Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Ngô Gia Tự, Phú Yên năm học 2016 - 2017

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (163.71 KB, 4 trang )

SỞ GD - ĐT PHÚ YÊN

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I

TRƯỜNG THPT NGÔ GIA TỰ

MÔN: NGỮ VĂN 11
Thời gian: 90 phút (không tính thời gian phát đề)

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:
Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những mùa quả lặn rồi lại mọc
Như mặt trời, khi như mặt trăng
Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi
Và chúng tôi một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ mong chờ được hái
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.
(Nguyễn Khoa Điềm, Mẹ và quả)
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên.
Câu 2. Xác định 03 biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong bốn dòng đầu của đoạn
thơ.
Câu 3. Nêu nội dung chính của đoạn thơ.
Câu 4. Anh/chị hãy nhận xét tư tưởng của tác giả thể hiện trong hai dòng thơ: “Tôi hoảng
sợ ngày bàn tay mẹ mỏi/ Mình vẫn còn một thứ quả non xanh”. Trả lời trong khoảng 5- 7
dòng.


II. PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)
Nói về đoạn đời của Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở, nhà nghiên cứu văn học Chu
Văn Sơn cho rằng: Tuy chỉ có năm ngày ngắn ngủi, nhưng nó thật sự là quãng đời khác:
Chí được sống rồi chết như một con người.
Từ cảm nhận của anh /chị về nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của
Nam cao, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
-----------------------------------


SỞ GD - ĐT PHÚ YÊN

ĐÁP ÁN ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I

TRƯỜNG THPT NGÔ GIA TỰ

MÔN: NGỮ VĂN 11
Thời gian: 90 phút

I. PHẦN ĐỌC HIỂU
Câu 1: (0,25 điểm)
Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ: tự sự(mở rộng gồm có miêu tả, biểu cảm
(nêu 1 trong 3 đều đạt điểm tối đa)
Câu 2: (0,75 điểm)
Ba biện pháp tu từ: phép điệp (điệp cấu trúc câu, điệp ngữ, điệp từ): “Những mùa quả”,
“mẹ”…; so sánh: “Như mặt trời, khi như mặt trăng”; tương phản: “…lặn” và “…mọc”.
(Phép điệp: nêu được 1 trong 3 phép điệp đều đạt điểm tối đa; HS không cần chỉ ra cụ thể
lời thơ).
Câu 3: (1,0 điểm)
Nội dung chính của đoạn thơ: Từ chuyện trồng cây sang khắc sâu sự hi sinh thầm
lặng của mẹ; tình yêu, lòng biết ơn công dưỡng dục sinh thành và nỗi lo sợ mẹ mất đi mà

mình vẫn chưa nên người.
Câu 4: (1,0 điểm)
Tư tưởng tác giả thể hiện trong 2 dòng thơ cuối: Hai câu thơ không chỉ là lòng biết
ơn mà còn là sự ân hận như một thứ “tự kiểm” về sự trậm trễ thành đạt của đứa con chưa
làm thỏa được niềm vui của mẹ. Đó là suy nghĩ của một người con chí hiếu.
PHẦN II: LÀM VĂN
1. Yêu cầu về kỹ năng
- Biết cách làm bài nghị luận văn học
- Bố cục 3 phần đầy đủ, diễn đạt rõ ràng; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
2. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có nhiều cách trình bày, nhưng phải đảm bảo được
một số yêu cầu sau:
a, Mở bài:
- Giới thiệu tác giả Nam Cao.
- Giới thiệu tác phẩm, nhân vật Chí Phèo.
- Giới thiệu vấn đề nghị luận (trích nguyên văn câu nói của nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn)
b) Thân bài:
 Tiền đề phân tích: Giải thích ý kiến


- Tuy chỉ có năm ngày ngắn ngủi là nhận xét về mối tình giữa Chí Phèo với thị Nở diễn
ra trong một thời gian ngắn so với quãng đời dằng dặc bóng tối, tội ác mà Chí Phèo đã
sống.
- Nhưng nó thật sự là một quãng đời khác là đánh giá về ý nghĩa của mối tình Chí Phèo
với thị Nở. Mặc dù, mối tình ấy diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng chính tình yêu thương
mộc mạc, chân thành của thị Nở đã giúp Chí Phèo thức tỉnh, được sống với những cảm
xúc nhân tính và chết như một con người có ý thức về nhân phẩm, giá trị, quyền sống,
quyền làm người.
-> Nhận định đã nhấn mạnh một biểu hiện cụ thể trong nội dung nhân đạo sâu sắc của nhà
văn Nam Cao trong tác phẩm Chí Phèo
 Trọng tâm phân tích : cảm nhận về nhân vật Chí Phèo để làm sáng tỏ ý kiến.

- Trước khi gặp thị Nở: Chí là người nông dân hiền lành, lương thiện nhưng đã bị tha hóa
trở thành quỷ dữ, sống triền miên trong bóng tối, tội ác.
- Ý nghĩa mối tình giữa Chí Phèo với thị Nở:
+ Sự xuất hiện của nhân vật thị Nở có một ý nghĩa thật đặc sắc: xấu đến “ma chê, quỷ
hờn”, kỳ diệu thay, lại là nguồn ánh sáng rọi vào chốn tối tăm của tâm hồn Chí Phèo để
thức tỉnh, khơi dậy bản chất lương thiện vốn có trong Chí, thắp lên ngọn lửa cuộc sống.
+ Chí Phèo được sống như một con người:
Chí Phèo tỉnh rượu :
 Bâng khuâng, mơ hồ buồn.
 Nghe, thấy: tiếng chim, tiếng người.
 Nhớ lại thời trai trẻ…ao ước có một gia đình nho nhỏ…
 Nhận ra mình già nua, cô độc, tình cảnh hiện tại.
 Ý thức được thời gian, không gian, âm thanh cuộc sống.
Chí phèo tỉnh ngộ:
 Được thị Nở chăm sóc ân cần, Chí Phèo khát khao hạnh phúc gia đình, khát khao
được hoàn lương.
 Bát cháo hành – hương vị của tình người, tình yêu mà thị Nở dành cho Chí Phèo.
 Thị Nở là cầu nối đưa Chí về với người.
- Tình thương có sức mạnh cảm hóa
- Niềm tin vào bản chất lương thiện, tốt đẹp.
+ Chí Phèo được chết như một con người


 Khi thị Nở cắt đứt tình yêu, chí Phèo hiểu ra nguyên nhân sâu xa dẫn đến bi kịch bị
cự tuyệt quyền làm người. Chí phèo mang dao đi định đến nhà thị Nở nhưng sự
thức tỉnh ý thức về thân phận và bi kịch đã đẩy chệch hướng đi của Chí dẫn Chí
đến thẳng nhà Bá Kiến.

 Chí Phèo gặp Bá Kiến nói:
- “Tao muốn làm người lương thiện?”.

- “Ai cho tao lương thiện?”
-> Câu hỏi chất chứa nỗi đau của một con người mà không được quyền làm người.
 Chí Phèo đâm chết Bá Kiến rồi tự sát
Cái chết bi thảm của Chí Phèo là lời kết tội đanh thép cái xã hội vô nhân đạo, là tiếng
kêu cứu về quyền làm người, cũng là tiếng gọi thảm thiết cấp bách của nhà văn: Hãy
cứu lấy con người! Hãy yêu thương con người! cái chết bi thảm nhưng nó là cái chết
của một con người, chết vì không muốn sống cuộc đời của một con quỷ.
 Khái quát
- Diễn tả quá trình thức tỉnh của Chí Phèo, Nam Cao đã đi sâu vào thế giới tâm hồn nhân
vật.
- Ngôn ngữ đa thanh, đa giọng điệu, chi tiết giàu kịch tính.
- Nam Cao thể hiện nội dung nhân đạo sâu sắc ở lòng yêu thương trân trọng con người và
niềm tin vào bản chất tốt đẹp của người nông dân sau bao đọa đày vẫn sống và chết như
một con người.
c) Kết bài
- “Chí Phèo” xứng đáng là kiệt tác của nền văn học hiện đại.
- Tình huống Chí Phèo gặp thị Nở và quá trình Chí Phèo thức tỉnh có khả năng đánh thức
trí tuệ và khơi dậy những tình cảm đẹp đẽ trong tâm hồn người đọc mọi thời đại.
Thang điểm
- Điểm 7: Đáp ứng tốt các yêu cầu của đề, bố cục sáng rõ, văn viết mạch lạc, không mắc
lỗi chính tả, dùng từ, diễn đạt.
- Điểm 5 - 6: Đáp ứng khá tốt các yêu cầu của đề, bố cục hợp lí, có số lỗi về diễn đạt.
- Điểm 3 - 4: Đáp ứng ở mức trung bình các yêu cầu của đề.
- Điểm 1 - 2: Bài làm còn thiếu nhiều luận điểm, diễn đạt thiếu trôi chảy, bố cục không rõ
ràng.
- Điểm 0: Không làm bài, bỏ giấy trắng.




×