MỞ ĐẦU
Triết học ra đời cách đây hơn 2.500 năm (vào khoảng thế kỷ thứ VIII-VI
tr.CN) với các thành tựu rực rỡ ở một số trung tâm lớn của nền văn minh nhân
loại như Hy Lạp – La Mã cổ đại, Ấn Độ cổ đại, Trung Hoa cổ đại…
Theo tiếng Hy Lạp, triết học có nghĩa là tình yêu đối với sự thông thái.
Nhà triết học được coi là nhà thông thái, có khả năng nhận thức được chân lý,
làm sáng tỏ được bản chất của sự vật.
Còn theo gốc từ trong tiếng Hán, triết học là sự truy tìm bản chất của đối
tượng, là sự hiểu biết sâu sắc của con người, đi đến đạo lý của sự vật.
Theo người Ấn Độ thì triết học là sự chiêm ngưỡng dựa trên lý trí, là con
đường suy ngẫm để dẫn dắt con người đến lẽ phải.
Như vậy dù ở phương Đông hay phương Tây, ngay từ khi triết học mới ra
đời, thì triết học đều được coi là đỉnh cao của trí tuệ, là sự nhận thức sâu sắc về
thế giới, đi sâu nắm bắt được chân lý, quy luật, bản chất của sự vật.
Ngoài vấn đề nghiên cứu nhận thức luận và tìm hiểu các vấn đề chính trị xã hội thì vấn đề bản thể luận được nhắc đến trong Triết học cổ đại Hy Lạp sẽ
giúp chúng ta có cách tiếp có tính gợi mở cao, cho phép nhìn nhận tiến trình
phát triển của lịch sử triết học từ một góc độ khác và là cách tiếp cận hữu dụng
trong việc nghiên cứu lịch sử triết học.
2
BẢN THỂ LUẬN TRONG TRIẾT HỌC CỔ ĐẠI HY LẠP
1. Hoàn cảnh kinh tế, chính trị - xã hội của Hy Lạp cổ đại và sự xuất
hiện những tư tưởng triết học đầu tiên
Người Hy Lạp cổ đại đã kế thừa được rất nhiều kiến thức của người
phương Đông mà trước hết phải kể tới những kiến thức khoa học tự nhiên của
người Ai Cập, Babilon và một phần là những kiến thức của người Ấn Độ cổ đại.
Từ những đặc thù về kinh tế - xã hội ấy, triết học Hy Lạp cổ đại có những
đặc điểm sau:
Thứ nhất, sự phân chia và đối lập giữa các trường phái triết học, duy vật và
duy tâm, biện chứng và siêu hình, vô thần và hữu thần là nét nổi bật của quá trình
phát sinh, phát triển triết học trong đó điển hình là cuộc đấu tranh giữa hai “đường
lối” triết học; đường lối duy vật của Đêmôcrít và đường lối duy tâm của Platon.
Thứ hai, các hệ thống triết học Hy Lạp cổ đại nói chung đều có xu hướng
đi sâu giải quyết các vấn đề về bản thể luận và nhận thức luận triết học, đó là
những vấn đề của mối quan hệ giữa vật chất và ý thức.
Thứ ba, nền triết học Hy Lạp cổ đại nói chung còn ở trình độ trực quan,
chất phác, đặc biệt đối với các hệ thống triết học duy vật và biện chứng. Tuy
vậy, nó đã đặt ra hầu hết các vấn đề triết học căn bản, nó chứa đựng mầm mống
của tất cả thế giới quan duy vật.
Những nét đặc trưng này không chỉ là cái phân biệt giữa hai nền triết học
Đông-Tây cổ đại mà còn nói lên vị trí và vai trò của triết học Hy Lạp cổ đại đối
với lịch sử triết học thế giới, nó đặt nền tảng cho sự phát triển của triết học Tây
Âu trên hai ngàn năm về trước.
Triết học Hy Lạp cổ đại gồm nhiều trường phái lớn: Phái duy vật Milê với
những nhà triết học tiêu biểu là Talet (624-547 tr.CN); Anaximandro (610-546
tr.CN) và Anaximen (585-525 tr.CN). Phái Eephedo với các triết gia biện chứng
tiêu biểu là Hêraclit (520-460 tr.CN). Phái Pitago với những tư tưởng triết học
duy tâm về các con số của Pitago (571-479 tr.CN). Phái Êlê với các triết gia là
3
Xeenophan (570-487 tr.CN); Pacmenit (cuối thế kỷ VI đầu thế kỷ V tr.CN)…
Phái duy vật nguyên tử với các triết gia Lơxip (500-440 tr.CN) và Đêmôcrit
(460-370 tr.CN). Phái duy vật thô sơ với các đại biểu Anxago (500-428 tr.CN)
và Ampedoclo (490-430 tr.CN). Phái duy tâm khách quan của Platon (427-347
tr.CN) và cuối cùng là Arixtot (384-322 tr.CN), nhà “bách khoa vĩ đại nhất của
người Hy Lạp cổ đại”.
2. Sự phân kỳ triết học Hy Lạp cổ đại.
Quá trình hình thành, phát triển và sự suy vong của chế độ chiếm hữu nô
lệ ở Hy Lạp đã được phản ánh sinh động trong các sáng tác văn chương, nghệ
thuật, triết học. Sự phân kỳ triết học Hy Lạp có cách căn cứ trên sự phát triển
nội tại của triết học, hoặc căn cứ trên những thời kỳ lịch sử, gắn với sự tồn vong
của xã hội chiếm hữu nô lệ; mỗi cách đều có cơ sở hợp lý nhất định.
- Triết học thời sơ khai, hay thời kỳ hình thành các thị quốc đầu tiên (còn
gọi là triết học thời kỳ trước socrate). Đây là thời kỳ đầu của chế độ chiếm hữu
nô lệ. Triết học thay thế thần thoại, mong muốn tìm kiếm lời giải đáp nghiêm
túc, hợp lý cho những vấn đề của tồn tại và nhận thức. Triết học tách khỏi sự
ảnh hưởng của thế giới quan thần thoại, tôn giáo nguyên thủy, chập những bước
đi đầu tiên trên con đường chinh phục thế giới, tìm hiểu bản nguyên và bản tính
thực sự của nó (vũ trụ bắt đầu từ đâu và quay về đâu? thế giới có trải qua quá
trình phát sinh, phát triển và diệt vong hay không? Có vận động hay không? Nếu
có, thì sự vận động diễn ra theo tính quy luật bên trong của thế giới, hay do sự
tác động của lực lượng bên ngoài siêu nhân nào đó?...). Thế giới quan triết học
còn ở trình độ sơ khai, chất phác nhưng đã mang tính hệ thống và tính phân cực
rõ ràng. Triết học tự nhiên chiếm ưu thế (nhằm vượt qua thần thoại, thế hệ các
triết gia đầu tiên cố gắng lý giải những nguyên nhân của thế giới từ chính những
chất liệu sẵn có của thế giới, những vấn đề nhận thức luận, nguồn gốc sự sống
cũng được đặt ra. Thời kỳ khai nguyên triết học là thời kỳ hình thành trong dạng
phôi phai những khuynh hướng và những phương pháp tư duy cơ bản nhất.
4
- Triết học thời cực thịnh, gắn với những bước thăng trầm của nền dân chủ
nô (còn gọi là triết học thời kỳ Socrate). Sự quan tâm về tự nhiên đã đưa đến sự ra
đời các học thuyết triết tự nhiên. Thế nhưng, trong suốt hàng thế kỷ, những cuộc
tranh luận triền miên về bản nguyên và bản tính của thế giới không đem đến lời
giải đáp cuối cùng, thực sự thuyết phục. Tuyên bố “con người - thước đo của vạn
vật” là thông điệp có ý nghĩa đầu tiên của triết học Hy Lạp trong việc tìm kiếm
hướng đi mới. Tuy nhiên sự đề cao đến mức thái quá của các nhà biện thuyết đối
với chủ thể nhận thức đã đưa họ đến chỗ hoài nghi chân lý khách quan.
Tác giả của bước ngoặt từ triết học tự nhiên sang triết học đạo đức, từ
nguyên lý về vũ trụ sang nguyên lý về hoạt động của con người, là Socrate.
“Bước ngoặt Socrate” ghi dấu ấn trong triết học Hy Lạp như một đột phá có tính
lịch sử, thẩm định lại quan niệm về đối tượng và thiên chức của triết học. Song
“bước ngoặt Socrate” lại cũng tạo ra thế đứng vững chắc cho chủ nghĩa duy tâm,
thay thế “triết học tự nhiên”, hay chủ nghĩa duy vật chất phác. Chủ nghĩa duy
tâm, sự thổi phồng, tuyệt đối hóa một mặt, một khía cạnh của nhận thức, vốn ẩn
mình trong vật hoạt luận của Talet, yếu tố nhân hình hóa của Empédocle, trí tuệ
vũ trụ (Nous) của Anaxagore, gời đây đã khuếch trương thành một hệ thống.
Cũng từ đây sự tranh luận thế giới quan giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa
duy tâm, hay nói như V.I.Lenin, giữa “đường lối Démocrite” (đại diện cho duy
vật) và “đường lối Platon” (đại diện cho duy tâm) trở lên hiện tượng phổ biến
trong lịch sử phát triển của triết học.
Sau Socrate, triết học Hy Lạp một mặt vẫn tiếp tục những đề tài truyền
thống, mặt khác dành nhiều tâm huyết lý giải những vấn đề liên quan đến vị trí và
số phận con người, ý nghĩa của cuộc sống, năng lực và phương pháp nhận thức,
tiến trình lịch sử, mối quan hệ giữa con người với tự nhiên xã hội. Đây là thời kỳ
phát triển rực rỡ nhất của triết học Hy Lạp cổ đại, thời kỳ sản sinh ra những tên
tuổi lớn, làm rạng danh nền văn hóa Hy Lạp: Démocrite, Platon, Aristote… nó
được thúc đẩy bởi những khởi sắc trong các lĩnh vực của đời sống chính trị - xã
hội, mà tiêu biểu là sự xác lập nền dân chủ - phát minh chính trị của người Hy
Lạp. Dân chủ là hình thức tổ chức nhà nước ưu việt nhất của thế giới cổ đại.
5
- Triết học thời kỳ Hy Lạp hóa. Người Hy Lạp nạp phát minh ra dân chủ,
những đó là nền dân chủ dành cho thiểu số ít ỏi các “công dân tự do”. Nô lệ
không được gọi là con người, mà chỉ là thứ công cụ biết nói, hàng hóa trao đổi
giữa các chủ nô. Nhiều triết gia trở thành nạn nhân của dân chủ, bởi họ dám
thách thức các nghi lễ tín ngưỡng cổ hủ. Thế hệ mới không đủ sức vượt qua
những cây đại thụ tư tưởng, nhưng không thể chấp nhận sự lặp lại quá khứ, cho
dù là quá khứ oanh liệt vàng son.
II. BẢN THỂ LUẬN TRONG CÁC TRƯỜNG PHÁI TRIẾT HỌC
ĐẦU TIÊN.
1. Trường phái Milê và phương án “nhất nguyên” trong chủ nghĩa
duy vật Hy Lạp cổ đại.
Milê là tên một thành phố vào loại phồn thịnh nhất của Hy Lạp. Nơi đây
vào thời kỳ hình thành nhà nước Hy Lạp đã nổi lên một trường phái triết học
xưa nhất, gắn liền với tên tuổi của Talet, Anaximandre và Anaximène. Các nhà
triết học Mile là những nhà nhất nguyên, vì họ xem một hành chất nào đó là bản
nguyên của thế giới, cái vừa mang tính vật thể, vừa mang tính trí tuệ, vừa thể
hiện sức mạnh huyền bí, siêu phàm.
Người sáng lập trường phái Mile là nhà toán học, nhà thiên văn, nhà triết
học đầu tiên của Hy Lạp cổ đại Talet (624 – 547 tr.CN).
Talet (624 – 547 tr.CN), Talet thuộc về thế hệ các nhà triết học đầu tiên
xem xét khởi nguyên sự vật ở dạng hành chất, theo ông mọi cái đang tồn tại đều
xuất phát từ một chất ẩm ướt ban đầu là nước. Tất cả chỉ là biến thái của nước.
Trái đất như cái đĩa dẹt trôi bồng bềnh trên nước được bao quanh bởi nước, các
đại dương, và chia thành năm vùng: 1. Vùng bắc nhìn thấy được; 2. Vùng hạ
chí; 3. Vùng xuân phân; 4. Vùng đông chí; 5. Vùng cực nam, không nhìn thấy.
Chính những quan sát trực tiếp và sự xét đoán bằng lý trí đã đưa Talet đến
những nhận định có tính khái quát cao về nước. Tính khái quát thể hiện ở chỗ,
một là, lần đầu tiên nước được hiểu như cái tuyệt đối, cái phổ biến đơn giản, tức
được nâng lên thành một khái niệm, hai là, Talet chú trọng đến khởi nguyên vật
6
chất, chứ không phải khởi nguyên tinh thần. Có thể liên tưởng nước của Talet với
Hỗn mang (chaos) của Hésiode, nhưng ở Talet nước trước hết là sức mạnh vật lý.
Tuy nhiên, Talet chưa thể ngay lập tức chấm dứt sự ràng buộc với thần
thoại. Đặc tính của nước được nâng lên cấp độ thần linh. Thế giới chứa đầy thần
linh. Các thần là những lực lượng vận động trong thế giới, đồng thời cũng là
những linh hồn – nguồn gốc vận động của thể xác. Nước và tất cả những gì phát
sinh từ mước đều có linh hồn, thần tính. Chủ nghĩa duy vật tự phát Talet về căn
bản đưa tới sự kết thúc vai trò thống trị của thần thoại. Lý trí thay thế thần Zeus,
giới tự nhiên dần dần cởi bỏ lớp vỏ siêu nhiên. Con người bắt đầu giải thích
nguyên nhân của thế giới từ chính thế giới.
Talet đã tiến gần đến khái niệm bản nguyên, cố gắng trình bày dưới hình
thức ấu trĩ tính thực thể của nước (nước lưu chảy ở mọi vật, còn ở nó mọi vật
lưu chảy).
Anaximandre (610-546 tr.CN), người học trò và người kế tục Talet đã có
công lao to lớn trong việc giải thích toàn bộ thực tại từ khái niệm “bản nguyên”
(archè), thực thể, cơ sở tồn tại của sự vật. Bản nguyên bấy giờ không còn là
nước, mà là cái có ý nghĩa phổ quát hơn. Nếu các hành chất (đất, nước, lửa, khí)
chuyển hoá vào nhau, thì điều này có nghĩa ở chúng có một cái gì đó chung làm
nền. Cái chung này không thể là những hành chất, mà là cái vô hạn, vô cùng, bất
định, bất tử, cái mà nhờ đó mọi vật sinh ra thực thể apeiron. Anaximandre giải
thích các đặc tính của apeiron như sau:
- Apeiron vô hạn, vì nó là một bản nguyên, không thể bị tiêu hao, cạn
kiệt;
- Apeiron vô cùng, để có thể làm cơ sở cho mọi sự chuyển hoá lẫn nhau
của sự vật;
- Apeiron không xác định, để liên kết những cái xác định;
- Apeiron trường tồn, bất tử, để làm nên nguồn suối vô biên của sự sống.
7
Tất cả những đặc tính ấy cùng quy về đặc tính chung nhất là vận động. Sự
vận động của thực thể apeiron quyết định quá trình hình thành của vũ trụ.
Apeiron tự nó và từ nó sinh ra hết thảy. Khi vận động theo xoáy ốc, apeiron tạo
nên những cực đối kháng - ẩm và khô, lạnh và nóng. Kết hợp cặp đôi những tính
chất ấy sẽ dẫn đến hình thành đất (khô và lạnh), nước (ẩm và lạnh), khí (ẩm và
nóng), lửa (khô và nóng). Từ trung tâm, những kết cấu vật chất dần dần cô đọng
lại, trước tiên là đất như cái nặng nhất được bao quanh bởi nước, khí và lửa. Sau
đó diễn ra những tác động lẫn nhau giữa nước và lửa, khí và lửa. Dưới tác động
của lửa, một phần nước bốc hơi, còn đất thì tụ lại giữa đại dương. Trái đất, đã
hình thành như vậy. Bầu trời phân chia ra ba vòng, do khí bao quanh. Vành dưới
nhiều lỗ hổng, chứa lửa, là các vì sao. Vành giữa một lỗ hổng là Mặt trăng.
Vành trên cùng một lỗ hổng là Mặt trời. Bức tranh về thế giới và sự sống do
Anaximandre xây dựng đã đánh dấu bước tiến trong tư duy triết học.
Anaximen (588 - 525 tr.CN) quay trở về với phương án Talet, nghĩa là
đồng nhất bản nguyên với những hành chất cụ thể. Nhưng nước không phải là
bản nguyên thế giới, mà chỉ là điều kiện sống của vạn vật. Chính ở không khí
diễn ra các quá trình tán và tụ, quy định sự hình thành, tồn tại và phát triển của
vạn vật. Khi tán khí hoá thành lửa, rồi sau đó thành aither; lúc tụ khí biến ra gió,
mây, nước, đất và đá, tuỳ thuộc vào mức độ tụ của nó. Sự tán gắn với quá trình
đốt nóng sự tụ - quá trình lạnh đi.
Không chỉ là bản nguyên thế giới, không khí còn là nguồn gốc sự sống và
các hiện tượng tâm lý. Linh hồn là sự thở, khí của linh hồn và khí của thế giới
vật chất thống nhất với nhau. Thần linh cũng xuất hiện từ khí. Với quan niệm
Anaximen mở đường cho cách nhìn mới về thần linh.
2. Trường phái Êphedo với phép biện chứng tiêu biểu
Trường phái này với triết gia tiêu biểu là Heraclit (520-460 tr.CN)
Heraclit (520-460 tr.CN), là nhà biện chứng nổi tiếng, khác với các nhà
triết học phái Mile, Heraclit cho rằng không phải là nước, apeiron, không khí,
mà chính lửa là nguồn gốc sinh ra tất thảy mọi sự vật. “Mọi cái biến đổi thành
8
lửa và lửa thành mọi cái tựa như trao đổi vàng thành hàng hóa và hàng hoá
thành vàng”. Lửa không chỉ là cơ sở của mọi vật mà còn là khởi nguyên sinh ra
chúng. Bản thân vũ trụ không phải do chúa trời hay một lực lượng siêu nhiên
thần bí nào tạo ra, nó mãi mãi đã, đang và sẽ là ngọn lửa vĩnh viễn đang không
ngừng bùng cháy và tàn lụi. Ví toàn bộ vũ trụ tựa như ngọn lửa bất diệt, Heraclit
đã tiếp cận được với quan niệm duy vật nhấn mạnh tính vĩnh viễn và bất diệt của
thế giới. Mọi sự vật trong thế giới đều thay đổi, vận động và phát triển không
ngừng. Luận điểm bất hủ của Heraclit: “chúng ta không thể tắm hai lần trên
cùng một dòng sông”.
Heraclit thừa nhận sự tồn tại và thống nhất của các mặt đối lập nhưng
trong các mối quan hệ khác nhau. Vũ trụ là một thể thống nhất nhưng trong lòng
nó luôn luôn diễn ra các cuộc đấu tranh giữa các sự vật, lực lượng đối lập nhau,
từ đó mới có hiện tượng sự vật này chết đi, sự vật khác ra đời, điều đó làm cho
vũ trụ thường xuyên phát triển và trẻ mãi không ngừng.
3. Trường phái Pitago với những tư tưởng triết học duy tâm về các
con số
Pitago (571-479 tr.CN), là nhà toán học, nhà duy tâm tôn giáo, xây dựng
những tư tưởng huyền bí về ý nghĩa cuộc sống và bản nguyên vũ trụ, mang đậm
dấu ấn huyền học phương Đông.
Trong tư tưởng của Pitago những con số đóng vai trò chủ đạo định hình
nên thế giới, diễn đạt sự vật, thậm chí là bản chất và chuẩn mực của chúng. Triết
lý là nhận thức quy luật vận động của vũ trụ thông qua những con số.
Tương quan các con số thể hiện rõ nhất trong tương quan không gian. Khi
xem xét không gian chúng ta bắt đầu từ điểm – sự phủ định đầu tiên cái trống
rỗng. Điểm tương ứng với đơn vị không phân chia, và là sự bắt đầu của đường
như quan hệ giữa hai điểm. Sau đó quan hệ hai chiều giữa những con số lần lượt
tạo ra mặt phẳng, khối lập thể. Từ các con số hình thành nên những vật thể,
những hành chất (nước, khí, lửa) và toàn thể vũ trụ nói chung. Vũ trụ được cấu
thành từ mười thiên hà – con số 10 hoàn thiện.
9
Quan điểm triết học của Pitago thể hiện sự liên hệ giữa những mầm mống
của tư duy khoa học với thế giới quan tôn giáo, thần thoại.
4. Phái duy vật nguyên tử
Đêmôcrit (460-370 tr.CN), ông cho rằng nguyên tử là hạt vật chất không
thể phân chia được nữa, nó hoàn toàn nhỏ bé và không thể cảm nhận được bằng
trực quan. Nguyên tử là vĩnh cửu không thay đổi trong lòng nó không có cái gì
xảy ra nữa. Hình dạng của nguyên tử có vô vàn. Theo ông, các sự vật là do các
nguyên tử liên kết lại với nhau tạo nên. Tính đa dạng của nguyên tử làm nên tính
đa dạng của thế giới các sự vật. Nguyên tử tự thân, không vận động, nhưng khi
kết hợp với nhau thành vật thể thì làm cho vật thể và thế giới vận động không
ngừng.
Nhưng theo Đêmôcrit thì linh hồn cũng là một dạng vật chất được cấu tạo
từ các nguyên tử đặc biệt có hình cầu, linh động như ngọn lửa, có vận tốc lớn,
luôn luôn động và sinh ra nhiệt làm cho cơ thể hưng phấn và vận động. Do đó
linh hồn có một chức năng quan trọng là đem lại cho cơ thể sự khởi đầu vận
động. Trao đổi chất với môi trường bên ngoài cũng là một chức năng của linh
hồn và được thực hiện thông qua hiện tượng thở của con người. Như vậy linh
hồn là không bất tử, nó chết cùng thể xác.
5. Phái duy tâm khách quan
Platon (427-347 tr.CN), là nhà triết học duy tâm khách quan. Điểm nổi
bật trong hệ thống triết học duy tâm của Platon là học thuyết về ý niệm. Trong
học thuyết này Platon đưa ra quan niệm về hai thế giới: thế giới các sự vật cảm
biết và thế giới ý niệm. Theo ông, thế giới các sự vật cảm biết là không chân
thực, không đúng đắn, vì các sự vật không ngừng sinh ra và mất đi, luôn luôn
thay đổi, vận động, trong chúng không có cái gì ổn định, bền vững, hoàn thiện.
Còn thế giới ý niệm là thế giới của những cái phi cảm tính, phi vật thể, là thế
giới của đúng đắn, chân thực và các sự vật cảm biết chỉ là cái bóng của ý niệm.
Từ quan niệm trên Platon đưa ra khái niệm “tồn tại” và “không tồn tại”.
“Tồn tại” theo ông là cái phi vật chất, cái được nhận biết bằng trí tuệ siêu nhiên,
10
là cái có tính thứ nhất. Còn “không tồn tại” là vật chất, cái có tính thứ hai so với
cái tồn tại phi vật chất.
Như vậy, học thuyết về ý niệm và tồn tại của Platon mang tính chất duy
tâm khách quan rõ nét.
6. Nhà triết học Arixtot (384-322 tr.CN) nhà “bách khoa vĩ đại nhất
của người Hy Lạp cổ đại”.
Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác coi Arixtot là bộ óc bách khoa nhất trong
số các nhà tư tưởng cổ đại Hy Lạp. Triết học của ông cùng với triết học của
Đêmôcrit và Platon làm nên giai đoạn phát triển cao nhất của triết học Hy Lạp.
Theo ông, ý niệm của Platon không có lợi cho nhận thức của con người,
vì nó thuộc về thế giới bên kia là cái phi thực thể, do đó nó không có lợi cho
việc cắt nghĩa tri thức về các sự vật của thế giới quanh ta, dựa vào nó con người
không thể nhận biết được thế giới bên ngoài. Ông đã nêu lên học thuyết bốn
nguyên nhân, trong đó ông cho rằng bất kỳ sự vật nào, nếu tồn tại bao giờ cũng
xuất phát và được tạo thành từ bốn nguyên nhân: nguyên nhân hình dạng,
nguyên nhân mục đích, nguyên nhân vật chất, nguyên nhân vận động.
Quan điểm của Arixtot về thế giới tự nhiên là toàn bộ những sự vật có
một bản thể vật chất mãi mãi vận động và biến đổi. Thông qua vận động mà giới
tự nhiên được biểu hiện ra. Vận động không tách rời vật thể tự nhiên. Vận động
của giới tự nhiên có nhiều hình thức: sự tăng giảm; sự thay đổi về chất hay sự
chuyển hoá; sự ra đời và tiêu diệt; sự thay đổi trong không gian …
Quan niệm về thế giới tự nhiên của Arixtot cũng biểu hiện sự dao động
giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm. Giới tự nhiên, theo ông vừa là vật
chất đầu tiên, cơ sở của mọi sinh tồn, vừa là hình dáng (cái từ bên ngoài vật chất).
Nhận thức của con người là thu nhận hình dáng chứ không phải là chính sự vật.
11
KẾT LUẬN
Triết học Hy Lạp cổ đại là những viên gạch đầu tiên xây nên toàn bộ ngôi
nhà văn minh của Châu Âu ngày nay. Ta có thể thấy cả bề mặt và bề trái của
Châu Âu ngày nay qua nền triết học Hy Lạp cổ đại. Điều đó làm cho nó sáng
rực rỡ trên vũ đài triết học nhân loại và trở nên bất hủ. Mác nói: “Dại dột cho ai
không thấy giá trị Hy Lạp cổ đại”. Nền triết học duy vật Hy Lạp cổ đại đã đạt
những thành tựu rực rỡ về mọi mặt, cho đến ngày nay, triết học Hy Lạp cổ đại
vẫn không hề mất đi giá trị của nó.
Nền văn minh hiện đại Châu Âu bắt nguồn từ nền văn minh Hy Lạp và
chúng ta đã không thể hiểu đầy đủ văn hóa Châu Âu ngày nay nếu không đi
ngược thời gian để tìm hiểu những thành tựu huy hoàng của văn hóa Hy Lạp cổ
đại, Ăngghen viết “Chúng ta luôn luôn phải quay về với những thành tựu trong
triết học cũng như trong mọi lĩnh vực khác của dân tộc nhỏ bé này, một dân tộc
mà tài năng và hoạt động có tính chất toàn diện của nó đã đảm bảo cho nó có
một địa vị mà không có một dân tộc nào khác có tham vọng đạt tới trong lịch sử
tiến hóa của nhân loại”.
12
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Văn Đại và TS. Bùi Thị Thanh Hương, Khái lược lịch sử triết
học, Nxb. Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2013.
2. Vương Đức Phong, Mười nhà tư tưởng lớn thế giới, Người dịch: Phong
Đào, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2000
3. Vi Quang Thọ, Chủ nghĩa duy vật biện chứng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà
Nội, 2005.
4. V.I. Lenin: toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Moskva, 1981.
5. Viện Hàn Lâm Khoa học Liên Xô, Lịch sử triết học, Triết học thời kỳ tiền
tư bản chủ nghĩa (từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XIII, Nxb. Sự thật Hà Nội,
Hà Nội, 1960.
6. Viện Hàn Lâm Khoa học Liên Xô, Lịch sử triết học, Triết học thời kỳ tiền
tư bản chủ nghĩa (từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XIII, Nxb. Sự thật Hà Nội,
Hà Nội, 1962.
7. Viện Hàn Lâm Khoa học Liên Xô, Lịch sử triết học, Triết học thời kỳ tiền
tư bản chủ nghĩa (từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XIII, Nxb. Sự thật Hà Nội,
Hà Nội, 1965.
8. Nguyễn Hữu Vui, Lịch sử triết học, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội,
2007.
9. Giáo trình Triết học Mác-Lê nin, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006.
10.PGS.TS Trần Văn Phòng, Giáo trình Triết học, Nxb. Lý luận chính trị, Hà
Nội 2015.