Tải bản đầy đủ (.doc) (11 trang)

TÀI LIỆU THAM KHẢO TUYÊN NGÔN của ĐẢNG CỘNG sản CƯƠNG LĨNH CHÍNH TRỊ của GIAI cấp vô sản TOÀN THẾ GIỚI

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (91.99 KB, 11 trang )

"Tuyên ngôn của Đảng cộng sản" cương lĩnh chính trị của giai cấp vô
sản toàn thế giới

GẦN 160 năm đã qua, trong kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác Lênin, không một tác phẩm nào có được vị trí, vai trò và ý nghĩa như "Tuyên
ngôn của Đảng Cộng sản".
"Tuyên ngôn" không chỉ là một tác phẩm đánh dấu sự chín muồi của
chủ nghĩa Mác với cả ba bộ phận cấu thành của nó là triết học, kinh tế học
chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học. Tác phẩm khoa học bất hủ này được
tuyên bố công khai trên phạm vi toàn thế giới với tư cách là Cương lĩnh của
giai cấp vô sản và chính đảng của nó - Cương lĩnh "có đầy đủ chi tiết, vừa về
mặt lý luận, vừa về mặt thực tiễn". Và trên thực tiễn, 150 năm qua, Cương
lĩnh chính trị này đã thực sự trở thành kim chỉ nam chỉ đạo hành động của
toàn bộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Thiết nghĩ, với sức mạnh
vĩ đại đó, với vai trò hết sức vẻ vang đó, "Tuyên ngôn" mãi là Cương lĩnh
chính trị, kim chỉ nam hành động của phong trào cộng sản và công nhân
quốc tế. Tư tưởng cơ bản và tinh thần chủ đạo của "Tuyên ngôn" đã, đang và
sẽ còn "cổ vũ và thúc đẩy toàn thể giai cấp vô sản có tổ chức và đang chiến
đấu của thế giới văn minh", như V.I. Lênin đã khẳng định khi ông nói về ý
nghĩa lịch sử của "Tuyên ngôn".
Không chỉ là "khúc ca tuyệt tác của chủ nghĩa Mác", sự ra đời của
"Tuyên ngôn" đã "đánh dấu một bước tiến trong khoa học lịch sử" của cả
nhân loại. Và "giống như học thuyết của Đácuyn trong sinh vật học", "Tuyên
ngôn" đã mở ra một giai đoạn mới về chất trong lịch sử hình thành và phát
triển tri thức của nhân loại nói chung, một bước ngoặt trong tiến trình phát
triển tư tưởng xã hội và cải biến xã hội của nhân loại nói riêng. Với tư cách


đó, "Tuyên ngôn" hiển nhiên là tác phẩm "phổ biến hơn cả, có tính chất quốc
tế hơn cả" không chỉ trong kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác, mà cả trong
kho tàng văn học của nhân loại, và là "Cương lĩnh được thừa nhận bởi hàng
triệu công nhân từ Xibia đến Caliphoocnia".


Thế giới 160 năm qua đã diễn ra với bao biến cố lịch sử, từ Công xã
Pari đến Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, từ phong trào giải phóng dân
tộc khắp năm châu đến sự ra đời của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới mà
giờ đây, sau sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông
Âu, phong trào cách mạng thế giới đang tạm thời lắng xuống, song "Tuyên
ngôn" vẫn là một giá trị bền vững và "cho đến nay, xét về đại thể, những
nguyên lý tổng quát trình bày trong "Tuyên ngôn" này vẫn còn hoàn toàn
đúng".
Vậy những gì đã làm nên giá trị bền vững, ý nghĩa lịch sử của "Tuyên
ngôn", đã mang lại cho tác phẩm này một vị trí không gì thay thế được, một
vai trò hết sức lớn lao và hoàn toàn xứng đáng được coi là "cuốn sách gối
đầu giường", là Cương lĩnh chính trị của giai cấp vô sản toàn thế giới, là kim
chỉ nam, là cơ sở lý luận cho sự nghiệp giải phóng con người, giải phóng
nhân loại và xây dựng xã hội mới của chúng ta hôm nay - xã hội xã hội chủ
nghĩa?
Trước hết, "Tuyên ngôn" là một bản tuyên bố đầy sức cổ vũ về
những nguyên lý cơ bản của thế giới quan cách mạng của giai cấp vô
sản toàn thế giới. Cơ sở lý luận của "Tuyên ngôn" là chủ nghĩa duy vật biện
chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử do C.Mác và Ph.Ăngghen khởi xướng.
Trong "Tuyên ngôn", C. Mác và Ph.Ăngghen đã luận chứng một cách khoa
học, duy vật về những quy luật khách quan của sự phát triển xã hội. Các ông
đã chỉ ra vị trí và ý nghĩa của nền sản xuất vật chất và những lợi ích kinh tế
của các giai cấp và đấu tranh giai cấp trong tiến trình phát triển của lịch sử,


giải thích vai trò của những kiến trúc thượng tầng - tư tưởng chính trị, pháp
lý, triết học, tôn giáo và những tổ chức, thiết chế tương ứng của chúng.
"Tuyên ngôn" - đó là bản trình bày một cách lôgíc, có hệ thống, "hết
sức sáng sủa và rõ ràng" về "thế giới quan mới, chủ nghĩa duy vật triệt để chủ nghĩa duy vật này bao quát cả lĩnh vực sinh hoạt xã hội, - phép biện
chứng với tư cách là học thuyết toàn diện nhất và sâu sắc nhất về sự phát

triển, lý luận đấu tranh gia cấp và vai trò cách mạng - trong lịch sử toàn thế
giới - của giai cấp vô sản..., giai cấp sáng tạo ra một xã hội mới, xã hội cộng
sản".
Xuất phát từ quan niệm duy vật về lịch sử do chính các ông xây dựng
nên - quan niệm cho rằng trong mọi thời đại lịch sử, phương thức sản xuất
và cơ cấu xã hội do nó quy định tạo thành cơ sở chính trị và tư tưởng của
thời đại ấy, C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định: Toàn bộ lịch sử nhân loại,
kể từ khi xuất hiện xã hội có giai cấp và đối kháng giai cấp, là lịch sử của
đấu tranh giai cấp và hiện nay, cuộc đấu tranh giai cấp đó đã phát triển tới
giai đoạn mà giai cấp vô sản không còn có thể tự giải phóng khỏi ách áp bức
bóc lột của giai cấp tư sản, nếu không đồng thời và vĩnh viễn giải phóng
toàn xã hội khỏi tình trạng phân chia giai cấp và đấu tranh giai cấp.
Trong "Tuyên ngôn", khi vạch rõ những mâu thuẫn sâu sắc của xã hội
tư sản. C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ chế độ tư bản chủ nghĩa là chế độ nô
lệ làm thuê, dưới chế độ đó, tình trạng người bóc lột người, sự bần cùng
của giai cấp công nhân, tình trạng cạnh tranh khốc liệt, sự tích tụ tư
bản, khủng hoảng kinh tế, nạn thất nghiệp, sự phá sản của giai cấp tiểu
tư sản và do đó, mâu thuẫn giai cấp, đấu tranh giai cấp ngày càng trở
nên quyết liệt là điều không thể tránh khỏi của xã hội tư bản. Rằng, xã
hội tư bản không để lại giữa con người mối liên hệ nào khác, ngoài "lợi ích
trần trụi" và lối "tiền trao cháo múc" "không tình không nghĩa". Giai cấp tư
sản "đã biến phẩm giá của con người thành giá trị trao đổi", "đã đem tự do


buôn bán duy nhất và vô sỉ thay cho biết bao quyền tự do đã được ban cho
và đã giành được một cách chính đáng", "đã đem sự bóc lột công nhiên, vô
sỉ, trực tiếp, tàn nhẫn thay cho sự bóc lột được che đậy bằng những ảo tưởng
tôn giáo và chính trị" . Rằng, với sự phát triển của nền đại công nghiệp, sự
hình thành thị trường thế giới và nhờ áp dụng vào sản xuất những thành tựu
khoa học, kỹ thuật hiện đại, nhờ biến những thành quả hoạt động tinh thần

của một số dân tộc thành tài sản chung và lôi cuốn vào nền văn minh cả
những nước lạc hậu nhất, giai cấp tư sản, "trong quá trình thống trị giai cấp
chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ
hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại". Song, xã hội
tư sản hiện đại, với những quan hệ sản xuất và trao đổi tư sản của nó, với
những quan hệ sở hữu tư sản, đã tạo ra những lực lượng sản xuất hùng mạnh
như thế, thì "giờ đây giống như một tay phù thuỷ không còn đủ sức trị những
âm binh mà y đã triệu lên". Cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, của
nền sản xuất bằng máy móc, giai cấp tư sản đã phá sập dưới chân nó chính
cái nền tảng mà trên đó, nó sản xuất và chiếm hữu sản phẩm. Cái vũ khí mà
giai cấp tư sản sử dụng để đánh đổ chế độ phong kiến thì giờ đây lại quay lại
đập vào ngay chính nó.
Đã đến lúc những quan hệ sản xuất tư sản, những quan hệ sở hữu tư
bản chủ nghĩa không còn phù hợp với trình độ và tính chất của lực lượng sản
xuất. Sự không phù hợp đó đã khiến cho chủ nghĩa tư bản lâm vào những
mâu thuẫn mà chỉ có thể giải quyết được bằng một cuộc cách mạng xã hội
do giai cấp vô sản thực hiện. Giai cấp tư sản không chỉ tạo ra những vũ khí
tiêu diệt chính nó, mà còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy để chống lại
nó- "những công nhân hiện đại, những người vô sản".
Giai cấp vô sản - giai cấp có sứ mệnh thực hiện những cải tạo cách
mạng, xây dựng một xã hội mới, không giai cấp - là giai cấp phải chịu đựng


toàn bộ gánh nặng của hệ thống quan hệ tư sản với sự áp bức bóc lột nặng nề
của nó. "Giai cấp vô sản, tầng lớp ở bên dưới nhất của xã hội hiện tại, C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định, - không thể vùng dậy, vươn mình lên
nếu không làm nổ tung toàn bộ cái thượng tầng kiến trúc bao gồm những
tầng lớp cấu thành xã hội quan phương".
Luận chứng cho sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản, C.Mác và
Ph.Ăngghen chỉ rõ: Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai
cấp tư sản, chỉ có giai cấp vô sản là "giai cấp thực sự cách mạng". Nó là

sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp. Và với tư cách đó, giai cấp vô
sản chỉ có thể giành được những lực lượng sản xuất xã hội bằng cách xoá bỏ
phương thức chiếm hữu hiện nay của chính mình, và do đấy, xoá bỏ toàn bộ
phương thức chiếm hữu nói chung đã tồn tại từ trước tới nay. "Những người
vô sản chẳng có gì là của mình để bảo vệ cả, họ phải phá huỷ hết thảy những
cái gì, từ trước đến nay, vẫn bảo đảm và bảo vệ chế độ tư hữu".
"Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là
tất yếu như nhau". Lời kết thúc chương I với tư cách là một quy luật đó, giờ
đây đang đem lại cho chúng ta niềm tin vững chắc rằng dù phong trào cách
mạng vô sản thế giới đang lâm vào giai đoạn thoái trào, song đó chỉ là tạm
thời. Phong trào đó tất sẽ lại trở lại cao trào, giai cấp vô sản thế giới sẽ cho
thấy sức mạnh vô song của nó.
Không dừng lại ở việc khẳng định sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô
sản, trong "Tuyên ngôn", C.Mác và Ph.Ăngghen còn chỉ rõ, giai cấp vô sản
chỉ có thể hoàn thành sứ mệnh đó khi có chính đảng của mình - Đảng
cộng sản. Đảng là đội quân tiên phong của giai cấp vô sản. Đảng không đơn
giản là một bộ phận của giai cấp vô sản, mà là bộ phận cách mạng nhất, có ý
thức nhất của giai cấp vô sản. Đảng không phải là một tổ chức riêng biệt,
"đối lập với các đảng công nhân khác". Đảng không đặt ra nguyên tắc riêng
biệt nào nhằm khuôn phong trào vô sản theo nguyên tắc ấy. Lợi ích của


Đảng không tách rời lợi ích của toàn thể giai cấp vô sản. Đảng luôn đặt lên
hàng đầu và bảo vệ lợi ích của toàn thể giai cấp vô sản, và trong các giai
đoạn khác nhau của cuộc đấu tranh chống lại giai cấp tư sản, Đảng "luôn
luôn đại biểu cho lợi ích của toàn bộ phong trào". Về mặt thực tiễn, Đảng là
"bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước, là bộ
phận luôn luôn thúc đẩy phong trào tiến lên", còn về mặt lý luận, Đảng hơn
bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ, nó "hiểu rõ những điều kiện, tiến
trình và kết quả chung của phong trào vô sản. Mục đích trước mắt của Đảng

cũng chính là mục đích trước mắt của các Đảng vô sản khác - tổ chức những
người vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản và giành
lấy chính quyền về tay mình. Mục đích lâu dài, mục đích cuối cùng của
Đảng là xây dựng thành công xã hội không có áp bức bóc lột, không còn giai
cấp".
Những luận điểm kinh điển có trong học thuyết về Đảng vô sản làm
tiêu tan khuynh hướng bè phái muốn tách Đảng ra khỏi giai cấp vô sản, đồng
thời cũng đã làm phá sản một biểu hiện của khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa
muốn hoà tan Đảng vào trong giai cấp vô sản. 150 năm qua, nhất là từ sau
khi học thuyết đó được V. I. Lênin phát triển và làm phong phú thêm bằng
thực tiễn xây dựng Đảng Bônsêvích Nga, trên phạm vi toàn thế giới, giai cấp
vô sản các nước, trong đó có nước ta với vai trò sáng lập của Chủ tịch Hồ
Chí Minh, đã xây dựng chính đảng của mình trên cơ sở vận dụng sáng tạo
vào hoàn cảnh nước mình học thuyết kinh điển đó. Song, thực tiễn 150 năm
qua cũng đã cho thấy sự thất bại của giai cấp vô sản ở một số nước đã không
lấy học thuyết đó làm nền tảng khi xây dựng chính đảng của mình, hay sự
tan rã của một số Đảng cộng sản khi xa rời, từ bỏ những nguyên lý nền tảng
của học thuyết này. Giờ đây, nhắc lại những nguyên lý nền tảng của học
thuyết về đảng vô sản mà C. Mác và Ph.Ăngghen đã đưa ra trong "Tuyên


ngôn", thiết nghĩ, là cần thiết. Nó giúp cho chúng ta nhận thức một cách sâu
sắc và càng thấm thía hơn bài học kinh nghiệm xương máu của một số Đảng
đã tuyên bố giải thể cùng với sự kiện chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và
các nước Đông Âu sụp đổ. Và càng có ý nghĩa hơn khi chúng ta khẳng định
đường lối "xây dựng Đảng ngang tầm đòi hỏi của thời kỳ mới" tại Đại hội
VIII của Đảng ta.
Trong "Tuyên ngôn", C. Mác và Ph.Ăngghen còn đưa ra một tư tưởng
hết sức quan trọng - tư tưởng về chuyên chính vô sản. Thật ra, trong
"Tuyên ngôn", các ông chưa sử dụng thuật ngữ này, song so với tất cả các

tác phẩm trước đó, ở đây, các ông đã tiến một bước tiến mới trong việc hình
thành quan niệm về chuyên chính vô sản. Coi sự thống trị của giai cấp vô
sản là cả một thời kỳ lịch sử của những công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa
đối với xã hội, C. Mác và Ph.Ăngghen đã vạch ra con đường thực hiện
những nhiệm vụ đó của giai cấp vô sản. "Bước thứ nhất trong cuộc cách
mạng công nhân,- các ông khẳng định, - là giai cấp vô sản biến thành giai
cấp thống trị, là giành lấy dân chủ". Liền sau đó, giai cấp vô sản sử dụng sự
thống trị của mình để từng bước một đoạt lấy "toàn bộ tư bản" trong tay giai
cấp tư sản, để tập trung tất cả những tư liệu sản xuất vào trong tay giai cấp
vô sản "đã được tổ chức thành giai cấp thống trị" và để tăng thật nhanh số
lượng những lực lượng sản xuất. Để thực hiện những nhiệm vụ đó, các ông
đã chỉ ra cho giai cấp vô sản 10 nhiệm vụ mà "lúc đầu chỉ có thể thực hiện
được bằng cách xâm phạm một cách chuyên chế vào quyền sở hữu và vào
những quan hệ sản xuất tư sản". Các ông coi đó là "thủ đoạn không thể thiếu
để đảo lộn toàn bộ phương thức sản xuất. Song, việc áp dụng các biện pháp
ấy, các ông không quên nhắc nhở, trong những nước khác nhau, "dĩ nhiên sẽ
khác nhau rất nhiều". Sau này, trong lời tựa viết cho các lần tái bản và xuất
bản bằng các thứ tiếng khác nhau, các ông vẫn không quên nhắc nhở giai


cấp vô sản "không nên quá câu nệ" vào những biện pháp cách mạng đó, bởi
"đại công nghiệp đã có những tiến bộ hết sức lớn", giai cấp công nhân cũng
đã trưởng thành lên rất nhiều "trong việc tự tổ chức thành chính đảng" do có
được những kinh nghiệm thực tiễn của phong trào cách mạng thế giới. Thiết
nghĩ, giờ đây chúng ta cũng cần nhắc lại những lời căn dặn đó trong bối
cảnh đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước với đường
lối mở cửa, giao lưu và hội nhập với cộng đồng thế giới, với định hướng xã
hội chủ nghĩa, với mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn
minh".
Với mục đích nêu ra những luận điểm có tính chất cương lĩnh của giai

cấp vô sản toàn thế giới, C. Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định: "Việc xoá
bỏ những quan hệ sở hữu đã tồn tại trước kia không phải là một cái gì đặc
trưng vốn có của chủ nghĩa cộng sản. Tất cả những quan hệ sở hữu đã trải
qua những thay đổi liên tiếp, những cải biến liên tiếp trong lịch sử... Đặc
trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xoá bỏ chế độ sở hữu nói chung,
mà là xoá bỏ chế độ sở hữu tư sản. Nhưng chế độ tư hữu tư sản hiện thời, lại
là biểu hiện cuối cùng và đầy đủ nhất của phương thức sản xuất và chiếm
hữu sản phẩm dựa trên những đối kháng giai cấp, trên cơ sở những người
này bóc lột những người kia. Theo nghĩa đó, những người cộng sản có thể
tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là: xoá bỏ chế độ
tư hữu" .
Đây là luận điểm gây nhiều tranh cãi nhất, có những cách hiểu hết sức khác
nhau, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta tuyên bố sự tồn tại lâu
dài của nền kinh tế hàng hoá với nhiều thành phần kinh tế khác nhau, nhiều
loại hình sở hữu khác nhau trong tính đa dạng và đan xen của chúng.
Khi phân tích luận điểm này của C.Mác và Ph.Ăngghen, chúng ta cần
lưu ý rằng, nó đã được các ông đưa ra với tư cách là một luận điểm mang


tính cương lĩnh, trên cơ sở phân tích một cách khoa học từ lập trường duy
vật biện chứng sự phát triển của sản xuất và đấu tranh giai cấp trong toàn bộ
lịch sử nhân loại, đặc biệt là trong xã hội tư bản. Sự kết nối giữa luận điểm
đó với toàn bộ sự phân tích của các ông được thực hiện bởi cụm từ "Theo
nghĩa đó". Theo nghĩa là chế độ tư hữu tư sản hiện thời là biểu hiện "cuối
cùng và đầy đủ nhất" của phương thức sản xuất và chiếm hữu dựa trên
những đối kháng giai cấp, trên cơ sở người bóc lột người. Theo đó, việc xoá
bỏ chế độ tư hữu tư sản không phải là mong muốn chủ quan, mà là đòi hỏi
tất yếu, là quy luật khách quan trong sự vận động đi lên của lịch sử nhân
loại, trong sự ra đời của một xã hội dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản
xuất, một xã hội không còn áp bức bóc lột, không còn giai cấp và đấu tranh

giai cấp. Thêm nữa, với luận điểm đó, C. Mác và Ph.Ăngghen tỏ thái độ kiên
quyết gạch bỏ sự vu khống của giai cấp tư sản đối với những người cộng sản
là muốn thủ tiêu sở hữu mà cá nhân có được nhờ lao động của mình. Những
người cộng sản, các ông chỉ rõ, không làm cho bất cứ ai mất khả năng chiếm
hữu sản phẩm do xã hội làm ra. Họ "tuyệt nhiên không muốn xoá bỏ sự
chiếm hữu cá nhân ấy về những sản phẩm của lao động, cần thiết để tái sản
xuất ra đời sống". Họ chỉ muốn "xoá bỏ tính chất bi thảm của cái phương
thức chiếm hữu khiến cho người công nhân chỉ có thể sống để làm tăng thêm
tư bản, và chỉ sống trong chừng mực mà những lợi ích của giai cấp thống trị
đòi hỏi". Cái sở hữu mà họ muốn xoá bỏ là "cái sở hữu bóc lột lao động làm
thuê, cái sở hữu chỉ có thể tăng thêm với điều kiện là phải sản xuất ra lao
động làm thuê mới để bóc lột lao động làm thuê đó", cái sở hữu mà với hình
thái hiện tại của nó, nó vận động trong sự đối lập giữa tư sản và lao động" .
Một cách vắn tắt song lại chứa đựng cả một nội dung sâu sắc, trong
"Tuyên ngôn", C. Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra đặc trưng cơ bản nhất của
xã hội tương lai - xã hội cộng sản chủ nghĩa: "Thay cho xã hội tư sản cũ, với


những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong
đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của
tất cả mọi người" .
Trong xã hội không có giai cấp, không còn đấu tranh giai cấp, mọi người
đều được tự do phát triển với năng lực phát triển toàn diện của mình, các
ông khẳng định, sẽ không có chỗ cho hiện tượng người bóc lột người, dân
tộc này áp bức dân tộc khác, sẽ không còn sự thù địch giữa các dân tộc.
Chương 2 của "Tuyên ngôn" được kết thúc với những lời lẽ đanh thép
đó. Giờ đây, những lời lẽ đanh thép đó vẫn còn tiếp tục cảnh tỉnh cho nhân
loại, khi mà đâu đó, ở nơi này nơi khác, lúc này lúc khác, cuộc chiến tranh
sắc tộc, sự xung đột dân tộc vẫn còn tiếp diễn với những quy mô khác nhau.
Chương 3 của "Tuyên ngôn" được C. Mác và Ph.Ăngghen dành cho

việc phê phán một cách sâu sắc và quyết liệt những khuynh hướng khác
nhau của chủ nghĩa xã hội phong kiến, chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản, chủ
nghĩa xã hội "chân chính", chủ nghĩa xã hội tư sản, chủ nghĩa xã hội và chủ
nghĩa cộng sản không tưởng - phê phán. Sự phê phán đó của các ông còn có
ý nghĩa sâu sắc cho đến hôm nay, khi mà người ta vẫn còn đưa ra đủ thứ chủ
nghĩa xã hội với những biến thái khác nhau nhằm bác bỏ chủ nghĩa cộng sản
khoa học với tư cách là "học thuyết về những điều kiện giải phóng giai cấp
vô sản".
Chương 4 của "Tuyên ngôn" là chương nói về chiến lược và sách lược
đấu tranh chính trị của giai cấp vô sản với những luận điểm hết sức quan
trọng. C. Mác và Ph.Ăngghen chỉ rõ, "những người cộng sản chiến đấu cho
những mục đích và những lợi ích trước mắt của giai cấp công nhân, nhưng
đồng thời trong phong trào hiện tại, họ cũng bảo vệ và đại biểu cho tương lai
của phong trào". Rằng, ở bất cứ đâu, những người cộng sản cũng đều ủng hộ
tất cả mọi phong trào cách mạng "chống lại trật tự xã hội và chính trị" đã trở


nên lỗi thời. Đâu đâu những người cộng sản cũng đấu tranh cho sự đoàn kết,
thống nhất, cho sự liên hợp của các đảng dân chủ ở tất cả các nước. Và với
lời kết thúc bằng câu khẩu hiệu- "Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!" C.Mác và Ph.Ăngghen đã luận chứng cả về phương diện lý luận lẫn thực
tiễn cho một nguyên lý hết sức quan trọng của phong trào vô sản và công
nhân quốc tế, cho hoạt động của các Đảng cộng sản - nguyên lý về chủ nghĩa
quốc tế vô sản. Giờ đây, nhắc lại nguyên lý đó, thiết nghĩ, là cần thiết, khi
trong phong trào vô sản và công nhân quốc tế đang có sự phân liệt, chia rẽ,
nhất là từ sau khi hàng loạt Đảng cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu giải thể,
những đảng mới ra đời với những mục đích và cương lĩnh hành động khác
nhau.
Với tất cả những nội dung đó, với những tư tưởng và luận điểm cơ
bản có giá trị bền vững đó, sau 160 năm tồn tại, giờ đây, "Tuyên ngôn của
Đảng cộng sản" vẫn và sẽ mãi là Cương lĩnh chính trị của giai cấp vô sản

toàn thế giới, là cẩm nang, là kim chỉ nam chỉ đạo hành động của toàn bộ
phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Với chúng ta, dưới sự lãnh đạo
của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta đang tiến hành sự nghiệp đổi mới
toàn diện để có chủ nghĩa xã hội thật sự, "Tuyên ngôn của Đảng cộng sản"
vẫn mãi là cơ sở lý luận có giá trị bền vững.



×