Tải bản đầy đủ (.docx) (5 trang)

Đề văn: CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ: CHIẾN THẮNG TUYỆT ĐỐI CỦA CÁI ĐẸP hay nhất

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (75.66 KB, 5 trang )

Đề bài: CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ: CHIẾN THẮNG TUYỆT ĐỐI CỦA CÁI ĐẸP
Bài làm
Ban đầu, khi mới đọc văn của Nguyễn Tuân, tôi thấy cụ hay nói mình là người luôn thờ
hai chữ nghệ thuật viết hoa. Có lẽ vì thế mà tôi, cũng như nhiều người, xem ông là nhà
văn duy mĩ, chủ trương đặt nghệ thuật lên trên hết thảy mọi thiện ác ở đời. Nhưng khi
đọc đi đọc lại những tuyển tập văn cụ, cũng như nghiền ngẫm những bài viết dựng chân
dung của GS Nguyễn Đăng Mạnh, tôi mới thấm thía rằng: đó chẳng qua là cách nói
ngông, là cách cụ ném niềm căm phẫn của một con người rất Người, của một nghệ sĩ rất
Nghệ sĩ vào trong cái xã hội mà cụ cho là thù nghịch với cái đẹp mà thôi. Ở cụ, cái chất
nhân văn thiên bẩm của một người cầm bút luôn đầy tràn, tươm ra từ dấu câu đến từng
con chữ. Ấy vậy mà sang đến năm thứ ba tôi giảng cho học trò nghe về văn của của cụ
trước cách mạng, tức là bài Chữ người tử tù, tôi mới hiểu hơn về cảm hứng cái Đẹp chiến
thắng cái Ác. Chữ người tử tù không chỉ đơn thuần là bài tụng ca về một vẻ đẹp của một
thời quá vãng, mà nó còn là chuyện của hiện tại, của tương lai, là niềm tin son sắt của cụ
Nguyễn về sự bất diệt của cái Đẹp trong cõi trần ai ta bà này.
Cái Đẹp, với Nguyễn Tuân, là sự tổng hợp của cái tài hoa, cái khí phách và cái thiên
lương trong bản thể của mỗi con người “chi sơ”. Ở Nguyễn Tuân, cái Đẹp không hề đối
lập với cái Tài và cái Tâm. Mà trái lại, Tâm, Tài và Đẹp là tam vị nhất thể. Trong tác
phẩm của mình, Nguyễn Tuân đã xây dựng bộ ba hình tượng nhân vật đặc biệt, tưởng
như đối nghịch hoá ra lại là tri âm, và một “cảnh tượng xưa nay chưa từng có” để gửi
gắm bức thông điệp nhân văn về sự chiến thắng tất yếu của cái Đẹp.
Trước hết, đó là ông Huấn đạo họ Cao, một nhà Nho phản loạn, tượng trưng cho cái đẹp
toàn bích, kết tinh cái đẹp hoàn hảo nhất trong toàn bộ văn nghiệp của người nghệ sĩ họ
Nguyễn. Huấn Cao có cái tài hoa của một người nghệ sĩ thứ thiệt, là thứ “vàng mười” mà
Nguyễn Tuân luôn kiếm tìm trong hành trình 77 năm dài dặc đời mình. Huấn Cao là
người sáng tạo cái đẹp, là người thợ điểm phấn tô son cho cuộc đời thêm hương thêm sắc.
Ông có cái tài “viết chữ rất nhanh và rất đẹp”, chữ của ông là những “nét chữ vuông tươi
tắn nó nói lên những hoài bão tung hoành của một đời con người”. Cũng như bao nhiêu
người nghệ nhân thư pháp đỉnh cao khác, chữ ông Huấn là kết tinh của tâm, ý, khí, thần.
Nét chữ là nết người. Có lẽ thế mà chữ Huấn Cao lại trở thành “một vật báu ở đời”, khiến
cho bao người phải khao khát, là “sở nguyện” của bao người từ khi “biết đọc vỡ nghĩa


sách thánh hiền” và sẵn sàng đánh đổi cả sinh mạng toàn gia để có được nó, như viên
quản ngục chẳng hạn. Nhưng bấy nhiêu chưa đủ để Huấn Cao trở thành một biểu tượng
rực rỡ cho cái Đẹp. Huấn Cao còn là một người “văn võ đều có tài cả”. Không chỉ nổi
danh với tài nghệ “bẻ khoá và vượt ngục”, cái hơn hết ở con người “thủ xướng” này
chính là khí phách ngoan cường của một người anh hùng đỉnh thiên lập địa. Cái cách ông
dỗ gông trừ rệp ngạo nghễ, lạnh lùng trước lời đe doạ của tên lính giải tù; cái cách ông
thản nhiên nhận rượu thịt của kẻ bên kia chiến tuyến thản nhiên xem như “cái hứng sinh
bình lúc chưa bị giam cầm”; cái cách ông ném những lời khinh bạc vào mặt ngục quan,
người biệt đãi mình trong những ngày cuối cùng của một thân nam tử, dù có thể chịu lãnh
những trận đòn thù ác hiểm của một chúa ngục… cứ như những nét chạm nổi lên tấm
phù điêu chân dung nhà Nho khởi nghĩa. Một con người “chọc trời quấy nước, đến trên
đầu người ta, người ta cũng còn chẳng biết có ai” ấy tưởng như không còn sợ cái gì nữa,


tưởng như toàn thân con người ấy chỉ toàn là gươm là thép. Hoá ra lại không, con người
ấy cũng biết “nhất sinh đê thủ bái mai hoa” như nguyên mẫu Cao Chu Thần. Thế nên khi
nghe đến những lời tâm can mà thầy thơ lại gầy gò giãi bày thay cho vị trưởng quan, ông
Huấn “lặng nghĩ”, rồi “mỉm cười” và dốc cả gan ruột mình ra với người mới rồi còn là
thù nghịch: “Về bảo với chủ ngươi […] Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong
thiên hạ”. Người không sợ trời, không sợ vua ấy lại là người nghệ sĩ có thiên lương lành
vững, mà nghệ sĩ là gì nếu như không phải là người nâng niu, trân quí những tình cảm
chân thành của người mộ điệu? Phụ một tấm lòng trong thiên hạ cũng là có tội với tổ
nghiệp, tiền nhân rồi. Thế nên, con người tài hoa có tài viết chữ đại tự rất đẹp ấy, con
người cả đời chỉ sáng tác bốn tác phẩm đã dành tác phẩm thứ tư, tác phẩm cuối cùng, cho
con người của “bên thắng cuộc”, con người đại diện cho chính thể mà ông muốn phế
truất. Cái đáng quí của người nghệ sĩ Huấn Cao chính là ở đấy. Vì là người tượng trưng
cho cái đẹp toàn bích, như viên ngọc không trầy xước, nên dù trong hoàn cảnh nào, Huấn
Cao vẫn luôn là Huấn Cao. Sư tử dù có sa vào bẫy rập cũng đâu thể nào mất cái uy của vị
chúa tể mà hoá thành loài cầy cáo tầm thường. Dù ở đâu, Huấn Cao vẫn hiên ngang sừng
sừng cái phong thái của một người nghệ sĩ khí phách sáng loà dù lâm vào chốn nhà lao

tăm tối. Thân xác ông có thể bị trói buộc nhưng không ai có thể giam cầm cái khí phách
của bậc trượng phu. Ông Huấn là minh chứng thuyết phục nhất của người quân tử “bần
tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” mà cổ nhân xem là mực thước để phấn đấu đạt
thành. Và thế là, khi sáng tạo hình tượng Huấn Cao từ một nguyên mẫu ngoài đời thực,
Nguyễn Tuân đã tung cú đánh đầu tiên của cái Đẹp vào cái Ác. Và đó cũng là đòn thắng
đầu tiên.
Nếu Huấn Cao là một vẻ đẹp lí tưởng quá, lãng mạn quá, và vì thế mà phi thực tế quá, thì
viên quản ngục lại là một cái Đẹp của trần thế, cái Đẹp của muôn vạn con người lăn lộn
trong chốn hồng trần vừa thanh tịnh vừa tạp nhiễm này. Viên quản ngục là nhân vật
không tên, ông có thể là tôi, có thể là anh, có thể là bất kì ai trong cuộc sống này do đó
mà ông gần gũi, thuyết phục hơn. Viên quản ngục là con người của đời thực. Ông sinh
sống ở chốn đề lao, cái nơi mà con “người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc”, mà thói
thường gần mực thì đen, huống chi ông là người đứng đầu nơi giam giữ phạm nhân thì
cái bản tính “lừa lọc, tàn nhẫn” ấy còn đậm đặc gấp bội. Ấy vậy mà trong thẳm sâu con
người tưởng chừng như toàn là điều xấu, cái ác ấy, lại là có một thiên lương trong sáng,
một con người có “tính cách dịu dàng và lòng biết giá người” được ví như “thanh âm
trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ”. Khó lắm thay
việc giữ được thiên lương trong chốn tối tăm của ngục thất. Đẹp lắm thay đoá sen thơm
ngát tượng hình từ chốn tanh hôi của bùn lầy. Không chỉ có thiên lương, ngục quan còn là
người biết yêu cái đẹp, trọng cái đẹp, sẵn sàng hi sinh vì cái đẹp. Cái sở nguyện của viên
quan coi ngục này là “có một ngày kia được treo ở nhà riêng một đôi câu đối do chính tay
ông Huấn Cao viết” vì ông biết “chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm”, “có được chữ
ông Huấn mà treo là có một vật báu trên đời”. Hơn nữa, ông còn hiểu được cái tính ăn nết
ở của “một người cách xa y nhiều quá”, hiểu được tính ông Huấn Cao “vốn khoảnh, trừ
chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”. Cái sở nguyện ấy càng bùng lên dữ dội như lửa cháy rừng
khi mà ông được giam giữ con người mà ông mến mộ, đó là dịp ngàn năm có một của
một người biết thưởng thức cái đẹp. Chính thế mà khi vấp phải sự khinh bạc của ông


Huấn, quản ngục không hề lo sự vỡ lỡ của việc biệt đãi đám tử tù phản nghịch sẽ rước vạ

vào thân mà chỉ sợ “ông Huấn bị hành hình mà không kịp xin được mấy chữ thì ân hận
suốt đời”. Dù nôn nóng, dù lo sợ, dù “tái nhợt người đi” khi chưa thoả cái hoài bão bấy
lâu mà cơ hội lại sắp vụt tắt, quản ngục cũng không dùng cái cường quyền bạo lực mà y
có quyền sử dụng để xin chữ (hay là y biết rằng không thể dùng nó để cưỡng bức con
người tài hoa ấy cho chữ?) mà chỉ dùng tấm lòng của một kẻ “biệt nhỡn liên tài” để đạt
thành tâm nguyện. Trước sau như một, với Huấn Cao, quản ngục luôn một lối lễ phép mà
đối đãi. Thậm chí, càng tiếp xúc với Huấn Cao, quản ngục càng tôn sùng càng trọng vọng
trước nhân cách sáng ngời của một nghệ sĩ chân chính. Nếu Huấn Cao là người tạo ra cái
Đẹp thì quản ngục là người biết thưởng thức cái Đẹp. Mà biết thưởng thức cái Đẹp thì
cũng chính là cái Đẹp vậy. Nguyễn Tuân cũng đã nói: “Một kẻ biết kính mến khí phách,
một kẻ biết tiếc, biết trọng người có tài, hẳn không là kẻ xấu hay vô tình”. Huấn Cao và
quản ngục kết thành một cặp hình tượng bổ sung cho nhau về mối quan hệ giữa nghệ sĩ
và người mộ điệu, giống như Vũ Như Tô và Đan Thiềm. Sánh bên Huấn Cao, ngục quan
hoàn toàn tương xứng về vóc dáng của nhân cách. Ở viên quan coi ngục, cái khí phách
của con người xem cái Đẹp là mục tiêu sống cũng sáng ngời như người mà ông ngưỡng
mộ đấy thôi. Thử hỏi, mấy ai dám làm cái sự biệt đãi, dám gạt bỏ nhiệm vụ, gạt bỏ sanh
mạng để đeo đuổi đam mê như viên quan coi ngục ấy? Nói cho cùng, hình tượng quản
ngục là biểu tượng của một con người sống trong hoàn cảnh mà vượt thoát được hoàn
cảnh, nơi cái Xấu cái Ác ngự trị nhưng cái Đẹp vẫn tồn tại, vẫn toả hương như hoa bay
ngược gió. Đó là đòn thứ hai Nguyễn Tuân tung ra để đánh lại kẻ thù lớn nhất đời cầm
bút của mình: cái Xấu, cái Ác.
Hai nhân vật, như hai đòn đánh nửa thực nửa hư vào đối thủ, khiến cho đối thủ xiểng
niểng và rồi, ở phút quyết định nhất của trận đấu, Nguyễn Tuân bung ra cú đá tạt vào
mang tai của đối phương để hạ nốc ao. Đó là cảnh cuối cùng của Chữ người tử tù, cảnh
mà ông tập trung toàn bộ sức lực và ngôn từ để đặc tả một sự chiến thắng ngoạn mục của
cái đẹp: cảnh cho chữ, cảnh mà cụ gọi là “cảnh tượng xưa nay chưa từng có”.
Trong cảnh cho chữ, Nguyễn Tuân đã cho ta thấy được sự chiến thắng của cái Đẹp trước
ngoại cảnh. Cảnh cho chữ kì lạ ấy đã diễn ra vào lúc đêm khuya thanh tĩnh, lúc mà “trại
giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng có tiếng mõ trên vọng canh”, cái thanh cái tĩnh của đêm đã
ngự trị khắp thôn cùng ngõ hẹp. Và cái đêm ấy còn là cái đêm cuối cùng của một người

tử tù tài hoa, cái đêm mà “bấy nhiêu thanh âm phức tạp bay cao lần lên khỏi mặt đất tối,
nâng đỡ lấy một ngôi sao chính vị muốn từ biệt vũ trụ”. Xưa nay, người ta cho chữ, người
ta sáng tạo cái đẹp là vào lúc cảnh vắng tâm nhàn, là lúc sáng sương mai vừa tan, là lúc
tâm hồn khoáng đạt. Ấy vậy mà cảnh cho chữ này lại diễn ra vào lúc đêm khuya, lúc
người tử tù đang ở bên lằn ranh của cửa tử, mà những lúc như thế ấy, người có lòng dạ
sắt đá cũng phải lung lay. Và cảnh cho chữ lại còn diễn ra tại không gian của tù ngục, nơi
“buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, nơi tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân
gián”. Nơi đó đã đỏ rực lên ánh sáng của bó đuốc khói toả như đám cháy nhà, sáng óng
ánh lên cái màu sáng tươi mát của phiến lụa trắng và man mác, lung linh ánh sáng của ba
tâm hồn người thanh sạch. Cái hay của Nguyễn Tuân ở đây, theo thiển ý của người viết,
chính là ở chỗ cụ sử dụng thủ pháp tương phản quen thuộc của những nhà văn lãng mạn
để gửi gắm một thông điệp đẹp đẽ. Trong sáu dòng văn, cụ Tuấn Thừa Sắc đã dựng lên sự


đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, giữa cái Ác và cái Thiện, cái Xấu và cái Đẹp. Thời
gian đêm khuya, trong chốn trại giam là nơi bóng tối ngự trị lại sáng bừng ánh đuốc,
đuốc ngoại cảnh và đuốc trong lòng người. Ánh sáng bị bóng tối bao quanh nhưng nó
không leo lét, không chập chờn, không yếu ớt, nhợt nhạt như ánh sáng trong Hai đứa trẻ
của Thạch Lam mà đó là ánh sáng mạnh mẽ bùng cháy. Phải chăng là lời khẳng định chắc
nịch của Nguyễn Tuân về sự bất tử của ánh sáng, của cái Đẹp? Vậy ra, nơi tù ngục tối
tăm, nơi ngự trị của bóng đêm và cái Ác lại là nơi tượng hình cái Đẹp, của những nét chữ
vuông trên cái nền của phiến lụa óng còn nguyên vẹn lần hồ. Ngoại cảnh đã chịu thua
trước cái Đẹp. Dù ở đâu, chốn bùn nhơ hay địa đàng của nhân thế, cái Đẹp luôn tồn tại và
sinh sôi.
Không những thế, cái Đẹp còn chiến thắng luôn cả những mâu thuẫn của giai cấp, xoá
nhoà mọi ranh giới tưởng chừng như không thể vượt qua của rào cản xã hội. Ba con
người ở hai bờ chiến tuyến, kẻ đại diện cho quan quyền, người thay mặt cho quân khởi
loạn lại cùng nhau “chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ”, “ba người
nhìn bức châm, rồi lại nhìn nhau” như những người tri âm, hiểu nhau từng thuở hồng
hoang nguyên thuỷ tới giờ. Mà không phải tri âm sao được khi Huấn Cao nghe xong

những lời tâm can của viên quản ngục qua cửa miệng của thầy thơ lại nhà lao cũng đã
thốt lên mấy lời gan ruột của một kẻ “cùng bệnh với Đan Thiềm”: “Ta nhất sinh không vì
vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ. Đời ta cũng chỉ mới viết có
hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi. […] Ta cảm cái
tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người […]”. Huấn Cao chấp nhận cho chữ viên quản
ngục chính là tiếng trống đáp lại tiếng ti hoà cùng điệu phách của những Bá Nhỡ, Lãnh
Út, Cô Tơ mà cụ Nguyễn đã xây dựng trong Chùa Đàn. Phải là những người tri âm, tri kỉ,
Huấn Cao mới thốt ra mấy lời tâm sự cuối cùng của một đời kẻ sĩ, tưởng như bâng quơ
nhưng thấm thía vô cùng: “Thoi mực, thầy mua ở đâu mà tốt và thơm quá. Thầy có thấy
mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?”. Và ở giây phút thăng hoa của cái Đẹp, của nghệ
thuật ấy, không còn quan, không còn tử tù, không sang không hèn. Ở đấy, giờ chỉ còn là
cõi giới của những người bạn, những tri âm Bá Nha và Tử Kì. Ở đấy, là một sự hoán đổi
vị thế xã hội tưởng chừng ngạo ngược mà rất đỗi hợp lí, thiêng liêng. Người tử tù vẫn “cổ
đeo gông, chân vướng xiềng” mà vẫn ung dung “dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng căng
trên mảnh ván”, vẫn điềm đạm thưởng thức mùi mực thơm bốc lên từ những nét chữ đại
tự vừa viết, vẫn chân thành mà nghiêm khắc khuyên giải người lạc lối lầm đường tìm về
đường ngay nẻo thẳng: “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi […] Ở
đây khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng nhem nhuốc mất cái đời lương thiện
đi”. Và ngược lại, thầy Quản, thầy thơ lại, hai con người quyền cao chức trọng nhất trại
giam, lại là những người “khúm núm cất những đồng tiền kẽm”, “run run bưng chậu
mực”, lại là những người thành kính lắng nghe những lời dạy bảo của kẻ tử tù thậm chí
còn “vái người tử tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẻ miệng
làm cho nghẹn ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh” như những kẻ chịu ơn mưa móc sâu
dày của người. Đó là gì nếu không phải là tuyên ngôn của nhà văn họ Nguyễn về cái Đẹp
mới là chân lí ngự trị trong tâm hồn con người? GS Nguyễn Đăng Mạnh đã đánh giá rất
hay về cái tư thế trước người tử tù của viên quan coi ngục: “[…] có những cái cúi đầu
làm cho con người trở nên hèn hạ, có những cái vái lạy làm cho con người đê tiện.


Nhưng cũng có những cái cúi đầu làm cho con người bỗng trở nên cao cả hơn, lớn lao

hơn, lẫm liệt hơn, sang trọng hơn. Đấy là cái cúi đầu trước cái tài, cái đẹp, cái thiên
lương”. Và đó là sự chiến thắng của cái Đẹp vậy.
Xưa nay, người ta cứ cho rằng sức mạnh của cái chết là tuyệt đối. Nó nuốt chửng hết
thảy, phá tan tất cả. Duy chỉ có cái Đẹp là bất biến trước thời gian, không đầu hàng cái
chết. Huấn Cao tuy chết nhưng là cái chết về thân xác tầm thường và giả tạm. Nhưng cái
tài hoa của một người nghệ sĩ thiên tài như ông vẫn còn lưu giữ trong bốn bức thư pháp
mà ông để lại cho đời và cái cao khiết của một nhân cách lớn vẫn còn lưu giữ trong lòng
người, quản ngục và thầy thơ lại. Cái chết thực sự không phải là uống ly rượu độc hay
máu đổ đầu rơi, cái chết thực sự là khi người ta quên lãng. Với Huấn Cao, ngàn đời sau
người đời vẫn còn truyền nhau giai thoại về một “ngày xưa có một tử tù viết chữ đại tự
rất đẹp – Truyện cổ nước Nam” như câu đề từ cho truyện Chữ người tử tù trong lần đầu
ra mắt trên Tao đàn số 1 (1938) với cái tên Giòng chữ cuối cùng. Quả thật, cảnh cho chữ
còn là cảnh chuyển giao của cái Đẹp, cái thiên lương. Nó đã tìm cách chiến thắng cái
chết, vượt qua cái chết.
Cụ Nguyễn sống đời được bảy mươi bảy năm, cầm bút từ những năm 17, 18 tuổi. Suốt
mấy mươi năm sống đời và sáng tác, con người nghệ sĩ tài hoa ấy suốt đời đi tìm cái Đẹp,
ngợi ca cái Đẹp, khẳng định cái Đẹp. Không biết, ở bên kia của thế giới, trái tim của
người nghệ nhân trang điểm cho đời ấy có còn thổn thức vì cái Đẹp hay đau đáu về
những cái Đẹp đang bị chà đạp nữa hay không? Mà, với những con người như cụ, dù
sống hay chết, chắc chẳng bao giờ thôi tôn thờ một chữ Đẹp. Viết hoa!



×