BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
TRẦN THỊ VÂN ANH
Ý NIỆM SỐNG – CHẾT
TRONG CA TỪ CỦA TRỊNH CÔNG SƠN
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam hiện đại
Mã số: 60 22 01 21
LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN
Người hướng dẫn khoa học: TS Chu Văn Sơn
HÀ NỘI - 2015
LỜI CẢM ƠN
Em xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến TS. Chu Văn
Sơn - Người thầy đã tận tâm, nhiệt tình chỉ bảo, hướng dẫn em trong
suốt quá trình thực hiện luận văn.
Đồng thời, em gửi lời cảm ơn đến Hội đồng khoa học và các thầy
cô giáo trong Tổ bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, Ban chủ nhiệm
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tạo điều kiện
thuận lợi giúp đỡ em trong suốt quá trình học tập và thực hiện đề tài.
Cảm ơn gia đình, bạn bè và đồng nghiệp đã luôn động viên, khích
lệ, giúp đỡ tôi trong suốt thời gian qua để tôi có thể hoàn thành tốt luận
văn.
Hà Nội, tháng 10 năm 2015
Tác giả
Trần Thị Vân Anh
Vũ Thị Huệ
2
MỤC LỤC
3
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Trịnh Công Sơn thuộc mẫu nghệ sĩ đa tài mà giới nghiên cứu vẫn định
danh là “ba trong một”: nhạc sĩ - thi sĩ - họa sĩ. Nhắc đến ông là người ta nghĩ ngay
đến người nghệ sĩ có “tài năng đặc biệt” với những triết lí nhân sinh mang nặng suy
tư của kiếp người. Ca từ trong ca khúc của ông vẫn được xem là một dạng thơ đặc
biệt: Thơ trong nhạc. Ngôn ngữ nhạc Trịnh có mãnh lực kỳ diệu cuốn hút người
thưởng ngoạn nghệ thuật. Nhạc sĩ Văn Cao có viết: “Tôi gọi Trịnh Công Sơn là
người thơ ca (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định
cái nào là chính, cái nào là phụ.”[1;17] Còn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nhận xét:
“anh (Trịnh Công Sơn) chính là một Nhà Thơ đích thực”[15;287] Bởi ca từ của Trịnh
Công Sơn: “là những bài thơ hoàn chỉnh kể cả về ý, tứ, cấu trúc, ngôn từ và cảm xúc.
Trịnh Công Sơn không phải là nhà thơ bình thường mà anh là Nhà Thơ vô vùng độc
đáo ôm chứa những tư tưởng nhân sinh và thời cuộc với một thư pháp khá riêng biệt
trong thơ Việt.”[20;288]
Trong những năm tháng đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh, Trịnh Công
Sơn đã ôm đàn đi khắp các nẻo đường để “hát cho dân tôi nghe”. Những bản nhạc ấy
đã vượt qua bom đạn để xóa nhòa đi sự thật khủng khiếp của chiến tranh, đã chinh
phục hàng triệu con tim thuộc mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề và còn vang vọng mãi
cho tới sau này. Nhạc Trịnh không chỉ có sức sống ở trong nước mà còn vượt qua
biên giới đến với các quốc gia khác như: Mỹ, Pháp, Nhật, Canađa… Chính nhà văn
Nguyễn Quang Sáng đã nói: “Hơn mười năm qua, đi đâu, bất cứ nơi nào, trong nước
hay ngoài nước, nơi nào có người Việt nam, là nơi đó tôi được nghe bài hát của
Sơn.” Không chỉ thế, nhà văn này còn khẳng định: “Hóa ra người ghét Sơn, chống
Sơn vẫn không thể không nghe nhạc của Sơn. Từ đó có thể nói, nghệ thuật của Trịnh
Công Sơn đã vượt qua khỏi sự hằn thù được không?”[9;252] Tiến sĩ triết học người
Đức Frank Gerke đã bày tỏ nỗi buồn vì “gia tài” của Trịnh Công Sơn để lại chưa
4
được đánh giá đúng mức ở ngay trên đất nước Việt Nam bởi: “Âm nhạc của anh sẽ
xóa nhòa những vết thương nhỏ nhoi và làm nổi lên niềm vui và tình yêu, sẽ làm đẹp
cuộc đời”. Tài năng của Trịnh Công Sơn còn được bạn bè thế giới khẳng định: “Nhạc
của Sơn đôi khi tôi không hiểu hết lời nhưng thấy quyến rũ, nhẹ nhõm. Khi nào giận
trong người nghe nhạc Trịnh Công Sơn thấy mình hiền hòa trở lại.”[9;459] (Kikumi
Kakamura)
Sự nghiệp nghệ thuật của Trịnh Công Sơn không chỉ được xem là một gia sản
của âm nhạc mà còn được xem là một gia tài của văn chương. Vì thế, nó là một phần
quan trọng trong di sản to lớn của ông, góp phần làm nên vị trí vinh quang của tác giả
này trong nền văn hóa Việt.
1.2. Ca từ của Trịnh Công Sơn từ lâu đã trở thành đối tượng nghiên cứu của
giới học thuật văn chương. Khi nói về ca từ nhạc Trịnh Công Sơn nhà thơ Nguyễn
Duy cho rằng: “Ca từ của Trịnh Công Sơn quả là thơ thật, và hay thật, chữ nghĩa lờ
mờ, bảng lảng hồn vía và thi tứ. Một thi sĩ tài ba.”[22;239] Nhạc sĩ Phạm Duy đánh
giá: “…ngôn ngữ trong nhạc Trịnh Công Sơn rất mới, quyến rũ như cơn mưa hồng,
thưở hồng hoang, dấu địa đàng, cánh vạc bay…”[4;55] Bởi vậy, đã có rất nhiều
công trình từ những bài báo cho đến các chuyên luận, từ những luận văn tốt nghiệp
bậc cử nhân đến luận án thạc sĩ, tiến sĩ đã khảo về ca từ Trịnh Công Sơn. Rất nhiều
vấn đề tư tưởng và nghệ thuật trong đó đã được đặt ra nghiên cứu. Nhiều giá trị đã
được khám phá, minh định. Tất nhiên, không phải mọi giá trị đã bị vắt kiệt.
1.3. Ý niệm về Sống - Chết là một phần quan trọng trong tư tưởng
Trịnh Công Sơn được thể hiện phổ biến trong ca từ của ông. Nó quy định
nhãn quan về nhân sinh cũng như khuynh hướng nghệ thuật của người nghệ
sĩ. Có thể nói, đó là một ngọn nguồn sáng tạo lớn đã làm nên những đặc sắc
của nghệ thuật Trịnh Công Sơn. Đến nay vẫn chưa có một công trình đặt ra để
nghiên cứu một cách trực diện và toàn diện vấn đề này. Vì thế luận văn chọn
“Ý niệm sống - chết trong ca từ Trịnh Công Sơn” làm đối tượng nghiên cứu
của mình, với mong muốn góp một tiếng nói nhỏ vào việc tìm hiểu khám phá
sự nghiệp to lớn của tác giả này.
5
2. Lịch sử nghiên cứu
2.1. Những công trình nghiên cứu về Trịnh Công Sơn
Trịnh Công Sơn - người “đã vắt cạn tình yêu cho đời” (Thanh Tùng) là
một trong những hiện tượng được đông đảo giới nghiên cứu quan tâm và tìm
hiểu không chỉ ở lĩnh vực âm nhạc mà còn ở hội họa và thơ ca. Đây cũng là một
nhạc sĩ để giới nghiên cứu, phê bình vẫn tiếp tục “cày xới” về ông. Sau khi người
nhạc sĩ này “ngừng suy nghĩ” thì đã có rất nhiều công trình nghiên cứu công phu
về ông như:
Cuốn sách ra đời đầu tiên viết về người nhạc sĩ vừa quá cố là Trịnh Công
Sơn - Một người thơ ca, một cõi đi về do Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thuỵ Kha,
Đoàn Tử Huyến sưu tầm và biên soạn (Nxb Âm nhạc, Trung tâm văn hoá ngôn
ngữ Đông Tây, 2001). Sau đó cuốn sách này được bổ sung, biên soạn và tái bản
với tựa đề Một cõi Trịnh Công Sơn (Nxb Thuận Hoá, 2004), có rất nhiều người
khẳng định tài năng văn học hay khả năng sử dụng ngôn ngữ trong ca từ của
Trịnh Công Sơn. Nhạc sĩ Phó Đức Phương không ngần ngại cho rằng: “Trong
thế kỷ đầy biến động gian truân của lịch sử nước ta, ở một miền dông bão nào
đó xuất hiện một gương mặt và đã trở thành gương mặt của thế kỷ. Đó là Trịnh
Công Sơn.”[10;460] Tiếp theo, lần lượt được phát hành là các sách tập trung các
bài viết của nhiều tác giả: Trịnh Công Sơn - cát bụi lộng lẫy, (Nxb Văn hoá, tạp
chí Sông Hương, Huế, 2001), Trịnh Công Sơn - người hát rong qua nhiều thế hệ
(Nxb Trẻ, 2004), Trịnh Công Sơn - rơi lệ ru người (Nxb Phụ nữ, 2006), Trịnh
Công Sơn - cuộc đời, âm nhạc, thơ, hội hoạ và suy tưởng, (Nxb Văn hoá Sài
Gòn, 2005), Trịnh Công Sơn - một nhạc sĩ thiên tài của Bửu Ý (Nxb Trẻ, 2003);
Trịnh Công Sơn - có một thời như thế của Nguyễn Đắc Xuân (Nxb Văn học,
2003); Trịnh Công Sơn và cây đàn Lya của hoàng tử bé của Hoàng Phủ Ngọc
Tường (Nxb Trẻ, 2005); Vườn xưa - hành trình âm nhạc Trịnh Công Sơn của
Nguyễn Hữu Thái Hoà (Nxb Trẻ, 2007); Trịnh Công Sơn Bob Dylan như trăng
và nguyệt? của Jonh C.Schafer (Cao Huy Thuần giới thiệu), NXB trẻ, 2012,
6
Trịnh Công Sơn - ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật của Bùi Vĩnh Phúc
(Nxb Văn hoá Sài Gòn, 2008).
Cuốn Trịnh Công Sơn - Tôi là ai, là ai… của nhiều tác giả (Nxb trẻ, 2012,
gồm 581 trang) được “trình diện” nhân kỷ niệm 10 năm nhân ngày mất Trịnh
Công Sơn. Cuốn sách này do Nhà xuất bản trẻ hợp tác với gia đình Trịnh Công
Sơn xuất bản. Qua cuốn sách, người đọc dễ dàng nhận thấy tư tưởng quan điểm
của Trịnh Công Sơn về sáng tác nghệ thuật, về cuộc đời, về lẽ vô thường: “Cuộc
hành trình đi tìm thuốc trong văn học nghệ thuật không chỉ vì một độ hứng nhất
thời mà là cả một quá trình suy nghiệm. Phải đớn đau dang dở mình trong thành
tựu này để hoàn tất mình trong một thành tựu khác, lớn hơn và không ít phần
khổ ải hơn.”[26;73] Bích Hạnh đã ca ngợi tài năng, đức độ và lòng nhân ái của
Trịnh Công Sơn: “là một nhạc sĩ đặc biệt nhạy cảm trước những thay đổi tế vi
của thiên nhiên. Bằng con mắt biếc xanh, yêu tha thiết cõi nhân gian, ông luôn
mở hồn mình ra để lắng nghe tiếng đời, quan sát những nhịp di chuyển hối hả
của sự sống đang vọng dội quanh mình để chiêm ngẫm về con người, về cuộc
đời và thể hiện những trải nghiệm, trăn trở nhân sinh.”[1;511] Ca sĩ Khánh Ly
chia sẻ: “Làm sao người ta có thể hiểu được vì đâu… con chim hót trên những
cành lau… nụ cười mong manh, một hồn yếu đuối… ấy, lại có thể nặng lòng với
quê hương, gia đình và bằng hữu đến vậy.”[3;289]
Cuốn Trịnh Công Sơn - Thư tình gửi một người, NXB trẻ, 2013 tập hợp
hơn 300 trang với 118 bức thư tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi Ngô Vũ Dao
Ánh - người tình có ảnh hưởng mạnh mẽ và lâu bền trong cảm hứng sáng tạo âm
nhạc của Trịnh Công Sơn. Thông qua hàng trăm trang thư tình mà Dao Ánh đã cất
giữ gần nửa thế kỷ, người đọc có cơ hội thưởng thức những trang thư tài hoa đồng
thời cảm nhận thế giới nội tâm phong phú của Trịnh Công Sơn, từ đó hiểu sâu hơn
về ca từ cũng như con người ông. Chẳng hạn, ca khúc “Ru em từng ngón xuân
nồng” viết cho Dao Ánh diễn tả trạng thái tâm lý thật lạ: “Thôi ngủ đi em, mưa ru
em ngủ, tay em kết nụ, nuôi trọn một đời, nuôi một đời người, mùa xuân vừa đến,
7
xin mãi ăn năn mà thôi”. Vì sao Trịnh Công Sơn lại phải “ăn năn”? Từ “ăn
năn” ở đây có tính chất như một “mật ngữ” của tình ái được ông giải thích đầy thi
vị, lý thú: “Anh đã hiểu được Ánh và bây giờ càng cảm thấy không thể để mất
Ánh. Cho anh tạ tội một lần và từ đây Ánh sẽ được xem như một loài chim hồng
thần thoại bay trên vùng - ăn - năn - của - anh. Tất cả đã đi qua như trong cơn mê
sảng” (thư 5/2/1965)[6;146]. Như thế, “ăn năn” ở đây là tạ ơn đời, tạ ơn người
tình đã nuôi trọn hồn ta vậy mà ta lại mắc lỗi, lại chưa vẹn để đền đáp. Như
vậy, “ăn năn” để thêm yêu người, yêu đời gấp bội lần, yêu thêm phần thiếu hụt
để “tạ tội” với người tình. Không chỉ giúp người đọc giải mã ca từ Trịnh Công
Sơn, Thư tình gửi một người còn giúp hiểu rõ, sâu hơn về đời sống tâm hồn Trịnh
Công Sơn, thông qua phương thức tự biểu hiện, tự soi chiếu của nhạc sĩ từ những
lá thư gan ruột. Sự thấu hiểu hơn về Trịnh Công Sơn giúp chúng ta phát hiện,
khám phá thế giới nghệ thuật Trịnh Công Sơn chính xác và thấu đáo hơn.
Gần đây nhất, ra đời cuốn Nhạc Trịnh trong tôi - Nhà xuất bản Văn hóa
văn nghệ, 2015. Quyển sách này là thành quả từ ba cuộc thi viết Nhạc Trịnh
trong tôi, được gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phối hợp với báo Tuổi trẻ tổ
chức trong năm 2013, và với báo Một thế giới online trong hai năm 2014, 2015.
Nhà thơ Nguyễn Duy, thành viên ban giám khảo nhận xét: “Nhiều phát hiện độc
đáo, mới lạ và tinh tế mà ngay cả những cây viết chuyên nghiệp đôi khi không
phát hiện ra. Các nhà phê bình thường chú tâm đến những vấn đề lớn lao, còn
người dự thi, ở góc nhìn của đời sống, đã phát hiện ra mối quan hệ của nhạc
Trịnh với đời thường. Có những người là sinh viên, trí thức, đồng thời có những
người không có nhiều cơ hội học hành nhưng vẫn cảm nhận nhạc Trịnh sâu sắc
đến độ chính ban giám khảo cũng phải ngạc nhiên”.
Ngoài ra còn có một số luận văn thạc sĩ nghiên cứu về ca từ của Trịnh Công
Sơn như: Luận văn cao học khoa đào tạo và nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn minh
Đông Á của Yoshi Michiko với đề tài Những bài ca phản chiến của Trịnh Công
Sơn, Đại học Pari 7, (1991). Luận văn thạc sĩ khoa học Ngữ văn của Nguyễn Thị
8
Thanh Thúy với đề tài Thân phận con người và tình yêu trong ca từ Trịnh Công
Sơn, Đại học Quy Nhơn, (2006). Sau được in thành sách với tên gọi Trịnh Công
Sơn - vết chân dã tràng, NXB Lao động, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây,
Hà Nội (2008). Luận văn thạc sĩ khoa học Ngữ văn chuyên ngành Văn học Việt
Nam của Lê Thị Thu Hiền, Đại học Sư phạm Hà Nội (2007) với đề tài Quan niệm
nhân sinh trong ca từ Trịnh Công Sơn... Bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau, các
luận văn đều nói nỗi đau của người dân Việt Nam trong chiến tranh. Đó là tiếng
kêu của người dân, là tiếng kêu gọi hòa bình và thống nhất đất nước trong ca từ
của Trịnh Công Sơn. Và quan niệm mỹ học trong ca từ và văn xuôi của Trịnh
Công Sơn như: quan niệm về cái đẹp, quan niệm về cái bi…
Bên cạnh đó, còn rất nhiều công trình nghiên cứu khác được đăng báo
hoặc các trang web trên Internet đăng tải các bài viết, các thông tin, các hình ảnh
về Trịnh Công Sơn như: Tạp chí Diễn đàn, Tạp chí Văn học nghệ thuật, Tạp
chí Văn học ở Mỹ…, các trang web: www.suutap.com/trinhcongson;
http/t.c.s.org hay wwwtcs-forum.org,… Các bài nghiên cứu đã tập trung khai
thác ca từ, âm nhạc, nội dung cũng như các hình thức nghệ thuật, tư tưởng sáng
tác, tư tưởng thẩm mỹ, nhân cách, đạo đức, lối sống, vị trí của Trịnh Công Sơn
trên nhiều góc độ và tầm ảnh hưởng, những đóng góp của Trịnh Công Sơn cho
nền âm nhạc, cho hội họa, cho văn học, cho ngôn ngữ tiếng Việt. Các nhà nghiên
cứu về Trịnh Công Sơn đều có chung quan điểm: Trịnh Công Sơn là một hiện
tượng văn hóa lớn trong thế kỷ XX cho đến nay vẫn chưa có ai có thể vượt qua.
Tóm lại, Trịnh Công Sơn đã được tiếp cận từ nhiều góc độ và mức độ: từ vị trí
trong nền đời sống nghệ thuật cho đến tài năng, nhân cách, từ tư tưởng đến phong cách,
từ các chặng sáng tác lớn đến các chủ đề lớn… Ở tầm mức nào của sự nghiên cứu, ông
đều được nhìn nhận bằng tinh thần khẳng định và được đánh giá ở mức rất cao. Tuy các
ý kiến này chưa trực tiếp đề cập đến vấn đề của luận văn, nhưng chúng vẫn là những gợi
mở, những điểm tựa quan trọng để người viết vững tâm đi vào đối tượng của mình.
9
2.2. Những nghiên cứu về ý niệm Sống - Chết trong ca từ Trịnh Công Sơn
Trong bài viết Hành tinh yêu thương của hoàng tử bé của Hoàng Phủ Ngọc
Tường, sau khi đề cập đến những vấn đề cốt lõi của hiện sinh Châu Âu, cũng như vấn đề
sinh lão bệnh tử của Phật giáo về phận người, tác giả bài viết khẳng định sự ảnh hưởng
của hoàn cảnh xã hội đến ca từ của Trịnh Công Sơn: “Trong bối cảnh của cuộc chiến
tranh quá dữ dằn và kéo dài, nỗi chết là một ám ảnh không rời trong tâm cảm quê
hương của Trịnh Công Sơn. (…) Chính điều này đã khiến Sơn trở thành thần tượng
nghệ thuật của tuổi trẻ một thời lửa đạn, và tên tuổi của Trịnh Công Sơn được biết đến
giữa những nghệ sĩ phản chiến của thế giới, đối diện với chính sách Mỹ ở Việt
Nam.”[11;267]
Bài viết Chiều kích con người trong nhạc Trịnh Công Sơn của Nguyễn Hoàn có
đề cập đến quan niệm nghệ thuật về con người của Trịnh Công Sơn, con người được đo
bằng thước đo riêng, vì thế, con người được cảm nhận và khám phá ở những chiều kích
khác nhau: nhỏ bé và lớn lao, bình thường và khác thường, hiện thực và siêu thực.
Nguyễn Hoàn đã phát hiện: “… trái tim con người trong nhạc Trịnh Công Sơn đã bộc lộ
hình thù, vóc dáng và sức mạnh nội sinh rõ nét nhất qua những trạng huống thử thách
ghê gớm của nhân sinh: vết thương niềm tuyệt vọng và cái chết”. Khi bàn về cái chết,
đóng góp của Trịnh Công Sơn là: “… sự trầm tư, suy nghiệm về cái chết đã làm bật lên
cái giá cao quý của sự sống, sức mạnh của tình yêu cuộc sống, tình yêu con người, sự
bừng nở chiều kích vô biên của trái tim từ tâm, từ bi.”[27;465]
Trong bài viết Trịnh Công Sơn - người lắng âm vọng nhân sinh của Hoài Nam đã
phát hiện Trịnh Công Sơn “đặc biệt nhạy cảm với những tiếng gọi của trăm năm - hư vô
- cái chết”[15;452]. Nói theo phân tâm học, Trịnh Công Sơn có lẽ thuộc kiểu nghệ sĩ mà
bản năng chết (thanatos) mạnh hơn bản năng sống (eror).
Những bài viết trên đều có dung lượng nhỏ, chủ yếu là kể về những kỉ niệm, giai
thoại, bày tỏ cảm xúc, ấn tượng và tình yêu đối với nhạc sĩ, cảm nhận đối với từng bài
10
hát và những phát hiện về triết lí sống trong nhạc Trịnh… Chưa có nhiều những bài viết
mang tính chất nghiên cứu về ý niệm Sống - Chết trong ca từ Trịnh Công Sơn.
Chuyên luận đầu tiên nghiên cứu về quan niệm nhân sinh trong ca từ Trịnh Công
Sơn là Lê Thị Thu Hiền. Tác giả đã dành nhiều dung lượng để nói về quan niệm của
Trịnh Công Sơn về cõi sống, cõi chết và tình yêu. Theo chị, Trịnh Công Sơn quan niệm
cõi sống là cõi nhỏ hẹp, cõi đời là mỏi mệt là kiếp phù du, là cõi tạm nhưng đồng thời
cũng là cõi yêu, là cuộc kiếm tìm yêu thương: “… cõi sống vừa là một cõi đi về vừa là
cõi tạm có vẻ bi quan, nhưng đồng thời cõi sống lại là cõi yêu thật lạc quan”[18;56].
Còn cõi chết là về cõi thiên thu - cõi vô thường - cõi hư vô, là sự hóa thân, hóa sinh:
“Quan niệm về cái chết của Trịnh Công Sơn mang tính tích cực.”[12;84]
Như vậy, vấn đề về Sống - Chết trong ca từ của Trịnh Công Sơn đã được các nhà
nghiên cứu đề cập trong một số bài viết của mình. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những nhận
xét ban đầu mà chưa có một công trình nghiên cứu chuyên biệt và hệ thống. Vì vậy, tiếp
thu và phát triển ý kiến của những người đi trước, chúng tôi đi sâu nghiên cứu vấn đề:
“Ý niệm Sống - Chết trong ca từ Trịnh Công Sơn”.
3. Mục đích nghiên cứu và đóng góp của luận văn
3.1. Mục đích
Từ những tri thức chung về cảm niệm Sống - Chết của người nghệ sĩ và
cơ sở hình thành nghệ thuật ca từ của Trịnh Công Sơn, chúng tôi đưa ra những
nhiệm vụ cụ thể của luận văn như sau:
3.1.1. Chỉ ra được cụ thể diện mạo của ý niệm Sống - Chết trong ca từ
của Trịnh Công Sơn.
3.1.2. Chỉ ra được các hình thức nghệ thuật biểu hiện ý niệm Sống - Chết
trong ca từ của Trịnh Công Sơn.
3.2. Đóng góp
Làm nổi bật một vấn đề quan trọng xuyên suốt hành trình sáng tác của
Trịnh Công Sơn: Ý niệm Sống - Chết trong ca từ của ông từ thực chất tư tưởng
đậm tính triết học đến các dạng biểu hiện trong hình thức nghệ thuật thi ca. Góp
11
phần xác lập vị trí đặc biệt của Trịnh Công Sơn trong đời sống thi ca nói riêng và
văn học, văn hóa nói chung.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng
Luận văn tập trung khảo sát “Ý niệm Sống - Chết trong ca từ Trịnh Công
Sơn” từ tư tưởng trực tiếp đến thế giới hình tượng và hình thức biểu hiện cụ thể.
4.2. Phạm vi
Luận văn tập trung khảo sát toàn bộ phần ca từ trong hơn 200 ca khúc
được Ban Mai tuyển chọn trong cuốn “Vết chân dã tràng”. Để đối chiếu, soi
sáng thêm những bình diện của vấn đề, luận văn sẽ liên hệ khảo sát cả những
tiểu luận của Trịnh Công Sơn được công bố rải rác trong nhiều ấn phẩm đã
xuất bản.
5. Phương pháp nghiên cứu
5.1. Phương pháp tiếp cận hệ thống
Nhằm tiếp cận và tái hiện lại Ý niệm Sống - Chết trong ca từ của Trịnh
Công Sơn trong tính hệ thống của nó.
5.2 Phương pháp phân tích, tổng hợp
Làm nổi bật ý nghĩa, giá trị thuộc về cả nội dung và nghệ thuật về Ý niệm
Sống - Chết trong ca từ của Trịnh Công Sơn.
5.3 Phương pháp thống kê, phân loại
Giúp tìm kiếm các dữ liệu phong phú cả về nội dung lẫn nghệ thuật làm
căn cứ cho các khái quát và nhận định trong nội dung của luận văn.
5.4. Phương pháp so sánh, đối chiếu
Nhằm thấy rõ những nét tương đồng và khác biệt giữa Trịnh Công Sơn
một số tác giả khác.
5.5. Phương pháp liên ngành
12
Dựa vào những lí thuyết về âm nhạc để làm rõ hơn mối quan hệ giữa ca
từ, âm nhạc, thơ ca.
6. Cấu trúc luận văn. Gồm ba phần
Chương 1: Ca từ, ý niệm Sống - Chết và những yếu tố ảnh hưởng đến ý
niệm Sống - Chết của Trịnh Công Sơn
Chương 2: Ý niệm Sống - Chết trong ca từ của Trịnh Công Sơn, nhìn từ
hệ thống hình tượng
Chương 3: Ý niệm Sống - Chết trong ca từ của Trịnh Công Sơn, nhìn từ
phương thức nghệ thuật
13
NỘI DUNG
Chương 1
CA TỪ, Ý NIỆM SỐNG - CHẾT VÀ NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG
ĐẾN Ý NIỆM SỐNG - CHẾT CỦA TRỊNH CÔNG SƠN
1.1. Giới thuyết về “ca từ” và “thơ ca”
1.1.1. Khái niệm “ca từ”
Ngôn từ không chỉ là chất liệu độc quyền của nghệ thuật văn chương.
Ngôn từ còn xâm nhập và trở thành chất liệu quan trọng của nhiều nghệ thuật
khác: hội họa (đặc biệt là thư pháp), sân khấu (đặc biệt là kịch nói) và âm nhạc
(đặc biệt là nhạc kịch và ca khúc). Ngôn từ được sử dụng trong âm nhạc được
gọi là ca từ. Trong ca khúc, giai điệu và ca từ gắn bó và chuyển hóa lẫn nhau làm
nên sinh thể mỗi ca khúc. Phi ca từ bất thành ca khúc.
Nói đến ca từ là nói đến mặt lời của âm nhạc. Ca từ là xuất phát từ cái gốc
chung của nghệ thuật, biểu hiện bằng tiết tấu, rồi sau đó thơ tách khỏi ca và ca từ
ra đời thành hình thức ngôn ngữ của ca. Theo từ điển Tiếng Việt, “ca từ là lời ca
hát”[48;112], giáo sư Phan Ngọc thì cho rằng: “nói đến ca từ, tức là nói đến mặt
lời của âm nhạc… chủ yếu là lời thơ”. Giáo sư Dương Viết Á định nghĩa ca từ
đầy đủ hơn, bao quát hơn: “Trong loại hình nghệ thuật âm nhạc, ngoài phần âm
thanh đóng vai trò chính, còn phải dùng đến ngôn ngữ, nói đúng hơn, đó là phần
ngôn ngữ văn học trong âm nhạc (lời trong ca khúc, hợp xướng; kịch bản trong
nhạc cảnh, nhạc kịch; tên gọi tác phẩm, tiêu đề của những bài hát, bản nhạc
hoặc từng chương nhạc…). Tất cả phần ngôn ngữ văn học trong âm nhạc, ta gọi
chung trong một khái niệm: Ca từ.”[1;13] Như vậy ca từ học là một bộ môn
khoa học trong ngành âm nhạc học, nhằm nghiên cứu ca từ trong âm nhạc. Có
thể gọi ca từ là “bản lề” giữa âm nhạc và văn học.
Ca từ mở cửa cho hình tượng âm nhạc đi vào tâm hồn người thưởng
thức. Vì ngôn ngữ (bằng lời) là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con
14
người. Có thể ví ca từ như đôi cánh để nâng hình tượng âm nhạc bay cao, xa
hơn. Trên thực tế, có nhiều tác phẩm âm nhạc, phần âm thanh và phần ca từ gắn
bó với nhau để làm nên sức sống của tác phẩm. Nhưng cũng có nhiều nhạc
phẩm, khi bóc tách phần ca từ ra khỏi nền nhạc thì nó vẫn thấm đẫm chất thơ,
và đi vào lòng công chúng bởi chất trữ tình và tính nhân văn sâu sắc mà người
nhạc sĩ gửi gắm trong tác phẩm của mình. Thậm chí những triết lí trong ca từ
còn được thưởng thức như những câu châm ngôn sống bất hủ hoặc như những
bài thơ. Trong nền âm nhạc Việt Nam, Trịnh Công Sơn là một hiện tượng như
vậy. Chẳng hạn, bài “Ở trọ” của ông, chúng ta sẽ thấy: nếu bóc tách hoàn toàn
nhạc thì đây là một bài thơ lục bát hết sức tài hoa (Nhưng khi bỏ đi âm đệm “i
a í a” thì nó chỉ còn là những câu thơ lục bát):
“Con chim ở đậu cành tre
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn
Từ việc ở trọ trong cuộc sống đời thường: con chim thì ở đậu cành tre,
con cá ở trọ trong khe nước, Trịnh Công Sơn liên tưởng đến cõi tạm trong trần
gian theo triết triết lí của Phật giáo với giọng điệu vô tư, hồn nhiên nhưng không
kém phần sâu sắc:
“Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xôi cuối trời.”
Trong quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy ca từ của Trịnh Công Sơn
đậm chất thơ.
Ngôn ngữ trong bài hát (ca từ) mang những đặc trưng của ngôn ngữ văn
học, nhất là ngôn ngữ thơ. Nhưng thơ chủ yếu là để đọc, trong khi đó lời ca chủ
yếu là để hát và nghe theo giai điệu, tiết tấu nhất định. Thơ và lời ca có hai cách
tác động chủ yếu khác nhau: Một bên thường là thị giác, một bên thường là thính
giác. Do sự khác nhau đó, ngôn ngữ trong bài hát có những điểm khác so với
những ngôn ngữ trong thơ ca.
Tóm lại, ngôn ngữ trong tác phẩm ca từ là ngôn ngữ nghệ thuật được chọn
lọc, tinh luyện, giàu hình ảnh, nhạc điệu, được tổ chức một cách đặc thù nhằm
15
phản ánh cô đọng đời sống và biểu hiện tinh tế mọi cung bậc tâm trạng, cảm xúc
của con người. Nếu coi âm nhạc là sản phẩm trí tuệ của nhân loại thì ca từ là một
bộ phận không thể thiếu của sản phẩm đó. Khi soạn ca từ, ngoài những tình cảm
xuất phát từ trái tim, người nhạc sĩ cần có sự đầu tư của trí tuệ để lựa chọn ngôn
ngữ một cách tinh tế, làm nên những ca khúc có giá trị.
1.1.2. Khái niệm “thơ”
Thơ là loại hình sáng tác văn học ra đời sớm nhất của nhân loại cùng với
nhạc, họa, múa nhảy trong các cuộc tế lễ thần linh thời nguyên thủy. Thơ vốn là
loại hình nghệ thuật, được khởi phát từ tâm trạng, cảm xúc của con người. Đó
chính là cái đẹp được chưng cất, gọt giũa và biểu hiện bằng nghệ thuật ngôn từ.
Ngay từ thời cổ đại, ở phương Tây, Aritstốt (384 - 322 T.C.N) đã định
nghĩa: “Thơ là sự mô phỏng động thái của con người được biểu hiện trong ngôn
ngữ với sự trợ giúp của hòa âm và nhịp điệu.” Như vậy, từ thời cổ đại, người ta
đã thấy thơ là sự tiếp nhận và sáng tạo cuộc sống của con người.
Thời trung đại, văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc quan niệm Thi
dĩ ngôn chí (Thơ là để nói chí). Trong Tựa Kinh Thi Chu Hy cho rằng: “Thơ là
cái dư âm của lời nói, trong khi lòng người cảm xúc với sự vật mà hiện ra
ngoài”, nghĩa là thơ không biểu hiện tình cảm một cách bộc trực, trần trụi mà nó
ẩn chứa đằng sau câu chữ, sau những cấu trúc lời nói của từng nhà thơ.
Sang thời hiện đại, ở phương Tây, Boileau - nhà thơ, nhà phê bình văn học
Pháp thế kỷ XVIII, trong tác phẩm Nghệ thuật thơ ra đời năm 1674, cho rằng:
“Nhà thơ trước hết phải thiên hướng thơ cần được lý trí hướng dẫn (…) thơ phải
sáng sủa, rõ ràng, nghiêm ngặt tuân theo các quy tắc nhịp, vần, quãng ngắt,
nghỉ, bố cục”[3;17]. Như vậy, thơ ca có quy tắc vần, nhịp, bố cục. Còn Jakobson
trong Ngôn ngữ thi ca thì nhấn mạnh cơ chế hoạt động của ngôn ngữ thơ là cơ
chế lựa chọn và kết hợp: “Chức năng của thi ca đem nguyên lí tương đương của
trục tuyển lựa chiếu lên trục kết hợp”. Từ nguyên lí phổ quát này, những người
đồng quan điểm với ông khẳng định vai trò quan trọng của ngữ âm trong thơ. Từ
16
đó, họ nhấn mạnh đến các yếu tố như âm vận, điệp âm, điệp vần, khổ thơ,… là
những đơn vị thuộc bình diện hình thức.
Nhà phê bình Nga, Bêlinxki quan niệm: “Thơ trước hết là cuộc đời, sau
đó mới là nghệ thuật”. Quan niệm này khẳng định mối quan hệ giữa thơ ca và
cuộc sống. Thơ bắt nguồn từ đời sống, thơ là bông hồng vàng mang lại hạnh
phúc cho tất cả mọi người. Bông hoa ấy được nhà thơ chắt chiu, gom nhặt từ
những hạt bụi vàng trân quý để làm nên.
Ông hoàng thơ tình - Xuân Diệu quan niệm: “Thơ là một sản phẩm của
tâm hồn, trí tuệ con người mà tâm hồn và trí tuệ đó có một tác động trở lại vào
thực tại… Thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống, nhưng phải đi qua một
tâm hồn, một trí tuệ và khi đã đi qua như vậy, tâm hồn, trí tuệ ấy phải in dấu vào
đó thật sâu sắc, càng cá thể, càng độc đáo, càng hay, thơ là tiếng gọi đàn, là sự
đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu của những con người.”[7;33] Như
vậy, Xuân Diệu muốn nhấn mạnh cá tính sáng tạo, độc đáo và tiếng nói đồng
vọng của thơ ca.
Nhà thơ Nguyễn Đình Thi nhấn mạnh: “Thơ phải có tư tưởng, có ý thức
và bất cứ cảm xúc, tình tự nào của con người cũng dính liền với sự suy nghĩ.
Những tư tưởng trong thơ là tư tưởng dính liền với cuộc sống, ở trong cuộc
sống. Tư tưởng của nhà thơ nằm ngay trong cảm xúc, tình tự”. Nhà thơ đã phát
hiện và khẳng định thơ phải có tư tưởng, có cảm xúc. Còn Tố Hữu - nhà thơ trữ
tình chính trị thì khẳng định: “Thơ là tâm hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu,
thơ là tiếng nói tri âm, tiếng nói đồng ý, đồng tình, đồng chí.”
Giáo sư Phan Ngọc viết: “Thơ là một cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái
đản để bắt người nghe phải tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và phải suy nghĩ
do chính hình thức tổ chức ngôn ngữ này”. Đây là cách định nghĩa khá mới, khá
độc đáo so với muôn vàn những định nghĩa khác về thơ, bởi đây là định nghĩa
theo hướng cấu trúc ngôn ngữ.
Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi
đồng chủ biên) định nghĩa: “Thơ là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc
17
sống, thể hiện những tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm
súc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu.”[10;262]
Qua các ý kiến bàn về thơ, chúng ta thấy đây là một loại hình văn học cực
kì phức tạp. Khó có thể hiểu tường tận loại hình nghệ thuật này. Thơ luôn gắn
liền với cảm xúc, với những rung động hết sức tinh vi mà không thể loại nào có
được. Thơ, đó là ngôn từ được sử dụng một cách nghệ thuật, nó mang lại giá trị
của bản thân ngôn từ chứ không chỉ ý nghĩa. Từ âm điệu, vần nhịp, xúc cảm
không diễn giải được, các giá trị này nằm bàng bạc trong toàn thể bài thơ mà
không nằm ở bất cứ phần nào có thể chỉ ra được. Thơ tác động đến người đọc
vừa bằng nhận thức vừa bằng khả năng gợi cảm sâu sắc, vừa trực tiếp với những
cảm xúc suy nghĩ cụ thể, vừa gián tiếp qua liên tưởng và những tưởng tượng
phong phú, vừa theo những mạch cảm nghĩ, vừa bằng sự rung động của những
ngôn từ giàu nhạc điệu. Thơ gắn với cuộc sống khách quan, chiều sâu và sự
phong phú của đời sống xã hội. Vì thế, thơ có khả năng chiếm lĩnh đời sống một
cách dễ dàng.
1.1.3. Mối quan hệ giữa “ca từ”, “âm nhạc” và “thơ”
Âm nhạc là loại hình nghệ thuật phản ánh cuộc sống bằng ngôn ngữ âm
thanh (giai điệu, tiết tấu, hòa thanh,…). Bằng ngôn ngữ văn học, ca từ sẽ góp
phần cụ thể hóa hình tượng âm nhạc bằng hình tượng ngôn ngữ.
Ngôn ngữ âm nhạc mang tính ước lệ cao. Vì vậy, hình tượng âm nhạc
không mang tính cụ thể như một số loại hình nghệ thuật khác. Ca từ sẽ bổ sung
tính cụ thể cho hình tượng âm nhạc. Bằng ngôn ngữ chung ca từ làm nhiệm vụ
hướng dẫn, mở đường, “phiên dịch”, thậm chí dẫn giải cho người thưởng thức.
Như vậy, có thể thấy rõ vai trò, chức năng của ca từ trong âm nhạc. Ca từ sẽ thâu
tóm trong nó những mặt mạnh của âm nhạc và mặt mạnh của văn học. Nó sẽ mở
cửa cho hình tượng âm nhạc đi thẳng vào đời sống tâm hồn của người thưởng
thức. Nhờ tính biểu biểu hiện, âm nhạc gợi lên trong lòng người thưởng thức sự
rung cảm sâu xa.
18
Hình tượng âm nhạc mang tính gợi mở, sắc thái cá nhân của người thưởng
thức là một thực tế không thể nào phủ nhận. Sự gợi mở đó sẽ được vạch đường
hướng là nhờ ca từ. Để khắc họa nên những dấu hiệu điển hình về thời đại, xã
hội, tính cách… thì vai trò của ca từ lại càng trở nên quan trọng hơn.
Như vậy, ca từ có thể là đôi cánh hoặc sợi dây xiềng, có thể là bạn đường
trung thành, nhưng cũng có thể là “con nợ” của âm nhạc.
Trong mối quan hệ hữu cơ với âm nhạc, muốn làm trong chức năng đôi
cánh người bạn trung thành, ca từ phải nâng mình lên để trở thành bộ phận
không thể tách rời của hình tượng âm nhạc.Vì thế, ca từ cũng phải được xây
dựng được hình tượng bằng ngôn ngữ. Và tất nhiên, đó không thể là ngôn ngữ
toàn dân mà là ngôn ngữ nghệ thuật, ngôn ngữ của thơ ca. Ca từ nói chung, lời
ca nói riêng trước hết là một bài thơ, có nghĩa là phải giàu tính biểu hiện và chất
trữ tình.
Văn học vốn gắn bó chặt chẽ với âm nhạc, nhất là thơ. Trong Kinh thi có
nói: “Thơ là do cái chí mình phát ra… Tình động ở trong lòng mang hiện ra
thành lời, nói không đủ phải vịnh hát…”. Còn cụ Lê Đình Diên cũng khẳng định:
“Thơ là sự biểu hiện của nhạc, thanh là sự hỗ trợ của thơ. Tính rung động phát
ra thành thanh, người ta có thanh mà sau đó có thơ. Thanh biểu hiện ra lời,
nhạc có thơ mà sau đó có thanh.”[2;201] Bêlinxki cũng cho rằng: trong văn học
dân gian có những tác phẩm “trong đó ranh giới phân chia giữa thơ và nhạc hầu
như bị xóa bỏ”[6;201]. Nhiều tác phẩm thơ văn từ những bài ca dao, dân ca đến
những khúc anh hùng ca đều nhờ âm nhạc mà lưu truyền khi chưa có chữ viết.
Có lẽ vì thế mà các nhà văn, nhà thơ rất yêu thích và sành nhạc. Nguyễn Du say
mê đi hát phường vải, Nguyễn Công Trứ đã từng là kép đàn của một gánh hát cô
đầu, Rômanh Rôlăng ngay từ bé đã tắm trong âm nhạc… Họ đã khai thác triệt để
khả năng âm nhạc của mình trong sáng tác thơ văn.
Trong âm nhạc, để hát, để ca thì cần có lời. Ngôn ngữ là chất liệu để xây
dựng nên lời ca, lời đồng thời cũng là chất liệu xây dựng nên hình tượng văn
19
học. Như vậy, ngôn ngữ văn học cũng là phương tiện diễn tả của loại hình âm
nhạc. Phương tiện diễn tả của âm nhạc là âm thanh với toàn bộ những quy ước
về giai điệu, tiết tấu, hòa thanh vì vậy các nhạc sĩ có thể viết liền một đoạn toàn
từ ngữ tượng thanh, nhờ đó mà âm nhạc có khả năng to lớn để tái hiện cuộc sống
qua thế giới âm thanh. Còn các nhà thơ không thể viết một đoạn thơ dùng toàn từ
tượng thanh. Vì vậy, từ ngữ tượng thanh có vai trò đặc biệt hơn trong lời ca so
với thơ ca.
Trong thơ ca, các hư từ cũng thường được sử dụng, nhưng hạn chế. Ngược
lại, trong lời ca, hư từ, từ không có nghĩa nhiều khi đóng vai trò quan trọng trong
việc tác động vào thính giác của người nghe. Như ca từ trong các điệu hò thì phải
là: dô hò, dô hụi, dô ta,… trong lời ru thì phải là: à ơi, ầu ơ, ru hời,…
Trong lời ca, có những đoạn nhạc, những câu nhạc bị hạn chế sự gợi mở
tưởng tượng và cảm xúc của người nghe. Âm nhạc gợi lên một bầu trời, trong
khi ngôn ngữ chỉ vẽ lên một hình ảnh, vì vậy giá trị của tác phẩm âm nhạc sẽ bị
hạn chế. Còn trong thơ ca thì ngược lại. Nhờ sự lựa chọn tinh tế, cách sử dụng từ
ngữ đặc sắc, thơ giúp cho người đọc tưởng tượng thỏa thích. Vì thế, ngôn ngữ
thơ ca giàu tính hình tượng và tính đa nghĩa.
Nhịp điệu, hình ảnh trong lời ca không có ý nghĩa độc lập, mà nó lệ thuộc
vào âm nhạc. Lời ca giống với thơ ca về phương thức phản ánh hiện thực, còn
biểu hiện lại có những quy luật riêng. Xét về hình thức văn bản thì lời ca được
ghi dưới khuông nhạc, theo từng nốt nhạc. Trong thơ ca, từ ngữ, ngôn ngữ phải
được giữ ở thế cân bằng giữa ngữ nghĩa và ngữ điệu. Còn lời ca, sự vận động
của ngôn ngữ, ngữ điệu có vai trò ưu thế và nổi bật hơn ngữ nghĩa. Trong thơ ca,
ngữ điệu phải nương nhờ ngữ nghĩa còn trong lời ca ngữ nghĩa phải nương nhờ
ngữ điệu.
Như vậy, “thơ không phải đã là ca, từ thơ đến ca còn một khoảng cách.
Khoảng cách đó do quy luật của âm nhạc quy định.”[27;34] Vì thế, khi đánh giá,
phân tích lời ca không thể coi đó như một bài thơ, mà cần phải xét bài thơ, lời ca
20
dưới dạng phương thức phản ánh cuộc sống. Lời ca để hát và nghe, còn thơ để
đọc. Còn khi phân tích, đánh giá một bài thơ thì phải dựa vào đặc điểm thơ ca, tuy
nhiên không nên áp đặt tiêu chí thơ, những quy định về vần, nhịp điệu để áp đặt
cho lời ca.
1.2. Giới thuyết về Ý niệm Sống - Chết
1.2.1. Giới thuyết về Ý niệm
Ý niệm là đơn vị của tư duy, là yếu tố của ý thức. Nó là kết quả của sự
tác động qua lại của một loạt những nhân tố như truyền thống dân tộc, sáng
tác dân gian, tôn giáo, hệ tư tưởng, kinh nghiệm sống, hình tượng nghệ thuật,
cảm xúc và hệ thống giá trị. Ý niệm tạo ra một lớp văn hóa trung gian giữa
con người và thế giới.
Stepanov (Ю.С. Степанов 1997) cho rằng: “Ý niệm tựa như một khối kết
đông của nền văn hoá trong ý thức con người; dưới dạng của nó nền văn hoá đi
vào thế giới ý thức (tư duy) của con người, và mặt khác, ý niệm là cái mà nhờ đó
con người - người bình thường, không phải là “người sáng tạo ra những giá trị
văn hoá” - chính con người đó đi vào văn hoá, và trong một số trường hợp nhất
định có tác động đến văn hoá”.
Slyshkin (Г.Г. Слышкин 2000) nghiên cứu những quan điểm khác nhau
đối với ý niệm và nhận định rằng: đặc điểm nổi bật có tính nguyên tắc của ý
niệm là ở chỗ nó được xem như cơ sở để nghiên cứu tổng hợp ngôn ngữ và văn
hoá, song bản thân nó không trực tiếp nằm trong phạm vi ngôn ngữ, cũng không
nằm trong phạm vi văn hoá, và cũng không đồng thời nằm trong cả hai lĩnh vực
này. “Ý niệm là đơn vị của tư duy, là yếu tố của ý thức”.
Chúng ta cần phân biệt giữa ý niệm và khái niệm. “Khái niệm là một hình
thức của tư duy phản ánh những thuộc tính cơ bản, những mối liên hệ và quan hệ
giữa các sự vật và hiện tượng trong sự mâu thuẫn và phát triển của chúng. Khái
niệm không chỉ trừu suất cái chung, mà còn phân suất sự vật, những thuộc tính và
quan hệ của chúng làm cơ sở cho việc phân loại phù hợp với những nét khu biệt
21
của chúng. Chẳng hạn, khái niệm “con người” phản ánh cả nét chung cơ bản (cái
vốn có ở tất cả mọi người) và cả những nét khu biệt người này với tất cả những
người khác. Khái niệm phản ánh cái chung, cái đặc thù và cái đơn nhất của sự
vật.” (Trần Văn Cơ).
Khái niệm được hình thành qua một quá trình biện chứng phức tạp nhờ
những phương pháp như so sánh, phân tích, tổng hợp, trừu tượng hóa, lí tưởng
hóa, khái quát hóa, thí nghiệm vv… Nó là sự phản ánh hiện thực không mang
tính hình ảnh và được biểu hiện trong từ. Sự tồn tại hiện thực của nó được bộc lộ
thông qua các định nghĩa, trong các phán đoán, trong thành phần của lí thuyết.
So với khái niệm, ý niệm có những đặc điểm riêng. Ý niệm là kết quả của quá
trình tri nhận là quá trình tạo ra các biểu tượng tinh thần. Cấu trúc của biểu
tượng tinh thần gồm ba thành tố: trí tuệ, cảm xúc và ý chí, cả ba thành tố này đều
được biểu hiện trong ngôn ngữ: trong ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp.
Như vậy, ý niệm là đơn vị tinh thần hoặc tâm lí của ý thức chúng ta, là đơn
vị nội dung của bộ nhớ động, của từ vựng tinh thần và của ngôn ngữ bộ não, của
toàn bộ bức tranh thế giới được phản ánh trong tâm lí con người. Trong quá trình
tư duy, con người dựa vào các ý niệm phản ánh nội dung kết quả hoạt động nhận
thức thế giới của con người dưới dạng những lượng tử của tri thức. Các ý niệm
nảy sinh trong quá trình cấu trúc hoá thông tin về một sự tình khách quan trong
thế giới, cũng như những thế giới tưởng tượng và sự tình khả dĩ trong những thế
giới đó. Các ý niệm quy cái đa dạng của những hiện tượng quan sát được và
tưởng tượng về một cái gì đó thống nhất, đưa chúng vào một hệ thống và cho
phép lưu giữ những kiến thức về thế giới. …
Trong ca từ của Trịnh Công Sơn có một ý niệm luôn luôn ám ảnh suốt
cuộc đời của ông. Đó là sự trăn trở, day dứt khôn nguôi về lẽ Sống - Chết của
đời người. Nó là một phần tự nhiên của sự sống mà tất cả chúng ta chắc chắn sẽ
phải đương đầu không sớm thì muộn. Đây là vấn đề cơ bản được đề cập trong
nhiều tôn giáo tín ngưỡng. Trong nhiều ngành khoa học như triết học và thần
22
học, những vấn đề này được đặt ra từ xưa đến nay và có nhiều quan niệm, cách
kiến giải khác nhau. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi chỉ đưa ra quan
niệm của Phật giáo và của Chủ nghĩa hiện sinh về Sống - Chết. Từ đó, chúng ta
có thể thấy được ý niệm Sống - Chết của riêng Trịnh Công Sơn.
1.2.2. Quan niệm của Phật giáo về Sống - Chết
Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn của thế giới, có ảnh hưởng
sâu rộng đến đời sống xã hội của người phương Đông. Phật giáo không đơn
thuần là một tôn giáo thể hiện sự tín ngưỡng của con người mà nó còn thể
hiện tư tưởng triết học qua tư tưởng, quan điểm và cách lý giải về vũ trụ, về
con người, về xã hội…
Tất cả các sự vật hiện tượng đều tương liên với nhau và biến đổi, không
có một sự gián đoạn hay ngưng nghỉ nào, không có gì bớt đi cũng không có gì
thêm vào, chỉ có nguyên nhân này sinh ra hậu quả kia, rồi hậu quả kia lại tạo ra
nguyên nhân khác. Đó là cái nhìn của Phật giáo đối với tất cả các hiện tượng
trong vũ trụ cũng như đối với sự Sống và cái Chết của từng cá thể.
Theo tư tưởng của Phật giáo thì: “Thực tế đời sống của con người là ngắn
ngủi, giới hạn, phù du, đầy khổ đau và ưu phiền, nó như một hạt sương tan biến
khi mặt trời mọc, như bọt nước, như đường rãnh xẻ trong nước, như dòng thác
chảy cuốn đi tất cả không bao giờ dừng lại, như một con vật nuôi để làm thịt lúc
nào cũng đối đầu với cái chết”. Sự chết cũng thế, nó là sự chấm dứt khả năng
sống của một hình thái hiện hữu, là sự gián đoạn tạm thời của một hình thái. Tuy
nhiên, nó không phải là sự tiêu diệt toàn bộ một cá nhân; chính xác hơn, nó là
biểu hiện của một sự chuyển đổi sang một sự hiện hữu khác. Chỉ riêng các quan
năng ngưng vận hành, chứ năng lực, sự khao khát được hiện hữu (hữu ái) nằm
trong nghiệp lực vẫn tiếp tục thể hiện dưới một hình thái khác của sự sống.
Chết là một hiện tượng cũng bình thường như sinh ra. Thông thường,
những người đang hấp hối, yếu ớt về thể chất không còn có thể kiểm soát và điều
động các ý tưởng của họ. Do đó, những ấn tượng gây nên bởi những biến cố
23
quan trọng trong cuộc đời này hay cuộc đời trước hiện trở lại mạnh mẽ trong tâm
thức, và họ không cách nào loại bỏ chúng.
Phật giáo chủ trương minh tâm kiến tính (làm rõ cái tâm để thấy được bản
tính), kiến tính thành Phật (thấy được bản tính sẽ trở thành Phật) và cho rằng
cuộc đời là bể khổ, con người do “vô minh” mới chịu dập vùi trong bể khổ đó.
Trên thực tế mọi người đều có “tính Phật” chính là bản tâm của mỗi chúng ta.
Nếu tính Phật được bộc lộ, có thể hóa thân thành Phật, được siêu việt trong cõi
Sống - Chết. Như vậy, triết lý Phật giáo không chú trọng đến Sống - Chết riêng
rẽ mà quan tâm đến sự vĩnh hằng của sinh mệnh. Quan niệm đó không phải là
xem thường Sống - Chết mà là cách thức giúp con người thoát khỏi sự Sống Chết. Vì chết hoặc xem thường cái chết cũng chỉ là biểu hiện của sự thiếu hiểu
biết của chúng ta về cái chết. Không dám nhìn thẳng vào cái chết thì sẽ không
bao giờ hiểu được cuộc sống. Chúng ta không nên quay lưng lại với cái chết mà
thậm chí phải đối mặt với nó để tìm hiểu tất cả những gì liên quan đến nó.
Sự Sống là một cái gì hiển nhiên, nhưng sự Chết là một cái gì còn tồn tại.
Đại thi hào Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều: “Chết là thể phách, còn là tinh
anh”. Ở đây “thể phách” chính là thân xác - thân xác được cấu tạo bởi bốn chất lớn:
đất, nước, gió và lửa. Chúng hòa quyện để tạo nên sự sống nhưng cũng không là
mãi mãi, mà đến một khoảnh khắc nào đó sẽ phải tan rã. Đất trả về cho đất. Nước
trở lại với sông hồ, ao biển. Gió trở lại với thiên nhiên. Và lửa trở lại với hơi ấm.
Nhưng còn có điều linh thiêng, thiêng liêng hơn nữa. Đó là tinh anh, là
tâm thức hay linh hồn. Cái này sẽ còn mãi - nghĩa là linh hồn bất tử, mà còn mãi
thì sẽ luân chuyển trong 6 nẻo luân hồi để đi đầu thai trong vòng lục đạo, ở cõi
cao hơn hoặc thấp hơn. Như vậy, chết nhưng vẫn còn sống. Vì chính người chết
ấy còn có bổn phận phải trở lại chăm sóc cho gia đình ở phần tâm linh kia.
Các nhà nghiên cứu phê bình trong và ngoài nước khi viết về nhạc Trịnh
Công Sơn ít nhiều có nói đến sự ảnh hưởng của Phật giáo trong nhạc Trịnh.
Ông sinh ra trong gia đình Phật tử, sống tại Huế - một thành phố Phật giáo
lớn nhất Việt nam. Ông cũng đã viết “Tôi là một Phật tử ở trong một gia đình có
24
tôn giáo chính là Phật giáo. Từ những ngày còn trẻ, tôi đã đọc kinh và thuộc
kinh phật. Thưở bé tôi hay đến chùa vì thích sự yên tĩnh. Có những năm tháng
nằm bệnh, đêm nào mẹ tôi cũng nhờ một thầy đến tụng kinh và cầu an và tôi
thường đi vào giấc ngủ êm đềm giữa những câu kinh đó”[21;143]. Như vậy,
ngay từ khi còn trẻ, tiếng cầu kinh đã đi vào trong giấc ngủ của ông một cách vô
thức. Ảnh hưởng của Phật giáo trong tác phẩm của ông đầu tiên phải kể đến chân
lí: “Đời là bể khổ”, bởi vậy “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”
(Gọi tên bốn mùa), sau đó là tính tạm bợ của cõi nhân gian: “Tôi nay ở trọ trần
gian/ Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời” (Ở trọ). Những quan niệm Phật giáo
đã thâm nhập vào sáng tác của Trịnh Công Sơn, nhờ vậy tác giả đã tìm thấy sự
yên tĩnh trong lòng mình, đồng thời luôn tự nhủ phải sống hết mình cho thực tại:
“Đời cho ta thế cứ hãy cất bước đi mọi nơi
Gặp nhau trong phố xin yêu không nguôi những thân người
Đời cho ta thế hãy cứ sống tới như mọi ai
Mặc dòng sông kia sẽ cuốn đất cát ra biển khơi”.
(Đời cho ta thế)
Có thể nói, một trong những yếu tố làm nên sự thành công của nhạc Trịnh
ngày nay đó chính là sự ảnh hưởng của Phật giáo. Hay nói cách khác, Phật giáo
đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của Trịnh Công Sơn.
Đây là đóng góp to lớn của Trịnh vì đã cho người Việt cách để họ thấu hiểu nội
tâm của chính mình. Hãy điểm lại một số tác phẩm của ông, ta sẽ thấy sự ảnh
hưởng của Phật giáo không chỉ ở hình thức nghệ thuật mà nó được chuyển hóa
nội dung tư tưởng của Trịnh Công Sơn: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một
mai tôi về làm cát bụi/ Ôi cát bụi mệt nhoài/ Tiếng động nào gõ nhịp khôn
nguôi” (Cát bụi), “Không có đâu em này/ Không có cái chết đầu tiên/ Và có đâu
bao giờ/ Đâu có cái chết sau cùng” (Ngẫu nhiên).
Theo quan niệm của Phật giáo, muôn vật sẽ được tái sinh ở kiếp khác, tùy
theo nghiệp của họ ở cõi này. Quan niệm về kiếp luân hồi giúp chúng ta lí giải vì
25