Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

Giới thiệu bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (109.58 KB, 5 trang )

Giới thiệu bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.
Sóng là một bài thơ do Xuân Quỳnh sáng tác vào năm 1967, trong chuyến đi
thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), và sau đó được in trong tập
“Hoa dọc chiến hào”.
Bài thơ đã được đưa vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục ở Việt Nam, và
được đánh giá là “một bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho
phong cách của Xuân Quỳnh.”
I.Tác giả:
Xuân Quỳnh sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942 tại phường La Khê, thành phố
Hà Đông, Hà Nội.
Xuất thân trong một gia đình công chức, mồ côi mẹ từ nhỏ, ở với bà nội.
Xuân Quỳnh từng là diễn viên múa của Đoàn Văn công nhân dân Trung
ương, là biên tập viên báo Văn nghệ, biên tập viên Nhà xuất bản Tác phẩm
mới, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa III.
Trước đây, Xuân Quỳnh kết hôn lần đầu tiên với một nhạc công của ''Đoàn
Văn công nhân dân Trung ương'' và đã ly hôn. Năm 1973, nhà thơ kết hôn
với nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ,.
Xuân Quỳnh mất ngày 29 tháng 8 năm 1988 trong một tai nạn giao thông tại
đầu cầu Phú Lương, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương cùng chồng và con
mới mới 13 tuổi.
Xuân Quỳnh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật
năm 2001.
II. Giới thiệu tác phẩm: Sóng.
2.1Chủ đề:

Ngữ văn 12 viết:
Qua hình tượng sóng, trên cơ sở khám phá sự tương đồng, hòa hợp giữ sóng
và em, bài thơ diễn tả tình yêu của người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, chung
thủy, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người.
Từ đó thấy được tình yêu là một thứ tình cảm cao đẹp, một hạnh phúc lớn
lao của con người.


2.2 Trích nhận xét:
Về mặt nội dung:
Sách Nhà thơ Việt Nam hiện đại viết:
“Ở mỗi tập thơ của Xuân Quỳnh, những bài viết của tình yêu thường để lại
nhiều ấn tượng hơn cả. Với giọng điệu hết sức thơ hết sức tự nhiên, bài Sóng
thể hiện một tình yêu sâu sắc, bồi hồi, thao thức đến cả trong giấc mơ. Dù có
những gian truân cách trở, nhưng tình yêu bao giờ cũng đẹp, cũng đến được
tận cùng hạnh phúc, như con sóng nhỏ đến với bờ xa.”

Trong sách Tuyển chọn... Ngữ văn có đoạn:
“Sóng là hình tượng trung tâm của bài thơ và là một hình tượng ẩn dụ. Cùng
với hình tượng em, hai hình tượng này song hành suốt tác phẩm.''
Sóng luôn vận động như tình yêu gắn liền với những khát khao, trăn trở
không yên, như người phụ nữ khi yêu luôn da diết nhớ nhung, cồn cào ước
vọng về một tình yêu vững bền chung thủy.
Qua hình tượng sóng, tác giả phác họa được những nét đẹp truyền thống của
người phụ nữ trong tình yêu: đằm thắm, dịu dàng, hồn hậu, chung thủy.''
Mặt khác, hình tượng sóng cũng thể hiện được nét đẹp hiện đại của người
phụ nữ trong tình yêu: táo bạo, mãnh liệt, dám vượt mọi trở ngại để giữ gìn
hạnh phúc; dù có phấp phỏng trước cái vô tận của thời gian, nhưng vẫn tin
vào sức mạnh của tình yêu...''
Sách Những bài văn hay phân tích:
Xuân Quỳnh viết bài thơ Sóng năm 1967, khi mà chị đã từng nếm trải sự đổ
vỡ trong tình yêu. Song, người phụ nữ này vẫn còn ấp ủ biết bao hy vọng,
vẫn phơi phới một niềm tin:
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa.
Bài thơ được kết thúc ở chính cái điểm đỉnh của niềm khao khát tột độ:

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
Sóng là một bài thơ tình yêu rất tiêu biểu cho tư tưởng và phong cách thơ
Xuân Quỳnh ở giai đoạn đầu. Một bài thơ vừa xinh xắn, duyên dáng ; vừa
mãnh liệt, sôi nổi; vừa hồn nhiên, trong sáng; vừa ý nhị, sâu xa.''
''Sau này, khi nếm trải nhiều, giọng thơ Xuận Quỳnh không còn phơi phới
bốc men say nữa, nhưng cái khát vọng tình yêu vẫn mãi tồn tại trong trái tim
giài có yêu thương của chị.''
Về mặt nghệ thuật:
Bình về giá trị nghệ thuật, GS. Nguyễn Đăng Mạnh viết:
Nhịp điệu trong bài Sóng thật đa dạng, mô phỏng cái đa dạng của nhịp sóng:
2/3 (Dữ dội và dịu êm - Ồn ào và lặng lẽ), 1/2/2 (Sóng không hiểu nổi mình -
Sóng tìm ra tận bể), 3/1/1 (Em nghĩ về anh, em), 3/2 (Em nghĩ về biển lớn -
Từ nơi nào sóng lên)...
Ngoài ra, các cặp câu đối xứng xuất hiện liên tiếp, câu sau thừa tiếp câu
trước, tựa như những đợt sóng xô bờ, sóng tiếp sóng dào dạt:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nhóm tác giả sách '''Tuyển chọn... Ngữ văn''' cho biết:
bài thơ có nhiều điệp từ, điệp ngữ, điệp cú pháp cùng hình thức đối lập ''trên
- dưới'', ''thức - ngủ'', ''bắc - nam'', ''xuôi - ngược'' và với kiểu giãi bày tình
bộc trực như ''Lòng em nhớ đến anh''...giúp bài thơ thể hiện được tâm trạng
của một người phụ nữ đang khát khao, trăn trở, đang da diết nhớ nhung, cồn
cào ước vọng về một tình yêu vững bền chung thủy.

III. Nguyên văn bài thơ:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sóng không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên ?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu ?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh - một phương
Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa.
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
Biển Diêm Điền, 29 tháng 12 năm 1967
(Xem thêm bài Phân tích hình tượng sóng tại địa chỉ:
/>Bùi Thụy Đào Nguyên , giới thiệu.
Sách tham khảo:
-Lê Hằng, Nguyễn Thu Hòa, Trần Hạnh Mai, Tuyển chọn và giới thiệu đề thi
đại học & cao đẳng môn Ngữ văn, Nxb Giáo dục, 2007, tr.155-156.
-Ngữ văn 12 (căn bản), Nxb Giáo dục, 2008, tr.155.
-Nhà thơ Việt Nam hiện đại, Phong Lê phụ trách chung, Viện Văn học, Nxb
KHXH, 1984, tr.495
-GS Nguyễn Đăng Mạnh & PTS Trần Đăng Xuyên, Những bài văn hay, Nxb
Đồng Nai, 1003, tr. 135.
-GS Nguyễn Đăng Mạnh, Cẩm nang ôn luyện môn văn, Nxb Đại học Quốc
gia Hà Nội, 2001, tr.237.

×