Tải bản đầy đủ (.doc) (159 trang)

DU LỊCH yên bái TIỀM NĂNG và cơ hội PHÁT TRIỂN

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.06 MB, 159 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
----˜&™----

HÀ THỊ LAN PHƯƠNG

DU LỊCH YÊN BÁI
TIỀM NĂNG VÀ CƠ HỘI PHÁT TRIỂN
Chuyên ngành : Địa lí Du lịch
Mã số: 60.31.05.01

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC ĐỊA LÍ

Người hướng dẫn khoa học: TS Lê Văn Minh

HÀ NỘI – 2014


LỜI CẢM ƠN
Trước tiên em xin gửi bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến quý thầy cô trong
và ngoài khoa Địa Lý thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện nghiên
cứu và phát triển du lịch, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn,
Tổng cục Du lịch là những người đã đem hết nhiệt tình truyền dạy cho em
những kiến thức nền tảng quý báu , hướng dẫn em trong suốt quá trình học
tập và nghiên cứu vừa qua.
Em xin cảm ơn phòng Sau đại học, thư viện trường ĐHSPHN, thư viện
khoa Địa Lý đã tạo điều kiện thuận lợi cho em thực hiện nghiên cứu đề tài này.
Em xin gửi lời cảm ơn tới các ban ngành địa phương: Sở Văn hóa –
Thể thao – Du lịch tỉnh Yên Bái , Cục thống kê tỉnh Yên Bái, Thư viện tỉnh
Yên bái đã cung cấp cho em những tài liệu bổ ích và cần thiết phục vụ cho
quá trình thực hiện đề tài.


Trên hết, em xin gửi lời cảm ơn trân thành nhất tới TS. Lê Văn Minh,
người đã tận tình hướng dẫn, dạy bảo, giúp đỡ và có những định hướng khoa
học cho em trong quá trình em thực hiện luận văn này.
Lời cuối cùng em xin dành tặng lời cảm ơn tới gia đình, bạn bè, các đồng
nghiệp đã luôn đồng hành, giúp đỡ, động viên em trong suôt quá trình học tập.
Mặc dù đã cố gắng rất nhiều, song do điều kiện thời gian và khả năng
của cá nhân em còn nhiều hạn chế vì vậy chắc chắn nội dung luận văn còn
nhiều thiếu sót vì vậy em kính mong nhận được sự góp ý, thông cảm của các
Thầy,Cô và toàn thể các bạn.
Hà Nội, tháng 10 năm 2014
Tác giả

Hà Thị Lan Phương


MỤC LỤC
HÀ THỊ LAN PHƯƠNG........................................................................................................................1
HÀ NỘI – 2014...................................................................................................................................1

PHỤ LỤC


DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
STT
1
2
3
4
5
6

7
8
9
10
11
12

Chữ viết tắt
GTVT
KDT
KHKT
LSCM
LSVH
Sở VH-TT&DL
TDMNBB
TP
TTDL
TTTM
VQG
WTO

Chữ viết đầy đủ
Giao thông vận tải
Khu di tích
Khoa học kĩ thuật
Lịch sử cách mạng
Lich sử văn hóa
Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch
Trung du miền núi Bắc Bộ
Thành phố

Trung tâm du lịch
Trung tâm thương mại
Vườn Quốc gia
Tổ chức Thương mại thế giới


DANH MỤC BẢNG
HÀ THỊ LAN PHƯƠNG........................................................................................................................1
HÀ NỘI – 2014...................................................................................................................................1


DANH MỤC BIỂU ĐỒ
HÀ THỊ LAN PHƯƠNG........................................................................................................................1
HÀ NỘI – 2014...................................................................................................................................1


MỞ ĐẦU
1. Lý do lựa chọn đề tài
Từ xa xưa trong lịch sử nhân loại, du lịch đã được ghi nhận như một sở
thích, một hoạt động nghỉ ngơi tích cực của con người. Cùng với sự phát triển
của xã hội loài người thì cuộc sống của con người ngày càng được cải thiện và
nâng cao, du lịch cũng từ đó mà phát triển không ngừng, trở thành nhu cầu
không thể thiếu trong đời sống văn hóa - xã hội của các nước. Trong những thập
kỷ gần đây du lịch đã trở thành một ngành kinh tế chiếm vị trí quan trọng ở
nhiều quốc gia và trên quy mô toàn cầu.
Ở Việt Nam, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và
tầm nhìn đến 2030 đã xác định mục tiêu phát triển du lịch trở thành một ngành
kinh tế mũi nhọn. Với tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng và chính sách của
Nhà nước đã tạo điều kiện cho du lịch nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Với số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2013 đạt tới

7,572 triệu lượt, và 9 tháng đầu năm 2014 đạt được 6,062 triệu lượt (nguồn
Tổng cục Du lịch), Việt Nam đã trở thành điểm đến du lịch hoạt động tốt nhất
trong khu vực Châu Á, và là điểm đến lý tưởng và an toàn cho du khách khắp
nơi trên thế giới.
Nằm trong tình hình chung đó nhưng tỉnh Yên Bái lại có những nét riêng.
Là tỉnh miền núi nằm sâu trong nội địa, Yên Bái là 1 trong 13 tỉnh vùng núi phía
Bắc của Việt Nam, nằm giữa 2 vùng Đông Bắc và Tây Bắc. Phía Bắc giáp tỉnh
Lào Cai, phía Nam giáp tỉnh Phú Thọ, phía Đông giáp 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên
Quang và phía Tây giáp tỉnh Sơn La. Yên Bái có 9 đơn vị hành chính (1 thành
phố, 1 thị xã và 7 huyện) với tổng số 180 xã, phường, thị trấn (159 xã và 21
phường, thị trấn); trong đó có 70 xã vùng cao và 62 xã đặc biệt khó khăn được
đầu tư theo các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, có 2
huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải (đồng bào Mông chiếm trên 80%)

1


nằm trong 61 huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của cả nước. Yên Bái là đầu mối
và trung độ của các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ từ Hải
Phòng, Hà Nội lên cửa khẩu Lào Cai, là một lợi thế trong việc giao lưu với các
tỉnh bạn, với các thị trường lớn trong và ngoài nước.
Đối với hoạt động du lịch thì Yên Bái là một tỉnh miền núi có phong cảnh
thiên nhiên đa dạng và đẹp: hang Thẩm Lé (Văn Chấn), động Xuân Long, động
Thuỷ Tiên (Yên Bình), hồ Thác Bà, du lịch sinh thái Suối Giàng, cánh đồng
Mường Lò; di tích cách mạng, đền thờ Nguyễn Thái Học, Căng Đồn, Nghĩa
Lộ…Tỉnh Yên Bái có nhiều dân tộc thiểu số và mỗi dân tộc mang đậm một bản
sắc văn hoá riêng, là điều kiện để kết hợp phát triển du lịch sinh thái với du lịch
cộng đồng.
Trong 7 năm trở lại đây, Yên Bái cùng với Lào Cai và Phú Thọ liên kết tổ
chức thực hiện “ chương trình du lịch hướng về nguồn cội”, các hoạt động quảng

bá được tổ chức liên tục, hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng được đầu tư mạnh, ...
đưa du lịch Yên Bái nói riêng và 3 tỉnh nói chung lên một tầm cao mới với
hướng hoạt động chuyên nghiệp hơn.
Tuy nhiên trên thực tế những kết quả mà du lịch Yên Bái đã đạt được còn
rất khiêm tốn so với nhiều tỉnh thành khác trên cả nước, những hoạt động du lịch
mà tỉnh Yên Bái đã và đang xúc tiến chưa khai thác được hết tiềm năng du lịch
vốn có của tỉnh. Tỷ trọng GDP trong cơ cấu kinh tế của Tỉnh mà ngành du lịch
đem lại còn khá khiêm tốn so với các ngành khác. Sản phẩm du lịch của Yên Bái
còn khá đơn giản chủ yếu dựa vào việc khai thác các yếu tố tự nhiên. Cơ sở vật
chất kỹ thuật du lịch chưa được đầu tư đúng mức, chất lượng dịch vụ ở điểm đến
và công tác tổ chức quản lí còn nhiều bất cập, cùng với đó là hoạt động quảng bá
du lịch chưa mạnh... Chính những điều đó làm cho du lịch Yên Bái có phần “bị
chìm đi” so với du lịch của nhiều tỉnh khác trong cả nước.
Do vậy việc lựa chọn đề tài “Du lịch Yên Bái, tiềm năng và cơ hội phát
triển” sẽ là một đề tài nghiên cứu thực tế góp phần vào việc đưa ra những định

2


hướng phù hợp để phát huy tối đa tiềm năng vốn có của du lịch Yên Bái trong
thời gian tới.
2. Mục tiêu và nhiệm vụ
2.1. Mục tiêu
Vận dụng cơ sở lý luận vào thực tiễn về du lịch để phân tích hiện trạng,
tiềm năng, từ đó đưa ra những định hướng và giải pháp phát triển cho du lịch
Yên Bái trong thời gian tới.
2.2. Nhiệm vụ
- Tổng quan cơ sở lý luận và thực tiễn về du lịch nói chung
- Phân tích các điều kiện và hiện trạng phát triển du lịch Yên Bái
- Xây dựng định hướng phát triển cho ngành du lịch tỉnh Yên Bái

- Đề xuất một số giải pháp phát triển cho du lịch Yên Bái trong thời
gian tới
3. Phạm vi nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu
3.1. Phạm vi nghiên cứu
+ Về nội dung: Đề tài nghiên cứu chủ yếu các nội dung:
- Các điều kiện để phát triển du lịch Yên Bái
- Hiện trạng phát triển của du lịch Yên Bái
- Những định hướng phát triển du lịch Yên Bái từ đó có những đóng
góp thiết thực với những giải pháp cụ thể để ngành du lịch Yên Bái phát triển.
+ Về không gian: Đề tài nghiên cứu được xác định trong địa bàn tỉnh
Yên Bái. Lãnh thổ bao gồm 9 đơn vị hành chính: 1 thành phố, 1 thị xã, 7
huyện trong tỉnh
+ Về thời gian: Các số liệu thực trạng được thu thập, thống kê trong thời
gian 2005 - 2012; các số liệu dự báo trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2020.
3.2. Đối tượng nghiên cứu
Các đối tượng nghiên cứu trong đề tài gồm: tài nguyên du lịch (tự
nhiên và nhân văn); hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất; một số các chỉ tiêu

3


phát triển du lịch chủ yếu (khách du lịch, thu nhập du lịch, đầu tư du lịch, lao
động...); hệ thống lãnh thổ du lịch; các khu, tuyến, điểm du lịch...
4. Lịch sử nghiên cứu đề tài
4.1. Trên thế giới
Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu về địa lý du lịch như
các công trình nghiên cứu của Poser (1939), Mukhina (1972), I.I. Pirôgiơnic
(1985), nghiên cứu sức chứa và sự ổn định của các điểm du lịch (Khadaxkia,
1972; Sepfer, 1973)...
4.2. Ở Việt Nam

Trong thời gian gần đây, các công trình nghiên cứu về địa lý du lịch ở
Việt Nam đang được đề cập và nghiên cứu khá phổ biến, đặc biệt là ở cấp tỉnh,
thành phố. Có thể kể đến một số đề tài, dự án trong lĩnh vực này như: “Quy
hoạch tổng thể phát triển vùng du lịch Bắc Bộ đến năm 2010 và định hướng đến
năm 2020”; “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Trung du Miền núi Bắc
Bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”; Quy hoạch tổng thể phát triển
du lịch của một số tỉnh, thành phố như Sơn La, Phú Thọ, Lào Cai, Hà Nội... của
Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (thực hiện từ năm 2000 - 2013)... Ngoài ra
còn có một số công trình nghiên cứu về địa lý du lịch một cách tổng quan như:
“Địa lý du lịch” do PGS.TS. Nguyễn Minh Tuệ chủ trì (1996), “Tổ chức lãnh
thổ du lịch Việt Nam” của GS.TS. Lê Thông (1998)...
4.3. Ở Yên Bái
Các công trình nghiên cứu về tiềm năng du lịch, thực trạng hoạt động
du lịch, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch của Yên Bái
chưa nhiều. Các công trình nghiên cứu phần lớn lấy du lịch Yên Bái là một
đơn vị nghiên cứu trong một tổng thể lớn hơn, hoặc chỉ nghiên cứu một đơn
vị hành chính nhỏ, một điểm du lịch của tỉnh như đề tài KHCN cấp Nhà
nước “Khai thác hợp lý tiềm năng hồ thủy điện Thác Bà phục vụ du lịch”

4


của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch; “Định hướng đầu tư xây dựng thị
trường, sản phẩm du lịch các tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai” của TS. Lê
Văn Minh (Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch) tại Hội thảo liên kết phát
triển du lịch các tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai. Vì vậy chưa có đề tài
khoa học nào nghiên cứu một cách tổng thể về tài nguyên du lịch, khả năng
khai thác và phát triển du lịch, về vị trí, vai trò của du lịch Yên Bái trong
tổng thể du lịch của vùng và của cả nước, định hướng và giải pháp tổng thể
phát triển du lịch Yên Bái.

Do vậy đề tài nghiên cứu này bước đầu đã đề cập nghiên cứu một cách
tổng thể và toàn diện các vấn đề đã nói ở trên.
5. Quan điểm và phương pháp nghiên cứu
5.1. Quan điểm nghiên cứu
5.1.1. Quan điểm hệ thống – cấu trúc
Các hệ thống lãnh thổ du lịch thường tồn tại, phát triển trong mối
quan hệ qua lại giữa các thành tố của từng phân hệ cũng như giữa các
phân hệ du lịch với nhau trong cùng một hệ thống và môi trường xung
quanh. Đồng thời, giữa các hệ thống lãnh thổ du lịch cùng cấp và khác
cấp, giữa các hệ thống lãnh thổ với hệ thống kinh tế - xã hội cũng có sự
tác động qua lại chặt chẽ.
Vì vậy khi áp dụng quan điểm này vào đề tài cần coi du lịch Yên Bái là
đơn vị cấp cơ sở và đặt nó trong mối quan hệ tổng thể với các đơn vị có quy
mô lớn hơn (du lịch của vùng và du lịch cả nước). Du lịch Yên Bái cần được
xem xét trên nhiều mặt: chính sách du lịch, nguồn khách, sản phẩm du lịch,
nguồn đâù tư... phải phù hợp với vùng du lịch Trung du Miền núi phía Bắc và
cả nước từ đó tạo nên sự đồng bộ trong quá trình phát triển của du lịch địa
phương với du lịch cả nước.

5


5.1.2. Quan điểm tổng hợp lãnh thổ
Đối tượng nghiên cứu của Địa lý du lịch thuộc hệ thống lãnh thổ du
lịch ở các cấp khác nhau, các kiểu khác nhau và quy mô cũng khác nhau. Hệ
thống lãnh thổ du lịch là một hệ thống xã hội được tạo thành bởi các thành tố:
tự nhiên, văn hóa, lịch sử, con người có mối quan hệ qua lại, gắn bó mật thiết
với nhau một cách hoàn chỉnh. Mỗi hệ thống lãnh thổ du lịch được quy
hoạch thường có nhiều nguồn lực để phát triển với các loại hình du lịch khác
nhau, trong đó có những sản phẩm đặc trưng riêng. Do vậy, khi tiến hành

điều tra nguồn lực, đánh giá thực trạng phát triển sản phẩm du lịch trên một
lãnh thổ cụ thể, cần phải vận dụng quan điểm tổng hợp lãnh thổ thì mới có
thể đưa ra các dự báo, giải pháp và chiến lược khai thác vừa phát huy được
những lợi thế tổng hợp của các nguồn lực.
5.1.3. Quan điểm lịch sử viễn cảnh
Giống như các ngành kinh tế khác, du lịch biến đổi không ngừng theo
thời gian dưới sự tác động của quy luật tự nhiên và quy luật xã hội. Do vậy,
khi nghiên cứu cần phải dựa theo quan điểm lịch sử viễn cảnh để đánh giá
đúng đắn sự hình thành và phát triển từ quá khứ đến hiện tại để có được
những định hướng tương lai.
5.1.4. Quan điểm phát triển bền vững
Phát triển bền vững hiện đã trở thành xu hướng, mục tiêu phát triển
kinh tế - xã hội nói chung và của ngành kinh tế du lịch nói riêng ở nhiều
quốc gia trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Du lịch là một ngành kinh tế
mang lại hiệu quả kinh tế cao, song việc phát triển du lịch phải gắn với việc
bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo cảnh quan môi trường để phát triển bền vững. Các
nguồn lực phát triển du lịch nếu được nghiên cứu, bảo tồn, xây dựng và khai
thác hợp lý có thể sử dụng được nhiều lần mà chất lượng vẫn có thể được
nâng cao.

6


Đối với Yên Bái – một tỉnh miền núi, những nguồn lợi từ du lịch phần
lớn là khai thác từ tự nhiên thì việc chú trọng đến sự phát triển bền vững lại
càng trở nên cấp thiết.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
5.2.1. Phương pháp thu thập và xử lý tài liệu, số liệu
Phương pháp này thực hiện nhằm nghiên cứu, xử lý các tài liệu dựa
trên cơ sở các số liệu, tư liệu từ các nguồn khác nhau và từ thực tế. Tổng quan

tài liệu có được cho phép kế thừa các nghiên cứu có trước, sử dụng các thông
tin đã được kiểm nghiệm, cập nhật những vấn đề trong và ngoài nước. Việc
phân loại, phân nhóm và phân tích những dữ liệu sẽ giúp cho việc phát triển
những vấn đề trọng tâm và những yếu tố khác cần được tiếp cận của vấn đề
nghiên cứu.
Nguồn tài liệu thu thập dự kiến bao gồm:
+ Các tài liệu liên quan đến cơ sở lý luận và thực tiễn về du lịch.
+ Các tài liệu mang tính chất nghiên cứu: Quy hoạch tổng thể phát triển
du lịch vùng du lịch Bắc Bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Tổ
chức lãnh thổ du lịch Yên Bái, Chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Yên
Bái, Thông tư của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái;
+ Các tài liệu thống kê: Niên giám thống kê tỉnh Yên Bái qua các năm,
Niên giám thống kê Việt Nam các năm, Báo cáo hàng năm của Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái…
Xử lý tài liệu: Dựa trên nguồn tài liệu thu thập được, tiến hành phân
tích, so sánh, tổng hợp nhằm khái quát được cơ sở lý luận và thực tiễn về hoạt
động du lịch. Đưa ra những đánh giá về hiện trạng và tiềm năng phát triển của
du lịch tỉnh Yên Bái, từ đó có được những đóng góp về định hướng và giải
pháp để hoạt động du lịch tỉnh Yên Bái phát triển tốt hơn trong tương lai.

7


5.2.2. Phương pháp phân tích số liệu thống kê
Đây là phương pháp không thể thiếu trong quá trình nghiên cứu về mặt
định lượng trong mối quan hệ chặt chẽ với mặt chất lượng của các hiện tượng,
quá trình biến động, phát triển trong hoạt động du lịch.
Phương pháp này nghiên cứu về mặt định lượng của các chỉ tiêu phát
triển trong hoạt động du lịch. Những thông tin, số liệu có liên quan đến các
hoạt động du lịch trên địa bàn Yên Bái sẽ được thu thập, thống kê làm cơ

sở cho việc xử lý, phân tích, đánh giá nhằm thực hiện những mục tiêu đặt
ra của đề tài.
5.2.3. Phương pháp khảo sát thực địa
Khảo sát và xử lý số liệu ngoài thực địa là một trong những phương
pháp truyền thống, đặc trưng quan trọng nhất của Địa lý học. Sử dụng phương
pháp này giúp cho ta tránh được những kết luận, quyết định chủ quan, thiếu
cơ sở thực tiễn. Phương pháp này nhằm điều tra bổ sung hoặc kiểm tra lại trên
thực tế những thông tin cần thiết cho quá trình phân tích, xử lý số liệu khi
thực hiện đề tài. Các thông tin thu thập được qua khảo sát thực tế sẽ giúp
người nghiên cứu tổng hợp được các ý kiến, các quan điểm đa dạng và khách
quan mà qua nghiên cứu tài liệu không thể có được.
Các hoạt động chính khi tiến hành phương pháp này bao gồm: quan sát,
mô tả, điều tra, ghi chép, chụp ảnh, quay phim tại các điểm nghiên cứu; gặp
gỡ, trao đổi với các cơ quan quản lý sở tại; tham gia các buổi thuyết trình, hội
nghị tại các điểm du lịch.
5.2.4. Phương pháp bản đồ, biểu đồ
Đối với các đối tượng địa lý nói chung và địa lý du lịch nói riêng, bản
đồ là phương tiện trực quan để phản ánh các đối tượng phân bố theo không
gian. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tổng hợp, đề tài sẽ áp dụng phương pháp
biểu đồ, bản đồ nhằm thể hiện một cách trực quan các nội dung nghiên cứu,

8


các số liệu cụ thể trên biểu đồ, cũng như xác định đặc điểm và sự phân bố
theo lãnh thổ của các đối tượng nghiên cứu trên bản đồ. Đồng thời, trên bản
đồ cũng sẽ thể hiện quy luật của toàn bộ hệ thống trong không gian.
Để thể hiện trực quan các nội dung nghiên cứu của luận văn, dự kiến
trong quá trình hoàn thành đề tài, tác giả sẽ xây dựng 4 bản đồ:
+ Bản đồ hành chính tỉnh Yên Bái (đến cấp huyện)

+ Bản đồ tài nguyên du lịch tỉnh Yên Bái.
+ Bản đồ hiện trạng hoạt động du lịch tỉnh Yên Bái.
+ Bản đồ định hướng phát triển du lịch tỉnh Yên Bái đến năm 2020.
5.2.5. Phương pháp chuyên gia và dự báo
Lấy ý kiến của các chuyên gia (những nhà khoa học đã có những đề tài
nghiên cứu hoặc có những hiểu biết thực tế về du lịch Yên Bái) để có những
đánh giá sâu sát nhất về hiện trạng du lịch tỉnh Yên Bái. Đánh giá và xác định
các vấn đề trong nội dung có liên quan, dựa vào các nguyên nhân, hệ quả và
tính thống nhất trong việc nghiên cứu tổ chức lãnh thổ du lịch một cách hợp
lý..., từ đó dự báo các chỉ tiêu phát triển du lịch của địa bàn nghiên cứu.
6. Những đóng góp của đề tài
- Tổng quan có chọn lọc một số vấn đề lý luận và thực tiễn về du lịch,
về thị trường, sản phẩm du lịch..., từ đó vận dụng vào địa bàn tỉnh Yên Bái.
- Đánh giá tiềm năng và hiện trạng phát triển của du lịch Yên Bái
- Đưa ra một số đóng góp cho định hướng và giải pháp phát triển cho
du lịch Yên Bái trong thời gian tới.
7. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Kiến nghị cùng với tài liệu tham khảo,
phục lục, nội dung của luận văn được bố cục thành 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển du lịch
Chương 2: Tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch tỉnh Yên Bái
Chương 3: Định hướng và giải pháp phát triển du lịch tỉnh Yên Bái

9


Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH
1.1.


Cơ sở lý luận

1.1.1. Một số khái niệm về du lịch
a. Khái niệm về du lịch
Con người vốn tò mò về thế giới xung quanh, muốn có thêm hiểu biết
về cảnh quan, địa hình, hệ động thực vật và nền văn hóa của những nơi khác.
Vì vậy có thể nói, du lịch đã xuất hiện và trở thành một hiện tượng khá quan
trọng trong đời sống của con người. Ngày nay, du lịch không còn là một hiện
tượng riêng lẻ, đặc quyền của bất kì một cá nhân nào mà đã trở thành một
hiện kinh tế xã hội phổ biến đáp ứng mục tiêu không ngừng nâng cao đời
sống vật chất và tinh thần của con người. Tuy nhiên, khái niệm du lịch còn
nhiều cách hiểu do được tiếp cận dưới nhiều cách nhìn khác nhau.
Một trong những định nghĩa chính thống về du lịch được đưa ra sớm
nhất vào năm 1963, tại Hội nghị Liên Hợp Quốc tổ chức họp tại Roma: Du
lịch là tổng hợp các mối quan hệ, hiện tượng và các hoạt động kinh tế bắt
nguồn từ các cuộc hành trình lưu trú của cá nhân hay tập thể ở bên ngoài nơi
ở thường xuyên của họ hay ngoài ngước họ với mục đích hòa bình. Nơi họ
đến lưu trú không phải là nơi làm việc của họ.
Hai giáo sư người Thụy Sỹ là Hunziker và Krapf đã đưa ra định nghĩa
khái quát về du lịch như sau: Du lịch là tổng hợp các hiện tượng và các mối
quan hệ nảy sinh từ việc đi lại và lưu trú của những người ngoài địa phương
(những người không có mục đích định cư và không liên quan tới bất cứ một
hoạt động kiếm tiền nào) – Khái niệm này được AIEST (Hiệp hội quốc tế các
chuyên gia khoa học về du lịch thừa nhận).
Tại Việt Nam, Luật Du lịch đã đưa ra khái niệm: “Du lịch là các hoạt
động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường

10



xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí nghỉ
dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định” (điểm 1, điều 10, chương I,
Luật Du lịch 2005).
Du lịch đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống của con
người, mang lại cho con người lợi ích nhiều mặt khác nhau. Du lịch không
những được ví như một ngành “Công nghiệp không khói” mà nó còn được
coi như “Giấy thông hành của hòa bình”…
b. Khái niệm khách du lịch
Khái niệm về khách du lịch xuất hiện lần đầu tiên vào cuối thế kỷ thứ
XVIII tại Pháp. Thời bấy giờ các cuộc hành trình của người: Đức, Đan Mạch,
Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh trên đất Pháp được chia làm 2 loại: Cuộc hành trình
nhỏ (cuộc hành trình đi từ Paris đến miền Đông Nam nước Pháp) và Cuộc hành
trình lớn (đi từ bờ Địa Trung Hải, xuống phía Tây Nam nước Pháp).
Qua thời gian, các khái niệm về khách du lịch ngày càng nhiều, hoàn
thiện hơn. Năm 1993, Tổ chức Du lịch Thế giới đã quy định khách du lịch
bao gồm:
+ Khách du lịch quốc tế (International tuorist): là người cư trú một
đêm nhưng không quá một năm tại một quốc gia khác với quốc gia thường
trú. Du khách có thể đến với nhiều lý do khác nhau nhưng không lĩnh
lương tại nơi đến.
Khách du lịch quốc tế bao gồm:
- Khách du lịch quốc tế đến (Inboud tourist) là những người từ nước
ngoài đến du lịch một quốc gia.
- Khách du lịch quốc tế ra nước ngoài (Outbound tourist) là những
người đang sống trong một quốc gia đi du lịch nước ngoài.
+ Khách du lịch nội địa (Domestis tourist): là một người đang sống
trong một quốc gia, không kể quốc tịch nào, đến một nơi khác trong quốc gia

11



đó (khác với nơi thường trú), trong một thời gian ít nhất là 24 giờ và không
quá 1 năm với mục đích không phải làm việc để hưởng lương.
Ở Việt Nam, Luật Du lịch quy định về khách du lịch như sau:
Tại điểm 2, Điều 10, Chương I: “Khách du lịch là người đi du lịch
hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc hoặc hành nghề để
nhận thu nhập ở nơi đến”.
Tại điều 20, Chương IV: “Khách du lịch bao gồm khách du lịch nội địa
và khách du lịch quốc tế”
+ Khách du lịch nội địa là: công dân Việt Nam, người nước ngoài
thường trú tại Việt Nam đi du lịch trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
+ Khách du lịch quốc tế là: người nước ngoài, người Việt Nam định cư
ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch, công dân Việt Nam, người nước ngoài
thường trú tại Việt Nam ra nước ngoài du lịch.
c. Khái niệm về tài nguyên du lịch
Tài nguyên du lịch là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với sự phát
triển du lịch. Thật khó hình dung được nếu không có tài nguyên du lịch hoặc
tài nguyên du lịch quá nghèo nàn thì hoạt động du lịch khó có thể phát triển
được vì vậy cần phải hiểu về tài nguyên du lịch sao cho thật chính xác.
Tài nguyên được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm tất cả các nguồn
nguyên liệu, năng lượng và thông tin có trên Trái Đất và trong không gian vũ
trụ liên quan mà con người có thể sử dụng phục vụ cho cuộc sống và sự phát
triển của mình. Tài nguyên được phân loại thành: Tài nguyên thiên nhiên gắn
liền với các yếu tố tự nhiên và tài nguyên nhân văn gắn liền với các yếu tố
con người và xã hội.
Tài nguyên du lịch là một dạng đặc sắc của tài nguyên nói chung, khái
niệm về tài nguyên du lịch luôn gắn liền với khái niệm du lịch. Dưới nhiều
góc nhìn, cách tiếp cận khác khau, các nhà khoa học sẽ có những cách hiểu


12


khác nhau về tài nguyên du lịch. Dưới đây là một số nhà khoa học tiêu biểu
trong nước và quốc tế đã đưa ra định nghĩa của mình về tài nguyên du lịch mà
tác giả đã tham khảo được trong cuốn “Địa lý du lịch Việt Nam” do PGS.TS
Nguyễn Minh Tuệ làm chủ biên (xuất bản 2012).
Theo I.I Pirojnik( 1985 ): “Tài nguyên du lịch là những tổng thể tự
nhiên, văn hóa – lịch sử và những thành phần của chúng giúp cho việc phục
hồi, phát triển thể lực, tinh lực, khả năng lao động và sức khỏe của con người
mà chúng được sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp để tạo ra dịch vụ du lịch gắn
liền với nhu cầu ở thời điểm hiện tại hay tương lai và trong điều kiện kinh tế kỹ thuật cho phép” [1].
Theo Nguyễn Minh Tuệ: “Tài nguyên du lịch là tổng thể tự nhiên, văn
hóa – lịch sử cùng các thành phần của chúng có sức hấp dẫn với du khách, đã
đang và sẽ được khai thác, cũng như bảo vệ nhằm đáp ứng nhu cầu của du
lịch một cách hiệu quả và bền vững” [1].
Khái niệm chính thống về tài nguyên du lịch được đưa ra trong Luật Du
lịch Việt Nam (2005) đã quy định rất rõ ràng: “Tài nguyên du lịch là cảnh
quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, công trình lao
động sáng tạo của con người và các giá trị nhân văn khác có thể được sử dụng
nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, là yếu tố cơ bản để hình thành các khu du lịch,
điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch” (Điểm 4, Điều 4, Chương I) [5].
Tài nguyên du lịch vô cùng phong phú và đa dạng, sự phân loại tài
nguyên du lịch có sự khác nhau dựa vào các tiêu chí khác nhau. Nhưng về cơ
bản chúng ta có thể phân tài nguyên du lịch ra làm hai nhóm:
+ Tài nguyên du lịch tự nhiên (theo Luật Du lịch Việt Nam): “Tài
nguyên du lịch tự nhiên gồm các yếu tố địa chất, địa hình, địa mạo, khí hậu,
thủy văn, hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên đang được khai thác hoặc có thể
được sử dụng phục vụ mục đích du lịch” (Điểm 1, Điều 13, Chương II) [5].


13


Môi trường du lịch tự nhiên có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của
du lịch. Các thành phần tự nhiên có tác động mạnh nhất đến du lịch là địa
hình, khí hậu, nguồn nước và tài nguyên động thực vật vì vậy khi khai thác
các thành phần tự nhiên này vào hoạt động du lịch chúng ta cần đặc biệt quan
tâm đến sự biến đổi của chúng qua không gian, thời gian. Khi tiến hành
nghiên cứu tài nguyên du lịch tự nhiên phải xem xét chúng trong cùng một
không gian lãnh thổ nhất định, trong mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, cùng
nhau tồn tại và phát triển.
+ Tài nguyên du lịch nhân văn (theo Luật Du lịch Việt Nam): Tài nguyên
du lịch nhân văn gồm truyền thống văn hóa, các yếu tố văn hóa, văn nghệ dân
gian, di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, các công trình lao động sáng
tạo của con người và các công trình căn hóa vật thể, phi vật thể khác có thể được
sử dụng phục vụ mục đích du lịch” (Điều 13, Chương II) [5].
Như vậy tài nguyên du lịch nhân văn có các đặc điểm sau:
Có tác dụng nhận thức nhiều hơn. Tác dụng giải trí không điển hình
hoặc chỉ có ý nghĩa thứ yếu.
Việc tìm hiểu các đối tượng nhân tạo thường diễn ra trong thời gian ngắn.
Số người quan tâm tới Tài nguyên du lịch nhân văn thường có văn hoá
cao, thu nhập và yêu cầu cao.
Thường tập trung ở các điểm quần cư và thành phố lớn.
Ưu thế của loại tài nguyên này là đại bộ phận không có tính mùa vụ
(trừ các lễ hội), không bị phụ thuộc nhiều vào các điều kiện khí hậu và các
điều kiện tự nhiên khác.
Tài nguyên du lịch nhân văn là do con người tạo ra, sự khác biệt so với tài
nguyên du lịch tự nhiên chính là yếu tố nhân tạo, vì vậy mỗi quốc gia trên thế
giới đều có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn riêng. Nhưng do nền kinh tế toàn
cầu đang trong quá trình hội nhập mạnh mẽ, sự giao lưu, đan xen về văn hóa


14


giữa các quốc gia, khu vực đã làm cho tài nguyên du lịch nhân văn đang ngày
càng mai một, pha tạp. Do đó trong quá trình con người khai thác tài nguyên du
lịch nhân văn cần đặc biệt chú ý tới vấn đề bảo vệ, tôn tạo bản sắc văn hóa riêng
của dân tộc mình và điều này cũng chính là vấn đề bức thiết của du lịch bền
vững mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đang quan tâm.
d. Điểm du lịch, tuyến du lịch
Trong hệ thống phân vị phân vùng du lịch các nhà khoa học đã đưa ra 5
cấp phân vị trên quy mô lãnh thổ quốc gia bao gồm: điểm du lịch, trung tâm
du lịch, tiểu vùng du lịch, á vùng du lịch, vùng du lịch. Ngoài ra ở Việt Nam
còn có thêm: khu du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch để phù hợp với thực tế
du lịch ở quy mô nhỏ như cấp tỉnh. Đặc biệt, điểm du lịch và tuyến du lịch là
2 hệ thống phân vị vô cùng quan trọng khi nghiên cứu du lịch địa phương
+ Điểm du lịch: Theo điều 4, chương I, khoản 8, Luật Du lịch Việt
Nam 2005: “Điểm du lịch là nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn, phục vụ nhu
cầu tham quan của khách du lịch”.
Điểm du lịch là cấp thấp nhất trong hệ thống phân vị, có quy mô nhỏ
nhưng sự chênh lệch về diện tích của các điểm du lịch trong thực tế rất lớn
tùy thuộc vào quy mô ở từng địa phương. Điểm du lịch có thể là nơi tập trung
một loại tài nguyên du lịch (tự nhiên, văn hóa - lịch sử, kinh tế - xã hội ) hoặc
có sự kết hợp cả hai với quy mô nhỏ, vì thế điểm du lịch có thể phân làm 2
loại: điểm tài nguyên và điểm chức năng.
Để một điểm du lịch trở thành điểm du lịch cấp quốc gia cần đáp ứng
được các yêu cầu như: có tài nguyên du lịch đặc biệt hấp dẫn, có kết cấu hạ
tầng và dịch vụ du lịch cần thiết đảm bảo phục vụ ít nhất 100 nghìn lượt
khách tham quan trong một năm.
Điểm du lịch cấp địa phương cần có tài nguyên du lịch hấp dẫn và có

cơ sở hạ tầng, dịch vụ cần thiết đáp ứng nhu cầu cho 10 nghìn lượt khách
tham quan trong một năm.

15


+ Tuyến du lịch: Theo mục 9, điều 4 của Luật Du lịch 2005 “Tuyến du
lịch là lộ trình liên kết các khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp các dịch
vụ du lịch, gắn với các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy,
đường hàng không”.
Như vậy tuyến du lịch là các điểm du lịch, các khu du lịch được nối với
nhau tạo thành. Trong từng trường hợp cụ thể, các tuyến du lịch có thể là
tuyến nội tỉnh (trong lãnh thổ của một tỉnh, thành phố); tuyến nội vùng (trong
phạm vi lãnh thổ của một vùng du lịch); tuyến liên vùng (giữa các vùng du
lịch); hoặc tuyến liên quốc gia (giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ). Nếu dựa
vào loại hình phương tiện vận chuyển, chúng ta có thể phân chia ra tuyến du
lịch đường bộ, đường không, đường thủy…
Các tuyến du lịch được xem là những sản phẩm du lịch đặc biệt, việc
xác định các tuyến du lịch phải dựa vào một số tiêu chuẩn nhất định để đảm
bảo được tính hấp dẫn cao của sản phẩm du lịch đặc biệt này. Để xác định các
tuyến du lịch cần căn cứ vào một số tiêu chí chính sau đây: Định hướng tổ
chức không gian du lịch chính của toàn lãnh thổ; Tài nguyên du lịch và sự hấp
dẫn của các cảnh quan trên toàn tuyến và ở các điểm dừng tham quan du lịch;
Các khu, điểm nghỉ ngơi, vui chơi giải trí với khả năng thu hút khách; Các
điều kiện về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông và các cửa khẩu
quốc tế, về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; Sự phân bố và xu hướng của các
luồng khách du lịch; Sự trong sạch của môi trường tự nhiên và văn hóa xã
hội; Các điều kiện về an ninh, trật tự an toàn xã hội; Nhu cầu giao lưu và hội
nhập khu vực và quốc tế…
Tuyến du lịch quốc gia cần đáp ứng các yêu cầu sau: Nối các khu

du lịch, điểm du lịch có tính chất liên vùng, liên tỉnh với các cửa khẩu
quốc tế; Có các biện pháp bảo vệ cảnh quan, môi trường và cơ sở dịch vụ
dọc theo tuyến.

16


Tuyến du lịch địa phương cần các yêu cầu sau: Nối các khu du lịch,
điểm du lịch trong phạm vi địa phương và có các biện pháp bảo vệ cảnh quan,
môi trường và có cơ sở dịch vụ phục vụ khách dọc theo tuyến
e. Các loại hình du lịch
Hoạt động du lịch có thể phân nhóm theo các nhóm khác nhau tuỳ
thuộc tiêu chí đưa ra. Hiện nay đa số các chuyên gia về du lịch Việt Nam
phân chia các loại hình du lịch theo các tiêu chí cơ bản dưới đây.
+ Phân chia theo môi trường tài nguyên: du lịch thiên nhiên, du lịch
văn hoá.
+ Phân loại theo mục đích chuyến đi: Du lịch tham quan, du lịch giải
trí, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá, du lịch thể thao, du lịch lễ hội, du
lịch tôn giáo, du lịch nghiên cứu (học tập), du lịch hội nghị, du lịch thể thao
kết hợp, du lịch chữa bệnh, du lịch thăm thân, du lịch kinh doanh…
+ Phân loại theo lãnh thổ hoạt động: du lịch quốc tế, du lịch nội địa.
+ Phân loại theo đặc điểm địa lý của điểm du lịch: du lịch biển, du lịch
núi, du lịch thôn quê…
+ Phân loại theo phương tiện giao thông: du lịch xe đạp, du lịch ô tô,
du lịch bằng tàu hoả, du lịch bằng tàu thuỷ, du lịch máy bay.
+ Phân loại theo loại hình lưu trú: Khách sạn, Nhà trọ, Camping,
Bungaloue, Làng du lịch…
+ Phân loại theo lứa tuổi du lịch: du lịch thiếu niên, du lịch thanh niên,
du lịch trung niên, du lịch người cao tuổi.
+ Phân loại theo độ dài chuyến đi: du lịch ngắn ngày, du lịch dài ngày.

+ Phân loại theo hình thức tổ chức: du lịch tập thể, du lịch cá thể, du
lịch gia đình…
+ Phân loại theo phương thưc hợp đồng: du lịch trọn gói, du lịch
từng phần.

17


1.1.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch
1.1.2.1. Các nhân tố chung
a. Nhân tố về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội
Bầu không khí chính trị hòa bình, hữu nghị đảm bảo cho việc mở rộng
các mối quan hệ kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa và chính trị giữa các dân
tộc. Trong phạm vi các mối quan hệ kinh tế quốc tế, sự trao đổi du lịch quốc
tế cũng ngày càng được phát triển mở rộng. Trong những năm gần đây Việt
Nam đang là đối tác tin cậy và điểm đến du lịch của nhiều nước trên thế giới
như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc,…
Nền chính trị hòa bình, hữu nghị sẽ kích thích sự phát triển của du lịch
quốc tế. Về phương diện quốc gia có thể dễ dàng nhận thấy, những đất nước ít
xảy ra biến cố về chính trị, quân sự như Áo, Thụy Sĩ, Thụy Điển… thường có
sức hấp dẫn đối với đông đảo quần chúng nhân dân và các khách du lịch tiềm
năng. Bên cạnh đó, một thế giới bất ổn về chính trị, xung đột về sắc tộc, tôn
giáo làm ảnh hưởng tới việc phát triển du lịch tức là nó không làm tròn “sứ
mệnh” đối với du lịch, gây nên nỗi hoài nghi, tâm lý sợ hãi cho du khách.
Năm 2000, tại hòn đảo Bali (Inđônêxia) – nơi hấp dẫn khách du lịch của
nhiều nước trên thế giới bị đánh bom khủng bố để lại nỗi kinh hoàng cho
khách du lịch. Năm 2003 bệnh SARS ở Trung Quốc, dịch cúm gà ở Việt Nam
gây nên những tổn thất lớn cho du lịch Trung Quốc và Việt Nam và gián tiếp
ảnh hưởng đến luồng khách du lịch đến khu vực.
Thiên tai cũng có tác động xấu đến sự phát triển du lịch. Miền trung

Việt Nam có nhiều di sản văn hóa và cảnh quan thiên nhiên độc đáo nhưng
hàng năm lại hứng chịu nhiều trận bão gây khó khăn cho phát triển du lịch.
Thảm họa sóng thần năm 2004 xảy ra ở Đông Nam Á, Nam Á đã gây thiệt hại
lớn về người và của, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển du lịch: Nhiều du
khách bị thiệt mạng, cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch bi huỷ hoại

18


nặng nề. Bên cạnh đó là sự phát sinh và lây lan các loại dịch bệnh như tả lỵ,
dịch hạch sốt rét.
Để du lịch không ngừng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
của đất nước, sự phối hợp chặt chẽ giữa quốc phòng và an ninh với các hoạt
động du lịch cũng như các ngành kinh tế khác có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
Sự bảo đảm vững chắc về quốc phòng, an ninh tạo môi trường ổn định cho
đất nước và khách tới tham quan.
b. Nhân tố về phát triển kinh tế của đất nước
Một trong mhững nhân tố quan trọng có ảnh hưởng đến sự phát sinh và
phát triển du lịch là điều kiện kinh tế chung. Nền kinh tế chung phát triển là
tiền đề cho sự ra đời và phát triển của ngành kinh tế du lịch. Theo ý kiến của
các chuyên gia kinh tế thuộc Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc,
một đất nước có thể phát triển du lịch một cách vững chắc nếu nước nó tự sản
xuất được phần lớn số của cải vật chất cần thiết cho du lịch.
Trong kinh tế, sự phát triển của nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm
có ý nghĩa quan trọng với phát triển du lịch. Đây là cơ sở cung ứng nhiều
hàng hoá nhất cho du lịch. Ngành công nghiệp dệt cung cấp cho các xí nghiệp
du lịch các loại vải để trang bị phòng khách, các loại khăn trải bàn, ga
giường… Ngành công nghiệp chế biến gỗ trang bị đồ gỗ cho các văn phòng,
cơ sở lưu trú.
Và khi nói đến nền kinh tế của đất nước, không thể không nói đến giao

thông vận tải. Từ xa xưa, giao thông vận tải đã trở thành một trong những
nhân tố chính cho sự phát triển của du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế. Giao
thông vận tải ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch trên hai phương diện: Số
lượng và chất lượng. Sự phát triển về số lượng làm cho mạng lưới giao thông
thông vươn tới mọi miền trái đất. Chất lượng của phương tiện giao thông ảnh
hưởng tới chuyến du lịch ở các mặt sau: tốc độ, an toàn, tiện nghi, giá cả.

19


×