Thành công khi ổn định chỗ làm và giỏi
nghề
Nguyễn Thị Cẩm Khuyên, tốt nghiệp ĐH Sư phạm Đà Nẵng ngành Anh văn,
đã có 1 năm kinh nghiệm làm nhân viên lễ tân khách sạn tại Hội An. Đang
đảm nhận vị trí thư ký kiêm phiên dịch với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng.
Theo gia đình vào TP HCM sinh sống (tháng 4-2003), Cẩm Khuyên phải bắt
đầu một cuộc sống mới với phần lớn thời gian “lang thang” tại các trung tâm
giới thiệu việc làm và tìm tòi thông tin tuyển dụng trên báo. So với sự yên ả
của phố cổ Hội An, TP HCM đúng là một nơi rất thích hợp cho việc tìm kiếm
một công việc tốt.
“Một môi trường làm việc năng động, sáng tạo và đầy thử thách đang mở ra
trước mắt tôi. Có quá nhiều công ty cho một người còn trẻ tuổi như tôi được
phép chọn lựa để thử sức” – Cẩm Khuyên tâm sự. Chỉ chưa đầy một tuần sau
khi được tham gia Chương trình Việc làm của Báo Người Lao Động, Cẩm
Khuyên đã nhận được rất nhiều lời mời phỏng vấn tuyển dụng từ các công ty
và cô đã chọn Văn phòng Đại diện MLT của Đức để “đầu quân”. Công việc
hằng ngày của Khuyên là sắp xếp hồ sơ, sổ sách và dịch thuật các tài liệu
nước ngoài. Cô cho biết lúc đầu mình cũng gặp nhiều khó khăn vì tài liệu liên
quan đến chuyên ngành cơ khí, khi dịch phải tra từ điển rất lâu và có những
từ không sao hiểu được. Song, Khuyên đã nhận được rất nhiều sự động viên
và giúp đỡ từ bạn bè đồng nghiệp. Chính điều đó đã giúp cô trụ được trong
công việc và cảm thấy yêu nghề hơn. “Vậy nếu có một chỗ làm mới với mức
lương hấp dẫn, bạn có sẵn sàng từ bỏ công việc hiện tại?”. Một cái lắc đầu
nhẹ nhưng cương quyết, Khuyên cho rằng người ta chỉ thành công khi ổn
định chỗ làm và giỏi nghề thật sự.
Người vừa có việc làm: "Tôi may mắn gặp được Hội
chợ Việc làm..."Nguyễn Hữu Hoàng, tốt nghiệp ngành
địa lý môi trường ÐH KHXH và NV TP HCM, vừa được
nhận vào chức danh nhân viên kinh doanh tiếp thị
Công ty Du lịch Sài Gòn - Bình Châu (chi nhánh TP
HCM)
Tuổi trẻ không nên sớm an phận
Ba năm trước, mới vừa tốt nghiệp ngành địa lý môi trường của Trường ÐH
KHXH và NV TPHCM, Nguyễn Hữu Hoàng được Công ty Công trình Ðô thị tỉnh
Vĩnh Long "chấm" và nhận vào làm việc. Một việc làm ổn định trong một
doanh nghiệp Nhà nước là giấc mơ của nhiều bạn trẻ, còn đối với Hoàng, điều
đó dường như chưa đủ.
Hoàng tâm sự: "Tuổi trẻ không nên sớm an phận. Ai cũng quý mảnh đất
sinh ra mình, nhưng cũng cần chọn thời điểm phù hợp để phục vụ ". Với suy
nghĩ đó, Hoàng xin nghỉ việc và trở lại TPHCM để kiếm cơ hội và thử thách
mới.
Ðầu những năm 2000, làm việc cho các công ty nước ngoài trở thành một xu
thế chung trong giới trẻ. Hòa trong trào lưu ấy, Nguyễn Hữu Hoàng cũng tìm
đọc việc làm tại một công ty của Ðài Loan. Giờ giấc làm việc bất thường,
quan hệ lao động căng thẳng, lương bổng, thù lao bị cắt giảm... là những bất
ổn khiến Hoàng một lần nữa có ý định rời bỏ công việc.
Có lẽ tôi là người may mắn
Hành trang vào đời của Hoàng luôn mang theo ước mơ được học lên cao hơn
nữa. Những ngày chờ tìm công việc mới, Hoàng tranh thủ học thêm và thi đỗ
vào lớp cao học ngành địa lý môi trường. Phải có thêm chứng chỉ C ngoại ngữ
nữa, ban đêm, Hoàng lao đầu vào chuyện đèn sách. Một lần, đọc được thông
tin về Hội chợ Việc làm TPHCM trên Báo người Lao Ðộng, và tại gian hàng
của Báo Người Lao Ðộng, Hoàng đã tìm được cho mình một cơ hội việc làm.
Công ty Du lịch Sài Gòn - Bình Châu (Chi nhánh TPHCM) không kịp đăng ký
gian hàng, phải nhờ đến Báo Người Lao Ðộng. Chị Trịnh Thanh Tâm - trưởng
chi nhánh - đã ngồi gần cả buổi sáng ở đó để tiếp nhận và tuyển chọn những
hồ sơ ứng viên phù hợp nhất, trong đó có hồ sơ của Hoàng. Ba ngày sau,
Hoàng dự phỏng vấn và được tuyển vào làm việc cho Công ty Du lịch Sài Gòn
- Bình Châu. Với chuyên môn về địa lý môi trường, "đầu quân" cho một
doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch sinh thái, thế giới việc làm giờ đây mở ra
trước mắt Hoàng một lối đi thuận lợi để thực hiện hoài bão của mình. "Nộp
hồ sơ vào nơi nào, tôi đều được nơi ấy nhận việc. Có lẽ tôi là người may mắn.
Nhưng may mắn hơn là tôi đã gặp được Hội chợ Việc làm vào thời điểm cần
thiết nhất" Hoàng nói.
Để không bị đào thải khỏi một doanh
nghiệp?
Giữ đúng người có hai khía cạnh: Giữ lại cho được những con người hữu ích
cho doanh nghiệp (DN), và đào thải cho được những con người có hại cho
DN. Với 10 năm làm nhân sự và tư vấn nhân sự tôi đã phải chứng kiến nhiều
trường hợp đào thải đáng tiếc. Xin được nêu ra đây 5 trường hợp tiêu biểu.
Cần trung thực và giữ lời hứa
Một nhân viên có trình độ và chuyên môn đảm trách chức vụ thủ ngân cho
một tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam. Nhân viên này hay trộm vặt
các dụng cụ văn phòng phẩm của đồng nghiệp về nhà cho con sử dụng. Điều
này khiến cho giám đốc không mấy tin tưởng vào cô. Mỗi khi trả lời hoặc báo
cáo công việc với cấp trên hay người nước ngoài, cô ta thường hay “yes” cho
qua chuyện, lúng túng trong giao tiếp và hiếm khi giải thích vấn đề cho thấu
đáo. Hậu quả: Sau 6 tháng làm việc nhân viên thủ ngân này đã được yêu cầu
xin thôi việc vì sếp nghi ngờ thiếu trung thực và hứa (“yes”) nhiều nhưng
không giữ lời hứa.
Giữ chừng mực trong quan hệ đồng nghiệp
Một nữ thư ký trẻ đẹp và giỏi việc đã đem lòng mến phục ông sếp cao cấp
người nước ngoài đã có gia đình. Từ mến phục cộng với tài năng và sự khéo
léo của mình, sau 2 năm làm việc chung cô đã làm xiêu lòng ông sếp của
mình. Mối quan hệ sếp và thư ký dành cho nhau đã bắt đầu vượt qua khuôn
khổ công việc, gây nhiều đàm tiếu trong công ty và làm mâu thuẫn gia đình
cho vị sếp. Vì vậy hiệu quả công việc của ông sếp này đã bị ảnh hưởng rất
nhiều. Hậu quả: Tổng giám đốc yêu cầu chấm dứt hợp đồng với cô thư ký
giỏi việc vì lợi ích chung và văn hóa của công ty.
Không tự phụ, rập khuôn
Một giám đốc khu vực loại trung bình của một công ty châu Âu lớn và chuyên
nghiệp đã đổi sang làm giám đốc kinh doanh toàn quốc của một công ty Việt
Nam. Công ty Việt Nam này quản lý theo cách gia đình trị nhưng rất thành
công. Vừa nhận chức vị giám đốc kinh doanh toàn quốc đã ngay lập tức chỉ
trích hệ thống báo cáo kinh doanh, cách tổ chức, thu chi, lịch trình viếng
thăm khách hàng, và ngay cả đội ngũ nhân viên kinh doanh của công ty. Anh
cho rằng cách làm việc và quản lý hiện tại là không chuyên nghiệp, cổ hủ và
cho rằng đội ngũ nhân viên kinh doanh thiếu trình độ và không có khái niệm
về phục vụ khách hàng. Anh tức tốc cho thay đổi hàng loạt từ bố trí nhân sự,
quy trình mẫu biểu kinh doanh, cung cách bán hàng... theo tiêu chuẩn của
công ty châu Âu anh đã làm qua. Hậu quả: Anh không được ký hợp đồng
chính thức sau khi hết thời gian thử việc vì theo lời ông chủ “anh này làm tụt
doanh số và gây mất cảm tình khách hàng của công ty
Các nhà tuyển dụng đang ngán ngại điều gì?
Việc tìm một chỗ làm với thu nhập tương đối ổn định của người lao động (LÐ), đặc biệt là
LÐ trẻ, hiện đã không còn là vấn đề nan giải nữa. Thay vào đó, tâm lý thực dụng, chỉ nghĩ
đến quyền lợi của bản thân quá nhiều của một bộ phận người đi xin việc đã khiến các nhà
tuyển dụng than phiền.
Bà Trần Thị Túc - GÐ Chi nhánh Giới thiệu việc làm (GTVL) Rajci, đơn vị hàng ngày tiếp
xúc gần 100 ứng viên, trong đó số LÐ có trình độ cao đẳng đại học chiếm 80%, than phiền
về vấn đề này: "Gần 50% ứng viên đã làm chúng tôi thất vọng vì thái độ đi xin việc của họ.
Họ đặt ra các tiêu chuẩn chọn việc để "phỏng vấn" lại nhà tuyển dụng như lương phải cao,
công việc nhàn nhã, có thể chủ động về thời gian làm việc, có nhiều cơ hội thăng tiến, công
ty không quá xa thành phố... Nếu nhà tuyển dụng không đáp ứng đủ một trong những yêu
cầu trên, thì họ sẽ tiếp tục tìm kiếm công việc ở các công ty tiếp theo. Có ứng viên nói
thẳng là họ chọn công ty, chứ không phải công ty chọn họ... Ngoài việc mặc cả điều kiện
làm việc với công ty không ít ứng viên còn đi xin việc với một thái độ thiếu nghiêm túc,
xem thường nhà tuyển dụng".
Theo các nhà tuyển dụng, những nguyên nhân khiến người LÐ có thái độ như thế khi tìm
việc là do nhu cầu về lao động vào những tháng cuối năm khá lớn. Bên cạnh đó, sự ra đời
của các DN mới cũng tạo nên cơn sốt về nguồn LÐ. Một nguyên nhân khác là xu hướng
tuyển dụng năm nay của các nhà tuyển dụng có phần thoáng hơn, yếu tố kinh nghiệm
không còn là rào cản đối với những LÐ mới tốt nghiệp. Bà Nguyễn Kim Dung - GÐ Trung
tâm GTVL Thanh Niên cho biết, đa số các DN nhờ trung tâm tuyển dụng đều sẵn sàng
tuyển dụng LÐ chưa có kinh nghiệm để đào tạo lại theo định hướng của từng công ty, với
điều kiện người LÐ phải thay đổi thái độ và nhận thức khi đi làm. Ðiều DN kiêng kỵ nhất
là bệnh "đứng núi này trông núi nọ" của người LÐ.
Một thực tế cho thấy, những LÐ kén chọn công việc, hay đòi hỏi những điều kiện thuận lợi
về phía cá nhân mình là những người bị thiệt thòi trước tiên: khó kiếm được việc và khó
được DN chấp nhận. Tâm lý kén chọn khiến các bạn trẻ không tạo được sự ổn định, tính
bền vững trong công việc. Theo nhận định của các công ty tư vấn nguồn nhân lực, những
LÐ thiếu trách nhiệm xã hội là những người dễ thất nghiệp nhất.
Nhiều DN trong quá trình tìm kiếm LÐ đã phải kêu lên: "Thanh niên bây giờ ngại khó
quá". Các bạn có quyền lựa chọn cho mình một công việc phù hợp và thuận lợi nhất,
nhưng cũng đừng vì thế mà có những đòi hỏi quá đáng về các quyền lợi cá nhân. Nếu xác
định mình là một thành viên của xã hội thì các bạn nên có ý thức phục vụ xã hội. "Không
DN nào muốn nhận một nhân viên vào làm việc khi nhân viên đó chỉ quan tâm đến lợi ích
cá nhân" - là lời khuyên thẳng thắn của bà Trần Thị Túc đối với những LÐ đang trên
đường tìm việc.
Cùng ý kiến trên, bà Ngô Thị Bích phượng - trưởng bộ phận tuyển dụng của Trung tâm
GTVL Vinhempich cho rằng, những LÐ có ý thức về trách nhiệm xã hội thường có những
bước tiến vững vàng trong công việc vì họ "biết người biết ta". Bà Phượng nói: " Kiên
nhẫn đeo bám công việc, vừa làm vừa học hỏi rồi cơ hội cũng sẽ đến với các bạn. Ðã xác
định đi làm là phải chịu cực, đi kiếm việc làm là kiếm chỗ phát triển chứ đừng kiếm chỗ
yên thân. Nếu bạn thật sự giỏi, DN sẽ ưu đãi bạn, đừng vì những quyền lợi cá nhân mà tự
đánh mất cơ hội" (Thanh Diệu - báo Phụ Nữ)