Tải bản đầy đủ (.doc) (106 trang)

CẤU TRÚC TIỂU THUYẾT hồ ANH THÁI

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (460.46 KB, 106 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

ĐOÀN THỊ THANH NHÀN

CẤU TRÚC TIỂU THUYẾT HỒ ANH THÁI
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam hiện đại
Mã số: 60 22 01 21

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN

Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS Nguyễn Bích Thu

HÀ NỘI - 2015


LỜI CẢM ƠN
Bằng lòng biết ơn sâu sắc, em xin chân thành cảm ơn sự hướng dẫn
nhiệt tình, trách nhiệm của PGS. TS Nguyễn Bích Thu và TS. Nguyễn Phượng
đã giúp em hoàn thành luận văn tốt nghiệp này.
Em cũng xin chân thành cảm ơn các thầy, cô giáo trong Khoa Ngữ
văn; các thầy, cô giáo giảng dạy Chuyên ngành Văn học Việt Nam đã tạo
điều kiện giúp đỡ em và cho em những ý kiến quý giá để em hoàn thành luận
văn của mình.
Tôi xin chân thành cảm ơn gia đình, bạn bè và trường THPT Chuyên
Chu Văn An – Lạng Sơn đã luôn tạo điều kiện tốt nhất, giúp đỡ tôi trên con
đường nghiên cứu khoa học.
Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2015
Tác giả

Đoàn Thị Thanh Nhàn




MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Sự thu hút bởi thể loại tiểu thuyết
So với các thể loại khác, tiểu thuyết là một thể loại có nhiều ưu thế
riêng. Tiểu thuyết được coi là một thể loại đang hoàn thành, phản ánh
những gì đang xảy ra, đang trên đà hướng tới sự hoàn kết. Vì thế, tiểu
thuyết luôn là một thể loại có sức hút, sức “nóng” của riêng mình trong lĩnh
vực sáng tác và nghiên cứu. Một lí do nữa khiến chúng tôi bị thể loại này
thu hút là vì để định hình được về tiểu thuyết Việt Nam đương đại hiện còn
là vấn đề đưa đến nhiều ý kiến trái chiều. Khó có thể đưa ra được những
cấu trúc nhất định cho mọi tiểu thuyết bởi còn phụ thuộc vào ý đồ nghệ
thuật của nhà văn. Chính vì vậy, đi sâu vào mảnh đất đã có nhiều người
vun trồng này, chúng tôi càng mong muốn được khám phá, giải mã văn
bản. Bởi chắc chắn tiểu thuyết là thể loại sẽ có nhiều bứt phá và thể hiện
được năng lực sáng tạo của nhà văn. Đồng thời, đây cũng là một thử thách
mới đặt ra cho chúng tôi trong quá trình nghiên cứu.
1.2. Tìm hiểu phong cách của nhà văn từ phương diện nghiên cứu
cấu trúc là một hướng nghiên cứu hấp dẫn.
Hướng nghiên cứu này cung cấp một cái nhìn toàn diện hơn, bao quát hơn
về quan niệm tư duy, thẩm mĩ, từ góc độ khám phá và phản ánh hiện thực của
nhà văn. Như trên đã nói, khó có thể đưa ra một cái khung chuẩn làm căn cứ để
định hình cho các tiểu thuyết. Nghiên cứu về cấu trúc của văn bản là tập trung
vào cấu trúc bề sâu của sự vật. Hiểu được nó, nắm bắt được nó là ta có thể hiểu
được về cơ chế, quy tắc quy định sự sinh thành và số phận của tác phẩm.


1.3. Sức hấp dẫn của nhà văn Hồ Anh Thái

Hồ Anh Thái là cây bút rất giàu “năng lượng” sáng tạo. Mỗi tiểu thuyết
của Hồ Anh Thái đều có sức hấp dẫn riêng với bạn đọc. Từng cuốn tiểu thuyết
của anh đều toát ra một diện mạo mới vừa trẻ trung, vừa hấp dẫn. Hấp dẫn từ
việc tác giả xoay cấu trúc như xoay những mặt màu khác nhau của khối vuông
rubic tạo nên một hiện thực đa diện đến cách tạo tình huống, xây dựng cốt
truyện độc đáo… Điều này dẫn đến việc bạn đọc hồi hộp chờ đợi tác phẩm của
anh, luôn hi vọng được đón một cái gì đó mới hơn mà nhà văn mang lại. Tất cả
làm nên phong cách của một nhà văn nghiêm túc trong lao động nghệ thuật,
đầy đặn vốn sống, vốn hiểu biết và chắc chắn trong cách viết.
Hồ Anh Thái quan niệm: “Tiểu thuyết là một giấc mơ dài”. Giấc mơ ấy
sẽ khó có điểm kết thúc vì anh cho rằng tiểu thuyết là một pho “sử thi của đời
thường” và bản thân anh được coi là một nhà văn vẫn đang viết. Những trang
văn của anh bởi thế còn thật hơn cả đời thường và những đứa con tinh thần
của anh cũng như bước ra từ cuộc đời đa diện dưới cái nhìn thẳng thắn của
người cầm bút.
Chọn đề tài “Cấu trúc tiểu thuyết Hồ Anh Thái”, chúng tôi muốn
tập trung làm rõ cấu trúc cơ bản trong một số tiểu thuyết của nhà văn giàu
năng lượng sáng tạo này. Đồng thời, qua đó có thể thấy được những nỗ
lực của Hồ Anh Thái trong việc đem lại một diện mạo mới cho tiểu thuyết
hiện đại Việt Nam.
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Về lý thuyết cấu trúc
Công trình “Cấu trúc văn bản nghệ thuật” của IU. M. Lotman xuất bản
năm 1970 do các tác giả Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu
Thủy dịch đã đưa đến một hướng tiếp cận văn bản nghệ thuật từ phương diện
cấu trúc của một học giả ký hiệu học nổi tiếng ở Nga. Công trình đã cung cấp


một cái nhìn tổng quát về cấu trúc ngôn ngữ nghệ thuật và mối quan hệ của
nó với văn bản nghệ thuật, sự tương đồng và dị biệt của chúng so với các

phạm trù ngôn ngữ học tương tự. Điều này có nghĩa là giải thích việc văn bản
nghệ thuật trở thành một người truyền tải nội dung tu tưởng – ý tưởng nghệ
thuật như thế nào, cấu trúc văn bản có mối quan hệ như thế nào với cấu trúc ý
tưởng đó. Đây là một tài liệu quan trọng đối với việc tìm hiểu tác phẩm văn
học từ phương diện cấu trúc.
Cuốn “Tìm hiểu lý luận văn học phương Tây hiện đại” do GS. Phương
Lựu dịch và giới thiệu năm 1995 đã cung cấp một cái nhìn bao quát về tình
tình nghiên cứu giới thiệu lý luận văn học phương Tây hiện đại trong mấy
thập kỷ qua. Đồng thời, công trình cũng giới thiệu các trường phái văn hóa –
lịch sử trong đó có chủ nghĩa cấu trúc. Chủ nghĩa cấu trúc cũng như các
trường phái, chủ nghĩa khác được tìm hiểu từ cơ sở triết học đến việc vận
dụng lý luận của chủ nghĩa cấu trúc vào công tác nghiên cứu lý luận phê bình
văn học. Từ chủ nghĩa cấu trúc, bắt đầu có sự hình thành và phát triển của chủ
nghĩa cấu trúc phát sinh và chủ nghĩa hậu cấu trúc.
Công trình “Chủ nghĩa cấu trúc và văn học” do PGS. TS Trịnh Bá
Đĩnh là tác giả đã giới thiệu những phần lý thuyết cụ thể về chủ nghĩa cấu
trúc. Chủ nghĩa cấu trúc là một trào lưu khoa học lớn của thế kỉ XX. Trào lưu
này bao trùm hầu khắp các lĩnh vực khoa học: văn học, vật lý học, tâm lý học,
nhân chủng học, ngôn ngữ học, nghiên cứu và phê bình văn học. Tác giả đã
đưa ra cái nhìn toàn diện về việc nghiên cứu chủ nghĩa cấu trúc, các nội dung
liên quan đến văn bản và thuật ngữ của chủ nghĩa cấu trúc. Đây là một tài liệu
quý giá đối với việc tìm hiểu và vận dụng chủ nghĩa cấu trúc trong các lĩnh
vực nói chung và trong văn học ở nước ta nói riêng.
2.2. Về cấu trúc tiểu thuyết
Bài viết “Những cuộc hành trình và cấu trúc tác phẩm” của PGS. TS


Nguyễn Thị Bình tìm hiểu về những cuộc hành trình trong sáng tác của nhà
văn Pháp Jean – Marie Gustave Le Clézio. Tiểu thuyết của Le Clézio phản
ánh một khát vọng mãnh liệt đổi mới thể loại tiểu thuyết thế kỉ XX. Tác phẩm

của ông là thành quả của sự chắt lọc những tinh hoa truyền thống lại vừa có
sự khám phá, thể nghiệm những cách tân hiện đại. Sự kết hợp nhuần nhị ấy đã
tạo nên độ sâu sắc và tính đa âm cho tiểu thuyết. Bài viết đã chỉ ra rằng, tiểu
thuyết của Le Clézio không những sử dụng cấu trúc mở, làm nổ tung cấu trúc
tự sự hàng dọc quen thuộc mà còn sử dụng kết hợp kỹ thuật của những thể
loại khác khiến cho tiểu thuyết có thể bắt kịp và phản ánh những vấn đề trong
cuộc sống của con người hiện đại. Những cuộc hành trình trong tiểu thuyết
của ông đưa đến một số kiểu cấu trúc độc đáo như: cấu trúc rời rạc, siêu tự sự
qua hành trình chạy trốn của nhân vật; cấu trúc song song đan xen nhau; cấu
trúc tự sự mang chất thơ,... Mỗi tác phẩm có một cuộc hành trình riêng, vì thế,
cấu trúc của các tác phẩm không đồng nhất mà năng động và đa dạng. Những
cuộc hành trình của Le Clézio phản ánh sự tiến triển trong tư tưởng nhà văn
đồng thời cũng được xem như một kĩ thuật viết tiểu thuyết. Nó không chỉ ảnh
hưởng đến cấu trúc của tác phẩm mà còn tác động đến những thành tố khác
của tiểu thuyết.
Luận án Tiến sĩ “Các khuynh hướng phát triển của tiểu thuyết Việt
Nam đầu thế kỉ XXI từ góc nhìn cấu trúc thể loại” của Hoàng Cẩm Giang tập
trung vào hướng nghiên cứu về cấu trúc thể loại. Từ góc nhìn này, luận án chỉ
ra các khuynh hướng phát triển của tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Dựa trên
sự khảo sát hai nhóm tiểu thuyết (nhóm A: từ 300 đến 600 trang và nhóm B:
từ 100 đến 250 trang) để đưa ra kết luận: tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI
chia ra thành hai khuynh hướng cơ bản. Đó là khuynh hướng duy trì hình thức
thể loại truyền thống (ứng với nhóm A) và khuynh hướng cách tân hình thức


thể loại truyền thống (ứng với nhóm B). Đây là hai cách “ứng xử” khác nhau
của các tác giả trước cùng một hiện tượng trong cùng một giai đoạn lịch sử.
2.3. Về tiểu thuyết Hồ Anh Thái
Hồ Anh Thái là nhà văn có sức hút lớn đối với độc giả và với những
người làm công tác nghiên cứu. Đi sâu tìm hiểu về tiểu thuyết của nhà văn Hồ

Anh Thái, có nhiều công trình đã được thực hiện:
Bài viết nghiên cứu “Hồ Anh Thái – người mê chơi cấu trúc” của PGS.
TS Nguyễn Đăng Điệp thể hiện cái nhìn về chiều sâu trong các sáng tác của
Hồ Anh Thái. Người viết khẳng định, xuất phát từ cái nhìn thẳng thắn vào
hiện thực đầy góc cạnh, Hồ Anh Thái xem hiện thực như những “mảnh vỡ”
trong đó có sự đan cài giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái cao cả và cái thấp
hèn,... Đồng thời, xuất phát từ sự thay đổi về giọng điệu, cách trần thuật; cách
xử luận đề và màu sắc tượng trưng siêu thực đã đem lại một cấu trúc linh hoạt
đầy biến hóa cho tiểu thuyết Hồ Anh Thái.
Luận văn Thạc sĩ “Kết cấu tiểu thuyết hiện đại qua tiểu thuyết Hồ Anh
Thái” của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hà đi sâu tìm hiểu các cấp độ kết cấu của
tác phẩm: cấp độ hình tượng và cấp độ văn bản. Luận văn tập trung vào một
số tiểu thuyết của Hồ Anh Thái để thấy được sự vận động, đổi mới của nền
văn xuôi hiện đại Việt Nam. Cấp độ hình tượng với hệ thống nhân vật – biểu
tượng và các yếu tố trong tổ chức không gian, thời gian có mối liên hệ với
nhau. Cấp độ văn bản với hệ thống điểm nhìn và các hình thức đối thoại có sự
đan xen tạo nên những kết cấu nhiều tầng bậc.
Ngoài ra, còn có rất nhiều luận văn Thạc sĩ đã được thực hiện: “Yếu tố
trào lộng trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái”, “Dấu ấn hậu hiện đại trong một số
tiểu thuyết của Hồ Anh Thái”, “Điểm nhìn trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái”,
“Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái”, “Nghệ thuật kết cấu
trong một số tiểu thuyết huyền ảo triết luận của Tạ Duy Anh, Châu Diên, Hồ


Anh Thái”, “Hồ Anh Thái và những nỗ lực cách tân tiểu thuyết”,...
Những công trình nghiên cứu trên tập trung nghiên cứu về tiểu thuyết
của Hồ Anh Thái để làm rõ những sáng tạo nghệ thuật của Hồ Anh Thái.
Chúng tôi lựa chọn việc nghiên cứu cấu trúc để làm rõ hơn những đóng góp
của anh với văn chương hiện đại Việt Nam trên các phương diện của cấu trúc
tác phẩm văn học. Nghiên cứu cấu trúc tiểu thuyết đem lại một cái nhìn khái

quát hơn, toàn diện hơn về những cách tân của Hồ Anh Thái đối với thể loại
tiểu thuyết.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Trong khuôn khổ của một luận văn thạc sĩ, chúng tôi hướng tới tìm
hiểu về cấu trúc trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái. Do không thể nghiên cứu tất
cả các tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, chúng tôi tập trung vào khảo sát và tìm
hiểu cấu trúc tiểu thuyết của một số tác phẩm:
1. Tiểu thuyết “Trong sương hồng hiện ra”, xuất bản tháng 7 năm 1989
2. Tiểu thuyết “Cõi người rung chuông tận thế” xuất bản năm 2002
3. Tiểu thuyết “Đức Phật, nàng Savitri và tôi” xuất bản năm 2007
Luận văn nghiên cứu về cấu trúc tiểu thuyết nhằm mục đích: thấy được
sự sáng tạo không ngừng của Hồ Anh Thái trong sáng tạo nghệ thuật; thấy
được tính đa cấu trúc trong tiểu thuyết của anh. Đồng thời, luận văn góp thêm
một cái nhìn toàn diện hơn về khả năng chiếm lĩnh và phản ánh hiện thực của
thể loại tiểu thuyết.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để triển khai đề tài, chúng tôi sử dụng một số phương pháp và thao tác sau:
4.1. Phương pháp hệ thống
Phương pháp này nhằm tập hợp những yếu tố có quan hệ với nhau, tác
động chi phối lẫn nhau theo các quy luật để tạo nên chỉnh thể tác phẩm. Qua
đó, có thể làm rõ được cấu trúc của tác phẩm văn học.


4.2. Phương pháp phân tích
Đây là phương pháp được sử dụng chủ yếu để tìm ra các luận điểm, chỉ
ra được ý nghĩa của văn bản tác phẩm. Từ đó, có thể nhận ra những đóng góp
của nhà văn đối với nền văn xuôi hiện đại Việt Nam.
4.3. Phương pháp so sánh, đối chiếu
Phương pháp này nhằm đặt các phương diện thuộc về cấu trúc tiểu
thuyết của Hồ Anh Thái với các phương diện trong các sáng tác khác để thấy

được nét riêng, sự cách tân và phong cách khác nhau của các tác giả.
4.4. Phương pháp thống kê
Phương pháp thống kê được sử dụng trong việc chỉ ra các yếu tố của
cấu trúc tác phẩm, thấy được mối liên hệ giữa chúng.
Ngoài ra, để thực hiện luận văn này, chúng tôi có sử dụng một số thao tác
quen thuộc như: Thao tác chứng minh, tổng hợp, khái quát hóa, hệ thống,...
5. Đóng góp của luận văn
Luận văn nghiên cứu về cấu trúc tiểu thuyết qua đó thấy được sự sáng
tạo không ngừng của Hồ Anh Thái trong sáng tạo nghệ thuật; thấy được tính
đa cấu trúc trong tiểu thuyết của anh. Đồng thời, luận văn góp thêm một cái
nhìn toàn diện hơn về khả năng chiếm lĩnh và phản ánh hiện thực của thể loại
tiểu thuyết.
6. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần Mở đầu và phần Kết luận, danh mục Tài liệu tham khảo,
Nội dung của luận văn được triển khai thành 3 chương:
Chương 1: Những vấn đề chung về lý thuyết và vài nét về tác giả Hồ
Anh Thái
Chương 2: Một số kiểu cấu trúc tiêu biểu trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái
Chương 3: Một số đóng góp tiêu biểu về nghệ thuật nhìn từ cấu trúc
tiểu thuyết Hồ Anh Thái.


NỘI DUNG
Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ LÝ THUYẾT CẤU TRÚC
1.1 Cấu trúc và chủ nghĩa cấu trúc trong văn học
1.1.1. Khái niệm cấu trúc
Có rất nhiều định nghĩa về cấu trúc được đưa ra trong nhiều tài liệu
khác nhau. Theo “Từ điển Tiếng Việt thông dụng” (Nguyễn Như Ý chủ biên,
Nhà xuất bản Giáo dục, 2008), cấu trúc là “Tổng hòa các mối quan hệ bên

trong một chỉnh thể, một hệ thống”. [65.122].
Cấu trúc cũng giống như một cái khung chắc chắn dựng nên tác phẩm
văn học. Đó là phần ổn định bất biến của ngôi nhà tác phẩm. Cấu trúc được
hiểu là cách thức tổ chức của từng thể loại, là nguyên tắc quy định thể loại và
nó thuộc về mô hình tư duy của tác giả. Có thể hiểu rằng, cấu trúc là những
mô hình tư duy mang tính khái quát cao hơn so với kết cấu. Kết cấu là một
hình thức cụ thể, có tính phức tạp, đa dạng.
1.1.2. Phân biệt khái niệm “cấu trúc” và “kết cấu”
Cần phân biệt khái niệm “cấu trúc” và khái niệm “kết cấu”. Hiện nay,
có nhiều cách hiểu đồng nhất giữa hai khái niệm này. Kết cấu được hiểu là
một phương diện cơ bản thuộc về hình thức của tác phẩm văn học. Kết cấu là
sự tổ chức, sắp xếp các yếu tố cũng như những mối liên hệ qua lại giữa các
yếu tố cấu thành nên tác phẩm văn học dựa trên những nguyên tắc nhất định.
Ở đây, người viết xin đưa ra hai ý kiến của GS. Trần Đình Sử và nhà nghiên
cứu Lại Nguyên Ân về cách hiểu hai khái niệm “cấu trúc” và “kết cấu”.
Trước hết về “kết cấu”, theo GS. Trần Đình Sử có ba nguyên tắc mà kết
cấu phải phục tùng: Kết cấu phải phục tùng yêu cầu biểu đạt tư tưởng, kết cấu


phục tùng việc xây dựng hình tượng nhân vật và kết cấu đạt đến sự hoàn chỉnh,
thống nhất, thẩm mĩ. Theo đó, GS Trần Đình Sử phân chia ra hai cấp độ của
kết cấu bao gồm có kết cấu bề mặt và kết cấu bề sâu của văn bản. “Kết cấu bề
mặt là sự tổ chức, sắp xếp ngôn từ, văn xuôi hay văn vần, thơ luật hay thơ tự
do. Kết cấu bề mặt là tổ chức các bộ phận của văn bản. Nó bao gồm việc bắt
đầu từ đâu, kết thúc ở đâu, cái nào kể trước, cái nào kể sau, chỗ nào kể chi
tiết, chỗ nào kể lướt qua, tạo nên một chỉnh thể có trật tự. Kết cấu bề mặt còn
là sự tổ chức hệ thống hình tượng, nhân vật, sự kiện, chi tiết”. [45. 160].
Còn về cấu trúc bề sâu, có thể hiểu “Cấu trúc bề sâu là phần chìm,
cung cấp quy tắc, trật tự, chức năng cho tổ chức bề mặt”. [45. 161].
Theo cuốn “150 thuật ngữ văn học” của tác giả Lại Nguyên Ân thì kết

cấu là “sự sắp xếp, phân bố các thành phần hình thức nghệ thuật; tức là sự
cấu tạo tác phẩm, tùy theo nội dung và thể tài. Kết cấu gắn kết các yếu tố của
hình thức và phối thuộc chúng với tư tưởng. Các quy luật của kết cấu – là kết
quả của nhận thức thẩm mĩ, phản ánh những liên hệ bề sâu của thực tại. Kết
cấu có tính nội dung độc lập; các phương thức và thủ pháp kết cấu sẽ cải
biến và đào sâu hàm nghĩa của cái được mô tả… [4. 167]. “Kết cấu tác phẩm
văn học bao gồm việc phân bố các nhân vật (tức là hệ thống các hình tượng),
các sự kiện và hành động (kết cấu cốt truyện), các phương thức trần thuật
(kết cấu trần thuật như là sự thay đổi các điểm nhìn đối với cái được miêu
tả), chi tiết hóa các khung cảnh, hành vi, cảm xúc (kết cấu chi tiết), các thủ
pháp văn phong (kết cấu ngôn từ), các truyện kể xen kẽ hoặc các đoạn ngoại
đề trữ tình (kết cấu các yếu tố ngoài cốt truyện)”. [4. 168].
Như vậy, ý kiến thứ nhất của GS. Trần Đình Sử cho rằng cấu trúc của
văn bản thuộc về kết cấu bề sâu và nhà nghiên cứu đã chỉ ra những biểu hiện
của các cấp độ kết cấu. Tất nhiên hai cấp độ này có mối liên hệ mật thiết với
nhau và tạo nên sự thống nhất cho chỉnh thể tác phẩm. Việc xử lí các cấp độ


trên sẽ phụ thuộc vào ý đồ nghệ thuật và sự sáng tạo không ngừng của người
nghệ sĩ trên hành trình sáng tạo nghệ thuật. Ý kiến thứ hai của tác giả Lại
Nguyên Ân thiên về việc chỉ ra các phương diện cấu tạo nên kết cấu trong đó
nhấn mạnh đến vai trò kết nối giữa hình thức và nội dung của tác phẩm.
1.2. Chủ nghĩa cấu trúc trong văn học
Có thể hiểu, chủ nghĩa cấu trúc là một trong những khuynh hướng
nghiên cứu văn học nhằm khám phá, giải thích những cấu trúc tư duy để giải
mã được ý nghĩa của văn bản. Đây là một trào lưu triết học thịnh hành từ
những năm 60 ở Tây Âu, được vận dụng nhiều vào ngôn ngữ học, xã hội học,
sử học, lý luận phê bình văn học và vận dụng vào giải thích cả về triết học
mac-xit. Học thuyết cấu trúc được xuất hiện từ quan niệm triết học của Platon
coi “Thực thể là do mối liên hệ làm nên”. Tư tưởng cấu trúc bắt đầu từ lý

thuyết ngôn ngữ học của Ferdinand de Saussure (1857-1913). Saussure phân
biệt giữa ngôn ngữ và lời nói, coi trọng nghiên cứu đồng đại, tập trung nghiên
cứu hệ thống ngôn ngữ mà chỉ trong đó, các đơn vị ngôn ngữ mới có sự khu
biệt về âm thanh và ý nghĩa. Vì thế nên chủ nghĩa cấu trúc trong văn học còn
có tên gọi khác là ký hiệu học. Để làm sáng tỏ ý nghĩa của những ký hiệu, ông
đưa ra một cặp khái niệm về “cái biểu đạt” và “cái được biểu đạt”, đồng thời
vạch ra mối quan hệ giữa chúng. “Cái biểu đạt” là âm thanh và chữ viết, còn
“cái được biểu đạt” là ý nghĩa và khái niệm. Theo Jean Piaget, chủ nghĩa cấu
trúc có hai đặc điểm: một là tìm các quy luật nội tại để giải thích sự vật; hai là
cấu trúc sự vật có thể hình thức hóa. Mỗi cấu trúc có ba yếu tố: tính chỉnh thể,
quy luật chuyển đổi và tính tự điều chỉnh.
Ferdinand de Saussure là người có công khởi nguồn cho chủ nghĩa cấu
trúc hình thành và phát triển. Lý thuyết về ngôn ngữ học của ông đã được vận
dụng một cách có hệ thống bởi nhiều tên tuổi: Claude Lesvi Strauss, được triển
khai bởi Jacques Lacan, Michel Foucault, Louis Althusser vào các lĩnh vực khác


nhau như: phân tâm học, lịch sử tư tưởng và cả sự phát triển của chủ nghĩa Mác.
Tư tưởng của chủ nghĩa cấu trúc có thể quy về các nội dung lớn như sau:
“Đối tượng của nhận thức không phải là hiện tượng sự vật, mà là cấu
trúc nội tại của nó. Cấu trúc, do đó, không liên quan với kinh nghiệm thực tế,
mà do lý tính đưa lại. Cũng chính vì thế, không thể dùng kinh nghiệm thực tế,
phải dùng khái niệm và mô thức tiên nghiệm để nhận thức sự vật.
Cần phải xem đối tượng của nhận thức là một cấu trúc chỉnh thể. Các
yếu tố hợp thành cấu trúc được liên kết và điều chỉnh lẫn nhau, nếu một yếu
tố thay đổi, thì cả cấu trúc sẽ thay đổi.
Chỉnh thể lớn hơn tổng thể các yếu tố. Ý nghĩa của chỉnh thể không
phải là dấu cộng ý nghĩa các yếu tố.
Quan hệ giữa con người và xã hội là quan hệ giữa toàn thể và bộ phận.
Con người chỉ là một yếu tố của xã hội, nó không thể đơn độc có tác dụng

quyết định. Chủ nghĩa cấu trúc tỏ ra rất kiên quyết phản đối chủ nghĩa nhân
đạo đột xuất lên vai trò xã hội của con người.
Sự phân tích đồng đại quan trọng hơn sự phân tích lịch đại.” [31. 487].
Những tư tưởng trên đã có những đóng góp không nhỏ vào sự hình
thành và trở thành hạt nhân của chủ nghĩa cấu trúc. Cũng như bất kì một chủ
nghĩa nào khác được hình thành, chủ nghĩa cấu trúc cũng mang trong mình
những điểm tích cực và hạn chế. Đây cũng là cơ sở để cho chủ nghĩa cấu trúc
phát sinh và chủ nghĩa hậu cấu trúc ra đời với nhiều điểm tiến bộ hơn.
Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, chủ nghĩa cấu trúc được nảy sinh
vào những năm 40-50 của thế kỉ XX. Nhìn chung, chủ nghĩa cấu trúc quan
tâm đến các quan hệ giữa các yếu tố của cấu trúc hơn là bản thân từng yếu tố.
Tất cả những biện pháp và nhiệm vụ thường gắn liền với chủ nghĩa cấu trúc
từ việc nêu ra những liên hệ bên trong văn bản, phân chia cấp độ cấu trúc tác
phẩm và xác lập mối liên hệ thứ bậc giữa chúng; đến việc mô hình hóa một


nhóm tác phẩm, một nhóm khuynh hướng văn học, thậm chí một số thời đại
văn học – đều nhằm phân tích những hệ thống quan hệ giữa giữa các yếu tố
tạo thành chỉnh thể nghệ thuật. Các cấu trúc thường được phân chia thành
những cặp đôi đối lập theo phép loại suy. Các nhà cấu trúc luận Pháp như
Roland Barthes, Tz. Todorov, J. Kristeva, A.J Greimas… tập trung vào các
vấn đề lý thuyết và phân tích nội quan các văn bản thi ca.
Trong nghĩa hẹp, chủ nghĩa cấu trúc là khái niệm dùng để chỉ riêng một
trào lưu triết học – khoa học khá phổ biến những năm 1960 ở Pháp; một số
đại diện của trào lưu này tuyệt đối hóa một số nguyên tắc khoa học cụ thể của
phương pháp cấu trúc luận hoặc biến nó thành một học thuyết triết học xã hội.
Kể từ khi ra đời đến nay, chủ nghĩa cấu trúc đã làm dấy lên các luồng ý
kiến khác nhau về việc phân định giữa cái chính xác tuyệt đối và cái tương
đối. Nhưng dù có gây ra nhiều tranh cãi, không thể phủ nhận rằng việc tìm
hiểu mối liên hệ giữa các yếu tố cấu thành văn bản là một đóng góp của chủ

nghĩa cấu trúc đối với việc khám phá ý nghĩa của văn bản tác phẩm; làm cho
tác phẩm được “sống” trọn vẹn hơn trong lòng bạn đọc.
Nói về các yếu tố tạo nên cấu trúc tác phẩm, các yếu tố này có mối
quan hệ mật thiết với nhau. Nếu một yếu tố thay đổi sẽ kéo theo sự thay đổi
của các yếu tố khác. Mỗi yếu tố đều mang ý nghĩa riêng của nó. Người viết
dùng năng lực sáng tạo của mình để viết nhưng ý nghĩa của yếu tố tạo nên cấu
trúc còn phụ thuộc cả vào những ký ức về văn học của người đọc. Vì thế có
thể nói, “bất cứ yếu tố nào trong cấu trúc tác phẩm văn học, dù là yếu tố thuần
hình thức, cũng đều có thể chứa ngữ nghĩa”.
Theo “Từ điển thuật ngữ văn học” của các tác giả Lê Bá Hán, Trần
Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, cấu trúc tác phẩm văn học bao gồm các yếu tố
được đặt trong các cấp độ phụ thuộc lẫn nhau: tư tưởng – chủ đề (kể cả đề
tài), hệ thống hình tượng (có thể gồm cả cốt truyện), kết cấu, ngôn từ. Cấu


trúc thật sự của tác phẩm văn học gồm hai yếu tố: ngôn từ, cốt truyện, được tổ
chức lại với nhau bằng kết cấu. Yếu tố kết cấu đặc trưng cho bản chất nghệ
thuật nói chung của văn học, tạo ra nhịp điệu chung cho cả tác phẩm và từng
bộ phận. Yếu tố cốt truyện đặc trưng cho văn học với tư cách là nghệ thuật
thời gian, gắn với nó là con người, không gian, thời gian, xung đột, biến cố.
Yếu tố ngôn ngữ đặc trưng cho văn học với tư cách là nghệ thuật ngôn từ.
Việc phân chia cấp độ cấu trúc của tác phẩm văn học vẫn còn dẫn đến
nhiều ý kiến chưa thống nhất. Ở cấp độ hệ thống hình tượng, người ta chia ra:
các hình tượng ngôn ngữ (các phép chuyển nghĩa); các hình tượng bao quát
từng phần lớn hoặc nhỏ của văn bản (nhân vật chính, nhân vật phụ, phong
cảnh, chân dung,…) hoặc toàn văn bản, hoặc bao quát từng phần lớn nhỏ của
văn bản; các hình tượng “vĩnh cửu” (Hamlet, Đôn-ki-hô-tê,…). Ở cấp độ chủ
đề - cốt truyện, từ các từ ngữ chìa khóa có ý nghĩa đặc biệt như là các chủ đề
nhỏ nhất (motip) người ta đi tới việc xem xét cốt truyện của văn bản như một
tổng thể các motip, và xa hơn, đi tới việc xem xét các cốt truyện phiêu lưu và

các chủ đề vĩnh cửu (thiên nhiên, tình yêu, cái chết,…). Ở cấp độ lời văn
người ta chia ra các cấp độ câu thơ, dòng thơ, khổ thơ, toàn văn bản, tính
cộng đồng liên văn bản. Ở cấp độ ngôn ngữ, việc nghiên cứu cấu trúc tác
phẩm văn học được thực hiện trên các cấp độ ngữ âm học (hình thái, cú pháp,
yếu tố trên câu, toàn văn bản, liên văn bản).
Cấu trúc tác phẩm văn học được tạo nên từ sự liên hệ lẫn nhau của
những yếu tố của mọi cấp độ với mỗi cấp độ và của mọi cấp độ với nhau.
Tính lặp lại, tính bền vững của các yếu tố thuộc các cấp độ cấu trúc cao nhất
cho phép nêu vấn đề về các mẫu gốc của tư duy nghệ thuật. Tính bền vững
của các yếu tố thuộc cấu trúc liên văn bản cho phép nói đến cấu trúc tình
huống văn học sử của thời đại. Một trong những đặc tính cốt yếu về tính bền
vững của cấu trúc là “ký ức của thể loại” (Bakhtin).


Nói về cấu trúc và chủ nghĩa cấu trúc là một vấn đề lý thuyết quá khó để
gói gọn trong vài trang giấy. Ở đây, người viết chỉ muốn đưa ra cách hiểu ngắn
gọn và có cơ sở đối với thực tiễn nghiên cứu văn học. Tuy nhiên cũng phải lưu
tâm đến một vấn đề nảy sinh, đó là quan niệm có phần mâu thuẫn giữa chủ
nghĩa cấu trúc và chủ nghĩa hậu cấu trúc. Các nhà chủ nghĩa hậu cấu trúc cho
rằng chủ nghĩa cấu trúc có nhược điểm là đóng kín tác phẩm, coi văn bản là
một thực thể thống nhất, cô độc như một hòn đảo bị tách ra với thế giới bên
ngoài. Mâu thuẫn này phản ánh quá trình phát triển tất yếu của lí luận hiện đại.
Học thuyết nào cũng có ưu và nhược điểm riêng. Từ việc phân tích được những
hạn chế của học thuyết trước để có thể tìm ra những cái mới hơn, tiến bộ hơn là
nhiệm vụ của nghiên cứu khoa học. Luận văn không nhằm mục đích giải quyết
những mâu thuẫn được đặt ra đối với hai lý thuyết của chủ nghĩa cấu trúc và
hậu cấu trúc mà chỉ tập trung vào hướng nghiên cứu cấu trúc để tiếp cận với
một hiện tượng văn học cụ thể là tiểu thuyết của nhà văn Hồ Anh Thái.
1.3. Các yếu tố cơ bản tạo nên cấu trúc tiểu thuyết
Các lý thuyết cấu trúc trong văn học có khá nhiều nhưng tập trung vào

một số đại diện tiêu biểu: thi học của R. Jakovson, cấu trúc văn bản nghệ
thuật của IU. M. Lotman, cấu trúc kí hiệu học của trường phái Paris, thi pháp
học cấu trúc của Jonathan Culler. Các lý thuyết này đều là những công trình
nghiên cứu quý giá đối với việc nghiên cứu và vận dụng chủ nghĩa cấu trúc
trong thực tiễn văn học. Ở Việt Nam, chủ nghĩa cấu trúc có lúc cũng được
giới thiệu rộng rãi vào trước năm 1975 nhưng chưa phải là một sự giới thiệu
đầy đủ về một lý thuyết tương đối khó này.
Để có thể đưa ra được các phương diện của cấu trúc tiểu thuyết, ý kiến
của Tadié cũng là ý kiến rất được quan tâm. Là một nhà phê bình, chuyên gia
về M. Proust hiện nay của Pháp, Tadié cho rằng: “Nói về một văn bản (nghệ
thuật), chính là đã đang chỉ ra cấu trúc”. Bất cứ một nhà văn nào khi bắt tay


vào viết cuốn tiểu thuyết của mình đều lập ra sơ đồ, ý tưởng và phải sửa chữa
trước khi đưa tác phẩm in ấn ra mắt công chúng. Vấn đề cấu trúc tiểu thuyết
được các nhà văn phương Tây đặc biệt chú ý. Đã từng có rất nhiều cuộc tranh
luận nổ ra về hai loại cấu trúc của tiểu thuyết, đó là cấu trúc đóng và cấu trúc
mở. “Một truyện kể, được kết thúc bởi tác giả của nó, có một kết luận rõ
ràng, thì cấu trúc của nó là đóng”.
Trong loại cấu trúc đóng này, Tadié nghiên cứu 3 kiểu mẫu: tiểu thuyết
về cá nhân, về gia đình và về tập thể. Nếu một tác phẩm có cái kết thúc gặp
gỡ cái mở đầu, khép lại chính nó thì cũng là một cách hiểu về cấu trúc đóng.
Một số nhà văn đã đặt tên cho tác phẩm của mình theo kiểu trừu tượng cho
lịch sử cuộc đời nhân vật: “Đi tìm thời gian đã mất” (M. Proust), “Buồn
nôn” (J. P. Sartre),… đều khép lại tác phẩm của mình về các nhân vật trung
tâm xung quanh một đề tài lớn, chỉ ra ý nghĩa triết học ẩn giấu. Ông cho rằng,
nhờ những thủ pháp của việc kể chuyện, như việc kể chuyện theo trục tuyến
tính của thời gian, theo đó là trật tự trước sau của các biến cố, trình bày nhân
vật một cách rõ ràng, nơi chốn cụ thể của cuộc phiêu lưu, là những mẫu mực
của kiểu cấu trúc đóng. Ngay cả khi nhà văn sử dụng những thủ pháp khác

như đảo lộn thời gian, hay những phối cảnh mâu thuẫn nhau cũng vậy. “Đi
tìm thời gian đã mất” là một cấu trúc đóng, mở đầu và kết thúc đều bằng một
từ thời gian kể về hành trình của nhân vật từ trẻ đến già, về sự hình thành dần
thiên hướng viết văn.
Đối với cấu trúc mở, nhà văn, nhà triết học, nhà ký hiệu học người Ý
Umberto Eco đã viết: “Các tác phẩm nghệ thuật, ngay cả khi nó là một hình
thức đã hoàn tất về tổ chức đã được định cỡ một cách chính xác, đều là mở, ít
ra là trong những gì mà nó có thể được diễn giải từ những cách khác
nhau…”. Có thể hiểu tác phẩm mở là một hệ thống ký hiệu có thể được diễn
dịch đến vô tận. Nhưng đối với Tadié, ông không đề cập đến sự mở về nghĩa,


về các ý nghĩa mà là về cấu trúc. Các tác phẩm được nhìn nhận không phải
trong sự hoàn tất của nó mà là về cấu trúc. Như vậy, có sự khác nhau về quan
niệm cấu trúc đóng, mở giữa hai người. Emberto Eco quan niệm tác phẩm
đóng có nghĩa là tác phẩm đó đã không còn có thể diễn giải được điều gì nữa
về ý nghĩa trong tác phẩm, mọi thứ đã được nhà tiểu thuyết nói trắng ra hết
rồi. Còn tác phẩm mở là sự mở ra vô tận về ý nghĩa. Ngược lại, Tadié đi tìm
cấu trúc mở theo nghĩa đi tìm hình thù nguyên lai trong sự sáng tạo của nhà
văn. Tadié coi những tác phẩm có cấu trúc mở là những tác phẩm được sắp
xếp theo kiểu số học này đã thông báo trước rằng nó là một tác phẩm mở, bởi
những tính toán của nó hay bị giấu đi và ý nghĩa của nó mang tính tượng
trưng. Tác phẩm mở còn nằm ở những cấu trúc mẩu đoạn hoặc cấu trúc cắt
dán, lắp ghép, bấp bênh, cấu trúc chưa hoàn tất.
Muốn tìm hiểu về chủ nghĩa cấu trúc, một trong những nội dung quan
trọng là cần nắm được các yếu tố và mối liên hệ giữa các yếu tố đó trong chỉnh
thể tác phẩm văn học. Như trên đã nói, có rất nhiều ý kiến chưa thống nhất về
các yếu tố và vai trò của từng yếu tố cấu thành nên một tác phẩm văn học.
Như vậy khi xét đến khái niệm cấu trúc, sẽ phải chú ý đến nội hàm khái
niệm. Khái niệm cấu trúc sẽ làm sâu sắc hơn khái niệm kết cấu theo ý kiến

của GS. Trần Đình Sử. Trước tiên, kết cấu là một thực thể - đây là một cách
hiểu truyền thống. Kết cấu có nghĩa là tổ chức và sắp xếp sự vật. Bản thân kết
cấu là bộ phận cấu thành quan trọng của hình thức sự vật. Điều này có nghĩa
là đem các nhân tố khác nhau sắp xếp vào một trật tự để tạo thành các cặp,
các đôi cho sự vật. Bên cạnh đó, kết cấu còn chỉ mối quan hệ. Nhận thức phổ
biến này giúp cho khái niệm kết cấu được hiểu như là cấu trúc. Cấu trúc
không phải là một tồn tại vật chất, song có thể làm cho các bộ phận của sự vật
có thể gắn kết hữu cơ một cách hài hòa. Kết cấu làm cho các bộ phận văn bản
được chuyển tiếp, quá độ, có mở đầu, có kết thúc, giống như một tồn tại có


tính hữu cơ.
Theo quan niệm của chủ nghĩa cấu trúc, ý nghĩa của văn bản không phải
do ý thức của tác giả truyền vào mà do mối quan hệ của các bộ phận tạo nên.
Cấu trúc được hiểu là quy tắc, trật tự, logic. Cách hiểu này không đơn thuần là
quan hệ giữa các bộ phận mà là cấu trúc bề sâu của sự vật. Nó có tính chất
đồng đại và vĩnh hằng, là cơ chế, quy tắc quy định sự sinh thành và biến đổi
của sự vật. Các học giả như C. Levi Strauss, R. Barthes đều quan niệm cấu trúc
như vậy. Trở lại với ý kiến của Umberto Eco, nhà kí hiệu học này quan niệm
cấu trúc là phương pháp và mô hình. Ông cho cấu trúc là cái mô hình có được
do sự giản lược sự vật, nhờ thế mà mọi người có cái nhìn thống nhất đối với sự
vật. Cấu trúc còn là phương pháp dùng để phân tích ý nghĩa, tháo dỡ văn bản
để giải cấu trúc và đồng thời là phương pháp giải thích văn bản.
Việc khám phá ý nghĩa của văn bản là không hề đơn giản, cần phải
quan tâm đến kết cấu tầng bậc của nó. Các yếu tố trong từng tầng bậc có kiểu
liên kết riêng và biểu hiện nội dung riêng, đồng thời các tầng bậc lại liên kết
với nhau tạo thành chỉnh thể của tác phẩm. Toàn bộ kết cấu ấy thể hiện vào
văn bản đảm bảo cho sự bền vững của tác phẩm văn học. Kết cấu là một
phương tiện tổ chức hình tượng nghệ thuật và khái quát tư tưởng – cảm xúc
cụ thể độc đáo. Khi nhà văn bắt tay vào viết tác phẩm, việc thiết yếu là phải

lựa chọn kết cấu. Lựa chọn một kết cấu nào đó, nhà văn phải cân nhắc xem
kết cấu đó có nâng cao được sức biểu hiện của đề tài và chủ đề không, có làm
toát lên được tư tưởng của tác phẩm không. Có thể chia ra kết cấu bề mặt và
kết cấu bề sâu. Kết cấu bề mặt bao gồm nhiều tầng bậc: cách tổ chức văn bản
ngôn từ, hệ thống trần thuật, hệ thống sự kiện, hệ thống hình tượng, chi tiết.
Khi tìm hiểu về chủ nghĩa cấu trúc, chúng tôi rất quan tâm đến cấu trúc
bề sâu của văn bản bởi cấu trúc bề sâu là yếu tố quy định kết cấu bề mặt. Cấu
trúc bề sâu là phần chìm, cung cấp quy tắc, trật tự, chức năng cho tổ chức bề


mặt. Nếu chỉ dừng lại ở việc khám phá bề mặt thì không thể nắm bắt hết được
quy luật và tính phổ biến của ý nghĩa. Nhà văn viết tác phẩm với mục đích là
biểu đạt được hàm ý và tình cảm nung nấu trong tâm hồn. Do đó, để quyết
định được hình tượng thể hiện trong tác phẩm phải phụ thuộc vào những căn
nguyên thuộc về cấu trúc bề sâu. Cấu trúc bề sâu thể hiện ở quan hệ đối ứng
giữa hình tượng và động cơ tâm lí của nhà văn. Kết cấu bề sâu là kết cấu sinh
thành, sản sinh hình tượng cho tư tưởng và sản sinh nhịp điệu cho tình cảm.
Như thế, việc tìm hiểu cấu trúc bề sâu góp phần khám phá cấu trúc ý nghĩa
của văn bản – một công việc không thể thiếu trên hành trình khám phá tác
phẩm và phong cách nhà văn.
Tiểu thuyết được coi là một thể loại đóng vai trò như “máy cái” của nền
văn học, góp phần quan trọng tạo nên diện mạo cho văn học. Thể loại này
được làm nên từ các yếu tố cơ bản như: cốt truyện, nhân vật, điểm nhìn giọng
điệu và ngôn ngữ nên trong công trình này chúng tôi tập trung khảo sát các
phương diện: cấu trúc hình tượng nhân vật, cấu trúc cốt truyện, cấu trúc điểm
nhìn và cấu trúc giọng điệu.
1.3.1. Hình tượng
Hình tượng là một khái niệm trung tâm giúp ta khám phá chiều sâu của
văn bản, bao gồm cả mặt xã hội và mặt văn học. Hệ thống hình tượng bao
chứa trong mình các mối liên hệ với các yếu tố khác của cấu trúc tác phẩm.

Các mối liên hệ thường thấy của nhân vật trong tác phẩm là đối lập, đối chiếu,
tương phản, bổ sung. Sự đối lập thường tồn tại giữa các cặp phạm trù: thiện
và ác, tốt và xấu, thống trị và bị trị… Bên cạnh đó, sự đối lập còn thể hiện ở
bản chất của các nhân vật: trung thành và phản bội, trung thực và gian dối,
tham lam và biết điều,… Quan hệ đối lập là loại quan hệ loại trừ nhau một
mất một còn và đây cũng là cơ sở để tạo thành các tuyến nhân vật của tác
phẩm. Quan hệ đối chiếu tương phản giúp ta nhìn nhận rõ hơn về sự khác biệt


giữa các nhân vật. Quan hệ này không chỉ giúp người đọc nhìn rõ những nhân
vật đối lập nhau mà còn làm nổi bật hơn đối với những nhân vật cùng tuyến.
Ngược lại với quan hệ đối lập là quan hệ bổ sung. Loại quan hệ này tồn tại
giữa các nhân vật cùng loại nhằm mở rộng phạm vi của một loại hiện tượng.
Đảm nhiệm vai trò của những nhân vật bổ sung thường là các nhân vật phụ,
làm cho các nhân vật chính trở nên rõ nét hơn. Các nhân vật phụ này tuy đóng
vai trò hỗ trợ nhưng có một vai trò rất quan trọng đó là giúp mở rộng hơn đề
tài được phản ánh trong tác phẩm. Quan hệ bổ sung đồng đẳng lại đem đến
một chức năng khác. Các nhân vật phản ánh lẫn nhau, soi sáng nhau để cùng
phản ánh đời sống. Khi tìm hiểu về hình tượng cần phải xét trên các loại quan
hệ để thấy được vai trò xã hội và vai trò văn học của chúng.
1.3.2. Cốt truyện
Khái niệm này được xuất hiện từ xa xưa được sử dụng bởi các nhà văn
La Mã. Cốt truyện là một phương diện của hình thức nghệ thuật, chỉ lớp biến
cố của hình thức tác phẩm. Chính hệ thống biến cố (cốt truyện) đã tạo ra sự vận
động của nội dung cuộc sống được miêu tả trong tác phẩm. Chúng ta thường
thấy cốt truyện là thành phần thiết yếu của tác phẩm tự sự và kịch; thường ít
thấy trong các tác phẩm trữ tình. Cốt truyện có chức năng quan trọng là bộc lộ
các mâu thuẫn của đời sống, nghĩa là thể hiện xung đột. Cốt truyện thường
được phát triển theo tiến trình từ hình thành đến kết thúc: mở đầu (thắt nút),
phát triển, cao trào, mở nút. Cũng có những cốt truyện không đầy đủ các tiến

trình trên. Nhiều tác phẩm đặc biệt là tác phẩm của chủ nghĩa hiện thực không
có mở nút hoặc nếu có thì chỉ đóng vai trò rất nhỏ bé. Việc tạo ra cốt truyện
phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đó là năng lực sáng tạo và tổ chức của nhà văn; đó
là vốn văn hóa, kinh nghiệm sống để nhà văn có thể đem tặng cho người đọc
những món quà quý giá của quá trình lao động nghệ thuật.
1.3.3. Điểm nhìn trần thuật


Điểm nhìn là một khái niệm then chốt khi xét đến cấu trúc tác phẩm
văn học. Điểm nhìn là vị trí, chỗ đứng để miêu tả, xem xét, bình giá sự vật
hoặc hiện tượng trong tác phẩm. Theo “Từ điển thuật ngữ văn học”, điểm
nhìn là “khoảng cách, góc độ của lời kể đối với cốt truyện tạo thành cái
nhìn”. Như vậy, có thể hiểu điểm nhìn là phương thức phát ngôn trình bày,
miêu tả phù hợp với cách nhìn, cách cảm nhận thế giới của tác giả. Có thể đặt
điểm nhìn vào nhiều vị trí khác nhau cho nên không thể có cách đánh giá tác
phẩm theo kiểu một chiều được.
Có nhiều ý kiến đưa ra về cách phân loại điểm nhìn. Theo đó, điểm nhìn
được phân chia dựa trên nhiều tiêu chí. Theo cuốn “Lý luận văn học” tập 2 do
GS. Trần Đình Sử chủ biên, điểm nhìn được chia trên hai bình diện. Xét về
trường nhìn trần thuật, điểm nhìn được chia thành hai loại: trường nhìn tác giả
và trường nhìn nhân vật. Trường nhìn tác giả là trường nhìn mà người trần
thuật đứng ngoài câu chuyện để quan sát đối tượng. Lời trần thuật theo trường
nhìn này vì thế mang tính khách quan cao. Các tác phẩm thuộc truyện kể dân
gian, kịch, truyện kí, tiểu thuyết nói chung đều trần thuật theo trường nhìn tác
giả. Trần thuật theo trường nhìn nhân vật có nghĩa là người trần thuật nhìn sự
vật, hiện tượng theo quan điểm của một nhân vật trong tác phẩm. Kiểu trần
thuật này bị chi phối bởi địa vị, hiểu biết, lập trường của nhân vật. Nhưng bù
lại những hạn chế đó, kiểu trần thuật này lại mang đậm sắc thái tâm lí, chất trữ
tình hoặc châm biếm. Các tác phẩm trữ tình, tự truyện , tiểu thuyết trong văn
học cận đại, hiện đại xuất hiện nhiều kiểu trần thuật này. Xét trên bình diện tâm

lí, có thể chia thành điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong. Với điểm
nhìn bên ngoài, chủ thể trần thuật giữ cái nhìn khách quan từ vị trí bên ngoài và
có một khoảng cách nhất định với đối tượng được nói đến. Ngược lại, điểm
nhìn bên trong cho phép người trần thuật nhìn qua lăng kính của một tâm trạng
cụ thể, dễ dàng tái hiện các quá trình trong tâm hồn nhân vật.


Bên cạnh những yếu tố trên thuộc về kết cấu bề ngoài của văn bản tác
phẩm, cần quan tâm đến kết cấu bề sâu, thuộc về cấu trúc bên trong của tác
phẩm. Có thể xét đến các cặp phạm trù ngữ học như ngôn ngữ và lời nói; cái
biểu đạt và cái được biểu đạt; trục kết hợp và trục liên tưởng; ẩn dụ và hóa dụ;
… Có thể xét đến các cặp phạm trù theo tổ chức không gian và thời gian, giữa
trật tự trần thuật và trật tự biên niên của sự kiện. Những cặp phạm trù trên có
ý nghĩa rất lớn trong việc thể hiện cấu trúc bề sâu và trong việc khám phá giải
mã cấu trúc đó.
1.3.4. Giọng điệu
Theo “Từ điển thuật ngữ văn học”, giọng điệu là khái niệm dùng trong
văn chương nghệ thuật để chỉ thái độ, tình cảm, lập trường, tư tưởng, đạo đức
của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả. Giọng điệu quy định cách xưng
hô, gọi tên, cách dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ,
thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm,… Giọng điệu cũng phản
ánh lập trường xã hội, thái độ, tình cảm và thị hiếu thẩm mĩ của tác giả. Giọng
điệu có vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên phong cách nhà văn và truyền
cảm cho người đọc. Hơn nữa, giọng điệu là một phạm trù thẩm mĩ của tác
phẩm văn học. Nó đòi hỏi nhà văn, nhà thơ phải có khẩu khí, có giọng và có
điệu. Giọng điệu trong một tác phẩm có giá trị thường đa dạng, có nhiều sắc
thái trên cơ sở một giọng điệu cơ bản chủ đạo chứ không hề đơn điệu. Cũng
giống như khi gặp một người quen, chỉ cần nghe tiếng ta đã nhận ra người
quen đó. Đọc vào tác phẩm của một nhà văn có giọng điệu riêng cũng vậy.
Người đọc nhận ra khẩu khí của nhà văn, nhận ra cái “hơi văn” đặc biệt của

riêng nhà văn đó chứ không thể lẫn với ai được.
1.4. Hồ Anh Thái và nỗ lực đổi mới cấu trúc tiểu thuyết
Hồ Anh Thái là nhà văn sớm tạo được dấu ấn riêng với bạn đọc khi xuất
hiện với những đứa con tinh thần của mình. Ở đây, người viết mạn phép được


gọi nhà văn là “anh” bởi văn phong của Hồ Anh Thái trẻ trung và đầy sức
sống, gần gũi với hiện thực đời sống quá. Khó thấy ở anh một ngày nhàn rỗi vì
anh là một nhà ngoại giao – nhà văn làm việc và lao động nghệ thuật vô cùng
nghiêm túc. Là cán bộ của Bộ Ngoại giao và là Tiến sĩ văn hóa phương Đông,
được mời thỉnh giảng ở nhiều trường đại học phương Tây, tất cả những công
việc đó đòi hỏi ở Hồ Anh Thái một sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Hơn nữa, là
người từng có cơ hội sống và làm việc tại Ấn Độ nhiều năm, nhà văn đã có
thêm cho mình vốn kiến thức sâu rộng về nhiều nền văn hóa. Nhìn vào số
lượng đầu sách mà nhà văn đã cho xuất bản, không ít người đã phải nể phục vì
tinh thần lao động và sự sáng tạo của anh. Với hơn 30 tiểu thuyết và các tập
truyện ngắn, hầu như năm nào Hồ Anh Thái cũng cho ra đời những tác phẩm
mới. Và những tác phẩm của anh đều được công chúng đón nhận với nhiều sự
quan tâm của dư luận. Vậy do đâu mà Hồ Anh Thái lại có sức sáng tạo dồi dào
và trở thành một nhà văn giàu năng lượng đến vậy? Câu trả lời có lẽ nằm ở
quan niệm nghệ thuật của tác giả và ý thức về nghề văn của anh.
Hồ Anh Thái ý thức rất rõ về sự nghiêm khắc của quá trình lao động
nghệ thuật. Nếu trước kia nhà văn Nam Cao “không cần những người thợ
khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho” thì Hồ Anh Thái cũng cùng
quan điểm ấy, anh tâm niệm rất rõ về nghề viết. Nhà văn từng nói: “Hiện
thực và không gian nghệ thuật của mỗi quyển sách đòi hỏi một cách xử lí
riêng, một văn phong riêng, tôi luôn tránh lặp lại người khác và lặp lại chính
mình…” (Hồ Anh Thái – dư luận về những bản dịch).
Chính bởi vậy nên Hồ Anh Thái luôn tìm cho mình một hướng đi riêng,
không giống ai và không lặp lại chính mình. Người ta tìm đọc Hồ Anh Thái

cũng bởi để xem trong một tác phẩm mới ra nhà văn có cách thể hiện mới mẻ
như thế nào. Để có sự mới mẻ ấy, phải xuất phát từ quan niệm về hiện thực và
lối viết của nhà văn. Hồ Anh Thái quan niệm hiện thực cuộc sống là những


mảnh vỡ, mỗi con người lại mang trong mình những mảnh vỡ khác nhau từ
những mảnh vỡ của cuộc đời. Vì thế, cuộc sống là những mảnh ghép không
tròn trịa. Nó có thể có những lớp vỏ hào nhoáng và lấp lánh nhưng thật ra là
để che đậy cái sự thật cuộc sống vốn thô nhám, xù xì và gai góc mà càng đi
nhiều trải nhiều con người ta mới càng thêm thấm thía. Nhà văn cũng có cho
mình những tích lũy riêng để viết:
“… Kinh nghiệm của người này thường không mấy có ích với người
khác, hình như ở đây có chút gì đó giống như tình yêu, cần một chút mê đắm,
một chút thành thực là có tình yêu. Nhưng để nuôi dưỡng tình yêu ấy lâu bền
thì cần có một sự hiểu biết, cần sự từng trải nữa, hiểu biết không nhất thiết từ
sách vở, sự từng trải không nhất thiết phải chìm trong những cái đời thường.
Người viết cũng có muôn vàn những cách khác nhau để tự trang bị hành
trang cho mình…”
Và với vốn kinh nghiệm và sự từng trải đó, Hồ Anh Thái đã đem đến
cho bạn đọc một số lượng tác phẩm đáng nể. Là người có tinh thần làm việc
nghiêm túc, nhà văn nói: “Dù công việc công sở bận rộn nhưng mỗi ngày tôi
phải viết đều đặn ít nhất là hai tiếng, người viết chuyên nghiệp phải thế, ngồi
vào bàn là anh có đủ kĩ năng huy động cảm hứng chứ chờ cảm hứng tự dẫn
thân tới là một thái độ lao động nghiệp dư và có chút thần bí hóa nghề
văn…”. Cho đến nay, với hơn 30 đầu sách, trong đó có nhiều cuốn được dịch
ra nhiều thứ tiếng Hồ Anh Thái đã trở thành một hiện tượng văn chương của
thế hệ văn nhân thời hậu chiến sau 1975. Để cho ra đời tác phẩm của mình,
nhà văn không chỉ dùng con mắt nhìn hiện thực đa chiều mà anh còn có
những cách thức tái hiện rất riêng, thể hiện sức sáng tạo không ngừng nghỉ:
“… Tôi quan niệm tiểu thuyết như một giấc mơ dài gấp sách lại người

ta mừng rơn như vừa thoát khỏi một cơn ác mộng lại vừa tiếc nuối vì phải
chia tay với những điều mà đời thực không có. Nếu tôi chỉ dùng một phương


×