Tải bản đầy đủ (.doc) (9 trang)

Tài liệu ôn thi học sinh giỏi ngữ văn thpt chuyên đề PHÂN TÍCH CHI TIẾT NGHỆ THUẬT TRONG tác PHẨM tự sự

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (130.12 KB, 9 trang )

PHÂN TÍCH CHI TIẾT NGHỆ THUẬT
TRONG TÁC PHẨM TỰ SỰ
A/ ĐẶT VẤN ĐỀ
I/ Lý do chọn đề tài
- Dạy và học kiểu bài đọc – hiểu tác phẩm tự sự trong chương
trình Ngữ văn là một việc làm khá thường xuyên của thầy và trò trong
suốt ba năm bậc phổ thông trung học. Để làm tốt công việc này, giáo
viên phải nắm vững những đặc trưng cơ bản của thể loại; học sinh phải
có kĩ năng cảm thụ, đọc hiểu tác phẩm, có phương pháp phân tích, diễn
đạt phù hợp.
- Qua bài học về tác phẩm truyện, học sinh phải cảm nhận được ý
nghĩa của hình tượng nhân vật từ việc phân tích, đánh giá các phương
tiện thể hiện, trong đó có vai trò của chi tiết nghệ thuật; tránh tình
trạng sao chép hoặc hiểu chi tiết, ý nghĩa của hình tượng một cách áp
đặt, hoặc học vẹt.
- Nghiên cứu, tìm hiểu vấn đề chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự
sự là rất cần thiết cho việc dạy học, nâng cao chất lượng học tập của
học sinh, đặc biệt là ở chương trình phổ thông trung học. Đề thi tốt
nghiệp THPT và tuyển sinh đại học môn Ngữ văn từ năm 2009 đến
2013, năm nào cũng có câu hỏi về chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm
truyện (với yêu cầu ma trận: 50% ở mức độ thấp, tái hiện kiến thức;
50% ở mức độ cao, thông hiểu và vận dụng).
II. Phạm vi bàn luận
- Tầm quan trọng của chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm truyện
- Cảm nhận, phân tích và phương pháp diễn đạt
- Ứng dụng trong thực tiễn bài làm văn của học sinh
III. Cấu trúc bài viết
1/ Chi tiết và việc phân loại chi tiết trong tác phẩm tự sự
2/ Một số vấn đề về phương pháp và thực hành phân tích chi tiết
nghệ thuật trong tác phẩm tự sự
3/ Thống kê ứng dụng việc phân tích chi tiết nghệ thuật trong các


kì thi Tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học.
B/ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. Chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự
1


1/ Khái niệm
- Theo Từ điển Tiếng Việt (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1988) từ chi tiết có nghĩa là: Phần rất nhỏ, điểm nhỏ trong nội dung sự
việc hoặc hiện tượng (Ví dụ: Kể rành rọt từng chi tiết); thành phần
riêng rẻ hoặc tổ hợp đơn giản nhất của chúng có thể tháo lắp được (Ví
dụ: Chi tiết máy).
Như vậy, theo nghĩa thông thường, chi tiết là một bộ phận nhỏ,
được hiểu như là một thành phần thuộc về cấu tạo.
- Trong lí luận văn học, theo định nghĩa của các tác giả Lê Bá Hán,
Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, chi tiết là: Các tiểu tiết của tác phẩm
mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng , gọi chung là chi tiết nghệ
thuật. Cũng theo nhóm tác giả này:
Tuỳ theo sự thể hiện cụ thể, chi tiết nghệ thuật có khả năng thể
hiện, giải thích, làm minh xác cấu tứ nghệ thuật của nhà văn, trở
thành tiêu điểm, điểm hội tụ của tư tưởng tác giả trong tác phẩm. Chi
tiết nghệ thuật gắn với “quan niệm nghệ thuật” về thế giới con người,
với truyền thống văn hoá nghệ thuật nhất định . (Từ điển thuật ngữ văn
học, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 1997)
- Sách giáo khoa dùng cho học sinh cũng đã chỉ rõ:
Nội dung khái quát của tác phẩm được gửi gắm qua các chi tiết
(lời nói của nhân vật, bộ điệu, cử chỉ, nét mặt, đồ vật, cảnh tượng...).
Chi tiết bao giờ cũng có khả năng thuyết minh, biểu hiện cái toàn thể
(phạm vi ý nghĩa mà nó thuộc vào). Nhưng không cần và không thể
phân tích mọi chi tiết, chỉ cần chọn các chi tiết tiêu biểu nhất, nói lên
tư tưởng quan trọng của nhà văn và phù hợp với chủ đề phân tích của

đề bài. Biết lựa chọn thì bài làm tập trung, không dàn trải, lan man.
(Làm văn 12)
Chi tiết là những biểu hiện cụ thể, lắm khi nhỏ nhặt, nhưng lại
cho thấy tính cách nhân vật và diễn biến quan hệ của chúng, đồng thời
cũng thể hiện sự quan sát và nghệ thuật kể chuyện của tác giả. Do đó,
chi tiết rất quan trọng đối với nhân vật, vừa tạo ra sức hấp dẫn, thú vị
vừa bộc lộ ý nghĩa của chúng. (Ngữ văn 11 Nâng cao, tập một)
2/ Phân loại chi tiết trong tác phẩm tự sự
Không phải mọi chi tiết trong tác phẩm tự sự đều có giá trị như
nhau. Có chi tiết chỉ đóng vai trò dẫn chuyện, kết nối, làm nền cho sự
phát triển cốt truyện; có chi tiết dẫn dắt tình huống truyện, cấu tứ của
tác phẩm; có chi tiết góp phần xây dựng tính cách nhân vật, thể hiện
chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Dù vậy, ở vai trò nào, chi tiết nghệ thuật
cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Nó quyết định giá trị, sự sống còn của
một tác phẩm văn xuôi. Có thể phân loại chi tiết nghệ thuật theo các
biểu hiện như sau:
2


a/ Chi tiết dẫn dắt cốt truyện
Cốt truyện là hệ thống sự kiện (biến cố) xảy ra trong đời sống
của nhân vật, có tác dụng bộc lộ tính cách, số phận nhân vật. Các biến
cố trong đời sống nhân vật được kể lại qua các chi tiết liên tục, có ý
nghĩa kết nối, xâu chuỗi. Với công việc này, vai trò của nhà văn là
phải chọn được những chi tiết có ý nghĩa, dẫn dắt sự việc vừa bất ngờ
vừa hợp lí để gây sự hấp dẫn và ấn tượng cho người đọc.
Ví dụ, kể về lai lịch của nhân vật Chí Phèo, nhà văn Nam Cao
chọn các chi tiết cái lò gạch bỏ không; vô cớ hắn bị Bá Kiến cho đi ở
tù; mỗi lần hết tiền uống rượu hắn lại đến nhà Bá Kiến... ; kể chuyện
gặp gỡ giữa nhân vật Tràng và nhân vật thị trong truyện ngắn Vợ nhặt,

nhà văn Kim Lân đã tạo được những chi tiết khá đặc sắc đó là câu hò
làm quen Muốn ăn cơm trắng mấy giò này / Thì ra mà đẩy xe bò với
anh..., ăn gì thì ăn, chả ăn giầu...
b/ Chi tiết nhân vật
Được dùng để miêu tả hình thức, ngôn ngữ, hành động, tâm trạng
nhân vật, ... Có chi tiết được miêu tả ngắn gọn, chỉ nhắc đến một lần
trong truyện như Mụ rỗ mặt (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh
Châu), có chi tiết về lời nói được lặp lại nhiều lần như Biết rồi, khổ
lắm, nói mãi (Số đỏ - Vũ Trọng Phụng), có chi tiết tả nụ cười, tiếng
khóc, giọt nước mắt của nhân vật mang ý nghĩa tâm trạng, hành
động,... Trong tác phẩm tự sự, dưới góc độ đặc trưng loại thể, biểu
hiện thẩm mĩ của chi tiết nghệ thuật về nhân vật là thước đo tài năng
của nhà văn và giá trị của tác phẩm.
c/ Chi tiết quan sát, miêu tả
Có những chi tiết nghệ thuật chỉ nhằm mục đích miêu tả ấn
tượng, tạo cảm xúc, rung động cho người đọc, nó thể hiện sự quan sát
tinh tế, những trải nghiệm sâu sắc của tác giả về thiên nhiên và đời
sống xã hội. Ví dụ, một số chi tiết trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam:
Cảnh hoàng hôn được miêu tả tinh tế, đường nét nghệ thuật như
tranh vẽ: Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng
như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt
trên nền trời; cảnh uống “rượu đứng” của một người nghiện khá quen
thuộc với cách uống, cách trả tiền rất cụ thể, sinh động: Cụ ngửa cổ ra
đằng sau, uống một hơi cạn sạch, rồi vừa chép miệng vừa lần ruột
tượng trả tiền; cảnh con đường đất ban đêm với những quan sát tinh tế,
cách miêu tả ấn tượng nhất về ánh sáng và bóng tối: Những nguồn
sáng ấy đều chiếu ra ngoài phố khiến cát lấp lánh từng chỗ và đường
mấp mô thêm vì những hòn đá nhỏ một bên sáng, một bên tối...
d/ Chi tiết mang ý nghĩa tư tưởng chủ đề
3



Có những chi tiết nghệ thuật được lặp lại nhiều lần mang tính ẩn
dụ về chủ đề tư tưởng của tác phẩm như: Đến hút tầm mắt cũng không
thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời
(Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành); đám người đói và lá cờ đỏ bay
phấp phới... ở phần kết thúc truyện Vợ nhặt (Kim Lân); hình ảnh Mảnh
trăng cuối rừng được dùng làm nhan đề cho tác phẩm của Nguyễn
Minh Châu; chi tiết được đặt tên cho tác phẩm Tắt đèn (Ngô Tất Tố);
hình ảnh người đàn bà bước ra từ tấm ảnh trong tác phẩm Chiếc
thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu); ...
II. Một số vấn đề về phương pháp và thực hành phân tích chi
tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự
1/ Phân tích chi tiết tình huống: Trong tác phẩm truyện, một chi
tiết nghệ thuật đặc sắc có thể được đánh giá ngang tầm với một hình
tượng nghệ thuật giá trị. Có trường hợp, người tiếp nhận không còn
nhớ tên tác giả, tác phẩm, nội dung câu chuyện đã đọc, nhưng họ vẫn
nhớ về nhân vật gắn liền với những chi tiết nghệ thuật ấn tượng, độc
đáo; kiểu như: “mắt Thúy Kiều”, “mặt Thúy Vân”, “nhà chị Dậu”,
“cháo hành thị Nở”, “sẹo Chí Phèo”... Bởi những chi tiết ấy đã có một
sinh mệnh riêng trong ngôn ngữ đời sống xã hội.
Tác phẩm Chí Phèo đã làm rạng danh tên tuổi của Nam Cao là
một nhà văn hiện thực xuất sắc. Nhiều chi tiết độc đáo đã góp phần tạo
dựng nên giá trị riêng biệt cho tác phẩm như “tiếng chửi của Chí”, “bát
cháo hành” hoặc câu nói “ai cho tao lương thiện, làm thế nào cho mất
hết những vết mảnh chai trên mặt này...” nhưng đã được phân tích
nhiều, quá quen thuộc trong các bài giảng. Sau đây, thử phân tích một
chi tiết khá đặc sắc nhưng chưa được chú ý, bình luận trên các diễn
đàn văn chương.
Hắn lảm nhảm: “Tao phải đâm chết nó ! Tao phải đâm chết

nó !”. Nhưng hắn cứ thẳng đường mà đi. Cái gì đã làm hắn quên rẽ
vào nhà thị Nở ?
Bị phụ tình, Chí lại lôi rượu ra uống, đó là bản năng của thằng
nghiện hay là một phản ứng đáp trả để chống lại cảm giác cô độc, bị bỏ
rơi? Nhưng hắn càng uống, càng tỉnh ra. Con dao bên thắt lưng là vũ
khí, lời nói lẩm bẩm từ miệng hắn xác định đúng đối tượng, đúng kẻ
thù. Hắn phải đến cái nhà con đĩ Nở kia để đâm chết tất. Con khọm già
nhà nó là bà cô thị Nở, là thủ phạm, chính vì bà ta mà thị đã ruồng rẫy
hắn. Nhưng hắn cứ thẳng đường mà đi, cái gì làm hắn quên rẽ vào nhà
thị Nở ?
Theo nghĩa thông tin của văn bản, là vì hắn say, những thằng điên
và những thằng say nói một đường làm một nẻo là chuyện bình thường.
Nhưng đó chỉ là cách giải thích theo logic hình thức để đùa cợt với
4


nhân vật, để làm ra vẻ ngòi bút lạnh lùng của tác giả. Ẩn nghĩa của
chi tiết là một khoảng trống nhà văn dành cho bạn đọc. Tính cách của
Chí có nhất quán không ? Sức mạnh nào thôi thúc từ bên trong hành
động của nhân vật ? Nếu nói rằng đó là bước chân do ma men đưa lối
thì tại sao khi đến nhà Bá Kiến, Chí lại nói năng tỉnh táo đến mức như
vậy ? Để hiểu chi tiết này cần phải thấy được sự phân thân độc đáo của
nhân vật: có một con quỷ say đang đi tìm bà cô thị Nở để trả thù tình,
có một con người đang rất tỉnh đi tìm Bá Kiến để đòi nợ đời. Bước
chân lảo đảo của Chí đến nhà Bá Kiến trước đây là theo thói quen gần
như bản năng của kẻ kiếm ăn. Lần này, hắn đến nhà Bá Kiến không
phải để xin tiền, tao không đến đây để xin năm hào. Vậy sức mạnh nào
dẫn dắt, thúc đẩy bước chân của Chí ?
Bị từ chối tình yêu, điểm tựa, gạch nối cuối cùng của Chí với cuộc
đời đã mất. Ước mơ, hi vọng được trở thành người lương thiện hoàn

toàn sụp đổ. Chí đã bị cự tuyệt quyền làm người một cách đau đớn.
Trong tột cùng bi phẫn, như giọt nước cuối cùng làm tràn li, ý thức
nhân phẩm, khát vọng lương thiện trong Chí trỗi dậy và thúc dục hắn
hành động: phải đi đòi nợ làm người. Đó chính là sức mạnh của lòng
căm thù chất chứa, âm ỉ bấy lâu trong tiềm thức của Chí. Đây là
một chi tiết nghệ thuật đặc sắc, tình tiết bất ngờ, độc giả không thể
đoán trước được. Hành động của Chí là cá biệt, không giống ai nhưng
cũng rất phù hợp với quá trình phát triển của tính cách nhân vật.
2/ Phân tích chi tiết có ý nghĩa chủ đề của tác phẩm: Phân tích
câu kết, chi tiết cuối cùng của tác phẩm Tắt đèn.
“Dòng cuối cùng của Tắt đèn : Trời tối đen như mực và như cái
tiền đồ của chị. Tối thật, tối quá lắm, sự sống đến như đời sống của chị
Dậu thì tối sầm cả mắt người đọc truyện hai mươi năm sau này. Nhưng
câu kết của Tắt đèn không hẳn là một câu tiêu cực. Nó có hiện tượng bi
quan, nhưng không là tiêu cực về bản chất. Bản chất của nhân vật chị
Dậu rất khỏe, cứ thấy lăn xả vào bóng tối mà phá ra. Một nhân vật
khỏe và mạnh như chị Dậu, có thể ngừng cuộc đời của mình ở đây
không ? Hay là nó phải tuông ra khỏi cái tối như mực ? Vì cái tiền đồ
như mực ấy mà không tuông ra khỏi thì sao có thể sống được ? Tôi ngờ
câu kết này cũng mới chỉ là cái chấm hết của một thiên truyện dài. Với
một cái tiền thân ngay thẳng, lành mạnh như vậy, tôi nghĩ rằng chị Dậu
thể tất phải có một hậu thân trong các đoàn thể cách mạng ; và tôi nhớ
như đã có lần nào, tôi đã gặp chị Dậu ở một đám đông phá kho thóc
Nhật, ở một cuộc cướp chính quyền huyện kì Tổng khởi nghĩa : và nếu
không thì, chí ít, tôi cũng đã gặp chị vào những ngày địch vận o ép, chị
tải thương hoặc đậy nắp hầm bem cho cán bộ cơ sở. Đúng thế đấy, Tắt
đèn chỉ là một đoản thiên. Lúc bấy giờ chưa có cách mạng ruộng đất,
5



mà đã có những ngòi bút dồn nhân vật nông dân mình vào chỗ chân
tường, dồn đến mức người độc giả có ý thức ngay được cái tuông ra tất
nhiên của nhân vật. Tôi cho đó là dư vị chính của Tắt đèn.” (Nguyễn
Tuân)
3/ Phân tích chi tiết trong mối quan hệ liên tưởng với nhiều chi
tiết khác
Trong tác phẩm Số phận con người (M. Sô-lô-khốp) nhà văn đã
xây dựng nhiều chi tiết thành công, sau đây là một ví dụ.
Và đây là một điều rất kì lạ: ban ngày bao giờ tôi cũng trấn tĩnh
được, không hở ra một tiếng thở dài, một lời than vãn, nhưng ban đêm
thức giấc thì gối ướt đẫm nước mắt...
Trong phần cuối của tác phẩm Số phận con người, hình ảnh
những giọt nước mắt đã thấm đẫm từng đoạn văn của Sô-lô-khốp. Nhân
vật Xô-cô-lốp khóc khi nghe bé Va-ni-a kể về cái chết của cha mẹ nó
và những tháng ngày đói khát lưu lạc, khóc khi nhanh chóng quyết
định nhận Va-ni-a làm con, và khóc trong những giấc mơ “ban đêm
thức giấc thì gối ướt đẫm nước mắt”. Ban ngày, anh có thể trấn tĩnh
được bằng nghị lưc, ý chí của một người lính được rèn luyện, thử thách
trong chiến tranh. Nhưng đêm đến, giấc mơ là cuộc sống tự nhiên được
tái hiện của bản năng tình cảm. Cảnh gặp gỡ của gia đình anh thật kì
lạ, xúc động, vợ con của anh lại hiện về “bên kia hàng rào dây kém
gai”, và mỗi lần anh đưa tay ra thì họ lại tan biến. Đó là cảnh li tán,
nỗi đau thương không thể diễn tả thành lời, chỉ có thể diễn tả bằng
những giọt nước mắt. Bởi trong cảnh ngộ của Xô-cô-lốp nỗi đau đã
vượt khỏi giới hạn chịu đựng của con người. Tác phẩm được viết trong
thời hậu chiến, có khoảng lùi thời gian để thấu hiểu, nhà văn đã không
ngần ngại nói đến cái giá rất đắt của chiến thắng, những đau khổ tột
cùng của con người do chiến tranh gây ra. Bằng cách đó, nhà văn đã tố
cáo tội ác của chiến tranh phát xít hết sức mạnh mẽ.
4/ Từ chi tiết phải biết hệ thống và phân tích tổng hợp khái quát

về tính cách nhân vật được miêu tả, thể hiện
Ví dụ về nhân vật Bê-li-cốp trong truyện ngắn Người trong bao
của Sê-khốp.
Với hàng trăm chi tiết miêu tả, kể về về nhân vật Bê-li-cốp từ
ngoại hình đến lời nói; mọi suy nghĩ, hành động của nhân vật đều thể
hiện một tính cách, biểu tượng của “người trong bao”. Bê-li-cốp là
nhân vật tiêu biểu cho một tầng lớp người trong xã hội, bảo thủ không
dám thừa nhận cái mới; luôn sợ hãi, thủ thế, đề phòng “nhỡ xẩy ra
chuyện gì thì sao?” Bê-li-cốp trở thành một điển hình “tất cả đều trong
bao”, từ con người đến đồ dùng, từ khi sống cho đến khi chết. Khái
6


niệm người trong bao có một ý nghĩa khái quát sâu sắc, nó cho thấy
loại người này vừa là nạn nhân vừa là đồng lõa của chế độ chuyên chế.
Hệ thống chi tiết về nhân vật người trong bao đã xây dựng được
bức chân dung biếm họa về hình tượng nhân vật Bê-li-cốp một cách
trào phúng thể hiện ở các mặt sau:
- Sự giới thiệu, miêu tả có tính mỉa mai, do tính “đồng phục trong
bao” của toàn bộ con người Bê-li-cốp.
- Các hành động vô nghĩa lí và phản động của Bê-li-cốp được
thực hiện một cách nghiêm túc, trang trọng.
- Các hành vi chế nhạo Bê-li-cốp của đồng nghiệp, cái chết của
Bê-li-cốp, cả cách mà đồng nghiệp làm ra vẻ trang nghiêm khi đưa ma
Bê-li-cốp.
III/ Chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự được đưa vào
kiểm tra trong đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học
1/ Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông
- Trong đoạn cuối truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn
Minh Châu, nhân vật nghệ sĩ Phùng mỗi khi ngắm kĩ và nhìn lâu hơn

tấm ảnh do mình chụp thường thấy hiện lên những hình ảnh nào?
Những hình ảnh đó nói lên điều gì? (Đề thi năm 2011)
- Trong phần cuối tác phẩm Số phận con người , nhà văn M. Sô-lô-khốp
viết:
Hai con người côi cút, hai hạt cát đã bị sức mạnh phũ phàng của bão tố
chiến tranh thổi bạt tới những miền xa lạ...
( Ngữ văn 12 , Tập hai, tr. 123, NXB Giáo dục - 2008)
Hai con người được nói đến ở trên là những nhân vật nào? Vì sao tác giả
gọi họ là hai con người côi cút ? Hình ảnh hai hạt cát trong câu văn có ý nghĩa
gì? (Đề thi năm 2012)
- Trong phần cuối truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn, nhân vật bà mẹ Hạ Du
đã có thái độ như thế nào khi nhìn thấy vòng hoa trên mộ con mình? Hình ảnh
vòng hoa ấy có ý nghĩa gì? (Đề thi năm 2013)
2/ Đề thi tuyển sinh đại học
- Trong phần mở đầu của truyện ngắn Vợ nhặt (Kim Lân), nhân
vật Tràng nhặt được vợ khiến những ai ngạc nhiên ? Sự ngạc nhiên của
họ có ý nghĩa gì ? (Đề khối D năm 2010)
- Trong bút kí Dòng sông ai đã đặt tên? (Hoàng Phủ Ngọc
Tường), hình ảnh hai người phụ nữ nào xuất hiện trong phần nói về
thượng nguồn sông Hương ? Hình ảnh đó có ý nghĩa gì ? (Đề khối C
năm 2012)
- Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, nhân vật Mị
đã nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ trong hoàn cảnh nào ? Ý nghĩa
của sự việc này đối với tâm lí nhân vật Mị ? (Đề khối D năm 2012)
7


- Trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, ấn tượng của
nhân vật Liên về Hà Nội có những nét nổi bật nào? Hình ảnh Hà Nội
có ý nghĩa gì đối với đời sống tâm hồn Liên? (Đề khối C năm 2013)

- Trong tùy bút Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân từng nhìn
“Sông Đà như một cố nhân”. Người “cố nhân” ấy có tính nết như thế
nào? Cách ví von này có ý nghĩa gì? (Đề khối D năm 2013)
C/ KẾT THÚC VẤN ĐỀ
Giảng dạy cũng như học tập bộ môn đọc – hiểu tác phẩm tự sự
trong chương trình môn Ngữ văn bậc trung học là việc làm khó, đòi hỏi
nhiều nổ lực của cả thầy và trò. Thầy giữ vai trò chủ đạo, hướng dẫn,
gợi mở giúp học sinh cảm thụ, phân tích tác phẩm; trò phải học tập,
suy nghĩ một cách tích cực, chủ động, đó là phương pháp hiệu quả nhất
của quá trình dạy và học văn.
Đối với người học, việc phân loại chi tiết, xác định vai trò của
các kiểu chi tiết trong tác phẩm truyện là rất quan trọng. Nó giúp học
sinh cảm thụ tốt tác phẩm, thực hành có hiệu quả kiểu bài làm văn
phân tích nhân vật trong tác phẩm tự sự.
Phân tích chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự là một thao tác
quan trọng của quá trình học văn, nó đòi hỏi học sinh phải có nhiều kĩ
năng, vốn sống cần thiết, phải biết tập làm quen với nhiều dạng chi
tiết, biết phân biệt chi tiết nào quan trọng, chi tiết nào không quan
trọng, nên phân tích theo hướng nào ?
Trong chương trình môn Ngữ văn bậc trung học phổ thông
những tác phẩm tự sự được đưa vào giảng dạy đều là những tác phẩm
xuất sắc có giá trị về nội dung và nghệ thuật. Tuy nhiên với số lượng
tác phẩm không nhiều, thời gian tìm hiểu rất hạn chế (1 hoặc 2 tiết cho
một tác phẩm) cho nên việc tiếp nhận đánh giá bộ phận văn học này
cũng rất khó khăn. Giáo viên giảng dạy phải biết tận dụng thời gian,
xây dựng bài giảng hợp lí để bài học có hiểu quả cao nhất.
Trong bối cảnh giáo dục và đời sống xã hội hiện nay, các bộ môn
khoa học xã hội, trong đó có môn ngữ văn đang ít được học sinh quan
tâm. Phương pháp dạy mới, học mới sẽ tạo ra những hướng đi tích cực,
có hiệu quả là một điều cần thiết.

Tháng 8, năm 2013

8


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Từ điển thuật
ngữ văn học (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1997)
2. Phan Trọng Luận (Tổng chủ biên), Ngữ văn 12 tập hai (NXB
Giáo dục, Hà Nội, 2008)
4. Phan Trọng Luận Trần, Đình Sử, Hướng dẫn thực hiện chương
trình sách giáo khoa lớp 12 môn Ngữ văn (NXB Giáo dục, 2008)
5. Bùi Việt Thắng, Truyện ngắn, những vấn đề về lí thuyết và
thực tiễn thể loại.
............... Hết ...............

9



×