Tải bản đầy đủ (.doc) (28 trang)

Sáng Kiến Kinh Nghiệm Hệ Thống Bài Tập Rèn Luyện Kỹ Năng Lập Dàn Ý Bài Văn Tự Sự Cho Học Sinh Lớp 6

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (183.32 KB, 28 trang )

SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO HÀ NỘI
PHÒNG GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO QUẬN BA ĐÌNH

SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
HỆ THỐNG BÀI TẬP RÈN LUYỆN KỸ NĂNG LẬP DÀN Ý
BÀI VĂN TỰ SỰ CHO HỌC SINH LỚP 6

Người thực hiện: Hà Thị Ngọc
Trường THCS Giảng Võ

Hà Nội, năm 2011


SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
HỆ THỐNG BÀI TẬP RÈN LUYỆN KỸ NĂNG LẬP DÀN Ý
BÀI VĂN TỰ SỰ CHO HỌC SINH LỚP 6
A. PHẦN MỞ ĐẦU
I. Lý do chọn đề tài:
Trong giao tiếp muốn có được một bài văn hiệu quả cao (dù là văn bản
viết tay hay văn bản nói), bên cạnh giá trị nội dung và nghệ thuật, một yếu tố
không kém phần quan trọng là cách sắp xếp các nội dung đó vào một bố cục phù
hợp với hiện thực, với suy nghĩ, với quy luật tiếp nhận của người đọc (người
nghe) và với đặc trưng của kiểu loại văn bản; thao tác này chính là kỹ năng lập
dàn ý.
Lập dàn ý còn gọi là lập đề cương, xây dựng bố cục, là khâu then chốt là
mắt xích quan trọng trong việc tạo lập văn bản.
Ở cấp trung học cơ sở, tập làm văn là môn học chiếm vị trí quan trọng và
việc lập dàn ý là bước không thể thiếu đối với học sinh trước khi tạo văn bản.
Bởi có như vậy các em mới có thời gian tư duy, chủ động sáng tạo lập kế hoạch
để định ra trình tự và trọng tâm của bài viết trong một thời gian nhất định. Tuy
nhiên thực trạng hiện nay trong nhà trường phổ thông, việc rèn luyện kỹ năng


lập dàn ý còn là mối lo ngại đối với giáo viên và học sinh. Số tiết dạy về kỹ năng
này còn quá ít (1 tiết cho bài: Tìm hiểu đề, tìm ý, lập dàn ý đối với mỗi kiểu văn
bản). Hơn nữa học sinh quen viết theo cảm hứng, hoặc ngại suy nghĩ chỉ thích
dự vào dàn ý của thầy, cô giáo hoặc sao chép bài mẫu nên phần lớn học sinh đã
bỏ qua thao tác này nếu đề bài kiểm tra không yêu cầu bắt buộc lập dàn ý trước
khi viết văn bản.
Xuất phát từ những thực tế nói trên, chúng tôi viết sáng kiến kinh nghiệm
này mong có thêm những định hướng mới trong quá trình dạy và học kiểu bài:
Lập dàn ý cho bài văn tự sự trong chương trình ngữ văn lớp 6 qua hệ thống bài
tập.

2


II. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
1. Đối tượng: Đề tài hướng tới đem lại hiệu quả cho việc làm văn của học
sinh lớp 6 nên chúng tôi chỉ nghiên cứu hệ thống bài tập rèn luyện kỹ năng lập
dàn ý cho học sinh THCS khi tạo lập văn bản tự sự.
2. Phạm vi: Chỉ bàn đến vấn đề hệ thống bài tập rèn luyện kỹ năng lập
dàn ý qua cho học sinh lớp 6 THCS với kiều bài tự sự.
III. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
1. Mục đích: Dựa trên cơ sở của việc xây dựng dàn ý nói chung, đề xuất
những nội dung và quy trình rèn luyện kỹ năng lập dàn ý cho bài văn tự sự, giúp
cho việc hình thành thói quen và năng lực xây dựng dàn ý cho giáo viên và học
sinh đạt hiệu quả cao trước khi triển khai viết bài văn hoàn chỉnh.
2. Nhiệm vụ nghiên cứu: Với khả năng và tài liệu cho phép, chúng tôi
xác định những nhiệm vụ sau đây.
Xây dựng tiền đề lý thuyết và thực tiễn làm cơ sở khoa học cho việc rèn
luyện năng lực lập dàn ý qua hệ thống bài tập cho kiểu bài văn tự cho học sinh
lớp 6.

Đề xuất nội dung, phương pháp và cách thức rèn luyện kỹ năng lập dàn ý
cho bài văn tự sự.
Tổ chức thực nghiệm dạy – học để kiểm tra khả năng thực thi và hiệu của
của các giải pháp đã được đề xuất.
IV. Phương pháp nghiên cứu:
Trong khi tiến hành viết sáng kiến kinh nghiệm để thực hiện những nhiệm
vụ và mục đích đã đề ra, chúng tôi sử dụng phương pháp nghiên cứu sau:
1. Phương pháp nghiên cứu lý thuyết: Chúng tôi tập hợp các tài liệu có
liên quan đến văn tự sự và kỹ năng lập dàn ý bài văn tự sự ở lớp 6 để nghiên
cứu.
2. Phương pháp điều tra thực tiễn giáo dục: Khảo sát thực tế là điều không
thể thiếu khi thực hiện đề tài này chúng tôi dùng phương pháp điều tra thực tiễn

3


để tìm hiểu việc dạy và học đối với giáo viên và học sinh. Qua đó để thấy thực
trạng của việc dạy và học làm văn ở lớp đầu cấp THCS.
3. Phương pháp thực nghiệm dạy học: Chúng tôi tiến hành phương pháp
thực nghiệm giảng dạy ở một số lớp 6 tại trường THCS Giảng Võ để rút ra
những kết luận cụ thể về tính thực thi của đề tài.
B. PHẦN NỘI DUNG
I. Những yêu cầu cơ bản của kỹ năng lập dàn ý.
Muốn lập dàn ý cho bài văn phải nắm được các yêu cầu cơ bản của dàn ý.
1. Dàn ý phải đáp ứng đúng những yêu cầu về nội dung, hình thức, thể
loại, mục đích, đối tượng và về cả những giới hạn mà đề bài xác định. Yêu cầu
này đòi hỏi người viết phải bám sát đề tài, phải dựa vào kết quả của giai đoạn
phân tích và tìm hiểu đề, phải dựa vào hướng đi mà đề bài đã quy định.
2. Dàn ý phải đảm bảo tính chặt chẽ và hợp logic: Những nội dung, những
sự việc phải được sắp xếp theo một trình tự và có quan hệ mật thiết với nhau.

Trình tự và những mối quan hệ này một mặt phản ánh đúng mối quan hệ trong
thực tế khách quan, mặt khác phản ánh những quy luật của nhận thức, của tư
duy khoa học. Các phần, các mục trong dàn ý phải được sắp xếp theo những
mối quan hệ nhất định, theo trình tự phát triển của chủ đề, của nội dung một
cách hợp lý.
3. Dàn ý phải cân xứng, hài hoà giữa các phần, các mục: Đây không phải
là sự dàn đều mà là sự tổ chức cho thích hợp với các trọng tâm, trọng điểm tuỳ
các mức độ khác nhau trong yêu cầu của đề tài. Dàn ý cần phải phản ánh đúng
những tỷ trọng và dung lượng thích hợp mà đề bài đã xác định. Có như thế mới
đáp ứng thích hợp các yêu cầu của đề tài.
4. Dàn ý cần trình bày sáng sủa, mạch lạc, dễ hiểu thông qua các từ ngữ
và các ký hiệu thích hợp:
- Các ký hiệu của chẽ số La Mã, chữ số Ả rập, các chữ cái in hoa, chữ cái
thường, các dấu phụ, gạch đầu dòng (-), dấu cộng (+), dấu hoa thị (*)… cần
4


được sử dụng hợp lý vừa để phân biệt các cấp độ khác nhau trong nội dung của
dàn ý, vừa để đánh dấu các nội dung tương đương nằm cùng cấp độ.
- Hình thức trình bày dàn ý cũng cần phải thể hiện đúng các cấp độ khác
nhau và tương quan của các phần, các ý cùng một cấp độ. Nếu dùng các kiểu
chữ khác (chữ in, chữ thường) để hình thức hoá các đề mục thì cũng cần chú ý
đến tính tương đương trong cùng một cấp độ.
5. Đối với dàn ý văn tự sự ở lớp 6 phải phù hợp với đối tượng học sinh
đầu cấp cơ sở. Nghĩa là dàn ý phải được trình bày rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu và
đúng thể loại.
II. Mô hình lập dàn ý của bài văn tự sự
Các tài liệu dạy học, làm văn thường đưa ra nhiều loại dàn ý trong đó có
hai loại cơ bản:
- Dàn ý đại cương (sơ lược).

- Dàn ý chi tiết
Dàn ý đại cương: là loại dàn ý nêu lên những ý chính, ý lớn và những ý bộ
phận triển khai cho các ý chính đó.
Dàn ý chi tiết: là loại dàn ý được phát triển tiếp tục các ý bộ phận ở dàn ý
sơ lược thành các ý chi tiết hơn, phong phú hơn.
Thông thường trên lớp vì thời gian có hạn nên giáo viên thường hướng
dẫn học sinh làm dàn ý sơ lược. Nhưng trong quá trình luyện tập nhất là các bài
tập ở nhà giáo viên nêu yêu cầu học sinh làm dàn ý chi tiết.
Đối với bài văn tự sự, do đặc trưng của loại hình, việc lập dàn ý có thể
được trình bày theo nhiều cách khác nhau tuỳ theo quan niệm của mỗi người và
theo từng loại sách khác nhau. Sau khi tham khảo ở một số tài liệu chúng tôi nêu
ra mô hình tổng quát như sau:
Mở bài:
- Giới thiệu hoàn cảnh phát sinh câu chuyện.
- Giới thiệu nhân vật chính của chuyện.
Thân bài: Trình bày diễn biến các sự việc.
5


- Sự việc 1: Sự việc mở đầu.
- Sự việc 2: Sự việc thắt nút (sự việc cao trào, sự việc đỉnh điểm).
- Sự việc 3: Sự việc mở nút (sự việc kết thúc).
Kết luận:
- Khép lại câu chuyện
- Nêu ý nghĩa của câu chuyện.
Từ mô hình tổng quát chúng ta có các mô hình dàn ý sơ lược và dàn ý chi
tiết như sau:
1. Mô hình dàn ý sơ lược
Mở bài: Giới thiệu hoàn cảnh, nhân vật, sự việc.
Thân bài: Diễn biến của sự việc.

- Sự việc 1:
- Sự việc 2:
- Sự việc n…
Kết luận: Kết thúc câu chuyện – Nêu cảm nghĩ.
2. Mô hình dàn ý chi tiết.
Mở bài:
- Giới thiệu hoàn cảnh, tình huống phát sinh chuyện.
- Giới thiệu nhân vật (nhân vật chính – nhân vật phụ ).
- Giới thiệu sự việc.
Thân bài: Diễn biến các sự việc.
- Sự việc mở đầu câu chuyện.
+ Tình tiết 1:
+ Tình tiết 2:
+ Tình tiết 3:
- Sự việc thắt nút (sự việc cao trào).
+ Tình tiết 1:
+ Tình tiết 2:
+ Tình tiết n…
6


- Sự việc kết thúc câu chuyện:
+ Tình tiết 1:
+ Tình tiết 2:
+ Tình tiết 3:
Kết luận:
- Kết thúc chuyện, khép lại câu chuyện.
- Nêu ý nghĩa chuyện.
- Nêu cảm nghĩ chung.
Đây là mô hình dàn ý tổng quát. Tuy vậy khi triển khai làm bài văn tự sự

người viết có thể vận dụng một cách linh hoạt các dạng khác nhau tuỳ thuộc vào
cách kể chuyện, nội dung câu chuyện và yêu cầu của các dạng đề khác nhau.
III. Rèn luyện kỹ năng lập dàn ý bài văn tự sự cho học sinh lớp 6 qua
hệ thống bài tập
Để xây dựng được các kỹ năng kể chuyện cho học sinh, phải xuất phát từ
một hệ thống bài tập. Muốn hình thành hệ thống bài tập cần xác định các yêu
cầu cụ thể:
- Hệ thống bài tập phải hướng vào đích: bất cứ một quá trình giao tiếp nào
thì đích cũng là yếu tố đầu tiên đặt ra. Hệ thống bài tập trong văn tự sự tập trung
vào đích là hình thành kỹ năng cho học sinh, chỉ có trên cơ sở như thế thì mới có
thể xây dựng được hệ thống bài tập cho phù hợp. Đặc biệt quá trình khảo sát
cũng cho ta thấy ở phổ thông kỹ năng yếu nhất hiện nay của học sinh là: kỹ năng
lập dàn ý và kỹ năng hành văn. Vì vậy vấn đề đặt ra là hệ thống bài tập phải vừa
hình thành được kỹ năng, đồng thời vừa phải khắc phục được các kỹ năng còn
thiếu, còn yếu của học sinh.
- Hệ thống bài tập trong văn tự sự nói chung và lập dàn ý nói riêng là phải
đảm bảo tính khoa học, tính thống nhất và chính xác: kỹ năng lập dàn ý là một
trong kỹ năng cơ bản cần trang bị cho học sinh ngay từ khi các em biết tạo lập
văn bản và cần phải liên tục trong suốt quá trình ngồi trên ghế nhà trường. Vì
thế hệ thống bài tập rèn luyện cho kỹ năng này phải đảm bảo tính khoa học, tính
7


thống nhất và tính chính xác. Tính khoa học, tính thống nhất và tính chính xác
được thể hiện ngay trong yêu cầu về nội dung, về mức độ, về khái niệm, về thuật
ngữ, về cấu trúc và về cách trình bày. Thống nhất giữa bài tập và lý thuyết; về
kỹ năng, thống nhất giữa bài tập và bài tập, thống nhất giữa lý thuyết làm văn
nói chung với lý thuyết kỹ năng lập dàn ý nói riêng và thống nhất giữa kỹ năng
lập dàn ý với các kỹ năng khác. Bảo đảm tính thống nhất là một trong những
yêu cầu rất quan trọng đối với tư duy khoa học cũng như rèn luyện kỹ năng cho

học sinh trong nhà trường.
- Bài tập phải đa dạng, nhiều thể loại: Để tránh sự đơn điệu, đơn giản, tạo
nên sự hứng thú và kích thích sự suy nghĩ của học sinh, hệ thống bài tập phải đa
dạng. Mọi kiểu, mọi dạng bài tập có thể có nhiều cách khác nhau. Ví dụ: bài tập
làm dàn ý sơ lược, dàn ý chi tiết, bài tập lập dàn ý từ một bài văn có sẵn, bài tập
lập dàn ý từ một đề cho trước theo các kiểu bài kể chuyện đời thường hoặc kể
chuyện theo đề tài tưởng tượng. Ngoài ra còn có các bài tập phát hiện, nhận
dạng, sửa lỗi và bài tập biến đổi…
- Bài tập phải vừa sức: Bài tập phải thiết kế những kiến thức mà học sinh
đã học được ở lớp dưới đồng thời phải nâng cao, mở rộng để phù hợp tâm lý lứa
tuổi và năng lực của học sinh. Nếu bài tập dễ quá sẽ không phát huy được trí
lực, nếu bài tập khó quá học sinh sẽ khó tiếp thu. Ngoài ra phải căn cứ vào đặc
điểm và năng lực cụ thể của từng vùng, từng trường, từng lớp, từng đối tượng
học sinh mà ra bài tập tương ứng và phù hợp tạo ra sự hứng thú tránh tình trạng
quá tải.
- Bài tập phải đi từ dễ đến khó: dễ đến khó trong mỗi kiểu và mỗi dạng
bài tập. Dễ đến khó cho từng loại học sinh, trong từng lớp học.
- Bài tập phải đáp ứng được yêu cầu đổi mới của cải cách giáo dục: Hệ
thống bài tập đưa ra phải bao quát, thể hiện được yêu cầu tích hợp của chương
trình và nội dung SGK Ngữ văn. Trong quá trình dạy và học Ngữ văn học sinh
biết vận dụng những kiến thức đọc – hiểu văn bản, những kiến thức từ ngữ, kết
hợp với những kiến thức tập làm văn phục vụ cho việc rèn luyện kỹ năng lập
8


dàn ý. Phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong quá trình dạy – học
đã và đang còn là vấn đề được đạt ra. Rèn luyện cho học sinh kỹ năng lập dàn ý
là điều cảng trở nên cần thiết.
Tóm lại: Nếu vận dụng những nguyên tắc ở trên giáo viên sẽ đề ra được
một hệ thống bài tập cụ thể, phù hợp cho học sinh của mình và sẽ có tác dụng tốt

cho việc rèn luyện, hình thành kỹ năng lập dàn ý kiểu bài văn tự sự cho học sinh
lớp 6.
Khi rèn luyện kỹ năng lập dàn ý thì việc xây dựng hệ thống bài tập là vấn
đề trọng tâm và có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Trong khi dạy và học Ngữ văn,
cụ thể hơn là khi dạy và học kiểu bài văn tự sự, dựa vào đặc trưng của thể loại,
vào nội dung từng câu chuyện mà chia thành nhiều loại bài tập khác nhau.
Theo quan điểm tích hợp, tích cực đồng thời để phát huy khả năng tư duy
và sáng tạo cho học sinh chúng tôi đưa ra hệ thống bài tập gồm một số dạng như
sau:
1. Bài tập lập dàn ý từ một văn bản có sẵn: Nghĩa là từ một văn bản có
sẵn yêu cầu học sinh nhận biết, xác định bố cục của từng phần (Mở bài, thân bài,
kết luận). Chúng tôi lần lượt trình bày hai loại văn bản cho trước: văn bản kể
chuyện đời thường và văn bản kể chuyện tưởng tượng.
* Bài tập lập dàn ý từ văn bản kể chuyện đời thường
Giáo viên: Chọn một văn bản rồi yêu cầu học sinh dựng lại dàn ý đó từ
văn bản đó. Để làm được điều này học sinh cần thực hiện các bước:
+ Căn cứ vào văn bản, xác định hệ thống ý và bố cục.
+ Lập dàn ý với hệ thống đã xác định.
Sau đây là ví dụ: Hãy dựng lại dàn ý từ một bài văn sau đây:
Một khi đi đâu xa, vắng mẹ, hoặc khi mẹ đi công tác, ngồi một mình
nhiều lúc lòng tôi cứ nao nao trống trải. Nhớ đến mẹ, tôi không sao quên được
những gì mẹ đã hy sinh cho riêng tôi.
Năm vào lớp 6 tôi là một đứa trẻ ốm yếu, mỗi ngày đến trường phải có mẹ
đưa đón, nhưng hôm ấy bỗng dưng trời đổ mưa thật to rồi kéo dài mấy giờ. Từ
9


cơ quan mẹ vội chạy đến trường để đón tôi. Cái áo mưa chỉ đủ che cho một
người, mẹ dứt khoát để cho tôi che. Mẹ nói: “Mẹ dầm mưa quen rồi”, tôi ngay
thơ che áo mưa mà không chút ngập ngừng. Về đến nhà trời đã tối sẫm thế mà

cơn mưa vẫn chưa tạnh. Nó kéo dài ghê thật!
Bữa cơm chiều của gia đình tôi được bắt đầu thật vắng vẻ chỉ có tôi và
mẹ. Bởi vì bố tôi bận công tác nơi xa. Ngồi ăn cơm với mẹ, trông mẹ có vẻ mệt
mỏi. Thấy mặt tôi có vẻ buồn buồn mẹ tôi bảo: “Con cứ ăn đi, mẹ chỉ hơi mệt
thôi”.
Và ngày hôm sau mẹ không đến trường đón tôi như mọi khi. Tôi chạy
một mạch về nhà thì hay tin mẹ tôi bị cảm nặng phải đi bệnh viện. Tôi cuống
cuồng chạy vào bệnh viện, nhìn thấy gương mặt mẹ mệt mỏi xanh xao, tôi thấy
lòng đau nhói. Suốt mấy ngày mẹ nằm viện tôi luôn ngồi cạnh mẹ, cho đến khi
mẹ được xuất viện.
Câu chuyện diễn ra chỉ có vậy nhưng đối với tôi là cả một kỷ niệm về tình
mẹ cao quý. Dù bây giờ mẹ không phải đón tôi đưa tôi đi học nữa, nhưng làm
sao tôi có thể quên được hình ảnh mẹ tôi ngày hôm ấy… càng nhớ đến tôi càng
khắc sâu câu ca dao “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Cho đến bây giờ thời gian dù có qua đi nhưng kỷ niệm của tôi về mẹ
không phôi phai. Đối với tôi, mẹ là tất cả, là sự sống của đời tôi. Và làm sao tôi
có thể quên được hình ảnh mẹ tôi lướt thướt trong mưa.
Câu hỏi:
- Đây là kiểu bài gì? Nhân vật chính trong truyện là ai? Tính cách nhân
vật đó ra sao?
- Chuyện gồm có mấy phần? Đó là những phần nào?
- Chuyện có những sự việc gì? Diễn biến của sự việc đó ra sao?
- Câu chuyện có ý nghĩa gì?
Học sinh phải trả lời được:
- Kiểu bài kể chuyện đời thường. Nhân vật chính là người mẹ. Truyện có
kết cấu ba phần: đoạn mở đầu kể và giới thiệu hoàn cảnh phát sinh chuyện. Các
10


đoạn tiếp theo kể diễn biến các sự việc: kỷ niệm của nhân vật tôi ở năm học lớp

6 về người mẹ. Đoạn văn cuối cùng nêu cảm nghĩ của nhân vật tôi đối với người
mẹ.
Có thể khái quát thành dàn ý như sau:
Mở bài: Người kể chuyện (nhân vật tôi) kể về người mẹ thân yêu của
mình.
Thân bài: Kể diễn biến các sự việc
- Kỷ niệm của nhân vật tôi ở năm lớp 6: Hàng ngày mẹ thường đưa đón
em đến trường.
- Tuy rất mệt nhưng mẹ vẫn vui và luôn động viên em.
- Gặp trời mưa mẹ bị cảm và phải nằm viện.
- Nhìn khuôn mặt xanh xao, mệt mỏi em thấy lòng đau nhói.
Kết luận: Cảm xúc sâu lắng của nhân vật tôi khi nghĩ về người mẹ kính
yêu của mình.
Ý nghĩa của truyện: Thông qua cảm nhận của nhân vật tôi câu chuyện ca
ngợi tấm lòng thương con của người mẹ.
* Bài tập lập dàn ý từ văn bản kể chuyện tưởng tượng.
Yêu cầu: Từ văn bản sau đây hãy lập dàn ý rồi trả lời các câu hỏi ở cuối
bài.
Sơn Tinh và Thuỷ Tinh cùng đến hỏi Mỵ Nương con gái Vua Hùng làm
vợ. Ai cũng có tài nên Vua Hùng không biết chọn người nào. Vua mời quần
thần đến bàn bạc. Cuối cùng vua nói: Hai chàng đều vừa ý ta nhưng ta chỉ có
một người con gái, vậy ngày mai ai mang sính lễ đến trước và theo đúng yêu cầu
của ta, ta sẽ gả con gái cho. Sính lễ phải đầy đủ các nguyên vật liệu, các phương
tiện để xây một ngôi nhà đẹp nhất để làm nhà hạnh phúc cho con gái ta.
Hôm sau mới tờ mờ sáng Sơn Tinh đã đem đầy đủ lễ vật đến rước Mỵ
Nương về núi. Thuỷ Tinh đến sau nổi giận đùng đùng mang quân đuổi theo.
Thuỷ Tinh hô mưa, gọi gió làm thành giông bão dâng nước cuộn cuộn đánh Sơn

11



Tinh. Nước ngập ruộng đồng, nước dâng lên lưng đồi, sườn núi, nước làm trôi
nhà cửa, phá tan ruộng vườn…
Trước sự điên cuồng của Thuỷ Tinh, Sơn Tinh không hề nao núng. Sơn
Tinh dùng máy xúc, máy ủi, máy trộn bê tông nhanh chóng dựng thành những
bờ đê “Bê tông hoá”. Cần cẩu, xe vận tải được sử dụng liên tục trong việc vận
chuyển phương tiện hộ đê. Để đề phòng Thuỷ Tinh lật úp thuyền lại, muốn sẵn
sàng có phương tiện trong tay nên Sơn Tinh đã cho trực thăng vận chuyển hàng
hoá, lương thực đến nơi bị ngập lụt. Nước dâng cao đến đâu, Sơn Tinh lại cho
xây kè, xây đập đến đó. Càng đánh quân lính của Thuỷ Tinh càng thấm mệt.
Dòng dã mấy tháng trời liền như vậy mà Thuỷ Tinh không thắng lợi Sơn
Tinh. Thế trận của Sơn Tinh ngày càng được củng cố một cách chắc chắn. Sơn
Tinh càng đánh càng nắm thế chủ động. Cuối cùng vì kiệt sức, Thuỷ Tinh đành
phải lui quân.
Oán nặng thù sâu, hàng năm cứ vào tháng 7, tháng 8 Thuỷ Tinh lại dâng
nước đánh Sơn Tinh. Biết trước điều đó Sơn Tinh cho lính xây dựng đê điều,
ngăn đập làm hồ chứa nước, chuẩn bị mọi phương tiện ứng phó khi bão lụt xảy
ra. Bởi thế năm nào cũng vậy dù hung hãn đến đâu Thuỷ Tinh vẫn không thắng
nổi Sơn Tinh và đành chấp nhận sự thất bại cay đắng.
Giáo viên hướng dẫn học sinh trả lời câu hỏi:
- Đây là kiểu bài gì?
- Hãy nêu hoàn cảnh và tình huống phát sinh câu chuyện?
- Phần diễn biến có những sự việc nào? Sự việc nào là cao trào? Gây sự
hồi hộp nhất?
- Tìm sự việc kết thúc của chuyện?
- Câu chuyện có ý nghĩa gì?
Học sinh phải trả lời được:
- Kiểu bài kể chuyện tưởng tượng. Chuyện được kể dựa theo cốt truyện đã
có “Sơn Tinh, Thuỷ Tinh” để sáng tạo ra một số chi tiết phù hợp với sự phát
triển của khoa học kỹ thuật trong thời đại ngày nay.

12


- Hoàn cảnh và tình huống phát sinh câu chuyện: Vua Hùng kén rể, cùng
một lúc có hai vị thần tài giỏi đến cầu hôn.
- Trong phần diễn biến của chuyện gồm có các sự việc:
+ Sơn Tinh đem lễ vật đến trước cưới được Mỵ Nương.
+ Thuỷ Tinh đến sau tức giận, đuổi theo cướp Mỵ Nương.
+ Cuộc chiến dữ dội giữa hai thần.
* Sơn Tinh không hề nao núng, sử dụng mọi phương tiện hiện đại để
chống lại.
* Thuỷ Tinh thất bại nhưng không quên mối thù với Sơn Tinh.
- Sự việc “ai mang lễ vật đến trước” là cao trào, gây sự hồi hộp chờ đợi
cho người đọc.
- Sự việc kết thúc: Thuỷ Tinh oán nặng thù sâu với Sơn Tinh, hàng năm
đem quân gây chiến.
- Ý nghĩa của chuyện: Ca ngợi sức mạnh chế ngự và chinh phục thiên
nhiên của nhân dân ta.
Giáo viên gợi ý học sinh tìm ra kết cấu ba phần:
Mở bài: Giới thiệu nhân vật Sơn Tinh, Thuỷ Tinh và việc kén rể của Vua
Hùng.
Thân bài: Kể diễn biến tình tiết các sự việc.
- Sơn Tinh đến trước cưới được Mỵ Nương, Thuỷ Tinh nổi giận.
- Cuộc giao chiến ác liệt giữa hai vị thần.
- Kết quả của trận giao chiến.
- Thuỷ Tinh thua cuộc mang oán nặng thù sâu.
Kết bài: Mối thù không đội trời chung của Thuỷ Tinh đối với Sơn Tinh.
2. Bài tập biến đổi dàn ý.
Đây là dạng bài tập nhằm phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của học
sinh, chúng tôi cho học sinh luyện tập theo hai cách:

- Từ dàn ý sơ lược phát triển thành dàn ý chi tiết.
- Từ dàn ý chi tiết khái quát thành dàn ý sơ lược.
13


* Bài tập biến đổi dàn ý sơ lược thành dàn ý chi tiết
Giáo viên chọn và cho một dàn ý mẫu, yêu cầu học sinh biến đổi:
Đê bài: Một học sinh lười học, thường ỉ lại, dựa dẫm sao chép bài của
bạn. Được bạn bè góp ý và giúp đỡ, học sinh đó nhận ra khuyết điểm và quyết
tâm sửa chữa.
Em hãy dựa vào nội dung trên phát triển thành một câu chuyện sinh động
bằng cách lập dàn ý sơ lược.
Mở bài: Giới thiệu tình huống chuyện và nhân vật.
Đang ngồi ngắm cảnh, tôi chợt trông thấy cây tầm gửi, và tự liên tưởng
đến mình.
Thân bài: Diễn biến các sự kiện
- Nhiều lần ngồi học bài mà tâm trí tôi cứ nghĩ đến cuộc vui chơi cùng
bạn bè.
- Tôi nhớ lại cách đây không lâu điểm 1 cô cho còn chưa khô vết mực.
- Tôi rất buồn và xấu hổ.
- Nghĩ về sự tần tảo của mẹ tôi không sao cầm được nước mắt.
- Được cô giáo và bạn bè trong lớp khuyên nhủ, tôi quyết tâm sửa chữa
những sai lầm.
- Kết quả cuối năm tôi đạt được học sinh giỏi.
Kết luận:
- Cầm tấm giấy khen trên tay tôi thầm cảm ơn mọi người.
- Tôi sẽ cố gắng không để phụ lòng mọi người.
Từ dàn ý trên em hãy phát triển thành dàn ý chi tiết.
Mở bài:
- Những cơn gió thổi mạnh như muốn rứt cây tầm gửi khỏi thân cây sổi

già.
- Tôi liên tưởng đén cuộc sống ăn bám của cây và nghĩ đến việc lười học
của mình mà chạnh lòng.
Thân bài:
14


- Tôi nhớ lại rất nhiều hôm đang ngồi ở bàn học mà tư tưởng cứ bị phân
tán.
+ Lúc thì bạn Lan đến rủ đi chơi.
+ Hôm thì cùng các bạn kéo nhau đi đá bóng.
- Mải chơi tôi không còn tâm trí nào học bài.
+ Bài tập cô ra không làm được, lý thuyết chưa thuộc.
+ Tôi luôn bị điểm kém và rất xấu hổ.
- Bỗng hình ảnh của mẹ cùng với đôi vai gầy làm tôi bừng tỉnh.
+ Không đi chơi nữa.
+ Ở nhà ôn bài xong, tôi làm việc giúp đỡ mẹ.
+ Được sự giúp đỡ của cô giáo chủ nhiệm và các bạn trong lớp, tôi tiến bộ
rất nhiều.
- Cuối năm tôi đạt học sinh giỏi toàn diện.
Kết bài:
- Cầm tấm giấy khen trên tay tôi rưng rưng cảm động.
- Tôi tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng học thật chăm.
* Bài tập biến đổi dàn ý chi tiết thành dàn ý sơ lược
Mục đích của kiểu bài tập này nhằm hình thành khả năng tóm lược, khái
quát các ý trọng tâm, trọng điểm, các ý chính từ những câu, những đoạn trong
bài văn.
Cho đề bài và dàn ý mẫu sau đây:
Đề bài: Em hãy kể về tâm sự của một cuốn sách bị bỏ quên.
Đây là dạng đề kể chuyện tưởng tượng. Ngôi kẻ là quyển sách (ngôi thứ

nhất).
Dàn ý chi tiết:
Mở bài:
- Cách đây tròn một năm tôi được xuất hiện trên giá sách cậu chủ với cái
tên thật thân thương: “Toán lớp 6”.
Thân bài:
15


- Khi tôi mới về nhà với cậu chủ:
+ Tôi rất đẹp và thơm mùi giấy.
+ Da tôi rất nhẵn, có hàng chữ thẳng tắp, lại còn có cả hình vẽ nữa.
+ Cậu chủ rất yêu quý tôi, luôn mang trong cặp.
+ Tôi giúp ích nhiều cho cậu chủ.
+ Tôi luôn là người bạn tốt của cậu.
- Khi cậu chủ lên lớp 7:
+ Tôi bị lãng quên trong góc tủ.
+ Trước kia đẹp là thế, mà giờ đây tôi thật thảm hại.
+ Da tôi nhăn nheo, các góc quăn tít lại còn bị bẩn và rách nữa.
+ Cậu chủ đã bỏ rơi tôi.
+ Tôi rất buồn và oán trách cậu chủ.
Kết bài:
- Lời tâm sự gửi gắm của sách.
+ Tôi mong rằng các bạn đừng như cậu chủ tôi.
+ Vì sách là kho tàng tri thức quý báu của nhân loại.
Từ dàn ý chi tiết trên, em hãy khái quát thành dàn ý sơ lược.
Mở bài:
- Người ta gọi tôi là toán 6 – bạn tri kỷ với cậu chủ tôi.
Thân bài:
- Khi mới về tôi rất tự hào sống trong sự yêu thương của cậu chủ.

- Tôi luôn là người bạn tốt để giúp đỡ cậu chủ tôi trong mọi hoàn cảnh.
- Khi cậu chủ lên lớp 7 tôi trở thành người thừa bị lãng quên.
- Tôi rất buồn và trách cậu chủ.
Kết bài: Lời nhắn nhủ của tôi muốn nói với mọi người: Đừng giống như
cậu chủ tôi.
3. Bài tập hoàn chỉnh dàn ý:
Mục đích của dạng bài tập này nhằm nhắc lại những lý thuyết cơ bản khi
“Tìm hiểu dàn bài của bài văn tự sự” để rèn luyện kỹ năng lập dàn ý theo bố cục
16


ba phần (mở bài, thân bài, kết bài). Nêu nhiệm vụ và nhấn mạnh vai trò không
thể vắng mặt của từng phần.
Giáo viên giới thiệu dàn ý không đạt yêu cầu, yêu cầu học sinh sửa chữa
và hoàn chỉnh dàn ý, học sinh cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Đọc và xác định yêu cầu của bài.
Bước 2: Phát hiện các lỗi của dàn ý.
Bước 3: Sửa chữa và hoàn chỉnh dàn ý.
* Bài tập hoàn chỉnh phần mở bài
Cho đề bài sau: Hãy kể lại một lỗi lầm của em.
Dựa vào đề tài trên em hãy hoàn chỉnh phần mở bài cho dàn ý sau đây.
Mở bài:
Thân bài: Diễn biến sự việc.
- Giới thiệu vài nét về mình.
- Hoàn cảnh mắc lỗi (giờ kiểm tra lịch sử).
- Nguyên nhân mắc lỗi:
+ Do mải chơi, không học bài.
- Hành động phạm lỗi.
+ Mở vở, rồi chối cãi là không mở.
+ Viết bản tường trình sai lệch với sự thật.

Kết bài:
- Suy nghĩ hối hận về lỗi lầm của mình.
- Quyết tâm sửa chữa.
Dựa vào phần thân bài và kết bài ở trên để viết phần mở bài.
Muốn làm được cần trả lời các câu hỏi sau:
- Câu chuyện xảy ra trong hoàn cảnh như thế nào?
- Nhân vật chính trong truyện là ai? Kể ở ngôi thứ mấy?
Trả lời được hai câu hỏi trên ta sẽ có phần mở bài như sau:
Mở bài:
- Đó là tiết kiểm tra lịch sử.
17


- Vì chưa thuộc bài nên tôi (em) đã giở vở.
* Bài tập hoàn chỉnh phần thân bài
Đề bài: Hãy kể lại cuộc gặp gỡ giữa em và một nhân vật trong truyện cổ
tích mà em có ấn tượng sâu sắc.
Dựa vào đề bài trên hãy hoàn chỉnh phần thân bài cho dàn bài sau:
Mở bài: Giới thiệu lý do gặp gỡ với Mai An Tiêm (trong truyện “sự tích
dưa hấu”).
Thân bài:
Kết bài: Chia tay với nhân vật và cảm nghĩ của mình về nhân vật.
Đây là bài tập khó nhất của dạng này. Để làm được bài tập này học sinh
phải tìm hiểu đề bài theo các bước:
- Kiểu đề: Là đề bài kể chuyện tưởng tượng.
Kể một câu chuyện gặp gỡ giữa một bản học sinh với một nhân vật cổ tích
(Mai An Tiêm) trong truyện “sự tích dưa hấu”.
- Nội dung cần kể:
+ Nguyên nhân của sự gặp gỡ; Em đọc truyện “Sự tích dưa hấu”, cảm
phục Mai An Tiêm và được gặp trong mơ.

+ Dựng lại hình dáng Mai An Tiêm.
+ Mai An Tiêm kể lại nguyên nhân bị đầy ra đảo hoang và vượt qua được
gian khổ.
+ Cảm nghĩa của em về Mai Am Tiêm.
- Phương hướng kể:
+ Kể lại cuộc gặp gỡ giữa em với một nhân vật trong truyện cổ tích nghĩa
là phải dựng lại cuộc đối thoại giữa em với nhân vật ấy.
+ Để tạo ra được sự gặp gỡ lý thú, tốt nhất là tưởng tượng ra một giấc mơ.
+ Phải dựng lại diện mạo nhân vật theo phong thái cổ xưa thì mới đúng là
nhân vật trong truyện cổ tích.
Từ các nội dung đã tìm được chúng ta có phần thân bài như sau:
Thân bài: Diễn biến câu chuyện.
18


- Dựng lại diện mạo của Mai An Tiêm.
+ Một người đàn ông cao lớn vạm vỡ, đóng khố, búi tóc củ hành, khuôn
mặt chữ điền.
+ Em rất ngạc nhiên và nhận ra đó là Mai An Tiêm.
- Qua cuộc trò chuyện làm nổi bật lên những phẩm chất:
+ Đức tính thẳng thắn, trung thực của Mai An Tiêm.
+ Nguyên nhân Mai An Tiêm bị đầy ra đảo hoang.
+ An Tiêm vượt qua gian nan vất vả.
+ An Tiêm trở về đất liền và tình cảm của An Tiêm đối với Vua Hùng.
* Bài tập hoàn chỉnh phần kết luận
Đề bài: Em hãy chuyển bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ
(Văn học 6, tập 1) thành một câu chuyện.
Dàn bài sau đây còn thiếu phần kết luận. Em hãy làm nốt để hoàn chỉnh
cho dàn bài.
Mở bài: Giới thiệu nhân vật, hoàn cảnh diễn ra câu chuyện.

- Nhân vật: Bác Hồ và anh đội viên.
Hoàn cảnh: Trong một đêm mưa rét ở chiến khu Việt Bắc.
Thân bài: Diễn biến câu chuyện.
- Kể lại câu chuyện Bác không ngủ (kết hợp với miêu tả).
+ Vẻ mặt, đôi mắt, vầng trán của Bác.
+ Tình cảm của Bác.
- Kể chuyện anh đội viên, người tình cờ thức dậy.
+ Anh chứng kiến “Bác không ngủ lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba”.
+ Cảm xúc và suy nghĩ của anh. Cuộc đối thoại giữa anh và Bác.
- Phát biểu cảm xúc, suy nghĩ (dựa vào khổ cuối cùng).
Kết luận:
Để làm được việc này, học sinh cần phải đọc kỹ bài thơ để nắm được nội
dung cùng với những hiểu biết về con người của Bác Hồ ở ngoài đời để tìm ra

19


những ý cho phần kết luận: đó là cảm xúc suy nghĩ của Bác – người cha già kính
yêu của dân tộc; đó là tình thương và sự kính phục đối với Bác.
Kết luận như sau:
- Cảm nghĩ về Bác.
- Cảm nghĩ về tình thương của Bác và tình thương đối với Bác.
Ngoài ba dạng bài tập trên, còn có dạng bài tập hoàn chỉnh dàn ý bằng
cách sửa lỗi cho dàn ý như:
- Lỗi thiếu ý.
- Lỗi trùng lặp ý.
- Lỗi xa đà.
- Lỗi lạc đề.
- Lỗi phân bố dàn ý không hợp lý.
- Lỗi liên kết và logíc.

Các dạng bài tập này chúng tôi sẽ tiến hành phối hợp trong giờ luyện tâp.
4. Bài tập lập dàn ý từ đề bài cho trước.
Trong các tài liệu tham khảo và SGK từ trước tới nay đây là dạng bài tập
quen thuộc ta thường gặp nhưng thuộc dạng bài tập khó, đòi hỏi học sinh phải
nắm vững kiến thức về lý thuyết cũng như vận dụng một cách thành thạo và kỹ
năng làm văn. Dạng bài tập này yêu cầu người viết từ một đề bài cho trước trải
qua các thao tác làm văn để tạo lập văn bản.
Đối với đề bài văn kể chuyện có rất nhiều kiểu, dạng khác nhau chúng tôi
khái quát thành hai dạng đề cơ bản.
- Dạng đề kể chuyện từ đời sống người và thực, việc thực.
- Dạng đề kể chuyện theo đề tài tưởng tượng.
Căn cứ vào cách phân loại này chúng tôi đưa ra hai hình thức rèn luyện
chính:
* Bài tập rèn luyện kỹ năng lập dàn ý cho dạng bài kể chuyện từ đời thường
Bài tập rèn kỹ năng lập dàn ý từ đề bài kể chuyện danh nhân.
Bài tập rèn luyện kỹ năng lập dàn ý từ đề bài sinh hoạt đời thường.
20


- Rèn luyện kỹ năng lập dàn ý từ đề bài kể chuyện danh nhân.
Giáo viên ra đề sau: Hãy lập dàn ý cho đề tài sau đây:
Em hãy kể chuyện về một danh nhân trong lịch sử nước nhà mà em biết
và kính phục.
Học sinh cần thực hiện các bước sau:
Tìm hiểu đề:
Kiểu đề kể chuyện danh nhân.
Nội dung cần kể:
+ Giới thiệu sơ lược tiểu sử người được kể.
+ Giới thiệu những sự kiện làm nổi bật tài năng tính cách, đạo đức, tâm
hồn của danh nhân.

+ Cảm nhận chung của mình về danh nhân đó.
Phương hướng cần kể: Nắm được những đặc điểm của đề tài. Kể chuyện
danh nhân trong lịch sử nước nhà mà em biết. có hai cách kể:
+ Kể lại tiểu sử và sự nghiệp của người đó rồi nhận xét khái quát và nêu
cảm nhận của mình.
+ Kể lại một mẩu chuyện có liên quan tới người đó, để làm nổi bật tài
năng, đạo đức, tính cách của người đó.
Lưu ý: Đây là đề tài yêu cầu kể chuyện người thực, việc thực nên phải kể
trung thực, không được hư cấu, không được thêm thắt. Nhưng phải biết lựa chọn
sự việc tiêu biểu và sắp xếp theo một trình tự hợp lý.
Dưới đây là dàn ý mẫu mà chúng tôi đưa ra từ đề bài kể chuện về cuộc
đời và sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm theo cách thứ nhất.
Dàn bài:
Mở bài: Giới thiệu về Nguyễn Bỉnh Khiêm: Nhà thơ, nhà giáo dục, bậc
tiên tri của dân tộc.
Thân bài: Diễn biến các sự việc.
- Giới thiệu sơ lược tiểu sử Nguyễn Bỉnh Khiêm: Năm sinh, nơi sinh, quê
quán, cha mẹ…
21


- Kể lại vài nét về cuộc đời: Từ nhỏ đến khi lớn lên, đi thi, làm quan, về ở
ẩn.
- Kể những nét chính về sự nghiệp:
+ Là nhà thơ lớn, tác giả tập thơ Bạch Vân Nam thi tập.
+ Nhà giáo dục vĩ đại, có nhiều học trò giỏi.
+ Bậc tiên tri -Tập “sấm ký”.
Kết luận: Nhận xét chung.
Là một danh nhân văn hoá của dân tộc.
- Bài tập rèn luyện kỹ năng lập dàn ý từ để bài kể chuyện sinh hoạt đời

thường.
Hãy lập dàn ý cho đề bài sau đây:
Một đêm trăng sáng, bà kể chuyện đời xưa cho mọi người nghe. Em hãy
kể lại một kỷ niệm về một gia đình ấm cúng đó.
Học sinh cần thực hiện các bước sau:
Tìm hiểu đề:
- Đây là đề kể chuyện đời thường người thật, việc thật.
- Kể về kỷ niệm cảnh gia đình dầm ấm. Kỷ niệm làm em nhớ mãi.
Gợi ý: Để làm được đề tài này em có thể chọn một kỷ niệm sâu sắc nhất.
Có thể đó là vào một buổi tối sau khi ăn cơm chiều xong, cả nhà em cùng ngồi
ngắm trăng được bà kể lại câu chuyện cổ tích: “Chú Cuội cung trăng”. Kỷ niệm
đó đã gắn bó với em cả quãng đời thơ ấu.
Có thể lập dàn ý như sau:
Mở bài: (Giới thiệu nhân vật và hoàn cảnh).
- Một đêm trăng tuyệt diệu.
- Không khí gia đình em (tôi) thật đầm ấm.
Thân bài: (Phát triển câu chuyện).
- Sau bữa cơm chiều, mọi người trong gia đình ngồi nghỉ ngơi và uống
nước. Bà nằm võng nhai trầu.

22


- Bà nội đố chị em tôi ai ngồi trên mặt trăng? Chị em đoán mỗi người
một khác, bà nội trả lời đó là chú Cuội.
- Bà nội kể chuyện chú Cuội trên cung trăng.
- Ba tôi chăm chú nghe quên cả hút thuốc, mẹ ngồi bên im lặng.
- Câu chuyện hấp dẫn và cuốn hút.
- Câu chuyện kết thúc chị em tôi nhìn lên mặt trăng thấy hình chú Cuội in
đậm trên đó.

Kết luận: (Khép lại sự việc).
- Trăng sáng soi vào chiếc võng bà nằm trông bà như một bà tiên cổ tích.
- Tôi mong sao bà mãi không già để kể cho chúng tôi những câu chuyện
hay như vậy.
* Rèn luyện kỹ năng lập dàn ý từ đề bài kể chuyện tưởng tượng.
Loại bài tập này có rất nhiều dạng khác nhau. Chúng tôi chọn ba dạng cơ
bản phù hợp với học sinh để luyện tập:
Kể chuyện tưởng tượng về số phận và tâm tính một sự vật.
Kể chuyện đã biết theo một kết cục mới.
Kể một chuyện cũ theo ngôi kể mới.
- Bài tập rèn luyện kỹ năng lập dàn ý từ đề bài kể chuyện tưởng tượng về
một số phận và tâm tình một sự.
Lập dàn ý từ đề bài sau: Em hãy kể lại lời tâm sự của một cái giường bị
bỏ đi.
Để làm được đề tài này học sinh cần nêu được các ý sau:
- Giới thiệu đồ vật (cái giường) mình định kể hoặc để đồ vật tự giới thiệu.
- Đồ vật đã xuất hiện trong gia đình em như thế nào?
- Tình cảm của em đối với đồ vật đó ra sao?
- Tình cảm của đồ vật những ngày đầu đối với em?
- Tình cảm giữa em với đồ vật ngày càng sâu sắc như thế nào?
- Câu chuyện được kết thúc ra sao? Tình cảm của em đối với đồ vật ra
sao.
23


Trả lời được các câu hỏi trên là em đã có được các ý chính cần triển khai
trong nội dung bài làm.
Lập dàn ý sơ lược như sau:
Mở bài: Cái giường tự giới thiệu về thân phận của mình.
Thân bài: Diễn biến sự việc…

- Niềm tự hào của cái giường khi ở cửa hàng.
- Niềm kiêu hãnh của cái giường trên đường về nhà.
- Cái giường bắt đầu cuộc sống mới.
- Cái giường gắn bó và phục vụ cuộc sống của con người.
- Tâm sự đau buồn của cái giường lúc bị ruồng bỏ.
Kết bài: Ước nguyện cuối cùng của cái giường.
- Rèn luyện kỹ năng lập dàn ý từ đề bài kể chuyện đã biết theo một kết
cục mới.
Hãy lập dàn ý cho đề bài: Em hãy viết đoạn kết mới cho truyện “ông lão
đánh cá và con cá vàng”.
Để làm được bài tập này học sinh phải nhớ lại cốt truyện “Ông lão đánh
cá và con cá vàng”. Nhớ lại sự việc kết thúc trong câu chuyện để tiếp nối sự việc
sau vào và tưởng tượng ra một kết cục mới khác với kết cục đã có.
Có thể lập dàn ý sơ lược như sau:
Mở bài: Giới thiệu sự việc và nhân vật.
Là nữ hoàng được một thời gian, mụ vợ lại bắt ông lãi phải đi gặp cá vàng
Thân bài: Diễn biến các sự việc.
- Ông lão đi ra biển rẽ sóng đi vào biển cả.
- Ông lão trở thành khách quý của Long vương.
- Mụ vợ chờ mãi không thấy chồng về, mụ đi tìm ông lão.
- Ông lão đánh cá muốn trở về nhà.
Kết luận: Kết thúc câu chuyện.
Ông lão trở về nhà hạnh phúc với người vợ nghèo năm xưa.

24


Có thể ra thêm bài tập: Từ đàn ý trên em hãy phát triển các ý thành bài
văn hoàn chỉnh bằng lời văn của em.
- Rèn luyện kỹ năng lập dàn ý từ đề bài kể một chuyện cũ theo ngôi kể

mới.
Hãy lập dàn ý cho đề bài: Kể chuyện “Con hổ có nghĩa” theo ngôi kể bà
đỡ Trần.
Với đề này, yêu cầu học sinh phải dựa vào câu chuyện: “Con hổ có nghĩa”
(Ngữ văn 6 tập 1). Có thể lấy những chi tiết đã có trong truyện hoặc tưởng tượng
ra các chi tiết khác để kể. Nhưng phải xác định ngôi kể trong bài là ngôi kể thứ
nhất, nghĩa là bà đỡ Trần tự kể về mình. Có thể kể theo trình tự mình lựa chọn
miễn sao trình tự đó được sắp xếp phù hợp với diễn biến câu chuyện.
Ta có dàn ý sơ lược:
Mở bài: Giới thiệu nhân vật, sự việc.
- Bà đỡ Trần tự giới thiệu về mình.
Thân bài: Diễn biến sự việc.
- Bà đỡ Trần bị hổ bắt đi.
- Bà đỡ Trần đỡ đẻ cho hổ cái.
- Hổ đực cảm ơn ân nghĩa của bà đỡ Trần.
- Câu chuyện khác về con hổ ở Lạng Giang đáp nghĩa các tiều phu.
Kết luận:
- Khép lại câu chuyện.
- Suy nghĩ của bà đỡ Trần.
C. THỰC NGHIỆM SƯ PHẠM:
Đề tài trên đã được dạy thực nghiệm tại lớp 6A3 trường THCS Giảng
Võ. Sau khi tiến hành giảng dạy, kiểm tra và trả bài, chúng tôi đánh giá kết quả
thực nghiệm như sau:
1. Về nội dung và hình thức:
- Hệ thống bài tập phù hợp với tầm nhận thức của học sinh, các bài tập có
sự phân loại theo trình độ của học sinh.
25



×