Tải bản đầy đủ (.pdf) (115 trang)

Giai thoại về các tác gia văn học việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.03 MB, 115 trang )

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM


HOÀNG THỊ LAN HƯƠNG

GIAI THOẠI VỀ CÁC TÁC GIA VĂN HỌC
VIỆT NAM

Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã ngành: 60.22.01.21

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM

Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Nguyễn Hằng Phương

THÁI NGUYÊN - NĂM 2016

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – ĐHTN




LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan luận văn: “Giai thoại về các tác gia văn học Việt Nam” là
do bản thân tôi thực hiện. Các số liệu, kết quả trong luận văn là trung thực. Nếu sai
sự thật tôi xin chịu trách nhiệm.
Thái Nguyên, tháng 6 năm 2016
Tác giả


Hoàng Thị Lan Hương

XÁC NHẬN CỦA KHOA

XÁC NHẬN CỦA NGƯỜI HƯỚNG

CHUYÊN MÔN

DẪN KHOA HỌC

PGS. TS Nguyễn Hằng Phương

i
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – ĐHTN




LỜI CẢM ƠN

Em xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới PGS. TS. Nguyễn Hằng Phương
người thầy đã tận tình giúp đỡ em trong quá trình nghiên cứu và hoàn thành
luận văn.
Em xin chân thành cảm ơn Ban Giám hiệu, Phòng Đào tạo, Khoa Sau Đại học,
khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, các thầy cô giáo
trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Viện
Văn học đã giúp em hoàn thành khóa học.
Xin chân thành cảm ơn gia đình, bạn bè đã quan tâm giúp đỡ, động viên tôi
trong thời gian học tập và nghiên cứu.
Cuối cùng, em xin chân thành cảm ơn các thầy cô đã đọc và chỉ ra những

thành công cũng như hạn chế của luận văn.
Thái Nguyên, tháng 6 năm 2016
Tác giả

Hoàng Thị Lan Hương

ii
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – ĐHTN




MỤC LỤC

Trang
LỜI CAM ĐOAN ...........................................................................................................i
LỜI CẢM ƠN................................................................................................................ ii
MỤC LỤC .................................................................................................................... iii
MỞ ĐẦU ........................................................................................................................1
1. Lí do chọn đề tài ........................................................................................ 1
2. Lịch sử vấn đề ........................................................................................... 2
3. Mục đích nghiên cứu ................................................................................. 5
4. Nhiệm vụ nghiên cứu ................................................................................ 6
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ............................................................. 6
6. Phương pháp nghiên cứu........................................................................... 6
7. Đóng góp của luận văn .............................................................................. 7
8. Cấu trúc luận văn ...................................................................................... 7
Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN, THỰC TẾ VÀ CÁC TIÊU CHÍ NHẬN DIỆN
THỂ LOẠI ......................................................................................................................8
1.1. Giai thoại và các tiêu chí nhận diện thể loại .......................................... 8

1.1.1. Khái niệm giai thoại ............................................................................ 8
1.1.2. Các tiêu chí nhận diện thể loại .......................................................... 14
1.2. Vấn đề phân loại giai thoại .................................................................. 27
1.3. Thực tế lưu truyền giai thoại trong đời sống hiện nay ......................... 29
Chương 2 NỘI DUNG CỦA GIAI THOẠI VỀ CÁC TÁC GIA VĂN HỌC
VIỆT NAM .................................................................................................................. 34
2.1. Đả kích, châm biếm tầng lớp có chức sắc, địa vị trong xã hội phong
kiến .............................................................................................................. 34
2.2. Thể hiện tinh thần dân tộc, yêu nước, thương dân............................... 42
2.3. Phác họa chân dung đời thường của các tác gia .................................. 53

iii
Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – ĐHTN




Chương 3 NGHỆ THUẬT CỦA GIAI THOẠI VỀ CÁC TÁC GIA VĂN
HỌC VIỆT NAM ........................................................................................................ 65
3.1. Kết cấu, cốt truyện ............................................................................... 65
3.2. Nhân vật ............................................................................................... 71
3.3. Một số biện pháp nghệ thuật ................................................................ 75
3.3.1. Chơi chữ ............................................................................................ 76
3.3.2. Phóng đại ........................................................................................... 83
3.3.3. Hư cấu ............................................................................................... 87
KẾT LUẬN ................................................................................................................. 92
TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................................... 96
PHỤ LỤC..................................................................................................................... 99

iv

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – ĐHTN




MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, bên cạnh những thể loại lớn
đã hình thành, vận động và phát triển lâu đời như: thần thoại, truyền thuyết, truyện
cổ tích, ca dao, truyện cười,…giai thoại là một thể loại mới được quan tâm, chú ý
qua không ít các công trình sưu tầm, tuyển chọn có giá trị trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, trên phương diện lý thuyết, thể loại này vẫn chưa được đào sâu, soi sáng
một cách kì cùng. Đó là chưa kể đến những ý kiến, quan điểm học thuật trái chiều
nhau. Tất cả những biểu hiện ấy khiến thể loại này chưa thể tồn tại trong trạng thái
rõ ràng nhất có thể. Nhưng theo một số nhà nghiên cứu uy tín về văn học ở Việt
Nam như Kiều Thu Hoạch, Trần Thanh Mại, Hoàng Ngọc Phách…thì giai thoại
chính là một thể loại văn học dân gian độc lập, có vị trí riêng.
Giá trị nội dung và những đặc sắc nghệ thuật của thể loại giai thoại đã được
một số tác giả chỉ ra nhưng còn sơ sài và các tác giả chưa thực sự đi sâu vào phân
tích và khẳng định đây là một trong những thể loại góp phần tạo nên diện mạo
phong phú, đa dạng cho kho tàng văn học dân gian. Điều này khiến cho ấn tượng về
giai thoại trong lòng người đọc mờ nhạt đi nhiều so với thực tế tiếp nhận.
1.2. Trong thời gian gần đây, việc giảng dạy văn học dân gian cho sinh viên
chuyên ngành văn học ở trường đại học, cao đẳng rất được quan tâm. Ngoài những
thể loại văn học dân gian đã quen thuộc như: thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ
tích, vè, câu đố, ca dao, dân ca…..thì việc đưa một thể loại còn mới mẻ vào học tập,
nghiên cứu là rất cần thiết. Nó góp phần mở thêm một hướng đi mới trong hoạt
động giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Bằng việc thực hiện luận văn, chúng tôi góp phần phục vụ kịp thời công tác
giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành Ngữ văn tại Trường Cao đẳng Sư phạm Thái

Nguyên và đóng góp ít nhiều tư liệu tham khảo cho những người quan tâm nghiên
cứu về thể loại văn học này.
Xuất phát từ nhận thức trên, luận văn đặt nhiệm vụ khảo sát, hệ thống lại
những ý kiến đã nêu về giai thoại và đặc biệt chú trọng đi sâu nghiên cứu giá trị
nội dung, nghệ thuật của một bộ phận giai thoại. Với những lí do nêu trên,

1


chúng tôi lựa chọn đề tài “Giai thoại về các tác gia văn học Việt Nam”. Từ đó,
luận văn góp một tiếng nói nhỏ vào việc nghiên cứu thể loại giai thoại và góp
phần khắc phục một khoảng trống đáng tiếc trong đời sống nghiên cứu văn học
dân gian Việt Nam.
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Về vấn đề thể loại, giai thoại là đối tượng nghiên cứu khá mới mẻ của
văn học dân gian và cả văn học thành văn. Tuy số lượng giai thoại khá phổ biến
nhưng về lý thuyết thể loại nó còn ít được chú ý. Các công trình nghiên cứu ban đầu
mới quan tâm đến vấn đề định nghĩa tên gọi thể loại và các công trình có tính chất
sưu tầm vẫn chiếm đa số.
Học giả uyên bác người Nga V. Japropp xem giai thoại như một tiểu loại của
cổ tích sinh hoạt: “Nói về cổ tích sinh hoạt hay truyện cổ tích hiện thực, cần phải đề
cập tới vấn đề giai thoại. Theo ý chúng tôi, nó không phải là một loại hình riêng của
sáng tác dân gian, khác biệt với loại truyện cổ tích đoản thiên về con người” [40].
Nghiên cứu kĩ càng hơn nữa những truyện cổ tích sinh hoạt về con người, thì có thể
khẳng định được rằng trong folklore không có ranh giới giữa truyện cổ tích sinh
hoạt về con người và truyện giai thoại. Có chăng thì cũng “chỉ có thể xếp giai thoại
thành một tiểu loại riêng trong truyện cổ tích sinh hoạt” [40].
Cùng quan điểm với V. Ja Propp, Guxep cũng xem giai thoại như một thể loại
văn học dân gian, nhưng ông tách hẳn nó ra khỏi cổ tích sinh hoạt và định nghĩa như
sau: “Chúng tôi tách giai thoại ra khỏi cổ tích sinh hoạt và cổ tích trào phúng (loại này dĩ

nhiên có thể mang những yếu tố giai thoại), vì nó có một số đặc điểm cho phép nó như
một thể loại độc lập. Chúng tôi gọi giai thoại là tác phẩm tự sự trào phúng hoặc hài hước,
được xây dựng trên một tình tiết có sự tăng tiến đến điểm cao, biểu hiện rõ rệt và kết thúc
bất ngờ” [40]. Như vậy, nguyên nhân khiến Guxep tách giai thoại ra khỏi cổ tích là tính
trào phúng và hài hước của nó. Soi chiếu định nghĩa ấy vào tình hình giai thoại Việt
Nam, có thể thấy, tác giả thiên về giai thoại trào phúng, hài hước với tính cách tiểu loại
hơn là bản thân thể loại giai thoại trong hình hài của một thể loại độc lập.
Theo nhà nghiên cứu Võ Phúc Châu, “ở Trung Quốc, thuật ngữ giai thoại
xuất hiện ngay từ thời Đường - Tống nhưng chưa thấy ai luận bàn gì về thể loại. Ở

2


Nga, những năm 60 của thế kỷ XX, lý thuyết giai thoại mới được giới folklore học
quan tâm” [40]. Còn ở Việt Nam, thuật ngữ này chỉ được chính thức sử dụng từ
1965, qua tập sách Giai thoại văn học Việt Nam của nhóm soạn giả Hoàng Ngọc
Phách, Kiều Thu Hoạch.
Khi giới thiệu cuốn Giai thoại văn học, năm 1965 Trần Thanh Mại là người
đầu tiên xác định vị trí của giai thoại. Ông cho rằng: “… trừ một số cá biệt, nói
chung thì giai thoại văn học không thuộc phạm vi văn học dân gian” [24, tr. 7]. Bởi
theo ông, hầu hết các mẩu chuyện giai thoại đó đều phải do “các nhà chữ nghĩa sáng
tác” [24, tr. 7].
Năm 1988, nhà xuất bản Văn học đã giới thuyết khái niệm giai thoại văn học
khi tái bản cuốn Giai thoại văn học nói trên. Nhưng cuốn sách chỉ nhấn mạnh khái
niệm giai thoại văn học và vị trí của nó trong văn học dân tộc như cầu nối giữa văn
học dân gian - văn học viết mà hơi nhòe tính chất thể loại, không xác định nó là văn
học dân gian hay văn học bác học.
Đến năm 1994, Vũ Ngọc Khánh trong cuốn Kho tàng giai thoại Việt Nam coi
giai thoại văn học như các tác phẩm văn học thế giới nhưng không phủ nhận rằng
nó có nguồn gốc bác học và đã được dân gian hóa.

Trong cuốn Từ điển Văn học do nhà xuất bản Thế giới phát hành năm 2004,
các tác giả đã bước đầu định nghĩa giai thoại và cho rằng đây là một thể loại độc
lập. Tuy nhiên, bản thân định nghĩa về giai thoại mà cuốn từ điển nêu vẫn còn mâu
thuẫn khi nhấn mạnh “Nó thuộc văn chương bác học” [49, tr. 220].
Cho đến nay, qua một số công trình nghiên cứu về folklore, bản chất của giai
thoại, nhìn chung, đã được xác định. Có thể kể đến một số công trình của các tác giả
như: Kiều Thu Hoạch, Hoàng Ngọc Phách…
Nếu ở phương Tây, giai thoại là những mẩu chuyện thiên về trào phúng, hài hước
để đề cao tư duy duy lí; thì ở phương Đông, nội hàm đó có thể mở rộng sang cả những
câu chuyện hết sức nghiêm túc về các nhân vật nổi tiếng được khúc xạ qua tình cảm yêu
mến, ngưỡng mộ vô tận của cộng đồng - tức tư duy duy cảm. Đó không chỉ là những câu
chuyện dí dỏm, vui tươi mà còn là những câu chuyện đẹp. Do đó, giai thoại Việt Nam
nói riêng và giai thoại phương Đông nói chung, ngoài tính hài còn mang cả tính nghiêm

3


trang, cẩn trọng, hay thậm chí là những câu chuyện nhuốm màu bi ai. Nói như Vũ Ngọc
Khánh, đối với người phương Đông, giai thoại “là cuốn sổ biên niên của cuộc sống, là
người bạn thường xuyên của con người và của các sự kiện lịch sử xã hội” [19, tr. 10].
Như vậy, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề khái niệm thể loại văn
học dân gian này và bước đầu, các nhà nghiên cứu đã đi đến khẳng định giai thoại là
một thể loại văn học, tồn tại một cách độc lập với các thể loại văn học dân gian khác
và có giá trị riêng. Song, việc đi vào tìm hiểu bản chất thể loại và những giá trị cụ
thể của nó còn ít và chưa thực sự hệ thống.
2.2. Về vấn đề phân loại, trong bài viết Giai thoại - một thể loại văn học dân
gian, tác giả Nguyễn Thị Bích Hà đã tạm chia giai thoại thành các bộ phận sau:
- Giai thoại văn học
- Giai thoại danh nhân
- Giai thoại cười

Tuy nhiên, tác giả Nguyễn Thị Bích Hà cũng khẳng định, cách chia này mới
chỉ là “tạm thời, chưa thực sự nhất quán” [10]. Tác giả cũng chưa đề cập đến việc
phân tích giá trị nội dung cũng như nghệ thuật của các bộ phận nói trên.
Vũ Ngọc Khánh lại đề nghị “chia giai thoại làm ba nhóm: giai thoại văn học,
giai thoại lịch sử, giai thoại Folklore” [19, tr. 34].
- Giai thoại văn học: là những câu chuyện hoàn toàn là chuyện sáng tạo và
chuyện những người sáng tạo trong địa hạt văn chương học thuật.
- Giai thoại lịch sử: là những câu chuyện khác liên quan với những sự kiện,
những nhân vật hoạt động trong các chính trường, có liên hệ chặt chẽ với tiến trình
tồn vong của đất nước.
- Giai thoại folklore: là các mẩu chuyện về những tài năng thợ thêu, thợ
chạm, những nghệ nhân, nghệ sĩ tuồng chèo, hội họa, điêu khắc, diễn xướng,… gây
được những thú vị, bất ngờ; các mẩu chuyện làm nền cho những thành ngữ, phương
ngôn, vẫn thường được nhân dân truyền tụng để biểu lộ niềm tin, tự hào về con
người, quê hương, dòng họ,…
Trong Tổng tập văn học dân gian người Việt, tập 11: Giai thoại văn học Việt
Nam, tác giả Kiều Thu Hoạch đã chỉ rõ về cách phân loại giai thoại thường thấy:

4


Giai thoại văn chương, Giai thoại văn nghệ, Giai thoại văn nghệ dân gian, Giai thoại
làng Nho, Giai thoại phụ nữ, Giai thoại folklore, Giai thoại xứ Lạng, Giai thoại
Thăng Long… Đây là cách phân loại, sắp xếp có phần tùy tiện, chưa có tiêu chí rõ
ràng. Chỉ có thể coi đó là sự phân loại tạm thời để công bố, chưa thể coi là sự phân
loại khoa học. Xem xét cụ thể, tác giả chia giai thoại thành hai tiểu loại: giai thoại
lịch sử và giai thoại văn học. Trong tiểu loại giai thoại văn học, tác giả đã sưu tầm
và giới thiệu 442 giai thoại, trong đó 358 giai thoại về tác gia văn học và 84 giai
thoại khuyết danh. Tác giả cũng đã phác ra được một số nét cơ bản về nội dung tư
tưởng của thể loại giai thoại nói chung như: gây cười; châm biếm, đả kích những lố

bịch, cái phi lí trong xã hội; phản ánh tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước… nhưng
tác giả chưa có sự phân tích cụ thể, chi tiết.
Trong cuốn Giai thoại văn học Việt Nam, Kiều Thu Hoạch cũng đã liệt kê
các giai thoại về các danh nhân: Đào Duy Từ, Nguyễn Văn Giai, Cao Bá Quát,
Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Quốc Trinh, Nhữ Bá Sĩ, Khương Công Phụ….
Qua việc tìm hiểu về những công trình nghiên cứu về thể loại giai thoại văn
học, chúng tôi thấy, các tác giả, các nhà nghiên cứu mới chỉ tập trung chú ý tới việc
khẳng định giai thoại là một thể loại văn học tồn tại độc lập và có giá trị riêng so với
các thể loại văn học dân gian khác và sưu tầm những giai thoại lưu truyền trong dân
gian. Về vấn đề giá trị nội dung, nghệ thuật của thể loại này, các tác giả mới bước
đầu đưa ra những nét cơ bản của thể loại nói chung mà chưa đi sâu vào tìm hiểu,
phân tích từng tiểu loại để có cái nhìn toàn diện hơn về giai thoại.
Tiếp thu ý kiến của những nhà nghiên cứu đi trước, trong bối cảnh nghiên
cứu có ít nhiều thuận lợi, chúng tôi sẽ tập trung vào khảo sát bộ phận Giai thoại về
các tác gia văn học Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy, đây là một hướng nghiên cứu
vừa có giá trị khoa học, vừa có tính thời sự, vừa có ý nghĩa thực tiễn,.
3. Mục đích nghiên cứu
Luận văn đặt mục đích khảo sát giá trị nội dung và nghệ thuật của bộ phận
Giai thoại về các tác gia văn học Việt Nam, từ đó khẳng định đời sống thể loại, thấy
được những đóng góp của giai thoại vào diện mạo văn học dân gian Việt Nam.

5


4. Nhiệm vụ nghiên cứu
Chọn luận văn Giai thoại về các tác gia văn học Việt Nam, chúng tôi được
kế thừa thành tựu của những người đi trước, trên cơ sở đó góp một phần vào việc
khẳng định vị trí của thể loại trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Chúng tôi
bước đầu đặt ra cho mình những nhiệm vụ cụ thể sau:
- Xác định khái niệm thuật ngữ giai thoại, cách phân loại, trình bày một số tiêu

chí nhận diện thể loại, chỉ ra đời sống của giai thoại trong xã hội hiện nay.
- Hệ thống hóa bộ phận Giai thoại về các tác gia văn học Việt Nam. Xác định giá
trị nội dung, nghệ thuật của bộ phận này và giá trị của nó đối với đời sống văn học, đời
sống xã hội.
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu chính của luận văn là Giai thoại về các tác gia văn
học Việt Nam.
Phạm vi tư liệu nghiên cứu của luận văn là bộ phận Giai thoại về các tác gia
văn học Việt Nam đã được sưu tầm. Trong điều kiện và thời gian thực tế, chúng tôi
sẽ sưu tầm thêm các giai thoại về các tác gia trong đời sống dân gian.
Luận văn chủ yếu đi vào tìm hiểu giá trị nội dung, nghệ thuật của bộ phận
Giai thoại các tác gia văn học Việt Nam và bước đầu khảo sát các đặc trưng thể loại
của giai thoại.
6. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn vận dụng tổng hợp một số phương pháp nghiên cứu sau:
Phương pháp thống kê: Dựa trên hệ thống tư liệu đã được các nhà nghiên
cứu sưu tầm, biên soạn, luận văn thống kê giai thoại về các tác gia văn học Việt
Nam để tiện lợi cho việc soi sáng giá trị nội dung và nghệ thuật mà luận văn đã nêu.
Phương pháp điền dã văn học: Ngoài những tư liệu đã được các nhà nghiên
cứu sưu tầm và đã được xuất bản, chúng tôi còn sử dụng phương pháp điền dã văn
học để gặp gỡ với những nhà văn, nhà thơ, những người trực tiếp liên quan đến các
tác gia để khẳng định tính xác thực của các giai thoại và mở rộng phạm vi tư liệu
nghiên cứu.
Phương pháp phân tích - tổng hợp: Luận văn sử dụng phương pháp này để
phân tích cụ thể các giai thoại. Trên cơ sở đó, luận văn tổng hợp vấn đề, rút ra

6


những đánh giá, nhận xét về giá trị nội dung và nghệ thuật của bộ phận Giai thoại

về các tác gia văn học Việt Nam.
Phương pháp so sánh: Luận văn cũng sử dụng phương pháp so sánh những
giai thoại cùng một đề tài, so sánh bộ phận Giai thoại về các tác gia văn học Việt
Nam với các bộ phận giai thoại khác và những thể loại văn học dân gian gần gũi để
làm nổi bật giá trị nội dung, nghệ thuật của nó.
Phương pháp phân tích văn bản văn học dân gian: để làm nổi bật lên giá
trị nội dung cũng như các đặc sắc nghệ thuật của giai thoại về các tác gia văn học
Việt Nam.
Phương pháp nghiên cứu văn hóa học liên ngành: Để nhìn nhận, đánh giá,
soi sáng bản chất thể loại giai thoại nói chung và bộ phận Giai thoại về các tác gia
văn học Việt Nam nói riêng trong cái nhìn tổng thể, toàn diện với bối cảnh xã hội,
văn hóa, văn học.
7. Đóng góp của luận văn
Từ việc tổng hợp, hệ thống lại các định nghĩa, cách phân loại giai thoại, chỉ
ra các tiêu chí nhận diện thể loại cũng như đời sống của giai thoại trong xã hội hiện
nay và đi vào phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật của bộ phận Giai thoại về các
tác gia văn học Việt Nam, luận văn góp phần tìm hiểu các bộ phận giai thoại khác
nói riêng và thể loại giai thoại nói chung.
Qua đó, luận văn đóng góp vào việc khẳng định vị trí độc lập và giá trị đặc
sắc của thể loại văn học dân gian này.
8. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, nội dung chính của luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lí luận, thực tế và các tiêu chí nhận diện thể loại
Chương 2: Nội dung của Giai thoại về các tác gia văn học Việt Nam
Chương 3: Nghệ thuật của Giai thoại về các tác gia văn học Việt Nam
Ngoài ra, luận văn còn có phần Phụ lục:
Phụ lục 1: Một số giai thoại về các tác gia tác giả luận văn sưu tầm
Phụ lục 2: Bảng thống kê các tác gia và một số giai thoại về các tác gia
văn học Việt Nam.


7


Chương 1
CƠ SỞ LÍ LUẬN, THỰC TẾ VÀ CÁC TIÊU CHÍ NHẬN DIỆN THỂ LOẠI
1.1. Giai thoại và các tiêu chí nhận diện thể loại
1.1.1. Khái niệm giai thoại
Giai thoại vốn là một thuật ngữ gốc Hán, giai có nghĩa là hay, đẹp, thoại là
câu chuyện kể. Như vậy, giai thoại là câu chuyện kể hay, đẹp.
Theo N.D.Tamarchenko, “giai thoại (“Anekdotos”, gốc Hy Lạp, có nghĩa là
“không công bố”) có hai nét nghĩa: Nét nghĩa thứ nhất: Câu chuyện lưu truyền rộng
rãi trong dân gian, thuật lại một cách ngôn lí thú, một cảnh độc đáo, hay một trang
tiểu sử riêng tư của một nhân vật lịch sử. Nét nghĩa thứ hai: Thể tự sự cỡ nhỏ nửa
truyền miệng, bán văn học, đặc điểm nổi bật của nó là mô tả các nhân vật hành
động một cách hàm súc, sơ lược, tập trung vào một tình huống được suy ngẫm lại,
đánh giá lại bằng cách thay đổi hoàn toàn điểm nhìn (“point”, bước ngoặt, đột biến). Ở
cả phía đối tượng của sự kể (đời sống riêng tư của nhân vật lịch sử, tức là nhân vật quan
phương, hoặc một trường hợp nào đó rút ra từ đời sống của những người bình thường),
lẫn ở phía chức năng, tức là ở cả hai ý nghĩa của thuật ngữ, giai thoại là thể loại không
chính thức: vì thế, truyện kể bao giờ cũng mang tính phi văn học, nó là thứ “văn học rỉ
tai, bí mật” (E. Kurganov), đòi hỏi người kể và người nghe phải có nhãn quan tương
đồng (J. Hein) và sự “tâm đầu ý hợp”, tin tưởng lẫn nhau trong giao tiếp” [30].
Theo nghĩa thứ nhất, thuật ngữ có gốc gác từ cuốn Mật sử của Procopius
Caesarensis (một tác phẩm còn đang có nhiều tranh cãi, được viết vào những năm
550) và xưa kia, Từ điển tiếng Anh (1775) của Samuel Johnson từng giải thích với ý
nghĩa như vậy: “Giai thoại là câu chuyện chưa được công bố”, có nghĩa, đó là
chuyện riêng tư của nhân vật quan phương. Thời Pushkin, giai thoại cũng được hiểu
như vậy. Những câu chuyện về kì sự, vô thường của các nhân vật nổi tiếng do
chứng nhân kể lại theo kiểu như thế đầy ắp các Hồi kí giai đoạn thế kỉ XVIII – XX.
Hiển nhiên là giai thoại có quan hệ đặc biệt với văn học, một mặt, từ hoạt động

truyền miệng của nó, cũng như từ giác độ bản quyền mang tính tập thể. Mặt khác,
nhiều tuyển tập giai thoại hết sức nổi tiếng (ở Nga, từ thế kỉ XVIII) và được sử

8


dụng trong các văn bản văn học rộng rãi tới mức khiến chúng không còn là thể loại
dân gian thuần tuý. Việc giai thoại thiên về lối kết cấu xâu chuỗi - hoặc là xoay
quanh các nhân vật nào đó, hoặc là những đặc điểm dân tộc nổi bật của các nhân vật
hành động - nói lên tính tự sự của nó.
Trong quá trình phát triển lịch sử, theo ý kiến chung, giai thoại có quan hệ
mật thiết với truyện khôi hài, cổ tích sinh hoạt có nội dung trào lộng, ngụ ngôn, trào
phúng và truyện cổ có kết cấu theo kiểu tăng cấp. Truyện kể tăng cấp (thường dưới
dạng giản lược) và điểm “point” kết thúc đã biến giai thoại thành nguồn cội của tiểu
thuyết - ở cả thời Phục hưng, lẫn sau này, trong sáng tác của A. Chekhov (Cái chết
của viên công chức), hay H. Henry (The Cop and the Anthem).
Năm 1988, nhà xuất bản Văn học đã giới thuyết khái niệm giai thoại văn
học khi tái bản cuốn Giai thoại văn học nói trên. Sách viết: “Giai thoại văn học
là những giai thoại riêng về các nhà văn, những nhân vật có tên tuổi trong xã
hội hoặc đông đảo những người yêu thích thơ văn và sáng tác thơ văn nói
chung. Như vậy giai thoại văn học là một loại văn chương vừa có tính chất bác
học lại vừa có tính chất truyền miệng mang trong cổt cách của nó nhiều nét dân
tộc độc đáo đầy sức hấp dẫn” [24, tr. 5]. Theo chúng tôi, giới thuyết này chỉ
nhấn mạnh khái niệm giai thoại văn học và vị trí của nó trong văn học dân tộc
như cầu nối giữa văn học dân gian - văn học mà hơi nhòe tính chất thể loại,
cũng không xác định nó là văn học dân gian hay văn học bác học.
Năm 1994, Vũ Ngọc Khánh trong cuốn Kho tàng giai thoại Việt Nam lại
thiên về nhận định giai thoại thuộc văn học dân gian khi ông cho rằng: “… Những
câu thơ, câu đối ở đây có vẻ giàu chữ nghĩa, điển tích như ở văn chương bác học,
song điều bắt buộc là phải vận dụng theo phong cách dân gian, lấy chất liệu và cả

biện pháp quen thuộc của ca dao, câu đố…tác phẩm văn học bác học được xem như
tác phẩm dân gian và có thể sống trong quần chúng…” [18, tr. 7]. Như vậy, Vũ
Ngọc Khánh coi giai thoại văn học như các tác phẩm văn học dân gian nhưng
không phủ nhận rằng nó có nguồn gốc bác học và đã được dân gian hóa.
Trong cuốn Từ điển Văn học do nhà xuất bản Thế giới phát hành năm 2004,
giai thoại được định nghĩa như sau: “Một thể loại chuyện kể truyền miệng, lưu

9


truyền chủ yếu trong giới nhà văn và lớp công chúng ưa thích thơ văn, nhất là
những người có hiểu biết Hán học và văn chương chữ Hán. Thuật ngữ giai thoại
được mượn từ Trung Hoa. Mỗi giai thoại là một truyện kể ngắn gọn, lý thú, xoay
quanh những nhân vật có thực, thường là những danh nhân… Giai thoại văn học
thường không phân giới rõ rệt với truyền thuyết, truyền kỳ; có những mảng giai
thoại xuất hiện thời kỳ sau lại gần với tiếu lâm. Tuy vậy giai thoại vẫn mang tính
độc lập như một thể loại độc đáo; nó thuộc về văn chương bác học, gắn với sinh
hoạt văn học thành văn, nhưng lại tồn tại dưới dạng truyền miệng, tức là dạng thức
tồn tại của các truyện kể dân gian” [49, tr. 119]. Định nghĩa giai thoại trên có phần
mâu thuẫn. Một mặt nó đã khẳng định “Giai thoại là một thể loại chuyện kể truyền
miệng” (tức nó thuộc văn học dân gian), nhưng lại nêu thêm “Nó thuộc về văn
chương bác học, gắn với sinh hoạt văn học thành văn”. Như vậy, tác giả muốn coi
giai thoại là một thể loại văn chương, điều mà Trần Thanh Mại đã có lần đề cập.
Tuy nhiên, bản thân tác giả mục từ này cũng chưa nhận thức rõ giai thoại thuộc văn
học dân gian hay văn học thành văn, khi thì tác giả coi nó là “một thể loại của
truyện kể truyền miệng” khi lại nhấn mạnh “Nó thuộc văn chương bác học”.
Trong cuốn sách Văn học dân gian người Việt, góc nhìn thể loại ở bài Thể
loại giai thoại, Kiều Thu Hoạch cũng định nghĩa: “Giai thoại vốn là một thuật ngữ
gốc Hán, giai có nghĩa là hay, đẹp, thoại là câu chuyện kể. Như vậy giai thoại là câu
chuyện kể hay, đẹp… Tuy nhiên, giai thoại không phải là câu chuyện, mẩu chuyện

kể bình thường, mà đó phải là những câu chuyện hay, lý thú, gợi được những khoái
cảm thẩm mĩ” [16, tr. 18]. Định nghĩa này của ông không khác các nhà nghiên cứu
trước đây, song ông đã đưa ra nhiều phân tích, nhận xét có giá trị về giai thoại. Theo
Kiều Thu Hoạch thì những tài liệu sách báo có sưu tầm và giới thiệu giai thoại khá
nhiều và rải rác khoảng từ những năm 30 đến 45 của thế kỉ trước, nhưng phải đến
năm 1965 mới có một cuốn sách sưu tầm giai thoại chính thức ra đời là cuốn Giai
thoại văn học Việt Nam của Hoàng Ngọc Phách và Kiều Thu Hoạch.
Từ những ý kiến khác nhau của các nhà nghiên cứu, câu hỏi đặt ra là giai
thoại có phải là một thể loại văn học dân gian hay không?

10


Văn học dân gian là những sáng tác folklore và đặc trưng của các sáng tác
dân gian là:
- Tính truyền miệng
- Tính tập thể
- Tính nguyên hợp và đa chức năng
- Tính dị bản.
Xem xét lần lượt các đặc trưng này, chúng tôi nhận thấy giai thoại hoàn toàn
thỏa mãn. Giai thoại là các sáng tác truyền miệng, truyền miệng cả về sáng tác và
lưu truyền. Nói đến tính truyền miệng và tính tập thể của văn học dân gian, chúng
tôi nhận thấy vấn đề chính của hai đặc trưng này là vấn đề người sáng tác. Có người
sáng tác thì tác phẩm dân gian mới ra đời, mới được truyền miệng và thỏa mãn các
đặc trưng khác. Trong giai thoại thường xuất hiện những câu đối, những bài thơ văn
bác học của các học giả, tác gia nổi tiếng. Nếu vin vào cớ giai thoại là những sáng
tác của người có chữ nghĩa mà cho rằng nó thuộc văn chương bác học thì chưa hẳn
là hoàn toàn chính xác. Trong văn học dân gian Việt Nam, ca dao, tục ngữ chính là
những câu có xen những từ Hán, điển cố Hán, thậm chí có những câu toàn chữ Hán.
Những câu như thế không thể xem là do người nông dân hoàn toàn không biết chữ

Hán sáng tác. Đó hẳn là những sáng tác của những anh đồ quê, những nho sĩ thủa
hàn vi hoặc những lúc rảnh việc công. Đó là một thực tế lịch sử - nét đặc thù của
văn hóa, văn học dân gian truyền thống Việt Nam. Còn về mặt lý luận, dường như
giới nghiên cứu folklore hiện nay trên thế giới cũng không đồng tình với quan điểm
một thời cho rằng sáng tác folklore chỉ là của người lao động, của người mù chữ.
Trần Quốc Vượng cũng đã từng dẫn một câu nói của một nhà nghiên cứu folklore
người Pháp: “Cái gì không phải là chính thống thì là dân gian”. Đúng như vậy, khi
Nguyễn Trãi sáng tác một cách nghiêm túc những bài thơ chữ Hán, thơ Quốc âm
bằng chữ Nôm thì đó là những tác phẩm chính thống, là văn chương bác học.
Nhưng khi ông sáng tác đùa chơi, hoặc người kể chuyện gán cho ông sáng tác đùa
chơi bài “Hỏi cô bán chiếu” thì đó lại là sáng tác phi chính thống, nó không nghiêm
túc, nó chính là dân gian. Cũng vậy, khi Phan Bội Châu viết bài “Hải ngoại huyết

11


thư” thì đó là sáng tác bác học. Nhưng lúc ông còn là chàng trai trẻ ở quê nhà, đi hát
ví phường vải, hát đáp lại bên gái câu hát:
“Các em là phận nữ nhi
Một Đan Chu cũng đủ, hỏi mần chi những tám người?” [16, tr. 68].
thì đó là câu hát đùa nghịch, không phải là sáng tác chính thống, quan phương, đó chính
là tác phẩm văn học dân gian. Hoặc nữa, khi Bác Hồ sáng tác những bài thơ chữ Hán
trong Nhật kí trong tù thì đó là những sáng tác chính thống, thể hiện ý chí cách mạng của
Người. Còn khi Bác làm thơ vui trả chữ nữ sĩ Hằng Phương:
“Cảm ơn bà biếu gói cam
Nhận thì không đúng, từ làm sao đây
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai”
thì đó đã gần với ranh giới của văn học dân gian.
Người sáng tác văn học, văn hóa dân gian trong những trường hợp này đều là

những người biết chữ. Vậy, với cách nhìn nhận này, rõ ràng, giai thoại là các sáng
tác dân gian, là folklore, và đương nhiên, nó phải là một thể loại nằm trong loại hình
tự sự dân gian. Chính vì vậy, Guxép đã coi giai thoại như một thể loại độc lập.
Trong phạm vi luận văn, chúng tôi đồng ý với nhận định này của Guxép.
Một vấn đề nữa cần làm sáng tỏ là tính dị bản của giai thoại văn học. Tuy
phần lớn các giai thoại văn học cổ truyền đều đã được ghi chép trong các văn bản,
song đây là thể loại vốn được sáng tác và lưu truyền bằng miệng, cho nên chúng ta
sẽ không lấy làm lạ khi thấy cùng một mẫu kể giai thoại, cùng một bài thơ hoặc câu
đối, lại có nhiều dị bản khác nhau. Thậm chí, có cả những trường hợp thơ hoặc câu
đối, hoặc cốt truyện vốn ở trong kho tàng giai thoại Trung Quốc cũng được du nhập
và diễn biến thành giai thoại văn học Việt Nam.
Dưới đây là khảo sát của chúng tôi ở một số dị bản trong kho tàng các giai
thoại văn học quen thuộc.
Sách Chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Kí, Sài Gòn, 1866, kể chuyện về mối
quan hệ giữa ông Hoàng Hồng Bảo, anh cùng cha khác mẹ với Tự Đức nối ngôi.

12


“Hồng Bảo âm mưu lật đổ, việc bại lộ, phải tự tử… Trong bữa tiệc ăn mừng
nhân dẹp được loạn Hồng Bảo, vua Tự Đức đang nhai chẳng may cắn phải lưỡi, vua
bèn bảo các quan cùng vịnh thơ “Răng cắn lưỡi” để mua vui.
Bấy giờ, ông Nguyễn Đăng Hành làm bài thơ rằng:
Tớ sinh ngươi chửa ra đời
Ngươi sinh sau tớ tớ thời làm anh
Hôm nay ăn uống ngon lành
Mối tình cốt nhục sao đành hại nhau.
Tự Đức tức giận vì bị châm chọc chuyện Hồng Bảo, sai lôi tác giả bài thơ ra
ngoài Ngọ Môn đánh cho ba chục roi, sau đó, để tỏ ra biết trọng nhân tài, vì thơ
hay, lại truyền thưởng cho tác giả vàng bạc”.

Đến sách Kho tàng giai thoại Việt Nam, Vũ Ngọc Khánh (1994) lại theo sách
Giai thoại làng Nho (1996) ghi nhân vật làm bài thơ đó là Nguyễn Hàm Ninh (1807
– 1867), thơ có sai biệt một đôi chỗ. Cũng theo Vũ Ngọc Khánh, thì còn có một dị
bản nữa, ở vùng Thừa Thiên, cho là Trần Văn Kỷ làm thơ nói về việc vua Quang
Trung cũng phải cắn lưỡi, ám chỉ việc vây hãm thành Quy Nhơn của Nguyễn Nhạc.
Cũng có thể kể thêm một dẫn chứng khác mà quá trình biến dị khá lí thú. Đó
là giai thoại văn học về Trạng nguyên Nguyễn Hiền đời Trần. Sách Chuyện khôi hài
của Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn, 1882, ở chuyện Câu đối có chí khí kể rằng: “Ông
huyện kia đi dọc đường gặp một thằng con nít đi học về. Thấy bộ mặt đứa bé sáng
láng, bảnh lảnh mới kêu mà ra câu hỏi rằng:
Tự là chữ, cất giằng đầu, chữ tử là con, con nhà ai đó?
Đứa học trò chí khí đối lại liền:
Vu là chưng, cất ngang lưng, chữ đinh là đứa, đứa hỏi ta chi?
Ông huyện nghe biết đứa có chí lớn, bèn nói sau nó sẽ làm nên sự nghiệp.
Mà thiệt như vậy chẳng sai”.
Đến sách Đại Nam kỳ nhân liệt truyện, bản dịch của Tô Linh Thảo, Quảng Thịnh,
Hà Nội, 1930 và sách Văn đàn bảo giám thì nhân vật phiếm chỉ là đứa học trò, đã được
lịch sử hóa thành Trạng Hiền, đậu Trạng nguyên năm 12 tuổi, người đời Trần Thái Tông,

13


có quên quán cụ thể, làng Hà Dương, huyện Thượng Nguyên, phủ Thiên Trường, xứ
Sơn Nam. Hai câu có sai dị chút ít, không đáng kể.
Cần phải nói thêm rằng, tính dị bản ở giai thoại không hoàn toàn giống như
tính dị bản của một số thể loại khác như truyện cổ tích, hoặc truyện Nôm bình
dân… Nếu như ở truyện cổ tích, truyện Nôm bình dân thường có những biến dị về
tình tiết, cốt truyện để tạo nên dị bản/bản khác, thì ở giai thoại văn học hiếm thấy sự
biến dị như thế. Ở giai thoại văn học, thường vẫn là câu chuyện kể xung quanh câu
đối ấy, bài thơ ấy nhưng lại được lịch sử hóa, địa phương hóa để gán ghép cho nhân

vật này hoặc nhân vật khác mà thôi. Như vậy, nếu theo lý thuyết folklore thì sự gán
ghép ấy chưa hẳn đã tạo cho giai thoại văn học những dị bản/bản khác theo đúng
nghĩa chặt chẽ của nó. Tuy nhiên, theo tác giả Kiều Thu Hoạch thì tính dị bản ở đây
“có thể xem là đặc trưng của văn học dân gian” [16, tr. 29].
Như vậy, với những lý luận và dẫn chứng trên đây, chúng tôi bước đầu
khẳng định giai thoại có đầy đủ những đặc trưng của một thể loại văn học dân gian.
Qua việc nghiên cứu, xem xét những ý kiến khác nhau của các nhà nghiên
cứu văn học dân gian, trong phạm vi luận văn, chúng tôi đồng ý với ý kiến của nhà
nghiên cứu Kiều Thu Hoạch trình bày trong cuốn Giai thoại văn học Việt Nam, Nhà
xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004: Giai thoại chính là một thể loại văn học
dân gian. Chúng tôi nhận thấy, giai thoại có đầy đủ những đặc trưng của văn học
dân gian, nó có khả năng đứng độc lập thành một thể loại riêng.
1.1.2. Các tiêu chí nhận diện thể loại
Giai thoại là các sáng tác folklore, là văn học dân gian mà các tác giả
nước ngoài có người còn gọi rõ là giai thoại dân gian. Đúng như luận điểm của
Guxep, ở thể loại giai thoại, nhiều khi rất gần với các thể loại văn học dân gian
khác như truyện cười, truyền thuyết… Ở Trung Quốc, người ta có thể dễ dàng
tìm thấy những mẩu truyện giai thoại nằm rải rác trong những pho truyện cười
được sưu tầm từ thời Tam Quốc cho tới tận cuối đời Thanh. Ở ta, cũng có tình
hình tương tự. Có một số truyện cười nhằm chế giễu những nho sĩ làm thơ dở
mà hay khoe chữ, như loại thơ “con cóc” hoặc chế giễu những ông đồ dốt, như
loại “Ai trồng cây đất bể Đông…” thì để vào truyện cười cũng được mà xếp

14


vào giai thoại cũng không sai. Điều dễ thấy là những giai thoại văn học xung
quanh bài thơ, câu đối khuyết danh hoặc những nhân vật phiếm chỉ thường có
những nét gần gũi với thể loại truyện cười nhiều hơn. Có lẽ cũng vì thế mà
trước đây, nhiều nhà sưu tập truyện cười dân gian đã không quan tâm lắm đên

sự phân biệt này. Như vậy, nếu đã khẳng định giai thoại là một thể loại văn
học, có vị trí, chỗ đứng riêng thì nhất định chúng ta phải có hệ thống các tiêu
chí rõ ràng, cụ thể để nhận diện nó.
1.1.2.1. Quy mô tác phẩm ngắn gọn, tình huống lý thú, hấp dẫn
Giai thoại thường phải hết sức ngắn gọn. Một giai thoại hấp dẫn cần phải có
lời kể, lời thoại thật ngắn gọn. Đây là yếu tố làm tăng kịch tính và độ căng cho câu
chuyện. Theo khảo sát hơn 1000 giai thoại, chúng tôi thấy quy mô tác phẩm ngắn
gọn là đặc điểm của thể loại này. Giai thoại ngắn nhất có quy mô vài chục từ, giai
thoại dài nhất là vài chục trang kể về cuộc sống đời thường của các tác gia. Chúng
tôi mới chỉ xác định quy mô ngắn gọn là đặc điểm của giai thoại mà chưa khẳng
định rằng đây là đặc trưng, bởi vì, bản thân các thể loại văn học dân gian khác cũng
có thể có đặc điểm này (như truyện cười, truyện ngụ ngôn), phải nhìn nhận khách
quan trong cái nhìn so sánh cụ thể.
Các thể loại tự sự dân gian khác như thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ
tích… không có nhu cầu kể ngắn gọn như giai thoại. Lấy ví dụ về thể loại truyền
thuyết: Cốt truyện truyền thuyết lại xoay quanh nhiều nhân vật, thậm chí có truyện
có hai hệ thống nhân vật đối lập nhau như Truyện An Dương Vương: Một bên là An
Dương Vương, Mỵ Châu, thần Kim Quy; một bên là Triệu Đà, Trọng Thủy, con
tinh Gà Trắng. Kết cấu truyền thuyết có hai loại: loại cốt truyện đơn và loại cốt
truyện xâu chuỗi. Chẳng hạn như Truyền thuyết về Lê Lợi gồm những chuỗi tập
trung nói về người anh hùng Lê Lợi. Nó không chỉ có một mà là rất nhiều truyện.
Chính kết cấu và cốt truyện truyền thuyết đã khiến cho quy mô của thể loại này
không thể ngắn gọn. Hay như truyện cổ tích, quy mô của thể loại này cũng tương
đối dài. Truyện cổ tích thường được xây dựng theo một số sơ đồ chung nhất định.
Cơ sở để xác lập sơ đồ kết cấu truyện cổ tích là những hành động của nhân vật
chính. Có thể phác thảo sơ đồ kết cấu của truyện cổ tích thần kì dân tộc Việt như

15



sau. Phần đầu: nhân vật chính xuất hiện. Phần giữa: cuộc phiêu lưu của nhân vật
chính trong “thế giới cổ tích”. Phần kết: Đổi đời hay là sự thay đổi số phận trong
“thế giới cổ tích”. Như vậy, ở hai thể loại có vẻ “dài hơi” này của văn học dân gian,
chúng tôi thấy rõ sự khác biệt với giai thoại về quy mô tác phẩm.
Tiếp tục so sánh với truyện ngụ ngôn và truyện cười - hai thể loại có quy mô
tác phẩm tương đối ngắn. Kết cấu của truyện ngụ ngôn chỉ nêu ra một hoàn cảnh,
một tình huống, trong đó diễn ra một hành động của một hoặc một vài nhân vật,
nhằm minh hoa cho một điều răn dạy nào đó. Xung đột không có quá trình hình
thành, nó chỉ diễn ra trong một hành động. Đặc trưng này tạo nên kiểu kết cấu tiêu
biểu một màn kịch của truyện ngụ ngôn. Nó gần giống như quy tắc “tam duy nhất”
của kịch cổ điển. Theo La Phôngten, truyện ngụ ngôn gồm phần xác (câu chuyện)
và phần hồn (điều răn dạy). Có đôi khi điều răn dạy được diễn tả thành lời, tức là
dựa theo quan niệm của La Phôngten thì phần “hồn” được “hiện ra” bên ngoài xác.
Như vậy, tuy quy mô truyện ngụ ngôn ngắn gọn nhưng rõ ràng không thể nhầm lẫn
với giai thoại được, chỉ còn lại truyện cười là thể loại cần xem xét kĩ trong cái nhìn
so sánh với giai thoại.
Như đã nói ở phần trên, giữa truyện cười và giai thoại có sự giao thoa nhưng
không có nghĩa là không thể xóa ranh giới giữa chúng. Cả hai thể loại đều có quy
mô tác phẩm ngắn gọn, có độ căng kịch tính. Vậy, dựa vào đâu để phân biệt chúng?
Một truyện cười sở dĩ được gọi là truyện cười là do tính gây cười tạo nên. Một giai
thoại sở dĩ được gọi là giai thoại vì có tính lý thú. Đương nhiên, nói như thế không
có nghĩa là tuyệt nhiên giai thoại không có tiếng cười mà đó là cái cười thầm, cười
mỉm chứ không phải cười vang, cười sảng khoái, cười rộ như truyện cười. Guxép
nói tình huống lý thú chính là đặc trưng của giai thoại. Hay nói cách khác, đó chính
là kịch tính, dẫn câu chuyện tới chỗ thắt nút, rồi bất ngờ mở nút, dẫn người nghe tới
một khoái cảm thẩm mĩ cao độ, đầy hứng thú.
Có thể lấy ví dụ cho đặc trưng này:
Sách Kho tàng giai thoại Việt Nam của Vũ Ngọc Khánh có giai thoại như sau:

16



“Một buổi trưa hè, trời vừa tạnh mưa, Tú Xương đứng ngóng sang nhà đối
diện, thấy cô Nghĩa nhà hàng xóm đang rửa dưa trong cái thau đồng , bất giác đọc
lên mấy câu:
Ước gì ta hóa ra dưa
Để cho người tắm nước mưa chậu đồng
Ước gì ta hóa ra hồng
Để cho người bế, người bồng trên tay” [19, tr. 46].
Phải thừa nhận bài thơ rất dí dỏm, rất hay. Nhưng mấy lời trên chỉ có thể
xem như một tiểu dẫn về hoàn cảnh sáng tác bài thơ, chứ chưa được xem là một giai
thoại vì nó thiếu kịch tính. Hơn nữa, thông thường, đã gọi là giai thoại thì phải có
đối thoại, đặc trưng này sẽ nói thêm ở phần sau. Ở đây mới chỉ thấy Tú Xương làm
thơ đùa chơi, mà chưa thấy cô hàng xóm đáp trả thế nào. Do đó, mới chỉ có giai mà
chưa có thoại.
Bây giờ, hãy xem xét một giai thoại có chứa tình huống lý thú. Đó là giai
thoại “Nhờ râu mà thoát đòn”:
“Tiến sĩ Từ Ô về thăm quê Thanh Miện, Hải Dương. Nghe nói Tri huyện
Thanh Miện hách dịch lắm, ai đi qua cổng huyện cũng phải “hạ mã”, xuống ngựa,
xuống cáng, không thì phải đánh đòn. Ông nghè Từ Ô liền mượn một con bò cưỡi
qua, nghênh ngang không chịu xuống. Lính bắt ông vào trình quan huyện. Ông khai
là thầy đồ già đi dạy học ở xa mới về nên không biết lệ, và lệ quan chỉ bắt xuống
ngựa, chứ có bắt xuống bò đâu. Quan huyện nghe nói trôi chảy, bèn bảo lẽ ra phải
đánh đòn, nhưng nể cái bộ râu của ông - ý nói già cả, nên tha, tuy vậy phải đối một
câu đối để tạ ơn. Rồi hắn đọc một câu rằng:
- Huyện quan Thanh Miện kiến vô lễ nhi dục công.
Nghĩa là: Quan huyện Thanh Miện thấy kẻ vô lễ nên muốn đánh.
Ông nghè Từ Ô nghe tri huyện nói “nể bộ râu” liền ứng khẩu đối lại:
- Tiến sĩ Từ Ô hạnh hữu tu nhi đắc thoát.
Nghĩa là: Tiến sĩ Từ Ô may nhờ có râu mà thoát đòn.

Quan huyện nghe đối, biết đó là tướng công Trần Văn Trứ, đại thần ở trong
triều, sợ toát mồ hôi, sụp lạy xin tha tội” [19, tr. 168].

17


Câu đối thú vị ở chỗ “nhờ râu mà thoát đòn”. Tình tiết câu chuyện giàu kịch
tính, tạo được bất ngờ cho người nghe. Một giai thoại văn học thế là khá trọn vẹn,
có giai và có thoại.
Qua dẫn chứng ở trên, chúng tôi thấy, tính lý thú chính là linh hồn của giai
thoại văn học. Thiếu tính lý thú, câu chuyện không còn hấp dẫn người nghe nữa.
Theo nhà nghiên cứu Lã Nguyên, giai thoại thiên về lối kết cấu xâu chuỗi hoặc là xoay quanh các nhân vật nào đó, hoặc là những đặc điểm dân tộc nổi bật của
các nhân vật hành động - nói lên tính tự sự của nó. Chức năng làm nổi bật tính hai
mặt của tình huống truyện kể rốt cuộc quyết định toàn bộ tổ hợp đặc trưng thể
loại giai thoại, bao gồm cả tính hàm súc trong việc mô tả các sự kiện một cách khách
quan. Thoạt đầu, nhân vật giai thoại được đặt ở vị thế bình thường, ai cũng biết rõ, về
sau diễn ra sự thay đổi hoàn toàn trong việc tiếp nhận và đánh giá nó, tức là xuất hiện
đột biến di chuyển về phía cái đặc biệt mới mẻ, khác lạ: điểm nhìn mới đối với tình
huống ban đầu hoá ra hoàn toàn hợp qui luật. Thời gian để nhân vật từ vị thế bình
thường đến đột biến rất ngắn, chỉ trong một khoảnh khắc của lời nói. Điều đó khiến
cho câu chuyện trở nên bất ngờ, gây hứng thú với người nghe, người đọc.
Như vậy, tiêu chí đầu tiên để nhận diện thể loại giai thoại chính là quy mô
của các tác phẩm thuộc thể loại này ngắn gọn, tình huống thoại lý thú, hấp dẫn đưa
người đọc đến điểm đột biến, khiến câu chuyện hấp dẫn, lý thú. Chính yếu tố lý thú
này là cái thu hút người đọc, làm cho thể loại vừa có “giai”, vừa có “thoại”.
1.1.2.2. Lời thoại giàu trí tuệ, dí dỏm
Giai thoại bắt buộc phải có lời thoại, tức có đối đáp giữa các nhân vật.
Không có lời thoại, câu chuyện dù thú vị đến đâu cũng không thể thành giai thoại.
Đặc điểm này có tính khu biệt giai thoại với các thể loại văn học dân gian khác.
Trong khi đó, không ít truyền thuyết, truyện cổ tích rất hấp dẫn mà chẳng cần có lời

thoại nào. Có giai thoại tần suất xuất hiện lời thoại chiếm phần lớn dung lượng chữ
của cả giai thoại. Chúng ta lấy một số ví dụ sau đây:
“Khoảng cuối đời Trần, có Bảng Nhãn Lê Hiến Phủ người làng Chính An,
huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương làm quan tới chức Đại học sĩ, là người rất trung
thực, không sợ cường quyền.

18


Tương truyền, khi Hồ Quý Ly đang chuyên quyền, thường ngày đến làm
việc ở nhà chính sự đường vẫn ngồi trên một chiếc ghế đen. Lê Hiến Phủ thấy
vậy liền cự rằng:
- Nay ông dám ngồi ghế đen, rồi nữa ngai vàng ông cũng ngồi à?
Hồ Quý Ly gật gù đáp:
- Xin ông hãy đổi cái bụng dạ ấy đi.
Hiến Phủ không hề sợ, cứng cỏi trả lời rằng:
- Bụng dạ trời sinh, sao có thể đổi được!
Đoạn ngâm mấy câu thơ rằng:
Ngã tâm phỉ thạch
Bất khả chuyển giã
Ngã tâm phỉ tịch
Bất khả quyển giã.
Nghĩa là:
Lòng ta chẳng phải hòn đá;
Không thể chuyển vần được!
Lòng ta chẳng phải chiếc chiếu,
Không thể cuốn tròn được.
Rồi lại nói: “Lòng ta như thế đấy”.
Quý Ly nghe nói giận lắm nhưng vẫn lẳng lặng không nói gì cả.
Sau đó, Hiến Phủ tâu với vua, vua càng tin dùng hơn và phong cho chức

Hiến gián đại phu. Ít lâu sau Hiến Phủ cùng với vua tìm cách trừ Quý Ly, sai một
người môn khách giấu mũi nhọn trong tay áo để ám sát, song việc không thành, ông
bị Quý Ly đem giết.
Trước khi hành hình, ông vẫn ung dung đọc bài thơ cảm khái, có câu rằng:
Thốn nhẫn trừ tàn thiên địa bạch
Nhất tâm báo quốc quỷ thần tri.
Tạm dịch thơ:
Tấc nhọn trừ gian trời đất biết
Tấm lòng đền nước quỷ thần hay.

19


Nhà vua nghe tin rất thương xót ông, ban cho cỗ áo quan bằng gỗ quý và
truyền chôn cất chu đáo” [19, tr. 211].
Giai thoại thường đề cao chất trí tuệ của lời thoại. Một giai thoại được xem là
hay cần phải có lời thoại hay, giàu chất trí tuệ (riêng ở giai thoại văn học, thủ pháp
chơi chữ còn được xem là dấu hiệu đặc trưng của tiểu loại). Chính đặc trưng này
giúp giai thoại đạt được tính lý thú.
Lấy ví dụ về giai thoại “Ăn hai đấu học hai canh” sau để thấy rõ tính trí tuệ
trong lời thoại:
“Lê Nại người đời Lê, quê ở làng Mộ Trạch, Hải Dương là học trò nghèo mà
học giỏi, được thượng thư Vũ Quỳnh người đồng ấp thương mến, cho ở rể nuôi cho
ăn học. Lúc đầu, Nại chẳng chịu học hành, mà cũng chẳng mó đến việc gì. Vũ Quỳnh
lấy làm lạ, liền đến hỏi ông bố Lê Nại thì đươc biết Nại ăn rất khỏe, chắc là ăn chưa
đủ no. Vũ Quỳnh về nhà, sai dọn cơm riêng cho Nại ăn. Cho ăn một đấu, học đến tối.
Cho ăn một đấu năm lẻ, học đến trống canh ba. Cho ăn một đấu tám lẻ, học đến trông
canh tư. Sau định mức cho ăn hai đấu. Từ đấy, Nại học thâu đêm suốt sáng. Lúc bố
vợ thử tài học, bảo làm thơ. Nại chẳng cần nghĩ, đọc ngay bài thơ vui rằng:
Mộ Trạch tiên sinh

Ăn khỏe nổi danh
Mười tám bát cơm
Mười hai bát canh
Đỗ đầu khoa bảng
Tên trội quần anh
Chứa vào càng lớn
Nở ra càng phình” [19, tr. 143].
Trong thực tế, cũng có những người ăn khỏe như Lê Nại. Rõ ràng, ở đây, tác
giả dân gian đã khoa trương, khiến tình huống giai thoại thêm hấp dẫn, gây hứng
thú cho người nghe. Cách nói khoa trương ở đây đã tạo nên chất trí tuệ trong lời
thoại. Tình tiết ông bố vợ cho chàng rể ăn cũng mang tính chất hài hước, thú vị,
giàu kịch tính. Cho ăn một đấu học đến tối. Rồi tăng dần, đến định mức hai đấu thì
học thâu đêm suốt sáng.

20


×