rằng trong Bàn về tự do
ông tin vào "tầm quan trọng của sự đa dạng cá tính đối với con người và xã hội,
cũng như sự cần thiết phải trao cho cá tính một sự tự do tuyệt đối để nó có thể mở
rộng chính nó theo vô số cách, gồm cả cả những cách gây ra sự xung đột". Sự ca
tụng cá tính và xem thường sự tuân phục có mặt trong khắp tác phẩm. Mill bác bỏ
nỗ lực, hoặc thông qua ép buộc pháp lý hoặc áp lực xã hội, để ép buộc các quan
điểm và hành vi của con người. Ông cho rằng sự ép buộc duy nhất được chấp nhận
là khi hành vi của một người làm hại đến người khác; ngoài ra, xã hội cần dành sự
tôn trọng cho sự đa dạng.
Mill biện minh cho giá trị của tự do thông qua cách tiếp cận Công lợi. Tiểu luận
của ông cố gắng cho thấy các ảnh hưởng tích cực của tự do đối với con người và xã
hội. Đặc biệt, Mill gắn liền tự do với sự tiến bộ, cũng như giúp cho xã hội tránh khỏi
tình trạng trì trệ. Tự do ngôn luận có giá trị quan trọng vì hai lý do chính. Đầu tiên,
các quan điểm không phổ biến có thể đúng. Thứ hai, nếu quan điểm này sai, thì việc
bác bỏ chúng sẽ cho phép mọi người hiểu rõ hơn về quan điểm riêng của mình. Tự
do hành động cũng đáng mong muốn với các lý do tương tự. Những người không
tuân phục có thể đúng, hoặc có thể có cách sống phù hợp nhất với các nhu cầu của
mình. Ngoài ra, những người không tuân phục thách thức tính tự mãn của xã hội, và
giữ cho xã hội thoát khỏi tình trạng trì trệ.
Lập luận của Mill bao gồm trong 5 chương. Trong chương đầu tiên, Mill cung
cấp một cái nhìn tổng quan về ý nghĩa của tự do. Ông cũng giới thiệu các luận điểm
cơ bản của mình nhằm ủng hộ cho sự tự do, trong phạm vi mà nó không làm hại bất
cứ ai khác. Hai chương tiếp theo giải thích tại sao tự do tư tưởng và tự do hành động
lại quá quan trọng. Chương thứ tư thảo luận về mức độ thích hợp của quyền uy mà


5


xã hội có đối với cá nhân. Chương thứ năm tìm hiểu các ví dụ cụ thể và các ứng
dụng của lý thuyết này để làm rõ ý nghĩa của các yêu sách của ông.
Tiểu luận của Mill bị chỉ trích vì quá mơ hồ về các giới hạn của tự do, vì đặt quá
nhiều sự nhấn mạnh vào cá nhân, mà không đưa ra một sự phân biệt hữu ích giữa
các hành động gây tổn hại cho chính mình, và các hành động gây tổn hại cho người
khác. Tiểu luận cung cấp một sự bảo vệ say sưa cho sự không tuân phục như là một
điều tích cực đối với xã hội, và một lời nhắc nhở liên tục rằng không ai có thể hoàn
toàn chắc chắn rằng lối sống của mình là tốt nhất hoặc là lối sống duy nhất.

6


CÁC CHỦ ĐỀ CHÍNH

Cuộc đấu tranh giữa Tự do và Quyền uy
Cá nhân thường cảm thấy các quyền của họ bị xâm phạm bởi chính quyền và họ
đã đấu tranh cho một chính quyền của riêng họ, chính quyền sẽ hành động như họ
muốn. Sự tự do cá nhân cũng bị chà đạp bởi chính quyền và nỗi sợ hãi này đối với
quyền uy đã dẫn đến sự ra đời của các chính quyền dân chủ, nơi đa số người dân
quyết định những hành động nào là tốt nhất cho quốc gia.
Chuyên chế của đa số
Trong các nền dân chủ, người ta cho rằng ý chí của nhân dân là động lực thúc
đẩy các hành động của chính quyền và người dân đang trực tiếp tham gia vào một
kiểu tự cai trị. Tuy nhiên, Mill nói điều này không đúng, các nền dân chủ cho phép
một sự chuyên chế của đa số khi mà công luận đàn áp tiếng nói của các nhóm thiểu
số, cũng như không quan tâm đến nhu cầu và quan điểm của họ. Mill cho rằng sự

chuyên chế này là dạng nguy hại nhất, và ông cố gằng tìm ra mức độ tối đa mà xã
hội có thể áp đặt chính nó nên cá nhân trong khi vẫn duy trì sự tự do cá nhân.
Các hành động tự liên quan và sự tự trị
Một người mà các hành động của anh ta chỉ ảnh hưởng đến bản thân anh ta thì
anh ta không thể bị ép buộc hay bị trừng phạt vì các hành động này của mình. Theo
Mill, xã hội không có quyền, và đó cũng không phải là bổn phận của xã hội để bảo
vệ anh ta khỏi chính mình. Hình phạt duy nhất có thể áp dụng đối với một hành
động tự liên quan là áp lực từ công luận và hậu quả của chính hành động đó trong
thực tế.
Tính chân lý của công luận
Không có sự đảm bảo, và thậm chí một khả năng rõ ràng rằng điều gì mà đa số
cho là tốt nhất thực sự là tốt nhất. Ý kiến của đa số bị làm cho đồi bại bởi những

7


động cơ và những thành kiến vốn không nên có một vai trò gì khi quyết định điều gì
là tốt nhất cho toàn bộ xã hội. Một phân tích về các sự kiện, các cuộc chiến, và
những sự phân biệt đối xử trong quá khứ có thể cho chúng ta thấy rằng đôi khi ý
kiến của đa số không bắt nguồn từ những niềm tin đúng đắn. Cho phép cho ý kiến
của thiểu số tham gia vào các cuộc tranh luận và các quyết định chỉ có thể là một
điều có lợi, bất kể ý kiến như thế nào.
Tôn giáo và tự do
Những người ủng hộ tôn giáo có xu hướng xem những ý tưởng đối với xã hội
của những người ít có tình cảm tôn giáo không tin cậy. Mill bác bỏ lý thuyết này và
nói rằng sự thiếu tư cách tôn giáo không liên quan đến khả năng của một người để
đưa ra một ý kiến khôn ngoan về điều gì là tốt nhất cho xã hội . Mill chỉ ra những
người không tôn giáo với đạo đức hoàn hảo như là bằng chứng cho thấy rằng tư
cách tôn giáo đảm bảo sự tin cậy.
Sự ép buộc

Mill chống lại sự ép buộc của xã hội, hay của cá nhân trong tất cả các trường
hợp, trừ khi các hành động của ai đó làm tổn hại đến người khác. Ông nghĩ đó là
một sự vi phạm rõ ràng đối với tự do khi sự ép buộc được sử dụng để ngăn chặn một
hành động mà chỉ ảnh hưởng đến bản thân người hành động. Tuy nhiên, khi một
người làm tổn thương các thành viên khác trong xã hội, Mill nghĩ rằng hoàn toàn
hợp lý khi anh ta bị ép buộc để dừng các hành động và bị trừng phạt ở tòa án nếu
thích hợp. Mill cũng tin rằng công chúng có nhiệm vụ cảnh báo người khác về
những người nguy hiểm và ép buộc nhau để tránh anh ta.
Nghĩa vụ của xã hội
Xã hội có nghĩa vụ đưa có nghĩ vụ tác động tới những người không có khả năng
xử lý thông tin, và thực hành sự tự do của mình theo cách duy lý. Ví dụ về trẻ em và
những người có đầu óc kém phát triển. Xã hội có nghĩa vụ làm những gì tốt nhất cho
trẻ em khiến chúng trở thành những người trưởng thành có tình có lý, những người

8


muốn đi theo niềm đam mê của mình và trở thành những tính cách năng động. Một
phần của nghĩa vụ này, được chia sẻ bởi cha mẹ, nhằm cung cấp một nền giáo dục
tốt đẹp. Mill cho rằng phải có các tiêu chuẩn giáo dục phổ quát cho tất cả các trẻ em
để không ai bị tụt hậu.
Mối đe dọa từ Chính quyền
Mill rất sợ sức mạnh của chính quyền và tất cả các lý thuyết của ông được khuân
đúc để không trao cho chính phủ bất kỳ quyền lực nào ngoài quyền thuyết phục hoặc
quyền thi hành theo thủ tục.

9


CHƯƠNG 1, GIỚI THIỆU

Tóm tắt
Mill bắt đầu bằng việc giới hạn phạm vi của tiểu luận đến sự tự do dân sự hay tự
do xã hội. Ông viết rằng, tiểu luận này sẽ tìm hiểu xem dạng quyền lực nào của xã
hội có thể thực thi hợp pháp lên cá nhân. Mill dự đoán câu hỏi này sẽ trở nên ngày
càng quan trọng, vì một số dân tộc đã bước vào một giai đoạn phát triển văn minh
hơn, với các "hoàn cảnh mới" từ đó bắt buộc phải đối mặt với vấn đề tự do cá nhân.
Tiếp theo, Mill trình bày tổng quan về sự phát triển của khái niệm tự do. Ở Hy
Lạp, Rome, và Anh thời cổ đại, tự do có nghĩa là "sự bảo vệ chống lại sự chuyên chế
của tầng lớp cai trị". Ngoài ra, mối quan hệ giữa tầng lớp cai trị và nhân dân thường
được cho là tất yếu đối kháng, những người cai trị không cai trị theo ý chí của nhân
dân, và trong khi quyền lực của họ được coi là cần thiết, thì nó cũng rất nguy hiểm.
Các nhà ái quốc đã cố gắng để hạn chế quyền lực của những người cai trị theo hai
cách: 1) Họ giành được những sự miễn trừ được gọi là “các quyền tự do hay các
quyền chính trị”. Người cai trị có nghĩa vụ tôn trọng những sự miễn trừ này, và
người dân có quyền nổi loạn nếu các quyền chính trị và các quyền tự do này bị vi
phạm. 2)Sự giám sát về mặt hiến pháp được phát triển, theo đó cộng đồng hay đại
diện của họ giành quyền quyết định đối với các hành động cai trị quan trọng [như
làm luật, chiến tranh…].
Mill viết là, cuối cùng thì con người cũng tiến bộ đến điểm mà họ muốn những
người cai trị của họ phải là tôi tớ của họ, phản ánh ý chí và lợi ích của họ. Và người
ta cho rằng sự giới hạn quyền lực đối với những người cai trị mới này là không cần
thiết, bởi vì họ chịu trách nhiệm với nhân dân, và không nguy cơ về việc nhân dân
chuyến chế lên chính mình. Tuy nhiên, khi một nước cộng hòa dân chủ thực tế ra
đời (Mỹ), thì người ta nhận ra rằng nhân dân không thực sự cai trị chính họ. Thay
vào đó, nhân dân với quyền lực, thực thi quyền lực đó lên những người không có
quyền lực. Đặc biệt, đa số có thể đàn áp một cách cố ý đối với thiểu số. Mill nói khái
niệm chuyên chế này của đa số đã được một số nhà tư tưởng lớn nhận ra

10



(Tocqueville). Ngoài ra, Mill cho rằng xã hội cũng có thể chuyên chế mà không sử
dụng các phương tiện chính trị. Đó là sức mạnh của công luận có thể bóp nghẹt cá
tính và sự bất đồng hơn bất cứ luật pháp nào có thể. Vì vậy, ông cho rằng cần phải
có sự bảo vệ người dân chống lại các quan điểm đang thịnh hành, cũng như xu
hướng xã hội áp đặt các giá trị lên cá nhân.
Do đó, câu hỏi mà Mill đặt ra là làm thế nào để giới hạn sự thống trị của công
luận đối với cá nhân. Hiện có rất ít sự đồng thuận giữa các dân tộc về câu trả lời cho
câu hỏi này, và mọi người có xu hướng tự mãn về các phong tục riêng của họ trong
việc đối xử với những người bất đồng. Mọi người có xu hướng tin rằng, việc có tình
cảm mạnh mẽ đối với một vấn đề khiến cho việc đưa ra lý do để biện minh cho niềm
tin đối với vấn đề là không cần thiết, và vì vậy họ đã không nhận ra rằng nếu không
có lý do thì niềm tin của họ đơn thuần chỉ là sở thích, và thường chỉ phản ánh sự tự
lợi cá nhân. Hơn nữa, trong những trường hợp khi cá nhân tra vấn sự áp đặt của
công luận lên các tiêu chuẩn xã hội, thì họ thường tra vấn về những gì xã hội nên
thích hay không nên thích, mà không phải là một sự tra vấn tổng quát hơn, đó là xã
hội có nên áp đặt sở thích của mình lên người khác hay không. Mill cũng lưu ý là ở
Anh chưa có một nguyên tắc được công nhận dùng để phán xét những can thiệp
pháp lý vào trong hành vi cá nhân.
Sau khi trình bày các vấn đề lớn, Mill trở về với điều mà ông gọi là "chủ đề của
tiểu luận". Ông viết rằng, ông sẽ khẳng định rằng lý do duy nhất mà cá nhân hay xã
hội có thể can thiệp vào sự tự do của cá nhân là sự tự bảo vệ. Mill cho rằng, sự tốt
lành hay thịnh vượng của cá nhân không đủ để biện minh cho sự cưỡng ép của luật
pháp hay công luận; sự cưỡng ép bởi nhiều người đối với cá nhân chỉ được chấp
nhận khi cá nhân đó đề ra một mối đe dọa cho người khác. Tranh luận với một
người về hành động của anh ta, mà không ép buộc anh ta mới là điều tốt đẹp. Mill
viết, "đối với chính anh ta, với chính cơ thể và tâm trí của anh ta, thì anh ta có toàn
quyền".

11



Mill lưu ý rằng quyền tự do không áp dụng cho trẻ em, hoặc cho các xã hội "lạc
hậu". Chỉ khi mọi người có khả năng học hỏi từ sự thảo luận thì mới có quyền tự do;
còn không thì những người đó phải nhận được sự bảo vệ. Mill cũng lưu ý rằng ông
không đang biện minh cho yêu sách về tự do như một quyền trừu tượng. Thay vào
đó, ông đặt nó trên nguyên tắc công lợi, trên lợi ích lâu dài của nhân loại.
Mill viết rằng nếu một người gây hại cho người khác một cách chủ động hoặc
bằng cách bàng quan không làm gì, thì việc xã hội lên án anh ta về mặt pháp lý hay
thông qua sự phản đối nói chung là cần thiết. Cá nhân thậm chí có thể bị buộc phải
làm điều tốt cho người khác, chẳng hạn như bảo vệ mạng sống của một ai đó, bởi vì
nếu làm khác hơn sẽ gây ra điều xấu xa cho người đó. Ngược lại, xã hội chỉ có sự
can dự gián tiếp đối với những gì mà một người làm cho chính mình hoặc với người
khác dựa trên sự đồng thuận tự do.
Mill chia sự tự do của con người thành ba lĩnh vực, và tuyên bố rằng bất kỳ xã
hội tự do cũng phải tôn trọng cả ba lĩnh vực trên. Đầu tiên, đó là lĩnh vực của ý thức,
và sự tự do tư tưởng và tự do thảo luận. Thứ hai, đó là lĩnh vực lên kế hoạch cho
cuộc sống của chính mình, và sự tự do của sở thích và theo đuổi sở thích. Thứ ba, sự
tự do để liên kết với các cá nhân khác vì bất cứ mục đích nào mà không gây tổn hại
cho người khác. Những quyền tự do này phản ánh ý tưởng cho rằng tự do đích thực
có nghĩa là theo đuổi sự tốt lành của chính mình theo cách riêng của mình, miễn là
nó không ngăn chặn người khác cũng làm tương tự như vậy. Ý tưởng này mâu thuẫn
trực tiếp với xu hướng đòi hỏi sự tuân phục của xã hội, và nếu không có một sự
thuyết phục về mặt đạo đức hóa chống lại xu hướng này, còn không thì đòi hỏi cho
sự tuân phục này sẽ ngày một gia tăng.

Bình luận
Lời giới thiệu của Mill là một trong những phần quan trọng nhất của tiểu luận, vì
nó chứa đựng cấu trúc cơ bản của các lập luận cũng như một số nhận định chính của
ông. Mill mô tả tiến trình văn minh là một cuộc đấu tranh giữa xã hội và cá nhân về

12


phạm vi kiểm soát đối với các hành động của cá nhân. Mill thấy thế giới đang hướng
đến tình trạng trong đó xã hội thông qua pháp luật và công luận, có quá nhiều quyền
lực đối với các hành động và suy nghĩ của cá nhân so với cá nhân có đối với chính
anh ta. Mill bác bỏ tình trạng này, và cho rằng xã hội chỉ nên kiểm soát những hành
động ảnh hưởng trực tiếp đến nó, tức những hành động gây tổn hại cho các thành
viên của nó. Mill cho rằng việc cá nhân làm tổn hại đến bản thân anh ta, hay hành
động chống lại lợi ích của bản thân anh ta không phải là lý do đầy đủ cho người
khác can thiệp vào các hành động của anh ta. Và tiểu luận của ông sẽ giải thích tại
sao lại như vậy.
Điều quan trọng cần lưu ý là khi bác bỏ sự can thiệp của xã hội đối với tư tưởng
và hành động của cá nhân, Mill đang không chỉ nói đến sự can thiệp về mặt luật
pháp, mà còn là "sự ngăn cấm về mặt đạo đức". Một cá nhân hay một nhóm nào đó
không thể trừng phạt một cách hợp pháp hành vi của một ai đó bằng cách, ví dụ như
coi anh ta là một kẻ thù, nếu hành động của anh ta chỉ ảnh hưởng đến bản thân anh
ta. Khi bác bỏ tính hợp pháp của sự áp đặt của công luận, Mill đang mở rộng phạm
vi các yêu sách của mình. Một điều đáng lưu ý ở các chương sau là tại sao Mill lại
chỉ trích dữ đội sự không chấp thuận của công chúng đối với các hành vi, cũng như
những cách mà ông để mở cho mọi người bày tỏ sự không tán thành đối với hành vi
mà họ không thích.
Ý tưởng về sự tiến bộ không thể tách rời khỏi tiểu luận của Mill, và chương này
phản ánh một vài quan niệm của ông của ông về chủ đề này. Mill cho rằng cá nhân
và xã hội có thể tự mở mang chính họ. Phù hợp với ý tưởng này, ông xem các xã hội
khác nhau tồn tại trên một hệ thống cấp bậc các giá trị rõ ràng, trong đó các xã hội
dã man giống như trẻ con, và không có những công cụ cần thiết của sự tự trị. Họ
phải được cai trị như trẻ con, để cuối cùng họ trở nên có khả năng thực hiện quyền
tự do của họ. Tuy nhiên, trong khi Mill xem sự tiến bộ và văn minh là những sự tốt
lành rõ ràng, thì ông cũng bày tỏ sự quan ngại rằng tiến độ có thể đi cùng với sự


13


tuân phục. Trong các chương sau ông cố gắng để cho thấy sự tuân phục như vậy có
thể làm suy yếu sự tiến bộ của cá nhân và xã hội.
Trong phần giới thiệu này, Mill nói một cách rõ ràng rằng sự biện minh của ông
đối với tự do dựa trên nguyên tắc công lợi. Khi làm như vậy, ông muốn nói là sự bảo
vệ của ông đối với tự do sẽ không dựa trên các quyền tự nhiên, chẳng hạn như các
quyền được đề nghị bởi Locke, hay trên các yêu sách siêu hình học, chẳng hạn như
những yêu sách được đề nghị bởi Kant. Thay vào đó, Mill đặt lập luận của mình trên
điều gì tốt nhất cho nhân loại, và khi làm như vậy ông gợi ý rằng, các lập luận của
ông sẽ cho thấy những lợi ích cá nhân và xã hội của sự tự do. Trong các chương sau,
rất đáng giá để tìm hiểu xem khi nào và làm thế nào Mill mở rộng các luận điểm
công lợi ủng hộ cho sự tự do, và tìm kiếm các trường hợp mà Mill phải viện đến các
luận điểm phi công lợi.

14


CHƯƠNG 2, VỀ TỰ DO TƯ TƯỞNG VÀ THẢO LUẬN (PHẦN 1)

Tóm tắt
Trong Chương 2, Mill tìm hiểu vấn đề liệu người dân, hoặc thông qua chính phủ
của họ hoặc thông qua chính bản thân họ, có được phép ép buộc hay giới hạn sự bày
tỏ quan các điểm của người khác hay không. Mill nói một cách dứt khoát rằng các
hành động như vậy là bất hợp pháp. Ngay cả khi chỉ có một người có quan điểm
khác, thì nhân loại cũng không thể bảo chữa cho việc bắt anh ta phải im miệng.
Mill nói việc làm câm lặng các quan điểm này là sai trái bởi vì đó là sự ăn cướp đối
với "loài người, gồm thế hệ mai sau cũng như thế hệ hiện tại." Đặc biệt, đó là sự ăn

cướp đối với những ai bất đồng với các quan điểm bị làm im lặng này.
Sau đó Mill trình bày lý do tại sao loài người bị tổn hại khi đàn áp các quan
điểm. Luận điểm đầu tiên của ông là, những ý kiến bị đàn áp có thể đúng. Ông
viết rằng vì con người không thể không sai lầm, nên họ không có thẩm quyền quyết
định một vấn đề cho tất cả mọi người, và không cho người khác có các phán quyết
của riêng họ. Mill cho rằng lý do mà sự tự do thảo luận thường xuyên gặp nguy
hiểm là trong thực tế mọi người có xu hướng tin tưởng vào tính đúng đắn của mình,
và vào tính không thể sai lầm của thế giới mà họ tiếp xúc với. Mill cho rằng sự tự tin
như vậy là không hợp lý, và tất cả mọi người đang bị tổn hại bởi việc làm im lặng
các quan điểm có thể đúng đắn.
Sau khi trình bày lập luận đầu tiên của mình, Mill xem xét những phê phán có
thể có đối với luận điểm này của ông và trả lời chúng.
Đầu tiên, đó là sự phê phán cho rằng mặc dù mọi người có thể sai, song họ
vẫn phải có trách nhiệm hành động theo "sự tin chắc trong ý thức của họ". Khi
mọi người chắc chắn rằng họ đúng, thì họ không thể hèn nhát mà không hành động
15


theo niềm tin đó và từ đó cho phép những học thuyết mà họ tin là sẽ làm tổn thương
nhân loại được bày tỏ. Về điều này, Mill trả lời rằng cách duy nhất mà một người có
thể tự tin rằng mình đúng là khi có một sự tự do hoàn toàn cho sự bác bỏ niềm tin
của anh ta. Con người có khả năng sửa chữa những sai lầm của mình, nhưng chỉ
thông qua kinh nghiệm và thảo luận. Phán xét của con người chỉ có giá trị trong
trừng mực khi nó vẫn để mở cho mọi chỉ trích. Do đó, hoàn cảnh duy nhất một
người có thể chắc chắn rằng anh ta đúng là nếu anh ta liên tục để mở cho quan điểm
khác; phải có một sự mời gọi thường trực cho các cố gắng để bác bỏ niềm tin của
anh ta.
Thứ hai, có một sự phê phán cho rằng chính phủ phải có trách nhiệm duy trì
niềm tin nào đó quan trọng đối với sự thịnh vượng của xã hội. Chỉ có người
"xấu" mới cố gắng làm suy yếu những niềm tin này. Mill trả lời rằng lập luận này

vẫn dựa trên giả thuyết về tính không thể sai lầm; vì, tính hữu ích của một ý kiến
vẫn còn là một cái gì đó cần phải tranh luận. Hơn nữa, chân lý của một niềm tin là
không thể thiếu dù niềm tin đó là cần thiết hay nó được tin tưởng.
Mill nhận xét rằng giả định về tính không thể sai lầm đối với một vấn đề nào đó
ngụ ý rằng ta không chỉ cảm thấy rất chắc chắn về một niềm tin, mà còn bao gồm cả
nỗ lực để quyết định vấn đề đó cho người khác. Chính là khi bóp nghẹt ý kiến bất
đồng nhân danh lợi ích của xã hội thì một trong những sai lầm khủng khiếp nhất
trong lịch sử nhân loại đã được thực hiện. Mill viết về Socrates và Đức Giêsu Kitô,
hai nhân vật lừng lẫy trong lịch sử, những người đã bị kết án tử hình cho sự phạm
thượng bởi vì niềm tin của họ qua cấp tiến so với thời đại của họ. Tiếp theo Mill
xem liệu xã hội có thể kiểm duyệt các quan điểm mà bác bỏ một niềm tin đạo đức
chung hay bác bỏ sự tồn tại của Thiên Chúa hay không. Ông đưa ra ví dụ về Hoàng
đế Marcus Aurelius, một người đàn ông công bằng và tử tế, người đã bách hại Kitô
giáo, và không thể nhìn thấy giá trị của nó đối với xã hội. Mill cho rằng nếu ta chấp
nhận tính hợp pháp của việc trừng phạt đối với các quan điểm không tín ngưỡng, thì

16


ta cũng phải chấp nhận rằng nếu ta cảm thấy, như Marcus Aurelius đã làm, rằng
Kitô giáo là nguy hiểm, thì ta cũng sẽ được bảo chữa cho việc bức hại Kitô giáo.
Thứ ba, Mill xem xét sự phê phán cho rằng chân lý có thể bị bức hại một cách
chính đáng, bởi vì sự bức hại như vậy là cái giá mà chân lý cần phải đối mặt, và
nó sẽ luôn luôn sống sót. Mill trả lời rằng một quan điểm như vậy là cực kì không
công bằng đối với những người bị bức hại chỉ vì họ có những ý tưởng đúng. Bằng
cách khám phá một cái gì đó đúng đắn, những người này đã thực hiện một sự phục
vụ tuyệt vời cho nhân loại. Việc ủng hộ sự bức hại đối với những người như vậy gợi
ý rằng những đóng góp của họ không thực sự có giá trị. Mill cũng cho rằng, sẽ là sai
lầm khi tin là "chân lý luôn chiến thắng sự đàn áp". Vì có thể phải mất hàng thế kỷ
để chân lý xuất hiện trở lại sau khi bị đàn áp. Ví dụ, Mill viết rằng Sự cải cách Giáo

Hội Công Giáo đã bị dập tắt hai mươi lần trước khi Martin Luther thành công. Vì
vậy, sẽ là quá cảm tính khi nghĩ rằng chân lý mạnh hơn sai lầm, mặc dù chân lý sẽ
có xu hướng được tái khám phá một lúc nào đó sau khi nó bị dập tắt.
Thứ tư, Mill trả lời phê phán tiềm tàng có thể chống lại ông là, vì chúng ta
không còn dồn những người bất đồng chính kiến đến cái chết nữa, nên không
bao giờ ý kiến đúng có thể bị tiêu diệt. Mill trả lời rằng sự khủng bố về mặt pháp
lý đối với các ý kiến vẫn còn đáng kể trong xã hội, ví dụ như trong các trường hợp
những người bị coi là báng bổ hay vô thần. Cũng không có sự bảo đảm là các hình
thức khủng bố cực đoan hơn về mặt pháp lý sẽ không xuất hiện trở lại. Ngoài ra, vẫn
còn tồn tại sự bất khoan dung của xã hội đối với những người bất đồng. Mill cho
rằng sự bất khoan dung của xã hội khiến cho người ta che giấu quan điểm của họ, và
dẫn đến dập tắt niềm say mê trí tuệ cũng như sự suy nghĩ độc lập. Bóp nghẹt tư duy
tự do gây hại cho chân lý ngay cả khi sự tư duy tự do có thể dẫn đến các kết luận sai
lầm.

Bình luận

17


Trong Chương 2, Mill chỉ tập trung vào vấn đề tự do tư tưởng và thảo luận. Điều
thú vị là ông cố gắng biện minh cho tầm quan trọng của tự do bằng cách cho thấy
các lợi ích xã hội của nó; với Mill, sự đa dạng của các quan điểm là một lợi ích xã
hội rõ ràng.
Luận điểm của Mill là các quan điểm bất đồng có thể đúng dẫn đến một số điểm
quan trọng. Thứ nhất, nó nhấn mạnh rằng Mill tin là các chân lý đạo đức tồn tại.
Do đó, khi bảo vệ sự tự do, ông không nói rằng tất cả các ý kiến có giá trị ngang
nhau, ông cũng không phải là một người theo thuyết tương đối, vì ông không nói
rằng tất cả mọi thứ đều có thể đúng tùy theo hoàn cảnh của nó. Thay vào đó, ông chỉ
nói rằng bất kỳ ý tưởng nào cũng có thể đúng, nên không ý tưởng nào có thể bị gạt

bỏ, vì chân lý là có lợi cho sự tiến bộ.
Thứ hai, Mill cố gắng để cho thấy tính tùy tiện của các niềm tin phổ biến về
chân lý trong khi ông không khẳng định rằng bất kỳ quan điểm phổ biến nào trong
những lĩnh vực như tôn giáo là sai lầm. Để thực hiện điều này, ông nhận xét rằng
trong quá khứ con người đã bị bức hại vì những gì mà ngày nay được cho là đúng.
Như vậy, Mill tạo ra một tình huống logic trong đó bất cứ độc giả nào cũng phải
chấp nhận rằng nếu họ ủng hộ việc bức hại các quan điểm “sai lầm”, thì đồng nghĩa
họ cũng sẽ phải chấp nhận sự bức hại đối với chính họ nếu họ nằm trong nhóm thiểu
số trong một vấn đề cụ thể. Do dó, Mill có thể loại bỏ sự bức hại đối với các quan
điểm “sai lầm”, mà không lên án các quan điểm hiện tại về sự bức hại là là sai lầm.
Thứ ba, ví dụ của Mill về các chân lý bị bức hại phản ánh một số chiến lược
hùng biện của ông trong tiểu luận này. Mill rất ý thức về khán giả của ông trong thế
kỷ 19 ở nước Anh, và ông sử dụng các ví dụ như sự đóng đinh Chúa Kitô, vốn chắc
chắn có sự tác động đối với các độc giả của ông. Điều này phản ánh một chiến lược
chung trong tiểu luận này là lựa chọn các ví dụ quen thuộc và thường ít tranh cãi để
đưa ra các yêu sách đạo đức. Khi đọc tiểu luận này, điều quan trọng cần phải nhớ là
nước Anh không có sự bảo vệ pháp lý đối với sự tự do giống như ngày hôm nay;

18


Mill sử dụng các ví dụ để đưa ra các quan điểm của mình mà sẽ không khiến ông
gặp rắc rối với pháp luật hoặc xã hội Anh thời đó.
Cuối cùng, cần phải suy nghĩ về tầm quan trọng của giả định về sự tồn tại của
chân lý đối với việc biện minh cho tự do ngôn luận. Nếu không ai có thể là đúng
hoặc sai, thì điều này đòi hỏi sẽ sự khoan dung và tôn trọng cho sự khác biệt, hay ý
kiến mạnh nhất sẽ cố gắng để đàn áp tất cả ý kiến khác? Mill không cố gắng để trả
lời cho câu hỏi này, bởi vì sự tồn tại của chân lý được giả định xuyên suốt. Tuy
nhiên, việc suy nghĩ về vấn đề này là cần thiết để thấy mức độ thuyết phục mà Mill
tạo ra đối với những người không đồng tình với tất cả những giả định của ông.


19


CHƯƠNG 2, BÀN VỀ TỰ DO TƯ TƯỞNG VÀ THẢO LUẬN (PHẦN 2)

Tóm lược
Sau khi giải thích công luận có thể sai lầm như thế nào, Mill đưa ra thêm ba luận
điểm để ủng hộ hơn nữa cho tự do ngôn luận.
Luận điểm thứ hai của ông (sau luận điểm được thảo luận phần trước cho rằng
công luận có thể sai lầm), là ngay cả khi ý kiến của công luận đúng đắn, thì nếu
nó không được tranh luận nó sẽ trở thành "giáo điều xơ cứng". Nếu chân lý chỉ
được nắm giữ như một thành kiến, thì mọi người sẽ không hiểu hết ý nghĩa của nó,
và không biết làm thế nào để bác bỏ những phản bác đối với nó. Ý kiến bất đồng,
ngay cả khi nó sai lầm, giúp giữ cho chân lý được sống động.
Sau đó, Mill hướng tới hai phê phàn tiềm năng đối với luận điểm này của
mình.
Đầu tiên, ai đó có thể nói rằng mọi người nên được dạy các cơ sở của ý kiến của
họ, và sau khi đã được dạy những cơ sở này, thì họ không còn đơn thuần nắm giữ
các định kiến mà thực sự hiểu được các ý kiến của mình. Mill trả lời rằng trong
trường hợp khi có các ý kiến khác nhau về một vấn đề, thì việc hiểu chân lý đòi hỏi
phải phản bác các luận điểm trái ngược. Nếu một người không thể bác bỏ những
luận điểm trái ngược, thì ta không thể nói rằng anh ta hiểu các quan điểm của mình.
Hơn nữa, anh ta phải nghe những luận điểm trái ngược này từ những người thực sự
tin rằng vào nó, bởi vì chỉ những người như vậy mới có thể cho thấy sức mạnh đầy
đủ của các luận điểm. Nững quan điểm trái ngược quan trọng đến nỗi nếu những
người bất đồng không tồn tại, thì cần phải hình dung ra họ, và đưa ra những lý lẽ
thuyết phục nhất mà họ có thể tạo ra.

20



Phê phán thứ hai có thể là, không nhất thiết tất cả mọi người phải quen thuộc
với các phản đối tiềm năng đối với các niềm tin của anh ta, mà chỉ các triết gia hay
nhà thần học có nhận thức như vậy là đủ. Mill trả lời rằng sự phê phán này không
làm suy yếu lý lẽ của ông cho sự tự do ngôn luận, bởi vì những người bất đồng vẫn
cần đưa ra tiếng nói của mình để phản đối các quan điểm. Hơn nữa, trong khi trong
Giáo hội Công giáo có một sự phân biệt rõ ràng giữa người bình thường và trí thức,
thì trong các nước Tin lành như Anh, mỗi người phải chịu trách nhiệm cho sự lựa
chọn của mình. Ngoài ra, trong thời hiện đại, việc giữ cho các tác phẩm mà trước đó
có thể tiếp cận đối với giới trí thức ngoài tầm tay của người dân là điều không thể.
Tiếp theo, Mill trình bày luận điểm thứ ba về giá trị của tự do tư tưởng và thảo
luận. Ông viết rằng nếu một quan điểm đúng không được tranh luận, ý nghĩa
của chính quan điểm có thể bị mất đi. Điều này có thể thấy trong lịch sử của các
niềm tin đạo đức và tôn giáo, khi chúng ngừng bị thách thức, thì chúng mất đi "sự
sống động" của mình. Mill nói rằng Kitô giáo phải đối mặt với một hoàn cảnh như
vậy, khi mà lòng tin của người dân không được phản ánh trong hành vi của họ. Kết
quả, con người không thực sự hiểu các học thuyết mà họ tha thiết nắm giữ, và sự
hiểu lầm của họ dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng.
Mill trình bày một sự phê phán tiềm tàng đối với quan điểm này. Ông viết rằng,
mọi người có thể hỏi liệu có nhất thiết là một bộ phận nào đó của loài người cứ phải
khăng khăng giữ sai lầm để cho mọi người thấu hiểu được chân lý hay không. Mill
trả lời rằng một số lượng ngày càng tăng các ý kiến không bị phản bác là "không thể
tránh khỏi và tuyệt đối cần thiết" trong quá trình tiến bộ của con người. Tuy nhiên,
điều này không có nghĩa là sự biến mất của tranh luận không phải là một điều xấu,
và ông khuyến khích các giáo viên cố gắng để bù đắp cho sự biến mất của sự bất
đồng quan điểm này.
Tiếp theo Mill chuyển sang luận điểm thứ tư ủng hộ cho tự do ngôn luận. Ông
viết rằng trong trường hợp các học thuyết xung đột với nhau, có lẽ là trường
hợp phổ biến nhất, và thay vì một bên đúng và một bên sai, thì chân lý được cả


21


hai chia sẻ. Sự tiến bộ thường chỉ thay thế chân lý không hoàn chỉnh này bằng một
chân lý không hoàn chỉnh khác, vì chân lý mới phù hợp hơn với nhu cầu của thời
đại. Các ý kiến bất đồng hay dị giáo thường phản ánh các chân lý không hoàn chỉnh
nhưng không được công nhận bởi công luận, và nó đáng nhận được sự chú ý của
"một bộ phận khôn ngoan". Thực tế này có thể được nhìn thấy trong chính trị, nơi
mà các quan điểm khác nhau mà cả hai phía nắm giữ đều hợp lý. Trong bất kỳ vấn
đề mở nào, thì bên ít phổ biến hơn là bên cần được khuyến khích nhất, bên này phản
ánh những mối quan tâm đang bị xem nhẹ.
Tiếp theo, Mill xem xét một sự phê phán đối với luận điểm thứ tư này. Ông nói
rằng người ta có thể cho rằng một số nguyên tắc, chẳng hạn như các nguyên tắc của
Thiên chúa giáo, là chân lý toàn vẹn, và nếu ai đó không đồng ý, thì anh ta đang
hoàn toàn sai lầm. Mill trả lời rằng luân lý Kitô giáo là "không đầy đủ và một
chiều", và một số trong số những ý tưởng đạo đức quan trọng nhất của nó có nguồn
gốc từ nền văn hóa Hy Lạp và La Mã. Ông lập luận rằng chính Chúa Kitô cho rằng
thông điệp của ông là không đầy đủ, và sẽ là sai lầm khi bác bỏ những sự bổ sung
thế tục cho luân lý Kitô giáo. Về cơ bản, sự không hoàn hảo con người hàm ý rằng
để hiểu được chân lý cần một sự đa dạng của các quan điểm.

Bình luận
Mill đưa ra trường hợp là nếu mọi người cùng có một quan điểm thì họ sẽ được
hưởng lợi từ việc nghe những người bất đồng tranh luận chống lại quan điểm đó.
Ông cũng nhận xét rằng hầu hết mọi người chỉ biết các chân lý không hoàn chỉnh,
và họ có thể được hưởng lợi từ việc nghe phần còn lại của chân lý. Mill thừa nhận là
mọi người có thể học hỏi thông qua tranh luận, và thông qua ý kiến của mình bị thử
thách. Vì vậy, các ý kiến bất đồng là hữu ích về mặt xã hội vì chúng giúp mọi người
hiểu được sức mạnh thực sự (và những giới hạn) của niềm tin của họ. Mill cho rằng

sự hữu ích của ý kiến bất đồng là không thể thay thế, ngay cả khi ý kiến không phổ
biến này chứa một phần chân lý, hoặc khi nó hoàn toàn sai lầm.

22


CHƯƠNG 3, CON NGƯỜI CÁ NHÂN NHƯ
MỘT THÀNH TỐ CỦA AN SINH
Tóm tắt
Sau khi đã khảo sát xem liệu mọi người có được phép nắm giữ và thể hiện các
niềm tin không phổ biến hay không, Mill xem xét câu hỏi liệu mọi người có được
phép hành động theo ý kiến của họ mà không phải đối mặt với sự trừng phạt của
pháp luật hoặc sự kỳ thị xã hội hay không. Mill nhận xét rằng các hành động không
thể được tự do như ý kiến, và tái khẳng định rằng cả hai đều phải bị giới hạn khi
chúng có thể gây ra tổn hại hay các " phiền toái cho người khác". Tuy nhiên, nhiều
trong số các lý do ủng hộ cho sự đa dạng quan điểm cũng được áp dụng để ủng hộ
cho các hành động. Vì con người có thể sai lầm, nên "sự đa dạng của các kinh
nghiệm sống" là rất quan trọng. Sự phát triển cá tính cần thiết cho sự tiến bộ của cả
cá nhân và xã hội.
Cá tính cần thiết cho việc mở mang cái tôi. Một vấn đề căn bản mà Mill nhận
thấy đối với xã hội đó là sự tự phát của cá nhân không được coi trọng như có bất kỳ
sự tốt lành gì trong chính nó, và không được coi là cần thiết cho sự thịnh vượng.
Thay vào đó, đa số nghĩ rằng cách thức của nó [đa số] là đủ tốt cho tất cả mọi người.
Mill cho rằng trong khi con người cần được đào tạo như trẻ em về những kiến thức
được tích lũy từ kinh nghiệm, thì họ cũng cần phải có sự tự do như người lớn để giải
thích các kinh nghiệm đó theo cách họ thấy phù hợp. Ông dành một sự nhấn mạnh
đạo đức to lớn cho quá trình đưa ra sự lựa chọn, cũng như sự không chấp nhận đối
với các tập tục mà không có sự tra vấn: chỉ những ai đưa ra sự lựa chọn mới đang sử
dụng tất cả khả năng của con người. Sau đó Mill liên kết những ước muốn và thôi
thúc được phản ánh trong cá tính với sự phát triển của tính cách: "Một người mà các

ước muốn và thôi thúc của anh ta không phải là của riêng anh ta, thì không có tính

23


cách, và không hơn một động cơ hơi nước có tính cách". Mill viết rằng trong giai
đoạn đầu của xã hội, có thể là có quá nhiều cá tính. Tuy nhiên, hiên nay nguy cơ đó
là sự bóp nghẹt các ham muốn và thôi thúc. Ông nói rằng mọi người trở nên giá trị
hơn cho bản thân cũng cho người khác khi họ phát triển cá tính của mình.
Tiếp theo, Mill chuyển sang phần thứ hai của cuộc thảo luận của ông, bàn về
những cách thức mà mọi người thực thi sự tự do như là những cá nhân có giá trị cho
người khác.
Cá tính rất quan trọng vì mọi người có thể học được nhiều điều từ những người
không theo khuân mẫu. Những người bất đồng có thể khám phá ra những điều tốt
đẹp mới, và giữ cho những điều tốt đẹp tồn tại sống động. Trong khi thiên tài thì rất
hiếm, thì "thiên tài cũng chỉ có thể biểu lộ trong một bầu không khí tự do". Những
người bình thường không nhìn thấy giá trị của sự độc đáo, và có xu hướng tránh xa
thiên tài. Mill lập luận chống lại xu hướng này, và nói rằng tất cả mọi người phải coi
trọng giá trị mà sự độc đáo có thể mang lại cho thế giới. Hơn nữa, Mill cho rằng thời
hiện đại (thế kỷ 19), trái ngược với thời Trung cổ, ở xu hướng thu hẹp cá tính và
khuyến khích sự tầm thường, và xu hướng này liên kết với sự dân chủ hóa về văn
hóa và dân chủ hóa sự cai trị. Cần phải có một nỗ lực để chống lại xu hướng này.
Không có mô hình hoàn hảo cho vấn đề nên sống như thế nào. Để một người
được phát triển đầy đủ, thì các lựa chọn của anh ta cho việc nên sống như thế nào là
tốt nhất khi chúng là của riêng anh ta. Mỗi người cần một môi trường riêng để phát
triển và đạt được các tiềm năng của họ, và một xã hội lành mạnh là một xã hội mà
mọi người có thể sống theo cách mà mình lựa chọn.
Tự do và cá tính là rất cần thiết cho sự tiến bộ của cả cá nhân và xã hội. Quan sát
sự đa dạng của con người là chìa khóa trong việc nhận ra những điểm yếu của chính
mình. Sự đa dạng cũng cho phép chúng ta nhìn thấy tiềm năng từ việc kết hợp các

đặc điểm tích cực của những người khác nhau. Trái lại, sự đồng nhất cưỡng ép khiến
mọi người không thể học hỏi lẫn nhau. Mill viết rằng "chế độ chuyên chế của tập
quán" đang ngăn chặn sự tiến bộ của nước Anh, và chính sự đa dạng tương đối của

24


châu Âu trong lối sống và khuynh hướng phát triển khiến cho nó tiến bộ hơn nhiều
so với chủ nghĩa tuân thủ của Trung Quốc. Tuy nhiên, Mill lo ngại rằng châu Âu
đang tiến đến lý tưởng của Trung Quốc khi "làm cho tất cả mọi người như nhau", và
do đó sẽ phải đối mặt với tình trạng trì trệ.

Bình luận
Trong chương này, Mill cố gắng để cho thấy rằng cá tính và sự không tuân phục
quan trọng đối với cả cá nhân và xã hội. Mill cho rằng xã hội có xu hướng tự nhiên
thích sự tuân phục, đồng nhất, và sở thích này càng trầm trọng hơn bởi sự dân chủ
hóa và sự kiểm soát xã hội bởi số đông.
Mối quan tâm của Mill đối với sự bóp nghẹt cá tính mở rộng đến cả lĩnh vực
pháp lý và xã hội. Ông tin rằng khi đối mặt với áp lực của công luận cho sự đồng
nhất, cũng như với sức mạnh thể chế hóa quá mức của luật pháp, thì các cá nhân bị
bóp nghẹt khả năng để đưa ra những sự lựa chọn có ý nghĩa, và do đó không thể
phát triển được tính cách. Một điều cực kì quan trọng đối với bất kỳ luận điểm dựa
trên nguyên tắc công lợi nào, đó là sự đồng nhất, tuân phục gây tổn hại cho xã hội
cũng như cho các cá nhân thiểu số, vì những con người đồng nhất, tuân phục mất đi
những phương cách đáng mong muốn để tiếp cận với cuộc sống và ngừng học hỏi
lẫn nhau. Mill cho rằng tiến bộ xã hội đòi hỏi sự năng động và sự lựa chọn giữa
những cách sống trái ngược nhau.
Quan điểm của Mill về tiến bộ xã hội có quan hệ mất thiết với các quan điểm
của ông về cá tính và sự đồng nhất. Mill tán thành niềm tin cho rằng có những cách
sống tốt hơn và tồi tệ hơn, và với những người man rợ và hoang dã, Mill tin họ sống

nghèo nàn hơn con người văn minh. Tuy nhiên, sự văn minh đi cùng với xu hướng
đồng nhất. Và Mill tin rằng đó là thông qua sự phát triển tự do và năng động của cái
tôi và sự tương tác với những người có những cách sống khác mà một cá nhân hoàn
thiện bản thân mình, tương tự như thông qua thảo luận và bất đồng mà "chân lý"
được giữ sống động, ngược lại, sự đồng nhất lại dẫn đến tình trạng trì trệ xã hội. Có
25


×