Tải bản đầy đủ (.doc) (106 trang)

ĐẶC điểm NGHỆ THUẬT TRUYỆN NGẮN PHẠM HOA

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (542.37 KB, 106 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

TRẦN THANH NHÀN

ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT
TRUYỆN NGẮN PHẠM HOA
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam hiện đại
Mã số: 60.22.01.21

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Bích Thu


HÀ NỘI - 2015
LỜI CẢM ƠN
Bằng sự tri ân sâu sắc, tôi xin chân thành cảm ơn Phó giáo sư – Tiến sĩ
Nguyễn Bích Thu, người đã tận tình chỉ bảo và hướng dẫn tôi trong suốt quá
trình nghiên cứu và hoàn thành luận văn.
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới các thầy cô giáo Khoa Ngữ Văn, thầy cô
giáo tổ bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại - Trường Đại học Sư phạm Hà
Nội đã nhiệt tình giảng dạy và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi trong thời
gian học tập và nghiên cứu tại trường. Xin chân thành cảm ơn phòng sau Đại
học, Khoa Ngữ văn, Thư viện khoa Ngữ văn, Thư viện trường ĐHSP Hà Nội
đã tạo điều kiện giúp đỡ và cung cấp tài liệu cho tôi trong suốt quá trình học
tập và nghiên cứu.
Cảm ơn nhà văn Phạm Hoa đã luôn ưu ái dành cho tôi những chia sẻ về
cuốn sách mới nhất, nguồn tư liệu mới nhất.
Xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban giám hiệu trường THPT Cộng
Hòa – Lạc Sơn – Hòa Bình cùng toàn thể đồng nghiệp, bạn bè đã động viên,


giúp đỡ tôi suốt những ngày tháng qua.
Tôi xin gửi lời tri ân tới bố, mẹ hai bên cùng những người thân trong
gia đình đã luôn sát cánh bên tôi, luôn ủng hộ tôi.


MỤC LỤC


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Sau 1975, khi lịch sử đất nước sang trang, nền văn học Việt Nam cũng
chuyển sang một bước ngoặt mới. Đại hội VI của Đảng và tiếp đó là Nghị quyết của
Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ đã khơi nguồn dân chủ cho văn học phát triển
theo hướng “đổi mới tư duy”. Nhờ thế, đời sống văn chương trở nên phong phú, sôi
động và đã xuất hiện những sáng tác mới hướng tới các giá trị chân – thiện – mỹ.
Nền văn học thời kì đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể cả về mặt
nội dung và hình thức, góp phần không nhỏ vào việc thể hiện bức tranh muôn màu
của cuộc sống con người hôm nay. Góp phần tạo nên tiếng nói văn nghệ thời kì đổi
mới phải kể tới những tên tuổi gạo cội như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma
Văn Kháng, Lê Lựu, và tiếp đó là Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Bảo Ninh,
Phạm Thị Hoài … Trong số đó không thể không nhắc đến sự hiện diện của Phạm
Hoa – nhà văn quân đội xuất hiện với những truyện ngắn gây ấn tượng. Mặc dù
không được chú ý ngay từ đầu như một số nhà văn cùng thời nhưng với quá trình
lao động sáng tạo bền bỉ, đầy nội lực, Phạm Hoa đã cho ra mắt bạn đọc những trang
viết mang dấu ấn cá nhân, đặc biệt với tập truyện ngắn Đùa của tạo hóa.
1.2. Phạm Hoa sinh năm 1952, là một trong những gương mặt nổi bật của đội
ngũ những nhà văn mặc áo lính và rộng ra của văn học Việt Nam sau 1975. Ông
xuất hiện trên văn đàn khoảng những năm đầu của thập niên bảy mươi của thế kỉ
XX. Truyện ngắn đầu tiên của ông là Những chùm hoa một màu in trên báo Phụ
nữ năm 1973.Với sự lao động nghiêm túc, cho đến nay nhà văn đã cho ra đời 7 tập

truyện ngắn: Ngày không bình thường (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1984);
Tiếng chim (Nhà xuất bản Tác phẩm mới, cùng Hoàng Minh Thắng, 1985 ); Đừng
quên mùa hoa săng lẻ (Nhà xuất bản Phụ nữ, 1987); Mỗi thời của họ (Nhà xuất
bản Quân đội nhân dân, 1993); Đùa của tạo hoá (Nhà xuất bản Công an nhân dân,
1996); Truyện ngắn Phạm Hoa (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2001); Và gần
đây nhất là Truyện ngắn Phạm Hoa (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2012). Ngoài ra
ông còn viết Miền xa thẳm (tiểu thuyết, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2002),

1


bút kí Thuyền lên Thạch Hãn (2015). Phạm Hoa là một nhà văn gặt hái được thành
công với những giải thưởng: Tặng thưởng truyện ngắn hay của Tạp chí Văn nghệ
quân đội, 1979, giải nhì cuộc thi truyện ngắn do Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức
năm 1981; Giải ba cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ năm 1991; Tặng thưởng của
Hội Nhà văn Việt Nam năm 2003. Gần đây nhất, tháng 8 năm 2015, ông đạt giải
nhất với bút kí Thuyền lên Thạch Hãn trong cuộc vận động sáng tác văn học về đề
tài Giao thông vận tải do Hội nhà văn và Bộ Giao thông vận tải tổ chức. Đặc biệt
các tác phẩm của ông còn được chuyển thể thành phim truyền hình (Mỗi thời của
họ), chuyển thể thành kịch bản sân khấu (Miền xa thẳm, gắn với bài hát rất nổi
tiếng của nhạc sĩ Đức Trịnh, bài hát được viết cho cuốn tiểu thuyết này), tác phẩm
Ngày không bình thường được chuyển thể sang sân khấu truyền hình.
1.3. Dù số lượng tác phẩm không thật đồ sộ nhưng những sáng tác của Phạm
Hoa đã được công chúng đón nhận trên nhiều bình diện khác nhau. Ông sáng tác cả
tiểu thuyết và truyện ngắn, nhưng truyện ngắn mới là thể loại sở trường, đem đến
cái nhìn đa chiều về những vui, buồn trong chiến tranh hay trong thời bình, chủ yếu
ở những góc khuất riêng tư không phải dễ chạm tới của con người. Đặc biệt về
phương diện nghệ thuật, Phạm Hoa luôn có ý thức đổi mới và thể nghiệm không
ngừng. Truyện ngắn Phạm Hoa đi vào lòng người một phần cũng chính bởi những
đặc trưng nghệ thuật độc đáo. Với những lý do trên chúng tôi đã chọn Đặc điểm

nghệ thuật truyện ngắn Phạm Hoa làm đối tượng nghiên cứu.
2. Lịch sử vấn đề
Từ khi xuất hiện trên văn đàn Việt Nam, đặc biệt là từ sau 1975, truyện ngắn
của Phạm Hoa đã được giới nghiên cứu phê bình văn học và độc giả chú ý. Điều đó
chứng tỏ truyện ngắn Phạm Hoa có sức hút khá lớn.
Phân tâm học vốn là một lĩnh vực đắc địa để thể hiện tính cách nhân vật và
thị hiếu độc giả. Sự vận dụng những yếu tố tích cực của phân tâm học (từ S.Freud
đến C.G.Jung…), trước hết ở các kiểu loại mặc cảm là một thủ pháp nghệ thuật độc
đáo để xây dựng tác phẩm. Nhận xét về truyện ngắn Đùa của tạo hóa ở phương
diện sử dụng học thuyết Phân tâm học, nhà nghiên cứu Hồ Thế Hà với bài viết “Từ

2


cái nhìn tham chiếu phân tâm học qua một số truyện ngắn hiện đại Việt Nam” cho
rằng “Đùa của tạo hóa của Phạm Hoa là truyện ngắn xuất sắc về kiểu mặc cảm
Œdipe qua hình tượng người mẹ quá yêu con đến “bệnh hoạn” mà ganh ghét với
Loan – cô dâu xinh đẹp nhất làng do bà dày công kén chọn”. Trong bài viết đó tác
giả cũng chỉ ra sự dự phần có tác dụng to lớn của yếu tố giấc mơ đối với việc sử
dụng Phân tâm học trong các sáng tác: “Đùa của tạo hoá của Phạm Hoa, Người
suy tư của Phạm Thị Hoài, trong nhiều truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Võ
Thị Hảo, Đỗ Hoàng Diệu… thể hiện giấc mơ như là một thủ pháp nghệ thuật rất
thành công. Bà Thuận (Đùa của tạo hoá) luôn mơ trong cơn hưng phấn đặc biệt,
khiến bà như mệt lả vì ức chế”. [72].
Trong chuyên luận “Văn xuôi Việt Nam sau 1975”, nhà nghiên cứu Nguyễn
Thị Bình nhắc đến nhà văn Phạm Hoa ở cái nhìn khái quát nhất trong mối tương
quan với các tác giả khác. Ở phương diện những vấn đề sinh hoạt thế sự trong các
tác phẩm, nhà nghiên cứu nhận định: “Bước qua lời nguyền (Tạ Duy Anh), Đùa
của tạo hóa (Phạm Hoa), Đất quên, Những bài học nông thôn (Nguyễn Huy
Thiệp) …. là vấn đề nhân cách tự do trong mối quan hệ cá nhân – cộng đồng” [11,

tr 21]. Về giọng điệu, một phương diện độc đáo góp phần nhận ra phong cách của
nhà văn, nhà nghiên cứu nhấn mạnh: “Giọng trần thuật lạnh lùng, khinh bạc, những
chi tiết tự nhiên chủ nghĩa ở Nguyễn Huy Thiệp, Đào Hiếu, Phạm Hoa” [11, tr53].
Qua đó, có thể nhận thấy cái khác biệt, cách tân mới mẻ ở phương diện nghệ thuật
mà Phạm Hoa hướng tới đã góp phần tạo nên dấu ấn của nhà văn trong nền văn
xuôi đương đại.
Nhà văn Hữu Đạt đã viết lời bình về Phạm Hoa trong cuốn Nhà văn quân
đội, kỷ yếu và tác phẩm: “Anh là nhà văn luôn trăn trở đi tìm những hướng mới
trong sáng tạo”. Ở bài viết này, Hữu Đạt cũng nhắc tới thể loại mà Phạm Hoa dành
nhiều thời gian tâm huyết nhất “Sở trường của anh là viết truyện ngắn”. Từ đây tác
giả khẳng định sự đổi mới trong các chặng đường sáng tác của Phạm Hoa, một sự
nỗ lực không ngừng để tìm kiếm sự cách tân mới mẻ trong hành trình sáng tác của
ông “Một chặng đường mười năm 1981 – 1991 là một chặng đường thể nghiệm

3


hướng đi và những phát hiện của mình. Năm năm tiếp sau những định hướng ban
đầu bắt đầu rõ nét để định hình cho một phong cách”. Hơn hết, những dấu hiệu của
sự đổi mới đó, trước hết hướng tới cuộc đời, hướng tới con người: “Những trăn trở
về nghề văn cũng như những trăn trở về cuộc đời bạn đọc dễ nhận thấy ở những
truyện ngắn anh đã cho xuất bản” [15, tr107].
Tình thế (hay tình huống) là yếu tố quan trọng trong truyện ngắn. Nó góp phần
tạo nên sự xuyên suốt của mạch truyện ngắn, từ đó hình thành điểm nhấn không thể
thiếu trong truyên ngắn. Là một nhà văn khá dụng công trong việc xây dựng những
tình huống truyện, Phạm Hoa xây dựng nên những tình huống độc đáo trong các sáng
tác của mình. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã có những nhận xét rất tinh tế về tình
thế trong truyện ngắn Ngày không bình thường ở bài viết “Tình thế xảy ra truyện”
trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 5/ 1982: “Tôi rất thích cái tình thế xẩy ra trong
truyện ngắn này (Ngày không bình thường) … Thử hỏi không có chuyện đọc thư qua

máy điện thoại thì còn đâu cái truyện ngắn này?”. Vì vậy, với truyện ngắn Ngày
không bình thường, bạn đọc có thể hiểu một phần cuộc đời của những cô thanh niên
xung phong qua tình huống đặc biệt mà Phạm Hoa đã dựng nên.
Nhà văn Nguyên Ngọc đã nhận xét rất ngắn gọn nhưng cô đọng và hàm súc
về truyện ngắn Đùa của tạo hóa: “Truyện viết rất giỏi. Đầy sự sống, mạnh mẽ,
sinh sôi. Là một truyện lạ trong dòng truyện chung hiện nay. Như bài ca, có đau
đớn, như lời ngợi ca sự sống. Hay!” [4, tr207]. Điều đó bạn đọc cũng thấy rất rõ
ràng khi đọc truyện ngắn này. Với truyện ngắn này, tên tuổi Phạm Hoa thực sự đã
trở nên quen thuộc với độc giả.
Nghệ thuật xây dựng nhân vật luôn là một thủ pháp nghệ thuật đặc biệt để lại
ấn tượng của bạn đọc. Phạm Hoa đã thể hiện rất tốt điều đó trong truyện ngắn Đùa
của tạo hóa. Nhà văn Lê Minh Khuê đã nhận xét: “Cái giỏi của tác giả là xây
dựng được những nhân vật thật rõ nét. Có thể hình dung được bà mẹ chồng khốn
khổ vì ghen tức, cô con dâu nanh nọc không hề “thua chị kém em”. Không thiên về
lối diễn giải, kể lể, Phạm Hoa mang đến cho bạn đọc sự mới mẻ ở khả năng mô tả
đời sống với “Nhân vật thiên về hành động. Không có quá trình phân tích tâm lý

4


bên trong để chuẩn bị cho hành động”. Từ đó Phạm Hoa mở rộng biên độ không
gian của truyện ngắn, mang lại cho bạn đọc sự gần gũi, quen thuộc trong cuộc sống
thường nhật: “Chuyện xảy ra muôn đời, ở mọi nơi chứ không hẳn ở xứ ta: con
người đáng lẽ sống và hưởng cái mà thượng đế đã cho. Nhưng rồi cứ trào lên, cứ
sôi lên, tràn cả sang phần người khác và nếu không được thì tự mình đốt mình và
đốt cháy cả thiên hạ. Thế rồi cứ loanh quanh luẩn quẩn làm khổ nhau, buộc chân
nhau, kéo nhau cùng rơi xuống hố. Chuyện thường ngày ở xứ ta” [4, tr207].
Về hình ảnh những người phụ nữ trong sáng tác của Phạm Hoa, nhà nghiên
cứu Lý Hoài Thu trong bài viết “Phạm Hoa trong vòng đua với Trò đùa của tạo
hóa” đã nhận xét “Đối với Phạm Hoa, cái đẹp của một đời sống trần thế tồn tại

ngay trong sự hoàn hảo về mặt thể chất của người phụ nữ”. Nhận diện rõ ràng điều
đó, nhà văn luôn đặt hình ảnh người phụ nữ là nhân vật trung tâm. Phạm Hoa dành
rất nhiều sự quan tâm tới số phận những người phụ nữ, cả trong thời chiến lẫn thời
bình“Ngay từ những truyện ngắn đầu tay của mình, Phạm Hoa đã có ý thức lấy số
phận người phụ nữ làm tâm điểm để phát hiện những dao động bất thường của
cuộc sống”. Ở bài phỏng vấn “Gặp tác giả Đùa của tạo hóa – Phạm Hoa”, Lý
Hoài Thu tâm sự “Không phải ai cũng đau đớn, vật vã với quá khứ như thế hệ các
anh đâu! Nhưng nhìn vào lớp trẻ bây giờ nhiều người thấy buồn, một số ít thấy lo
lo… bởi vì quá khứ nào rồi cũng tham dự một cách tích cực vào đời sống hiện tại”
[67, 267]. Qua đó bạn đọc có thể hình dung rõ ràng về sự trải nghiệm sâu sắc của
nhà văn, luôn đi sâu, đi sát với mỗi bước đi của cuộc đời. Đặc biệt hơn cả, Phạm
Hoa luôn dành những trang viết của mình để thấu hiểu những nỗi đau đớn, cay cực
của người phụ nữ thời nay và viết về họ với tất cả sự ngậm ngùi, xót xa.
Nhà văn Nguyễn Trí Huân đã phát biểu trực tiếp “Trong số các nhà văn
quân đội, tôi đọc kĩ nhất, và hầu như anh ấy viết cái gì tôi cũng đọc, đó là nhà văn
Phạm Hoa”, và lý giải “vì Phạm Hoa có một cái rất quý như thế này, đó là cái chất
nghệ sĩ, cái tinh tế và cái ngẫu hứng của anh, đặc biệt khi miêu tả những tâm trạng,
những trạng huống tình cảm của con người”. Cái sâu sắc, tinh tế, ngẫu hứng một
phần có được là thuộc về bản năng con người. Nhưng rõ ràng phần nhiều chính là

5


thuộc về sự trải nghiệm đáng quý mà Phạm Hoa có được. Với vốn sống dày dặn,
Nguyễn Trí Huân nhấn mạnh: “Tôi tin rằng, sau thời gian mực thước trong công
tác quản lí, anh sẽ trở lại với sự tinh tế, cái ngẫu hứng trong sáng tạo văn học”. Từ
đó bạn đọc và chúng tôi cũng tin rằng “anh sẽ làm được điều gì đó cho văn học,
đặc biệt là với đề tài viết về lực lượng vũ trang và chiến tranh Cách mạng” [71].
Nhà văn Ma Văn Kháng đánh giá cao sự xây dựng các chi tiết nối tiếp nhau
trong truyện ngắn Đùa của tạo hóa: “Các chi tiết dồn dập cùng chung một tổng thể

nhất quán, lại khá đặc sắc, nhằm thật tập trung vào khai thác cái bản thể phồn thực
của con người. Những đoạn tả cái đẹp đàn bà và đời sống vợ chồng đam mê, những
tâm trạng bức bối, dồn nén, cảm giác theo tôi là rất khá. Chi tiết, cái vấn đề mà nó đặt
ra, hình như là không vượt ra khỏi được câu chuyện đàn ông – đàn bà và cái tồi tệ đốn
mạt của thói ích kỷ, quá quắt, nói chung là cái quái trạng của con người biệt dị”.
Chính vì thế, ông khẳng định: “truyện gây ấn tượng vũ bão, khốc liệt” [4, tr208].
Đối với bạn đọc, khi tiếp nhận truyện ngắn Phạm Hoa lại ấn tượng bởi sự
nhẹ nhàng trong những trang văn của nhà văn. Vũ Hùng (Giám đốc Nhà hát Quân
đội) sau khi đọc truyện ngắn Phạm Hoa đã chia sẻ: “Chưa biết tác giả nên tôi rất là
thích câu chuyện với cách hành văn dịu dàng, mềm mỏng, đọc mà thích, nghe cứ
ngấm”. Ấn tượng hơn cả trong phương diện nghệ thuật mà Vũ Hùng nhấn mạnh
phải kể đến phương thức xây dựng nhân vật của Phạm Hoa: “Các nhân vật để lại
cho tôi những ấn tượng đậm nét, nhất là các nhân vật nữ” [71].
Là một trong những cây bút có khá nhiều những cách tân, Phạm Hoa được
nhắc đến ở khía cạnh nhân vật người kể chuyện. Tác giả Nguyễn Thị Bích trong bài
viết “Đổi mới nhân vật kể chuyện trong truyện ngắn sau 1975” nhận xét “Người kể
chuyện có thể là người chứng kiến câu chuyện như Cún của Nguyễn Huy Thiệp,
Đùa của tạo hóa của Phạm Hoa”[9, tr18]. Người kể chuyện trong tác phẩm Đùa
của tạo hóa đã góp phần tạo nên một câu chuyện khách quan, như một câu chuyện
ngoài đời sống, được tác giả dựng nên trên trang văn một cách chân thực, sắc nét.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh trong bài viết “Thái Bá Lợi – Viết văn như
uống rượu” viết: “Nhóm bạn chơi của tôi hồi ấy được anh em gọi là “cánh rừng

6


phía Tây” gồm có tôi, Thái Bá Lợi, Nguyễn Trí Huân và Phạm Hoa. Nhóm chúng
tôi chủ trương sống thoáng, tự do, “gió chiều nào che chiều đó”, nếu không che
được thì “cuốn theo chiều gió” luôn, lấy vui làm gốc” [18, tr12]. Bằng tình bạn,
tình đồng chí, tình đồng nghiệp, Trung Trung Đỉnh đã chạm tới nét đời riêng rất

thực của Phạm Hoa. Từ đó, nhà văn cũng chia sẻ cho bạn đọc những tư liệu đáng
quý về ông: “Phạm Hoa gốc gác lái xe Trường Sơn, đầu bù, tóc rối, viết văn rất
hay vì có nhiều vốn sống hay về lính lái xe Trường Sơn, lại hóm hỉnh và tài tử” [18,
tr12]. Trân trọng những trải nghiệm sâu sắc trong cuộc đời người lính đã trải qua,
Phạm Hoa đã dành nhiều trang viết của mình cho những người lính Trường Sơn anh
dũng thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tất cả những bài viết về Phạm Hoa đã kể ở trên mới chỉ dừng lại ở phạm vi
một bài báo hoặc những ý kiến, những đánh giá khái quát nằm trong các chuyên
luận nghiên cứu. Cho đến thời điểm này, chưa có một công trình nghiên cứu nào
mang tính chuyên sâu về truyện ngắn của Phạm Hoa. Các bài viết và ý kiến trên đây
là những gợi ý để chúng tôi tiếp cận và đi sâu nghiên cứu, nhận diện Đặc điểm
nghệ thuật truyện ngắn Phạm Hoa.
3. Mục đích nghiên cứu
- Nhận diện những đặc điểm trên phương diện nghệ thuật để từ đó hiểu sâu
sắc nội dung tư tưởng truyện ngắn Phạm Hoa.
- Khẳng định thành tựu và những đóng góp của Phạm Hoa với thể loại truyện
ngắn nói riêng và văn học đương đại nói chung.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
- Đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn Phạm Hoa.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Luận văn giới hạn phạm vi nghiên cứu ở thể loại truyện ngắn của Phạm Hoa
và tập trung vào 5 tập truyện sau:
- Ngày không bình thường (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1984);
- Đừng quên mùa hoa săng lẻ (Nhà xuất bản Phụ nữ, 1987);

7


- Mỗi thời của họ (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1993);

- Đùa của tạo hoá (Nhà xuất bản Công an nhân dân, 1996);
- Truyện ngắn Phạm Hoa (Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2012).
Ngoài ra, khi nghiên cứu, chúng tôi vẫn mở rộng phạm vi khảo sát của luận
văn trên một số sáng tác của các nhà văn khác như: Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn
Kháng, Sương Nguyệt Minh, Hòa Vang, Lại Văn Long…
5. Đóng góp của luận văn
- Nhận diện những đặc sắc về phương diện nghệ thuật truyện ngắn Phạm
Hoa, từ đó ghi nhận đóng góp của truyện ngắn Phạm Hoa với văn học về đề tài
chiến tranh và người lính nói riêng và văn học Việt Nam đương đại nói chung.
6. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp nghiên cứu tác giả văn học
- Phương pháp phân tích tác phẩm văn học
- Phương pháp so sánh, đối chiếu
- Phương pháp thống kê, phân loại
- Phương pháp tổng hợp
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, phần nội dung của luận
văn gồm ba chương:
Chương 1: Truyện ngắn Phạm Hoa trong dòng chảy truyện ngắn Việt Nam
sau 1975 và hành trình sáng tác.
Chương 2: Nhân vật, cốt truyện và kết cấu trong truyện ngắn Phạm Hoa.
Chương 3: Điểm nhìn, ngôn ngữ và giọng điệu trong truyện ngắn Phạm Hoa.

8


NỘI DUNG
Chương 1
TRUYỆN NGẮN PHẠM HOA TRONG DÒNG CHẢY TRUYỆN NGẮN
VIỆT NAM SAU 1975 VÀ HÀNH TRÌNH SÁNG TÁC

1.1. Truyện ngắn Phạm Hoa trong dòng chảy truyện ngắn Việt Nam
sau 1975
1.1.1. Khái lược về thể loại truyện ngắn
Theo Pautôpxki: “truyện ngắn là một truyện viết ngắn gọn, trong đó cái
không bình thường hiện ra như một cái gì bình thường” [Dẫn theo Bùi Việt Thắng,
61, 451]. D.Gronopxki trong sách Đọc truyện ngắn nhận định: “Truyện ngắn là một
thể loại muôn hình muôn vẻ, biến đổi không ngừng”. Có thể nói, thuật ngữ truyện
ngắn có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau. Chúng ta có thể biết đến định nghĩa
truyện ngắn từ một vài nguồn sau đây: Theo Từ điển văn học “Truyện ngắn là hình
thức tự sự loại nhỏ; truyện ngắn khác với truyện vừa ở dung lượng nhỏ hơn, tập
trung mô tả một mảnh của cuộc sống: một biến cố hay một vài biến cố xảy ra trong
một giai đoạn nào đó của đời sống nhân vật, thể hiện một khía cạnh nào đó của đời
sống nhân vật, thể hiện một khía cạnh nào đó của vấn đề xã hội” [Dẫn theo Bùi
Việt Thắng, 60, tr.137]. Trong 150 thuật ngữ văn học, truyện ngắn được xác định là
“thể tài tác phẩm tự sự cỡ nhỏ, thường được viết bằng văn xuôi, đề cập đến hầu hết
các phương diện đời sống con người và xã hội”. Ở định nghĩa đó, truyện ngắn được
nhấn mạnh với nét nổi bật là “sự giới hạn về dung lượng, tác phẩm truyện ngắn
thích hợp với người tiếp nhận (độc giả) đọc nó liền mạch không nghỉ” [5, tr.359].
Như vậy, các định nghĩa trên đã bổ sung cho nhau để làm nổi bật những nét đặc
trưng cơ bản nhất của truyện ngắn.
Khi đề cập đến thể loại truyện ngắn, một số nhà nghiên cứu cũng đưa ra
những liên tưởng độc đáo, thú vị. Nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng nhận xét:
“Truyện ngắn như một “trinh sát viên” đã trườn tới, đột vào các ngõ ngách sâu
nhất của đời sống để khám phá và phát hiện…Giống như loại kính hiển vi có độ

9


phóng cực mạnh, truyện ngắn giúp chúng ta nhìn sâu hơn và thấy rõ ràng hơn cuộc
sống của con người trong những biểu hiện phong phú và phức tạp nhất của tư

tưởng, tình cảm và tâm lí” [61, tr.12]. Qua đó bạn đọc dễ dàng nhận ra sự sâu sắc ở
phương diện con người, cuộc sống mà thể loại truyện ngắn mang đến.
Nhà nghiên cứu Vũ Tuấn Anh cho rằng lý do để thể loại truyện ngắn “lên
ngôi”, trở thành mũi nhọn của văn xuôi hiện nay là bởi “Sự hàm súc, cô đọng, sự
khai thác theo chiều sâu số phận và nội tâm con người, tính tập trung của chủ đề và
triết lí, những gợi mở…tạo cho truyện ngắn hiện nay một chất lượng mới vượt ra
ngoài cái khung chật hẹp của thể loại” [2, tr.31]. Tác giả cho chúng ta nhận ra dáng
vẻ mới mẻ, có chiều sâu, càng ngày càng được mở rộng biên độ của thể loại truyện
ngắn, như một thể loại rất có triển vọng trong đời sống văn học thời kỳ đổi mới và
hội nhập.
Nhà nghiên cứu Bích Thu trong một bài viết đã ghi nhận: “Với đặc trưng cơ
bản của thể loại, truyện ngắn đã tạo cơ sở cho sự thay đổi quan niệm nghệ thuật về
con người…Văn học sau 1975, nhất là ở truyện ngắn đã đề cập đến vị trí và giá trị
của con người cá nhân” [64, tr34]. Tác giả cũng chỉ ra những đặc trưng cơ bản của
hình tượng con người trong các tác phẩm thời kỳ đổi mới: “Trên địa hạt truyện
ngắn, nhà văn đã khắc họa chân dung những con người vừa đẹp đẽ, cao thượng,
vừa đời thường, trần thế, luôn khao khát cái đẹp và hướng tới cái thiện". Con người
trong văn học đương đại vì thế không còn giản đơn, nguyên phiến mà đã có phần
xấu – tốt, thiện – ác hoà trộn lẫn nhau. Từ đó, nhà nghiên cứu khẳng định “Đó
chính là nét nổi bật mang đậm ý nghĩa nhân văn khi nhìn nhận con người, tạo nên
tiếng nói đa thanh trong truyện ngắn hôm nay” [64, tr.35]. Như vậy, sự thay đổi,
cách tân táo bạo trong thể loại truyện ngắn đương đại đã làm độc giả cảm nhận rõ
ràng cuộc sống thật gần gũi đang chảy trôi trong dòng mạch truyện ngắn với hình
ảnh những con người rất thật, rất quen thuộc.
Tựu chung, có thể nhận thấy rõ ràng truyện ngắn là một thể loại năng động,
dễ bắt kịp với nhịp thở của cuộc sống đương đại, truyện ngắn có thể kịp thời phản
ánh các vấn đề của cuộc sống một cách nhanh nhất, cập nhật tình hình thời sự nóng

10



hổi nhất. Vì là một thể loại năng động cho nên truyện ngắn hiện nay mang trong
mình nhiều dấu hiệu mới, nhiều biến đổi, cách xây dựng truyện ngắn đa dạng hơn,
xu hướng cách tân, đổi mới trong hình thức diễn đạt, mang đến những điều mới mẻ
trong sự tiếp nhận đối với bạn đọc. Truyện ngắn đã mang đến cho bản thân thể loại
những giá trị mới mẻ, riêng biệt. Mỗi truyện ngắn sẽ là một dấu ấn khó phai mờ
trong lòng độc giả. Tạo được dấu ấn riêng biệt đó chính là do chiều sâu tiềm ẩn mà
thể loại truyện ngắn mang lại cho bạn đọc. Vì vậy, truyện ngắn luôn là lựa chọn
hàng đầu cho độc giả mọi thời đại, đặc biệt ở cuộc sống vận động không ngừng
nghỉ ngày hôm nay.
1.1.2. Truyện ngắn Phạm Hoa trong bối cảnh truyện ngắn Việt Nam
đương đại.
Được cổ vũ bởi làn gió mới dân chủ và cởi mở của Đảng, nhiều văn nghệ sĩ
đã chân thành chia sẻ những tâm tư, suy nghĩ về văn nghệ. Nguyên Ngọc đề nghị
“phát huy đầy đủ chức năng xã hội của văn học nghệ thuật” và khắc phục “thói
quen chỉ nói một chiều” [47]. Sau này, khi trò chuyện về công việc sáng tác của
mình, ông nói “Tôi cần tìm cho mình một ngôn ngữ nghệ thuật khác”. Nguyễn Khải
cũng ý thức rất rõ về việc phải tự đổi mới ngòi bút, nhà văn tự nhận“từ 1955 đến
1978, tôi sáng tác theo một cách, từ 1978 đến nay, theo một cách khác”. Tác giả
của Cửa sông, Dấu chân người lính, Mảnh trăng cuối rừng đề nghị “Hãy đọc lời
ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” [13].
Và từ đó, lớp người viết xuất hiện từ sau Đại hội Đảng VI tạo nên ấn tượng
rõ rệt về một tinh thần thẩm mĩ mới với các tên tuổi Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị
Hoài, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Phan Thị Vàng Anh, Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê,
Chu Lai, Thái Bá Lợi, Nguyễn Trí Huân, Phạm Hoa… Với Phạm Hoa, quan niệm
“nhà văn – chiến sĩ” đã được ông nới rộng cùng với việc quan niệm cho đúng hơn
bản chất, chức năng của văn chương. Tính tích cực xã hội của văn học vẫn được coi
trọng, đồng thời bản chất thẩm mĩ được quan tâm hơn trước. Nhà văn đã nhập cuộc
bằng cả nhiệt tình và tư tưởng riêng, khẳng định giá trị của kinh nghiệm cá nhân.
Phạm Hoa trước khi cầm bút là anh chiến sĩ lái xe ở cung đường Trường Sơn, và


11


cùng với khẩu súng, ngọn bút trên tay đã làm nhiệm vụ chiến đấu. Hơn ai hết, ông
hiểu rõ cái khó khăn của người lính để đánh đổi lấy cái từng trải, già dặn của một
cây bút quân đội.
Sau năm 1975, truyện ngắn đã và đang là trung tâm thu hút sức sáng tạo của
các thế hệ cầm bút, là thể loại sở trường của nhiều nhà văn, người đến trước, kẻ đến
sau, tập hợp thành một lực lượng hùng hậu. Nhà nghiên cứu Bích Thu chỉ ra: “Văn
xuôi đã có những khởi sắc và những “tín hiệu mới”. Chưa bao giờ trên thị trường
sách lại ồn ào, náo nhiệt như những năm vừa qua” [65, tr.52]. Có thể nói đến những
phong cách văn chương với nhiều cá tính sáng tạo. Đó là Nguyễn Minh Châu luôn
trăn trở và tha thiết trên mỗi trang văn, một Nguyễn Khải ưa thích triết luận với
những tác phẩm giàu chất triết lý, một Nguyễn Huy Thiệp với những câu văn khô
lạnh mà đầy xao động và ẩn ức bên trong, một Phạm Thị Hoài sắc sảo đến mức
“đanh đá” của nghiệt ngã nhưng vẫn cháy bỏng tinh thần trách nhiệm xã hội… Còn
Phạm Hoa, ông vẫn tiếp nối nguồn cội của tình người ấm áp. Trang văn Phạm Hoa
hiện lên với đầy đủ những kiểu mẫu nhân vật đa dạng, từ những người lính anh hùng,
dũng cảm, cao thượng đến những con người thực dụng, tính toán, đớn hèn của đời
sống xã hội hiện đại. Sáng tác của Phạm Hoa hướng đến những người lính, nhưng
không ở đỉnh cao của những chiến công, mà rất đỗi bình thường, sâu lắng ở khía cạnh
thường nhật của con người.Viết về những con người trong xã hội hiện đại, Phạm Hoa
hướng ngòi bút của mình chủ yếu đến những nhân vật phụ nữ, với những “vẻ đẹp đến
nao lòng, báo hiệu một sự chẳng lành, một điều bất ổn. Sớm muộn gì tấm thân trinh
nữ ấy cũng phải chìm nổi giữa dòng xoáy cuộc đời [67, tr.105].
Nếu như văn học trước năm 1975 tránh nói đến những điều cấm kị, đề tài
tính dục trong văn chương, về những góc khuất ẩn tàng đằng sau số phận mỗi con
người, thì nay những điều đó đã thể hiện khá kín đáo, nhẹ nhàng trong những trang
viết của Phạm Hoa. Chúng ta bắt gặp những tác phẩm mang màu sắc nhục thể: Đùa

của tạo hóa, Bia đời, Con thú, Mèo hoang… Chỉ có điều nó chưa đi đến cùng của
sự bạo liệt như những nhà văn sau này như Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu.
Từ khi bước vào làng văn, Phạm Hoa đã dành được nhiều thiện cảm từ phía

12


bạn đọc và giới phê bình. Ông đạt được nhiều giải thưởng ở các truyện ngắn Dô…
tá dô…ta, Ngày không bình thường, Đùa của tạo hóa. Truyện ngắn của Phạm Hoa
hôm nay đi sâu vào những góc khuất sâu kín của con người, ông chú ý nhiều hơn
đến những nền tảng sâu xa trong phẩm chất của mỗi con người hiện đại. Đó là “ con
người ta tốt, giỏi thì ở đâu cũng thành người”. Như vậy, trên văn đàn Việt Nam
hiện đại, tên của ông – Phạm Hoa đã trở nên quen thuộc và điều đáng nói là, càng
ngày ông càng hé lộ những nét riêng, độc đáo trong thể hiện nghệ thuật tác phẩm,
không chỉ tạo nên giá trị nhân bản sâu sắc, mà còn là hiệu ứng thẩm mỹ đối với
người đọc.
Cùng với những cây bút quân đội cùng thời, Phạm Hoa và những trang văn
của ông đã góp phần làm nên diện mạo đa sắc màu của văn học Việt Nam đương
đại trong quá trình đổi mới và hội nhập hôm nay.
1.2. Hành trình sáng tác
1.2.1. Cuộc đời
Phạm Hoa tên khai sinh là Phạm Văn Hoa, sinh ngày 20 tháng 1 năm 1952
tại Vĩnh Yên, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa - một vùng đất giàu truyền thống văn hóa và
lịch sử. Sau này ông lấy cái tên ngắn gọn Phạm Hoa làm bút danh của mình.
Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống Cách mạng, bố ông là lão
thành Cách mạng – ông Phạm Văn Hãnh. Mẹ ông – bà Nguyễn Thị Bách một
người nông dân chân chất. Từ nhỏ, ông luôn sống hoang dã, hồn nhiên, chan hòa
bên cỏ cây, thiên nhiên. Ông sớm được tận hưởng những thú vui bắt chim, bắt cá.
Đó chính là sự lí giải cho ngôn ngữ mang đậm chất thơ đặc sắc trong những trang
văn Phạm Hoa sau này. Các anh em trai của ông đều thành danh rất sớm. Trong số

bốn anh em, hiện tại có ba anh em sống ở Hà Nội, đều là trí thức, đặc biệt là
PGS.TS ngôn ngữ Phạm Văn Hảo, hiện đang công tác tại Viện Ngôn ngữ học.
Phạm Hoa thể hiện tư chất văn chương từ rất sớm. Năm học 1969- 1970, lớp 10,
cuối cấp phổ thông lúc bấy giờ, ông đạt giải nhất cuộc thi học sinh giỏi toàn tỉnh, và
được cử đi thi học sinh giỏi toàn miền Bắc (thi cùng Nguyễn Văn Thạc và Hoàng
Nhuận Cầm). Sau đó, Phạm Hoa nhập ngũ (1970). Vào chiến trường ông trở thành

13


chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn những năm chống Mĩ cứu nước. Ông
đã tham gia chiến đấu nhiều năm ở đoàn 559 (sư đoàn 571). Chính khoảng thời gian
tám năm này, ông đã chắt lọc được rất nhiều những kinh nghiệm từ chiến trường, từ
trong bom đạn. Sự trải nghiệm sâu sắc ấy mang đến cho Phạm Hoa những trang viết
sâu sắc, chân thực, đầy sức lôi cuốn về hình ảnh những người lính chiến đấu trên
cung đường Trường Sơn.
Với sự ham mê kiếm tìm chất liệu cuộc sống cho sáng tác của mình, năm
1979, ông được cử đi học trường viết văn Nguyễn Du (khóa I). Không lâu sau đó
ông được điều về làm phóng viên Chương trình phát thanh Quân đội nhân dân, ở tại
Hà Nội. Sớm có duyên với nghề viết văn, năm 1978, ông làm Chánh văn phòng Hội
Nhà văn Việt Nam. Từ đây, ông dày công vun đắp cho công việc viết văn của mình
thêm sắc sảo. Công việc nối tiếp những đam mê, những gắn bó với nghề văn. Sau
đó, ông làm Phó phòng Văn nghệ quân đội (năm 1993). Những năm sau này, ông
làm Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng Cục Chính trị.
Năm 2012 ông về hưu và đang sinh sống tại Hà Nội. Hiện nay ông là Uỷ
viên Ban Thường vụ - Trưởng Ban Tuyên truyền - Thi Đua Hội Truyền thống
Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.
Sau khi tạm gác công việc của một nhà quản lý, người đọc tiếp tục gặp lại
Phạm Hoa ở cương vị của một nhà văn luôn trăn trở với những sáng tác hướng đến
cái thật, cái đẹp và cái thiện.

1.2.2. Quan niệm sáng tác
Trong cuộc đời của mình, Phạm Hoa đã đảm nhiệm rất nhiều vị trí khác nhau
ở các lĩnh vực chính trị, văn hóa, văn học nghệ thuật. Tuy thế, dù có thời gian dài
trong vai trò của một nhà quản lý văn nghệ quân đội, ông vẫn dành thời gian cho
các sáng tác văn học. Phạm Hoa sáng tác cả tiểu thuyết, truyện ngắn và bút ký
nhưng truyện ngắn là thể loại gắn với thành tựu sáng tác của ông. Bởi với Phạm
Hoa, truyện ngắn có “số chữ và sức khái quát rất lớn”, “hợp với những người
không có thời gian nhiều, hợp với những người như tôi. Có giai đoạn làm phóng
viên, có giai đoạn làm quản lí” [71]. Ông cho rằng: “Ngày nay thông tin được dồn

14


nén nên truyện ngắn phải như một linh kiện – vi mạch. Dung lượng và hàm chứa tôi nghĩ những điều đó rất quan trọng trong văn xuôi. Tôi đã viết vài truyện ngắn
mười trang mà dung lượng của cuốn tiểu thuyết hai trăm trang” [71]. Điều đó
hướng tới sự ngắn gọn của thể loại truyện ngắn mà vẫn đủ lượng thông tin, cả về
chất và lượng dành cho độc giả. Cũng chính đó là một phần lí do mà Phạm Hoa
hướng ngòi bút của mình vào thể loại này.
Phạm Hoa dành nhiều tâm huyết với sáng tác và ông đã có những suy nghĩ
về nghề văn hết sức sâu sắc: “Viết văn là một cuộc đi tìm mình. Tôi tìm mãi, tìm mãi
mà không rõ mình là ai! Để những cuốn sách viết ra không “vô vị”, mang đến cho
người đọc thời nay một chút gì đó là những thách thức lớn nhất với tôi. Cứ ảo
tưởng, cứ “điếc không sợ súng” như trước đây còn đỡ. Giờ đây cứ cầm bút là lại
đắn đo…” [71]. Ông luôn trăn trở trên mỗi trang văn. Ông gửi gắm vào mỗi trang
văn những chiêm nghiệm, những đạo lí sâu sắc. Tuy nhiên, ông không đao to búa
lớn mà luôn nhẹ nhàng trong lối viết. Bạn đọc bắt gặp cái bình thường của cuộc
sống thường nhật khi tiếp xúc với trang văn của Phạm Hoa.
Với Phạm Hoa, viết văn giống như một hành trình, không thể đoán định
trước được điều gì. Một hành trình chưa có bến đỗ. Ông luôn hăm hở đi tìm cái đích
ở phía trước. Sáng tác trong thời kì đổi mới từ sau năm 1986, cùng với những tác

phẩm có sự thay đổi mạnh mẽ trong hướng tiếp cận chiến tranh từ góc nhìn nhân
bản với tinh thần nhận thức lại một cách triệt để, Phạm Hoa đã mang đến cho bạn
đọc những vấn đề của đời sống thế sự và đời tư. Đời sống thế sự với biết bao nhiêu
quan hệ phức tạp, chằng chịt, can hệ trực tiếp đến cuộc sống, nhân cách của mỗi
người. Từ đó ông đã chiêm nghiệm, gửi gắm chúng đến độc giả qua những trang
viết của mình.
Trong các tập truyện: Ngày không bình thường, Tiếng chim, Mỗi thời của
họ, Đùa của tạo hóa, Đừng quên mùa hoa săng lẻ, Phạm Hoa đã có ý thức hướng
ngòi bút đến chiều sâu của sự kiện và con người. Là một nhà văn hết sức nghiêm
túc, ông coi trọng sự trải nghiệm, như có lần ông tâm sự: “Còn trên phương diện
viết văn, tôi nghĩ trải nghiệm mới có vốn sống để viết […]. Tưởng tượng và hư cấu

15


quan trọng thật nhưng vốn sống là chất liệu chủ yếu của văn học. Nhà văn nào
cũng phải sống thật, sống hết mình. Điều đó mới có ý nghĩa quyết định. Nhà văn
quân đội cũng không ngoại lệ”. Và từ đó ông nhấn mạnh vai trò không thể thiếu
của yếu tố vốn sống “Với tôi vốn sống là quan trọng số một trong quá trình viết
[48, tr.5].
Ông gửi gắm trong nhân vật của mình ý nghĩa của việc truyền đạt bộ môn
Văn học đến bạn đọc: “Dạy văn học là dạy cách làm người, dạy cư xử…”(Di căn).
Hay lời tự bạch của Phạm Hoa trong cuốn Nhà văn quân đội kỷ yếu và tác phẩm:
“Hơn thế một tác phẩm, cái sau nên có cái mới, cái khác, cái vượt lên trên sáng tác
có trước đó. Nếu không thà không viết còn hơn. Viết mà không có gì cho người đọc
(cái mới, cái riêng, cái hơn trước) ngang bằng sự làm khổ người đọc mà thôi” [15,
tr.106]. Trong cuộc hành trình ấy, ông luôn mang đến cho bạn đọc sự mới mẻ, độc
đáo trong cách tiếp cận hiện thực, đặc biệt ở trong hoàn cảnh chiến tranh. Nếu ở
Ngày không bình thường là hình ảnh các cô gái thông tin trên đèo Văng Mu trong
khoảnh khắc khắc khoải chờ đợi tiếng gọi của tình yêu thì đến Tiếng chim chúng ta

thấy các cô gái hồn nhiên,vô tư, thánh thiện nhưng ở họ đã có chiều sâu tâm lí. Bạn
đọc chúng ta ám ảnh bới tiếng cười của Cúc. Đó là tiếng cười của cô gái trong chiến
tranh, tiếng cười vang xa, lắng sâu, rất đỗi không bình thường. Bởi chiến tranh là sự
thử thách, số phận của những con người trong chiến tranh mang chung nét bi hùng.
Sau chiến tranh mỗi người một số phận, một cuộc sống. Nhưng kí ức về chiến tranh
vẫn còn lại mãi như lời dặn dò của những người lính về sống cuộc đời sau chiến
tranh trong Đừng quên mùa hoa săng lẻ. Tác giả đứng ở góc độ mới để nhìn lại
cuộc chiến đấu hôm qua, của cuộc sống hôm nay, nhằm gửi đến bạn đọc những
thông điệp của mình. Như vậy trên hành trình của mình, Phạm Hoa ý thức rất rõ về
sự mới mẻ, về chiều kích sâu sắc mà văn xuôi luôn hướng đến. Rõ ràng, với ông:
Viết văn là một hành trình thăm thẳm – cái đích luôn ở phía trước.
Phạm Hoa quan niệm: Cứ cầm bút là lại đắn đo. Bởi trong quá trình sáng
tạo, ông luôn trăn trở đi tìm những hướng mới trong sáng tạo. Với Phạm Hoa những
trăn trở về nghề văn cũng như những trăn trở về cuộc đời đã tạo nên những dấu ấn

16


đậm nét trong truyện của ông. Có lẽ, cũng giống như nhiều nhà văn đương đại khác,
Phạm Hoa thiên về lối viết theo sự gợi ý của trực giác, linh cảm. Theo hướng này,
nhà văn cảm nhận đời sống không phải do sự sai khiến của lý tính, mà theo “mệnh
lệnh của trái tim”. Cuộc sống vốn diễn tiến rất tự nhiên, có quy luật, nhưng luôn
hàm chứa những bất ngờ, ngẫu nhiên và thậm chí có lúc bí ẩn. Đó cũng chính là lí
do cứ cầm bút là lúc nhà văn phải suy ngẫm, tìm tòi sao cho truyện của mình không
bị rơi vào quên lãng, hay không trở nên “vô vị” đối với bạn đọc: “Cái quan trọng
nhất đến với một nhà văn, theo tôi quan niệm là không lẫn vào ai, người này không
giống người khác. Cái “vị” riêng của từng người ấy thể hiện trong sáng tác chính
là giá trị đóng góp cho đời” [15, tr.106]. Và người đọc có thể cảm nhận cái vị riêng
mang dấu ấn sáng tạo trong các truyện ngắn Phạm Hoa: Ngày không bình thường,
Em là cô thanh niên xung phong, Dô… tá dô… ta, Đùa của tạo hóa, Di căn.

Phạm Hoa không chấp nhận sự tuyên truyền khô khan, không chấp nhận sự
lỗi thời đã trở nên lạc hậu. Ông luôn sử dụng những phương thức nghệ thuật độc
đáo trên mỗi trang văn để mang lại cho bạn đọc cái mới, cái lạ. Nhà văn lách sâu
ngòi bút của mình vào cuộc đời mỗi nhân vật để nhân vật tự bộc lộ tính cách, tự cựa
quậy để giải quyết mâu thuẫn của mình. Nhắn nhủ thông qua nhân vật, tác giả cho
rằng “Cái đẹp sẽ góp phần cứu loài người đấy. Tiếp xúc với cái đẹp, người ta sẽ
không ác, không xấu xa, tồi tệ, không bất lương”. Nhưng cái đẹp thì lại không dễ
dàng đạt được, mà “Cái đẹp thật là khó tìm kiếm giữa thiên hạ như là cái thế trận
hỗn mang, đầy những mưu cầu lợi lộc, cạm bẫy, chém giết. Cái đẹp bao giờ cũng
phải đánh đổi bằng cái giá rất đắt” (Di căn). Trong mỗi truyện ngắn, Phạm Hoa
luôn nhẹ nhàng đưa bạn đọc đến với khao khát của con người, đến cái thiện, cái đẹp
và cái thật: “Dấu ấn của chân - thiện – mỹ không nằm ở sự tuyên truyền mà ở chính
tính cách, số phận con người”.
Như vậy, tìm hiểu quan niệm nghệ thuật của Phạm Hoa trên một số phương
diện cơ bản, có thể khẳng định ông là nhà văn có sự đổi mới rõ rệt theo hướng dân
chủ hóa. Quan niệm đó chi phối toàn bộ tác phẩm của ông, tạo ra nét riêng biệt, khó
lẫn của truyện ngắn Phạm Hoa.

17


1.2.3. Hành trình sáng tác
Bút danh Phạm Hoa xuất hiện vào đầu thập niên 70 của thế kỉ XX với truyện
ngắn Những chùm hoa một màu được in trên báo Phụ nữ năm 1973, viết về tiểu
đội các cô thanh niên xung phong. Không gian nơi các cô sống và chiến đấu có rất
nhiều hoa phong lan. Các cô được đặc tả như những bông hoa phong lan, những
bông hoa rực rỡ sắc màu. Tuy nhiên truyện ngắn đầu tiên của ông chưa lưu lại được
dấu ấn rõ ràng. Sáng tác thứ hai chúng ta biết đến, đó là Chỗ đặt cái lò gạch (1974).
Ở đó bạn đọc dễ dàng bắt gặp chủ nhiệm Sa dám hi sinh việc học Đại học vì sự
nghiệp “về nông thôn xây dựng kinh tế”, một con người toàn tâm toàn ý cho công

việc. Đến Nga, cô bạn của Sa, “cùng học một lớp. Sinh hoạt một tổ. Và thân nhau
đến mức, vắng Nga một buổi, Sa thấy lớp bỗng như vắng đi. Và ngược lại Nga đối
với anh cũng thế”. Trong câu chuyện, không ít lần bạn đọc hồi hộp với diễn biến
tâm trạng của Nga, Sa. Có lúc tưởng như đôi bạn chia lìa đôi ngả, mỗi người đi theo
một con đường riêng. Nhưng đến cuối tác phẩm, bạn đọc vỡ òa trong sự chào đón
cái bắt đầu tốt đẹp của đôi bạn trẻ dưới bàn tay sắp xếp của đồng chí Chuyên“bí thư
Đảng ủy lâu năm có uy tín với bà con và cán bộ toàn xã. Ai cũng mến ông, trọng
ông ở cái độ lượng, chân thành, cởi mở như người trong nhà. Trong số cán bộ lãnh
đạo huyện này, rất hiếm những người như ông”. Và như để bạn đọc hiểu thêm, tác
giả giới thiệu: “Trước đây, ông ở quân đội mười hai năm”. Chắc chắn những dòng
giới thiệu đó tác giả đã ngầm ước định về phẩm chất tốt đẹp của người lính cụ Hồ.
Tiếp nối mạch cảm hứng viết về những con người “thuần con người” trong
đời sống thường ngày thay vì con người “trong chiến tranh” - con người lí tưởng
với những chiến công hiển hách, bạn đọc lần lượt đón nhận năm tập truyện: Ngày
không bình thường (1984); Tiếng chim (in chung với Hoàng Minh Thắng 1985); Đừng quên mùa hoa săng lẻ (1987); Mỗi thời của họ (1993); Đùa của tạo
hóa (1996). Những tác phẩm của ông được đánh giá cao, trước hết có thể kể đến
những tác phẩm được chuyển thể thành sân khấu truyền hình: Ngày không bình
thường; chuyển thể thành phim truyền hình (Mỗi thời của họ), chuyển thể thành
kịch bản sân khấu (Miền xa thẳm). Có thể thấy sự tiếp nhận các tác phẩm của Phạm

18


Hoa trước hết có lẽ ở phương diện khán giả biết đến một cách sâu rộng các tác
phẩm đã chuyển thể của ông. Ghi dấu ấn trên văn đàn lúc bấy giờ, không thể không
nhắc đến những giải thưởng rất có duyên với ông: Truyện ngắn Dô…tá dô…ta
giành được Tặng thưởng truyện ngắn hay của Tạp chí Văn nghệ quân đội, 1979;
Ngày không bình thường được giải nhì cuộc thi truyện ngắn do Tạp chí Văn nghệ
quân đội tổ chức năm 1981; Giải ba cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ năm 1991
với Đùa của tạo hóa; Tiểu thuyết Miền xa thẳm được tặng thưởng của Hội Nhà

văn Việt Nam năm 2003. Gần đây nhất là bút ký Thuyền lên Thạch Hãn đạt giải
nhất trong cuộc thi sáng tác văn học về đề tài Giao thông vận tải do Hội nhà văn và
Bộ Giao thông vận tải đồng tổ chức tháng 8 năm 2015.
Ngoài những thể loại chính kể trên, Phạm Hoa còn là tác giả của rất nhiều
bài báo, bài bình luận, phê bình trên các báo. Với lối viết sắc sảo, tài hoa, ông đã
cống hiến cho bạn đọc những trang viết có giá trị. Hành trình sáng tác của Phạm
Hoa luôn hướng tới phía trước với những bước đi không mệt mỏi, bởi với ông cuộc
hành trình vẫn chưa thể có điểm dừng. Phạm Hoa luôn mải miết đi tìm cái thật, cái
đẹp, cái thiện. Sáng tác của ông càng ngày càng mở ra cho bạn đọc sự mới mẻ,
trước hết là phương diện nghệ thuật với thể loại sở trường là truyện ngắn.
Tiểu kết chương 1
Bước đầu tìm hiểu truyện ngắn Phạm Hoa trong dòng chảy chung của truyện
ngắn đương đại, cũng như hành trình sáng tác của ông chính là cơ sở lý luận và cơ sở
thực tiễn để chúng tôi nghiên cứu những giá trị nghệ thuật cơ bản của truyện ngắn
Phạm Hoa. Phạm Hoa là cây bút lao động sáng tạo không ngừng nghỉ của văn học thời
kì đổi mới. Là một nhà văn luôn hăng say đi tìm cái mới mẻ, cái độc đáo trong cuộc
đời, thể nghiệm sâu sắc trên những trang văn, Phạm Hoa luôn mang đến cho bạn
đọc khí thế sôi động của cuộc sống. Hành trình sáng tác văn xuôi mà trước hết ở các
phương diện nghệ thuật thể nghiệm trong truyện ngắn của Phạm Hoa thực sự luôn
thể hiện những cách tân mới mẻ. Truyện ngắn Phạm Hòa vì thế đã có dư vang khá
lớn trong lòng bạn đọc. Từ tất cả những điều trên đây, chúng tôi khẳng định việc
tìm hiểu đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn của ông là điều hết sức cần thiết.

19


Chương 2
NHÂN VẬT, CỐT TRUYỆN VÀ KẾT CẤU
TRONG TRUYỆN NGẮN PHẠM HOA
2.1. Hệ thống nhân vật

Ai cũng biết “văn học là nhân học”, văn học là nghệ thuật miêu tả, biểu hiện
con người. Con người là đối tượng trung tâm của văn học. “Con người là một điều
bí ẩn – Dostoievski viết – cần phải khám phá con người. Tôi tìm hiểu điều bí ẩn vì
muốn trở thành Con Người” [Dẫn theo Trần Đăng Suyền, 52, tr.321]. Nhưng nhà
văn cũng không thể khám phá được “điều bí ẩn ấy” nếu không có được một quan
niệm mới mẻ, độc đáo, sâu sắc về thế giới và con người, và tìm được những hình
thức, phương tiện, biện pháp thể hiện phù hợp. Quan niệm nghệ thuật về con người
là nguyên tắc cắt nghĩa thế giới và con người vốn có của hình thức nghệ thuật, là
hình thức bên trong của sự chiếm lĩnh đời sống bằng hình tượng, là hệ quy chiếu ẩn
chìm trong hình thức nghệ thuật của văn học. Hay nói như André Gide, thực chất
quan niệm nghệ thuật về con người là cách nhà văn trả lời những câu hỏi: “Con
người là gì? Nó từ đâu đến? Nó đang đi về đâu?” [Dẫn theo Trần Đăng Suyền, 52,
tr321]. Jean Paul Sartre khi bàn về văn học đã nhấn mạnh nhiệm vụ cơ bản của sáng
tác văn học là biểu hiện con người “đề tài chủ yếu của nhà văn là con người” [Dẫn
theo Iu.Lotman, 43, tr407]. Trong một công trình nghiên cứu, giáo sư G.N.Pospelov
nhận định rằng: “Đối tượng cơ bản của nghệ thuật là con người với tư cách là
những tính cách xã hội cả trong các quan hệ bên ngoài lẫn thế giới tinh thần bên
trong”. Như vậy, tồn tại với vai trò là đối tượng cơ bản của văn học nghệ thuật, con
người cụ thể được miêu tả trong một tác phẩm, trở thành phương tiện nghệ thuật
được gọi là nhân vật văn học.
Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sử, nhân vật là “hình thức cơ bản để miêu
tả con người trong văn học” [56, tr.41]. Văn học nói chung và truyện ngắn nói
riêng vừa là sản phẩm của hoàn cảnh lịch sử - xã hội cụ thể, vừa là đứa con tinh
thần của nhà văn nên nhân vật văn học vừa chịu sự quy định chung bởi ý thức thẩm
mĩ và quan niệm nghệ thuật về con người của văn học thời đại, vừa mang đậm dấu

20


ấn cá nhân nghệ sĩ. Thời đại và con người có mối quan chặt chẽ. Từ đó nhiều nhà

nghệ sĩ đã khẳng định “một nền nghệ thuật mới bao giờ cũng ra đời cùng với con
người mới, với cách hiểu mới về con người, hoặc bắt đầu bằng việc suy nghĩ lại các
khám phá nghệ thuật của những người đi trước”. Quả là sự vận động của thực tế đã
làm nảy sinh những con người mới, và miêu tả những con người ấy sẽ làm văn học
đổi mới. Từ nhân vật trong truyện ngắn ta có thể tìm hiểu, nghiên cứu truyện ngắn,
hiểu được giá trị tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm, đánh giá được cá tính sáng tạo
của nhà văn. Với nhà nghiên cứu Hà Minh Đức, điều quan trọng đối với truyện
ngắn là con người, là nhân vật “Trong một tác phẩm nếu là truyện ngắn, do lệ
thuộc vào số trang eo hẹp, cốt truyện tập trung, sự kiện dồn dập, đường dây chặt
chẽ, cho nên số lượng phân phối nhân vật cũng không phải nhiều” [19, tr.26]. Mặc
dù nhân vật ít, và dung lượng tác phẩm không nhiều như tiểu thuyết, nhưng truyện
ngắn luôn có được bộ mặt khá hoàn chỉnh của nhân vật, để khắc họa rõ nét tính
cách, phẩm chất của nhân vật. Từ đó, chúng ta cũng có được bộ mặt tinh thần trọn
vẹn của nhân vật, hiểu được những chiêm nghiệm mà tác giả đúc kết qua các nhân
vật đó.
Bước sang những năm sau 1975, quan niệm về con người trong văn học Việt
Nam đã có nhiều thay đổi. Con người trong giai đoạn này không còn là con người
đấng bậc, con người chức năng, con người nguyên phiến, bất biến nữa mà con
người đã được nhìn nhận ở tầng sâu của nó. Ở đó, mỗi con người là một cá nhân,
một vũ trụ riêng không ai giống ai, chứa đầy bí mật, đòi hỏi phải được khám phá,
phát hiện. Con người hiện lên trong tính đa dạng và phức tạp, trong mỗi con người
có cả “rồng phượng lẫn rắn rết”, có cả “thiên thần và ác quỷ”.
Nguyễn Văn Siêu nói rằng: “Văn chương có loại đáng thờ, có loại không
đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương, loại đáng thờ
là loại chuyên chú ở con người”. Bằng nội lực nhà văn, bằng kinh nghiệm đúc kết
từ những năm là người lính trên chiến trận, từ quê hương, trái tim Phạm Hoa không
thôi khắc khoải, trăn trở về con người với số phận và trường đời của nó. Nó thôi
thúc ông viết như một nhu cầu nội tại cần chia sẻ, cần bày tỏ một thái độ, một quan

21



niệm sống. Trong cuốn Một số hiểu biết cơ bản về văn học – nghệ thuật và giáo dục
thẩm mỹ, Phạm Hoa nhấn mạnh: “Nhân vật là phương tiện cơ bản để nhà văn khái
quát hiện thực”. Để từ đó nhà văn tạo dựng nhân vật để “ném vào đó những nhận
thức của mình về một vấn đề nào đó của hiện thực”. Cũng vì thế nhân vật văn học
“không khô khan những thống kê, mà sống động, hấp dẫn người đọc, trong đó,
chứa đựng những đặc điểm của cả một thời kỳ lịch sử” [63, tr.103].
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Phạm Hoa hết sức phong phú, đa dạng. Đó
là kiểu nhân vật lý tưởng, kiểu nhân vật lưỡng lự, nước đôi, kiểu nhân vật cá tính. Dẫu
là kiểu nhân vật nào thì cuối cùng Phạm Hoa vẫn hướng ngòi bút của mình tới những
con người với những khát khao, ước vọng chân thực và đời thường nhất.
2.1.1. Các kiểu loại nhân vật
2.1.1.1. Nhân vật lý tưởng
Camus - là người rất bi quan về số phận của loài người nói chung, nhưng đối
với con người cụ thể, ông rất lạc quan và quý trọng nó, và đó cũng là sự tự trọng với
chính mình. Ông đã tuyên bố: “Nếu như đạo Cơ Đốc tỏ ra bi quan trước con người
thì nó lại lạc quan trước số phận của loài người. Về phần tôi, tôi sẽ tuyên bố rằng
mặc dù bi quan trước số phận của loài người nhưng tôi lại lạc quan trước con
người”. Và ông cho rằng “con người có nhiều điều đáng khâm phục hơn là đáng
khinh ghét” [Dẫn theo Nguyễn Văn Dân, 16, tr.259].
Nhắc đến phương diện con người, nhà nghiên cứu Tôn Phương Lan nhấn
mạnh: “Cách nhìn con người vào những năm sau chiến tranh vừa mổ xẻ một cách
tinh vi để vạch ra những mặt lâu nay còn khuất lấp trong cuộc sống và con người
đồng thời cũng nhân văn hơn bởi lúc này mỗi người đều thấm thía hơn sự hy sinh,
mất mát. Không chỉ với người lính, trong chiến tranh, phụ nữ cũng là lớp người
chịu nhiều hy sinh, mất mát” [36, tr.69]. Cho dẫu thời chiến hay thời bình thì trong
truyện ngắn Phạm Hoa, bạn đọc cũng dễ dàng nhận thấy bản chất cao đẹp của người
lính, của những cô thanh niên xung phong được thử thách trong bom đạn ác liệt của
chiến tranh.

Phạm Hoa chủ yếu hướng tới con người trong chiến tranh, ông coi chiến

22


×