BỒI DƯỠNG LÀM VĂN HAY LỚP 11
NHỮNG BÀI VĂN CHỌN LỌC PTTH
BỒI DƯỠNG LÀM VĂN HAY LỚP 11
(Tư liệu tham khảo dành cho phụ huynh và giáo viên)
LÊ LƯƠNG TÂM - THÁI QUANG VINH
- NGÔ LÊ HƯƠNG GIANG - TRẦN THẢO LINH
(Tuyển chọn và giới thiệu)
LỜI NÓI ĐẦU
Các em học sinh thân mến
Việc đánh giá học tập môn Văn học của các em, phần lớn nhà trường
thường nhìn ở kết quả một bài viết theo một đề bài nhất định.
Bài viết có chất lượng là thước đo năng lực và có ý nghĩa quyết định
cho điểm kiểm tra thường xuyên tại lớp, điểm học kì, điểm cuối năm và quan
trọng nhất là thi tuyển sinh vào đại học.
Phải có những bài viết được tổ chức với cấu trúc chặt chẽ; phải có
những câu văn, đoạn văn diễn đạt thật khúc chiết sinh động thì chúng ta mới
đạt tới cái đích học tốt bộ môn mà mình yêu thích.
Do đó, chúng tôi cho rằng các em phải tiếp xúc thật nhiều với những
bài viết hay. Trước hết là những bài thuộc các đơn vị giới hạn trong chương
trình, trong sách giáo khoa.
Cuốn sách:
BỒI DƯỠNG LÀM VĂN HAY 11
Ngoài việc cung cấp những bài viết hay của các tác giả có uy tín, của
các bạn học sinh đã đạt giải, đạt điểm cao thì nó đặc biệt chú trọng tới một
lượng đề luyện tập rất phong phú đa dạng. Nó bám sát chương trình lớp 11
từ Văn học Việt Nam, Văn học nước ngoài và Lí luận văn học; từ những bài
khái quát đến những bài phân tích bình giảng, từ những đề có dung lượng
“quy mô” tới những đề giải quyết một vấn đề nhỏ mà thú vị.
Hy vọng cuốn sách sẽ đem đến cho các em nhiều hứng khởi trong việc
học tốt môn văn học ở lớp 11. Và đây chính là điều kiện đề các em tự tin
bước vào những kì thi có tính quyết định đối với cuộc đời mình.
Chúc các em thành công.
CÁC TÁC GIẢ
HOÀNG LÊ NHẤT THỐNG CHÍ
NGÔ GIA VĂN PHÁI
A. BÀI VĂN
Phân tích đoạn trích “Kiêu binh nổi loạn” (Hoàng Lê nhất thống chí Ngô gia văn phái).
BÀI LÀM
Đoạn trích “Kiêu binh nổi loạn” trong Hoàng Lê nhất thống chí đã cho
thấy sự thối nát của phủ chúa Trịnh: cha, con, anh, em tranh giành quyền lực,
việc phế con trưởng lập con thứ hoàn toàn do quyền lợi ích kỉ của phe đảng,
không vì quyền lợi của đất nước, của nhân dân.
Cuộc tranh giành đó Trịnh Tông là kẻ đang bị thất thế, có nguy cơ bị
hại, phải nhờ mẹ là thái phi họ Dương kêu với quận Huy mới bảo toàn được
tính mệnh.
Lính kiêu binh phần nhiều đều thuộc phe của Trịnh Tông. Tông mà bị
diệt trừ thì họ mất chỗ dựa và có thế bị diệt theo. Số phận của các đám gia
thần, tôi tớ, binh lính của các tập đoàn phong kiến xưa nay là vậy. Có thể kế
các nhân vật kiêu binh như: Dự Vũ, đầu bếp của Tông; Gia Thọ là gia thần,
Bằng Vũ là gia binh. Chúng căm ghét quận Huy như kẻ thù của chúng.
Vì thế, lời nói của Dự Vũ, Gia Thọ đều có tính chất xúi giục, hậu thuẫn
cho Tông làm phản. Tông mời cơm ngỏ ý chỉ là một biểu hiện phó thác chính
thức, lái mũi nhọn chĩa vào quận Huy.
Mục đích nổi loạn cùa kiêu binh là trả thù, rửa hận. Lời nói của Dự Vũ
đã cho thấy quân lính “căm ghét”, “hậm hực” khinh bỉ cách làm của chúa Trịnh
và quận Huy, chỉ muốn diệt trừ cho hả giận. Đề xuất kế sách của Bằng Vũ
chứng tỏ quân lính rất khinh nhờn thế lực của phủ chúa: “Đánh một hồi trống
làm hiệu, rồi kẻo ùa cả vào, nắm cẳng hắn, vứt chỏng gọng xuống dưới thềm
một cái là xong thôi mà!”.
Sự can thiệp của bọn quý tộc, thân tộc trong phủ như quận Viêm, con
hắn là Chiếu lĩnh bá, quận Hoàn, Thánh mẫu... cho thấy chúng chỉ muốn lợi
dụng để hớt lấy công hoặc che chắn đế bảo vệ quyền lợi mình. Tiêu biểu cho
thái độ bàng quan là Viêm quận công. Tiêu biểu cho thái độ hớt công là Bùi
Bật Trực và Chiếu lĩnh bá. Mặt khác qua sự can thiệp này ta thấy phủ chúa
hoàn toàn bất lực, kiêu binh lộng hành, làm chủ tình thế. Ở nơi tập trung
quyền hành trung ương chỉ là một đám lưu manh họp chợ để giở thói côn đồ
thanh toán nhau!
Đoạn văn đã miêu tả một cuộc nổi loạn của binh lính. Thế lực của họ
thật mạnh. Xuất phát từ lòng căm phẫn, khinh bỉ, muốn rửa hận, trả thù, quân
kiêu binh đã tụ tập, bàn định và thống nhất với nhau rất nhanh. Họ nổi lên chi
phối các sự kiện lịch sử. Họ mớm lời và xúi giục Trịnh Tông, họ quyết định
cách nổi loạn, bầu người chủ mưu, không cần chỉ dụ của ai hết. Trịnh Tông
phó thác chỉ là kẻ ăn theo, Trần Hữu Cầu viết hịch chỉ là một việc hiếu sự.
Bằng Vũ quyết định ngày khởi sự, không cần tâu với Thánh mẫu. Khi nghe
tiếng trống, quân lính “nhảy nhót, hăng hái, cầm binh khí xô lấn nhau mà vào
trong phủ”, “họ hò reo quát tháo long trời lở đất”.
Đoạn giết quận Huy đã thế hiện sức mạnh của kiêu binh. Họ dọa quận
Châu. Thoạt đầu, do thói quen phục tùng, họ sợ quận Huy, song chỉ được
một lát, từ tư thế ngồi họ nhao nhao đứng dậy vây lấy voi chiến, nềm gạch
ngói vào voi, dùng câu liêm kéo quản tượng xuống giết, rồi kéo quận Huy
xuống đánh chết, mồ bụng lấy gan ăn sống, sau đó lấy đá ghè chết em quận
Huy. Tất cả sự nổi loạn, tàn bạo đã thể hiện cụ thể, sống động, nó cho thấy
sức mạnh của đám đông có thể làm nổi thuyền, có thể làm lật thuyền.
Trịnh Tông đúng là ông chúa bù nhìn, hắn lên ngôi chúa hoàn toàn nhờ
sự đưa đẩy tình cờ của số phận, tất cả chỗ dựa là đám lính tráng tự phát nổi
lên. Cho nên khi đã làm chúa rồi, vẫn không sao làm chủ được đám âm binh
làm loạn: phá nhà, giết người, cướp của... Trịnh Tông trở thành nhân vật hài
hước khi được bọn lính tráng đặt lên cái mâm rồi nâng lên hạ xuống như
“giỡn quả cầu” trong tiếng reo hò của đám loạn quân và dân hàng phố đông
như họp chợ...
Kiêu binh đã lập Trịnh Tông lên, cảnh khiêng Tông trên chiếc mâm gỗ,
đưa lên, đưa xuống, mọi người xúm lại đông như họp chợ. Hai tiếng “họp
chợ” thật mỉa mai! Họ lại đặt sập gụ ngoài phủ đường để đưa Tông lên ngôi.
Mấy chữ “ngoài phủ đường” cũng hài hước, chẳng có chút ụy nghiêm nào. Họ
lại xin di phá tất cả dinh cơ quận Huy, làm náo động kinh thành liền trong mấy
ngày.
Trái lại với sức mạnh bạo lực của kiêu binh, giai cấp thống trị tỏ ra hoàn
toàn bất lực và thảm hại.
Sự bất lực thảm hại của phe quận Huy đã quá rõ. Không đề phòng,
thiếu mưu lược, sờ đến cung thì cung đứt dây, sờ đến súng thì súng không
nổ! Hai anh em Huy bị giết nhanh chóng! Chúa thì chạy trốn, đói bụng khóc
nheo nhéo phải dọa bị bắt mới không khóc nữa. Những kẻ nắm quyền quốc
gia trong phủ mà như thế, thật là hài hước hết mức!
Phe theo Tông cũng bất lực không kém. Quận Châu lúc đầu theo Huy
đứng trong cửa định lên giọng đe quân lính. Kiêu binh mới đe một câu liền
mở cửa ngay. Thế mà khi kiêu binh đã giết hết anh em quận Huy rồi, Châu
còn phất cờ đuôi báo và khua chiêng thu quân, làm như mình đã là người chỉ
huy quân đội của phe Trịnh Tông vậy!
Đoạn trích cho thấy Trịnh Tông, Thánh mẫu chỉ là đám bèo bọt trôi nổi
trên bề mặt dòng thác lịch sử. Tông chỉ là con rối trong tay kiêu binh. Chỉ của
Thánh mẫu chỉ là bản viết tức thời trước việc đã rồi. Khi kiêu binh thừa thế đốt
phá, trả thù riêng, “Tông hạ chỉ ngăn cấm mà họ vẫn không thôi” chứng tỏ
Tông chẳng có chút uy quyền nào cả. Khi chúa vờ giết phứa “một người
thường dân” (vì không dám đụng vào kiêu binh!) thì việc phá phách mới tạm
ngừng, nhưng việc bắt người vẫn đang tiếp tục. Đoạn văn đã cho thấy làn
sóng nổi loạn của quân lính và số phận bèo bọt của một vương triều, chứng
tỏ sự thối nát cùng cực của một chế độ.
Có thề nói quận Huy và Trịnh Tông ở hai phía là những nhân vật của
một tấn bi hài kịch lịch sử nói về sự suy sụp của triều đại họ Trịnh. Một triều
đại phong kiến lâu đời, hiển hách đã rơi vào tình trạng suy sụp một cách thảm
hại. Bố chết nằm đấy, anh em đã xung đột, tranh nhau ngai vàng. Đám lính
tráng nổi lên làm chủ cả thành Thăng Long, phá nhà, đốt nhà, cướp của, giết
người vô tội vạ v.v... Quận Huy bị phanh thây. Trịnh Cán bị phế truất. Tất cả
là do bọn lính tráng, bọn bồi bếp tự phát nổi lên. Trịnh Tông lên ngôi mà bất
lực trước đám, âm binh bất trị... Đúng là tấn bi kịch lịch sử.
Nhưng chất hài của tấn kịch lịch sử này cũng rất rõ: Những nhân vật đã
bị lịch sử lên án, đã hết vai trò lịch sử, vẫn cố khẳng định uy quyền của mình
và trở thành những vai hề như quận Huy vẫn tin ở uy quyền của mình, biết
trước âm mưu nổi loạn của đám kiêu binh vẫn không thèm phòng bị gì, một
mình giữa đám loạn quân hung hãn vẫn quát tháo thị oai. Nhưng bắn cung
cung gẫy, bắn súng súng không nổ... cuối cùng bị kéo cổ xuống đất. Đúng là
hài hước. Trịnh Tông thì tuy vẫn được gọi bằng những danh hiệu những từ
ngữ trang trọng cao quy của bậc đế vương: thế tử, mặt rồng, Thánh chúa...
nhưng ngai vàng chỉ là cái mâm đặt trên vai đám lính tráng, để cho hàng phố
đến xem như họp chợ.
Những tư liệu được trình bày hết sức cụ thể, tỉ mỉ: về lai lịch tính cách
các nhân vật, về địa chỉ của các vụ việc, về âm mưu của các phe phái, về quá
trình hình thành, phát triển và kết thúc của sự kiện.v.v…Nghĩa là những tư
liệu đủ để dựng lại bộ mặt, không khí của lịch sử một cách cụ thể, sinh động.
Bút pháp tả thực của lối chép sử biên niên không che dấu một nụ cười
mỉa mai và xót xa trước tình cảnh đất nước bị rữa nát từ chính quyền trung
ương. Cơn hấp hối vào giờ chót của một triều đại bao giờ cũng chẳng là một
màn bi hài của lịch sử?
B. LUYỆN TẬP
1. “Chính kiến của tác giả Ngô Gia Văn Phái là muốn ca ngợi sự nghiệp
của nhà Lê nhưng ngòi bút hiện thực nghiêm ngặt đã đi được chính kiến ấy”.
Hãy phân tích đoạn trích “Kiêu binh nổi loạn” để làm rõ ý kiến ấy.
2. “Cuộc đảo chính của đám kiêu binh trong phủ Chúa là một trò đùa,
một cuộc họp chợ nhưng mức độ tàn bạo có tính trung cổ”.
Hãy phân tích đoạn trích “Kiêu binh nổi loạn” để làm rõ ý kiến ấy.
3. Hãy phân tích màn hài kịch về sự đăng quang của Chúa Trịnh Tông
trong đoạn trích “Kiêu binh nổi loạn”.
4. Phân tích nhân vật Quận Huy để cho thấy cái chết của y là tất yếu và
hài hước.
5. Hãy tìm một chi tiết hài hước độc đáo của đoạn trích. Kể lại và cho
thấy ý nghĩa của nó.
Phân tích đoạn “Quang Trung tiến quân ra Bắc” trong tiểu thuyết
“Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô Gia Văn Phái.
BÀI LÀM
1) Khái quát chung:
“Hoàng Lê nhất thống chí” là một trong những đỉnh cao của văn xuôi
viết bằng chữ Hán trong quá khứ. Tác phẩm này gồm 17 hồi, viết theo thể
“chí” - một thể tiểu thuyết cổ điển có nguồn gốc từ Trung Quốc (Đông Chu liệt
quốc, Tam Quốc chí...). Đó là một bức tranh rộng lớn về xã hội thời vua Lê -
chúa Trịnh, về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và sự kiện nhà Nguvễn thống nhất
đất nước.
Các tác giả của cuốn sách được gọi là Ngô Gia Văn Phái, gồm Ngô Thì
Chí, Ngô Thì Du và Ngộ Thì Thiến. Có nhiều tài liệu cho rằng phần chính biên
gồm 7 hồi đầu do Ngô Thì Chí viết; phần tục biên Ngô Thì Du viết 7 hồi, Ngô
Thì Thiến viết hồi cuối cùng... Điều lạ là lối diễn đạt trong việc dựng lại các sự
kiện và nhân vật lịch sử khá thống nhất. Nguyên tắc tôn trọng sự thật lịch sử
và giọng kể khách quan được các tác giả tôn trọng khá triệt để và thống nhất.
Tác phẩm viết theo lối chương hồi. Ở đầu mồi hồi bao giờ cũng có hai
câu văn biền ngẫu giới thiệu những sự kiện chính (hay nhân vật) diễn ra trong
hồi ấy. Hồi sách thường kết thúc ở những tình tiết hay, hấp dẫn sẽ được nói
tiếp ở những hồi sau để cuốn hút người đọc. Đó là kết cấu bề mặt của tác
phẩm.
Xung quanh việc xác định thể loại của “Hoàng Lê nhất thống chí”, có rất
nhiều ý kiến. Nếu căn cứ vào kết cấu bề mặt của tác phẩm, ta có thế coi đây
là một cuốn tiểu thuyết lịch sử viết theo lối chương hồi. Nhưng nếu xét mức
độ hư cấu sự kiện và nhân vật lịch sử, tác phẩm thực chất chỉ là một cuốn kí
sự lịch sử ghi chép theo lối biên niên. Theo trên, ta có thể gọi “Hoàng Lê nhất
thống chí” là một cuốn truyện kí lịch sử (viết về người thật, việc thật nhưng
theo lối viết của tiểu thuyết).
Có một điều lưu ý thêm là tên của cuốn sách. Tác phẩm thường được
gọi là “Hoàng Lê nhất thống chí” hay “An Nam nhất thống chí”. Có lẽ tên gọi
sau chính xác hơn, vì cho đến cuối cuốn sách, nhà Nguyễn thống nhất đất
nước chứ đâu phải nhà Lê? Gọi theo lối thứ nhất, chẳng qua là do những
người viết vốn là trung thần nhà Lê (Ngô Thì Chí đã chết trên đường chạy
theo Lê Chiêu Thống sang Trung Quốc). Tên “Hoàng Lê nhất thống chí”, thực
chất là một hoài niệm đẹp; một ước muốn, một tình cảm “trung quân” cuối
cùng mà những người viết sách có thể làm được. Dĩ nhiên, do tôn trọng lịch
sử, các sự kiện được họ ghi lại, dù ngoài ý muốn, vẫn hoàn toàn là chân thật.
2) Nội đung:
2.1. Đoạn trích “Quang Trung tiến quân ra Bắc” kể lại sự kiện Quang
Trung tiến quân ra Bắc lần thứ hai (1788) lãnh trách nhiệm đánh đuổi xâm
lăng. Trước đó hai năm, Quang Trung đã kéo quân ra Bắc với mục đích “Phò
Lê diệt trịnh” (1786) và được vua Lê phong tước Uy quốc công, gả công chúa
Ngọc Hân và cắt đất Nghệ An cho Tây Sơn làm lễ khao quân... Lần này,
Nguyễn Huệ ra Bắc không phải với tư cách là một trung thần của nhà Lê.
Trong bối cảnh vua Lê Chiêu Thống đã bán rẻ nước ta cho nhà Thanh,
Nguyễn Huệ ra Bắc với tư thế của người anh hùng cứu nước; bảo vệ chủ
quyền thiêng liêng của dân tộc.
Sử cũ chép lại sự kiện này theo năm tháng và một vài tình tiết lịch sử
chính. Ví dụ, ngày 21 tháng 12 năm 1788 (tức ngày 24 tháng 11 năm Mậu
Thân), Nguyễn Huệ nhận được tin cấp báo của vua Ngô Văn Sở. Ngay hôm
sau, ông làm lễ tế trời đất, lên ngôi Hoàng Đế rồi xuất quân ra Bắc. Ngày 26
tới Nghệ An... Ngày 20 tháng chạp(25-1-1789) tới Tam Điệp... khoảng thời
gian Quang Trung chỉ huy quân đội Tây Sơn hành quân từ Phú Xuân ra tới
Tam Điệp diễn ra trong vòng một tháng.
Khác với biên niên sử, trích đoạn nói riêng (toàn tác phẩm nói chung)
tuy vẫn nhằm mục đích chép sử nhưng trích đoạn đã “chép” một cách chi tiết
các sự kiện và nhân vật lịch sử (tái hiện). Các sự kiện được thuật lại và được
tô đậm bằng miêu tả, các nhân vật không chỉ được nhắc tới với một vài nhận
xét tổng quát, chung chung mà được khắc họa khá toàn diện ở nhiều thời
điểm, ở hành động, ngôn ngữ... của nó. Nói khác đi, sự kiện và nhân vật lịch
sử ở đây đã được hình tượng hóa, trở thành những tình tiết và nhân vật của
văn chương.
2.2. Các tình tiết trong đoạn trích giảng không nhiều. Các tình tiết ấy
được thể hiện trùng với ba thời điểm chính ở ba địa điểm của cuộc tiến quân.
Ở Phú Xuân, sau khi nhận được tin cấp báo quân Thanh đã vào Thăng
Long, Quang Trung “giận lắm, liền họp các tướng sĩ, định thân chinh cầm
quân đi ngay”. Nghe các tướng lĩnh phân giải, Nguyễn Huệ làm lễ lên ngôi
Hoàng Đế cho chính vị hiệu và làm yên lòng người, rồi “hạ lệnh xuất quân,
hôm ấy nhằm ngày 25 tháng chạp 01 năm Mậu Thân”.
Tới Nghệ An, Quang Trung cho mời Nguyễn Thiếp vào hỏi ý kiến và
cùng lúc, sai Hám Hổ hầu “kén lính”, “cứ ba suất đinh thì lấy một người”. Sau
đó, nhà vua “cho mở cuộc duyệt binh lớn ở doanh trấn”, tổ chức quân đội và
“cưỡi voi ra doanh yên ủy quân lính, truyền cho tất cả đều ngồi mà nghe
lệnh”. Cuộc hành quân trên đất hậu phương được tổ chức khá chắc chắn: số
thân quân vùng Thuận Quảng được phiên chế vào bốn doanh tiền, hậu, tả,
hữu; số lính mới tuyển thì làm trung quân (đi ở giữa, có bốn doanh quân trên
bảo vệ).
Khi đến núi Tam Điệp, nghe kể quân Tây Sơn bỏ Thăng Long rút về
Tam Điệp, Quang Trung đoán biết ngay là kế củạ Ngô Thì Nhậm. Nhà vua tin
là sẽ đuổi được giặc Thanh trong 10 hôm; ông đã sai Ngô Thì Nhậm chuẩn bị
bang giao giữ hòa hiếu giữa hai nước. Cuối cùng, Quang Trung chia đội hình
hành quân theo thế trận xiết chặt vòng vây Thăng Long hết sức chính xác và
tài tình.
2.3. Qua những tình tiết trong ba thời điểm kể trên, các tác giả đã khắc
họa được khá nhiều nét tính cách của nhân vật vua Quang Trung.
Trước hết, Quang Trung là người anh hùng, có bản lĩnh, có tầm nhìn xa
trông rộng, biết việc, biết người và biết lắng nghe ý kiến của người khác.
Chính vì thế mà khi nghe tin quân Thanh vào Thăng Long, ông định kéo quân
đi ngay, tức là dám nhận lấy trách nhiệm trước lịch sử. Ông thực sự nhận
trách nhiệm đánh xâm lăng nhưng khi nghe lời các tướng lĩnh luận bàn, ông
làm lễ lên ngôi Hoàng Đế. Ông biết lắng nghe ý kiến của người khác nên khi
vừa tới Nghệ An, ông đã cho mời La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp vào hỏi ý kiến.
Được Nguyễn Thiếp phân tích rõ tình hình đất Bắc và cố vũ, Quang Trung
càng quyết tâm hành động hơn. Ông cũng đủ bình tĩnh và sáng suốt để nghe
Sở và Lân ra tạ tội ở Tam Điệp. Ông phân xử công, tội rất công minh; biết chê
và khen thuộc hạ dưới quyền thật đúng lúc. Đánh giá của ông về Ngô Thì
Nhậm thật công bằng và sáng suốt, có tác dụng động viên những người hiền
tài đem hết sức lực và tài năng cống hiến cho đất nước.
Qua đoạn trích, ta còn thấy Quang Trung là một người anh hùng giỏi
cầm quân.
Việc giỏi cầm quân của Quang Trung thể hiện rất rõ ở việc ông giỏi
thuyết phục và khơi dậy được ý chí cứu nước của binh sĩ. Đoạn văn tiêu biểu
khắc họa tính cách này của Quang Trung là đoạn ông “cưỡi voi ra doanh yên
ủy quân lính, truyền cho tất cả đều ngồi mà nghe lệnh...”. Lời “yên ủy” của
ông cũng là “lệnh”? Là lời “yên ủy” khi ông phân tích truyền thống đánh giặc
vẻ vang của dân tộc, dã tâm xâm lược của nhà Thanh... Là “lệnh” khi ông
khép lại “những kẻ có lương tri lương năng, hãy nên cùng ta hiệp lực, để
dựng nên công lớn”, “kẻ nào ăn ở hai lòng... sẽ bị giết chết ngay tức khắc”.
Lời, ý đều hùng hồn, khúc chiết và tác dộng rất mạnh vào việc củng cố quyết
tâm đánh giặc cho tướng sĩ.
Tài giỏi cầm quân của Quang Trung thế hiện rất rõ qua việc ông chỉ huy
hai chặng đường hành quân. Chặng thứ nhất, cho đến nay, người ta vẫn
chưa lí giải được làm thế nào mà Quang Trung có thế đưa một đội quân lớn
từ Phú Xuân ra tới Nghệ An trong vòng có hai ngày! Từ đây, cuộc hành quân,
dù còn ở hậu phương (Thanh - Nghệ), Quang Trung đã rất thận trọng. Việc
đội trung quân, bao gồm lính mới tuyển ở Nghệ An, đi ở giữa đội hình tiền,
hậu, tả, hữu của thân quân nói rất rõ điều đó. Và ở chặng thứ ba, tuy chưa
nói đến ở đoạn trích, ta đã thấy cuộc hành quân được nhà vua tổ chức theo
đội hình chiến đấu, theo thế bàn tay năm ngón, xiết chặt lấy Thăng Long. Đó
chính là “phương lược tiến đánh đã có sẵn” và kết quả đã được nhà vua báo
trước “chẳng qua mươi ngày, có thể đuổi được người Thanh”.
3. Đoạn trích chỉ vẻn vẹn có năm trang sách. Mặc dù vậy, thông qua
những tình tiết chọn lọc, tiêu biểu, các tác giả đã kể lại khá chân thực cuộc
tiến công, dũng mãnh của quân đội Tây Sơn, trong đó hình ảnh người anh
hùng dân tộc Quang Trung được khắc họa thật đậm nét và độc đáo.
Trong mạch ngầm của đoạn văn, dù các tác giả đứng về phía nhà Lê
mà phản ánh lịch sử, ta vẫn thấy toát lên một niềm tự hào dân tộc thật sảng
khoái.
LUYỆN TẬP
1. Anh (chị) hãy tóm tắt ngắn gọn một trong hai đoạn trích của Hoàng
Lê nhất thống chí:
a) Kiêu binh nổi loạn.
b) Quang Trung tiến quân ra Bắc.
2. Đoạn trích “Kiêu binh nổi loạn” là “sự biến đầu tiên bộc lộ cuộc khủng
hoảng trong nội bộ giai cấp thống trị đương thời sau khi chúa Trịnh Sâm chết”
(SGK 11).
Anh (chị) hãy bình giảng đoạn trích để làm sáng tỏ nhận định trên.
3. Hình tượng vua Quang Trung dưới cái nhìn của Ngô gia văn phái một dòng họ cựu thần nhà Lê.
4. Bình giảng lời dụ của vua Quang Trung: “Quân Thanh sang xâm lấn
nước ta (...) chớ bảo ta không báo trước”.
5. Tại sao có thể nói: “Hoàng Lê nhất thống chí” là một truyện kí biên
niên sử.
BÀI CA NGẤT NGƯỞNG
NGUYỄN CÔNG TRỨ
A. BÀI VĂN
Phân tích bài thơ “Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ.
BÀI LÀM 1
Nguyễn Công Trứ (1778 - 1859) là một ông quan lớn văn võ toàn tài
dưới triều Nguyễn. Nhắc đến ông người ta nhớ đến công lao khai khẩn đất
hoang, lấn biển, lập nên hai xã Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình).
Người ta cũng không quên một nhà thơ với những vần thơ đầy khẩu khí của
một bậc chính nhân quân tử về chí nam nhi phụng sự đất nước, về cái tôi
ngất ngưởng của một con người hiểu rõ về mình, về xã hội mà mình đang
sống. Nếu như Chí anh hùng tràn đầy khí phách của người tuổi trẻ, thì Bài ca
ngất ngưởng, được viết lúc ông đã thành danh, là bài thơ tổng kết về cuộc đời
và khẳng định cái tôi (bản ngã) của cụ Thượng Trứ.
Để làm rõ được cái tôi ngất ngưởng của mình, nhà thơ đã chọn thể hát
nói bằng chữ Nôm - một thể thơ tài tử của dân tộc tương đối tự do, viết ra
không phải để đọc mà để ngâm nga, hát xướng. Người thể hiện có thể theo
đà cảm xúc mà luyến láy cho phù hợp. Bài thơ vì vậy mà đầy âm sắc, nhạc
điệu.
Nếu tính cả nhan đề, bài thơ có đến năm lần dùng từ “ngất ngưởng”,
được đặt ở cuối mỗi đoạn như nốt nhấn của bài ca. Đây là cái dáng vẻ của
một tinh thần ngạo nghễ, tự coi mình, hơn người, trên thiên hạ. Đây cũng là
tư thế chung của toàn bài.
Mở bài ta bắt gặp sự khác đời trong cách tự giới thiệu về mình:
Vũ trụ nội mạc phi phận sự.
Câu thơ chữ Hán tạm dịch là: Phàm những việc trong trời đất này
không có việc gì không phải là phận sự của ta - Tiếp theo tác giả dùng một
loạt từ Hán - Việt cùng thủ pháp liệt kê, kể cụ thể những chức tước danh
phận của mình: Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông.../ Lúc bình
Tây, cờ đại tướng/ Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên... Nhịp thơ trầm bổng
nhấn nhá của lối ca trù nghe thật êm đềm nhẹ nhàng như mặt sông mùa
xuân. Một sự khẳng định tài năng kiệt xuất của mình thật khéo mà cũng thật
kiêu ngạo khác đời. Nguyễn Công Trứ dám nói thẳng không hề né tránh.
Ngay cả cách đưa biệt hiệu “ông Hi Văn” vào bài cũng chẳng giống ai. Hi Văn
- chữ Hán có nghĩa là nhà văn hiếm. Tự gọi mình một cách trang trọng là ông
và nhận mình như vậy thì chỉ có ông. Nguvễn Công Trứ đã phá vỡ tính phi
ngã của thi pháp trung đại, không chịu ép mình vào cái ta chung của cộng
đồng, xã hội. (Ở câu cuối ta thấy ông còn tự tách mình ra, đối lập mình với cả
tầng lớp phong kiến). Tất nhiên ông có cái thế của một bậc đại nhân quân tử
để viết như vậy. Nhưng nói được như ông ở thơ văn trung đại không nhiều.
Nếu có chăng, trước đó có Nguyễn Trãi với một tình yêu lãng mạn ở Cây
chuối, Phạm Thái đau đớn xót xa đến tuyệt vọng trước cái chết của người yêu
trong Văn tế Trương Quỳnh Như. Gần nhất có cách xưng danh khắng định
mình của Hồ Xuân Hương (Này của Xuân Hương mới quệt rồi - Mời trầu),
hay Nguyễn Du (Thiên hạ ai người khóc Tố Như - Độc Tiểu Thanh kí). Các
nhà văn ấy vẫn còn nhún nhường, khép nép hoặc còn bóng gió, chung chung.
Cái ngất ngưởng còn ở lối sống, cách sống khác đời. Nguyễn Công Trứ
là người biết sống. Khi trai trẻ, hoạt động hăng hái hết mình theo quan niệm
nhập thế hành đạo tích cực của nho gia, Trở về già thì sống nhàn hạ hưởng
lạc. Một trong những thú vui của ông là nghe hát ả đào (còn gọi là ca trù).
Người ta lên xe xuống ngựa xênh xang thì cụ Thượng Trứ ngao du sơn thủy,
thưởng lãm chùa chiền cùng các cô đầu bằng xe bò. Mà là bò cái vàng với cái
mo cau che sau đuôi. Cụ giải thích: Để che miệng thế gian:
Điển viên dạo chiếc xe bò cái
Sẵn chiếc mo che miệng thế gian
Sự ngông ngạo này chính ông đã nhận xét: Bụt cũng nực cười...
Nguyễn Công Trứ đã vượt ra khỏi lẽ sống được tầm thường ở đời:
Được mất dương dương người tái thượng
Khen che phơi phới ngọn đông phong
Khi cơ, khi tửu, khi cắc khi tùng
Không phật, không tiên, không vướng tục
Như trên đã nói, Nguyễn Công Trứ tự tách mình ra khỏi cái trật tự xã
hội nhố nhăng, ô uế, bẩn thỉu, nhiều kẻ vỗ ngực là quân tử nhưng thực chất
chỉ là hạng cây vông: Tuổi tác càng già càng xốp xáp/ Ruột gan không có, có
gai chông (Vịnh cây vông).
Ngông ngạo nhưng ở hai bài này Nguyễn Công Trứ không rơi vào tình
thế bi quan bế tắc hay phá phách bất cần đời như một số nhà văn lãng mạn
sau này. Mục đích sống của ông rất rõ ràng: Phò vua giúp nước:
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung
Hay như có lần đối lại ý của một nhà sư ông hóm hỉnh nêu:
Hay tám vạn nghìn tư mặc kệ
Không quân thần phụ tử đếch nên người.
Nói khác đi, sự ngất ngưởng của ông ta là để nhằm lật tung cái trật tự
xã hội phong kiến đương thời tưởng như yên ả bằng phẳng nhưng thực chất
thối nát, mục ruỗng đến cùng cực. Ông không muốn mình bị “đồng hóa” cùng
hội cùng thuyền với lũ tham quan vô lại.
Vì vậy tiếng cười tự trào của Nguyễn Khuyến có ngạo nghễ nhưng
không ngoa ngôn, lộng ngữ, vừa cụ thể lại vừa có tính biểu tượng, vừa có
chút trào phúng lại vừa mang tính triết lý, thể hiện quan niệm sống của nhà
thơ.
Thơ văn Nguyễn Công Trứ vốn phóng khoáng ngang tàng như bản
chất con người ông. Bài ca ngất ngưởng là một trong những bài thơ hay được
nhiều người nhắc đến với sự tán thưởng thích thú. Một phần bởi bài thơ giàu
tính nhạc, nhưng phần lớn bởi bản lĩnh vững vàng cứng cỏi của con người tài
năng xuất chúng này. Nguyễn Công Trứ đã thổi một luồng sinh khí mới lạ cho
văn chương đương đại, đưa yếu tố cá nhân, cái tôi cần được giãi bày vào
trực tiếp trong văn chương. Đó cũng là một trong những bước đệm quan
trọng để văn học Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX có những bước chuyến
mình vượt bậc, bước qua cái ta, giải phóng yếu tố cá nhân, cho văn chương
Việt Nam tiến kịp nền thơ ca nói riêng và văn học nghệ thuật hiện đại thế giới
nói chung.
ĐINH THỊ THÚY LAN
BÀI LÀM 2
Từ xa xưa đến nay, thơ trước hết là tấm gương phản chiếu tâm hồn và
tình cảm của chính nhà thơ. Không những thế, qua thơ người đọc còn thấy
rất rõ cốt cách và phong độ của mỗi thi nhân. Ai đó đã nói: Văn là người. Điều
đó thật đúng với những nhà văn, nhà thơ lớn. Ở họ văn với người là một, con
người trong văn chương và con người ngoài đời tuy không hẳn đồng nhất,
nhưng rất thống nhất. Nguyễn Công Trứ thuộc những nhà văn như thế. Cho
nên, qua Bài ca ngất ngưởng ta có thể hình dung rất rõ chân dung một
Nguyễn Công Trứ tự họa.
Bao trùm lên toàn bộ bài ca là hình tượng một con người “ngất
ngưởng”. Nhưng đó không phải là cái ngất ngưởng của một người gàn dở, tự
hợm mình và hợm đời, mà lài cái ngất ngưởng của một con người đầy tự tin
và đầy tự tin và đầy bản lĩnh. Con người ấy ý thức rất rõ về tài năng và phẩm
giá của chính mình. Cái ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ không phải là
kiểu sống ngất ngưởng thông thường mà là một lối sống độc đáo, một vẻ đẹp
ngang tàng, phóng túng của một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn.
Chẳng thế mà ngay từ câu đầu của bài ca, Nguyễn Công Trứ đã coi:
mọi việc trong trời đất chẳng có việc nào không phải nhận sự của ông “Vũ trụ
nội mạc phi phận sự”. Câu thơ toàn là âm Hán, vang lên trang trọng, thiêng
liêng, biểu lộ một thái độ đầy tự tin, kiêu hãnh và một ý thức rất sâu sắc về
trách nhiệm của chính mình. Không phải ngẫu nhiên mà khi đọc thơ văn
Nguyễn Công Trứ chúng ta thấy rất nhiều lần ông nhắc tói “Chí nam nhi”, “Chí
làm trai”, “Chí tang bồng”, “Phận sự làm trai”, “Nợ nam nhi”, “Nợ tang bồng”...
Phải chăng đó chính là lẽ sống nhập thế tích cực của một nhà nho chân
chính. Trong bài thơ này thái độ tự tin, kiêu hãnh ấy lại được thể hiện bằng
một giọng diệu “ngất ngưởng”, “ngang tàng”. Cứ xem cách xưng hô ở câu thơ
thứ hai, Nguyễn Công Trứ tự gọi mình là “Ông Hi Văn”, tự giới thiệu chính
mình là người có tài lớn và coi việc ra làm quan như “đã vào lồng”, ta cũng đủ
thấy rõ thái độ người viết vừa như trang nghiêm lại vừa như “u mua”, hài
hước.
Thái độ ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ không phải chỉ lúc làm
quan đương chức “Khi Thủ khoa, khi Tham tá, khii Tổng đốc Đông”. Hoặc:
“Lúc Bình Tây, cờ Đại tướng; có khi về Phủ doãn Thừa Thiên” mà sau khi về
hưu, không làm quan nữa, thái độ ấy càng thêm đậm nét, tính cách “ngất
ngưởng” càng thêm ổn định. Phải chăng khi đã thoát ra khỏi chốn quan
trường, khi đã “tháo cũi, sổ lồng”, không chịu một sự ràng buộc nào nên ông
càng trở nên “ngất ngưởng”. Ông ngất ngưởng trong cung cách sống. Một
cách sống có vẻ khác người, ngược đời: Người đời thường cưỡi ngựa,
Nguyễn Công Trứ cưỡi bò, đeo nhạc ngựa và thung dung trong tư thế:
“Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi
Gói tiên theo đủng đỉnh một đôi dì
Bụt cũng bật cười ông ngất ngưởng”
Không chỉ mình cung cách sống, thái độ ngất ngưởng của ông còn thể
hiện rất rõ trong quan niệm được mất và sự lạc quan, bình thản trước cuộc
đời:
“Được mất dương dương người Tái thượng
Khen chề phơi phới ngọn đông phong”.
Cũng giống như chuyện ông già biên ải mất ngựa (Tái ông thất mã),
Nguyễn Công Trứ quan niệm được mất là lẽ thường tình; ở đời may rủi hay
sướng khổ đều như nhau, vì thế không có gì phải vội vàng hốt hoảng. Cũng
như khen chê là chuyện bình thường, có gì mà phải bi quan sầu muộn, hãy
phơi phới như ngọn đông phong; hãy “quảng gánh lo đi mà vui sống” (Lâm
Ngữ Đường).
“Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
Không Phật, không Tiên, không vương tục”.
Trong xã hội phong kiến, một xã hội đầy những khuôn mẫu, lễ nghi và
nhiều luật lệ hết sức chặt chẽ, hà khắc, quan niệm và cách sống ngất
ngưởng, “ngông nghênh” kiểu Nguyễn Công Trứ như trên quả là một sự
thách thức, một sự “chòng ghẹo” cuộc đời. Thực ra thái độ và cách sống ấy
của ông được bắt nguồn từ một bản lĩnh và một ý thức muốn khẳng định cái
cá nhân độc đáo của mình. Dường như ông muốn chống lại sự vùi dập và
bóp nghẹt cái tôi cá nhân của xã hội phong kiến thời bấy giờ. Mặt khác, quan
niệm và cách sống ấy cũng bắt nguồn từ sự tự ý thức rất rõ về tài năng và
phẩm giá của chính bản thân mình. Chẳng thế mà ông tự ví mình với bao
danh tướng từ đời Hán đến đời Tống của Trung Hoa: “Chẳng Thái, Nhạc
cũng vào phường Hàn, Phú”. Chẳng thế mà ông đau đáu một tấm lòng trước
sau thủy chung như nhất: “Nghĩa vua tôi cho trọn vẹn sơ chung”. Câu thơ
rưng rưng một niềm cảm động và vang lên như một lời thề son sắt. Sinh ra và
lớn lên vào buổi giao thời cuối Lê đầu Nguyễn, ông đỗ đạt và làm quan vào
thời kỳ mà nhà Nguyễn mới thống nhất đất nước, chấm dứt nội chiến, củng
cố quân quyền và phục hưng nho học. Hoàn cảnh lịch sử ấy là cơ sở tinh
thần cho cả một tầng lớp nho sĩ đang hăm hở bước vào một triều đại mới với
một lẽ sống mới, cố gắng vươn lên trong một vận hội mới để khẳng định
mình. Chính Nguyễn Công Trứ từng tự nhủ:
“Đã sinh ra ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông”
Ông tâm niệm và đã làm được hơn thế. Tên tuổi của ông đã được non
sông ghi nhận. Hình bóng và phong cách của Nguyễn Công Trứ vẫn còn in
đậm trong mỗi trang thơ của chính ông.
Kết thúc bài ca, Nguyễn Công Trứ viết: “Trong triều ai ngất ngưởng như
ông!”. Câu thơ buông lấp lửng: vừa như hỏi vừa như khẳng định; vừa như tự
hào, ngợi ca, vừa tự giễu mình một cách thấm thìa; vừa như là lời tự bạch
của ông, lại vừa như một nhận xét bình giá của người đời... Đúng như câu
thơ và cả bài thơ cũng “ngất ngưởng” như ông vậy. Cái vẻ đẹp ngất ngưởng
từ bài ca và cuộc đời Nguyễn Công Trứ đã trở thành một cách sống, một mẫu
hình in đậm trong hàng loạt nhà nho tài tử sau này. Ta như còn gặp lại hình
bóng và cốt cách ấy của ông ở một Tú Xương, một Tản Đà - Nguyễn Khắc
Hiếu và phần nào ở nhà văn Nguyễn Tuân ngày nay.
LUYỆN TẬP
1. Bài thơ có tất cả bao nhiêu từ “ngất ngưởng”? Hãy giải thích từng
câu thơ có từ đó để cho thấy quan niệm sống của Nguyễn Công Trứ.
2. Cuộc đời của Nguyễn Công Trứ có nhiều lúc “lên voi” nhưng cũng
lắm phen “xuống chó”. Tại sao tổng kết đời mình, ông không nhắc những năm
tháng bi cực của mình?
3. Khi gọi mình là “ông ngất ngưởng” nhà thơ đã lạ hóa chính mình.
Điều này có ý nghĩa gì trong việc bộc lộ cá tính của Nguyễn Công Trứ?
4. Nên hiểu câu:
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng như thế nào? Thực ra Bụt có cười
khi thấy “dạng từ bi” của “tay kiếm cung”?
5. Có ý kiến cho rằng tùng trong câu thơ sau là cây tùng - một biểu
tượng của đấng trượng phu mà nhà thơ rất tâm đắc.
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
Anh (chị) hiểu từ này như thế nào?
6. Khi nhà thơ viết:
Khônq Phật, không Tiên, không vướng tục
thì Nguyễn Công Trứ đã khẳng định mình là người như thế nào?
DƯƠNG PHỤ HÀNH
(Bài hành về “Người thiếu phụ Tây Phương”)
CAO BÁ QUÁT
A. BÀI VĂN
Phân tích bài “Dương phụ hành” của Cao Bá Quát.
BÀI LÀM
Vẫn thể Đường thi xưa, vẫn âm điệu, vần luật cũ, nhưng từ đề tài, nhân
vật, đến kết cấu, cách nhìn, cảm xúc... có nhiều điểm mới. Hình như trước
Cao Bá Quát chưa ai viết như vậy. Tám câu thơ, hai khổ tứ tuyệt, không cần
đề, thực, luận, kết. Vào bài, rồi vẽ người, dựng cảnh luôn. Bức tranh hiện rõ
hai hình ảnh đối mà không chọi, đối mà không cân xứng, quá xa với quan
điểm hội họa phương Đông. Người thiếu phụ Tây Dương tọa hưởng hạnh
phúc lứa đôi dưới trăng sáng (tọa minh nguyệt) chiếm lĩnh rộng, dài suốt bảy
dòng thơ. Chỉ còn lại mấy chữ cuối “Nam nhân hữu biệt li” - người Nam đang
chịu cảnh cô đơn li biệt, - dành cho nhà thơ, một đấng mày râu vốn ngang
tàng khinh bạc. Đọc suốt mấy trăm năm thơ văn trung đại nước ta, kể từ thời
Lí - Trần, đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm,
Nguyễn Gia Thiều..., chúng ta chỉ gặp toàn những hình ảnh, những cảnh đời,
những số phận khổ đau, bất hạnh, bị lệ thuộc, bị khinh rẻ, lãng quên. Chưa
thấy một ai, chưa có một chân dung nào của “thân bồ liễu” được văn chương
tái tạo rõ nét, mạnh bạo, vừa đẹp đẽ, vừa chứa chan hạnh phúc như thế. Từ
cái áo “trắng như tuyết”, đến cái cử chỉ “kéo áo chồng”, rồi cách cư xử bình
đằng, quá bình đẳng “tay biếng cầm cốc sữa... nũng nịu đòi chồng đỡ dậy...”.
Tất cả cứ diễn ra đàng hoàng, tự nhiên giữa biển trời, dưới trăng sáng, thách
thức cả gió rét đêm sương. Bài thơ có ba nhân vật. Một phụ nữ như thế, hồn
nhiên, chủ động. Còn hai người đàn ông? Người chồng... thì đã đành. Anh là
cội nguồn cho ra hạnh phúc cho nàng, anh sẵn sàng “để nàng tựa vai”, “đòi
nâng đỡ dậy”, như chiều chuộng, như nâng niu. Còn nhà thơ của chúng ta,
khác gì ngọn đèn trước trăng sáng, hòn đảo giữa biển khơi. Trăng và biển là
thiên nhiên, là vũ trụ, cũng là ánh sáng trong lành, là bao la trời đất soi to, chở
che hạnh phúc mà người phụ nữ kia đang được hưởng. Nhìn thấy nhỡn tiền
rồi ghi lại bằng những câu thơ uyển chuyển, chân xác với một cảm hứng trân
trọng, đồng tình, không chút ghét ghen, đố kị, nhà thơ - vốn lớn lên từ cửa
Khổng sân Trình, nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ - phải có một nhãn quan
đổi mới, một cách nhìn mạnh bạo lắm lắm! Cách nhìn ấy vừa tạo những cảm
xúc thẩm mĩ mới, vừa góp phần tự phê phán tích cực:
Tân Gia từ vượt con tàu,
Mới hay vũ trụ một màu bao la.
Giật mình khi ở xó nhà,
Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi
Có thể nói “sự bừng tỉnh” của một số nhà nho sĩ nước ta khi xúc tiếp
với thế giới bên ngoài, từ Lê Quí Đôn (thế kỉ XVIII), đến Cao Bá Quát (giữa
thế kỉ XIX), sau này có Nguyễn Trường Tộ, đã cất lên những tiếng nói dũng
cảm chống lại những quan điểm bao thủ hẹp hòi, tư tưởng “duy ngã độc tôn”
không chỉ trong tầng lớp thi thư mà cả tỏa ánh sáng ra toàn xã hội. Phải
chăng cũng từ đó mà suốt cả trăm năm trên đất nước Việt Nam luôn xuất hiện
những hành động phản nghịch, những con người phản nghịch chính đáng.
Đáng tiếc là giai cấp phong kiến thống trị từ Lê Trịnh đến nhà Nguyễn quá trì
trệ, bảo hoàng. Trở lại với bài Dương phụ hành, chúng tôi thấy, tuy vóc dáng
nhỏ nhắn, nó vẫn đủ tư thế đế mở cửa cho cuộc hành trình mới, một cách
nhìn một mơ ước, một khát vọng.
Chúng ta hãy ngắm lại bức tranh đời mà nhà thơ đã vẽ. Tám, chín phần
dành nét tằi hoa, sảng khoái cho hạnh phúc lứa đôi của thiên hạ. Chỉ còn một
hai phần chấm phá về mình. Thiên hạ “tọa minh nguyệt” - ngồi dưới trăng
sáng. Còn mình: “đăng hỏa minh” - ngọn đèn sáng (bản dịch là “đèn le lói”, e
không sát ý tình của thơ). Thiên hạ thì chồng vợ để huề, áo ấm, miếng ngon.
Còn mình thì “hữu biệt li” - chỉ có sự biệt li làm bạn. Cùng một gầm trời, cùng
cảnh ngộ lênh đênh đất khách, mà sao đôi nơi ấm lạnh khác vời làm vậy? Kết
bài là một câu thơ buông lửng: “khởi thức Nam nhân hữu biệt li” - Hỏi có biết
người Nam đang ở cảnh biệt li? Nửa muốn hỏi người, nửa tự thán, bùi ngùi,
cám cảnh cho mình. Phảng phất đâu đây cái âm hưởng trong câu thơ nổi
tiếng của Nguyễn Du: “Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”. Nguyễn Du dám
xưng tên với thiên hạ. Thật là mạnh dạn và thống thiết. Còn Cao Bá Quát,
Chu Thần tiên sinh từng nổi tiếng một thời, chỉ tự gọi mình là “nam nhân”, một
người phương Nam nào đó, vô danh, vô ảnh. Khiêm tốn và đắng cay biết
nhường nào! Nếu hiểu rằng thời gian làm bài Dương phụ hành này, Cao Bá
Quát đang chịu án phạm luật về thi cử, bị cách chức, làm tùy tùng hầu hạ phái
bộ An Nam đi công cán Tân Gia Ba, chúng ta thấm thìa hơn cái thân phận
đớn đau và cảm xúc nhân tình, nhân ái của cụ. Thấy người hạnh phúc, mừng
cho người, không chút tị hiềm, dè bỉu, còn mình bất hạnh, bất hạnh từ cái
danh kẻ sĩ đến cái tình phu thê, cố hương, cố quốc..., chỉ đành lặng im,
nhưng là sự lặng im trong suy nghĩ, đối chất, chứ không phải lặng im đầu
hàng.
Cổ nhân nói: “Người cùng thì thơ hay”. Cao Bá Quát cũng đã nói
“Người cùng thơ dễ hay, người đạt thơ khó hay”. Quan điểm của thầy Huấn
đạo họ Cao không cực đoan như người cổ. Song đọc những bài thơ của cụ,
đến bài Dương phụ hành này, chúng ta vẫn thấm sâu hơn cái chân lí: Muốn
có thơ hay, nhà thơ phải từng nếm trải những cay đắng của cuộc đời, chí ít
cũng phải biết cảm thông, chia sẻ với những con người đắng cay, cùng cực.
Điều cao cả hơn nữa ở hồn thơ Cao Bá Quát là: Trong khi mình cay đắng,
cùng cực như thế, mà vẫn chấp nhận và trân trọng vị ngọt ngào, hạnh phúc
của người khác ở những phương trời khác. Bài thơ Dương phụ hành, vì thế
vừa ló dạng một cách nhìn mới mẻ, vừa đậm đà cảm hứng nhân văn. Tất cả,
bắt nguồn từ một bản lĩnh làm người, bản lĩnh Cao Bá Quát.
VŨ DƯƠNG QUỸ
B. LUYỆN TẬP
1. Nhìn người đàn bà phương Tây xa lạ, Cao Bá Quát đã miêu tả hình
thức và lối ứng xử của một nền văn hóa xa lạ.
Do đâu mà nhà thơ lại tỏ cái nhìn đầy cảm tình với đôi lứa Tây phương
ấy?
2. Màu trắng thường là y phục tang lễ của người phương Đông. Cao Bá
Quát nhìn màu trắng ấy ở người phụ nữ phương Tây rất đẹp”
Hãy phân tích ý kiến trên.
3. Do đâu mà tác giả biết cuộc đối thoại của đôi vợ chồng phương Tây
là đang quan tâm tới “thuyền Nam đèn le lói”
4. Ngọn gió bể trong đêm sương thổi lạnh có ý nghĩa như thế nào với
vợ chồng người phương Tây và với thân phận cô đơn của một người đang
ngắm họ.
5. Câu thơ cuối cùng
Biết đâu đến khách biệt li này
Nó gợi lên từ cảnh âu yếm hạnh phúc của lứa đôi kia.
Anh (chị) có thế đoán được tâm trạng bên trong của người đang thốt ra
câu thơ đó.
Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát với thi pháp văn học trung đại qua
“Bài ca ngất ngưởng” và “Dương phụ hành”.
YÊU CẦU
Đây là một đề khó, có tính lí luận, đòi hỏi phải hiểu biết ít nhiều về thi
pháp, thi pháp văn học trung đại, thi pháp văn học hiện đại.
Với trình độ học sinh lớp 11, dù là học sinh giỏi, học sinh chuyên Văn,
đề cũng chỉ yêu cầu nêu được mấy ý chính sau:
- Bài ca ngất ngưởng và Dương phụ hành đã có phần “vượt rào” thi
pháp văn học trung đại đề cao cá tính, ý thức tự khẳng định, bộc lộ tình cảm
nhân bản riêng tư, đặc biệt là tình cảm nam nữ, đề cao sự bình đẳng giữa
nam và nữ trong quan hệ tình cảm.
- Tuy nhiên cả hai bài đều vẫn nằm trong thể thi pháp văn học trung đại
bởi vẫn nêu cao đặc trưng, vẫn dùng điển tích (Bài ca ngất ngưởng), bởi vì
chỉ bộc lộ tính cách riêng một cách dè dặt, kín đáo (Dương phụ hành), về
phương pháp làm bài, đề không yêu cầu phải giới thiệu về thi pháp mà yêu
cầu phân tích bài thơ dưới ánh sáng của thi pháp để thấy phần “vượt rào” và
phần chưa “vượt rào” văn học trung đại ở hai bài thơ.
BÀI LÀM
Xuất hiện vào những năm cuối của thế kỉ XIX Dương phụ hành của
Cao Bá Quát và Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ đã ghi được
những dấu mốc trên tiến trình văn học trung đại Việt Nam, được coi như một
sự vượt rào về thi pháp, một báo hiệu về thời cận đại.
Nói đến văn học trung đại là nói đến tính phi ngã và tính quy phạm. Từ
trước đến nay chúng ta đều quan niệm tính quy phạm của dòng văn học trung
đại là một bức thành kiên cố. Nó đã bó buộc, giam hãm nguồn cảm xúc của
thi nhân, không để cho nguồn cảm xúc ấy tuôn trào một cách tự nhiên dù nó
là một tình cảm nhân bản rất con người. Rất ít nhà thơ thời kì này nhận thức
được đúng đắn những hạn chế đó. Dòng cảm xúc trong con người họ đã bị
ức chế, bị dồn nén và bị uốn theo một lối mòn “muôn thuở”. Nhưng đã có
những con người không đi theo vết xe của người đi trước, họ đã tìm đến
những lối rẽ mới, thể hiện đầy đủ hơn tính người và rõ nét hơn bản ngã của
cá nhân. Vì thế khi Bài ca ngất ngưởng (Nguyễn Công Trứ) và Dương phụ
hành (Cao Bá Quát) ra đời đã mang đến cho ta những tư tưởng tình cảm mới,
cách nhìn mới từ xưa đến nay chưa mấy ai khơi nguồn.
Ngược dòng thời gian trở về với lịch sử của dân tộc dưới chế độ phong
kiến, chúng ta nhận thấy có một lớp sương mờ đang bao trùm lên khắp bầu
trời và xã hội Việt Nam. Con người ấy, xã hội ấy cứ bình lặng trôi xuôi, không
có một sự cựa quậy, phản kháng, khẳng định cá tính. Chế độ phong kiến
không công nhận cá nhân, tỏa chiết những tình cảm tự nhiên của con người
trong vòng kim cô của lễ giáo và tôn ti trật tự. Nhưng khi thưởng thức cái âm
hưởng hùng mạnh trong Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ, chúng ta
thấy ông cha ta không phải ai cũng chịu cúi đầu. Trong bài thơ ta thấy nổi
cộm lên cá tính của một tâm hồn tự do phóng khoáng, thích nói đến bản thân
mình, kể cả những cái riêng nhất, cái mà dòng văn học trung đại không bao
giờ đề cập đến. Mở đầu bài thơ Nguyễn Công Trứ đã khẳng định một cách
hùng hồn vai trò của mình:
“Vũ trụ nói mạc phi phận sự”
Đâu còn tư tưởng vô vi của Lão - Trang. Lòng nhiệt tình, niềm say mê
với công việc và trách nhiệm đã giúp ông ý thức được vai trò của mình trong
cuộc đời, trong xã hội. Ở đây ta bắt gặp một hình ảnh của thiên nhiên: đó là
vũ trụ - một hình ảnh quen thuộc và chiếm ưu thế trong thơ ca trung đại.
Nhưng không gian vũ trụ trong câu thơ này lại không chiếm lĩnh tất cả. Tồn tại
song song với nó còn là không gian xã hội - mà ở đây chính là vai trò cá nhân
của tác giả. Nguyễn Công Trứ không trở về với không gian tình tại, với mây
ngàn bạc nội, núi cao suối vắng, trầm tư sau lũy tre làng hoặc lặng lẽ bên
luống cúc, thư trai mà với bản lĩnh và ý thức về trách nhiệm của mình, ông đã
hòa mình vào cái náo nức hồ hởi, cái vòng đời đang lăn chuyển trong xã hội.
Rõ ràng trong cái thế thừa đã bước đầu có sự cách tân, dọn đường cho một
phong cách nghệ thuật mới sinh động nảy nở...
Sau khi thể hiện mình một cách tổng quát nhất, cái “tôi" đã bắt đầu
khoa trương về cuộc đời, về những lần thi thố tài năng của mình với một
giọng thơ say mê nhiệt huyết. Lời thơ dài ngắn khác nhau, ngắt nhịp theo lời
kể và đặc biệt là với cách dùng từ “khí”, Nguyễn Công Trứ đã khắc họa một
cách chính xác, đàng hoàng về tài năng của mình. Khi Nguyễn Công Trứ viết:
“Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng”, ta thấy nảy sinh ra một mâu thuẫn. Bản thân
ông tự thấy mình cần phải có phận sự đối với trời đất, có trách nhiệm với
cuộc đời. Vậy mà khi làm quan, khi mà ông có điều kiện để thể hiện rõ nhất
phận sự của mình thì ông lại cảm thấy bị như bị vào “lồng”. Nguyễn Công Trứ
đã gọi việc ra làm quan tựa như một cái “lồng”. Một hình ảnh thật mới mẻ,
thật táo bạo. Thời ấy ai dám nói như Nguyễn Công Trứ bởi việc ra làm quan
tuy có nhiều ràng buộc song nó vẫn là đối tượng của sự tôn kính, ngưỡng
vọng của người đời... “Vào lồng” rồi ông vẫn tiếp tục chơi ngông.
“Gồm thao Xược đã nên tay ngất ngưởng”
Giọng văn hơi khoa trương mà không hề gây khó chịu bởi nhà thơ rất
có ý thức về tài năng và phẩm hạnh của mình. Cá tính của nhà thơ còn xuyên
suốt khắp bài thơ, nó như một đốm sáng làm cho giá trị của tác phẩm thêm
rực rỡ lung linh. Nguyễn Công Trứ là một con người của tự do, một tâm hồn
phóng khoáng và ưu hoạt động. Chính vì thế khi bị giam chân vào trong cái
“lồng” của xã hội thì cũng là lúc ông có dịp để thể hiện cái “ngất ngưởng” của
mình rõ hơn cả. Nhưng chế độ phong kiến hà khắc đã không dung nạp cái
thói ngạo nghễ, khinh đời đầy ý thức cá nhân của ông. Song Nguyễn Công
Trứ không hề cúi đầu khuất phục mà cái “ngất ngưởng” trong ông lại như có
động lực thúc đẩy để phát triển lên tới đỉnh cao của cá tính. Khác hẳn với cái
ta chung chung, mang tính chất tập đoàn, Nguyễn Công Trứ đã tự xưng danh,
biến cái ta thành cái tôi, thành lẽ sống cho bản thân mình.
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng”
Có lẽ khi ra làm quan, cá tính của Nguyễn Công Trứ phần nào vẫn bị
chế độ phong kiến chi phối, lấn át nên bây giờ khi đã thôi làm quan thì cá tính
kia mới bộc lộ một cách đầy đủ nhất, mãnh liệt nhất bởi không có gì ràng
buộc. Việc cho bò đeo nhạc ngựa thời ấy đã là ghê gớm lắm rồi, vậy mà khi
đến nơi cửa phật ông còn mang vài cô “Kiều” mà ông tả là “gót tiên đủng
đỉnh”. Mức độ ngang tàng giờ đây đã phát triển lên đỉnh cao và nhà thơ của
chúng ta đã quên đi hết thảy những ràng buộc cấm kị của thi pháp trung đại,
cái thú vị hành lạc của nhà thơ bắt đầu thể hiện. Ông đã từng nói “cuộc hành
lạc chơi đâu là lãi đấy”.
Nguyễn Công Trứ đã xé rào thi pháp văn học trung đại lúc nào cũng
không biết. Tư tưởng của nhà thơ là một tư tưởng cách tân mang đậm dấu ấn
thời đại bởi nó không chỉ là sự cách tân bằng văn hóa mà bằng cả cuộc đời
ông đang sống. Sự thoát li với thế lực còn thể hiện ở câu thơ:
“Kia núi nọ phau phau mây trắng...”
Sức chiếm lĩnh của không gian lên cao của thi pháp trung đại không
phải là nhạt nhòa trong phong cách thơ của nhà thơ. Lên cao để mà thoát tục,
xa lánh bụi trần là một sở thích của thi nhân thời xưa. Nguyễn Công Trứ cũng
muốn hòa mình vào thiên nhiên cao rộng để cho lòng thêm thanh thản sáng
trong.
Có thế nói cá tính ngông của Nguyễn Công Trứ thể hiện đầy đủ nhất,
toàn diện nhất khi ông viết câu thơ:
“Được mất dương dương người tái thượng”