Tải bản đầy đủ (.pdf) (233 trang)

Nghiên cứu thực trạng và định hướng sử dụng đất gắn với du lịch sinh thái cộng đồng vùng ven biển huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định (LA tiến sĩ)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (24.81 MB, 233 trang )

HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

DOÃN QUANG HÙNG

NGHIÊN CỨU THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG SỬ DỤNG
ĐẤT GẮN VỚI DU LỊCH SINH THÁI CỘNG ĐỒNG
VÙNG VEN BIỂN HUYỆN GIAO THUỶ, TỈNH NAM ĐỊNH

LUẬN ÁN TIẾN SĨ

NHÀ XUẤT BẢN ĐẠI HỌC NÔNG NGHIỆP - 2017


HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

DOÃN QUANG HÙNG

NGHIÊN CỨU THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG SỬ DỤNG
ĐẤT GẮN VỚI DU LỊCH SINH THÁI CỘNG ĐỒNG
VÙNG VEN BIỂN HUYỆN GIAO THUỶ, TỈNH NAM ĐỊNH

Chuyên ngành:

Quản lý đất đai

Mã số:

62 85 01 03

Người hướng dẫn khoa học:
1. PGS.TS. Nguyễn Thanh Trà


2. PGS.TS. Nguyễn Ích Tân

NHÀ XUẤT BẢN ĐẠI HỌC NÔNG NGHIỆP - 2017


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan luận án là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Những số
liệu, kết quả nghiên cứu nêu trong luận án này là trung thực, khách quan và chưa
từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nghiên cứu nào khác.
Tôi xin cam đoan rằng mọi sự giúp đỡ trong quá trình thực hiện luận án
này đã được cảm ơn và các thông tin trích dẫn trong luận án đều được chỉ rõ
nguồn gốc.
Hà Nội, ngày

tháng

Tác giả luận án

Doãn Quang Hùng

i

năm 2017


LỜI CẢM ƠN

Trong quá trình nghiên cứu và hoàn thành luận án, tôi đã nhận được sự
quan tâm, giúp đỡ của nhiều tập thể, cá nhân. Nhân dịp này tôi xin gửi lời cảm ơn

đến tập thể các thầy cô giáo Khoa Quản lý đất đai, Bộ môn Quản lý đất đai, Bộ
môn Quy hoạch đất đai, Ban Quản lý đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã
tận tình giúp đỡ tôi trong quá trình học tập, nghiên cứu hoàn thành luận án này.
Đặc biệt, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới PGS.TS. Nguyễn Thanh
Trà và PGS.TS. Nguyễn Ích Tân đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ tôi trong suốt
quá trình nghiên cứu và thực hiện luận án.
Tôi cũng xin gửi lòng biết ơn chân thành tới lãnh đạo và các cán bộ Huyện
ủy, UBND, Hội đồng nhân dân, phòng Tài nguyên và Môi trường, cán bộ và
nhân dân các xã thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đã giúp đỡ và tạo điều
kiện cho tôi trong quá trình điều tra khảo sát thực địa, tổ chức các cuộc họp thu
thập ý kiến và phỏng vấn trực tiếp người dân. Đồng thời, tôi xin cảm ơn các du
khách đã tham gia phỏng vấn.
Cuối cùng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới các tập thể và cơ quan, ban,
ngành, bạn bè, gia đình và người thân đã tạo điều kiện giúp đỡ tôi trong quá trình
thu thập tài liệu nghiên cứu. Một lần nữa tôi xin chân thành cảm ơn tất cả sự
đóng góp quý báu của các tập thể, cá nhân đã động viên khích lệ và giúp đỡ tôi
hoàn thành luận án này.
Hà Nội, ngày

tháng

năm 2017

Tác giả luận án

Doãn Quang Hùng

ii



MỤC LỤC
Trang
Lời cam đoan

i

Lời cảm ơn

ii

Mục lục

iii

Danh mục các chữ viết tắt

vi

Danh mục các bảng

vii

Danh mục các biểu đồ

ix

Danh mục các hình

x


Trích yếu luận án

xi

Thesis abstract

xiii

Phần 1 Mở đầu

1

1.1

Tính cấp thiết của đề tài

1

1.2

Mục tiêu nghiên cứu

2

1.3

Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3


1.4

Những đóng góp mới của luận án

3

1.5

Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài

3

Phần 2 Tổng quan tài liệu nghiên cứu

4

2.1

Cơ sở lý luận về du lịch sinh thái cộng đồng

4

2.1.1

Khái quát chung về du lịch

4

2.1.2


Du lịch sinh thái cộng đồng

11

2.1.3

Quy hoạch du lịch sinh thái cộng đồng

17

2.1.4

Một số nhân tố tác động đến phát triển du lịch sinh thái cộng đồng

22

2.2

Cơ sở lý luận về sử dụng đất để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng

27

2.2.1

Khái quát về sử dụng đất

27

2.2.2


Quy hoạch sử dụng đất phát triển du lịch sinh thái cộng đồng

28

2.2.3

Nhu cầu sử dụng đất cho phát triển du lịch sinh thái cộng đồng

31

2.3

Kinh nghiệm sử dụng đất để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng

36

2.3.1

Sử dụng đất cho phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở một số nước trên
thế giới

36

iii


2.3.2

Kinh nghiệm phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại một số nước trên
thế giới


37

2.3.3

Một số công trình nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái trên thế giới

44

2.3.4

Bài học kinh nghiệm về quản lý và khai thác du lịch sinh thái cộng đồng
tại một số quốc gia

46

2.3.5

Sử dụng đất phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở Việt Nam

48

2.4

Định hướng nghiên cứu của đề tài

54

Phần 3 Nội dung và phương pháp nghiên cứu


56

3.1

Nội dung nghiên cứu

56

3.1.1

Đặc điểm điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tại huyện Giao Thủy

56

3.1.2

Thực trạng sử dụng đất phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại huyện Giao
Thủy

3.1.3

56

Đánh giá tiềm năng sử dụng đất để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng
tại huyện Giao Thủy

3.1.4

56


Định hướng sử dụng đất để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại
huyện Giao Thủy

56

3.2

Phương pháp nghiên cứu

56

3.2.1

Phương pháp thu thập tài liệu, số liệu thứ cấp

56

3.2.2

Phương pháp thu thập tài liệu, số liệu sơ cấp

57

3.2.3

Phương pháp phân tích, xử lý số liệu

58

3.2.4


Xây dựng thang đo và các biến quan sát

58

3.2.5

Phương pháp đánh giá tiềm năng đất

59

3.2.6

Phương pháp minh họa bằng bản đồ

60

3.2.7

Phương pháp phân tích SWOT

60

Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận

62

4.1

Đặc điểm điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội huyện Giao Thủy


62

4.1.1

Điều kiện tự nhiên huyện Giao Thủy

62

4.1.2

Điều kiện kinh tế, xã hội của huyện Giao Thủy

68

4.1.3

Tình hình quản lý sử dụng đất huyện Giao Thủy

73

4.2

Thực trạng sử dụng đất phát triển du lịch sinh thái cộng đồng huyện

4.2.1

Giao Thủy

82


Hiện trạng sử dụng đất phục vụ du lịch huyện Giao Thủy

82

iv


4.2.2

Thực trạng du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn huyện Giao Thủy

4.3

Đánh giá tiềm năng sử dụng đất để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng
tại huyện Giao Thủy

4.3.1

98

Tài nguyên phát triển du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn huyện
98

Giao Thủy
4.3.2

Tiềm năng sử dụng đất phát triển du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn
huyện Giao Thủy


4.3.3

111

Phân tích SWOT về tiềm năng sử dụng đất để phát triển du lịch sinh thái
cộng đồng tại huyện Giao Thủy

4.4

85

115

Định hướng sử dụng đất để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại
huyện Giao Thủy

118

4.4.1

Căn cứ xây dựng định hướng sử dụng đất

118

4.4.2

Định hướng sử dụng đất phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại huyện

4.4.3


Giao Thủy

122

Đề xuất một số giải pháp sử dụng đất để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng

140

Phần 5 Kết luận và kiến nghị

148

5.1

Kết luận

148

5.2

Kiến nghị

150

Danh mục các công trình đã công bố

151

Tài liệu tham khảo


152

Phụ lục

162

v


DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT

Chữ viết tắt

Nghĩa tiếng Việt

CN - TTCN - XD

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng

CNH - HĐH

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa

ĐDSH

Đa dạng sinh học

DLST

Du lịch sinh thái


GDP

Tổng sản phẩm quốc nội (Gross Domestic Product)

HĐND

Hội đồng nhân dân

HST

Hệ sinh thái

IUCN

Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên quốc tế

KBTTN

Khu bảo tồn thiên nhiên

KTXH

Kinh tế - xã hội

MCD

Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng
(Centre for Marinelife Conservation and Community Development)


NTTS

Nuôi trồng thủy sản

TCVN

Tiêu chuẩn Việt Nam

TKKKĐĐ

Thống kê, kiểm kê đất đai

TNMT

Tài nguyên Môi trường

UBND

Ủy ban nhân dân

UNUNWTO

Tổ chức du lịch thế giới (World Tourism Organization)

VQG

Vườn quốc gia

WWF


Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (World Wide Fund For Nature)

XHCN

Xã hội chủ nghĩa

vi


DANH MỤC CÁC BẢNG

TT

Tên bảng

Trang

2.1.

Các bước thực hiện quy hoạch du lịch sinh thái

19

2.2.

Đánh giá tính hấp dẫn của tài nguyên du lịch tự nhiên

23

3.1.


Khung phân tích SWOT về sử dụng đất để phát triển du lịch sinh thái
cộng đồng

61

4.1.

Chỉ tiêu phát triển kinh tế huyện giai đoạn 2010 – 2015

68

4.2.

Dân số và lao động huyện Giao Thủy giai đoạn 2010 - 2015

71

4.3.

Hiện trạng sử dụng đất huyện Giao Thủy năm 2015

79

4.4.

Biến động sử dụng đất huyện Giao Thủy giai đoạn 2005 - 2015

80


4.5.

Biến động sử dụng đất phục vụ du lịch huyện Giao Thủy
giai đoạn 2000 - 2015

4.6.

83

Hiện trạng sử dụng một số loại đất phục vụ du lịch huyện Giao Thủy
năm 2015

84

4.7.

Số lượng khách du lịch huyện Giao Thủy giai đoạn 2010 – 2015

86

4.8.

Thông tin về sử dụng dịch vụ của du khách tại huyện Giao Thủy

87

4.9.

Lao động phục vụ du lịch huyện Giao Thủy giai đoạn 2010 - 2015


88

4.10. Thông tin về lao động phục vụ du lịch tại huyện Giao Thủy

89

4.11. Doanh thu từ du lịch huyện Giao Thủy giai đoạn 2010 – 2015

90

4.12. Đánh giá của người dân về hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng tại
huyện Giao Thủy

91

4.13. Thông tin về du khách trả lời phỏng vấn tại huyện Giao Thủy

92

4.14. Đánh giá của du khách về tài nguyên du lịch huyện Giao Thủy

93

4.15. Mức độ hài lòng của du khách về an ninh trật tự và đảm bảo an toàn tại
huyện Giao Thủy

93

4.16. Các vấn đề về văn hóa xã hội trong du lịch sinh thái cộng đồng tại huyện
Giao Thủy


94

4.17. Mức độ hài lòng của du khách về dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ tại huyện
Giao Thủy

95

vii


4.18. Mức độ hài lòng của du khách về dịch vụ nhà nghỉ trong dân tại huyện
Giao Thủy

96

4.19. Mức độ hài lòng của du khách về dịch vụ ăn uống tại huyện Giao Thủy

97

4.20. Một số loài động vật chính của Vườn Quốc gia Xuân Thủy,
huyện Giao Thủy

102

4.21. Kết quả đánh giá tiềm năng du lịch Vườn Quốc gia Xuân Thủy, huyện
Giao Thủy

102


4.22. Kết quả đánh giá tài nguyên khu du lịch Quất Lâm, Giao Phong huyện
Giao Thủy

104

4.23. Kết quả đánh giá các di tích lịch sử văn hóa phục vụ du lịch huyện Giao
Thủy

106

4.24. Kết quả đánh giá các lễ hội văn hóa phục vụ du lịch huyện Giao Thủy

108

4.25. Kết quả đánh giá làng nghề phục vụ du lịch huyện Giao Thủy

108

4.26. Kết quả đánh giá cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch huyện Giao Thủy

110

4.27. Kết quả đánh giá tiềm năng du lịch sinh thái cộng đồng tại huyện Giao
Thủy

111

4.28. Tiềm năng sử dụng đất để phát triển du lịch huyện Giao Thủy

114


4.29. Tổng hợp tiềm năng phát triển du lịch sinh thái huyện Giao Thủy

115

4.30. Phân tích SWOT về sử dụng đất để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng

118

4.31. Dự báo lượng khách du lịch đến huyện Giao Thủy đến năm 2020 và định
hướng đến năm 2030

124

4.32. Quy hoạch các phân khu của VQG Xuân Thủy theo chức năng

133

4.33. Một số tuyến điểm du lịch chủ yếu tại huyện Giao Thủy

137

4.34. Tổng hợp diện tích đất xây dựng phục vụ phát triển du lịch sinh thái đến
năm 2020 và định hướng đến năm 2030 huyện Giao Thủy

139

4.35. Định hướng sử dụng đất phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng huyện Giao
Thủy đến năm 2030


139

viii


DANH MỤC CÁC BIỂU ĐỒ

TT

Tên biểu đồ

Trang

4.1

Cơ cấu kinh tế huyện Giao Thuỷ giai đoạn 2010 – 2015

69

4.2

Cơ cấu sử dụng đất huyện Giao Thuỷ năm 2015

78

4.3

Tình hình biến động đất đai huyện Giao Thủy giai đoạn 2005-2015

82


ix


DANH MỤC CÁC HÌNH

TT

Tên hình

Trang

2.1.

Sơ đồ phân loại tài nguyên du lịch

16

2.2.

Các bước thực hiện quy hoạch du lịch sinh thái

19

4.1.

Sơ đồ vị trí huyện Giao Thuỷ

63


4.2.

Ảnh vệ tinh khu vực Vườn Quốc gia Xuân Thủy

99

4.3.

Quần thể đền chùa Hà Cát tại xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy

106

4.4.

Hội làng Hoành Nha, xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy

107

4.5.

Hội bơi chải, xã Giao Hải, huyện Giao thủy

107

4.6.

Làng mắm Sa Châu, xã Giao Châu, huyện Giao Thủy

109


4.7.

Cánh đồng muối tại xã Bạch Long, huyện Giao Thủy

109

4.8.

Chương trình phát triển cộng đồng của Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển
và Phát triển Cộng đồng tại Giao Thủy

4.9.

113

Mô hình trồng nấm sò của hộ nông dân tại xã Giao An thuộc vùng đệm
VQG Xuân Thuỷ

129

4.10. Phân khu chức năng Vườn Quốc gia Xuân Thủy

133

4.11. Cơ cấu đồng quản lý tài nguyên Vườn Quốc Gia

145

x



TRÍCH YẾU LUẬN ÁN
Họ tên NCS: Doãn Quang Hùng
Tên luận án: Nghiên cứu thực trạng và định hướng sử dụng đất gắn với du lịch sinh
thái cộng đồng vùng ven biển huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.
Chuyên ngành: Quản lý đất đai;
Mã số: 62 85 01 03
Tên cơ sở đào tạo: Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Mục đích nghiên cứu
- Đánh giá thực trạng và định hướng sử dụng đất để phát triển du lịch sinh
thái cộng đồng huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định.
- Đề xuất giải pháp sử dụng đất để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng trên
địa bàn huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định.
Phương pháp nghiên cứu
Trong luận án, sử dụng kết hợp 2 nhóm phương pháp chính đó là thu thập tài
liệu số liệu và xử lý số liệu và được chia thành 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Sau khi thu thập tài liệu, số liệu thứ cấp, tiến hành điều tra với
400 phiếu là khách du lịch, 400 đại diện của các hộ gia đình cá nhân tham gia vào
các hoạt động du lịch. Tiến hành đánh giá tiềm năng đất phục vụ phát triển du lịch
sinh thái cộng đồng.
Giai đoạn 2: Sử dụng phương pháp phân tích định lượng và định tính (thống
kê mô tả) trong SPSS để thống kê đặc tính của các đối tượng điều tra theo nhóm;
phương pháp thống kê so sánh; phương pháp dự báo nhu cầu sử dụng đất.
Kết quả chính và kết luận
1) Giao Thủy là huyện ven biển của tỉnh Nam Định với diện tích tự nhiên là
23.775,62 ha. Huyện có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng với vườn
Quốc gia Xuân Thủy rộng 7.100 ha, có bãi biển Quất Lâm, Giao Phong đẹp hoang
sơ; có nhiều di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, nhiều lễ hội đặc trưng có điều
kiện để phát triển các tuyến du lịch đặc sắc. Người dân trên địa bàn huyện ngày càng

có xu hướng tham gia nhiều hơn vào hoạt động du lịch. Đây là điều kiện thuận lợi để
huyện phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.
2) Với diện tích đất khu du lịch lớn nhất trong tổng diện tích đất khu du lịch
tỉnh Nam Định, cùng với sự phát triển của các hoạt động du lịch, trong giai đoạn
2000 – 2015 việc sử dụng đất phục vụ du lịch huyện Giao Thủy cũng có sự thay đổi
đáng kể. Cụ thể: diện tích đất khu bảo tồn thiên nhiên tăng 4.351,60 ha; diện tích đất
khu du lịch tăng 379,43 ha; diện tích đất phát triển hạ tầng tăng 1424,09 ha; các vấn
đề về cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống tương đối tốt. Một số du khách
còn băn khoăn với thái độ lịch sự, mức độ xảy ra sai sót trong quá trình phục vụ, có
khu vệ sinh sạch sẽ, việc đồ ăn chế biến ngon tại các nhà nghỉ, khách sạn, nhà dân
tham gia hoạt động du lịch, sự an toàn về con người và tài sản khi du lịch tại huyện
Giao Thủy. Hầu hết người dân chỉ nói bằng tiếng Việt nên khi giao tiếp chủ yếu
bằng cử chỉ hành động, dẫn đến nhiều bất lợi đối với khách là người nước ngoài.
3) Kết quả đánh giá tiềm năng sử dụng đất để phát triển du lịch sinh thái cộng

xi


đồng tại huyện Giao Thủy cho thấy:
Huyện Giao Thủy có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái cộng
đồng. Kết quả đánh giá cho thấy có 3/10 tiêu chí (tính liên kết, sức chứa, chất lượng
dịch vụ) được đánh giá ở mức cao. 7/10 tiêu chí còn lại (các tiêu chí: tính hấp dẫn,
tính an toàn, tính bền vững của môi trường tự nhiên, tính thời vụ, cơ sở hạ tầng, chất
lượng cảm nhận và ở mức độ hài lòng đối với tiêu chí sự thỏa mãn) được đánh giá ở
mức khá.
Về tiềm năng sử dụng đất, vườn Quốc gia Xuân Thủy có thể mở rộng thêm
hàng nghìn ha; diện tích đất ngập nước có thể mở rộng thêm 460 ha, diện tích đất
nuôi trồng thủy sản có thể mở rộng thêm 642,56 ha; Huyện có khả năng mở rộng
diện tích đất tự nhiên 1.500 ha tại các xã ven biển và đưa diện tích đất chưa sử dụng
vào sử dụng nên có nhiều tiềm năng sử dụng đất để phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển

đổi cơ cấu sử dụng đất nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đồng thời phát triển mở rộng
các mô hình sản xuất gắn liền với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Mặt khác,
mô hình du lịch sinh thái cộng đồng đang được mở rộng trên địa bàn huyện; các di
tích lịch sử nhiều và đang được tu bổ, nâng cấp; các lễ hội và các làng nghề truyền
thống đang được khôi phục và phát triển; cơ sở hạ tầng đang ngày càng được mở
rộng, nâng cấp.
4) Định hướng nhu cầu mở rộng diện tích đất phục vụ phát triển du lịch sinh
thái cộng đồng tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đến năm 2020 là 12.213,65 ha;
định hướng đến năm 2030 là 14.122,88 ha; phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng
theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng được nhu cầu cho phát triển du lịch sinh thái
cộng đồng. Đã hình thành 6 tuyến du lịch trong huyện và hàng chục tuyến du lịch liên
kết với các địa phương lân cận.
5) Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất khu du lịch huyện Giao Thủy theo hướng
du lịch sinh thái cộng đồng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
+ Giải pháp về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: xác định chiến lược và thứ tự
ưu tiên các vùng, điểm và khu du lịch phù hợp với quy hoạch tổng thể và theo chiến
lược tổng quát toàn vùng.
+ Giải pháp phát triển nguồn nhân lực: có có chế chính sách phát triển nguồn
nhân lực phù hợp, có chiến lược và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch
sinh thái cộng đồng chất lượng cao, chuyên nghiệp.
+ Giải pháp về tuyên truyền, quảng bá: đảm bảo an ninh trật tự đối với hoạt
động du lịch, tăng cường quảng bá du lịch đến khách du lịch trong nước và quốc tế.
+ Giải pháp về bảo vệ tài nguyên và môi trường: xây dựng cơ chế đồng quản lý
và bảo vệ tài nguyên môi trường hiệu quả, hợp lý đảm bảo đồng thời mục tiêu phát triển
kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường.
+ Giải pháp về huy động và thu hút vốn đầu tư: đa dạng hóa các hình thức và
các nguồn vốn đầu tư nhằm đảm bảo các tài nguyên du lịch được khai thác hợp lý, hiệu
quả và bền vững.

xii



THESIS ABSTRACT
Ph.D candidate: Doan Quang Hung
Thesis title: Study on the current situation and land use orientation associated with
community ecotourism in coastal area in Giao Thuy District, Nam Dinh Province.
Major: Land Management;

Code: 62 85 01 03

Educational organization: Vietnam National University of Agriculture (VNUA)
Research objectives
Assess the situation and oriente land use for developing community
ecotourism in Giao Thuy District.
Propose solutions to use land for community ecotourism development in Giao
Thuy District, Nam Dinh Province.
Materials and methods
In the thesis, two groups of method were used, they are gathering data and
processing data, and is divided into two stages:
Phase 1: After collecting documents and secondary data, conducted surveys
with 400 tourists and 400 representatives of individual households engaged in tourism
activities. Evaluate land for community based on ecotourism.
Phase 2: Using quantitative analysis and qualitative (descriptive statistics) in
SPSS for statistical characteristics of the respondents as a group; comparative
statistical methods; forecasting methods to determine demand of land use.
The main findings and conclusions
1) Giao Thuy is a coastal district of Nam Dinh province with the total area of
23,775.62 ha. The district has potential for development of ecotourism community
with a Xuan Thuy National Park covering an an area 7,100 ha, Quat Lam beach,
unspoiled beauty of Giao Phong; There are many ranked historical and cultural sites ,

many festivals characterized by conditions to develop special tourist routes. People in
the district are increasingly inclined to participate more in tourism. This is a favorable
condition for the district to develop community-based ecotourism.
2) With the largest land area of Nam Dinh tourist area, along with the
development of tourism activities, in the period 2000 - 2015, the land use for tourism
in Giao Thuy district There are also significant changes. Specifically: the area of the
nature reserve increased 4,351.60 ha; Land area of the tourist area increased by 379.43
hectares; Area of infrastructure development increased 1424.09 hectares; The
problems of infrastructure: accommodation, food service are relatively good. Some
visitors still worry about the politeness, the level of errors in the service process, clean
toilets, delicious food processing in the hotel, guest house and home. Tourism, good
security for tourists and property when traveling in Giao Thuy district. Most people
only speak in Vietnamese, so when communicating mainly with gestures of action
causing troubles to foreigners.

xiii


3) The results of the assessment of land use potential for community
ecotourism development in Giao Thuy district show that:
Giao Thuy has great potential to develop community ecotourism. The results
show that 3 out of 10 criteria (linkage, capacity, quality of service) are highly
evaluated. 7 out of 10 criteria (criteria for attractiveness, safety, sustainability of the
natural environment, seasonality, infrastructure, perceived quality and satisfaction
with ) is rated at a decent level.
Regarding land use potential, Xuan Thuy National Park can be expanded to
thousands of hectares; The wetland area can be expanded by 460 hectares, the area of
aquaculture land can be expanded by 642.56 hectares. The district has the capacity to
expand the area of 1,500 ha of natural land in coastal communes and put unused land
into use. Therefore, there are many potential uses of land for infrastructure

development, Utilize land to improve land use efficiency and at the same time develop
and expand production models associated with community ecotourism development.
On the other hand, the model of community-based ecotourism is being expanded in
the district; Many historical relics are being renovated and upgraded; Traditional
festivals and traditional craft villages are being restored and developed; Infrastructure
is increasingly being expanded and upgraded.
4) Orienting the need to expand land area for community-based ecotourism
development in Giao Thuy district, Nam Dinh province to 2020 is 12,213.65 hectares;
The orientation to 2030 is 14,122.88 hectares; To develop a synchronous system of
civilized and modern infrastructure to meet the demand for community ecotourism
development. Six tourism routes have been established in the district and dozens of
tourist routes linking with neighboring localities.
5) In order to improve the effectiveness of land use in Giao Thuy district, the
community should implement the following solutions:
+ Solutions on land use planning and planning: determine the strategy and
priority order of sites, sites and tourist resorts in line with the master plan and the
general strategy of the whole region.
+ Human resource development solutions: create mechanisms and policies to
develop appropriate human resources with strategies and plans on training human
resources for community-based ecotourism of high quality and professionalism.
+ Solutions for propagation and promotion: ensuring security and order for
tourist activities, promoting tourism to tourists in the country and internationally.
+ Solutions for protection of natural resources and environment: develop an
effective and rational mechanism for co-management and protection of environmental
resources, ensuring the socio-economic development and environmental protection
objectives.
+ Solutions for mobilizing and attracting investment capital: diversify forms
and sources of investment capital so as to ensure that the tourist resources are
exploited reasonably, efficiently and sustainably.


xiv


PHẦN 1. MỞ ĐẦU

1.1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI
Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển du lịch do được thiên nhiên ưu ái
với vùng biển, đảo khoảng 1.000.000 km2 và khoảng 3.260 km bờ biển giàu tài
nguyên như các rạn san hô, tảo biển và rừng ngập mặn; hệ thống sinh vật biển đa
dạng, phong phú có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là các khu dự trữ sinh quyển, vườn
quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên. Không chỉ có hệ động thực vật đa dạng,
cảnh quan đẹp, hoang sơ, Việt Nam còn có một nền văn hóa đặc sắc, là kết tinh
của 54 dân tộc anh em qua hàng nghìn năm lịch sử. Lượng khách du lịch quốc tế
đến với Việt Nam ngày càng tăng. Năm 2013, cả nước đã đón 7,57 triệu lượt
khách quốc tế, tăng 10,6% so với năm 2012 (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
2013). Năm 2015 đón 7,94 triệu lượt, tăng 0,9 % so với năm 2014 (Thế Phi, 2016).
Trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch sinh thái (DLST) cộng đồng được xem là
loại hình du lịch đặc thù có tiềm năng, được ưu tiên phát triển trong chiến lược
phát triển du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát triển loại hình du lịch này hiện
còn nhiều hạn chế do đây là một lĩnh vực mới cả về lý luận và thực tiễn. Các hoạt
động DLST cộng đồng hiện tại còn đơn sơ, chưa đáp ứng yêu cầu giáo dục nâng
cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng với việc bảo tồn các giá trị của môi trường
tự nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa, cũng như chưa mang lại
những giá trị đích thực đối với lợi ích của cộng đồng. Việc tiến hành nghiên cứu
phát triển DLST cộng đồng không chỉ giải quyết hài hòa các vấn đề cấp thiết đặt
ra, mà còn nâng cao đời sống dân cư, giảm áp lực lên tài nguyên, bảo tồn và phát
huy các giá trị văn hóa truyền thống bản địa, đa dạng sinh học (ĐDSH). Để phát
triển DLST cộng đồng, ngoài nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và du lịch nhân
văn không thể thiếu được nguồn tài nguyên du lịch về cơ sở hạ tầng. Vì vậy, quy
hoạch sử dụng đất (QHSDĐ) có liên quan chặt chẽ đến việc sử dụng đất phát triển

DLST cộng đồng.
Giao Thuỷ là huyện ven biển của tỉnh Nam Định với diện tích tự nhiên
23.775,62 ha, nằm trong hành lang của vùng Đồng bằng sông Hồng, giữa 2 cửa
sông lớn là cửa Ba Lạt và cửa Hà Lạn. Huyện có cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn
với 32 km bờ biển, bãi biển đẹp; nhiều làng quê có nghề truyền thống, trù phú

1


mang những nét đặc trưng của làng quê vùng Đồng bằng Bắc Bộ, không khí
trong lành, yên tĩnh, môi trường tự nhiên trong sạch. Huyện có VQG Xuân
Thủy với 7.100 ha diện tích tự nhiên, nằm trong vùng lõi của khu vực dự trữ sinh
quyển vùng Đồng bằng sông Hồng. Vùng đệm rộng 8.000 ha, bao gồm diện tích
tự nhiên của 5 xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải. Theo
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm
2030, VQG Xuân Thủy là một trong các điểm du lịch cần được chú trọng phát
triển với các hướng khai thác sản phẩm đặc trưng là DLST.
Trước đây, nền kinh tế của huyện Giao Thuỷ chủ yếu phát triển theo hướng
nông - lâm - ngư nghiệp. Đến nay, bên cạnh các ngành nghề truyền thống, huyện xác
định dịch vụ với DLST là mũi nhọn (Huyện uỷ Giao Thủy, 2015). Việc phát triển
DLST, bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng trên địa bàn huyện đã đạt được
những thành tựu khả quan, du khách trong nước và nước ngoài đến với huyện
Giao Thủy ngày càng nhiều, doanh thu du lịch tăng nhanh thúc đẩy tăng trưởng
KTXH, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao. Mô hình DLST cộng đồng
ở đây đã tạo được sự liên kết, gắn bó quyền lợi của người dân với môi trường
thiên nhiên, giống như xây dựng được thêm một hàng rào vô hình bảo vệ môi
trường cho khu vực đất ngập nước này. Nhiều người dân trước đây sinh sống
bằng nghề săn bắt chim, khai thác thuỷ sản trái phép đều chuyển sang làm du
lịch hoặc tham gia vào đội bảo vệ chim rừng cho VQG… Tuy nhiên, để người
dân nhận thức tốt hơn về vấn đề này thì phải đặt họ vào vị trí trung tâm của sự

hợp tác với chính quyền, nguồn tài nguyên biển và các hãng lữ hành, gắn quyền
lợi của họ với lợi ích của tài nguyên này. Hợp tác tốt với dân là chìa khóa cho
việc sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường ven biển. Do vậy, việc
thực hiện đề tài nghiên cứu thực trạng và định hướng sử dụng đất gắn với
DLST cộng đồng vùng ven biển huyện Giao Thủy là rất cần thiết nhằm góp
phần phát triển kinh tế xã hội bền vững.
1.2. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
- Đánh giá thực trạng và định hướng sử dụng đất để phát triển DLST cộng
đồng huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định.
- Đề xuất giải pháp sử dụng đất để phát triển DLST cộng đồng trên địa
bàn huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định.

2


1.3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
1.3.1. Đối tượng nghiên cứu
- Các yếu tố tác động đến sử dụng đất trong phát triển DLST cộng đồng.
- Quỹ đất phát triển DLST cộng đồng huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.
- Các chủ thể tham gia hoạt động du lịch: khách du lịch, các đối tượng
tham gia hoạt động quản lý và phục vụ du lịch.
1.3.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi không gian: nghiên cứu trong phạm vi địa giới hành chính huyện
Giao Thủy bao gồm 20 xã và 02 thị trấn. Trong đó có 05 xã thuộc vùng đệm
Vườn Quốc gia Xuân Thủy là Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và
Giao Hải. Giao Phong là xã có tiềm năng phát triển DLST nghỉ dưỡng chất lượng
cao. Thị trấn Quất Lâm là khu du lịch nghỉ mát tắm biển.
Phạm vi thời gian: các vấn đề liên quan đến đối tượng và địa bàn nghiên cứu
trong giai đoạn 2005 - 2015. Số liệu sơ cấp điều tra trong 2 năm 2014 và 2015.
1.4. NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

- Xác định được tiềm năng sử dụng đất để phát triển DLST cộng đồng trên
địa bàn huyện Giao Thủy.
- Xác định được nhu cầu và định hướng sử dụng đất để phát triển DLST cộng
đồng phù hợp với sự phát triển KTXH bền vững trên địa bàn huyện Giao Thủy.
1.5. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI
1.5.1. Ý nghĩa khoa học
Góp phần bổ sung cơ sở khoa học cho việc sử dụng đất phục vụ phát triển
DLST cộng đồng vùng ven biển.
1.5.2. Ý nghĩa thực tiễn
Cung cấp cơ sở khoa học cho chính quyền địa phương trong việc tổ chức
thực hiện, nâng cao hiệu quả công tác quản lý sử dụng đất phát triển DLST cộng
đồng; phát triển sinh kế mới cho dân cư bản địa, kết hợp nâng cao ý thức của
người dân trong lĩnh vực bảo vệ nguồn tài nguyên và môi trường ven biển cũng
như trên địa bàn toàn huyện nhằm thực hiện mục tiêu phát triển KTXH của
địa phương.

3


PHẦN 2. TỔNG QUAN TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU
2.1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ DU LỊCH SINH THÁI CỘNG ĐỒNG
2.1.1. Khái quát chung về du lịch
2.1.1.1. Khái niệm du lịch
Từ giữa thế kỷ XIX, du lịch bắt đầu phát triển mạnh và ngày nay đã trở
thành một hiện tượng kinh tế - xã hội (KTXH) phổ biến. Nhiều nước đã lấy chỉ
tiêu đi du lịch của dân cư là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc
sống. Tuy nhiên, khái niệm “du lịch” được hiểu rất khác nhau tùy theo mỗi quốc
gia và tùy từng góc độ. Theo cách tiếp cận của các đối tượng liên quan đến hoạt
động du lịch, du lịch được hiểu như sau:
- Đối với người đi du lịch: du lịch là cuộc hành trình và lưu trú của họ ở

ngoài nơi cư trú để thoả mãn các nhu cầu khác nhau: hoà bình, hữu nghị, tìm
kiếm kinh nghiệm sống hoặc thoả mãn các nhu cầu về vật chất và tinh thần khác.
- Đối với người kinh doanh du lịch: du lịch là quá trình tổ chức các điều
kiện về sản xuất và phục vụ nhằm thoả mãn, đáp ứng các nhu cầu của người du
lịch và đạt được mục đích số một của mình là thu lợi nhuận.
- Đối với chính quyền địa phương: du lịch là việc tổ chức các điều kiện về
hành chính, về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật để phục vụ khách du lịch, là
tổng hợp các hoạt động kinh doanh nhằm tạo điều kiện cho khách du lịch trong việc
hành trình và lưu trú, là cơ hội để bán các sản phẩm của địa phương, tăng thu ngoại
tệ, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho dân địa phương.
- Đối với cộng đồng dân cư sở tại: du lịch là một hiện tượng KTXH, là
hoạt động du lịch tại địa phương, vừa đem lại những cơ hội để tìm hiểu nền văn
hoá, phong cách của những người ngoài địa phương, vừa là cơ hội để tìm việc
làm, phát huy các nghề cổ truyền, tăng thu nhập nhưng đồng thời cũng gây ảnh
hưởng đến đời sống người dân sở tại như về môi trường, trật tự an ninh xã hội,
nơi ăn, chốn ở,...
Theo tổ chức du lịch thế giới (UNWTO, 2004) "Du lịch là hoạt động về
chuyến đi đến một nơi khác với môi trường sống thường xuyên của con người và
ở lại đó để tham quan, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí hay các mục đích khác ngoài
các hoạt động để có thù lao ở nơi đến với thời gian liên tục ít hơn 1 năm".
Theo Luật Du lịch Việt Nam: “Du lịch là hoạt động của con người

4


ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm thoả mãn nhu cầu tham quan,
giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định” (Quốc hội nước
CHXHCNVN, 2005).
Như vậy, du lịch là một hoạt động đặc thù, có liên quan đến các hoạt động
KTXH khác nhau nhằm đem lại các lợi ích về kinh tế, chính trị, xã hội và có liên

quan đến nhiều đối tượng (khách du lịch, nhà quản lý, nhà kinh doanh, cộng
đồng địa phương nơi có tài nguyên du lịch…). Hoạt động du lịch có tác động
theo các cách khác nhau đến lãnh thổ các quốc gia phụ thuộc vào các loại hình du
lịch và các tài nguyên du lịch.
Theo Nguyễn Văn Hợp (2014), sự phát triển du lịch đòi hỏi những điều
kiện khách quan cần thiết nhất định. Một số điều kiện chung bắt buộc phải có với
tất cả các quốc gia, các vùng muốn phát triển du lịch. Ngoài ra, mỗi quốc gia,
mỗi vùng cần có những điều kiện mang tính đặc thù để phát triển các loại hình du
lịch, đó là điều kiện về tài nguyên du lịch và sự sẵn sàng phục vụ khách du lịch.
2.1.1.2. Khách du lịch
Theo Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO, 2004), khách du lịch bao gồm
khách du lịch quốc tế và khách du lịch trong nước:
+ Khách du lịch quốc tế (International tourist): khách du lịch quốc tế đến
(Inbound tourist): là những người từ nước ngoài đến du lịch một quốc gia. Khách
du lịch quốc tế ra nước ngoài (Outbound tourist): là những người đang sống
trong một quốc gia đi du lịch nước ngoài.
+ Khách du lịch trong nước (Internal tourist): gồm những người là công
dân của một quốc gia và những người nước ngoài đang sống trên lãnh thổ quốc
gia đó đi du lịch trong nước.
+ Khách du lịch nội địa (Domestic tourist): bao gồm khách du lịch trong
nước và khách du lịch quốc tế đến. Đây là thị trường cho các cơ sở lưu trú và các
nguồn thu hút khách trong một quốc gia.
+ Khách du lịch quốc gia (National tourist): gồm khách du lịch trong
nước và khách du lịch quốc tế ra nước ngoài.
Theo Luật Du lịch Việt Nam (Quốc hội nước CHXHCNVN, 2005):
- Khách du lịch là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp
đi học, làm việc hoặc hành nghề để nhận thu nhập ở nơi đến.
- Khách du lịch quốc tế (International tourist): là người nước ngoài, người

5



Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch và công dân Việt Nam,
người nước ngoài cư trú tại Việt Nam ra nước ngoài du lịch.
- Khách du lịch nội địa (Domestic tourist): là công dân Việt Nam và người
nước ngoài cư trú tại Việt Nam đi du lịch trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
2.1.1.3. Tài nguyên du lịch
Tài nguyên du lịch (tourism resources) là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự
nhiên, di tích lịch sử, văn hoá, công trình lao động sáng tạo của con người và các giá
trị nhân văn khác có thể được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch. Đó là yếu tố
cơ bản để hình thành các khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch. Tài
nguyên du lịch có thể thuộc sở hữu nhà nước hoặc sở hữu của tổ chức, cá nhân.
Tài nguyên du lịch được chia thành 2 nhóm: (i) tài nguyên du lịch tự nhiên
gồm các yếu tố địa chất, địa hình, địa mạo, khí hậu, thuỷ văn, HST, cảnh quan
thiên nhiên có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch; (ii) tài nguyên du lịch
nhân văn gồm truyền thống văn hóa, các yếu tố văn hoá, văn nghệ dân gian, di
tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, các công trình lao động sáng tạo của
con người và các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể khác có thể được sử dụng
phục vụ mục đích du lịch.
Tài nguyên du lịch phải được bảo vệ, tôn tạo và khai thác hợp lý để phát
huy hiệu quả sử dụng và bảo đảm phát triển du lịch bền vững. Nhà nước thống
nhất quản lý tài nguyên du lịch trong phạm vi cả nước, có chính sách và biện
pháp để bảo vệ, tôn tạo và khai thác hợp lý tài nguyên du lịch (Quốc hội nước
CHXHCNVN, 2005).
2.1.1.4. Điểm du lịch
Điểm du lịch (Places of interest) là nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn,
phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch. Điểm du lịch quốc gia do Thủ
tướng Chính phủ quyết định công nhận phải đảm bảo các điều kiện (Quốc hội
nước CHXHCNVN, 2005):
- Có tài nguyên du lịch đặc biệt hấp dẫn.

- Có khả năng bảo đảm phục vụ tối thiểu một trăm nghìn lượt khách du
lịch một năm.
- Có đường giao thông thuận tiện đến điểm du lịch, có các dịch vụ: bãi đỗ
xe, có khu vệ sinh công cộng, phòng cháy chữa cháy, cấp, thoát nước, thông tin
liên lạc và các dịch vụ khác đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch.

6


- Đáp ứng các điều kiện về bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự, vệ sinh môi
trường theo quy định của pháp luật.
2.1.1.5. Khu du lịch
Khu du lịch (tour area): là nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn với ưu thế về
tài nguyên du lịch tự nhiên, được quy hoạch, đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu
cầu đa dạng của khách du lịch, đem lại hiệu quả về KTXH và môi trường. Khu
du lịch quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận phải đảm bảo các
điều kiện (Quốc hội nước CHXHCNVN, 2005):
- Có tài nguyên du lịch đặc biệt hấp dẫn với ưu thế về cảnh quan thiên
nhiên, có khả năng thu hút nhiều khách du lịch.
- Có diện tích tối thiểu là 1000 ha.
- Có khả năng bảo đảm phục vụ ít nhất một triệu lượt khách du lịch một năm.
- Có quy hoạch phát triển khu du lịch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Có mặt bằng, không gian đáp ứng yêu cầu của các hoạt động tham quan,
nghỉ ngơi, giải trí trong khu du lịch.
- Có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch và dịch vụ đạt tiêu
chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành.
- Có cơ sở lưu trú du lịch, khu vui chơi giải trí, thể thao và các cơ sở dịch
vụ đồng bộ khác.
2.1.1.6. Tuyến du lịch
Theo Điều 4, Điều 25, Luật Du lịch (Quốc hội nước CHXHCNVN, 2005)

tuyến du lịch (tour itinerary) là lộ trình liên kết các khu du lịch, điểm du lịch, cơ
sở cung cấp dịch vụ du lịch, gắn với các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt,
đường thuỷ, đường hàng không. Điều kiện để được công nhận là tuyến du lịch:
- Tuyến du lịch quốc gia: nối các khu du lịch, điểm du lịch, trong đó có
khu du lịch, điểm du lịch quốc gia, có tính chất liên vùng, liên tỉnh, kết nối với
các cửa khẩu quốc tế; có biện pháp bảo vệ cảnh quan, môi trường và cơ sở dịch
vụ phục vụ khách du lịch dọc theo tuyến.
- Tuyến du lịch địa phương: nối các khu du lịch, điểm du lịch trong phạm
vi địa phương; có biện pháp bảo vệ cảnh quan, môi trường và cơ sở dịch vụ phục
vụ khách du lịch dọc theo tuyến.

7


2.1.1.7. Dịch vụ du lịch
Dịch vụ du lịch (travel service) là việc cung cấp các dịch vụ về lữ hành,
vận chuyển, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, thông tin, hướng dẫn và những
dịch vụ khác nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
2.1.1.8. Cơ sở lưu trú du lịch
Theo quy định tại Điều 4, Luật Du lịch năm 2005; Điều 17, Nghị định số
92/2007/NĐ-CP, cơ sở lưu trú du lịch (lodging): là cơ sở cho thuê buồng, giường
và cung cấp các dịch vụ khác phục vụ khách lưu trú, trong đó khách sạn là cơ sở lưu
trú du lịch chủ yếu. Các loại cơ sở lưu trú du lịch bao gồm: khách sạn, làng du
lịch, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, bãi cắm trại du lịch, nhà nghỉ du lịch, nhà ở
có phòng cho khách du lịch thuê, các cơ sở lưu trú du lịch khác.
Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương quy định, công bố tiêu
chí cụ thể đối với từng loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch; hồ sơ, thủ tục phân loại, xếp
hạng cơ sở lưu trú du lịch để áp dụng thống nhất trong phạm vi cả nước. Tiêu chuẩn
quốc gia về xếp hạng khách sạn là TCVN 4391:2009 (Tổng cục Du lịch, 2009).
2.1.1.9. Sản phẩm du lịch

Sản phẩm du lịch (tourism product) là tập hợp các dịch vụ cần thiết để
thoả mãn nhu cầu của khách du lịch trong chuyến đi du lịch (Quốc hội nước
CHXHCNVN, 2005). Mô hình sản phẩm du lịch dựa trên các thành phần cơ bản
của sản phẩm du lịch và tùy thuộc vào đặc trưng, đặc thù của mỗi nước. Có một
số mô hình như sau:
- Mô hình 4S. Sea: biển; Sun: mặt trời, tắm nắng; Shop: cửa hàng lưu
niệm, mua sắm; Sex or Sand: hấp dẫn, khêu gợi giới tính (hay bãi cát tắm nắng).
- Mô hình 3H: Heritage: di sản văn hóa, truyền thống dân tộc; Hospitality:
lòng hiếu khách, khách sạn, nhà hàng; Honesty: tính lương thiện.
- Mô hình 6S: Mô hình của Pháp gồm Sanitaire: vệ sinh; Santé: sức khỏe;
Sécuríté: an ninh, trật tự xã hội; Sereníté: thanh thản; Service: dịch vụ, phong
cách phục vụ; Satisfaction: sự thỏa mãn (hài lòng).
2.1.1.10. Khu bảo tồn thiên nhiên
a. Khái niệm
Trong Công ước ĐDSH khu bảo tồn được định nghĩa là “một vùng địa lý
được chọn và được quản lý nhằm mục đích đạt được một số mục tiêu về bảo
tồn”. Theo IUCN (1994), “Khu bảo tồn thiên nhiên là một khu vực trên đất liền

8


hoặc trên biển được khoanh vùng để bảo vệ ĐDSH, các tài nguyên thiên nhiên và
văn hoá đi kèm, được quản lý bằng các công cụ pháp luật hoặc các hình thức
quản lý có hiệu quả khác” (IUCN 1994). Theo Chiến lược toàn cầu về ĐDSH
(WORLD RESOURCES INSTITUTE-WRI, THE WORLD CONSERVATION UNION –
IUCN, UNITED NATIONS ENVIRONMENT PROGRAMME – UNEP (1992), dt Bộ
TN&MT, 2005) thì khu bảo tồn là “một vùng đất hay nước được thành lập một
cách hợp pháp thuộc nhà nước hay tư nhân, được điều chỉnh và quản lý nhằm
bảo tồn các mục tiêu nhất định”. Theo Luật ĐDSH năm 2008 Khu bảo tồn
thiên nhiên là khu vực địa lý được xác lập ranh giới và phân khu chức năng để

bảo tồn ĐDSH.
Đến năm 1997 đã có 12.754 khu bảo tồn được Liên hợp quốc (LHQ) công
nhận. Hiện nay trên thế giới có hơn 100.000 khu BTTN (IUCN Việt Nam, 2008)
chiếm 11,7% diện tích đất liền toàn thế giới. Các khu bảo tồn được quản lý nhằm
mục đích bảo vệ nghiêm ngặt các dạng tài nguyên cho đến việc khai thác tài
nguyên được kiểm soát hoặc được sử dụng theo mục đích khác. Mỗi khu bảo tồn
đã chọn lựa mục tiêu bảo tồn riêng của mình, và trong đa số các trường hợp, đã
rất quan tâm đến điều kiện xã hội, kinh tế, môi trường, văn hoá của địa phương
có liên quan (WRI/IUCN/UNEP, 1992) (Bộ TN&MT, 2005).
b. Phân loại
Các khu bảo tồn được xác định theo các tiêu chí sau:
- Kích cỡ: chỉ những khu bảo tồn có diện tích trên 10 km2 mới được
công nhận.
- Mục tiêu quản lý: các mục tiêu quản lý đã được Hội đồng các VQG và
Khu bảo tồn, IUCN đưa ra vào năm 1978, được sửa chữa vào năm 1993 và công
bố vào năm 1994.
- Quyền lực của cơ quan quản lý: trước kia, chỉ những khu bảo tồn do
Chính phủ quản lý mới được đưa vào danh sách của Liên hợp quốc. Gần đây các
khu bảo tồn do cấp vùng hay tỉnh quản lý cũng được quan tâm.
Năm 1978 IUCN đã chia khu bảo tồn thành 10 loại theo mức độ và mục
tiêu bảo vệ khác nhau: khu bảo tồn cho nghiên cứu khoa học, VQG, công trình
thiên nhiên, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn cảnh quan, khu dự trữ tài
nguyên, khu bảo tồn nhân chủng học, khu quản lý đa dạng, khu bảo tồn sinh
quyển và khu di sản thế giới. Đến năm 1993 IUCN đã rút lại còn 6 loại
KBTTN (IUCN Việt Nam, 2004):

9



×