Tải bản đầy đủ (.pdf) (191 trang)

Văn hóa làng nghề ở nam định truyền thống và biến đổi (nghiên cứu trường hợp làng nghề chạm khắc gỗ la xuyên và làng nghề đúc đồng tống xá, huyện ý yên)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.24 MB, 191 trang )

0

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM
---------------------------------------

Trần Thị Kim Quế

VĂN HÓA LÀNG NGHỀ Ở NAM ĐỊNH,
TRUYỀN THỐNG VÀ BIẾN ĐỔI
(NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP LÀNG NGHỀ CHẠM KHẮC GỖ
LA XUYÊN VÀ LÀNG NGHỀ ĐÚC ĐỒNG TỐNG XÁ, HUYỆN Ý YÊN)

LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC

Hà Nội - 2017


1

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM
-------------------------------------------

Trần Thị Kim Quế



VĂN HÓA LÀNG NGHỀ Ở NAM ĐỊNH,
TRUYỀN THỐNG VÀ BIẾN ĐỔI
(NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP LÀNG NGHỀ CHẠM KHẮC GỖ
LA XUYÊN VÀ LÀNG NGHỀ ĐÚC ĐỒNG TỐNG XÁ, HUYỆN Ý YÊN)

Chuyên ngành: Văn hóa Dân gian
Mã số
: 62 22 01 30

LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS. BÙI QUANG THANH

Hà Nội - 2017


2

LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan rằng, bản luận án Tiến sĩ: “Văn hóa làng nghề ở Nam
Định, truyền thống và biến đổi (Nghiên cứu trường hợp làng nghề chạm khắc gỗ
La Xuyên và làng nghề đúc đồng Tống Xá, huyện Ý Yên)” là do tôi viết và chưa
công bố. Trong quá trình thực hiện luận án tôi đã kế thừa những nguồn tài liệu của
các nhà nghiên cứu đi trước và có trích dẫn đầy đủ. Kết quả nêu trong luận án là
trung thực.
Tôi xin chịu trách nhiệm về lời cam đoan này.
Hà Nội, ngày ... tháng ... năm 2017
Tác giả


Trần Thị Kim Quế


3

MỤC LỤC
Trang
LỜI CAM ĐOAN...................................................................................
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT....................................................
MỞ ĐẦU ................................................................................................

1
2
3

Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ
LÝ LUẬN, KHÁI QUÁT VỀ LÀNG NGHỀ THỦ CÔNG
TRUYỀN THỐNG TỈNH NAM ĐỊNH……………….

11

1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu…………………………….……………
1.2. Cơ sở lý luận ………………………………………………...…….

11
20

1.3. Khái quát về làng nghề truyền thống ở tỉnh Nam Định …………..
Tiểu kết ...............................................................................................


37
52

Chương 2: THỰC TRẠNG VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG LÀNG
NGHỀ TỈNH NAM ĐỊNH (NGHIÊN CỨU LÀNG NGHỀ LA
XUYÊN VÀ LÀNG NGHỀ TỐNG XÁ, HUYỆN Ý YÊN) …………

54

2.1. Những thông tin chung về địa bàn nghiên cứu
2.2. Thực trạng văn hóa truyền thống làng nghề chạm khắc gỗ La
Xuyên
2.3. Thực trạng văn hóa truyền thống làng nghề đúc đồng Tống Xá …..
Tiểu kết ...................................................................................................

54
65

Chương 3: SỰ VẬN ĐỘNG VÀ XU HƯỚNG BIẾN ĐỔI VĂN
HÓA LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG Ở TỈNH NAM ĐỊNH VẤN ĐỀ BÀN LUẬN …………………………………………………

84
107
109

3.1. Những nhân tố tác động đến sự biến đổi văn hóa làng nghề truyền
thống ở Nam Định ...................................................................................
3.2. Nhận diện sự biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống ở Nam Định
(Trường hợp làng nghề La Xuyên và Tống Xá ở huyện Ý Yên) ……………
3.3. Những vấn đề bàn luận………………………………………………...

Tiểu kết ...................................................................................................
KẾT LUẬN ............................................................................................
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ......................................

109

TÀI LIỆU THAM KHẢO …................................................................
PHỤ LỤC …...........................................................................................

158
167

118
145
151
153
157


4

DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT

CHỮ VIẾT TẮT

CHỮ VIẾT ĐẦY ĐỦ

Â.l:

Âm lịch


CCN:

Cụm công nghiệp

CNH - HĐH:

Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa

CTQG:

Chính trị Quốc gia

GS:

Giáo sư

GS.TS:

Giáo sư. Tiến sĩ

GS.TSKH:

Giáo sư. Tiến sĩ Khoa học

KHXH:

Khoa học Xã hội

KT - XH:


Kinh tế xã hội

NCS:

Nghiên cứu sinh

NN&PTNN:

Nông nghiệp và phát triển nông thôn

Nxb:

Nhà xuất bản

PGS.TS:

Phó Giáo sư. Tiến sĩ

PL:

Phụ lục

SX:

Sản xuất

TLPV:

Tư liệu phỏng vấn


TNHH:

Trách nhiệm hữu hạn

Tr:

Trang

VHDT:

Văn hóa dân tộc

VHTT:

Văn hóa Thông tin

WTO:

Tổ chức thương mại thế giới


5

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Song hành với lịch sử hàng ngàn năm qua, với biết bao thăng trầm trên dải đất
hình chữ S, với khoảng 2.700 làng nghề, trong đó có khoảng gần 400 làng nghề truyền
thống nằm dọc theo chiều dài đất nước. Giá trị to lớn của làng nghề không chỉ ở chỗ
tạo ra được nhiều việc làm, sản xuất ra nhiều hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước và

xuất khẩu, mà quan trọng hơn nữa là làng nghề đang lưu giữ những giá trị văn hóa
truyền thống quý báu của dân tộc, trao chuyền qua nhiều thế hệ những tinh hoa nghệ
thuật, kỹ thuật dân gian, kinh nghiệm sản xuất, phong tục tập quán và sinh hoạt tín
ngưỡng văn hóa tâm linh của cộng đồng. Bao chứa những giá trị ấy, làng nghề thủ
công truyền thống được xem như “bảo tàng sống” lưu giữ những di sản văn hóa vật thể
và phi vật thể vừa phong phú, đa dạng, sinh động vừa cụ thể, góp phần làm nên bản sắc
văn hóa dân tộc. Hiện nay, làng nghề thủ công truyền thống là những điểm du lịch hấp
dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Đến với các làng nghề, du khách không chỉ
đơn thuần tham quan các di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh mà còn tận mắt
chứng kiến các thao tác nghề nghiệp của những người thợ tài hoa, qua đó tìm hiểu,
khám phá những giá trị văn hóa đang tiềm ẩn bên trong.
Nam Định là một tỉnh ven biển phía Đông - Nam châu thổ sông Hồng, phía
Đông giáp với tỉnh Thái Bình, phía Tây giáp với tỉnh Ninh Bình, phía Nam và Đông
Nam giáp biển Đông, phía Bắc giáp tỉnh Hà Nam, với chiều dài bờ biển 72km. Nam
Định có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội như: Hệ thống
giao thông dày đặc: tuyến đường sắt xuyên Việt qua địa phận tỉnh Nam Định có
chiều dài 42 km với 05 ga; Đường quốc lộ 10 và quốc lộ 21 dài 108 km; Hệ thống
sông Hồng, sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ chảy qua địa phận tỉnh với chiều
dài 251 km với hệ thống cảng sông, cảng biển Thịnh Long mới được xây dựng.
Những điều kiện như trên tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển vận chuyển
hành khách và hàng hoá của tỉnh Nam Định đến những vùng miền khác. Nam Định
nằm trong vùng ảnh hưởng của khu vực tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng Quảng Ninh, cách Thủ đô Hà Nội 90 km, cách cảng Hải Phòng 100 km, đó là hai thị


6

trường lớn để giao lưu, tiêu thụ hàng hoá, trao đổi kỹ thuật, công nghệ, thông tin và
kinh nghiệm quản lý kinh doanh. Diện tích tự nhiên Nam Định là 1.637,4 km2, bằng
khoảng 0,5% diện tích tự nhiên cả nước, đứng hàng thứ 50 về diện tích trong số 63
tỉnh thành toàn quốc. So với 11 tỉnh thành vùng đồng bằng Bắc Bộ, diện tích tự

nhiên Nam Định chỉ đứng sau Hà Nội. Dân số Nam Định khoảng trên 2 triệu người
(2015). Vị trí địa lí, khí hậu, đất đai, con người của tỉnh Nam Định là điều kiện
thuận lợi cho các làng nghề thủ công truyền thống của tỉnh Nam Định tồn tại và
phát triển như ngày nay.
Nam Định là vùng đất mới, được phù sa bồi đắp và do người dân tới quai đê
lấn biển. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ và quá trình toàn cầu hoá đang có tác
động mạnh mẽ đến tất cả các quốc gia trên thế giới, Việt Nam không phải là trường
hợp ngoại lệ. Hơn lúc nào hết, việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá truyền
thống của dân tộc được lưu giữ ở các làng nghề thủ công truyền thống đang được
đặt ra một cách bức thiết, bởi nó có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền
vững của đất nước.
Đồng bằng Bắc bộ là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống, có những
làng nghề đã đi sâu vào tiềm thức của người dân trong cả nước. Nam Định là một
tỉnh nằm trong vùng đồng bằng Bắc bộ, có truyền thống lịch sử lâu đời và truyền
thống cách mạng nơi lưu giữ những nét văn hoá Việt Nam sâu sắc, nhất là những
vùng quê có làng nghề thủ công truyền thống như: làng nghề trồng hoa cây cảnh Vị
Khê, làng nghề trồng hoa Vị Lương ngoại thành Nam Định, làng nghề đúc đồng
thôn Tống Xá, huyện Ý Yên; làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, Yên Ninh, Ý Yên;
làng nghề dệt Cổ Chất, Nam Trực… nơi đây thu hút nhiều khách tham quan du lịch
và mua các sản phẩm của làng nghề về sử dụng, trang trí. Mỗi làng nghề đều có
những sản phẩm đặc trưng, thể hiện truyền thống văn hoá, gu thẩm mỹ, đời sống
sinh hoạt của người dân làng nghề.
Trong những năm gần đây, bước vào thời kỳ đổi mới, tốc độ phát triển kinh tế,
chính trị, xã hội khá mạnh mẽ, công cuộc CNH - HĐH cũng ngày càng được mở rộng,
quá trình phát triển này đã kéo theo sự biến đổi lớn ở các làng nghề thủ công truyền


7

thống. Vượt qua mọi thách thức của điều kiện lịch sử xã hội, các làng nghề tiếp thu

những tinh hoa văn hoá thế giới, không bị đồng hoá mà còn liên tục phát huy sáng tạo,
giữ được những nét riêng của mình.
Trước tình hình phát triển của làng nghề thủ công truyền thống nêu trên, đặc
biệt là ở tỉnh Nam Định. Với mong muốn được góp một phần vào việc giữ gìn, phát
huy giá trị bản sắc văn hoá dân tộc; phát huy giá trị văn hoá làng nghề; thúc đẩy
làng nghề phát triển, NCS đã lựa chọn đề tài Văn hóa làng nghề ở Nam Định,
truyền thống và biến đổi (Nghiên cứu trường hợp làng nghề chạm khắc gỗ La
Xuyên và làng nghề đúc đồng Tống Xá, huyện Ý Yên) làm đề tài luận án Tiến sĩ
chuyên ngành Văn hoá dân gian. Sở dĩ, NCS chọn 2 trường hợp làng đúc đồng
Tống Xá và làng chạm khắc gỗ La Xuyên là đối tượng nghiên cứu chính của luận án
bởi lẽ: 1/Trong số 128 làng nghề thủ công của tỉnh Nam Định, 2 làng nghề này
xứng đáng là đại diện cho các làng nghề. Xét theo tiêu chí phân loại thì 2 làng nghề
này đạt được tiêu chuẩn là 2 làng nghề thủ công truyền thống. Đây là hai làng nghề
có lịch sử lâu đời, sản phẩm của làng nghề mang tính đặc trưng, có giá trị cao và
được duy trì sản xuất trong suốt tiến trình lịch sử. Đồng thời, bên cạnh sản phẩm
truyền thống, thì sản phẩm hiện nay của hai làng nghề này đã áp dụng các công
nghệ hiện đại vào sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong xã hội. Là 02 trong
03 nhóm ngành nghề được xem là nhóm ngành nghề thiết yếu nhất cho cuộc sống
của con người trong buổi đầu sơ khai. Đó là các nghề mộc (để làm nhà ở), nghề rèn,
đúc kim loại (để làm công cụ lao động), nghề dệt (để dệt vải phục vụ nhu cầu mặc).
2/Hai làng nghề này nằm trên trục, tuyến sinh thái và tâm linh giữa Bái Đình Tràng An (Ninh Bình) với Phủ Dày - Đền Trần (Nam Định), lượng khách thăm
quan trên tuyến này dừng lại ở 2 làng nghề này để thăm quan, mua sắm, đó là điều
kiện thuận lợi để quảng bá văn hóa làng nghề, phát triển kinh tế làng nghề. 3/Đây là
2 làng nghề được sự quan tâm tương đối toàn diện của chính quyền các cấp từ xã,
huyện, tỉnh, trên thực tế trong lịch sử cũng như hiện nay, 2 làng nghề này giữ vai trò
hạt nhân phát triển kinh tế làng nghề của cả tỉnh Nam Định. 4/Đây là hai trong số
những làng nghề hiện nay có quan hệ giao lưu hàng hóa với các địa bàn trong cả
nước và nhiều nước trên thế giới.



8

Hy vọng những kết quả nghiên cứu 2 trường hợp lựa chọn sẽ là tư liệu để phản
ánh về văn hóa làng nghề ở Nam Định, truyền thống và biến đổi. Tư liệu luận án có thể
làm cơ sở để chính quyền các cấp định hướng cho các làng nghề tồn tại và thích nghi
với sự phát triển trong giai đoạn đất nước đổi mới nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá
truyền thống. Tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại, tiếp tục phát huy sáng tạo, giữ
được nét riêng độc đáo của làng nghề trong sự biến đổi tất yếu của thời đại.
2. Mục đích, nhiệm vụ và câu hỏi nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận về làng nghề, văn hóa làng nghề, sự biến đổi
văn hóa làng nghề, văn hóa dân gian làng nghề và tiếp cận nghiên cứu 2 trường hợp
đại diện, luận án tập trung nghiên cứu về văn hóa làng nghề ở Nam Định, truyền
thống và biến đổi thông qua các giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể của 2
làng nghề: Làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên và làng nghề đúc đồng Tống Xá.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Tập hợp và phân tích những công trình đã viết về làng nghề thủ công truyền
thống ở tỉnh Nam Định và về 2 làng nghề của các học giả trong và ngoài nước.
- Nghiên cứu cơ sở lý luận về văn hóa làng nghề thủ công truyền thống.
- Nhận diện tổng quan về Nam Định và làng nghề thủ công truyền thống ở
tỉnh Nam Định.
- Nghiên cứu, phân tích giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ở các làng nghề truyền
thống tại tỉnh Nam Định qua hai trường hợp đại diện đã lựa chọn.
- Phân tích những nhân tố tác động đến sự biến đổi văn hóa làng nghề và nhận
diện sự biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống ở tỉnh Nam Định (trường hợp làng
nghề La Xuyên và Tống Xá ở huyện Ý Yên).
2.3. Câu hỏi nghiên cứu
Nhiệm vụ nghiên cứu của luận án là đi sâu nghiên cứu trường hợp đại diện để
minh chứng và trả lời cho các câu hỏi nghiên cứu sau đây:
- Làng nghề truyền thống ở Nam Định đã và đang hiện tồn một dạng văn hóa

làng nghề, kết tinh lên những giá trị có tác động tích cực đến đời sống Việt Nam xã
hội đương đại?


9

- Sự biến đổi của làng nghề truyền thống trong điều kiện xã hội đương đại đã
có những ảnh hưởng và tác động đa chiều đến đời sống văn hóa cộng đồng?
- Cần ứng xử với các thành tố văn hóa dân gian làng nghề như thế nào để góp
phần tạo cơ sở cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng nghề trong xã
hội đương đại ?
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Thực trạng văn hóa làng nghề truyền thống tỉnh Nam Định biểu hiện trên hai
phương diện văn hóa vật thể và phi vật thể, sự biến đổi văn hóa làng nghề thông qua
nghiên cứu hai trường hợp là làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên và làng nghề đúc
đồng Tống Xá, huyện Ý Yên.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi không gian: Nghiên cứu hai trường hợp làng nghề chạm khắc gỗ La
Xuyên và làng nghề đúc đồng Tống Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Mở rộng
nghiên cứu đến hệ thống các làng nghề thủ công ở Nam Định để có một bức tranh
toàn cảnh về văn hóa làng nghề thủ công ở Nam Định.
- Phạm vi thời gian: Nghiên cứu văn hóa làng nghề từ truyền thống đến hiện đại
qua hai trường hợp làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên và làng nghề đúc đồng Tống
Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
4. Phương pháp nghiên cứu
4.1. Phương pháp luận
Cơ sở phương pháp luận của luận án là chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy
vật lịch sử. Quán triệt các quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc bảo tồn và
phát triển làng nghề, và làng nghề thủ công truyền thống. Bảo tồn các giá trị văn hóa

làng nghề trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
4.2. Phương pháp nghiên cứu cụ thể
- Phương pháp tiếp cận liên ngành: Văn hóa học, văn hóa dân gian, quản lý
văn hóa, nhân học văn hóa, xã hội học, dân tộc học, sử học để tìm hiểu và khai thác
các khía cạnh của đối tượng nghiên cứu đó là văn hóa làng nghề ở tỉnh Nam Định từ
truyền thống đến hiện đại.


10

- Phương pháp tiếp cận nghiên cứu văn hóa dân gian: Tập trung nghiên cứu
tổng thể các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của làng nghề, đó là cảnh quan
sinh kế, nhà ở, di tích, sản phẩm làng nghề, phong tục, tín ngưỡng, lễ hội, tri thức về
nghề, truyền nghề, truyền thống học hành, văn học, ngôn ngữ…
- Phương pháp nghiên cứu trường hợp: Trong bối cảnh ở tỉnh Nam Định có 35
làng nghề thủ công truyền thống, vì vậy luận án sử dụng phương pháp nghiên cứu
trường hợp lựa chọn 2 làng trong số các làng nghề để nghiên cứu sâu. Kết quả
nghiên cứu từ hai làng nghề sẽ có những nhận định về bức tranh chung của làng
nghề và sự biến đổi văn hóa làng nghề ở tỉnh Nam Định hiện nay.
- Phương pháp khảo sát điền dã thực tế tại 2 làng nghề thủ công truyền thống
(làng La Xuyên, làng Tống Xá): Tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, hình ảnh về
văn hóa làng nghề qua hai phương diện: Văn hóa vật thể: Gồm di tích lịch sử văn
hóa (tập trung sâu vào đền thờ tổ nghề), sản phẩm của làng nghề; Văn hóa phi vật
thể, tham dự lễ hội, quan sát chụp ảnh, trao đổi thông tin với cộng đồng địa phương
để tìm ra những đặc điểm của lễ hội làng nghề và các nghi lễ khác trong năm. Bên
cạnh đó, sưu tầm các tư liệu về phong tục, tri thức nghề nghiệp, văn học, ngôn ngữ,
truyền thống học hành của cộng đồng làng nghề qua trao đổi, tọa đàm và phỏng vấn
sâu. Trong quá trình khảo sát điền dã, phương pháp phỏng vấn sâu đã được vận dụng
để lấy những thông tin về: Lịch sử làng, lịch sử nghề, bí quyết nghề nghiệp, sản
phẩm nghề xưa và nay, lễ hội xưa và nay. Đồng thời, qua chương trình phỏng vấn

các đối tượng khác nhau, họ là người trong cuộc/ là chủ thể văn hóa để thấy được
những suy nghĩ, trăn trở của họ trong giữ gìn những nét truyền thống của làng nghề
và thích nghi với sự phát triển của cuộc sống hiện nay.
- Phương pháp tổng hợp và phân tích tài liệu liên quan đến đề tài luận án dưới
nhiều hình thức khác nhau như các tài liệu đã xuất bản thành sách, các bài đăng trên
báo, tạp chí, các tài liệu còn ở dạng bản thảo đánh máy đang lưu trữ tại các thư
viện… Sử dụng những tiện ích của Internet trong việc thu thập tài liệu cũng là một
phương pháp được sử dụng trong quá trình thực hiện đề tài này. Ngoài ra, luận án
còn sử dụng các phương pháp tổng hợp, phân tích, thống kê, so sánh nhằm làm sáng
tỏ những nội dung nghiên cứu của đề tài.


11

5. Đóng góp của luận án
Luận án là công trình nghiên cứu đầy đủ, có hệ thống về văn hóa làng nghề
truyền thống ở Nam Định, thực trạng và biến đổi qua nghiên cứu 02 trường hợp cụ
thể. Những tư liệu phân tích đã làm rõ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ở
các làng nghề thủ công tại Nam Định. Nhận diện sự biến đổi của văn hóa làng nghề
trong sự vận động khách quan của biển đổi văn hóa.
Luận án sẽ là tài liệu tham khảo giúp các cấp, các ngành xây dựng các chương
trình, kế hoạch cụ thể, hoạch định các chính sách tạo điều kiện cho việc bảo tồn và
phát triển làng nghề ở Nam Định.
Tư liệu trong luận án thể hiện rõ sự tương tác giữa hai yếu tố văn hóa làng
nghề, truyền thống và biến đổi cùng những vấn đề đặt ra hiện nay. Sự hỗ trợ tương
tác này sẽ là một bài toán cần giải quyết trong các địa bàn có mô hình phát triển
tương đồng như Nam Định.
6. Bố cục của luận án
Ngoài phần Mở đầu (07 trang), Kết luận (03 trang), Danh mục tài liệu tham
khảo (08 trang), Phụ lục (48 trang), nội dung luận án gồm 03 chương:

Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận, khái quát về làng nghề ở
tỉnh Nam Định (42 trang)
Chương 2. Văn hóa làng nghề truyền thống tỉnh Nam Định (Nghiên cứu làng
nghề La Xuyên và làng nghề Tống Xá, huyện Ý Yên) (54 trang)
Chương 3. Sự vận động và biến đổi của văn hóa làng nghề truyền thống tỉnh
Nam Định (40 trang)


12

Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN, KHÁI QUÁT
VỀ LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG Ở TỈNH NAM ĐỊNH
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.1.1. Những công trình viết về nghề thủ công ở Nam Định
Trước hết sách Đại Nam nhất thống chí [46] là tài liệu đầu tiên có ghi chép
rõ ràng về các ngành nghề nông thôn ở Nam Định. Tư liệu chỉ là những mô tả khái
quát về nghề dệt và nghề nấu rượu. Cũng trong thời kỳ này, Vũ Huy Trác (thế kỷ
XVII) đã nghiên cứu nghề đúc đồng dưới góc độ lịch sử và soạn thảo thành công
Phong Doanh huyện, Tống Xá xã liệt vị thánh tổ từ sự tích (Sự tích các vị đền thờ
thánh tổ làng Tống Xá - huyện Phong Doanh) [77]. Điển hình có công trình nghiên
cứu của P.Gourou trong Người nông dân vùng châu thổ Bắc kỳ [36]. Chính nghiên
cứu này đã khiến người Pháp chú ý tới nghề ươm tơ, dệt lụa ở xã Phương Định
(huyện Trực Ninh ngày nay) để từ đó, bỏ vốn xây dựng một nhà máy dệt lớn nhất
Đông Nam Á lúc bấy giờ. Phần viết về công nghiệp gỗ, ông đã nhận định: Có một
sự trùng hợp đáng chú ý giữa các vùng ngập nước, không làm được vụ mùa, với
những vùng có nhiều thợ mộc: Điều đó không có gì là lạ, vì những người thợ đó
làm việc ngoài làng của họ, ở những nơi đó, trong nhiều tháng ròng công việc đồng
ruộng không có, dân chúng buộc phải tìm những công việc có lợi. Như vậy, không
kể những ngoại lệ không đáng kể, tất cả những người thợ mộc đó đều đi làm ở các

tỉnh ngoài địa bàn cư trú của mình. Đến năm 1957, tác giả Phan Gia Bền trong một
công trình nghiên cứu sơ thảo phát triển thủ công nghiệp Việt Nam đã viết: Nam
Định đâu đâu cũng làm nghề thủ công, nghề thủ công nào cũng có và cũng rất phát
triển, nghề đã có từ lâu đời [4]. Tác giả Vũ Ngọc Lý với tác phẩm Thành Nam xưa
[30] đã đề cập đến sự phát triển kinh tế của Nam Định xưa có giới thiệu về những
đường phố có nghề thủ công và bán các sản phẩm của làng nghề thủ công. Đặc biệt
là sản phẩm làng nghề La Xuyên đã được cuốn sách đề cập đến như: Tủ chè, bàn
ghế, khay chè, những chạm khắc hình cánh phượng, con sóc, ngũ phúc… và đoán


13

định rằng có thể những người thợ giỏi ở La Xuyên đã đục chạm ra bộ cánh cửa nổi
tiếng ở chùa Phổ Minh. Cũng trong phần này, tác giả nêu ra những sản phẩm của
làng nghề đúc đồng Tống Xá, kèm theo phần giới thiệu các sản phẩm của họ được
bán trên các phố của Nam Định xưa. Năm 1995 - 1996, Bảo tàng Nam Hà (nay là
Nam Định) đã tiến hành thu thập tài liệu, thực hiện dự án nghiên cứu lịch sử hình
thành một số nghề thủ công truyền thống trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, đi sâu
nghiên cứu tìm hiểu lịch sử 2 làng nghề truyền thống ở Nam Định là: chạm khắc gỗ
La Xuyên (Ý Yên) và rèn Vân Chàng (Nam Trực). Cũng trong thời gian này,
UBND tỉnh Nam Hà tiến hành khảo sát và tổ chức Hội thảo Hiện trạng và các giải
pháp phát triển làng nghề sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp nông thôn tỉnh
Nam Hà [85]. Trên cơ sở hội thảo, một số tiêu chí làng nghề đã được xác định. Kết
quả nghiên cứu bước đầu đã đem lại cho nhiều người quan tâm những hiểu biết
tương đối đầy đủ về làng nghề để từ đó hoàn thiện thêm khái niệm vốn còn gây
nhiều tranh luận. Văn hóa Nam Trực cội nguồn và di sản [20] đã đề cập đến làng
Rèn ở Vân Chàng. Tư liệu cho biết có 06 vị tổ sư từ nơi khác đến truyền dạy nghề
rồi lại rời làng ra đi, vì vậy hàng năm cứ vào ngày 16/5 và ngày 15/11 âm lịch dân
làng tiến hành kỷ niệm ngày đến và ngày đi của các vị tổ nghề. Dân làng lại mở hội
linh đình kỷ niệm và tưởng nhớ công lao của lục vị tổ sư. Ngoài ra, tư liệu còn cho

biết 40 năm trở lại đây làng nghề Vân Chàng đã từng bước phát triển sản phẩm của
họ đã được công nhận là kỹ nghệ tinh xảo, nhiều mặt hàng của họ được bộ Khoa
học và Công nghệ đánh giá cao về chất lượng. “Nam Định đậm đà bản sắc văn hóa
dân tộc” [32] của tác giả Nguyễn Xuân Năm, xuất bản năm 2000. Trong mục viết
về Vai trò của di tích lịch sử văn hóa trong công tác nghiên cứu đời sống văn hóa
làng xã ở tỉnh Nam Định đã giới thiệu về đình La Xuyên thờ Lão La Đại Thần (ông
tổ nghề mộc), xác định rằng ngôi đình được chạm khắc khá tinh xảo là sản phẩm
đặc sắc, bởi lẽ đây là quê hương của nghề mộc, chạm khắc. Tác giả Hồ Đức Thọ với
tác phẩm Lễ hội cổ truyền Nam Định [69] đã giới thiệu tổng số 220 lễ hội, trong đó
tác giả đã phân chia 220 lễ hội diễn ra theo mùa và đồng thời nêu ra các địa điểm
diễn ra lễ hội (đình, đền, chùa, miếu, phủ…). Trong 220 lễ hội, tác giả có đề cập


14

đến lễ hội làng nghề tiêu biểu như: Làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, làng nghề
đúc đồng Tống Xá. Khi bàn về diện mạo tỉnh Nam Định trong truyền thống và hiện
tại, Sách Địa chí Nam Định [73] đã phác thảo một bức tranh toàn cảnh về tỉnh Nam
Định, những tư liệu về địa lý hành chính, đặc điểm địa lý tự nhiên, tổng quan tình
hình cư dân ở Nam Định. Phác thảo một vài nét về đời sống kinh tế, bao gồm: Kinh
tế nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp. Trong phần viết về nghề thủ công
truyền thống cuốn sách đã thống kê giới thiệu một số các nghề thủ công tiêu biểu:
(sản xuất mây tre đan có 19 làng nghề; Dệt vải thêu ren, tơ tằm có 14 làng; Cơ khí
có 09 làng; Nghề mộc điêu khắc có 07 làng; Chế biến thực phẩm có 04 làng; Các
nghề khác có 33 làng). Trong phần này tập trung giới thiệu về làng nghề cơ khí Vân
Chàng (có ảnh minh hoạ về một gia đình làng rèn Vân Chàng ở trang 499), làng
nghề đúc đồng Tống Xá và xác định rằng làng này có nhiều sản phẩm nổi tiếng từ
lâu (có ảnh tượng đồng 30 tấn đúc liền khối do nghệ nhân làng Tống Xá đúc làm
minh họa). Giới thiệu làng nghề mộc La Xuyên, Ý Yên có nguồn gốc từ xa xưa và
các sản phẩm tiêu biểu của làng nghề mộc. Cũng trong cuốn sách này có một phần

giới thiệu về lễ hội và trò chơi dân gian, hai lễ hội tiêu biểu có liên quan đến hai
làng nghề, đó là lễ hội làng Ninh Xá (lễ hội làng nghề La Xuyên) và Tống Xá (lễ
hội đúc đồng) thuộc huyện Ý Yên. Thống kê lễ hội Việt Nam [10] tại tập 02 chủ yếu
là thống kê về lễ hội ở Nam Định. Trong phần thống kê lễ hội ở huyện Ý Yên, cuốn
sách đã giới thiệu hai lễ hội làng nghề đó là: Lễ hội đình Tống Xá (đền thờ tổ nghề
đúc đồng), trong lễ hội này có trò chơi kéo lửa. Nghiên cứu thực tiễn, NCS cho
rằng, đây thực chất là “nghi lễ lấy lửa” sẽ đề cập đến trong phần viết về lễ hội làng
nghề đúc đồng Tống Xá. Lễ hội thứ hai được nêu ra trong cuốn sách này là lễ hội
đình Ninh Xá (chính là lễ hội làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên). Nhân vật được
tưởng niệm trong lễ hội này là ông tổ nghề Ninh Hữu Hưng.
+ Đề án khoa học, luận văn, luận án, đề tài
Đề tài nghiên cứu khoa học cấp sở Một số giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu
hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh do Sở Thương mại - Du lịch Nam Định thực hiện
năm 2005 [57], nội dung gồm 04 phần: Chương 1 Những vấn đề lý luận chung về


15

sản xuất, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ; Chương 2 Thực trạng sản xuất, xuất khẩu
hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh Nam Định giai đoạn 2001 - 2005; Chương 3 Dự báo
thị trường xuất khẩu và quan điểm, phương hướng, mục tiêu xuất khẩu hàng thủ công
mỹ nghệ của tỉnh Nam Định; Chương 4 Các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu
hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh Nam Định. Luận án Tiến sĩ kinh tế “Chiến lược
marketing cho các làng nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam trong thiên niên kỷ mới” thực
hiện năm 2005 của Trần Đoài Kim [26], Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã hệ thống
hóa những vấn đề lý luận về chiến lược marketing, đi sâu phân tích thực trạng xây
dựng và thực thi chiến lược marketing tại các làng nghề thủ công mỹ nghệ, đề xuất
chiến lược marketing và một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho các làng nghề thủ
công mỹ nghệ Việt Nam nhưng chủ yếu trong phạm vi hỗ trợ công tác marketing. Luận
văn Thạc sĩ kinh tế Những giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ

của tỉnh Nam Định giai đoạn 2006 - 2010 [14] của Trần Lê Đoài thực hiện năm 2006,
Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã hệ thống hóa một số vấn đề lý luận về xuất khẩu
hàng thủ công mỹ nghệ, phân tích thực trạng sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ
nghệ của Nam Định, đưa ra định hướng và giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ
công mỹ nghệ của Nam Định giai đoạn 2006 - 2010. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp
trường Nghiên cứu một số lễ hội làng nghề ở Nam Định trong đời sống xã hội hiện nay
[42] của Trần Thị Kim Quế thực hiện thực hiện năm 2008, nội dung gồm 03 chương:
Chương 1 Tổng quan về tỉnh Nam Định và lễ hội Nam Định, trong chương này tác giả
đề tài đã giới thiệu được khái quát về tỉnh Nam Định như: Vị trí địa lý, kinh tế, văn hóa
– xã hội và tổng quan về lễ hội ở Nam Định. Trong chương 2 tác giả đề tài giới thiệu
03 lễ hội làng nghề: đúc đồng Tống Xá, chạm khắc gỗ La Xuyên (Ý Yên) và cơ khí
Vân Chàng (Trực Ninh). Đây là những lễ hội được xem là di sản văn hóa phi vật thể
tiêu biểu của tỉnh Nam Định, đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo khách du lịch.
Chương 3 đề tài đã đưa ra được giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội
làng nghề thủ công truyền thống ở Nam Định.
Luận án Tiến sĩ kinh tế “Phát triển làng nghề, doanh nghiệp làng nghề để đẩy
mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ trong quá trình hội nhập” [63] thực hiện
năm 2009 của Nguyễn Hữu Thắng, Trường Đại học Ngoại thương đã nghiên cứu:


16

1/Hệ thống hóa cơ sở lý luận về phát triển làng nghề, doanh nghiệp làng nghề thủ
công mỹ nghệ; 2/Phân tích thực trạng phát triển làng nghề, doanh nghiệp làng nghề;
3/Đề xuất giải pháp, chính sách phát triển làng nghề, doanh nghiệp để tăng nhanh
xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế
quốc tế. Tác giả chủ yếu đề xuất các giải pháp phát triển làng nghề, doanh nghiệp
làng nghề cả ở tầm vĩ mô và vi mô mà chưa đi sâu vào đánh giá, đề xuất hoàn thiện
chính sách. Luận văn thạc sĩ Địa lý học chuyên ngành Địa lý, Kinh tế - Xã hội Phát
triển làng nghề tỉnh Nam Định trong thời kỳ công nghiệp hóa [72] của tác giả Trần

Thị Thanh Thủy thực hiện năm 2011. Tư liệu luận văn phân tích các nhân tố ảnh
hưởng tới sự phát triển của làng nghề nhấn mạnh vào sự tác động của công nghiệp
hóa đến quá trình sản xuất của các làng nghề. Về cơ sở thực tiễn tác giả đã khái quát
về sự phát triển của làng nghề Việt Nam và làng nghề vùng đồng bằng sông Hồng.
Trong chương 2 luận văn tập trung làm rõ tiềm năng và thực trạng phát triển làng
nghề tỉnh Nam Định trong đó giới thiệu khái quát về tỉnh Nam Định, những điều
kiện cơ bản để tỉnh Nam Định phát triển các ngành nghề. Tác giả luận văn đã đánh
giá thực trạng phát triển làng nghề, giới thiệu làng nghề ở Nam Định như: số lượng
các làng nghề, lao động trong các ngành nghề, công nghệ sản xuất (giới thiệu khá
ngắn gọn về công nghệ đúc đồng ở huyện Ý Yên và làng cơ khí Vân Chàng, làng
nghề sản xuất đồ nhôm gia dụng Bình Yên, Nam Trực), hình thức tổ chức sản xuất
kinh doanh trong làng nghề (đề cập đến 04 cụm công nghiệp làng nghề). Trong
chương 3 của luận văn nêu ra những định hướng và giải pháp phát triển làng nghề
tỉnh Nam Định đến năm 2020 (09 giải pháp). Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Sở
Thực trạng khả năng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và những vấn đề có liên quan của
các làng nghề CN - TTCN trên địa bàn tỉnh Nam Định [53] do Sở Công thương và
Sở Khoa học công nghệ đồng thực hiện năm 2011. Đề tài gồm 03 chương: Chương
1 Cơ sở lý luận và thực tiễn về làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp;
Chương 2 Thực trạng hoạt động làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở
tỉnh Nam Định giai đoạn 2006 - 2011; Chương 3 Phương hướng và một số giải
pháp phát triển làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam


17

Định. Luận án tiến sĩ kinh tế Hoàn thiện chính sách phát triển hàng thủ công mỹ nghệ
xuất khẩu ở Nam Định đến năm 2020 [15] của tác giả Trần Lê Đoài thực hiện năm
2012. Nghiên cứu cơ sở lý luận hoàn thiện chính sách phát triển hàng thủ công mỹ
nghệ xuất khẩu và kinh nghiệm về chính sách phát triển hàng thủ công mỹ nghệ xuất
khẩu. Đánh giá chính sách phát triển hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ở Nam Định

giai đoạn 2006 - 2012. Nêu ra phương hướng và nội dung hoàn thiện chính sách phát
triển hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ở Nam Định đến năm 2020. Tác giả đã phân
tích các nhân tố tác động đến sự phát triển hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ở Nam
Định (02 nhóm nhân tố); Chính sách phát triển hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu thực
thi ở Nam Định giai đoạn 2006 - 2012. Tác giả luận án còn rút ra các điểm mạnh và
điểm yếu của chính sách phát triển hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ở Nam Định;
phân tích các nguyên nhân dẫn đến các điểm yếu. Trong chương 3 luận án, nêu ra
những quan điểm, phương hướng, mục tiêu phát triển hàng thủ công mỹ nghệ xuất
khẩu ở Nam Định đến năm 2020; Quan điểm, phương hướng hoàn thiện chính sách
phát triển hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ở Nam Định; Nội dung hoàn thiện chính
sách phát triển hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ở Nam Định (09 nội dung); tác giả
còn đưa ra các điều kiện để đảm bảo triển khai thực thi chính sách phát triển hàng thủ
công mỹ nghệ xuất khẩu ở tỉnh Nam Định (03 điều kiện). Luận văn thạc sĩ văn hóa
học Làng nghề hoa cây cảnh Vị Khê (xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định
[40] của tác giả Phạm Thị Phượng thực hiện năm 2013. Tư liệu luận văn cho biết về:
vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên; lịch sử hình thành làng và địa lý hành chính; cư dân;
đời sống kinh tế, văn hóa truyền thống làng Vị Khê đã giới thiệu được di tích lịch sử
văn hóa; tín ngưỡng lễ hội của làng; phong tục tập quán của người dân nơi đây. Luận
văn đã giới thiệu những sản phẩm tiêu biểu của làng nghề Vị Khê; những sản phẩm cây cảnh của Vị Khê thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện quan niệm, cách nhìn
của nghệ nhân trồng cây cảnh trong xã hội hiện đại. Quy hoạch phát triển làng nghề
nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 [56] do Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định thực hiện năm 2013, nội dung
gồm ba phần: phần thứ nhất giới thiệu khái quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã


18

hội tỉnh Nam Định; khái quát về làng nghề nông thôn Việt Nam; Thực trạng phát
triển làng nghề nông thôn tỉnh Nam Định... trong phần này có nhiều tư liệu hữu ích
được sử dụng vào giải quyết các vấn đề của luận án. Phần thứ hai phân tích các yếu

tố tác động đến phát triển làng nghề nông thôn tỉnh Nam Định. Phần thứ ba quy
hoạch phát triển làng nghề nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng
đến năm 2025 và đưa ra 10 giải pháp phát triển làng nghề. Đề án Điều chỉnh, bổ
sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020, định hướng
đến năm 2030 tỉnh Nam Định [55] do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh phối hợp với các
ngành, các huyện, thành phố và Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư
tiến hành nghiên cứu thực hiện năm 2015. Đề án gồm 04 phần: Phần thứ nhất Đặc
điểm tự nhiên và thực trạng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định từ năm 2001
đến năm 2010. Trong phần này đề án đã tập hợp tư liệu và viết khá đầy đủ với dung
lượng lớn (60 trang) các vấn đề về: Đặc điểm tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên:
1/Vị trí địa lý kinh tế của tỉnh trong vùng; 2/Địa hình; 3/Khí hậu, thủy văn; 4/Tài
nguyên nước; 5/Tài nguyên đất; 6/Tài nguyên rừng và hệ sinh thái; 7/Tài nguyên
thủy sản; 8/Tài nguyên khoáng sản; 9/Tài nguyên du lịch. Đề án còn đề cập đến vấn
đề dân số và nguồn lực; Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội; Đánh giá chung về
tình hình phát triển kinh tế xã hội tỉnh Nam Định giai đoạn 2006 - 2010; Lợi thế và
hạn chế của tỉnh Nam Định. Phần thứ 2 Dự báo tác động của bối cảnh quốc tế, trong
nước đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Nam Định. Phần thứ 3
Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng
đến năm 2030. Trong phần này đưa ra phương hướng phát triển các ngành và lĩnh
vực như: Nông nghiệp, thủy sản; Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp:1/Công nghiệp
cơ khí, điện tử và gia công kim loại; 2/Dệt may, da giầy; 3/Công nghiệp chế biến
nông, lâm, thủy sản; 4/Công nghiệp chế biến gỗ, giấy và lâm sản. Đề án còn nêu các
biện pháp, cơ chế, chính sách phát triển chủ yếu, phần này nhóm tác giả tập trung
đưa ra các giải pháp huy động vốn đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; phát triển
khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường.


19

1.1.2. Những công trình viết về làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên và

làng nghề đúc Tống Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định
1.1.2.1. Những công trình viết về làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên
Tổng tập nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam (tập 3: Nghề mộc,
chạm) [89] do Viện Văn hóa dân gian phát hành năm 2012, trong đó có bài viết La
Xuyên, làng chạm gỗ cổ truyền của hai tác giả Đặng Đức - Trương Duy Bích. Nội
dung bài viết giới thiệu một cách cụ thể về diện mạo văn hóa của làng La Xuyên
trong lịch sử, vị trí địa lý gắn liền với lịch sử nghề và truyền thuyết về vị tổ nghề Lão La đại thần. Bên cạnh đó bài viết cũng mô tả một cách chân thực và đầy đủ về
các di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể của làng La Xuyên, làng
nghề với hành trình sáng tạo trên con đường đổi mới, sự thay đổi về loại hình,
kiểu dáng sản phẩm. Bên cạnh đó, cuốn Tổng tập nghề và làng nghề truyền thống
Việt Nam (tập 3: Nghề mộc, chạm) cũng có bài viết Làng nghề chạm gỗ La Xuyên
của các tác giả Trương Minh Hằng - Trương Duy Bích, nội dung của bài viết là
tóm tắt lại một cách cụ thể nhất về lịch sử làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, các
di tích lịch sử văn hóa và các ngày lễ tết, hội hè và diện mạo của làng nghề trong
bối cảnh mới. Luận văn thạc sĩ quản trị kinh doanh Phát triển làng nghề truyền
thống gỗ mỹ nghệ La Xuyên, xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định [62] của tác
giả Nguyễn Toàn Thắng thực hiện năm 2012. Tư liệu luận văn cho biết về: vị trí địa
lý, đặc điểm tự nhiên; lịch sử hình thành làng, lịch sử nghề và địa lý hành chính; cư
dân; đời sống kinh tế. Luận văn đã giới thiệu những sản phẩm tiêu biểu của làng
nghề chạm khắc gỗ La Xuyên. Luận văn phân tích thực trạng phát triển làng nghề
truyền thống gỗ mỹ nghệ La Xuyên: quy mô, cơ cấu sản xuất, tổ chức sản xuất kinh
doanh của làng nghề, thực trạng vốn đầu tư, hạ tầng kỹ thuật… và đưa ra một số
giải pháp đẩy mạnh phát triển làng nghề truyền thống gỗ mỹ nghệ La Xuyên.
1.1.2.2. Những công trình viết về làng nghề đúc Tống Xá
- Luận văn thạc sĩ văn hóa học Làng nghề đúc đồng Tống Xá huyện Ý Yên, tỉnh
Nam Định [3] của tác giả Trần Thị Vân Anh thực hiện 2013. Luận văn đã giới thiệu
về lịch sử nghề và làng nghề đúc đồng Tống Xá. Trong phần giới thiệu lịch sử nghề


20


tác giả luận văn đã giới thiệu về đền thờ tổ nghề trong không gian văn hóa làng.
Trong phần phân tích đặc trưng sản phẩm tác giả đã so sánh sự giống và khác nhau
giữa sản phẩm của làng đúc đồng Tống Xá với các làng Đại Bái (Bắc Ninh), Ngũ Xá
(Hà Nội). Và đã rút ra được nét riêng của sản phẩm làng Tống Xá. Trong chương 3
của luận văn, tác giả đã nêu được phương hướng phát triển làng nghề ở nước ta nói
chung, Nam Định nói riêng. Luận văn thạc sĩ ngành Khoa học môi trường Đánh giá
hiện trạng và đề xuất các giải pháp cải thiện sức khỏe môi trường tại làng nghề cơ
khí Tống Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định của tác giả Dương Xuân Điệp thực hiện
năm 2014. Luận văn đã giới thiệu tổng quan về địa bàn nghiên cứu. Trong đó đi sâu
vào giới thiệu các mô hình sản xuất và sản phẩm của làng nghề đúc Tống Xá; Các
nhân tố gây ô nhiễm môi trường trong quá trình làm nghề và đề xuất các giải pháp
nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường của làng nghề Tống Xá hiện nay.
Từ những tập hợp và phân tích các công trình nghiên cứu của các học giả
trong và ngoài nước có thể rút ra một số nhận định cơ bản sau đây: Những nghiên
cứu về ngành nghề và làng nghề thủ công nói chung rất phong phú và đa dạng về số
lượng và hướng tiếp cận của các công trình. Tuy nhiên trên thực tế qua tập hợp và
phân tích NCS nhận thấy ít có các công trình viết về làng nghề thủ công ở Nam
Định, nếu có chăng chỉ có 3 làng nghề được nhắc tới là làng nghề mộc và chạm
khắc gỗ La Xuyên, làng nghề đúc đồng Tống Xá (huyện Ý Yên), làng nghề hoa cây
cảnh Vị Khê (huyện Nam Trực). Những làng nghề được xem là làng nghề dệt tơ lụa
truyền thống như Cổ Chất, Cự Trữ không được nhắc tới. Những cuốn sách có tính
chất nghiên cứu bao quát như Lược truyện thần tổ các ngành nghề [25] của tác giả
Vũ Ngọc Khánh xuất bản năm 1990. Nghề thủ công truyền thống Việt Nam và các
vị tổ nghề [17] của tác giả Đỗ Thị Hảo xuất bản năm 1996 cũng không nhắc đến các
vị tổ nghề và nghề thủ công ở Nam Định. Trong cuốn Làng nghề thủ công truyền
thống Việt Nam [92] của Bùi Văn Vượng xuất bản năm 2002, nội dung cuốn sách
viết một cách rất khái quát về tất cả các ngành nghề thủ công truyền thống ở Việt
Nam như: làng nghề đúc đồng, làng nghề kim hoàn; làng nghề dệt tơ, vải thổ cẩm;
làng nghề gốm; làng nghề trồng hoa… Với mỗi một ngành nghề tác giả đều nhắc tới

những làng nghề tiêu biểu khác nhau ở các tỉnh như Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái


21

Bình… Những làng nghề của tỉnh Nam Định không được nhắc đến. Trên thực tế, có
các ngành nghề chế biến thực phẩm khá nổi tiếng như nghề làm bánh nhãn, kẹo sìu
châu cũng không có tư liệu nhắc tới. Những nghiên cứu về nghề và làng nghề thủ
công ở Nam Định cho đến thời điểm hiện nay có thể bao quát như sau: 1/Những tư
liệu có trong địa chí tỉnh Nam Định, Đại Nam nhất thống chí có đề cập đến các
ngành nghề thủ công nhưng không nhiều. Trong địa chí của tỉnh Nam Định đã cho
biết một số thông tin về các ngành nghề thủ công và các nhóm ngành nghề ở Nam
Định. 2/Những nghiên cứu mới gần đây trong đó có các chuyên khảo (chuyên khảo
về làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên của tác giả Trương Thị Minh Hằng). Có thể
đánh giá đây là một chuyên khảo viết khá đầy đủ chi tiết về làng nghề chạm khắc gỗ
La Xuyên: Lịch sử nghề, tổ nghề, quy trình sản xuất, sản phẩm độc đáo và đặt làng
nghề La Xuyên trước những thách thức không nhỏ của tiến trình công nghiệp hóa,
hiện đại hóa. Nghiên cứu về làng nghề thủ công truyền thống ở Nam Định trong
những năm gần đây có những luận văn thạc sĩ viết về một làng nghề ở Nam Định
thuộc chuyên ngành văn hóa học như: Làng nghề hoa cây cảnh Vị Khê (xã Điền Xá,
huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) của tác giả Phạm Thị Phượng; Làng nghề đúc
đồng Tống Xá (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) của tác giả Trần Thị Vân Anh. Chuyên
ngành Địa lý - Kinh tế - Xã hội Phát triển làng nghề tỉnh Nam Định trong thời kỳ
công nghiệp hóa của tác giả Trần Thị Thanh Thủy. Đó là những công trình nghiên
cứu có tính hệ thống và có chất lượng khoa học, có tư liệu khảo cứu tốt.
1.2. Cơ sở lý luận
1.2.1. Một số khái niệm
1.2.1.1. Làng
Khi bàn về khái niệm “Làng”, tác giả Bùi Xuân Đính cho rằng:
Làng là một từ Nôm (từ Việt cổ) dùng để chỉ đơn vị tụ cư truyền

thống của người Việt ở nông thôn, có địa vực riêng (địa giới xác
định); cấu trúc vật chất riêng (đường làng, ngõ xóm, các công trình
thờ cúng); cơ cấu tổ chức, lệ tục, tiếng nói của làng riêng (thể hiện ở
âm hay giọng); tính cách riêng, hoàn chỉnh và tương đối ổn định qua
quá trình lịch sử [13, tr.98].


22

1.2.1.2. Nghề
Theo Từ điển tiếng Việt cho rằng: “Nghề là công việc làm theo sự phân công
lao động của xã hội hay nghề khái niệm chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh” [35,
tr.676]. Từ khái niệm trên có thể hiểu, nghề chính là sự chuyên môn hoá về một lĩnh
vực nhất định, có thể sản xuất các sản phẩm theo chất liệu khác nhau và kinh doanh
các mặt hàng đó trên thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ở mọi
thời đại khác nhau.
1.2.1.3. Làng nghề
Cho đến nay có nhiều học giả đưa ra khái niệm làng nghề. GS. Trần Quốc
Vượng đã đưa ra quan điểm về làng nghề như sau:
Làng nghề (như làng gốm Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng, Hương
Canh…, làng đồng Bưởi, Vó, Hè Nôm, Thiệu Diễn, Phù Dực, Đa Hội...),
là làng ấy tuy vẫn còn trồng trọt theo lối tiểu nông và chăn nuôi nhỏ (lợn,
gà…), cũng có một số nghề phụ khác (đan lát, làm tương, làm đậu
phụ…), song đã nổi lên một số nghề cổ truyền, tinh xảo với một tầng lớp
thủ công chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp, có phường (cơ cấu tổ
chức), có ông trùm, ông phó cả… cùng một số thợ và phó nhỏ, đã
chuyên tâm, có quy trình công nghệ nhất định “sinh ư nghệ, tử ư nghệ”,
“nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” sống chủ yếu được bằng nghề đó và sản
xuất ra những hàng thủ công, những mặt hàng đã có tính mỹ nghệ, đã trở
thành sản phẩm hàng hóa và có quan hệ tiếp thị với một thị trường là

vùng xung quanh với thị trường đô thị, thủ đô (Kẻ Chợ, Huế, Sài Gòn)
và tiến tới mở rộng ra cả nước rồi có thể xuất khẩu ra cả nước ngoài.
Những làng nghề ấy ít nhiều đã nổi danh từ lâu (có một quá khứ trăm
ngàn năm) “Dân biết mặt, nước biết tên, tên làng đã đi vào lịch sử, vào ca
dao, tục ngữ… trở thành di sản văn hóa dân gian” [96, tr.372].
Theo tác giả, làng nghề là một làng có nghề thủ công, cộng đồng làng cùng một
lúc có thể tham gia nhiều hoạt động sản xuất, trong đó có nông nghiệp, thủ công,
thương nghiệp… Trong làng nghề truyền thống có những người có trình độ cao, sản


23

xuất những mặt hàng có kỹ thuật tinh xảo, có giá trị thẩm mỹ. Vì vậy, sản phẩm của
làng nghề từ lâu đã nổi tiếng trong và ngoài nước.
Khi đề cập đến khái niệm làng nghề, tác giả Bùi Văn Vượng cho rằng: “Làng
nghề truyền thống là làng cổ truyền làm nghề thủ công. Ở đấy không nhất thiết tất cả
dân làng đều sản xuất hàng thủ công. Người thợ thủ công nhiều trường hợp cũng
đồng thời làm nghề nông (nông dân). Nhưng yêu cầu chuyên môn hóa cao đã tạo
thành những thợ chuyên sản xuất hàng truyền thống ngay tại làng của mình” [82,
tr.13]. Theo tác giả, làng nghề truyền thống phải là một làng có lịch sử lâu đời (có thể
từ trước năm 1945), có nhiều thợ giỏi và chính họ vừa làm nghề, lại vừa tham gia sản
xuất nông nghiệp. Nhưng sản phẩm của những người thợ giỏi đã tạo nên bản sắc của
làng nghề nổi tiếng trong và ngoài nước.
Tác giả Lưu Tuyết Vân trong bài viết Một số vấn đề về làng nghề ở nước ta
hiện nay đã nêu ra quan niệm về làng nghề như sau:
Làng nghề là một làng có nghề tiểu thủ công đã từng tồn tại trong lịch
sử hoặc một thời gian nhất định, có sản phẩm hàng hóa nổi tiếng hoặc
có khối lượng hàng hóa lớn có vai trò nhất định đối với thị trường trong
nước và quốc tế, có số đông người trong làng cùng làm một hoặc nhiều
nghề, dân làng sống chủ yếu bằng các nghề đó. Còn các làng nghề

truyền thống trước hết phải là một làng nghề, những phải có lịch sử tồn
tại lâu dài, đến nay vẫn sản xuất một hoặc nhiều mặt hàng có giá trị trên
thị trường trong nước và quốc tế [88, tr.64].
Khi bàn về làng nghề, tác giả đã quan tâm đến 03 đặc điểm cơ bản của làng
nghề: 1/Sản phẩm và việc tiêu dùng sản phẩm của làng nghề tại thị trường trong nước
và quốc tế. 2/Số lượng những người tham gia làm nghề so với tỷ trọng số lượng
người dân trong làng. 3/Làng có lịch sử hình thành và tồn tại lâu dài. Khi bàn về làng
nghề truyền thống, tác giả nhấn mạnh hai vấn đề chính, thứ nhất là lịch sử tồn tại lâu
đời; thứ hai là về sản phẩm nổi tiếng trên thị trường trong nước và quốc tế.
Tác giả Dương Bá Phượng cho rằng: “Làng nghề là một thiết chế gồm hai bộ
phận cấu thành là “làng” và “nghề”… Là làng ở nông thôn có một (hoặc một số)
nghề thủ công nghiệp tách hẳn ra khỏi nông nghiệp và kinh doanh độc lập. Làng nghề


24

truyền thống là những làng nghề xuất hiện lâu đời trong lịch sử và còn tồn tại cho đến
ngày nay, là những làng nghề tồn tại hàng trăm năm, hàng nghìn năm [39, tr.10-15].
Trong khái niệm này, tác giả đã phân biệt rõ sự khác nhau giữa làng nghề và làng
nghề truyền thống. Tác giả cũng đã khẳng định hai bộ phận cấu thành thiết chế làng
nghề, đó là làng và nghề. Vì vậy, khi xem xét về văn hóa làng nghề cũng có thể áp
dụng cấu trúc này để nghiên cứu, có nghĩa là phải tiếp cận đến hai bộ phận là văn hóa
làng và văn hóa nghề. Mặc dù hai bộ phận này trên thực tế luôn là một tổng thể thống
nhất, không thể tách rời, luôn có bổ sung và hỗ trợ, đồng thuận cho nhau trong quá
trình phát triển. Có thể nhận thấy rằng, văn hóa làng là nền tảng vững chắc cho sự
phát triển văn hóa nghề và ngược lại văn hóa làng nghề phát triển sẽ có điều kiện tốt
để bảo tồn và phát triển những nét tiêu biểu của văn hóa làng. Sinh thời, tác giả
Trương Minh Hằng đưa ra một quan niệm về làng nghề như sau: Làng nghề gắn liền
với các vùng nông nghiệp và người nông dân làm nghề thủ công để giải quyết hợp lý
sức lao động dư thừa được cơ cấu theo đặc trưng nông nghiệp là mùa vụ… Một làng

có nghề, đời sống của người dân ổn định và được nâng cao so với các làng thuần
nông. Nghề thủ công từ vị trí chỉ là nghề phụ được tổ chức và thực thi vào những khi
nông nhàn, rồi về sau nhiều nghề trở thành nguồn thu nhập chính của làng… Ở một
góc độ nào đó, làng nghề còn mang tính chất của một làng buôn [19, tr.9-10].
Theo quan niệm trên, cần quan tâm đến một số vấn đề cơ bản như sau: người
dân trong làng nghề có đời sống ổn định và phần nào được nâng cao hơn so với các
làng thuần nông. Nghề thủ công trong lịch sử có thể từ vị trí chỉ là nghề phụ, sau đó
trở thành nguồn thu nhập chính của làng. Làng nghề còn có tính chất là một làng
buôn. Nhận định này xuất phát từ thực tiễn khách quan, bởi trên thực tế người dân
làng nghề sẽ phải mua các nguồn nguyên liệu để sản xuất hàng hóa và tổ chức tiêu
thụ sản phẩm ở các thị trường trong vùng phụ cận của làng nghề. Đây là đặc trưng để
tạo điều kiện cho làng nghề mở cửa ra bên ngoài thị trường.
Tác giả Bùi Xuân Đính cho rằng:
Làng nghề là các làng mà phần đông cư dân sống bằng một nghề hoặc
nhiều nghề thủ công có khi chỉ là một công đoạn của nghề, tạo ra các
sản phẩm mang tính cách riêng, thời gian làm nghề và thu nhập của


×