Tải bản đầy đủ (.pdf) (102 trang)

Ảnh hưởng của nhân sinh quan phật giáo đến đời sống tinh thần người dân tỉnh sơn la hiện nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.33 MB, 102 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
--------

HÀ VĂN CẢNH

ẢNH HƯỞNG CỦA NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO
ĐẾN ĐỜI SỐNG TINH THẦN NGƯỜI DÂN
TỈNH SƠN LA HIỆN NAY

LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC

HÀ NỘI - 2017


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
--------

HÀ VĂN CẢNH

ẢNH HƯỞNG CỦA NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO
ĐẾN ĐỜI SỐNG TINH THẦN NGƯỜI DÂN
TỈNH SƠN LA HIỆN NAY

Chuyên ngành : Triết học
Mã số

: 60.22.03.01

LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC



Người hướng dẫn khoa học: TS. PHẠM THỊ QUỲNH

HÀ NỘI - 2017


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi dưới sự
hướng dẫn khoa học của TS. Phạm Thị Quỳnh.
Các tài liệu tham khảo được sử dụng trong Luận văn là trung thực, các
thông tin trích dẫn trong Luận văn đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Hà Nội, tháng 5 năm 2017
Tác giả luận văn

Hà Văn Cảnh


LỜI CẢM ƠN
Em xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến TS. Phạm Thị Quỳnh
- Người thầy đã tận tâm, nhiệt tình chỉ bảo, hướng dẫn em trong suốt trong
suốt quá trình thực hiện luận văn.
Đồng thời, em gửi lời cảm ơn đến Ban chủ nhiệm khoa Triết học,
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ em trong
suốt quá trình học tập và thực hiện đề tài.
Cảm ơn gia đình, cảm ơn bạn bè, đồng nghiệp đã luôn giúp đỡ, động viên,
khích lệ tôi trong suốt thời gian qua để tôi có thể hoàn thành tốt luận văn.
Hà Nội, tháng 5 năm 2017
Tác giả luận văn

Hà Văn Cảnh



MỤC LỤC

LỜI CAM ĐOAN
LỜI CẢM ƠN
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ............................................................................................................. 1

1. Lý do chọn đề tài.................................................................................... 1
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài............................................. 2
3. Mục đích nghiên cứu ............................................................................. 4
4. Khách thể và đối tượng nghiên cứu ....................................................... 5
5. Giả thuyết khoa học ............................................................................... 5
6. Nhiệm vụ nghiên cứu ............................................................................. 5
7. Giới hạn phạm vi nghiên cứu ................................................................. 5
8. Phương pháp nghiên cứu ....................................................................... 5
9. Kết cấu của luận văn .............................................................................. 6
10. Những luận điểm cơ bản và đóng góp mới của luận văn .................... 6
Chương 1: KHÁI QUÁT VỀ NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO VÀ QUÁ
TRÌNH DU NHẬP, PHÁT TRIỂN PHẬT GIÁO Ở SƠN LA ................ 7

1.1. Khái quát về Nhân sinh quan Phật giáo ................................................ 7
1.1.1. Nhân sinh quan và nhân sinh quan Phật giáo .................................. 7
1.1.2. Nội dung nhân sinh quan trong Phật giáo ..................................... 11
1.2. Quá trình du nhập và phát triển của Phật giáo ở tỉnh Sơn La .......... 24
1.2.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội và tín ngưỡng tôn
giáo của tỉnh Sơn La .................................................................... 24
1.2.2. Quá trình du nhập và phát triển và hoạt động của Phật giáo ở
tỉnh Sơn La .................................................................................. 35

Tiểu kết chương 1............................................................................................ 46


Chương 2: ẢNH HƯỞNG NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG
TINH THẦN CỦA NGƯỜI DÂN TỈNH SƠN LA HIỆN NAY THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP ....................................................... 47

2.1. Thực trạng ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đối với đời
sống tinh thần người dân tỉnh Sơn La................................................. 47
2.1.1. Phật giáo với đạo đức .................................................................... 47
2.1.2. Phật giáo với lối sống .................................................................... 63
2.1.3. Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến giá trị văn hóa,
nghệ thuật thẩm mỹ ....................................................................... 72
2.2. Những biến đổi của quá trình ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật
giáo đến đời sống tinh thần của người dân Sơn La hiện nay .............. 75
2.2.1. Xu hướng tích cực ......................................................................... 75
2.2.2. Xu hướng tiêu cực ......................................................................... 78
2.3. Một số giải pháp nhằm phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu
cực của Phật giáo đối với đời sống văn hóa tinh thần nhân dân
Sơn La ..................................................................................................... 79
2.3.1. Đối với cơ quan chính quyền địa phương ..................................... 79
2.3.2. Đối với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sơn La ..... 80
2.3.3. Đối với người dân tỉnh Sơn La ...................................................... 81
Tiểu kết chương 2............................................................................................ 82
KẾT LUẬN ....................................................................................................... 83
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO .............................................................. 85
PHỤ LỤC.......................................................................................................... 91


1
MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
Phật giáo du nhập vào Việt Nam cách đây khoảng 2000 năm. Trải qua
nhiều thời kỳ biến động thịnh suy, thăng trầm của lịch sử, Phật giáo đã ảnh
hưởng sâu đậm đến đến đời sống tinh thần của người Việt.
Sơn La là một tỉnh nằm phía Tây Bắc của nước Việt Nam, trước năm
1960 gần như cư dân đều là người dân tộc thiểu số. Nhưng từ các chủ trương
đi xây dựng và phát triển các vùng kinh tế mới của Đảng, khoảng những năm
cuối của thập niên 50 của thế kỷ XX đồng bào người Kinh Việt mới lên định
cư ở khu vực này; theo đó mà Đạo Phật được hồi sinh ở Sơn La từ những
năm 1960, 1970, 1980...
Trong khoảng một thập niên trở lại đây Phật giáo Sơn La đang có
những thay đổi để "thích nghi" điều kiện phát triển mới của xã hội. Xu hướng
thế tục hóa ngày càng rõ nét ảnh hưởng nhất định tới đời sống của nhân dân.
Những tư tưởng trong Đạo Phật mang tính nhân văn sâu sắc, có nhiều điều
phù hợp với công cuộc xây dựng cuộc sống văn hóa mới, đã có tác dụng tích
cực đối với đời sống xã hội. Mặt khác, trong lịch sử đấu tranh giai cấp, tôn
giáo luôn được các giai cấp sử dụng như một vũ khí hữu hiệu nhất để cai trị
xã hội và tập hợp lực lượng. Phật giáo đang trở thành vấn đề rất nhạy cảm,
luôn bị các thế lực thù địch phản động lợi dụng, chống phá sự nghiệp xây
dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta, trong đó nổi bật nhất vẫn là lĩnh vực
tư tưởng văn hóa, một trong những mục tiêu trọng điểm của chúng.
Việc đi sâu nghiên cứu, đánh giá những giá trị và hạn chế của Phật giáo và
tác động, ảnh hưởng của nó đến đời sống tinh thần của người dân, nhất là vùng có
đặc thù quốc phòng an ninh là một trong những vấn đề cần được làm sáng tỏ.
Từ thực tế tình hình trên, chúng tôi chọn đề tài: “Ảnh hưởng của nhân
sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần người dân tỉnh Sơn La hiện
nay”, để làm luận văn tốt nghiệp.


2

2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Nghiên cứu ảnh hưởng của Phật giáo đối với con người Việt Nam nói
chung và trên từng khía cạnh của đời sống văn hóa tinh thần nói riêng đã có
nhiều công trình nghiên cứu.
2.1. Nghiên cứu về lịch sử Phật giáo và Phật học
Có nhiều công trình, trong đó tiêu biểu có các công trình của các tác giả như:
Nguyễn Lang (1992) trong cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận đã đề cập
đến các giai đoạn du nhập của Phật giáo vào Việt Nam, vai trò của các thiền sư
trong công cuộc dựng nước và giữ nước của các triều đại phong kiến Việt Nam.
Cuốn Lịch sử Phật giáo Việt Nam (1998) đã bàn về lịch sử du nhập và
quá trình phát triển của Phật giáo từ thời kỳ đầu mới du nhập đến thế kỷ XX,
bàn về các tông phái Phật giáo và đã phân tích vai trò của Phật giáo đối với
lĩnh vực tư tưởng chính trị trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam.
Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Triết học (1986) trong Mấy
vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam đã đề cập đến tính chất của
Phật giáo Việt Nam, các tông phái của Phật giáo ở Việt Nam, vai trò của Phật
giáo trong nền văn hóa dân tộc và ảnh hưởng của Phật giáo đối với lịch sử tư
tưởng Việt Nam.
Nguyễn Phan Quang (1996) với công trình Có một nền đạo lý ở Việt
Nam giúp cho người đọc thấy được sự hòa nhập của đạo đức Phật giáo trong
đạo lý dân gian Việt Nam.
Bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều công trình khác nghiên cứu về Phật học
và lịch sử của Phật giáo, tuy nhiên trong phạm vi luận văn này chúng tôi chỉ
nêu ra một vài công trình: Nguyễn Hiền Đức (1995): Lịch sử Phật giáo đàng
trong; Đức Phật và Phật pháp của tác giả Narada Thera do Phạm Kim Khánh
dịch, Học viện Phật giáo Việt Nam [55]; Trần Văn Giáp (1932): "Phật giáo ở
Việt Nam từ khởi nguyên đến thế kỷ XIII", Tạp chí Trường Viễn Đông Bác


3

Cổ thuộc Pháp, tập 32 [28]; Nguyễn Thị Huệ (2015): Đạo làm người trong
triết lí Nhân sinh quan của Phật giáo [34]; Vũ Ngọc Khánh (1986): Phật giáo
và văn hóa dân gian Việt Nam - Mấy vấn đề Phật giáo và lịch sử tư tưởng
Việt Nam, Viện triết học, Hà Nội [36]; Nguyễn Tương Lai (1999): Phật giáo
Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới và phát triển, [39]; Quế Lai (1991): “Sự
tiếp nhận các quy phạm đạo đức của Phật giáo ở Việt Nam và Thái Lan”, Nội
san nghiên cứu Phật học [40]; Thích Mật Thể: Việt Nam Phật giáo sử lược,
Phật học viện Trung phần [65]; Nguyễn Đăng Thục (1974): Phật giáo Việt
Nam [73]; Nguyễn Tài Thư (1988): Lịch sử Phật giáo Việt Nam...
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu đã đề cập đến các vấn đề liên
quan đến lịch sử, về Đức Phật, quá trình đi tìm chân lý giải thoát và những nội
dung cơ bản trong giáo lý của Đạo Phật. Sự biến đổi của Phật giáo ở Việt
Nam trong giai đoạn mới và những vấn đề đặt ra.
2.2. Các công trình nghiên cứu về các giá trị, vai trò tác động của
Phật Giáo
Tác giả Trần Văn Giàu với một loạt các công trình như: Giá trị tinh
thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Đạo đức Phật giáo trong thời hiện
đại và Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến cách mạng
tháng Tám” (3 tập) [29]. Các công trình trên tác giả đã đề cập đến những giá
trị đạo đức Phật giáo, đề cập đến những đóng góp của Phật giáo trong lịch sử
tư tưởng Việt Nam.
Nguyễn Tài Thư chủ biên (1997): Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và
tôn giáo đối với con người Việt Nam hiện nay, Các tác giả đã đề cập đến vai
trò của Phật giáo trên một số lĩnh vực như: ảnh hưởng của Phật giáo đối với
hệ tư tưởng, đối với sự hình thành nhân cách con người Việt Nam hiện nay.
Nguyễn Thị Bảy (1997) với công trình Văn hóa Phật giáo và lối sống
của người Việt ở Hà Nội và châu thổ Bắc Bộ đã bàn về văn hóa và lối sống
Phật giáo và ảnh hưởng của nó đối với đời sống xã hội.



4
Nguyễn Đăng Duy (1999) trong Phật giáo và văn hóa Việt Nam, đã đề
cập đến vai trò của Phật giáo trong đời sống chính trị, văn hóa, đạo đức của
dân tộc Việt Nam [24].
Ngoài ra, ở Việt Nam còn có một số luận án như: Luận án Tiến sĩ
Triết học của Lê Hữu Tuấn với đề tài: Ảnh hưởng của những tư tưởng triết
học Phật giáo trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam (Hà
Nội 1999) [78]. Luận án Tiến sĩ Triết học của Tạ Chí Hồng với đề tài: Ảnh
hưởng của đạo đức Phật giáo trong đời sống đạo đức của xã hội Việt Nam
hiện nay (Hà Nội 2004) [33]. Luận án Tiến sĩ Triết học của Hoàng Thị Lan
với đề tài Ảnh hưởng của đạo đức tôn giáo đối với đạo đức của con người
Việt Nam hiện nay (Hà Nội 2004) [41]. Luận án Tiến sĩ Triết học của Lê
Văn Lợi với đề tài Ảnh hưởng của văn hóa tôn giáo trong đời sống tinh
thần của xã hội Việt Nam hiện nay (Hà Nội 2008) [44]. Hoàng Minh Đô
(2014) "Ảnh hưởng của Phật giáo Việt Nam trong phát huy các giá trị văn
hóa và đạo đức dân tộc", Tạp chí Triết học (2) [22]; Vũ Thị Cẩm Giang
(2013), Văn hóa Phật giáo và ảnh hưởng của nó đối với đời sống tinh thần
của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ hiện nay [25]; Nhìn chung, các nhà
nghiên cứu đều khẳng định, qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển ở Việt
Nam, Phật giáo đã có ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống văn hóa tinh thần
đối với con người Việt Nam. Các công trình nghiên cứu đó đã đề cập đến
Phật giáo trên nhiều góc độ lịch sử, tư tưởng, văn hóa khác nhau, mang
tính tổng quát trên phạm vi cả nước, hay từng khu vực. Riêng vấn đề "Ảnh
hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần người dân
tỉnh Sơn La hiện nay" cho đến nay vẫn chưa có một công trình nghiên cứu
nào đề cập đến một cách cụ thể, có hệ thống.
3. Mục đích nghiên cứu
Mục đích chủ yếu của luận văn là nhận diện Phật giáo tỉnh Sơn La và
phân tích ảnh hưởng của Nhân sinh quan Phật giáo đối với đời sống tinh thần
người dân tỉnh Sơn La, trên cơ sở đó đề ra một số giải pháp nhằm phát huy



5
mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của Phật giáo, góp phần xây dựng đời sống
người dân tỉnh Sơn La ngày càng phong phú, lành mạnh theo định hướng xã
hội chủ nghĩa.
4. Khách thể và đối tượng nghiên cứu
4.1. Khách thể nghiên cứu
Nhân sinh quan Phật giáo
4.2. Đối tượng nghiên cứu
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần người
dân Sơn La hiện nay
5. Giả thuyết khoa học
- Câu hỏi nghiên cứu: Nhân sinh quan Phật giáo ảnh hưởng đến đời
sống tinh thần người dân Sơn La hiện nay như thế nào?
- Giả thuyết khoa học: Nhân sinh quan Phật giáo ảnh hưởng ngày càng
lớn đến đời sống tinh thần người dân Sơn La hiện nay trên các lĩnh vực: đạo
đức, lối sống, giá trị văn hóa, nghệ thuật, thẩm mỹ…
6. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Khái quát nhân sinh quan Phật giáo và quá trình Phật giáo du nhập
vào Sơn La.
- Phân tích thực trạng ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời
sống tinh thần người dân tỉnh Sơn La.
- Đề xuất một số giải pháp mang tính định hướng nhằm phát huy ảnh
hưởng tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của Phật giáo ở tỉnh Sơn La hiện nay.
7. Giới hạn phạm vi nghiên cứu
Luận văn tập trung nghiên cứu làm sáng tỏ ảnh hưởng của nhân sinh
quan Phật giáo đến đời sống tinh thần của người dân tỉnh Sơn La hiện nay.
8. Phương pháp nghiên cứu
Trên cơ sở phương pháp luận chung của chủ nghĩa duy vật biện chứng

và duy vật lịch sử, luận văn sử dụng các phương pháp: lôgic - lịch sử, phương
pháp phân tích - tổng hợp, điều tra xã hội học...


6
9. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, luận
văn kết cấu thành 2 chương, 5 tiết.
10. Những luận điểm cơ bản và đóng góp mới của luận văn
10.1. Những luận điểm cơ bản
Nhân sinh quan Phật giáo đang có sức ảnh hưởng khá tích cực đến đời
sống tinh thần của người dân tỉnh Sơn La.
Phát hiện ra những ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo sẽ góp
phần định hướng tư tưởng cho người dân Sơn La trong sự nghiệp xây dựng và
phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
10.2. Đóng góp mới của luận văn
Về mặt lý luận: Luận văn khái quát được Nhân sinh quan Phật giáo,
quá trình du nhập và phát triển của Phật giáo vào tỉnh Sơn La, nêu được ảnh
hưởng của Phật giáo đến đời sống tinh thần người dân tỉnh Sơn La. Góp phần
xây dựng những luận cứ khoa học nhằm củng cố và hoàn thiện quan điểm,
chính sách của Đảng, Nhà nước ta về tôn giáo và công tác tôn giáo trong tình
hình hiện nay.
Về mặt thực tiễn: Đưa ra được một số giải pháp chủ yếu nhằm phát huy
những mặt tích cực, khắc phục những mặt hạn chế của Phật giáo trong việc
xây dựng đời sống người dân tỉnh Sơn La, góp phần xây dựng đời sống văn
hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở tỉnh Sơn La trong giai đoạn hiện nay.


7


Chương 1
KHÁI QUÁT VỀ NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO
VÀ QUÁ TRÌNH DU NHẬP, PHÁT TRIỂN PHẬT GIÁO Ở SƠN LA

1.1. Khái quát về Nhân sinh quan Phật giáo
1.1.1. Nhân sinh quan và nhân sinh quan Phật giáo
* Nhân sinh quan
Có nhiều cách nhìn nhận về nhân sinh quan theo những góc nhìn khác
nhau. Theo nghĩa hẹp “Nhân” là người, “Sinh” là sống, “Quan” là quan điểm,
quan niệm, nhìn nhận. Vậy nhân sinh quan gồm những quan niệm về cuộc
sống của con người đề cập đến lẽ sống của con người là gì ?. Mục đích, ý
nghĩa, giá trị của cuộc sống con người ra sao và sống như thế nào cho xứng
đáng. Con người ở trong thế giới như thế nào, vai trò và vị trí của con người
đối với thế giới ra sao?
Theo một số tài liệu Triết học có mặt tại Việt Nam vào những năm
2000-2012 đã đưa ra những khái niệm cơ bản về tư tưởng nhân sinh quan dựa
trên những tài liệu nghiên cứu về Triết học qua nhiều thời kỳ khác nhau trong
lịch sử Triết học, cụ thể như sau:
“Thế giới quan là những quan điểm, quan niệm của con người về thế
giới xung quanh, về bản thân và về cuộc sống của con người, về vị trí của con
người trong thế giới đó. Thế giới quan bao hàm nhân sinh quan, tức là toàn
bộ những quan niệm về cuộc sống của con người” [27, tr.11].
“Những vấn đề triết học về con người là một nội dung lớn trong lịch sử
triết học nhân loại. Đó là những vấn đề: Con người là gì? Bản tính, bản chất
con người? Mối quan hệ giữa con người và thế giới? Con người có thế làm gì
để giải phóng mình, đạt tới tự do?...Đây cũng chính là nội dung cơ bản của
nhân sinh quan - một nội dung cấu thành thế giới trong triết học” [26, tr. 201].


8

Với mỗi trường phái Triết học khác nhau họ nhìn nhận nhân sinh quan
ở các góc độ, hệ tư tưởng khác nhau như Phật giáo, Nho giáo…Tư tưởng
nhân sinh quan chính là hệ thống các tri thức, lý luận, các khái niệm, nghiên
cứu, nhìn nhận của mỗi trường phái Triết học về vấn đề nhân sinh quan hay là
những vấn đề về con người vị trí, vai trò của con người trong thế giới. Làm
thế nào để đưa con người vượt qua những đau khổ, khó khăn đến những cảnh
giới của sự giải phóng, tự do, tự tại…Con người với thế giới hiện thực làm thế
nào để có thể dung hòa bản thân, điều chỉnh hành vi, các mối quan hệ để có
một cuộc sống tốt đẹp nhất.
* Nhân sinh quan Phật giáo
Phật giáo xuất hiện ở Ấn Độ và người sáng lập ra Phật giáo là Hoàng tử
Tất Đạt Đa, con vua Tịnh Phạn trị nước Catỳlavệ (thuộc miền Nam nước
Nêpan ngày nay). Ông sinh năm 623 mất năm 543 trước dương lịch ở Ấn Độ.
Sau khi tu hành đắc đạo có danh hiệu Thích Ca Mâu Ni. Tương truyền, Hoàng
tử Tất Đạt Đa từ khi mới sinh ra đã được vua cha hết đỗi yêu thương, chiều
chuộng, được sống trong nhung lụa, được chăm sóc, giáo dục rất đầy đủ, toàn
diện, Hoàng tử đã trở thành người văn võ song toàn. Khi lên tuổi 16 Hoàng tử
kết duyên và sinh hạ được một người con trai tên là La Hầu La. Cuộc sống
giàu sang đã tạo ông một lối sống ngăn cách với xã hội bên ngoài.
Vua cha không muốn cho Hoàng tử phải chứng kiến quy luật của cuộc
sống là sinh - lão - bệnh - tử. Mặc dù vậy, sau những lần dạo chơi ở cổng thành
Hoàng tử đã chứng kiến nỗi khổ của con người về sinh - lão - bệnh - tử; thấy
được cuộc sống cơ cực của người dân trong xã hội Ấn Độ cổ đại lúc bấy giờ,
vốn có sự phân chia đẳng cấp nghiệt ngã. Hoàng tử lại là người có tấm lòng từ
bi, bác ái vô hạn, sống gần gũi với con người, đầy tình người và trí tuệ.
Thấu hiểu đời sống khổ cực và sự bất lực của con người trong xã hội
đương thời, Phật đi đến kết luận "đời là bể khổ" và tâm niệm mong muốn đi


9

tìm con đường giải thoát cho chúng sinh. Năm 19 tuổi Phật có ý định từ bỏ
cuộc sống giàu sang để đi tìm đạo lý cứu đời trở thành một ẩn tu. Năm 29
tuổi, nhân lúc vua cha, vợ con đang ngủ say, Tất Đạt Đa rời bỏ Hoàng cung ra
đi trở thành người tu tập thiền định và bắt đầu cuộc sống khổ hạnh. Qua một
thời gian học đạo, Phật nhận thấy, cuộc sống giàu sang về vật chất, thỏa mãn
dục vọng và cả cuộc sống tu hành khổ hạnh ép xác đều là con đường sai lầm.
Người cho rằng chỉ có con đường trung đạo mới là con đường đúng đắn. Người
từng bảo: Ta tu khổ hạnh mà như thế này, mà không thấy rõ đạo thì cái tu của
ta vẫn chưa phải. Ta nên theo con đường giữa, cứ ăn uống như thường, không
say mê việc đời nào vẫn không khắc khổ hại thân rồi mới thành đạo được.
Qua nhiều lần tu tập trải qua cuộc chiến đấu kỳ diệu, phi thường kéo
dài suốt 6 năm đằng đẵng, không có một sự hỗ trợ từ bên ngoài, không một sự
hướng dẫn từ lực lượng siêu phàm, một mình cô độc, sau 49 ngày ngồi thiền
định dưới gốc cây bồ đề, với những suy tư sâu thẳm, Người đã giác ngộ được
chân lý. Tất Đạt Đa đã lý giải được nguồn gốc nỗi khổ của con người, cũng
như phương pháp giải thoát diệt khổ. Là một tôn giáo, Phật giáo ra đời nhằm
xoa dịu nỗi khổ xóa bỏ những tín ngưỡng lỗi thời và những quan điểm triết
học thịnh hành của xã hội Ấn Độ cổ trong xã hội có sự phân chia đẳng cấp
khắc nghiệt.
Dù phải đối phó nhiều trở ngại trong suốt cuộc đời hoằng hóa, nhưng
Đức Phật cũng giữ một phong thái an nhiên tự tại. Sau khi Đức Phật nhập Niết
bàn, các đệ tử đã tập hợp, phát triển tư tưởng của người để xây dựng một học
thuyết tôn giáo hoàn chỉnh (kinh, luật và luận tạng). Về sau Phật giáo chia
thành Tiểu thừa và Đại thừa với nhiều tông phái khác nhau, du nhập và phát
triển ra nhiều nước trên thế giới. Tiểu thừa chỉ chủ trương giữ y nguyên theo
đúng lời dạy của Phật ở trong các kinh nhất thiết không được thay đổi còn Đại
thừa chủ trương chỉ cần theo đúng cái tinh thần trong lời Phật dạy mà tiến hóa.


10


Học thuyết của Phật bao gồm "tam tạng": kinh tạng, luật tạng và luận
tạng. Giáo lý Phật giáo bao gồm hệ thống quan niệm về nhận thức luận, thế
giới quan và nhân sinh quan có kết cấu chặt chẽ. Mỗi yếu tố chứa đựng những
nội dung với chức năng riêng là tiền đề và hệ quả của nhau. Nhân sinh quan
Phật giáo được bắt nguồn từ thế giới quan. Tuy nhiên, mục đích chủ yếu của
Phật giáo là thoát khổ, là giải phóng con người, mang giá trị nhân sinh sâu
sắc. Thích Ca Mâu Ni đã nhìn thấy rõ sự đau khổ ở đời sống con người mà
sáng lập ra Phật giáo để tìm đường giải thoát chúng sinh khỏi nỗi khổ đau.
Khác với triết học phương Tây thường thiên nghiên cứu về thế giới tìm
hiểu thế giới tự nhiên xây dựng nên các học thuyết mang tính hướng ngoại,
thì triết học phương Đông nghiêng về việc nghiên cứu, tìm hiểu những vấn đề
chính trị, xã hội, đạo đức, tôn giáo, đặc biệt là vấn đề con người hơn là việc
tìm hiểu giới tự nhiên. Triết học phương Đông nghiên cứu thế giới để làm
sáng tỏ con người, vạch ra nguyên tắc ứng xử, giải quyết các mối quan hệ
giữa người với người, chú ý đến đời sống tâm linh mà ít quan tâm đến mặt
sinh vật của con người. Cũng như nhiều trào lưu tư tưởng triết học phương
Đông, Phật giáo đề cao và nhấn mạnh vấn đề nhân sinh. Điều này góp phần
vào việc lý giải vì sao mặt vũ trụ quan của thế giới quan của Phật giáo, nhất là
Phật giáo nguyên thủy, hơi mờ nhạt, trong khi nội dung nhân sinh quan lại
khá rõ ràng và mang tính nổi trội.
Mục đích của Đạo Phật là khai sáng con người ra khỏi sự vô minh,
thiếu hiểu biết từ đó tìm con đường giải thoát khỏi bể khổ. Do đó, Phật giáo
hầu như không đề cập và không có chủ trương giải quyết những vấn đề có
tính chất siêu hình, như chính lời của Đức Phật thuyết giảng: "Có người kia bị
bắn sâu vào mình mũi tên thuốc có tẩm thuốc độc. Bạn bè, thân quyến chạy đi
tìm lương y để cứu chữa và trong lúc bịnh nhơn nói: Tôi sẽ không cho ai rút
mũi tên này ra trước khi được giải thích tận tường về nguồn gốc của mũi tên,



11
người nào bắn tôi, bản chất của mũi tên là thế nào.v.v... người ấy sẽ chết trước
khi được nghe Đức Thế Tôn giải thích" [55, tr.360]. Theo đó Phật cho rằng sự
ngu dốt chính là căn nguyên dẫn đến cái chết không lý do. Con người này sẽ
chết đi mà không biết điều đó chúng là vô ích không dẫn ta đến giải thoát.
Việc cấp bách là cứu khổ giống như việc lấy mũi tên thuốc độc ra khỏi thân
thể con người.
Như vậy, có thể nói đối tượng nghiên cứu chủ yếu của Phật giáo là con
người, là giá trị nhân sinh. Trong xã hội chiếm hữu nô lệ ở Ấn Độ, với sự
thống trị của tư tưởng duy tâm của Đạo Bà la môn và chế độ phân biệt đẳng
cấp khắt khe, Phật giáo ra đời là tiếng nói trong làn sóng phủ nhận uy thế của
kinh Vêđa và đạo Bà la môn, tố cáo chế độ xã hội bất công, đòi tự do tư tưởng
và sự bình đẳng xã hội, xóa bỏ nỗi khổ trong đời sống của người dân Ấn Độ.
Khi Đức Phật tuyên bố: Không có đẳng cấp trong dòng máu cùng đỏ, không
có đẳng cấp trong giọt nước mắt cùng mặn, con người sinh ra không phải đã
mang sẵn trong bào thai dây chuyền ở cổ hay dấu tin ca (dấu hiệu quý phái
của dòng Bà la môn) trên trán, thì đấy là sự đồng cảm trước thân phận và tinh
thần phản kháng của quần chúng nhân dân trước chế độ xã hội đương thời.
Qua đó thể hiện mặt tích cực của nhân sinh quan Phật giáo trong lĩnh vực sinh
hoạt xã hội.
Như vậy, Phật giáo là một học thuyết về chính trị - xã hội, nó hướng
vào giải quyết vấn đề con người là gì, quy luật cuộc đời của con người và tìm
ra con đường thay đổi hiện thực đời sống xã hội của con người.
1.1.2. Nội dung nhân sinh quan trong Phật giáo
Triết học Phật giáo đã đặt ra và giải quyết nhiều vấn đề của tư duy triết
học. Đó là những vấn đề thuộc bản thể luận nhận thức luận và nhân sinh quan
triết học. Nghiên cứu chi tiết, cho thấy các phái Phật giáo có những quan niệm
khác nhau về nhân sinh. Phật giáo Tiểu thừa coi trọng xuất gia khổ hạnh, chủ



12
trương ngã không pháp hữu, đề cao sự giải thoát chính mình với mục đích
cuối cùng là chứng đắc La Hán. Phật giáo Tiểu thừa là tịnh độ và xuất thế gian,
nhấn mạnh cuộc đời là bể khổ mà nguyên nhân là do Thập nhị nhân duyên...
Còn Phật giáo Đại thừa không quá đề cao xuất gia khổ hạnh, chủ trương ngã
pháp đều không, tự giác ngộ và giác ngộ người khác, mục đích tu tập trở thành
Phật. Giới luật của Đại thừa cũng có nhiều biến đổi khác với giới luật của Tiểu
thừa ở sự tôn nghiêm cũng như nội dung. Nếu giới luật của Tiểu thừa tập trung
vào việc đạt quả phúc cho mình, thì giới luật của Đại thừa lại thường hướng
đến lợi ích cho người khác... Phật giáo Đại thừa về sau phát triển và lại chia
thành nhiều bộ phái khác nhau, xuất phát từ Ấn Độ và truyền bá ra các nước
xung quanh, triết lý Phật giáo nói chung và nhân sinh quan Phật giáo nói riêng
đã biến đổi, phát triển ngày càng đa dạng phong phú để thích nghi với truyền
thống của mỗi quốc gia, dân tộc trong những thời kỳ lịch sử nhất định.
Nhân sinh quan Phật giáo được thể hiện tập trung với những vấn đề căn
bản về con người và cuốc sống con người.
* Về con người
Phật giáo tập trung ở học thuyết cấu tạo con người, học thuyết về sự
xuất hiện và tái sinh trong vòng luôn hồi chuyển kiếp dưới tác động của quy
luật nhân quả: "Chúng ta sinh ra từ cái bào thai hành động. Chính hành động
hay nghiệp của ta trong quá khứ là cái bào thai nuôi dưỡng ta tạo điều kiện để
tái sanh. Cha mẹ cấu hợp nền tảng vật chất. Như vậy trước khi chúng sanh có
chúng sanh. Trước một chúng sanh trong kiếp hiện tại phải có một chúng sanh
trong kiếp quá khứ" [55, tr.360-361]. Theo Phật con người được cấu tạo từ
những yếu tố thể hiện trong thuyết Danh sắc và thuyết Lục đại.
Thứ nhất, Thuyết Danh sắc: Con người được cấu tạo từ hai yếu tố vật
chất và tinh thần.
Thứ hai, Thuyết Lục đại: Con người được cấu tạo từ sáu yếu tố:



13
Địa

: Nghĩa là đất, xương thịt.

Thủy : Nước, máu, chất lỏng.
Hỏa

: Lửa, nhiệt, khí.

Phong : Gió, hô hấp
Không : Các lỗ trống trong cơ thể
Thức : Ý thức tinh thần.
Trong sáu yếu tố này thì năm yếu tố đầu thuộc về vật chất, chỉ có yếu
tố cuối cùng thuộc về tinh thần.
Thứ ba, Thuyết Ngũ uẩn: Xem con người được cấu tạo từ năm yếu tố.
Sắc

: Vật chất bao gồm địa, thủy, hỏa, phong.

Thụ

: Tình cảm, cảm giác con người.

Tưởng : Tưởng tượng, tri giác, ký ức.
Hành

: Ý thức, những yếu tố khiến tâm hoạt động.

Thức


: Ý thức theo nghĩa rộng gồm cả thụ, tưởng, hành.

Trong các thuyết về cấu tạo con người của Phật giáo, thì thuyết Ngũ
uẩn là phổ biến hơn cả. Con người được tạo thành từ Ngũ uẩn cho nên không
có chủ thể thường hằng, tự tại mà vô ngã, vô thường. Con người là sản vật, tự
nhiên không có hình thái cố định của tính vật chất nhưng vì đã ăn vật chất trên
thế giới nên dần hình thành khối vật chất có sự phân biệt tính cách, màu da.
Có bốn loại thực:
Đoạn thực : Thức ăn là động, thực vật, thức ăn vật chất, là cơm ăn
nước uống hàng ngày.
Xúc thực

: Thức ăn là những cảm xúc, cảm giác.

Tư thực

: Thức ăn là sự suy tư, nghĩ ngợi.

Thức thực : Thức ăn là tinh thần, là thức ăn ở cõi vô sắc, sống bằng
tinh thần thanh cao.


14
Đạo Phật quan niệm: Mọi sự vật đều luôn vận động biến đổi, không có
cái gì là thường hằng, bất biến. Theo Phật giáo, có hai loại vô thường. Đó là sát
na vô thường và tương tục vô thường. Trong đó, sát na vô thường chỉ sự biến
hóa trong khoảng thời gian cực ngắn. Còn tương tục vô thường chỉ trong một
chu kỳ nối tiếp nhau đều có sinh - trụ - dị - diệt (đối với sinh vật), hay thành trụ - hoại - không (đối với sự vật), đối với con người là sinh - lão - bệnh - tử.
Phật giáo cho rằng, mọi sự vật hiện tượng là giả danh không có thực,

con người chỉ là giả hợp của Ngũ uẩn tùy duyên giả hợp mà thành. Đủ nhân
duyên hợp lại thì gọi là sống, hết nhân duyên tan ra gọi là chết. Sống, chết là
giả hợp tan của Ngũ uẩn. Do mê lầm, mà vô thường con người tưởng là
thường, vô ngã mà tưởng có ngã. Thân xác con người là nguồn gốc của mọi
khổ đau. Mọi đau khổ như đói, khát, sinh, lão, bệnh, tử, nóng, giận, dâm
dục... đều có gốc từ con người mà ra.
Theo Phật giáo, kết thúc của cái này là điều kiện để sinh mới sắp tới.
Phật giáo giải thích sự chết của con người bằng thuyết luân hồi nghiệp báo…
Khi con người hình thành thì mọi suy nghĩ, hành động được ghi lại ở một nơi
là Alaya, cứ thế tích tụ thành Karma - Luật vô hình đặc trưng của người. Khi
con người chết luật vô hình quay lại gặp điều kiện thuận lợi tạo thành sinh
linh mới chịu quả ở kiếp trước và nhân ở kiếp sau cứ thế luân hồi.
Phật giáo quan niệm, con người gieo nhân nào hưởng quả ấy, ở hiền
gặp lành, gieo gió gặt bão. Tuy nhiên kết quả báo của nghiệp không mang
tính cố định, bất biến, mà chịu sự chi phối tác động ảnh hưởng từ các yếu tố
duyên hay khuynh hướng nỗ lực tạo tác của con người. Nói cách khác con
người hoàn toàn có khả năng tác động đến kết quả của nghiệp. Chẳng hạn như
một người trước đây từng là kẻ vướng nhiều sai lầm nếu do nỗ lực làm các
việc thiện và thanh lọc tâm ý, anh ta hoàn toàn có khả năng tránh được hậu
quả của nghiệp.


15
Đức Phật có nói: Những kẻ tạo nghiệp ác dù có lên trời, xuống biển hay
vào hang núi cũng không nơi nào có thể trốn thoát.
Có thể nói rằng, Phật giáo quan niệm mối quan hệ nhân quả là mối quan
hệ phổ biến và chi phối tất cả. Phật giáo nguyên thủy cho thế giới này không có
nguyên nhân đầu tiên cũng như cuối cùng, thế giới không do một đấng tối cao
nào sáng tạo ra; từ đó đi đến bác bỏ mọi quan niệm cho rằng Thượng đế hay
linh hồn là lực lượng đầu tiên sáng tạo ra muôn vật thể hiện một vũ trụ quan

duy vật. Tuy nhiên, quan niệm về mối liên hệ nhân quả mà Phật giáo đề cập và
nhấn mạnh thuộc lĩnh vực đạo đức, tinh thần, tâm lý cá nhân.
Nhân quả truyền kiếp được thể hiện như việc: Đời này ra sức học tập
thì đời sau thông minh sáng suốt; đời này lười biếng thì đời sau ngu đần dốt
nát; đời này sát sinh thì đời sau chết yểu; đời này phóng sinh thì đời sau sống
lâu; đời này làm khổ chúng sinh thì đời sau đau khổ; đời này có tâm vỗ về an
ủi người khác thì đời sau hạnh phúc; đời này giận dữ cáu kỉnh thì đời sau
tướng mạo xấu xí...
Xét đến cùng, theo Đạo Phật muôn vật trong vũ trụ là hệ thống nhân
duyên của nhau, cứ thế sinh sinh diệt diệt mãi nối tiếp nhau vô cùng tận; thế
giới là vô thủy vô chung, không có cái gì là trường tồn bất biến. Mọi cái đều
biến đổi vận động không ngừng, không có cái vĩnh hằng; mọi vật đều tuân
theo quy luật sinh, trụ, dị, diệt. Con người cũng thuộc về thế giới hiện tượng,
thân xác con người được là sự nhóm họp của các yếu tố trong vũ trụ mà thành
nên vô ngã vô thường. Theo Phật giáo cuộc đời con người là một mắt xích
trong chuỗi dài vô tận chỉ là một gợn sóng trên mặt biển bao la, cuộc sống của
con người trên trần thế không thay đổi được nó do nghiệp cũ quy định theo
luật nhân quả mọi việc làm của con người đều là nhân của sự kết hợp Ngũ
uẩn tiếp theo.


16
Như vậy nhân quả nghiệp báo không phải là một quá trình, quá trình đó
chịu tác động sâu sắc của duyên các điều kiện hỗ trợ, sự tác động theo các
khuynh hướng tạo tác của nghiệp mới. Do đó là Phật tử khi đã tìm hiểu sâu
sắc về lý thuyết nhân quả không ai còn thái độ thụ động chờ đợi kết quả của
nghiệp như một tất yếu phải diễn ra nữa mà luôn luôn nỗ lực chuyển hóa
nghiệp, thanh lọc tâm.
* Về cuộc đời con người
Để giải thoát chúng sinh khỏi nghiệp nhân quả luân hồi

sinh - tử; tử - sinh, Đức Phật nêu ra Tứ diệu đế và Thập nhị nhân duyên. Tứ
diệu đế Tứ diệu đế là Hán dịch từ chữ Phạn Catvary Aryasatyani. Arya là
Diệu, cao quý, mầu nhiệm; Satya là Đế, là sự thật, là chân lý. Tứ diệu đế còn
được gọi là Tứ chân đế, Tứ thánh đế, Bốn chân lý mầu nhiệm.
Bốn chân lý của Tứ diệu đế mà mọi người đều phải nhận thức được là:
Khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế .
Thứ nhất, Khổ đế (Dukkha)
Đau khổ là một thực trạng mà con người cảm nhận từ lúc lọt lòng mẹ
cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, không ai phủ nhận điều ấy. Con người luôn
có xu hướng vượt thoát khỏi khổ đau, tìm kiếm hạnh phúc, nhưng vì không
hiểu bản chất, nguyên nhân của khổ đau nên không tìm được lối thoát thực sự;
đôi khi ngược lại, càng tìm kiếm hạnh phúc càng vướng vào khổ đau. Theo
triết lý nhân sinh Phật giáo, bản chất cuộc đời con người là khổ: “Đời là bể
khổ, đời là cả những chuỗi bi kịch liên tiếp, bốn phương đều là bể khổ, nước
mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển, vị mặn của máu và nước mắt chúng sinh
mặn hơn nước biển” [31, tr.12].
Nỗi khổ của cuộc sống thế gian là khôn cùng, song có thể chia làm ba
loại khổ hay tám thứ khổ.
Ba loại khổ (Tam khổ) là: khổ khổ, hoại khổ và hành khổ.


17

Khổ khổ: Muốn nói tới cái khổ chồng chất nối tiếp cái khổ. Mỗi chúng
sinh là nạn nhân của bao cái khổ. Cái khổ có ở ngay thể xác như bệnh tật
hiểm nghèo… lại có cái khổ khác bên ngoài thể xác như thiên tai, chiến
tranh... Tất cả những cái khổ đó liên tiếp dồn dập đến với con người.
Hoại khổ: Do sự thay đổi tạo nên tuân theo luật vô thường - không
thường còn. Từ con người cho đến vạn vật thế gian đều không thể nằm ngoài
quy luật chung đó.

Hành khổ: Những nỗi khổ về tinh thần con người, do không làm chủ
được mình bị lôi kéo vào những dục vọng làm cho tâm bị dằn vặt sinh ra buồn
vui, giận hờn, yêu ghét…
Tám thứ khổ (Bát khổ): Đức Phật tóm tắt thành tám thứ khổ trong cuộc
đời của một con người gồm: sinh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, oán tăng hội, sở cầu
bất đắc, thụ ngũ uẩn khổ.
Tám thứ khổ này là sự cụ thể hóa, tỉ mỉ hơn về các nỗi khổ của chúng
sinh ở trần thế, song nội dung thì được bao hàm bởi ba khổ trên.
Lão tử: con người sinh ra đã vất vả khốn đốn, lớn lên già yếu, bệnh tật
khốn khổ vô cùng, và cuối cùng cái chết, sự tan rã cuối cùng của thể xác đem
đến khổ thọ lớn lao.
Tử: đến một thời điểm nhất định con người phải chết, xa lìa trần thế để
lại nỗi xót thương vô hạn cho người thân, bè bạn. Ai cũng vậy, sợ phải xa lìa
người thân, bè bạn, bởi cuộc sống biết bao điều thú vị.
Ái biệt ly: nỗi khổ khi phải xa cách chia ly người mình yêu thương như
vợ chồng, cha mẹ, anh em… Nỗi khổ này bao gồm cả nỗi khổ sinh tử ly biệt:
Sống phải xa nhau đã khổ, nhưng người ở lại người đi vào thế giới khác thì đó
là nỗi khổ tình thương, tuyệt vọng biết nhường nào.
Oán tăng hội khổ: phải sống cùng với người mà mình ghét bỏ, được so
sánh với nỗi đau giống như bị gai đâm vào mắt mà không làm gì được.


18
Sở cầu bắt đắc khổ: là những nỗi khổ do con người mong muốn, ước ao
mà không đạt được, con người phải lao tâm khổ tứ biết bao, mong có được
ngày thành đạt; nếu điều đó không thành thì nỗi khổ ấy thật khủng khiếp dày
vò con người, khiến con người tuyệt vọng…
Ngũ thụ uẩn khổ: Sự nhóm họp của năm yếu tố: sắc, thụ, tưởng, hành,
thức hình thành nên thân xác con người, cho thân tâm phải chịu hết thảy
những nỗi khổ. Phật nói với chúng sinh: già là khổ, bệnh khổ, chết khổ, cái gì

của ta mà phải xa rời là khổ, cái gì không ưa thích mà phải hợp là khổ, cái gì
muốn mà không được là khổ. Tóm lại là triền miên trong ngũ trọc giả hợp.
Đức Phật muốn chúng sinh biết hết mọi nỗi khổ ở bể đời để khi gặp
phải không làm cho tinh thần hoảng loạn, mà phải biết bình tĩnh suy xét tìm
cách giải khổ, làm chủ được bản thân, vượt lên trên số phận. Điều này cho
thấy, Phật giáo không hề trốn tránh cuộc sống trần gian, cũng như không tô
hồng nó, mà đã dũng cảm nhìn vào hiện thực cuộc đời con người.
Tóm lại, theo Phật "Đời là bể khổ", con người sinh ra đã khổ tức ngũ
thụ uẩn khổ, sinh, lão, bệnh, tử khổ; mong muốn không đạt được, nỗi đau ly
biệt và cảm giác phải chung sống với cái mình ghét bỏ là khổ.
Tập đế (Samudaya)
Tập là tích tập các phiền não tụ hội tạo thành năng lực đưa đến khổ đau
đây cũng là nguyên nhân dẫn đến khổ đau, là nguồn gốc của các khổ. Khi
nhận thức được bản chất của khổ một cách rõ ràng ta mới có thể đi vào tận
con đường khổ đau.
Phật cho rằng, mọi cái khổ đều có nguyên nhân của nó được đưa ra
trong thập nhị nhân duyên. Đó là lòng tham sống mà luân hồi sinh tử: càng
tham, càng muốn, càng được lại càng tham. Con người tham sống, tham sướng,
tham mạnh v.v... Nguyên nhân của lòng tham là vô minh, nghĩa là u tối, ngu
muội không sáng suốt, không nhận thức được thế giới, không thấy mọi sự vật


19
đều là ảo giả, mà cứ cho là thực; không nhận thức được ngay chính bản thân
mình, cả thế giới khách quan lẫn bản thể chủ quan đều chỉ là vô ngã vô
thường trong vòng luân hồi trôi chảy bất tận, chính cái này dẫn đến lòng tham
sống ở trong con người. Phật giáo nói đến đau khổ chủ yếu là chỉ tinh thần
bức bách.
Nguyên nhân chủ yếu đưa đến đau khổ cho con người xuất phát từ
nguồn gốc của ba thứ là : tham, sân, si.

Tham: Biểu hiện sự tham lam của con người làm xúi giục con người
hành động để thỏa mãn lòng tham của mình. Lòng tham của con người không
có giới hạn chính vì không giới hạn, cứ luôn mong muốn mà con người rơi
vào tình cảnh sở cầu bất đắc mà khổ, đây là nguyên nhân gây bao nỗi thống
khổ cho con người như chém giết, xâm hại lẫn nhau.
Sân: Sự cáu gắt, bực tức, nóng giận khi con người không hài lòng về
điều gì đó, làm cho con người không kiểm soát hết hành động của mình (cả
giận thì mất khôn); như thế cũng đem lại những điều khổ đau, không hay cho
con người.
Si: Sự si mê, lú lẫn, làm cho con người không phân biệt điều hay dở;
điều đó gây bao tội lỗi, đau khổ cho mọi người. Nếu tham sân nổi lên mà có
trí sáng suốt sẽ ngăn chặn được tham, sân.
Giải thích về nguyên nhân biến hóa vô thường từ quá khứ đến hiện tại,
từ hiện tại tới tương lai. Phật giáo đã trình bày thuyết “Thập nhị Nhân duyên”
(mười hai quan hệ nhân duyên) một cách tất yếu của sự liên kết nghiệp quả.
Duyên hành: là hành động có ý thức; ở đây đã có sự dao động của tâm
trí, có mầm mống của nghiệp.
Duyên thức: Tâm thức từ chỗ cân bằng trong sáng đến dần dần mất cân
bằng, tùy theo nghiệp mà tâm thức tìm đến các nhân duyên để hình thành
cuộc đời khác.


×