Tải bản đầy đủ (.doc) (6 trang)

GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẦU TƯ CÓ THAY THẾ CHO GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ KINH DOANH ?

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (55.22 KB, 6 trang )

GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẦU TƯ CÓ THAY THẾ CHO
GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ KINH DOANH ?
Posted on 21/03/2008 by Civillawinfor
NGUYỄN PHƯƠNG LINH
Để gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào 11/2006, Việt Nam đã phải đàm
phán, cam kết song phương và đa phương với các thành viên của WTO trên nhiều phương
diện khác nhau, trong đó có phương diện luật pháp. Theo một lộ trình phù hợp với điều
kiện thực tiễn của Việt Nam và được WTO chấp nhận, Việt Nam cam kết hệ thống pháp
luật của Việt Nam sẽ được sửa đổi cho phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế. Do đó,
trong năm 2005, Quốc hội đã xem xét và thông qua nhiều đạo luật quan trọng mà nổi bật
nhất là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Luật Doanh nghiệp (còn gọi là Luật Doanh
nghiệp thống nhất) ra đời và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2006 thay thế cho Luật Doanh
nghiệp năm 1999, Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 (trừ những quy định áp dụng
cho các doanh nghiệp nhà nước nằm trong lộ trình phải chuyển đổi thành công ty trách
nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần từ ngày 01/7/2006 đến ngày 01/7/2010) và các quy
định về tổ chức và hoạt động tại Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (bao gồm cả Luật
Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2000). Luật Đầu tư (còn gọi là Luật đầu tư chung)
được ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2006 thay thế cho Luật Đầu tư nước ngoài
tại Việt Nam và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước năm 1998.
Việc Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư với những quy định thông
thoáng và phù hợp với thông lệ quốc tế đã khuyến khích và thu hút được một nguồn vốn
đáng kể từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư, thành lập doanh nghiệp
để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực đầu
tư trực tiếp nước ngoài năm 2007, tổng vốn của dự án cấp phép mới và vốn đăng ký tăng
thêm của các dự án đang hoạt động ước đạt 20.300 triệu USD, tăng 69,1% so năm 2006;
trong đó, vốn cấp phép mới là 17.650 triệu USD với 1.406 dự án, tăng 94% về vốn và tăng
68,8% về số dự án so với năm trước (Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Bên cạnh môi
trường pháp lý cởi mở và thông thoáng, việc Việt Nam gia nhập các tổ chức quốc tế
(ASEAN, AFTA, WTO…) và ký kết, thực hiện hiệp định thương mại với các nước phát
triển trên thế giới (Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ…) cũng tạo ra nhiều cơ hội kinh


doanh mới cho các doanh nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều nhà đầu tư
(các tổ chức, cá nhân) thành lập doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật Doanh
nghiệp và Luật Đầu tư.
Trong những năm qua, đối tượng vay vốn chủ yếu và phổ biến của các ngân hàng thương
mại nước ta là các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Hiện nay, mặc dù thị
trường chứng khoán Việt Nam đã được hình thành và đang hoạt động rất sôi động nhưng
các doanh nghiệp nước ta không thể dễ dàng huy động vốn từ thị trường này để phục vụ
hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là khi các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn vẫn là
doanh nghiệp vừa và nhỏ, huy động vốn để bổ sung vốn lưu động hoặc phục vụ hoạt động
kinh doanh mang tính thời vụ. Ngoài ra, những quy định chặt chẽ của pháp luật về điều
kiện niêm yết và thủ tục phát hành cổ phiếu ra công chúng đã hạn chế đối với một số
doanh nghiệp có dự định huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán tập trung. Do
vậy, nhiều chuyên gia nhận định rằng trong nhiều năm tới, các ngân hàng thương mại


không thể không là địa chỉ quen thuộc cho các doanh nghiệp Việt Nam đến vay vốn để
phát triển sản xuất, kinh doanh. Đương nhiên, khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại,
doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện nhất định theo yêu cầu của từng ngân hàng
phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước.
1. Năng lực pháp luật dân sự – một điều kiện vay vốn đối với doanh nghiệp
Theo Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết
định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thì
để vay được vốn tại các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện
sau: có năng lực pháp luật dân sự và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật;
mục đích sử dụng vốn vay hợp pháp; có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời hạn
cam kết; có dự án đầu tư khả thi và có hiệu quả; có tài sản bảo đảm nếu không thuộc đối
tượng được vay vốn không có tài sản bảo đảm theo quy định của ngân hàng. Cho đến nay,
hệ thống pháp luật của nước ta chỉ có Bộ luật Dân sự quy định về năng lực pháp luật dân
sự. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự không trực tiếp quy định về năng lực pháp luật dân sự của tổ
chức mà chỉ có quy định cụ thể về năng lực pháp luật dân sự của cá nhân. Do đó, năng lực

pháp luật dân sự của cá nhân được quy định là khả năng bằng hành vi của mình xác lập,
thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự và có từ khi người đó sinh ra cho đến khi chết.
Mặt khác, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các doanh nghiệp (ngoại trừ doanh
nghiệp tư nhân) có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh. Trong khi Bộ luật Dân sự quy định một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi
có các điều kiện sau: (i) Được thành lập hợp pháp; (ii) Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; (iii) Có
tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; (iv) Nhân
danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập. Cho nên, doanh nghiệp chỉ có
thể nhân danh mình để tham gia quan hệ tín dụng với tổ chức tín dụng một cách độc lập
khi tư cách pháp nhân của doanh nghiệp đã được công nhận, tức là doanh nghiệp đã được
cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Do vậy, nếu
chỉ căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự và Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với
khách hàng do Ngân hàng Nhà nước ban hành, thì khó có đủ cơ sở để xác định doanh
nghiệp có năng lực pháp luật từ khi nào và giấy tờ nào chứng minh năng lực pháp luật dân
sự của doanh nghiệp. Song, nếu kết hợp những quy định của Bộ luật Dân sự (quy định về
năng lực pháp luật dân sự của cá nhân), Luật Doanh nghiệp (quy định về thời điểm có tư
cách pháp nhân của doanh nghiệp) và Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách
hàng nói trên (quy định về điều kiện vay vốn), thì có thể hiểu rằng năng lực pháp luật dân
sự của doanh nghiệp là khả năng của doanh nghiệp bằng hành vi của mình xác lập, thực
hiện quyền, nghĩa vụ dân sự kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho
đến khi chấm dứt hoạt động (có thể chấm dứt trước thời hạn hoặc đúng thời hạn ghi trong
giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh). Việc xác định năng lực pháp luật dân sự của doanh
nghiệp theo cách hiểu trên đây là phù hợp với nguyên tắc áp dụng tương tự quy phạm pháp
luật: giải quyết một vụ việc pháp lý cụ thể trên cơ sở quy phạm pháp luật không phải được
dự tính cho trường hợp này mà cho một trường hợp tương tự.
Chính vì lẽ trên, kể từ ngày Luật Doanh nghiệp có hiệu lực (01/7/2006), bản sao hợp lệ
giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (có công chứng hoặc chứng thực) được coi như là tài
liệu không thể thiếu trong hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp khi làm thủ tục, nộp hồ sơ vay
vốn tại các tổ chức tín dụng.
2. Giấy chứng nhận đầu tư có thay thế cho giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh?



Khi nhận và thẩm định hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp
vay vốn lần đầu, tổ chức tín dụng yêu cầu doanh nghiệp cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý hợp
lệ. Yêu cầu này được xem như là một điều kiện bắt buộc đối với các doanh nghiệp vay vốn
thuộc mọi thành phần kinh tế. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chưa ban hành một văn bản
quy phạm pháp luật nào hướng dẫn về hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp. Mặt khác, các văn
bản quy phạm pháp luật hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành liên quan
đến việc vay vốn tại các tổ chức tín dụng cũng chưa quy định về vấn đề nêu trên. Cho nên,
trên cơ sở quy định của Ngân hàng Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên
quan khác, các ngân hàng đã tự ban hành văn bản hướng dẫn nội bộ về việc cho vay vốn
cho phù hợp với điều kiện thực tế và cơ cấu tổ chức của ngân hàng mình, trong đó có quy
định hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp. Theo văn bản hướng dẫn nội bộ của hầu hết các ngân
hàng, thì hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp gồm có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và
quyết định thành lập (nếu có); điều lệ về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp; giấy phép
con đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện;
quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc (người đại diện theo pháp luật của
doanh nghiệp) và kế toán trưởng của doanh nghiệp. Các giấy tờ này phải có đủ trong hồ sơ
vay vốn của doanh nghiệp và không cần phải là bản chính (gốc) mà chỉ cần bản sao có
công chứng hoặc chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền. Trường hợp có
nghi ngờ về tính xác thực và chính xác của bản sao, thì ngân hàng có thể yêu cầu doanh
nghiệp xuất trình bản chính của các giấy tờ nói trên để kiểm tra, đối chiếu với bản sao
được cung cấp. Vì vậy, nếu hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp thiếu một trong các giấy tờ nói
trên, thì ngân hàng có thể từ chối cho vay đối với doanh nghiệp để tránh những rủi ro pháp
lý sau này.
Gần đây, một số doanh nghiệp cho rằng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong hồ sơ
pháp lý của doanh nghiệp có thể được thay bằng giấy chứng nhận đầu tư. Cho nên, trong
hồ sơ vay vốn gửi ngân hàng, doanh nghiệp chỉ cung cấp bản sao hợp lệ giấy chứng nhận
đầu tư chứ không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thực tế, tháng 11/2007 vừa
qua, một ngân hàng ở TP. Hồ Chí Minh nhận được hồ sơ xin vay vốn của một doanh

nghiệp có trụ sở hoạt động tại khu công nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu. Sau khi kiểm tra và
thẩm định hồ sơ vay vốn, ngân hàng phát hiện thấy rằng hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp
chưa có bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà chỉ có giấy chứng nhận
đầu tư do Ban Quản lý các khu công nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu cấp. Do đó, ngân hàng đã
yêu cầu doanh nghiệp cung cấp bổ sung bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh để chứng minh năng lực pháp luật dân sự của doanh nghiệp theo quy định của Ngân
hàng Nhà nước. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp đã báo cáo và đề nghị Ban Quản lý các khu
công nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho
mình theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Nhưng Ban Quản lý các khu công nghiệp Bà
Rịa – Vũng Tàu cho rằng trường hợp của doanh nghiệp không cần thiết phải làm thủ tục để
cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vì các lý do sau đây:
Thứ nhất: Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật Doanh nghiệp, trường hợp đặc thù
liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp được quy
định tại luật khác thì áp dụng theo quy định của luật đó. Do đó, Luật Đầu tư có thể nằm
trong số các luật khác được quy định tại khoản 2 Điều 3 này.
Thứ hai: Luật Đầu tư quy định đối với dự án đầu tư trong nước có quy mô vốn đầu tư từ
mười lăm tỷ đồng Việt Nam đến dưới ba trăm tỷ đồng Việt Nam và không thuộc danh mục
lĩnh vực đầu tư có điều kiện, thì nhà đầu tư làm thủ tục đăng ký đầu tư tại cơ quan nhà
nước quản lý đầu tư cấp tỉnh. Trường hợp nhà đầu tư có yêu cầu cấp giấy chứng nhận đầu


tư, thì cơ quan nhà nước quản lý đầu tư cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đối với dự án
đầu tư trong nước, dự án có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô vốn đầu tư từ ba trăm tỷ
đồng Việt Nam trở lên và thuộc danh mục dự án đầu tư có điều kiện, thì phải thực hiện thủ
tục thẩm tra để được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Thực tế, phần lớn các dự án đầu tư của
doanh nghiệp trong nước cần huy động vốn vay tại ngân hàng đều có vốn đầu tư trên 15 tỷ
đồng. Do vậy, chủ đầu tư phải làm các thủ tục đầu tư để được cấp chứng nhận đầu tư theo
quy định của Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn luật này.
Thứ ba: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư (Nghị định số 108), trong đó

quy định trường hợp nhà đầu tư có yêu cầu thực hiện thủ tục đầu tư đồng thời với thủ tục
đăng ký kinh doanh thành lập tổ chức kinh tế thì thực hiện cấp giấy chứng nhận đầu tư bao
gồm hai nội dung: nội dung giấy chứng nhận đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 41
Nghị định số 108 và nội dung đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Do vậy, căn cứ vào những quy định trên đây của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Nghị
định số 108, thì trong trường hợp chủ đầu tư trong nước có yêu cầu thực hiện thủ tục đầu
tư đồng thời với thủ tục đăng ký kinh doanh thành lập tổ chức kinh tế, chủ đầu tư không
phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh để được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp mà chỉ cần làm thủ tục đăng ký đầu tư để
được cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Vì vậy, doanh nghiệp đã
nộp hồ sơ vay vốn tại ngân hàng ở TP. Hồ Chí Minh thuộc trường hợp được quy định trên
đây, nên hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp không cần cung cấp bổ sung bản sao hợp lệ giấy
chứng nhận đăng ký kinh doanh cho ngân hàng.
Tuy nhiên, ngân hàng cho rằng các lý do trên đây của Ban Quản lý các khu công nghiệp Bà
Rịa – Vũng Tàu chưa phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật. Điều này có thể được
chứng minh bằng những căn cứ sau đây:
(i). Ở Việt Nam, việc thành lập và hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp không chỉ
được điều chỉnh bằng một đạo luật thuần túy (Luật Đầu tư và văn bản hướng dẫn Luật Đầu
tư) mà còn được điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác nữa.
Theo quy định tại Điều 2 của Luật Doanh nghiệp, thì đối tượng điều chỉnh của luật này là
các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Cho nên, khi thực hiện dự án đầu tư gắn
với việc thành lập doanh nghiệp, nếu dự án đầu tư có quy mô thuộc diện phải làm thủ tục
đầu tư để được cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định nói trên của Luật Đầu tư và Nghị
định số 108, thì ngoài việc tuân thủ quy định của Luật Đầu tư và Nghị định số 108, chủ đầu
tư còn phải thực hiện những quy định chung của Luật Doanh nghiệp, trong đó có thủ tục
đăng ký kinh doanh (từ Điều 13 đến Điều 37).
(ii). Luật Đầu tư không quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh
nghiệp mà chỉ quy định về hoạt động đầu tư nhằm mục đích kinh doanh. Cho nên, việc
Ban Quản lý các khu công nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 3

của Luật Doanh nghiệp để không làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho
doanh nghiệp là không phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư và Luật Doanh
nghiệp.
Mặt khác, nếu như trước đây chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng để khẳng định Luật Đầu tư có
nằm trong các Luật khác được quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Doanh nghiệp hay không,


thì kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 139/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 hướng
dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp (Nghị định số 139), các “luật
khác” đó đã được làm sáng tỏ. Cụ thể, khoản 3 Điều 3 của Nghị định số 139 quy định:
Trường hợp có sự khác nhau giữa các quy định của Luật Doanh nghiệp và các luật sau đây
về hồ sơ, trình tự, thủ tục và điều kiện thành lập, đăng ký kinh doanh; về cơ cấu tổ chức
quản lý, thẩm quyền của các cơ quan quản lý nội bộ doanh nghiệp, quyền tự chủ kinh
doanh, cơ cấu lại và giải thể doanh nghiệp thì áp dụng theo quy định của luật đó. Các “luật
sau đây” được quy định tại khoản 3 Điều 3 của Nghị định số 139 gồm có: Luật Các tổ chức
tín dụng; Luật Dầu khí; Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; Luật Xuất bản; Luật Báo
chí; Luật Giáo dục; Luật Chứng khoán; Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Luật sư; Luật
Công chứng; Luật sửa đổi, bổ sung các luật quy định tại khoản này và các luật đặc thù
khác được Quốc hội thông qua sau khi Nghị định này có hiệu lực thi hành. Do vậy, Luật
Đầu tư không phải là luật đặc thù nằm trong danh mục các luật được loại trừ được quy
định tại Điều 3 của Luật Doanh nghiệp và Điều 3 của Nghị định số 139.
(iii). Thực tế, ở nhiều địa phương khác trong cả nước, doanh nghiệp được cơ quan nhà
nước có thẩm quyền cấp cả giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh. Trong 7 tháng đầu năm 2007, mỗi tháng Uỷ ban nhân dân TP. Hà Nội cấp đăng ký
kinh doanh cho gần 1.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước thành lập theo Luật Doanh
nghiệp, Luật Đầu tư (Nguồn trang tin điện tử từ Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội).
Thậm chí ngay cả khi Nghị định số 139 chưa được ban hành, cơ quan nhà nước có thẩm
quyền đã yêu cầu doanh nghiệp làm các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Có thể lấy một ví dụ minh chứng cho
các trường hợp nói trên là trường hợp của Công ty TNHH Cavico Việt Nam, Công ty này

có vốn điều lệ 60,062 tỷ đồng và được Uỷ ban nhân dân TP. Hà Nội cấp giấy chứng nhận
đầu tư số 011043000070 ngày 08/01/2007, trong đó quy định Công ty có trách nhiệm nộp
hồ sơ đăng ký kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư
trong vòng 7 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Trong trường hợp của doanh nghiệp có trụ sở hoạt động tại Khu công nghiệp Bà Rịa –
Vũng Tàu nói trên, doanh nghiệp có vốn điều lệ 200 tỷ đồng (nằm trong giới hạn dưới 300
tỷ đồng theo quy định của Luật Đầu tư) và được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày
20/9/2007 (sau ngày ban hành Nghị định số 139), nên tương tự như trường hợp của Công
ty TNHH Cavico Việt Nam tại Hà Nội, doanh nghiệp cần phải nộp hồ sơ đăng ký kinh
doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Do vậy, việc doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký
kinh doanh tại Ban Quản lý các khu công nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu không chỉ phù hợp
với thực tiễn tại các địa phương khác trong cả nước mà còn phù hợp với quy định của Luật
Doanh nghiệp và Nghị định số 139.
(iv). Nghị định số 108 được ban hành trước Nghị định số 139 và là văn bản quy phạm pháp
luật của cơ quan cấp dưới so với Luật Doanh nghiệp (văn bản quy phạm pháp luật do Quốc
hội thông qua). Cho nên, theo nguyên tắc áp dụng pháp luật, trong trường hợp có quy định
khác nhau giữa Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 139 với Nghị định số 108 về hồ sơ, trình
tự, thủ tục và điều kiện thành lập, đăng ký kinh doanh, thì quy định của Luật Doanh nghiệp
và Nghị định số 139 được ưu tiên áp dụng. Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 139 không
quy định giấy chứng chứng nhận đầu tư thay thế cho giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
(giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) trong trường
hợp các nhà đầu tư có yêu cầu thực hiện thủ tục đầu tư đồng thời với thủ tục đăng ký kinh
doanh thành lập tổ chức kinh tế. Vì vậy, giấy chứng nhận đầu tư chưa đủ chứng minh năng


lực pháp luật dân sự của doanh nghiệp để được vay vốn tại các tổ chức tín dụng theo quy
định của Ngân hàng Nhà nước.
Từ thực trạng vay vốn của doanh nghiệp tại ngân hàng ở TP. Hồ Chí Minh nói trên, thiết
nghĩ Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư được thành lập theo Quyết
định số 1267/QĐ-TTg ngày 25/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ sớm tổ chức rà soát quy

định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (bao gồm cả các văn bản hướng dẫn của hai
luật này) để phát hiện những quy định bất hợp lý hoặc mâu thuẫn. Sau đó, Tổ công tác tổng
hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý thích hợp nhằm góp phần hoàn thiện hệ
thống pháp luật của nước ta. Việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, sửa đổi một
số quy định của Nghị định số 108 cho nhất quán với quy định của Luật Doanh nghiệp và
Nghị định số 139 không chỉ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân
hàng để phát triển sản xuất kinh doanh mà còn tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức tín dụng
đẩy mạnh hoạt động tín dụng và giảm thiểu rủi ro pháp lý trong bối cảnh hội nhập kinh tế
quốc tế.
SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 4/2008



×