Tải bản đầy đủ (.doc) (19 trang)

văn hóa từ chức ở việt nam hiện nay thực trạng và giải pháp tiểu luận cao học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (148.84 KB, 19 trang )

LỜI MỞ ĐẦU
Hiện nay, vấn đề văn hóa từ chức ở nước ta đang được nhiều nhà
nghiên cứu đề cập đến và được dư luận xã hội quan tâm. Người ta vẫn hay
quan niệm văn hóa từ chức là một hành động rất đặc biệt trong xã hội. Khi
người được giao trách nhiệm đã cố tình hay không đủ khả năng làm tròn thì
với lòng tự trọng của mình người đó sẽ tự nguyện xin từ chức.
Từ chức chỉ được xem là một hành vi có văn hóa khi người ta tự
nguyện và mang lại ý nghĩa tốt đẹp cho xã hội. Việc từ chức tự nguyện của
người có chức, có quyền sẽ tạo cơ hội cơ cấu lại, kiện toàn đội ngũ cán bộ của
cơ quan, tổ chức nghĩa là tạo ra sự hợp lý tốt hơn trong xã hội. Điều đó giúp
những người thực sự có nhân cách, tài giỏi, có trình độ, năng lực thực tiễn có
thể phát huy cao nhất năng lực của mình nếu ở đúng vị trí, đồng thời cũng
giúp cho cơ quan, tổ chức và xã hội tránh được những thiệt hại không đáng
có. Văn hóa từ chức là một dạng văn hóa cá nhân của những người có chức,
có quyền. Họ được cơ quan, tổ chức và xã hội tôn trọng khi ở họ có nhân cách
đạo đức, biết lãnh đạo bằng tấm gương. Nếu không có nhân cách và gương
mẫu thì không thể thuyết phục được mọi người.
Vấn đề đặt ra ở đây là Văn hóa từ chức là gì? Văn hóa từ chức ở các
nước trên thế giới như thế nào? Ở Việt Nam có văn hóa từ chức không? Nếu
có thì từ bao giờ và văn hóa từ chức trong xã hội Việt Nam hiện nay ra sao?
Trong khuôn khổ tiểu luận này, tác giả xin được đề cập và đi sâu vào trình bày
đề tài “Văn hóa từ chức ở Việt Nam hiện nay thực trạng và giải pháp”.

1


NỘI DUNG
I. ĐỊNH NGHĨA TỪ CHỨC VÀ VĂN HÓA TỪ CHỨC
Theo từ điển tiếng Việt, “chức” là “Danh vị thể hiện cấp bậc, quyền hạn
và trách nhiệm của một người trong hệ thống tổ chức của Nhà nước hay đoàn
thể”.


“Từ chối” là “không chịu nhận cái được dành cho hoặc được yêu cầu”.
Vậy “từ chức” là “xin thôi không làm chức vụ hiện đang giữ”.
“Văn hóa” theo Từ điển tiếng Việt có 5 cách định nghĩa như sau: 1.
Tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo
ra trong quá trình lịch sử (VD: Kho tàng văn hóa dân tộc, văn hóa phương
Đông, nền văn hóa cổ). 2. Những hoạt động của con người nhằm thỏa mãn
nhu cầu đời sống tinh thần (Phát triển văn hóa, công tác văn hóa). 3. Tri thức,
kiến thức khoa học (Học văn hóa, trình độ văn hóa). 4. Trình độ cao trong
sinh hoạt xã hội, biểu hiện của văn minh (Sống có văn hóa, ăn nói thiếu văn
hóa). 5. Nền văn hóa của một thời kỳ lịch sử cổ xưa, được xác định trên cơ sở
một tổng thể những di vật tìm thấy được có những đặc điểm giống nhau”
(Văn hóa rìu hai vai, văn hóa gốm màu, văn hóa Đông Sơn).
Văn hóa có mặt trong tất cả những hoạt động sống của con người và là
tất yếu của cuộc sống, thế nên, văn hóa từ chức cũng biểu hiện sự tất yếu của
cuộc sống. Gắn với từ chức, văn hóa có thể hiểu theo nghĩa thứ tư. Nghĩa là từ
chức nếu trở thành một hành động tất yếu, phổ biến trong xã hội; trở thành
cách ứng xử bình thường trong đời sống lãnh đạo, quản lý ở nước ta, đồng
thời, văn hóa từ chức cũng từ đó mà hình thành và phát triển thì nó cũng
chính là biểu hiện của văn minh. Và hành động từ chức là một hành động có
văn hóa, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.
II. VĂN HÓA TỪ CHỨC Ở MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI
Ở các nước phát triển, từ chức là văn hóa hành xử của những người có
chức, có quyền và đã trở thành trách nhiệm của người có chức, có quyền,
được dư luận xã hội chấp nhận. Khi có vụ việc tiêu cực xảy ra, thì người chịu
2


trách nhiệm trực tiếp bị xử lý, hoặc nếu nhẹ thì xin lỗi dân, nếu nặng thì tự
giác xin từ chức. Nếu vụ việc nghiêm trọng, liên qua đến trách nhiệm của cả
Chính phủ, thì Thủ tướng đích thân xin lỗi dân. Nếu nặng thì cả Chính phủ

xin từ chức. Còn việc bồi thường thiệt hại, việc xử lý hành chính hay hình sự
do các sai phạm gây ra lại là chuyện khác. Đã có rất nhiều ví dụ về chuyện
các quan chức trên thế giới tự nguyện từ chức.
Tại Nhật Bản, đã có rất nhiều trường hợp một vị lãnh đạo cao cấp dù đã
làm việc hết sức nhưng trong mắt người dân không thấy hiệu quả thì vẫn phải
tự từ chức. Dù quan chức lớn đến cỡ nào chỉ cần có những rắc rối liên quan,
dính dáng đến tên tuổi mình một cách trực tiếp hay gián tiếp cũng tự cảm thấy
xấu hổ mà từ chức và công khai xin lỗi. Trên truyền hình Nhật, lâu lâu lại
thấy cảnh một ban lãnh đạo nào đó cúi rạp người trước ống kính truyền hình
để xin lỗi nhân dân. Với các công ty, các tập đoàn kinh doanh lớn, khi có phàn
nàn của người tiêu dùng, khi có sự cố về tai nạn, thì ban lãnh đạo của công ty,
cơ quan đó đều công khai xin lỗi dân. Đó là một văn hóa ứng xử rất văn minh
của những người lãnh đạo ở Nhật.
Tháng 9/2011, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật
Bản Yoshio Hachiro, đã từ chức vì các bình luận không đúng mực liên quan
tới vụ rò rỉ phóng xạ ở tỉnh Fukushima. Theo Báo chí Nhật, ông Yoshio
Hachiro là người mới được bổ nhiệm một tuần vào nội các của tân Thủ tướng
Yoshihiko Noda, đã gây phẫn nộ khi gọi các khu vực xung quanh nhà máy
điện Fukushima Daiichi đang gặp sự cố là "shi no machi" (thị trấn chết). Các
nhân chứng còn nói rằng sau chuyến thăm nhà máy điện hạt nhân, ông
Hachiro còn làm bộ như đang quẹt chiếc áo khoác của ông vào một phóng
viên và dọa rằng sẽ khiến anh này nhiễm phóng xạ. Tuyên bố và hành động
của Hachiro được xem là thiếu nhạy cảm.
Vài năm trước, sau khi xảy ra một vụ tai nạn đường sắt, Bộ trưởng
Giao thông Nhật Bản đã nhận lỗi và xin từ chức. Hoặc cao hơn nữa là cựu
Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đã phải từ chức vì không thực hiện
được cam kết di dời căn cứ quân sự Futenma của Mỹ ở đảo Okinawa.
3



Thống đốc Tokyo, ông Inose Naoki, ngày 19/12/2013 đã từ chức sau khi
thừa nhận đã nhận một khoản 500 ngàn đô la từ một nhà tài phiệt y tế. Ông
Inose Naoki cho rằng đó là một khoản vay cá nhân không dính líu gì đến chiến
dịch tranh chức thống đốc Tokyo. Thống đốc Inose Naoki là nhân vật chính
giúp cho thành phố Tokyo giành được quyền đăng cai Thế vận hội 2020. Ông
này cho biết việc từ chức của ông cũng phần nào nhằm giúp tránh tác động xấu
đến công tác chuẩn bị cho kỳ Olympic sẽ diễn ra ở Tokyo vào năm 2020.
Thủ tướng Shinzo Abe là người nhậm chức lúc trẻ nhất trong các Thủ
tướng Nhật Bản từ sau Chiến tranh Thế giới II. Năm 2007, ông Abe từ chức
Thủ tướng và chức Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do khi chưa làm được một
năm, sau thất bại thảm hại của Đảng này khi bầu cử Thượng viện và khủng
hoảng về việc Nhật ủng hộ chiến dịch quân sự của Mỹ ở Afghanistan. 5 năm
sau khi từ chức Thủ tướng và Chủ tịch Đảng, Abe lại tranh cử Chủ tịch Đảng
và được bầu làm Chủ tịch Đảng trở lại vào ngày 26/9/2012. Trong cuộc tổng
tuyển cử Nhật Bản năm 2012, Đảng Dân chủ Tự do giành thắng lợi, Abe quay
lại làm Thủ tướng Nhật Bản thêm một nhiệm kỳ nữa từ ngày 26/12/2012.
Ngày 7/8/2013, người lãnh đạo Quốc phòng Đài Loan – ông Dương Tổ
Niệm đã tuyên bố từ chức chỉ chưa đầy một tuần nhậm chức thay thế người
tiền nhiệm của mình - ông Cao Hoa Trụ, người đã buộc phải từ chức trước đó
vì cái chết của một binh sĩ bị lạm dụng trong quân đội. Vụ từ chức bất ngờ
của ông Dương Tổ Niệm diễn ra sau khi một nhà lập pháp từ phe đối lập đảng
Dân chủ tiến bộ cáo buộc ông đạo văn trong một bài viết in trong cuốn sách
xuất bản năm 2007. Trong tuyên bố từ chức, Dương Niệm Tổ đã lên tiếng xin
lỗi vì đã làm tổn hại tới uy tín của chính phủ, quân đội và đồng thời đổ lỗi cho
đồng tác giả đã đánh cắp tư liệu bài viết.
Tháng 6/2012, Bộ trưởng Thương mại Mỹ John Bryson đã đệ đơn xin
từ chức lên Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông đưa ra quyết định này sau
khi xảy ra vụ tai nạn ô tô liên hoàn ở California hồi đầu tháng mặc dù vụ tai
nạn này không có bất cứ một nạn nhân nào ngoài chính “thủ phạm”. Ông
4



Bryson cho biết khó hoàn thành tốt công việc khi sức khỏe không đảm bảo vì
vậy cần phải để cho những người có sức khỏe hơn, năng lực để gánh trên vai
trọng trách của quốc gia.
Có vô cùng nhiều lý do để một nhà lãnh đạo cấp cao đệ lá đơn từ chức.
Họ có thể cảm thấy không đảm đương được công việc hoặc để xảy ra những
hậu quả, làm mất lòng dân thì và vì lòng tự trọng của một người đã được tin
tưởng, họ sẵn sàng từ chức. Cũng có người từ chức vì nhận thấy rằng trong
các sự việc đáng tiếc xảy ra, dù chỉ liên quan một phần rất nhỏ, nhưng mình
phải chịu trách nhiệm với tư cách lãnh đạo cao nhất. Từ chức dù không phải
là việc làm dễ dàng nhưng đối với họ là cần thiết và nên làm. Nó đã trở thành
một nét văn hóa trong đời sống chính trị tại nhiều nước.
III. VĂN HÓA TỪ CHỨC TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM
3.1.

Văn hóa từ chức ở Việt Nam thời kỳ trước 1945

Trong lịch sử Việt Nam, thời kỳ phong kiến, đã có khá nhiều người tài
giỏi nhưng đã treo ấn từ quan như Chu Văn An, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn
Bỉnh Khiêm,... Các ông từ chức không phải không làm tròn chức trách, gây
tác hại lớn mà phần nhiều là do khảng khái, không đồng ý với quan điểm của
vua. Thời Phong kiến, nam nhi học để ra làm quan, để có địa vị trong xã hội
“Một người làm quan, cả họ được nhờ”. Nếu không hợp thế thời, bị đè nén
trù dập hay không được trọng dụng thì rời bỏ chốn phồn hoa, cáo quan về quê
ở ẩn. Sống ở quê, trồng rau, nuôi cá, lao động chân tay mà “tránh sự đời” dù
vẫn âm ỉ nuôi mộng sĩ phu. Có người sẽ trở lại quan trường khi được mời,
trọng dụng; có người nuôi trở thành thầy dạy, truyền lại kiến thức cho hậu bối
tâm phúc, đệ tử thay mình tiếp nối, hoặc rũ hẳn khát vọng, lảng tránh sự đời,
gửi tâm sự vào thơ phú vịnh ngâm.

Chu Văn An (1292 –1370), tên thật là Chu An, hiệu là Tiều Ẩn, tên
chữ là Linh Triệt. Quê ông ở làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh
Đàm (nay thuộc xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Là một
nhà giáo, thầy thuốc, đại quan nhà Trần trong lịch sử Việt Nam, được phong
5


tước Văn Trinh Công nên đời sau quen gọi là Chu Văn An. Cuộc đời thanh
bạch và tiết tháo của ông là tấm gương sáng của thời phong kiến Việt Nam.
Ông là một trong số rất ít bậc hiền nho được thờ ở Văn Miếu. Sự nghiệp của
ông được ghi lại trong văn bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Là người chính
trực, đã từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy
học ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch, ông có công lớn trong việc
truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo vào Việt Nam. Vua Trần
Minh Tông (1300–1357) mời ông ra làm tư nghiệp Quốc tử giám, dạy cho
Thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông tương lai. Đến đời Dụ Tông,
ông thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng Thất trảm sớ xin chém
7 tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Ông chán nản từ quan về ở núi
Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương), lấy hiệu là Tiều Ẩn (người đi ẩn hái
củi), dạy học, viết sách cho tới khi mất.
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585). Ông sinh tại làng Trung Am,
huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Lý Học, huyện
Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Tên huý là Nguyễn Văn Đạt, tên tự là Hanh Phủ, hiệu
là Bạch Vân cư sĩ, được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử, là một trong
những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam
trong thế kỷ 16. Ông được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của
một nhà giáo có tiếng thời kỳ Nam-Bắc triều (Lê-Mạc phân tranh) cũng như
tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam. Lớn lên trong thời đại loạn, suốt
hơn 20 năm, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã bỏ qua tới 9 kỳ đại khoa. Ông đỗ Trạng
Nguyên và ra làm quan khi đã 45 tuổi. Ngay sau khi đỗ đạt, ông được bổ

nhiệm làm Đông Các hiệu thư (chuyên việc soạn thảo, sửa chữa các văn thư
của triều đình) rồi sau được cử giữ nhiều chức vụ khác nhau như Tả thị lang
bộ Hình, Tả thị lang bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ. Nhân lúc triều chính
nhiễu nhương chia bè kết phái do Mạc Hiến Tông (Mạc Phúc Hải) còn ít tuổi
lên thay vua cha nhưng chưa đủ năng lực điều hành chính sự, Nguyễn Bỉnh
Khiêm đã dâng sớ trị tội 18 lộng thần (trong đó có cả con rể của ông là Phạm
6


Dao làm Trấn thủ Sơn Nam) nhưng không được vua chấp thuận. Bởi vậy, năm
1542 ông xin về quê trí sĩ sau 8 năm làm quan tại triều đình. Sau hai năm về
trí sĩ, tới năm Giáp Thìn (1544), vua Mạc lại cho người về phong tước Trình
Tuyền Hầu cho ông, rồi sau lại thăng ông lên chức Thượng thư bộ Lại, Thái
phó, tước Trình Quốc Công. Do vậy mà dân gian quen gọi ông là Trạng Trình.
Gần 20 năm từ năm 53 tuổi tới 73 tuổi, Nguyễn Bỉnh Khiêm tuy quy ẩn tại
quê nhà, nhưng vẫn cáng đáng nhiều việc triều chính, lúc bàn quốc sự, lúc
theo xa giá nhà vua đi dẹp loạn, vua Mạc tôn kính ông như bậc quân sư.
Những việc trọng đại nhà vua thường sai sứ giả về hỏi, có khi lại đón ông lên
kinh để bàn việc, xong rồi ông lại trở về làng Trung Am. Ngoài 73 tuổi, ông
mới chính thức treo ấn từ quan, về quy ẩn nơi quê nhà.
Lê Quý Đôn (1726 - 1784), tên thuở nhỏ là Lê Danh Phương, tự Doãn
Hậu, hiệu Quế Đường. Ông sinh ra tại làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn
Nam; nay thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Là quan thời
Lê trung hưng, là nhà thơ, và là "bác học lớn của Việt Nam trong thời phong
kiến". Năm Quý Dậu 1753, sau khi đỗ đại khoa, Lê Quý Đôn được bổ làm Thị
thư ở Viện Hàn Lâm, rồi sung làm Toản tu quốc sử vào mùa xuân năm Giáp
Tuất 1754. Trong cuộc đời làm quan của mình, Lê Quý Đôn đã có công rất
lớn trong việc phát giác và tố cáo nhiều viên quan ăn hối lộ, lạm dụng quyền
hành, áp bức người dân. Năm Giáp Thân (1764), ông dâng sớ xin thiết lập
pháp chế, vì thấy một số quan lại lúc bấy giờ "đã quá lạm dụng quyền hành,

giày xéo lên pháp luật", nhưng không được chúa Trịnh nghe. Cũng trong năm
đó, ông được cử làm Đốc đồng xứ Kinh Bắc, rồi đổi làm Tham chính xứ Hải
Dương (Ất Dậu, 1765), song ông dâng sớ không nhận chức và xin về hưu.
Theo Phan Huy Chú, lời sớ đại khái rằng: "Tấm thân từng đi muôn dặm còn
sống về được, lại gặp cảnh vợ chết, con thơ phiêu bạt chỗ giang hồ, thần thực
không thích làm quan nữa, xin cho về làng". Được chấp thuận, ông trở về quê
"đóng cửa, viết sách". Đầu năm Đinh Hợi (1767), chúa Trịnh Doanh qua đời,
Trịnh Sâm lên nối ngôi. Nghe theo lời tâu của Nguyễn Bá Lân, chúa cho triệu
7


Lê Quý Đôn về triều, phong làm chức Thị thư, tham gia biên tập quốc sử,
kiêm Tư nghiệp Quốc tử giám.
Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858) tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu
Hy Văn, quê ở làng Uy Viễn, nay là xã Xuân Giang huyện Nghi Xuân, tỉnh
Hà Tĩnh. Là một nhà quân sự, một nhà kinh tế và một nhà thơ lỗi lạc trong
lịch sử Việt Nam cận đại. Ông ra làm quan khi đã 41 tuổi. Sau nhiều lần thăng
giáng, năm 70 tuổi, Nguyễn Công Trứ xin từ quan về hưu, nhưng Thiệu Trị
không cho. Năm 1848, Tự Đức nguyên niên, ông được về hưu hẳn. Nguyễn
Công Trứ là một ông quan rất thanh liêm, chính trực. Thuở bé nghèo khó, lớn
lên thi đỗ, làm quan, về già Nguyễn Công Trứ vẫn sống đạm bạc. Đại Nam
thực lục chính biên ghi lại câu chuyện Nguyễn Công Trứ không chịu nhận
tiền hối lộ của Phạm Nguyên Trung, Ngô Huy Phác, bắt giải cả hai người
cùng tang vật sang Nam Định để xét xử về tội đi hối lộ. Thời gian làm Dinh
điền sứ, ông nhận tiền gạo của nhà nước cấp cho dân nghèo làm vốn, số dư
thừa Nguyễn Công Trứ đều đem nộp lại cho công khố. Cuối đời, Nguyễn
Công Trứ còn làm một việc rất cảm động. Năm 1858, khi nghe tin Pháp đánh
Đà Nẵng, ông đã tám mươi tuổi, nhà thơ vẫn dâng sớ lên vua, tha thiết xin
được tòng quân đánh giặc.
3.2. Văn hóa từ chức ở Việt Nam thời kỳ sau 1945

Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền về tay ta mới được 45
ngày, một số cán bộ có chức, có quyền ở Trung ương và địa phương đã bộc lộ
thói hư tật xấu. Ngày 17/10/1945, Báo Cứu Quốc số 69 đăng thư của Chủ tịch
Hồ Chí Minh gửi Ủy ban nhân nhân các kỳ, tỉnh, huyện và làng. Nội dung thư
chỉ có 3 dòng khen những cán bộ rất được lòng dân, còn 29 dòng Hồ Chủ tịch
nói đến những lỗi lầm rất nặng nề của một số cán bộ được giao giữ trọng
trách trong bộ máy nhà nước (dùng quyền có trong tay để trả thù cá nhân,
kích động tầng lớp này chống tầng lớp kia, xe công được cấp lại dùng cho cả
gia đình, sắp xếp vợ con, anh em vào làm tại cơ quan, còn người ngoài có tài
lại không được dùng, lên mặt quan cách mạng coi khinh dân …). Ngày
8


25/10/1945, Báo Cờ Giải phóng – Tiếng nói của Đảng đăng bài “Một thái
độ” của tác giả Điền Tử. Tác giả Điền Tử nhân danh là một chủ tịch làng (xã)
hoàn toàn đồng tình với thư của Hồ Chủ tịch phê phán các lỗi lầm rất nặng nề
và đề nghị những cán bộ phạm sai lầm nghiêm trọng nên tự giác từ chức,
không nên chờ trên phải gây sức ép hoặc cách chức. Biết từ chức đúng lúc là
hành động yêu nước, từ chức như vậy rõ ràng không những uy tín không giảm
sút mà càng chứng tỏ có trách nhiệm với nhân dân khi nhường lại chức vụ
cho người tài giỏi hơn. Có thể nói, qua bài báo “Một thái độ”, văn hóa từ
chức đã xuất hiện trong bộ máy nhà nước ta từ rất sớm. Phê bình và tự phê
bình kết hợp chặt chẽ với kỷ luật, pháp luật rất nghiêm. Thời kỳ lịch sử Việt
Nam hiện đại, không thể không nhắc đến hai tấm gương sáng của hai nguyên
thủ quốc gia trong việc thể hiện văn hóa từ chức và xin lỗi dân.
Hồ Chí Minh (1890 – 1960). Ông tên thật là Nguyễn Sinh Cung, tự là
Tất Thành. Quê nội là làng Kim Liên, xã Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Người là
Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, một nhà cách
mạng, một trong những người đặt nền móng và lãnh đạo công cuộc đấu tranh
giành độc lập, toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam trong thế kỷ XX.

Người là tấm gương sáng về người lãnh đạo, người đứng đầu ở vị trí cao
nhất nhưng luôn trung thành, tận tụy vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân, không
mưu cầu lợi ích riêng cho cá nhân và gia đình. Người tâm sự khi phải giữ trọng
trách Chủ tịch nước: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút
nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng
sức làm, cũng như người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận.
Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thi tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham
muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta
được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học
hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để
câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu,
không dính líu gì với vòng danh lợi”.

9


Tư tưởng và tấm gương “Tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú
quý chút nào” một lần nữa lại được Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước kỳ
họp thứ hai Quốc hội khóa I (31-10-1946): “Lần này là lần thứ hai Quốc hội giao
phó cho tôi phụ trách Chính phủ một lần nữa. Việt Nam chưa được độc lập, chưa
được thống nhất thì bất kỳ Quốc hội ủy cho tôi hay cho ai cũng phải gắng mà
làm. Tôi xin nhận. Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước
thế giới rằng: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng
quan phát tài”. Trong lời tuyên bố, Người nhấn mạnh việc đảm nhận chức vụ
trong một hoàn cảnh đất nước khó khăn, đầy gian khổ, hy sinh khi “Việt Nam
chưa được độc lập, chưa được thống nhất”. Chức vụ đó là do Quốc hội (nhân
dân) ủy thác thì phải gắng sức làm. Còn thì đồng bào đã cho lui thì lại vui vẻ trở
về cuộc sống của một người dân bình thường.

Người đã từng dũng cảm xin lỗi dân. Đó là khi Đảng có sai lầm trong

các đợt cải cách ruộng đất những năm 1954, 1955, 1956. Khi đó Đảng đã rập
khuôn mô hình cải cách ruộng đất của Trung Quốc, không tính đến những điều
kiện khách quan ở Việt Nam, là nhân dân và địa chủ, tư sản đi theo cách mạng
rất đông. Hơn nữa tình hình ruộng đất của nước ta sau Cách mạng tháng 8 và
trong những năm kháng chiến chống Pháp không có gì gay gắt. Hội nghị trung
ương 10 mở rộng của Đảng tháng 9 năm 1956 đã kiểm điểm nghiêm khắc các
sai lầm trong cải cách ruộng đất. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào
và cán bộ nhìn nhận sai lầm, Người khóc và nhận lỗi trước hội nghị toàn quốc.
Đó là một văn hóa rất đáng quý của người lãnh đạo, của một Đảng lãnh đạo.
Trường Chinh (1907–1988). Ông tên thật là Đặng Xuân Khu, quê ông
ở thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Là
một nhà cách mạng và chính trị gia của Việt Nam. Ông đã giữ các chức vụ
quan trọng trong hệ thống chính trị của Việt Nam như Tổng bí thư của Đảng
Cộng sản Việt Nam (là nhân vật duy nhất hai lần giữ chức Tổng Bí thư), Chủ
tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Ông còn là một nhà
thơ với bút danh Sóng Hồng.

10


Năm 1953, giữa lúc Quân đội Nhân dân Việt Nam bắt đầu chiếm ưu thế
trên chiến trường, ông được cử làm Trưởng ban cải cách ruộng đất Trung ương.
Cuộc cải cách ban đầu có những kết quả nhất định khi chỉ thực hiện việc tịch
thu tài sản, đất đai của những người bị xem là "phản quốc" (theo Pháp, chống
lại đất nước), "phản động" (chống lại chính quyền) và chia cho bần nông, cố
nông. Chính việc cải cách này đã góp một phần không nhỏ nâng cao sự ủng hộ
của dân chúng để dốc toàn lực cho trận chiến quyết định. Tuy nhiên, sau khi
nắm được quyền kiểm soát miền Bắc, dưới áp lực của các cố vấn Trung Quốc,
cuối năm 1954, chiến dịch cải cách ruộng đất bắt đầu được đẩy mạnh và nhanh,
với cường độ lớn. Từ giữa năm 1955 ở một số nơi đã xuất hiện hiện tượng đấu

tố tràn lan, mất kiểm soát. Nhiều người bị quy tội sơ sài là "địa chủ, tư sản bóc
lột" và bị xử tử hình hay tù khổ sai. Nhiều trường hợp lạm quyền của các cán
bộ đội viên đội công tác ruộng đất trong công tác đất đai, dẫn đến trả thù cá
nhân, thậm chí bùng phát bạo lực, dẫn đến nhiều cái chết oan ức. Tuy không
trực tiếp và là người chịu trách nhiệm duy nhất về những sai lầm của cấp dưới,
nhưng là người lãnh đạo cao nhất của Cải cách ruộng đất, tất nhiên ông phải
gánh phần nặng nhất. Tháng 9 năm 1956, trong Hội nghị Trung ương về vấn đề
sửa sai cải cách ruộng đất, ông phải từ chức Tổng Bí thư. Sau đó ông đứng đầu
chỉ đạo công tác sửa sai, cho đến năm 1958.
Ngày 14 tháng 7 năm 1986, tại Hội nghị đặc biệt Ban Chấp hành Trung
ương, ông được bầu làm Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam thay cho Lê
Duẩn vừa mất. Tháng 12 năm 1986, tại Đại hội Đảng lần thứ VI, trong vai trò
Tổng bí thư ông đã đóng vai trò quyết định phát động công cuộc Đổi Mới,
điều Nguyễn Văn Linh viết Báo cáo chính trị, và sau chủ động từ chức,
nhường chỗ cho Nguyễn Văn Linh. Với vai trò là người tán thành, lãnh đạo
đường lối đổi mới, nhằm đưa đất nước thoát khỏi sự khủng hoảng toàn diện
trong vòng 10 năm sau ngày thống nhất, ông được cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt
gọi là "Tổng bí thư của đổi mới" và nhiều lãnh đạo Đảng ca ngợi.

11


IV. VĂN HÓA TỪ CHỨC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
4.1. Thực trạng văn hóa từ chức ở Việt Nam hiện nay
Đã có không ít ý kiến cho rằng từ chức là một loại hình văn hóa xa xỉ ở
Việt Nam hiện nay khi số lượng các nhà lãnh đạo, quản lý công khai xin lỗi
và từ chức trước dân vô cùng ít. Trong những năm gần đây đã có một số cá
nhân chủ động từ chức gây xôn xao dư luận.
PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào sinh năm 1942 tại Vĩnh Phúc. Năm 1961,
ông là giáo viên cấp II và 6 năm sau, ông học tại Đại học Lômônôxốp (Nga).

Năm 1979, ông làm nghiên cứu sinh tại Viện hàn lâm Khoa học Giáo dục
Liên Xô. Sau khi bảo vệ xuất sắc luận án Phó tiến sĩ, năm 1984 ông trở lại
Nga làm luận án tiến sĩ khoa học với đề tài: “Hình thành hoạt động học cho
học sinh tiểu học”. Năm 1994, ông được bổ nhiệm Vụ trưởng Vụ Tiểu học
(Bộ GD&ĐT) và năm 2001, làm đơn xin từ chức để phản đối sách giáo khoa
và chương trình tiểu học mới sẽ được triển khai đại trà từ năm 2002. Ông chia
sẻ, một nền giáo dục mà còn có lợi ích nhóm và mệnh lệnh hành chính thì
không thể phát triển được. Hơn 10 năm sau vụ việc gây xôn xao ngành giáo
dục trên, trả lời phỏng vấn báo chí, ông vẫn khẳng định quyết định thời điểm
đó của mình là đúng, ông cho biết “Năm 2001, tôi từ chức bởi vì trước đó khi
chuẩn bị chương trình tiểu học 2000 (chương trình sách), tôi đã góp ý nhiều
lần, thậm chí góp ý bằng văn bản cũng không ai nghe. Tôi bị dồn vào chân
tường và họ buộc tôi vào cuộc. Lúc này có hai con đường, một là theo vì đó là
mệnh lệnh và Quyết định của Bộ trưởng thì Vụ trưởng phải theo. Dù sao tôi
cũng được học hành, có lương tâm, có trách nhiệm nên tôi có lối thoát của
mình, tôi chấp nhận từ chức, tôi không hợp tác với ai nữa. Tôi biết chắc là
mình đúng, phía bên kia cũng nhận ra, nhưng họ có lí do riêng. Tôi cũng biết
chắc chương trình tiểu học 2000 sẽ thất bại vì làm ẩu, làm không có chỉ huy,
không có ý tưởng, không có bí quyết và xa với cuộc sống. Chương trình này
sai lầm ở chỗ: Tiền + Quyền lực + Cơ chế dự án = Quyết sách. Đó là thủ tiêu
quản lí nhà nước. Qua đây, tôi thấy một số người có trí thức, có quyền cũng
tầm thường, biết sai mà vẫn ca ngợi”.
12


Nhà báo, Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn sinh năm 1957, quê Nam Định, là
Tiến sĩ ngành báo chí, được đào tạo tại Đại học Tổng hợp Lomonoxop và
Viện Hàn lâm Khoa học ở Liên Xô (trước đây). Về nước, ông công tác tại Đại
học Tuyên giáo, nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Sau đó, ông được
mời về công tác tại Ban Thời sự quốc tế của Đài Truyền hình Việt Nam

(VTV). Hơn 20 năm công tác tại VTV, ông Trần Đăng Tuấn đã có nhiều đóng
góp quan trọng trong việc xây dựng chiến lược Đài Truyền hình Việt Nam.
Ngày 30/8/2010, ông đột ngột xin từ chức ở VTV, từ chối lời mời của AVG
(Công ty nghe nhìn toàn cầu) để về hãng phim truyền hình VN và sau đó xác
nhận sẽ làm việc cho AVG, ông Trần Đăng Tuấn đưa dư luận đi từ bất ngờ
này sang bất ngờ khác. Không ít người đã đặt ra câu hỏi trước việc xin từ
chức của ông Trần Đăng Tuấn? Phải chăng nó ít nhiều liên quan đến những
cách ông chiến đấu với những điều bất bình khi vẫn còn đương chức tại Đài
Truyền hình Việt Nam? Riêng Trần Đăng Tuấn chỉ giải thích lý do ông rời
khỏi VTV, nơi ông đã góp công lớn xây dựng và phát triển trong suốt 20 năm
là vì muốn thay đổi môi trường làm việc để được nhìn nhận cuộc sống từ
những khía cạnh, góc độ khác, để có thêm những trải nghiệm mới. Sau khi
ông rời ghế Phó Tổng Giám đốc VTV, ngang với hàng Thứ trưởng, ông Tuấn
vẫn miệt mài đóng góp cho đời, cho xã hội bằng công tác từ thiện. Thương
những đứa trẻ vùng cao, ông đã nhiều lần bỏ tiền túi, vận động bạn bè lên
miền núi phía Bắc làm từ thiện. Tháng 9/2011, ông lập ra chương trình dài
hạn “Cơm có thịt" cho trẻ con vùng cao.
Khác với Nguyễn Kế Hào và Trần Đăng Tuấn, từ chức là tự nguyện,
không phải do dính líu tới một vụ bê bối nào, một số trường hợp khác từ chức
“bất đắc dĩ” là Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ
xin từ chức vào năm 2004. Ông Lê Huy Ngọ bị kỷ luật vì đã buông lỏng quản
lý, để Công ty Tiếp thị đầu tư thương mại do Lã Thị Kim Oanh làm giám đốc
vi phạm pháp luật, làm thất thoát hơn 100 tỷ đồng. Trước đó, tại Hội nghị Ban
chấp hành trung ương Đảng lần thứ 9, ông Lê Huy Ngọ đã bị kỷ luật Đảng
13


với hình thức cảnh cáo. Ngày 3/4/2006, ông Bộ trưởng Bộ Giao thông Đào
Đình Bình cũng nộp đơn xin từ chức, Trong lá đơn này, ông Đào Đình Bình
thừa nhận đã không làm tròn trách nhiệm Đảng, Nhà nước và nhân dân giao

phó, để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng kéo dài ở Ban quản lý các dự án
18 (PMU18) và Bộ GTVT. Song dư luận trong nước cho là hành động từ chức
của ông Đào Đình Bình giống một hành động “chạy làng” nhiều hơn.
Tháng 9/2013, ngay trước thềm năm học mới, ngành giáo dục lại một
lần nữa gây sóng gió trong dư luận trước việc 5 hiệu trưởng tại các trường
học thuộc quận Hà Đông (Hà Nội) xin từ chức. Lãnh đạo phòng GD-ĐT Hà
Đông cho biết, địa phương này đã tham mưu miễn nhiệm 5 hiệu trưởng theo
"văn hoá từ chức" xuống làm phó hiệu trưởng và luân chuyển đi nơi khác. 5
người xin từ chức đưa ra lý do yếu kém về năng lực quản lý, không quy tụ
được quần chúng, để tình trạng mất đoàn kết nội bộ kéo dài, chất lượng giáo
dục không có chuyển biến.
Đã không ít lần người dân chứng kiến việc cá nhân lãnh đạo, đơn vị,
ban ngành nào đó sau khi xảy ra sai phạm, mà đa số là ở mức độ rất nghiêm
trọng, sau đó mới xuất hiện một văn bản để “tăng cường”, “chấn chỉnh”,
“thanh kiểm tra”…. Không hiểu sự “tăng cường”, “chấn chỉnh”, “thanh kiểm
tra”… kết quả đến đâu, chỉ biết rằng, sau đó nhiều vụ lùm xùm lại tiếp tục xảy
ra, thậm chí theo chiều hướng gia tăng về độ nghiêm trọng. Dự thảo Luật
Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) có đề cập rằng, nếu người đứng đầu cơ
quan để xảy tham nhũng mà chủ động từ chức thì được giảm nhẹ hình phạt.
Thế nhưng cho đến nay, hình như chưa có cán bộ đầu ngành nào của Trung
ương và địa phương dám thẳng thắn tuyên bố: “Tôi chịu trách nhiệm về việc
đó. Và tôi xin từ chức”.
Chưa nói đến từ chức, công khai xin lỗi nhân dân ở nước ta hiện nay
cũng còn rất hiếm. Bộ Y tế có nhiều bê bối trong quản lý, nhưng cũng chưa
thấy có vị lãnh đạo Bộ Y tế nào xin lỗi dân. Bộ Giáo dục đào tạo cũng có
nhiều bê bối trong quản lý, nhưng cũng chưa thấy có vị nào xin lỗi dân. Bổ
14


nhiệm cán bộ có nhiều thiếu sót, nhưng không thấy lãnh đạo Ban tổ chức

Trung ương xin lỗi dân. Các vụ “cơm tù”, “xe cướp” xảy ra trên nhiều nẻo
đường đất nước, cũng chưa thấy vị lãnh đạo địa phương nào, vị lãnh đạo công
an nào công khai xin lỗi dân.
4.2. Cơ sở ảnh hưởng đến sự hạn chế trong văn hóa từ chức của
Việt Nam hiện nay
Có vô cùng nhiều lý do để một nhà lãnh đạo cấp cao đệ lá đơn từ chức.
Bên cạnh các lý do cá nhân như sức khỏe, tuổi tác… Họ có thể cảm thấy
không đảm đương được công việc hoặc để xảy ra những hậu quả, làm mất
lòng dân thì và vì lòng tự trọng của một người đã được tin tưởng, họ sẵn sàng
từ chức. Cũng có người từ chức vì nhận thấy rằng trong các sự việc đáng tiếc
xảy ra, dù chỉ liên quan một phần rất nhỏ, nhưng mình phải chịu trách nhiệm
với tư cách lãnh đạo cao nhất. Từ chức dù không phải là việc làm dễ dàng
nhưng đối với họ là cần thiết và nên làm.
Vừa qua, Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng Đề án tiếp
tục cải cách chế độ công vụ, công chức, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng
các quy định về từ chức của cán bộ, công chức và coi từ chức - thuộc khía
cạnh văn hóa của chế độ công vụ - là một nội dung nằm trong chương trình
tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.
Tại sao Chính phủ lại phải xây dựng các quy định về từ chức của cán
bộ, công chức? Theo bài báo “Văn hóa từ chức” (Nhà báo Quyền Duy, Tạp
chí Cộng Sản) là do những nguyên nhân sau:
Một là, công tác tổ chức cán bộ của chúng ta còn yếu kém, nhất là trong
việc giáo dục, lãnh đạo, quản lý đã làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ
lãnh đạo, quản lý các cấp thiếu rèn luyện, tu dưỡng, thực hành liêm chính và
thiếu gương mẫu, không làm tròn chức trách, gây tác hại lớn nhưng hầu như
không thấy ai có lời xin lỗi hoặc từ chức cả.
Hai là, chúng ta chưa có hệ thống pháp luật quy định rõ trách nhiệm,
thẩm quyền của từng vị trí, nhất là đối với lãnh đạo, quản lý nên thiếu cơ sở
để người dân hoặc các tổ chức, cơ quan giám sát.
15



Ba là, việc từ chức hiện nay khó quá nên không thấy ai tự nguyện từ
chức nên phải có quy định, đồng thời ở nước ta hiện nay chưa hình thành văn
hóa từ chức. Điều đó có nghĩa là một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo,
quản lý chưa có lòng tự trọng, thiếu trung thực, ứng xử chưa liêm khiết.
Vậy tại sao từ chức tự nguyện lại khó và ở nước ta văn hóa từ chức là
“xa xỉ” thậm chí có thể nói ở nước ta chưa có văn hóa từ chức. Qua một số ý
kiến của các nhà nghiên cứu có thể khái quát như sau:
Thứ nhất, chức tước thường gắn với quyền lực, bổng lộc. Có chức thì
đương nhiên sẽ có bổng lộc. Từ chức cũng đồng nghĩa với việc mất bổng lộc,
suy cho cùng việc “tham quyền cố vị” cũng chỉ xuất phát từ lợi ích cá nhân.
Một khi động cơ lợi ích cá nhân lớn đến mức, nhà tư sản “sẵn sàng treo cổ khi
lợi nhuận tới 300% - Các Mác”, thì người có quyền, có chức càng không thể
dễ dàng từ bỏ nó, nếu quyền lực chính là phương tiện có thể “vinh thân, phì
gia”. Tại các nước phát triển, luật pháp rất minh bạch do đó không có chuyện
lạm dụng chức quyền. Ở Việt Nam trước đây, chức gắn với trách nhiệm, với
giá trị nhân bản nhiều hơn. Tức là gắn với danh dự, uy tín, chứ lợi ích vật chất
thì gần như không có hoặc rất ít. Còn hiện nay, từ thời bao cấp chuyển sang
kinh tế thị trường, chức tước thường gắn với những giá trị khác cụ thể là lợi
ích vật chất. Nếu thôi chức, người ta sẽ mất đi những giá trị vật chất lớn nên
họ phải cân nhắc, chỉ trong trường hợp bần cùng, bất đắc dĩ, bị buộc không
cho làm nữa thì họ mới chịu thôi. Không ai dại gì mà tự nguyện rời bỏ vị trí
đang có của mình. Một lý do nữa cũng bởi sau khi từ chức họ cũng chưa chắc
đã tìm được công việc thích hợp. Không lạ khi nhiều quan chức Nhà nước kể
từ khi thăng quan tiến chức đã có thể có một cuộc sống sung túc thậm chí là
xa hoa hơn hẳn trước kia mà với đồng lương ít ỏi của một cán bộ Nhà nước
thì những thứ đó là không tưởng. Nhiều người làm chính trị với mục đích
kinh tế, điều này dễ dẫn đến tệ tham nhũng. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trong
bài viết "Vì thiếu văn hóa từ chức" của mình đã cho rằng: "Tại nhiều nước,

những nhân vật có tiềm năng kinh tế sau đó mới đi vào con đường chính trị ví
dụ Thủ tướng Italy, Thủ tướng Thái Lan... Với họ việc làm chính trị như một
sự thôi thúc chứ không phải lẽ kiếm sống. Họ đã có nền tảng kinh tế rất tốt,
16


chuyện từ chức với họ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Còn ở Việt Nam, không khéo
người ta làm chính trị vì mục đích kinh tế, điều đó dẫn tới tệ tham nhũng. Ban
đầu anh là lãnh đạo tốt nhưng quyền lực có thể làm tha hoá con người. Khi
lên hàm Thứ trưởng anh có ô tô. Ngoài ra còn chuyện ơn huệ, lại quả."
Thứ hai, tư tưởng học để “làm quan” đã ăn sâu, bén rễ trong tâm thức
người Việt và vì thế truyền thống coi “làm quan” là một sự thành đạt cao nhất.
Từ thời Pháp thuộc trong xã hội Việt Nam đã có tình trạng mua quan bán chức,
chạy chức chạy quyền. Ngày nay, vẫn còn tồn tại thực trạng nhiều cán bộ quan
chức đi lên không phải bằng năng lực cá nhân mà bằng tiền và các mối quan
hệ. Tại sao họ lại phải đánh đổi như vậy trong khi phần lớn trong số họ đã là
những người có tiềm lực kinh tế hoặc con cháu của những người giàu có trong
xã hội. Đối với họ, chức tước không đơn thuần chỉ đem lại bổng lộc mà còn
đem đến quyền lực, đem đến cái “danh”. Từ xa xưa trong xã hội Việt Nam đã
có quan niệm “Một người làm quan cả học được nhờ”, "Một trăm cái lý không
bằng một tí cái tình".... Tâm lý này ăn sâu vào tiềm thức của người dân, trong
đó có cả những người có chức có quyền. Một người được “làm quan” có thể
làm cho cả gia đình, dòng tộc, làng xã của anh ta được “nở mày nở mặt” để rồi
sau đó anh ta có thể “kéo” cả gia đình, dòng tộc, làng xã “lên theo”.
Thứ ba, dư luận xã hội chưa được định hướng để đồng tình hay ủng hộ
việc tự nguyện từ chức. Nếu ai đó là đảng viên thì viện dẫn đây là nhiệm vụ
Đảng giao, nếu từ chức lại coi là không có tinh thần đảng viên, phai nhạt lý
tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu…, từ chức là để trốn tránh trách nhiệm, để
thoát tội, để hạ cánh cho an toàn… Ở nhiều nước trên thế giới văn hóa từ
chức từ lâu không phải ngẫu nhiên mà phải trải qua quá trình nhận thức, sự

kết tinh dân chủ và khuôn khổ pháp luật cho phép của mỗi nước. Trong khi đó
nước ta đang trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, dân trí
còn thấp, sự tìm hiểu, kết nối của người dân với hệ thống chính trị, với các
chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước chưa cao do đó khi có một cán
bộ cấp cao từ chức dù là tự nguyện hay bất đắc dĩ thì phần lớn đều phải chịu
sức ép từ dư luận, bị nhìn nhận, đánh giá không mấy tích cực.

17


KẾT LUẬN
Văn hóa từ chức suy cho cùng cũng chính là văn hóa chính trị, nếu
thiếu văn hóa chính trị tương ứng thì khó có thể có văn hóa từ chức. Theo TS
Nguyễn Sĩ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Việc từ chức của một
số lãnh đạo cấp cao ở các nước phát triển để nhận trách nhiệm về một vụ việc
nào đó liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách. Tuy nhiên, việc từ chức của họ
là để nhận trách nhiệm đạo lý nhiều hơn trách nhiệm pháp lý. Thậm chí qua
đó còn làm tăng uy tín cá nhân của người từ chức và có khả năng họ còn trúng
cử trong lần bầu cử tiếp theo với tỷ lệ phiếu cao hơn. Song ở Việt Nam từ
chức để lại có thể trúng cử là chuyện không thể xảy ra. Sự khác biệt về môi
trường và văn hóa chính trị lý giải tại sao các vị bộ trưởng ở nước ta rất ít khi
từ chức.
Việc không biết hoặc không dám từ chức của các lãnh đạo cấp cao hiện
nay gắn liền với một thứ văn hóa chính trị trong đó trách nhiệm cá nhân
không được đề cao, mọi sai trái, yếu kém đều được đổ cho tập thể, mặc dù khi
có thành tích thì người ta vẫn có thể vơ vào cho riêng mình để tiếp tục thăng
quan tiến chức. Việc thiếu dũng cảm nhận lãnh trách nhiệm cá nhân, thiếu văn
hóa từ chức của quan chức trước những sai phạm nghiêm trọng cuối cùng chỉ
làm tổn hại cho văn hóa chính trị của cả hệ thống. Hệ quả là, tính tham dự của
người dân và lòng tin của họ vào hệ thống chính trị, nhân tố chủ yếu trong

văn hóa chính trị ngày càng suy giảm. Thiết nghĩ, để có được lòng tin của
người dân, một hệ thống với văn hóa chính trị lành mạnh phải dám đối diện
và nhận lãnh trách nhiệm đối với những yếu kém, sai phạm của chính mình.

18


MỤC LỤC
Hiện nay, vấn đề văn hóa từ chức ở nước ta đang được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến
và được dư luận xã hội quan tâm. Người ta vẫn hay quan niệm văn hóa từ chức là một
hành động rất đặc biệt trong xã hội. Khi người được giao trách nhiệm đã cố tình hay
không đủ khả năng làm tròn thì với lòng tự trọng của mình người đó sẽ tự nguyện xin từ
chức....................................................................................................................................1
Từ chức chỉ được xem là một hành vi có văn hóa khi người ta tự nguyện và mang lại ý
nghĩa tốt đẹp cho xã hội. Việc từ chức tự nguyện của người có chức, có quyền sẽ tạo cơ
hội cơ cấu lại, kiện toàn đội ngũ cán bộ của cơ quan, tổ chức nghĩa là tạo ra sự hợp lý tốt
hơn trong xã hội. Điều đó giúp những người thực sự có nhân cách, tài giỏi, có trình độ,
năng lực thực tiễn có thể phát huy cao nhất năng lực của mình nếu ở đúng vị trí, đồng
thời cũng giúp cho cơ quan, tổ chức và xã hội tránh được những thiệt hại không đáng có.
Văn hóa từ chức là một dạng văn hóa cá nhân của những người có chức, có quyền. Họ
được cơ quan, tổ chức và xã hội tôn trọng khi ở họ có nhân cách đạo đức, biết lãnh đạo
bằng tấm gương. Nếu không có nhân cách và gương mẫu thì không thể thuyết phục
được mọi người..................................................................................................................1
Có vô cùng nhiều lý do để một nhà lãnh đạo cấp cao đệ lá đơn từ chức. Bên cạnh các lý
do cá nhân như sức khỏe, tuổi tác… Họ có thể cảm thấy không đảm đương được công
việc hoặc để xảy ra những hậu quả, làm mất lòng dân thì và vì lòng tự trọng của một
người đã được tin tưởng, họ sẵn sàng từ chức. Cũng có người từ chức vì nhận thấy rằng
trong các sự việc đáng tiếc xảy ra, dù chỉ liên quan một phần rất nhỏ, nhưng mình phải
chịu trách nhiệm với tư cách lãnh đạo cao nhất. Từ chức dù không phải là việc làm dễ
dàng nhưng đối với họ là cần thiết và nên làm.................................................................15


19



×